Ngày
05/05/2013
Chúa Nhật
Tuần VI Mùa Phục Sinh Năm C
(Phần II)
Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật VI Phục
Sinh năm C, ngày 5.5.2013
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH NĂM C
Sách Công Vụ Tồng Đồ Cv 15,1-2.22-29; Sách
Khải Huyền của Thánh Gioan Tông Đồ 21,1014.22-23 và Phúc Âm Thánh Gioan
14,23-29
I. Giáo Huấn P.Â.:
“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”-
“Lời Thầy” là gì? Là yêu thương nhau như Thầy yêu thương các con.
“Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại
trong người ấy!” – Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệp hiệp nhất và yêu thương
trọn vẹn – Giữ giới luật yêu thương là thể hiện mầu nhiệm ba ngôi Thiên Chúa.
Chúa Cha – Chúa Con và Chúa Thánh Thần là một diễn tả tròn đầy giới luật yêu
thương.
“Đấng bảo trợ là Thánh Thần… sẽ dạy anh em
mọi điều..” Chúa Giêsu đến để làm theo ý Thiên chúa Cha. Chương trình cứu
độ là chương trình của Thiên Chúa Ba Ngôi và Chúa Thánh Thần đóng vai trò bảo
trợ và hướng dẫn.
Kitô hữu là người tin Chúa Ba Ngôi – thực
hành Lời Chúa dạy và sống dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần
II. Vấn nạn P.Â.
Diễn từ ly biệt
của Chúa Giêsu chỉ được ghi lại trong Phúc Âm Gioan.
Phúc Âm Nhất Lãm, Matthêô, Marcô và Luca đều tường thuật về bữa tiệc ly của
Chúa Giêsu và các tông đồ, cũng như việc thiết lập Bí Tích Thánh Thể và cơn hấp
hối trong vườn cây dầu. Tuy nhiên chỉ có Phúc Âm Gioan có diễn từ biệt ly, dài
tới bốn chương từ chương 14 đến chương 17. Tại sao?
Các tác giả Phúc
Âm Nhất Lãm, chỉ có tông đồ Matthêô hiện diện trong bữa tiệc ly đêm tối Thứ
Năm. Đọc giả của Phúc Âm Thánh Matthêô là những Kitô hữu Do Thái gắn liền
với truyền thống Do Thái Giáo. Phúc Âm được viết để đáp ứng nhu cầu phát triển
của Giáo Hội Sơ Khai sau năm 70, tức sau biến cố triệt hạ đền thờ Giêrusalem và
phân tán Do Thái của đế quốc La Mã.
Phúc Âm Matthêô
được biểu tượng bằng hình con người. Tác giả Phúc Âm muốn diễn tả Chúa Giêsu là
con Thiên Chúa, là Đấng đến từ dòng dõi David chứ không nhằm diễn tả những ý
niệm cao siêu và khá trừu tượng như trong Phúc Âm về diễn từ ly biệt nói về
tình yêu và về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và sự thông hiệp giữa Kitô hữu và
mầu nhiệm hiệp nhất hoàn hảo nầy.
Các Phúc Âm khác
như Phúc Âm Marcô hay Luca được coi như những bản sao chép của Phúc Âm Matthêô.
Nên đương nhiên không thể có diễn từ ly biệt vì “bản gốc” đã không có.
Phúc Âm Gioan
được viết sau cùng và có mặt ở cộng đồng Kitô hữu vào đầu thế kỷ thứ hai. Vì
thành hình sau cùng nên đầy đủ nhất và chứa đựng nhiều yếu tố thần học, đặc
biệt về Kitô học. Phúc Âm thứ tư được biểu tượng bằng chim phượng hoàng, bay
cao, xa và trên. Rất có thể Chúa Giêsu đã không có diễn từ ly biệt rất dài đến
bốn chương trong Phúc Âm Gioan. Rất có thể phần chính trong diễn từ nầy đến từ
những suy tư và đời sống tông đồ của Thánh Gioan. Gioan muốn dạy cho giáo dân
về giới luật yêu thương, về mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi và về sự liên kết giữa
con người và Chúa Giêsu, nên Ông đã tận dụng những nhắn nhủ của Chúa sau khi
rửa chân cho các tông đồ, để đặt vào miệng Chúa Giêsu bài diễn từ biệt ly trên.
Công Đồng Giêrusalem
thời các tông đồ khoảng năm 50
Theo cách hiểu thông
thường. Công đồng chung là một đại hội nghị gồm có Đức Giáo Hoàng và các Giám
Mục trên toàn thế giới, cũng như các bề trên thượng cấp của các dòng tu chính. Công
đồng chung do chính Đức Giáo Hoàng triệu tập để bàn luận và quyết định về
những vấn đề Giáo Lý đức tin hay sinh hoạt trong Giáo Hội. Lịch sử Giáo
Hội ghi nhận có 21 Công Đồng Chung. Công đồng Nicêa năm 325 được coi như là
Công Đồng chung thứ Nhất.
Công đồng Giêrusalem
được triệu tập khoảng năm 50 không được xếp vào Công Đồng chung thứ nhất. Có lẽ
vì lý do thiếu những nghi thức chính thức mà chỉ là một nhóm họp cấp bách để
giải quyết vấn để cắt bì hay không cắt bì. Tuy nhiên nó hội đủ những yếu tố của
một công đồng: Giáo Hoàng Phêrô triệu tập – Có các tông đồ tức các Giám Mục
tham dự và có vấn đề liên quan đến đức tin được bàn cải và giải quyết.
Bài đọc Thứ Nhất hôm
nay trích sách Tông Đồ Công Vụ cho biết đã có sự tranh luận gay cấn giữ các
tông đồ về chuyện dân ngoại tòng giáo cũng phải theo thói tục cắt bì của Do
Thái. Thánh Phaolô và Barnaba bác bỏ thói tục nầy. Vỉ đó là luật của Môsê và
chỉ áp dụng cho người Do Thái thôi. Anh em lương dân, không là người Do Thái
khi tòng giáo không phải cắt bì.
Phêrô triệu tập Công
Đồng chung lần đầu tiên tại Giêrusalem để quyết định rằng: “Thánh Thần và
chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác ngoài
những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn tiết,
và tránh gian dâm. Anh em cẩn thận tránh những điều đó là tốt rồi” (Cv
15:28-29). Công đồng đã quyết định không bắt buộc “dân ngoại” phải cắt bì và
tuân thủ Lề Luật của người Do Thái. Phêrô lên tiếng bảo vệ cùng một nguyên tắc
như Phaolô: “Anh em biết: ngay từ những ngày đầu, Thiên Chúa đã chọn tôi giữa
anh em, để các dân ngoại được nghe lời Tin mừng từ miệng tôi và tin theo...”
(Cv 15: 7t).
III. Thực hành P.Â.:
Căn tính Kitô hữu: Yêu thương nhau như Thiên Chúa Ba Ngôi.
Ai cũng biết đạo công giáo chỉ có một giới luật quan trọng
là Kính Chúa và yêu người. Nhưng chúng ta thực hành không được. Lý do? Vì chúng
ta quên căn tính mình là con TC duy nhất và chúng ta là anh chị em với nhau
nhưng lại lấy những cái phụ tùy cho là gốc.
Những chuyện thường xảy ra: Các Giám Mục, linh mục cùng địa phận gốc địa phận
Bùi Chu hay Phát Diệm…. sẽ dễ qui tụ, nâng đỡ nhiều khi châm chế xí xóa cho
nhau. Nên các linh mục ở Việt Nam
đi du lịch sang Mỹ hay các nước thì phải tìm đến người cùng gốc. Anh chị em
giáo dân cũng vậy, nhiều khi hy sinh tiền bạc để xây dựng giáo xứ ở địa phận
gốc bên quê nhà. Rất tốt, tuy nhiên, giáo xứ bên nầy thì thế nào? Chúng ta vẫn
phải có bổn phận xây dựng chứ! Nói như thế để chúng ta thấy là mình nên xây
dựng tình người trên căn tính là con Thiên Chúa. Nó vừa đúng mà vừa thực hiện
được đặc tính bác ái ái là yêu thương rộng rãi. Tôi xin đề cập đến việc lầm
tưởng căn tính Kitô hữu nơi người Công Giáo chúng ta qua câu chuyện “Hãy để
ngày ấy lụi tàn” như sau:
Hãy để ngày
ấy lụi tàn với tựa tiếng Anh là Let the day perish do Gerald Gordon viết năm
1952 do một luật sư sống ở Nam Phi trong thời kì xuất hiện nạn phân biệt chủng
tộc Apathied. Vì lí do này nên nội dung cây chuyện xoay quanh vấn đề phân biệt
chủng tộc ở Nam Phi. Người phụ nữ da màuMary bị mắc kẹt giữa hai thế giới người Âu
và da màu, cô là người phụ nữ da màu có học và xinh đẹp. Cô yêu và lấy một
người lính Anh George. Họ không được chào đón ở thế giới người Âu, Mary cũng tự
xa lánh khỏi những người da màu nghèo hèn, họ sống một cuộc sống chật vật với
đồng lương quản lí quán rượu của người chồng ở khách sạn. Như một ân
sủng, họ sinh được một đứa con da trắng Antôn khôi ngô, nhanh nhẹn và được học
ở trường dành riêng cho người da trắng. Nhưng đứa con thứ hai Steve lại mang
màu da của Mary. Xã hội đã không chấp nhận sự tồn tại của cả hai anh em. Mary
quyết định gửi Antonie đi học trong một trường Âu ở Winston,
chính điều này đã đẩy hai anh em vào hai thế giới hoàn toàn khác nhau. Vì tương
lai phía trước của mình Antôn đã bỏ rơi gia đình, bỏ rơi mẹ và em, hoàn toàn xa
lánh họ.Đến khi gặp Ren, một cô gái xinh đẹp, Antôn cũng không dám tiết lộ ra
sự thực nguồn gốc da đen của mình.
Sau một thời gian
dài không gặp lại nhau, hai anh em phải trải qua những giờ phút đau khổ khi
chứng kiến cái chết của cha và mẹ. Sau này Antôn trở thành một luật sư có tài,
được trọng dụng trong thế giới của người da trắng. Cái chết của mẹ đã làm cho
Antôn thay đổi cách nghĩ và đã đổi sang họ mẹ để tưởng nhớ về mẹ. Trái với sự
lạnh nhạt mà Antôn dành cho mình, Steve luôn dõi bước theo anh.Sau bao nhiêu
biến cố xảy ra hai anh em gặp nhau đúng vào ngày một luật sư đến tìm Antôn tại
nhà anh, vì muốn che dấu người em da đen của mình mà Antôn đã lỡ tay ngộ sát
tên luật sư ấy. Trong thời gian hầu tòa Antôn đã ngẫm nghĩ về thân phận của
mình, về bức rèm bí mật về cuộc đời mình mà anh đã che dấu bấy lâu nay. Anh
luôn sống trong giả dối lo sợ, còn Steve sống thoải mái với những hoạt động của
mình trong một tờ báo chống phân biệt chủng tộc. Cuối cùng để chứng minh cho sự
trong sạch của mình anh phải thú nhận hết nguồn gốc của mình.
Antôn đã
không thành công khi cố gắng chối bỏ nguồn gốc da đen của mình. Nên đứng trên
nguồn cội mà tranh đấu cho nhân quyền hơn là cố gắng chối bỏ nguồn cội.
Lá rụng về
cội. Cội nguồn chúng ta là con Thiên chúa. Hãy quay về cội nguồn, về căn tính
của mình. Từ đó chúng ta mới thấy tại sao mình phải yêu thương người khác.
Không cần họ cùng làng hay cùng gốc địa phận, nhưng họ cùng có Thiên chúa là
Cha. Cùng cha tức chúng ta là anh chị em. Không cần đi tìm một thứ gốc nào khác
để thực hiện bác ái yêu thương một cách hẹp hòi và cục bộ, nhưng nên đứng trên
căn tính con Thiên Chúa để thực thi tình yêu Chúa là Cha và tình bác ái với tha
nhân là anh chị em mình.
Lm. Phêrô Trần thế Tuyên
Lectio: Chúa Nhật VI Phục Sinh (C)
Chúa Nhật, 5 Tháng 5, 2013
Chúa Thánh Thần sẽ giúp
chúng ta hiểu Lời Chúa
Giêsu
Ga 14:23-29
1. Lời Nguyện Mở Đầu
Lạy Thiên
Chúa Toàn Năng ngự trên cao,
Chúa đã biến đời sống mỏng manh của chúng con thành đá tảng đền thờ Chúa ngự.
Xin hãy hướng dẫn tâm trí chúng con biết đập vỡ những phiến đá trong sa mạc,
để cho nước có thể chảy ra hầu làm dịu cơn khát của chúng
con.
Nguyện xin cho
sự nghèo nàn
về cảm xúc của chúng con che phủ chúng con như tấm áo choàng trong bóng tối của đêm đen.
Và xin Chúa hãy mở lòng trí chúng con để chúng con có thể nghe được tiếng vang vọng của sự im lặng cho đến lúc bình
minh,
Xin hãy ấp ủ chúng con
trong ánh sáng của buổi rạng đông,
Xin hãy mang đến cho chúng con,
Với than hồng từ lửa của những người chăn chiên
của Đấng Tuyệt Đối
Là những người canh thức cho chúng con được gần với Thầy Chí Thánh, hương vị của kỷ niệm thánh.
2. Bài Đọc
a) Tin Mừng:
23 Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha
Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. 24 Kẻ không yêu mến Thầy, thì
không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha Thầy, Đấng đã sai Thầy. 25 Thầy đã nói với các con
những điều này khi còn ở với các con. 26 Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. 27 Thầy để lại bình an cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các con; Thầy ban cho các con không như thế gian ban
tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. 28 Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: “Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con”. Nếu các con yêu mến Thầy,
thì các con hãy vui mừng, vì Thầy về với Cha; bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. 29 Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin.
b) Giây phút thinh lặng:
Chúng ta hãy để cho Lời Chúa vang vọng ở trong
lòng chúng ta.
3. Suy Niệm
a) Một vài câu
hỏi gợi ý:
- “Và Chúng Ta sẽ đến và ở trong Người ấy”: nhìn vào trong trại nội tâm của chúng
ta, liệu chúng ta
sẽ tìm thấy được căn lều của sự hiện diện (shekinah) của Thiên Chúa chăng?
- “Kẻ không yêu mến Thầy thì
không giữ lời Thầy”: có phải những lời này của Chúa Kitô chỉ là sáo ngữ đối với chúng ta
bởi vì chúng
ta không có lòng yêu mến không? Hay là chúng ta có thể nói rằng chúng ta xem những lời này như kim chỉ nam cho cuộc hành trình của chúng ta không?
- “Chính Chúa Thánh Thần sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con”: Chúa Giêsu về cùng Chúa Cha, nhưng mọi điều Người đã nói và làm hãy còn ở lại với chúng ta. Bao giờ thì chúng ta sẽ có khả năng nhớ được những việc kỳ diệu mà ân sủng Thiên Chúa đã hoàn thành trong
chúng ta? Chúng ta có lãnh nhận hoặc chấp nhận được tiếng nói của Chúa Thánh Thần cho chúng ta biết trong lòng về ý nghĩa của tất cả các việc đã xảy ra không?
- “Thầy ban bình an của Thầy cho các con: bình an của Chúa Kitô Phục Sinh”: Đến khi nào thì chúng ta mới có thể từ bỏ được những lo lắng và đam
mê trong đời sống chúng ta, những điều đã lôi kéo chúng ta xa rời nguồn mạch hữu thể? Lạy Thiên Chúa của bình an, đến khi nào thì chúng con sẽ sống chỉ riêng cho
Chúa, sự bình an
chờ đợi của chúng con?
- “Thầy nói với các con
trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin”: Trước khi việc xảy ra…
Chúa Giêsu ưa nói cho
chúng ta biết trước những gì sẽ xảy ra, để khi những việc này xảy ra thì
chúng ta không bị ngỡ ngàng, thiếu chuẩn bị. Nhưng, chúng ta đã sẵn sàng để đọc thấy những dấu chỉ các sự việc của chúng ta với những lời nghe được từ Chúa chưa?
b) Ý chính của bài đọc:
Để tìm một nơi gọi là nhà cho chúng ta, Thiên Đàng không có một chỗ nào tốt hơn là một trái tim con người biết yêu thương. Bởi vì một quả tim mở rộng yêu thương thì nới rộng ranh giới và các chướng ngại bởi thời gian và không gian đều biến mất. Sống trong yêu thương cũng bằng sống trong
Thiên Đàng, bằng sống trong Chúa Giêsu, Đấng là tình yêu, và tình yêu vĩnh cửu.
Câu 23: Chúa
Giêsu phán cùng môn đệ rằng: “Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha
Thầy sẽ yêu mến người ấy, và
Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Trong nguồn gốc của tất cả các kinh nghiệm tâm linh thường luôn có động tác đi tới. Bước một bước nhỏ, rồi sau đó mọi việc chuyển động một cách nhịp nhàng. Và chỉ cần bước một bước: Nếu ai yêu mến Thầy: Có thể nào người ấy cũng yêu mến Thiên Chúa chăng? Và làm thế nào mà thấy được khuôn mặt của Người không còn ở trong đám đông nữa? Yêu
mến: Yêu mến thực sự có nghĩa
là gì? Một cách khái quát, yêu mến đối với chúng ta có nghĩa là mong muốn mọi việc tốt lành cho người mình
yêu, muốn được gần bên nhau, quyết định những việc để xây dựng tương lai, hy sinh bản thân… yêu mến Chúa Giêsu thì không giống như thế. Yêu
mến Chúa
Giêsu nghĩa là làm theo những gì Người đã làm, đừng thoái lui khi phải đối diện với đau đớn, hoặc sự chết; hãy yêu mến như Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta… và trong tình yêu này Lời của Người đã trở thành của ăn hằng ngày và cuộc sống đã trở thành Thiên Đàng bởi vì có sự hiện diện của Chúa Cha.
Các câu 24-25. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con
nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha Thầy, Đấng đã sai
Thầy. Nếu không có tình yêu, thì hậu quả thật là thảm khốc. Lời của Chúa
Giêsu chỉ có thể tuân giữ được khi có lòng yêu thương trong trái tim, bằng không chúng vẫn chỉ là những lời đề nghị vô lý. Những lời này
không phải là những lời nói xuông của một người thường, mà đây là những lời phát xuất từ trái tim của Chúa Cha kêu gọi mỗi người chúng ta hãy trở nên giống Người. Trong
cuộc sống, đây không phải là một lời yêu cầu quá đáng, ngay cả khi họ là những người rất tốt. Thật là cần thiết để là những con người, những người con, được trở nên hình ảnh giống như Chúa, Đấng không bao giờ ngừng nghỉ cho đi
hoàn toàn chính bản thân
mình.
Các câu 25-26. Thầy đã nói với các con
những điều này khi
còn ở với các con. Nhưng Đấng Phù Trợ, là Thánh
Thần, mà Cha
sẽ sai đến nhân
danh Thầy, chính
Người sẽ dạy các con
mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các
con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Ghi
nhớ là một hành động của Chúa Thánh Linh; khi trong thời đại của chúng
ta, những gì xảy ra trong quá khứ được xem như là mất đi vĩnh viễn và trong tương lai lại có một cái gì đó như là đe dọa lấy đi niềm vui của chúng ta hôm nay, chỉ có sự thổi hơi của Chúa Thánh Linh trong bạn mới có thể giúp bạn nhớ được những điều ấy. Để ghi nhớ những gì đã được nói, mỗi lời nói từ miệng Thiên Chúa phán ra dành cho bạn, và đã bị lãng quên bởi vì sự thật là thời gian đã qua đi.
Câu 27. Thầy để lại bình an
cho các con; Thầy ban bình an của Thầy cho các
con; Thầy ban cho
các con không như thế gian ban
tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Sự bình an của Chúa Giêsu để lại cho
chúng ta không phải là không
có các mâu thuẫn, sự tĩnh lặng của cuộc sống, sức khỏe …. mà là sự phong
phú của tất cả các điều tốt lành, không có sự lo lắng khi phải đối mặt với những gì sẽ xảy ra. Chúa không bảo đảm với chúng ta
một cuộc sống hoàn hảo, nhưng sự liên hệ viên mãn cha con trong một tình yêu thương gắn bó với các công
việc của Người thì
tốt cho
chúng ta. Chúng ta sẽ có sự bình an, ngay khi chúng ta đã học được cách tin tưởng vào việc mà Chúa Cha đã chọn cho chúng ta.
Câu 28. Các
con đã nghe Thầy nói với các con
rằng: “Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con”. Nếu các con
yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng, vì Thầy về với Cha; bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Chúng ta trở lại với câu hỏi về tình yêu. Nếu các con yêu mến Thầy, các con phải vui mừng. Nhưng câu nói này của Thầy Chí
Thánh có nghĩa gì? Chúng ta có thể điền thêm vào những
chữ sau và
nói: Nếu các con yêu mến Thầy, thì các
con phải vui mừng vì Thầy về với Cha Thầy …. Nhưng bởi vì các con chỉ nghĩ đến cho
chính bản thân các
con, các con buồn bã vì Thầy sắp sửa rời xa các con. Tình yêu của các môn đệ là một tình yêu vị kỷ. Các ông không yêu Chúa Giêsu vì các
ông không nghĩ đến Người, mà các ông chỉ nghĩ đến bản thân mình thôi. Sau đó, tình yêu mà Chúa Giêsu đòi hỏi là tình yêu như thế này! Một tình yêu có thể vui mừng khi thấy người khác được hạnh phúc. Một tình yêu có khả năng
không nghĩ đến bản thân mình như trung tâm điểm của vũ trụ, nhưng là một nơi chốn mà người ta được cảm thấy có sự cởi mở để cho đi và có thể nhận lãnh: không đổi chác, mà như là một kết quả của món quà
nhận được.
Câu 29. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì
các con tin. Chúa Giêsu nói trực tiếp với các môn
đệ vì Người biết các ông sẽ còn bối rối và sẽ chậm nhận ra điều này. Lời của Chúa đã không biến mất, chúng vẫn còn hiện hữu trên thế gian này, trân quý qua sự hiểu biết trong đức tin. Một cuộc gặp gỡ với Đấng Toàn Năng, Đấng mà luôn luôn vì con người và mãi mãi yêu thương con người.
c) Suy Niệm:
Tình yêu: một từ ngữ kỳ diệu và cổ xưa, xưa như trái đất, một chữ rất quen thuộc đã được phát sinh ở trên đời của mỗi người ngay lúc
người ấy được tạo dựng. Một chữ đã được viết trong các thớ thịt của loài người từ lúc bắt đầu cho đến lúc kết thúc, như một công cụ của hòa bình, như của ăn và quà tặng, như chính
mình, như loài người, như Thiên Chúa. Một chữ được giao phó
cho lịch sử qua cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Tình yêu, một hiệp ước mà đã
luôn luôn có chỉ một tên: loài
người. Đúng thế, bởi vì tình
yêu xảy ra cùng
lúc với loài người: tình
yêu là không khí để loài người thở, tình yêu là của ăn đã được ban phát cho loài người, tình yêu là tất cả những gì người ta ký thác vào, tình yêu là sự liên kết hợp nhất biến loài người thành mảnh đất của tín
thác. Tình yêu đó với Thiên Chúa đã nhìn thấy qua sự tác tạo và ban phát của Người: “Thiên Chúa thấy tốt đẹp”. Và Thiên Chúa đã không rút lại lời giao ước khi loài
người đã tự biến mình thành một vật loại bỏ hơn là một món quà tặng, một cái vả vào má hơn là một sự âu yếm, một hòn đá ném đi hơn là một giọt nước mắt im lặng. Thiên Chúa lại càng yêu thương hơn qua ánh mắt và trái tim của Chúa Con, cho đến tận thế. Loài
người đã trở thành ngọn đuốc tội lỗi, và Chúa Cha đã mở rộng tay cứu rỗi họ một lần nữa, chỉ vì tình
yêu, trong ngọn Lửa của Chúa Thánh Thần.
4. Cầu Nguyện
Thánh Vịnh 37:23-31
Chúa giúp con người bước đi vững chãi,
Con người ưa chuộng đường lối họ bước theo;
Dầu họ có vấp cũng không ngã gục,
Bởi vì đã có Chúa cầm tay.
Từ nhỏ dại, tới nay tôi già cả;
Chưa thấy người công chính nào bị bỏ rơi;
Hoặc con cháu họ phải ăn mày
thiên hạ.
Ngày ngày họ rộng rãi từ tâm và
cho mượn cho vay,
Và con cháu họ mai sau hưởng phúc lành.
Hãy làm lành, lánh dữ;
Bạn sẽ được một nơi ở muôn đời.
Bởi vì Chúa yêu thích điều chính trực;
Người sẽ chẳng bỏ rơi những bậc hiền đức.
Người công chính sẽ được gìn giữ mãi mãi,
Quân bất chính sẽ hoàn toàn bị tiêu diệt.
Dòng giống ác nhân rồi cũng phải tru di.
Còn người công chính được đất hứa làm gia nghiệp,
Và định cư tại đó mãi muôn đời.
Miệng người công
chính niệm lẽ khôn ngoan,
Và lưỡi họ nói lên
điều chính trực.
Luật Thiên Chúa, họ ghi tạc vào lòng,
Bước chân đi không hề lảo đảo.
5. Chiêm Niệm
Lạy Chúa, con trông thấy
Chúa ngự trị trong đời sống hằng ngày của con nhờ vào Lời Chúa đã cùng đồng
hành với con trong những khoảnh khắc đẹp nhất của con, khi tình yêu của con
dành cho Chúa trở nên dũng cảm, mạnh mẽ và con đã không nao núng khi phải đối
diện với những gì con cảm thấy không thuộc về con. Chúa Thánh Thần như một ngọn gió: thổi
đến nơi mà Người muốn đến và nơi mà tiếng nói của Người chưa được nghe; Chúa
Thánh Thần đã trở thành một phần không gian trong con, và giờ đây con có thể
thưa với Chúa rằng Người giống như một người bạn thân để con luôn nhớ
tới. Trở lại để nhớ tới
những lời đã nói, đến các sự kiện chúng con đã sống, để cảm nhận được sự hiện
diện trong khi trên đường đi, đã giúp bình an cho tâm hồn. Con luôn cảm thấy sự ngự trị này sâu
thẳm trong con hơn bao giờ hết, trong mọi lúc, qua sự thinh lặng, một trong
những câu nói của Chúa hiện về trong tâm trí con, hay một lời mời gọi của Chúa,
một lời nói của Chúa về lòng bác ái yêu thương, hoặc khoảnh khắc thinh lặng của
Chúa. Những đêm cầu nguyện
của Chúa cho phép con được cầu nguyện với Chúa Cha và để tìm được sự bình
an. Lạy Chúa, sự mỏng dòn
yếu đuối được che dấu trong các lời khẩn cầu của con, xin hãy ban cho con biết
trân quý tất cả những gì thuộc về Chúa: một
quyển sách, khi được mở ra, trong đó có lời giải thích một cách dễ hiểu về ý
nghĩa của sự hiện diện của con nơi đây. Xin
hãy ban cho những lời của con được là nơi cư ngụ của Lời Chúa, xin cho cơn đói
khát của con là nhà Chúa, bánh hằng sống, xin cho nỗi đau khổ của con trở thành
ngôi mộ trống và tấm khăn liệm được gấp lại để mọi việc mà Chúa muốn có thể
được thực hiện, cho đến hơi thở cuối cùng. Lạy Chúa, con yêu mến Chúa, Chúa là đá
tảng của con.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét