Trang

Thứ Sáu, 7 tháng 6, 2013

07-05-2013 : LỄ THÁNH TÂM (Lễ Trọng)

Thứ Sáu Ngày 07/06/2013
Tuần IX Thường Niên – Năm C
THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU



BÀI ĐỌC I: Ed 34, 11-16
"Ta sẽ săn sóc đoàn chiên Ta và sẽ kiểm soát chúng".

 Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Đây Chúa là Thiên Chúa phán: "Này chính Ta săn sóc đoàn chiên Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng. Như một mục tử kiểm điểm đoàn chiên trong ngày chúng bị tản mát, thì Ta cũng kiểm điểm đoàn chiên Ta như vậy. Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, sẽ tụ họp chúng từ khắp mặt đất, và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các miền núi Israel, dọc theo các bờ suối, và trong những miền có dân cư. Ta sẽ thả chúng ăn trên những ngọn núi cao Israel, chúng nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt các chiên Ta; chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ, Chúa là Thiên Chúa phán như thế. Ta sẽ tìm con chiên đã mất, sẽ đem về con chiên lạc, sẽ băng bó con chiên bị thương tích, sẽ lo chữa con chiên bị ốm đau, con nào mập béo, Ta sẽ chăm sóc, và sẽ chăn dắt nó trong sự công chính". Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 22, 1-3a. 3b-4. 5. 6
Đáp: Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi (c. 1).

1) Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước, chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi, Người lo bồi dưỡng. - Đáp.
2)  Người dẫn tôi qua những con đường đoan chính, sở dĩ vì uy danh Người. (Lạy Chúa,) dù bước đi trong thung lũng tối, con không lo mắc nạn, vì Chúa ở cùng con. Cây roi và cái gậy của Ngài, đó là điều an ủi lòng con. - Đáp.
3)  Chúa dọn ra cho con mâm cỗ, ngay trước mặt những kẻ đối phương; đầu con thì Chúa xức dầu thơm, chén rượu con đầy tràn chứa chan. - Đáp.
4) Lòng nhân từ và ân sủng Chúa theo tôi, hết mọi ngày trong đời sống, và trong nhà Chúa, tôi sẽ định cư cho tới thời gian rất ư lâu dài.  - Đáp.

BÀI ĐỌC II:  Rm 5, 5-11
"Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh em thân mến, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ trong tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần đã ban cho chúng ta. Chúa Kitô theo kỳ hẹn mà chịu chết vì chúng ta là kẻ tội lỗi. Ít có ai chết thay cho người công chính, hoạ chăng mới có người dám chết vì kẻ lành. Nhưng Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. Vậy phương chi bây giờ, chúng ta đã nên công chính trong máu của Người, và nhờ Người chúng ta sẽ được cứu khỏi cơn thịnh nộ. Bởi chưng nếu khi chúng ta còn là thù nghịch, mà chúng ta đã được giao hoà cùng Thiên Chúa nhờ cái chết của Con Ngài, thì huống chi khi đã được giao hoà, ắt chúng ta sẽ được cứu độ trong sự sống của chính Chúa Kitô. Và không những thế, chúng ta còn được vinh hiển trong Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, nhờ Người mà bây giờ chúng ta được lãnh ơn giao hoà. Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 11, 29ab

Alleluia, alleluia! - Các ngươi hãy mang lấy ách của Ta, và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. - Alleluia.

Hoặc đọc: 1 Ga 4, 10b

Alleluia, alleluia! - Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước, và đã sai Con Một Người đến hy sinh, đền thay vì tội lỗi chúng ta. - Alleluia.

Hoặc đọc: Ga 10, 14

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta". - Alleluia.

PHÚC ÂM: Lc 15, 3-7
"Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các người biệt phái và luật sĩ dụ ngôn này rằng: "Ai trong các ông có một trăm con chiên, và nếu mất một con, lại không để chín mươi chín con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc, cho đến khi tìm được sao? Và khi đã tìm thấy, người đó vui mừng vác chiên trên vai, trở về nhà, kêu bạn hữu và những người lân cận mà nói rằng: 'Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc!' Cũng vậy, Tôi bảo các ông: Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải". Đó là lời Chúa.



SUY NIỆM : Chúng ta được giải hòa với Thiên Chúa nhờ Máu của Chúa Giêsu
Ngay khi Chúa Giêsu đang còn ở trên thánh giá, người môn đệ Chúa yêu, tức là người tín hữu lý tưởng, đã đứng mà chiêm ngưỡng cạnh sườn Chúa đã mở ra. Nước và Máu chảy ra từ vết thương cạnh sườn ấy đã khiến người môn đệ ấy thấy rằng Chúa đang yêu thương nhân loại. Người đổ máu hy sinh của Người ra để Nước Thánh Thần tẩy rửa tâm hồn các tín hữu và đổi mới đời sống của họ nên thánh thiện và bác ái yêu thương. Từ ngày ấy Hội Thánh không ngừng nhìn lên Ðấng chịu đóng đinh trên thập giá để cảm mến, đón nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Nhưng ở thời đại ta, khi thấy thế giới nói nhiều đến tình yêu mà lại để diễn tả ra quá nhiều cảnh thương tâm, Hội Thánh lại thúc giục con cái chăm chú hơn nữa để nhìn vào cạnh sườn Chúa chịu đóng đinh mà học với Người bài học yêu thương cứu thế. Lễ Thánh Tâm hôm nay có mục đích ấy. Và Phụng vụ muốn dùng các bài đọc để giúp chúng ta hiểu về tình yêu vô cùng của Chúa mà uốn nắn lại trái tim của mình.

1. Lòng Chúa Thương Dân
Bài sách Êzêkien là một mạc khải đặc biệt. Nó nói với lòng con người chứ không luận lý với sự khôn ngoan của thế gian.
Dân Chúa bấy giờ đang ở trong hoàn cảnh tuyệt vọng. Nhìn lại quá khứ, con cái Israel cảm thấy ê chề. Từ ngày Chúa ra tay hùng mạnh cứu dân ra khỏi Ai Cập, Người không ngớt tỏ lòng thương yêu khiến các dân tộc chung quanh đều phải kinh ngạc. Không những con cái Israel đi đến đâu, các bộ lạc trên đường đều phải giãn ra hai bên để cho họ tiến vào Hứa địa. Rồi không dân tộc nào có Chúa ở gần như con cái Môsê: Họ có luật pháp cao cả khác thường. Thêm vào đó, họ không ngừng được các tiên tri đến dạy dỗ, và sự khôn ngoan của Salomon đã trở thành bia miệng giữa các dân tộc.
Thế mà Israel đã phí phạm ơn Chúa. Họ đã bỏ nguồn suối trong sạch để đi tìm những giếng nước khô cạn. Họ bỏ Thiên Chúa để đi thờ tà thần. Mà đầu mối sự dữ là vua quan cai trị dân và hàng tư tế. Nói theo kiểu thời bấy giờ, họ được làm mục tử để chăn dắt chiên; nhưng thay vì săn sóc dưỡng nuôi, họ đã đánh đập và bỏ mặc chiên bơ vơ, gầy đói. Bấy giờ dân như chiên bị giải tán và xiêu lạc khắp nơi. Người ta dẫn họ đi đày, mỗi nơi một ít.
Ða số dân chúng đã chán nản và tuyệt vọng. Một số người có lòng yêu luật pháp và quê hương lại chỉ có ý nghĩ rất trần tục. Họ nghĩ rằng chỉ có một Môsê mới, một lãnh tụ mới, mới có thể gỡ dân ra khỏi cảnh huống lầm than bi đát này. Họ chờ một biến động chính trị, một mặt tướng oai phong. Họ không ngờ Thiên Chúa lại nghĩ khác. Người sai Êzêkien đến. Và nhà tiên tri không nói giọng chính trị quân sự. Ông tuyên bố lời Chúa, những lời chỉ đầy tình thương.
Chính Chúa sẽ đến làm mục tử cho dân. Người không khiến bọn đầu mục làm việc nữa. Người đưa chiên lưu lạc của Người từ khắp nơi về núi đồi Sion. Dân sẽ có cỏ ngon ở đó... Và đây là cách thức Chúa sẽ săn sóc dân khác với trước kia. Không những Người sẽ đưa cả đàn chiên đến những đồng cỏ xanh tốt tươi và lo cho chúng ăn, chúng ngủ; nhưng lòng yêu thương săn sóc của Người còn dành cho từng con chiên theo yêu cầu của nó. Con nào đi lạc, Người sẽ đưa về. Con nào gẫy cẳng, Người sẽ băng bó; Người cũng chẳng để cho con khỏe bắt nạt con yếu.
Thái độ của Người thật là thái độ của một mục tử tốt. Người sẽ làm y như một mục tử chứ không chỉ ví mình như mục tử. Nói cách khác, Người không đặt người "cai trị" dân nữa, nhưng sẽ chỉ sai đến cho dân những mục tử để chăn dắt chiên của Người. Người muốn ở trong dân Người chỉ có yêu thương: Yêu thương của Người dành cho dân và cho từng Người; và yêu thương của mọi người dành cho nhau. Dân nhìn lên sẽ thấy lòng của một mục tử tốt và nhìn ra chung quanh sẽ thấy không ai bắt nạt ai. Ðó là ý nguyện của Chúa, là chương trình Cứu độ của Người. Chúa đã thực hiện lòng yêu thương đó thế nào, thì chúng ta hãy nhìn nơi Ðức Kitô, Ðấng Người đã sai đến.

2. Lòng Ðức Kitô Ðối Với Chúng Ta
Bài Tin Mừng theo thánh Luca hôm nay cho chúng ta thấy thái độ và việc làm của Chúa Giêsu. Ðấng mà Thiên Chúa đã sai đến trần gian để thi hành kế hoạch cứu độ của Người. Rõ ràng Ðức Giêsu đã không muốn đóng vai trò một người đến để cai trị. Người không mảy may tỏ dấu muốn đi vào lãnh vực hoạt động chuyên môn về chính trị và quân sự. Người luôn bày tỏ lòng nhân ái và tình thương với mọi người. Có lần, người ta ngăn cản trẻ em đến với Người vì tưởng Người là người lớn chỉ tiếp xúc với người lớn. Nhiều lần khác người ta lại muốn bịt miệng những kẻ tàn tật ốm đau không cho phép họ được cất tiếng xin Người để ý đến họ. Nhưng lần nào Người cũng có những thái độ lạ thường. Người cho gọi kẻ mù tới đang khi người ta muốn bịt miệng anh. Người sờ vào kẻ phong cùi đang khi mọi người xa tránh anh ta. Người ôm trẻ em vào lòng, chúc phúc cho chúng và bảo người lớn hãy biết rằng Nước Trời dành cho những ai bé nhỏ...
Những thái độ ấy làm cho hàng đầu mục trong dân thất vọng về "viễn tượng cứu thế" của người tự xưng là "được Chúa Cha sai đến". Họ còn bất mãn nữa khi thấy Người để cho phường thu thuế và tội lỗi lui tới và mời mọc ăn uống. Chính lúc ấy Người đã lên tiếng để mở mắt cho họ và nhắc nhở họ nhìn cho đúng kế hoạch cứu thế của Thiên Chúa.
Người kể dụ ngôn về một người có đàn chiên 100 con mà lạc mất một con. Chắc chắn người ấy sẽ đi tìm; và tìm thấy sẽ mừng rỡ đem nó về. Một chuyện hết sức thông thường, tự nhiên. Nhưng cách thức Chúa Giêsu kể chứng tỏ Người có nhiều ẩn ý. Người nói rằng chủ chiên sẽ bỏ 99 con chiên kia nơi hoang vắng để ruổi theo con chiên lạc. Chúng ta đừng bỡ ngỡ về từ ngữ "nơi hoang vắng". Ở thánh địa, đó là nơi chiên gặm cỏ. Người chủ chiên sẽ để yên 99 con kia ở đó để ruổi theo con chiên lạc, chính công việc chạy theo này mới đáng chú ý; vì ở đất thánh ruổi theo như thế là phải chạy trên các núi đồi lởm chởm, gai góc hoặc băng qua những nơi sa mạc nóng bỏng. Những vất vả ấy không làm cho chủ chiên bực mình khó chịu. Ngược lại tìm được chiên lạc, người ấy mừng rỡ, quàng nó trên vai mình mà đem về. Ðiều này đã khởi hứng cho nhiều danh họa vẽ. Người ta ưa vẽ lại cảnh này để diễn tả tình thương chân thật, mặn mà của Chúa.
Nhưng chưa hết, chủ chiên về nhà còn gọi bạn bè hàng xóm mà phân phô: "Bà con hãy chia vui với tôi vì nay tôi đã tìm được con chiên lạc". Thái độ này trong thực tế hơi quá đáng. Có thể người nào, tìm thấy chiên lạc cũng khoe. Nhưng việc xin bà con hãy vui mừng quả là hơi quá. Tuy nhiên Ðức Giêsu đã cố ý dùng một số nét quá đáng này để làm chú ý đến điều Người muốn nói. Người bảo: "Cũng vậy, trên trời sẽ có vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là 99 người công chính không cần ăn năn".
Ðiều này chắc chắn sẽ làm cho nhiều người giật mình, nhất là các biệt phái. Họ vẫn tự đắc là công chính và không nghĩ rằng mình phải ăn năn, hối cải. Họ là 99 con chiên không lạc. Còn các tội nhân ăn năn hối cải, như có kẻ trong số thu thuế kia, là con chiên lạc. Họ làm vui lòng Thiên Chúa hơn hạng biệt phái tự coi mình là công chính.
Nhưng đối với chúng ta và theo ý tác giả Luca, bài dụ ngôn này còn có ý nghĩa xa hơn nữa. Rõ ràng nó cho ta thấy Ðức Giêsu đang đi làm công việc của Thiên Chúa. Người là tình thương của Thiên Chúa đang đi ruổi theo con chiên lạc. Trong Êzêkien, Thiên Chúa đã trở thành mục tử, thì đây lòng của Thiên Chúa đang hoạt động nơi con người và công việc của Ðức Giêsu, Thiên Chúa là mục tử ở nơi Người. Người là Thiên Chúa mục tử. Nơi Êzêkien Thiên Chúa hứa sẽ đi tìm chiên lạc về, tức là đưa dân lưu lạc về lại Ðất Hứa. Ở đây Ðức Giêsu đi tìm tội nhân hối cải. Thái độ này đã biến bài sách Êzêkien thành lời tiên tri, không còn nói về những việc trần gian nữa, nhưng phải hiểu về bình diện Nước Trời. Dân Chúa đừng chờ đợi ơn cứu độ trần tục nữa, nhưng hãy mong ước thay đổi lòng dạ để trở nên công chính. Ơn này sẽ làm cho trên trời mừng rỡ, tức là làm cho lòng Thiên Chúa được mãn nguyện.
Do đó lòng Thiên Chúa thương dân và hứa cứu độ dân nơi sách Êzêkien đã trở thành tình thương cứu vớt kẻ tội lỗi nơi thái độ và công việc của Chúa Giêsu. Tác giả Luca đã đọc thấy điều ấy nơi dụ ngôn con chiên lạc. Nhưng thánh Phaolô còn thấy rõ hơn nữa nơi việc Chúa Giêsu chịu chết vì chúng ta. Chúng ta hãy nghe những lời thư của Ngài.

3. Thánh Thần Ðã Ðược Ban Cho Ta
Thánh Tông đồ gợi nên cho chúng ta một số tư tưởng cần suy nghĩ: Hồ dễ có ai chết vì một người công chính! Có lẽ vì điều nghĩa có chết cũng cam! Nhưng chết vì tội nhân, thì không thể tưởng tượng được. Thế mà Thiên Chúa đã làm điều ấy cho chúng ta. Bởi lẽ đang khi chúng ta còn là tội nhân, Thiên Chúa đã sai Con của Người đến chịu chết để lấy máu Ngài mà làm cho chúng ta nên công chính.
Êzêkien khi diễn tả lòng Chúa thương dân đã không thể nghĩ đến một chuyện như thế. Và bài dụ ngôn về con chiên lạc trong sách của Luca đã gợi lên lao nhọc của chủ chiên trên đường ruổi theo con chiên tội lỗi, nhưng cũng không và chưa nói đến việc người mục tử tốt thí mạng mình vì chiên. Ở đây thánh Phaolô nói rằng mình đã nhìn thấy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa đã chịu chết và đổ máu ra vì tội lỗi chúng ta để công chính hóa kẻ có tội.
Ðó là điều không thể tưởng tượng được. Và điều ấy rõ ràng là vì chúng ta, bởi lẽ nhờ đó bây giờ chúng ta được đầy ơn Thánh Thần ở trong lòng. Chúng ta được giải hòa với Thiên Chúa nhờ Máu của Chúa Giêsu. Chúng ta phải thấy lòng thương yêu lạ lùng của Thiên Chúa. Chúng ta phải hiểu trái tim Chúa Giêsu đã yêu thương chúng ta đến mức độ nào?
Và như vậy, chúng ta phải vững vàng nhìn về tương lai. Viễn ảnh ngày lôi đình phán xét của Thiên Chúa cũng không làm chúng ta nao núng vì khi chúng ta còn là tội nhân mà Ðức Kitô còn thương chịu chết cho chúng ta thì huống hồ là bây giờ chúng ta đã được nên công chính, Người lại không thương yêu chúng ta hơn sao? Chắc chắn chúng ta phải kiêu hãnh vì được Thiên Chúa yêu thương như vậy nhờ sự chết cứu độ của Ðức Giêsu Kitô Chúa chúng ta.
Giờ đây, các điều này lại diễn ra trên bàn thờ. Chúa Giêsu lại tự hiến thánh vì chúng ta để chúng ta được thánh hiến. Người dâng sự chết và sống lại của Người cho chúng ta được giao hòa với Thiên Chúa và lãnh được Thánh Thần yêu mến. Chúng ta không phải chỉ là chiên nhưng là con của Người. Chúng ta được đưa vào cung lòng yêu thương của Thiên Chúa, để trong ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay chúng ta nhớ lại tình yêu lao khổ của Người vì chúng ta. Chúng ta phải ăn năn, trở về với Ngài. Chúng ta phải thay lòng đổi dạ để trái tim chúng ta nên giống với trái tim của Ngài.
Ðó là trái tim mang đầy tình yêu của Thiên Chúa xuống thế gian, chấp nhận bị đâm thâu để chảy máu ra rửa sạch chúng ta, để gọi chúng ta lạc lõng trở về tình yêu của Ngài, dạy bảo chúng ta hãy sống hòa hợp yêu thương làm nên đàn chiên duy nhất của Người, thực hiện mọi điều Thánh Kinh viết hôm nay. Ước gì được như vậy. Amen!

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)



Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Lễ Thánh Tâm, Năm C

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tình yêu Thiên Chúa dành cho con người

Hình ảnh mục tử và đoàn chiên là một trong những biểu tượng tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Trong Tin Mừng Gioan, Chúa Giêsu dùng hình ảnh này rất nhiều trong chương 10: Ngài vừa là Cửa chuồng chiên mà các người chăn chiên thật và các chiên phải ra vào, Ngài vừa là Mục Tử Tốt Lành vì Ngài biết tên và chăm sóc cho từng con một. Điểm đặc biệt chưa từng thấy là Người Mục Tử Tốt Lành này sẵn sàng hy sinh và hiến mạng mình để bảo vệ đoàn chiên, như Đức Kitô đã hiến mình để bảo vệ con người.

Các Bài Đọc trong ngày Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người, để chúng ta biết cách đáp trả cho cân xứng. Trong bài đọc I, khi nhìn thấy đoàn chiên tan tác như không người chăn, Thiên Chúa quyết định chính Ngài thân hành đến để chăn chiên. Ngài sẽ chăm sóc từng con chiên một và đưa tất cả trở về một đoàn. Trong bài đọc II, thánh Phaolô nêu bật tình thương Thiên Chúa qua biến cố Ngài chết cho con người ngay khi họ còn là tội nhân, để hòa giải con người với Thiên Chúa và ban ơn cứu độ cho con người. Trong Phúc Âm, tình yêu Thiên Chúa dành cho con người không phải như một tập thể, nhưng từng cá nhân một. Thiên Chúa sẽ thân hành đi tìm từng con chiên lạc trở về và vui vẻ ăn mừng khi kiếm thấy từng con một.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Nỗi lo lắng của người Mục Tử khi thấy đoàn chiên tản mác khắp nơi

1.1/ Hoàn cảnh và số phận đoàn chiên trước khi Đấng Thiên Sai tới.

Ngồi kiểm điểm đoàn chiên Israel sau gần 2000 năm trong tay những nhà lãnh đạo Israel, Đức Chúa nhận ra những điều sau đây:

(1) Sự bất toàn của các người chăn chiên:

+ Các vua chúa và những nhà lãnh đạo của Israel không quan tâm đến số phận của đòan chiên. Thỉnh thoảng tìm được một vài những người chăn chiên tốt; nhưng hầu hết họ chỉ biết quan tâm đến nhu cầu của họ.

+ Các nhà lãnh đạo tinh thần không biết giáo dục chiên theo đường lối của Thiên Chúa. Hậu quả là chiên dễ chạy theo cám dỗ của thế gian.

+ Vua chúa dễ nghe theo lời cám dỗ của các bà vợ Dân Ngoại để chạy theo và bắt chiên thờ các thần ngoại bang. Vua chúa cũng truy tố và hành hạ các người chăn chiên thật của Thiên Chúa gởi đến.

(2) Nỗi đau khổ của các con chiên:

+ Vì không được giáo dục theo đường lối Thiên Chúa, chiên không còn nhận biết Thiên Chúa của họ.

+ Chiên bị lưu đày và tha phương cầu thực nơi đất khách quê người.

+ Chiên làm mồi ngon cho vua chúa, các thú dữ và trộm cướp.

1.2/ Kế hoạch thu thập các chiên về của Đức Chúa

(1) Chính Ta sẽ chăm sóc đoàn chiên Ta: Đã đến lúc phải có sự thay đổi, Đức Chúa là Chúa Thượng phán thế này: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm.

Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, thì Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt... Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng... Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Israel. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Israel. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ - sấm ngôn của Đức Chúa là Chúa Thượng.”

(2) Ta sẽ chăm sóc từng con chiên một: Những người chăn chiên đi trước thường chủ trương nhắm vào đám đông, nhưng cách chăn chiên của Đức Chúa sẽ nhắm vào từng con một: “Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng.” Người Mục Tử Tốt Lành được tiên báo bởi ngôn sứ Ezekiel chính là Đức Kitô của Tân Ước.


2/ Bài đọc II: Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi.

2.1/ Đức Kitô chết cho chúng ta khi chúng ta còn là tội nhân.

Điểm khác biệt giữa Đức Kitô với các người chăn chiên khác là Ngài thương tất cả chiên, chứ không chỉ những chiên khỏe mạnh, tốt lành. Thánh Phaolô đã có kinh nghiệm cá nhân về tình thương cùa Đức Kitô, nên Ngài xác tín: “Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.”

2.2/ Đức Kitô hòa giải con người với Thiên Chúa.

Khi con người phạm tội, họ không thể giao hòa với Thiên Chúa và trở nên công chính. Đó là lý do xuất hiện của Đức Kitô. Ngài sẵn sàng đổ máu để rửa sạch tội lỗi cho con người. Một khi đã được rửa sạch khỏi tội, Đức Kitô giao hòa con người với Thiên Chúa. Đó là lý do con người được trở nên công chính.

Đức Kitô không chỉ rửa sạch tội cho chúng ta, Ngài còn ban Thánh Thần chính là sự sống thần linh của Ngài cho con người. Nhờ sự sống thần linh này, chúng ta có thể sống xứng đáng như những người con của Thiên Chúa và càng ngày càng trở nên toàn hảo giống như Ngài.

3/ Phúc Âm: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.”

3.1/ Để 99 con chiên lại và đi tìm con chiên lạc: Đức Giêsu kể cho họ dụ ngôn này: "Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”

(1) Phản ứng khởi đầu: Có rất nhiều lý do con người vịn vào để không đi tìm con chiên lạc:

+ Ai dại gì để 99 con chiên để đi tìm một con?

+ Nếu tôi đi tìm và bị thiệt mạng, ai chăm sóc 99 con chiên còn lại?

+ Có nghĩa gì một con chiên, tương lai còn nhiều những con chiên khác nẩy sinh trong đàn?

+ Nếu nhìn một cách thống kê, 99% thành công là một kết quả quá tốt đẹp rồi, tội gì tự dằn vặt mình vì con chiên lạc?

(2) Mục đích của Chúa Giêsu: Ngài muốn khán giả phải suy nghĩ trước khi đưa đến sự kiện mà họ không thể chối bỏ được.

+ Nếu Chúa Giêsu thay chữ “chiên” bằng “con,” người được hỏi sẽ phải cẩn thận trả lời hơn. Ví dụ: “Ai trong các ông có 10 người con mà một con bị bệnh tật hay thất lạc, lại không để 9 con còn lại mà ra sức chữa trị cho đứa con bị bệnh hay tìm đứa con thất lạc đó?” Theo cách trình bày của Lucas, đây là dụ ngôn thứ nhất trong 3 dụ ngôn liên tiếp, hai dụ ngôn kia là bà góa có 10 đồng bạc và dụ ngôn tuyệt vời “Người Cha Nhân Hậu hay Đứa Con Hoang Đàng” sau cùng.

+ Con nào cũng là con, “dạ đau con xót.” Bổn phận cha mẹ nhiều khi phải thương những đứa con bệnh tật và đau khổ hơn.

+ Tôi sẵn sàng đi tìm đứa con thất lạc, vì đó là máu mủ của tôi.

+ Chúa Giêsu muốn nói Thiên Chúa thương con người như thế: Ngài không bằng lòng với biết bao đứa con công chính trên trời, nhưng sẵn sàng lặn lội đi tìm những con chiên lạc, cho đến khi tìm được.

+ Thiên Chúa thương con người khi họ vẫn còn là tội nhân, vì họ đều là con của Ngài. Đức Kitô lo lắng cho người tội lỗi hơn và tìm mọi dịp để đưa họ trở lại. Ngài sai Thánh Thần khơi dậy lương tâm để họ biết nhận ra điều phải và trở lại. Khi họ trở lại, Ngài sẵn sàng tha thứ tất cả tội lỗi và phục quyền làm con cho tội nhân. Tất cả những điều này, chúng ta đều nhận ra trong dụ ngôn “Người Cha nhân hậu.”

3.2/ Niềm vui khi tìm thấy con chiên lạc: Chúa Giêsu nói tiếp: “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: "Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó.”

+ Như lòng cha mẹ vui dường nào khi con khỏi bệnh hay con hối hận trở về, Thiên Chúa cũng vui như thế khi con người tội lỗi ăn năn trở lại.

+ Mỗi đứa con hoang đàng là một gai nhọn đâm thâu trái tim Chúa. Chúng ta nỡ lòng nào để trái tim Cha chúng ta chảy máu mà không hồi tâm quay lại cho Người được cảm thấy niềm vui?

+ Nỗi đau của Cha cũng là nỗi đau của mọi người con, chúng ta cũng phải lên đường đi tìm và đưa về những người con của Cha, vì họ cũng là anh chị em của chúng ta.

+ Chúa Giêsu mở lòng và cung cấp tia hy vọng cho các kinh sư và biệt phái: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn.”
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Ai là người mà chúng ta ký thác cuộc đời cho? Chúng ta có nhận Đức Kitô là Mục Tử Tốt Lành của đời mình không?

- Chúng ta cũng đang được trao trách nhiệm của người mục tử cho con cái hay cho giáo dân, chúng ta có biết noi gương Đức Kitô để yêu thương và chăm sóc cho từng người một trong số họ không?

- Chúng ta có khiêm nhường đủ để nhận ra chúng ta có thể là con chiên lạc mà Đức Kitô đang tìm kiếm không hay chúng ta kiêu hãnh nhận chúng ta là những con chiên tốt lành rồi.

- Trái tim của chúng ta có nhạy cảm và yêu thương như trái tim của Chúa Giêsu hay đã quá chai đá để đón nhận ơn Chúa và tha thứ cho những người đã xúc phạm đến chúng ta.


Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên OP

07/06/13 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 9 TN
Thánh Tâm Chúa Giêsu
Lc 15,3-7

TÌNH YÊU KHIÊM TỐN
“Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất ?” (Lc 15,4)
Suy niệm: Đối với tội nhân, Chúa Giêsu ví mình như người mục tử đi tìm con chiên lạc. Ngài không phải là vị Thiên Chúa xa cách, khinh rẻ kẻ có tội nhưng là một Thiên Chúa yêu thương, sẵn sàng hạ mình, cất công đi tìm chiên xa đàn, vui mừng khi tìm thấy, tha thứ và đưa chiên về đàn. Ngài đi tìm kiếm tội nhân không phải vì Ngài cần gì nơi họ nhưng chỉ vì Ngài muốn ban phát một tình yêu vô điều kiện và chỉ để chia sẻ hạnh phúc cho người được Ngài yêu thương. “Thiên Chúa dựng nên Ađam không phải vì cần con người, nhưng là để có một người mà ngài tuôn đổ hồng ân trên người đó” (Thánh Irênê).
Mời Bạn: Thái độ của Chúa Giêsu đem lại hy vọng cho người lạc bước. Ngài nêu gương “hiền lành khiêm nhường trong lòng” trong thái độ phải có đối với tội nhân: sẵn sàng tha thứ, nhẫn nại đợi chờ, luôn yêu cầu nguyện cho họ được mau trở về cùng Chúa.
Sống Lời Chúa: Thực hành lời khuyên của thánh Don Bosco: “Không để lòng sôi sục, không được có khóe nhìn khinh bỉ, không được phép dùng lời ăn tiếng nói nhục mạ ai. Nhưng ta hãy cứ cảm thông lúc này và hi vọng vào tương lai.”
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin dạy chúng con cách đến với mọi người và khám phá đốm lửa nhỏ của sự thiện vẫn cháy sáng nơi lòng người tội lỗi. Ước gì chúng con nhìn tha nhân bang ánh mắt của Chúa dám hy vọng vào tất cả mọi người và can đảm tin tưởng vào sự quảng đại của họ nhờ đó thế giới chúng con trở nên nhân bản và thần linh hơn.” (Thắp Sáng Niềm Tin, 152)

Mừng rỡ vác lên vai
Thiên Chúa quý từng người và không muốn mất một ai. Chỉ mong mỗi linh mục có trái tim của Giêsu, người mục tử nhân hậu. 

Suy nim:
Dụ ngôn về con chiên bị lạc mất được đọc trong lễ Thánh Tâm.
Đức Giêsu nói dụ ngôn đơn sơ này
vì thấy những người Pharisêu và các kinh sư khó chịu
khi Ngài đón tiếp các tội nhân và hồn nhiên ăn uống với họ.
Ngài không xa lánh họ vì họ dám đến gần Người để nghe (Lc 15, 1-2).
Từ nơi Đức Giêsu toát ra một sự hấp dẫn những ai bị xã hội loại trừ.
Họ biết mình được Ngài yêu thương đón nhận.
Họ biết mình có chỗ trong trái tim nhân hậu của Ngài.
Dụ ngôn con chiên bị mất là dụ ngôn về một trái tim.
Trái tim nhói đau của người có đàn chiên một trăm con, và mất một.
Anh không coi nhẹ sự mất mát này, vì anh quý từng con chiên.
Con chiên bị lạc mất làm anh nặng lòng, không yên,
dù một con trong đàn chiên trăm con có thể chẳng là gì cả.
Trái tim nhói đau cũng là trái tim tìm kiếm.
Để tìm kiếm, anh phải để lại chín mươi chín con kia trong hoang địa.
Có thể anh phải gửi đàn chiên mình cho người bạn chăn nuôi.
Lòng của anh bây giờ tập trung hoàn toàn vào con chiên lạc mất,
đến độ có vẻ như anh bỏ rơi những con còn  lại.
Ta chẳng rõ anh đi tìm ở những nơi nào và bao lâu.
Hẳn anh đã đến mọi nơi mà con chiên này có thể ẩn nấp.
Điều chắc chắn là anh đã muốn tìm nó cho kỳ được (c. 4).
Anh không muốn bỏ dở nửa chừng cuộc tìm kiếm vất vả này.
Trái tim âu lo tìm kiếm cũng là trái tim nhảy mừng khi tìm thấy.
Thấy bóng dáng con chiên lạc từ một hố sâu,
hay nghe tiếng kêu quen thuộc của nó từ bụi rậm,
điều đó làm anh quên hết mọi nhọc nhằn.
Niềm vui rộn lên trong lòng anh.
Cách anh biểu hiện niềm vui là vác con chiên tìm thấy trên vai,
và để nó ngang đầu mình, mặt mình.
Có thể anh không muốn dắt nó đi vì anh sợ nó mệt,
hay vì anh không muốn mất nó một lần nữa.
Trái tim nhảy mừng cũng là trái tim muốn chia sẻ niềm vui.
Khi về nhà, anh đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói với họ:
“Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên bị mất” (c. 6).
Niềm vui lớn quá nên không thể giữ riêng trong lòng mình được.
Niềm vui đòi nói ra, đòi chia sẻ để được nhân lên.
Trái tim của Đức Giêsu là trái tim của người chăn chiên,
buồn khi mất chiên, vất vả đi tìm và nhảy mừng khi tìm thấy.
Khi ngồi ăn với những tội nhân trên đường hoán cải,
Đức Giêsu nếm trải niềm vui tột độ của người tìm được chiên.
Tiếc thay những người Pharisêu không muốn chung vui với Ngài.
Họ không hiểu được niềm vui của cả thiên đàng khi một tội nhân hoán cải.
Đơn giản vì Thiên Chúa quý từng người và không muốn mất một ai.
Chỉ mong mỗi linh mục có trái tim của Giêsu, người mục tử nhân hậu.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.
Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.
Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.
Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng Sáu

7 THÁNG SÁU

Ngài Tạo Nên Con Người Có Nam Có Nữ

“Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình; Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa; Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ” (St 1,27). Người nam và người nữ được tạo dựng với phẩm giá bình đẳng trong tư cách là những ngôi vị chia sẻ cùng một sự duy nhất của tinh thần và thể xác. Tuy nhiên, họ khác nhau về thể lý và về tâm lý. Thực vậy, hữu thể con người mang dấu vết của cả nam tính lẫn nữ tính.

Đó là một dấu vết khác biệt, song đó cũng là một dấu vết cho thấy đặc tính bổ sung lẫn cho nhau. Ta có thể nhận ra điều ấy qua bản trình thuật Gia-vít về cuộc sáng tạo. Người nam, khi nhìn thấy người nữ mới được tạo dựng, thốt lên: “Phen này, đây là xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi” (St 2,23). Đó là những tiếng nói vui mừng và sung sướng khi con người cảm nhận được một hữu thể giống như mình về mặt yếu tính.

Đó là sự phong phú trong công cuộc sáng tạo loài người. Có những dị biệt về tâm lý và về thể lý giữa hai phái tính, tuy nhiên hai bên bổ khuyết cho nhau. Thật là một di sản độc đáo của con cháu A-đam xuyên qua giòng lịch sử của mình. Hôn nhân nhận lấy sự sống của nó cũng chính từ thực tại này. Hôn nhân được thiết lập từ đời đời bởi chính Đấng Tạo Hóa: “Bởi thế, người đàn ông lìa cha mẹ mà gắn bó với vợ mình, và cả hai thành một xương một thịt.”

- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình

Thánh Tâm Chúa Giêsu (Lễ trọng)
(Ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục)
Ed  34, 11-16; Rm 5, 5b-11; Lc 15, 3-7


LỜI SUY NIỆM: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con, lại không để chin mươi chin con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho được con chiên bị mất? Tìm được rồi người ấy mừng rỡ vác lên vai” (Lc 15,4-5)

Chúng ta thấy được tình yêu thương của Chúa Giêsu đối với hết thảy tội nhân, chính Ngài đi tìm tội nhân, khi đã tìm được Ngài vui mừng và vác trên vai. Chúa Giêsu là mẩu cho các chủ chăn hôm nay. Bởi trong thực tế. Ít có vị chủ chăn đi tìm những con chiên lạc xa đàn, “bởi”. Lại có chủ chăn; có đi tìm; nhưng khi tìm được con chiên lạc không dám vác trên vai, vì sợ “…” mà lại kéo lê về, giày xéo. Chúng ta cầu xin Chúa cho các vị chủ chăn hôm nay được gần Thánh Tâm Chúa, để các ngài yêu thương hết mọi con chiên; đặc biệt những con chiên đau yếu, bệnh tật hoặc đang xa đàn vì bất cứ lý do gì,


Mạnh Phương


07 Tháng Sáu

Bằng Lòng Với Cuộc Sống

Sau một thời gian cần cù và chắt chiu, một người đàn ông nọ đã trở thành người giàu có nhất trong ngôi làng nhỏ bé của mình.
Từ lúc mua đươc một con lừa, anh ta mới có ý nghĩ làm một chuyến đi xa cho biết đó biết đây. Anh đến một ngôi làng khác lớn hơn ngôi làng của anh. Một ngôi nhà thật đẹp và sang trọng đập vào đôi mắt của anh. Sau khi dò hỏi, anh biết được đó là ngôi nhà của người giàu có nhất trong làng.
Anh bèn trở về ngôi làng nhỏ bé của mình và quyết trí làm ăn, dành dụm để có thể may ra xây được một ngôi nhà đẹp hơn ngôi nhà mà anh vừa trông thấy ở ngôi làng bên cạnh. Không mấy chốc, tiền bạc dư dả, không những anh đã xây được một ngôi nhà sang trọng đẹp đẽ hơn mà còn mua được cả đàn ngựa và xe nữa.
Lần này, anh vượt qua các ngôi làng nhỏ để đến một đô thị lớn. Tại đây, đâu đâu anh cũng thấy những ngôi nhà đẹp và ngôi nhà nào cũng đẹp hơn ngôi nhà của anh. Anh nghĩ bụng: cho dẫu có lao nhọc cả quãng đời còn lại, anh cũng không tài nào có thể xây được một ngôi nhà đẹp như thế.
Anh bèn tiu nghỉu đánh xe quay lại ngôi làng cũ của mình. Nhưng rủi thay, xe gặp tai nạn, anh đành phải bỏ chiếc xe để leo lên lưng ngựa cố gắng chạy về ngôi làng cũ của mình. Nhưng dọc đường, vì mệt mỏi và đói lả, ngựa cũng lăn ra chết. Người đàn ông chỉ còn biết lủi thủi đi bộ về nhà.
Ðêm đến, giữa sa mạc, anh nhìn thấy một ánh lửa bập bùng từ xa. Anh nấn ná tìm đến và khám phá ra túp lều của một vị ẩn sĩ. Vào trong túp lều, người đàn ông mới nhận ra rằng có lẽ trong đời anh, chưa bao giờ anh thấy có cảnh nghèo nàn cùng cực hơn.
Anh ái ngại nhìn nhà tu hành rồi thắc mắc: "Thưa ông, làm sao ông có thể sống được trong cảnh cùng cực như thế này?".
Nhà ẩn sĩ mỉm cười đáp: "Tôi bằng lòng với cuộc sống... Thế còn ông, xem chừng như ông không được thỏa mãn về cuộc sống của ông cho lắm". Người đàn ông ngạc nhiên hỏi: "Sao ông biết tôi không được thỏa mãn?". Nhà ẩn sĩ nhìn thẳng vào đôi mắt của người đối diện rồi thong thả nói: "Tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của ông. Ðôi mắt của ông cứ chạy theo giàu sang, nhưng sự giàu sang không bao giờ đến với ông... Ông hãy nhìn cảnh hoàng hôn. Ông có thấy những ánh sáng yếu ớt đang chiéu rọi trên cánh đồng không? Chúng tưởng mình đang soi sáng cả vũ trụ. Nhưng không mấy chốc, các ngôi sao mọc lên, và những tia sáng hoàng hôn biến mất. Những ánh sao tưởng chúng đang soi sáng cả bầu trời, nhưng khi mặt trăng vừa ló rạng, thì những ánh sao ấy cũng bắt đàu tắt ngụm. Vầng trăng sáng kia tưởng mình soi sáng cả trái đất, nhưng không mấy chốc, mặt trời mọc lên và mọi thứ ánh sáng của đêm đen đều biến mát. Nếu những thứ ánh sáng trên đây đều biết suy nghĩ về những điều ấy, thì có lẽ chúng sẽ tìm thấy nụ cười đã đánh mất".
Nghe câu chuyện ví von của nhà hiền triết, người đàn ông mở miệng mỉm cười, nhưng nỗi buồn vẫn còn thoáng trên gương mặt ông.
Vị ẩn sĩ tiếp tục câu chuyện: "Ông cho biết rằng sánh với tôi, ông là vua không?". Người đàn ông tự nhiên so sánh căn nhà của mình với túp lều của vị ẩn sĩ. Nhưng đó không phải là điều mà vị ẩn sĩ muốn nói đến... Ông cầm chiếc đèn đưa lên cao và mời người đàn ông đến gần bên mình.
Dưới ánh đèn, người đàn ông mới nhận ra rằng vị ẩn sĩ là người không còn ngay cả đôi chân để có thể di chuyển một cách bình thường.

Giữa cuộc hành trình đầy cam go, Giáo Hội cho chúng ta chiêm ngắm cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi Tabor. Chúa Giêsu muốn dùng thứ ánh sáng từ trên núi cao ấy để chiếu rọi vào cuộc tử nạn mà Ngài sắp trải qua, cũng như chính nỗi hoang mang lo sợ của các môn đệ khi Ngài loan báo cái chết... Xin cho ánh sáng Phục Sinh của Chúa chiếu rọi vào cuộc sống đầy âm u, tăm tối của chúng ta. Xin cho chúng ta biết đón nhận từng đớn đau, thử thách trong cuộc sống với tinh thần lạc quan, phó thác, chấp nhận và hân hoan, vì tin rằng bên kia tăm tối là ánh sáng Phục Sinh đang chờ đón chúng ta.

(Lẽ Sống)

Thứ Sáu 7-6

Tôi Tớ Thiên Chúa Giuse Perez

(1890-1928)

M
áu các vị tử đạo là hạt giống của Giáo Hội," lời của Tertullian trong thế kỷ thứ ba đã được thể hiện nơi Cha Giuse Perez.
Cha Giuse sinh ở Coroneo, Mễ Tây Cơ, và gia nhập dòng Phanxicô khi 17 tuổi. Vì cuộc nội chiến ở Mễ thời bấy giờ, ngài buộc phải học triết thần ở California.
Sau khi được thụ phong linh mục ở Santa Barbara, ngài trở về Mễ Tây Cơ và phục vụ tại Jerecuaro từ năm 1922 trở đi. Vì sự bách hại dưới thời tổng thống Plutarco Calles (1924-28), Cha Giuse phải ngụy trang dưới nhiều hình thức khi đi thăm người Công Giáo. Vào năm 1927, tài sản của Giáo Hội bị quốc hữu hóa, các trường Công Giáo phải đóng cửa, và các linh mục, nữ tu ngoại quốc bị trục xuất.
Một ngày kia Cha Giuse và vài người bị bắt sau khi cử hành Thánh Lễ một cách lén lút. Cha Giuse đã bị quân lính đâm chết vào ngày 2 tháng Sáu 1928.
Về sau, thi hài Cha Giuse được cung nghinh về Salvatierra để chôn cất giữa tiếng hô vang dậy, "Vạn tuế Vua Kitô!"

Lời Bàn

Giáo Hội Công Giáo ở Mễ Tây Cơ bây giờ thì tự do hơn thời thập niên 1920. Ngày nay, đạo Công Giáo đang phát triển mạnh ở Mễ, một phần cũng nhờ sự ấp ủ của các vị tử đạo như Cha Giuse.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét