Ngày 11/05/2013
Thứ Bảy Tuần VI Mùa Phục Sinh
Năm C
Cv 18,23 |
BÀI ĐỌC I: Cv 18, 23-28
"Apollô trưng
Thánh Kinh để minh chứng Đức Giêsu là Đấng Kitô".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Sau khi ở lại Antiôkia ít lâu, Phaolô ra đi,
lần lượt ngài đi qua các vùng Galata và Phrygia ,
làm cho tất cả môn đồ thêm vững mạnh.
Bấy giờ có một người Do-thái tên là Apollô,
quê ở Alexan-dria, rất lợi khẩu và thông biết Thánh Kinh, ông đến Êphêxô. Ông
đã học thông đạo Chúa; ông nhiệt tâm rao giảng và siêng năng dạy những điều về
Đức Kitô, mặc dầu ông chỉ biết phép rửa của Gioan. Vì thế ông bắt đầu hành động
mạnh dạn trong hội đường. Khi Priscilla và Aquila
nghe ông, liền đón ông (về nhà) và trình bày cặn kẻ hơn cho ông biết đạo Chúa.
Ông muốn sang Akaia, thì các anh em khuyến khích ông và viết thơ cho các môn đồ
xin họ tiếp đón ông. Đến nơi, ông đã giúp các tín hữu rất nhiều, vì ông đã công
khai phi bác những người Do-thái cách hùng hồn; ông trưng Thánh Kinh để minh
chứng Đức Giêsu là Đấng Kitô. Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 46, 2-3. 8-9. 10
Đáp: Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian (c. 8a).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hết thảy chư dân,
hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Đấng Tối cao, khả
uý, Người là Đại Đế trên khắp trần gian. - Đáp.
2)
Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người, Thiên
Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Đáp.
3)
Vua chúa của chư dân, đã nhập đoàn với dân riêng Thiên Chúa của Abraham. Vì các
vua chúa địa cầu thuộc quyền Thiên Chúa: Người là Đấng muôn phần cao cả! - Đáp.
ALLELUIA: Ga 28, 19 và 20
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng
các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 16, 23b-28
"Cha yêu mến các
con, bởi vì các con yêu mến và tin Thầy".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Thật, Thầy bảo thật các con: điều gì các con sẽ nhân danh Thầy mà xin
Cha, thì Người sẽ ban cho các con. Cho đến bây giờ, các con chưa nhân danh Thầy
mà xin điều gì. Hãy xin thì sẽ được, để các con được niềm vui trọn vẹn. Tất cả
những điều đó, Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói với các con. Đã đến giờ Thầy sẽ
không còn dùng dụ ngôn mà nói nữa, Thầy sẽ loan truyền rõ ràng cho các con về
Cha. Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không bảo là chính Thầy
sẽ xin Cha cho các con đâu. Chính Cha yêu mến các con, bởi vì chúng con yêu mến
Thầy và tin rằng Thầy bởi Thiên Chúa mà ra. Thầy bởi Cha mà ra, và đã đến trong
thế gian, rồi bây giờ Thầy bỏ thế gian mà về cùng Cha". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Tông Ðồ Tin Cậy
Một
nhà danh họa Hà Lan đã để lại cho thế giới hơn 800 bức tranh sơn dầu và 700 bức
tranh khác trước khi kết liễu đời mình bằng một viên súng lục vào năm 1890, lúc
ấy ông vừa mới 37 tuổi. Cuộc đời của nhà danh họa là một chuỗi dài những thất
bại. Thất bại vì cuộc sống lẫn nghề nghiệp, và ông đã có hơn 1,500 bức vẽ,
nhưng khi còn sống ông chỉ bán được một bức tranh với trị giá 85 đô la.
Một
lần ông được báo chí nói tới và chỉ được vài bức tranh đem ra triển lãm, vì các
bạn muốn chiều lòng ông. Ông đã ra đi trong thất bại đắng cay của cuộc đời. Vậy
mà hiện nay sau khi ông đã chết mỗi một bức tranh của ông đã trị giá tới hàng
triệu đô la, và có lẽ trong cuộc đời ông, ông đã chẳng bao giờ dám nghĩ rằng
mình có thiên tài về họa, một điều mà thế giới hôm nay đang tán dương về ông.
Anh
chị em thân mến!
Tâm
trạng của nhà danh họa trên đây phần nào cũng tương tự với tâm trạng của phần
đông trong chúng ta. Nhận được chức phận làm con Thiên Chúa, nhưng có mấy ai
biết rõ và hãnh diện về giá trị của chức vụ ấy. Một giá trị đã được Chúa Giêsu
nói đến trong bài Tin Mừng hôm nay.
Anh
chị em thân mến!
Trước
đây, Chúa Giêsu giảng dạy bằng dụ ngôn và chỉ khi ở riêng với các môn đệ, Ngài
giải thích cho các ông hết thảy mọi điều. Bây giờ đã đến lúc Chúa Giêsu không
dùng dụ ngôn để giảng dạy, nhưng Ngài nói thẳng cho họ hiểu về Cha với cách
thức thân tình giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Ðược chọn làm môn đệ nên họ được
giải thích tường tận, vì những gì đã nghe biết nơi Cha thì Chúa Giêsu đã tỏ lộ
hết cho họ. Chia sẻ các hiểu biết là yếu tố căn bản xây dựng mối thân tình.
Càng nhiều hiểu biết được chia sẻ thì mối thân tình càng được thắm thiết.
Con
người ai cũng quí trọng bạn tri kỷ vì chỉ với người bạn này họ mới chia sẻ hết
mọi điều và họ hiểu hết được nỗi niềm. Khi gửi gắm nỗi niềm tâm sự vào các môn
đệ, Chúa Giêsu cũng muốn họ là bạn tri kỷ của Ngài. Ðây không chỉ là một gửi
gắm lời tâm sự mà thôi, nhưng còn tất cả con người của Ngài.
Việc
trao ban trong bí tích Thánh Thể là dấu chứng Ngài muốn kết hiệp với họ. Hãy
hành động với Ngài và trong Ngài thì họ sẽ gặp được điều mong ước. "Vì các
con nhân danh Thầy mà xin cùng Cha thì Người sẽ ban cho". Từ thân phận tôi
tớ nô lệ, các môn đệ được nâng lên hàng bạn hữu vì Chúa Giêsu muốn họ sống như
Ngài trong chức phận làm Con Thiên Chúa - một giá trị đã bị con người đánh mất
và được Ðức Kitô phục hồi bằng chính sự tự hiến của Ngài. Vậy qua cái chết của
Ðức Kitô, không chỉ các môn đệ mà còn tất cả những ai tin Ngài đều được đón
nhận tước vị ấy. Và nhờ bí tích Rửa Tội, mỗi người Kitô hữu cũng được lãnh nhận
tước hiệu làm con Thiên Chúa. Ðây không phải là một tước hiệu khoác lên con
người, nhưng là một tiếp xúc với sự sống Thiên Chúa. Với Ðức Kitô và trong Ðức
Kitô, điều Kitô hữu cầu xin sẽ được nhận lời. Ðức Kitô đã đem lại cho tín hữu
một giá trị mới nhưng đồng thời Ngài đòi buộc họ sống xứng đáng với giá trị ấy:
"Chính Cha yêu mến chúng con bởi vì chúng con yêu mến Thầy và tin rằng
Thầy bởi Thiên Chúa mà ra". Tin nhận và yêu mến Ðức Kitô sẽ cho phép người
tín hữu sống trong tình yêu của Thiên Chúa. Như các tông đồ, Kitô hữu cũng được
Chúa Giêsu chọn làm bạn tri kỷ của Ngài. Tất cả những hiểu biết về Thiên Chúa
đã được gói gọn trong lời Ngài, và chẳng thể được gọi là bạn tri kỷ hoặc là kẻ
yêu mến Ngài một khi lời Ngài bị đuổi đi không được đón nhận và đáp trả.
Qua
bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta biết vui mừng và
hãnh diện vì địa vị làm con Thiên Chúa. Xin Chúa cho chúng con được luôn sống
xứng đáng với địa vị ấy bằng cách tin nhận và yêu mến Ðức Kitô, để rồi chúng
con sẽ mãi mãi ở trong tình yêu của Chúa. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Thứ Bảy Tuần
VI PS
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cùng nhau hoạt động để mang Ơn Cứu Độ cho mọi người.
Con
người thường cảm thấy bất an và ghen tị khi thấy người khác nổi tiếng, uy
quyền, giàu sang, và được mọi người kính trọng hơn mình. Vì thế, họ tìm cách
làm sao để giảm danh giá, uy quyền, và thế lực của người khác bằng nhiều những
thủ đoạn khác nhau như: nói xấu, bôi nhọ, và ngay cả hãm hại người khác. Nhưng
đối với các tín hữu là những môn đệ của Chúa, họ không được phép làm như thế.
Trái lại, Thiên Chúa đòi họ phải cộng tác với nhau, mỗi người một tài năng của
Thánh Thần ban, cho việc xây dựng Nhiệm Thể Chúa Kitô và cho việc loan báo Tin
Mừng.
Các
Bài Đọc hôm nay cho chúng ta những mẫu gương về tinh thần đoàn kết và cộng tác
trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, khi cộng đoàn Ephesus nhận ra ông
Apollo có những tài năng xuất chúng cho việc rao giảng Tin Mừng, họ không ghen
tị với ông. Trái lại, họ tìm cách bổ khuyết những gì ông còn thiếu, và tạo mọi
cơ hội dễ dàng để ông đem Tin Mừng cho mọi người trong tỉnh Akaia. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu không giữ các môn đệ lại cho mình; nhưng khuyến khích các ông đến
với Chúa Cha. Ngài xác tín với các môn đệ là Chúa Cha yêu con người, và sẵn
sàng ban mọi điều các ông xin nhân danh Ngài.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Các tín hữu cùng cộng tác với nhau trong việc rao giảng và bảo vệ
Tin Mừng.
1.1/
Sự xuất hiện của một nhà rao giảng mới, ông Apollo: Trải qua lịch sử của
Do-thái cũng như của Giáo Hội, Thiên Chúa không ngừng gởi tới những nhân tài:
khôn ngoan, thánh thiện, can đảm, và nhiệt thành, để loan truyền những sứ điệp
của Ngài; chẳng hạn, Moses, David, Solomon, Isaiah, Gioan Tẩy Giả, Phêrô và
Phaolô. Trong cộng đoàn Ephesus, Thiên Chúa cũng cho xuất hiện một tài năng mới
người Do-thái tên là Apollo, quê ở Alexandria, ông là người có tài hùng biện và
thông thạo Kinh Thánh.
1.2/
Rao giảng Tin Mừng là bổn phận của mọi người: Nhận ra tài năng và lòng nhiệt thành
của Apollo, những người trong cộng đoàn giúp ông bổ khuyết những gì còn thiếu
và tạo cơ hội cho ông đi rao giảng Tin Mừng trong tỉnh Akaia.
(1)
Bà Priscilla và ông Aquila giúp cho ông Apollo hiểu Đạo của Thiên Chúa: Sau khi nghe ông
mạnh dạn rao giảng trong hội đường, "bà Priscilla và ông Aquila
mời ông về nhà để trình bày Đạo của Thiên Chúa cho ông chính xác hơn." Có
nhiều điều cho chúng ta học hỏi từ biến cố này:
-
Hai ông bà không ghen tị với Apollo, nhưng giúp ông hiểu biết tường tận hơn.
-
Apollo không kiêu ngạo cho mình biết hết, nhưng sẵn sàng học hỏi từ người đi
trước.
-
Những người trong bậc gia đình có thể đóng góp trong việc giáo dục và đào tạo
những người rao giảng Tin Mừng tương lai.
-
Nữ giới cũng có vai trò trong việc rao giảng Tin Mừng mà không cần phải đòi cho
được hưởng quyền lợi như nam giới.
(2)
Các anh em trong cộng đòan giúp Apollo có cơ hội rao giảng Tin Mừng tại Akaia: "Khi biết ông
Apollo muốn sang miền Akaia, các anh em khuyến khích ông và viết thư xin các
môn đệ tiếp đón ông." Người khuyến khích ơn gọi và người tạo cơ hội đều
góp phần trong việc rao giảng Tin Mừng. Để có người rao giảng, Thiên Chúa cần
sự cộng tác của tất cả mọi người.
Kết
quả là cả cộng đoàn cùng được hưởng: "Khi đến nơi, nhờ ơn Chúa, ông Apollo
đã giúp ích nhiều cho các tín hữu, vì ông mạnh mẽ và công khai bẻ lại người
Do-thái, dẫn Kinh Thánh mà minh chứng rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô."
2/
Phúc Âm: Chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy.
2.1/
Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ đến cùng Chúa Cha: Chúa Giêsu không hoạt
động riêng lẻ, nhưng cùng hoạt động với Chúa Cha để sinh lợi ích cho con người.
Ví dụ, Chúa Cha tạo cơ hội thuận tiện cho con người đến với Chúa Giêsu để nghe
người rao giảng và chữa lành; đối lại, Chúa Giêsu nói cho con người biết về
tình yêu Thiên Chúa. Trong trình thuật hôm nay, Chúa Giêsu chỉ đường cho các
môn đệ đến với Chúa Cha: "Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa
Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã
chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em
nên trọn vẹn."
Khi
không ích kỷ giữ lại cho mình, nhưng luôn rộng lượng cho đi, hậu quả là cả ba
đều được hưởng: Chúa Cha yêu Chúa Giêsu, Chúa Giêsu yêu con người, và con người
yêu cả Chúa Cha và Chúa Giêsu.
2.2/
Yêu thương Chúa Cha là yêu thương Chúa Giêsu: Từ chương 1 cho đến hết chương 12 của
Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn giảng dạy cho các môn đệ và
dân chúng; nhưng từ chương 13 trở đi, Ngài dành riêng để mặc khải và dạy dỗ các
môn đệ. Đó là lý do Chúa Giêsu nói: "Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ
ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không
còn úp mở."
Các
môn đệ của Chúa có thể đến trực tiếp với Chúa Cha: "Ngày ấy, anh em sẽ
nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha
cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy,
và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến
thế gian. Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha." Nếu Cha yêu Con, Cha
cũng yêu tất cả những ai thuộc về Con (Jn 10:29). Nếu Con yêu Cha, Con sẽ gìn
giữ và bảo vệ tất cả những ai Cha đã ban cho Con (Jn 6:37, 39-40).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Rao giảng Tin Mừng cho mọi người để họ tin yêu Thiên Chúa là bổn phận của mọi
người. Vì thế, người góp công, người góp của, chúng ta phải cộng tác với nhau,
và làm hết sức cho Nước Chúa ngày càng mở rộng.
-
Chức vụ, danh giá, uy quyền, luôn len lỏi khắp nơi trong Giáo Hội, dòng tu, và
giáo xứ. Những điều này không những đã làm trì trệ trong việc loan báo Tin
Mừng, mà còn làm gương xấu và làm mất đức tin cho người khác, ngay cả cho chính
đương sự.
-
Chúng ta đã lãnh nhận Tin Mừng cách nhưng không, thì cũng phải cho đi cách
nhưng không. Thiên Chúa không cho phép chúng ta lạm dụng Tin Mừng để mưu cầu
danh giá, uy quyền, và lợi lộc cho cá nhân mình.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 6 PHỤC SINH
Ga 16,23b-28
A. Hạt giống...
Tiếp bài giáo lý về việc Chúa trở lại :
"Hãy xin thì sẽ được... Ngày đó các con sẽ nhân danh Thầy mà xin"
B.... nẩy mầm.
1. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng hai chữ
"Ngày ấy", vẽ lên một tương lai rất tốt đẹp : "Ngày ấy... chúng
con xin Chúa Cha điều gì thì Ngài sẽ ban cho chúng con nhân danh Thầy".
Nhưng "ngày ấy" là ngày nào ?
Trước đoạn Tin Mừng hôm nay 6 câu, tức là
thuộc đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu có nói : "Ít lâu nữa chúng con sẽ
không thấy Thầy, nhưng rồi ít lâu nữa chúng con sẽ lại thấy Thầy" (16,17).
Vậy "ngày ấy" là ngày Thầy trò gặp lại nhau sau một thời gian xa
cách. Khi gặp lại nhau như thế, liên hệ Thầy trò sẽ hết sức gắn bó, đến nổi tuy
hai nhưng chỉ là một, Thầy ở trong trò và trò ở trong Thầy.
Và chính vì Thầy trò liên hệ thân thiết với
nhau như thế nên mới có hệ quả tốt đẹp là "Chúng con nhân danh Thầy mà xin
điều gì với Chúa Cha thì Ngài cũng ban cho chúng con hết". Thật đúng như
lời Chúa Giêsu nói ở chương trước chương này, trong dụ ngôn cây nho "Nếu
chúng con ở trong Thầy và Thầy ở trong chúng con thì chúng con muốn gì cứ xin,
chúng con sẽ được như ý" (15,7). Và điều này rất đúng, bởi vì khi chúng ta
và Chúa Giêsu ở trong nhau, nên một với nhau thì Chúa Giêsu muốn gì, xin gì ắt
chúng ta cũng muốn và xin như thế. Nói cách khác chúng ta không muốn và không
xin gì ngoài những gì Chúa Giêsu muốn và xin. Và bởi vì Chúa Cha luôn nhậm lời
Chúa Giêsu xin nên cũng sẽ luôn nhậm lời chúng ta.
Từ đó tôi hiểu rằng điều tốt đẹp nhất mà
tôi sẽ được trong "ngày ấy" không phải là việc tôi xin gì và được gì,
nhưng là việc tôi và Chúa Giêsu ở trong nhau và nên một với nhau, khiến tôi chỉ
còn muốn những gì Chúa Giêsu muốn, và xin những gì Chúa Giêsu xin.
2. Cầu nguyện là đứng về phía Chúa : Khi
cuộc Nam Bắc phân tranh bùng nổ tại Hoa Kỳ vào khoảng năm 1860, một vị giáo sĩ
nọ đã đến gặp Tổng thống Abraham Lincoln và trịnh trọng phát biểu : "Thưa
Tổng thống, chúng ta hãy tin tưởng rằng Thiên Chúa luôn ở phía chúng ta trong
cuộc chiến này". Nghe thế, Tổng thống Abraham Lincoln vặn lại : "Tôi
không mấy quan tâm về điều đó, vì tôi biết rằng Thiên Chúa luôn đứng về phía
những người công chính. Tôi luôn lo lắng và cầu nguyện để tôi và toàn dân Mỹ
luôn đứng về phía Chúa" ("Mỗi ngày một tin vui")
3. "Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm
vui của anh em nên trọn vẹn"
"Cha ơi ! làm sao con có thể sống được
khi đó là người thân duy nhất của con, chồng con đã phản bội con và giờ đây đứa
con duy nhất cũng sắp bỏ con rồi !" Lẫn trong những giọt nước mắt, người
thiếu phụ thổn thức tâm sự cùng Cha xứ như thế, khi đứa con của bà đang cận kề
cái chết.
Với lòng tin tưởng, cha quay sang hỏi người
thiếu phụ : "Con có thể làm gì nếu như con muốn cho nó lành bệnh". Bà
vội trả lời : "Thưa cha, con có thể hy sinh tất cả, kể cả cuộc sống của
con, miễn sao con trai của con khỏi bệnh".
- "Cầu nguyện và tin tưởng vào Chúa
chính là phương thuốc thần diệu nhất. Hãy về và cầu nguyện, Chúa sẽ nhận lời
cầu xin tha thiết của con".
Người thiếu phụ trở về và thành khẩn van
xin Chúa. Như một phép lạ, cậu con trai dần dần bình phục trước sự vui mừng
khôn tả của bà.
Tôi tin rằng Chúa luôn đáp lại lời tôi cầu
nguyên Dù Ngài đáp lại "Yes" hay "No", tôi vẫn tin rằng tất
cả chỉ vì Ngài thương tôi, muốn tôi được hạnh phúc.
Lạy Chúa, xin cho con biết lấy cầu nguyện
là phương châm sống cho cuộc đời con. (Epphata)
4. (những mầm khác)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
11/05/13 THỨ BẢY TUẦN 6 PS
Ga 16,23b-28
Ga 16,23b-28
ĐỂ
TRỌN VẸN MỘT NIỀM VUI
“Anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em…Cứ
xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.” (Ga 16,23b-24)
Suy niệm: Chúa không chỉ biến ưu phiền
của chúng ta thành niềm vui, Ngài còn muốn làm cho niềm vui đó nên trọn vẹn.
Điều đó có thể thấy được nơi Maria Magđala, vào sáng sớm ngày thứ nhất trong
tuần hôm ấy, hay nơi những người đã thấy Đức Ki-tô sống lại. Còn chúng ta, khi
vẫn còn bước đi trong đức tin chứ không phải được hưởng kiến, và mới chỉ lĩnh
hội được một chút gì của mầu nhiệm Thiên Chúa chứ không phải là “toàn vẹn sự
thật” của Ngài, thì niềm vui có thể gọi là trọn vẹn được không? Có đấy! Hãy
nghiệm lại những lời Chúa nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày
cho đến tận thế” và“Cứ xin đi, anh em sẽ được, để
niềm vui của anh em nên trọn vẹn”. Để sống trong niềm vui trọn vẹn với Thiên
Chúa chúng ta hãy sống như những người con cái của Ngài, mối quan hệ mới được
thiết lập nhờ Đức Giêsu Kitô. Chính nhờ Ngài, mà niềm vui của chúng ta nên trọn
vẹn và không ai có thể cướp mất được. Nhân danh Ngài, chúng ta cầu xin và nhờ
Ngài lời cầu xin chắc chắn được đón nhận.
Mời Bạn: Để hưởng trọn vẹn niềm vui của
Chúa thì chúng ta cũng phải sống trọn vẹn “đạo làm con” đối với Ngài. Bạn còn
thiếu sót gì trong “đạo làm con” đối với Thiên Chúa không?
Chia sẻ: Chúa nói: “Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn”. Thế khi xin mà không được thì
sao?
Sống Lời Chúa: Trong lời cầu nguyện mỗi ngày,
bạn hãy cầu xin Chúa điều mà bạn thấy là đẹp lòng Chúa nhất.
Cầu nguyện: Đọc kinh Lạy Cha.
Chúa
Cha yêu mến anh em
Suy niệm:
Allah là tên của Thiên Chúa trong Hồi giáo.
Ngài được tôn kính bằng 99 danh hiệu khác nhau:
Đấng Tối cao, Đấng Nhân hậu, Đấng Toàn năng,
Đấng Vĩnh cửu…
Danh hiệu thứ 100 sẽ được mặc khải ở đời sau.
Nhưng Allah không bao giờ được gọi là Cha,
vì Ngài không sinh con.
Kitô giáo yêu mến Đức Giêsu và tin Ngài là Con
Thiên Chúa.
Thiên Chúa chính là Cha của Đức Giêsu.
Đức Giêsu vẫn gọi Thiên Chúa bằng tiếng Abba
thân thương.
Cuộc đời Đức Giêsu nơi trần gian giống như một
cuộc ra đi và trở về.
Ngài từ Thiên Chúa Cha mà đến thế gian (cc.
27-28),
rồi Ngài lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha,
sau khi hoàn thành sứ vụ.
Sứ vụ của Ngài là vén mở cho môn đệ về Chúa Cha
(c. 25),
và đưa họ đi vào chỗ thân tình gần gũi với
Người Cha ấy.
Chúa Cha ở trong thế giới thần linh,
nhưng thế giới ấy lại có những cửa sổ mở ra với
thế giới con người.
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thầy Giêsu kêu mời
các môn đệ
hãy mạnh dạn đến với Cha và nài xin.
Đây là điều trước đây họ chưa từng làm (c.
24a).
Đã đến lúc mạnh dạn đưa ra những thỉnh nguyện
nhân danh Thầy Giêsu.
Nhân danh Thầy Giêsu mà xin cùng Chúa Cha
là điều vẫn nằm ở phần cuối của mỗi lời nguyện
trong Giáo Hội.
Khi cầu xin nhân danh Thầy Giêsu, chúng ta hiệp
nhất với Thầy,
nên lời xin của chúng ta dễ được Chúa Cha đoái nhận.
Chúa Cha sẽ ban cho chúng ta mọi sự nhân danh
Đức Giêsu (c. 23).
Hơn thế nữa, chính Chúa Cha cũng yêu mến chúng
ta (c. 27),
và muốn cho chúng ta ơn lớn nhất
là đi vào tương quan với Ba Ngôi ngay từ khi
còn sống ở trần gian.
“Cứ xin đi, anh em sẽ được,
để niềm vui của anh em nên trọn vẹn” (c. 24).
Khi sắp được về hưởng niềm vui bên Chúa Cha (Ga
14, 28),
thấy các môn đệ buồn phiền, Thầy Giêsu đã nói
nhiều về niềm vui.
Thầy muốn chia sẻ cho họ niềm vui của mình,
Ba lần Ngài nói đến niềm vui trọn vẹn hứa ban cho họ (Ga 15,11; 16,24;
17,13).
Ngài còn hứa cho họ niềm vui mà không ai sẽ lấy được (Ga 16, 22).
Chuẩn bị mừng lễ Chúa Thăng Thiên, chúng ta xin
được niềm vui đó,
niềm vui của những người đã chạm đến trời cao.
Cầu nguyện:
Lạy Cha
từ ái,
đây là
niềm tin của con.
Con tin
Cha là Tình yêu,
và mọi sự
Cha làm đều vì yêu chúng con.
Cả những
khi Cha mạnh tay cắt tỉa,
cả những
khi Cha thinh lặng hay vắng mặt,
cả những
khi Cha như chịu thua sức mạnh của ác nhân,
con vẫn
tin Cha là Cha toàn năng nhân ái.
Con tin
Cha không chịu thua con về lòng quảng đại,
chẳng để
con thiệt thòi khi dám sống cho Cha.
Con tin
rằng nơi lòng những người cứng cỏi nhất
cũng có
một đốm lửa của sự thiện,
được vùi
sâu dưới những lớp tro.
Chỉ một
ngọn gió của tình yêu chân thành
cũng đủ
làm đốm lửa ấy bừng lên rạng rỡ.
Con tin
rằng chẳng có giọt nước mắt nào vô ích,
thế giới
vẫn tồn tại
nhờ hy
sinh thầm lặng của bao người.
Con tin
rằng chiến thắng cuối cùng thuộc về Ánh sáng.
Sự Sống
và Tình yêu sẽ chiếm ngự địa cầu.
Con tin
rằng dòng lịch sử của loài người và vũ trụ
đang
chuyển mình tiến về với Cha,
qua trung
gian tuyệt vời của Chúa Giêsu
và sức
tác động mãnh liệt của Thánh Thần.
Con tin
rằng dần dần mỗi người sẽ gặp nhau,
vượt qua
mọi tranh chấp, bất đồng,
mọi dị
biệt, thành kiến,
để cùng nắm
tay nhau đi qua sa mạc cuộc đời
mà về nhà
Cha là nơi hạnh phúc viên
mãn.
Lạy Cha,
đó là niềm tin của con.
Xin Cha
cho con dám sống niềm tin ấy. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu,
Suy niệm Ga 16, 23b-28
“Nếu anh em xin Chúa Cha điều
gì nhân danh Thày, thì Người sẽ ban cho anh em. Anh em cứ xin thì sẽ được, để
niềm vui của anh em được trọn vẹn”.
Ta nhớ lại một hình ảnh khác:
hình ảnh Chúa Giêsu quỳ sụp trong vườn cây dầu: “ Lạy Cha, xin cho con khỏi
uống chén này, nhưng đừng theo ý con một vâng ý Cha”.
Trước cơn hấp hối, dường như
Chúa cũng muốn “ chạy trốn” chén đắng, nhưng vì lòng mến, vâng phục, Chúa đón
nhận.
Bình thường, chúng ta thường
cầu xin cho mình những ơn mà mình không phải cố gắng nhiều. Xin trúng số để đổi
đời. Xin khỏe mạnh, khỏi hết bệnh tật mà không phải chữa trị, uống thuốc.
Cầu nguyện là gì nếu đó không
phải là nguồn phát sinh niềm vui, là nguồn giúp triển nở đời sống nội tâm, là
nguồn mang lại sự quân bình. Kitô hữu được nhập vào giòng chảy của thần linh,
suối nguồn yêu thương của Chúa.
Bị ung thư mà xin Chúa cho
khỏi ngay thì có vẻ làm khó Chúa. Bệnh tật cho thấy sự bất lực, giới hạn của
kiếp người để biết bám chặt vào Chúa hơn. Cầu nguyện để có sự can đảm, bình
tâm, phó thác. Hình ảnh Chúa bị treo trên thánh giá là nguồn động viên để mỗi
người thông phần đau khổ với Chúa. Đau khổ có giá trị của đau khổ. Qua đau khổ
đến phục sinh vinh quang.
Và như thế, cầu nguyện như thế
nào cũng được như ý mình, đẹp ý Chúa: "Tất cả là hồng ân".
Cánh én nhỏ.
Ân sủng và sự thật
Chúa
Giêsu Kitô, Ðấng đã từ Thiên Chúa Cha mà đến mới có đủ thẩm quyền để nói cho
chúng ta biết sự thật quan trọng là Thiên Chúa Cha yêu thương anh em. Ngay nơi
đầu Phúc Âm của mình, thánh Gioan đã thốt lên: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm
và cư ngụ giữa chúng ta. Chúng ta đã được nhìn thấy vinh quang của Người, vinh
quang mà Chúa Cha đã ban cho Người, là Con Một tràn đầy ân sủng và sự thật”. Từ
nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác.
Quả thế, Lề Luật đã được Thiên Chúa ban qua ông Môsê, còn ân sủng và sự thật
thì nhờ Chúa Giêsu Kitô mà có, không ai đã thấy Thiên Chúa bao giờ nhưng Con
Một là Thiên Chúa và là Ðấng hằng ở nơi cung lòng Thiên Chúa Cha, chính Người
đã tỏ cho chúng ta biết.
Chỉ
một mình Con Một Thiên Chúa là Chúa Giêsu Kitô, Ðấng từ Thiên Chúa Cha mà đến
mới có đủ thẩm quyền để nói cho chúng ta biết Thiên Chúa Cha yêu thương anh em,
và chỉ những ai đã đạt tới mức chiêm niệm cao sâu mới có thể cảm nghiệm, xác
tín và tuyên xưng như vậy. Cùng với Chúa Giêsu, Thiên Chúa Cha yêu thương anh
em, Thiên Chúa Cha yêu thương con người tội lỗi, yếu hèn của chúng ta. Trong
thinh lặng, nhìn lại cuộc đời tội lỗi của mình, chúng ta đã cảm nghiệm được sự
thật vừa nói như thế nào rồi. Cuộc đời chúng ta cần được xây dựng trong sự thật
căn bản này: Thiên Chúa Cha yêu thương anh em. Nếu không phải do chính Chúa
Giêsu Kitô, Ðấng từ Thiên Chúa Cha mà đến để mạc khải cho chúng ta sự thật này
thì quả thật chúng ta không dám liều mọi sự, liều cả cuộc đời để tin và sống
theo một vị Thiên Chúa vô hình và thường im lặng trước biết bao cảnh đời cùng
khổ của con người cũng như của anh chị em trong xã hội.
“Thiên
Chúa Cha yêu thương anh em”, đây là căn bản cho niềm vui của chúng ta cảm
nghiệm trong linh hồn. Chọn sống cho một vị Thiên Chúa không ngừng tác động
trong lịch sử, để chứng tỏ tình thương yêu đối với con người, mặc dù nhiều khi
không đáp trả tình yêu của Ngài cách xứng đáng. Sự lựa chọn đó không làm chúng
ta run sợ nhưng trái lại làm cho tâm hồn chúng ta cảm thấy nóng lên ngọn lửa
sốt mến muốn hiến dâng mỗi ngày một trọn vẹn hơn.
Trong
tuần lễ qua, suy niệm Phúc Âm chương 16 theo thánh Gioan, chúng ta đã chiêm
ngắm về khía cạnh thiết yếu của đời sống Kitô, và một trong những khía cạnh
quan trọng đó là cuộc đời của người đồ đệ cần được liên kết sâu xa với mầu
nhiệm vượt qua của Chúa, để nếm hưởng niềm vui và làm ích cho anh chị em. Không
có con đường nào khác để biến cuộc đời chúng ta trở nên nguồn phúc lợi cho anh
chị em ngoại trừ con đường ra đi như Chúa. Chúa Giêsu đã hoàn thành sứ mạng và
Ngài loan báo trước cho các môn đệ là sắp đến giờ Ngài ra đi không phải để đi
mất mà là để hiện diện lại cách mới mẻ và sâu xa hơn: “Thầy từ Chúa Cha mà đến
thế gian và giờ đây Thầy trở về cùng Chúa Cha”.
Từ
nay công việc quản lý trần gian này để gây phúc lộc cho anh chị em trở thành
công việc của chúng ta, cùng với sức mạnh của Chúa, sức mạnh của Chúa Thánh
Thần, Ðấng thay thế cho Chúa Giêsu để nâng đỡ, an ủi và hướng dẫn chúng ta. Và
một trong những phương thế để giữ liên lạc, để có sức mạnh của Chúa đủ để trung
thành cho đến cùng trong sự dấn thân hàng ngày của chúng ta cho Chúa và cho anh
chị em, là cầu nguyện. Cầu nguyện nhân danh Chúa Giêsu. Cầu nguyện trong sự kết
hiệp mật thiết với Chúa Giêsu. Có Chúa Giêsu cùng cầu nguyện với chúng ta thì
chúng ta còn phải lo sợ điều gì nữa. Phải, điều đáng sợ không phải từ phía
Thiên Chúa mà là từ phía chúng ta. Liệu chúng ta có để cho Chúa Giêsu ngự trong
tâm hồn mình để cùng thưa chuyện với Thiên Chúa hay không mà thôi.
Lạy
Chúa, xin cho chúng con được ghi nhớ mãi lời căn dặn của Chúa, đó là “Thiên
Chúa Cha yêu thương các con”. Xin Chúa giúp chúng con sống mãi trong tình
thương Chúa và múc lấy sức mạnh để từ đó mà phục vụ anh chị em trong mọi hoàn
cảnh.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG
NĂM
Ơn Bình An Để Lại
Chúa Giê-su
chuẩn bị cho các môn đệ Người đón nhận cuộc ra đi của Người. Người nói: “Thầy
ra đi … Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đến cùng
Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28). Giáo Hội đọc lại
những lời này khi đến gần ngày thứ bốn mươi sau cuộc phục sinh của Đức Kitô –
tức ngày Lễ Thăng Thiên.
Tuy nhiên,
Đức Kitô không chỉ nói: “Thầy ra đi”, mà thực tế Người còn nói: “Thầy trở lại
với anh em”. Cuộc ra đi này chỉ đánh dấu sự kết thúc sứ mạng mê-si-a trên dương
thế của Người. Cuộc ra đi ấy không phải là sự tách ly các môn đệ ra khỏi Đức
Kitô. Sứ mạng mê-si-a của Đức Kitô kết thúc bằng sự kiện Chúa Thánh Thần đến và
bằng cuộc khai sinh Giáo Hội.
Trong Giáo
Hội, Đức Kitô luôn luôn hiện diện và không ngừng hoạt động bằng quyền năng của
Thánh Thần. Người hướng dẫn chúng ta đi về nhà Cha. Sứ mạng của Giáo Hội là
hướng dẫn mọi con người đi tới định mệnh chung cuộc này – định mệnh mà ai cũng
được dành sẵn cho trong Thiên Chúa.
Như vậy, sự
ra đi của Đức Kitô không hề gây hoang mang lo lắng. Ngược lại, đó là cả một sự
bình an tràn trề. Người nói: “Thầy để lại bình an cho anh em; Thầy ban bình an
của Thầy cho anh em” (Ga 14, 27). Hằng ngày chúng ta lặp lại những lời ấy trong
phụng vụ Thánh Lễ trước khi hiệp lễ. Và Người thêm: “Lòng anh em đừng xao
xuyến, cũng đừng sợ hãi … Thầy ra đi, và Thầy sẽ trở lại với anh em” (câu 27 –
28).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày
11-5
Cv
18, 23-28; Ga 16,23b-28.
LỜI SUY NIỆM: “Anh em
mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy” (Ga
16,23b)
Chúng
ta là những Ki-Tô hữu là ân ban của Thiên Chúa, và chúng ta càng nhận biết về
Chúa Giêsu là nhờ bởi Chúa Thánh Thần. Nên chúng ta phải biết cầu xin những gì
với Thiên Chúa trong danh Chúa Giêsu Ki-tô. Trong cầu nguyện chúng ta học theo
cách của Tổ phụ Ápraham, của Mô-sê, của Đức Maria. Thiên Chúa sẽ nhậm lời. Ngài
sẽ ban cho chúng ta những ơn cần thiết để chúng ta sống đúng với phẩm giá của
một con người mà Ngài đã tạo dựng
Mạnh
Phương
11 Tháng Năm
Cơn
Thịnh Nộ Của Các Thánh
Trong tác phẩm có tựa
đề "Quyển Phúc Âm thứ 5", tác giả người Ý là ông Pomilio có tưởng
tượng một câu chuyện như sau: Ngày kia, các thánh trên Thiên Ðàng không còn
chịu đựng nổi những xúc phạm của con người đối với Thiên Chúa nữa, cho nên Ngài
mới họp công nghị để tìm cách chặn đứng tội lỗi của nhân loại...
Sau không biết bao
nhiêu buổi họp, cuối cùng các thánh mới đồng thanh biểu quyết rằng việc Con
Thiên Chúa chịu chết trên thập giá vẫn chưa đủ để cứu rỗi con người. Do đó, cần
phải dùng đến sức mạnh may ra mới trừng trị và thuyết phục được loài người.
Các Ngài họp lại thành
một đạo binh hùng mạnh và xâm nhập vào trái đất. Chỉ trong nháy mắt, đạo binh
các thánh đã chinh phục được thế giới. Các Ngài giao việc cai trị trái đất cho
một số người công chính còn sót lại giữa loài người. Còn tất cả những kẻ gian
ác, tội lỗi, các ngài tập trung lại trong một thung lũng lớn. Tại đây, các ngài
dựng lên những dàn hỏa thiêu vĩ đại để tiêu diệt tất cả những người tội lỗi.
Các ngài tin chắc rằng sau cuộc thanh lọc này, dòng giống con người trên mặt
đất sẽ chỉ có những người công chính...
Khi mọi sự đã sẵn sàng
để tiến hành cuộc tiêu diệt, thì giữa đám người tội lỗi, các thánh bỗng thấy
một người đang vác thập giá. Hắn đang ra hiệu cho những người khác đến giúp dỡ
hắn... Nhìn thấy cảnh tượng ấy, các thánh càng bực tức hơn nữa. Tại sao một
người tội lỗi lại bị xử theo hình phạt chỉ được dành riêng cho Con Thiên Chúa
mà thôi? Nghĩ như thế, cho nên các thánh mới triệu kẻ vác thập giá đến, trói
chân tay hắn lại và giải đến trước mặt thánh Phêrô để xét xử.
Vừa thoáng nhìn qua kẻ
vác thập giá, vị thủ lãnh các tông đồ đã nhận ra ngay Thầy mình. Các thánh ngỡ
ngàng không ít, khi được thánh Phêrô tiết lộ rằng Con Thiên Chúa đang lẫn lộn
giữa những người tội lỗi. Các ngài mới nhớ lại lời của Ngài: "Con Người
không đến để cứu thoát những người công chính mà chính là những người tội
lỗi". Chúa Giêsu cũng nói các thánh rằng Ngài đã quyết định chết một lần
nữa cho các tội nhân, bởi vì trên trần gian, không có một người nào có thể cứu
thoát kẻ có tội khỏi cơn thịnh nộ của các thánh.
Chúng
ta dễ rơi vào hai thái cực trái nghịch nhau: thái độ của những người biệt phái
và thái độ của Giuda, kẻ bán nộp Chúa.
Thái
độ của những người biệt phái được Chúa Giêsu phác họa qua hình ảnh của một
người tự cao tự đại vào Ðền Thờ cầu nguyện. Người này kể ra bao nhiêu công
trạng của mình và nhìn một cách khinh bỉ về người thu thuế đang nép mình ở phía
cuối Ðền Thờ. Thái độ ấy tiêu biểu ấy cho chính cái nhìn mà đôi khi chúng ta
cũng có đối với người khác. Chúng ta hãnh diện về đời sống đạo đức của chúng ta
và kết án những yếu hèn, thiếu sót của những người xung quanh...
Ðối
nghịch với thái độ kiêu ngạo của người biệt phái là thái độ thất vọng của
Giuda. Sau khi đã bán nộp Chúa, Giuda mới nhận ra lỗi lầm của mình. Ông không
còn tin tưởng ở lòng Nhân Từ của một Thiên Chúa có thể tha thứ tất cả tội lỗi
của ông và có thể mang lại cho cơ may để sống tốt đẹp hơn.
Tựu
trung, cả hai thái độ đều có chung một mẫu số: đó là đóng khung trong chính bản
thân để khước từ mọi ân sủng của Chúa.
Qua
cuộc sống của mình, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đặt tất cả tin tưởng, phó thác
vào Tình yêu của Thiên Chúa. Dù tội lỗi chúng ta có ngập tràn, Tình yêu của
Thiên Chúa vẫn luôn có sức xóa sạch tất cả. Tình yêu của Ngài mạnh hơn cả hỏa
ngục và sự chết... Qua cách cư xử của Chúa Giêsu với tội nhân, chúng ta cũng
được mời gọi để nên trọn lành như Cha chúng ta trên Trời, đó là luôn biết tha
thứ và cảm thông đối với những bất toàn, yếu đuối và tội lỗi của con người...
(Lẽ Sống)
Gương Thánh Nhân
Ngày
11/5 - Thánh Y-Nhã ở Laconi
(1701
- 1781)
Thánh
Y-Nhã là một thầy khất thực thánh thiện.
Ngài
là con thứ hai trong một gia đình nông dân ở Sardinia
và tên thật là Francis Ignatius Vincent Peis. Ngay từ nhỏ Vincent đã biết cái
nghèo là gì, nhưng trong mái nhà đơn sơ ấy là bầu khí thánh thiện của một người
cha siêng năng làm việc và người mẹ đạo đức, luôn dạy con cái trở nên xứng đáng
là con Chúa.
Ngay
từ nhỏ, Vincent đã thường đau yếu luôn, và khi 18 tuổi anh bệnh nặng đến nỗi
phải nằm liệt giường trong nhiều tháng. Chạy đến với Ðức Trinh Nữ Maria, anh
hứa sẽ trở thành một tu sĩ dòng Capuchin nếu Ðức Mẹ chữa khỏi. Và Vincent bắt
đầu hồi phục, nhưng lại quên đi lời hứa ấy. Mãi cho đến một biến cố thứ hai,
khi anh đang cưỡi ngựa thì con ngựa trở chứng chạy lồng lộn tưởng như muốn hất
anh xuống đất nhưng bỗng nhiên nó thuần thục trở lại, và anh tin rằng Thiên
Chúa đã can thiệp để nhắc lại lời hứa trước đây. Năm 1721, anh gia nhập tu viện
Thánh Biển Ðức ở Cagliari ,
và sau khi mặc áo dòng, anh lấy tên là Thầy Y-Nhã.
Sau
khi tuyên khấn, thầy được sai đến tu viện ở Buoncammino làm đầu bếp trong vòng
hai năm. Và mười năm tiếp đó thầy đi khất thực cho tu viện ở Iglesias và sau
lại trở về Buoncammino làm nghề dệt. Tuy nhiên, chỉ được vài năm, thầy lại trở
về công việc khất thực cho nhà dòng. Có thể nói, "công việc" của thầy
bao gồm việc lang thang trên đường phố Cagliari
để xin thức ăn cho nhà dòng. Không bao lâu, thầy là khuôn mặt quen thuộc của
dân chúng và họ gọi thầy là "Padre Santo" (Cha Thánh).
Thầy
được sự yêu quý của người già cũng như sự tin tưởng của người trẻ. Trẻ con ở Cagliari lại càng quý mến
"Padre Santo" là chừng nào khi thầy luôn kể cho chúng nghe các câu
truyện hấp dẫn của các thánh, dạy bảo cho chúng biết về Thiên Chúa, cũng như
chỉ vẽ chúng cách cầu nguyện cùng Thiên Chúa.
Lòng
thương yêu tha nhân đã trở nên phần thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của
thầy, và từ đó xuất phát sự khôn ngoan, lòng nhiệt thành có sức thu hút người
khác.
Trong
hai năm cuối của cuộc đời, thầy bị mù, và từ trần ngày 11 tháng Năm 1781. Thầy
được phong thánh năm 1951.
Lời Bàn
Tại
sao người dân ở Cagliari
lại giúp đỡ các tu sĩ? Các môn đệ của Thánh Phanxicô là những người siêng năng
làm việc nhưng đó là những công việc không đủ sống. Trong những điều kiện ấy,
Thánh Phanxicô cho phép họ đi xin ăn. Cuộc đời Thánh Y-Nhã cho chúng ta thấy,
những gì Thiên Chúa coi là giá trị thì không liên hệ đến đồng lương cao hay
thấp.
Lời Trích
"Tôi
thường làm việc với đôi bàn tay, và tôi vẫn muốn làm việc; tôi thực sự mong
muốn tất cả các anh em đều tận tình làm việc. Những ai không biết cách làm việc
hãy học làm việc, không phải vì muốn được trả lương nhưng vì sống gương mẫu và
để tránh sự lười biếng. Và khi chúng ta không được trả lương, hãy trông nhờ vào
bàn ăn của Thiên Chúa, mà đi ăn xin từng nhà" (Thánh Phanxicô, Bản Di
Chúc).
(nguoitinhuu.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét