CHÚA NHẬT
13/10/2013
Chúa Nhật 28 Quanh
Năm Năm C
(Phần I)
Bài Ðọc I: 2 V 5, 14-17
"Naaman trở lại
gặp người của Thiên Chúa và ông tuyên xưng Chúa".
Trích
sách Các Vua quyển thứ hai.
Trong
những ngày ấy, Naaman, quan lãnh binh của vua xứ Syria, xuống tắm bảy lần ở
sông Giođan như lời tiên tri, người của Thiên Chúa dạy, da thịt ông lại trở nên
tốt như da thịt của đứa trẻ, và ông được sạch.
Sau
đó, ông và đoàn tuỳ tùng trở lại gặp người của Thiên Chúa. Ðến nơi, ông đứng
trước mặt người của Thiên Chúa và nói: "Thật tôi biết không có Thiên Chúa
nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel. Vì thế, tôi xin ông nhận
lấy phần phúc của tôi tớ ông".
Tiên
tri trả lời rằng: "Có Chúa hằng sống, tôi đang đứng trước mặt Người: Thật
tôi không dám nhận đâu". Naaman cố nài ép, nhưng tiên tri không nghe.
Naaman nói thêm rằng: "Tuỳ ý ông, nhưng tôi xin ông ban phép cho tôi, là đầy
tớ của ông, được chở một ít đất vừa sức hai con la chở được, vì từ nay ngoài
Chúa, tôi tớ của ông sẽ chẳng dâng của lễ toàn thiêu hoặc hy lễ cho thần minh
nào khác".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 97, 1. 2-3ab. 3cd-4
Ðáp: Chúa đã công bố ơn
cứu độ của Người trước mặt chư dân (c. 2b).
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa
một bài ca mới, vì Người đã làm nên những điều huyền diệu. Tay hữu Người đã tạo
cho Người cuộc chiến thắng, cùng với cánh tay thánh thiện của Người. - Ðáp.
2)
Chúa đã công bố ơn cứu độ của Người; trước mặt chư dân Người tỏ rõ đức công minh.
Người đã nhớ lại lòng nhân hậu và trung thành để sủng ái nhà Israel. - Ðáp.
3)
Khắp nơi bờ cõi địa cầu đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta. Toàn thể
địa cầu hãy reo mừng Chúa, hãy hoan hỉ, mừng vui và đàn ca! - Ðáp.
Bài Ðọc II: 2 Tm 2, 8-13
"Nếu chúng ta
kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Ðức Kitô".
Trích
thư thứ hai của Thánh Phaolô Tông đồ gửi Timôthêu.
Con
thân mến, con hãy nhớ rằng Chúa Giêsu Kitô bởi dòng dõi Ðavít, đã từ cõi chết sống
lại, theo như Tin Mừng cha rao giảng. Vì Tin Mừng đó mà cha phải đau khổ đến phải
chịu xiềng xích như một kẻ gian ác, nhưng lời của Thiên Chúa đâu có bị xiềng
xích! Vì thế, cha cam chịu mọi sự vì những kẻ được tuyển chọn, để họ được hưởng
ơn cứu độ cùng với vinh quang trên trời trong Ðức Giêsu Kitô.
Ðây
cha nói thật: Nếu chúng ta cùng chết với Người, thì chúng ta cùng sống với Người.
Nếu chúng ta kiên tâm chịu đựng, chúng ta sẽ cùng thống trị với Người. Nếu
chúng ta chối bỏ Người, thì Người cũng sẽ chối bỏ chúng ta. Nếu chúng ta không
tin Người, Người vẫn trung thành, vì Người không thể chối bỏ chính mình Người.
Ðó
là lời Chúa.
Alleluia: Lc 19, 38
Alleluia,
alleluia! - Chúc tụng Ðức Vua, Ðấng nhân danh Chúa mà đến! Bình an trên trời và
vinh quang trên các tầng trời! - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 17, 11-19
"Không thấy ai
trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang này".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
Chúa Giêsu đi lên Giêrusalem, Người đi qua biên giới Samaria và Galilêa. Khi
Người vào một làng kia, thì gặp mười người phong cùi đang đứng ở đàng xa, họ cất
tiếng thưa rằng: "Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Thấy họ,
Người bảo họ rằng: "Các ngươi hãy đi trình diện với các tư tế". Trong
lúc họ đi đường, họ được lành sạch. Một người trong bọn họ thấy mình được lành
sạch, liền quay trở lại, lớn tiếng ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới
chân Chúa Giêsu và tạ ơn Người, mà người ấy lại là người xứ Samaria.
Nhưng
Chúa Giêsu phán rằng: "Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch
sao? Còn chín người kia đâu? Không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ
có người ngoại bang này". Rồi Người bảo kẻ ấy rằng: "Ngươi hãy đứng dậy
mà về: vì lòng tin của ngươi đã cứu chữa ngươi".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Ðược ơn cứu độ, được tình thương của Chúa cứu thế
Ðể
chuẩn bị khánh nhật truyền giáo cử hành vào Chúa nhật sau, chúng ta sung sướng
được nghe những bài Kinh Thánh hôm nay. Bài đọc sách Các Vua và bài Tin Mừng
Luca rõ ràng nói đến hai người lương dân đã nhận được ơn của Chúa; còn trong
bài thư Phaolô, chúng ta phải chắc chắn công nhận có lời tạ ơn Thiên Chúa đã
ban Tin Mừng cứu độ cho lương dân.
Nhưng
nếu Chúa muốn dùng chúng ta để cho lương dân nhận biết Người, thì Người cũng muốn
dùng họ để thêm lòng tin cậy mến cho chúng ta. Thế nên những bài Kinh Thánh hôm
nay không phải chỉ nói lên hành động của Chúa đối với dân ngoại; mà cũng muốn dạy
bảo chúng ta thêm nhờ những hành động này. Bởi vì trước mặt Chúa mọi người đều
liên đới và phải bổ khuyết cho nhau để làm nên thân thể hoàn toàn của Ðức Giêsu
Kitô.
Chúng
ta hãy lần lược đọc các bài Kinh Thánh để đón nhận mọi giáo huấn của Chúa.
1. Một Người Ðược Ðức
Tin
Câu
chuyện Naaman, người xứ Syri, đã được nhiều người biết. Thiết tưởng chẳng cần
phải dài dòng thuật lại rằng: Ông là vị tướng chỉ huy toàn thể quân lực Syri,
được vua Syri tín cẩn, nhưng lại mắc bệnh phong cùi. Nghe tin ở đất Giuđa có vị
tiên tri nổi danh làm phép lạ. Ông xin thư vua Syri đến đất Do Thái để gặp nhà
tiên tri. Êlisê bảo ông cứ xuống sông Hòa Giang tắm 7 lần thì sẽ được khỏi bệnh.
Thoạt đầu ông không muốn nghe vì nghĩ sông Hòa Giang của Do Thái có gì sạch hơn
sông ở Syri. Nhưng, sau nghĩ lại, ông đã vâng lời xuống sông tắm 7 lần và đã được
sạch... đang khi ấy ở đất Do Thái có biết bao người bị phong cùi mà không được
chữa khỏi như ông. Trường hợp của ông nói lên lòng thương - và phải nói là ưu
ái nữa - của Thiên Chúa đối với lương dân.
Bài
học hôm nay chỉ nhắc sơ đến việc Naaman được chữa lành. Những gì xảy ra sau đó
mới là trọng tâm. Chúng ta thấy Naaman được sạch rồi đã cùng đoàn tùy tùng trở
lại gặp nhà tiên tri. Ông nói: bây giờ tôi đã biết: trên khắp cả mặt đất chẳng
có chúa nào khác ngoài Chúa của Israel.
Naaman
đã bỏ tà thần để suy phục Thiên Chúa. Ông đã được đức tin sau khi được lành bệnh.
Từ nay ông trở thành dân của Chúa. Và chắc chắn đức tin của ông dứt khoát, mạnh
mẽ hơn nhiều người Do Thái. Ðể chứng tỏ niềm tin này, trước hết ông xin phép
dâng chút lễ mọn cho nhà tiên tri, tức là người của Chúa, theo thông lệ thời bấy
giờ. Không phải ông muốn cám ơn Êlisê vì đã chữa ông khỏi bệnh. Ý nghĩa gói
ghém trong việc muốn dâng tặng lễ vật là để nói lên niềm tin Êlisê là tiên tri,
tức là người của Chúa. Naaman muốn cư xử như mọi tín hữu. Những người này khi đến
với các tiên tri vẫn dâng cho các ngài một chút lễ mọn để nói lên niềm tin công
nhận và tôn trọng những người được Chúa chọn.
Êlisê
từ chối. Có lẽ vì tế nhị, hoặc vì muốn người tân tòng hiểu đạo một cách thuần
túy. Cũng có thể Êlisê muốn thử đức tin của Naaman, vì theo lời nói tiếp sau của
ông này, chúng ta thấy Naaman có vẻ sợ nhà tiên tri chưa coi mình như là một
tín hữu thường. Ông nói: "Nếu không, thì xin cho tôi chở về một xe đất cặp
la kéo được, vì tôi tớ ngài sẽ không còn dâng lễ cho một thần linh nào khác
ngoài Thiên Chúa, Chúa của Israen". Bởi vì theo quan niệm thời bấy giờ, đất
nước nào thì thần linh ấy. Naaman đã tin Chúa của Israen thì phải thờ Ngài trên
đất của Ngài. Ðất cát xứ Syri không xứng đáng với Ngài nữa vì là đất của dân
ngoại và đã ra nhơ nhớp vì tà thần. Nay trở về quê quán, Naaman phải đem một ít
đất Do Thái về để dựng bàn thờ mới trên đất ấy mà thờ phượng Thiên Chúa. Nếu
Êlisê cho phép làm như vậy, Naaman mới chắc chắn nhà tiên tri đã tin mình và
coi mình như tín hữu. Và vì thế lời xin của Naaman còn là một lời tuyên xưng đức
tin chân chính.
Chúng
ta phải cảm phục ông, cũng như chúng ta thường cảm phục đức tin của những người
mới trở lại. Chúng ta thấy họ sau khi đã nhận biết Chúa thì thành khẩn muốn
theo Chúa cho đến cùng. Họ muốn là những tín hữu một trăm phần trăm, khiến
chúng ta, những người "đạo cũ, đạo dòng" phải suy nghĩ.
Câu
chuyện Naaman và đức tin của ông đã được Ðức Giêsu nhắc lại để nêu gương cho
môn đệ của Người. Chúng ta còn phải đọc đi đọc lại cũng với nhiều gương sáng
khác để thấm thía những bài học mà Chúa muốn dùng lương dân để nói với chúng
ta. Cũng trong chiều hướng đó, phụng vụ hôm nay còn muốn chúng ta đọc thêm đoạn
Tin Mừng Luca.
2. Một Ðức Tin Tiến Bộ
Hôm
ấy, Ðức Giêsu đang trên đàng đi lên Giêrusalem. Ðối với tác giả Luca, đây là cuộc
hành trình đầy ý nghĩa. Ðức Giêsu đi lên Giêrusalem không phải chỉ để chịu chết
mà đồng thời cũng là được vinh thăng. Do đó từ ngữ "đi lên"
Giêrusalem đã được lựa chọn một cách tính toán và hữu ý. Ðây là một cuộc đi
lên. Và như chính Ðức Giêsu nói, khi nào được "đưa lên", Người cũng
kéo tất cả lên với Người. Con đường đi lên Giêrusalem vì thế vừa là đàng để
Chúa đi lên, và đồng thời cũng là đàng để chúng ta đi lên với Chúa là sự thật
và là sự sống. Ðó là con đường của Kitô giáo, của hết thảy chúng ta khi muốn sống
đạo.
Tác
giả Luca còn xác định thêm, khi đã lên Giêrusalem, Ðức Giêsu và môn đệ của Người
"đã ngang qua Samari và Galilê". Nói rõ ra, thì Người đã không chọn một
trong hai con đường thời bấy giờ dẫn từ Galilê xuống Giuđêa và đi qua Samari.
Người đi con đường riêng khác với mọi người và lần theo bờ sông Hòa Giang; bởi
vì Người muốn xuống Giuđêa trước rồi mới đi bọc lên để sau này Gioan có thể viết
rằng: "Ơn giải thoát khơi nguồn tự Do Thái" (4,22). Nhưng Luca vẫn nhấn
mạnh điều này, là khi còn sống, Ðức Giêsu đã tiếp xúc với dân Samari. Hơn nữa,
Người còn ban đức tin cho dân này, dân mà Do Thái vẫn coi như dân ngoại và
không đáng được vào sổ dân Chúa. Và như vậy Luca làm như vậy để phản đối mọi
khuynh hướng chỉ muốn giữ đức tin cho người Do Thái. Theo người, chính Do Thái
phải mở mắt ra mà xem công việc của Chúa làm nơi lương dân như câu chuyện người
sắp kể.
Vậy,
trên đường đi lên Giêrusalem, Ðức Giêsu vào một làng kia. Mười người phung cùi
muốn đón gặp nhưng theo luật dạy chỉ dám đứng lại đàng xa. Họ là thành phần ô uế
của xã hội, không được đến gần ai kẻo làm dơ nhớp người ấy. Nhưng họ tin Ðức
Giêsu. Họ nghĩ Người có thể chữa họ khỏi bệnh. Thế nên họ cất tiếng thưa:
"Lạy Thầy Giêsu, xin thương xót chúng tôi". Ðối với họ, danh từ
"Thầy" rất phong phú. Họ không nghĩ đến khả năng giáo huấn của Ðức
Giêsu đâu. Họ trông chờ quyền năng ở nơi Người. Họ đã nghe nói Người làm nhiều
phép lạ. Người là Thầy theo nghĩa ấy. Người là tiên tri của Chúa như Naaman đã
nghĩ như vậy về Êlisê.
Ở
đây, mười người phong cùi còn xưng đích danh Ðức Giêsu. Họ không sợ "phạm
húy". Họ muốn nói lên lòng tín nhiệm muốn kéo Người lại gần mình, như người
trộm lành sau này cũng kêu tên Ðức Giêsu như thế để được chia phần số phận với
Người, vì thực ra âm thầm họ ý thức được bệnh tình của họ chỉ có lòng thương
xót của Thiên Chúa mới chữa được. Họ như nói lên niềm tin của dân Chúa đang
trông chờ ơn cứu độ lòng Chúa thương xót, tức là nhờ Chúa là Ðấng thương xót.
Chắc
chắn Ðức Giêsu đã coi lời họ xin là biểu thị lòng tin, nên bảo họ: "Hãy đi
trình diện với các tư tế". Người bị bệnh phong cùi chỉ đi trình diện các
tư tế khi đã khỏi bệnh để được các bậc nắm giữ pháp luật xác nhận là đã lành sạch.
Bảo họ đi trình diện tức là Ðức Giêsu đã cam kết chữa họ. Thế mà Người chỉ làm
phép lạ khi thấy lòng tin của người ta. Do đó Người đã chắc chắn về lòng tin của
10 bệnh nhân này.
Và
quả thực, họ tin Người đến nỗi lập tức đã ra đi trình diện khi chưa thấy mình sạch.
Ðó là niềm tin có thể dời núi chuyển non, như Lời Chúa đã hứa. Và thật vậy,
trong khi họ đi họ đã được "sạch", tức là được khỏi bệnh. Chúng ta cảm
phục lòng tin của họ; nhưng thiết tưởng chúng ta phải kính yêu Chúa Giêsu hơn nữa.
Người đã chữa 10 kẻ phong cùi khỏi bệnh dễ dàng như vậy và nhất là khiêm tốn
như thế. Khác hẳn với những tên tự xưng là cao tay làm phép lạ nhưng thật sự chỉ
là những tên bịp bợm. Nhưng chúng ta hãy trở về với 10 người phong cùi.
Cả
bọn đã được sạch bệnh. Nhưng chỉ có một người lập tức quay đầu trở lại gặp Ðức
Giêsu. Anh ta lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa. Anh gục mặt dưới chân Ðức Giêsu mà
tạ ơn. Anh làm một hành vi thờ phượng. Anh công nhận Ngài là Chúa. Trong khi 9
người kia đi đâu? Nghĩ rằng họ đã trở về nhà mình thì tệ quá. Tác giả Luca để
cho chúng ta đoán. Tôi nghĩ họ đã tiếp tục đi trình diện các tư tế. Họ tiếp tục
làm bổn phận của mình. Họ có đức vâng lời "tối mặt".
Ðó
là những ý nghĩ tốt nhất cho họ. Nhưng ở đây, những ý nghĩ đó vẫn không bào chữa
được cho họ. Họ ích kỷ vì chỉ nghĩ đến mình, muốn cho mình được công nhận ngay
để được sống như mọi người; đang khi lẽ ra thấy mình được sạch như vậy, họ phải
nhận ra ơn Chúa, phải tạ ơn Người, phải trở lại nguồn mạch đã ban ơn cho mình.
Há Chúa đã chẳng cho thấy Ngài mang ơn cứu độ đến sao? Ngài không đáng tìm đến
hơn các tư tế vô vị kia sao?
Chỉ
có một người đã nhận ra như vậy. Người ấy thấy rằng ơn cứu độ bây giờ ở nơi Ðức
Giêsu. Người ấy trở lại thờ lạy Người. Ðền thờ Chúa chân thật từ nay không còn
nằm nơi có tư tế đạo cũ nữa. Ðền thờ ấy bây giờ là chính Chúa Giêsu. Thành ra
đã thực hiện Lời Chúa Giêsu nói với người phụ nữ xứ Samaria trong sách Tin Mừng
Gioan: Ơn giải thoát khơi nguồn tự Do Thái... nhưng sẽ đến giờ - và là ngay bây
giờ -, những kẻ thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Cha trong Thần Khí và Sự Thật.
Việc
một người trong số 10 người được khỏi bệnh trở lại thờ lạy Ðức Giêsu phải chăng
muốn ám chỉ những điều ấy? Và người ấy lại là một người Samaria dị chủng duy nhất.
Tác giả Luca đợi đến lúc này mới nói lên quốc tịch của người ấy. Chín người kia
là Do Thái. Chúa Giêsu nói: "Không phải là cả 10 người được sạch ư? Chín
người kia đâu?". Có một màu sắc đau xót và phiền trách trong câu hỏi này.
Nó nói lên lòng của tác giả Luca khi thấy Chúa mang ơn cứu độ đến cho cả Do
Thái lẫn Hy Lạp, thế mà kìa xem dường như chỉ có dân ngoại chen vào nhà Chúa.
Chúa
Giêsu bảo người kia để kết luận: "Hãy chỗi dậy mà đi. Lòng tin của ngươi đã
cứu ngươi". Chúng ta tự nhiên muốn hỏi, phải chăng lời này ám chỉ rằng những
người kia không được khỏi bệnh? Không chắc. Tôi dám nghĩ Chúa Giêsu đâu có hẹp
hòi gì! Người chẳng cần rút lại một ơn đã ban. Nhưng có thân thể lành mạnh mà
không được vào Nước Trời thì nào ích gì? Ðiều cốt yếu mà người Samaria kia đã
được là "được cứu", tức là được ơn cứu độ, được tình thương của Chúa
cứu thế. Người bảo anh ta: Hãy chỗi dậy mà đi đi. Những từ ngữ này gợi đến mầu
nhiệm phục sinh sống lại, chỗi dậy khỏi sự chết và đời sống cũ; và nhắc chúng
ta nhớ đến việc Ðức Giêsu đang đi lên Giêrusalem để được vinh hiển. Ðó là con
đường mà người Samari, tức là lương dân từ nay sẽ đi để sống đạo, sống đời sống
Kitô hữu để theo Ðức Kitô đến vinh quang.
Tất
cả những tư tưởng dồi dào này, chúng ta cần suy niệm thêm để thấy mình nơi người
Samari có phúc kia. Chúng ta đã có đức tin. Nhưng đức tin này cần tiến bộ, mới
cứu được chúng ta. Chín người Do Thái kia cũng đã có lòng tin khi kêu xin Chúa
chữa và vâng lời đi trình diện các tư tế. Nhưng rồi đức tin của họ đã đi vào tập
quán, suy nghĩ theo thói quen và không tỉnh thức nhận ra mạc khải mới của Chúa.
Họ dùng đức tin để phục vụ mình nên họ đã quên và bỏ Chúa. Những người như họ cần
đọc lại bài Tin Mừng hôm nay; và cũng có thể đọc thêm bài thư Phaolô, để dễ thấm
thía thâm tín hơn.
3. Một Sự Tiến Bộ
Không Nản Chí
Quả
vậy, trong bài thư này thánh Phaolô nói đến lòng tin của người. Không những người
đã tin Ðức Giêsu Kitô phục sinh từ kẻ chết và người hằng rao giảng Tin Mừng ấy
cho lương dân để họ cũng được cứu chuộc; nhưng ngay lúc này đây, đang khi bị
giam cầm tù tội như một kẻ gian phi, người vẫn không bớt niềm tin ấy. Ngược lại,
lòng tin của người vẫn mạnh, vẫn tiến. Người chịu đựng tất cả những đau khổ hiện
tại cho phần rỗi của những người được Chúa chọn. Tức là đang khi bị cầm tù, người
vẫn làm tông đồ, người vẫn rao giảng đức tin bằng chính cách chịu đau khổ. Do
đó người có thể viết: người bị cầm tù nhưng Tin Mừng của Ðức Kitô, lời cứu độ của
Thiên Chúa chẳng hề bị cầm chân. Người nêu gương cho tất cả chúng ta luôn phải
đưa đức tin đi xa hơn, làm cho đức tin ấy tiến bộ, ngay cả khi bị thử thách và
chúng ta sẽ có thể nói như Phaolô ở một đoạn khác: tôi biết tôi đã tin vào ai?
Không
phải chúng ta chỉ tin vào Thiên Chúa duy nhất như Naaman trong bài sách Các
Vua; và cũng không phải chúng ta chỉ tin vào Ðức Giêsu có quyền làm phép lạ như
10 người bị bệnh phong cùi trong bài Tin Mừng, chúng ta tin Ðức Giêsu là Thiên
Chúa như người Samari kia, và nhất là chúng ta tin Ðức Giêsu đã chết và sống lại
vì ta như thánh Phaolô nói trong bài thư hôm nay. Do đó, dù khi có bệnh hay
không có bệnh, dù được khỏi hay không được khỏi bệnh, dù bị rơi vào bất cứ hoàn
cảnh rủi ro nào, chúng ta vẫn tin và vẫn rao giảng Chúa Giêsu Kitô. Người kết
hiệp với chúng ta trong thánh lễ này. Người đưa chúng ta vào đường lối của Người
để như Người đã đi lên mầu nhiệm Tử Nạn Phục Sinh thế nào, chúng ta cũng chỗi dậy
và đi với Người cho đến hạnh phúc muôn đời.
(Trích
dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của
Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật 28 Thường
Niên, Năm C
Bài đọc: 2 Kgs
5:14-17; 2 Tim 2:8-13; Lk 17:11-19.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lòng biết ơn.
Không
ai thích người vô ơn; nhưng nhiều khi chính chúng ta lại là những người vô ơn với
Thiên Chúa, với cha mẹ, và với tha nhân. Để biết ơn, chúng ta cần phải nhận ra
ơn, chứ đừng bao giờ nghĩ mọi sự phải xảy ra như vậy: Thiên Chúa phải ban ơn,
cha mẹ phải săn sóc con cái, các nhà lãnh đạo phải lo cho dân... Công ơn mình
đang hưởng có thể bị lấy mất bất cứ lúc nào. Có những người sợ phải biết ơn vì
họ sợ sẽ phải đền ơn; vì thế họ vô ơn. Họ quên đi rằng khi con người biết ơn, họ
sẽ được lãnh nhận nhiều ơn hơn, và cuộc đời họ sẽ thăng tiến. Người vô ơn sẽ
càng ngày càng lụi bại dần, và sẽ bị mọi người xa lánh.
Các
bài đọc hôm nay tập trung trong hai khía cạnh quan trọng của việc biết ơn: (1)
nhận ra những gì ân nhân đã làm cho mình; (2) cám ơn bằng việc làm cụ thể.
Trong bài đọc I, tướng Syria là Naaman nhận ra Thiên Chúa của Israel là Người
đã chữa ông khỏi bệnh cùi. Ông trở lại cám ơn ngôn sứ Elisha như khí cụ Thiên
Chúa dùng để chữa lành, và cam kết từ nay sẽ không thờ phượng một Thiên Chúa
nào khác. Trong bài đọc II, Phaolô nhận ra những gì Đức Kitô đã làm cho con người
và cho chính bản thân ông trên đường đi Damascus. Ông khuyên môn đệ Timothy
trung thành chịu đau khổ để rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Đức Kitô cho mọi người
để họ cũng được hưởng sự sống muôn đời. Trong Phúc Âm, người bệnh phong xứ
Samaria là người duy nhất trong 10 người đã nhận ra ơn lành Chúa Giêsu đã làm
cho ông. Ông trở lại cám ơn Chúa Giêsu, và ông nhận được thêm ơn lành cứu độ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Tôi tớ ngài sẽ không còn dâng hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức
Chúa.
1.1/
Tướng Naaman nhận ra Thiên Chúa của Israel đã chữa bệnh cho mình.
Trước
khi Naaman, tướng Syria, vâng lời dìm mình 7 lần trong sông Jordan, ông đã trải
qua cuộc thử thách nội tâm: Tại sao ngôn sứ Elisha không chịu ra đón tiếp ông?
Tại sao khinh thường ông đến độ chỉ sai đầy tớ ra đón ông với một mệnh lệnh đơn
giản: “Xuống sông Jordan dìm mình 7 lần sẽ được sạch.” Tại sao phải dìm mình 7
lần trong sông Jordan của người Do-thái, trong khi có biết bao con sông ở Syria
sạch sẽ hơn nhiều? Và ông đã giận dữ bỏ ra về...
Đoàn
tùy tùng phải mở trí cho ông để ông nhận ra những vô lý của ông: Chính ông là
người cần nhận ơn từ người của Thiên Chúa chứ không ngược lại. Đã vất vả qua
Do-thái rồi, giờ chỉ cần nghe lời người của Thiên Chúa, khiêm nhường dìm mình 7
lần trong sông Jordan là được sạch. Tại sao ông không chịu làm công việc quá dễ
dàng như thế để khỏi phải chịu một chứng bệnh nan y suốt đời?
Và
ông đã nhận ra sự vô lý của mình, ông khiêm nhường làm theo lời của ngôn sứ
Elisha: “ông xuống dìm mình bảy lần trong sông Jordan, theo lời người của Thiên
Chúa. Da thịt ông lại trở nên như da thịt một trẻ nhỏ. Ông đã được sạch.”
1.2/
Tướng Naaman tuyên thệ sẽ không thờ bất cứ thần nào ngoại trừ Thiên Chúa của
Elisha.
Khi
tướng Naaman nhận ra đã được lành bệnh, ông thân hành trở lại đứng trước mặt
ngôn sứ Elisha, người của Thiên Chúa, tuyên xưng: “Nay tôi biết rằng: trên khắp
mặt đất, không đâu có Thiên Chúa, ngoại trừ ở Israel.” Ông không những đã được
Thiên Chúa chữa lành phần xác là cho khỏi bệnh phong, ông còn được chữa lành phần
hồn qua việc nhận ra Thiên Chúa của Israel là Thiên Chúa duy nhất, và bổn phận
của ông là chỉ thờ phượng một Thiên Chúa này mà thôi.
Khi
Naaman dâng lễ vật để tỏ lòng biết ơn, ngôn sứ Elisha không lãnh nhận, vì ngôn
sứ biết rõ việc chữa lành là ơn của Thiên Chúa dành cho tướng Naaman, không phải
do bởi ông. Ông không thể nhận quà tặng, vì như thế là đánh cắp công ơn của
Thiên Chúa, và có thể làm cho người nhận ơn hiểu lầm. Đây phải là một bài học
quan trọng cho chúng ta: Tất cả là hồng ân của Thiên Chúa. Đừng bao giờ đánh cắp
làm của mình. Cần phải nói cho người được ơn biết rõ lý do để họ cám ơn Thiên
Chúa.
Tại
sao Naaman muốn xin mang về hai xe đất? Có lẽ Naaman muốn dùng đất đó để xây dựng
bàn thờ kính Thiên Chúa, vì theo như lời ông nói: “Tôi tớ ngài sẽ không còn
dâng lễ toàn thiêu và hy lễ cho thần nào khác ngoài Đức Chúa.”
2/
Bài đọc II: Đức Kitô, vị đại ân nhân của loài người.
1.1/
Phaolô nhận ra những gì Đức Kitô đã làm cho loài người và cho chính ông.
Để
hiểu những gì Phaolô nói, chúng ta cần luôn trở về với biến cố quan trọng xảy
ra trong cuộc đời Phaolô trên đường đi Damascus. Phaolô đã nhận ra những ơn
Thiên Chúa ban cho ông:
- Ơn phần hồn: cho ông nhìn thấy
chính Chúa phục sinh; giúp ông thay đổi não trạng kiêu ngạo để biết nhìn nhận:
con người được cứu độ do bởi ơn thánh chứ không do bởi việc cố gắng giữ Lề Luật.
Sự sống lại có thật; và như thế, tất cả những Lời dạy dỗ của Đức Kitô là sự thật.
- Ơn phần xác: ông được chữa khỏi
mù và khỏi bị phạt chết.
Phaolô
cũng nhận ra Đức Kitô là vị đại ân nhân của loài người, qua lời Phaolô khuyên
môn đệ Timothy: “Anh hãy nhớ đến Đức Giêsu Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết.”
Ngài đã chết thay cho con người, Ngài đã tha mọi tội cho con người. Ngài đã
mang lại cho con người sự sống đời đời đã bị đánh mất bởi tội.
1.2/
Phaolô cam chịu mọi sự để mưu ích cho những người Thiên Chúa đã chọn.
Một
khi Phaolô đã nhận ra tất cả các ơn Đức Kitô đã làm cho ông, ông quyết định
dành trọn cuộc đời còn lại để báo đáp bằng cách chu toàn trọn vẹn sứ vụ Đức
Kitô trao phó cho ông là rao giảng Tin Mừng. Phaolô có kinh nghiệm rất rõ trong
ba cuộc hành trình, ông phải chịu nhiều đau khổ để mang Tin Mừng đến cho mọi
người và để chứng minh lòng trung thành của ông với Đức Kitô.
Một
trong những điểm quan trọng của thần học Phaolô là “Hãy bắt chước Phaolô như
Phaolô bắt chước Đức Kitô.” Chúa Giêsu không có tội nhưng Ngài sẵn sàng chịu đựng
đau khổ cho phần rỗi linh hồn của mọi người. Thánh Phaolô cũng sẵn sàng chịu
đau khổ như một tên gian phi vì rao giảng Tin Mừng, “để mưu ích cho những người
Thiên Chúa đã chọn, để họ cũng đạt tới ơn cứu độ trong Đức Giêsu Kitô, và được
hưởng vinh quang muôn đời.” Ngài viết Thư này cho Timothy khi đang bị xiềng
xích tại Roma, để khuyên nhủ Timothy cũng phải sẵn sàng chịu đựng đau khổ để
rao giảng Tin Mừng. Ngài khuyên Timothy noi gương ngài đừng để Lời của Thiên
Chúa bị xiềng xích. Người ta có thể cầm tù người rao giảng; nhưng không ai có
thể cầm tù Lời của Thiên Chúa, vì đó là Lời tồn tại muôn đời.
Chỉ
trong gian nan một người mới biết ai là người trung thành với mình. Người trốn
chạy bạn hữu khi gặp gian khổ không phải là bạn nghĩa thiết. Chúa Giêsu từng
nói với các môn đệ: “Ai tuyên xưng Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng tuyên
xưng người ấy trước mặt Cha Thầy. Ai chối Thầy trước mặt người đời, Thầy cũng
chối bỏ người ấy trước mặt Cha Thầy” (Mt 10:32-33). Thánh Phaolô lặp lại lời
tuyên xưng ấy với một nghĩa tương tự: “Đây là lời đáng tin cậy: Nếu ta cùng chết
với Người, ta sẽ cùng sống với Người. Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển
trị với Người. Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.”
3/
Phúc Âm: “Chín người kia đâu? Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà
chỉ có người ngoại bang này?"
3.1/
Người cùi Samaria nhận ra Chúa Giêsu đã chữa lành cho anh:
Trên
đường lên Giêrusalem, Đức Giêsu đi qua biên giới giữa hai miền Samaria và
Galilee. Khi Người vào một làng kia, thì có mười người phong hủi đón gặp Người.
Họ dừng lại đằng xa và kêu lớn tiếng: "Lạy Thầy Giêsu, xin dủ lòng thương
chúng tôi!"
Mấy
phong tục của người Do-thái chúng ta cần hiểu trước khi phân tích trình thuật
này:
-
Người Do-Thái rất chú trọng đến vấn đề thanh sạch bên trong cũng như bên ngoài;
vì thế, những người phong cùi không được ở chung với dân chúng; mà phải sống
cách biệt bên ngoài làng của dân ở (Lev 13:46, Num 5:2). Họ không được phép tiếp
xúc trực tiếp với dân, và phải dừng lại và la lớn để mọi người biết sự có mặt của
họ mà tránh đi (Lev 13:45).
-
Ngày xưa không có y sĩ như bây giờ. Để chứng tỏ đã hết bệnh phong cùi, họ phải
được xem xét cẩn thận bởi các tư tế. Khi nào các tư tế tuyên bố họ đã sạch; bấy
giờ họ có thể trở về sinh hoạt bình thường với dân trong làng (Lev 14:2-3). Đó
là lý do tại sao Đức Giêsu bảo họ: "Hãy đi trình diện với các tư tế."
Chúa
Giêsu thử thách cả 10 người khi bảo họ đi trình diện với các tư tế, vì khi họ
đi, chưa ai trong họ được sạch cả. Chỉ đang khi đi thì họ mới nhận ra họ đã được
sạch.
3.2/
Người Samaria được sạch trở lại cám ơn Chúa Giêsu.
Một
người trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh
Thiên Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giêsu mà tạ ơn. Chúa Giêsu nhận ra
ngay anh ta là người Samaria và 9 người kia là người Do-thái. Đức Giêsu nói:
"Không phải cả mười người đều được sạch sao? Thế thì chín người kia đâu?
Sao không thấy họ trở lại tôn vinh Thiên Chúa, mà chỉ có người ngoại bang
này?"
Biết
ơn là xứng đáng đón nhận thêm ơn. Chúa Giêsu nói với anh ta: "Đứng dậy về
đi! Lòng tin của anh đã cứu chữa anh." Anh không chỉ được thanh sạch bên
ngoài, anh còn được thanh sạch cả bên trong. Chính vì lòng tin mà anh đã xứng
đáng được hưởng ơn cứu độ.
Tại
sao con người vô ơn? Có nhiều lý do: (1) vì con người không chịu suy nghĩ để nhận
ra ơn, họ nghĩ mọi sự trên đời tự nhiên mà có mà không cần suy nghĩ tại sao nó
có; (2) họ giả sử tất cả mọi người phải hành động như vậy: là Thiên Chúa phải
ban ơn; là cha mẹ phải nuôi nấng con cái; là thầy phải dạy dỗ học sinh; và (3)
họ sợ nếu nhận ra ơn, họ phải trả ơn; vì thế, họ vô ơn với Thiên Chúa, với cha
mẹ, và với mọi người chung quanh. Những con người vô ơn bạc nghĩa sẽ không sống
nổi trong cuộc đời, vì họ sẽ bị Thiên Chúa và mọi người khai trừ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải biết dùng trí khôn để nhận ra ơn và dùng trí nhớ để đếm tất cả những
ơn lành đã nhận được. Lười biếng và vô tâm làm con người không nhận ra những ơn
lành lãnh nhận.
-
Biết ơn là điều kiện để nhận thêm ơn, nhiều khi những ơn đó còn cao cả hơn những
ơn đã lãnh nhận. Người vô ơn không nhận được thêm ơn.
-
Không phải chỉ biết ơn suông, nhưng còn phải nói lời cám ơn và tìm dịp để đền
ơn.
-
Con người không thể làm ơn cho Thiên Chúa, họ chỉ có thể làm cho tha nhân và được
Thiên Chúa kể là làm cho chính Ngài. Những gì con người làm cho tha nhân không
chỉ đáp đền ơn Thiên Chúa ở đời này, mà còn trở nên công trạng giúp cho con người
ở đời sau. Vì thế, hãy ra sức giúp đỡ tha nhân bao nhiêu có thể làm được.
-
Chúng ta phải biết ơn cha mẹ, những người đã cưu mang, nuôi nấng, và dạy dỗ
chúng ta trong suốt một phần tư của cuộc đời. Khi cha mẹ về già và không còn tự
săn sóc mình được nữa, chúng ta phải phụng dưỡng và săn sóc các ngài. Đừng cho
vào các nhà hưu dưỡng rồi tự an ủi: “chính phủ sẽ săn sóc các ngài tốt hơn ta.”
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Biết ơn
Trong cuốn "Nói với chính mình" Đức Cha Bùi Tuần có
viết: Tôi rất thích chó vì chó biết ơn. Dầu chỉ nhận được một
cục xương, chó cũng tỏ vẻ biết ơn. Chủ đi đâu về, chó cũng vẫy đuôi mừng rỡ.
Trong khi đó, con người vô ơn lại là chuyện bình thường.
Một sự kiện khác cũng khiến chúng ta phải ngạc nhiên không ít:
một số người Việt Nam từ hải ngoại trở về thăm quê hương đã đưa ra nhận xét như
sau: Dầu cố gắng che giấu đến đâu cái tông tích Việt kiều của mình, thì cái
tông tích ấy vẫn cứ bị lộ ra. Và oái oăm thay, cái tông tích ấy được thể hiện
không phải qua cách mua sắm tiêu xài hay qua cách phục sức, mà gắn liền với một
chi tiết rất tầm thường. Người ta nhận ra họ bởi vì họ là những người luôn
miệng nói lên hai tiếng "cám ơn". Nếu quả thực hai tiếng cám ơn đã
trở thành quý hiếm trên môi miệng người Việt Nam hiện nay, thì điều này hẳn
phải là một báo động đáng lo ngại. Đó có thể là dấu hiệu của sự khô cạn tình
người trong xã hội chúng ta đang sống.
Thực vậy, khi ơn nghĩa đã bị chối bỏ, thì dĩ nhiên sự ràng buộc
và tình liên đới cũng trở thành mong manh. Một khi tình người bị chối bỏ, thì
tất nhiên niềm tin tôn giáo cũng sẽ chỉ là chuyện thừa thãi mà thôi.
Tin Mừng hôm nay mời gọi chúng ta đào sâu ý nghĩa của lòng biết
ơn trong cuộc sống con người. Trong số mười người được chữa lành, thì chỉ có
một người quay lại ngợi khen Thiên Chúa, rồi đến sấp mình dưới chân Chúa Giêsu
mà tạ ơn Ngài. Chúa Giêsu hẳn đã chua xót trước sự vô ơn của con người khi thốt
lên: Chớ thì không phải cả mười người được lành sạch sao? Còn chín người kia
đâu sao không thấy ai trở lại tôn vinh Thiên Chúa mà chỉ có người ngoại này mà
thôi. Tỷ lệ quá thấp, chỉ có một phần mười. Và một phần mười ấy theo Chúa Giêsu
nhận xét lại là thành phần ngoại giáo. Mặc dù là ngoại giáo theo nghĩa tôn
giáo, nhưng lại rất có đạo theo nghĩa đạo làm người. Mà bởi đạo làm người cũng
là thể hiện của đạo Chúa, cho nên người ngoại giáo Samaria này, theo cái nhìn
của Chúa Giêsu, hẳn phải là người có đạo hơn chín người Do Thái kia, bởi vì
người này đã thực thi cái nhân đức cao quý nhất của con người là lòng biết ơn.
Con người không thể là người một cách sung mãn mà không cần đến
người khác. Nói lên hai tiếng cám ơn là nói lên tình liên đới thâm sâu giữa
người với người. Tôi không thể là tôi nếu không có người khác. Tôi cần có người
khác để sống hoàn thiện, để được hạnh phúc. Từ cha mẹ tôi, gia đình tôi, những
người thân thích của tôi cho đến cả những kẻ thù của tôi...Tất cả đều đã đóng
góp vào sự trưởng thành của tôi. Không ai nghèo đến độ không có gì để trao
tặng. Cuộc đời là một chuỗi những lãnh nhận, từ sự sống cho đến những thành
đạt. Không có gì chúng ta đang có mà không do lãnh nhận từ người khác. Do đó
biết ơn là một đòi hỏi thiết yếu nhất của trái tim con người. Không có lời rủa
sả nào thậm tệ bằng ba tiếng: Đồ vô ơn. Hơn nữa, lòng biết ơn còn là con đường
dẫn chúng ta đến gặp gỡ Thiên Chúa, Đấng là cội nguồn mọi ơn huệ.
Người Samaria được chữa lành, đã ngợi khen Thiên Chúa và sấp
mình dưới chân Chúa Giêsu mà tạ ơn Ngài. Như vậy, lòng biết ơn chính là nẻo
đường dẫn anh đến gặp gỡ với Thiên Chúa. Sống cho ra người, sống cho có tình
nghĩa, đó là con đường bảo đảm nhất dẫn chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Vô thần,
xét cho cùng, cũng chỉ là vô ơn, bởi vì kẻ chối bỏ Thiên Chúa thì dĩ nhiên cũng
sẽ chối bỏ người đồng loại của mình.
13/10/13 CHÚA
NHẬT TUẦN 28 TN – C
Lc 17,11-19
Lc 17,11-19
TÂM TÌNH BIẾT ƠN
Đang khi đi, họ được sạch. Một người
trong bọn, thấy mình được khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên
Chúa. Anh ta sấp mình dưới chân Đức Giê-su mà tạ ơn. (Lc 17,14-16)
Suy niệm: Bộ
phim Danh sách Schindler (từng được giải thưởng Oscar) có một kết thúc thật cảm động. Schindler là
một nhà công nghiệp người Đức đã cứu trên ngàn người Do Thái khỏi trại tập
trung. Trước ngày ông tháo chạy về phía tây, những người Do Thái đã tháo chiếc
răng vàng còn sót lại để luyện thành chiếc nhẫn tặng ân nhân mình với dòng chữ:
“Ai
cứu được một mạng sống là cứu được cả thế giới”. Tục ngữ Việt Nam nói rằng: “Làm ơn chớ nên nhớ, được ơn chớ
nên quên”. Cũng
như những người Do Thái Ba Lan, Người phong Samari đã ghi nhớ “được ơn chớ nên quên”, nên đã trở lại tôn vinh Thiên Chúa và sấp mình
dưới chân Đức Giêsu tỏ lòng biết ơn. Còn chín người phong Do Thái kia chỉ dừng
lại ở quà tặng, mà không biết hướng đến Đấng ban tặng. Thật đáng tiếc!
Mời Bạn: Hãy
luôn nói tiếng cám ơn mỗi khi nhận được một điều gì từ người chung
quanh. Bạn cũng đừng coi những gì Chúa ban là điều bình thường mà quên cảm tạ
Chúa, bạn nhé!
Chia sẻ: Làm
cách nào để cuộc đời tôi luôn là lời tạ ơn Thiên Chúa?
Sống Lời Chúa: Tôi
sẽ nói tiếng cám ơn với người thân và nói lời tạ ơn với Chúa mỗi
tối trước khi đi ngủ.
Cầu nguyện: Lạy Cha, con tạ ơn Cha vì những ơn Cha ban cho con, những ơn con
thấy được, và những ơn con không nhận là ơn. Con biết rằng con đã nhận được
nhiều ơn hơn con tưởng, biết bao ơn mà con nghĩ là chuyện tự nhiên. Tạ ơn Cha
vì những gì Cha cương quyết không ban vì có hại cho
con. (Rabbouni)
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
13 THÁNG MƯỜI
Một Thời Đại Khẩn Trương
Thật bi đát là còn nhiều vùng trên thế giới, người ta vẫn
chưa biết hoặc đã lãng quên Tin Mừng. Xã hội hiện đại vốn tự hào là một xã hội
thông tin, nhưng có hàng triệu con người mong mỏi được nghe Tin Mừng mà chỉ mới
được biết loáng thoáng hoặc chẳng biết gì cả về Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Thế.
Và trong thế giới cũ, vốn in đậm truyền thống đức tin Kitô giáo hàng bao thế
kỷ, đang tồn tại những ý thức hệ sai lạc và tư tưởng duy vật quá tràn ngập đến
nỗi nhiều người sợ rằng thế giới có nguy cơ bị nhận chìm vào trong vực thẳm đen
tối của chủ nghĩa vô thần. Vì thế, song song với nhu cầu Phúc Âm hóa, chúng ta
nhận ra một nhu cầu cấp bách không kém, đó là tái rao giảng Tin Mừng.Tất cả
chúng ta – linh mục cũng như giáo dân – đều được mời gọi khơi lại ý thức trong
Giáo Hội về nhu cầu khẩn thiết của việc Phúc Âm hóa và tái Phúc Âm hóa. Đặc
biệt, chúng ta phải giúp cho thế hệ trẻ nắm bắt sứ điệp này. Tâm hồn các bạn
trẻ thường bị phân tán bởi những hy vọng trống rỗng. Chúng ta phải nhấn mạnh
với họ về tính khẩn thiết của công việc truyền giáo, là lời tiếng gọi thách đố
tất cả những ai đã lãnh nhận Phép Rửa. Chúng ta cũng cần phải làm cho các cộng
đoàn Kitô hữu trở nên liên đới mật thiết với những nhu cầu những thử thách của
các anh em tại các vùng truyền giáo.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II –
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 13-10
CHÚA
NHẬT XXVIII THƯỜNG NIÊN
2V
5,14-17; 2Tm2,813; Lc 17,11-19
LỜI SUY NIỆM: Trong câu chuyện mười
người phung hủi đến xin Chúa Giêsu chữa lành. Đức Giêsu bảo họ: “Hãy đi trình
diện tư tế”. Đang khi đi thì họ được sạch. Một người trong bọn, thấy mình được
khỏi, liền quay trở lại và lớn tiếng tôn vinh Thiên Chúa (Lc 17,14-15).
Trong cuộc
sống, thường là khi gặp khó khăn, chúng ta chạy đến với mọi người và mọi nơi,
nhưng khi vượt qua những khó khăn đó và trở nên... lại thường quên ơn, có người
lại muốn phủi ơn để che đây mọi khó khăn trước đó, và tự cho, do tay mình làm
nên mọi sự, hay là gặp vận may. Điều này, đối với đức tin của người Kitô hữu,
chúng ta cần phải ý thức lại: mọi sự, mọi hoàn cảnh, đều do bởi ơn ban của
Chúa, ơn ban này Chúa trao từ tay người này, người nọ mà đến với chúng ta. Nên
những điều chúng ta đang hưởng, những hoàn cảnh chúng ta đang sống cần hướng về
Thiên Chúa để cầu nguyện và tôn vinh Ngài.
Mạnh Phương
13
Tháng Mười
Mặt Trời Múa
Hôm nay 13 tháng 10, là kỷ niệm Ðức Mẹ hiện ra lần thứ
sáu cho ba em Lucia, Phanxicô và Giacinta tại làng Fatima bên Bồ Ðào Nha.
Ðây là lần hiện ra có đông đảo dân chúng chứng kiến nhất.
Mặc dù thời tiết xấu, ngay từ ngày 12, có trên mười ngàn người Bồ Ðào Nha từ
khắp nơi trong nước đổ xô về Fatima để chờ đợi phép lạ như Ðức Mẹ đã hứa trong
các lần hiện ra trước. Người lo lắng nhất trong suốt mấy ngày hôm đó chính là
bà mẹ của Lucia. Bà khuyên cô con gái hãy đi xưng tội để nhỡ nếu không có phép
lạ xảy ra, thì khi bị giết chết, họ cũng an tâm vì đã xưng tội. Cô Lucia trả
lời: con sẽ đi xưng tội, nhưng không phải vì sợ phép lạ không xảy ra... Ðức Mẹ
sẽ giữ lời hứa.
Buổi sáng sớm ngày 13/10, người ta đã thấy đám đông đứng
phủ đầy ngọn đồi Cova da Iria, nơi Ðức Mẹ hứa sẽ hiện đến. Dưới cơn mưa lất
phất của những ngày đầu mùa thu, ai cũng cảm thấy lạnh cóng, nhưng đều hiệp ý
với nhau trong lời kinh Mân Côi kính Mẹ. Mọi người đều chăm chú hướng nhìn về
ba em bé mục đồng, trong y phục rách rưới và bê bết những bùn.
Lucia bắt đầu đọc kinh Mân Côi, bỗng cô hô lớn: "Xin
mọi người hãy xếp dù lại". Với hai em Phanxicô và Giacinta, cô ra lệnh:
"Hai em hãy quỳ xuống, vì Ðức Mẹ đang hiện đến".
Cùng với ba em, nhiều người đã nhìn thấy vệt sáng trên
nền trời. Trong một cái nhìn vừa cảm thông và u buồn, Ðức Mẹ nói với ba em bé:
"Ta là Ðức Mẹ Mân Côi... Ta muốn người ta xây một nhà nguyện tại đây để
kính nhớ Ta. Các con hãy tiếp tục lần hạt mỗi ngày". Và Ðức Mẹ đã hứa sẽ
nhận lời cầu xin của một số người mà Lucia đại diện trình lên Mẹ. Nhưng Mẹ cảnh
cáo: "Ðừng xúc phạm đến Chúa nữa, người ta đã xúc phạm quá đỗi rồi".
Nói xong những điều đó, Ðức Mẹ chỉ tay về hướng mặt trời... Trong cơn ngây ngất,
Lucia đã thốt lên: "Xin mọi người hãy nhìn về mặt trời".
Lạ lùng thay, ai cũng có thể nhìn về mặt trời mà không bị
lóa mắt. Như một bánh xe cuồn cuộn lửa đỏ, ánh thái dương bỗng quay lượn, nhảy
múa và toát ra những tia sáng muôn màu sắc. Rồi thình lình, từ trời cao, mặt
trời bỗng đổ xuống như một trái bóng da khổng lồ. Trong cơn hốt hoảng, mọi
người cảm thấy như mặt trời sắp rơi xuống, ai ai cũng nằm rạp xuống trên bãi cỏ
và đấm ngực ăn năn như để chờ đợi giây phút cuối cùng của vũ trụ... Hiện tượng
mặt trời nhảy múa và sa xuống mặt đất kéo dài trong vòng hai phút. Khi mặt trời
đã trở lại trạng thái bình thường, mọi người đều nhận thấy rằng, bãi cỏ ướt đẫm
trong cơn mưa bỗng trở nên khô ráo.
Việc Ðức Mẹ hiện ra và hiện tượng mặt trời nhảy múa đi
kèm như được mô tả trên đây, mang nhiều ý nghĩa.
Chính phủ cách mạng tại Bồ Ðào Nha vào năm 1917 muốn đánh
đổ những thứ mà họ gọi là huyền thoại tôn giáo, cũng như dẹp bỏ mọi thứ cuồng
tín. Buổi sáng ngày 13/10 hôm đó, cả một lực lượng vũ trang hùng hậu đã được
gửi đến đồi Cova da Iria để ngăn cản mọi cuộc tập họp của dân chúng. Báo chí
thì tung ra lời tuyên đoán rằng phép lạ sẽ không bao giờ xảy ra và huyền thoại
tôn giáo sẽ cáo chung từ hôm đó.
Thế nhưng tất cả những sức ép trên đây đã không đánh đổ
được lòng tin của người tín hữu.
Phép lạ mặt trời múa vừa là một thể hiện của quyền năng
của Thiên Chúa vừa là một lời mời gọi sám hối. Ðệ nhất chiến tranh đã phát sinh
nhiều làn sóng vô thần chủ trương tiêu diệt tôn giáo bằng bạo lực. Bên cạnh
những chế độ độc tài chối bỏ quyền sống của con người, nhiều người cũng buông
thả trong đời sống luân lý.
Thế giới chỉ có thể cứu vãn được nếu con người biết hoán
cải: đó là sứ điệp mà Ðức Maria đã không ngừng lặp đi lặp lại tai Fatima. Và
phương tiện để giúp con người hoán cải trước tiên đó là cầu nguyện. Cầu nguyện
không những là quay trở lại với Chúa, nhưng còn là một cải đổi tương quan đối
với người anh em.
Lịch sử đang lập lại không ngừng. Quyền sống của con
người đang bị chối bỏ nhiều nơi trên thế giới. Con người cũng chối bỏ và chà
đạp chính Thiên Chúa trong những sa đọa về luân lý. Ðức Maria đang tha thiết
kêu mời chúng ta hãy sám hối, siêng năng cầu nguyện với kinh Mân Côi... Ðó là
phương thế duy nhất để cứu vãn thế giới của chúng ta.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét