Thứ Hai Ngày 10/06/2013
Tuần X Thường Niên – Năm C
BÀI ĐỌC I: 2 Cr 1, 1-7
"Thiên Chúa an ủi
chúng tôi để chính chúng tôi có thể an ủi những ai lâm cảnh gian truân".
Khởi đầu thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ
gửi tín hữu Côrintô.
Phaolô, Tông đồ của Đức Giêsu Kitô do ý Thiên
Chúa, và anh Timôthêu kính gởi Hội thánh Thiên Chúa tại Côrintô và hết thảy các
thánh ở khắp miền Acaia: Nguyện xin ân sủng và bình an của Thiên Chúa, Cha
chúng ta, và của Chúa Giêsu Kitô, ở cùng anh em.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta, là Cha nhân từ cùng là Thiên Chúa mọi niềm an ủi, là Đấng an ủi
chúng tôi trong mọi nỗi gian truân, để chính chúng tôi có thể an ủi những ai
lâm cảnh gian truân, với niềm an ủi mà Thiên Chúa đã an ủi chúng tôi. Bởi vì
cũng như các nỗi đau khổ của Đức Giêsu Kitô chan chứa trong chúng tôi thể nào,
thì nhờ Đức Kitô, chúng tôi cũng được an ủi chứa chan thể ấy. Nếu chúng tôi
chịu gian truân là để anh em được an ủi và được cứu rỗi; nếu chúng tôi được an
ủi là để anh em được an ủi; nếu chúng tôi được uỷ lạo là cho anh em được uỷ lạo
và được cứu rỗi; niềm an ủi đó sẽ làm cho anh em kiên nhẫn chịu các nỗi đau khổ
mà chính chúng tôi cũng đang chịu, hầu cho niềm hy vọng của chúng tôi về anh em
được vững mạnh, (vì) biết rằng nếu anh em thông phần vào các nỗi đau khổ, thì
anh em cũng sẽ thông phần vào niềm an ủi. Đó là lời Chúa.
ĐÁP
CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7. 8-9
Đáp: Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi cho biết Chúa thiện
hảo nhường bao (c. 9a).
1)
Tôi chúc tụng Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong
Chúa linh hồn tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Đáp.
2)
Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu
khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. - Đáp.
3)
Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa
người đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai
nạn. - Đáp.
4)
Thiên thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa
họ. Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao.
Phúc đức ai tìm nương tựa ở nơi Người. - Đáp.
ALLELUIA: 1 Sm 3, 9
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có
lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Mt 5, 1-12
"Phúc
cho những ai có tinh thần nghèo khó".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu thấy đoàn lũ đông đảo,
Người đi lên núi, và lúc Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần Người. Bấy giờ Người
mở miệng dạy họ rằng:
"Phúc
cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ. - Phúc cho những
ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Nước làm cơ nghiệp. - Phúc cho những ai đau
buồn, vì họ sẽ được ủi an. - Phúc cho những ai đói khát điều công chính, vì họ
sẽ được no thoả. - Phúc cho những ai hay thương xót người, vì họ sẽ được xót
thương. - Phúc cho những ai có lòng trong sạch, vì họ sẽ được nhìn xem Thiên
Chúa. - Phúc cho những ai ăn ở thuận hoà, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
- Phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nước Trời là của họ.
"Phúc
cho các con khi người ta ghen ghét, bách hại các con, và bởi ghét Thầy, họ vu
khống cho các con mọi điều gian ác. Các con hãy vui mừng hân hoan, vì phần
thưởng của các con sẽ trọng đại ở trên trời. Người ta cũng đã từng bắt bớ các
tiên tri trước các con như vậy". Đó là lời Chúa.
SUY NIỆM : Tám mối phúc
thật
Có
lẽ người Công giáo nào cũng thuộc nằm lòng Tám Mối Phúc Thật, và có lẽ nhiều
người ngoài Kitô giáo cũng đã ít hay nhiều nghe nói đến bản Hiến Chương này.
Cũng giống như bản thân Chúa Giêsu, Tám Mối Phúc Thật là dấu chỉ của sự mâu
thuẫn. Nếu đối với người Công giáo và nhiều bậc vĩ nhân của nhân loại, Tám Mối
Phúc Thật là nguồn cảm hứng cho cuộc sống cao thượng; thì đối với một số người
khác, như triết gia Nietzsch chẳng hạn, Tám Mối Phúc Thật chỉ là một lô những
đức tính của loài vật, bởi vì chỉ có loài vật mới cúi đầu khuất phục và nhẫn
nhục chịu đựng; đối với một số khác nữa, Tám Mối Phúc Thật chỉ là những lời hứa
hão về một thứ thiên đàng ảo tưởng, hay nói theo ngôn ngữ của Karl Marx, đó chỉ
là thuốc phiện ru ngủ quần chúng. Vậy đâu là tinh thần đích thực của Tám Mối
Phúc Thật?
Bản
văn Giáo Hội cho chúng ta lắng nghe hôm nay là của thánh Mátthêu. Chúa Giêsu
chỉ công bố Tám Mối Phúc Thật một lần duy nhất, nhưng được hai tác giả ghi lại;
dĩ nhiên, với hai cái nhìn khác nhau nhưng bổ túc cho nhau. Cái nhìn của Luca
có tính xã hội: Luca giải thích các mối phúc thật dưới ánh sáng giáo huấn của
Chúa Giêsu về nghèo khó và việc sử dụng của cải trần thế, để từ đó đề cao giai
cấp những người nghèo khổ trong xã hội; với Luca, những người nghèo thật sự là
những tín hữu tiên khởi của Giáo Hội. Trái lại, Mátthêu quan tâm đến khía cạnh
luân lý nhiều hơn: nếu Luca đề cao giai cấp cùng khổ, thì Mátthêu nhấn mạnh đến
tinh thần nghèo khó: "Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó", do đó theo
Mátthêu, con người vào được Nước Trời không đương nhiên vì tình trạng nghèo
khó, mà vì thái độ tinh thần của họ; cũng trong cái nhìn ấy, Mátthêu đáng giá
về sự đói khát: nếu Luca nói đến những nạn nhân của bất công, tức những người
đói khát cơm bánh thực sự, thì Mátthêu lại nhấn mạnh đến sự đói khát công lý
nơi con người.
Tổng
hợp hai cái nhìn khác nhau của Luca và Mátthêu, chúng ta có thể đưa ra bài học
về sứ mệnh của Giáo Hội trong trần thế. Nước Chúa mà Giáo Hội loan báo không
chỉ là Thiên Ðàng trong thế giới mai hậu, nhưng đang đến trong cuộc sống tại
thế này, qua những giá trị như công bình bác ái, huynh đệ, liên đới. Chính
trong những thực tại trần thế mà con người phải tìm kiếm và xây dựng những thực
tại Nước Trời.
Niềm
tin của người Kitô hữu thiết yếu hướng về cuộc sống mai hậu: mọi nỗ lực của
người Kitô hữu nhằm minh chứng cho mọi người về tính cách siêu việt của cuộc
sống và định mệnh của con người. Sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế
gian, sống giữa thế gian, nhưng con người phải nhìn về Quê hương đích thực là
Thiên Quốc. Tuy nhiên, niềm tin hướng về cuộc sống mai hậu ấy không thể làm cho
người Kitô hữu xao lãng với những nhiệm vụ trần thế của họ. Họ phải xác tín
rằng chính qua những thực tại trần thế, họ mới có thể gặp được những giá trị
của Nước Trời; chính qua những thực tại trần thế, họ mới đạt được cứu cánh vĩnh
cửu của họ. Ðây quả là một thách đố lớn lao cho người Kitô hữu ở mọi thời.
Một
trong những nguyên nhân khiến người Kitô hữu bị bách hại là bởi vì con người
không hiểu được sứ điệp của Tin Mừng. Chúa Giêsu đã bị chống đối và cuối cùng
bị treo trên Thập giá là bởi vì những người đương thời không hiểu được sứ điệp
và con người của Ngài. Ðó cũng chính là thân phận của người Kitô hữu trong trần
thế, nhưng chính khi bị bách hại mà vẫn kiên trì trong niềm tin của mình, người
Kitô hữu mới thể hiện được ý nghĩa sứ điệp của Tin Mừng.
Chúa
Giêsu đã chẳng nói: khi nào Ta bị giương cao, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta
sao? Ðó là sức mạnh và nét hấp dẫn của Tám Mối Phúc Thật mà Chúa Giêsu không
chỉ rao giảng, mà còn thể hiện cho đến cùng. Chết để cho sứ điệp Tin Mừng được
đón nhận, đó là nghịch lý của Tám Mối Phúc Thật. Cái chết ấy được thể hiện
trong cuộc sống hàng ngày của người Kitô hữu, nghĩa là hăng say phục vụ, sống
quảng đại, liêm khiết, sống bác ái yêu thương, ngay cả chấp nhận những thua
thiệt miễn là không đánh mất niềm tin của mình.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 10 TN1, Năm lẻ
GIỚI THIỆU
CHỦ ĐỀ:
Nghịch
lý giữa Thiên Chúa và con người.
Con
người đi tìm vinh quang sang giầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo
khó. Con người dùng mọi khôn ngoan mánh lới để vượt khỏi người khác, Chúa dạy:
Phúc cho những ai hiền lành. Con người trốn tránh đau khổ và dùng mọi cách để
thoát khỏi buồn sầu, Chúa dạy: Phúc cho những ai sầu khổ.
Bảy
mối phúc là những điều dạy của một nhà cách mạng trên tất cả các nhà cách mạng;
chúng là một thách đố lớn lao cho những ai tin vào Chúa Giêsu. Phải chăng Chúa
Giêsu quá lý tưởng? Phải chăng những lời dạy của Chúa Giêsu cung cấp cơ hội cho
những nhà tư bản bóc lột dân nghèo và để cho những bất công xã hội tha hồ xảy
ra? Hai ví dụ giúp chúng ta nhận định vấn đề: (1) Mẹ Têrêxa, tuy có rất nhiều
người ngưỡng mộ, nhưng cũng có nhiều người chỉ trích là lấy của nhà giàu bóc
lột người nghèo để giúp đỡ người nghèo. Tại sao Mẹ không lên tiếng chống bất
công và cải tổ xã hội để đừng có hai giai cấp giầu và nghèo nữa? Một phản ứng
như thế sẽ trị tuyệt gốc sự phân chia giữa hai giai cấp và loại bỏ các bất công
xã hội! (2) Chúa Giêsu, tuy có dư uy quyền để đáp ứng nguyện vọng của người
Do-thái trông đợi nơi Đấng Thiên Sai; nhưng lại chọn làm một Đấng Thiên Sai
hiền lành và đau khổ để chuộc tội cho con người! Ma quỉ đã từng cám dỗ Ngài
trong sa mạc hãy làm những điều mà con người khao khát: Hãy biến đá thành bánh
ăn! Hãy làm phép lạ như gieo mình xuống vực thẳm! Hãy cho con người những vinh
quang sang giầu! Nếu Ngài làm như thế, con người sẽ tin vào Ngài. Chúng ta có
bao giờ tự hỏi: Nếu Chúa Giêsu làm như thế, có bao nhiêu người tin Chúa đến bây
giờ?
Các
Bài Đọc hôm nay cung cấp cho chúng ta những chất liệu để suy tư. Trong Bài Đọc
I, thánh Phaolô cho chúng ta hai lý do để chịu đựng đau khổ: để được Thiên Chúa
an ủi, và để chúng ta an ủi những ai cần được chúng ta an ủi. Trong Phúc Âm
thánh Mathew, Chúa Giêsu cho con người biết Tám Mối Phúc trong cuộc đời; những
điều này hoàn toàn ngược lại với những gì mà con người thường hay suy nghĩ.
KHAI
TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Tại sao con người phải chịu đựng gian khổ.
1.1/
Chịu đựng gian khổ là cho hai mục đích: Sau khi chào thăm các tín hữu ở Corintô,
thánh Phaolô tuyên xưng: "Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô,
Chúa chúng ta. Người là Cha giàu lòng từ bi lân ái, và là Thiên Chúa hằng sẵn
sàng nâng đỡ ủi an." Tại sao một Thiên Chúa uy quyền và giàu lòng thương
xót như thế, đã không ban cho con cái những gì họ ưa thích; lại còn bắt họ phải
trải qua những gian nan, thử thách, đau khổ? Thánh Phaolô liệt kê hai lý do
chính:
(1)
Để Thiên Chúa có cơ hội nâng đỡ và ủi an chúng ta: Một điều trước tiên
chúng ta cần hiểu rõ: Thiên Chúa không ác tâm đến độ bắt con người chịu gian
khổ để Ngài có cơ hội an ủi con người; nhưng Ngài để những gian khổ xảy ra vì
những thay đổi trong trời đất hay vì sự lạm dụng tự do của con người. Thứ đến,
không có điều gì quan trọng hơn trong cuộc đời cho bằng mối liên hệ giữa con
người với Thiên Chúa: Phải yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự; và đau khổ là cơ
hội hết sức thuận tiện để con người phát triển mối liên hệ này. Thánh Phaolô
quả quyết: "Người luôn nâng đỡ ủi an chúng ta trong mọi cơn gian nan thử
thách." Tình yêu thường phát triển trong hoàn cảnh túng thiếu và đau khổ;
và rất ít khi phát triển lúc con người sung sướng hạnh phúc.
(2)
Để chúng ta biết nâng đỡ và ủi an nhau: Điều răn thứ hai là yêu người: Đau khổ không
những giúp chúng ta phát triển mối liên hệ với Thiên Chúa, mà còn chuẩn bị cho
chúng ta có cơ hội yêu tha nhân như thánh Phaolô nói: "để sau khi đã được
Thiên Chúa nâng đỡ, chính chúng ta cũng biết an ủi những ai lâm cảnh gian nan
khốn khó." Tục ngữ Việt-nam có câu "Có đau mắt thì mới biết thương
người mù." Câu này có ý muốn nói mặc dù ai bị đau mắt, người ấy sẽ cảm
thấy rất khó chịu; nhưng không thể so sánh với người bị mù, vì họ hoàn toàn quờ
quạng trong đêm tối. Cũng thế, khi chúng ta đã trải qua những gian nan thử
thách; ví dụ: đói khát, chúng ta biết phải đau khổ thế nào; vì thế, khi chúng
ta nhìn thấy một người mẹ bồng con ăn xin, chúng ta dễ thông cảm và giúp đỡ cho
mẹ con bà.
1.2/
Thánh Phaolô chịu đựng gian khổ cho các tín hữu ở Corintô: Cuộc đời thánh Phaolô
là một ví dụ tuyệt vời để dẫn chứng lý do tại sao Chúa để cho con người chịu
đau khổ. Trước khi trở lại, Phaolô là một người nhiệt thành đến độ quá khích:
Ngài không dung thứ cho những ai sống ngược lại với Lề Luật và truyền thống.
Sau biến cố trên đường đi Damascus, Phaolô đã dần dần thay đổi hoàn toàn, vì
Chúa Giêsu muốn Phaolô chịu đau khổ cho việc rao giảng và bành trướng Tin Mừng.
Phaolô phải chịu nhiều hiểu lầm, đánh đòn, bắt bớ, tù đày... nhưng thánh nhân
vẫn can đảm tiến tới, vì Chúa Giêsu luôn đồng hành và an ủi Ngài. Những điều
này giúp Phaolô nhận ra tình thương của Thiên Chúa và giúp ngài đại lượng hơn
trong việc giảng dạy và giúp đỡ các tín hữu.
2/
Phúc Âm: Bay mối phúc thật
2.1/
"Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ." Đây là một lời dạy
không dễ hiểu, chúng ta cần xem xét bằng những ví dụ thực tế để hiểu Chúa Giêsu
thực sự muốn nói gì: Nghèo khó là có phúc? Người nghèo khó không đủ của ăn nên
sinh tật ăn cắp làm ô danh Chúa? Người nghèo khó quá đay nghiến Thiên Chúa vì
đã bỏ rơi mình? Nhiều người ví sống trong nghèo khó, thiếu thốn như là sống
trong hỏa ngục! Ngược lại, có phải giàu có là vô phúc? Người giàu có lấy của
Thiên Chúa ban để giúp cho việc mở mang Nước Chúa như bà Lydia giúp
Phaolô có nơi ăn ở để rao giảng Tin Mừng?
Nói
chung, nghèo khó giúp con người biết trông cậy nơi Thiên Chúa, giàu có làm con
người tin tưởng nơi quyền năng và sức lực của mình, nên dễ bỏ quên Thiên Chúa. Khi
con người đã có đầy đủ mọi sự trên trần gian, họ sẽ không màng tới việc tìm
kiếm Nước Trời; trong khi những người nghèo có hoàn cảnh thuận tiện hơn để tìm
Nước Trời và tin tưởng nơi Thiên Chúa.Ví dụ: Ở Việt-nam, các nhà thờ lúc nào
cũng đầy người; họ vẫn sống và có thời giờ cho Thiên Chúa, tuy rằng họ nghèo
khó. Bên Âu Mỹ, các nhà thờ chỉ còn lại những người già; họ lo kiếm tiền cho
cuộc sống đến nỗi không còn giờ cho Thiên Chúa. Ở Việt-nam, ơn gọi làm tu sĩ và
linh mục nhiều đến nỗi các chủng viện và dòng tu không có chỗ để nhận; bên Âu
Mỹ, ơn gọi làm linh mục và tu sĩ khan hiếm đến độ các dòng tu phải đóng cửa, và
hầu hết các dòng tu và giáo phận phải qua Việt-nam hay Phi Châu để tuyển mộ ơn
gọi.
2.2/
"Phúc thay ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an." Một vị thánh đã nói:
Thiên Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ đến cho người ấy.
Vì thế, chẳng thà chịu đau khổ để được Thiên Chúa an ủi yêu thương; hơn là sống
trong hạnh phúc mà không cảm nhận được tình thương Thiên Chúa.
ÁP DỤNG
TRONG CUỘC SỐNG:
-
Của cải của chúng ta ở đâu, lòng trí của chúng ta sẽ ở đó. Nếu Nước Trời là kho
tàng mà chúng ta ước ao, chúng ta hãy sống theo Mối Phúc Thứ Nhất như Chúa
Giêsu dạy.
-
Chúa thương ai càng nhiều, Ngài càng gởi nhiều đau khổ cho kẻ ấy; vì họ sẽ được
Ngài an ủi, và họ sẽ biết ủi an những ai đồng cảnh ngộ. Nếu chúng ta mong được
mến Chúa yêu người, đừng kêu ca khi Chúa gởi đau khổ tới như Mối Phúc Thứ Ba mà
Chúa dạy.
Linh mục Anthony Đinh
Minh Tiên OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 10 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu
mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Thứ Hai :
Mt 5,1-12
* Đặt trong sơ đồ chung của Tin Mừng Mt
:
Bắt đầu từ hôm nay, Phụng vụ chọn đọc
Tin Mừng theo Thánh Mát-thêu.
Các bài Tin Mừng từ hôm nay đến Thứ Sáu
tuần XII (tức các chương 5-7) nằm trong Bài giảng trên núi, trong đó Chúa Giêsu
công bố những giáo lý then chốt của Ngài để ai sống theo thì sẽ được vào Nước
Trời.
A. Hạt giống...
Người ta đã quen gọi đây là bản hiến chương
Nước Trời. Nước Trời là nước hạnh phúc. Muốn vào nước đó phải có 8 đức tính căn
bản là :
1/ Tâm hồn nghèo
2/ Hiền lành
3/ Sầu khổ
4/ Khao khát nên người công chính
5/ Xót thương người
6/ Tâm hồn trong sạch
7/ Xây dựng hoà bình
8/ Chịu bách hại vì sống công chính
B.... nẩy mầm.
1. Có thể quy tất cả 8 đức tính ấy vào một
đức tính căn bản là "Tâm hồn nghèo". Người có tâm hồn nghèo là người
:
. Mặt tiêu cực : không màng đến và không cậy dựa vào tiền bạc của cải, danh lợi
lạc thú trần gian, ăn thua hơn thiệt đời này... (nói cách khác : không màng đến
nước trần gian)
. Mặt tích cực : chỉ ước ao sống tốt theo ý Thiên Chúa và được hưởng những ơn
lành của Thiên Chúa (nói cách khác : được sống trong Nước Trời)
Vì căn bản hạnh phúc là có tâm hồn nghèo,
nên có thể nói : hạnh phúc đích thực của kitô hữu là vứt hết những gì mình có,
để được lấp đầy bằng chính Chúa.
2. Hạnh phúc là gì ? Xét cho cùng, hạnh
phúc là được sống đúng bản chất của mình. Con chim ở trong lồng son không hạnh
phúc, nó chỉ hạnh phúc khi được bay nhảy thoải mái như chim. Con cá chỉ hạnh
phúc khi được bơi lội như cá. Bản chất con người là được Thiên Chúa tạo dựng và
được trở về với Thiên Chúa. Bởi đó, Chúa Giêsu dạy rằng hạnh phúc của con người
là được ở trong Nước Thiên Chúa.
3. Một hôm khi cầu nguyện, một Linh mục xin
Chúa cho tra vấn một tên quỷ :
- Nhân danh Chúa, ta hỏi mi : đâu là nơi
hạnh phúc nhất ?
- Dĩ nhiên là thiên đàng. Ôi, được nhìn
thấy Chúa là tất cả niềm hoan lạc. Nếu có lấy mọi vẻ đẹp của muôn vàn châu báu
thế gian và mọi tinh tú trong vũ trụ, rồi đem so sánh với vẻ đẹp của Chúa, thì
tất cả cũng chỉ là một con số không.
- Ngươi đã được hưởng tất cả những thứ đó,
tại sao ngươi đánh mất hạnh phúc thiên đàng ?
- Chỉ vì chúng tôi kiêu ngạo phản loạn. Khổ
nỗi là bây giờ đã quá muộn để hối hận. Lúc này dù phải chịu tất cả mọi cực hình
hỏa ngục gom lại cho riêng tôi, tôi cũng sẵn sàng đón nhận, miễn là sau đó tôi
được hưởng thiên đàng trong giây lát. Nhưng đã quá muộn rồi !
Thì ra ngay cả quỷ dữ cũng khao khát hạnh
phúc. (Chờ đợi Chúa)
4. "Phúc cho anh em khi vì Thầy mà bị
người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa" (Mt 5,11)
Ngày 19-6-1988, cả Giáo hội Việt Nam hân hoan
vui sướng vì 117 vị tử đạo đã được phong hiển thánh. Những nỗi đớn đau tủi nhục
vì Chúa Kitô của các ngài đã được chúc phúc.
Hôm nay, chúng ta cũng không thoát khỏi
những khó khăn, đớn đau và tủi nhục trong cuộc chiến cam go loại bỏ tật xấu,
dứt khoát với tội lỗi, hay những suy nghĩ tiêu cực nơi chính bản thân. Cuộc
chiến ấy đòi hỏi chúng ta phải can đảm.
Xin các thánh tử đao Việt Nam thông
truyền cho chúng con dòng máu bất khuất của các ngài và giúp chúng con biết
chiếu tỏa tôn nhan Thiên Chúa nơi chính con người và cuộc sống chúng con.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI –
Gp.Cần Thơ
10/06/13 THỨ HAI TUẦN
10 TN
Mt 5,1-12
Mt 5,1-12
TIN VÀ ĐƯỢC TÁI SINH
“Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ.” (Mt
5,3)
Suy niệm: Chúa muốn cho chúng ta được
sống và sống dồi dào (Ga 10,10) chứ đâu có muốn chúng ta phải sống nghèo khổ,
túng quẫn! Vậy phải hiểu thế nào về nghèo khó? Theo chú thích từ cuốn Kinh
Thánh Tân Ước do Nhóm Phiên dịch CGKPV, nghèo khó không phải là thiếu thốn mà là
“tin và được tái sinh.” Vì vậy, thay vì nói: “Phúc thay
ai có tâm hồn nghèo khó,” ta có thể nói: “Phúc thay ai có lòng tin và ai được
tái sinh, vì Nước Trời là của họ.” Tin và được tái sinh là điều kiện để được
vào Nước Trời. Quả vậy, Đức Giêsu đã sai các môn đệ đi khắp thế gian rao giảng
Tin Mừng để “ai tin và chịu phép rửa thì
được cứu rỗi” (x. Mc 16,15-16). Chúa cũng đã nói với ông Nicôđêmô: “Thật tôi bảo thật ông, không ai có thể thấy nước Thiên Chúa, nếu
không được sinh lại bởi ơn trên” (Ga 3,3).
Mời Bạn: Điều kiện để được vào Nước Trời
là tin và được tái sinh. Những ai tin và được tái sinh, thì được trở thành con
của Thiên Chúa. Họ được phú ban sự sống mới, sự sống siêu nhiên và viên mãn mà
sự sống tự nhiên không thể nào sánh bằng. Lòng tin đó khiến họ có tinh thần phó
thác, vì có Chúa làm gia nghiệp đời mình. Làm giàu bằng của cải vật chất không
còn là mục tiêu phải đạt được với bất cứ giá nào nữa.
Sống Lời Chúa: Chỉ tạo vật nào giúp tôi đạt
đến hạnh phúc Nước Trời mới làm tôi trở nên giàu có trước mặt Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, chúng con đã tin và
được tái sinh. Xin cho chúng con cảm nghiệm được hạnh phúc cao cả này, để chúng
con có thể nói rằng, phúc cho chúng con là những người nghèo khó, vì Nước Trời
là của chúng con.
Phúc thay
Không đưa tay thì cũng chẳng
được quà. Nhưng không phải cứ đưa tay là có quà, nếu Thiên Chúa không muốn cho
trước khi ta xin. Kitô giáo không dựa trên nguyên lý nhân quả.
Suy niệm:
Đức Đạt-lai
Lạt-ma, vào mùa thu năm 1994 tại thủ đô nước Anh,
đã được mời chia
sẻ về giáo huấn của Chúa Giêsu trong các sách Tin Mừng.
Một trong những
bài chia sẻ đầu tiên là về các Mối Phúc.
Theo ngài các Mối
Phúc dường như nói về nghiệp (karma), về nhân quả.
“Nếu bạn hành động
như thế, thì bạn sẽ chịu hậu quả như thế.
Nếu bạn không hành
động như thế, thì bạn cũng chẳng chịu hậu quả như thế.
Vậy rõ ràng nguyên
lý nhân quả nằm ở trong giáo huấn của các Mối Phúc.”
Thật ra các Mối
Phúc của Kitô giáo lại không bắt nguồn từ nguyên lý nhân quả,
dù mới đọc ta có
cảm tưởng như vậy.
Các Mối Phúc bắt
đầu bằng chữ “Phúc thay”,
kế đến nói lên ai
là người được hưởng phúc ấy,
cuối cùng nêu lên
lý do hay nền tảng của hạnh phúc ấy bằng chữ “vì”.
Hạnh phúc đích
thật của người Kitô hữu không phải là “quả” tự nhiên
do “nhân” là việc
lành phúc đức của họ.
Dù sống tốt đến
mấy đi nữa, thì “nhân” ấy cũng không thể sinh “quả” ấy được.
“Quả” hạnh phúc
của Kitô giáo là quà tặng lớn của Thiên Chúa cho con người.
Điều này được diễn
tả qua những lối dùng động từ ở thể thụ động:
“sẽ được ủi an, sẽ
được no thỏa, sẽ được xót thương, sẽ được gọi.”
Trước khi giảng về các Mối Phúc, Đức Giêsu đã loan báo:
“Hãy hối cải, vì Nước Trời đã gần bên” (Mt 4, 17).
Nước Trời người Do thái mong đợi đã đến với sự hiện diện của Đức Giêsu.
Quà tặng nhưng không của Thiên Chúa đã được trao ban,
chẳng phải do công sức của con người.
Hãy mở lòng ra đón lấy Nước ấy bằng cách hối cải, bỏ đời sống cũ.
Nhưng hơn thế nữa, còn phải đón nhận một lối sống mới cho phù hợp.
Bài giảng trên Núi, và các Mối Phúc, cho thấy hướng sống
của những ai muốn đón nhận quà tặng Nước Trời với bao hạnh phúc kèm theo.
Để nhận được quà tặng vô giá ấy, để được hưởng hạnh phúc vô bờ ấy,
cần cung kính đưa hai tay để đón lấy với lòng khiêm hạ và biết ơn.
Sống theo các Mối Phúc là có thái độ trân trọng cung kính ấy.
Không đưa tay thì cũng chẳng được quà.
Nhưng không phải cứ đưa tay là có quà,
nếu Thiên Chúa không muốn cho trước khi ta xin.
Kitô giáo không dựa trên nguyên lý nhân quả.
Cung kính đưa tay là sống nghèo khó, cậy dựa vào Thiên Chúa,
là hiền lành, là chịu sầu khổ, chịu bách hại vì Đức Kitô.
Cung kính đưa tay là có lòng thương xót, có tinh thần xây dựng hòa bình,
là làm tất cả mọi sự với quả tim trong sáng, không chút vẩn đục.
Khi làm như thế chúng ta hy vọng được chạm đến Thiên Chúa,
thậm chí được nếm biết Nước Trời ngay từ đời này (cc. 3. 10).
Chúng ta có thể viết thêm những mối phúc mới
qua những kinh nghiệm trong cuộc đời Kitô hữu.
Có bao niềm vui lớn nhỏ mỗi ngày mà ta cảm nhận khi sống lời dạy của Giêsu.
Chỉ khi ấy ta mói
thấy thật sự lời của Ngài là Tin Mừng.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu thương mến,
xin ban cho chúng con
tỏa lan hương thơm của Chúa
đến mọi nơi chúng con đi.
Xin Chúa hãy tràn ngập tâm hồn chúng con
bằng Thần Khí và sức sống của Chúa.
Xin Chúa hãy xâm chiếm toàn thân chúng con
để chúng con chiếu tỏa sức sống Chúa.
Xin Chúa hãy chiếu sáng qua chúng con,
để những người chúng con tiếp xúc
cảm nhận được Chúa đang hiện diện nơi chúng
con.
Xin cho chúng con biết rao giảng về Chúa,
không phải bằng lời nói suông,
nhưng bằng cuộc sống chứng tá,
và bằng trái tim tràn đầy tình yêu của Chúa.
(Mẹ Têrêxa Calcutta )
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ
Suy niệm Mt 5,1-12
Trong Thánh Kinh Cựu Ước Môsê
lên núi để nhận lãnh mười điều luật dạy cho dân biết sống đẹp lòng Thiên Chúa (Xh
24,13.15.18). Trong Thánh kinh Tân ước Chúa Giêsu lên núi để công bố công bố
luật mới của Người, đó là tám mối phúc. Có thể nói đây là bản Hiến Chương Nước
Trời. Bài giảng này cho chúng ta nhận thấy Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi
thành phần trong chúng ta, kể cả những người bị xã hội loại trừ. Nói khác đi
Chúa Giêsu đã mở rộng cửa Trời mời gọi mọi người vào Nước Thiên Chúa. Chúa
Giêsu vạch sẵn phương pháp sống để cho con người được hạnh phúc với Người. Tám
mối phúc cũng có thể gọi là “tám con đường” vào Nước trời.
Cuộc sống có nhiều con đường.
Có những con đường nhiều cạm bẫy, nhiều chông gai.. Có những con đường đưa
chúng ta đi vào ngõ cụt và tội lỗi..
Chúng ta đang đi trên những
con đường nào. Nếu chúng ta đang lạc lối, hãy quay trở về những con đường Chúa
Giêsu đã mở lối cho chúng ta trong bài tin mừng hôm nay.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho con
luôn vượt thắng mọi trở ngại trần gian để con sống xứng đáng là người con của
Chúa. Xin cho con sẵn sàng tiến bước trên những con đường Chúa mời gọi con bước
đi và luôn tin tưởng phó thác trọn cuộc đời con cho Chúa; vì chỉ có Chúa mới là
nguồn hạnh phúc thật cho con mà thôi.
PHÚC THAY!
Thấy
đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người mở
miệng dạy họ rằng:
“Phúc
thay ai có tâm hồn nghèo khó,
Vì
Nước Trời là của họ.
Phúc
thay ai hiền lành,
Vì
họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp. (Mt. 5, 1-4)
Những
lời đầy hy vọng
Phúc
thay, ai có tâm hồn nghèo khó! Phúc thay ai hiền lành! Phúc thay ai sầu khổ!
Phúc thay ai xây dựng hòa bình! Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính!
Người
ta thuộc lòng những lời này. Đó là cốt lõi của Phúc âm. Có lẽ Chúa Giêsu đã
không bao giờ nói lời đẹp hơn. Chưa có người nào trước Người đã nói những lời
chứa chan hy vọng như thế cho những ai phải sống vất vả, chiến đấu, đau khổ, đi
tìm sự thiện.
Quả
là những lời đầy hy vọng! Một ngày nào đây tẩt cả những ai khốn khổ hằng tin
cậy vào Chúa sẽ được hạnh phúc. Một ngày nào đây công bình sẽ được thực thi.
Một ngày nào đây đau khổ sẽ biến mất, tiếng khóc sẽ đổi thành niềm vui cho
những kẻ tin. Mọi sự sẽ đẹp, sẽ tốt, sẽ ngon lành. Những ai rồi đây sẽ phải vất
vả, chiến đấu và đau khổ mà vẫn phó thác ngả mình vào vòng tay yêu thương của
Chúa, sẽ hân hoan sống bên Người.
Những
lời để sống ngay bây giờ
Nhưng
hạnh phúc, phải chăng chỉ ngày mai mới có? Phải chăng đến tận cùng thời gian
lời Chúa hứa cho ta hạnh phúc mới được thực hiện? Mà đã là người, ai lại chẳng
ước mong khi chết rồi sẽ được hưởng niềm vui và hạnh phúc? Chính ngay bây giờ,
hôm nay, ngay lập tức mà chúng ta muốn được hạnh phúc.
Hạnh
phúc dù phải vất vả, dù bị người ta hiểu lầm và giễu cợt, dù bị ốm đau, dù cuộc
sống vất vưởng, có thể được chăng?
Chúa
Giêsu trả lời: được chứ. Ngay bây giờ, chính những ai sống theo tinh thần của
tám mối phúc, người ấy sẽ hạnh phúc. Nhưng mai ngày họ sẽ hạnh phúc hơn. Và
niềm hy vọng này là nguồn vui cho những kẻ ấy ngay từ hôm nay.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng
Sáu
10 THÁNG SÁU
Sự Tự Do Chọn Lựa
Bên cạnh trí năng và mối quan hệ của nó với chân lý, con
người còn có ý chí để chọn lựa. Và ý chí chọn lựa này có liên hệ mật thiết với
sự thiện. Mọi hành vi nhân linh đều có bao gồm một hành vi của ý chí và khả
năng chọn lựa.
Xuất phát từ nhận hiểu căn bản ấy về con người, chúng ta
thấy tự nhiên bật ra vấn đề luân lý. Con người có khả năng chọn lựa giữa điều
tốt và điều xấu, được hướng dẫn bởi tiếng nói lương tâm. Lương tâm hướng dẫn
con người làm điều tốt và lôi kéo con người trở về từ đường nẻo xấu xa.
Rõ ràng, ý chí tự do của con người chi phối đến mối quan hệ
của con người với thế giới, với đồng loại, và làm cho con người khao khát Thiên
Chúa và những gì thuộc về Ngài. Và như chúng ta đã thấy, cũng chính ý chí tự do
thúc đẩy con người kiếm tìm chân lý.
Thực vậy, bản tính thuộc linh của con người là cơ sở thiết
yếu của các khả năng suy lý và lựa chọn tự do. Từ đầu tiên, con người nhận thấy
mình ở trong một mối quan hệ đặc biệt với Thiên Chúa. Bản trình thuật về sáng
tạo trong Thánh Kinh (St 1-3) cho chúng ta thấy rằng “hình ảnh của Thiên Chúa”
được mạc khải trước hết trong mối quan hệ của con người (xét như chủ thể) với
Thiên Chúa (xét như đối tượng). Con người biết Thiên Chúa; trái tim và ý chí
con người có khả năng kết hiệp với Thiên Chúa. Con người có thể nên một với
Thiên Chúa! Con người có thể nói “VÂNG” với Thiên Chúa. Dĩ nhiên, con người
cũng có thể nói “KHÔNG”. Con người có khả năng đón nhận Thiên Chúa và thánh ý
Ngài; song con người cũng có khả năng chống lại Thiên Chúa và chống lại các
hoạch định của Ngài.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan
Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul
II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 10-6
2 Cr 1, 1-7; Mt 5, 1-12
LỜI SUY
NIỆM: Thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi, Người ngồi xuống,các môn đệ đến gần
bên,Người mở miệng dạy họ (Mt 5,1-2)
Vào thời Chúa Giêsu người ta đang mong chờ một
Đấng Giải Thoát. Khi họ thấy Chúa Giêsu xuất hiện, họ đã bám theo để nghe những
giáo huấn của Ngài. Chúa Giêsu thấy khát vọng của đám đông muốn được nên công
chính. Ngài đã đưa ra tám lời chúc phúc, để những ai cố gắng và trung thành với
một trong tám mối phúc đó thì họ sẽ là người công chính và được Đất Hứa là gia
nghiệp. Ước gì mỗi Ki-Tô hữu, chọn lấy cho mình một lời chúc phúc và cố gắng
trung thành sống với lời chúc phúc đó.
Mạnh Phương
10 Tháng Sáu
Hãy Làm
Chủ Chính Mình
Một tác
giả nọ có kể một câu chuyện nghụ ngôn như sau: Một nhà trí thức, một thương gia
và một quan đầu tỉnh bị quân cướp tấn công nhân một cuộc hành trình giữa sa
mạc. Sau khi đã đánh đập, bọn cướp bỏ ba người dở sống dở chết bên lề đường.
Tuy nhiên, ba người cũng cố gắng lê bước để tìm đến túp lều của một vị ẩn sĩ.
Sau khi đã băng bó các vết thương cho ba người, vị ẩn sĩ mới nói với họ:
"Túp lều của tôi quá nhỏ. Mùa đông lại sắp đến. Xin mỗi vị cố gắng làm
riêng cho mình một căn lều để trú ẩn".
Nghe thế
cả ba người bộ hành đều chống chế, vì họ chỉ muốn tiếp tục cuộc hành trình mà
thôi. Vị ẩn sĩ mới cho họ biết rằng tuyết đã bắt đầu rơi và không còn một lối
thoát nào có thể giúp họ ra khỏi vùng sa mạc.
Nhưng
làm thế nào để tự mình có thể dựng cho mình túp lều? Nhà trí thức thì than
phiền rằng mình không có sách vở trong tay. Thương gia thì quả quyết rằng cả
đời mình chỉ biết đếm tiền và giao dịch. Còn viên đầu tỉnh thì cho rằng ông
không thể làm việc gì mà không có thuộc hạ.
Nhưng
nước đến trôn rồi thì cũng đành phải nhảy. Không còn lý do gì để khước từ, cả
ba người đành phải bắt tay vào dựng riêng cho mình căn lều. Khi họ vừa hoàn
thành túp lều thì mùa đông cũng vừa đến. Trong suốt mùa đông dài, họ không còn
bít làm gì hơn là ngồi bên bếp lửa để ôn lại chuyện quá khứ... Vị ẩn sĩ thỉnh
thoảng cũng xen vào câu chuyện để góp ý và an ủi ba người bất hạnh.
Ðông
tàn, xuân đến. Ba người bộ hành muốn lên đường trở về tức khắc. Nhưng lòng tốt
và tình bạn của nhà ẩn sĩ không nỡ để họ ra đi. Thành ra, họ đành ở nán lại một
thời gian để giúp ông cày xới và gieo trồng cũng như chăm sóc gia súc. Và rồi,
khi ánh nắng xuân chiếu tỏa giữa sa mạc, họ cũng ở lại thêm một thời gian để
ngắm cảnh thiên nhiên...
Một ngày
nọ, vị ẩn sĩ mới thắc mắc như sau: "Tôi không còn nghe các ông nói đến
sách vở, công việc làm ăn và những người thuộc hạ nữa. Có chuyện gì xảy ra cho
các ông không?". Cả ba người đều giữ thinh lặng. Vị ẩn sĩ mới nói tiếp:
"Tôi xin phép được trả lời cho các ông nhé. Trước kia, các ông có một ông chủ,
ông chủ của các ông có tên là sách vở, là tiền bạc, là các thuộc hạ. Giờ đây,
các ông cũng giống như chó lạc mất chủ, các ông cảm thấy tự do. Nhưng tôi nghĩ
rằng tốt hơn là các ông nên trở về với sách vở, với tiền bạc, với các thuộc hạ
của các ông. Trêu về nhưng không với tư cách là nô lệ nữa. Các ông hãy là chủ
chính mình. Và nếu các ông muốn có một người chủ luôn để cho các ông tự do hoàn
toàn, xin hãy nhớ đến tôi và chủ của tôi".
Lục soát cho kỹ trong lương tâm, có lẽ ai
trong chúng ta cũng phải thú nhận rằng mình là nô lệ của rất nhiều ông chủ.
Có ông chủ mang tên là một ý thức hệ kiên cố
đang trói buộc đôi cánh tư tưởng của chúng ta. Chúng ta bị giam hãm trong vòng
nô lệ đến độ không dám đưa chân bước ra khỏi vòng tròn mà ý thức hệ đó đã vẽ
sẵn.
Có ông chủ mang tên là những định kiến đối với
cuộc đời, đối với xã hội, đối với con người mà chúng ta không bao giờ muốn từ
bỏ, mà chúng ta luôn chụp xuống trên người khác có lẽ cúng là hàng rào kẽm gai
mà chúng ta khoanh tròn xung quanh chúng ta để mãi mãi chỉ mang lấy một cái
nhìn hẹp hòi, ích kỷ.
Có ông chủ là những thói quen xấu mà chúng ta
tích lũy như một pháo đài kiên cố để không muốn rời một bước.
Có ông chủ là thứ tôn giáo vụ hình thức trong
đó chúng ta cố gắng tô vẽ cho mình một bộ mặt đạo đức, nhưng kỳ thực lại hoàn
toàn xa lạ với Tin Mừng của Chân Lý và tự do đích thực.
Mỗi người chúng ta cần phải rời bỏ những ông
chủ quen thuộc để đi vào trong túp lều nhỏ bé, nhưng chính do chúng ta cố gắng
tự tạo ra. Nơi sa mạc của cõi lòng, chúng ta sẽ gặp được chính Chúa làông chủ
đích thực của chúng ta. Có trút bỏ mọi ràng buộc trong cuộc sống, chúng ta mới
cảm thấy được Ngài chiếm ngự và lúc đó chúng ta mới cảm nhận được niềm hạnh
phúc đích thực mà Chúa Giêsu đã hứa: "Phúc cho những ai có tinh thần nghèo
khó".
(Lẽ Sống)
Thứ Hai 10-6
Chân Phước Joachima
(1783-1854)
S
|
inh trong một gia đình quý tộc ở Barcelona, Tây Ban Nha, khi lên
12 tuổi Joachima đã muốn trở thành một nữ tu dòng Camêlô. Nhưng cuộc đời ngài
thay đổi, khi 16 tuổi ngài kết hôn với một luật sư trẻ, Theodore de Mas. Cả hai
rất đạo đức và đều gia nhập dòng Ba Phanxicô. Trong 17 năm thành hôn, họ có tất
cả tám người con.
Ðời sống gia đình êm ả của họ bị khuấy động khi Napoleon xâm lăng
Tây Ban Nha. Joachima phải đem các con đi lánh nạn; trong khi Theodore ở lại
nhà và đã chết. Mặc dù Joachima lại mong muốn đi tu, nhưng bà phải chu toàn bổn
phận của một người mẹ. Ðồng thời, người goá phụ trẻ này bắt đầu một cuộc sống
khắc khổ và chiếc áo dòng Ba Phanxicô đã trở nên y phục thường ngày của ngài.
Trong cuộc sống hy sinh hãm mình ấy, bà dành nhiều thời giờ để cầu nguyện và
thăm viếng kẻ liệt.
Bốn năm sau, khi các con đã khôn lớn và đã thành gia thất, chỉ còn
người con út vẫn độc thân, bà Joachima đã nói lên khao khát đi tu với cha giải
tội. Do sự khuyến khích của cha, bà đã thành lập tu hội Camêlô Bác Ái. Giữa
những cuộc chiến huynh đệ tương tàn vào thời ấy, bà Joachima đã bị cầm tù và
sau này, bị đầy sang Pháp trong một vài năm.
Vì đau yếu bệnh hoạn, bà đã phải từ chức bề trên tu hội. Trong
vòng bốn năm kế tiếp, từ từ bà bị tê liệt. Cho đến khi từ trần năm 1854 lúc 71
tuổi, bà là người nổi tiếng và được mọi người khâm phục về tinh thần cầu
nguyện, sự tín thác sâu xa vào Chúa và lòng bác ái vô bờ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét