Ngày 07/05/2013
Thứ Ba Tuần VI Mùa Phục Sinh
Năm C
Cv 16,22-34 |
BÀI ĐỌC I: Cv 16, 22-34
"Anh hãy tin vào
Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu thoát".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, dân thành Philipphê xúm
lại chống đối Phaolô và Sila; các nhà chức trách cho người xé áo choàng các
ngài, và ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh các ngài nhừ tử, họ cho tống ngục, và
truyền cho viên canh ngục canh giữ cẩn thận. Được lệnh như thế, viên cai ngục
giam các ngài vào ngục sâu nhất, và còng chân các ngài lại.
Đến nửa đêm, Phaolô và Sila cầu nguyện ca tụng
Thiên Chúa; các tù nhân đều lắng nghe các ngài. Bỗng xảy ra một cuộc động đất
lớn, làm rung chuyển cả nền móng ngục thất. Tức khắc mọi cửa đều mở tung, và
xiềng xích mọi tù nhân đều rơi xuống. Viên cai ngục giật mình thức dậy, thấy
các cửa ngục mở tung, thì rút gươm toan tự vẫn, vì tưởng những người bị xiềng
đã tẩu thoát. Nhưng Phaolô kêu lớn tiếng rằng: "Anh chớ hại mình, vì chúng
tôi còn tất cả ở đây". Viên cai ngục gọi lấy đèn, rồi chạy vào tù, và run
rẩy sấp mình dưới chân Phaolô và Sila; đoạn dẫn hai ngài ra ngoài và nói:
"Thưa các ngài, tôi phải làm gì để được cứu thoát?" Hai ngài đáp:
"Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì anh và cả nhà anh sẽ được cứu độ".
Hai ngài giảng dạy lời Chúa cho anh và mọi
người trong nhà. Ngay lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ngài đi, rửa
vết thương, và lập tức anh ta được chịu phép rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi
anh đưa hai ngài lên nhà, dọn bàn ăn. Anh và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên
Chúa. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 137, 1-2a. 2bc-3. 7c-8
Đáp: Lạy Chúa, tay hữu Chúa khiến con được sống an lành (c.
7c).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Lạy Chúa, con sẽ
ca tụng Chúa hết lòng, vì Chúa đã nghe lời miệng con xin; trước mặt các thiên
thần, con đàn ca mừng Chúa, con sấp mình thờ lạy bên thánh điện Ngài. - Đáp.
2)
Và con sẽ ca tụng uy danh Chúa, vì lòng nhân hậu và trung thành của Chúa. Khi
con kêu cầu, Chúa đã nhậm lời con, Chúa đã ban cho tâm hồn con nhiều sức mạnh. - Đáp.
3)
Tay hữu Chúa khiến con được sống an lành. Chúa
sẽ hoàn tất cho con những điều đã khởi sự, lạy Chúa, lòng nhân hậu Chúa tồn tại
muôn đời, xin đừng bỏ rơi công cuộc tay Ngài. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 14, 26
Alleluia,
alleluia! - Thánh Thần sẽ dạy các con mọi điều; và sẽ nhắc nhở cho các con tất
cả những gì Thầy đã nói với các con. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 16, 5b-11
"Nếu Thầy không
đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Bây giờ Thầy về với Đấng đã sai Thầy, mà các con không ai hỏi Thầy: Thầy
đi đâu? Nhưng vì Thầy đã nói với các con điều đó, nên lòng các con tràn ngập u
sầu. Dầu vậy Thầy phải nói sự thật cho các con: Thầy đi thì ích lợi cho các
con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu
Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con. Khi Người đến,Người sẽ tố cáo
thế gian về tội lỗi, về sự công chính và về án phạt. Về tội lỗi vì họ đã không
tin vào Thầy. Về sự công chính, vì Thầy về cùng Cha, và các con sẽ không còn
thấy Thầy. Về án phạt, vì thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử". Đó là lời
Chúa.
SUY NIỆM : Thầy Ði Sẽ Ích
Lợi Cho Các Con
Trong
sách Tông Ðồ Công Vụ có kể lại rằng: Trong dịp lễ Ngũ Tuần, khi người Do Thái
từ khắp nơi tuốn về Giêrusalem để mừng lễ, các môn đệ quá sợ hãi nên đã đóng
kín cửa lại. Bỗng từ trời có tiếng ào ào như thể cuồng phong thổi đến lùa vào
nhà. Hết thảy họ đều được đầy Thánh Thần, không còn sợ hãi và nói được nhiều
thứ tiếng khác nhau, tùy theo Thần Khí ban cho họ. Phêrô đã mạnh dạn cất tiếng
rao giảng về Ðức Kitô thành Nazareth ,
Người vừa bị hội đường Do Thái kế án và chết treo trên Thập Giá. Và sự việc vừa
xảy ra trong lễ Vượt Qua và trong số người nghe lúc ấy cũng có lắm kẻ lớn tiếng
kết án người. Vậy mà sau khi Phêrô giảng, khoảng 3,000 người thành tâm thống
hối về việc làm của mình. Họ xin Phêrô và các tông đồ chỉ dạy cho biết phải làm
gì để đền bù những lỗi lầm ấy.
Anh
chị em thân mến!
Lời
giảng của Phêrô và các tông đồ thu được kết quả như vậy là nhờ Chúa Thánh Thần,
Ðấng đã tác động trên người giảng lẫn người nghe. Ðây là một công việc đã được
Chúa Giêsu tiên báo trước khi Ngài từ giã các môn đệ như tường thuật của thánh
sử Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay.
"Khi Ðấng phù trợ
đến, Ngài sẽ tố cáo thế gian về tội ác, về sự công chính và về án phạt".
Lời
tiên báo của Chúa Giêsu đã thực hiện nơi người Do Thái. Trong dịp lễ Ngũ Tuần,
việc làm của họ một lần nữa được tông đồ nhắc lại, và nhờ vào Thánh Thần họ đã
hiểu thế nào là tội, là sự công chính và án phạt. Việc làm ngày hôm trước lễ
Vượt Qua họ tưởng là việc phụng sự Thiên Chúa, kỳ thực họ đã lầm. Họ đã giết
chết Ðấng Thánh của Thiên Chúa, người được Thiên Chúa sai đến để cứu dân.
Về
phần Chúa Giêsu, Ngài bị giết chết, nhưng Ngài không chết. Ngài đã sống lại và
hiện đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Khi bị treo trên Thập Giá, lúc con người của
Chúa Giêsu đi đến tột cùng cũng là lúc con người nhận ra sự công chính ở nơi
Ngài. Viên bách quan đã tuyên xưng: "Ông này thật là Con Thiên Chúa",
trông xem cảnh tượng đấm ngực về cái chết của Chúa Giêsu là khởi đầu cho việc
công chính hóa. Ðồng thời tội lỗi và quyền lực sự dữ bị kết án.
Sự
Phục Sinh của Ngài là chiến thắng quyền lực của thần chết để có ai bước theo
Ngài không còn lo buồn thất vọng, nhưng phấn khởi vui mừng vì một ngày kia cũng
sẽ được thông phần vinh quang với Ngài. Tất cả biến cố Tử nạn và Phục Sinh này
dù đã được Chúa Giêsu giảng giải, các tông đồ vẫn chìm trong tăm tối. Chỉ khi
Chúa Thánh Thần hiện xuống ban sức mạnh cho họ thì họ mới vững mạnh tuyên xưng
lòng tin và đám đông dân chúng nghe theo họ cũng được Thánh Thần soi sáng và
thúc đẩy họ hành động. Các tông đồ mạnh dạn rao giảng về Ðức Kitô, đám đông âu
lo tìm kiếm xem họ phải làm gì và họ thực hành đúng điều Thiên Chúa muốn.
Anh
chị em thân mến!
Kitô
hữu ngày nay cũng đã được lãnh nhận Ðấng Phù Trợ, Ngài đã cho họ biết về tội
lỗi, về sự công chính và về án phạt. Tuy nhiên, chỉ đơn thuần là hiểu biết mà
thôi thì chưa đủ, mà hiểu biết phải dẫn đến hành động và chính hành động sẽ dẫn
họ đến miền đất của sự công chính hay án phạt. Ba ngàn người Do Thái đã trở lại
vào dịp lễ Ngũ Tuần chẳng phải là những người vô tội, trong nhóm họ lắm kẻ
trước đây đã lên tiếng kết án Chúa Giêsu, nhưng không vì thế mà bây giờ họ
không còn lối thoát, phải nhận chịu án phạt. Thánh Thần đã mở lối cho họ hiểu
biết thì Ngài cũng vạch đường cho họ bước theo.
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin soi sáng cho chúng con biết đâu là tội lỗi, đâu là sự công chính và đâu là
án phạt. Như người Do Thái, không ít lần con đã nhiệt tâm hành động vì cứ tưởng
như thế là tôn vinh Thiên Chúa. Chỉ khi được đối diện với Thánh Thần Chân Lý
con mới hiểu được rằng, tất cả đều sai lầm và một khi đã lãnh nhận ra sự sai
lầm, xin Ngài giúp chúng con mau mắn tìm về nẻo chính đường ngay. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Ba Tuần
VI PS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hiệu quả của đức tin
Đứng
trước đau khổ, con người có những phản ứng khác nhau, tùy theo những gì họ tin
hay không tin vào Thiên Chúa. Người có đức tin sẽ nhìn đau khổ như một cơ hội
luyện tập để đức tin của họ càng ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Vì thế, họ
coi thường đau khổ, vẫn sống an bình vì họ luôn tin tưởng nơi Thiên Chúa. Ngược
lại, người không có đức tin sẽ tìm mọi cách để trốn tránh đau khổ; và nếu không
tránh được, họ sẽ kêu trách, ta thán, và ngay cả tìm cách kết liễu cuộc đời để
khỏi phải chịu đau khổ.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta thấy những thái độ khác nhau này. Trong Bài Đọc I,
Phaolô và Silas, tuy bị cáo gian, đánh đòn, và bị xiềng xích trong ngục, các
ông vẫn vui tươi, tin tưởng, và hát thánh ca chúc tụng Thiên Chúa. Ngược lại,
viên cai ngục lại lo lắng đến độ súyt kết liễu đời mình, vì thấy cửa ngục bị mở
tung và tưởng rằng hai ông đã trốn thoát. Hai ông phải lên tiếng báo cho ông ấy
biết mình vẫn còn trong ngục, ông ấy mới thôi không kết liễu đời mình. Trong
Phúc Âm, khi Chúa Giêsu thấy các môn đệ quá đỗi ưu phiền về những gì sắp xảy
ra, Ngài hứa sẽ gởi cho các ông một Đấng Bảo Trợ khác là Thánh Thần. Đấng này
sẽ làm việc trong các ông, giúp các ông nhận ra sự thật toàn vẹn, và an ủi các
ông khi gặp các gian nan khốn khó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Đức tin là sự khác biệt trong lúc nguy nan đau khổ.
1.1/
Thái độ của hai ông trước cực hình: Sở dĩ hai ông bị chống đối là vì Phaolô đã
nhân danh Đức Kitô truyền lệnh cho quỉ phải xuất khỏi người tớ gái, vì cô này
luôn đi theo hai ông để nói cho mọi người biết hai ông là đầy tớ của Thiên Chúa
Tối Cao, và sẽ chỉ cho mọi người biết con đường cứu độ. Khi chủ của cô biết quỉ
đã xuất khỏi cô, và cô không còn sinh lợi cho hắn bằng cách nói tiên tri nữa;
ông kích thích đám đông để có cớ buộc tội hai ông.
Sách
CVTĐ tường thuật: "Đám đông nổi lên chống hai ông. Các quan toà, sau khi
đã cho lột áo hai ông, thì ra lệnh đánh đòn. Khi đã đánh nhừ tử, họ tống hai
ông vào ngục, và truyền cho viên cai ngục phải canh giữ cẩn thận. Được lệnh đó,
người này tống hai ông vào phòng giam sâu nhất và cùm chân lại." Sau một
trận đòn dã man như thế, hai ông vẫn không một lời kêu la hay than trách. Trái
lại, vào quãng nửa đêm, ông Phaolô và ông Silas hát thánh ca cầu nguyện với
Thiên Chúa. Các người tù nghe hai ông hát và có lẽ họ rất ngạc nhiên khi thấy
những điều này.
Bỗng
nhiên có động đất mạnh, khiến nền móng nhà tù phải rung chuyển. Ngay lúc đó,
tất cả các cửa mở toang và xiềng xích của mọi người vuột tung ra.
1.2/
Thái độ của viên cai ngục: Viên cai ngục choàng dậy và thấy các cửa ngục mở toang,
liền rút gươm định tự tử, vì tưởng rằng các người tù đã trốn đi. Thấy hành động
của viên cai ngục, ông Phaolô vội lớn tiếng bảo: "Ông chớ hại mình làm
chi: chúng tôi còn cả đây mà!"
Viên
cai ngục bảo lấy đèn, nhảy bổ vào, run rẩy sấp mình dưới chân ông Phaolô và ông
Silas, rồi đưa hai ông ra ngoài và nói: "Thưa các ngài, tôi phải làm gì để
được cứu độ?" Hai ông đáp: "Hãy tin vào Chúa Giêsu, thì ông và cả nhà
sẽ được cứu độ." Hai ông liền giảng Lời Chúa cho viên cai ngục cùng mọi
người trong nhà ông ấy.
Sự
kiện động đất nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Ngài muốn cho viên cai
ngục có cơ hội để nghe hai ông rao giảng Tin Mừng ngay trong ngục thất, và hai
ông đã không bỏ lỡ cơ hội này. Ai có thể ngờ viên cai ngục có thể nghe Tin Mừng
trong khi canh giữ tù nhân; nhưng chẳng có gì là không thể đối với Thiên Chúa!
Ngay
lúc đó, giữa ban đêm, viên cai ngục đem hai ông đi, rửa các vết thương, và lập
tức ông ấy được chịu Phép Rửa cùng với tất cả người nhà. Rồi ông ấy đưa hai ông
lên nhà, dọn bàn ăn. Ông và cả nhà vui mừng vì đã tin Thiên Chúa.
2/
Phúc Âm: Thánh Thần sẽ chứng minh ba tội của thế gian.
2.1/
Chúa Giêsu sẽ gởi Đấng Bảo Trợ đến với các môn đệ: Chúa Giêsu mặc khải
Kế họach của Thiên Chúa cho các môn đệ: "Thầy nói thật với anh em: Thầy ra
đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không
đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em."
2.2/
Thánh Thần sẽ minh chứng thế gian 3 điều sai lầm: "Khi Người đến, Người sẽ chứng
minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công chính và việc xét xử:"
(1)
Về tội lỗi:
vì chúng không tin vào Thầy. Tội duy nhất theo Gioan là tội không tin vào Đức
Kitô, Người được Thiên Chúa sai đến. Thánh Thần sẽ chứng thực Đức Kitô là Con
Thiên Chúa.
(2)
Về sự công chính: vì Thầy đến cùng Chúa Cha, và anh em không còn thấy Thầy nữa.
Thế gian tưởng Chúa Giêsu là tội nhân khi nhìn thấy Ngài chịu chết treo trên
Thập Giá. Bằng sự Phục Sinh của Đức Kitô, Thánh Thần chứng minh cho thế gian biết
Ngài tự nguyện chịu khổ hình, Người công chính chết thay cho các tội nhân là
tất cả con người.
(3)
Về việc xét xử: vì Thủ lãnh thế gian này đã bị xét xử rồi. Các Thủ Lãnh Do-thái
nghĩ họ làm đẹp lòng Thiên Chúa bằng việc đóng đinh Chúa Giêsu vào Thập Giá.
Thủ Lãnh Rôma nghĩ ông đã giết Chúa Giêsu để đẹp lòng người Do-thái. Thánh Thần
sẽ minh chứng cho họ biết họ đã sai lầm to khi luận tội và giết Đức Kitô, người
Tôi Trung của Thiên Chúa.
Cả
ba điều này đều liên quan đến nhau: thế gian phạm tội giết con Thiên Chúa vì
không tin vào Ngài là Đấng Thiên Sai của Thiên Chúa. Ngài là Đấng Công Chính
không bao giờ phạm tội; nhưng muốn gánh tội cho con người. Thế gian đã sai lầm
khi luận tội và giết Con Thiên Chúa. Vì thế, họ đã phạm ba tội cùng một lúc khi
giết Con Thiên Chúa.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Người Công-giáo chúng ta có một món quà vô giá là đức tin vào Thiên Chúa. Chính
đức tin này sẽ giúp chúng ta bình an trong đau khổ, vui tươi khi hoạn nạn, và
lạc quan vui sống.
-
Chúng ta luôn sống trong sự quan phòng và bảo vệ của Thiên Chúa. Tuy Ngài để
chúng ta phải chịu thử thách để tôi luyện đức tin, nhưng luôn ban mọi sức mạnh
cần thiết đủ để giúp chúng ta vượt qua mọi thử thách của cuộc đời.
-
Chúng ta phải luôn ý thức sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn, để
luôn biết lắng nghe và làm theo những gì Ngài hướng dẫn. Ngài sẽ thêm sức cho
chúng ta để chống lại mọi đe dọa nguy hiểm của thế gian và ma quỉ.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 16,5-11
A. Hạt giống...
Tiếp bài giáo lý về Chúa Thánh Thần : Chúa
Thánh Thần là Đấng tố cáo thế gian.
Vì là Thần Chân lý, Chúa Thánh Thần sẽ tố
cáo thề gian về tất cả những sự sai lầm của nó :
- "Về tội lỗi" : Thế gian tội lỗi
vì đã không tin vào Chúa Giêsu.
- "Về sự công chính" : người do
thái coi Chúa Giêsu là kẻ lộng ngôn phạm thượng, Chúa Thánh Thần sẽ chứng minh
Chúa Giêsu là Đấng Công chính của Thiên Chúa.
- "Về án phạt" : Thượng Hội đồng
do thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và nhiều người do thái cho rằng án xử ấy
là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có thẩm quyền. Chúa Thánh Thần sẽ chứng
minh án xử đó là bất công.
B.... nẩy mầm.
1. - Trong bài Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu
nói Chúa Thánh Thần là Perakletos của các tông đồ và của chúng ta. Trong bài
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu cho biết tiếp một vai trò nữa của Chúa Thánh Thần
: Ngài là "kẻ chứng minh thế gian sai lầm", nghĩa là vạch cho con
người thấy những sai lầm của mình.
Chúa Thánh Thần sẽ vạch cho thấy 3 thứ sai
lầm :
- Sai lầm thứ nhất là "về tội lỗi"
: đối với người do thái xưa, đó là tội đã không tin Chúa Giêsu ; còn đối với
chúng ta ngày nay, chúng ta đã tin Chúa nhưng nhiều khi chúng ta không sống
xứng đáng là môn đệ Chúa. Mỗi người đều có tội, có nhiều tội. Nhưng lắm khi tự
mình không thấy tội mình, do đó cần phải có người vạch cho ta thấy, người đó là
Chúa Thánh Thần.
- Sai lầm thứ 2 là "về sự công
chính" : đối với người do thái, ho đã không nhìn nhận Chúa Giêsu là Đấng
công chính nên đã giết Ngài. Đối với chúng ta ngày nay, đây là thứ sai lầm khi
nhận định về Chúa. Rất nhiều khi chúng ta nhận định sai về Chúa : bóp méo hình
ảnh Thiên Chúa theo sở thích chủ quan của mình. Td kẻ cố chấp miệt mài trong
tội thì dựa vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng nhân từ vô cùng ; kẻ khắt khe hay
lên án người khác thì bám vào quan niệm Thiên Chúa là Đấng xét xử công minh
nhất định sẽ trừng phạt người tội lỗi ; kẻ đang dan díu trong tình yêu ngang
trái thì cái phao của họ là "Thiên Chúa là tình yêu" để tự an ủi :
Yêu nhau thì có tội gì đâu v.v.
- Sai lầm thứ 3 là "về việc xét
xử" : ngày xưa Thượng Hội đồng do thái đã xử án chết cho Chúa Giêsu và
nhiều người do thái cho rằng án xử ấy là đúng bởi vì được xử bởi một cơ quan có
thẩm quyền. Đây là thứ sai lầm do dựa vào dư luận. Chúng ta ngày nay nhiều khi
cũng dựa vào dư luận để có thành kiến không đúng về người khác.
2. Một nguyên tắc triết lý rất cơ bản là
"Errare humanum est", nghĩa là đã là người thì thế nào cũng có sai
lầm. Cho nên nhận ra những sai lầm của mình là một điều cần thiết và rất hữu ích
để còn có thể sửa sai, để ngày càng hoàn thiện chính mình. Từ đó lời khuyên thứ
nhất của đoạn Tin Mừng này là mỗi người chúng ta hãy khiêm tốn ý thức mình
không phải là hoàn hảo, mình còn nhiều sai lầm, mình cần tự nhận ra những sai
lầm ấy.
Trong bài hát về Chúa Thánh Thần, có câu :
"Thánh Thần khấn xin ngự đến, hồn con đang mong chờ Ngài... Ngài ơi xin
Ngài hãy đến chiếu sáng tối tăm u mê sai lầm Ngài ơi xin Ngài mau đến hiển linh
Ngài ơi". Lời khuyên thứ hai của bài Tin Mừng hôm nay là chúng ta phải nhờ
Chúa Thánh Thần soi sáng thì mới thấy rõ và đúng những sai lầm của mình.
3. Chú bé bị mù tử bẩm sinh. Nhờ cuộc giải
phẫu, mắt chú dần dần sáng ra. Ngày nọ, mẹ chú dẫn chú ra đường và mở màn che,
chú say sưa ngắm nhìn trời đất. Chú kêu lên : "Mẹ ơi, sao bao lâu nay mẹ
không nói cho con hay đất trời đẹp thế !"Bà mẹ bật khóc nói :
"Con ạ, mẹ đã cố gắng nói cho con hay đấy chứ, nhưng lúc đó con làm sao
hiểu được !"
Nếu Thánh Linh không gỡ màn che, mở con mắt
tâm linh cho ta, thì ta cũng chẳng thấy sự hiện diện của Chúa. (Góp nhặt)
4. (những mầm khác)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
07/05/13 THỨ
BA TUẦN 6 PS
Ga 16,5-11
Ga 16,5-11
LO BUỒN TẠM, VUI MỪNG MÃI
“Bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng
anh em sẽ vui mừng.” (Ga 16,22)
Suy niệm: Nghi phạm đánh bom Boston là anh em nhà
Tsarnaev; người anh bị bắn chết, còn người em bị bắt sống. Bà mẹ ở Chechnia
khăng khăng “các con mình vô tội và vụ việc là do ngành an ninh Mỹ dàn dựng”.
Câu hỏi vẫn còn: họ có tội không? Ai đứng đàng sau vụ đánh bom này? Vào lúc sắp
bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu biết rằng các môn đệ vẫn chưa hiểu Chúa.
Trước mắt các ông không hiểu cũng không chấp nhận mầu nhiệm Thập giá: Đấng Cứu
Thế mà lại chết như kẻ có tội! Chúa Giêsu không dài dòng lí giải. Ngài hứa ban
Thánh Thần để dẫn đưa các ông tới “tất cả sự thật”. Thánh Thần sẽ cho thấy sự
tội lỗi của thế gian, sự công chính của Chúa Giêsu và Chúa mới là Đấng phán xét
thế gian.
Mời Bạn: Quả thật các tông đồ đã nhận
lấy Thánh Thần, được ơn soi sáng và biến đổi trở nên những chứng nhân cho chân
lý Tin Mừng. Trên con đường theo Chúa, chúng ta cũng gặp thấy bao nhiêu nghi
ngại, thắc mắc, lo âu không lý giải được dưới cái nhìn của con người. Chúng ta
cần có ơn Thánh Thần đến giúp chúng ta hiểu biết và chọn lựa điều phù hợp với
Thánh Ý Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi năng kêu xin ơn Thánh Thần
soi sáng giúp đỡ. Trước các biến cố xảy đến trong đời của tôi, tôi biết cân
nhắc để phản ứng theo ơn Thánh Thần thúc đẩy.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Thánh Thần xin cho con
hiểu biết Chúa Giêsu hơn, mỗi ngày mỗi nên giống Ngài hơn trong ý nghĩ, lời nói
và việc làm của con. Amen.
Có
lợi cho anh em
Trong
cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy Chúa Kitô như vắng mặt. Những lúc khó
khăn đó lại có thể là dịp để ta tập yêu Ngài cách nhưng không, tin Ngài chỉ tìm
điều có ích hơn cho ta...
Suy niệm:
Người Pháp vẫn thường nói: ra đi là chết một
chút.
Cuộc chia ly nào cũng đem lại những mất mát buồn
phiền.
Khi biết mình sắp phải chia tay Thầy,
các môn đệ cũng không tránh khỏi tâm trạng đó
(c.6).
Gần ba năm sống bên Thầy, tuy ngắn ngủi nhưng
có bao là kỷ niệm.
“Bây giờ Thầy đến cùng Đấng đã sai Thầy” (c.
5).
Thầy Giêsu đã an ủi bằng cách nói rằng mình đi
để dọn chỗ cho họ.
Rồi Thầy trò lại được chung sống bên nhau (Ga
14, 1-3).
Chuyện Thầy về với Cha lẽ ra phải làm họ vui
sướng,
vì Thầy được Cha tôn vinh (Ga 14, 28).
Nhưng lý do chính khiến Thầy ra đi là nhằm lợi
ích cho môn đệ.
“Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không
đến với anh em;
nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với
anh em” (c. 7).
Rõ ràng sau khi Đức Giêsu chết, phục sinh, hiện
ra nhiều lần và lên trời,
sau khi các môn đệ không còn thấy Ngài nữa,
thì Đấng Bảo Trợ bắt đầu đóng một vai trò quan
trọng.
Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần, sẽ làm công việc
của một người Thầy.
“Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho
anh em nhớ lại
mọi điều Thầy đã nói với anh em (Ga 14, 26).
Thầy Thánh Thần giúp ta hiểu được và đến được
với Thầy Giêsu.
Thánh Thần như người phụ đạo, tiếp nối việc
giảng dạy của Thầy Giêsu.
Thánh Thần còn là người làm chứng cho Thầy
Giêsu nữa,
để các môn đệ cũng can đảm trở nên chứng nhân
cho Thầy (Ga 15, 26-27).
“Thầy đi thì có lợi cho anh em” (c.7).
Khi Đức Giêsu hoàn tất phần công việc Cha giao
cho mình (Ga 17, 4; 19, 30),
Ngài chuyển giao mọi việc còn lại cho Thánh
Thần là Đấng Bảo Trợ.
Ngài tìm điều có lợi hơn cho sự lớn lên của các môn sinh,
dù Ngài rất yêu họ và muốn được sống gần họ (Ga
13, 1; 17, 24).
“Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng
anh em” (Ga 14, 18).
Đức Giêsu đến với môn đệ bằng việc sai Thánh
Thần.
Đúng là họ sẽ chẳng bao giờ mồ côi, vì họ đã có
một Đấng Bảo Trợ.
Trong cuộc sống lắm khi người Kitô hữu thấy
Chúa Kitô như vắng mặt.
Buồn chán, thất vọng, xao xuyến, sợ hãi, khô
khan chiếm lấy lòng mình.
Không phải lúc nào cũng thấy Chúa gần bên, ấm
áp và thân thiện.
Những lúc khó khăn đó lại có thể là dịp để ta
tập yêu Ngài cách nhưng không,
tin Ngài chỉ tìm điều có ích hơn cho ta,
và kiên nhẫn đợi chờ quà tặng bất ngờ do Ngài
gửi đến.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Thánh Thần,
xin Ngài hãy đến như cơn gió mát
thổi vào đời con,
thổi vào Giáo Hội,
thổi vào thế giới,
để đem lại cho chúng con
sự tươi mới nhẹ nhàng, sự tự do thanh thoát.
Xin Ngài hãy đến như dòng nước trong
chảy vào đời con,
chảy vào Giáo Hội,
chảy vào thế giới,
để cuốn trôi đi mọi nhơ nhớp, khô cằn, cứng
cỏi,
và làm bật dậy
những mầm xanh sự sống nơi chúng con.
Xin Ngài hãy đến như ngọn lửa hồng
chiếu sáng đời con,
chiếu sáng Giáo Hội,
chiếu sáng thế giới,
để chúng con không còn đồng lõa với tối tăm,
nhưng mang trong tim một ước mơ nóng bỏng,
đó là làm cho vũ trụ này rực sáng Tình yêu.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy
niệm Ga 16,5b-11
Trong những ngày qua, giáo
phận Cần Thơ có sự thuyên chuyển các linh mục. Cuộc ra đi nào cũng để lại nơi
kẻ ở người đi nỗi niềm luyến thương da diết. Ra đi là để lại những gương mặt
thân quen, những kỷ niệm êm đềm, những công trình, những hoạch định dở dang.
Nhưng đó là cái nhìn cảm tính đời thường, nhưng với cặp mắt đức tin ra đi là
cần thiết.
- Cần thiết để người ra đi và
ngay cả người ở lại có được sự bắt đầu mới, cố gắng mới, hăng say mới. Cần
thiết để người sẽ tới bù đắp lại những khiếm khuyết, thiếu sót của người ra đi.
- “Dù giờ đây lòng anh em tràn
ngập ưu phiền nhưng thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thầy sẽ sai Đấng Bảo Trợ
đến với anh em”. Chúa Thánh Thần đến, có Ngài các tông đồ sẽ không còn nhát
đảm, buồn phiền, ưu tối, trễ nải.
- Chúa Giêsu đi rồi, các ông
không còn dựa dẫm vào thầy. Các ông phải đứng lên bằng đôi chân, phải dám nghĩ
dám làm, dám hy sinh.
- Chúa Giêsu ra đi nhưng không
phải là đi mất mà là đi dọn chỗ cho các môn đệ. Đó là niềm khích lệ để các ông
tin tưởng hơn,vững bước hơn.
- Có nhiều con đường, nhưng có
một con đường ai cũng phải tự mình bước đi đó là đường đời. Con đường của người
Kito hữu là con đường dẫn đến Thiên Chúa. Chúa cho mỗi người thời gian và cơ
hội nhất định, đứng lại có nghĩa là tụt hậu. Bước đi uể oải thì chẳng kịp đến
đích, phải bỏ đi những hành lý cồng kềnh vô ích. Phải bước mạnh bước nhanh,
bước hăng hái nhiệt tình bằng sức mạnh Thánh Thần Chúa. Muốn thế phải cầu xin,
phải mở lòng đón nhận.
- Ra đi trước hết là ra khỏi
chính mình với những yếu đuối vị kỷ, thói hư tật xấu, kiêu căng ươn lười.
- Xin Chúa Thánh Thần là Đấng
Thánh Hóa, Bảo Trợ, biến đổi và hướng dẫn chúng con. Amen.
Cánh én nhỏ.
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên
7 THÁNG NĂM
Chúng Ta Kiếm Tìm Sự Tự Do Đích Thực
Mùa Phục Sinh là mùa cử hành một
cuộc hạnh ngộ riêng tư với Đức Kitô. Cũng như các Tông Đồ, chúng ta cảm nhận
Đức Kitô Phục Sinh là một thực tại. Cử hành mùa Phục Sinh cũng chính là múc lấy
nguồn sức sống vô giá cho mỗi người trẻ bước đi trong cuộc đời. Đức Giêsu khai
mở cho ta nhìn thấy tương lai của mình và Người mời gọi chúng ta đón nhận tiếng
gọi của Người bằng con mắt đức tin. Nơi Chúa Phục Sinh, chúng ta gặp gỡ sự tự
do đích thực; vì trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã trao ban chính Ngài cho con
người và cứu độ con người.
Thiên Chúa cứu chúng ta ra khỏi sự
điêu vong, khỏi sự chết, khỏi tình cảnh thất vọng, khỏi những xáo trộn ngổn
ngang, khỏi vòng cương tỏa của sự dữ.
Đức Kitô Phục Sinh đem ta về với sự
thật và sự sống sung mãn bằng con đường vượt thắng tội lỗi. đó chính là sự tự
do đích thực. Đức Kitô trở thành nền móng của sự tự do mới mẻ này. Mỗi bạn trẻ
đã từng biết Đức Kitô đều được mời gọi sống triệt để sự tự do ấy bằng cả tâm
hồn.
Các bạn trẻ không thể tiếp tục lãnh
đạm với những giá trị lớn lao này – những giá trị mà định mệnh của nhân loại
tùy thuộc vào đó. Các bạn trẻ không thể thụ động đối với xã hội hay đối với chính
mình. Một khi người trẻ nhận hiểu được sự tự do đích thực, việc nhận hiểu đó sẽ
đặt ra cho họ trách nhiệm và thôi thúc họ trao ban ý nghĩa đích thực cho mọi
hành động của mình. Tự do không phải là một món đồ vật để có thể bị liệng bỏ đi
– như rất nhiều thứ bị liệng bỏ đi trong xã hội tiêu thụ của chúng ta hôm nay.
Đó là một đảm nhận có tính nền tảng, một tiếng gọi thúc bách chúng ta sống hết
mình cho sự thật.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
Ngày
07-5
Cv
16, 22-34; Ga 16, 5-11
LỜI SUY NIỆM: “Khi
Người đến, Người sẽ chứng minh rằng thế gian sai lầm về tội lỗi, về sự công
chính và việc xét xử”(Ga 16,8)
Chúa
Giêsu Phục sinh, Ngài tạo lập một lịch sử mới cho nhân loại. Trong dân mới này
có sự hoạt động của Chúa Thánh Thần, là Thần Khí của Chúa Cha, sẽ khơi dậy mọi
lương tâm con người để đón nhận chân lý, sự thật, lánh xa mọi điều gian ác, để
khỏi bị xét xử. Nếu con người không quan tâm, chối từ tiếng nói lương tâm, thì
chính lương tâm của họ sẽ tự xét xử họ. Ước gì mỗi một chúng ta luôn mềm mỏng
trước tiếng nói lương tâm của mình.
Mạnh
Phương
07 Tháng Năm
Truyền Giáo
Charles de Foucauld |
Một buổi tối nọ, viên
sĩ quan trẻ tuổi người Pháp tên là Charles de Foucauld say mê kể cho gia đình
nghe những cuộc thám hiểm của anh ở Maroc. Người chăm chú theo dõi câu chuyện
của anh nhất là cô cháu bé chưa tròn 10 tuổi. Khi anh vừa chấm dứt thì cô bé đã
bất thần đặt một câu hỏi như sau: "Thưa cậu, cháu đã thấy cậu làm được
nhiều việc vĩ đại... Thế cậu đã làm được gì cho Thiên Chúa chưa?"
Câu hỏi ấy như một
luồng điện giật khiến anh trở thành bất động. Từ bao lâu nay, chưa có người nào
đã khiến anh phải suy nghĩ nhiều như thế. "Anh đã làm gì cho Thiên Chúa
chưa?". Charles de Foucauld lục soát trong lương tâm của mình để chỉ thấy
một lỗ hổng không đáy. Anh đã phí phạm tất cả thời giờ của anh trong những cuộc
ăn chơi trụy lạc và những danh vọng phù phiếm... Mắt anh bỗng mở ra để thấy
được nỗi khốn khổ, nghèo hèn của mình.
Ngày hôm sau, anh tìm
đến xưng tội với một vị linh mục. Anh vào dòng khổ tu, rồi xin đến Nagiareth để
sống trọn vẹn cho Chúa Giêsu.
Ngày nọ, giữa lúc đang
đắm mình trong cầu nguyện, anh bỗng nghe từ căn nhà bên cạnh có tiếng than van
rên rỉ của một người Hồi Giáo.
Charles de Foucauld
nghĩ đến gương bác ái của Chúa Giêsu: anh có thể giam mình cầu nguyện một mình
giữa lúc những người anh em của anh đang rên rỉ trong hấp hối, trong thất vọng
sao?
Nghĩ thế, anh bèn
quyết định đến sống giữa họ, trở thành bạn hữu của họ, nhất là những người cô
đơn, lạc lõng, nghèo hèn nhất trong xã hội.
Những năm cuối cùng,
Charles de Foucauld sống giữa sa mạc Sahara, chia sẻ hoàn toàn cuộc sống với
những người dân nghèo. Charles de Foucauld đã chia sẻ với họ những giọt máu
cuối cùng của anh: ngày đầu tháng 12 năm 1916, anh đã bị thảm sát giữa lúc đang
cầu nguyện... Ngày nay, các tiểu đệ và tiểu muội Chúa Giêsu tiếp tục lý tưởng
sống của anh: họ lao động và sống giữa những người nghèo hèn nhất trong xã
hội... Tất cả cuộc sống và sự âm thầm hiện diện của họ là một cố gắng làm một
cái gì cho Chúa.
Có
những nhà truyền giáo rời bỏ quê hương để đi đến những nơi hoàn toàn xa lạ như
Thánh Phanxicô Xaviê. Nhưng cũng có những nhà truyền giáo dâng cả cuộc đời hy
sinh cầu nguyện và đau khổ của mình như Thánh Nữ Têrêxa Hài Ðồng Giêsu. Có
những nhà truyền giáo hùng hồn giao rảng như các tông đồ, nhưng cũng có những
nhà truyền giáo âm thầm hiện diện và chia sẻ với những người nghèo khổ như
Charles de Foucauld.
Âm
thầm hiện diện. Nhưng vẫn có thể chiếu sáng niềm tin yêu hy vọng: đó là mẫu
người truyền giáo mà Giáo Hội tại Việt Nam đang cần hơn bao giờ hết. Những
cuộc sống tử tế, hy sinh phục vụ, quên mình... vẫn là những lời rao giảng hùng
hồn hơn bao giờ hết.
(Lẽ Sống)
Gương Thánh Nhân
Thánh Nữ Rose
Venerini (1656 - 1728)
Chân
Phước Rose sinh ở Viterbo, Ý Ðại Lợi, năm 1656. Cha ngài là một bác sĩ. Sau cái
chết của vị hôn phu, Rose gia nhập một tu viện nhưng chỉ được vài tháng cô đã
phải về nhà để chăm sóc người mẹ goá sau khi cha cô từ trần.
Lúc
bấy giờ cô Rose vẫn sống độc thân và mỗi tối cô thường quy tụ các thiếu nữ
trong phố để lần chuỗi Mai Khôi. Cô được một linh mục dòng Tên linh hướng, là
người tin rằng ơn gọi của cô là trở nên một giáo chức "ở ngoài đời"
hơn là một nữ tu chiêm niệm trong dòng; do đó, với sự trợ giúp của hai người
khác, cô mở trường học cho các thiếu nữ ở Viterbo mà chẳng bao lâu trường ấy
rất nổi tiếng và thành công.
Cô
Rose có tài ăn nói hoạt bát, có khả năng giáo dục và huấn luyện giáo chức. Cô
không dễ bỏ cuộc khi gặp khó khăn trong việc phục vụ Thiên Chúa. Không bao lâu,
cô được nổi tiếng và năm 1692, Ðức Hồng Y Barbarigo đã mời cô làm người cố vấn
và giúp huấn luyện giáo chức cũng như mở các trường học trong địa phận. Chính ở
đây cô trở nên một người bạn và là cô giáo của Lucia Filippini, là người sáng
lập dòng và được phong thánh năm 1930.
Cô
Rose còn mở trường ở nhiều nơi khác, đôi khi phải đương đầu với sự chống đối có
lúc quyết liệt, tỉ như họ dùng cung tên mà bắn giáo chức và đốt trường. Nhờ sự
kiên nhẫn và tín thác vào Thiên Chúa nên cô đã vượt qua mọi trở ngại. Năm 1713,
cô sáng lập một tổ chức ở Rôma và được chính Ðức Giáo Hoàng Clêmentê XI khen
ngợi.
Người
giáo chức tận tụy này từ trần ở Rôma ngày 7 tháng Năm 1728, hưởng thọ bảy mươi
hai tuổi. Sự thánh thiện của ngài được xác nhận qua các phép lạ, và năm 1952
ngài được Ðức Giáo Hoàng Piô XII phong chân phước. Sau cái chết của ngài, các
giáo chức trong các trường của ngài quy tụ thành một tu hội. Ngày nay, các Nữ
Tu Venerini có mặt ở khắp nơi trên thế giới, hoạt động trong các cộng đồng di
dân người Ý. (Đã được Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II phong thánh năm 2006-blog)
(nguoitinhuu.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét