Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2013

Một tuần bận rộn tại Vatican

Một tuần bận rộn tại Vatican

Nhà báo Công Giáo John Thavis gọi tuần lễ vừa rồi là tuần lễ “bận rộn” tại Vatican: định ngày phong thánh cho hai vị giáo hoàng, cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng gây nhiều ngạc nhiên, cuộc họp của 8 vị Hồng Y cố vấn và sau cùng là cuộc viếng thăm nơi sinh của vị thánh được đức đương kim giáo hoàng chọn làm tên.

Sốt dẻo nhất

Nhà báo John Allen còn đi xa hơn khi cho rằng tuần vừa qua là tuần “có nhiều tin ức sốt dẻo (breaking)” hơn cả trong suốt 20 năm ông tường trình về Vatican, ngoại trừ 2 cơ mật viện bầu giáo hoàng: hội đồng Hồng Y, cuộc phỏng vấn Đức Giáo Hoàng; đi thăm Assisi; nhà huyền nhiệm. 

Như mọi người đều đã biết, hôm thứ Hai, Đức Phanxicô chủ tọa cơ mật viện Hồng Y để định ngày 27 tháng Tư, nhằm Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa, làm ngày phong thánh cho hai đức Gioan XXIII và Gioan Phaolô II. Lễ phong thánh cho hai vị giáo hoàng này sẽ đem tới Rôma lượng khách hành hương đông đảo không thua đám tang Đức Gioan Phaolô II năm 2005. 

Cũng trong cùng cơ mật viện trên, Đức Phanxicô thăm dò các Hồng Y về ý niệm thiết lập các tòa án quốc gia và miền trên khắp thế giới để giải quyết các vụ lạm dụng tình dục. Đây là ý niệm đã được lưu hành lâu nay, phản ảnh tình thế nhiều giáo phận, nhất là các giáo phận tại các nước đang mở mang, không đủ tài nguyên hay chuyên môn để giải quyết hữu hiệu các vụ việc này. Đây là hành vi cụ thể đầu tiên của Đức Phanxicô trong việc cải tổ trận tuyến chống lạm dụng tình dục.

Cũng vào hôm thứ Hai, Đức Phanxicô ban hành tự sắc chính thức thiết lập tân hội đồng Hồng Y làm cơ quan cố vấn thường trực của ngài và dành quyền được thêm các thành viên cho hội đồng. Đây quả là phương cách để Đức Phanxicô làm nổi bật tầm quan trọng của nhóm vốn được gọi là G8 này. 

Qua thứ Ba, lại có cuộc phỏng vấn làm rúng động các sạp báo. Cuộc phỏng vấn lần này do nhà báo Ý thiên tả, vô tín ngưỡng là Eugenio Scalfari thực hiện. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức Phanxicô cực lực kết án các vây bủa kiểu “triều đình vua chúa” tại Vatican, coi chúng như “phong cùi”, nhìn nhận rằng việc ham quyền trần đời vẫn còn mạnh mẽ, nhiều giáo sĩ vẫn còn “qui Vatican”; ngài coi cải đạo là “vô nghĩa một cách long trọng” và hứa sẽ làm mọi cách để thay đổi hệ thống này.

Cũng vào hôm thứ Ba, Ngân Hàng Vatican, chính thức gọi là Viện Các Công Trình Tôn Giáo, công bố phúc trình hàng năm lần đầu tiên trong 125 năm lịch sử để được kiểm nhận bởi một thanh lý viên độc lập, một hành vi rõ ràng nhằm phóng chiếu một bầu khí trong sáng mới. Tin sốt dẻo vào hôm đó cũng cho thấy ngân hàng này đã đóng cửa khoảng 900 trương mục, trong đó, có các trương mục của các tòa đại sứ ngoại quốc, vì thiếu văn bản tài liệu hay vì chuyển ngân mờ ám. 

Vẫn trong ngày thứ Ba, cuộc họp được nhiều người mong chờ của G8 bắt đầu khai mạc, kéo dài qua chiều ngày thứ Năm. Đức Phanxicô tham dự hầu như mọi phiên họp. Các phiên họp này khởi đầu diễn ra tại Tông Dinh, nhưng sau đó, được rời tới Casa Santa Marta.

Qua thứ Tư, phát ngôn viên Vatican, Cha Lombardi, cho các phóng viên hay G8 đã xem sét mối liên hệ giữa các bộ của Vatican với Đức Giáo Hoàng, vai trò của Quốc Vụ Khanh, và việc cải tổ Thượng Hội Đồng Giám Mục, cũng như các vấn đề mục vụ như việc chăm sóc các cặp vợ chồng. Ngài cho hay các Hồng Y cũng cân nhắc viễn kiến về Giáo Hội từng được Vatican II phát biểu.

Hôm thứ Năm, Đức Phanxicô ban triều kiến cho các tham dự viên hội nghị kỷ niệm 50 năm ngày ban hành thông điệp Pacem in Terris của Đức Gioan XXIII, công khai đặt câu hỏi liệu các hạn từ “công lý” và “liên đới” có “ở trong tự điển của ta” hay “tất cả chúng ta có làm việc để chúng trở thành thực tại” hay không. Đức Phanxicô cũng nhân dịp này bày tỏ tình liên đới với các nạn nhân đắm tầu tại Lampedusa, điểm đổ bộ tại nam Địa Trung Hải của những người di dân khốn khổ, nơi ngài từng tới viếng thăm ngày 8 tháng Bẩy.

Cũng hôm thứ Năm, báo chí Ý cho công bố cuộc điều tra của nhà cầm quyền Ý về Đức Ông Nunzio Scarano, cựu kế toán viên của Vatican, bị bắt hồi tháng Sáu vì bị tố cáo can dự vào việc nhập lậu 26 triệu Mỹ Kim tiền mặt vào Ý dưới sự cậy nhờ của một gia đình tài phiệt hàng hải. Scarano trước đó vốn làm việc tại sở Quản Trị Di Sản Của Tòa Thánh (APSA), một cơ quan quản trị tài sản và đầu tư vật chất của Vatican. Có tường trình cho rằng ngài nói với các điều tra viên rằng các viên chức APSA thường nhận quà cáp của các ngân hàng muốn giao dịch với Vatican như đi du lịch trên tầu, ngụ tại khách sạn 5 sao, cả đấm bóp nữa. 

Scarano cho rằng APSA hành xử như một “ngân hàng song hành”, cho phép các yếu nhân ký thác tiền trong trương mục của mình và còn hứa sẽ qua mặt cả ngân hàng Vatican nữa. Ngài cũng cho biết các thủ tục đấu thầu để sửa chữa các tài sản của APSA đều bị lừa lọc, trong đó, các viên chức chia nhau lợi nhuận do tiền đút lót. 

Cũng trong ngày thứ Năm, Cha Lombardi có buổi thuyết trình về G8. Trong số các điểm được nêu ra, ngài cho hay các vị Hồng Y và Đức Giáo Hoàng không chỉ đưa ra các sửa đổi chiếu lệ đối với tông hiến Pastor Bonus, tức tông hiến của Đức Gioan Phaolô II về Giáo Triều, mà là các thay đổi quan trọng trong một văn kiện hoàn toàn mới. Cha cho rằng các thay đổi này sẽ đi theo hướng nhấn mạnh tới vai trò của Vatican như để “phục vụ các Giáo Hội địa phương”, chứ không phải “trung ương tập quyền”. Ngài cũng bảo: các Hồng Y dành nhiều quan tâm cho giáo dân, trong đó có vai trò của họ bên trong Vatican. Trả lời câu hỏi của một phóng viên, cha cho hay: vấn đề lạm dụng tình dục không được nêu lên trong phiên họp của G8. 

Tối thứ Năm, khoảng 8 giờ, giờ Rôma, Cha Lombardi phát hành một thông cáo qua đường điện thư (email) cho biết: phiên họp tới của G8 sẽ diễn ra trong các ngày 3-5 tháng Mười Hai và một phiên khác vào đầu tháng Hai. Trước đó, ngài cho hay các Hồng Y vẫn tiếp tục làm việc giữa các phiên họp này để thâu lượm dữ liệu, đánh giá các ý niệm và trình các gợi ý lên Đức Giáo Hoàng.

Thứ Sáu, 4 tháng 10, Đức Phanxicô đi Assisi, một chuyến đi vừa để hành hương vừa để nói lên viễn kiến của ngài về Giáo Hội. Điều đáng lưu ý: hai điểm dừng chân đầu tiên là để gặp người bệnh và người nghèo. Với người bệnh, ngài bỏ bản văn soạn sẵn để nói về việc người Kitô hữu phải lắng nghe người thương tật. Sau đó, ngài chỉ trích điều ngài gọi là “Kitô Giáo Chạp Phô” (pastry shop Christianity), nhấn mạnh rằng không có Thánh Giá không có Kitô Giáo. Ngài cũng nhắm vào giới truyền thông, cho rằng báo chí “đầy chuyện tưởng tượng” về chuyến đi của ngài vì cho rằng ngài tới đây để “lột trần” Giáo Hội, khỏi các tước hiệu vênh vang, bán tống bán táng mọi tài sản... Ngài bảo: quan tâm thực sự của ngài là kêu gọi Giáo Hội “lột bỏ” cơn bệnh “ung thư trần thế” của mình. Trong Thánh Lễ, ngài nhấn mạnh rằng hòa bình theo Thánh Phanxicô không phải là “đường hóa học” hay “một loại hoà hợp đa thần với các sức mạnh của vũ trụ”, mà là hòa bình trong liên hệ bản thân với Chúa Kitô. Allen cho rằng nhiều người vẫn nghĩ Vatican là biểu hiệu đầu tiên của ngôi vị giáo hoàng, nhưng đối với Đức Phanxicô, bản doanh tâm linh thực sự của ngài nằm ở Assisi. 

Nói chuyện với người vô thần

Đang có nhiều tranh luận về tính đáng tin cậy của bản văn thuật lại cuộc đàm đạo giữa Đức Phanxicô và nhà báo Eugenio Scalfari, nhất là khi đi vào chi tiết. Cha Lombardi cho rằng chiều hướng của bản văn thì “đáng tin cậy” vì nếu Đức Phanxicô cảm thấy suy nghĩ của ngài bị “trình bày sai lạc một cách trầm trọng” hẳn ngài đã lên tiếng nói như thế rồi. Nhưng Cha không nói gì khi được yêu cầu xác nhận việc quả Đức Phanxicô có nói như thế, từng lời một hay không. 

Nhà quan sát Vatican sành sõi là Andrea Tornielli, người từng quen biết Đức Phanxicô trước khi được bầu làm giáo hoàng, hôm thứ Tư vừa qua có viết rằng ông hoài nghi: một số điều đã được gán cho Đức Phanxicô trong cuộc phỏng vấn này, như việc ngài xin được vài phút trước khi chấp nhận kết quả cuộc bầu để vào một căn phòng nhỏ hồi tâm. Tornielli cho rằng không hề có căn phòng nhỏ nào cạnh bancông của Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô như Scalfari mô tả, và dù sao, các Hồng Y có mặt hôm đó cho hay Đức Giáo Hoàng chấp nhận việc bầu ngài ngay lập tức. 

Ý niệm cho rằng một số điều đăng trên tờ La Republica có thể được tái tạo sau đó chứ không hẳn là các trích dẫn trực tiếp khiến một số người bối rối vì sau đó, bài phỏng vấn đã được L'Osservatore Romano, tờ báo chính thức của Vatican, đăng lại. Cả trang mạng của Vatican cũng in lại bài phỏng vấn này. Họ cho rằng nếu không biết chắc đây có phải thực là lời của Đức Phanxicô hay không, thì các cơ quan chính thức của Vatican đang làm gì đây?

Theo Allen, có lẽ cái nhìn thông sáng nhất về biến cố trên là của chính Cha Lombardi. Ngài cho rằng ta đang được chứng kiến việc xuất hiện một lối ăn nói hoàn toàn mới của một vị giáo hoàng: một lối nói không chính thức, rất tự phát và đôi khi ủy thác cho người nghe nhiệm vụ phải chi tiết hóa cuối cùng. Cha cho rằng lối nói mới này cần “một khoa giải thích mới”, một khoa giải thích trong đó ta không nên quá chú trọng tới các từ ngữ riêng rẽ mà là ý hướng tổng quát (overall sense). 

Cha bảo: “Đây không phải là Denzinger", tức bộ tuyển tập các giáo huấn chính thức của Giáo Hội do tác giả người Đức lừng danh soạn thảo, “cũng chẳng phải là bộ giáo luật”. 

Cha nói thêm: “Điều Đức Giáo Hoàng làm là trình bày các suy niệm có tính mục vụ, mà trước đó chưa được xét duyệt từng chữ bởi hàng 2 chục thần học gia, để có thể chính xác về mọi điều. Nó cần được phân biệt hẳn với một thông điệp hay một tông huấn hậu thượng hội đồng, tức các văn kiện của huấn quyền”. 

Allen cho rằng tiềm ẩn trong phản ứng trên là việc Đức Giáo Hoàng có lẽ sẽ tiếp tục phương thức ăn nói như trên và đôi khi cho phép các giọng nói ở bên ngoài vòng phát ngôn viên chính thức được quyền thông báo cho thế giới điều ngài muốn nói, tin tưởng họ sẽ nắm được những điểm chính và không lo lắng đối với chi tiết. Trong tình thế này, cố gắng đặt mỗi dòng, mỗi câu chuyện vui dưới kính hiển vi quả là điều mất thì giờ vô ích. 

Cha Lombardi ngụ ý cho thấy nếu Đức Giáo Hoàng muốn phát biểu cách chính thức và hoàn toàn chính xác, hẳn ngài đã chọn cách khác. 

Vụ Scarano

Theo Allen, vụ Đức Ông Scarano cho ta nhận định sau đây. Thứ nhất, người bị tố cáo có đủ lý do trong đời để kéo người khác vào vòng nghi ngờ với hy vọng giảm khinh tội trạng của mình. “Không phải chỉ có tôi!” vẫn là cách bào chữa thông thường xưa nay đối với đủ hạng người bị bắt quả tang đang thọc tay vào hũ kẹo. 

Nói thế, nhưng dù gì Đức Ông Scarano vẫn là một viên chức cao cấp của APSA, nên các lời ngài tố cáo cần được xem sét nghiêm chỉnh. Nếu một số lời ấy có giá trị, hẳn chúng sẽ đảo ngược lối suy nghĩ của phần lớn các quan sát viên đối với việc cải tổ tài chánh của Vatican. 

Trong cuộc cải tổ này, quan trọng nhất phải là ngân hàng Vatican, hiện đang kéo chú ý hàng đầu vì các điều bị coi là tai tiếng và âm mưu che đậy. Tuy nhiên, sự thật là hiện nay, ngân hàng này được kể là định chế tài chánh đang được cải tổ sâu rộng nhất. 

Được thế một phần nhờ sự đe doạ đóng cửa mà Đức Phanxicô cũng như Hội Đồng Hồng Y của ngài từng đưa ra; sự đe dọa này khiến ngân hàng phải mau mau sửa đổi; phần khác cũng nhờ viễn kiến của vị tân chủ tịch, Ernst von Freyberg. Ông này từng thổ lộ với Allen rằng tham vọng của ông là loại bỏ các tường trình có tính gièm pha của báo chí bằng cách để họ dễ dàng có được thông tin trực tiếp từ chính ông thay vì từ những đồn đại ở các quán bar.

Thành thử, hiện nay, việc thanh lọc ngân hàng Vatican đã trở thành dễ dàng trong khi các định chế tài chánh khác thì chưa có được tình thế ấy, trong đó có APSA và cơ quan quản trị Thị Quốc Vatican. 

Nhà huyền nhiệm

Trong cuộc phỏng vấn của Scalfari, khi được hỏi về kinh nghiệm huyền nhiệm, Đức Phanxicô cho hay: “Đầu óc tôi hoàn toàn trống rỗng và một cơn xao xuyết lớn tràn ngập tôi. Để làm nó tiêu tan và để được thư giãn, tôi nhắm mắt lại và xua đuổi mọi ý nghĩ, cả ý nghĩ từ chối, không chấp nhận chức vụ, như thủ tục phụng vụ cho phép. Tôi nhắm mắt lại và không còn xao xuyến hay xúc động gì nữa”. 

Đức Phanxicô cho rằng trải nghiệm trên giúp ngài can đảm chấp nhận nhiệm vụ và sẵn sàng tiến bước. Đây là cái nhìn thấu suốt, giúp giải thích một điều vẫn được coi là khó giải thích trước đây: sự biến đổi nơi Jorge Mario Bergoglio từ ngày trở thành Giáo Hoàng Phanxicô. 

Trong suốt 15 năm làm tổng giám mục Buenos Aires, ngài chỉ nhận cho phỏng vấn 5 lần. Vừa làm giáo hoàng chưa đầy 7 tháng, ngài đã cho người ta 3 cuộc phỏng vấn, tất cả đều đáng chú ý. 

Các ký giả tường thuật về ngài lúc còn ở Á Căn Đình cho hay ngài không thích được chú ý. Và nếu phải xuất hiện nơi công cộng, thì ngài thường tỏ ra trịnh trọng và làm người ta hơi chút buồn chán. Nhưng khi lên ngôi giáo hoàng, ngài trở thành “ngôi sao nhạc rock”. Khi còn là tổng giám mục và chủ tịch hội đồng giám mục Á Căn Đình, ngài rất thận trọng và đắn đo trong các tuyên bố công khai, còn khi đã là giáo hoàng, ngài hoàn toàn thoải mái. 

Em gái của ngài là Maria Elena Bergoglio, hồi tháng Tư, cũng nhận định như thế: có điều gì khác xẩy ra nơi con người của ngài kể từ ngày lên ngôi tòa Thánh Phêrô. 

Mới đây, một vị Hồng Y từng bỏ phiếu cho ngài, khi được ngài cho yết kiến riêng, đã cho Allen hay ngài nói với Đức Phanxicô: “Đức Thánh Cha không y hệt như người con biết ở Á Căn Đình”. Theo vị Hồng Y này, câu trả lời của Đức Giáo Hoàng ít nhiều giống như sau: “khi được bầu, một cảm thức bình an và tự do nội tâm rất lớn đã xâm chiếm lấy tôi, và nó không bao giờ rời tôi nữa”. 

Nói cách khác, Đức Phanxicô đã có được một trải nghiệm huyền nhiệm nào đó lúc được bầu làm giáo hoàng và trải nghiệm này xem ra đã giải thoát để ngài trở nên tự phát hơn, bộc trực hơn và bạo dạn hơn bất cứ thời điểm nào trước đó trong sự nghiệp của ngài. 

Ta không bao giờ nên hoài nghi dấu vết huyền nhiệm chung quanh ngôi vị giáo hoàng. Đức Gioan Phaolô II, chẳng hạn, đôi khi bị tố cáo là quá cương quyết, thậm chí cố chấp nữa, khi đã quyết định một điều gì. Ấy thế nhưng ngài cũng là vị giáo hoàng từng xác tín rằng ngày 13 tháng Năm, năm 1981, Đức Trinh Nữ Maria đã thay đổi đường bay của viên đạn để giữ ngài lại tiếp tục chức vụ. Không còn hoài nghi gì nữa việc niềm tin này đã khiến Đức Gioan Phaolô II cảm nhận sự chắc chắn đối con đường ngài đang theo, một con đường vượt quá cả luận lý học phàm nhân. 

Cũng thế, Đức Phanxicô nay cũng có thể cảm nhận được sự thoải mái trong đường hướng mới, một đường hướng vượt quá các tính toán giao tế nhân sự hay “các thực hành khéo léo nhất” của khoa quản trị hợp đoàn. Ít nhất, điều này xem ra cũng là hệ luận bề mặt của những điều ngài nói với vị Hồng Y trên đây và với Scalfari.


Vũ Văn An 10/5/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét