THỨ NĂM 17/10/2013
Thứ Năm sau Chúa Nhật
28 Quanh Năm
Thánh I-nha-xi-ô
An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo. Lễ nhớ.
* Giám mục
I-nha-xi-ô thành An-ti-ô-khi-a đã bị án quăng làm mồi cho thú dữ, tại Rôma,
quãng năm 110. Tại các chặng dừng chân trên con đường tiến đến nơi hành hình,
người đã gửi bảy thư cho nhiều giáo đoàn. Trong các thư đó, người nói về Chúa
Kitô, về Hội Thánh và về đời sống Kitô hữu một cách khôn ngoan và thông thái.
Trong các thư đó còn có một trong những bài tình ca thốt lên từ một trái tim thấm
nhuần tinh thần Kitô giáo: “Hãy để tôi lãnh nhận ánh sáng tinh tuyền. Nơi tôi
chỉ còn một dòng nước sống động đang thầm thì: Hãy đến với Chúa Cha”.
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 3, 21-30a
"Con người nhờ
đức tin mà được công chính hoá, chứ không phải bởi việc làm theo lề luật".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, hiện giờ sự công chính của Thiên Chúa đã tỏ hiện không tuỳ vào lề
luật, nhưng có lề luật và các tiên tri làm chứng. Sự công chính của Thiên Chúa
nhờ tin vào Ðức Giêsu Kitô sẽ ban cho mọi kẻ tin vào Người, không có gì phân biệt:
vì mọi người đều phạm tội và đã thiếu mất vinh quang của Thiên Chúa, họ được
công chính hoá cách nhưng không, do ơn nghĩa của Người và nhờ sự cứu chuộc nơi
Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Thiên Chúa đã đặt làm của lễ đền tội, nhờ tin vào máu của
Người, để tỏ cho thấy đức công chính của Người, bởi Người tha thứ những tội đã
phạm khi trước, trong thời kỳ nhịn nhục của Thiên Chúa, ngõ hầu tỏ ra đức công
chính của Người trong lúc này, để tỏ ra chính Người là Ðấng công chính và công
chính hoá người tin vào Ðức Giêsu Kitô.
Vậy
đâu là việc tự hào của ngươi? Nó đã bị loại đi rồi. Bởi lề luật nào? Có phải lề
luật chỉ việc làm không? Không phải, song là bởi lề luật đức tin. Quả thế,
chúng tôi thâm tín rằng: con người nhờ đức tin mà được công chính hoá, chứ
không phải bởi việc làm theo lề luật. Hay là Thiên Chúa chỉ là Thiên Chúa của
người Do-thái thôi sao? Người không phải là Thiên Chúa các dân ngoại nữa sao? Ắt
hẳn Người là Thiên Chúa các dân ngoại nữa: vì chỉ có một Thiên Chúa.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 129, 1-2. 3-4ab.
4c-5
Ðáp: Bởi vì Chúa rộng lượng
từ bi, và Chúa rất giầu ơn cứu độ (c. 7).
Xướng: 1) Từ vực sâu, lạy
Chúa, con kêu lên Chúa. Lạy Chúa, xin nghe tiếng con cầu! Dám xin Chúa hãy lắng
tai, hầu nghe thấu tiếng van nài của con. - Ðáp.
2)
Nếu Chúa nhớ hoài sự lỗi, lạy Chúa, nào ai chịu nổi được ư? Nhưng Chúa thường rộng
lượng thứ tha, để cho thiên hạ tôn thờ kính yêu. - Ðáp.
3)
Con hy vọng rất nhiều vào Chúa, linh hồn con trông cậy ở lời Ngài. Linh hồn con
mong đợi Chúa, hơn người lính gác mong trời rạng đông. Hơn lính gác mong hừng
đông dậy, Israel đang mong đợi Chúa. - Ðáp.
Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai
đến được với Cha mà không qua Thầy". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 11, 47-54
"Sẽ bị đòi nợ
máu của các tiên tri đã đổ ra, kể từ máu của Abel cho đến máu của
Giacaria".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa phán: "Khốn cho các ngươi! Hỡi những người xây cất mồ mả các tiên
tri, mà tổ phụ các ngươi đã giết chết. Thật, các ngươi làm chứng và tán thành
những hành động của tổ phụ các ngươi: vì thực ra họ đã giết các vị tiên tri,
còn các ngươi thì xây mồ mả cho họ. Bởi đó mà sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã
nói: Ta sẽ sai đến với chúng các tiên tri và các tông đồ, trong số các vị đó,
người thì chúng giết đi, người thì chúng bách hại, khiến cho dòng giống này sẽ
bị đòi nợ máu của tất cả các tiên tri đã đổ ra từ lúc tạo thành vũ trụ, kể từ
máu của Abel cho đến máu của Giacaria, người đã bị sát hại giữa bàn thờ và thánh
điện. Phải, Ta bảo các ngươi, dòng giống này sẽ bị đòi nợ máu. Khốn cho các
ngươi! Hỡi những tiến sĩ luật, vì các ngươi cất giữ chìa khoá sự hiểu biết.
Chính các ngươi đã không được vào, mà những người muốn vào, các ngươi đã ngăn cản
họ lại".
Khi
người phán bảo cùng các biệt phái và tiến sĩ luật những lời đó, thì họ bắt đầu
oán ghét Người một cách ghê gớm, và chất vấn Người về nhiều vấn đề, cố gài bẫy
Người để may ra bắt bẻ được lời gì do miệng Người thốt ra chăng.
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Dòng Máu Cứu
Ðộ
Với
lý thuyết: "Người chết không nói", các đối thủ của những người thường
dùng bạo lực để thủ tiêu những người can đảm đóng vai trò tiên tri để nói lên sự
thật chống lại kỳ thị bất công, bênh vực quyền lợi của những người nghèo khổ. Từ
máu Abel, người vô tội đầu tiên đổ ra vẫn luôn nhuộm hồng với máu các tiên tri
thuộc mọi màu da, tiếng nói: một Martin Luther King, mục sư chủ trương bất bạo
động để tranh đấu cho sự phân biệt và kỳ thị mầu da ở xã hội Mỹ và bị bắn ngã
ngày 4/4/1968; hay một Oscar Roméro, vị giám mục thật sự yêu mến người nghèo đã
bị ám sát khi đang dâng Thánh Lễ tại một bệnh viện vào chiều ngày 23/4/1980.
Trong
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đề cập đến việc lấy máu đào làm chứng cho sự thật
nơi các tiên tri, Ngài cũng nói đến việc phải trả nợ máu. Ðoạn Tin Mừng còn cho
thấy lòng oán ghét của các Luật sĩ và Biệt phái đối với Chúa Giêsu ngày càng
gia tăng, và chính lòng oán ghét này đã dẫn Chúa Giêsu đến cái chết đẫm máu
trên Thập Giá, để Ngài thực sự chia sẻ số phận của các tiên tri. Những dòng máu
chảy từ thân xác Chúa Giêsu đã không đòi nợ máu, trái lại còn giải nợ máu, bởi
vì những dòng máu chảy ra vì tình yêu và vâng phục đối với Chúa Cha, đã phá tan
vòng luẩn quẩn của hận thù và oán ghét, qua lời Chúa Giêsu xin Cha tha thứ cho
những kẻ hành khổ và xử tử Ngài.
Cái
chết vì tình yêu và vì vâng phục của Chúa Giêsu cũng đã phá tan lý thuyết
"người chết không nói", bởi lẽ từ dạo ngài gục đầu tắt thở trên Thập
Giá, cái chết của Ngài đã nói và vẫn tiếp tục nói trải qua gần 2,000 năm nay,
nói với những người tin lẫn người không tin vào Ngài về độ sâu của tình yêu
Thiên Chúa đối với nhân loại và về độ dầy của tình yêu Ngài đối với mọi người.
Qua đó, cái chết của Chúa Giêsu đã trở thành nguồn sống và trao ban cho cái chết
của những người can đảm đóng vai trò tiên tri một ý nghĩa, một sức mạnh, để cái
chết của họ cũng tiếp tục nói và gây ảnh hưởng cũng như thu lượm kết quả mỹ mãn
hơn lúc họ còn sống. Cái chết của Mục sư Martin Luther King đã đẩy mạnh và đóng
góp phần không nhỏ vào phong trào chống phân biệt, kỳ thị cho những người da mầu
tại xã hội Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Cái gục đầu tắt thở trên bàn thờ
đang lúc dâng Thánh Lễ của Ðức Cha Oscar Roméro đã gây niềm hy vọng và sức mạnh
khôn lường cho bao nhiêu người dấn thân tranh đấu cho công bằng xã hội tại các
quốc gia Mỹ Châu La Tinh.
Nợ
máu vẫn đòi phải trả bằng máu. Nhưng từ dạo máu Chúa Giêsu chảy trên đồi Calvê
và vẫn tiếp tục chảy trên bàn thờ mỗi ngày khắp nơi trên thế giới, những dòng
máu hy sinh cho chính nghĩa, những dòng máu chảy ra vì tình yêu, đã trở thành
khí giới sắc bén phá tan hận thù, bất công, để góp phần xây dựng một thế giới
thấm nhuộm tình người, dẫn đến một nhân loại biết liên đới chia sẻ, yêu thương.
(Veritas Asia)
Ngày 17 tháng 10
Thánh I-nha-xi-ô
An-ti-ô-khi-a, Giám mục, Tử đạo
(Lễ nhớ)
BÀI ĐỌC I: Pl 3, 17 - 4, 1
"Quê hương
chúng ta ở trên trời".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philípphê.
Anh em thân mến, anh em hãy bắt chước tôi, và hãy để
mắt nhìn coi những người ăn ở theo như mẫu mực anh em thấy nơi chúng tôi. Bởi
chưng như tôi đã thường nói với anh em, và giờ đây tôi đau lòng ứa lệ mà nói lại,
có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Đức Kitô. Chung cuộc đời họ là hư
vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô
nhục; họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này. Phần chúng ta, quê hương
chúng ta ở trên trời, nơi đó chúng ta mong đợi Đấng Cứu Chuộc là Đức Giêsu
Kitô, Chúa chúng ta. Người sẽ biến đổi thân xác hèn hạ của chúng ta nên giống
thân xác hiển vinh của Người, nhờ quyền lực mà Người vẫn có, để bắt muôn vật
suy phục Người.
Bởi thế, anh em thân mến và yêu quý, anh em là niềm
hoan lạc và triều thiên của tôi; anh em thân mến, hãy vững vàng trong Chúa. Đó
là lời Chúa.
ĐÁP CA: Tv 33, 2-3. 4-5. 6-7.
8-9
Đáp: Chúa đã cứu tôi khỏi
mọi điều lo sợ (c. 5b).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Tôi chúc tụng
Chúa trong mọi lúc, miệng tôi hằng liên lỉ ngợi khen Người. Trong Chúa linh hồn
tôi hãnh diện, bạn nghèo hãy nghe và hãy mừng vui. - Đáp.
2)
Các bạn hãy cùng tôi ca ngợi Chúa, cùng nhau ta hãy tán tạ danh Người. Tôi cầu
khẩn Chúa, Chúa đã nhậm lời, và Người đã cứu tôi khỏi mọi điều lo sợ. - Đáp.
3)
Hãy nhìn về Chúa để các bạn vui tươi, và các bạn khỏi hổ ngươi bẽ mặt. Kìa người
đau khổ cầu cứu và Chúa đã nghe, và Người đã cứu họ khỏi mọi điều tai nạn. - Đáp.
4)
Thiên Thần Chúa hạ trại đồn binh chung quanh những người sợ Chúa và bênh chữa họ.
Các bạn hãy nếm thử và hãy nhìn coi, cho biết Chúa thiện hảo nhường bao; phúc đức
ai nương tựa ở nơi Người. - Đáp.
ALLELUIA : Gc 1, 12
Alleluia,
alleluia! - Phúc cho người biết kiên tâm chịu cám dỗ thử thách, vì khi thí luyện
thành công, họ sẽ lĩnh triều thiên sự sống. - Alleluia.
PHÚC ÂM: Ga 12, 24-26
"Nếu hạt lúa
mì thối đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng:
"Thật, Thầy nói thật với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối
đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông
hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ
giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Thầy, hãy theo Thầy, và Thầy ở
đâu, thì kẻ phụng sự Thầy cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Thầy, Cha Thầy sẽ tôn vinh
nó". Đó là lời Chúa.
Suy niệm : Con đường theo Chúa
Con
đường theo Chúa là con đường hẹp (Mt 7,13-14). Nơi khác Chúa nói:" Ai muốn
theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác Thập giá mình mỗi ngày mà theo Ta "(Lc 9,23)
Chúa
Giêsu mời gọi mọi người, không phân biệt kẻ độc thân hay người sống đôi bạn.
Chúa nói muốn nên thánh cần sống như môn đệ của Ngài: "Hãy can đảm bước
qua cửa hẹp, bước qua thử thách, rồi con người sẽ gặp được niềm vui sâu xa Chúa
trao ban". Thánh I-nha-xi-ô An-ti-ô-khi-a, giám mục, tử đạo đã can đảm bước
qua cửa hẹp, anh dũng vác Thập giá của mình mỗi ngày mà theo Chúa. Nên, cuộc đời
của Ngài đã in dấu con đường của Chúa.
MỘT CON ÐƯỜNG, MỘT
CUỘC ÐỜI
Theo
truyền tụng kể lại, thánh Inhaxiô Antiôkhia là em bé đã được Chúa Giêsu ẵm bế đặt
trước mặt các môn đệ, khi các trẻ nhỏ tới trò chuyện, quấy rầy Chúa Giêsu. Chúa
Giêsu đã không ngăn cản chúng, nhưng Ngài liền gọi một em nhỏ đến, đặt vào giữa
các ông và bảo: "Thầy bảo thật anh em:nếu anh em không trở lại mà nên như
trẻ nhỏ, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời" (Mt 18,2). Có người lại cho rằng
Inhatiô là cậu bé đã bán 5 chiếc bánh và 2 con cá để Chúa Giêsu làm phép lạ
nuôi đám đông dân chúng ăn uống no nê khi nghe Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng.
Dù giả thuyết nào đi nữa, thánh Inhatiô đã sống hết mình với sứ mạng của mình,
sứ mạng làm chứng cho Chúa Giêsu phục sinh. Thánh Inhatiô là môn đệ của thánh
Gioan tông đồ, ngài đã được cất nhắc làm giám mục thành Antiôkhia dưới thời
Hoàng đế Trajan. Cuộc đời giám mục của Inhatiô là một chuỗi những hy sinh, từ bỏ.
Thánh nhân luôn tận tụy với sứ vụ mục tử. Ngài có lòng yêu mến Chúa một cách rất
chân tình, sâu sắc. Ngài năng thăm viếng những người đau yếu, bệnh tật, tận tâm
loan báo Tin Mừng. Con đường của Ngài là con đường tận tụy vì Nước Trời. Ngài
luôn ý thức bổn phận, trách nhiệm của mình. Ngài hiểu rõ sứ vụ giám mục của
mình gắn chặt với Thập giá của Chúa Giêsu. Chấp nhận làm mục tử là đón nhận khổ
đau. Chính vì thế, dân ngoại ghen tương với ngài, tố cáo Ngài dám loan truyền
tà đạo, khuyên nhủ mọi người chán chê lạc thú, xác thịt và loại bỏ các tà thần.
Ngài bị bắt, bị dẫn giải về Roma. Bất cứ đi tới đâu, Ngài cũng rao giảng Tin Mừng
Nước Trời và khuyên nhủ mọi người, đặc biệt các Giáo Hội Á Châu bằng những thư
luân lưu rất có giá trị. Trong các thư mục vụ luân lưu đó, ngài nhắc bảo giáo
dân phải tôn kính, vâng phục quyền bính, nhất là hàng giáo phẩm, các Ðấng các Bậc.
Ngài đã bị sư tử cắn xé ở pháp trường Roma vào năm 107 trong sự an bài nhiệm mầu
của Thiên Chúa.
HẠT GIỐNG MỌC LÊN
VÀ MỌC LÊN MÃI MÃI
Thánh
Inhatiô đã cảm nghiệm sâu sắc lời này: "Hạt giống có mục nát đi mới sinh nhiều
hoa quả" (Ga 12,24). Vì thế, thánh nhân luôn biến đau khổ thành niềm vui.
Ngài yêu Chúa mà yêu Chúa thì thử thách, chông gai không còn là ngõ cụt nữa,
nhưng: "đối với những ai yêu mến Chúa, thì Ngài biến đổi mọi sự nên
lành" (Rm 8, 28). Thánh nhân đã chấp nhận trong vui tươi sự đau khổ, đã chấp
nhận cái chết với tất cả niềm yêu mến, đến nỗi đương đầu với sư tử sẽ phân
thây, xé xác mình, thánh nhân đã thốt lên lời đầy an ủi và xác tín: "Tôi
là miếng mồi ngon của Ðức Kitô. Ước gì nhờ răng của thú dữ, tôi trở thành bánh
được tuyển chọn!".
Thánh
nhân là hạt giống, được vùi dập dưới đất, nó cứ âm thầm mọc lên và mọc mãi để
tô điểm cho vườn hoa Giáo Hội.
Lạy
thánh Inhatiô Antiôkhia, xin giúp chúng con lòng can đảm làm chứng cho Chúa
Giêsu dẫu có phải thí mạng sống.
(Lm. Giuse Nguyễn
Hưng Lợi, DCCT)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần 28 TN1
Bài đọc: Rom
3:21-30; Lk 11:47-54.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lề Luật không đủ sức
mạnh giúp chúng ta nên công chính.
Một
trong những chủ đề chính mà Chúa Giêsu cũng như thánh Phaolô tranh cãi nhiều với
người Do-thái, là vai trò của Lề Luật trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Người
Do-thái tin họ có thể trở nên công chính bằng việc giữ cẩn thận tất cả các Lề
Luật của Thiên Chúa. Chúa Giêsu cũng như thánh Phaolô tuyên bố Lề Luật không thể
giúp cho con người nên công chính; vì không ai có thể giữ trọn vẹn mọi Luật. Để
nên công chính, mọi người, Do-thái cũng như Hy-lạp, cần tin vào Đức Kitô. Nếu Lề
Luật có đủ sức mang ơn cứu độ, Thiên Chúa không cần phải sai Con của Ngài xuống
thế gian để chuộc tội cho con người.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn chúng ta nhận ra sự bất toàn của con người trong việc thi
hành Lề Luật của Thiên Chúa. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô nhận xét: có Luật
hay không, cả Do-thái lẫn Dân Ngoại đều phạm tội; vì thế, để được hưởng ơn cứu
độ, mọi người phải tin vào Đức Kitô: ''Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm
cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được
như thế, bất luận là ai.'' Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tố cáo các kinh-sư đã lạm
dụng Lề Luật để bắt bớ và giết các ngôn sứ Thiên Chúa đã liên tục gởi tới cho
con người; họ còn dùng Lề Luật để bẻ cong sự thật và ngăn cản con người không
cho tới với Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Con người được công chính hóa nhờ niềm tin vào Đức Kitô.
1.1/
Cả Do-thái và Dân Ngoại đều cần tin vào Đức Kitô: Sau khi đã trình bày về tội của
Dân Ngoại (Rom 1:18-32) và tội của người Do-thái (2:1-3:8), thánh Phaolô kết luận
cả hai cùng bị tội lỗi thống trị và đều cần tin vào Đức Kitô để được trở nên
công chính. Ngài nói: ''Nhưng ngày nay, sự công chính của Thiên Chúa đã được thể
hiện mà không cần đến Luật Moses. Điều này, sách Luật và các ngôn sứ làm chứng.
Quả thế, người ta được Thiên Chúa làm cho nên công chính nhờ lòng tin vào Đức
Giêsu Kitô. Tất cả những ai tin đều được như thế, bất luận là ai. Thật vậy, mọi
người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên
công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện
trong Đức Giêsu Kitô.''
Để
dẫn chứng Sách Luật, Phaolô dùng Gen 15:6, "Ông tin Đức Chúa, và vì thế, Đức
Chúa kể ông là người công chính" (Rom 4:3). Phaolô cũng suy diễn về lời hứa
của Thiên Chúa với tổ phụ Abraham là sẽ ban cho ông một giòng dõi đông như sao
trên trời và cát ngoài bãi biển. Điều này chỉ có thể thực hiện nhờ niềm tin vào
Đức Kitô: tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều là con cháu của tổ phụ Abraham
vì Đức Kitô thuộc giòng dõi của tổ phụ Abraham (Rom 4:18-25). Tiên-tri Habbakuk
cũng đã nói trước: ''Người công chính sống bởi đức tin'' (Hab 2:4).
Để
bảo vệ sự công chính của Thiên Chúa, Ngài phải sửa phạt kẻ có tội; và để cứu độ
con người, Đức Kitô phải xuống trần để chết thay cho con người và giao hòa con
người với Thiên Chúa. Thánh Phaolô diễn đạt như sau: ''Thiên Chúa đã đặt Người
làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin. Như vậy, Thiên Chúa
cho thấy Người là Đấng Công Chính. Trước kia, trong thời Thiên Chúa nhẫn nại,
Người đã bỏ qua các tội lỗi người ta phạm. Nhưng bây giờ, Người muốn cho thấy rằng
Người vừa là Đấng Công Chính, vừa làm cho kẻ tin vào Đức Giêsu được nên công
chính.''
1.2/
Đối thoại giữa thánh Phaolô với người Do-thái về hai điều:
(1) Vai trò của Lề Luật: Người Do-thái rất
hãnh diện về Lề Luật Thiên Chúa đã ban cho họ qua ông Moses; nhưng Lề Luật chỉ
có ích khi họ tuân hành. Nếu không tuân hành, Lề Luật sẽ trở thành chứng cớ tố
cáo tội của họ. Thánh Phaolô hỏi: ''Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để
hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưng dựa
vào lòng tin. Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì
tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.''
(2) Kế hoạch cứu độ của
Thiên Chúa: Người
Do-thái được Thiên Chúa trọn trước Dân Ngoại để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến;
nhưng khi Đấng Cứu Thế đến, ơn cứu độ được mở rộng cho tất cả mọi người, vì mọi
người đều là con của Ngài. Thánh Phaolô chất vấn: ''Hay Thiên Chúa chỉ là Thiên
Chúa của người Do-thái thôi? Thiên Chúa không là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa
sao? Có chứ! Người cũng là Thiên Chúa của các dân ngoại nữa, vì chỉ có một
Thiên Chúa, Đấng làm cho người được cắt bì nên công chính vì họ tin, và làm cho
người không được cắt bì nên công chính cũng bởi họ tin.''
2/
Phúc Âm: Con người dùng Lề Luật để tiêu diệt sự thật.
2.1/
Các kinh-sư dùng Luật để giết các ngôn-sứ và tông-đồ: Chúa Giêsu trách mắng
các kinh-sư: "Khốn cho các người! Các người xây lăng cho các ngôn sứ,
nhưng cha ông các người đã giết chết các vị ấy! Như vậy, các người vừa chứng thực
vừa tán thành việc làm của cha ông các người, vì họ đã giết các vị ấy, còn các
người thì xây lăng.''
Các
kinh-sư chỉ tôn kính các ngôn sứ khi họ đã chết; nhưng bắt bớ các ngôn sứ khi họ
còn sống. Thiên Chúa luôn gởi các ngôn sứ đến để kêu gọi mọi người ăn năn, hối
cải, và quay trở về với Ngài; nhưng các kinh-sư là những người luôn chống đối,
bắt bớ, và tìm cách giết chết họ. Vì thế mà Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa đã
phán: "Ta sẽ sai Ngôn Sứ và Tông Đồ đến với chúng: chúng sẽ giết người
này, lùng bắt người kia. Như vậy, thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu tất cả các ngôn sứ
đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Abel đến máu ông Zachariah, người đã
bị giết giữa bàn thờ và Thánh Điện. Phải, tôi nói cho các người biết: thế hệ
này sẽ bị đòi nợ máu.''
Một
ví dụ điển hình cho những điều Chúa nói là họ đang tìm bắt bớ chính Chúa Giêsu,
vị Ngôn Sứ trên tất cả các ngôn sứ, như trình thuật kể: "Khi Đức Giêsu ra
khỏi đó, các kinh sư và các người Pharisees bắt đầu căm giận Người ra mặt, và vặn
hỏi Người về nhiều chuyện, gài bẫy để xem có bắt được Người nói điều gì sai
chăng."
2.2/
Các kinh-sư dùng Luật để bẻ cong sự thật: "Khốn cho các người, hỡi những nhà thông luật!
Các người đã cất giấu chìa khoá của sự hiểu biết: các người đã không vào, mà những
kẻ muốn vào, các người lại ngăn cản."
-
Luật làm ra để bảo vệ công bằng cho mọi người; họ dùng Luật để sáng chế ra những
luật trừ để đối xử bất công và tước đoạt tài sản của người khác.
-
Luật làm ra để đưa con người đến gần Chúa; cách họ áp dụng Luật làm mọi người
tránh Thiên Chúa, làm dân chúng nhìn Chúa như một hung thần, sẵn sàng sửa phạt
mọi người vi phạm.
-
Luật giúp cho con người biết cách sống thế nào để được hạnh phúc; cách họ cắt
nghĩa và áp dụng Luật làm mọi người cảm thấy ngột ngạt, gánh nặng, và bất an.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Lề Luật của Thiên Chúa tốt lành, và có thể giúp cho con người đạt tới hạnh phúc
nếu con người sống theo những điều Thiên Chúa dạy. Nhưng con người chúng ta yếu
đuối không thể sống theo hoàn toàn những điều Luật dạy. Đó là lý do chúng ta cần
Đức Kitô và ơn thánh của Ngài.
-
Chúng ta hãy biết tôn trọng, sống theo, và làm chứng cho sự thật. Đừng bao giờ
coi thường, bẻ cong, và truy tố những người dám sống và làm chứng cho sự thật.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
Hạt lúa miến của Thiên Chúa
(ENZO LODI)
I. Ghi nhận lịch sử
- phụng vụ
Thánh Ignatiô thành
Antiochia chịu tử đạo tại Rôma trong cuộc bách đạo của hoàng đế Trajanô : Ngài
bị ném cho thú dữ trong hí trường của thành phố. Lễ nhớ ngài được cử hành vào
ngày 17 tháng 10 tại Antiochia, do lịch Nicomeđia ấn định (khoảng năm 360).
Giáo Hội Syria cũng mừng lễ kính vào ngày này. Chính Giáo Hội này cũng đã tôn
kính mộ của ngài ở cổng thành Antiochia, là nơi mà theo chứng từ của thánh
Hiêrônimô, hài cốt của thánh tử đạo được di dời và chôn cất trong nghĩa trang
ngoài cổng Daphnê. Các Giáo Hội Byzantin thì mừng lễ thánh Ignatiô ngày 20
tháng 12, ngày giả thiết có cuộc di dời hài cốt ngài.
Thánh Ignatiô thành
Antiochia, cũng gọi là Theophorus (người mang Thiên Chúa), như chính ngài tự
xưng danh trong các lá thư, là người kế vị thứ hai của thánh Phêrô trên ngai
giám mục Antiochia, thành phố chính lâu đời nhất của Kitô giáo. Chính tại thành
phố thuộc quyền tổng trấn Syria này, các người theo Chúa Kitô lần đầu tiên nhận
tên gọi là Kitô hữu.
Trong một đợt bách
đạo, dưới thời hoàng đế Trajanô (98-117), giám mục Ignatiô bị bắt, kết án tử
hình và dẫn tới Rôma để ném cho thú dữ ăn thịt trong hí trường thành phố. Được
dẫn đi dưới sự hộ tống của mười tên lính mà ngài gọi là "hổ báo", ngài
đi qua Tiểu Á, đến Philadelphia, Lyđia, rồi Sardes, trước khi tới Smyrna, tại
đây ngài được thánh Pôlycarpe tiếp rước. Từ thành phố này, ngài viết thư gửi đi
nhiều cộng đoàn Kitô hữu khác nhau khi các cộng đoàn này gửi phái đoàn tới viếng
ngài : Êphêsô, Magnésie và Tralles. Ngài cũng viết thư cho Giáo Hội Rôma
"là Giáo Hội trông coi việc bác ái, đã đón nhận luật Chúa Kitô và danh
thánh Chúa Cha . . ." Đây là lá thư duy nhất đề ngày tháng, "ngày mồng
chín trước ngày sáu tháng chín", tức là ngày 24 tháng 9. Ngài nài xin các
tín hữu Rôma đừng cướp mất cuộc tử đạo mà ngài hằng khao khát. Ngài viết:
"Anh em đừng cung cấp thêm điều gì cho tôi, trừ ân huệ được hiến dâng làm
hy tế cho Thiên Chúa. Hãy chỉ cầu xin cho tôi được sức mạnh tâm hồn và thể xác
mà thôi."
Theo chứng từ của
giám mục Eusèbe, từ Troas thánh Ignatiô còn viết ba thư nữa : cho Giáo Hội
Philadelphie, Giáo Hội Smyrna, và thư riêng cho giám mục Polycarpe, giám mục của
cùng thành phố này. Sau đó ngài lên tàu đi Néapolis (Macédoine), đi tiếp qua
Philippes và băng qua Macédoine qua ngả via Egnatia trước khi lại tiếp tục lên
tàu đi Dyrrachiurn (Durazzo), trên biển Adriatique, để đến nước Ý. Theo thánh
Irênê (khoảng 180) và Origène (khoảng 235), "ngài bị ném cho thú dữ ăn thịt,
tại Rôma, trong cuộc bách đạo".
II. Thông điệp và
tính thời sự
Các bản văn phụng vụ
riêng của lễ nhớ thánh Ignatiô được lấy từ những lá thư của ngài mà người ta có
thể đánh giá như là bản dẫn nhập hay nhất về lịch sử Hội Thánh vào đầu thế kỷ
II. Đặc biệt hai đề tài xuất hiện trong những thư của vị thánh giám mục
Antiochia : a) sự duy nhất của Hội Thánh ; b) mầu nhiệm Đức Kitô Thiên Chúa thật
và người thật, "sự sống đời đời", và mẫu mực của người tín hữu:
"Anh em đừng làm gì mà không có giám mục . . . hãy yêu mến sự hiệp nhất,
tránh chia rẽ, và hãy bắt chước Chúa Giêsu Kitô, như chính Người bắt chước Cha
Người" (Thư gửi tín hữu Philadelphia VII, 2).
a. Lời Nguyện của
ngày, Hội Thánh được gọi là "Thân Mình" mầu nhiệm Chúa Kitô, hợp với
giáo lý của thánh Ignatiô –lý thuyết gia về quyền giám mục– Ngài hằng lo lắng
cho sự hiệp nhất của từng Giáo Hội quanh giám mục của mình, và của mọi Giáo Hội
với nhau. Cộng đoàn Hội Thánh qui tụ xung quanh giám mục của mình để cử hành
Thánh Thể, bí tích hiệp nhất, trong sự hiệp thông với Giáo Hội Rôma là Giáo Hội
"chủ trì đức ái" phổ quát. Chính thánh Ignatiô là người đầu tiên nói
tới Hội Thánh "công giáo", theo nghĩa Hội Thánh phổ quát : "Tất
cả anh em hãy theo giám mục, như Chúa Giêsu Kitô theo Chúa Cha . . . Ở đâu có
giám mục, ở đó cũng có cộng đoàn, và ở đâu có Chúa Giêsu Kitô, ở đó có Hội
Thánh công giáo (katolikè ekklèsia) (Thư gửi tín hữu Smyrna VIII, 1-2).
b) Lời Nguyện trên
lễ vật cho thấy rõ "lễ hy tế của thánh Ignatiô thành Antiochia, hạt lúa miến
của Chúa Kitô, bị răng thú dữ nghiền nát và trở nên bánh tinh tuyền . . ."
Lời nguyện này lấy lại gần như nguyên văn đoạn thư thánh Ignatiô gửi tín hữu
Rôma: "Hãy để tôi trở thành thức ăn cho thú dữ, nhờ chúng, tôi có thể tìm
thấy Thiên Chúa. Tôi là hạt lúa miến của Thiên Chúa, và tôi phải được nghiền nát
bởi răng thú dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Chúa Kitô." (VII, 1). Điệp
ca Hiệp lễ cũng lấy lại nguyên văn một phần đoạn trích này. Tuy nhiên, đối với
thánh Ignatiô thành Antiochia, tử đạo chỉ là một phương tiện để đạt sự hiệp
thông với Đức Kitô: "Tôi ao ước bánh của Thiên Chúa, Mình Chúa Giêsu Kitô,
con vua Đavít. Tôi muốn uống chén máu thánh, tôi muốn tình yêu không tàn
phai." (Điệp ca của bài Magnificat, trích từ Thư gửi tín hữu Rôma, VII,
3).
c. Lời Nguyện sau
hiệp lễ, chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta "sức lực mới, để khi nhìn những
hành động của chúng ta, người ta thấy chúng ta xứng đáng gọi là Kitô hữu."
Lời nguyện này lấy ý từ một đoạn của thư thánh Ignatiô gửi tín hữu Rôma :
"Hãy chỉ cầu xin cho tôi có sức lực nội tâm và thể xác . . . để không chỉ
mang danh là Kitô hữu, mà thực sự là Kitô hữu." "Đức tin và đức ái là
nguyên thuỷ và cùng đích của đời sống . . . Người tuyên xưng đức tin thì không
thể phạm tội, và người có đức ái thì không thể giận ghét. Người ta xem quả thì
biết cây ; cũng vậy, người ta sẽ nhận biết các Kitô hữu nhờ những hành vi của họ."
(Thư gửi tín hữu Êphêsô XIV, 1-2).
Thánh Ignatiô thành
Antiochia, hạt lúa gieo xuống đất và chết đi để làm chứng tình yêu mình đối với
Đức Kitô, ngài tiếp tục nuôi dưỡng đức tin của tín hữu vào Đức Kitô và Hội
Thánh qua các thế kỷ. Lời khuyên nhủ hiệp nhất của ngài, gửi tới các tín hữu
Êphêsô của thế kỷ II, vẫn còn hợp thời biết bao đối với chúng ta ngày nay:
"Cũng như Chúa Giêsu Kitô, sự sống không thể phân ly của chúng ta, là tư
tưởng của Chúa Cha thế nào, thì các giám mục được đặt lên ở khắp mọi miền trái
đất cũng là tư tưởng của Chúa Giêsu Kitô. Vì vậy anh em hãy hiệp nhất với giám
mục của anh em . . . như thế, khi anh em hiệp nhất trong tâm hồn và hoà hợp
trong bác ái, anh em ca ngợi Chúa Giêsu Kitô" (Thư gửi tín hữu Êphêsô III,
2).
(Lm hạt Xóm Chiếu dịch)
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 28TN
Lc 11,47-54
A. Hạt giống...
Trong đoạn Tin Mừng hôm qua, Chúa Giêsu trách các
người biệt phái. Trong đoạn Tin Mừng hôm nay Ngài trách các luật sĩ :
1. Câu 47-48 “Xây lăng cho các ngôn sứ” : Có một
truyền thống truyền khẩu rằng các ngôn sứ thường bị bách hại : Isaia đã bị cưa
làm 2 khúc, Giêrêmia bị dân ném đá chết, Amos bị đập đến chết (x. Dt
11,32-40 2Sb 24,22)... Khi người do thái thời Chúa Giêsu xây lăng cho các
ngôn sứ thì họ chứng tỏ họ chẳng ăn năn gì về việc tổ tiên họ đã giết chết các
vị ấy trái lại còn tán thành. Thái độ ấy còn cho thấy rằng sứ điệp của các vị
ấy chẳng có ý nghĩa gì đối với họ, cùng lắm chỉ là những sứ điệp cho các thế hệ
xa xưa thời trước.
2. Câu 49-51 Chúa Giêsu duyệt lại lịch sử : chương trình của Thiên Chúa (“Đức
Khôn ngoan của Thiên Chúa”) là gởi “các ngôn sứ và các tông đồ” đến với loài
người để kêu gọi loài người ăn năn. Thế nhưng loài người đã chẳng đón nhận sứ
điệp ấy, lại bách hại các vị ấy. Mặc dù Chúa Giêsu chỉ nêu tên hai người là
Aben và Dacaria, nhưng vì trong Cựu Ước híp-ri, tên Aben ở đầu sách và tên
Dacaria ở cuối sách, nên ý của Ngài là nói đến toàn bộ tội giết các ngôn sứ
trong lịch sử. Và Chúa Giêsu cảnh cáo : nếu người do thái thời nay không chấm
dứt thái độ ấy thì họ sẽ bị Thiên Chúa công bình hỏi tội (“thế hệ này sẽ bị đòi
nợ máu”)
3. Câu 52 “Cất giấu chìa khóa sự hiểu biết” : do
những kiến thức về Thánh Kinh, các luật sĩ đã nắm trong tay chìa khóa mở cửa
vào Nước Trời. Nhưng do thái độ của họ, chẳng những họ không vào đó được mà lại
còn ngăn cản người khác vào.
B.... nẩy mầm.
1. Tội giết các ngôn sứ : Các ngôn sứ là những
người nói thay Chúa. Lời các ngài nói nhiều khi chói tai dân do thái nên nhiều
vị đã bị bách hại và giết chết. Không riêng gì dân do thái, chúng ta ngày nay
cũng có thể phạm tội giết ngôn sứ nếu như chúng ta không tập cho quen lắng nghe
sự thật Chúa nói trong lương tâm chúng ta hoặc qua những “lời thật mất lòng”
của người khác.
2. Cất dấu chìa khóa sự hiểu biết : Các luật sĩ
là những người hiểu biết luật lệ Thánh Kinh. Họ được coi là những người
lãnh đạo dân chúng vì họ nắm giữ “chìa khóa của sự hiểu biết”. Thế nhưng “thay
vì phục vụ, hướng dẫn người khác, họ đã sử dụng sự hiểu biết để bắt người khác phục
vụ mình. Một cách nào đó, ai trong chúng ta cũng có trách nhiệm hướng dẫn kẻ
khác... Cuộc sống hiện tại của chúng ta có sáng tỏ để người khác có thể nhận ra
chân lý đức tin không ? Trong cách cư xử hằng ngày, chúng ta có ý thức phải
sống thế nào để kẻ khác nhìn vào mà ngợi khen Cha trên trời không ?” (Trích
"Mỗi ngày một tin vui").
3. “Khốn cho các ngươi ! Các ngươi xây lăng cho
các ngôn sứ, nhưng cha ông các ngươi đã giết chết các vị ấy !” (Lc 11,47)
Chúa khiển trách người Pharisêu và các kinh sư là
giả hình. Họ giả hình bởi che đậy tội lỗi bằng cách xây dựng những nấm mộ hào
nhoáng, bằng luật giữ luật từ ngoài, bằng cách lên án người công chính.
Còn tôi, vì sợ mất địa vị, đã lừa dối mọi người,
vì sợ hổ thẹn, đã không dám nói sự thật, vì sợ liên lụy, đã bỏ mặc anh em, và
vì ích kỷ, đã xa rời Chúa, xa cách anh em...
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho con tự do, xin cho con
biết lựa chọn và dám sống như Chúa dạy. (Hosanna) .
Lm.Carolo
HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ
17/10/13 THỨ NĂM TUẦN 28 TN
Th. Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo
Lc 11,47-54
Th. Inhaxiô Antiôkia, giám mục, tử đạo
Lc 11,47-54
NỢ MÁU CÁC NGÔN SỨ
“Thế hệ này sẽ bị đòi nợ máu
tất cả các ngôn sứ đã đổ ra từ tạo thiên lập địa, từ máu ông Aben đến máu ông
Dacaria, người đã bị giết giữa bàn thờ và thánh điện”. (Lc 11,50-51)
Suy niệm: Cái chết của Aben, người công chính đầu tiên
của loài người bị sát hại bởi chính anh mình được Chúa Giêsu kể như cái chết
của một ngôn sứ. Là ngôn sứ, không nhất thiết phải là những nabi (ngôn sứ “chuyên nghiệp”) của Do thái thời
xưa. Cũng không nhất thiết phải rao giảng như Isai hay Êdêkien, mà chỉ nguyên
đời sống công chính thánh thiện, như của Aben, đã đủ là một lời ngôn sứ đích
thực và có giá trị rồi. Mặt khác, các ngôn sứ bị bách hại bằng nhiều cách.
Không đợi đến khi ném đá, chém đầu các ngài, tôi mới trở thành kẻ giết các ngôn
sứ, mà ngay khi từ chối lắng nghe lời mời gọi sống công chính, tôi đã góp phần
bách hại các ngôn sứ và “bị đòi nợ máu” các ngài rồi.
Mời Bạn: Có
khi nào bạn châm chọc chế diễu, vì vô tình hoặc chỉ để mua vui, một người bạn
đang làm một điều tốt? Hoặc có khi nào bạn cảm thấy tức tối khi cuộc sống công
chính của ai đó trở thành lời tố giác lối sống bê bối của mình? Hẳn bạn không
ngờ rằng những lúc đó, bạn đang “bách hại” hoặc đang “xây mộ” cho người “bạn
ngôn sứ” ấy.
Chia sẻ: Bạn
chia sẻ về một ai đó làm một việc gì đó mà bạn cho là có tính cách ngôn sứ,
nghĩa là có thể chuyển đạt cho mình lời của Thiên Chúa.
Sống Lời Chúa: Tập
đón nhận điều tốt cách thành tâm: người làm điều tốt, ta khen ngợi, noi theo;
người nhắc nhở sửa lỗi cho ta, ta nhìn nhận khuyết điểm, cám ơn và sửa chữa.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con tâm hồn phục thiện biết sẵn sàng đón nhận
lời người khác sửa lỗi cho con.
Suy niệm
Đối diện với sự dữ
Càng đọc tin mừng, tôi càng thấy hâm mộ Chúa
Giêsu. Mỗi khi đối diện với sự dữ, Chúa Giêsu luôn nói thật, luôn chống đối và
tận diệt tội lỗi cho dù bị ganh ghét và phải chấp nhận thương đau.
Đọc đoạn tin mừng này giúp cho tôi nhận ra sự yếu
đuối, sự nhân nhượng và hèn nhát của mình.
Với tội lỗi của bản thân, tôi vẫn thường sa ngã,
tôi chưa quyết tâm tận diệt, thậm chí tôi còn dung dưỡng và ấp ủ tội lỗi trong
đời sống của mình.
Với tội lỗi và sự dữ của những người xung quanh,
tôi thường mỉa mai, chỉ trích hơn là góp ý xây dựng. Tôi cũng thường xuyên
tránh né vì sợ đụng chạm mất lòng, hay sống theo kiểu “mặc kệ họ”. Thậm
chí tôi còn chiều theo những đam mê xấu và chạy theo sự dữ với những người
xấu..
Thái độ của Chúa Giêsu trong bài tin mừng này đã
sốc lại cho tôi tinh thần chiến đấu với tội lỗi và sự dữ. Chúa đã khiển trách
những ai đang hùa theo tội lỗi và sự dữ. Tôi nghe như Chúa cũng đang nhắc nhở
tôi.
Lạy Chúa, xin ban cho con ơn Chúa và sức
mạnh của Chúa để con quyết tâm thay đổi đời sống của mình, dám chống trả trước
cám dỗ và xa lánh tội lỗi vì con thuộc về Chúa. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
17 THÁNG MƯỜI
Người Nghèo Là Những
Ai?
Nhưng ai là người
nghèo trong thời đại chúng ta? Tin Mừng nói đến những người mù, những người bị
áp bức, và những người bị giam cầm (Lc 4,18). Người nghèo là những người sống
mà không có được những nhu cầu thiết yếu để sống, cả những nhu cầu vật chất lẫn
tinh thần.
Ngoài ra, trong thế
giới hôm nay, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương mình để lánh nạn. Hàng
triệu người, đôi khi toàn bộ những bộ tộc hay những vùng dân cư, bị đứng trước
nguy cơ tuyệt chủng vì hạn hán hay vì thiếu lương thực.
Làm sao người ta có
thể nhắm mắt trước tình trạng nghèo khổ và ngu dốt của những đồng loại mình
chưa bao giờ có được cơ hội đến trường? Làm sao có thể không day dứt khi nhìn
thấy vô số người đang phải chịu đựng một cách hoàn toàn bất lực trước sự bất
công và trước tình trạng kém phát triển? Cũng có rất nhiều người đã bị tước
đoạt quyền tự do tín ngưỡng và phải đau khổ cùng cực bởi vì họ không thể tôn
thờ Thiên Chúa theo lương tâm mình.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 17-10
Thánh Ignatiô Antiôchia, Giám mục tử đạo;
Rm 3,21-30; Lc 11, 47-54
LỜI SUY NIỆM: “Khốn cho các ngươi, hỡi những người thông Luật! Các
ngươi đã cất giấu chìa khóa của sự hiểu biết: các ngươi đã không vào, mà những
kẻ muốn vào, các ngươi lại ngăn cản” (Lc 11,52)
Chúa Giêsu lên án
những người thông luật, bởi vì, đáng họ khi nghiên cứu luật, thì họ phải nhận
ra Chúa Giêsu là Đấng Kitô, và họ phải theo Ngài, nhưng thay vì theo Ngài, họ
đã không theo mà lại còn ngăn cản dân chúng. Đối với người Kitô hữu, đặc biệt
là những người đứng đầu cộng đoàn; cốt lõi của đời sống là Đức ái, Sống đức ái
đối với tất cả mọi người; đặc biệt đối với những người nghèo, những người bị
đẩy ra ngoài lề xã hội. Nếu chúng ta không sống như vậy, mà lại coi khinh họ.
Đấy là lý do làm cho nhiều người rời bỏ Giáo Hội. Chúa sẽ khiển trách chúng ta.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 17-10
Thánh INHAXIÔ Thành Antiokia, Giám Mục Tử Đạo (+107)
Người ta nghĩ rằng: thánh Inhaxiô thành Antiôkia chính là đứa
trẻ mà Chúa Giêsu đã ôm vào lòng và đặt giữa các tông đồ để làm gương mẫu về
lòng trong trắng và đức khiêm tốn Kitô giáo. Vài tác giả còn quả quyết rằng:
Ngài là đứa trẻ đưa năm chiếc bánh và hai con cá cho Chúa Giêsu làm pháp lạ
nuôi 500 người ăn. Điều chắc chắn là Ngài đã được đặt làm giám mục thứ nhì kế
vị thánh Phêrô tại Antiôkia khoảng năm 68, sau khi thánh giám mục Evôda qua
đời. Suốt bốn muôi năm cai quản giáo phận, kể cả những năm bị bách hại dưới
triều Domitianô, Ngài đã tỏ ra là một giám mục gương mẫu về mọi nhân đức.
Mười lăm năm bình lặng sau cái chết của bạo vương Domitianô qua
đi, cơn bách hại lại nhen nhúm ở vài tỉnh dưới thời Trajanô. Vị hoàng đế cuồng
tín này cho rằng: mình đạt được nhiều chiến thắng là nhờ các thần minh. Ong coi
việc bách hại các tín hữu Chúa là một nghĩa cử để tỏ lòng biết ơn các thần minh.
Tháng giêng năm107, ông tới Antiôkia. Được biết tại đây có giám mục Inhaxiô đã
không vâng lệnh thờ cúng tượng thần, lại còn ngăn cản người khác, ông truyền
điệu Ngài tới để xét hỏi. Sau khi đe dọa và dụ dỗ đủ cách mà vô hiệu, ông kết
án vị giám mục thánh thiện này phải điệu về Roma cho thú vật xâu xé.
Cuộc hành trình về Roma mang sắc thái một cuộc khải hoàn. Mỗi
khi con tàu dừng bến nào, dân chúng đều tuốn đến chào kính vị tử đạo. Nhân dịp
này thánh Inhaxiô có dịp tiếp xúc với nhiều giáo đoàn và đã viết bảy bức thư
cho các Giáo hội. Tuy vậy, chuyến đi không dễ chịu gì. Bọn lính áp giải đã cố
tình hành hạ thánh nhân để mong được các tín hữu ngưỡng mộ Ngài đút lót tiền
bạc. Thánh nhân viết với lòng khiêm tốn:
- Trên đất liền hay ngoài biển khơi, ngày đêm tôi phải chiến đấu
với các súc vật, bị xiềng vào mười con sư tử. Tôi muốn nói là những người lính
canh giữ tôi. Người ta càng cho tiền, họ càng hung dữ. Những người đối xử tàn
tệ của họ là trường đào luyện tôi mọi ngày, nhưng không phải vì vậy mà tôi được
nên công chính đâu".
Ở Smyrna, thánh Inhaxiô đã gặp thánh Pôlycarpô. Vị giám mục
thánh thiện này cũng là môn đệ của thánh Gioan như thánh Inhaxiô. Thánh
Pôlycarpô đã hôn xiềng xích của người bạn lừng danh. Tại đây thánh Inhaxiôco có
dịp gặp đại diện của nhiều Giáo hội tới thăm. Biết rằng ở Ahila Delphia có sự
chia rẽ trong hàng giáo sĩ, Ngài đã viết thư khuyên nhủ họ:
- Hãy tránh xa những phân rẽ và các giáo thuyết nguy hiểm. Hãy
theo mục tử các bạn khắp nơi như đoàn chiên. Tôi vui sướng hết mực những góp
phần củng cố đức tin các bạn, nhưng không phải do tôi mà do Chúa Giêsu Kitô.
Được mang xiềng xích vì danh Chúa, hơn lúc nào, tôi cảm thấy mình còn quá xa sự
trọn lành. Nhưng kinh nguyện của các bạn sẽ làm cho tôi được xứng đáng với
Thiên Chúa và với di sản mà lòng nhân từ và đã dọn sẵn cho tôi.
Các thư của các thánh nhân gửi riêng cho mỗi nơi, Ngài ca tụng
tinh thần kỷ luật của tín hữu Manhêsianô (Magnésiens): - Tôi hãnh diện được gặp
các bạn nơi cá nhân đức giám mục Damas của các bạn. Tuổi trẻ của Ngài không
được nên cớ để các bạn suồng sã với Ngài. Các bạn cần phải tôn kính chính Thiên
Chúa là Cha nơi Ngài.
Với dân Trallianô (Tralliens) Ngài viết: - "Hãy yêu thương
nhau. Xin cầu nguyện cho tôi nữa. Tôi cần đức ái và lòng nhân hậu Chúa để được
nhận vào hưởng gia nghiệp mà tôi đã sẵn sàng chiếm hữu".
Nhưng Ngài sợ dân Rôma, vì nhiệt tâm mà cất mất triều thiên tử
đạo của mình. Nhờ một du khách đi Italia, Ngài khẩn khoản: - "Các bạn
không thể trao tặng cho tôi một bằng chứng quí mến nào khác, là để cho tôi được
tế hiến mình cho Thiên Chúa. Ân huệ tôi van xin các bạn là hãy hát bài ca cám
tạ ơn Chúa mà nhờ công nghiệp Chúa Giêsu Kitô, Đức giám mục Smyrna bên Tây
phương đã được, để Ngài được đưa vào vinh quang. Hãy để cho tôi thành của ăn
nuôi thú vật, hầu tôi được vui hưởng Thiên Chúa, Tôi là hạt lúa mì của Thiên
Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thành bánh tinh tuyền của Chúa
Kitô.
Tốt hơn, hãy săn sóc các thú vật này để chúng thành nấm mồ của
tôi. Chính lúc này tôi đang trở nên một môn đệ chân chính. Chớ gì những hình
khổ độc dữ nhất đổ xuống mình tôi, miễn là tôi được Chúa Giêsu Kitô. Được cả
thế gia này nào có ích lợi gì cho tôi ? Tôi chỉ ước mong được kết hiệp với Chúa
Giêsu Kitô...
Ngài còn viết thêm: - Ước mơ của tôi là được đóng đinh vào thập
giá. Trong tôi chỉ có một dòng nước hằng sống vẫn rì rầm lời kêu gọi: Hãy về
với Cha".
Thánh nhân còn viết nhiều điều khác nữa, bàn về chân lý đức tin,
kỷ luật Giáo hội và những sai lầm nguy hại.
Ngày 20 tháng 12 năm 107 là ngày cuối cuộc vui cũng là ngày
thánh Inhaxiô tới Roma. Sau khi đọc bức thư của nhà vua, quan tổng trấn truyền
đem thánh nhân đến thẳng hí trường. Dân chúng đang tụ họp đông đảo. Ngài lập
lại câu nói đã viết trong trường hợp gửi dân Roma: "Tôi là hạt lúa mì của
Thiên Chúa. Tôi cần được răng thú dữ nghiền nát để trở thánh bánh tinh tuyền
của Chúa Kitô". Hai con sư tử gầm rống và bổ tới thánh nhân mà cắn xé.
Người ta kính cẩn thu nhặt những khúc xương còn lại và đưa về Antiôkia. Dưới
thời Hêracliô, xương Ngài lại được đưa về Roma.
(daminhvn.net)
17 Tháng Mười
Lòng Nhân Từ Cảm Hóa
Dưới tựa đề "Lòng nhân từ cảm hóa", người ta thuật lại
một câu chuyện như sau:
Một bà mẹ kia
lo lắng nhiều vì đứa con trai không đi nhà thờ nữa, mà lại đi theo những bạn bè
xấu và còn tỏ ra bất mãn mọi chuyện. Bà mẹ đau khổ này đã tìm mọi cách để đưa
con về con đường tốt, nhưng tất cả đều vô ích. Một ngày Chúa Nhật nọ, bà nảy ra
một ý tưởng. Gọi đứa con trai lại, bà nói: "Con làm ơn giúp mẹ một chuyện.
hãy đem gói đồ này đến cho gia đình ở căn nhà trong khu phố dối diện với chúng
ta. Nếu con làm dùm mẹ việc này, mẹ hứa sẽ không bao giờ quấy rầy con
nữa".
Có lẽ để khỏi
nghe tiếng mẹ giảng dạy, la rầy, chàng thanh niên đã nhận làm điều mà mẹ anh ta
yêu cầu. Anh đi đến địa chỉ như mẹ dặn, bước vào một căn nhà nghèo nàn và bỡ
ngỡ đến tột điểm, anh đã khám phá thấy một người đàn bà đau ốm chỉ còn da bọc
xương với ba đứa con nhỏ, rách rưới, lem luốc, đang than khóc, kêu la vì đói.
Chàng thanh
niên trao vội gói đồ và muốn nhanh bước rút lui. Nhưng người đàn bà đã gọi giật
anh trở lại, và qua giọng yếu ớt bà thều thào: "Cậu ơi! Cậu không thể đi
ngay được khi tôi chưa kịp cám ơn cậu. Cậu là ơn quan phòng Chúa gửi đến cho
chúng tôi. Xin Ngài trả ơn cho cậu".
Chàng thanh
niên ra về với tấm lòng bị cảm xúc mạnh. Ngày hôm sau, anh trở lại nhà bà mẹ
đang bị đau ốm với đàn con nheo nhóc hôm qua với một gói quà khác, mà anh đã
mua với chính tiền của anh. Và sau khi trao quà, anh còn ở lại chơi với mấy đứa
nhỏ.
Chàng thanh
niên đã thay đổi cuộc đời, vì lòng nhân hậu đã làm anh mỗi ngày hiểu được ý
nghĩa của cuộc sống và nhờ đó anh cảm thấy hạnh phúc hơn.
Chúng ta đã đi nửa đoạn đường của tháng Mân Côi, đây là khoảng
thời gian chúng ta âu yếm dâng lên Mẹ Maria những tràng chuỗi Mân Cô với hàng
triệu lời chào: "Kính Mừng Maria, đầy ơn phước". Nhưng, ước gì xen
lẫn với những lời kinh tiếng hát, chúng ta cũng biết lắng nghe những lời Mẹ
khuyên qua những mầu nhiệm thuật lại các biến cố xảy ra trong cuộc đời Mẹ.
Chú tâm nghe lời Mẹ khuyên nhủ, chắc chắn qua mầu nhiệm thứ hai
của Năm Sự Vui: "Ðức bà đi viếng thánh Ysave, ta hãy xin cho được lòng yêu
người". Mẹ Maria, cũng như bà mẹ trong câu chuyện trên, cũng muốn nhờ
chúng ta làm cho Mẹ một chuyện: đó là hãy thể hiện lòng yêu người qua những
hành động cụ thể để tinh thần phục vụ Mẹ đã thể hiện qua sự giúp đỡ bà chị họ
Ysave cũng được con cái Mẹ tiếp tục làm lại.
(Lẽ Sống)
Thứ Năm 17-10
Thánh Ignatius ở Antioch
(c. 107?)
S
|
inh trưởng ở Syria,
Ignatius trở lại Kitô Giáo và sau đó làm Giám Mục Antioch. Vào năm 107, hoàng
đế Trajan ghé thăm Antioch và buộc các Kitô Hữu phải chối đạo hoặc chịu chết.
Ignatius cương quyết không chối bỏ đức tin và do đó bị án tử hình ở Rôma.
Trên đường từ Antioch
đến Rôma để chịu tử đạo, Ðức Giám Mục Ignatius đã viết bảy lá thư nổi tiếng.
Năm lá thư cho các Giáo Hội ở Tiểu Á; khuyến khích các Kitô Hữu trung thành với
Thiên Chúa và vâng lời bề trên. Ngài cảnh giác họ hãy đề phòng những giáo
thuyết lầm lạc, và dạy bảo họ những chân lý vững chắc của đức tin Kitô Giáo.
Lá thư thứ sáu gửi cho
Polycarp, Giám Mục ở Smyrna, là người sau này cũng tử đạo vì đức tin. Lá thư
sau cùng ngài xin các Kitô Hữu ở Rôma đừng ngăn cản ngài chịu tử đạo. "Ðiều
duy nhất tôi xin các bạn là hãy để tôi được tự do dâng hiến máu tôi cho Thiên
Chúa. Tôi là hạt lúa của Thiên Chúa, ước chi tôi được nghiền nát dưới nanh thú
dữ để trở nên bánh tinh tuyền của Ðức Kitô."
Lời ước của ngài đã được
thể hiện, và Ðức Ignatius từ trần dưới nanh vuốt của sư tử ở Colosseum năm 107.
Lời Bàn
Ðiều quan tâm lớn lao
của Thánh Ignatius là sự hiệp nhất và trật tự trong Giáo Hội. Lớn lao hơn nữa,
là ngài ao ước được tử đạo hơn là chối bỏ Ðức Giêsu Kitô. Không phải vì sự đau
khổ mà người ta chú ý đến Thánh Ignatius, nhưng là vì tình yêu Thiên Chúa đã
giữ vững ngài. Ngài biết cái giá của sự trung tín và không chối bỏ Ðức Kitô, dù
có phải mất mạng sống.
Lời Trích
"Cùng với các
Giáo Hội của Thiên Chúa ở Smyrna, tôi chào mừng các bạn. Các giáo dân đã an ủi
tôi trong mọi phương cách, cả về phần xác lẫn phần hồn. Xiềng xích tôi mang vì
Ðức Giêsu Kitô, như nài xin tôi hãy hân hoan trên con đường tiến đến Thiên
Chúa, và tôi thúc giục các bạn: hãy kiên trì trong sự hoà thuận với nhau và
trong sự cầu nguyện chung" (Ignatius Antioch, Thư Gửi Giáo Ðoàn
Tralles).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét