Trang

Chủ Nhật, 9 tháng 6, 2013

Ngài cũng là Phanxicô của chúng tôi

Timothy George, khoa trưởng phân khoa thần học Beeson, thuộc Đại Học Samford, và là thành viên Hội Đồng Chủ Bút của Christianity Today cùng với Charles Colson, cánh tay mặt của Richard Nixon thời Watergate ngày nào. Colson trở lại Kitô giáo trước khi bị kết tội vì liên lụy tới vụ Watergate. Từ lúc trở lại, Colson dốc tòan tâm truyền bá Tin Mừng của Chúa Kitô. Ông là tác giả các cuốn Born Again  How Now Shall We Live? Đặc biệt hơn nữa, ông là người sáng lập ra Thừa Tác Vụ Nhà Tù, một thừa tác vụ hiện có mặt tại 123 quốc gia trên thế giới, với sự hợp tác của cả người Công Giáo, mà chúng tôi có đề cập tới trong một bài gần đây “Đem Chúa Kitô Vào Nhà Tù”. Năm 2011, Colson và George cùng viết cho mục “Contra Mundum” của Christianity Today. Trong mục này, ngày 4 tháng 6 vừa qua, George có bài “Our Francis, too”.
Timothy George
Charles Colson


Papa Francesco! Trong bóng đêm ẩm ướt của Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, quần chúng hô vang tên ngài khi Jorge Mario Bergoglio, tổng giám mục Buenos Aires được bầu làm tân giáo hoàng. Ít khi nào một nhà lãnh đạo tôn giáo được chào đón nồng ấm như thế bởi khắp thế giới Kitô Giáo, trong đó, có rất nhiều người Tin Lành. Ít khi nào hy vọng lại lên cao và lên nhanh đến thế. Và niềm hy vọng lên cao ấy có lý do chính đáng của nó. 

Kể từ thời Cải Cách, nhiều tên đã được các giáo hoàng chọn lựa: Piô, Clêmentê, Lêô, Urbanô và cả Bênêđíctô nữa, toàn là những tên lạ hoắc đối với lỗ tai không phải là Công Giáo. Nhưng Phanxicô thành Assisi khiêm tốn thì là thánh của mọi người. Phanxicô thách thức Giáo Hội thời của ngài, không chạy theo tiêu chuẩn thế gian mà là trở về với khuôn thước của Chúa Giêsu, Đấng không tìm địa vị mà khiêm hạ và trở thành vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá (Pl. 2:5–11).

Trước đó, trong một tác phong từ bỏ triệt để, Phanxicô đã dứt khoát xa lìa lối sống cũ của một quân nhân và một tay chơi. Ngài cởi bỏ y phục và vừa trần truồng chạy ra khỏi tòa giám mục sở tại vừa la to: “Không ai được gọi tôi là con trai của Pietro Bernardone nữa. Từ nay trở đi, tôi sẽ chỉ thưa ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’”.

Nơi Giáo Hoàng Phanxicô, ta có thể thấy khuôn hình Thánh Phanxicô. Y phục đơn giản: giầy đen hè phố thay vì giầy da đỏ chói của người tiền nhiệm, chiếc áo chùng trắng đơn giản không một chút trang trí thêu thùa vàng bạc. Ngoài ra, ngài còn sống tại một nhà khách tầm thường (trái với những căn phòng rộng lớn vốn dành cho một vị giáo hoàng), thờ phượng vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh với các tù nhân trẻ, và ôm ấp các bệnh nhân HIV/AIDS tại một nhà tế bần, theo chân il poverello "người nghèo”, danh xưng vốn có của Thánh Phanxicô ngày nào. 

Kể từ phán quyết Roe v. Wade của Tối Cao Pháp Viện năm 1973 cho tới nay, người Công Giáo và Tin Lành ở Mỹ vốn sát cánh làm việc với nhau để cổ vũ tính thánh thiêng của sự sống. Cộng đồng phò sự sống sẽ có được một liên minh mạnh mẽ nơi tân giáo hoàng. Ngài vốn gọi phá thai là “án tử hình” của trẻ chưa sinh. Năm 2005, ngài thúc giục các đồng đạo của mình tại Argentina “bảo vệ trẻ chưa sinh khỏi nạn phá thai dù bị người ta bách hại, vu khống, gài bẫy, đưa ra tòa, hay sát hại. Không được tước đoạt khỏi bất cứ trẻ em nào quyền được sinh ra, được nuôi dưỡng, được học hành”. Cũng thế, Thánh Phanxicô cũng nổi tiếng về lòng say mê truyền bá Tin Mừng, có lần đã vào sâu Bắc Phi để công bố Chúa Kitô cho một ông hoàng Hồi Giáo. Một trong các thách đố lớn của Giáo Hoàng Phanxicô là lên năng lực tân phúc âm hóa cho các nhà lãnh đạo Công Giáo, để họ nghiên cứu Thánh Kinh, đổi mới các kỷ luật đức tin, và mạnh bạo tuyên xưng tình yêu của Chúa Kitô. Quan trọng không kém bất cứ cuộc đối thoại liên tôn nào, việc phúc âm hóa chân thực đòi một điều gì hơn thế nữa: phải làm chứng một cách không mơ hồ rằng Chúa Giêsu Kitô là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, là Đấng Cứu Thế độc nhất và duy nhất. 

Không chỉ giới hạn trong Giáo Hội Công Giáo, các tai tiếng lạm dụng tình dục đã và đang bôi lọ chứng tá Kitô Giáo trong thế kỷ 21. Cả trong lẫn ngoài bờ tường Giáo Hội, có nhiều sự việc khiến ta phải cau mày, quay mặt. Nhưng cải cách và canh tân chỉ có thể có khi ta chịu giáp mặt trực diện với sự dữ trong ta và quanh ta và tìm cách ăn năn thống hối, một ăn năn chỉ xẩy đến như một ân phúc. Tôi tin Giáo Hoàng Phanxicô, một tu sĩ Dòng Tên, sẽ đồng ý với luận đề thứ nhất trong 95 luận đề của Martin Luther rằng “Khi nói phải ‘ăn năn’, Chúa và là Thầy chúng ta là Chúa Giêsu Kitô nuốn trọn cuộc sống của tín hữu phải là một cuộc sống ăn năn”. 

Đức Phanxicô kế nhiệm hai vị thiên tài trong vai trò giáo hoàng của ngài. Đức Gioan Phaolô II là nhà giải phóng, từng xé nát chủ nghĩa Cộng Sản chỉ bằng lòng can đảm và lời cầu nguyện của mình. Đức Bênêđíctô XVI là một bậc thầy chói sáng của Giáo Hội Công Giáo trong lịch sử gần đây. Nay, Đức Phanxicô xuất hiện như một mục tử, một người chăn chiên biết rõ và yêu thương đoàn chiên của mình và muốn hướng dẫn đoàn chiên ấy bằng tình yêu và lòng khiêm nhường. Thời điểm của tân Phanxicô là mùa của mục tử... 

Dù không quên các dị biệt sâu xa hiện đang phân rẽ chúng ta, cả bây giờ cũng như trước đây, ta đều được kêu gọi cùng đứng và làm việc chung với nhau vì chính nghĩa Chúa Kitô trong một thế giới đổ vỡ. Ta có thể bắt đầu bằng lời cầu nguyện với Thánh Phanxicô: “Lạy Thiên Chúa Tối Cao và Vinh Hiển, xin đem ánh sáng đến tâm hồn đen tối của con. Xin ban cho con đức tin đúng đắn, đức cậy chắc chắn, và đức ái hoàn hảo, cái nhìn thấu suốt và sự khôn ngoan, để con luôn tuân giữ giới răn thánh thiện và chân thực của Chúa. Amen”. 


Vũ Văn An 6/9/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét