Lễ Thăng
Thiên Năm C
(Phần I)
Bài Ðọc I: Cv 1, 1-11
"Trước sự chứng
kiến của các ông, Người lên trời".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Hỡi
Thêôphilê, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những điều Ðức Giêsu
đã bắt đầu làm và giảng dạy, cho đến ngày Người lên trời, sau khi căn dặn các
Tông đồ, những kẻ Người đã tuyển chọn dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần. Sau
cuộc thương khó, Người đã tỏ cho các ông thấy Người vẫn sống, với nhiều bằng
chứng Người đã hiện ra với các ông trong khoảng bốn mươi ngày và đàm đạo về
Nước Thiên Chúa. Và trong một bữa ăn, Người đã ra lệnh cho các ông chớ rời khỏi
Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa. Người nói: "Như các
con đã nghe chính miệng Thầy rằng: Gioan đã làm phép rửa bằng nước, phần các
con, ít ngày nữa, các con sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần".
Vậy
các kẻ có mặt hỏi Người rằng: "Lạy Thầy, có phải đã đến lúc Thầy khôi phục
Nước Israel
chăng?" Người bảo họ rằng: "Ðâu phải việc các con hiểu biết thời gian
hay kỳ hạn mà Cha đã ấn định do quyền bính Ngài. Nhưng các con sẽ nhận được sức
mạnh của Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho
Thầy tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samaria , và cho đến tận cùng trái đất".
Nói xong, Người được cất lên trước mắt các ông, và một đám mây bao phủ Người
khuất mắt các ông.
Ðang
khi các ông còn ngước mắt lên trời nhìn theo Người đang xa đi, thì bỗng có hai
người mặc áo trắng đứng gần các ông và nói rằng: "Hỡi người Galilê, sao
các ông còn đứng nhìn lên trời? Ðức Giêsu, Ðấng vừa lìa các ông mà lên trời, sẽ
đến cùng một thể thức như các ông đã thấy Người lên trời".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 46, 2-3. 6-7. 8-9
Ðáp: Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên
trong tiếng kèn vang (c. 6).
Hoặc
đọc:
Alleluia.
Xướng: 1) Hết thảy chư dân,
hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa tiếng reo vui! Vì Chúa là Ðấng Tối cao, khả
uý, Người là Ðại Ðế trên khắp trần gian. - Ðáp.
2)
Thiên Chúa ngự lên giữa tiếng tưng bừng, Chúa ngự lên trong tiếng kèn vang. Hãy
ca mừng, ca mừng Thiên Chúa' hãy ca mừng, ca mừng Vua ta! - Ðáp.
3)
Vì Thiên Chúa là Vua khắp cõi trần gian, hãy xướng ca vịnh mừng Người. Thiên
Chúa thống trị trên các nước, Thiên Chúa ngự trên ngai thánh của Người. - Ðáp.
Bài
Ðọc II: Ep 1, 17-23
"Người đặt Ngài
ngự bên hữu mình trên trời".
Trích
thư của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh
em thân mến, xin Thiên Chúa của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Cha vinh
hiển, ban cho anh em thần trí khôn ngoan và mạc khải, để nhận biết Người, xin
cho mắt tâm hồn anh em được sáng suốt, để anh em biết thế nào là trông cậy vào
ơn Người kêu gọi, thế nào là sự phong phú gia nghiệp vinh quang nơi các thánh,
và thế nào là quyền năng vô cùng lớn lao của Người đối với chúng ta, là những
kẻ tin, chiếu theo hành động của sức mạnh quyền năng Người, công việc mà Chúa
đã thực hiện trong Ðức Kitô, tức là làm cho Ngài từ cõi chết sống lại, và đặt
Ngài ngự bên hữu mình trên trời, vượt trên mọi cấp trật, các lãnh thần, quyền
thần, dũng thần, và quản thần, vượt trên mọi danh hiệu được xưng hô cả đời này
lẫn đời sau. Chúa khiến mọi sự quy phục dưới chân Ngài, và tôn Ngài làm đầu
toàn thể Hội Thánh là thân thể Ngài, và là sự sung mãn của Ðấng chu toàn mọi sự
trong mọi người.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia: Mt 28, 19 và 20
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân: Thầy sẽ ở cùng
các con mọi ngày cho đến tận thế". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 24, 46-53
"Ðang khi Người
chúc phúc cho các ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời".
Bài
kết Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Như đã ghi chép là Ðức Kitô
phải chịu khổ hình và ngày thứ ba từ cõi chết sống lại; và nhân danh Người mà
rao giảng việc sám hối và ơn tha tội trong mọi dân, bắt đầu từ Giêrusalem. Các
con là nhân chứng những sự việc ấy. Thầy sẽ sai đến với các con Ðấng Cha Thầy
đã hứa; vậy các con hãy ở lại trong thành cho đến khi mặc lấy quyền lực từ trên
cao ban xuống". Rồi Người dẫn các ông ra ngoài, đến làng Bêtania, và giơ
tay chúc phúc cho các ông. Sự việc xảy ra là đang khi Người chúc phúc cho các
ông, Người rời khỏi các ông mà lên trời. Các ông thờ lạy Người, và trở về
Giêrusalem lòng đầy vui mừng. Các ông luôn luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng
Thiên Chúa. Amen.
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Ra khơi
Dịp Lễ
Thăng Thiên năm 2001 Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chia sẻ:
"Chúng
ta được qui tụ quanh bàn thờ Chúa để cử hành việc Chúa lên trời. Chúng ta đã
nghe được Lời Chúa: "Các con sẽ nhận lấy sức mạnh của Chúa Thánh Thần,
Đấng sẽ ngự xuống trên các con và các con sẽ là những chứng nhân của Thầy cho
đến tận cùng trái đất".
Từ hai
ngàn năm qua, những lời này của Chúa Phục Sinh thôi thúc Giáo Hội tiến ra khơi,
tiến vào trong lịch sử của con người. Những lời này làm cho Giáo Hội trở nên
một người luôn đồng hành với tất cả mọi thế hệ, làm cho Giáo Hội trở nên như
men, làm dậy nên những hạt văn hoá trên thế giới. Hôm nay, chúng ta nghe lại
những lời trên để với sức mạnh được canh tân, chúng ta đón nhận mệnh lệnh của
Chúa "Hãy ra khơi", mệnh lệnh mà Chúa đã nói với thánh Phêrô. Đây là
một mệnh lệnh và tôi đã muốn làm vang dội lại trong Giáo Hội qua bức tông thư
khởi đầu Ngàn Năm Mới. Và đây là mệnh lệnh mặc lấy một ý nghĩa sâu xa hơn theo
ánh sáng của ngày lễ trọng Chúa Thăng Thiên. "Hãy ra khơi" ra nơi mà
Giáo Hội cần tiến đến, không phải chỉ là một sự dấn thân truyền giáo mạnh mẽ
nhưng nhất là và còn là một sự dấn thân mạnh mẽ sống chiêm niệm. Như những tông
đồ, những kẻ đã được chứng kiến biến cố Chúa lên trời, chúng ta cũng được mời
gọi hãy hướng cái nhìn lên dung mạo của Chúa Kitô được hiển vinh trong vinh
quang Thiên Chúa Cha. Chắc chắn rằng nhìn ngắm trời cao không có nghĩa là quên
đi trần gian này. Và nếu rủi gặp phải cám dỗ, chúng ta chỉ cần lắng nghe lại
lời hai người mặc áo trắng của đoạn Phúc Âm hôm nay nói rằng: "Tại sao các ông còn nhìn
trời?"
Việc cầu
nguyện chiêm niệm Kitô không làm cho chúng ta tránh khỏi việc dấn thân vào trong lịch sử. "Trời",
nơi Chúa Giêsu tiến vào không phải là một sự xa vắng nhưng như là một màn che
khuất và là nơi lưu giữ một sự hiện diện. Đó là sự hiện diện của Chúa, một sự
hiện diện không bao giờ bỏ rơi chúng ta cho đến khi Chúa trở lại trong vinh
quang. Trong khi đó, thời giờ chúng ta sinh sống đây là thời giờ rất đòi hỏi.
Đòi hỏi chúng ta phải làm chứng bởi vì nhân danh Chúa Kitô, sự ăn năn hối cải
và sự tha thứ tội lỗi phải được rao giảng cho tất cả mọi dân nước. Và chính để
làm sống lại ý thức này mà tôi đã muốn triệu tập hội nghị Hồng Y đặc biệt được
bế mạc hôm nay (thứ Năm 24/05/2001). Các vị Hồng Y, từ các nơi trên thế giới mà
tôi xin kính chào với lòng mộ mến huynh đệ. Các ngài trong những ngày qua đã
hội họp với tôi để bàn về một vài đề tài trong số những đề tài nổi bật nhất của
công việc rao giảng Phúc Âm và làm chứng Kitô trong thế giới hôm nay, vào khởi
đầu Ngàn Năm Mới. Đây, đối với chúng tôi, là giây phút sống hiệp thông, trong
đó chúng tôi cảm nghiệm được một phần nào của niềm vui đã tràn ngập tâm hồn các
tông đồ ngày xưa, sau khi Chúa Phục Sinh chúc lành cho các ngài và tách rời ra
khỏi các ngài để lên trời. Thật vậy, thánh Luca đã ghi lại rằng: "Sau khi
bái lạy tôn thờ Chúa, các tông đồ trở lại Giêrusalem với niềm vui lớn lao và
các ngài luôn ở trong đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa."
Và tiếp
sau trong bài giảng, Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã khai triển thêm bản
chất cũng như sinh hoạt truyền giáo của Giáo Hội, và cuộc hội Hồng Y cũng được
Đức cố Giáo Hoàng đặt trong viễn tượng này: "Thực hiện sự hiệp thông và
hiệp nhất trong Giáo Hội, để Giáo Hội có thể rao giảng Phúc Âm Chúa một cách
đáng tin hơn cho mọi anh chị em."
Trong
thánh lễ Chúa Thăng Thiên và trong giây phút này, Đức cố Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II đã cho chúng ta biết ý nghĩa của biến cố quan trọng này: Không phải
Chúa lên trời để bỏ chúng ta, mà Ngài bước sang một sự hiện diện mới với chúng
ta trong Chúa Thánh Thần. Ngài luôn ở cùng chúng ta luôn mãi cho đến tận cùng.
Và Ngài muốn mỗi người chúng ta mở rộng tâm hồn đón nhận hồng ân Thánh Thần của
Ngài để làm chứng cho Ngài trong môi trường chúng ta sinh sống.
Từ Chúa
Nhật này cho tới Chúa Nhật Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy dành thời
giờ để nhìn lại cuộc sống của mình, mở rộng tâm hồn đón nhận Chúa Thánh Thần và
sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm chứng cho Chúa đến mức độ nào
rồi. "Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận cùng và các con sẽ làm
chứng cho Thầy khắp nơi trên mặt đất này".
Xin
Chúa gìn giữ chúng ta vững mạnh trong đức tin để chúng ta có thể làm chứng cho
Chúa mọi nơi mọi lúc.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật Lễ Thăng Thiên (Chủ
Nhật VII Phục Sinh), Năm C
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Chúa Giêsu lên trời.
Hai
điều chính chúng ta cần tìm hiểu trong ngày lễ Chúa lên trời:
(1)
Hiểu làm sao về biến cố Chúa thăng thiên: Phải chăng khi Chúa Giêsu lên trời là Ngài sẽ
sống cách biệt chúng ta? Phải chăng Chúa Giêsu mang thân xác con người về Trời?
Đâu là Thiên Đàng? Chúng ta sẽ hưởng những quyền lợi gì trên Thiên Đàng?
(2)
Sự quan trọng của việc rao giảng Tin Mừng: Tại sao Chúa trao cho các Tông-đồ và Hội
Thánh sứ vụ mang ơn cứu độ cho muôn người qua việc rao giảng Tin Mừng?
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh biến cố Chúa lên trời và sứ vụ Ngài trao cho các môn
đệ. Trong Bài Đọc I, Thánh Lucas tường thuật hai biến cố: Chúa lên trời và sứ
vụ Ngài trao cho các môn đệ phải ra đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Trong
Bài Đọc II, Thánh Phaolô cầu nguyện để các tín hữu có thần trí khôn ngoan để
hiểu Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa, được thực hiện qua Đức Kitô. Trong Phúc
Âm, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải rao giảng Tin Mừng, và Ngài ban quyền
cần thiết để người khác tin vào lời các ông rao giảng.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
1.1/
Chúa Giêsu củng cố niềm tin cho các môn đệ trong suốt 40 ngày sau khi sống lại.
Dựa
theo Luca 1:1-4 và trình thuật hôm nay: "Thưa ngài Thêôphilê, trong quyển
thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều
Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời," chúng ta có
bằng chứng để kết luận Thánh Luca là tác giả của Tin Mừng thứ ba và Sách CVTĐ.
Trước
ngày lên trời, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh
Thần. Sau khi sống lại, Người đã hiện ra nhiều lần trong bốn mươi ngày, để
chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình, và nói
chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa.
1.2/
Chúa Giêsu nhắc lại lời hứa ban Thánh Thần: Trong những lời từ biệt của Chúa Giêsu trước
Cuộc Thương Khó, Ngài đã hứa sẽ xin Chúa Cha để gởi đến cho các Tông-đồ Thánh
Thần để ở với và hoạt động trong các ông (Jn 15 và 16). Trình thuật hôm nay
nhắc lại lời hứa đó và nhắc nhở các Tông-đồ phải ở lại Jerusalem để lãnh nhận Thánh Thần: "Điều
mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước,
còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần."
Phép
Rửa của Gioan Tẩy Giả là Phép Rửa bằng nước để tha tội khi con người tỏ lòng ăn
năn xám hối và quay về với Thiên Chúa. Các Tông-đồ là những người Do-thái, nên
các ông có lẽ đã lãnh nhận Phép Rửa bằng nước, như Gioan Tẩy Giả đã từng làm
(Jn 1:26); nhưng có một Phép Rửa để thánh hóa con người bằng Thánh Thần mà Gioan
Tẩy Giả đã đề cập đến mà chính Chúa Giêsu đã lãnh nhận (Jn 1:32-33). Các
Tông-đồ lãnh nhận Phép Rửa này trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Acts 2:1-4).
Các
môn đệ hiểu lầm những lời Chúa nói nên hỏi Người rằng: "Thưa Thầy, có phải
bây giờ là lúc Thầy khôi phục vương quốc Israel không?" Họ vẫn nghĩ đến
một Đấng Thiên Sai uy quyền, cho dẫu Chúa Giêsu đã phải trải qua Cuộc Thương
Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Họ nghĩ, Chúa đã phục sinh,
thì giờ là lúc Ngài khôi phục vương quốc Israel bằng cách gởi Thánh Thần xuống
làm cho họ trở thành những người thống trị cùng với Đức Kitô! Nhưng Chúa Giêsu
giải thích cho họ biết mục đích của việc lãnh nhận Thánh Thần là để họ rao
giảng Tin Mừng và làm chứng cho Ngài tại Jerusalem, trong khắp các miền Judah,
Samaria và cho đến tận cùng trái đất, để con người tin và được cứu độ. Còn khi
nào Ngài sẽ khôi phục vương quốc Nước Trời là nằm trong quyền lực và kỳ hạn mà
Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt. Điều này cũng tùy thuộc vào việc cộng tác của
con người làm cho Nước Chúa mau trị đến, bằng việc làm cho mọi người nhận biết
Chúa.
1.3/
Chúa Giêsu lên trời: "Nói xong, Người được cất lên ngay trước mắt các ông, và
có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa." Trong
Phúc Âm, Luca cũng đề cập tới việc Chúa lên trời trong những câu sau cùng (Lk
24:50-51) và phản ứng vui mừng của các Tông-đồ (Lk 24:52-53). Làm sao chúng ta
hiểu được ý nghĩa của việc Chúa Giêsu lên trời?
(1)
Trong ngày lên trời, Chúa Giêsu chính thức từ bỏ thân xác con người (nhân
tính), để chỉ còn lại thiên tính và ngự bên hữu Thiên Chúa để cầu bầu cho con
người. Nói cách khác, Chúa Giêsu giũ bỏ nhân tính để chỉ còn lại thiên tính;
không còn là người mang hai bản tính, nhưng hoàn toàn là Thiên Chúa. Nhưng Chúa
Giêsu phải cho các môn đệ một dấu chỉ để biết Ngài trở về với Chúa Cha, và
không có dấu chỉ nào giúp các ông dễ nhận hơn theo truyền thống là lên trời.
(2)
Chúa Giêsu lên trời không có nghĩa là từ nay, Ngài sẽ cách biệt các môn đệ,
nhưng có nghĩa Ngài không lệ thuộc vào giới hạn của thân xác về thời gian và
không gian. Ngài luôn luôn hiện hữu ở mọi nơi và mọi thời với con người: tại Mỹ
cũng như tại Việt-nam; trong BT Thánh Thể cũng như khi cầu nguyện. Hơn nữa Ba
Ngôi Thiên Chúa không bao giờ tách biệt nhau, cho dù giai đọan hiện tại là giai
đoạn hoạt động của Thánh Thần; nhưng ai có Thánh Thần, người ấy cũng có cả Ba
Ngôi Thiên Chúa.
(3)
Theo ĐGH Gioan Phaolô II, Thiên Đàng không phải là một nơi ẩn giấu đàng sau bầu
trời, nhưng là một trạng thái vinh quang và vĩnh cửu, do sự kết hiệp hoàn toàn
giữa con người với Thiên Chúa. Nếu hiểu như thế, Thiên Đàng đã bắt đầu ngay từ
đời này, nhưng chưa đạt tới mức hoàn hảo như ở đời sau, khi con người được
chiêm ngưỡng Thiên Chúa như Chúa là.
(4)
Chúa Giêsu từ trời sẽ trở lại lần thứ hai để phán xét kẻ sống cũng như người
chết: Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Người đi, thì bỗng có hai
người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: "Hỡi những người Galilee , sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa
lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy
Người lên trời."
2/
Bài đọc II: Phaolô xin Thánh Thần cho các tín hữu để hiểu biết:
2.1/
Mặc khải quan trọng nhất của Thiên Chúa: là Kế Họach Cứu Độ con người, được thực hiện
qua Đức Kitô. Con người phạm tội và hậu quả của tội là sự chết. Để cứu con
người khỏi chết và phục hồi sự sống, Chúa ban cho con người Đức Kitô. Nhờ cái
chết và sự phục sinh của Đức Kitô, con người tìm được niềm hy vọng được sống
muôn đời với Thiên Chúa. Tác giả Thư Ephesô diễn tả những điều này như sau:
"Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết
Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em để thấy rõ:
(1)
"đâu là niềm hy vọng nhờ Người kêu gọi anh em": Niềm hy vọng đây
chính là hy vọng vào cuộc sống vĩnh cửu đã đạt được qua Đức Kitô. Nếu chúng ta
tin vào Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ được sống muôn đời với Thiên Chúa. Ngài
không ngừng kêu gọi và tạo cơ hội cho con người biết Đức Kitô.
(2)
"đâu là sự sung mãn của gia nghiệp vinh quang của Người giữa các
thánh": Gia nghiệp vinh quang của Thiên Chúa chính là ơn cứu độ mà Đức
Kitô đã chiến thắng cho con người. Các thánh là những người đã được hưởng ơn
cứu độ. Họ là những chứng nhân của niềm hy vọng của chúng ta.
(3)
"đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã làm cho chúng ta là những tín
hữu, theo như uy quyền vô biên của quyền năng Người, mà Người đã biểu dương nơi
Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người
trên trời." Nhờ Đức Kitô, Thiên Chúa đã chiến thắng mọi quyền lực của ma
quỉ, tiêu diệt sự chết, và mang lại sự sống vĩnh cửu cho con người.
2.2/
Sức mạnh của Thiên Chúa được biểu dương nơi Đức Kitô:
(1)
Đức Kitô là sự khôn ngoan và sức mạnh của Thiên Chúa: "Như vậy, Người
đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có
được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương
lai." Thư Philipphê cũng diễn tả các tương tự về uy quyền và danh xưng
Giêsu (Phi 2:10-11).
(2)
Đức Kitô thiết lập Hội Thánh để tiếp tục thi hành sứ vụ cứu độ của Ngài trong
trần gian:
"Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể
Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng
làm cho tất cả được viên mãn."
Đức
Kitô cần Hội Thánh để loan truyền ơn cứu độ của Ngài cho mọi người: Câu truyện
đối thoại giữa Chúa Giêsu và sứ thần Gabriel: Sứ thần hỏi Chúa Giêsu khi Ngài
về trời: "Loài người có biết Ngài yêu họ và những gì Ngài đã làm cho họ
không?" Chúa Giêsu trả lời: "Họ chưa biết, nhưng họ sẽ biết qua các
môn đệ của tôi." "Điều gì sẽ xảy ra nếu các môn đệ mệt mỏi, hay thế
hệ sau sẽ quên, hay hết người rao giảng!" Sứ thần Gabriel hỏi. Chúa Giêsu
trả lời: "Tôi tin tưởng họ sẽ không làm như thế."
3/
Phúc Âm: Chúa Giêsu trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ.
3.1/
Chúa Giêsu trao sứ vụ rao giảng Tin Mừng cho các môn đệ: Ngài biết trước các
môn đệ sẽ thay thế Ngài để rao truyền Tin Mừng khắp thế gian; giờ đây trước khi
lên trời, Ngài long trọng trao phó cho các ông sứ vụ đó. Chúa Giêsu mặc khải
cho các ông nhiều điều; nhưng một số điều Ngài nhắc hôm nay là những điều cốt
lõi của Tin Mừng:
(1)
Đức Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại;
(2)
Ngài chịu khổ hình là để gánh tội cho nhân loại. Nếu họ ăn năn và tin vào Ngài,
tội sẽ được tha và họ được cứu độ.
3.2/
Tại sao các môn đệ vui mừng: Thông thường, các môn đệ sẽ buồn rầu khi xa Thầy; nhưng
Lucas tường thuật các ông “lòng đầy hoan hỷ.” Có ít nhất hai lý do cho sự vui
mừng của các môn đệ:
(1)
Vì hy vọng sẽ được lên trời với Chúa: Những gì Chúa Giêsu hứa với các môn đệ, Ngài
đều cho các ông chứng kiến. Hy vọng được lên trời là đích điểm của cuộc đời con
người; nếu các ông đã xem thấy tỏ tường lúc Chúa lên trời, các ông không còn
chút nghi ngờ về niềm hy vọng này. Các ông tin chắc sẽ cùng được hưởng hạnh
phúc với Ngài trên trời.
(2)
Vì sắp được hưởng quyền năng của Chúa Thánh Thần: Chúa Giêsu hứa ban Thánh Thần cho các
môn đệ trước cuộc Thương Khó, và cắt nghĩa rõ ràng vai trò của Thánh Thần (Jn
14:16-17; 16:7-9); giờ đây Ngài lặp lại lời hứa đó và cho các ông biết điều đó
sắp xảy ra. Còn gì vui mừng hơn khi sắp lãnh nhận một quà tặng từ trời để giúp
các ông nhận ra mọi sự thật và có sức mạnh giúp các ông chống chọi với mọi uy
quyền của quỉ thần và của thế gian.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Chúa Giêsu là Đầu đã lên trời, chúng ta là những chi thể của một thân thể của
Ngài là Hội Thánh, cũng sẽ được lên theo. Đó là niềm hy vọng chắc chắn của
chúng ta.
-
Chúa Giêsu tin tưởng chúng ta sẽ không quên sứ vụ Ngài trao phó là sứ vụ rao
giảng Tin Mừng. Chúng ta phải làm hết cách để cho mọi người biết và tin vào
Ngài; đồng thời chúng ta cũng phải đào tạo các thợ nhiệt thành để tiếp tục sứ
vụ rao giảng Tin Mừng cho thế hệ tương lai.
-
Chúa Giêsu về trời không có nghĩa là Ngài vắng mặt trong cuộc đời; nhưng một
khi Ngài không còn lệ thuộc vào giới hạn của thân xác, Ngài sẽ hiện diện với
mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên, OP
12/05/13 CHÚA
NHẬT TUẦN 7 PS – C
Chúa Thăng Thiên
Lc 24,46-53
Chúa Thăng Thiên
Lc 24,46-53
NHỮNG LỜI CHỈ BẢO SAU HẾT
Chúa Giêsu mở trí cho các tông đồ hiểu Kinh Thánh và bảo: “Đấng
Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân
danh Người mà rao giảng cho muôn dân… kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội.
Chính anh em là chứng nhân của những điều này.”
(Lc 24,16-18)
Suy niệm: Các môn đệ theo Chúa lâu rồi mà
cứ mãi theo lối nghĩ của mình. Đến phút chót, Chúa Giêsu còn phải giải thích
cho các ông biết: Đời Ngài là đời thập giá. Hôm nay Ngài về trời là nhờ đã chu
toàn sứ mạng thập giá. Phần của Đức Kitô đã hoàn thành, nhưng phần của các môn
đệ hãy còn đó. Đó chính là Tin Mừng mà các tông đồ phải loan báo và làm chứng khi
đã nhận lãnh đầy tràn Chúa Thánh Thần. Quả thật, nhờ Thánh Thần, các ông hiểu
và đã hiến dâng phần đời còn lại để làm chứng.
Mời Bạn: Đón nhận thập giá sẽ là điều
không thể nếu chúng ta không đặt niềm tin của mình vào Đức Kitô, Đấng chiến
thắng nhờ thập giá đó. Chiêm ngắm cuộc đời của Chúa Giêsu để thấu hiểu để nhờ
đó khám phá và xác tín rằng đó chính là kiểu mẫu cho đời của bạn. Như thế cuộc
đời bạn có nhiều khổ đau, thử thách ư? Chỉ là chuyện nhỏ thôi.
Sống Lời Chúa: Có xác tín được thế, bạn mới có
được 1 cuộc sống như các tông đồ xưa: “lòng đầy hoan hỉ”. sống như bạn tin sẽ
là lời chứng hiệu quả nhất trong việc truyền giáo. Bạn đang có nếp sống như thế
nào để lôi kéo người ta tin Chúa?
Cầu nguyện: Xin cho con hiểu mầu nhiệm đời
Chúa và thập giá đời con. Xin ban Thánh Thần giúp con kiên trì sống và làm
chứng cho Chúa để mai ngày cũng lên trời trong vinh quang Nước Chúa.
SỨC
MẠNH TỪ TRỜI CAO
Chúng
ta không được khoanh tay nhìn trời, nhưng lòng chúng ta lại phải thường xuyên
hướng lên trời. Xây dựng trái đất mà không hướng lòng về trời, thì sẽ không tìm
được câu trả lời tối ưu.
Suy niệm:
Ðức Giêsu
được đưa về trời khiến cả nhân loại hoan hỉ.
Con Thiên
Chúa làm người, long đong với phận người,
nếm cái
nghèo đói, nhọc nhằn, nếm nỗi khổ đau, cay đắng.
Cuộc đời
Ngài tưởng như là một thất bại ê chề.
nhưng rồi
Ngài đã được phục sinh, đã hiện ra,
và được khải
hoàn đưa vào thế giới của Thiên Chúa.
Ngài từ Cha
mà đến và lại trở về với Cha.
Sứ mạng Cha giao,
tuy khó khăn, nhưng Ngài đã hoàn tất.
Ta cần chiêm
ngắm giây phút Ngài được siêu thăng.
Ngài giơ tay
chúc lành cho các môn đệ như vị thượng tế.
Ngài về trời
trong tư thế đang chúc lành.
Chúc lành
cho trái đất mà Ngài đã sống.
Chúc lành
cho mọi người là người như Ngài.
Hôm nay
chúng ta vui vì biết mình có người Anh trưởng
đã được nâng
lên đến tột đỉnh vinh quang thần linh.
Con người
đầu tiên với tất cả nhân tính như ta
đã được siêu
tôn trên trời, dưới đất và nơi âm phủ.
Sự thành
công của Ðức Giêsu là niềm hy vọng cho ta.
Cùng đi với
Ngài trên con đường cheo leo ấy,
Chúng ta tin
mình sẽ đến nơi mà Ngài đã đến.
Ðức Giêsu về
trời sau khi hoàn thành sứ vụ dưới đất.
Ngài muốn ta
trưởng thành và gánh lấy trách nhiệm.
Bước chân
Ngài mới chỉ đi hết xứ Palestina bé nhỏ.
Còn cả một
thế giới mênh mông ngút ngàn.
Còn bao dân
tộc xa gần chưa hề nghe rao giảng.
Ngài muốn ta
làm chứng nhân của Ngài đến tận thế.
Thiên thần
bảo chúng ta không được khoanh tay nhìn trời,
vì còn quá
nhiều việc phải làm trước mắt.
Chúng ta phải
nhiệt tình xây dựng quê hương này
huynh đệ
hơn, công bằng hơn, bác ái hơn, văn minh hơn,
để nó xứng
đáng đón ngày Ngài trở lại.
Chúng ta
không được khoanh tay nhìn trời,
nhưng lòng
chúng ta lại phải thường xuyên hướng lên trời.
Xây dựng
trái đất mà không hướng lòng về trời,
thì sẽ không
tìm được câu trả lời tối ưu.
Chúng ta cần
sức mạnh từ trên cao của Thánh Thần
để giải
quyết những vấn đề chằng chịt của trái đất:
dối trá, ma
túy, trụy lạc, tham nhũng, ô nhiễm, nghèo đói
và nhất là
vấn đề xây dựng con người.
Khoa học kỹ
thuật tiến bộ làm cuộc sống nhẹ nhàng
nhưng cũng
thường làm con người thêm nặng nề.
Con người
như bị dính vào những sản phẩm mình tạo ra,
bị nô lệ cho
những nhu cầu không có thực.
Trái đất này
vẫn có sức thu hút ghê gớm
khiến ta
muốn chọn nó làm quê hương vĩnh hằng,
và quên rằng
quê thật của ta ở trên trời cao (Pl 3,20).
“Hãy tìm
kiếm những điều trên cao” (Cl 3,1).
Ðừng dập tắt
nỗi khát khao những điều cao cả.
Ước gì Chúa
Giêsu, Ðấng được đưa lên cao,
kéo ta lên
khỏi cái tầm thường ô trọc mỗi ngày.
Cầu
nguyện:
Lạy Chúa
Giêsu,
Chúa đã
yêu trái đất này,
và đã
sống trọn phận người ở đó.
Chúa đã
nếm biết
nỗi khổ
đau và hạnh phúc,
sự bi đát
và cao cả của phận người.
Xin dạy
chúng con biết đường lên trời,
nhờ sống
yêu thương đến hiến mạng cho anh em.
Khi ngước
nhìn lên quê hương vĩnh cửu,
chúng con
thấy mình được thêm sức mạnh
để xây
dựng trái đất này,
và chuẩn
bị nó đón ngày Chúa trở lại.
Lạy Chúa
Giêsu đang ngự bên hữu Thiên Chúa,
xin cho
những vất vả của cuộc sống ở đời
không làm
chúng con quên trời cao;
và những
vẻ đẹp của trần gian
không
ngăn bước chân chúng con tiến về bên Chúa.
Ước gì
qua cuộc sống hằng ngày của chúng con,
mọi người
thấy Nước Trời đang tỏ hiện.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
12
THÁNG NĂM
Mệnh Lệnh
Cuối Cùng
“Mọi quyền hành trên trời và dưới đất đã được
trao cho Thầy” (Mt 28, 18). Vào ngày thứ bốn mươi sau phục sinh, sự sống mới
nơi Đức Kitô biểu hiện chiều kích thiêng liêng của nó vượt quá thời gian. Ngày
Thăng Thiên, trọn vẹn uy quyền của Đức Kitô Phục Sinh đã được mở ra cho thấy.
Đó là “uy quyền trên trời và dưới đất”. Sức mạnh và uy quyền đó, Đức Kitô đã có
từ muôn thuở, vì Người là Con đồng bản tính với Chúa Cha. Giê-su Na-da-rét,
trong tư cách là một con người, đã chiến thắng xuyên qua thập giá của Người; và
Thiên Chúa Cha đã trao cho Người mọi quyền uy và sức mạnh. Quyền hành ấy đến từ
sức mạnh cứu độ.
Và
với quyền hành ấy, Đức Kitô đã trao cho các Tông Đồ mệnh lệnh cuối cùng của
Người trên dương thế: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ,
làm phép Rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ
tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi
ngày cho đến tận thế!” (Mt 28, 19 – 20). Sứ mạng của các Tông Đồ là rao giảng
Tin Mừng: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).
Khi
chúng ta nghe những lời ấy, những lời chứa đầy sức mạnh cứu độ của Đức Kitô,
chúng ta nghĩ ngay đến Nhóm Mười Hai là những người đầu tiên đã nghe lệnh
truyền ấy.
Nhưng
chúng ta không thể tách rời mệnh lệnh này trong biến cố Thăng Thiên ra khỏi hoa
trái của nó trong đời sống Giáo Hội và trong lịch sử của các quốc gia và các
dân tộc. Hoa trái đó là sự cứu rỗi các linh hồn.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
12-5 : Chúa nhật VII Phục Sinh, Chúa Thăng Thiên (lễ trọng)
Cv
1, 1-11; Dt 9, 24-28; 10,19-23; Lc 24, 46-53.
LỜI SUY NIỆM: Người
nói: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Ki-Tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ
ba, từ cõi chết sống lại; phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt
đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội, chính anh em là nhân
chứng về những điều này.” (Lc 24,46-47).
Chúa
Giêsu gợi nhớ về Kinh Thánh, để các môn đệ của Ngài, thấy Ngài, biết Ngài chính
thật là Đấng Ki-Tô, Đấng đã đến để xóa bỏ mọi tội lỗi trong nhân loại, Đấng đã
đến để giải phóng toàn thể nhân loại khổi quyền lực Sa-tan; và sự chết đời đời.
Ngài khai mở một lịch sử mới; và Ngài truyền dạy cho các môn đệ phải làm chứng
về điều này. Đồng thời loan báo cho toàn thể nhân loại phải biết sám hối, Sám
hối là từ bỏ tính hư tật xấu và những việc làm gian ác, để cải tổ bản thân của
mình, và tin vào Tin Mừng để tìm lại được chương trình của Thiên Chúa về con
người.
Mạnh
Phương
12 Tháng Năm
Danh Dự
Cho Ai
Văn sĩ Pháp Alexandre
Piron qua đời năm 1773, thường có thói quen đi dạo trong khu rừng Boulogne giữa thủ đô Paris .
Một ngày nọ, ông ngồi nghỉ trên một ghế đá tựa vào một bức tường.
Chỉ một lát sau, ông
ngạc nhiên vô cùng, vì trong đám đông những người đang đi dạo trong khu rừng,
một vài người đến gần ông, ngả nón chào. Cũng có một vài người bái cả gối nữa.
Nhà văn mỉm cười đáp lễ cảm tình mà khách qua lại dành cho ông. Ông không ngờ
rằng ông được nhiều người mến mộ đến như thế. Ông mong sao một số bạn bè trong
văn giới chứng kiến được cảnh tượng này để thấy được vinh quang mà ông đã đạt
được...
Nhà văn đang say với
bã vinh hoa thì chợt trong đám người đang bái chào ông, một lão bà để lộ một
thái độ khác thường. Cũng giống như mọi người khác, bà lão cúi chào, rồi tiến
đến gần ghế đá. Bà thì thầm nói trong miệng mà nhà văn không hiểu được, rồi
ngước mắt nhìn lên cao. Ngạc nhiên trước cử chỉ khác thường của bà lão, nhà văn
cũng đưa mắt nhìn lên cao phía trên tường. Lúc bấy giờ ông mới khám phá ra rằng
trên đầu ông có một tượng thánh giá... Thì ra, những người đi dạo trong khu
rừng Boulogne này dừng lại không phải để tỏ lòng mộ mến đối với ông, mà chính
là tỏ lòng cung kính đối với Chúa Giêsu trên thập giá.
Hổ thẹn vì sự khám phá
ấy, Alexandre Piron đứng dậy bỏ đi nơi khác.
Sở
dĩ Chúa Giêsu đã có thái độ gay gắt đối với những người biệt phái giả hình, là
bởi vì họ muốn chiếm đoạt chính Vinh dự của Thiên Chúa. Họ cũng giống như văn
sĩ Alexandre Piron trong câu chuyện trên đây: người ta đến bái chào Chúa Giêsu
trên thập giá, nhưng ông lại muốn dành cho mình vinh dự ấy. Những người biệt
phái giả hình cũng giống như con lừa mà Chúa Giêsu dùng để cưỡi vào thành
Giêrusalem. Giữa những tiếng reo hò dân chúng dành cho Chúa Giêsu, con lừa cứ
nghĩ rằng nó là một anh hùng oai phong lẫm liệt...
Khao
khát danh vọng, quyền bính là đam mê chung của mọi người. Ai cũng thích xuất
hiện trước công chúng, ai cũng thích được người đời ca tụng, ai cũng thích được
phục vụ. Một cách nào đó, người tham vọng không những dùng người khác như bàn
đạp, mà còn tước đoạt chính Vinh quang của Chúa...
Chúa
Giêsu là con người đã sống trọn vẹn cho tha nhân và do đó cũng quy mọi vinh dự
về cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô đã nói với chúng ta rằng: là Thiên Chúa, Ngài
đã không đòi cho được đồng hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hủy bỏ mình đi để mặc
lấy thân phận con người và vâng phục cho đến chết.
Chúa
Giêsu đã vạch cho chúng ta con đường được sống trọn vẹn ơn gọi làm người: đó là
sống cho Thiên Chúa. Chỉ khi nào con người sống cho Thiên Chúa, thuộc về Thiên
Chúa trong tất cả mọi sự, con người mới đạt được chính cùng đích của mình. Sống
cho Thiên Chúa là luôn tìm thấy Thánh ý của Ngài, là hoạt động cho vinh quang
của Ngài, là trở thành khí cụ trong bàn tay của Ngài...
(Lẽ Sống)
Gương Thánh Nhân
Ngày
12/5 - Thánh Nereus và Thánh Achilleus
(thế
kỷ I)
Những
gì chúng ta biết về hai vị tử đạo của thế kỷ thứ nhất là từ các lời chứng của
Thánh Giáo Hoàng Damasus trong thế kỷ thứ tư, và được ghi khắc trên tấm bia để
tưởng nhớ hai ngài. Nhưng điều dẫn giải này chỉ xảy ra sau cái chết của các
ngài đến 300 năm.
Ðức
Damasus kể rằng Nereus và Achilleus là binh lính của đạo quân Rôma và nhiệm vụ
của họ là bách hại người Kitô Giáo. Có lẽ hai ngài chẳng có gì chống đối đạo và
cũng không muốn đổ máu người vô tội, nhưng họ tuân lệnh chỉ vì sợ chết. Nói cho
cùng, đó là nhiệm vụ của một người lính.
Chúng
ta không rõ hai ngài đã trở lại đạo như thế nào, chỉ biết đó là một "phép
lạ đức tin." Sau phép lạ này, hai ngài quăng vũ khí và trốn ra khỏi trại,
vứt bỏ áo giáp và gươm đao để mặc lấy đời sống mới trong Ðức Kitô. Vì đã từng
là những kẻ bách hại, có lẽ các ngài biết rõ hơn ai hết về sự đau khổ đang chờ
đợi người Kitô. Tuy nhiên, đức tin đã chiến thắng sự sợ hãi cái chết, và sự
chiến thắng của đức tin là sự ngọt ngào nhất mà các ngài chưa bao giờ được cảm
nghiệm.
Chúng
ta biết là các ngài đã tử đạo, nhưng Ðức Damasus không cho biết chi tiết như
thế nào. Sau này, truyền thuyết nói rằng các ngài phục vụ dưới quyền bà Flavia
Domitilla, là cháu gái của Hoàng Ðế Domitian, và đã bị lưu đầy và bị hành quyết
cùng với bà khi chính bà này trở lại đạo. Truyền thuyết này có lẽ phát xuất từ
sự kiện là hai ngài đã được chôn cất trong một hầm mộ được gọi là nghĩa trang
Domitilla.
Lời Bàn
Như
trong trường hợp của các vị tử đạo tiên khởi, Giáo Hội chỉ biết bám víu vào
chút ký ức sơ sài giữa những dữ kiện mù mờ của lịch sử. Nhưng đó là một khích
lệ lớn lao cho tất cả Kitô Hữu khi biết rằng chúng ta có một di sản quý báu.
Những anh chị của chúng ta trong Ðức Kitô cũng đã sống ở một thế giới giống như
chúng ta -- chủ nghĩa quân phiệt, chủ nghĩa vật chất, hung bạo và hoài nghi -
tuy nhiên các ngài đã biến đổi tâm hồn nhờ sự hiện diện của Ðấng Hằng Sống. Sự
can đảm của chúng ta cũng được phấn khích bởi các anh hùng liệt nữ, là những
người đã ra đi trước chúng ta và đã được ghi dấu đức tin nhờ mang lấy thương
tích của Ðức Kitô.
(nguoitinhuu.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét