Chúa Nhật Ngày 16/06/2013
Chúa Nhật Tuần XI Thường
Niên – Năm C
(Phần II)
Giáo Lý Phúc Âm Chúa Nhật XI
Quanh Năm, 16.6 2013
CHÚA NHẬT XI QUANH NĂM, NĂM C
Sách Samuel quyễn II, 12.7-10.13; Thư Thánh
Phaolô gửi tín hữu Galata 2.16.19-21
và Phúc Âm Thánh Luca 7.36-8.3
I. Giáo Huấn P.Â.:
Thiên Chúa, Đấng cực thánh và vô tội. Chỉ
Ngài mới có quyền tha tội. Khi nói “Tội của chị đã được tha rồi!” Chúa Giêsu
muốn nói “Ta là Thiên Chúa!”
Muốn không phạm tội hay muốn được tha tội,
tội nhân phải có tình yêu Chúa. Yêu Chúa là yêu sự thánh thiện. Càng yêu sự
thánh thiện càng muốn xa tránh phạm tội. Đó là ý nghĩa của câu nói: Ai yêu mến
nhiều, sẽ được tha thứ nhiều.
Chúa Giêsu, Đấng cứu thế hay nói cách
khác: Đấng đến mang tình thương và sự tha thứ.
II.
Vấn nạn P.Â.
Nhóm Biệt Phái là ai?
Trong xã hội Do Thái thời Chúa Giêsu có ba
nhóm tôn giáo được nhiều người biết đến là: Biệt Phái, Sadducêô và Essenô.
Không có tài liệu chắc chắn cho biết nhóm Biệt Phái phát xuất từ thời nào trong
lịch sử Do Thái. Chỉ biết là có một nhóm người gọi là Biệt Phái xuất hiện
khoảng năm 165 trước Công Nguyên thời anh em nhà Maccabêô nổi lên chống ngoại
bang.
Biệt Phái có nghĩa là tự tách mình ra khỏi
đám đông quần chúng và cho mình là người trung thành với Chúa và với luật Môsê
nhất cũng như được Chúa yêu. Họ tự hào về sự thánh thiện và trong sạch của mình
qua việc tuân giữ thật nhiệm nhặt những chi tiết luật lệ. Tất cả mọi người là
tội lỗi nhất là bọn thu thuế và đĩ điếm. Nên họ rất lấy làm khó chịu khi thấy
Chúa đến dùng bữa nhà Ông Giakêu, tên trùm thuế vụ hay để cho người phụ nữ mang
tai tiếng chạm vào người mình như trong bài Phúc Âm hôm nay.
Biệt Phái không chấp nhận Chúa Giêsu là Con Thiên
Chúa và là Đấng Cứu Thế. Con Thiên Chúa không thể nào bần hàn như con Bác thợ
mộc Giuse và bà Maria trong làng Nazareth .
Con Thiên Chúa phải là dòng tộc David, người đến đễ làm vua, để giải phóng
người Do Thái khỏi ách đô hộ La Mã, chứ ai đời “chim có tổ, nhưng con người
không có chỗ gối đầu!” Trong phiên toà tôn giáo vào đêm Thứ Năm, Thượng
Tế Caipha đã xé toạt áo mình ra làm chứng rằng: Nó nói phạm thượng! Nó dám tự
nhận mình là Con thiên chúa. Bao nhiêu đó là đủ chết rồi không cần chứng cớ nào
khác.
Chúa
Giêsu chỉ trích Biệt Phái nhiều điều, nhất là thói giả hình:
"Luật sĩ và Biệt Phái ngồi trên toà Môsê để
chỉ dạy dân chúng, thực hành những gì họ bảo, nhưng đừng làm theo những gì họ
làm. Họ chất những gánh nặng trên vai người khác, còn bản thân họ không bao giờ
đưa ngón tay lay thử. Họ thích làm mọi chuyện cho người ta thấy như may dài tua
áo, thích ngồi chỗ danh dự nơi hội đường và thích được chào hỏi nơi phố chợ”
(Matt. 23, 2-9)
"Khốn cho các ngươi luật sĩ và Biệt Phái, vì
các ngươi đóng cửa nước Trời! các ngươi đã không vào thì chớ mà cũng không cho
người khác vào! (Matt. 23, 13)
Còn nhiều đoạn Phúc
Âm khác có thể trưng dẫn về những chỉ trích Chúa dành cho người Biệt Phái, nhất
là trong Phúc Âm Matthêô và Matcô. Vỉ đây là hai phúc Âm được viết cho người Do
Thái chính gốc, những người được sinh ra và lớn lên với ảnh hưởng sâu đậm của
truyền thống Cựu Ước. Riêng Phúc Âm Thánh Luca viết cho những tân tòng và trình
bày đặc biệt về lòng thương xót của Chúa. Nên Luca thỉnh thoảng nói về những
người Biệt Phái cởi mở, mời Chúa Giêsun đến nhà dùng cơm như Ông Biệt Phái
Simon hôm nay. Trong Tông Đồ Công Vụ Luca cũng tường thuật chi tiết về
việc trở lại của Phaolô thành Tarsê tức Thánh Phaolô, nguyên là một Biệt Phái
nỗi danh.
Tại sao người đàn bà tội lỗi có thể lọt vào
nhà Biệt Phái Simon và làm chuyện: xức dầu thơm cho Chúa, khóc lóc sướt mướt
làm ướt cả chân Chúa và lấy tóc mà lau chân Chúa?
Chúa Giêsu xuất hiện rao
giảng tin mừng, làm phép lạ chữa bệnh tật. … Nên nhiều người theo Ngài. Người
ta tin Ngài là tiên tri hay là Đấng cứu thế đến từ trời cao. Nên Chúa Giêsu trở
thành tụ điểm, lôi cuống và qui tụ dân chúng đến nỗi có lần người ta đứng đầy
từ bên ngoài nhà và người bất toại đã phải đưa lên mái nhả, dỡ ngói, thòng dây
đưa xuống trước Chúa Giêsu. Nên người phụ nữ tội lỗi nầy có thể trà trộn với
đám đông lọt được vào nhà Ông Biệt Phái Simon.
Tuy nhiên vẫn còn thắc
mắc: sao chị lại có thể vào phòng tiệc của nhà Ông Simon để xức dầu thơm, rồi
khóc lóc và lấy tóc lau chân Chúa? Những nhà chú giải Kinh Thánh cắt nghĩa
rằng: Chúa đã biết chị ta từ trước và Ông Simon đã tưởng là Chúa Giêsu
mời chị ta chăng? Ông Simon nể Chúa Giêsu như khách danh dự thì cũng phải để
người quen biết Chúa Giêsu dù có tai tiếng nầy trong phòng tiệc.
Tại sao Ông Simon đã
không lấy nước lã rửa chân cho Chúa, hay hôn Chúa hay xức dầu thơm cho Chúa
theo thói tục người Do Thái, nhất là Biệt Phái? Ông Simon quí mến Chúa và mời
Chúa dùng cơm tối. Nhưng ông vẫn là người Biệt Phái kiêu căng. Ông không đủ can
đảm phớt lờ dư luận, nhất là sự chỉ trích từ nhóm Biệt Phái rằng: Ông đã
tiếp đón một người không là Biệt Phái vào nhà và còn dành mọi nghĩa cử kính
trọng hay thân tình cho người không là Biệt Phái nầy.
Tại sao trong bài Phúc Âm hôm nay, người
đàn bà tội lỗi phải xức thuốc thơm, khóc lóc và lấy tóc lau chân Chúa để xin ơn
tha tội?
Xức thuốc thơm: Không như nghi thức sát tế
chiên bò để chuộc tội. Nhưng thuốc thơm quí giá và đắt tiền. Nó tượng trưng cho
một hy sinh lớn trong cuộc sống của con người. Nước mắt khóc vì hối lỗi và lau
chân bằng chính tóc mình là cử chỉ hạ mình tuyệt đối. Người sám hối coi mình
như một nô lệ chỉ đáng chạm tới chân ông chủ. Người đàn bà tội lỗi trong Phúc
Âm Luca hôm nay đã bày tỏ lòng ăn năn sám hối đến tột cùng. Đồng thời chị nhìn
nhận, Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng có quyền tha tội.
Chính vì thế chị đã nhận được ơn tha tội và
ơn đức tin: Tin người mình khóc lóc dưới chân và lấy tóc lau là Thiên chúa.
Những Phúc Âm khác có tường trình người phụ nữ tội lỗi nầy không?
Mỗi Phúc Âm đều có tường thuật việc Chúa
được một người đàn bà rửa chân. Nhưng không ai có thể xác quyết đây là một câu
chuyện.
Phúc Âm Matthêô 26, 6-13
tường thuật rằng: Khi Chúa Giêsu ở Bêtania trong nhà Ông Simon tật phung thì
xuất hiện một người đàn bà với bình dầu thơm quí giá đổ trên đầu Chúa Giêsu.
Các tông đồ Chúa tiếc sót cho sự phí phạm liền nói: Tại sao phí phạm thế, có
thể đem bán bình đầu thơm nầy và lấy tiền cho người nghèo. Chúa Giêsu đối
lại: Tại sao anh em quấy rầy người phụ nữ nầy làm gì? Chị ta đã làm một nghĩa
cử rất đẹp cho Ta. Anh em luôn có người nghèo, còn Ta, anh em không có luôn
đâu. Chị ta đã đổ dầu thơm ra để táng xác Ta. Nên Ta nói thật với anh em: Nơi
đâu Tin Mừng được rao giảng, việc làm của chị ta hôm nay sẽ được truyền tụng.
Phúc Âm thánh Matcô
14,3-9 cũng có tường thuật khá giống với Matthêô: Chuyện xảy ra ở Betania, trong
nhà Ông Simon tật phung. Người đàn bà xuất hiện, đập bể bình dầu thơm và xức
trên đầu Chúa Giêsu………..
Phúc Âm Gioan 12, 1-8
tường thuật: Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, ở Bêtania, trong nhà chị em Ladarô.
Chị Marta phục vụ bàn ăn. Maria lấy bình đầu thơm quí giá, đổ ra trên chân Chúa
và lấy tóc mình mà lau. Cả nhà sực mùi thơm. Giuđa Iscariót phát biểu: Bình dầu
thơm đáng giá một năm tiền công, sao không đem bán mà bố thí cho người nghèo.
Phúc Âm Gioan còn nói thêm: Giuđa chẳng có lòng gì với người nghèo, nhưng Ông
ta giữ túi tiền và có lòng tham. Chúa Giêsu bảo: Để mặc chị ta. Chị ta có ý
dành thuốc thơm để liệm xác Ta. Người nghèo, anh em có luộn. Còn Ta, không phải
anh em luôn có.
Nhiều người không nghĩ
đây là một câu chuyện với những tường thuật khác nhau. Vì trong Phúc Âm
của Luca, câu chuyện xảy ra năm đầu sứ vụ của Chúa Giêsu. Còn ba phúc Âm khác
thì chuyện xảy ra gần cuối đời Chúa Giêsu, trước khi Chúa bị bắt và bị giết
chết. Thêm vào đó, Phúc Âm Luca nói “tại nhà người Biệt Phái tên Simon” Còn Phúc
Âm Mathhêô và Marcô thì nói “Simon tật phung”. Phúc Âm Thánh Gioan thì đề cập
tới gia đình Ladarô, người đã được Chúa cho sống lại. Marta phục vụ còn Maria
thì xức thuốc thơm trên chân Chúa. Phúc Âm Luca và Gioan thì nói “xức dầu thơm
trên đầu” Còn Matthêô và Luca thì trên chân.
Nhưng cũng không ai
cho rằng đây là bốn cầu chuyện khác nhau được tường thuật trong bốn Phúc Âm.
Người ta đồng ý có ít là hai câu chuyện xức dầu. Câu chuyện của Luca tường
thuật ở nhà Biệt Phái Simon hoàn toàn khác với câu chuyện xảy ra ở Bêtania nhà
Simon tật phung.
Tiền tệ lưu hành thời
Chúa Giêsu và giá trị tương xứng như thế nào?
Có ba loại tiền tệ lưu
hành trên đất Do Thái thời Chúa Giêsu:
Đồng tiền Rôma, cũng
gọi là Roman Denarius, làm bằng bạc, một mặt có hình hoàng đế Cêsar, được lưu
hành khắp Đế Quốc Roma, nó tương đương với lương công nhật của một người lao
động. Trong dụ ngôn người Samaritanô nhân hậu trong Phúc Âm Luca 10.25-37, chủ
quán được trả hai đồng Denarius để chăm sóc nạn nhân trong đôi ngày. Trong Phúc
Âm Matthêô 22.19 Chúa Giêsu bị gài bẩy xem có nên nộp thuế cho Hoàng Đế Roma
không? Chúa Giêsu yêu cầu đưa đồng tiền lưu hành. Họ đã đưa đồng bạc La Mã, tức
đồng Denarius có hình hoàng đế.
Đồng tiền làm bằng
đồng, cũng gọi là Đồng tiền Do Thái. Đế Quốc La Mã cho phép người Do Thái làm
tiền riêng, chỉ bằng đồng thôi, xử dụng trong khu vực đền thờ Giêrusalem. Đồng
bạc Do Thái nầy có giá trị bằng 1/16 đồng tiền Roma. Đồng tiền Do Thái nầy được
nói đến trong Matthêô 10.29 và Luca 12.6 về 2 con chim sẻ bán được một đồng Do
Thái. Hay Bà góa nghèo trong Matcô 12.41 và Luca 21.1-4 chỉ bỏ hai đồng bạc Do
Thái vào thùng tiền dâng cúng, chỉ xứng đáng vài xu so với Denarius của La Mã.
Đồng tiền Hy Lạp, cũng
gọi là tiền tỉnh bang, thường lưu hành trong các tỉnh như Antioch
hay Tyre , tức
vùng có giao thương mãi với lâng bang. Đồng tiền nầy có giá trị ngang với
tiền La Mã. Người ta cho rằng, thuế đền thờ tính bằng tiền Hy Lạp như trong
Matthêô 17.27 và Biệt Phái cũng trả cho Giuđa tiền bán Chúa 30 đồng tiền Hy Lạp
như trong Matthêô 28.12.
Chúng ta cũng nghe nói
đến nén bạc, như trong dụ ngôn người chủ giao số lượng nén bạc khác nhau cho
gia nhân trước khi đi xa như trong Matthêô 25.14-30. Đây là số lượng tiền
rất lớn, bằng lương 15 năm của một công nhân thời bấy giờ.
III. Thực hành P.Â.:
1) Tình thương và sự tha thứ qua bí tích giải tội.
Nhiều người cảm thấy ngại đi xưng tội, vì:
Nếu chúng ta có tội, chúng ta xúc phạm đến
Chúa, chỉ cần xin lỗi Chúa là đủ.
Thật ngại nói tội mình ra với người khác.
Hơn nữa linh mục cũng có tội. làm sao một tội nhân lại có thể tha tội cho một
tội nhân khác.
Phạm tội là xúc phạm đến Chúa nhưng cũng
làm thương tổn đến Hội Thánh. Tội nhân là những vết thương của thân thể mầu
nhiệm Chúa Kitô, tức Giáo Hội. Nếu ai đó có tính chơi bời dâm đảng, người khác
sẽ chê cười rằng: “người Công Giáo mà làm như vậy!” Nên phạm tội là xúc phạm và
làm tổn thương Giáo Hội.
Chúa dựng nên chúng ta có hồn, có xác, tức
phải có những gì cụ thể trông thấy được. Khi chúng ta có lỗi với người khác,
chúng ta không thể nói rằng: tôi thật lòng xin lỗi là được và đủ. Chúng ta phải
đi tìm gặp người mình xúc phạm, nói lời xin lỗi và nhận sự tha lỗi. Chúa đòi
chúng ta phải đến gặp linh mục. Qua vị đại diện Chúa, chúng ta xưng thú tội,
chúng ta xin lỗi và nhận ơn tha tội.
Dù linh mục là tội nhân như bao người khác,
nhưng linh mục nhận quyền tha tội qua bí tích truyền chức thánh. Quan toà hay
chánh án cũng là những người lỗi luật đi đường hay phạm tội hình sự. Nhưng khi
làm chánh án hay quan toà, người đó đại diện cho pháp luật để xét xử tội phạm.
Linh mục nhân danh chúa và Giáo Hội để tha tội và ra việc đền tội cho chúng ta.
Chúng ta cứ thử nghĩ xem nếu không có bí
tích giải tội, chúng ta sẽ như thế nào. Chúng ta sẽ chết trong tội. Nếu chúng
ta chết trong tội thì hoá ra chúng ta phí phạm công trình cứu chuộc của Chúa?
Nên vì thương, Chúa xuống trần gian. Vì thương Chúa đã lập bí tích hoà giải, để
chúng ta, những con người yếu đuối có dịp để nhận sự tha thứ và được cứu độ. Bí
tích giải tội như hành trang cần thiết: như tiền bạc hay thuốc uồng mà
cha mẹ chuẩn bị cho con cái sắp đi hành trình xa. Thường con cái không thấy
cần. Nhưng Cha Mẹ là người có kinh nghiệm, biết là con mình có lúc cần đến số
tiền hộ thân hay thuốc uống trên đường đi.
Chúa biết chúng ta yếu đuối hay sa phạm
tội. Nên ngoài bí tích rửa tội để tha tội tổ tông. Chúng ta sau đó còn cần bí
tích giải tội để cứu sống chúng ta sau mỗi lần sa ngã phạn tội trên đường đời.
Bí tích giải tội rất rõ nghĩa của tình thương và sự tha thứ,
2) Giải tội tập thể! Thật giản tiện và thực tế sao không thấy áp dụng
thường xuyên trong Giáo Hội?
Không thấy
áp dụng việc xưng tội tập thể thường xuyên vì không được phép.
Giáo Luật số
961 qui định như sau:
§1.
Không thể ban ơn xá giải chung cho nhiều hối nhân cùng một lúc, nếu mỗi cá nhân
không thú tội trước, trừ:
1°
trường hợp nguy tử sắp xảy ra và không đủ giờ để cho một hay nhiều tư tế nghe
từng hối nhân xưng tội. Thí dụ lính sắp ra trận hay thiên tai bão lụt đang sắp
xảy ra.
2°
trường hợp có nhu cầu nghiêm trọng, nghĩa là khi có đông hối nhân mà không có
đủ Cha giải tội để nghe từng người xưng tội đúng cách trong một thời gian thích
hợp, đến nỗi các hối nhân không được lãnh ơn của bí tích hoặc không được rước
lễ trong thời gian lâu dài mà không do lỗi của họ, tuy nhiên không được coi là
có nhu cầu đủ, khi không có sẵn Cha giải tội vì có đông hối nhân như có thể xảy
ra trong một ngày lễ lớn hoặc trong một cuộc hành hương lớn nào đó.
§2
Việc nhận định xem những điều kiện cần thiết chiếu theo quy tắc của §1,
2° có hay không là thuộc về Giám Mục Giáo phận; Ngài có thể xác định những
trường hợp có nhu cầu như thế, dựa vào những tiêu chuẩn đã được thoả thuận
chung với các thành viên khác của Hội Đồng Giám Mục.
Như vậy chỉ có thể lãnh nhận bí tích hoà giải tập thể trong trường hợp thật sự
nguy tử nghiêm trọng và trong trường hợp mà Đức Giám Mục địa phận (không là
Giám Mục phụ tá hay Giám Mục phó) nhận định và cho phép ban bí tích giải tội
tập thể.
Tuy nhiên sau đó hối nhân càng sớm càng tốt phải xưng tội cá nhân, nhất là
những tội trọng. Giáo Hội không chấp nhận việc lãnh bí tích giải tội tập thể
hai lần liên tiếp mà không có xưng tội cá nhân ở giữa. (Giáo Luật điều 962)
Lm. Phêrô Trần
thế Tuyên
16/06/13 CHÚA
NHẬT TUẦN 11 TN – C
Lc 7,36-8,3
Lc 7,36-8,3
XIN CHO CON YÊU CHÚA NHIỀU
“Dầu Ô-liu ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị này thì lấy
dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay, tội chị rất nhiều
nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều.” (Lc 7,46-47)
Suy niệm: Vừa qua, một nhiếp ảnh gia Mỹ
đã gây sửng sốt khi công bố bộ ảnh chụp cảnh dùng máy cưa nát chiếc túi Birkin
trị giá 100.000 đô la. Giải thích lý do tiêu hủy đồ vật đắt tiền đó, người bạn
thân của nhà nhiếp ảnh cho biết: họ muốn chống lại thói lệ thuộc của con người
vào những giá trị vật chất. Người phụ nữ trong Tin Mừng hôm nay có một hành
động tương tự, đổ cả chai dầu thơm hảo hạng để xức chân Chúa. Chị không chỉ bày
tỏ quyết định chấm dứt lệ thuộc vật chất, những thứ mà suốt những năm dài qua
chị đã bán mình để kiếm lấy và dùng nó để bôi thơm cho con người tội lỗi của
chị, mà còn bày tỏ sự dứt khoát đối với tội lỗi. Chính Chúa là động lực để chị
đi đến quyết định gây sửng sốt đó. Sự thay đổi như thế xuất phát từ lòng yêu
mến Chúa.
Mời Bạn: Có những thứ vật chất nào đang
lôi kéo bạn xa Chúa? Những quyến luyến bất chính nào đang ràng buộc bạn? Bạn có
dám rời khỏi những dan díu ấy để bày tỏ đức tin và lòng yêu mến của bạn vào
Chúa Giêsu không?
Chia sẻ với nhau một kinh nghiệm bày tỏ
lòng yêu mến Chúa có ấn tượng với bạn nhất.
Sống Lời Chúa: Từ bỏ một tính xấu hay tật xấu
để bày tỏ lòng yêu mến Chúa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã không
chê ghét người phụ nữ tội lỗi, xin cũng đừng bỏ rơi chúng con, nhưng xin cho
chúng con biết sẵn sàng bày tỏ lòng yêu mến Chúa trong những hành động của
chúng con. Amen.
TỘI BÀ RẤT NHIỀU MÀ ĐÃ ĐƯỢC THA, VÌ BÀ ĐÃ
YÊU MẾN NHIỀU!
(CHÚA NHẬT XI/C)
SUY NIỆM
Tội con đã được tha rồi. Đức Tin của con đã cứu con. Con hãy
về bằng an!
Ôi, phán quyết chung cục thật nhân hậu biết bao! Có lời tha
thứ nào êm ái dịu ngọt hơn? Rồi thêm lời khẳng định được nêu cao. Và lời cầu
chúc rộng mở cho một cuộc sống mới được khởi đầu với bình an của THIÊN CHÚA.
Đúng như lời thánh vịnh 32(31) ca lên rằng: ”Hạnh phúc thay, kẻ lỗi lầm mà được
tha thứ, người có tội mà được khoan dung. Hạnh phúc thay, người Chúa không hạch
tội, và lòng trí chẳng chút gian tà” (1-2).
Trình thuật Tin Mừng mô tả một khung cảnh tuyệt đẹp về hành
động thống hối vô cùng khiêm hạ và thật công khai của người đàn bà tội lỗi nổi
tiếng trong thành. Chắc chắn mọi người có mặt đều biết rõ bà này là ai. Bà đã
công khai phạm tội. Bà từng sống bất cần các phán đoán xét xử của loài người.
Bà khinh thường danh thơm tiếng tốt. Bà chà đạp nhân phẩm của mình và danh dự
của gia đình. Và nhất là bà dám công khai xúc phạm đến chính THIÊN CHÚA, Đấng
là chủ tể vận mệnh con người.
Người nữ được dựng lên để phụ giúp người nam, để hoàn thành
một công trình còn dang dở. Nhưng phụ nữ đầu tiên đã phá đổ công trình ấy cũng
như ý hướng ban đầu của THIÊN CHÚA. Từ đó, đã có không biết bao nhiêu người nữ
trở thành dụng cụ phá đổ thay vì xây dựng. Và người đàn bà tội lỗi trong trình
thuật Tin Mừng trên đây là một trong những kẻ phá đổ đó. Bà phá đổ hạnh phúc
của các gia đình khác khi quyến rũ các ông chồng đi theo bà. Bà đã làm cho các
bà mẹ và bà vợ phải đổ không biết bao nhiêu giọt nước mắt vì bà.
Nếu trước đây bà công khai lăng loàn, bất chấp và chà đạp
tất cả thì giờ đây bà cũng đạp đổ tất cả để công khai ăn năn thống hối. Khi bà
bước vào nhà ông Simon, chắc hẳn có những cặp mắt thèm thuồng hoặc khinh bỉ
chằm chặp nhìn bà. Mọi người sẵn sàng lên án và kết tội bà. Nhưng bà bất cần.
Bà hoàn toàn không nao núng trước các lời xầm xì và nhạo báng. Bà chỉ khiêm tốn
đến van xin sự tha thứ và lòng từ bi nhân hậu của Đức Chúa GIÊSU. Bà dùng chính
các phương dược thuần túy nữ giới để chuộc lại lỗi lầm. Đó là: Thuốc thơm, bộ
tóc và nước mắt.
Và tâm tình thống hối chân thành của bà được Đức Chúa GIÊSU
KITÔ, Đấng Cứu Thế, tiếp nhận với lòng khoan dung. Đức Chúa GIÊSU tuyệt đối
không đồng lõa với tội ác cũng không về phe những kẻ có tội. Không. Ngài chỉ
tiếp rước, cứu độ và tha thứ cho kẻ có tội. Ngài băng bó và chữa lành các vết
thương. Ngài thấu rõ tâm lòng hối nhân. Vòng tay Ngài luôn luôn âu yếm rộng mở
và chờ đón. Tình Yêu của Đức Chúa GIÊSU KITÔ vượt lên trên mọi phê phán xét xử
bất công và đê tiện của loài người. Tình Yêu Ngài ngút ngàn chất ngất tận Trời
Cao! Không ai có thể suy cho cùng, hiểu cho thấu.
Ôi dịu dàng biết bao khi Đức Chúa GIÊSU đưa ra lời phán
quyết chung cục cho người đàn bà tội lỗi: ”Tội con đã được tha rồi. Đức Tin của
con đã cứu con. Con hãy về bằng an!”
Ước gì mỗi tín hữu Công Giáo cũng được nghe chính lời Đức
Chúa GIÊSU phán như thế.
Tuy nhiên, còn điểm lưu ý sau cùng. Đó là bí thuật của người
đàn bà để nhận ơn tha thứ. Chính Đức Chúa GIÊSU tiết lộ: ”Tội bà rất nhiều mà
đã được tha rồi, vì bà đã yêu mến nhiều”. Đúng thế. Chính tình yêu là động lực
điều khiển tất cả. Ai yêu nhiều sẽ hiểu nhiều. Ai yêu nhiều sẽ nhận được nhiều.
Ai yêu nhiều sẽ làm được những điều kỳ diệu. Kỳ diệu của trái tim chứ không
phải của những hào nhoáng phù du chóng qua của thế gian giả dối. Ai yêu nhiều
sẽ vượt thắng tất cả và có khả năng chấp nhận cả đến hy sinh mạng sống vì Tình
Yêu THIÊN CHÚA. Đó là hành động hy sinh tuyệt đỉnh của các vị thánh tử đạo trải
qua hơn hai ngàn năm lịch sử của Giáo Hội Công Giáo, trong đó có 117 Thánh Tử
Đạo Việt Nam .
Ngày 19-6-2013 kỷ niệm đúng 25 năm (19-6-1988) Đức Chân Phúc Giáo Hoàng Gioan
Phaolô II tuyên phong 117 anh hùng tử đạo Việt Nam lên hàng hiển thánh. Mừng kỷ
niệm với lòng chân thành tri ân các đấng bậc đã qua đời cũng như những vị còn
sống đã góp phần vào tiến trình tuyên phong hiển thánh cho 117 anh hùng tử đạo
Việt Nam. Xin THIÊN CHÚA Nhân Lành trả công bội hậu cho tất cả các vị. Xin
THIÊN CHÚA Ba Ngôi chúc lành cho tổ quốc và Giáo Hội Công Giáo Việt Nam thân yêu.
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
Radio Vatican
Lectio: Chúa Nhật XI Thường Niên (C)
Chúa Nhật, 16 Tháng 6, 2013
Chúa Giêsu tiếp đón và
bênh vực người đàn bà với bình thuốc thơm
Niềm tin tưởng của người nghèo
khó vào Đức Giêsu
Lc 7:36 – 8:3
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau. Trong ánh sáng
của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên
Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và
cái chết của Chúa. Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn gốc của sự sống và sự sống lại.
Xin hãy tạo sự thinh lặng trong
chúng con để chúng con
có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tác Tạo và trong
Kinh Thánh, trong các sự kiện của đời sống hằng ngày và trong những người chung
quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ. Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con để, giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và
làm chứng cho những người khác rằng Chúa
đang sống hiện hữu giữa chúng
con như nguồn gốc của tình anh
em, công lý và hòa bình. Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con của Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã gửi Chúa Thánh Thần đến với chúng con. Amen.
2. Bài Đọc
a) Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Bài Phúc Âm của Chúa Nhật tuần này đặt trước chúng ta hai phân cảnh liên quan với nhau. Phân cảnh thứ nhất thì khá cảm động. Một người phụ nữ được cho là người tội lỗi trong
thành, đã có đủ can đảm để đi vào nhà ông Simon, một người Biệt Phái, đang trong bữa ăn, để gặp Chúa Giêsu, người đàn bà này đã rửa chân cho Chúa, hôn chân
Chúa và xức thuốc thơm. Phân cảnh thứ hai mô tả cộng đoàn của Chúa Giêsu gồm những người đàn ông và phụ nữ.
Khi đọc đoạn Phúc Âm này, bạn hãy tưởng tượng mình đang ở trong nhà của người Biệt Phái, ngồi tại bàn và quan sát cẩn thận các thái
độ, hành động và lời nói của những người đang hiện diện ở đó, người phụ nữ, Chúa
Giêsu và người Biệt Phái. Bạn hãy đọc lại đoạn tài liệu ngắn mà Luca đã đưa ra liên quan đến cộng đoàn đang tập hợp xung
quanh Chúa Giêsu và hãy cố gắng xem xét kỹ lưỡng những lời đã được dùng để thấy rằng cộng đoàn được bao gồm những người đàn ông và phụ nữ đi theo
Chúa Giêsu.
c) Phần phân đoạn văn bản để trợ giúp cho
bài đọc:
Lc 7:36-38: Người phụ nữ rửa chân
Chúa Giêsu trong
nhà một người Biệt Phái
Lc 7:39-40: Phản ứng của người Biệt Phái và
câu trả lời của Đức Giêsu
Lc 7:41-43: Dụ ngôn về hai người mắc nợ và câu trả lời của người Biệt Phái
Lc 7:44-47: Chúa
Giêsu dùng dụ ngôn để biện hộ cho người phụ nữ
Lc 7:48-50: Tình
yêu nảy sinh ra
sự tha thứ và sự tha thứ phát sinh
ra tình yêu
Lc 8:1-3: Những người đàn ông
và phụ nữ môn đệ trong cộng đoàn của Chúa
Giêsu
d) Phúc âm:
36 Khi ấy, có một người Biệt Phái kia
mời Chúa
Giêsu đến dùng bữa với mình. Khi Người vào nhà người Biệt Phái và
vào bàn ăn, 37 chợt có một người đàn bà tội lỗi trong thành, nghe biết Người đang
dùng bữa trong
nhà người Biệt Phái liền mang đến một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. 38 Bấy giờ bà đứng phía chân Người, khóc nức nở, và nước mắt ướt đẫm chân người, bà lấy tóc lau, rồi hôn chân và xức thuốc thơm.
39 Thấy thế, người Biệt Phái đã
mời Người tự nghĩ rằng: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà
đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là
một người tội lỗi.” 40 Nhưng Chúa Giêsu lên tiếng bảo ông rằng: “Hỡi Simon, Tôi có điều muốn nói với ông.” Simon thưa: “Xin Thầy cứ nói.” 41 “Một người chủ nợ có hai con nợ; một người nợ năm trăm đồng, người kia nợ năm mươi. 42 Vì cả hai không có gì trả, nên chủ nợ tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn?” 43 Simon đáp: “Tôi nghĩ là kẻ đã được tha nhiều hơn.” Chúa Giêsu bảo ông: “Ông
đã xét đoán đúng.” 44 Và quay lại phía người đàn bà, Người bảo Simon: “Ông thấy người đàn bà này chứ? Tôi đã vào nhà ông, ông đã không đổ nước rửa chân
Tôi, còn bà này đã lấy nước mắt rửa chân
Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. 45 Ông đã không hôn chào Tôi, còn
bà này từ lúc vào
không ngớt hôn chân
Tôi. 46 Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn
bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. 47 Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà này rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà
đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít là kẻ yêu mến ít.” 48 Rồi Người bảo người đàn bà: “Tội con đã được tha rồi.” 49 Những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông này là ai mà lại tha tội được?” 50Và Người nói với người đàn bà: “Đức tin con đã cứu con; con hãy về bình an.
8:1 Sau đó Người rảo qua các thành thị và xóm làng, giảng dạy và loan
báo nước Thiên
Chúa. Có nhóm Mười Hai cùng đi với Người, 2 cũng có cả mấy người phụ nữ đã được chữa khỏi tà thần và bệnh tật: Maria
gọi là
Mađalêna đã được chữa khỏi bảy quỷ ám, 3 Gioanna vợ của Cusa, viên quản lý của Hêrôđê,
Susanna, và nhiều bà khác: họ đã lấy của cải mình mà giúp Người.
3. Giây phút thinh lặng cầu nguyện
Để Lời Chúa có thể thấm nhập và soi sáng đời sống của chúng ta.
4. Một vài câu
hỏi gợi ý
Để giúp chúng ta trong phần suy gẫm cá nhân.
a) Điều gì trong đoạn Kinh Thánh này đã làm bạn cảm động nhất? Tại sao?
b) Người phụ nữ đã làm gì và bà ấy đã làm như thế nào?
c) Người Biệt Phái tỏ thái độ gì với Chúa Giêsu và với người đàn bà: ông ta đã làm gì và nói gì?
d) Chúa Giêsu đã có thái độ gì với người phụ nữ: Người đã làm gì và nói gì?
e) Người đàn bà có sẽ không
làm những gì cô
ta đã làm nếu cô ta
không hoàn toàn tin chắc rằng Chúa Giêsu sẽ tiếp đón cô ta. Ngày nay, những người bị thiệt thòi trong xã hội có cùng một sự tin tưởng vững vàng như thế đối với những người Kitô hữu chúng ta hay không?
f) Tình yêu thương và sự tha thứ. Những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu là ai? Điều gì đã khiến họ gắn bó với nhau?
g) Cộng đoàn của Chúa Giêsu: Những người phụ nữ đi theo Chúa Giêsu là những người nào? Họ đã làm những gì?
5. Dành cho những người muốn đào sâu
hơn vào chủ đề
a) Bối cảnh văn học và lịch sử của đoạn Phúc Âm:
Trong chương 7 của sách Phúc Âm của mình, thánh Luca đã tả lại những điều mới mẻ và đáng ngạc nhiên xảy ra trong dân chúng từ lúc Chúa Giêsu công bố về nước Thiên
Chúa. Tại Caphánaum, Chúa ca ngợi đức tin của dân ngoại: “Amen,
Tôi nói cho các ông hay: ngay
cả ở trong dân Israel , Tôi
cũng chưa thấy một người nào có
lòng tin mạnh như thế! (Lc 7:1-10) Người đã cho con trai của bà góa tại thành Na-im được sống lại (Lc 7:11-17). Phương cách Chúa Giêsu công bố về Nước Trời làm ngạc nhiên những người anh em Do Thái đến nỗi mà ngay
cả ông Gioan
Tẩy Giả đã phải ngạc nhiên và
sai người đến hỏi: "Thầy có thật là Đấng phải đến không,
hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” (Lc 7:18-30). Chúa Giêsu đã phê phán sự ngập ngừng lưỡng lự của những kẻ chống đối Chúa: “Họ giống như những đứa trẻ không biết mình muốn gì!” (xem Lc 7:31-35). Và ở đây, vào đoạn cuối của chương này, đó là phần văn bản của chúng ta (Lc 7:36 – 8:3), có điều gì khác lạ đã bắt đầu xuất hiện và tạo ngạc nhiên trong Tin Mừng về Nước Trời: thái
độ của Chúa Giêsu đối với phụ nữ.
Vào lúc Tân Ước được viết tại đất Paléstine, phụ nữ là thành phần bị thiệt thòi. Họ không được tham gia
các công việc trong hội đường hoặc các việc trong xã hội. Từ thời ông Êz-ra (thế kỷ IV trước Chúa Giáng Sinh), việc kỳ thị phụ nữ đã tiếp tục gia tăng như chúng ta nhận thấy trong
các câu chuyện về các bà Giuđitha, Esther, Rúth, Naomi, Susanna, những người phụ nữ Sulamite và nhiều người khác. Việc kỳ thị này đối với giới phụ nữ đã không thấy một phản ảnh nào trong việc Chúa Giêsu tiếp đón họ. Trong câu chuyện người phụ nữ với bình thuốc thơm (Lc 7:36-50), chúng ta thấy việc chống chủ nghĩa tuân thủ trong việc Chúa Giêsu đón tiếp người phụ nữ ấy. Trong đoạn mô tả về cộng đoàn đang được gây dựng chung
quanh Chúa Giêsu (Lc 8:1-3), chúng ta thấy đàn ông và phụ nữ tề tựu chung quanh Chúa Giêsu, bình đẳng trong vị thế như các môn đệ.
b) Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:
Lc 7:36-38: Một người phụ nữ rửa chân
Chúa Giêsu trong nhà một người Biệt Phái
Có tất cả ba người khác
nhau cùng gặp gỡ: Chúa
Giêsu, người Biệt Phái và người phụ nữ có tiếng là người tội lỗi. Chúa Giêsu đang ở trong nhà ông Simon, một người Biệt Phái đã
mời Chúa đến dùng bữa tại nhà mình. Một người phụ nữ bước vào, quỳ dưới chân Chúa Giêsu, khóc lóc, rửa chân Chúa bằng nước mắt của mình, rồi xổ tóc để lau khô
chân Chúa Giêsu, rồi hôn chân và xức thuốc thơm lên chân
Người. Cử chỉ xổ tóc của người phụ nữ trước công
chúng là một dấu hiệu của sự độc lập. Cảnh này đã tạo nên một cuộc tranh luận tiếp theo sau đó.
Lc 7:39-40: Lời đối đáp giữa người Biệt Phái và
Chúa Giêsu
Chúa Giêsu đã không ngần ngại, không quở trách người phụ nữ mà lại còn để cho bà ta
tự do làm những điều ấy. Người phụ nữ là người mà theo những người nghiêm
thủ Do Thái
thời ấy thì không đáng được tiếp đón. Trông thấy những gì đang
xảy ra, người Biệt Phái chỉ trích
Chúa Giêsu và lên án người phụ nữ: “Nếu ông này là tiên tri thì phải biết người đàn bà
đang động đến mình là ai và thuộc hạng người nào: là một người tội lỗi!” Để đáp lại lời khiêu khích của người Biệt Phái,
Chúa Giêsu đã kể một dụ ngôn; một dụ ngôn mà sẽ giúp người Biệt Phái và tất cả chúng ta
thấy được lời mời gọi vô hình của tình yêu Thiên Chúa, Đấng đã tự tỏ lộ mình
trong cảnh ấy.
Lc 7:41-43: Dụ ngôn về hai người mắc nợ và câu trả lời của người Biệt Phái
Dụ ngôn kể lại việc sau đây: Một chủ nợ có hai con nợ. Một người nợ năm trăm đồng tiền bạc và người kia nợ năm chục. Một đồng tiền bạc tương đương với một ngày lương. Do
đó, nó tương đương với tiền lương của năm mươi ngày làm
việc! Cả hai không có gì để trả nên chủ nợ tha cho cả hai. Trong hai người đó, người nào sẽ yêu chủ nợ nhiều hơn? Người Biệt Phái đáp: “Tôi nghĩ
là người đã được tha nhiều hơn!” Bài
dụ ngôn ví dụ rằng trước đó, cả người Biệt Phái lẫn người phụ nữ đều đã nhận được một số ân sủng từ Chúa Giêsu. Bây giờ, trong thái độ của hai người đối với Chúa
Giêsu cho chúng ta thấy lòng biết ơn của họ về những ân sủng đã nhận được. Người Biệt Phái đã
tỏ lòng yêu
mến, lòng biết ơn bằng cách mời Chúa Giêsu đến nhà mình. Người phụ nữ bày tỏ tình yêu mến và lòng biết ơn của mình với những giọt nước mắt, những nụ hôn và thuốc thơm. Giữa hai hành động này, hành động nào cho ta thấy một tình yêu
lớn hơn: việc ăn uống hay là
những nụ hôn và thuốc thơm? Liệu sự đo lường tình yêu của một người có thể nào tùy thuộc vào kích thước của món quà
tặng không?
Lc 7:44-47: Chúa
Giêsu dùng dụ ngôn để biện hộ cho người phụ nữ
Khi Người nhận được câu trả lời đúng từ người Biệt Phái, Chúa Giêsu liền áp dụng nó vào
việc xuất hiện của người phụ nữ trong bữa ăn. Người biện hộ cho người phụ nữ tội lỗi
trước sự phán xét theo luật lệ Do Thái. Điều mà Chúa Giêsu muốn nói với người Biệt Phái của mọi thời đại là thế này: “Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít!” Việc bảo vệ cá nhân mà tôi, người Biệt Phái, đã tạo nên cho chính mình bởi vì việc tuân giữ theo lề luật Thiên Chúa và Giáo Hội của tôi, thường xuyên ngăn trở tôi không tỏ bày một tình yêu biết ơn đối với một Thiên
Chúa luôn tha thứ. Điều quan trọng không phải là việc tuân giữ các lề luật như thế, mà là tôi tuân giữ lề luật vì tình yêu với Chúa. Áp dụng các dấu hiệu tình yêu của người phụ nữ tội lỗi, Chúa
Giêsu đáp lời người Biệt Phái, kẻ tự coi mình
là công chính: “Ông thấy người đàn bà
này chứ? Tôi đã vào nhà ông, và ông đã không đổ nước rửa chân
Tôi, nhưng bà này
đã lấy nước mắt rửa chân
Tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã không hôn chào Tôi, còn bà này
từ lúc vào
không ngớt hôn chân
Tôi. Ông đã không xức dầu trên đầu Tôi, còn
bà này đã lấy thuốc thơm xức chân Tôi. Vì vậy, Tôi bảo ông, tội bà này rất nhiều mà đã được tha rồi, vì bà
đã yêu mến nhiều. Kẻ được tha ít, thì yêu mến ít.” Điều này chẳng khác gì
Người đã nói: “Hỡi ông Simon, mặc dù ông mở yến tiệc thết đãi tôi, nhưng ông yêu mến rất ít!” Tại sao? Tiên
tri Giêrêmia đã từng nói rằng trong tương lai, trong giao ước mới, “họ sẽ không còn
phải dạy cho các
bạn hữu và thân
thích của họ làm thế nào để biết Đức Chúa. Chúa phán, tất cả từ kẻ bé nhất đến người lớn nhất, sẽ biết Ta, bởi vì Ta sẽ tha thứ tội ác cho họ và không
còn nhớ đến lỗi lầm của họ nữa”. (Gr 31:34) Nhận thức được tha thứ làm cho người ta cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa. Khi người Biệt Phái gọi người phụ nữ là “một người tội lỗi”, ông ta đã tự coi mình là một người công chính tuân giữ và thực thi lề luật. Ông
ta giống như người Biệt Phái ở trong một dụ ngôn khác đã nói: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham
lam, bất chính,
ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia” (Lc 18:11). Simon có thể đã nghĩ: “Lạy Thiên Chúa, con cảm tạ Chúa vì con không giống như người đàn bà tội lỗi này!” Nhưng người về nhà được trở nên công
chính không phải là người Biệt Phái mà là người thu thuế vì đã thưa rằng: “Lạy Chúa, xin thương xót con vì con là kẻ có tội!” (Lc 18:14). Từ khởi thủy, những người Biệt Phái
luôn tự coi mình
là vô tội, bởi vì họ giữ đúng mọi lề luật của Thiên Chúa, họ đến hội đường, cầu nguyện, bố thí và đóng thuế đầy đủ. Họ đặt sự an toàn của họ vào những gì họ làm cho Thiên Chúa, mà không phải vào tình yêu và sự tha thứ của Thiên Chúa đối với họ. Đó là lý do tại sao Simon, người Biệt Phái, không thể có được cảm nghiệm tình yêu cho không của Thiên Chúa.
Lc 7:48-50: Tình
yêu nảy sinh ra
sự tha thứ và sự tha thứ phát sinh
ra tình yêu
Chúa Giêsu bảo người phụ nữ: “Tội con đã được tha rồi.” Rồi những người đồng bàn liền nghĩ trong lòng rằng: “Ông
này là ai mà lại tha tội được?” Nhưng Chúa Giêsu nói với người đàn bà: “Đức tin con đã cứu con. Hãy đi và đừng phạm tội nữa!” Ở đây, chúng ta thấy thái độ mới của Chúa
Giêsu. Người không lên án nhưng lại tiếp đón. Đức tin đã khiến cho người phụ nữ biết về chính mình, chấp nhận bản thân và chấp nhận Thiên Chúa. Trong cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu, một sức lực mới đã vỡ òa ra để giúp bà ta trở nên một con người mới. Một câu hỏi quan trọng đến trong trí chúng ta. Liệu người đàn bà tội lỗi trong
thành phố ấy có làm những việc bà ta đã làm nếu bà ấy không
hoàn toàn chắc chắn rằng Đức Giêsu sẽ tiếp nhận mình hay
không? Điều này có nghĩa là đối với những người nghèo khó trong vùng Galilê thời ấy, Chúa Giêsu là người đáng được tin cậy tuyệt đối! “Chúng ta có thể tin tưởng nơi Người. Người sẽ đón tiếp chúng
ta!” Liệu những người thấp cổ bé miệng thời nay có cùng một sự tin tưởng như thế đối với những Kitô hữu chúng ta không?
Lc 8:1-3: Cộng đoàn những người môn đệ của Chúa
Giêsu
Chúa Giêsu rảo qua các thành thị và xóm làng của đất Galilê, giảng dạy và loan
báo Tin Mừng về Nước Thiên
Chúa và có Nhóm Mười Hai cùng
đi với Người. Khái
niệm “đi theo
Chúa Giêsu” cho thấy tình trạng của một môn đệ đi theo Thầy mình tìm cách noi theo gương Chúa và cùng san sẻ với số phận của Người. Điều đáng ngạc nhiên là ngoài những người đàn ông
còn có những người phụ nữ “đã đi
theo Chúa Giêsu”. Thánh
Luca đặt để những môn đệ nam cũng
như nữ trên một phương diện bình đẳng. Ông
cũng nói đến những người phụ nữ đã lấy của cải mình mà giúp Đức Giêsu. Luca cũng
nhắc đến tên của một số các nữ môn đệ này: bà
Maria Mađalêna, sinh quán tại thành phố Magđala. Bà ta đã được chữa khỏi bảy quỷ ám. Bà Gioanna, vợ của Cusa, viên quản lý của vua
Hêrôđê, thủ hiến Galilê. Bà
Susanna và nhiều bà khác.
c) Phần phụ chú:
i) Phúc Âm viết bởi Luca luôn
được xem là
Phúc Âm của phụ nữ. Thật thế, Luca là
một trong những tác giả ghi lại các mối quan hệ của Chúa Giêsu với các phụ nữ nhất. Tuy nhiên, chuyện lạ là Tin Mừng liên quan đến các phụ nữ, không chỉ một cách đơn giản bởi vì có nhiều các điều ghi chép về sự hiện diện của họ chung quanh Chúa Giêsu, mà trong
thái độ của Chúa Giêsu đối với họ. Chúa Giêsu động chạm đến họ, cho phép họ động chạm vào
Chúa, mà không sợ bị ô uế (Lc 7:39; 8:44-45, 54). Sự khác biệt giữa Chúa Giêsu và các bậc thầy thời ấy
là Chúa Giêsu chấp nhận phụ nữ là các
tín đồ và môn đệ (Lc 8:2-3; 10:39). Sự giải phóng của Thiên Chúa, qua các việc làm của Chúa Giêsu, nâng cao vị trí phụ nữ đảm nhận đúng nhân phẩm của họ (Lc
13:13). Chúa Giêsu cảm thông được sự đau khổ của bà góa và chia sẻ nỗi buồn của bà (Lc 7:13). Công việc của người phụ nữ là nấu nướng, được Chúa Giêsu xem như là một dấu hiệu của Nước Trời (Lc 13:20-21). Người góa phụ kiên trì
tranh đấu cho quyền lợi của mình được trình bày như là một mô thức cầu nguyện (Lc 18:1-8), và bà góa nghèo đã chia sẻ những đồng xu ít ỏi của mình với những người khác được xem như là một kiểu mẫu cho quà tặng và sự cống hiến (Lc
21:1-4). Vào thời điểm khi mà
nhân chứng là các
phụ nữ chưa được xem là
có giá trị, thì Chúa
Giêsu lại chọn các bà là những người làm chứng cho cuộc tử nạn của Chúa trên thập giá (Lc 23:49), việc mai táng (Lc 23:55-56) và sự phục sinh của Người (Lc 24:1-11, 22-24).
ii) Phúc Âm ghi lại những danh sách khác nhau tên của mười hai môn đệ đã đi theo Chúa Giêsu. Tên của những người này không luôn giống nhau, nhưng luôn có mười hai tên, tượng trưng cho mười hai chi
tộc dân
riêng mới của Thiên Chúa. Cũng có những người phụ nữ đã đi theo Chúa Giêsu, từ đất Galilê đến Giêrusalem. Phúc Âm của thánh Máccô xác định thái độ của các bà
trong ba động từ: theo sau, phục vụ, tiến về Giêrusalem (Mc 15:41). Các Thánh Sử đã không ghi ra hẳn một danh sách các người nữ môn đệ đi theo Chúa Giêsu, nhưng tên của họ được biết cho đến ngày hôm nay qua các trang Tin Mừng, đặc biệt là của thánh Luca, và họ là: Maria Mađalêna (Lc 8:3; 24:10);
Gioanna vợ của Cusa (Lc 8:3); Suzanna (Lc 8:3);
Salômê (Mc 15:45); Maria mẹ của Giacôbê (Lc 24:10); Maria, vợ của Kêpha (Ga 19:25); Đức Maria, Mẹ của Chúa
Giêsu (Ga 19:25).
6. Lời nguyện: Bài thánh ca Tình Yêu (1Cr 13:1-13)
Đức Mến thì cao
trọng hơn hết!
1 Giả như tôi có
nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa -- mà
không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng,
chũm choẹ xoang xoảng.
2 Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu,
hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non -- mà
không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì.
3 Giả như tôi có
đem hết gia tài
cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt -- mà
không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi.
4 Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, 5 không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không
nóng giận, không
nuôi hận thù, 6 không mừng khi thấy sự gian ác,
nhưng vui khi
thấy điều chân thật. 7 Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả . 8 Đức mến không
bao giờ mất được. Ơn nói tiên
tri ư? Cũng chỉ nhất thời. Nói các
tiếng lạ chăng? Có ngày sẽ hết. Ơn hiểu biết ư? Rồi cũng chẳng còn. 9 Vì chưng sự hiểu biết thì có ngần, ơn nói tiên
tri cũng có hạn. 10 Khi cái hoàn hảo tới, thì cái có ngần có hạn sẽ biến đi.
11 Cũng như khi tôi còn là trẻ con, tôi nói năng như trẻ con, hiểu biết như trẻ con, suy nghĩ như trẻ con; nhưng khi tôi đã thành người lớn, thì tôi bỏ tất cả những gì là trẻ con. 12 Bây giờ chúng ta thấy lờ mờ như trong một tấm gương, mai sau sẽ được mặt giáp mặt. Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn, mai sau tôi sẽ được biết hết, như Thiên Chúa biết tôi.
13 Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.
7. Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu,
chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha. Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực thi Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con. Nguyện xin cho chúng
con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời. Amen.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét