THỨ TƯ 23/10/2013
Thứ Tư sau Chúa Nhật
29 Quanh Năm
Bài Ðọc I: (Năm I) Rm 6, 12-18
"Anh em hãy hiến
thân cho Thiên Chúa như những người từ cõi chết sống lại".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, nguyện cho tội lỗi đừng thống trị trong xác hay chết của anh em,
khiến anh em phải vâng phục những dục vọng của nó. Anh em cũng đừng dùng các chi
thể anh em làm khí giới của gian tà để phục vụ tội lỗi, nhưng hãy hiến thân cho
Thiên Chúa như những người từ trong cõi chết sống lại, và hãy hiến dâng các chi
thể anh em làm khí giới đức công chính để phục vụ Thiên Chúa. Vì chưng, tội lỗi
không còn bá chủ được anh em: bởi anh em không còn ở dưới chế độ lề luật, nhưng
dưới chế độ ân sủng.
Thế
nghĩa là gì? Nào chúng ta cứ phạm tội đi, vì chúng ta không ở dưới chế độ lề luật,
nhưng dưới chế độ ân sủng ư? Không phải thế! Chớ thì anh em chẳng biết rằng: hễ
anh em hiến thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của kẻ anh em
vâng phục đó sao? hoặc là nô lệ của tội lỗi để rồi phải chết, hoặc là nộ lệ của
đức vâng lời để rồi được nên công chính? Nhưng cảm tạ Thiên Chúa, vì xưa kia
anh em là nô lệ của tội lỗi, mà nay anh em đã hết lòng vâng theo khuôn mẫu đạo
lý đã truyền cho anh em noi giữ. Một khi anh em đã được giải phóng khỏi ách tội
lỗi, anh em đã được nhận vào phục vụ đức công chính.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp Ca: Tv 123, 1-3. 4-6. 7-8
Ðáp: Ơn phù trợ chúng
tôi ở nơi danh Chúa (c. 8a).
Xướng: 1) Nếu như Chúa
không che chở chúng tôi, - Israel hãy xướng (lên) - nếu như Chúa không che chở
chúng tôi, khi thiên hạ cùng chúng tôi gây hấn, bấy giờ người ta đã nuốt sống
chúng tôi rồi, khi họ bầng bầng giận dữ chúng tôi. - Ðáp.
2)
Bấy giờ nước cả đã lôi cuốn mất, trào lưu đã ngập lút con người chúng tôi, bấy
giờ sóng cả kiêu hùng đã ngập lút chúng tôi! Chúc tụng Chúa vì Ngài đã không để
chúng tôi nên mồi trao đưa vào răng chúng. - Ðáp.
3)
Hồn chúng tôi như cánh chim non, thoát khỏi lưới dò của người gài bẫy bắt chim.
Lưới dò đã đứt gãy, và chúng tôi đã thoát thân. Ơn phù trợ chúng tôi ở nơi danh
Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất! - Ðáp.
Alleluia: Tv 118, 18
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin mở rộng tầm con mắt của con, để quan chiêm những điều
kỳ diệu trong luật Chúa. - Alleluia.
Phúc Âm: Lc 12, 39-48
"Người ta đã
ban cho ai nhiều, thì sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy hiểu biết điều này,
là nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, ắt sẽ tỉnh thức, không để nó đào ngạch
nhà mình. Cho nên các con hãy sẵn sàng: vì giờ nào các con không ngờ, thì Con
Người sẽ đến".
Phêrô
thưa Người rằng: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng con hay về mọi
người?" Chúa phán: "Vậy con nghĩ ai là người quản lý trung tín khôn
ngoan mà chủ đã đặt coi sóc gia nhân mình, để đến giờ phân phát phần lúa thóc
cho họ? Phúc cho đầy tớ đó, khi chủ về, thấy nó đang làm như vậy. Thầy bảo thật
các con, chủ sẽ đặt người đó trông coi tất cả gia sản mình. Nhưng nếu đầy tớ ấy
nghĩ trong lòng rằng: "Chủ tôi về muộn", nên đánh đập tớ trai tớ gái,
ăn uống say sưa: chủ người đầy tớ ấy sẽ về vào ngày nó không ngờ, vào giờ nó
không biết, chủ sẽ loại trừ nó, và bắt nó chung số phận với những kẻ bất trung.
Nhưng đầy tớ nào đã biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm
theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn đầy tớ nào không biết ý chủ mình mà làm những
sự đáng trừng phạt, thì sẽ bị đòn ít hơn. Vì người ta đã ban cho ai nhiều, thì
sẽ đòi lại kẻ ấy nhiều, và đã giao phó cho ai nhiều, thì sẽ đòi kẻ ấy nhiều
hơn".
Ðó
là lời Chúa.
Suy niệm : Tỉnh Thức Trong Phục Vụ
Danh họa Ý Leonard
de Vinci có kể một dụ ngôn: Giữa một ngôi vườn xinh tươi, có một cây sồi cao,
chung quanh là một rừng cây. Cây sồi ngày một lên cao ngạo nghễ. Một hôm, từ
trên nhìn xuống, nó ra lệnh cho người làm vườn đốn những cây chung quanh, vì
chúng làm vướng víu, quấy rầy và che bóng của nó. Và như thế, cây sồi loại hết
mọi cây cỏ để chỉ còn một mình bá chủ ngôi vườn. Thế nhưng một ngày kia, một trận
cuồng phong nổi lên, không còn cây cối chung quanh chống đỡ cho bớt gió, cây sồi
ngả rạp giữa vườn và chết một cách thê thảm.
Số phận của những
người chà đạp người khác để tiến thân cũng giống như cây sồi trong dụ ngôn trên
đây. Người ta thường nói: "Trèo cao, té nặng", bởi vì để lên cao, họ
đã đạp đổ tất cả người khác, đến độ khi trượt chân té ngã, họ không còn ai nâng
đỡ họ.
Trong Tin Mừng,
Chúa Giêsu đã nói lên quan niệm của Ngài về quyền bính. Các Tông đồ không ngừng
tranh luận với nhau về quyền bính; cái giấc mộng công hầu khanh tướng luôn ám ảnh
các ông, ai trong các ông cũng muốn ngồi chỗ cao trong Vương Quốc mà họ tưởng
Chúa Giêsu đã đến để thiết lập. Nhưng đối lại với tham vọng ấy, Chúa Giêsu cho
thấy rằng quyền bính là để phục vụ; trong Nước Ngài, kẻ càng được trao nhiều
quyền hành, càng phải là người phục vụ, mà phục vụ theo đúng nghĩa là hoàn toàn
quên mình để sống cho người khác.
Do phép Rửa, người
Kitô hữu chúng ta được tham dự vào chức vị vương giả của Chúa Kitô. Chúa Kitô
là Vua, nhưng là Vua của phục vụ. Cung cách vương giả của Ngài là quì trước các
môn đệ và rửa chân cho họ. Do đó, tham dự chức vụ vương giả của Chúa Kitô,
chúng ta cũng được trao cho một thứ quyền bính, và quyền bính ấy tương đương với
phục vụ. Người ta không thể là Kitô hữu, không thể là môn đệ Chúa Kitô mà lại
khước từ phục vụ.
Lời Chúa hôm nay mời
gọi chúng ta tỉnh thức. Sự tỉnh thức đích thực của người Kitô hữu chính là phục
vụ. Càng phục vụ, họ càng nhận ra được Nước Chúa đang đến; càng phục vụ, họ
càng nên giống Chúa trong cung cách vương giả của Ngài. Ai lãnh nhận nhiều sẽ bị
đòi nhiều. Ân sủng dồi dào mà chúng ta lãnh nhận qua Bí Tích Rửa Tội là để san
sẻ; tình yêu chúng ta cảm nhận được trong đức tin là để trao ban. Sự thức tỉnh
đích thực của người Kitô hữu chính là ý thức rằng sống là để yêu thương và phục
vụ, và đó cũng là hạnh phúc đích thực, vì "cho thì có phúc hơn là nhận".
Ước gì chúng ta luôn thức tỉnh trong hướng đi ấy.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Tư Tuần 29 TN1,
Năm lẻ
Bài đọc: Rom
6:12-18, 20b-21; Lk 12:39-48.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Biết thế nào, phải
sống như vậy.
Các
Bài Đọc hôm nay chú trọng đến việc thực hành những gì con người đã biết, để
giúp con người sinh ích lợi trong đời sống. Trong Bài Đọc I, thánh Phaolô chú
trọng đặc biệt đến hai tình trạng của con người trước và sau khi đón nhận Đức
Kitô. Ngài khuyên các tín hữu phải biết sống thích hợp với ân sủng mà Đức Kitô
đã mang lại cho các tín hữu qua Cuộc Thương Khó và sự Phục Sinh vinh hiển của
Ngài. Nếu cứ dìm mình trong tội như trong quá khứ, con người sẽ không được cứu
độ. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đề phòng các tông-đồ: Các ông phải sống như
những người quản gia trung tín trong việc phân phát Mầu Nhiệm Cứu Độ; nếu
không, các ông sẽ bị trừng phạt nặng nề hơn những người không biết, khi Chúa trở
lại để phán xét.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I: Anh em là nô lệ cho người mà anh em vâng phục.
1.1/
Người tín hữu phải đoạn tuyệt với tội lỗi: "Vậy tội lỗi đừng có thống trị thân xác phải
chết của anh em nữa, khiến anh em phải nghe theo những dục vọng của thân xác.
Anh em đừng dùng chi thể của anh em như khí cụ để làm điều bất chính, phục vụ
cho tội lỗi nữa. Trái lại, anh em là những người sống đã từ cõi chết trở về,
anh em hãy hiến toàn thân cho Thiên Chúa, và dùng chi thể của anh em như khí cụ
để làm điều công chính, phục vụ Thiên Chúa."
(1)
Tình trạng pháp lý của con người trước khi có và sau khi có Đức Kitô: Trước khi có Đức
Kitô, con người hoàn toàn sống dưới Lề Luật, và làm nô lệ cho tội lỗi và sự chết.
Con người không có sức để thoát ra khỏi sự nô lệ này. Khi Đức Kitô đến, Ngài giải
thoát con người khỏi Lề Luật, tội lỗi, và sự chết. Con người, với sức mạnh của
ơn thánh của Đức Kitô, có thể thoát ra khỏi những nô lệ này, để được tự do sống
cho Thiên Chúa. Thánh Phaolô ví tình trạng của người tín hữu cũng giống như
tình trạng của người nô lệ: khi còn sống dưới sự nô lệ của chủ, người nô lệ bị
lệ thuộc hoàn toàn vào chủ và không có cơ hội nào để thoát ra khỏi kiếp nô lệ;
nhưng khi được một người chuộc tiền để giải thoát, người nô lệ giờ đây được tự
do sống cho chính mình. Người tín hữu cũng thế, một khi được Đức Kitô giải
thoát, họ không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa; nhưng được tự do và được trang bị
để sống cho Thiên Chúa.
(2)
Tình trạng nội tâm của con người trước và sau khi có Đức Kitô: Trước khi có Đức
Kitô, con người không có một sức mạnh nào để chống lại tội lỗi ngoài sức mạnh của
Lề Luật bảo cho con người biết đó là tội, nhưng không giúp cho con người vượt
thắng tội lỗi; nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài ban ơn thánh cho con người để họ có
thể vượt thắng tội lỗi. Thánh Phaolô xác tín: "Tội lỗi không còn quyền chi
đối với anh em nữa, vì anh em không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc
vào ân sủng."
Phaolô
biết có người sẽ chất vấn "Vậy thì sao? Chúng ta cứ phạm tội ư, vì chúng
ta không còn lệ thuộc vào Lề Luật, nhưng lệ thuộc vào ân sủng? Không đời
nào!" Thánh Phaolô có ý nói với sự xuất hiện của Đức Kitô, tội lỗi và sự
chết không có sức mạnh toàn quyền trên con người nữa; nhưng nếu con người từ chối
lối sống theo ân sủng bằng cách cứ sống theo tội lỗi, con người sẽ không được cứu
độ. Đây là tội phạm đến Chúa Thánh Thần mà chúng ta đã nhiều lần bàn qua.
1.2/
Hậu quả của hai lối sống: Thánh Phaolô cắt nghĩa: ''Anh em không biết sao? Khi đem thân
làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục:
hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa,
thì sẽ được nên công chính.''
(1)
Hậu quả của lối sống làm nô lệ cho tội lỗi: Khi còn sống dưới kiếp nô lệ cho Lề Luật và tội lỗi,
con người không có sức mạnh để thoát ra khỏi tội và không có cách nào để trở
nên công chính. Hậu quả là con người phải chết như Thiên Chúa đã phán với ông
Moses, khi Ngài ban cho con người Thập Giới.
(2)
Hậu quả của lối sống theo ân sủng: Nhưng nay, với sự xuất hiện của Đức Kitô anh em được
công chính vì tin tưởng vào Ngài, được ban ân sủng để có thể sống thánh thiện,
và được giải thoát khỏi chết muôn đời.
Một
điều con người cần lưu ý là cho dù Đức Kitô đã đến để giải thoát, con người vẫn
có tự do để chọn lựa hai lối sống. Nếu cứ dìm mình trong tội, con người sẽ có
nguy cơ chết trong tội và xa lìa Thiên Chúa. Một ví dụ dẫn chứng: thuốc có thể
giúp con người trị bệnh; nhưng bệnh nhân phải kiêng cữ thì mới có thể lành bệnh
được. Nếu bệnh nhân ỷ đã có thuốc chữa, rồi cứ ăn uống bừa bãi, thuốc sẽ mất
công hiệu, và bệnh sẽ trở nên nặng nề hơn.
2/
Phúc Âm: Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, sẽ bị đòn nhiều
hơn.
2.1/
Ông chủ trao cơ nghiệp và quyền phân phát cho người quản gia: Người quản gia là
người được ông chủ chọn; tuy ông có quyền trên các đầy tớ khác nhưng đối với chủ,
ông vẫn là một đầy tớ. Nhiệm vụ của quản gia là coi sóc mọi sự trong nhà và mọi
đầy tớ khi chủ vắng mặt; trong đó có nhiệm vụ cung cấp của ăn cho các gia nhân
đúng giờ đúng lúc. Nhưng ai là quản gia trong câu truyện Chúa muốn nói ở đây?
giờ
ông Phêrô hỏi: "Lạy Chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả
mọi người?" Chúa đáp: “Vậy thì ai là người quản gia trung tín và khôn
ngoan, mà ông chủ sẽ đặt lên coi sóc kẻ ăn người ở, để cấp phát phần thóc gạo
đúng giờ đúng lúc?” Câu trả lời của Chúa Giêsu muốn ám chỉ các Tông Đồ. Các ông
là những người được Chúa Giêsu tin tưởng, huấn luyện, và sai đi để rao giảng
Tin Mừng. Các ông phải chịu trách nhiệm với Chúa về những người mà Chúa sai các
ông đến để rao giảng. Nhưng câu trả lời cũng có thể mở rộng đến các Kitô hữu vì
họ cũng là những nhà lãnh đạo trong gia đình và cộng đoàn.
2.2/
Thái độ của người quản gia: Ông có thể rơi vào một trong 2 thái độ:
(1)
Thái độ trung thành và phần thưởng: Người quản gia trung thành là người biết chu tòan
nhiệm vụ của mình khi chủ có mặt cũng như lúc chủ vắng mặt. Vì thái độ luôn
trung thành nên không lạ khi chủ về mà thấy đầy tớ ấy đang làm như vậy. Chúa
Giêsu khen: “Thật là phúc cho anh ta. Thầy bảo thật anh em, ông sẽ đặt anh ta
lên coi sóc tất cả tài sản của mình.” Ai trung thành trong việc nhỏ thì cũng sẽ
trung thành trong việc lớn.
(2)
Thái độ bất trung và hình phạt: Nhưng nếu người đầy tớ ấy nghĩ bụng: "Chủ ta còn
lâu mới về," và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ gái và chè chén say sưa, chủ
của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ, vào giờ hắn không biết, và ông
sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những tên thất tín.
Và
Chúa Giêsu tuyên án: Đầy tớ nào đã biết ý chủ mà không chuẩn bị sẵn sàng, hoặc
không làm theo ý chủ, thì sẽ bị đòn nhiều. Còn kẻ không biết ý chủ mà làm những
chuyện đáng phạt, thì sẽ bị đòn ít. Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều,
và ai được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta đã được Đức Kitô thanh tẩy mọi tội lỗi và được trang bị để sống công
chính; nên chúng ta cần phải đoạn tuyệt làm nô lệ cho tội lỗi, để được tự do sống
công chính.
-
Đức Kitô đã dạy chúng ta mọi điều, ngay cả cách thức chuẩn bị cho tương lai,
chúng ta hãy nghe theo những gì Ngài dạy bảo và chuẩn bị cho tương xứng. Người
tín hữu đã được dạy dỗ và cho nhiều, nếu không chịu làm theo ý Chúa, sẽ phải chịu
phán xét nặng nề hơn.
Linh mục Anthony
Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 29TN
Lc 12,39-48
A. Hạt giống...
Đoạn Tin Mừng này gồm 2 dụ ngôn nhỏ :
1. Dụ ngôn chủ nhà tỉnh thức (39-40) : Dụ ngôn
này không so sánh Thiên Chúa với tên trộm, mà so sánh việc Thiên Chúa đến và
tên trộm đến cũng bất ngờ như nhau. Vì bất ngờ nên phải tỉnh thức. Ý chính là
tỉnh thức.
2. Dụ ngôn quản gia trung thành (41-48) : dụ ngôn
này nói riêng cho những người có trách nhiệm lãnh đạo. Luca dùng hay dùng danh
từ “quản lý” để chỉ những kẻ lãnh đạo (x. 16,1.3.8). Người lãnh đạo được Thiên
Chúa giao coi sóc giáo đoàn phải trung thành phục vụ mọi người cho tới khi Chúa
Quang lâm. Khi đó người đó sẽ được trọng thưởng. Trái lại nếu nghĩ rằng Chúa
chậm Quang lâm để rồi lạm dụng chức vụ để lo cho bản thân (ăn uống lu bù) và
ngược đãi kẻ khác (đánh đập tôi trai tớ gái) thì khi đến Ngày Quang lâm sẽ bị
trừng phạt nặng. Chúc vụ càng cao thì hình phạt càng nặng. Ý chính là trung
thành trong nhiệm vụ được giao.
B.... nẩy mầm.
1. Những nhà khảo cổ đã đào bới được thành phố
Vesuve xưa kia bị núi lửa chôn vùi cách đột ngột. Người ta thấy nhiều cảnh
tượng trái ngược nhau : có người chết đang khi nhậu nhẹt, có những người đang
đánh nhau để tranh dành một số tiền. Nhưng đẹp nhất là hình một người lính gác
vẫn đứng nghiêm, gươm giáo trong tay.
2. Một ngày nọ vào năm 1780 bỗng dưng cả vùng
tiểu bang Connecticut bị tối hẳn lại. Ai nấy đều cho rằng đã đến ngày tận thế.
Khi đó Hội đồng lập pháp tiểu bang đang họp. Nhiều người yêu cầu hoãn cuộc họp
để họ có thể về nhà cùng với gia đình chờ Chúa đến. Nhưng ông chủ tịch nói :
“Không biết hôm nay có phải là ngày tận thế hay không. Nếu không thì không cần
hoãn họp. Còn nếu phải thì chúng ta càng cần chu toàn nhiệm vụ hơn nữa. Xin
thắp nến lên” (Drinkwater).
3. “Hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không
ngờ, thì Con Người sẽ đến” (Lc 12,40)
Con mưa chiều 28-7 đã làm cho cây me cổ thụ trước
nhà số 100A đường Nguyễn thị Minh khai, quận 1 tróc gốc ngã đè ba xe gắn máy.
Em Hà chí Thanh, 17 tuổi, học sinh, nhà ở số 444/20 đường cách mạng tháng 8
quận 3, đi xe Kawasaki Neo Max chết ngay tại chỗ. Bảy người khác bị thương phải
chở đi cấp cứu. Theo kỹ sư Phạm Thanh Sơn. phó giám đốc Công ty Công viên cây
xanh thành phố, cây me trên đã được tỉa cành, ngọn khống chế chiều cao và... đã
có giấy phép đốn hạ vào ngày 29-7-96. Trước tình trạng cây cổ thụ ngã hàng loạt
trong mùa mưa có gió mạnh này, ông Sơn cho biết công ty sẽ huy động toàn lực
lượng nhanh chóng đốn hạ khoảng 80 cây cổ thụ đã có giấy phép xin đốn bỏ. Em
Thanh đâu có ngờ, chiều hôm ấy mình là nạn nhân. Ông Sơn đâu có ngờ, cây đổ
trước một ngày có giấy phép đốn hạ.
Lạy Chúa, xin cho con luôn biết sẵn sàng để có
thể lên đường với Chúa, khi Người đi ngang qua đời con và cất tiếng gọi mời.
(Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
23/10/13 THỨ TƯ TUẦN 29 TN
Th. Gioan Capétranô, linh mục
Lc 12,39-48
Th. Gioan Capétranô, linh mục
Lc 12,39-48
SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI
“Nhưng nếu người
đầy tớ ấy nghĩ bụng : ‘ còn lâu chủ ta mới về’, và bắt đầu đánh đập tôi trai tớ
gái và chè chén say sưa, chủ của tên đầy tớ ấy sẽ đến vào ngày hắn không ngờ,
vào giờ hắn không biết, và ông sẽ loại hắn ra, bắt phải chung số phận với những
tên thất tín.” (Lc 12,39-48)
Suy niệm: Hiện diện như không hiện diện, giống như đang
vắng mặt nhưng thực ra vẫn ở bên cạnh ta, đó là cách thế tế nhị Chúa dùng để
giúp ta trưởng thành. Lúc nào Chúa cũng có mặt trong cuộc đời ta, nhưng một
cách kín đáo. Tiếc thay ta lại hay quên điều quan trọng này! Ta thường chia
cuộc đời thành nhiều ô hộc: ô hộc này có Chúa hiện diện như ô hộc nhà thờ, ô
hộc đọc kinh, v.v… còn ô hộc kia thì Chúa không có mặt hay chỉ có một cách mơ
hồ, như ô hộc lao động, ô hộc giải trí, ô hộc nghỉ ngơi… Trong những ô hộc này,
ta không hề nghĩ đến Chúa, thậm chí còn mời Chúa đi chỗ khác chơi cho mình dễ
“làm ăn”. Cuộc đời Kitô hưu bị chia thành hai phần tách biệt: đời và đạo không
hề dính líu, quan hệ gì với nhau.
Mời Bạn: Nhớ
rằng Chúa không bao giờ đi vắng, nhưng luôn hiện diện trong cuộc đời bạn để
khích lệ, nâng đỡ, an ủi, ban ơn… Bạn luôn sống dưới cái nhìn yêu thương và bàn
tay che chở của Chúa.
Sống Lời Chúa: Để
nhớ Chúa hiện diện, bạn hãy: - đem đạo vào đời:
sống Lời Chúa trong mọi sinh hoạt trần thế như trong hôn nhân, gia đình, lao
động, học hành…; - vàđem đời vào đạo: dâng lên Chúa những vui buồn
của đời thường khi đọc kinh, cầu nguyện, dâng lễ…
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, tuy Chúa luôn có mặt bên chúng con, nhưng Chúa
hiện diện một cách vô hình, kín đáo, để chúng con trưởng thành. Xin giúp chúng
con luôn sống trưởng thành dưới cái nhìn yêu thương của Chúa.
Tỉnh Thức Và Sẵn Sàng
Với
thắc mắc của tông đồ Phêrô: "Lạy Thầy, Thầy nói dụ ngôn đó chỉ về chúng
con hay chỉ về cho mọi người", Chúa Giêsu khai triển thêm về chủ đề tỉnh
thức và sẵn sàng, và có vẻ như trong lần khai triển này Ngài nhắm đến những người
có trách nhiệm trong cộng đồng.
Chủ
đề tỉnh thức và sẵn sàng được nối tiếp với những giáo huấn của Chúa Giêsu dành
cho giới có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa. Và dĩ nhiên trước tiên là những
người có trách nhiệm trong cộng đồng dân Chúa, họ phải gương mẫu trong thái độ
tỉnh thức và sẵn sàng vì không những là sự tỉnh thức, sẵn sàng cần thiết cho ơn
cứu độ của bản thân họ mà họ còn phải tỉnh thức và sẵn sàng để người khác có được
ân sủng của Chúa nữa.
Công
việc của một người có trách nhiệm trong dân Chúa thì muôn vẻ, muôn mặt và thường
là những công việc không tên, không tuổi. Họ sống cho dân Chúa và ở giữa dân
Chúa để mọi người có thể thấy Chúa qua họ. Trong cuộc sống rao giảng của Chúa
Giêsu, Ngài liên tục kiếm tìm, khuyên lơn, an ủi, thánh hóa và giải cứu cho con
người. Ngài không có thời khóa biểu cho công việc của mình mà trọn vẹn Ngài sống
là cho đi, là trao ban, là sứ mệnh. Dĩ nhiên, chúng ta không thể đòi hỏi những
người có trách nhiệm của chúng ta làm như Chúa Giêsu được, nhưng đòi hỏi phải tỉnh
thức và sẵn sàng hơn những người khác để xứng đáng là môn đệ, xứng đáng là những
người gần Chúa hơn, hầu có thể đem Chúa đến cho mọi người, vì dù sao đi nữa thì
các vị ấy cũng được gọi và bản thân của họ tình nguyện để đi theo Chúa.
Anh
chàng thanh niên khi nghe Chúa nói: "Anh hãy về bán của cải cho người
nghèo rồi hãy đến theo Ta". Anh đã lẳng lặng bỏ đi vì anh không thể làm được
chuyện ấy. Chúa Giêsu có buồn đôi chút nhưng Ngài tôn trọng tự do của anh, nếu
anh vẫn sống trọn vẹn các giới răn như anh đã thưa với Chúa thì anh vẫn là người
rất tuyệt. Thế nhưng, theo rồi mà không dành tất cả cho Chúa và cho anh chị em
của mình như Chúa dạy thì thế nào cũng bị Chúa khiển trách. Thỉnh thoảng, có những
vị phân bua: "Là gì đi chăng nữa thì cũng phải có những khoản riêng cho
mình chứ, có những thứ thuộc đời tư của mình chứ". Không đâu, quí vị không
còn đời tư nữa, quí vị không còn gì là riêng rẽ nữa. Tất cả đã là của Chúa và của
anh chị em mình, ban cho ai nhiều thì đòi kẻ ấy nhiều; giao phó cho ai nhiều
thì đòi kẻ ấy nhiều hơn.
Lạy
Cha,
Tất
cả chúng con đều là những đầy tớ phải biết thức tỉnh và sẵn sàng, nhưng hôm nay
thì Chúa Giêsu, Con Cha, nói về những vị đầy tớ đặc biệt. Ðiều đó quá đúng, vì
dù sao thì trong một tổ chức, một cơ cấu, cũng có nhiều công tác khác nhau, và
mỗi người đều có một cách phục vụ tùy theo chỗ đứng, tùy theo công việc được
giao phó. Chúng con cầu nguyện cho những người được giao cho những trách nhiệm
đặc biệt ấy, để các ngài năng giống Con Cha hơn, không có thời khóa biểu cho
riêng mình nhưng có thời khóa biểu để phục vụ Cha nơi những anh chị em được
trao phó.
(Trích
trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)
Suy niệm
Sau khi dạy dân
chúng về thái độ tỉnh thức và sẵn sàng. Hôm nay Chúa Giêsu dùng dụ ngôn người
quản lý trung tín để dạy các môn đệ về bài học tỉnh thức và sẵn sàng bằng cách
kiên trì và trung thành trong trách nhiệm của mình.
Đối với mỗi chúng
ta có lẽ ít ai nghĩ mình sắp phải chết. Nhưng thực tế là chúng ta không biết
được chính xác ngày giờ nào chúng ta chết. Vì thế, hôm nay Chúa kêu gọi mỗi
người chúng ta phải luôn trong tư thế sẵn sàng. Nhưng sẵn sàng như thế nào mới
đúng ý Chúa? Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta qua dụ ngôn người quản lý trung
tín. Phải luôn chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mỗi người. Mỗi người Chúa
ban cho một khả năng, đó là những nén bạc Chúa trao để chúng ta quản lý và sinh
lợi cho Chúa và cho tha nhân. Khi chúng ta biết sử dụng những khả năng đó cách
thích hợp và tích cực thì đó là lúc chúng ta chuẩn bị sẵn sàng chờ đón Chúa
đến.
“Đầy tớ nào đã
biết ý chủ mình mà không chuẩn bị sẵn sàng, và không làm theo ý chủ thì sẽ bị
đòn nhiều”. Đây là một lời cảnh báo mà Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta. Là
những người kitô hữu, chúng ta được rửa tội, được học hỏi giáo huấn của Chúa.
Nhưng nhiều khi chúng ta không sống đúng với những giáo huấn đó, đôi khi chúng
ta làm ngược lại, làm gương mù, gương xấu cho người khác. Khi Chúa đến có lẽ
chúng ta phải chịu những hình phạt nặng nề hơn những người chưa biết Chúa.
Bài tin mừng hôm
nay là một cơ hội để mỗi người tự xét mình lại, xem chúng ta đang ở trong tình
trạng nào: là người quản lý trung tín hay là người quản lý bất trung?
Lạy Chúa, xin
cho chúng con ý thức những khả năng và vật chất chúng con có được là do ơn Chúa
ban. Chúng con chỉ là người quản lý cho Chúa. Xin Chúa ban cho chúng con ơn
khôn ngoan để chúng con biết sử dụng những ơn Chúa ban để làm ích cho chúng con
và tha nhân. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
23
THÁNG MƯỜI
Một Thế Kỷ Văn Minh
Tôi
cho rằng nếu sau này hậu thế nhớ lại và ghi nhận rằng thời đại này của chúng ta
là một thế kỷ văn minh, thì đó không phải do những tiến bộ về mặt văn hóa và kỹ
thuật mà nó đạt được, nhưng là do sự phát triển xã hội của chúng ta trong đó
thiện ích của con người được nêu thành mục tiêu để kiếm tìm. Vấn đề tìm nơi ăn
chốn ở cho hàng triệu người tị nạn trên thế giới ngày nay là vấn đề tiên quyết
trong một xã hội phát triển như thế.
Hồi
ức về những đau khổ mà nhân loại phải chịu đựng trong suốt thế chiến thứ hai phải
buộc chúng ta nhận thức sâu sắc về tính phi lý và kinh dị của tấn bi kịch ấy.
Trong cuộc chiến tranh kinh khủng nói trên, hàng triệu con người bị buộc phải
trốn chạy, phải rời bỏ nhà cửa và quê hương của mình. Để phòng tránh sự tái diễn
của tình trạng đau thương đó, chúng ta phải nỗ lực không mệt mỏi để giải quyết
những bất hòa chia rẽ, những cuộc xung đột ý thức hệ và những sự tranh giành
quyền lực. Phải dứt khoát vứt bỏ những não trạng ích kỷ phi nhân, chúng ta mới
có thể quảng bá được tinh thần tôn trọng con người. Và, cuối cùng, chúng ta sẽ
dựng xây được một nền văn minh trên cơ sở của tình yêu và sự thật, trên cơ sở của
sự hợp tác giữa mọi dân tộc trên mặt đất.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
23-10
Thánh
Gioan Capestranô, linh mục;
Rm
6,12-18; Lc 12,39-48
LỜI SUY NIỆM: “Hễ ai đã được cho nhiều thì sẽ bị đòi nhiều, và ai
được giao phó nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn” (Lc 12,48b)
Ân sủng của Chúa luôn tuôn
trào trên mỗi người chúng ta. Ngài ban cho chúng ta trí khôn, sự hiểu biết và sự
năng động, để tiếp tục công trình tạo dựng của Ngài cũng như để cộng tác trong
công trình cứu độ con người. Những gì hôm nay chúng ta đang có, đang được hưởng,
không phải tự sức riêng của mình mà có. Nhưng phải ý thức tất cả những thứ đó đều
từ Thiên Chúa mà đến, Ngài ban qua người này người nọ, hay một hoàn cảnh nào đó
bất ngờ, để đáp lại lời cầu xin của mình; mà Chúa thấy lợi cho phần rỗi của
mình. Chúng ta cần phải biết Chúa trao nhiều thì Ngài cũng đòi hỏi nhiều. Nên
chúng ta phải luôn tôn thờ, cầu xin, trông cậy và tạ ơn một mình Ngài mà thôi.
Mạnh Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày 23-10
Thánh GIOAN
CAPISTRANÔ
Dòng Phanxicô
(1386 - 1456)
Cha của
Gioan là một nhà quí tộc người Pháp đã theo bá tước Anjon trong cuộc chinh
vương quốc Naples. Để ân thưởng cho lòng can đảm, ông đã được chiếm những lãnh
điạ rộng lớn. Ong định cư tại Caoistranô và qua đời sớm sau khi cưới một thiếu
nữ người Y. Gioan con của ông theo học tại Perugia đã gia nhập ngành thẩm phán.
Các tài năng
của thánh nhân đã khiến cho thánh nhân được coi như hoàng tử của các luật gia.
Được đặt làm nhà cầm quyền, thánh nhân hiểu rõ sự cao trọng trong sứ mạng của mình:
dửng dưng với những đe dọa của các lãnh chúa, Ngài quyết nâng đỡ những người
nghèo khó. Một cư dân quí phái giàu có muốn gả con cho Ngài. Tương lai rực rỡ
trước mắt Gioan khi bất ngờ định mệnh đổi khác. Lãnh trách nhiệm hoà giải
Perugia và Rimini, Ngài bị tố cáo là đã thiên tư, bị bắt giam ở Rimini... trong
một tháp canh.
Gioan muốn tẩu
thoát, bị gãy chân và nằm bẹp nhưng một hầm gia dưới đất. Trong tận cùng đau khổ,
một tu sĩ dòng Phanxicô xuất hiện mời gọi Ngài sống đời sống nghèo khó và bác
ái. Gioan đã nhiệt thành đáp lời. Vừa khi được phóng thích, Ngài bán mọi của cải,
từ hôn và đến với các tu sĩ dòng Phanxicô ở Perugia. Chân phước Marcô thành
Bergame nghi ngờ ơn gọi như vậy và đón nhận Ngài với những lời chẳng hoà nhã
chút nào: "các tu viện không phải nơi trú chân của những kẻ lang thang hay
chán đời. Phải có những thử thách khác để gia nhập một dòng tu. Tôi chi nhận
anh khi anh nói lời từ giã những phù vân thế tục mà tôi sẽ chỉ cho anh".
Đây là một lời
giã từ lừng danh, một thử thách nổi tiếng thánh nhân phải chịu. Perugia được
chiêm ngưỡng nhà cầm quyền của họ riễu qua đường phố, quay ngược lại trên lưng
lừa ăn mặc rách rưới, đầu đội nón có ghi những tội của mình bằng chữ lớn. Dân
chúng nhạo cười, nhưng Gioan can đảm đón nhận mắng nhiếc.
Tại nhà
dòng, Gioan có một bậc thầy chỉ là trợ sĩ, anh Onuphre, người nghiên khắc lột bỏ
con người cũ của Ngài cách vĩnh viễn. Thêm vào những lời quở trách là những
nghiêm nghị. Nhưng những bất công dày và phải được bỉnh thản lãnh nhận, chẳng hạn
ngày kia anh em giặt đồ đang đợi cho nước bớt nóng. Bỗng anh Onuphre đi tới. Bỏ
qua mọi anh em khác, anh giận dữ phạt Gioan vì biếng nhác và lấy áo dài từ nước
nóng bỏng ra thải vào mặt Gioan. Đáp lại, Gioan khiêm tốn đến quì trước mặt
anh.
Viên chức
mãn nguyện còn tăng gấp đôi lòng nhiệt thành của Ngài trong những công việc thấp
hèn nhất, đồng thời vẫn học thần học thánh Bernadinô thành Sienua là thầy dạy,
thán phục vì những buớc tiến ngoại hạng của Người đã nói: "Gioan ngủ mà học
những điều mà người khác ngày đêm nỗ lực mới học được" Dường như Ngài có sự
hiểu biết thiên phú, là nhà thần học sâu sắc và sắp thành nhà truyền giáo lớn của
thời Ngài.
Gioan rảo
qua các tỉnh thuộc nước Ý và dẫn về cho Chúa hàng triệu những kẻ lạc giáo và những
tội nhân, Ngài đã thăm các dòng tu ở Đông phương, góp phần hiệp nhất với người
Armenia. Trở về Ngài nổi bật tại cộng đồng Florentinô và được đặt làm sứ thần tại
Sicile. Giữa những thành công rực rỡ. Gioan vẫn là con người cầu nguyện và sám
hối. Ngài xây dựng các tu viện, chống lại lạc giáo. Các bài giảng của Ngài thật
phi thường. Thiên Chúa rõ ràng bao bọc Ngài. Những người rối đạo lân la để biết
chỗ Ngài ở đâu. Giọng điệu của họ đủ cho thấy rõ số phận họ muốn dành cho Ngài
như thế nào. Gioan giản dị và êm ái trả lời: "Tôi đây". Những người
theo bè rối sững sờ và không làm gì hại Ngài.
Một huyền
thoại bình dân kể rằng: thánh nhân khi giã từ Assisiô với các bạn để hoàn thành
một sứ mệnh, bị từ chối không được chở qua sông gần Trévise vì người lái xe
đoán rằng: đám người nghèo này sẽ không trả tiền. Thánh nhân trải áo của
Bernađiô thầy mình trên sông. Nước sẽ rẽ ra và các tu sĩ qua bờ bên kia sông.
Đức giáo
hoàng đã sai Gioan qua Đức, Hungari, Bohemia, Balan. Cả thành ra đón Ngài, lão
già nhỏ bé khô khan kiệt sức nhưng vui tươi không mệt mỏi. Cả đoàn thính giả đã
nghe Ngài mỗi ngày. Sau đó người ta công khai đốt các cỗ bài, những hình ảnh
dâm ô, những đồ trang sức, mọi cái có hại cho tâm hồn.
Đây là lửa
hoả thiêu lâu đài của quỉ dữ. Ơ Bohemia sau một trong những bài giảng về sự
phán xét, thánh nhân đã gây hứng khởi cho hơn 100 thanh niên ôm ấp đời sống tu trì.
Các Đức giáo hoàng nối tiếp liên tiếp trao cho Ngài những sứ mệnh đặc biệt.
Người Hồi vừa
mới xâm chiếm Constantinople. Mahomet tin rằng: mình là thủ lãnh Kitô giáo.
Không ông hoàng nào xem ra có thể ngăn cản nổi cuộc xâm lăng. Gioan Capistranô
nhận được lệnh của Đức giáo hoàng để cổ động đoàn quân thánh giá, Ngài liên kết
được 40 ngàn người và chọn Hunyade là một anh hùng làm thủ lãnh của họ. Quân
hung bạo bốn lần đông hơn chế nhạo. Belgrade đã bị chiếm. Mọi sự xem ra đã mất
hết. Gioan lao lên hàng đầu, tay cần kỳ hiệu và một thánh giá, khuyên các binh
sĩ hoặc thắng hoặc chết. Địch quân rút lui, thành lũy được cứu thoát.
tuần sau,
Hunyade qua đời trong tay Gioan, người sống sót đã được lâu hơn ông ta một
chút. Ngài riến tới gần cái chết với sự bình thản hoàn toàn và các ông hoàng đã
thán phục sự can đảm của Ngài, bấy giờ phải bối rối trước sự khiêm tốn của vị
thánh khi hấp hối, công khai thú nhận các lỗi lầm của mình.
(daminhvn.net)
23 Tháng Mười
Cùm Chân Chó
Sách Lã Thị Xuân Thu có chép một câu chuyện như sau: Nước Tề có người
xem tướng chó rất giỏi. Một người hàng xóm tới nhờ anh ta tìm cho một con chó
biết bắt chuột. Ít lâu sau, anh mang đến một con chó và nói: "Con chó này
tốt lắm, ông cứ dùng sẽ vừa ý".
Người hàng xóm tin theo, nhưng mấy năm qua, con chó không bắt được
con chuột nào cả. Người hàng xóm phàn nàn, anh ta liền nói: "Con chó này tốt,
nhưng nó chỉ có tài săn bắt hươu nai, bây giờ muốn nó bắt chuột thì phải buộc
chân sau nó lại". Người hàng xóm đã nghe theo và quả nhiên con chó bắt chuột
rất hay.
Có cùm một chân lại, con
chó mới có thể bắt được chuột. Phải chăng, đó không phải là hình ảnh của rất
nhiều người thành công trong những địa hạt lớn, trong những công tác xã hội,
trong những việc làm ở quy mô lớn, nhưng lại thất bại trong gia đình hay trong
chính cuộc sống cá nhân của mình. Người ta nghĩ rằng chỉ có những công việc vĩ
đại mới có giá trị. Người ta phân bua rằng việc trong nhà, việc ở xó bếp là việc
của đàn bà.
Thế nhưng có ai nghĩ rằng hạnh
phúc của gia đình tùy thuộc rất nhiều vào những công việc xó bếp ấy. Và những
công việc vô danh ấy cũng đòi hỏi nhiều hy sinh, nhẫn nhục và tình yêu hơn tất
cả những đại cuộc khác. Công việc càng nhỏ nhặt, càng vô danh thì càng nhiều
phiền toái và càng đòi hỏi nhiều phấn đấu hơn. Nếu không bióêt cùm chân lấy một
chân, nếu không biết hy sinh, nhẫn nhục, một người mẹ trong gia đình không thể
chịu đựng năm kia tháng nọ tất cả những phiền toái ấy.
(Lẽ Sống)
Thứ Tư 23-10
Thánh Gioan ở Capistrano
(1385-1456)
N
|
gười ta thường nói các
thánh là những người lạc quan nhất thế giới. Các ngài không bị mù quáng bởi sự
dữ hay hậu quả của nó, nhưng các ngài luôn đặt niềm tin vào quyền năng ơn cứu
độ của Ðức Kitô. Sức mạnh hoán cải của Ðức Kitô không chỉ ảnh hưởng đến người
có tội mà còn ảnh hưởng cả đến các tai họa.
Thế kỷ 14 là thời kỳ hỗn
loạn về đạo cũng như đời. Một phần ba dân số và gần 40 phần trăm giáo sĩ bị
tiêu diệt bởi bệnh dịch hạch. Cuộc Ðại Ly Giáo Tây Phương đã phân tán Giáo Hội
đến độ Tòa Thánh không chỉ có một giáo hoàng mà đến hai, ba giáo hoàng một lúc.
Nước Anh và nước Pháp đang giao chiến với nhau. Thủ đô nước Ý luôn luôn có
tranh chấp. Hiển nhiên sự u ám đó đã bao trùm cả thời đại và khống chế tinh
thần văn hóa.
Thánh Gioan sinh ở Capistrano,
nước Ý năm 1385. Ngài là con của một cựu hiệp sĩ người Ðức sống trong thành
phố. Ngài học luật ở Ðại Học Perugia và hành nghề luật sư ở các tòa án Naples.
Khi 26 tuổi, ngài được Hoàng Ðế Ladislas của Naples bổ nhiệm làm thủ hiến xứ
Perugia. Trong cuộc chiến tranh với người Malatestas ở lân cận, ngài bị phản
bội và bị cầm tù. Sau khi được thả về, ngài quyết tâm thay đổi cuộc đời và gia
nhập dòng Phanxicô ở Perugia năm ngài 31 tuổi.
Sau khi được thụ phong
linh mục vào bốn năm sau, ngài đi rao giảng khắp các nước Ý, Ðức, Bohemia, Áo,
Hung Gia Lợi, Ba Lan và Nga. Vào lúc người ta thờ ơ và nghi ngờ tôn giáo thì
ngài đã lôi cuốn được nhiều người trở về với Giáo Hội. Các quốc gia miền trung
Âu Châu đã tiếp đón ngài cùng với các tu sĩ Phanxicô như các thiên thần của
Thiên Chúa. Họ là những khí cụ để hồi phục niềm tin đang dẫy chết.
Chính dòng Phanxicô cũng
trong tình trạng xáo trộn về việc giải thích và tuân giữ quy luật của Thánh
Phanxicô. Qua các nỗ lực không ngừng của Cha Gioan Capistrano và nhờ kinh
nghiệm luật pháp của ngài, tà giáo Fraticelli bị cấm hoạt động và Linh Ðạo
Thánh Phanxicô tinh tuyền lại được nêu cao.
Khi vua Hồi Giáo là
Mohammed II đe dọa tấn công Vienna và Rôma, Cha Gioan Capistrano, dù đã bảy
mươi tuổi, được Ðức Giáo Hoàng Callistus II giao cho công việc rao giảng và chỉ
huy thập tự quân chống với sự xâm lăng của người Thổ Nhĩ Kỳ. Cùng với đoàn quân
bảy mươi ngàn Kitô Hữu, ngài đã chiến thắng người Thổ Nhĩ Kỳ trong cuộc chiến
sau cùng ở Belgrade năm 1456. Ba tháng sau ngài từ trần ở Illok, Hung Gia Lợi
ngày 23-10-1456. Ngài được đặt làm quan thầy của các luật gia.
Lời Bàn
John Hofer, người viết
tiểu sử Thánh Gioan Capistrano, nhắc lại một tổ chức ở Bỉ lâáy tên của thánh
nhân, nhằm mục đích giải quyết các vấn đề của đời sống trong một tinh thần hoàn
toàn Kitô Giáo. Châm ngôn của tổ chức ấy là: "Sáng Kiến, Tổ Chức, Hành
Ðộng." Những lời này thực sự là đặc tính của cuộc đời Thánh Gioan.
Ngài không phải là người ngồi không. Sự lạc quan Kitô Giáo đã thúc đẩy ngài
chiến đấu với các vấn đề thuộc đủ mọi tầng lớp với niềm tin sâu xa nơi Ðức
Kitô.
Lời Trích
Trên mộ của thánh nhân ở
làng Villach, Hung Gia Lợi, quan đầu tỉnh đã cho khắc những hàng chữ sau:
"Ngôi mộ này là nơi chôn cất Thánh Gioan, sinh ở Capistrano, một người
đáng được ca tụng, người biện hộ và cổ võ đức tin, người bảo vệ Giáo Hội, người
hăng say che chở nhà dòng, niềm vinh dự cho cả thế giới, người yêu quý sự thật
và công bình, gương sáng cho đời sống, vững chắc trong giáo lý; được bao người
đời ca tụng, ngài đang sung sướng ngự trên thiên đàng." Văn mộ chí ấy
thật xứng đáng cho một người lạc quan chân chính và thành công.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét