Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 5, 2013

Lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô không trao Mình Thánh Chúa


Lý do tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô không trao Mình Thánh Chúa

Bài của Sandro Magister – Chiesa News ngày 09/05/2013.

Có một điểm đặc biệt trong các Thánh Lễ do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành đã dấy lên một câu hỏi cho đến nay vẫn chưa được trả lời.

Đức Thánh Cha Phanxicô rất thân thiện với anh chị em tín hữu. Ngài nồng nhiệt chào đón họ, ôm hôn các trẻ em và người khuyết tật, mỉm cười với mọi người. Nhưng trong các thánh lễ Đức Thánh Cha không đích thân trao Mình Thánh Chúa, nhưng để các vị khác cho các tín hữu rước lễ. Ngài ngồi xuống và chờ đợi trước khi tiếp tục cử hành thánh lễ.

Các trường hợp ngoại lệ rất ít. Trong các Thánh Lễ trọng thể, Đức Giáo Hoàng Phanxicô thường trao Mình Thánh Chúa cho những người phụ giúp ngài tại bàn thờ. Và trong Thánh Lễ Thứ Năm Thánh vừa qua, tại các trại giam trẻ vị thành niên Casal del Marmo, ngài đã trao Mình Thánh Chúa cho những tù nhân trẻ muốn nhận lãnh.
Đức Thánh Cha không đưa ra lời giải thích chính thức về điều này kể từ khi trở thành giáo hoàng.

Nhưng có một trang trong một cuốn sách của ngài xuất bản năm 2010 có thể giúp suy đoán những động cơ của thực hành này.

Cuốn sách là một bộ sưu tập các cuộc trò chuyện với giáo sĩ Do Thái Abraham Skorka ở Buenos Aires.

Vào cuối chương dành cho việc cầu nguyện, Đức Hồng Y Bergoglio, Tổng Giám Mục Buenos Aires nói:

"David là một kẻ ngoại tình và đã ra lệnh giết người, nhưng dù thế chúng ta vẫn tôn kính ngài như một vị thánh vì ngài có can đảm để nói: "Tôi đã phạm tội ' Ngài tự hạ mình trước mặt Thiên Chúa. Người ta có thể phạm sai lầm rất lớn, nhưng người ta cũng có thể nhìn nhận chúng, thay đổi cuộc sống của mình và đền bù cho những gì mình đã làm. Đúng là trong hàng ngũ các giáo dân có những người đã giết người không chỉ trên phương diện tinh thần hay thể lý nhưng mà còn giết người cách gián tiếp, qua việc quản lý vốn bất minh, trả lương không công bằng. Có những thành viên của các tổ chức từ thiện không trả lương xứng đáng cho nhân viên, hoặc bắt họ làm thêm giờ. Chúng tôi biết toàn bộ hành vi của một số người như thế, chúng tôi biết họ chỉ mượn danh là người Công Giáo, nhưng luôn làm các trò không đứng đắn như thế mà không chút ăn năn. Vì lý do này, trong một số trường hợp tôi không đích thân trao Mình Thánh Chúa, tôi ngồi xuống và để cho các trợ lý làm điều đó, bởi vì tôi không muốn những người này tiếp cận tôi để chụp một bức ảnh. Có thể từ chối không trao Mình Thánh Chúa cho một người tội lỗi công khai, khét tiếng, không có lòng ăn năn, nhưng rất khó khăn để chứng minh những điều này. Rước lễ có nghĩa là nhận Mình Thánh Chúa, với ý thức hình thành cộng đồng. Nhưng nếu một người, thay vì hiệp nhất dân Chúa, lại tàn phá cuộc sống của nhiều người, thì người ấy không thể nhận Mình Thánh Chúa, vì đó là một nghịch lý. Những trường hợp đạo đức giả như thế được thể hiện nơi nhiều người nương tựa Giáo Hội nhưng không sống theo công lý mà Chúa đã rao giảng. Và họ không thể hiện sự ăn năn. Đây là điều chúng ta thường gọi là một cuộc sống hai mặt. "

Trong cương vị Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô có lẽ càng muốn thận trọng hơn nữa để hình ảnh ngài không bị lợi dụng bởi những kẻ đạo đức giả.

Những tội lỗi Đức Hồng Y Bergoglio đã nêu lên làm ví dụ trong cuộc nói chuyện với giáo sĩ Do Thái là sự áp bức của người nghèo và việc khấu trừ tiền lương của người lao động. Đó là hai tội mà truyền thống Do Thái Giáo liệt kê là những tội "kêu thấu đến trời."

Nhưng lý do chính mà trong những năm gần đây đã được các giám mục đề cập đến là tội công khai hỗ trợ cho luật phò phá thai của các chính trị gia xưng mình là Công Giáo.

Đây là vấn đề có tâm địa chấn ở Hoa Kỳ.

Năm 2004, Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin gởi cho Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ một lưu ý trong đó đề ra các "nguyên tắc chung" cho vấn nạn này.

Hội Đồng Giám Mục đã quyết định áp dụng trên cơ sở từng trường hợp các nguyên tắc được Đức Hồng Y Ratzinger nhắc nhở, theo đó các ngài để cho "mỗi giám mục quyết định theo phán đoán mục vụ thận trọng cuả các ngài."

Trong thực tế, các giám mục Hoa Kỳ không nhất trí với nhau. Một số vị trong đó có cả các vị nổi tiếng bảo thủ, như Đức Hồng Y Francis George và Patrick O'Malley, không muốn "làm cho Thánh Thể trở thành một chiến trường chính trị." 

Những vị khác tỏ ra không khoan nhượng. Khi Joe Biden được chọn làm phó tổng thống cho Barack Obama, Đức Tổng Giám Mục của Denver lúc đó, là Đức Tổng Giám Mục Charles J. Chaput, bây giờ là Tổng Giám Mục Philadelphia, nói thẳng là Biden ủng hộ cho cái gọi là "quyền" để phá thai. Ngài nói: “Đó là một tội lỗi công khai và tôi nghĩ rằng tính liêm chính của một người phải ngăn họ đừng tiến lên nhận Mình Thánh Chúa”.

Sự thật là cuối cùng vào ngày 19 tháng 3, trong Thánh Lễ Khai Mạc Sứ Vụ Mục Tử Toàn Hội Thánh của Đức Thánh Cha Phanxicô, Phó tổng thống Biden và Nancy Pelosi, phát ngôn viên Hạ Viện, đảng viên đảng Dân Chủ, một người Công Giáo công khai ủng hộ phá thai, đã là những thành viên của đoàn đại biểu chính thức của Hoa Kỳ.

Và cả hai đều đã nhận được Mình Thánh Chúa. Nhưng không phải từ tay của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, người ngồi phía sau bàn thờ.

Đặng Tự Do 5/11/2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét