Chúa Nhật
Ngày 26/05/2013
Tuần VIII
Mùa Thường Niên Năm C
CHÚA BA NGÔI
(phần I)
BÀI ĐỌC I: Cn 8, 22-31
"Khi địa cầu chưa
sinh nở, sự khôn ngoan đã được sinh thành".
Trích sách Châm Ngôn.
Đây sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa phán:
"Chúa đã tạo thành nên ta là đầu sự việc của Người, trước cả những sự việc
Người đã làm rất xa xưa. Ta đã được thiết lập tự thuở đời đời, ngay tự đầu
tiên, khi địa cầu chưa sinh nở. Ta đã được sinh thành khi chưa có vực sâu, khi
chưa từng có những dòng suối nước. Trước khi Chúa củng cố những ngọn núi cao,
trước khi có những quả đồi, ta đã sinh ra rồi. Khi Người chưa tạo tác địa cầu,
đồng ruộng, cũng chưa tạo nên hạt bụi đầu tiên của cõi trần ai. Khi Người xếp
đặt muôn cõi trời, có ta ở đó, khi Người vạch ra vòng đai trên mặt vực sâu, khi
Người định chỗ cho mây trời trên cõi cao xa, và những suối nước tự vực sâu vọt
lên mạnh mẽ, khi Người đặt cương giới cho biển cả để nước đừng có vượt quá cõi
bờ, khi Người đặt nền tảng cho trái đất, bấy giờ ta làm việc ở sát bên Người.
Và mọi ngày ta làm cho Người sung sướng, luôn luôn nhàn du ở trước nhan Người.
Ta nhàn du trên quả địa cầu, và gặp thấy hạnh phúc ở giữa con cái loài
người". Đó là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 8, 4-5. 6-7. 8-9
Đáp: Lạy Chúa, lạy Chúa
chúng con, lạ lùng thay danh Chúa khắp nơi hoàn cầu (c. 2a).
1) Khi con ngắm cõi trời, công cuộc tay Chúa
tạo ra, vầng trăng và muôn tinh tú mà Chúa gầy dựng, thì nhân loại là chi mà
Chúa nhớ tới? con người là chi mà Chúa để ý chăm nom? - Đáp.
2) Chúa dựng nên con người kém thiên thần một chút,
Chúa trang sức con người bÄng danh dự với vinh quang; Chúa ban cho quyền hành
trên công cuộc tay Ngài sáng tạo, Chúa đặt muôn vật dưới chân con người. - Đáp.
3) Nào chiên, nào bò, thôi thì tất cả, cho tới
những muông thú ở đồng hoang, chim trời với cá đại dương, những gì lội khắp nẻo
đường biển khơi. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Rm 5, 1-5
"Thánh Thần ban
cho chúng ta lòng mến Chúa".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, khi được đức tin công chính
hoá, chúng ta được bình an trong Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng
cho chúng ta dùng đức tin mà tiến đến ân sủng, và đứng vững ở đó, và được hiển
vinh trong niềm hy vọng vinh quang của con cái Chúa. Không những thế, chúng ta
còn được vinh hiển trong gian nan, khi biết rằng gian nan rèn nhẫn nại, nhẫn
nại rèn nhân đức, còn nhân đức rèn cậy trông. Nhưng cậy trông không đưa đến
thất vọng, vì lòng mến Chúa được Thánh Thần, Đấng ban cho chúng ta, đổ xuống
lòng chúng ta. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Kh 1, 8
Alleluia,
alleluia! - Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con, và Đức Chúa Thánh Thần;
sáng danh Thiên Chúa, Đấng đang có, đã có và sẽ đến. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 16, 12-15
"Tất cả những gì
Cha có, đều là của Thầy; Thánh Thần sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho
các con".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Thầy còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ các con không thể
lĩnh hội được. Khi Thần Chân lý đến, Người sẽ dạy các con biết tất cả sự thật,
vì Người không tự mình mà nói, nhưng Người nghe gì thì sẽ nói vậy, và Người sẽ
bảo cho các con biết những việc tương lai. Người sẽ làm vinh danh Thầy, vì Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan
truyền cho các con. Tất cả những gì Cha có đều là của Thầy, vì thế Thầy đã nói:
Người sẽ lãnh nhận từ nơi Thầy mà loan truyền cho các con". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Những Bảo Ðảm
Chắc Chắn
Chúa
Thánh Thần đã hiện xuống và đã "đưa các tông đồ vào tất cả sự thật",
như lời Chúa Giêsu nói trong bài Tin Mừng hôm nay. Nhờ đó ngày nay chúng ta
được hiểu biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Dân Cựu Ước ngày xưa đã không hề hay
biết. Các tông đồ khi sống với Ðức Giêsu cũng chưa hiểu rõ lắm. Phải đợi đến
khi Chúa Thánh Thần hiện xuống soi sáng và hướng dẫn, dần dần Hội Thánh mới được
đưa vào mầu nhiệm cao cả này. Ðiều này nhắc nhở chúng ta phải cầu xin ơn Chúa
Thánh Thần và phải nhờ Người giúp đỡ chúng ta mới có thể đến được với Chúa Ba
Ngôi. Mà đó là việc mà phụng vụ muốn làm cho chúng ta hôm nay. Trong ba bài đọc
Kinh Thánh, phụng vụ đã chọn hai bài về Chúa Thánh Thần để nhờ Người hướng dẫn
con cái Hội Thánh hiểu biết Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng bài đọc Cựu Ước cũng quý
hóa vì ít nhất nó cũng làm cho chúng ta thấy rõ hạnh phúc của những người đã
được lãnh nhận Chúa Thánh Thần, vì khi Người chưa đến soi sáng tâm hồn, thì con
người có nhiều thiện chí cũng hãy còn rất chập chững trên đường hiểu biết sự
thật về Thiên Chúa.
1. Những Cố Gắng Khó
Khăn Của Cựu Ước
Bài
Cựu Ước hôm nay trích trong sách Cách ngôn thuộc bộ sách khôn ngoan. Ðây là bộ
sách suy tư thần học của người Do Thái. Những người này đã nhận được ánh sáng
mạc khải từ thời Abraham và Môsê. Họ đã đón nhận Lời Chúa và tin như vậy. Có
thể nói, họ không suy nghĩ gì thêm nữa. Nhưng từ ngày nhiều người trong họ phải
lưu đày sang Babylon , mà nhất là từ khi mất chủ
quyền dân tộc, con cái Israel
khi bị Ai Cập, lúc bị Hy Lạp đô hộ bó buộc phải tiếp xúc với những nền văn minh
và tư tưởng khác lạ. Dù muốn dù không, những cuộc gặp gỡ này cũng làm giao đông
nền thần học cổ truyền. Có nhiều đầu óc Do Thái đã suy nghĩ. Phong trào viết
các sách Khôn ngoan đã phát triển trong bối cảnh lịch sử ấy, và chúng ta có
sách Cách ngôn để đọc hôm nay.
Ðoạn
văn chúng ta vừa nghe nói về khôn ngoan của Thiên Chúa trong công việc tạo
dựng. Ðiểm nổi rõ trong đoạn văn này là trình bày nhân cách hóa. Sự khôn ngoan
lên tiếng nói như một nhân vật. Ðiều này rất mới trong truyền thống Cựu Ước.
Nhất nữa là nhân vật khôn ngoan ở đây lại ở gần Thiên Chúa và hầu như là chính
Người. Ðiều này không thể nào tưởng tượng được ở thời Môsê và các tiên tri là
dạy dỗ và bảo vệ nền tôn giáo độc thần. Israel chỉ được tin một Chúa, chỉ
được thờ lạy duy mình Người và phải coi mọi thần dân ngoại tôn thờ là ngẫu
tượng, giả trá và hư vô. Israel
cũng không được tạc tượng Chúa mình tôn thờ. Họ không được vẽ, họa hình toàn
năng... Ðối với chúng ta những đòi hỏi này quá tự nhiên. Nhưng ở thời con cái Israel ,
đó là những luật hầu như không thể giữ nổi. Do đó Israel đã sa đi ngã lại trong cám
dỗ thờ ngẫu tượng. Và câu chuyện họ đúc con bê vàng để hình dung và thờ lạy sức
mạnh của Thiên Chúa đã cứu họ ra khỏi Ai Cập, không đáng tức cười như chúng ta
có thể nghĩ đâu. Tâm lý người ta thời bấy giờ muốn thờ nhiều thần và muốn có
nhiều tượng.
Vậy,
để bảo vệ và duy trì chính nghĩa độc thần, Môsê và các tiên tri đã phải có
những nỗ lực phi thường. Các người luôn nhắc nhở lại lệnh của Chúa: Không được
thờ thần nào khác Giavê, không được nghĩ có nhân vật nào ở bên cạnh Người.
Giavê là đấng độc tôn. Ngoài Người ra tất cả đều là hư vô. Vật gì cũng chỉ như
cỏ rác đối với Người.
Thế
mà hôm nay chúng ta thấy sách Cách ngôn nói về một nhân vật mật thiết với Thiên
Chúa như vậy. Việc sách đó không bị cấm, bị đốt mà còn được kể là sách Thánh và
được đưa vào kinh quy, làm chứng tâm lý con cái Israel đã thay đổi nhiều. Họ đã
trưởng thành khá về mặt tôn giáo. Ðạo độc thần đã chắc chắn đến nỗi người ta có
thể viết những bài Cách ngôn này mà không sợ bị hiểu lầm là có khuynh hướng đa
thần công nhận có những nhân vật giống như Giavê.
Không,
ở đây vẫn là đức tin độc thần. Chỉ có Giavê là Chúa. Sự khôn ngoan chỉ là một
tạo dựng, cho dù có là tiên thường, tức là có trước mọi loài đi nữa. Theo tác
giả thì từ đời đời, tức là từ xa xưa, trước khi có tạo dựng, đã có sự khôn
ngoan được Thiên Chúa sinh ra. Người dựng nên sự khôn ngoan sớm nhất như vậy là
để sự khôn ngoan tham dự vào công việc Người sẽ làm khi dựng nên trời đất vạn
vật. Thế nên trước khi có hỗn mang, tức là vực thẳm lỏng đã có sự khôn ngoan.
Rồi từ vực thẳm này sẽ có núi non mọc lên; mặt đất sẽ nhô ra với đồng nội và cát
bụi; trời cũng được chống lên và biển cũng được khoanh lại; còn sông ngòi như
là những cánh tay của hỗn mang vươn ra trên mặt đất.
Sự
khôn ngoan được chứng kiến tất cả công trình tạo dựng ấy. Hơn nữa còn như đứa
trẻ được Thiên Chúa quý mến, sự khôn ngoan và niềm vui thú của Người đang lúc
Người làm việc tạo dựng. Có lẽ vì vậy mà người ta có thể nghĩ sự khôn ngoan đã
giữ một vai trò tích cực hơn khi vũ trụ được tạo thành. Thiên Chúa đã nhìn ra
sự khôn ngoan khi làm việc, thì công trình Người làm ra mang hình ảnh sự sống
của sự khôn ngoan. Sự khôn ngoan đồng tạo dựng với Thiên Chúa; vạn vật là công
trình, là hình ảnh, là nơi ở của sự khôn ngoan. Tuy nhiên không nơi nào được sự
khôn ngoan chiếu cố như nơi con cái loài người. Sự khôn ngoan tìm thấy vui thú
ở nơi họ. Sự khôn ngoan đã muốn hiện diện ở nơi họ...
Tất
cả những lời này đều đẹp. Tác giả sách Cách ngôn tỏ ra sâu sắc và tài tình. Ít
ai có thể ca tụng sự khôn ngoan của Thiên Chúa như ở đây. Những lời nhân cách
hóa chúng ta vừa nghe khéo đến nỗi chúng ta như được nhìn tận mắt hiện thân của
sự khôn ngoan. Và vì lý do này, bài sách đã được chọn để đọc hôm nay. Nhân vật
mật thiết với Thiên Chúa trong việc tạo dựng kia là ai, nếu không phải là Ngôi
Lời và Ngôi Hai Thiên Chúa? Người được các sách Tân Ước xưng tụng là sự khôn
ngoan của Thiên Chúa. Nhưng nhân vật ấy cũng có thể là Chúa Thánh Thần và Ngôi
Ba Thiên Chúa vì Người là thần Chân lý. Phụng vụ không dứt khoát bó buộc chúng
ta phải hiểu cách nào. Phụng vụ chỉ muốn chúng ta biết rằng mầu nhiệm Thiên
Chúa Ba Ngôi đã không được Cựu Ước nói đến sớm sủa vì sợ có hại cho tôn giáo
độc thần; nhưng dần dần chân lý ấy đã được khơi lên trong các sách khôn ngoan
để chuẩn bị xa xa cho việc mạc khải toàn diện của Tân Ước. Do đó chúng ta phải
nhận ra đặc ân dành cho mình trong Ðức Giêsu Kitô và phải nhờ thần trí của
Người mà quý mến. Chúng ta hãy làm công việc này nhờ bài Tin Mừng.
2. Những Mạc Khải An Ủi
Của Tân Ước
Ðây
là một đoạn trong câu chuyện Ðức Giêsu nói với môn đệ trước khi ra đi chịu
chết. Nó là chúc thư Người để lại cho họ. Do đó đây là những lời thắm thiết
nhất, an ủi nhất.
Phụng
vụ hôm nay chỉ đọc cho chúng ta nghe mấy câu thôi. Những câu này hướng về tương
lai, nói đến Ðấng là Thần khí sự thật sẽ đến giúp đỡ các môn đệ. Muốn hiểu đầy
đủ về Người phải đọc ít nhất cả bài tường thuật câu chuyện Chúa nói hôm nay.
Chúng ta không làm như vậy được. Chúng ta theo ý phụng vụ dừng lại nơi mấy câu
vừa nghe.
Trong
đoạn này Ðức Giêsu chỉ giới thiệu Ðấng an ủi mà Người sẽ gửi đến từ nơi Chúa
Cha cho các môn đệ là Thần Khí Sự Thật. Họ cần phải có Người vì Ðức Giêsu còn
nhiều điều nữa muốn nói với họ nhưng lúc này họ không mang nổi. Nói đúng ra
không phải Ðức Giêsu chưa nói hết với các môn đệ. Người là mạc khải toàn vẹn.
Người đã không tiếc với môn đệ một điều gì. Hơn nữa, Người đã nói không úp mở,
như có lần Người đã tuyên bố. Nhưng chính Người đã tự ví như hạt giống và như
người gieo giống. Người đã gieo hết Lời Chúa đấy, nhưng các lời này còn phải
mọc lên và sinh hoa trái. Vai trò của Ðấng an ủi sẽ đến là "đưa các ngươi
vào tất cả sự thật", vì sự thật đã đến, đã nói và đang ở trước mặt các môn
đệ, nhưng họ vẫn chưa vào và chưa có khả năng để vào tất cả sự thật. Họ chưa
hiểu Người đang nói với họ đủ; họ chưa bắt được hết ý của Người. Họ cần phải
được trợ giúp thêm. Và đó sẽ là công việc của Chúa Thánh Thần.
Người
được giới thiệu là Thần Khí Sự Thật, không phải vì chỉ nơi Người mới có tất cả
chân lý. Sự thật đã có ở nơi Thiên Chúa và được Ngôi Lời mang xuống trần gian
trong con người, cuộc đời và giáo huấn của Ðức Giêsu. Thánh Thần không có điều
gì mới lạ, vì "không phải tự mình mà Ngài nói, nhưng nghe gì Ngài sẽ nói
ra..." "Ngài sẽ lấy của Ta mà thông báo cho các ngươi". Và đó
cũng chẳng phải là lời của Ta, nhưng là của Ðấng đã sai Ta vì "mọi sự Cha
có, hết thảy là của Ta".
Với
những lời lẽ thật đơn sơ ấy, Ðức Giêsu đã dạy chúng ta về sự duy nhất giữa Chúa
Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ đến với Hội Thánh sau Chúa
Con, nhưng cũng chỉ để làm việc Chúa Con và đưa công việc này đến chỗ hoàn tất.
Ðó là việc mạc khải Lời Chúa, mạc khải chính Thiên Chúa, mạc khải mọi sự Chúa
Cha có mà Chúa Con đã nhận được tất cả, để rồi Chúa Thánh Thần sẽ thông ban tất
cả cho chúng ta. Ba Ngôi làm việc cho chúng ta trong lịch sử theo thời gian
trước sau và theo cách thức khác nhau. Nhưng cũng chỉ là một công việc, một ý
chí, một chân lý, một cơ sở chung là chính bản tính Thiên Chúa.
Chính
chúng ta vì yếu đuối không thể chấp nhận và mang nổi tất cả ngay từ đầu. Dân
Cựu Ước vì mang quan niệm độc thần đã khó nên đã chỉ được mạc khải về một Thiên
Chúa. Các môn đệ và người đồng thời với Ðức Giêsu đã thấy, đã nghe, và đã sống
với Người; nhưng quan niệm hiểu biết của họ về Người và về Ðấng đã sai Người
đến vẫn chưa được rõ ràng. Ấy là chưa kể họ không chịu nổi những lời loan báo
về tử nạn, phục sinh. Phải đợi Chúa Thánh Thần đến giúp đỡ, dần dần họ mới nhớ
lại và hiểu rõ về Ðức Giêsu. Bấy giờ họ mới tuyên xưng Ðức Giêsu Kitô là Chúa
và là Con Thiên Chúa.
Vậy,
nếu những điều về chính Ðức Giêsu và cuộc sống của Người mà họ cũng chưa hiểu
được, thì huống nữa là những điều mà Người bảo là sẽ đến, tức là về Thánh Thần
và Hội Thánh của Người, họ mang nổi lập tức sao được? Nhưng khi Thánh Thần đã
đến, lập tức họ thấy ngay Thiên Chúa đã ban cho họ Lời hứa. Lời hứa của Ðức
Giêsu trước khi ra đi là sai Thánh Thần đến, lời hứa của Thiên Chúa sẽ đổ đầy
Thần Khí xuống trong thời đại mới. Họ thấy ngay Thánh Thần là Thiên Chúa. Rồi
nhờ Người, họ biết Ðức Giêsu Kitô là Chúa, đúng như lời Chúa nói hôm nay: Thánh
Thần đã làm vinh hiển Người. Và như vậy họ hiểu Thiên Chúa Ba Ngôi; họ rõ những
lời Ðức Kitô đã mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi. Ðang khi ấy dần dần họ hiểu về
mầu nhiệm Hội Thánh mà họ cũng nghe Ðức Giêsu nói, nhưng chưa hiểu. Và đó là
công việc của Chúa Thánh Thần mà hôm nay Ðức Giêsu đã khẳng định sẽ đến
"loan báo cho môn đệ những điều sẽ đến".
Thế
là với Chúa Thánh Thần, chúng ta đã được đưa vào tất cả sự thật, không phải sự
thật ở trần gian thay đổi này, nhưng là sự thật của Thiên Chúa, của chương
trình cứu độ để chúng ta được giải thoát tội lỗi mà đi vào sự sống và hạnh phúc
chân thật. Sự thật cứu rỗi là nhận biết Chúa Cha toàn năng đã yêu thương loài
người đến nỗi đã ban Con Một Người cho chúng ta; và nhận biết Ðức Giêsu là Ðấng
Kitô, Người sai đến là Chúa; và nhận biết Chúa Thánh Thần là Ðấng an ủi đang
đưa chúng ta vào tất cả sự thật.
Ðó
là sự nhận biết mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, căn cứ vào lịch sử cứu độ, nên chắc
chắn, khác hẳn những hình ảnh và lời lẽ rất đẹp trong các sách Cựu Ước. Ðiều
này khiến chúng ta phải tạ ơn và phấn khởi, như lời thư Phaolô hôm nay khuyên
bảo chúng ta.
3. Những Bảo Ðảm Chắc
Chắn Của Chúng Ta
Ngay
từ đầu, thánh Tông đồ xác định chúng ta là những người đã được Thiên Chúa công
chính hóa, nhờ đức tin. Thật vậy, đức tin là sự thật cứu độ chứ không phải là
chân lý thỏa mãn trí óc con người. Chúng ta tin Chúa Ba Ngôi để thấy Chúa Cha,
Chúa Con và Chúa Thánh Thần cứu độ chúng ta chứ không phải để biết về Thiên
Chúa như là mầu nhiệm mà trí tuệ muốn khám phá để thỏa mãn. Nhờ tin vào Chúa và
chịu phép rửa nhân danh Ba Ngôi, chúng ta đã được công chính hóa, tức là khỏi
tội và được ơn nghĩa với Thiên Chúa. Do đó, chúng ta được sống trong bình an
với Người, tức là được ở trong thế giới ân sủng đầy tình thương của Người.
Nhưng
hiện tại vẫn chưa là gì sánh với tương lai. Khi chúng ta được với Người diện
đối diện. Niềm trông đợi này không hão huyền vì hiện nay Thiên Chúa đã đổ Thánh
Thần của Người xuống lòng chúng ta. Người là Lời Hứa của mọi Lời Hứa. Người đã
được ban cho ta thì chúng ta đã nắm được phần chắc của mọi Lời Hứa. Niềm trông cậy
của chúng ta được đảm bảo chắc chắn nhờ việc Thánh Thần đã hiện xuống. Và hiện
nay Người đang từ từ làm việc để biến đổi lòng con người và cả thế giới cho đến
ngày Ðức Giêsu Kitô hiện ra trong vinh quang.
Thế
nên ngay đến cả những sự đau khổ và thử thách ở đời này cũng trở thành niềm
kiêu hãnh cho chúng ta, vì chúng chỉ đem thêm hào quang đến cho định mệnh của
chúng ta đã được đảm bảo trong việc chiếm hữu Thánh Thần.
Như
vậy tất cả chỉ tùy thuộc ở việc chiếm hữu này. Thiên Chúa đã đổ Thánh Thần của
Người xuống. Chúng ta có lãnh nhận và bảo toàn được không? Thánh Lễ là cơ hội
để chúng ta vừa lãnh thêm vừa củng cố hơn các ơn Thánh Thần. Không phải chỉ cần
dự lễ sốt sắng là đủ. Nhưng như lời sách Cách ngôn nói, phải như có Thánh Thần
khi làm các việc thì đó mới là tạo dựng tốt đẹp, và mới là xây dựng thánh
thiện. Và khi có Thánh Thần ở bên như vậy, chúng ta sẽ được đưa vào tất cả sự
thật về Thiên Chúa Ba Ngôi để chúng ta là những người tôn thờ chân thật. Chúng
ta hãy cầu xin sốt sắng cho nhau được thêm ơn Thánh Thần để luôn kính yêu Thiên
Chúa Cha tạo dựng, Thiên Chúa Con Cứu Thế và Thiên Chúa Thánh Thần đang làm
việc trong Hội Thánh, để khi ở giữa trời đất chúng ta biết yêu mến Chúa, khi
làm việc chúng ta biết hợp tác với Người, khi sống trong xã hội chúng ta lấy
tình thương của Người mà đối xử, để đời sống chúng ta là của Thiên Chúa Ba
Ngôi.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức
cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật Lễ Ba Ngôi, Năm C
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa
Sách
Bổn Việt Nam
xưa cho chúng ta sự hiểu biết sai về Ba Ngôi Thiên Chúa: “Chúa Cha dựng nên ta,
Chúa Con cứu chuộc ta, và Chúa Thánh Thần thánh hóa ta.” Thực ra, cả Ba Ngôi
Thiên Chúa đều hòa hợp trong công trình tạo dựng, cứu chuộc, và thánh hóa con
người. Chúng ta có thể tách rời Ba Ngôi để phân tích; nhưng phải tổng hợp cả Ba
Ngôi lại để thấu hiểu Mầu Nhiệm, vì chúng ta chỉ có một Chúa.
Làm
sao để hiểu mầu nhiệm Ba Ngôi? Các Giáo Phụ dùng hai cách: nghiên cứu thần học
và dựa trên những gì Thiên Chúa đã làm cho con người. Các ngài “phân biệt
theologia (thần luận) với oikonomia (công trình). Thuật ngữ thứ nhất chỉ mầu
nhiệm đời sống nội tại nơi Thiên Chúa Ba Ngôi. Thuật ngữ thứ hai chỉ mọi công
cuộc Thiên Chúa dùng để tự mặc khải và thông ban sự sống của Người. Nhờ công
trình mà chúng ta được biết thần luận; nhưng đối lại, thần luận soi sáng toàn
thể công trình. Các công trình của Thiên Chúa mặc khải cho chúng ta biết Người;
và đối lại, mầu nhiệm đời sống nội tại của Thiên Chúa giúp chúng ta hiểu các
công trình của Người. Cũng như trong các tương quan nhân loại, con người biểu
lộ mình qua hành động; càng biết một người, chúng ta càng hiểu rõ hành động của
họ hơn (C 236).
Mỗi
Bài Đọc hôm nay giúp chúng ta nhìn những khía cạnh khác nhau của Ba Ngôi Thiên
Chúa. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự Khôn Ngoan của
Thiên Chúa với mục đích cho chúng ta hiểu về nguồn gốc và sự liên hệ giữa Thiên
Chúa và sự Khôn Ngoan. Thiên Chúa “dựng nên” sự Khôn Ngoan từ nguyên thủy,
trước khi dựng nên bất cứ một tạo vật nào; sau đó, Thiên Chúa cùng với sự Khôn
Ngoan dựng nên muôn vật. Trong Bài Đọc II, thánh Phaolô cho chúng ta thấy công
trình cứu chuộc con người là sự cộng tác của Ba Ngôi Thiên Chúa: Chúa Cha sáng
tạo Kế Hoạch, Chúa Con thi hành, và Chúa Thánh Thần làm con người nhận ra và
tin vào Kế Hoạch Cứu Độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu mặc khải về Chúa Thánh Thần
mà Chúa Cha và Ngài sẽ gởi đến cho các môn đệ sau khi Ngài về trời. Chúa Thánh
Thần sẽ làm cho các môn đệ thấu hiểu những mặc khải của Chúa Giêsu và sẽ hướng
dẫn các ông từ từ đến sự thật toàn vẹn mà các ông không thể thấu hiểu trong một
lúc vì trí khôn hạn hẹp của con người.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt
đất.
1.1/
Sự liên hệ và nguồn gốc của sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa:
(1)
Sự liên hệ:
Tác giả Sách Châm Ngôn nhân cách hóa sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa như sau: “Đức
Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của
Người từ thời xa xưa nhất.”
Đây
chỉ là một kiểu nói để diễn tả sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa; nhưng kiểu nói này
gây nhiều ngộ nhận. Thứ nhất, sự Khôn Ngoan đã phải ở với Thiên Chúa ngay từ
đầu. Nói theo kiểu con người: phải có khôn ngoan trước khi có sáng tạo. Thứ hai
là động từ “dựng nên:” Nếu sự Khôn Ngoan đã ở với Thiên Chúa ngay từ đầu, động
từ “dựng nên” phải hiểu theo nghĩa nào? Chúng ta không thể hiểu như dựng nên vũ
trụ muôn loài. Bè rối Arians dựa vào câu này để chứng minh Ngôi Lời được tạo
dựng, chứ không tự mình mà có. Tác giả chỉ có ý nói sự Khôn Ngoan đã ở với
Thiên Chúa trước khi sáng tạo vũ trụ và con người.
(2)
Nguồn gốc của Sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa được tác giả diễn tả như sau: “Ta đã được thành
hình từ đời đời, từ nguyên thuỷ, trước khi có mặt đất. Khi chưa có các vực
thẳm, khi chưa có mạch nước tràn đầy, ta đã được sinh ra. Trước khi núi non
được đặt nền vững chắc, trước khi có gò nổng, ta đã được sinh ra, khi Đức Chúa
chưa làm ra mặt đất với khoảng không, và những hạt bụi đầu tiên tạo nên vũ trụ.
Đã có ta hiện diện khi Người thiết lập cõi trời, khi Người vạch một vòng tròn
trên mặt vực thẳm, khi Người làm cho mây tụ lại ở trên cao và cho các mạch nước
vọt lên từ vực thẳm, khi Người định ranh giới cho biển, để nước khỏi tràn bờ,
khi Người đặt nền móng cho đất.” Tất cả những câu này tác giả dùng chỉ nhằm
diễn tả một điều: sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa có trước tất cả mọi sự.
1.2/
Sự liên hệ của Khôn Ngoan với các tạo vật: “Ta hiện diện bên Người như tay thợ cả. Ngày
ngày ta là niềm vui của Người, trước mặt Người, ta không ngớt vui chơi, vui
chơi trên mặt đất, ta đùa vui với con cái loài người.”
Từ
ngữ “thợ cả=amôn” được dùng để chỉ sự sáng tạo tài khéo của sự Khôn Ngoan của
Thiên Chúa trong việc tạo dựng. Nhờ sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa mà muôn vật
được tạo thành; và không có sự Khôn Ngoan, chẳng gì được tạo thành.
Trong
lời Giới Thiệu của Tin Mừng Gioan, chúng ta tìm thấy nhiều điểm tương đồng khi
so sánh sự Khôn Ngoan của Sách Châm Ngôn với Ngôi Lời của Tin Mừng Gioan: “Lúc
khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên
Chúa. Lúc khởi đầu, Người vẫn hướng về Thiên Chúa. Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được
tạo thành, và không có Người, thì chẳng có gì được tạo thành” (Jn 1:1-3).
Về
sự liên hệ giữa Thiên Chúa và Chúa Giêsu: Khi tông đồ Philíp nói: "Thưa
Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha, như thế là chúng con mãn
nguyện." Đức Giêsu trả lời: "Thầy ở với anh em bấy lâu, thế mà anh
Philíp, anh chưa biết Thầy ư? Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Sao anh lại nói: "Xin
tỏ cho chúng con thấy Chúa Cha?" Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha
và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình
nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của
mình” (Jn 14:8-10).
Nếu
chúng ta nhìn Ngôi Lời như sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, Ngôi Lời luôn ở với
Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Chúng ta không thể tách rời sự Khôn Ngoan của
Thiên Chúa ra khỏi Thiên Chúa. Chỉ trong mầu nhiệm Nhập Thể, Ngôi Lời mới mang
lấy thân xác loài người để mặc khải cho con người biết sự Khôn Ngoan của Thiên
Chúa.
2/
Bài đọc II: Công trình cứu độ con người là của Ba Ngôi Thiên Chúa
2.1/
Chúa Cha là tác giả của công trình cứu độ: Cả Gioan cũng như Phaolô đều cho chúng ta cái
nhìn rất rõ về Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa (Jn 6:35-40; Rom 3:21-24). Chúa
Cha là tác giả của Kế Hoạch này. Mục đích của Kế Hoạch là để giải phóng con
người khỏi làm nô lệ cho tội lỗi, giao hòa con người với Thiên Chúa, và cho con
người được hưởng ơn cứu độ.
2.2/
Chúa Con thực thi công trình cứu độ: Chúa Giêsu được Chúa Cha sai xuống trần gian
để mặc khải Kế Hoạch Cứu Độ cho con người, và mang Kế Hoạch tới thành công bằng
việc chấp nhận trải qua Cuộc Thương Khó, cái chết, và sự Phục Sinh vinh hiển.
Đứng
trước Chúa Giêsu, con người có tự do để lựa chọn: tin hay không tin vào Ngài.
Nếu con người chọn để tin vào Đức Kitô, họ sẽ được sạch tội và trở nên công
chính. Một khi được trở nên công chính, con người được giao hòa với Thiên Chúa.
Đức Kitô đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta
đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh
quang của Thiên Chúa.
2.3/
Chúa Thánh Thần giúp chúng ta trung thành với niềm hy vọng vào sự sống đời đời:
Tha
tội chỉ là một khía cạnh của Kế Hoạch Cứu Độ, khía cạnh khác là thánh hóa con
người bằng ơn thánh của các bí tích và sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Đức
tin của chúng ta cần được thử thách trong những ngày chúng ta sống trên dương
gian này. Trong sự quan phòng của Thiên Chúa, Ngài không để chúng ta chiến đấu
một mình, vì Ngài biết chúng ta sẽ không thể chống lại quyền lực của quỉ thần
và của thế gian; nên Ngài đã ban ơn thánh và Thánh Thần để hoạt động trong tâm
hồn chúng ta. Gian truân cần thiết để thử thách đức tin như vàng cần thử lửa để
biết vàng thật. Đức tin được thử thách sẽ giúp người tín hữu quen chịu đựng và
kiên trì trong mọi thử thách. Khi người tín hữu kiên trì mong đợi niềm hy vọng
vào Nước Trời như thế, họ chứng minh cho Thiên Chúa biết họ xứng đáng được
hưởng cuộc sống đời đời.
3/
Phúc Âm: Chúa Giêsu mặc khải Thánh Thần cho các môn đệ.
3.1/
Thánh Thần giúp con người thấu hiểu những mầu nhiệm của Thiên Chúa: Trước Cuộc Thương Khó,
Chúa Giêsu biết các môn đệ sẽ chao đảo về sự ra đi của Ngài, nên Ngài mặc khải
và nhắc lại những gì cần thiết để các ông vững tin vào Ngài; nhưng Ngài biết
trí khôn hạn hẹp của các ông không thể thấu hiểu tất cả những gì Ngài muốn nói.
Một
trong những mặc khải tối quan trọng Ngài để lại cho các ông là họ sẽ có sự hiện
diện của Thánh Thần mà Chúa Cha và Ngài sẽ gởi đến. Hai điều Thánh Thần sẽ làm
được Chúa Giêsu tiên báo hôm nay:
(1)
Khi nào Thánh Thần sự thật đến, Ngài sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn: Thánh Thần là Thần Sự
Thật, Ngài sẽ hướng dẫn các môn đệ theo sự thật và sẽ làm cho các ông hiểu tất
cả mọi sự thật hay sự thật toàn vẹn.
(2)
Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ
nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến: Thánh Thần không nói
thêm điều gì mới lạ; nhưng sẽ nhắc lại những gì Chúa Giêsu đã nói và làm cho
các môn đệ thấu hiểu những lời này.
3.2/
Sự hòa hợp giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Mỗi ngôi tuy có nhiệm vụ riêng; nhưng đều
nhắm tới một mục đích là mang ơn cứu độ cho con người. Không có điều gì gọi là
của riêng hay mâu thuẫn bất đồng giữa Ba Ngôi Thiên Chúa. Con người là tài sản
chung của Ba Ngôi Thiên Chúa.
-
Hòa hợp trong sự thật: Sự thật chỉ có một và đến từ Chúa Cha. Chúa Con thấy và nói
những gì từ Chúa Cha. Chúa Thánh Thần thấy và nói những gì từ Chúa Con.
-
Hòa hợp trong sự liên hệ: Ai có Chúa Con, người ấy cũng có Chúa Cha và Chúa Thánh Thần.
Ai không có một, thì cũng không có cả ba.
-
Hòa hợp trong sự chúc tụng: Ai tôn vinh Cha, người đó cũng tôn vinh Con. Ai từ chối
Con, người đó cũng từ chối Cha và Thánh Thần.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Con người chúng ta là đối tượng cứu độ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Các Ngài đã hòa
hợp để tạo dựng, cứu chuộc, và thánh hóa chúng ta. Hãy sống xứng đáng với tình
yêu Thiên Chúa.
-
Gia đình chúng ta là biểu hiện của mầu nhiệm Ba Ngôi. Chúng ta cố gắng bắt
chước tính luôn yêu thương và hòa hợp của Ba Ngôi trong mọi công việc.
-
Trí khôn của chúng ta rất hạn hẹp trong việc hiểu biết các mầu nhiệm của Thiên
Chúa, nhất là mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Khi chưa hiểu, chúng ta đừng vội nản chí;
nhưng hãy biết khiêm nhường cầu nguyện để xin Thánh Thần của Thiên Chúa giúp
chúng ta thấu hiểu.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
SỰ
THẬT TOÀN VẸN
Cha yêu loài người đến độ sai Con Một làm người. Con yêu loài
người đến độ dám sống và chết cho họ. Thánh Thần yêu loài người đến độ luôn ở
bên để ủi an nâng đỡ. Cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài...
Suy niệm:
“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em,
nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu
nổi.”
Ðức Giêsu khi sắp về với Cha,
đã chấp nhận giới hạn của các môn đệ.
Ngài chưa nói hết được những điều Ngài muốn
nói,
nhưng Ngài không muốn ép họ phải cố hiểu.
Cần có thời gian, và nhất là cần Thánh Thần...
Ðức Giêsu chấp nhận ra đi khi việc huấn luyện
còn dang dở.
Ngài chấp nhận mình không phải là vị thầy duy
nhất:
Sau này, Thánh
Thần sẽ dạy anh em mọi điều (Ga
14,26).
Ngài cũng chẳng phải là Ðấng Bảo Trợ duy nhất
vì còn một Ðấng
Bảo Trợ khác đến sau Ngài (x.
Ga 14,16).
Ngài đã vén mở cho các môn đệ thấy sự thật,
sự thật về Cha, về bản thân mình và về con
người.
Nhưng Ngài biết rằng cần có Thánh Thần từ từ
dẫn dắt
các môn đệ mới hiểu thấu và đi vào toàn bộ sự thật.
Vì lợi
ích của họ, Ðức Giêsu sẵn
sàng ra đi (x. Ga 16,7),
để nhường chỗ cho Ðấng Cha và Ngài sai đến.
Ðức Giêsu chẳng tìm mình, và Thánh Thần cũng
vậy.
Thánh Thần chỉ có sứ mạng
là đưa con người đến với Cha và Con là Ðức
Giêsu.
Ngài chẳng tìm vinh quang cho mình,
nhưng chỉ tìm tôn vinh và làm chứng cho Ðức
Giêsu.
Cha cũng chẳng tim mình.
Cha chẳng giữ gì làm của riêng.
“Mọi sự Cha có đều là của Thầy” (c.15)
Cha là nguồn mạch luôn trào dâng qua Con.
Con là Con vì đón nhận tất cả từ Cha.
Tình yêu liên kết Cha và Con là Thánh Thần,
Khi chiêm ngắm thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi,
chúng ta thấy đó là một cộng đoàn lý tưởng.
Mỗi ngôi vị đều sống cho hai ngôi vị kia.
Yêu thương và hiệp thông với nhau đòi từ bỏ
Nhưng từ bỏ lại làm cho mỗi ngôi vị trọn vẹn là
mình,
và sống trong hạnh phúc viên mãn.
Thiên Chúa của Kitô giáo là một cộng đoàn yêu
thương,
nhưng thế giới của Thiên Chúa Ba Ngôi lại không
khép kín.
Thế giới ấy vươn ra ngoài mình,
để cho hạnh phúc tuôn đổ trên toàn bộ công
trình sáng tạo.
Cha yêu loài người đến độ sai Con Một làm
người.
Con yêu loài người đến độ dám sống và chết cho
họ.
Thánh Thần yêu loài người đến độ luôn ở bên để
ủi an nâng đỡ.
Cả Ba Ngôi cùng nhau lo cho loài người.
Ước mơ lớn nhất của Ba Ngôi là đưa cả nhân loại
đi vào thế giới thần linh của mình,
để mỗi người được hưởng hạnh phúc làm con trong
Chúa Con.
Thiên Chúa Ba Ngôi là tình yêu mở ra, chia sẻ,
mời gọi.
Tình yêu đích thực bao giờ cũng khiêm hạ đợi
chờ.
Chúng ta tự hỏi mình có sẵn sàng mở ra
để Chúa đi vào thế giới của mình
và để mình đi vào thế giới của Chúa không?
Cầu nguyện:
Giữa một thế giới đề cao quyền lực và lợi nhuận,
xin dạy con biết phục vụ âm thầm.
Giữa một thế giới say mê thống trị và chiếm đoạt,
xin dạy con biết yêu thương tự hiến.
Giữa một thế giới đầy phe phái chia rẽ,
xin dạy con biết cộng tác và đồng trách
nhiệm.
Giữa một thế giới đầy hàng rào kỳ thị,
xin dạy con biết coi mọi người như anh em.
Lạy Chúa Ba Ngôi,
Ngài là mẫu mực của tình yêu tinh ròng,
xin cho các kitô hữu chúng con
trở thành tình yêu
cho trái tim khô cằn của thế giới.
Xin dạy chúng con biết yêu như Ngài,
biết sống nhờ và sống cho tha nhân,
biết quảng đại cho đi
và khiêm nhường nhận lãnh.
Lạy Ba Ngôi chí thánh,
xin cho chúng con tin vào sự hiện diện của
Chúa
ở sâu thẳm lòng chúng con,
và trong lòng từng con người bé nhỏ.
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Ba
26 THÁNG
NĂM
Tin Mừng Cho Mọi Người
Bạn là tín
hữu? Bạn hãy sống đức tin của mình và hãy chuyển trao đức tin cho con em mình.
Hãy nêu chứng tá đức tin bằng chính cuộc sống. Bạn hãy yêu mến Giáo Hội như một
hiền mẫu. Hãy sống trong Giáo Hội và vì Giáo Hội. Hãy dành chỗ cho mọi người
trong trái tim bạn. Hãy thứ tha nhau và hãy gieo rắc hòa bình bất cứ nơi nào
bạn có mặt.
Bạn không
phải là tín hữu? Hãy tìm kiếm Thiên Chúa, vì Ngài đang kiếm tìm bạn đó!
Bạn đang
gặp đau khổ? Hãy vững lòng. Vì Đức Kitô đã từng nếm cảm niềm đau; Người sẽ ban
cho bạn sức mạnh để đương đầu với nỗi ê chề của bạn.
Bạn là
người trẻ? Hãy làm một cuộc đầu tư tốt nhất cho cuộc đời mình, vì cuộc đời bạn
là một kho tàng hết sức quí giá.
Và với tất
cả mọi người, tôi sẽ nguyện chúc: Xin ân sủng Thiên Chúa đồng hành với các bạn
trong mỗi phút giây của cuộc sống thường ngày.
Và xin đừng
quên: Hãy ân cần đón nhận các trẻ thơ ngay từ khoảnh khắc đầu tiên của các em.
Ước gì lời chào tốt lành từ ban sơ dành cho các em sẽ mở ra cho các em một cuộc
sống tràn đầy ân phúc – đó là niềm mong mỏi của bạn, của tôi, và là niềm mong
mỏi của toàn thể Giáo Hội.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa Nhật VIII Thường
Niên. Chúa Ba Ngôi.
Cn
8, 22-31 ; Rm 5, 1-5 ; Ga 16, 12-15.
LỜI SUY NIỆM : « Mọi
sự Chúa Cha có đều là của Thầy, vì thế, Thầy đã nói : Người lấy những gì của
Thầy mà loan báo cho anh em » (Ga 16,15)
Điều
này giúp cho chúng ta thấy được tất cả đều xuất phát từ Chúa Cha, Chúa Giêsu
được Chúa Cha sai đến trần gian Ngài chỉ nói những gì Chúa Cha nói trong Ngài,
Ngài làm những việc Ngài đã thấy Chúa Cha đã làm. Giờ đây Chúa Thánh Thần được
sai đến cũng làm y như những gì Chúa Giêsu đã truyền dạy. Thật hạnh phúc cho
chúng ta có duy nhất một giáo huấn ; một con đường để trở lại gặp Thiên Chúa.
Mạnh
Phương
Gương Thánh nhân
Ngày
26-05
THÁNH
PHILIPPHÊ NÊRÔ
Linh
Mục (1515 - 1595)
Thánh
Philipphê Nêrô sinh năm 1515 tạo Florence .
Bị mồ côi mẹ từ thuở nhỏ, nhưng Philipphê có một bà Dì nhất mực yêu thương. Ngược
lại Philipphê cũng rất vui tươi và ngoan ngùy đang cho mọi người yêu thích.
Ngài hấp thụ được đức tin sâu xa nôi cha mẹ và các cha dòng Daminh ở tu viện
thánh Marcô.
Năm
1533 Ngài đến sống với người cậu ở gần Naples
để tập nghề kinh doanh. Ong cậu không có con thừa tự nên muốn dành gia tài cho
Philipphê, nhưng thánh nhân thấy mình không có ơn gọi để sống cuộc đời như vậy.
Và Ngài đi bộ về Roma, không tính toán cũng không có đồ dùng chi, Philipphê sẽ
sống và chết tại Roma.
Một
người đồng hương ở Roma cho Philipphê một căn phòng với điều kiện là dành ít
thời gian dạy dỗ cho con cái họ. Thánh nhân đã sống đời cầu nguyện và học hành
trong cô tịch, ngày ăn một bữa với bánh mì, nước và trái ôliu, ngủ trên sàn
nhà. Trong khi theo môn triết học và thần học, Ngài vẫn tìm cách lôi kéo bạn bè
vào nếp sống đạo đức, lo cải hoá người khác. Như vậy chính thánh nhân cũng bị
cám dỗ và phải cố gắng để tự chủ, Ngài tăng thêm lời cầu nguyện và các việc hy
sinh hãm mình.
Lễ
Chúa Thánh Thần hiện xuống năm 1544, trong khi cầu nguyện, Ngài thấy một vật gì
như trái banh bằng lửa xoáy vào trong tim gây nên một cơn bệnh và một vết
thương xưng lên dầu không đau đớn gì. Trong cuộc khám nghịệm sau khi chết người
ta thấy hai xương sườn phía trên bị gãy và tạo ra một khoảng rộng lớn hơn.
Sau
nhiều năm, Ngài bán hết sách vở và bắt đầu lo cho linh hồn người khác hơn là
cho mình. Ngài hòa mình với các bạn trẻ ở các ngã tư , các cửa tiệm và các bờ
sông, dùng đến sức thu hút tự nhiên lẫn siêu nhiên để dẫn họ về đường ngay.
Hòa
mình vào nhóm các nhà giảng thuyết, Philipphê đã gây được nhiều ảnh hưởng nơi
các giáo dân lẫn lương dân. Người ta cho rằng: Ngài làm nhiều phép lạ. Tuy
nhiên, thánh nhân rất khiêm tốn và không dám nhận chức linh mục. Cuối cùng theo
lời khuyên của cha giải tội, Ngài thụ phong linh mục năm 1551. Nhiệt tâm của
Ngài thật mãnh liệt khi Ngài cử hành thánh lễ đầu tiên đến nỗi như có một luồng
ánh sáng từ Ngài phát ra. Phần lớn thời gian trong ngày và cả ban đêm Ngài dành
vào việc ngồi tòa giải tội. Nhận thấy có nhiều thanh niên và trẻ em biếng nhác,
Ngài mở cửa không cho chúng vui tươi trò chuyện ca hát. Căn phòng ấy được mệnh
danh là "Ngôi nhà của nịềm vui Kitô giáo". Mỗi chiều Ngài tổ chức
buổi cầu nguyện chung cho các tín hữu. Muốn cho lời cầu nguyện khởi sắc, Ngài
nhờ người bạn danh tiếng là nhạc sĩ Palestrina phổ nhạc các thánh thi. Nhà nghệ
sĩ này coi Ngài như một người cha và đã qua đời trong cánh tay Ngài. các linh
mục muốn dấn thân phù giúp Ngài đã họp thành một hội ái hữu và đó là tiền thân
của dòng giảng thuyết.
Thánh
Philipphê làm việc với một tính khí vui tươi đặc biệt. Ngày kia cộng đoàn một
bạn trẻ đến báo tin cho Ngài biết hạnh phúc của mình đã được thân phụ cho theo
học luật. Sau khi phác họa niềm vui hạnh phúc của mình như thế nào rồi, anh
nghe hỏi:
-
Học xong anh sẽ làm gì ?
-
Con sẽ đậu bằng tiến sĩ luật .
-
Rồi sao nữa ?
-
Con sẽ cãi những vụ kiện quan trọng, khó khăn để thành danh tiếng.
-
Rồi sao nữa ?
-
Con sẽ nên danh giá và giàu có thỏa lòng mong ước .
-
Rồi sao nữa ?
-
Con sẽ sống sung sướng và hạnh phúc.
-
Rồi sao nữa ?
-
Rồi sao nữa ? sao nữa ? rồi con chết.
-
Thánh nhân cao giọng hỏi tiếp: Rồi sao nữa ?
Và
bạn trẻ không biết trả lời ra sao nữa, nhưng câu hỏi đã lọt vào trong tâm hồn
cho đến khi hiến mình trong tu viện và chết lành thánh.
Cũng
với tính khôi hài này. Thánh Philipphê đã sửa dạy được nhiều nết xấu của người
ta. Chẳng hạn một phụ nữ quen tật nói xấu người khác được nghe thánh nhân dạy
hãy mua một con gà giết chết, rồi vừa đi vừa nhổ lông trên đường tới gặp Ngài.
Chị ta ngạc nhiên làm và như vậy. Tới nơi thánh nhân dạy : - Chị hãy trở về
đường cũ và lượm hết các lông đó lại.
Người
phụ nữ la lối không thể được vì gió thổi bay khắp chốn rồi. Thánh nhân mới nói:
- Những lời nói xấu vu oan cho người ta một khi ra khỏi miệng sẽ truyền từ tai
này qua tai nọ. Chị có thể lấy lại được không ?
Và
thánh Nhân khuyên nhủ : - Khi muốn nói về một người nào làm khổ mình, hãy nói
với Chúa mà thôi để cầu nguyện và giúp họ sửa sai.
Với
những bức thư của thánh Phanxicô Xavier từ phương Đông gởi về, thánh Philipphê
đã tìm cách theo Ngài để gieo vãi chính máu mình cho Chúa Kitô. Nhưng một thày
dòng khổ tu đã nói với thánh nhân : - Dân An độ của Ngài ở tại Roma này.
Thế
là thánh nhân ở lại Rôma trở thành "Tông đồ thành Rôma".
Năm
1622 khi được phong thánh, thì Phanxicô Xavie vị "Tông đồ của dân An
độ" cũng được tuyên phong với Ngài.
Năm
1575, Đức giáo hoàng Gregoriô XIII đã cho Ngài và anh em linh mục thuộc nhóm
Ngài một nhà thờ. Họ tái thiết thành một nhà thờ mới và ngày nay cũng chính là
nhà mẹ ở Roma của dòng giảng thuyết. Philipphê được đặt làm bề trên của hội
dòng mới, dòng giảng thuyết. Ngài hướng dẫn anh em trong dòng sống như như các
linh mục triều, không có lời khấn nào đặc biệt, nhưng liên kết với nhau trong
tình yêu thương nhau, trong một mục đích là phục vụ các linh hồn bằng việc cầu
nguyện, giảng dạy và ban các phép bí tích. Ngài không đặt ra nhiều lề luật và
ngày nay có tới 40 nhà dòng giảng thuyết gồm các phần tử sống theo đường lối
của thánh Philipphê Nêrô.
Năm
1595, thánh Philipphê ngã bệnh. Ngày 25 tháng 5 Ngài dâng lễ và ngồi tòa như
thường lệ. Nhưng sáng hôm sau Ngài bị thổ huyết, trong khi giơ tay chúc lành
cho cộng đoàn và miệng lẩm bẩm : - Đây là tình yêu của con, hạnh phúc của lòng
con và thánh nhân đã phó mình cho tình yêu.
(daminhvn.net)
26 Tháng Năm
Sức Mạnh Lời Chúa
Tokichi Ishi-I, một tên
giết người không gớm tay, đã đạt được kỷ lục hạ sát nhiều nạn nhân nhất bằng
những phương thế dã man không thể tưởng tượng nổi.
Hắn ta tàn nhẫn hạ sát
đàn ông, phụ nữ, kể cả trẻ em. Với bàn tay khát máu, hắn đã thủ tiêu bất cứ
người nào tình cờ hắn gặp và muốn giết. Nhưng cuối cùng hắn cũng bị bắt và bị
kết án tử hình.Lúc ở nhà tù chờ ngày hành quyết, hai phụ nữ công tác tông đồ
thử khuyên nhủ hắn, nhưng tất cả những câu hỏi han, trò chuyện của họ cũng không
làm cho hắn mảy may động tâm, trái lại hắn nhìn thẳng vào họ với một cặp mắt dữ
tợn như một hung thú.
Cuối cùng, mất hết kiên
nhẫn, hai phụ nữ ra về. Họ chỉ để lại cho hắn quyển Tân Ước, với một hy vọng
mỏng manh là hắn ta sẽ đọc và Lời Chúa sẽ hoạt động nơi tiếng nói con người trở
nên hoàn toàn bất lực. Niềm hy vọng của họ đã trở thành sự thật. Ishi-I đã đọc
và những câu chuyện trong Tân Ước hình như có một sự thu hút mãnh liệt khiến
hắn cứ tiếp tục đọc, đọc mãi và cuối cùng hắn đọc đến câu chuyện diễn tả cuộc
tử nạn của Chúa Giêsu. Câu Chúa Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên thập giá:
"Lạy Cha, xin Cha tha cho chúng, vì chúng không biết việc chúng làm",
đã thắng sự chống trả cuối cùng trong tâm hồn của hắn. Sau đó anh thuật lại:
"Ðọc đến câu này tôi mới dừng lại. Con tim tôi hình như bị đánh động, bị
đâm thâu bằng một con dao dài. Tôi có thể gọi đó là tình yêu của ông Giêsu hay
tôi phải gọi đó là lòng thương xót của Ngài? Tôi không biết, nhưng điều duy
nhất tôi biết là sự hung dữ, tàn bạo nơi tôi đã tan biến và tôi đã tin".
Ông Chrgwin, tác giả đã
viết câu chuyện trên trong quyển sách mang tựa đề "Thánh Kinh trong thế
giới truyền giáo" đã kết thúc câu chuyện bằng sự ngạc nhiên tột độ của
những nhân viên nhà giam có phận sự đến dẫn độ Ishi-I đi hành quyết. Họ đã
không gặp được tên sát nhân hung bạo như họ chờ đợi, nhưng là một con người hòa
nhã, lễ độ. Ishi-I, tên sát nhân đã được Lời Chúa tái sinh.
Lời
Chúa có sức mạnh vạn năng. Lời Chúa có thể biến đổi tâm hồn một tên sát nhân
giết người không gớm tay như anh Tokichi Ishi-I và bao tâm hồn sa ngã khác. Lời
Chúa có thể là động lực cho bao công tác bác ái của các tu sĩ nam nữ, đang dấn
thân phục vụ những trẻ con bị bỏ rơi, những người già nua hấp hối không ai chăm
sóc, những kẻ phải sống bên lề xã hội.
(Lẽ Sống)
26-5
Thánh Philíp Nêri
(1515-1595)
|
hánh Philíp Nêri, vị "Tông Ðồ của Rôma", là một
trong những khuôn mặt lớn của cuộc Cải Cách Công Giáo. Một trong những điều
đáng kể của thánh nhân là ảnh hưởng của ngài, dù ngài không viết một cuốn sách,
không đề nghị một học thuyết gì mới mẻ, và cũng không khởi xướng một phong trào
linh đạo nào. Nhưng tinh thần vui tươi và thánh thiện của ngài đã làm sống dậy
tinh thần đạo đức ở Rôma vào thời ấy.
Thánh Nêri sinh ở Florence ,
nước Ý năm 1515. Ngay từ khi còn trẻ, ngài đã khước từ cơ hội để trở thành một
doanh gia và lên Rôma với ý định tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa. Trong vài
năm, ngài sống thật đơn giản, ngoài thời giờ học hỏi, ngài còn đi dạy thêm để
đủ sống. Ðây là quãng thời gian cầu nguyện và chuẩn bị cho một ơn gọi mà ngài
chưa biết rõ.
Thành phố Rôma thời bấy giờ trong tình trạng thối nát về tâm linh
và đạo đức. Các giáo hoàng thời Phục Hưng thường nổi tiếng về mưu đồ và tài
năng chính trị hơn là đời sống gương mẫu. Việc tấn phong các hồng y nếu không
được quyết định bởi lý do chính trị thì cũng vì lý do phe cánh. Cả thành phố
đắm chìm trong tình trạng hoài nghi yếm thế đối với sứ điệp Kitô Giáo. Tuy
nhiên, chính trong hoàn cảnh này, Philíp Nêri đã nhận ra ơn gọi của mình, đó là
tái-phúc-âm-hoá Rôma.
Quả thật là một công việc táo bạo, nhưng với nhiệt huyết, Nêri đã
khởi sự ngay ở các đường phố qua các cuộc đối thoại về tôn giáo với bất cứ ai
ngài gặp, bất cứ đâu có cơ hội. Không bao lâu, những người quen biết ngài ngày
càng đông và họ cảm mến sự thẳng thắn cũng như khả năng thấu suốt linh hồn của
họ mà Chúa đã ban cho ngài.
Vào năm 1550, khi ngài ba mươi lăm tuổi, qua sự khuyến khích của
cha giải tội, ngài chịu chức linh mục. Ngay sau đó, ngài trở thành cha giải tội
nổi tiếng và ngài thường tổ chức các buổi học hỏi, nói chuyện ngay trong khuôn
viên các đền thánh ở Rôma.
Ngay trên căn gác của ngài sinh sống, thường có các buổi hội thảo
về đời sống tâm linh của những người theo ngài, gồm các giáo sĩ cũng như giáo
dân. Ðây là khởi sự của Tu Hội Oratory mà đặc điểm là cầu nguyện và hát thánh
vịnh bằng tiếng bản xứ cũng như mỗi ngày đều có bốn cuộc hội thảo bán chính
thức.
Hình thức sinh hoạt "mới lạ" này đã bị Tòa Thẩm Tra nghi
ngờ. Có phải Nêri toan tính một loại sinh hoạt thiên về Tin Lành ngay trong thủ
đô Rôma hay chăng? Sau giai đoạn đau khổ vì bị cáo buộc là tụ tập những kẻ lạc
giáo, mà trong đó giáo dân có thể giảng và hát thánh vịnh bằng tiếng bản xứ,
cuối cùng Tu Hội Oratory đã được chấp thuận. Hiến pháp của tu hội phải ảnh tinh
thần của Thánh Philíp Nêri, chú trọng vào ý chí cá nhân hơn là thẩm quyền pháp
lý. Các linh mục không có lời khấn. Họ tự ràng buộc chính mình, vì như Cha
Philíp Nêri đã nói, "Nếu bạn muốn vâng phục, thì không cần đến mệnh
lệnh".
Ngay khi ngài còn sống, đã có nhiều phép lạ xảy ra nhờ lời cầu
nguyện của ngài. Vào ngày lễ Hiện Xuống năm 1544, ngài được một cảm nghiệm siêu
nhiên về tình yêu Thiên Chúa mà sau đó, mỗi khi dâng Thánh Lễ, khuôn mặt ngài
tỏa sáng lạ thường. Dân chúng đều coi ngài là thánh, nhưng chính ngài lại giả
điên giả khùng với khuôn mặt chỉ cạo râu có một nửa để khỏi bị dân chúng tôn
sùng.
Vào những năm cuối đời, thánh nhân là tâm điểm đời sống tâm linh
của Rôma trong nhiều phương cách. Không chỉ có các linh mục trong tu hội, mà cả
các giám mục và hồng y đã tìm đến căn phòng nhỏ bé của ngài để xin hướng dẫn
linh đạo. Người dân Rôma, ai ai cũng biết đến công việc bác ái của thánh nhân,
đặc biệt là việc cung cấp linh mục tuyên uý cho các nhà thương thành phố. Sau
cùng, vào ngày 25 tháng Năm 1595, sau khi nghe xưng tội và tiếp khách, trước
khi về phòng nghỉ, ngài tuyên bố, "Rốt cục, chúng ta đều phải chết."
Quả thật, đêm ấy ngài đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 80 tuổi.
Lời Trích
Khi được hỏi ngài cầu nguyện thế nào, Thánh Philíp Nêri trả lời:
"Hãy khiêm tốn và phó thác, và Chúa Thánh Thần sẽ dạy bạn cầu nguyện."
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét