THỨ BA 22/10/2013
Thứ Ba sau Chúa Nhật
29 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 5, 12. 15b.
17-19. 20b-21
"Nếu bởi tội của
một người mà sự chết đã thống trị, thì càng được thống trị hơn nữa trong sự sống
do một Người".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, cũng như do một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian, và do tội lỗi
có sự chết, và thế là sự chết đã truyền đến mọi người, vì lẽ rằng mọi người đã
phạm tội. Vì nếu bởi tội của một người mà nhiều người phải chết, thì ân sủng của
Thiên Chúa và ơn huệ kèm trong ân sủng của một người, là Ðức Giêsu Kitô, càng
tràn ngập chan chứa hơn nữa tới nhiều người. Vì nếu bởi tội của một người mà sự
chết đã thống trị do một người đó, thì những người lãnh được ân sủng và ơn huệ
dồi dào bởi đức công chính, càng được thống trị hơn nữa trong sự sống do một
người là Ðức Giêsu Kitô.
Do
đó, tội của một người truyền đến mọi người, đưa tới án phạt như thế nào, thì đức
công chính của một người truyền sang mọi người, đưa tới bậc công chính ban sự sống
cũng như thế. Vì như bởi tội không vâng lời của một người mà muôn người trở
thành những tội nhân thế nào, thì do đức vâng lời của một người mà muôn người
trở thành kẻ công chính cũng như thế.
Nhưng
ở đâu càng đầy tràn tội lỗi, thì ở đó càng tràn đầy dư dật ân sủng: để như tội
lỗi đã thống trị làm cho người ta chết thế nào, thì nhờ đức công chính, ân sủng
sẽ thống trị làm cho người ta sống đời đời do Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,
cũng như vậy.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 39, 7-8a. 8b-9. 10.
17
Ðáp: Lạy Chúa, này con
xin đến để thực thi ý Chúa (c. 8a & 9a).
Xướng: 1) Hy sinh và lễ vật
thì Chúa chẳng ưng, nhưng Ngài đã mở tai con. Chúa không đòi hỏi lễ toàn thiêu
và lễ đền tội, bấy giờ con đã thưa: "Này con xin đến". - Ðáp.
2)
Như trong Quyển Vàng đã chép về con: lạy Chúa, con sung sướng thực thi ý Chúa,
và pháp luật của Chúa ghi tận đáy lòng con. - Ðáp.
3)
Con đã loan truyền đức công minh Chúa trong đại hội, thực con đã chẳng ngậm
môi, lạy Chúa, Chúa biết rồi. - Ðáp.
4)
Hãy mừng vui hoan hỉ trong Chúa, bao nhiêu kẻ tìm Chúa, và luôn luôn nói: Chúa
thực là cao cả! Bao nhiêu kẻ mong ơn phù trợ của Ngài. - Ðáp.
Alleluia: Ga 17, 17b và a
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong
sự thật". - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 35-38
"Phúc cho đầy
tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm
đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ
về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh
thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại
hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì
phúc cho các đầy tớ ấy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Tỉnh Thức
Trong
quyển truyện có tựa đề: "Con Ðức Mẹ" xuất bản tại Hà Nội dạo tháng
8/1990, tác giả đã miêu tả sinh hoạt của một giáo xứ miền Bắc một cách ấu trĩ
như sau: Tình yêu giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái đôi khi không cần thiết, không
thiêng liêng cho bằng mối tình đối với Ðức Maria. Lòng tôn sùng đối với Ðức Mẹ
chỉ là một thứ bịa đặt lừa bịp của Giáo Hội. Sinh hoạt giáo xứ chỉ là những biểu
dương bề ngoài, cuồng tín, người giáo dân càng sùng đạo, thì càng là thành phần
bất hảo trong xã hội.
Bất
cứ độc giả nào cũng có thể nhận thấy giọng điệu bôi bác ấu trĩ của tập truyện.
Tuy nhiên, với thái độ tỉnh thức mà Chúa Giêsu không ngừng mời gọi, người Kitô
hữu hãy nhận lấy một phần trách nhiệm trong việc gây ngộ nhận nơi nhiều người
ngoài Kitô giáo. Sự thiếu sót giữa niềm tin và cuộc sống hằng ngày; sự hăng hái
sinh hoạt giáo xứ, nhưng lại bỏ qua những đòi hỏi của công bằng, bác ái, tình
liên đới; đó là những hình ảnh méo mó mà chúng ta tạo ra cho Giáo Hội.
"Anh
em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn". Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh
thức. Có lẽ chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng
lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ,
nhưng luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường
không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để
nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh táo để nhận ra Nước Trời đang đến trong
từng giây phút. Chúng ta hãy sống thế nào để đạo lý và Giáo Hội không bị hoen ố,
nhưng được trình bày bằng những hình ảnh cao đẹp nhất của công bằng, bác ái,
yêu thương.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 29 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Rom 5:12,
15b, 17-19, 20b-21; Lk 12:35-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tính cộng đồng của các
hành động con người
Nhiều
người muốn quảng bá đức công bằng ''ai làm người ấy chịu: tội của ai phạt người
ấy, phúc của ai người đó hưởng"; nhưng điều đó không thể nào xảy ra, vì
trong kế hoạch của Thiên Chúa, con người được tạo dựng để sống chung và cùng chịu
trách nhiệm. Ví dụ, dịch cúm heo mà cả thế giới đang lo sợ: tuy phát xuất từ Mễ-tây-cơ;
nhưng cả thế giới đều phải góp phần chống lại, vì nếu không, dịch sẽ hoành hành
ngay trong nước của họ. Hay nạn ly dị mà nhiều người thời nay cho là chuyện
riêng của họ: khi nạn ly dị xảy ra trong gia đình, không phải chỉ có cá nhân
làm đơn ly dị, nhưng còn ảnh hưởng đến người phối ngẫu, và con cái là những người
không có tội tình chi trong sự xung đột của hai vợ chồng. Rồi đến gia đình hai
bên cũng phải mang tai tiếng và lo cho các con trẻ; ấy là chưa kể ảnh hưởng đến
cả xã hội phải trợ giúp vào, và phải gánh hậu quả tội phạm của những trẻ bất
chí do gia đình gây ra. Vì thế, một người khó lòng tiên đoán hậu quả của tội
mình gây ra cho gia đình, xã hội, và Giáo Hội.
Các
Bài Đọc hôm nay muốn nêu bật chiều kích cộng đồng của các hành động con người.
Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô so sánh giữa tội của Adam và công phúc của Đức
Kitô ảnh hưởng đến mọi người như thế nào: Vì một người duy nhất là Adam, mà tội
lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan
tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.
Thật
vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng
của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết
mấy cho muôn người. Trong Phúc Âm, thánh Luca nhấn mạnh đến phần thưởng Thiên
Chúa sẽ ban cho những người biết quên mình phục vụ anh em. Ngài sẽ đến phục vụ
từng người tại bàn ăn; vì khi họ phục vụ người khác, họ đã làm cho chính Thiên
Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội.
1.1/
Tội lỗi và sự chết lan tràn tới mọi người vì một người là Adam: Nhiều người chúng
ta thắc mắc tại sao Thiên Chúa lại bắt con cháu của Adam chịu đựng tội tổ tông
và hình phạt sự chết, khi họ không có trách nhiệm gì về tội đầu tiên của Adam cả!
Cách cắt nghĩa của thánh Phaolô giúp chúng ta có thể hiểu được, nếu chúng ta nắm
được tính cộng đồng của các hành động con người: không có một hành động nào chỉ
mang tính cá nhân, mà không kéo theo tính cộng đoàn cả. Tội một người phạm
không chỉ gây thiệt hại cho cá nhân người đó thôi, nhưng còn ảnh hưởng đến gia
đình và xã hội chung quanh họ; chẳng hạn: tội ăn cắp.
Tội
và hậu quả của tội có khuynh hướng lan tràn: Thánh Phaolô nói: ''Vì một người
duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế,
sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội.''
1.2/
Ân sủng và ơn cứu độ được ban cho mọi người nhờ Đức Kitô: Nhiều người cũng
thắc mắc và nghi ngờ tại sao Cuộc Thương Khó của Đức Kitô có hiệu năng cứu độ
muôn người như vậy, cùng lắm thì cũng chỉ giới hạn trong một số người thôi chứ.
Chúng ta có thể hiểu cũng như tội của một người có khuynh hướng lan tràn, công
phúc của một người cũng có khuynh hướng lan tràn như thế. Ví dụ: tình bác ái của
Mẹ Têrêxa. Không phải chỉ có người nghèo hay chỉ dân tộc Ấn Độ mới cảm nhận được
tình bác ái của Mẹ; nhưng còn tất cả mọi người trên thế giới.
Áp
dụng vào công nghiệp của Đức Kitô, thánh Phaolô xác tín: ''Thật vậy, nếu vì một
người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa
ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn
người. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị,
thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn
lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho
trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.''
1.3/
Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội: Đây là Tin Mừng cho
con người, không phải ân sủng chỉ lan tràn như tội lỗi thôi, mà ân sủng còn lan
tràn mạnh hơn tội lỗi; vì quyền lực là tình yêu của Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi
và sự chết. Đó là lý do tại sao Thiên Chúa yêu thương con người khi con người vẫn
còn là tội nhân; và sẵn sàng tha thứ mọi tội khi con người thật lòng ăn năn xám
hối.
2/
Phúc Âm: Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.
2.1/
Hãy luôn chuẩn bị sẵn sàng: "Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm
như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở
ngay.''
Lời
Chúa nói có mục đích xa là chuẩn bị cho Ngày Chúa đến lần thứ hai; nhưng nó
cũng khẩn thiết cho việc giáo dục trong gia đình. Khi hai vợ chồng bắt đầu
thành hôn, họ phải lo giáo dục nhau về đức tin, tri thức, và nhân bản. Quan niệm
sai lầm của nhiều cặp vợ chồng là "tới đâu lo tới đó," vì cuộc sống
quá bận rộn. Cha ông ta đã báo trước "nếu không lo xa, ắt có buồn gần."
Con người không phải là con vật để chỉ biết phản ứng; nhưng phải biết chuẩn bị
lúc việc chưa xảy ra để biết đương đầu với vấn đề khi nó xảy ra. Ví dụ, việc hy
sinh chịu đựng gian khổ cho lợi ích của người khác cần phải tập luyện dần cho tới
khi thành nhân đức. Các ông bà, cha mẹ Việt Nam thế hệ trước có thể trung thành
với nhau suốt đời vì họ sở hữu nhân đức này; tuy có xung đột với nhau, nhưng họ
không bao giờ dám ly dị vì lợi ích của gia đình, của đàn con, nhất là lợi ích
phần linh hồn. Nhiều cặp vợ chồng hôm nay không còn biết tại sao phải hy sinh
chịu đựng như thế; việc ly dị và chia rẽ cũng chẳng ngạc nhiên gì đối với họ: hợp
thì ở, không hợp thì chia tay!
2.2/
Phần thưởng ban cho những người luôn tỉnh thức: Chúa Giêsu hứa: ''Khi chủ về mà
thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh
em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.''
Con
người cần nhớ rõ những gì Đức Kitô nói: Phục vụ anh em là phục vụ chính Ngài;
không phục vụ anh em là không phục vụ cho chính Ngài. Phần thưởng cho những người
phục vụ anh chị em là sẽ được chính Thiên Chúa phục vụ và ban thưởng vinh
quang. Hình phạt cho những kẻ chỉ biết ích kỷ lo cho mình là vào lửa không hề tắt.
Hãy suy nghĩ những lời này để biết hy sinh lo lắng cho tha nhân trước khi quá
muộn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Tội không chỉ mang tính cá nhân mà còn ảnh hưởng rộng lớn trên gia đình và cộng
đoàn; vì thế, chúng ta có bổn phận giáo dục mọi người trong gia đình và cộng
đoàn của chúng ta.
-
Tương tự, một người làm phúc, cả họ được nhờ. Khi chúng ta giúp đỡ hay giáo dục
các thành phần trong gia đình hay cộng đoàn, chúng ta đang làm ích cho chính bản
thân để khỏi phải gánh hậu quả của tội do họ gây ra, cho gia đình được hạnh
phúc, và cho Giáo Hội thăng tiến.
-
Tình thương và ân sủng của Thiên Chúa mạnh hơn tính ích kỷ và tội lỗi của con
người; vì thế, chúng ta hãy kiên nhẫn chịu bất công và hy sinh chịu gian khổ, để
mưu cầu lợi ích cho chính chúng ta và cho mọi người.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 29TN
Lc 12,35-38
A. Hạt giống...
Từ chìa khóa là “Tỉnh thức”
- Dụ ngôn minh họa sự tỉnh thức : như một người
đầy tớ đang đợi chủ đi ăn cưới không biết sẽ về lúc nào (Tiệc cưới ở do thái
kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi
mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa). Người đầy tớ ấy “thắt lưng cho gọn” (tư thế
sẵn sàng làm việc), và “thắp đền cho sẵn” (để khi chủ về thấy lối mà vào nhà.
Tư thế sẵn sàng phục vụ). Nếu biết rõ lúc nào chủ về thi dễ hơn nhiều, vì chỉ
cần chờ gần tới lúc đó mới thắt lưng và thắp đèn. Nhưng vì không biết chừng nào
chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ sắp
về tới là mau mắn làm việc và phục vụ ngay. Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn
sàng và nhanh nhạy.
- Tỉnh thức để làm gì ? Dụ ngôn nói “để đợi chủ
về”. Nghĩa đầu tiên là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến ; nghĩa thứ hai là ngày
chết của mỗi người ; nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho
ta. Trong cả 3 trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới
gặp được Chúa và được Chúa thưởng.
B.... nẩy mầm.
1. 1 Pr 1,13-16 : Thánh Phêrô giải thích thế nào
là tỉnh thức : “đừng chiều theo những đam mê... sống thánh thiện trong cách ăn
nết ở, đề nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”.
2. “Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua
cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái
thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời
ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời
gọi để nhận ra tiếng Ngài... Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng mở để
nhìn thấy Ngài trong từng biến cố cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh
tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống.
Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân
là hiện thân của Ngài” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
3. “Thái độ cơ bản của người kitô hữu, đó là tỉnh
thức. Người kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý
nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố
đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.” (Trích "Mỗi ngày
một tin vui").
4. Tỉnh thức là luôn luôn ở trong tình trạng đang
làm nhiệm vụ. Lời của một bản thánh ca : “Con Linh mục, con muốn chết ở bên bàn
thờ”.
5. “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, hãy thắp đèn
cho sẵn”. (Lc 12,35)
Nghe ai đó quảng cáo : “Nấm tróc ăn ngon lắm” bạn
tôi liền trổ tài đấu bếp. Trong ngày sinh nhật của nó, nó làm nấm rồi chế biến
thức ăn rất ngon. Trước khi nhập tiệc, nó tuyên bố : sẽ đãi chúng tôi một món
ăn lạ, nhưng hãy an tâm vì nó đã cho con chó ăn thử rồi. Tiệc sinh nhật sắp kết
thúc, trong lúc mọi người đang vui vẻ, đứa em của bạn tôi chạy về vừa nói vừa
thở : “Chi Duyên ơi, con chó nó chết rồi”. Không ai bảo ai, chúng tôi chạy tán
loạn, ai cũng muốn đi bằng phương tiện nào đó đến bệnh viện nhanh nhất. Ngay
lúc đó, người ta kéo xác con chó mới bị đụng xe về, mọi người thở phào nhẹ nhõm
như vừa thoát chết.
Tôi thầm nghĩ : Cuộc sống đời này chỉ là tạm
thời, ai cũng sẽ chết, thế mà người ta lại lo lắng, chăm sóc, bảo vệ. Nhưng bên
cạnh sự sống này còn có một sự sống bất diệt, một cuộc sống cần phải gìn giữ
hơn lại bị coi là thứ yếu vì không mấy người sợ phải chết đời đời.
Lạy Chúa, nếu mỗi người chúng con đều biết tỉnh
thức để sắm sẵn cho mình sự sống đời đời, chắc hẳn thế giới này đã tươi đẹp
hơn. (Hosanna)
Lm.Carolo
HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
22/10/13 THỨ BA TUẦN 29 TN
Lc 12,35-38
Lc 12,35-38
CHỜ ĐỢI TRONG TỈNH THỨC
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn,
thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa
về tới và gõ cửa, là mở ngay.”
(Lc
12,35-36)
Suy niệm: Đời sống con người, có thể
nói, là một chuỗi ngày chờ đợi: chờ đợi một ngày mai tốt đẹp hơn, chờ đợi một
tương lai hạnh phúc hơn. Đối với người tín hữu Kitô, niềm hạnh phúc thật sự
là được hưởng kiến nhan Thiên Chúa, được chia sẻ niềm vui và bình an vĩnh cửu
trên thiên quốc, trong gia đình của Ba Ngôi Tình Yêu. Chính Thiên Chúa đã đến
và sẽ lại đến để mời gọi mỗi người về hưởng hạnh phúc với Ngài. Nhưng để có
thể đạt được hạnh phúc ấy, người tín hữu cần sống theo cách thức mà Chúa
Giêsu đã yêu thương nhắn nhủ, đó là sống tỉnh thức, sẵn sàng mọi sự để có thể “thưa vâng” với Chúa một khi Ngài
đến và mời gọi trở về với Ngài.
Mời Bạn: Sống tỉnh thức và sẵn sàng
với Chúa trong bối cảnh xã hội hôm nay phải nói là một thách đố rất lớn cho
mọi người, trong đó có bạn và tôi. Những nỗi đam mê tiền bạc, danh vọng, lạc
thú dường như đang đẩy cuộc đời chúng ta vào một giấc ngủ mê, khiến chúng ta
quên đi cùng đích thật sự của cuộc đời mình là hưởng hạnh phúc bên Thiên Chúa
trên Thiên quốc. Bạn và tôi, những người tín hữu Kitô, chúng ta hãy vùng dậy
khỏi giấc ngủ đê mê ấy, chúng ta cùng nhau sống tỉnh thức: “thắt lưng cho
gọn, thắp đèn cho sẵn” để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu.
Chia sẻ: Bạn nhận thấy điều gì trong
cuộc sống dễ “ru ngủ” chúng ta nhất? Bạn có việc làm nào cụ thể để giúp sống
tỉnh thức không?
Sống Lời Chúa: Hướng về Chúa trước khi làm
bất cứ việc gì trong ngày.
Cầu nguyện: Lạy
Chúa, xin nhớ đến thân phận yếu đuối của chúng con.
|
Hạnh Phúc Của Nước Trời
Hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục cho chúng ta nghe về những dụ ngôn
báo trước hạnh phúc của nước Trời. Ngài kêu gọi chúng ta tỉnh thức và sẵn sàng
cho giây phút Chúa Cha gọi chúng ta về nhà Người và Ngài đã dùng hình ảnh của
ông chủ và người đầy tớ. Thật ra, không bao giờ Thiên Chúa muốn coi chúng ta là
đầy tớ đâu, nhưng ở đây hình ảnh này được sử dụng để giúp cho chúng ta dễ nhận
ra sứ điệp của lời Chúa mà thôi. Dĩ nhiên, tự bản chất thụ tạo, chúng ta bất
trung và chúng ta chỉ xứng đáng là đầy tớ nhưng Thiên Chúa luôn nhìn thấy chúng
ta là con như Chúa Giêsu là Con của Chúa Cha. Vì là con nên chúng ta biết mình
có chỗ trong nhà Cha, là con nên chúng ta biết mình không thể đi hoang, là con
nên chúng ta biết dù gì đi chăng nữa, chúng ta vẫn có quyền được thụ hưởng gia
tài của người cha.
Trong một câu chuyện cổ tích nọ, người cha già muốn cho các con
mình ra đi để cứu nhân độ thế và ước mơ của ông là các con ông làm được nhiều
việc thiện, nhiều việc tốt để mang lại lợi ích cho nhiều người, để sau khi kết
quả trở về trong hân hoan vì những thành quả của các con mình.
Thiên Chúa sai chúng ta đến với mọi người trong trần gian này
cũng với một sứ mệnh tương tự như sứ mệnh của những người con trong câu chuyện
cổ tích trên. Chúng ta hãy sống yêu thương, bác ái để làm cho cuộc sống anh chị
em của mình được hạnh phúc, vì Thiên Chúa đã đến trần gian để mong mang lại
hạnh phúc cho mọi người.
Lạy Thiên Chúa,
Xin giúp chúng con luôn ý thức sẵn sàng như những người đầy tớ
khôn ngoan luôn chờ đợi chủ. Sự đợi chờ của chúng con được thể hiện bằng tất cả
nỗ lực mang tình yêu thương của Cha đến cho mọi người, với ước mơ được cùng tất
cả anh chị em con được về hưởng hạnh phúc vĩnh cửu cùng Cha trên quê trời.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Bài tin mừng này ghi lại
lời Chúa dạy về việc phải luôn sẵn sàng tĩnh thức. Tỉnh thức để làm gì? Thưa là
để “đợi chủ về”. Chúng ta có thể hiểu đợi chủ về là đợi chờ ngày Chúa
Giêsu lại đến, hay là giờ chết của mỗi người hoặc cũng có thể hiểu đó là giờ
Chúa Giêsu đến thăm và ban ơn cho ta. Nhưng hiểu theo nghĩa nào đi nữa thì chỉ
có những ai tỉnh thức, sẵn sang và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa
thưởng.
Cuộc đời là một chuyến
đi, chuyến đi nào cũng phải có đích điểm và phải được chuẩn bị kỹ càng. Ai
không biết làm như thế thì sẽ bị người đời cho là ngu dại. Người đời hay đặt
câu hỏi: “người ta sống trên đời này để làm gì?”. Nếu mỗi người chúng ta
không thể tự trả lời câu hỏi đó, thì cuộc sống chúng ta sẽ đi vào ngõ cụt và
chỉ biết sống cho qua ngày giống như cây cỏ. Nhưng là người Kitô hữu chúng ta
có đức tin, chắc chắn chúng ta sẽ trả lời câu hỏi trên cách dễ dàng: “người
ta sống trên đời để nhận biết, thờ phượng, kính mến đức Chúa Trời trên hết mọi
sự và yêu anh em như mình, cùng nhau xây dựng xã hội tốt đẹp, để sau này được
hưởng hạnh phúc đời đời”.
Hôm nay Chúa dạy cho
chúng ta phải có thái độ tỉnh thức, luôn phải trong thái độ sẵn sàng chuẩn bị.
Thái độ sẵn sàng ở đây không có nghĩa là chúng ta bỏ quên tất cả những mối bận
tâm ở đời này, chỉ chú tâm chời đợi ngày Chúa quan lâm. Chu toàn các việc bổn
phận hằng ngày trong thái độ mến Chúa yêu người là cách tốt nhất để mỗi người
chúng ta chờ đón ngày Chúa đến. Thay vì sống theo những gì chúng ta muốn, chúng
ta hãy sống theo những ước muốn của Chúa Kitô.
Chúng con không biết ngày
nào giờ nào Chúa đến lần thứ hai, xin Chúa cho mỗi người chúng con biết
giữ cho linh hồn luôn tĩnh thức sẵng sàng, như người đầy tớ chờ đọi chủ đi dự
tiệc về. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
22 THÁNG MƯỜI
Bảo Vệ Phẩm Giá Của Mọi Con Người
Có lần tôi đã nói trong sứ điệp nhân Ngày Quốc Tế Hòa Bình: “Con
đường đúng đắn để xây dựng một thế giới hiệp thông huynh đệ, một thế giới mà
công lý và hòa bình sẽ ngự trị khắp mọi nơi, cho mọi dân tộc … đó là con đường
liên đới, con đường của đối thoại và của tình huynh đệ đại đồng. Chỉ có con
đường đó mà thôi.”
Ý thức liên đới phải vượt thắng mọi cám dỗ khép kín lòng mình. Ý
thức ấy thúc đẩy người ta biết kính trọng những truyền thống văn hóa và luân lý
của mọi dân tộc. Nó giúp các truyền thống gặp gỡ nhau, cảm thông và trân trọng
nhau. Sự liên đới mà xã hội hiện đại cần có chắc chắn không phải là những câu
khẩu hiệu mơ hồ sáo rỗng, nhưng phải là sự liên đới cụ thể trong tinh thần tôn
trọng giá trị của sự sống, của mọi sự sống. Bởi vì nơi mỗi hiện hữu con người
đều có phản ảnh sự hiện hữu của chính Thiên Chúa. Vì thế, chỉ có lòng bao dung
mà thôi thì không đủ, thái độ thuần túy cam chịu càng không đủ. Sự chấp nhận
mọi sự như hiện trạng của nó cũng không đủ. Điều cần thiết là phải có một thái
độ dấn thân tích cực để tôn trọng và bảo vệ phẩm giá và quyền của mọi con
người, trong bối cảnh là chính căn tính văn hóa của họ.
Thái độ dấn thân tích cực ấy sẽ thúc đẩy chúng ta tìm kiếm những
điều ích lợi cho người khác, xây dựng những mối liên hệ mới, đem lại niềm hy
vọng mới, hăng say phụng sự cho hòa bình. Chỉ khi hiểu biết và thông cảm nhau,
chúng ta mới có thể giải quyết các xung đột và điều chỉnh những bất công. Và
chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra triển vọng thật sự về mối liên đới trong
tự do và hy vọng. Chỉ khi đó chúng ta mới có thể mở ra con đường hòa điệu giữa
các dân tộc – sự hòa điệu này là điều kiện không thể thiếu cho một nền hòa bình
đích thực.
- suy tư 366
ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công
Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR
HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 22-10
Rm 5,12.15b.17-19.20b-21; Lc 12,35-38
LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy
làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa là
mở ngay” (Lc 12,35-36).
Trong đời sống của
người Kitô hữu luôn phải ở trong tình trạng tỉnh thức để đón Chúa đến. Giáo Hội
luôn chuẩn bị và tạo điều kiện cho con cái mình qua các bí tích để tẩy sạch và
nâng đỡ cuộc sống của con cái mình; đồng thời giúp cho con cái của mình sống
trong sự tỉnh thức qua kinh nguyện hôm mai, lần hạt, chầu Thánh Thể, đặc biệt
là Thánh lễ hằng ngày, cùng những giáo lý cho mọi lứa tuổi. Ước gì mỗi người
luôn biết quan tâm đến đời sống mình; mà sống trong lòng Giáo Hội, thì ngày
Chúa đến, là ngày vui mừng chứ không còn sợ hãi, Chính Chúa Giêsu cho chúng ta
biết: “Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên
từng người mà phục vụ” (Lc 12,37).
Mạnh Phương
22 Tháng Mười
Hòn Vọng Phu
Giữa Nha Trang và Tuy Hòa, khoảng xa lộ 21 và sông Hinh, gần quận
Khánh Dương có một ngọn núi tên là Vọng Phu, có nghĩa là trông đợi chồng.
Theo tục truyền trong dân gian thì thuở xưa có một gia đình sống
hạnh phúc ở gần chân núi. Khi giặc giã nổi lên ở biên thùy, người chồng theo
lệnh vua, tòng quân ra ngoài biên ải để chống quân thù, để lại người vợ trẻ và
đứa con đang còn bú mớm. Người vợ trẻ ở nhà chờ chồng, mỗi ngày bế con trèo lên
ngọn núi ngóng về phía biên cương xem có dáng chồng trở về hay không. Thời gian
trôi qua nhưng đoàn quân chưa thấy về, người vợ và đứa con chờ đợi mãi hóa
thành đá. Người đời biết chuyện nên gọi đó là Hòn Vọng Phu.
Có lẽ đây chỉ là một ngọn núi được cấu tạo bởi nhiều loại đá khác
nhau. Theo thời gian, mưa gió sói mòn loại đá mềm, để lại hình dạng mường tượng
như một người bồng con ngồi trông ra phía biển. Người dân ta đa sầu đa cảm, lại
thêm cảnh nước luôn loạn ly, đã mượn hình dạng của núi để diễn tả tâm sự trông
đợi chồng của người thiếu phụ Việt Nam.
Ðiều làm cho xao xuyến cảm động ở đây là lòng chung thủy của một
thiếu phụ, dù đói no, đau yếu hay mạnh khỏe, vẫn trước sau một lòng thương yêu
chồng, xem chồng như là lẽ sống của cuộc đời.
Rung động trước dạ
trung kiên của người thiếu phụ Việt Nam qua hình ảnh Hòn Vọng Phu, chúng ta
không khỏi không cảm động trước Tình Yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta. Dù
núi dời, dù đồi chuyển, dù con người có bội bạc phôi pha, Thiên Chúa vẫn luôn
chung thủy trong Tình Yêu của Người. Càng thấm thía tình thương của Chúa, chúng
ta càng cảm thấy Người là lẽ sống và là tất cả của cuộc sống.
(Lẽ Sống)
Thứ Ba 22-10
Thánh Phêrô ở Alcantara
(1499-1562)
T
|
hánh Phêrô là một trong
những vị thánh Tây Ban Nha nổi tiếng của thế kỷ 16, gồm có Thánh Ignatius ở
Loyola và Thánh Gioan Thánh Giá. Thánh Phêrô là cha giải tội của Thánh Têrêsa
Avila. Sự cải cách Giáo Hội thời đó là vấn đề chính yếu trong thời đại của ngài,
và ngài dồn mọi nỗ lực cho công cuộc ấy. Ngài từ trần một năm trước khi Công
Ðồng Triđentinô bế mạc.
Sinh trưởng trong một
gia đình quý tộc (cha ngài là thủ hiến Alcantara, Tây Ban Nha), Thánh Phêrô học
luật ở Ðại Học Salamanca và khi lên 16 tuổi, ngài gia nhập dòng Phanxicô Khó
Nghèo. Trong thời gian tu tập, ngài chứng tỏ nhiều khả năng trổi vượt. Ngài
được chọn là giám đốc một tu viện mới ngay cả trước khi chịu chức linh mục; và
khi 39 tuổi, ngài được chọn làm bề trên tỉnh dòng; ngoài ra ngài là vị rao
giảng nổi tiếng. Tuy nhiên, công việc hàng ngày của ngài vẫn là rửa chén, đốn
củi cho nhà dòng. Ngài không muốn được người ta chú ý, thật vậy, ngài thích sự
cô độc.
Về phương diện ăn chay
đền tội, ngài trổi vượt về việc ăn uống kham khổ và mặc quần áo rất đơn sơ.
Người ta nói ngài chỉ ngủ có 90 phút mỗi đêm. Trong khi những người khác chỉ
nói về sự cải tổ, thì Thánh Phêrô đã bắt đầu cải tổ từ chính ngài. Ngài có được
đức tính kiên nhẫn lớn lao đến độ sau này người ta có câu châm ngôn rằng:
"Ðể chịu nổi sự xúc phạm ấy, phải có sự kiên nhẫn của Phêrô Alcantara."
Vào năm 1554, Thánh
Phêrô, sau khi được phép, đã thành lập một nhóm tu sĩ Phanxicô sống nghiêm nhặt
theo Quy Luật Thánh Phanxicô. Những vị này thường được gọi là tu sĩ
Alcantarines. Một số tu sĩ Tây Ban Nha đến Bắc Mỹ và Nam Mỹ trong các thế kỷ
16, 17 và 18 là thành viên của tu hội nói trên. Vào cuối thế kỷ 19, các tu sĩ
Alcantarines sát nhập với các tu sĩ Phanxicô Khó Nghèo để trở thành Dòng Tiểu
Ðệ.
Là vị linh hướng cho
Thánh Têrêsa Avila, Thánh Phêrô khuyến khích thánh nữ phát động sự cải cách
trong dòng Camêlô. Lời rao giảng của Thánh Phêrô đã đưa nhiều người trở về với
đời sống đạo đức, nhất là dòng Ba Phanxicô, và dòng Thánh Clara Hèn Mọn.
Ngài được phong thánh
năm 1669.
Lời Bàn
Sự khó nghèo là một
phương tiện chứ không phải cùng đích của Thánh Phêrô Alcantara. Mục đích là
theo Chúa Kitô với một tâm hồn thật thanh khiết. Bất cứ gì cản trở con đường đó
đều bị loại trừ mà không thực sự mất mát.
Triết lý thụ hưởng của
thời đại chúng ta -- giá trị của một người tùy thuộc những gì họ có -- sẽ thấy
rằng phương cách của Thánh Phêrô Alcantara thật khó khăn. Tuy nhiên, phương
cách của ngài đã đem lại sự sống trong khi sự hưởng thụ chỉ đem lại sự hủy diệt.
Lời Trích
"Tôi không ca
ngợi việc sống khó nghèo chỉ vì sự khó nghèo; tôi chỉ ca ngợi sự khó nghèo mà
chúng ta kiên trì chịu đựng vì lòng yêu mến Ðấng Cứu Thế, và tôi coi đó là điều
đáng khát khao hơn là sự khó nghèo mà chúng ta thi hành một cách máy móc; vì
nếu tôi suy nghĩ hoặc tin tưởng ngược lại, thì dường như tôi không có căn bản
đức tin" (Thư của Thánh Phêrô Alcantara gửi cho Thánh Têrêsa Avila).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét