Chúa Nhật
Ngày 09/06/2013
Tuần X
Thường Niên – Năm C
(Phần I)
BÀI ĐỌC I: 1 V 17, 17-24
"Đây, con trai bà
sống lại rồi đây".
Trích sách Các Vua quyển thứ nhất.
Trong những ngày ấy, con trai bà chủ nhà đau
liệt, cơn bệnh nguy kịch đến nỗi chẳng còn hơi thở. Bà ấy liền nói với Êlia
rằng: "Thưa người của Thiên Chúa, giữa tôi với ông có liên can gì? Ông đến
nhà tôi để khơi lại những tội của tôi và giết chết con tôi sao?" Êlia đáp
lại: "Bà hãy giao con bà cho tôi". Rồi ông bế lấy đứa trẻ từ lòng mẹ
nó, mang lên trên lầu nơi ông cư trú và đặt nó lên giường ông. Đoạn ông kêu lên
cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, cớ sao Chúa giáng hoạ,
giết con trai bà chủ nhà, nơi con cư ngụ đây?" Ông ấp mình ba lần trên đứa
trẻ và kêu lên cùng Chúa rằng: "Lạy Chúa là Thiên Chúa của con, con xin
Chúa cho linh hồn đứa trẻ này trở về trong nó". Và Chúa nhậm lời Êlia, cho
hồn nhập lại đứa trẻ, và nó sống lại. Êlia liền ẵm đứa trẻ xuống nhà dưới, trao
lại cho mẹ nó và nói rằng: "Đây, con trai bà sống lại rồi đây". Bà ta
thưa cùng Êlia rằng: "Bây giờ nhờ việc này, tôi biết rõ ông là người của
Thiên Chúa, và lời của Chúa nơi miệng ông là lời chân thật". Đó là lời
Chúa.
ĐÁP CA: Tv 29, 2 và 4. 5-6.
11-12a và 13b.
Đáp: Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con (c. 2a).
Xướng: 1) Lạy Chúa, con ca
tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con. Lạy Chúa,
Ngài đã đưa linh hồn con thoát xa Âm phủ, Ngài đã cứu con khỏi số người đang
bước xuống mồ. - Đáp.
2)
Các tín đồ của Chúa, hãy đàn ca mừng Chúa, và hãy cảm tạ thánh danh Ngài. Vì
cơn giận của Ngài chỉ lâu trong giây phút, nhưng lòng nhân hậu của Ngài vẫn có
suốt đời. Chiều hôm có gặp cảnh lệ rơi, nhưng sáng mai lại được mừng vui hoan
hỉ.- Đáp.
3)
Lạy Chúa, xin nhậm lời và xót thương con; lạy Chúa, xin Ngài gia ân cứu giúp
con. Chúa đã biến đổi lời than khóc thành khúc nhạc cho con; lạy Chúa là Thiên
Chúa của con, con sẽ tán tụng Chúa tới muôn đời. - Đáp.
BÀI ĐỌC II: Gl 1, 11-19
"Người đã mạc
khải cho tôi biết Con của Người, để tôi rao giảng Người cho dân ngoại".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Galata.
Anh em thân mến, tôi cho anh em biết rằng Tin
Mừng do tôi rao giảng không phải thuộc về loài người, vì tôi không nhận, cũng
không học với loài người, nhưng là do Đức Giêsu Kitô mạc khải. Anh em nghe nói
về đời sống của tôi trước kia khi theo đạo Do-thái: tôi đã bắt bớ và phá hoại
Hội thánh của Thiên Chúa thái quá. Trong đạo Do-thái, tôi đã vượt hẳn nhiều bạn
đồng giống nòi, đồng tuổi với tôi, và tôi nhiệt thành hơn bất cứ ai đối với
truyền thống của cha ông tôi.
Nhưng
khi Đấng tách riêng tôi ra từ lòng mẹ và dùng ơn Người mà kêu gọi tôi, đã
thương mạc khải Con Người trong tôi, để tôi rao giảng Ngài trong các dân ngoại,
thì không lúc nào tôi bàn hỏi người xác thịt máu huyết, và tôi không lên Giêrusalem,
để gặp các vị làm tông đồ trước tôi, nhưng tôi đi ngay đến Arabia, rồi lại trở
về Đamas. Đoạn ba năm sau, tôi mới lên Giêrusalem để gặp Phêrô, và lưu lại với
ông mười lăm ngày. Tôi không gặp một tông đồ nào khác, ngoài Giacôbê, anh em
của Chúa. Đó là lời Chúa.
ALLELUIA: Mt 4, 4b
Alleluia,
alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng
Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Lc 7, 11-17
"Hỡi thanh niên,
Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu đến một thành gọi là Naim.
Các môn đệ và đám đông dân chúng cùng đi với Người. Khi Người đến gần cửa
thành, thì gặp người ta đang khiêng đi chôn người con trai duy nhất của một bà
goá kia, và có đám đông dân thành đi đưa xác với mẹ nó. Trông thấy bà, Chúa
động lòng thương và bảo bà rằng: "Đừng khóc nữa". Đoạn tiến lại gần,
Người chạm đến quan tài và những người khiêng đứng lại. Bấy giờ Người phán:
"Hỡi thanh niên, Ta truyền cho ngươi hãy chỗi dậy". Người chết liền
ngồi lên và bắt đầu nói. Rồi Người trao lại cho mẹ nó. Mọi người đều sợ hãi và
ngợi khen Thiên Chúa rằng: "Một tiên tri cao cả đã xuất hiện giữa chúng
ta, và Thiên Chúa đã thăm viếng dân Người". Và việc này đã loan truyền
danh tiếng Người trong toàn cõi Giuđêa và khắp vùng lân cận. Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Thiên Chúa Ðã
Viếng Thăm Dân Của Người
Tiên
tri Êlya đã làm cho con bà góa thành Sarepta sống lại. Ðức Giêsu Kitô cũng đã
làm phục sinh người thanh niên con bà góa thành Naim. Nhưng hai câu chuyện, hai
cách thức làm cho kẻ chết sống lại khác nhau làm sao!
Tuy
nhiên phụng vụ Lời Chúa hôm nay không muốn so sánh Êlya với Ðức Giêsu. Phụng vụ
muốn giáo dục chúng ta về mặt đạo đức. Và bài học của phụng vụ nằm trong cả ba
bài đọc. Không tất nhiên ba bài Kinh Thánh đều nói lên một ý; nhưng đọc kỹ
chúng ta vẫn có thể nhận ra một chủ đề nào đó với nhiều ý tưởng phụ xoay quanh.
Chủ đề ấy chúng ta sẽ dễ thấy nổi lên sau khi đọc lại các bài Kinh Thánh vừa
nghe.
1. Tôi Biết Là Người Của
Thiên Chúa
Bài
sách Các Vua thuật lại một câu chuyện trong cuộc đời của tiên tri Êlya. Chúng
ta chẳng có một sách tiểu sử đầy đủ nào về nhà tiên tri này. Sách Các Vua quyển
I kể nhiều chuyện về ông. Nhưng đó là những "mẩu" chuyển rời rạc
không dính vào nhau để làm thành một cuốn tiểu sử. Câu chuyện hôm nay chẳng
hạn. Người ta thường gọi là chuyện Êlya làm cho con bà góa thành Sarepta sống
lại. Nhưng như chúng ta vừa nghe, chẳng có chữ nào trong bài kể hôm nay nói
rằng bà góa ấy ở thành Sarepta. Chỉ vì trước đó sách Các Vua kể rằng Êlya theo
lệnh Chúa đi đến Sarepta và lưu lại ở đó. Ông đã gặp một bà góa đi mót củi. Ông
xin bà cho bánh ăn và nước uống. Và bà ta có một đứa con. Tuy nhiên chẳng có gì
chắc chắn khiến người ta có thể bảo bà góa con côi ấy cũng chính là mẹ góa con
côi trong chuyện này. Ngược lại, chỉ cần lưu ý ít nhiều đến danh từ và cách kể,
người ta thấy đây là hai chuyện khác nhau. Bà góa đi mót củi ở Sarepta không
phải là "bà chủ nhà" trong câu chuyện này. Tiếng "bà chủ
nhà" khiến người ta phải nghĩ đến một mệnh phụ quí phái hơn người đàn bà
đi mót củi. Và nhất là cuộc đối thoại giữa bà chủ nhà với nhà tiên tri trong
câu chuyện hôm nay cho thấy giữa hai người dường như chưa hiểu nhau. Ðang khi
bà góa ở Sarepta đã hiểu biết nhà tiên tri rồi.
Ðằng
khác, ai hiểu biết Kinh Thánh có thể nhận ra ngay rằng câu chuyện kể trong sách
Các Vua quyển II về tiên tri Êlya. Ông này cũng làm cho con một bà lớn ở Shumen sống lại. Do đó có
người nghĩ câu chuyện kể hôm nay đã được môn đồ của Êlya viết thêm vào cuộc đời
của Êlya làm cho nhà tiên tri này sáng giá hơn.
Quả
thật, dường như đây là mục đích của chính bài tường thuật hôm nay. Người muốn
viết cho mọi người biết Êlya là người của Thiên Chúa. Thoạt tiên bà góa kia
cũng như hầu hết các người đồng thời không biết như vậy. Họ thấy Êlya là người
khác thường. Họ biết ông có một nhiệt tình lạ lùng đối với Giavê. Luôn luôn ông
kêu gọi người ta sống trung thành với giao ước và đừng thờ một thần nào khác
ngoài Giavê. Lắm lúc ông đe dọa người ta những hình phạt khủng khiếp. Kể cả vua
Israen thời bấy giờ. Nhà vua tránh né Êlya chỉ sợ gặp lại phải nghe các đòi hỏi
của Thiên Chúa và các hình phạt theo sau nếu nhà vua không đáp ứng những đòi
hỏi kia.
Do
đó người ta sợ Êlya hơn là muốn nghe theo ông. Người ta chưa chắc ông là người
của Thiên Chúa. Nói đúng hơn, vì yếu đuối và sợ các đòi hỏi của tôn giáo chân
thật, người ta chưa muốn công nhận ông là người của Thiên Chúa.
Chính
vì Êlya khiến người ta sợ hơn là lôi cuốn được hạ theo mình, nên khi Êlya ở tại
nhà bà góa kia mà con bà bị bệnh chết, thì bà ta đã đổ tội cho nhà tiên tri. Bà
nói: Ngài và tôi có việc gì (với nhau) mà ngài lại đến tôi để hạch tội tôi và
làm con tôi chết? Nhà tiên tri bị buộc tội như vậy chẳng biết làm gì hơn để
giải oan là xin lấy xác đứa con để làm sao cho nó sống lại.
Chúng
ta thấy ông nằm dài trên đứa trẻ ba lần, khác nào như làm phù phép. Nhưng rõ
ràng không phải cử chỉ và hành động này đã làm cho đứa trẻ sống lại, nhưng là
lời Êlya cầu nguyện xin Thiên Chúa cho hồn vía đứa trẻ trở về lại mình nó.
Chính lời cầu nguyện này đã kéo Êlya ra khỏi cảnh lúng túng và đem sự kiện lạ
lùng này mà bà chủ nhà cũng như mọi người sẽ nghe biết chuyện mới thấy rõ Thiên
Chúa ở với Êlya và ông thật là người của Thiên Chúa.
Do
đó câu chuyện này xảy ra để giúp Êlya. Chủ ý của người viết là làm sáng giá cho
nhà tiên tri. Tuy nhiên câu chuyện cũng dạy dân Do Thái một bài học: Thiên Chúa
có thể làm cho kẻ chết sống lại. Và chết chưa phải là hết. Nếu người ta tin vào
Chúa và biết cầu xin với Người thì Người có thể làm cho con người sống lại. Một
niềm tin như thế đòi hỏi ta phải biết sống như thế sẽ có sự phục sinh. Ai không
thấy đó là một mạc khải lớn lao và đầy hy vọng cho con người, nhất là ở thời xa
xôi và tại những nơi chưa có lời giảng dạy chắc chắn nào về đời sau. Riêng đối
với chúng ta, cần nhờ câu chuyện trong bài sách Các Vua hôm nay để hiểu hơn về
bài Tin Mừng trong thánh lễ này.
2. Thiên Chúa Ðã Viếng
Thăm Dân Của Người
Người
ta có thể nói tác giả Luca đã vay muộn một số nét của bài kể trong sách Các
Vua. Nhưng những điểm dị đồng đáng để ý hơn nhiều, nhất là chủ ý của hai tác
giả rất khác nhau.
Luca
thuật lại một câu chuyện đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật, có đông đảo dân
chúng chứng kiến, đang khi bài sách Các Vua chỉ tường thuật việc xảy ra trong
nhà một mẹ góa con côi. Và như vậy có thể nói một việc đã xảy ra có hệ đến toàn
dân, còn việc kia chỉ liên quan đến một gia đình, nếu không muốn nói là một
người. Chúng ta hãy tạm bỏ câu chuyện xưa xảy ra thời Êlya, để chú ý đến việc
xảy ra dưới thời Chúa Giêsu mà Luca đã thuật lại để nói rằng nó rất có hệ đến
chúng ta thời bây giờ.
Hôm
ấy Ðức Giêsu đi với môn đồ và đông đảo quần chúng đến một thành gọi là Naim.
Người đi vào xã hội loài người vì theo Kinh Thánh "thành" là nơi loài
người sinh sống. Và "thành" mà không có Chúa thường được ví như một
góa phụ. Hơn nữa "bà góa" ấy không nuôi nổi con mình. Cố gắng của
loài người không có thể làm cho con người được sống thật và sống đời đời.
Do
đó khi Ðức Giêsu đến gần cửa thành, thì này người ta đang khiêng đi chôn đứa
con gái của bà góa. Thật là não nuột. Có một đứa con mà bà góa vẫn không giữ
được. Xã hội loài người cũng bất lực bó tay. Dân chúng trong thành chỉ biết đi
chôn đứa con với bà.
Người
thường, nếu nhìn thấy cũng chỉ biết cảm thông. Ðức Giêsu thì khác, Người đi vào
thế gian là để cứu sống nên tác giả Luca viết: "Chúa chạnh lòng
thương". Lần đầu tiên trong tác phẩm của ông, Luca xưng Ðức Giêsu là
"Chúa". Từ ngữ này, các tác giả Tân Ước chỉ dùng để nói về Người sau
khi Người đã sống lại. Luca còn dùng kiểu nói "chạnh lòng thương" là
kiểu nói chỉ dùng để nói về chính Thiên Chúa khi Người muốn biểu lộ tình thương
cứu độ đối với dân Người. Như vậy trong câu nói vắn tắt kia, Luca đã nhìn thấy
nơi Ðức Giêsu, chính Thiên Chúa đang muốn tỏ lòng thương cứu độ nhân loại khổ
sở nằm chết trong tội lỗi. Hơn nữa tác giả còn ngầm ý bảo rằng: nơi Ðức Giêsu
có sự phục sinh.
Thật
vậy, ở đây Ðức Giêsu không cầu nguyện như Êlya. Người bảo bà góa đừng khóc lóc
nữa. Người đụng đến quan tài. Các kẻ khiêng đứng lại tức khắc. Sao Người uy
quyền như vậy? Người ta đã tin ở Người rồi, vì nếu không, các kẻ kia không dễ
vâng lời như thế. Rồi Người truyền lệnh: "Thanh niên! Ta bảo ngươi hãy
chỗi dậy". Và người chết ngồi chồm dậy và lên tiếng nói, (để làm chứng đã
sống lại thật).
Phản
ứng của mọi người là kinh sợ trước quyền và công việc Thiên Chúa. Thiên Chúa
đang ở trước mặt họ. Người vừa cho họ thấy một biểu dương uy quyền của Người.
Bà góa thành Sarepta thấy Êlya cầu nguyện mà làm cho con bà sống lại, thì nhận
ra Êlya là người của Thiên Chúa nên được Chúa nhận lời, còn ở đây người ta thấy
sự sống lại do chính Ðức Giêsu mà đến, nên Người là một tiên tri cao cả, và
đúng hơn, Người là chính Thiên Chúa cứu độ mà loài người chết trong tội lỗi
đang chờ đợi.
Do
đó như các bài sách Các Vua đã muốn chứng tỏ Êlya là người của Thiên Chúa, thì
bài Tin Mừng Luca muốn làm chứng Ðức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ. Nơi Người có
sự phục sinh để làm cho loài người sống lại, nên Người là vị tiên tri cao cả và
là Thiên Chúa đến viếng thăm dân của Người. Chúng ta hãy tin vào sức mạnh cứu
độ của Người. Và điều này bài thư Phaolô cũng muốn làm chứng.
3. Thiên Chúa Ðã Mạc Khải
Con Của Người Trong Tôi
Quả
vậy, Phaolô viết thư cho người Galát để ít ra trong đoạn trích hôm nay - Xác
minh mình là tông đồ chân chính. Trước đây người Galát vẫn tin như vậy. Nhưng
nay có mấy người Do Thái đến đặt điều vu khống và dèm pha uy tín của người, để
lôi kéo người Galát trở về với những tập tục Do Thái là cắt bì và giữ luật
Môsê. Họ nói rằng Phaolô đã không được đặt làm tông đồ. Người đã làm việc tự ý.
Tin Mừng người rao giảng không đáng tin.
Phaolô
phản kháng mạnh mẽ. Trong đoạn văn này. Người khẳng định chính Thiên Chúa đặt
người làm tông đồ, khi mạc khải Ðức Giêsu Kitô cho người. Quả vậy, xưa người
không như thế. Người cũng chỉ biết đạo Do Thái và chỉ hơn đồng đạo ở điểm hăng
say phục vụ.người đã tình nguyện đi bắt bớ và ra công triệt hạ Hội Thánh của
Thiên Chúa. Tại đâu người đã thay đổi ra như ngày nay? Chính nhờ Thiên Chúa đã
tách người ra ngay từ lòng mẹ và kêu gọi người. Phaolô ý thức ơn người đã được
là do lòng thương của Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa đã tuyển chọn và kêu gọi
người như Giêrêmia ở đây để nói lên niềm tin ấy. Hơn nữa khi kêu gọi người,
Thiên Chúa đã không mạc khải một sứ điệp, hoặc một sứ mệnh, như trong trường
hợp các tiên tri. Thiên Chúa cho Phaolô biết Con của Ngài là Ðức Giêsu Kitô, để
từ nay người phải rao giảng Ngài.
Do
đó Phaolô không cần học với một ai. Chính Thiên Chúa đã dạy Phaolô biết Chúa
Giêsu, biết tất cả các chân lý về Ngài và mọi điều phải rao giảng về Ngài. Việc
tiếp xúc với các tông đồ khác không cần thiết tuyệt đối theo nghĩa Phaolô phải
cần học hỏi thêm với các ngài. Khi đã nhận được mạc khải của Ðức Giêsu Kitô và
được đặt làm tông đồ rồi, người ta muốn nắm vững các chân lý của đạo. Việc tiếp
xúc với các tông đồ khác chỉ có ý nghĩa hiệp thông, duy nhất. Và nếu nó có làm
giàu thêm cho kho tàng mạc khải mà mỗi người đã lãnh nhận, thì cũng chỉ là một
sự soi sáng thêm để đi sâu hơn vào chân lý mà thôi. Phaolô không những được
quyền lợi và vinh dự như mọi tông đồ; nhưng vì đã được mạc khải một cách đặc
biệt và độc đáo, người còn xứng đáng được tôn vinh như một tông đồ độc hạng và
kiệt xuất. Và được như vậy, một lần nữa người ta nên biết, là tự người đã được
ơn hiểu biết Chúa Giêsu Kitô một cách phi thường. Do đó, hiểu biết Chúa Giêsu
Kitô là điều quan trọng và quan trọng hơn hết. Bài Tin Mừng đã muốn làm cho
người ta được sự hiểu biết này. Bài thư Phaolô làm chứng khi sự hiểu biết này
sâu sắc đặc biệt, thì người ta cũng được chọn một cách đặc biệt. Vinh dự và
hạnh phúc của người ta vượt xa sự sung sướng của bà góa thành Sarepta khi hiểu
biết tiên tri Êlya.
Chúng
ta tự nhiên muốn được sự hiểu biết này. Hội Thánh muốn giúp đỡ chúng ta không
ngừng. Ðặc biệt trong các thánh lễ. Phụng vụ Lời Chúa là một mạc khải liên tục
về Chúa Giêsu Kitô. Và nhất là Bí tích cử hành nơi bàn thờ. Tại đây Chúa Giêsu
Kitô không muốn cho chúng ta gặp Người như Phaolô trên đường Ðamas sao? Chúng
ta phải nói còn hơn thế nữa. Chúng ta sẽ lãnh nhận chính mầu nhiệm Tử nạn Phục
sinh của Chúa Giêsu Kitô, là chính mầu nhiệm của Người, là chính mầu nhiệm biểu
lộ Người hoàn toàn và đầy đủ hơn hết. Người không những là Ðấng Tiên Tri của
Thiên Chúa, nhưng còn là chính Con Thiên Chúa sinh ra làm người để tha thứ tội
lỗi và làm cho chúng ta được sống lại và sống sự sống mới. Chúng ta hãy có lòng
tin yêu để đón nhận và để sống sự sống
của Chúa Giêsu Kitô.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục
Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 10 Thường Niên,
Năm C
GIỚI
THIỆU CHỦ ĐỀ:
Thiên Chúa giải thoát con người khỏi đau khổ
và sự chết.
Con
người sợ nhiều thứ trong cuộc đời: sợ mất mát, sợ thất nghiệp, sợ đau khổ, sợ
bệnh tật, và cái sợ hơn cả là sợ chết; vì sự chết lấy đi tất cả hy vọng của con
người. Sợ chết nhưng không ai thoát nổi cái chết. Con người cảm thấy đứt ruột
khi chứng kiến cảnh các người mẹ phải khóc con: “Lá vàng còn ở trên cây. Lá
xanh rụng xuống trời ơi hỡi trời.” Đau khổ hơn nữa là tình cảnh những người mẹ
chỉ có một con. Bà mẹ tưởng con sẽ là người săn sóc cho mình khi về già, nhưng
có ai học được sự quan phòng của Thiên Chúa khi các bà phải chôn cất người con
một của mình, nguồn hy vọng duy nhất của cuộc đời!
Các
bài đọc hôm nay cho chúng ta hai tình cảnh của hai bà mẹ góa chứng kiến đứa con
côi duy nhất của mình phải chết; nhưng tình thương của Thiên Chúa đã làm cho cả
hai đứa con được sống lại. Trong bài đọc I, ngôn sứ Elijah cầu xin Thiên Chúa
cho người con của bà thành Zarephat được sống lại. Bà là người đã hy sinh của
ăn, nước uống, và chỗ ở cho ngôn sứ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cho người con
trai duy nhất của bà mẹ thành Nain sống lại, tuy bà không kêu xin. Ngài không
thể cầm lòng trước nỗi khổ vô cùng to lớn của bà. Trong bài đọc II, thánh
Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa trong biến cố ngã ngựa trên đường đi Damascus . Lẽ ra ngài đáng
tội phải chết vì đã bắt bớ các tín hữu theo đạo, nhưng Thiên Chúa đã mở mắt cho
ngài khỏi mù lòa, và trao cho ngài sứ vụ mang ơn cứu độ cho Dân Ngoại và cho
chính ngài.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Đức Chúa nghe tiếng ông Elijah kêu cầu, hồn vía đứa trẻ trở về với
nó, và nó sống.
1.1/
Nỗi đau khổ của người mẹ có đứa con duy nhất bị chết. Bà góa thành Zarephat
đã hy sinh tính mạng của bà và con trai để cho ngôn sứ Elijah có bánh ăn và
nước uống (1 Kgs 17:7-16). Bù lại, ngôn sứ Elijah đã làm cho hũ bột và bình dầu
của bà không cạn cho tới ngày mưa rơi xuống (1 Kgs 17:14-15). Sau các sự việc
này, đứa con trai của bà ngã bệnh. Bệnh tình trầm trọng đến nỗi nó tắt thở. Bà
nói với ông Elijah: "Hỡi người của Thiên Chúa, việc gì đến ông mà ông tới
nhà tôi để nhắc lại tội tôi, và làm cho con tôi phải chết?"
Bà
không đổ lỗi cho ngôn sứ Elijah là sự hiện diện của ông làm cho con bà phải
chết; nhưng sự hiện diện của ông nhắc lại các tội lỗi của bà đã phạm, và làm
cho con trai của bà phải chết. Bà tin tội lỗi của bà là nguyên nhân của đau khổ
và sự chết của con trai bà.
1.2/
Thiên Chúa lắng nghe lời kêu cầu của tiên tri Elijah. Chúng ta thấy Thiên
Chúa không bao giờ chịu thua lòng rộng lượng cho đi của con người dành cho các
ngôn sứ hay những nhà lãnh đạo của Ngài. Lịch sử Cựu Ước đã nhiều lần chứng
thực điều này. Trong trình thuật hôm nay, ngôn sứ Elijah nhắc lại những gì bà
đã làm cho ông: "Lạy Đức Chúa, Thiên Chúa của con. Chúa nỡ hại cả bà goá
đã cho con ở nhờ, mà làm cho con bà ấy phải chết sao?"
Ngôn
sứ Elijah kiên nhẫn cầu nguyện và nằm trên đứa trẻ ba lần để cứu sống nó. Sau
cùng, Thiên Chúa nhận lời ngôn sứ Elijah và cho đứa trẻ được sống. Ngôn sứ trao
đứa trẻ cho mẹ nó và nói: "Bà xem, con bà đang sống đây!"
Lời
thú nhận của bà góa vào quyền năng Thiên Chúa và sứ vụ của ngôn sứ Elijah:
"Vâng, bây giờ tôi biết ông là người của Thiên Chúa, và lời Đức Chúa do
miệng ông nói ra là đúng."
2/
Bài đọc II: Đức Kitô giải thoát Phaolô khỏi tội lỗi và sự chết.
2.1/
Sự nhiệt thành mù quáng của Phaolô trước khi trở lại: Chính Phaolô đã thú
nhận tội lỗi của ông trước khi trở lại như sau: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã
ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do-thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những
muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa. Trong việc giữ đạo Do-thái, tôi đã
vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt
thành với các truyền thống của cha ông.” Biến cố ngã ngựa và trở thành mù lòa
trên đường đi Damascus
đã thay đổi hoàn toàn cuộc sống của ông. Chính Đấng mà ông đang hăng say bách
hại đã hiện ra và chỉ cho ông thấy tai hại của sự nhiệt thành mù quáng: “Khốn
cho ngươi nếu ngươi cứ giơ chân đạp mũi nhọn.”
Biến
cố ngã ngựa đã giúp Phaolô cảm nghiệm sâu xa tình thương của Thiên Chúa dành
cho ông. Ngài mặc khải cho ông biết đâu là chính đạo: tin theo Đức Kitô, chứ
không phải mù lòa chạy theo niềm tin của những người Pharisees nhiệt thành.
Ngài thương và ban ơn cứu độ cho ông ngay khi ông còn là một tội nhân đáng
chết. Điều này chứng minh con người không thể làm gì cho xứng với ơn cứu độ;
nhưng phải hoàn toàn trông cậy vào tình thương của Thiên Chúa.
2.2/
Giai đọan học hỏi về các mặc khải của Thiên Chúa trong sa mạc: Sau đó, Thiên Chúa đã
mặc khải ý định của Ngài là muốn Phaolô trở thành Tông Đồ rao giảng Tin Mừng
đặc biệt cho Dân Ngọai. Thay vì lên Jerusalem để
gặp tất cả các Tông Đồ khác, ngài đã vào hoang địa Arabia
để dành trọn 3 năm với Thiên Chúa. Trong quãng thời gian chiêm niệm này, Thiên
Chúa đã dùng Đức Kitô để mặc khải và chuẩn bị cho Phaolô sứ vụ rao giảng tương
lai. Sau thời gian này, Phaolô mới lên Jerusalem
để gặp Phêrô và một số các Tông Đồ. Đây là giai đoạn học hỏi quan trọng cho
Phaolô. Ông nhắc đi nhắc lại việc ông trở thành Tông Đồ là do ý định của Thiên
Chúa và sự dạy bảo trực tiếp của Đức Kitô, vì ông đã không có cơ hội nghe những
lời giảng dạy của Đức Kitô như những Tông Đồ khác, khi Ngài còn sống trên dương
gian.
2.3/
Sự nhiệt thành rao giảng Tin Mừng của Phaolô sau 3 năm chiêm niệm: Thiên Chúa đã không
cất đi đức tính nhiệt thành của Phaolô, nhưng Ngài tiếp tục dùng sự nhiệt thành
của ông làm khí cụ sắc bén cho việc rao giảng Tin Mừng, như chính ông đã tự
thú: “Viết cho anh em những điều này, tôi cam đoan trước mặt Thiên Chúa là tôi không
nói dối. Sau đó tôi đến miềnSyria và miền Cilicia .
Nhưng lúc ấy các Hội Thánh Đức Kitô tại miền Judah không biết mặt tôi. Họ chỉ
nghe nói rằng: "Người trước đây bắt bớ chúng ta, bây giờ lại loan báo đức
tin mà xưa kia ông những muốn tiêu diệt," và vì tôi họ tôn vinh Thiên
Chúa.”
Nhìn
lại cuộc đời của thánh Phaolô, chúng ta thấy rõ sự quan phòng kỳ diệu của Thiên
Chúa. Ngài không tiêu diệt sự nhiệt thành của ông để ông đừng bách hại các tín
hữu; nhưng Ngài hướng dẫn cho ông thấy những mục đích cao đẹp mà ông có thể góp
phần vào; và sai ông đi rao giảng Tin Mừng cho Dân Ngọai. Từ đó, ông trở thành
người say mê rao giảng Lời Chúa, bất chấp tất cả đau khổ, bắt bớ, tù đày, và
ngay cả cái chết cho việc rao giảng Tin Mừng.
Cuộc
đời của Phaolô dạy cho chúng ta một bài học quan trọng. Thiên Chúa không muốn
cho chúng ta phải chết đời đời, nhưng Ngài luôn tạo cơ hội để chúng ta được
sống. Điều quan trọng là chúng ta phải có can đảm để nhận ra những lầm lỗi của
mình để ăn năn trở lại và can đảm thực hành những gì Thiên Chúa truyền dạy. Cãi
lời Thiên Chúa chỉ gây ra đau khổ và cái chết đời đời cho con người mà thôi.
3/
Phúc Âm: Chúa Giêsu động lòng thương và cho con trai duy nhất của bà mẹ Nain
sống lại.
3.1/
Thiên Chúa đồng cảm với những đau khổ của con người: Đứng trước cái chết
con người hoàn toàn bất lực và hoảng sợ khi phải đương đầu với cái chết, nhất
là những cái chết trẻ, cái chết của nhiều người nhiều người, và cái chết đột
ngột, như bà mẹ thành Nain hôm nay. Bà đã góa chồng và chỉ có một con duy nhất
là niềm hy vọng để nâng đỡ Bà trong cuộc sống trên dương gian; thế mà anh đã
vĩnh viễn ra đi. Chắc Bà không bao giờ nghĩ là Bà sẽ phải chôn con. Thiên Chúa
có lòng thương đặc biệt với những người lâm cảnh mẹ góa con côi, vì họ thiếu
cánh tay của người chồng hay người cha để nâng đỡ gia đình. Ai đối xử bất công
với họ là đụng đến chính Thiên Chúa, Ngài sẽ ra tay bênh vực và giải thoát họ
(Psa 68:5; Isa 10:2; Jer 49:11; Eze 22:25).
Người
Hy-lạp, nhất là những người theo chủ thuyết Khắc Kỷ, họ tin có Đấng Tối Cao;
nhưng không tin Ngài có cảm xúc trước những đau khổ của con người. Họ lý luận:
Nếu con người có thể làm cho Ngài vui hay buồn, tức là con người có ảnh hưởng
trên Ngài; khi con người có ảnh hưởng trên Ngài là con người lớn hơn Ngài;
nhưng không ai có thể lớn hơn Đấng Tối cao. Vì vậy, Đấng Tối Cao phải là Đấng
không có cảm xúc. Niềm tin này hoàn toàn ngược lại với niềm tin của người Công
Giáo, Thiên Chúa cảm thương với nỗi đau khổ của con người. Thánh Lucas tường
thuật Chúa Giêsu chạnh lòng thương Bà mẹ góa chỉ có đứa con côi mà giờ đây cũng
không còn nữa, Ngài an ủi: "Bà đừng khóc nữa!" Trước khi cho Lazarus
sống lại, Gioan tường thuật “Chúa khóc” (Jn 11:35) và “Chúa thổn thức trong
lòng” (Jn 11:38).
3.2/
Thiên Chúa có quyền trên cả sự sống và sự chết: Thiên Chúa có thể làm cho kẻ chết sống
lại. Trong Cựu Ước, ngoài tiên tri Elijah trong bài đọc I hôm nay, tiên tri
Elisha cũng làm cho con trai của Bà góa miền Shunem sống lại bằng cách kề miệng
ông trên miệng nó (2 Kgs 4:34-37). Trong Phúc Âm, có ít nhất 3 lần Chúa làm cho
kẻ chết sống lại: cho con gái của ông trưởng hội đường Jairus sống lại (Mt
9:24-25, Mc 5:41-43, Lk 8:54-56); Chúa Giêsu làm cho anh thanh niên sống lại và
trao anh lại cho bà mẹ Nain hôm nay (Lk 7:11-17); và Chúa cho Lazarus chết 3
ngày được sống lại (Jn 11:38-44). Sách Công Vụ Tông Đồ cũng tường thuật sự kiện
Phêrô cho bà Dorcas, một người luôn bác ái giúp đỡ người khác, được sống lại
(Acts 9:40-41), và Phaolô cho Eutychus, một người ngủ gật khi Phaolô giảng bị
té lầu chết được sống lại (Acts 20:9-10).
Khi
chứng kiến quyền năng của Thiên Chúa cho kẻ chết sống lại, con người kinh sợ và
tôn vinh Thiên Chúa. Họ nói: "Một vị ngôn sứ vĩ đại đã xuất hiện giữa
chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người." Năng quyền làm cho kẻ
chết sống lại đã được báo trước bởi ngôn sứ Isaiah về Đấng Thiên Sai (Isa
25:8-9; 35:4-6).
Sự
kiện Chúa Giêsu sờ vào quan tài là một hành động không sạch theo Luật Levi (Lev
21:11), và ngăn cản Ngài không được vào Đền Thờ. Nhưng Ngài sẵn sàng trở nên
không sạch để làm cho con người được sống, như lời tác giả Thư Do-thái mô tả về
Đức Kitô: “Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là
Đức Giêsu, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị
Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu
hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng
không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn
ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần” (Heb 4:14-16).
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta có một Thiên Chúa luôn cảm thông với những đau khổ của con người.
Chúng ta hãy dâng mọi đau khổ cho Thiên Chúa và cầu nguyện: Nếu đẹp ý Ngài, xin
Ngài cất đi đau khổ. Nếu Ngài muốn cho chúng ta chịu, xin Ngài ban thêm sức để
chúng ta có thể chịu.
-
Thiên Chúa có quyền trên sự chết và sự sống. Ngài có quyền làm cho chết và làm
cho sống. Được một Thiên Chúa quyền năng như thế quan phòng cuộc đời, chúng ta
còn sợ chi nữa!
-
Chúng ta đừng sợ bất cứ một quyền lực nào trên cuộc đời, ngay cả sự chết. Vì
Đức Kitô đã chết và đã sống lại. Sự chết không có quyền chi đối với Người nữa.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
Sự sống hay nỗi chết
Một vị ẩn sĩ nọ, ngày kia
lạc vào một hang động. Tại đây ông đã khám phá ra một kho tàng với không biết
bao nhiêu vàng bạc châu báu. Nhưng ông đã vội vã ra khỏi hang, vừa chạy vừa la
thất thanh: “Tôi đã thấy thần chết”.
Tình cờ ba tên cướp đi
ngang qua đó, nghe tiếng kêu của vị ẩn sĩ, họ dừng lại hỏi chuyện.
Muốn chứng tỏ mình là
những người không biết sợ là gì, ba tên cướp yêu cầu đưa họ đến gặp thần chết.
Vị ẩn sĩ dẫn họ vào hang động và chỉ vào kho tàng. Mắt họ sáng lên và lập tức
ba tên cướp tống cổ vị tu hành ra khỏi hang.
Nhưng kho tàng quá lớn, họ
không thể mang ra tất cả trong một ngày. Sau một hồi bàn cãi ba tên cướp đồng ý
để một người ra phố mua sắm lương thực. Hai người còn lại ngồi đó canh giữ kho
báu.
Người được sai đi chợ nghĩ
thầm trong bụng: “Ta sẽ ăn uống no nê, sau đó bỏ thuốc độc vào thức ăn. Hai tên
khốn nạn sẽ chết và ta sẽ chiếm trọn kho tàng”.
Hai tên ngồi canh giữ kho
báu cũng bàn với nhau: “Chúng ta sẽ giết hắn. Và như thế phần của mỗi người
chúng ta sẽ nhiều hơn”.
Khi kẻ mang lương thực về
đến hang động. Họ liền giết hắn và nuốt trọn thức ăn có thuốc độc. Thế là cả ba
đã cùng nhau đi gặp thần chết như lời vị ẩn sĩ tiên báo.
Vì tham lam của cải mà ba
sinh mạng đã bị thần chết cướp đi trong nháy mắt. Vì chạnh lòng thương xót
người quả phụ cô độc, hôm nay Đức Giêsu đã giật lại khỏi tay thần chết con trai
duy nhất của bà góa thành Naim.
Đức Giêsu đã can thiệp mau
lẹ, xử lý nhanh gọn, ra tay tức thời, không chờ đợi người ta cầu xin, nài nỉ.
Người nhìn rõ nỗi buồn mất con, Người hiểu thấu nỗi cô đơn của bà góa không nơi
nương tựa, Người liền an ủi: “Bà đừng khóc nữa” (Lc 7,13). Rồi Người sờ vào quan tài
và nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: Hãy trỗi dậy” (Lc 7,14)
Thiên Chúa yêu thương con
người vì Thiên Chúa là tình yêu (1Ga 4,16). Vì bản chất của Thiên Chúa là yêu
thương, nên Người muốn giải thoát con người khỏi nỗi cô đơn buồn phiền, khỏi
thất vọng đắng cay, khỏi đau thương tuyệt vọng. Và nỗi đau thương tuyệt vọng
lớn nhất của con người là sự chết, thì Người cũng sẵn lòng giải thoát con người
khỏi chết.
Tình yêu của Thiên Chúa không
dừng lại ở đó. Người còn muốn đi xa hơn nữa trong tình yêu: Người muốn giải
thoát con người khỏi cái chết muôn đời. Con trai bà góa thành Naim sống lại để
rồi lại phải chết, nhưng những ai được Người yêu thương giải thoát thì sẽ vĩnh
viễn sống lại miên trường. Đó mới là sứ mạng của Người khi xuống trần gian.
Sự kiện con trai bà góa thành
Naim được Người cho sống lại chính là hình bóng báo trước biến cố vô cùng lớn
lao hơn. Biến cố đó là cốt lõi của đạo, là trung tâm điểm của Kitô giáo: Đó
chính là nhờ sự chết và sống lại của Đức Giêsu mà tất cả chúng ta được giải
thoát khỏi cái chết muôn đời.
Thiên Chúa yêu thương con
người, Người muốn giải thoát con người khỏi lưỡi hái của tử thần, nhưng con
người vẫn có tự do để chọn sự sống hay nỗi chết. Ba tên cướp vì tham lam của
cải đã chọn cho mình hai cái chết: cái chết của thể xác và cái chết của linh
hồn. Trong cái hang tử thần ấy không chỉ có những con người tham của mà còn vô
số những kẻ tham danh vọng, địa vị, chức quyền; không chỉ có những người mê của
mà còn hằng hà những kẻ mê hút sách, rượu chè, cờ bạc, trai gái.
Cái chết phần xác thì ai cũng
sẽ trải qua một lần trong đời, nhưng cái chết phần hồn thì chỉ có những con
người can đảm, bền chí và trung thành với Đức Kitô và giới luật của Người mới
có thể vượt qua để sống viên miễn với Người trên nơi vĩnh phúc.
Lạy Chúa, chúng con ước
mong được chết để cùng sống lại vinh quang với Người. Nhưng trước khi chết xin
cho chúng con biết dứt lòng từ bỏ những gì là xấu xa của ma quỷ, thế gian và
xác thịt để chúng con được tự do thong dong về với Chúa là Cha đầy yêu thương.
Amen.
Thiên Phúc
(Trích dẫn từ ‘Như Thầy Đã
Yêu’)
Hãy Nâng Tâm
Hồn Lên Tháng Sáu
9
THÁNG SÁU
Trật Tự
Của Tạo Vật Trong Ý Định Của Thiên Chúa
Trong
trật tự của tạo vật, con người tham dự vào toàn bộ các mối tương quan: tương
quan với thế giới, tương quan giữa nam và nữ, tương quan với đồng loại. Ơn gọi
“thống trị mặt đất” cho chúng ta thấy đặc tính quan hệ của sự sống con người.
Con người cai quản mọi loài; con người xây dựng và phát triển một gia đình cùng
với người bạn đời của mình; con người hợp tác với đồng loại để hình thành một
xã hội phục vụ thiện ích chung. Những mối quan hệ này thật xứng hợp với nhân vị
xét như hình ảnh của Thiên Chúa. Ngay tự đầu tiên, những mối quan hệ ấy đã
thiết định vai trò của con người ở giữa vạn vật.
Chính
vì định mệnh ấy mà con người đã được kêu gọi vào hiện hữu trong tư cách là một
chủ thể (một cái ‘tôi’ cụ thể), được ban cho trí tuệ, lương tâm và tự do. Khả
năng suy nghĩ làm cho con người khác biệt một cách nền tảng so với toàn thể thế
giới động vật. Động vật chỉ có thể cảm nhận các thứ qua các giác quan của
chúng. Còn trí năng con người giúp con người biện biệt phân định giữa thật và
giả. Khả năng ấy mở ra cho con người các lãnh vực khoa học, tư duy, triết lý,
thần học. Chính nhờ bản tính của mình mà con người nắm bắt được chân lý nơi mọi
sự. Con người ở trong một tương quan với chân lý – và mối tương quan này thiết
định vai trò của con người xét như một sinh vật có định mệnh thuộc linh. Khả
năng hiểu biết chân lý bộc lộ nơi mọi mối tương quan giữa con người với thế
giới và với người khác. Nó thiết lập một nền tảng khẩn thiết cho mọi sắc dạng
văn hóa.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by
Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Chúa
Nhật X Thường Niên
1
V 17, 17-24; Gl 1, 11-19; Lc 7, 11-17.
LỜI SUY NIỆM: Trong
câu chuyện Chúa Giêsu cho người con trai bà góa thành Naim sống lại: Đức Giêsu
nói: “Này người thanh niên, tôi bảo anh: hãy trỗi dậy!” Người chết liền ngồi
lên và bắt đầu nói. Đức Giêsu trao anh ta cho bà mẹ.” (Lc 7,14b-15)
Chúa
Giêsu thấu suốt nỗi đau của bà góa khi mất người con trai độc nhất không chỉ về
vấn đề tình cảm, không còn chổ nương dựa trong tương lai; mà là một nỗi khổ
cùng cực. Nên Ngài đã chạnh lòng thương với quyền năng của Ngài , Ngài đã cho
anh ta sống lại cách hoàn chỉnh. Rồi giao lại cho bà góa. Điều này giúp cho
chúng ta biết Thiên Chúa luôn luôn quan tâm và thấu suốt mọi khổ đau của con
người, và Ngài luôn chạnh lòng thương với quyền năng của Ngài. Nên trong mọi
hoàn cảnh chúng ta luôn chạy đến cầu xin với Ngài với sự thật, lòng tin của
chúng ta, Ngài sẽ ban dư đầy niềm vui cho chúng ta.
Mạnh
Phương
Gương Thánh nhân
Ngày
09-06
Thánh
EPHREM
Phó
Tế, Tiến Sĩ Hội Thánh (306 - 373)
Thánh
nhân sinh tại Nisibis, miền Mesopotamia vào
khoảng đầu thế kỷ thứ IV. Có truyện kể rằng: hồi nhỏ, một lần Ngài lấy đá chọi
con bò mẹ gần chết. Khi chủ nhân hỏi thăm có thấy con bò ở đâu Ngài đã trả lời
xấc xược để chữa lỗi. Ephrem đã khóc suốt đời về sự độc ác và hèn nhát này.
Sau
này có lần vào đêm khuya bị lạc vào giữa đồng, một đứa chăn chiên cho Ngài trú
ngụ trong lều của nó. Nhưng đứa chăn chiên này đã xấu bụng lại đang say rượu.
Đêm ấy chó sói vào tàn sát đàn chiên. Để chữa mình, thằng chăn chiên đổ lỗi cho
Ephrem. Trong tù Ngài nghe nhiều người than thở vì bị hàm oan. Một buồi chiều,
trong giấc mơ, Ngài thấy thiên thần cho biết lần này Ngài vô tội nhưng phải khổ
để đền bù vào những lỗi lầm khác. Thức dậy, Ephrem nhớ lại con bò và thú nhận
với mọi người.
Thân
phụ Ephrem là một thày cả thờ thần Abnil. Hình như Ngài bị đuổi khỏi nnhà vì có
thiện cảm với các Kitô hữu. Thánh Giacôbê, giám mục Nisibis tiếp nhận dạy dỗ và
rửa tội cho Ngài hồi 10 tuổi. Để sống, Ngài làm việc ở những hồ tắm công cộng.
Nhưng sau đó Ngài lại vào sa mạc sống với sự hướng dẫn của thánh Abbê ẩn tu;
dệt vải để sống như thói quen của các ẩn sĩ Ai cập và Mêsôpôtamia thời đó.
Ephrem
thường khóc tội mình và tội người khác. Các tập "tự thú" Ngài viết
cho thấy Ngài rất mực khiêm tốn, Ngài rất ghét tính kiêu căng : - Tính kiêu
căng phá đổ ơn Chúa và thiêu hủy mọi nhân đức.
Thánh
Ephrem luôn ao ước sống đời ẩn dật. Nhưng một cuộc chiến đã bùng ra giữa người
Rôma và người Batư. Người Batư bách hại các Kitô hữu cách tàn bạo. Nghe tin
này, Ephrem về Nisibis để giúp đỡ và khích lệ họ. Danh thơm nhân đức của Ngài
lan rộng đến nỗi người ta cho việc giải phóng khỏi ách thống trị của Sapor II
là bởi lỗi cầu nguyện của thánh nhân.
Được
thụ phong phó tế, nhưng rồi thánh nhân đã từ chối chức linh mục vì khiêm tốn.
Được Đức giám mục Nisibis trao cho trách nhiệm rao giảng lời Chúa, Ngài dùng
hết tài lợi khẩu để khêu gợi nhiệt tình nơi các linh hồn : - "Thần dữ nói:
Ta đi tìm những người khô khan là bạn hữu của ta, và ta không cần phải tìm đến
mưu kế, ta chỉ cần giữ chúng trong xiềng xích mà chúng ưa thích là đủ".
Thánh
Ephrem đã gặp thánh Basiliô thánh Cappadocia .
Truyền thuyết cho rằng: hai vị hiểu nhau dầu ngôn ngữ bất đồng.
Chiến
tranh tái phát, Nisibis rơi vào tay người Batư, thánh Ephrem trốn đến Edessa . Nơi đây, Ngài tận
tâm phục vụ bệnh nhân và người nghèo, hoạt động trí thức bằng việc viết sách và
giải thích thơ phú. Thánh Ephrem đã viết các bài giảng bằng thơ, các thánh thi
ca ngôi vinh quang Chúa Kitô và Đức Trinh Nữ Maria.
Người
luôn được gọi là "cây đàn của Thánh Linh" là một trong những người
rao truyền việc VÔ NHIỄM THAI. - Lạy Chúa, chỉ có Chúa và Mẹ Chúa là tuyệt mỹ.
Nơi mẹ Chúa không vương một tì tích nào.
Một
năm trước khi thánh nhân qua đời, Edessa
bi một cơn đói. Ngài kêu gọi lòng quảng đại của mọi người và người ta đã rộng
tay đóng góp vào công cuộc phát chẩn của thánh. Cơn đói chấm dứt, thánh nhân
trở lại chòi của mình. Lên cơn sốt, Ngài nghĩ tới lúc chết: - Đừng liệm xác tôi
bằng đồ quí giá, cũng đừng dựng đài tưởng niệm. Hãy đối xử với tôi như một
người lữ khách vì thực sự tôi là một lữ khách xa lạ trên mặt đất này thôi.
Ngài
qua đời có lẽ vào tháng 6 năm 373. Thánh Gregoriô miền Nyssa viết về thánh
Ephrem : - Vinh quang đời sống và giáo thuyết của thánh nhân chiếu giãi khắp
hoàn cầu.
Năm
1820, Đức Benedictô XI tôn phong Ngài làm tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)
09 Tháng Sáu
Muôn Vàn
Phép Lạ
Một vị ẩn sĩ nọ, sau 60
năm sống khắc khổ giữa sa mạc, bỗng cảm thấy chán nản khi nghĩ rằng mình chưa
hề làm được phép lạ nào như các vị tiền bối.
Ông quyết định rời bỏ sa
mạc để trở về đô thị sống một cuộc sống tiện nghi, bình thường như mọi người.
Nhưng đôi mắt Chúa lúc
nào cũng dõi theo từng suy nghĩ, từng đường đi nước bước của ông. Biết ông đang
toan tính bỏ cuộc để trở lại đô thị, Thiên Chúa bèn sai một thiên thần đến với
ông. Vị sứ thần đã nói với ông như sau: "Ngài đang toan tính điều gì thế?
Ngươi hãy thử nghĩ có phép lạ nào kỳ diệu nào hơn chính cuộc sống của ngươi
không? Ai đã ban cho ngươi sức mạnh để có thể cầm cự được trong nơi hoang vu
này trong mấy chục năm qua? Ai đã chúc lành cho cây cỏ ngươi đã dùng trong thời
gian qua mà không hề gây nguy hại cho ngươi? Ngươi lại đây và xin Chúa ban cho
ngươi thêm lòng kiên nhượng...".
Ðược lời của vị sứ thần
nâng đỡ, nhà ẩn sĩ ở lại trong sa mạc và tiếp tục cuộc sống tu trì của ông với
niềm tin vững rằng mỗi một phút giây qua đi trong cuộc sống là một phép lạ mà
Thiên Chúa đang thực hiện cho ông.
"Ðây
là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ". Giáo Hội mượn lời Kinh Thánh này
để mời gọi chúng ta sống một cách sung mãn giây phút hiện tại. Mỗi một giây
phút hiện tại là một hồng ân cứu độ. Thiên Chúa vẫn tiếp tục biến mỗi phút giây
của cuộc sống chúng ta thành một phép lạ.
Không
là phép lạ sao tim của chúng ta vẫn tiếp tục đập, mũi chúng ta vẫn tiếp tục hít
thở! Còn gì kỳ diệu bằng chính sự sống mà Thiên Chúa vẫn tiếp tục trao ban cho
chúng ta. Còn gì kỳ diệu bằng niềm tin Ngài đã trao ban để chúng ta tiếp tục
tiến bước trong cuộc lữ hành này.
Chúng
ta vẫn thường nói: ngạc nhiên là khởi đầu của khám phá! Nếu tất cả những khám
phá của khoa học đều bắt nguồn từ những câu hỏi mà con người tự đặt ra khi nhìn
ngắm vũ trụ, thì sự ngây ngất trước những kỳ công của sáng tạo, trước cuộc
sống, trước tình người cũng phải là động lực giúp người tín hữu Kitô chúng ta
thấy được, cảm mến được sự hiện diện và tác động kỳ diệu của Thiên Chúa.
Cái
nhìn ấy sẽ giúp chúng ta thấy được giá trị của những công việc âm thầm từng
ngày của chúng ta. Cái nhìn ấy sẽ mang lại cho chúng ta sức mạnh để tiếp tục
phấn đấu khi phải đương đầu với bệnh tật, với thử thách, với mất mát trong cuộc
sống. Một Thiên Chúa luôn làm những kỳ diệu cũng chính là Ðấng có mặt trong
từng phút giây của cuộc sống chúng ta để đem lại cho chúng ta những điều thiện
hảo đôi khi vượt quá khỏi cái nhìn nông cạn, sự thẩm định giới hạn của chúng
ta.
(Lẽ
Sống)
9-6
Thánh Ephrem
(306-373)
L
|
à nhà thơ, nhà giáo, nhà hùng biện và bảo vệ đức tin, Thánh Ephrem
là người Syria duy nhất được xưng tụng là Tiến Sĩ Giáo Hội. Ngài tự mặc cho
mình một trọng trách là chống với các học thuyết lầm lạc đang lan tràn vào thời
ấy, và luôn luôn là người bảo vệ đức tin Công Giáo mạnh mẽ.
Sinh ở Nisibis, Mesopotamia ,
Thánh Ephrem được rửa tội khi là thanh niên và nổi tiếng là một thầy giáo nơi
quê của ngài. Khi hoàng đế nhượng lại phần đất Nisibis cho người Ba Tư, Ephrem
cùng với các Kitô Hữu khác trốn sang Edessa
(thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) để tị nạn. Ngài được cho là đã đem lại vinh dự lớn
lao cho một trường kinh thánh ở đây. Ngài được phong chức phó tế nhưng không
muốn làm linh mục.
Ngài có tài sáng tác văn chương và các tác phẩm phản ảnh sự thánh
thiện của ngài. Mặc dù không phải là một học giả vĩ đại, các văn bản của ngài
cho thấy sự hiểu biết sâu rộng về Kinh Thánh. Khi viết về mầu nhiệm của sự cứu
độ loài người, Thánh Ephrem cho thấy một tâm linh nhân bản dễ mến và thiết thực
cũng như sự sùng kính lớn lao đối với nhân tính Ðức Giêsu và Mẹ Maria.
Người ta nói rằng vào năm 325, ngài đã tháp tùng đức giám mục
Giacôbê của Nisibis đi tham dự Công Ðồng Nicea. Chắc chắn rằng các văn bản của
ngài là một bảo vệ hùng hồn cho thiên tính của Ðức Giêsu Kitô. Ngài còn sáng
tác thi ca để chống với lạc giáo Gnostic.
Ngài lấy những bài ca bình dân của người lạc giáo, và dùng chính âm điệu của
họ, biến đổi thành những thi ca mang ý nghĩa chính truyền. Thánh Ephrem là
người đầu tiên đưa thánh thi vào phụng vụ chung của Giáo Hội như một phương
tiện để dạy dỗ người tín hữu. Ngài sáng tác thi ca nhiều đến nỗi được xưng tụng
là "Ðàn Thụ Cầm của Chúa Thánh Thần."
Thánh Ephrem yêu quý một đời sống thanh bạch, khắc khổ trong một
hang nhỏ ở ngoại ô thành phố Edessa .
Ngài cũng thường vào phố để rao giảng. Trong thời kỳ nạn đói năm 372, ngài tiếp
tay phân phối thực phẩm cho người đói, và tổ chức việc chữa trị người đau yếu.
Ngài tận tụy trong công việc này đến nỗi kiệt sức, lâm bệnh và từ trần vào
khoảng năm 373.
Lời Bàn
Nhiều người ngày nay vẫn khó chấp nhận việc ca hát trong nhà thờ.
Tuy nhiên, ca hát là một truyền thống có từ thời Cựu Ước và Tân Ước. Ðó là một
phương cách tuyệt vời để biểu lộ cũng như kết tạo tinh thần hợp nhất và niềm
vui cho cộng đoàn. Thi ca của Thánh Ephrem được một sử gia thời xưa xác nhận là
đã "đem đến vẻ lộng lẫy cho cộng đoàn Kitô Hữu." Ngày nay,
chúng ta cũng cần có những người như Thánh Ephrem để cộng đoàn thêm thánh thiện
trong lời ca tiếng hát.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét