Thứ Ba Ngày
14/05/2013
Tuần VII Mùa
Phục Sinh Năm C
THÁNH
MÁTTHIA
BÀI ĐỌC I: Cv 1, 15-17. 20-26
"Matthia trúng
thăm, ông được kể vào số mười một Tông Đồ".
Trích
sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, Phêrô đứng lên giữa anh
em (đám đông có chừng một trăm hai mươi người) mà nói: "Hỡi anh em, phải
ứng nghiệm lời Thánh Kinh mà Thánh Thần đã dùng miệng Đavít để tiên báo về
Giuđa, kẻ hướng dẫn những người bắt Chúa Giêsu. Hắn cũng là một trong số chúng
ta, đã thông phần chức vụ của chúng ta. Vì chưng, trong Thánh vịnh có chép
rằng: "Trại của nó sẽ trở nên hoang vắng, và không một ai ở lại trong đó,
và một người khác sẽ lãnh lấy chức vụ của nó". Vậy trong những người đi
cùng với chúng ta suốt thời gian Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, kể từ ngày Gioan
thanh tẩy cho đến ngày Chúa Giêsu lìa chúng ta mà lên trời, chúng ta phải chọn
lấy một trong những người có mặt đây, để cùng với chúng ta làm chứng Người đã
sống lại".
Họ
giới thiệu hai người: ông Giuse, tức Barsabba, biệt danh là Công chính, và ông
Matthia. Đoạn họ cầu nguyện rằng: "Lạy Chúa, Chúa thấu suốt tâm hồn mọi
người, xin hãy tỏ ra Chúa chọn ai trong hai người này để nhận chức vụ và tước
hiệu Tông đồ thay cho Giuđa, kẻ đã hư hỏng mà đi đến nơi của nó". Thế rồi
họ bỏ thăm và Matthia đã trúng thăm: ông được kể vào số với mười một Tông đồ.
Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 112, 1-2. 3-4. 5-6.
7-8
Đáp: Chúa cho người ngồi với những bậc quân vương của dân
Người (c. 8).
Xướng: 1) Hãy ngợi khen, hỡi
những người tôi tớ Chúa, chư vị hãy ngợi khen danh Chúa. Nguyện danh Chúa được
chúc tụng từ bây giờ và cho đến muôn đời. - Đáp.
2)
Từ mặt trời mọc lên tới khi lặn xuống, nguyện cho danh Chúa được ngợi khen.
Chúa siêu việt trên hết thảy chư dân, trên muôn cõi trời, là vinh quang của
Chúa. - Đáp.
3)
Ai được như Thiên Chúa chúng tôi, Người ngự trên nơi cao thẳm, và Người để mắt
nhìn coi, khắp cả trên trời dưới đất? - Đáp.
4)
Người nâng cao kẻ túng thiếu từ chỗ bụi tro, và cất nhắc bạn cơ bần từ nơi phẩn
thổ, hầu cho họ ngồi với những bậc quân vương, với những bậc quân vương của dân
Người. - Đáp.
ALLELUIA: Ga 15, 16
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Không phải các con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy
đã chọn các con, để các con đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn
tại". - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 15, 9-17
"Thầy không còn
gọi các con là tôi tớ: Thầy gọi các con là bạn hữu".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu mến các con. Hãy ở lại trong tình
yêu của Thầy. Nếu các con tuân lệnh Thầy truyền, các con sẽ ở trong tình yêu
của Thầy; cũng như Thầy đã giữ lệnh truyền của Cha Thầy, nên Thầy ở lại trong
tình yêu của Người. Thầy nói với các con điều đó, để niềm vui của Thầy ở trong
các con, và niềm vui của các con được trọn vẹn.
"Đây là lệnh truyền của Thầy: Các con hãy
yêu mến nhau, như Thầy đã yêu mến các con. Không có tình yêu nào lớn hơn tình
yêu của người thí mạng vì bạn hữu mình. Các con là bạn hữu của Thầy, nếu các
con thi hành những điều Thầy truyền.
"Thầy không còn gọi các con là tôi tớ, vì
tôi tớ không biết việc chủ làm; Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì
Thầy đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết. Không phải các
con đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con, và đã cắt đặt, để các con
đi và mang lại hoa trái, và để hoa trái các con tồn tại, để những gì các con
xin Cha nhân danh Thầy, Người sẽ ban cho các con. Thầy truyền cho các con điều
này là: các con hãy yêu mến nhau". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Ðược sai đi
Hôm
nay, Giáo Hội kính nhớ thánh Mathia tông đồ. Tuy được gọi là tông đồ, nhưng
thánh Mathia không thuộc nhóm Mười Hai Tông Ðồ nguyên thủy của Chúa Giêsu; ngài
là người được chọn để thay thế cho kẻ phản bội là Giuđa Iscariốt.
Mathia
theo tiếng Hybalai có nghĩa là "được trao ban", Tin Mừng không hề
nhắc đến nhưng hầu chắc ngài đã từng là một trong số bảy mươi hai người môn đệ
đã theo và sống với Chúa Giêsu, từ lúc Chúa chịu phép rửa cho đến lúc Chúa lên
trời và như vậy đã chứng kiến cái chết và sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Nếu cộng
đoàn đã đồng thanh chọn ngài để thế chỗ cho Giuđa, thì cũng để ngài trở nên
nhân chứng về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu. Ðây chính là ý nghĩa của tước hiệu
Tông Ðồ.
Tông
đồ theo nguyên ngữ có nghĩa là "được sai đi". Thánh Phêrô đã xác định
"được sai đi để làm chứng cho sự Phục Sinh của Chúa Giêsu". Sự Phục
Sinh của Chúa Giêsu chính là nền tảng của niềm tin, là chìa khóa mở ra chiếc
cầu của ơn cứu độ giữa Thiên Chúa và con người, giữa thời gian vĩnh cửu. Chính
nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh mà các tông đồ đã hoán cải các dân tộc, rửa tội
cho kẻ tin và thực thi những phép lạ. Sau ngày lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã làm
chứng về sự phục sinh của Chúa khắp nơi, từ Palestina đến Hy Lạp, từ Rôma đến
Ai Cập và Siri. Các ngài thiết lập các Giáo Hội, các cộng đoàn những kẻ tin
Chúa Kitô Phục Sinh. Ðược cộng đoàn ủy thác cho sứ mệnh khi chọn làm tông đồ,
thánh Mathia đã làm chứng cho sự phục sinh của Chúa đến cùng. Có nhiều truyền
thuyết về nơi hoạt động và cách thế tử đạo của thánh Mathia. Tất cả đều hội tụ
vào một điểm nổi bật là ngài đã dùng chính mạng sống mình để làm chứng cho sự
phục sinh của Chúa Kitô.
Ðức
tin chúng ta đang có là đức tin được các thánh tông đồ truyền lại. Sợi dây
chuyền nối kết chúng ta với các thánh tông đồ tuy vô hình nhưng vô cùng sống
động. Với không biết bao nhiêu xương máu, niềm tin và sự phục sinh của Chúa
Kitô mà các thánh tông đồ đã dùng chính mạng sống của mình để làm chứng đã được
truyền lại cho chúng ta. Ðây là gia sản quí giá nhất mà chúng ta đã được thụ
hưởng, mà chúng ta cũng được mời gọi để chia sẻ với tất cả mọi người. Sự Phục
Sinh của Chúa Kitô gắn liền với cuộc tử nạn của Ngài. Có đi vào cõi chết, Chúa
Giêsu mới sống lại. Tiến trình này đã trở thành qui luật cơ bản của niềm tin
Kitô giáo. Các thánh tông đồ đã sống qua quy luật ấy cho đến cùng khi dùng
chính mạng sống của mình để làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô. Các ngài
xác tín rằng không thể là nhân chứng của sự phục sinh mà không tham dự vào cuộc
tử nạn của Chúa Kitô. Ðược rửa tội, nghĩa là, nói như thánh Phaolô: "được
mai táng với Chúa Kitô". Ðể cũng được sống lại với Ngài, các tín hữu Kitô
tham dự vào sứ mệnh tông đồ của Giáo Hội. Cũng như các thánh tông đồ, các tín
hữu Kitô cũng làm chứng cho sự phục sinh của Chúa Kitô bằng cái chết từng ngày
của họ. Chết đi cho những khuynh hướng thấp hèn của bản thân. Chết đi những gì
đi ngược lại những giá trị của Nước Trời. Có chiến đấu và chết đi từng ngày như
thế, họ mới cảm nhận được sức sống của Chúa Kitô Phục Sinh bừng lên trong họ và
tỏa sáng đến những người chung quanh.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Lời Chúa Mỗi
Ngày
Lễ Thánh
Matthias Tông Đồ
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên
Chúa là Đấng chọn, yêu thương, dạy dỗ, và sai các Tông-đồ đi.
Lễ
Thánh Matthias nằm giữa hai biến cố quan trọng trong Sách CVTĐ: Thăng Thiên và
Hiện Xuống. Cần phải có trọn vẹn 12 Tông-đồ trong Tân Ước, như 12 chi tộc
Israel của Cựu Ước, trước khi lãnh nhận Thánh Thần.
Lịch
sử không cho chúng ta nhiều dữ kiện liên quan đến cuộc đời Thánh Matthias,
ngoài trình thuật hôm nay trong Bài Đọc I. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu nhấn mạnh
đến đức tính quan trọng nhất của người môn đệ là phải giữ các giới răn của
Chúa, nhất là giới luật yêu thương.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Chọn một Tông-đồ thay thế cho Judah Iscarioth, kẻ phản bội.
1.1/
Sự phản bội của Judah nằm trong Kế Hoạch của Thiên Chúa: Trong những ngày ấy,
ông Phêrô đứng lên giữa các anh em - có khoảng một trăm hai mươi người đang họp
mặt - Ông nói: "Thưa anh em, lời Kinh Thánh phải ứng nghiệm, lời mà Thánh
Thần đã dùng miệng vua Đavít để nói trước về Judah, kẻ đã trở thành tên dẫn
đường cho những người bắt Đức Giêsu. Y đã là một người trong số chúng tôi và
được tham dự vào công việc phục vụ của chúng tôi. Thật thế, trong sách Thánh
vịnh có chép rằng: "Ước gì lều trại nó phải tan hoang, không còn ai trú
ngụ (Psa 69:25, RSV); và ước gì người khác nhận lấy chức vụ của nó (Psa
109:8)."
(1)
Tại sao Judah
phản bội Chúa Giêsu?
+
Vì ham tiền:
Đa số con người chấp nhận ý kiến này, vì theo Tin Mừng Gioan, Judah được trao nhiệm vụ giữ tiền;
và ông thường tiêu vào của công. Ông bán Thầy mình với giá 30 đồng, khoảng 30
ngày làm công thời đó, một món tiền không lớn lắm. Gioan cũng làm nổi bật sự
tham tiền của Judah
bằng cách làm nổi bật sự đập vỡ một bình dầu thơm thượng hạng của một phụ nữ
muốn liệm xác Chúa trước Cuộc Thương Khó (Jn 12:1-8).
+
Vì ham danh:
Khi Judah
thấy mình không được trọng dụng như ba môn đệ thân tín của Chúa: Phêrô,
Giacôbê, và Gioan; ông tức giận và tìm cách làm hại Ngài.
+
Vì bị kỳ thị:
Judah , người thuộc làng
Kerioth, thuộc lãnh thổ Judea . Như vậy, chỉ có
ông là người thuộc miền Nam, trong khi 11 môn đệ khác là người miền Bắc. Kinh
nghiệm giữa những người thuộc miền Bắc và thuộc miền Nam của Việt-nam cho chúng
ta hiểu được mối liên hệ này.
+
Vì Judah muốn lợi dụng Chúa: Ông biết Chúa là người có uy quyền rất mạnh, nên ông
muốn đặt Chúa vào tình trạng Chúa phải ra tay uy quyền để cứu Israel như một Đấng Thiên Sai mà
người Do-thái mong mỏi. Khi không thấy Chúa phản ứng như ông nghĩ, ông hối hận
và quyên sinh như Matthew tường thuật (Mt 27:3-10).
+
Vì muốn thử Chúa: Judah
là người ma lanh, ông có thể qua mặt bất cứ ai; nhưng không qua mặt được Chúa.
Ông muốn bí mật nộp Chúa để xem Chúa có biết cách đối phó không.
(2)
Số phận của Judah : được tường thuật cách
khác nhau bởi các thánh ký.
+
Theo Lucas: Trình
thuật hôm nay bỏ hai câu nói về số phận của Judah : "Ông này đã mua một
thửa ruộng với phần thưởng của việc làm độc ác của ông; và bị té xấp mặt xuống,
ông xé roạc bụng và ruột của ông lòi hết ra ngoài. Và việc này được tất cả dân
thành Jerusalem
biết tới; vì thế, thửa ruộng đó trong tiếng của họ được gọi là Akeldama, nghĩa
là ruộng máu" (Acts 1:18-19).
+
Theo Matthew:
Khi Judah thấy mình đã làm đổ máu người vô tội, ông mang 30 đồng bạc trả lại
cho Thượng Hội Đồng. Họ không chịu nhận. Judah quăng túi tiền vào Đền Thờ và
ra đi tự vẫn. Họ lấy tiền đó để mua một thửa ruộng gọi là "ruộng
máu;" và dùng để chôn cất những người nghèo.
+
Theo tác giả hiện đại: Một số quả quyết: dựa theo bằng chứng Kinh Thánh , Judah
chắc chắn bị sa hỏa ngục. Một số khác cho: vì Kinh Thánh cho biết sự phản bội
của Judah đã được phác họa
sẵn trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa, và ông có hối hận về việc ông đã làm,
nên Judah
có thể được Thiên Chúa cứu. Kinh Thánh không cho chúng ta biết chắc chắn về số
phận của Judah ,
chỉ cho những bằng chứng về hành động ông đã làm. Tốt hơn, chúng ta nên để
Thiên Chúa phán xét và phó dâng ông cho lòng từ bi của Ngài.
+
Theo những người tin vào chủ thuyết Tiền Định: Trường hợp của Judah là một điển hình cho việc tiền định: Nếu
Thiên Chúa đã định cho ai phải hư mất, kẻ ấy hư mất như Judah ; ngược lại, nếu Chúa đã định
cho ai được cứu độ, kẻ ấy được cứu độ như Phêrô. Những người này quên mất hành
động của cả hai đã làm sau khi phản bội; hay họ cho rằng ơn thánh thúc đẩy cho
Phêrô trở lại mạnh hơn là cho Judah !
Hơn nữa, những người tin vào thuyết Tiền Định đã giả sử Judah phải hư
mất.
1.2/
Thủ tục chọn lựa: Chúng ta có thể học được nhiều bài học từ việc chọn người thay
thế Judah
từ trình thuật hôm nay:
1.2.1/
Phêrô đưa ra 2 điều kiện để được chọn:
(1)
Chọn Tông-đồ từ giữa các môn đệ: "Phải chọn những anh em đã cùng chúng
tôi đi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người
được ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên
trời."
(2)
Phải có kinh nghiệm "Chúa sống lại":
Một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người
đã phục sinh."
Hai
tiêu chuẩn để chọn này hợp lý, vì người Tông-đồ được chọn phải biết Chúa Giêsu
và đạo lý của Ngài; đồng thời người đó phải có kinh nghiệm Chúa Phục Sinh,
trước khi có thể làm chứng cho Ngài. Kết quả: Họ đề cử hai người: ông Joseph,
biệt danh là Barsabbas, cũng gọi là Justo, và ông Matthias.
1.2.2/
Rút thăm từ 2 môn đệ được đề cử: Các Tông-đồ tin sự hiện diện của Thiên Chúa
giữa các ông, chính Ngài sẽ hướng dẫn sự lựa chọn, qua lời cầu nguyện của các
ông: "Lạy Chúa, chính Chúa thấu suốt lòng mọi người; giữa hai người này,
xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để nhận chỗ trong sứ vụ Tông Đồ, chỗ Judah đã bỏ
để đi về nơi dành cho y." Kết quả khi họ rút thăm: thăm trúng ông
Matthias: ông được kể thêm vào số mười một Tông Đồ. Cách rút thăm của người
Do-thái: họ viết tên các ứng viên vào viên đá nhỏ, bỏ vào ly rồi lắc cho đến
khi viên đá văng ra ngoài. Viên đá mang tên ai, người đó thắng.
2/
Phúc Âm: Điều quan trọng nhất cho các môn đệ là giữ giới luật yêu thương.
Con
người có thể suy diễn rất nhiều lý do đưa đến sự phản bội của Judah ; nhưng lý
do chính yếu của sự phản bội là không có tình yêu. Tất cả những tật xấu trong
con người của Judah
đều có thể sửa chữa, nếu ông để cho tình yêu của Chúa Giêsu thấm nhập vào.
2.1/
Tình yêu Thiên Chúa: Có ít nhất 3 loại tình yêu tương xứng với 3 danh từ trong tiếng
Hy-lạp: (1) tình dục (eros), như tình yêu giữa nam nữ, khi họ tìm thấy nét
quyến dũ của người khác; (2) tình cảm tự nhiên như những người trong gia đình
(philê) hay tình anh em (philadelphia); và (3) tình bác ái ('agapê), tình yêu
này chỉ có trong khuôn khổ của Kitô Giáo.
Chúa
Giêsu muốn nhấn mạnh đến tình bác ái, khi Ngài nói: "Như Chúa Cha đã yêu mến
Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình
thương của Thầy." Các môn đệ của Chúa phải ở lại hay phải được nuôi dưỡng
trong tình yêu này trước khi có thể làm những điều Thiên Chúa truyền.
Cách
để ở lại trong tình yêu Thiên Chúa là thi hành các điều răn của Ngài: "Nếu anh em giữ
các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã
giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người." Tình
yêu không được tách khỏi sự vâng lời: Như Chúa Giêsu yêu Chúa Cha và vâng lời
tất cả những gì Chúa Cha muốn; con người cũng phải tỏ tình yêu của mình cho
Chúa Giêsu bằng cách vâng lời tất cả các giới răn Chúa đã dạy.
Một
điều con người thường quan niệm sai: giữ các giới răn của người khác làm cho họ ra
yếu nhược và giới hạn tự do của họ; nhưng họ quên đi một điều là họ không biết
hết tất cả như Thiên Chúa. Ngài biết những gì tốt hay xấu cho con người mà
chính con người không biết. Khi Ngài truyền cho con người giữ các giới răn như
khi Ngài ban hành Thập Giới cho con người qua Moses, người Do-thái rất hãnh
diện vì Thập Giới, vì không một dân tộc nào được thần minh của họ thân hành dạy
dỗ như Thiên Chúa. Họ biết những điều mà các dân tộc khác không biết; và do đó
tránh được các tội lỗi và hậu quả xấu xa mà các dân tộc khác mắc phải. Vì thế,
giữ các giới răn Chúa truyền phải là một niềm vui và hãnh diện, như Chúa Giêsu
quả quyết: "Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm
vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn."
Điều
răn quan trọng nhất mà Chúa Giêsu mặc khải cho các Tông-đồ (và tất cả các môn
đệ của Ngài) phải giữ là: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu
thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy
sinh tính mạng vì bạn hữu của mình." Chỉ khi nào người môn đệ thấm nhuần
tình yêu Thiên Chúa, họ mới có thể đáp ứng lại nguyện vọng của Chúa Giêsu:
"sẵn sàng hy sinh mạng sống vì anh em," như Ngài đã hy sinh mạng sống
cho con người.
2.2/
Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ làm bạn hữu: Đây là điều mà trong giấc mơ, các môn đệ cũng
không dám mơ tới. Chúa Giêsu là Thiên Chúa mà lại muốn trở nên bạn hữu ngang
hàng với con người. Chúa Giêsu là Thầy mà lại coi học trò như bạn hữu của mình.
Chúa Giêsu chỉ đòi các ông một điều kiện: "Anh em là bạn hữu của Thầy, nếu
anh em thực hiện những điều Thầy truyền dạy." Như vậy, khi con người giữ
các giới răn Chúa dạy, con người yêu mến Chúa và trở nên bạn hữu của Ngài. Chúa
chứng tỏ Ngài coi các ông là bạn hữu trước khi các ông giữ các giới răn:
"Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ nữa, vì tôi tớ không biết việc chủ
làm. Nhưng Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi
Cha Thầy, Thầy đã cho anh em biết." Các ông đã biết tất cả những gì Ngài
làm, vì Ngài đã mặc khải và dạy dỗ các ông mọi điều.
2.3/
Chúa Giêsu chọn các Tông-đồ, không phải các ông chọn Ngài trước: Con người cần nhớ rõ
điều này: Thiên Chúa luôn là người khởi sự trong tình yêu, trong sự tạo dựng,
trong sự dạy dỗ và ban ơn Cứu Độ, trong sự chọn lựa và sai đi như Chúa Giêsu
xác nhận: "Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh
em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh
em tồn tại, hầu tất cả những gì anh em xin cùng Chúa Cha nhân danh Thầy, thì
Người ban cho anh em. Điều Thầy truyền dạy anh em là hãy yêu thương nhau."
ÁP DỤNG TRONG CUỘC
SỐNG:
-
Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Tình yêu của Thiên Chúa được biểu lộ qua rất
nhiều biến cố trong cuộc đời: tạo dựng, quan phòng, cứu chuộc, thánh hóa, chọn
và sai đi.
-
Chúng ta phải đáp lại tình yêu Thiên Chúa qua việc vâng lời giữ tất cả các điều
răn Ngài truyền. Vâng lời các điều Chúa truyền dạy sẽ giúp chúng ta vượt qua
tất cả các tật xấu và hậu quả của nó, để không bao giờ phải lâm vào tình trạng
như của Judah .
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 7 PHỤC SINH
Ga 17,1-11a
A. Hạt giống...
Bài giáo lý thứ 15 : Lời cầu nguyện của
Chúa Giêsu trước lúc ra đi.
- Chúa Giêsu cầu cho chính mình : "lạy
Cha, xin hãy tôn vinh con"
- Cầu cho những kẻ Chúa Cha giao cho Ngài :
"Con cầu xin cho chúng... bởi vì chúng là của Cha... Con không còn ở thế
gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian"
B.... nẩy mầm.
1. "Con không còn ở trong thế gian
nữa, nhưng họ vẫn còn ở trong thế gian" : Khi nói câu này, hình như Chúa
Giêsu tội nghiệp cho chúng ta. Có thể quảng diễn ý Chúa Giêsu một cách đơn sơ
như thế này : Lạy Cha, phần con thì đã khoẻ rồi vì đã thoát khỏi thế gian,
nhưng những môn đệ của con thì thật tội nghiệp vì còn phải ở lại thế gian, cái
thế gian đã méo mó chứ không còn tốt đẹp như hồi Cha mới dựng nên, cái thế gian
đầy dãy sự xấu sự ác sự khổ, cái thế gian có muôn vàn cạm bẫy, cái thế gian
chẳng có giá trị nào vĩnh cửu... Thật là tội nghiệp cho chúng. Vậy xin Cha hãy
gìn giữ chúng.
Chúa Giêsu biết rõ ở trong thế gian là thế
nào và thoát khỏi thế gian là thế nào nên Ngài mới cầu nguyên như vậy. Còn
chúng ta, chúng ta chỉ biết có thế gian này cho nên chúng ta quyến luyến nó,
chúng ta sợ phải mất nó, khi nghĩ đến ngày chúng ta lìa xa thế gian thì chúng
ta sợ hãi lo âu.
2. "Năm sự mừng, thứ hai Chúa Giêsu
lên trời. Ta hãy xin cho được lòng ái mộ những sự trên trời". Đúng vậy,
chúng ta hãy xin Chúa cho chúng ta hiểu thực chất của những giá trị thế gian,
để ngày càng ái mộ những sự trên trời hơn.
3. Sau khi trình bày với Chúa Cha về hoàn
cảnh tội nghiệp của chúng ta còn phải ở lại thế gian, Chúa Giêsu thưa tiếp :
"Xin cho chúng hiệp nhất nên một". Khi người ta ở trong một tình thế
nguy hiểm thì người ta phải đoàn kết lại với nhau. Chúa Giêsu biết chúng ta
phải gặp nhiều thứ nguy hiểm ở thế gian nên Ngài xin Chúa Cha giúp chúng ta
đoàn kết hiệp nhất. Chúng ta đang phải đối phó nhiều thứ nguy hiểm lắm : nguy
hiểm do ma quỷ quấy phá, nguy hiểm do những kẻ thù của Giáo Hội, nguy hiểm do
những cám dỗ và cạm bẫy của người đời. Khi chúng ta không đoàn kết hiệp nhất
với nhau thì chẳng những chúng ta không giúp gì được cho nhau để thoát khỏi
những nguy hiểm ấy, trái lại chúng ta còn làm khổ thêm cho nhau, làm yếu
sức nhau, làm cho nhau dễ sa ngã hơn nữa. Những sự bất hòa, chia rẻ, thiếu bác
ái đã làm cho biết bao người phải chán nản không còn hăng say chu toàn nhiệm
vụ, không còn nhiệt tình đi theo lý tưởng, không còn đủ sức đón nhận hy sinh...
4. "Lạy Cha chí Thánh, xin gìn giữ các
môn đệ trong Danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta"
Trên một bãi biển...
- Chú ơi ! Chú ngồi ghế của cháu, cháu lấy
rẻ thôi. Anh thanh niên lên tiếng :
- Nó còn bé, mới học lớp 4. Chú đừng nghe
nó.
Quay sang thằng bé, anh sừng sộ :
- Này, con nít mà bày đặt. Mày muốn gì ?
- Chú ơi, chú đừng sợ, chú đừng sợ, có ba
cháu ở trong nhà mà... Anh thanh niên nghe thế liền bỏ đi.
Quả thật, danh của cha đã bảo vệ thằng bé
khi nó đặt trọn niềm tin nơi cha.
Trong cộc sống hàng ngày, cám dỗ bủa vây tứ
phía, nhưng mấy khi tôi chạy đến cùng Cha ?
Lạy Cha, xin cho chúng con luôn biết chạy
đến với Cha mọi lúc trong cuộc sống. (Epphata)
5. (những mầm khác)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
HÃY YÊU THƯƠNG NHAU
“Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.”
(Ga 15,12b)
Suy niệm: Một người mẹ sắp từ giã cuộc
đời, nắm tay từng đứa con dặn dò: “Mẹ ra đi rồi, các con phải biết bảo ban, yêu
thương nhau, như mẹ đã yêu thương các con.” Những lời của Thầy Giêsu từ biệt
các môn đệ cũng được đặt trong bối cảnh như thế:“Anh em hãy yêu thương nhau như
thầy đã yêu thương anh em”. “Yêu như Thầy đã yêu” là hy
sinh cho người mình yêu, là chết cho người mình yêu. Tình yêu như nền tảng và
tiêu chuẩn của mọi thời, mọi người và là chuẩn mực cho điều luật yêu thương.
Khi sắp từ biệt Chúa Giêsu đã chỉ dạy điều cốt yếu nhất. Thánh Augustinô cũng
cảm nghiệm được tình yêu của Thầy Giêsu như thế khi nói: “Yêu đi rồi làm gì thì
làm.”
Mời Bạn: Yêu thương mang lại niềm vui,
bình an và hạnh phúc. Nơi nào có yêu thương nơi ấy chứa chan ân lộc của Chúa.
Nếu chúng ta “điểm” lại cuộc đời hoạt động của Thầy Giêsu thì toàn bộ cuộc đời
của Người chỉ gói gọn trong hai từ yêu thương. Điều răn trọng nhất cũng quy về
một chữ yêu mà thôi: “Ngươi phải yêu mến Đức Chúa,
Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn ngươi... Ngươi
phải yêu người thân cận như chính mình” (Mt 22,37-39).
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày nhìn cuộc đời với ánh
mắt yêu thương và dâng lời nguyện tắt: “Lạy Chúa hôm nay con nguyện sống trọn
vẹn những lời “trăn trối” của Chúa.”
Cầu nguyện: Lạy Thầy Giêsu, con cảm ơn Thầy
đã dạy con bài học làm người thật xúc tích. Tuy nhiên, con vốn yếu đuối, nên
đôi lúc đã không sống trọn vẹn lời “trăn trối” của Thầy. Xin thêm sức cho con chiến
đấu không ngừng để được Tình Yêu trọn vẹn của Thầy.
Chúa
chọn ai
Thiên
Chúa vẫn chọn qua lựa chọn của con người, mãi đến tận thế, nên Giáo hội vẫn có
người được gọi để phục vụ. Xin cho mọi chọn lựa của chúng ta đều nhắm đến vinh
danh Chúa.
Suy niệm:
Cái chết của anh Giuđa chẳng những là một điều
đáng tiếc,
mà còn để lại một khoảng trống trong nhóm Mười
Hai.
Nhóm Mười Hai trở thành nhóm Mười Một (Mc 16,
14).
Giuđa đã được tham dự vào công việc phục vụ của
nhóm.
Sự ra đi của anh khiến cho chức vụ này cần
người bổ sung.
Trong cuộc gặp mặt giữa khoảng một trăm hai
mươi anh em,
Phêrô, trưởng nhóm, đã muốn tìm người thay thế
(cc. 15-20).
Theo Phêrô đâu là điều kiện để có thể được chọn
vào nhóm Mười Hai?
Anh phải là người đã đồng hành với nhóm này
trong suốt thời gian Chúa Giêsu sống giữa họ.
Thời gian đi với nhóm được kể từ lúc ông Gioan
làm phép rửa cho Chúa,
cho đến ngày Ngài được phục sinh và được đưa
lên trời (c. 21).
Như thế để được nhập vào nhóm Mười Hai,
phải là người có kinh nghiệm sống đời sống của
nhóm,
và kinh nghiệm sống với Thầy Giêsu trong suốt
sứ vụ của Ngài.
Chỉ ai đã từng có kinh nghiệm đi với nhóm, đói
no vất vả với nhóm,
người ấy mới được là thành viên mới của nhóm.
Chỉ ai đã đi sát với Thầy Giêsu, đã lắng nghe
bao bài giảng của Thầy,
đã chứng kiến bao việc kỳ diệu Thầy thực hiện,
chỉ ai có kinh nghiệm về việc Thầy bị giết và
được phục sinh,
người ấy mới có thể trở nên chứng nhân về sự
phục sinh ấy
cùng với cả nhóm anh em (c. 22).
Có hai người được đề cử vì hội đủ điều kiện:
Giôxếp và Mátthia.
Khi không biết chọn ai, thì cộng đoàn đã cầu
nguyện.
Cầu nguyện cho thấy họ muốn được soi sáng để
chọn ý Chúa.
“Xin chỉ cho thấy Chúa chọn ai để kế tục sứ vụ
tông đồ” (c. 25).
Họ đã không chọn bằng cách bầu phiếu theo đa
số,
nhưng bằng cách rút thăm để tìm người Thiên
Chúa chọn.
Cách này là cách truyền thống để tìm ý Chúa
trong Do thái giáo (Lv 16, 8).
Matthia đã trúng thăm và trở nên vị tông đồ thứ
mười hai.
Khi mừng lễ thánh Matthia, chúng ta mừng lễ một
vị tông đồ,
tuy không trực tiếp được Đức Giêsu gọi và chọn,
nhưng đã được chọn gián tiếp qua các tông đồ
khác và cộng đoàn.
Thiên Chúa vẫn chọn qua lựa chọn của con người,
mãi đến tận thế,
nên Giáo hội vẫn có người được gọi để phục vụ.
Xin cho mọi chọn lựa của chúng ta đều nhắm đến
vinh danh Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
xưa Chúa đã sai các môn đệ ra khơi thả lưới,
nay Chúa cũng sai chúng con đi vào cuộc đời.
Chúng con phải đối diện
với bao thách đố của cuộc sống,
của công ăn việc làm, của gánh nặng gia
đình,
của nghề nghiệp chuyên môn.
Xin đừng để chúng con sa vào cạm bẫy
của vật chất và quyền lực,
nhưng cho chúng con
giữ nguyên lý tưởng thuở ban đầu,
lý tưởng phục vụ quê hương và Hội Thánh.
Lạy Chúa Giêsu,
xin dạy chúng con sống thực tế,
nhưng không thực dụng;
biết xoay xở nhưng không mưu mô;
lo cho tương lai cá nhân,
nhưng không quên bao người bất hạnh cần nâng
đỡ.
Giữa cơn lốc của trách nhiệm và công việc,
giữa những xâu xé trước bao lựa chọn,
xin cho chúng con
biết tìm những phút giây trầm lắng,
để múc lấy ánh sáng và sức mạnh,
để mình được thật là mình trước mặt Chúa.
Nhờ lời Đức Trinh Nữ Maria chuyển cầu,
xin cho chúng con thật sự trở nên chứng
nhân,
làm tất cả để Thiên Chúa được tôn vinh,
và phẩm giá con người được tôn trọng. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm Ga 17,1-11a
Lạy Chúa,
đoạn Tin Mừng hôm nay là khởi đầu cho Kinh Nguyện Tư Tế, là những lời cầu
nguyện của Chúa Giêsu trong tư cách một tư tế. Lời cầu nguyện này có ba đối
tượng Chúa nhắm đến: Bản thân Ngài, các môn đệ và sau cùng là Giáo Hội của
Ngài.
“Lạy Cha,
giờ Cha đã đến! Xin Cha tôn
vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha” (Ga 17,1). Chúa Giêsu đã xin Chúa
Cha tôn vinh Ngài. Tôn vinh Ngài có nghĩa là làm cho người ta biết về Ngài
nhiều hơn. Biết về Chúa Giêsu đây không phải là nhằm vinh danh Ngài, nhưng như
là một người “con yêu dấu” của Chúa Cha, một người đã thi hành ý Cha, đã hoàn
thành những việc Chúa Cha giao phó. Để qua việc được Cha tôn vinh, Chúa Giêsu
càng làm vinh danh Chúa Cha. Vì một khi người ta biết rõ về Chúa Giêsu, thì
người ta sẽ càng biết rõ về Chúa Cha hơn: “Ai
thấy Thầy là thấy Cha” (Ga14,9).
“Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ
Cha ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha” (Ga17,9). Chúa Giêsu cầu
nguyện cho các môn đệ của Ngài điều gì? “Xin
gìn giữ họ trong Danh Cha”(Ga17,11b). Danh của Chúa được người ta biết đến
chính là tình yêu, vì “Thiên Chúa là Tình Yêu”. Vì vậy Chúa Giêsu xin
Chúa Cha cho các môn đệ luôn nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu và luôn biết sống
tình yêu thương trong cuộc đời. Ngài cũng xin cho họ tuy sống giữa thế gian
nhưng không thuộc về thế gian: “Con
không còn ở thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian” (Ga17,11a).
Lạy Chúa, từ Lời Chúa hôm nay xin cho con biết bắt chước
Chúa Giêsu để luôn chu toàn thánh ý của Chúa. Khi con biết làm theo những điều
Chúa dạy là con đang làm cho Danh Chúa được cả sáng. Và cũng xin cho con biết
luôn nhận ra tình yêu của Chúa trong mọi biến cố cuộc đời, để con thể hiện tình
yêu đó dù khi buồn vui, hạnh phúc, đau thương hay thử thách. Chúa không xin
Chúa Cha cho con ra khỏi thế gian, nhưng xin cho con dù ở trong thế gian nhưng
không thuộc về thế gian. Vì vậy con biết những cám dỗ là không thể tránh khỏi,
nhưng xin cho con biết can trường vượt qua những cám dỗ đó để có thể sống thực
tại Nước Trời ngay tại trần gian này. Amen.
Lm. Thiện Duy
Tông đồ sau cùng: Matthia
Người
ta cho con số 13 là số xui! Đức Ki-tô với 12 tông đồ làm thành số 13! Sau khi
Chúa về trời, các ông đề cử chọn một tông đồ thay thế Giuđa cho đủ số 12 tông
đồ. Trong nhóm 120 cầu nguyện chờ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chi có hai vị
được chọn. Họ đã theo Đức Giê-su từ khi Chúa chịu phép rửa của Gioan tới khi
Chúa lên trời. Thánh Matthia đã được chọn theo kiểu rút thăm của loài người,
Ngài đã vinh dự là tông đồ sau cùng, để vào sổ chứng nhân của Đức Ki-tô.
Không
phải anh em nhưng chính Thầy chọn anh em.
Sự
chọn lựa này làm sáng tỏ Tin Mừng theo Thánh Gioan. Trong suốt thời gian Chúa
Giê-su còn trên đất Israel, Thánh Matthia đã thấy, đã nghe, đã biết giá trị cao
cả của Đức Giê-su. Ngay từ giờ phút đầu Ngài đã có mặt ở đó, nhưng Đức Giê-su
không chọn Ngài!.... Matthia đã chọn Đức Giê-su như mọi người, đã đáp lại lời
kêu gọi của Đức Giê-su. Ngài đã yêu mến như 12 tông đồ; nhưng không được có địa
vị gì. Ngài vẫn có sứ mệnh khá đặc biệt là thay thế Iscariốt, nhưng nhất là sứ
mệnh tông đồ sau cùng!
Luôn
luôn người ta thấy khó nhọc khi suy nghĩ về ơn kêu gọi: Giữ lời mời gọi của
Chúa, khó lòng cự lại, dù ta được tự do trả lời. Đó là một mầu nhiệm. Thực ra
Thiên Chúa đã biết rõ ta sẽ nói vâng hay không rồi! hai tình yêu đối diện với
nhau rồi!
Vui
mừng của tôi...
Thánh
Matthia hình như là một trong những người tự hiến thân mà không đặt vấn đề,
Ngài không xin gì, chỉ bằng lòng sống với nhau như là bạn thân là tốt rồi. Nhờ
đó, Ngài thật sung sướng và vui mừng!
Một
người đã yêu thì dù có thể bị khổ sở, cũng không sao. Họ yêu vì có tình yêu
đang yêu. Họ cho mà như không cho gì, vì họ yêu trọn vẹn, vì họ tự hiến tất cả.
Thánh
Matthia, vị tông đồ trung tín, tình nguyện tự hiến cho bạn thân! một thứ tình
yêu quí hiếm luôn luôn, nhưng mãi mãi rất sống động.
J.M
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên Tháng Ba
14 THÁNG NĂM
Gặp Gỡ Với Thiên Chúa
Hằng Sống
Sứ mạng của Chúa Thánh Thần được liên kết với sứ mạng của
Chúa Con. Một đàng, Thánh Thần sửa soạn cho toàn bộ sứ mạng cứu thế của Đức
Kitô – và rút ra từ sứ mạng ấy một sự khởi đầu mới. Chúa Thánh Thần lại đến với
chúng ta từ Thập Giá và Phục Sinh. Lời chứng của Ngài dẫn chúng ta vào mầu
nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Lời chứng ấy cũng giúp chúng ta hiểu về ơn cứu độ của
mình. Giờ dây chúng ta biết rằng Thiên Chúa là tình yêu. Chúng ta biết rằng
tình yêu của Thiên Chúa đã biến đổi con người và biến đổi thế giới: “Cho đến
nay Cha tôi vẫn làm việc” (Ga 5, 17) – Đức Giêsu đã xác nhận với chúng ta như
thế.
Công việc ấy của Chúa Cha – được hoàn chỉnh qua Chúa Con –
là công việc được thực hiện trước mắt con người. Nó trở thành một phần trong kế
hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Và những con người chứng kiến ấy – đặc biệt là các
Tông Đồ – là những chứng nhân của Đức Kitô. Lời chứng của họ là lời chứng nhân
loại, dựa trên những gì họ nghe thấy, xem thấy và tiếp xúc (1 Ga 1, 1); lời
chứng ấy dựa trên sự gặp gỡ của họ với Thiên Chúa hằng sống.
Lời chứng nhân loại này xây dựng nên Giáo Hội ngay từ buổi
khởi đầu – Giáo Hội hiểu như là cộng đoàn các môn đệ Đức Kitô. Đó là cộng đoàn
đức tin chiêm ngắm mầu nhiệm vốn giấu ẩn nơi Thiên Chúa qua bao đời trước (Ep
3, 9). Vì thế, lời chứng nhân loại này của các Tông Đồ ngay từ trong gốc rễ
được liên kết với lời chứng do Đấng An Uûi – tức Thần Khí sự thật – làm chứng
về Đức Kitô. Lời chứng ấy cắm rễ trong Thánh Thần. Chính bởi xuất phát từ Thánh
Thần mà lời chứng ấy có được năng lực biến đổi. Và năng lực biến đổi này đem
lại cho người ta đức tin vào Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa
Trong Gia Đình
Thánh Mattia Tông đồ
Cv 1, 15-17.20-26; Ga 15, 9-17
Chúa Giêsu truyền dạy về cách yêu thương nhau,
không chỉ là yêu thương như kiểu thế gian yêu thương. Cách Chúa Giêsu kêu mời
yêu thương:Yêu thương như Ngài yêu thương. Nghĩa là Ngài nghe biết từ Chúa Cha
những gì, thì Ngài nói lại cho chúng ta điều ấy, Ngài thấy Chúa Cha làm điều gì
thì Ngài cũng làm điều đó cho chúng ta, Ngài được Chúa Cha yêu thương Ngài thế
nào thì Ngài cũng yêu thương chúng ta như vậy. Nên người môn đệ của Chúa Giêsu
Ki-Tô yêu thương nhau cũng phải lấy đó là khuôn mẫu.
Mạnh Phương
Gương
Thánh nhân
Ngày 14-05
Thánh MATHIA Tông Đồ (Thế kỷ I)
Tài liệu duy nhất đáng kể về thánh Mathia là
tường thuật của sách Công vụ các tông đồ (Cv 1,15-26). Theo điều kiện mà thánh
Phêrô đưa ra để chọn người thế chân cho Giuda trong nhóm 12. Chúng ta biết
thánh Mathia là một trong số các môn đệ của Chúa Giêsu. Ngài đã theo Chúa Giêsu
"Khởi từ lúc Gioan thanh tẩy cho đến ngày Chúa Giêsu về trời" (c. 22)
Khi Chúa Giêsu đã về trời, các tông đồ vâng lệnh
Chúa trở về Giêruslem cầu nguyện chờ đón Chúa Thánh Thần đến. Họ gặp nhau lại
khoảng 120 người. Lúc ấy Phêrô lên tiếng nhắc lại sự Giuda phản bội và kết
luận: - "Phải chọn lấy thêm một người để cùng chúng tôi làm chứng tá cho
sự sống lại của Chúa Giêsu".
Cộng đoàn đã đề cử hai người xem ra xứng đáng
nhất, với vinh dự này là Giuse, gọi là Barsabba biệt danh là Giustô và Mathia.
Thế rồi họ cầu nguyện và bắt thăm chọn người Chúa muốn. Matthia đã trúng cử và
nhập vào nhóm 12.
Vị tân tông đồ, sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần,
đã ra đi rao giảng Phúc âm và hiến phần còn lại cho việc tông đồ, thánh
Clementê, thánh Alexandria kể lại rằng: các giáo huấn của thánh Matthia tập chú
vào nhu cầu phải hy sinh hãm dẹp xác thịt và những ước muốn lăng loàn. Đó là
bài học quan trọng Ngài đã lãnh nhận từ Chúa Giêsu và đem ra thực hành.
Nhiều sứ giả cho rằng thánh Matthia đi từ Giudea
tới tận Ethiopie rao giảng và làm cho vô số người trở lại đạo. Sau ba mươi năm
bị bách hại, nỗ lực và thành công, Ngài bị ném đá và bị chặt đầu dưới thời Nerô
vào năm 63.
Theo dân Hy lạp, thánh Matthia đã mang Kitô giáo
đến miền Cappadôcia rồi bị đóng đinh vào thập giá ở Côlehis. Xác Ngài được đưa
về Giêrusalem và sau này thánh nữ Hélena, Mẹ Vua Constantinô dời về Roma. Một
phần các xương thánh vẫn còn ở đền thờ Đức Bà cả nơi thánh nhân đã làm nhiều
phép lạ.
(daminhvn.net)
14 Tháng Năm
Hương Vị Của Khói
Ðể đả
phá tính ích kỷ, người Ả Rập thường kể câu chuyện như sau:
Tai một
khu phố nọ, có không biết bao nhiêu cửa hàng ăn uống mọc lên. Hương vị bốc lên
từ các cửa hàng này thu hút những người giàu lẫn kẻ nghèo. Những người giàu đến
đây để thưởng thức những của ngon vật lạ, còn những người nghèo thì chỉ mong ăn
được chút cơm thừa canh cặn hay cùng lắm là chỉ để hít thở được hương vị thơm
ngon bốc lên từ các nhà bếp...
Một hôm,
có một người nghèo mon men đến một cửa hàng. Trên tay anh cầm một ổ bánh mì.
Anh người nghèo này có ý nghĩ độc đáo: thay vì chầu chực hưởng phần ăn thừa của
thực khách, anh bèn leo lên mái nhà, rồi ngồi cạnh ống khói của nhà bếp. Anh
vừa nhai bánh mì vừa hít thở làn khói bốc ra từ nhà bếp, anh nhai ngấu nghiến ổ
bánh mì mà tưởng tượng như mình đang thưởng thức những của ngon được dọn trên
bàn thượng khách.
không
may cho anh, vì hôm đó người chủ nhà hàng gặp nhiều rắc rối trong công việc làm
ăn cho nên không có được bộ mặt vui tươi cho mấy. Thế là ông sai những người
hầu bàn lôi cổ người ăn xin xuống khỏi mái nhà và yêu cầu trả tiền. Ông lý luận
với người ăn xin như sau: "Khói bốc ra từ nhà bếp của ta không phải là
khói chùa, nhà ngươi đã thưởng thức làn khói đầy hương vị đó, yêu cầu nhà ngươi
trả tiền cho ta".
Người ăn
xin không chịu trả tiền. Nội vụ đã được đem ra trước tòa án. Quan đầu tỉnh phải
nhức đầu vì vụ án này. Ông cho triệu tất các bực thức giả trong toàn tỉnh để
giúp ông giải quyết vụ án. Những người này đưa ra hai ý kiến xem ra đều có lý
cả: một bên nói rằng khói bốc ra từ cửa hàng, do đó nó là chủ hữu của ông chủ
cửa hàng. Những người khác thì cho rằng khói cũng như không khí là của mọi
người, thành ra người ăn xin có quyền hưởng mà không phải trả đồng xu nào.
Sau khi
đã bàn bạc và cân nhắc, quan đầu tỉnh mới đưa ra phán quyết như sau:
"Người nghèo đã hưởng khói mà không đụng đến thức ăn, cho nên anh ta hãy
lấy một đồng bạc, ra giữa công viên, gõ đồng bạc vào ghế đá, âm thanh của đồng
bạc sẽ lan ra. Người chủ cửa hàng muốn đòi tiền của khói, ông hãy lắng nghe âm
thanh ấy".
Người kể
câu chuyện ngụ ngôn trên đây có lẽ muốn nói với chúng ta rằng sự ích kỷ không
mang lại cho chúng ta một lợi lộc nào.
Nhưng sự ích kỷ không bao giờ mang tính chất
trung lập. Nghĩa là khi tôi khép kín tâm hồn, khi tôi chỉ biết nghĩ đến mình,
không những tôi làm cho người khác bớt hạnh phúc, mà chính tôi cũng chết đi một
phần trong tôi. Tình liên đới không phải là một thứ xa xỉ phẩm được thêm vào
tương quan giữa người với người hoặc như một thứ tô điểm phụ thuộc cho nhân
cách của tôi, mà là đòi hỏi thiết yếu của ơn gọi làm ngưòi. Tôi càng nên người
hơn khi tôi sống cho tha nhân. Tôi càng trở nên phong phú hơn khi tôi trao
ban...
Chúa Giêsu đã mạc khải cho chúng ta ơn gọi
đích thực của con người: đó là sống trọn vẹn cho tha nhân. "Này là Người,
này là con người với đầy đủ tính người". Ðó phải là ý nghĩa của lời tuyên
bố của Philato khi ông cho trình diện trước đám đông một Chúa Giêsu với tấm
thân không còn hình tượng của con người nữa và nói: "Này là
người...". Con người chỉ thể hiện được trọn vẹn tính người khi con người
tiêu hao hoàn toàn vì người khác, khi con người sống hoàn toàn cho người
khác...
Ðó là định luật của Tình Yêu mà Chúa Giê su đã
mạc khải cho chúng ta: Ai đi tìm mạng sống mình, người đó sẽ mất. Ai mất mạng
sống mình, người đó sẽ tìm gặp lại.
(Lẽ
Sống)
Thứ Ba 14-5
Thánh Matthias
T
|
Theo Tông Ðồ Công Vụ 1:15-26, sau khi Ðức Giêsu Lên Trời, các tông
đồ cần phải tìm người thay thế cho Giuđa. Với tất cả những bàng hoàng chưa
thông hiểu, những nguy hiểm đang phải đương đầu, tại sao các ngài lại chú ý đến
việc tìm vị tông đồ thứ mười hai? Số mười hai là con số quan trọng cho Dân Ðược
Chọn: mười hai là con số của mười hai chi tộc Israel . Nếu một Israel mới phát
sinh từ các môn đệ của Ðức Kitô, thì cần phải có mười hai tông đồ. Nhưng biết
ai để mà chọn?
Khi Thánh Phêrô đứng lên đề nghị phương cách chọn lựa, lúc ấy có
một trăm hai mươi người đang tụ tập cầu nguyện. Thánh Phêrô biết rằng người
được chọn phải là người đã theo Ðức Kitô từ ban đầu -- từ lúc Người chịu thanh
tẩy bởi Gioan Tẩy Giả cho đến khi Lên Trời. Lý do thật dễ hiểu, tông đồ phải là
người theo Ðức Kitô trước khi bất cứ ai biết đến, phải trung thành với Người dù
có những khó khăn và đã chứng kiến sự phục sinh của Ðức Kitô.
Có hai vị hội đủ điều kiện -- Matthias và Giuse Barsabbas. Các
tông đồ biết hai vị này đã từng ở với họ và ở với Ðức Kitô trong suốt thời gian
Người thi hành sứ vụ. Nhưng ai thực sự quyết tâm làm nhân chứng cho sự phục
sinh của Ðức Kitô. Chỉ có Thiên Chúa mới biết được điều đó. Và các tông đồ đã
cầu nguyện và bỏ phiếu. Người được chọn là ông Matthias, là người được thêm vào
nhóm Mười Một.
Ðó là tất cả những gì chúng ta được biết về Thánh Matthias.
Lời Bàn
Ðức Clêmentê ở Alexandria
nói rằng Thánh Matthias, cũng như tất cả các tông đồ khác, được Ðức Kitô chọn
không phải vì họ tốt lành, nhưng vì Ðức Kitô đã thấy trước con người tương lai
của họ. Các ngài được chọn không phải vì sự xứng đáng nhưng vì các ngài sẽ trở
nên người xứng đáng. Ðức Kitô cũng chọn chúng ta giống như vậy. Thử nghĩ xem
Ðức Kitô muốn bạn trở nên một người như thế nào?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét