THỨ BẢY 07/12/2013
Thứ Bảy Tuần I Mùa
Vọng
Bài
Ðọc I: Is 30, 19-21. 23-26
"Người
động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin".
Trích
sách Tiên tri Isaia.
Ðây
Chúa là Thiên Chúa, Ðấng Thánh của Israel phán: Dân Sion sẽ được ở Giêrusalem.
Ngươi sẽ chẳng còn than van khóc lóc; Chúa động lòng thương ngươi, và khi vừa
nghe tiếng ngươi kêu, Người liền đáp lại lời ngươi. Chúa sẽ cho ngươi chút bánh
đau thương, ít nước khốn cùng. Nhưng Ðấng dạy dỗ ngươi sẽ không lìa bỏ ngươi, mắt
ngươi sẽ trông nhìn Ðấng giáo huấn ngươi, và tai ngươi sẽ nghe tiếng Ðấng từ
sau lưng bảo rằng: "Ðây là đường, hãy bước đi theo đó, đừng rẽ bên mặt, đừng
quẹo bên trái". Sẽ ban mưa xuống cho hạt giống của ngươi, bất cứ trên đất
nào ngươi đã gieo vãi. Bánh thổ sản sẽ rất dồi dào và thơm ngon. Ngày ấy, chiên
được chăn thả trên lãnh địa rộng lớn của ngươi. Bò lừa cày ruộng ngươi được ăn
rơm có muối, đã được rê sạch. Trong ngày tru diệt muôn người, khi thành quách đổ
nhào, sẽ có giòng suối chảy trên đồi cao núi thẳm. Ngày Chúa băng bó thương
tích của dân Người, và chữa lành da bầm thịt giập; mặt trăng sẽ sáng chói như mặt
trời, mặt trời sẽ bảy lần chói sáng hơn, như ánh sáng bảy ngày.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 146, 1-2. 3-4. 5-6
Ðáp: Phúc cho tất
cả những ai mong đợi Chúa (Is 30, 18).
Hoặc
đọc: Alleluia.
Xướng:
1) Hãy ngợi khen Chúa vì Người hảo tâm; hãy ca mừng Thiên Chúa chúng ta, vì Người
êm ái, thực Người rất đáng ngợi khen. Chúa xây dựng lại Giêrusalem, tập họp con
cái Israel phân tán. - Ðáp.
2)
Chính Người chữa những kẻ giập nát tâm can, và băng bó vết thương của lòng họ.
Người ấn định con số các ngôi sao, và gọi đích danh từng ngôi một. - Ðáp.
3)
Chúa chúng ta cao cả và mãnh liệt quyền năng, sự khôn ngoan của Người thực là
vô lượng. Chúa nâng cao những kẻ khiêm cung, Người đè bẹp đứa ác nhân xuống tận
đất. - Ðáp.
Alleluia:
Is 55, 6
Alleluia,
alleluia! - Hãy tìm kiếm Chúa khi còn gặp được Người; hãy kêu xin Người lúc Người
còn gần các ngươi. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mt 9, 35 - 10, 1. 6-8
"Thấy
đoàn lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi
ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường,
rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn
lũ dân chúng, Người động lòng xót thương họ, vì họ tất tưởi bơ vơ như những con
chiên không có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: "Lúa chín đầy đồng,
mà thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa".
Và
Người triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế, để họ
xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Người bảo: "Các con
hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: Nước Trời
đã đến gần. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung,
và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng
không".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Sứ
Mệnh Tông Ðồ
Chú
ý đến những thái độ trên của Chúa Giêsu, chúng ta có thể khám phá ra những sự
thật hữu ích cho cuộc đời theo Chúa của mỗi người, nhất là của những ai dấn bước
theo Chúa, cách đặc biệt hơn là những kẻ "Tận Hiến" cuộc đời làm chứng
cho Chúa. Dung mạo tinh thần xung quanh và trước mặt Chúa Giêsu thời Ngài cũng
như của thời đại chúng ta hôm nay được Chúa mô tả như lầm than, vất vả, bơ vơ
như đàn chiên không có người chăn dắt, bị lạc mất lý tưởng sống, đang tự tranh
đấu để sống còn.
Trong
đoạn này những điểm tiêu cực nhiều hơn là tích cực, như bơ vơ, lạc lõng, đã bỏ
mất hay không biết gì đến giá trị nhân bản Kitô. Ðó là đoàn người của một xã hội
bị trần tục hóa trầm trọng của ngày hôm nay. Diễn phác môi trường như thế, Chúa
Giêsu không có chút trách móc, khinh thị, tránh né mà nhìn đó như một lời mời gọi
dấn thân yêu thương, đó là mùa lúa chín một cơ hội ngàn vàng để biểu lộ tình
yêu thương đối với anh chị em.
Sự
nhỏ mọn tầm thường nơi tâm hồn có thể làm cho chúng ta có một thái độ tranh chấp,
khinh thị, rút lui, nhưng đó không phải là thái độ của chính Chúa Giêsu khi
Ngài nhìn thấy đoàn người khủng hoảng tinh thần như đoàn chiên không người chăn
dắt, vả lại Chúa Giêsu đã yêu thương họ. Ðây không phải là một sự chạnh lòng
thương, không phải là một tâm tình thương hại, tôi nghiệp chóng qua nhưng là một
tình thương sâu thẳm từ đáy tâm hồn của Chúa Giêsu.
Qua
đoạn Tin Mừng trên, chúng ta thấy tâm hồn Chúa Giêsu tràn đầy tình thương khi
nhìn thấy nhu cầu dân chúng đang bị lạc hướng như đàn chiên không người chăn dắt.
Tâm hồn Ngài xúc động tận trong thâm tâm, vì Ngài tràn đầy tình thương đối với
họ, Ðó là bí quyết của đời sống Tông đồ của mọi đồ đệ theo Chúa. Ðược Chúa mời
gọi làm chứng nhân của tình thương cho tình thương thì những sự dữ, những tiêu
cực của môi trường chúng ta sinh sống ngày nay là những cơ hội ngàn vàng để
chúng ta sống tình thương mà Chúa đã ban tặng cho các đồ đệ của Ngài.
Tư
tưởng thứ hai mà bài Phúc Âm gợi lên cho chúng ta là những hành động của Chúa
Giêsu: Chúa gọi các Tông đồ, ban cho họ quyền hành như Chúa, trừ các tà thần,
giải phóng con người khỏi làm nô lệ cho sự dữ, cho ma quỉ, chữa lành các bệnh tật,
thăng tiến cuộc sống con người. Chúa sai các Tông đồ đi rao giảng bằng các chỉ
thị, mặc dù đây mới chỉ là sai các ngài đi thử nghiệm lúc ban đầu. Cuộc sai đi
chính thức sau này sẽ được thực hiện khi Chúa đã hoàn tất công cuộc cứu chuộc của
Ngài sau biến cố Phục Sinh.
Những
hành động của Chúa phát đi từ tình thương của Ngài đối với con người. Nhìn công
việc của người khác chúng ta có thể nói trọn vẹn sứ mạng của Giáo Hội, mọi
thành phần của Giáo Hội, mọi thành phần đích thực của Chúa đều phát sinh từ
tình yêu Thần Linh hiện diện nơi con tim phàm trần. Người đồ đệ của Chúa cần phải
được thanh luyện, cần phải được biến đổi, được thay thế quả tim xác thịt bằng một
quả tim mới tràn đầy tình yêu thương thần thiêng. Toàn thể cơ cấu Giáo Hội
trong sứ mạng rao giảng Tin Mừng được xây dựng trên nền tảng tình yêu thương thần
thiêng này. Chính nơi đây, chúng ta được hiểu thêm hay hiểu lại câu nói của
thánh Phaolô Tông đồ viết về bí quyết đời sống Tông đồ của ngài: "Tình yêu
Chúa Kitô thúc bách tôi".
Chúa
Giêsu thấy đám đông liền chạnh lòng thương. Tâm hồn Ngài tràn ngập tình thương,
Ngài xúc động tận thâm tâm trước nhu cầu của dân chúng đang bị lạc hướng như đoàn
chiên không người chăn dắt. Ngài lên tiếng mời gọi các Tông đồ, những con người
tầm thường hãy theo Ngài, hãy để Ngài biến đổi thành những chứng nhân tình yêu.
Thái độ đáp trả duy nhất của mỗi người chúng ta là để cho tình yêu thần thiêng
Chúa biến đổi và thôi thúc chúng ta hành động: "Tình yêu Chúa Kitô thúc
bách tôi".
Trong
khiêm tốn và trong thinh lặng của Ðức Tin, chúng ta hãy đáp lại lời mời gọi của
Thiên Chúa, hãy bắt chước cuộc đời của Chúa Giêsu trên trần gian này: "Thầy
đến để mang lửa yêu thương đến trần gian và Thầy không có mong ước nào khác hơn
là cho lửa ấy cháy lên, tỏa sáng khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa
sáng khắp nơi, soi sáng mọi người, mang tin vui tỏa sáng cho con người".
Hãy khiêm tốn lắng nghe và hãy để cho tình yêu Chúa biến đổi và thôi thúc.
Lạy
Chúa, xin đổ tràn tình yêu Chúa trên chúng con và biến đổi chúng con thành những
chứng nhân cho tình yêu Chúa, chứng nhân kiên trung trong Ðức Tin sống động qua
đức Bác Ái. Amen.
(Veritas Asia)
Lectio: Mátthêu 9:35-10:1,5-8
Thứ Bảy, 7 Tháng 12, 2013
Tuần thứ nhất Mùa
Vọng
1. Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa là Thiên Chúa của lòng thương xót và trắc ẩn,
Trong Chúa Giêsu Kitô, Con của Chúa
Chúa đã mặc khải mình là Thiên Chúa của mọi người.
Xin Chúa hướng tâm hồn trống rỗng của chúng con về Chúa,
Xin ban cho chúng con đôi mắt để thấy được mức độ nghèo nàn của
chúng con
Và sự bất tài của chúng con để xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn
Với nguồn lực của chính chúng con,
Và sau đó xin Chúa hãy đến và xây dựng với chúng con
Nhờ vào Con của Chúa và là Đấng Cứu Độ của chúng con
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
2. Phúc Âm – Mátthêu 9:35-10:1,5-8
Khi ấy, Chúa Giêsu đi rảo khắp các thành phố
làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời, và chữa
lành mọi bệnh hoạn tật nguyền. Thấy đoàn lũ dân chúng, Người động
lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như những con chiên không
có người chăn, Người liền bảo môn đệ rằng: “Lúa chín đầy đồng, mà
thợ gặt thì ít. Các con hãy xin chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa.”
Và Người liền triệu tập mười hai môn đệ, ban
cho họ quyền năng trên các thần ô uế để họ xua đuổi chúng, và chữa lành mọi
bệnh hoạn tật nguyền. “Các con hãy đi đến cùng chiên lạc của nhà
Israel trước đã, và rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến gần.’ Hãy
chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người phung, và xua trừ ma
quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy cho nhưng
không.”
3. Suy Niệm
- Bài Tin Mừng hôm nay có hai
phần: (a) Một bản tóm tắt về các hoạt động tông đồ của
Chúa Giêsu (Mt 9:35-38) và (b) Khởi đầu của “Bài Giảng về Sứ Mệnh
Truyền Giáo” (Mt 10:1,5-8). Bài Tin Mừng của phần Phụng Vụ hôm nay
bỏ qua danh sách tên các Tông Đồ được tìm thấy trong sách Tin Mừng theo thánh
Mátthêu (Mt 10:2-4).
- Mt 9:35: Tóm
tắt các hoạt động tông đồ của Chúa Giêsu. “Chúa Giêsu đi rảo khắp
các thành phố làng mạc, dạy dỗ trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước
Trời, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.” Thánh Mátthêu mô tả
trong một ít chữ các điểm chính của hoạt động sứ vụ tông đồ của Chúa
Giêsu: (a) đi rảo khắp tất cả các thành phố làng
mạc. Chúa Giêsu không chờ cho người ta đến với mình, mà Người đi đến
với người ta bằng cách chính Người đi rảo khắp các phố thị và làng mạc. (b) Dạy
dỗ trong các Hội Đường, đó là trong cộng đồng. Chúa Giêsu đi đến nơi
mà người ta tụ họp lại xung quanh đức tin vào Thiên Chúa. Và tại đó,
Người công bố Tin Mừng Nước Trời, nghĩa lả Tin Mừng của Thiên Chúa. Đức
Giêsu không giảng dạy học thuyết như Tin Mừng là một giáo lý mới, mà trong tất
cả mọi việc Người nói và làm, ở đó tỏa ra một điều gì đó về Tin Mừng tuyệt vời
đang ngự trong chính thân Người, đó là, Thiên Chúa, Vương Quốc Thiên
Chúa. (c) Người chữa lành tất cả mọi bệnh hoạn tật
nguyền. Điều mà người nghèo khó gặp nhiều nhất là đau bệnh, đủ loại
bệnh tật, và những gì làm nổi bật các hoạt động của Chúa Giêsu là sự an ủi
Người ban cho người ta, những người mà Chúa chữa họ khỏi đau đớn.
- Mt 9:36: Lòng
trắc ẩn của Chúa Giêsu trước tình cảnh của người ta. “Thấy đoàn lũ
dân chúng, Người động lòng xót thương họ: vì họ tất tưởi bơ vơ như
những con chiên không có người chăn.” Chúa Giêsu chấp nhận mọi người
trong tình trạng như họ trước mặt Người: bệnh hoạn, mệt mỏi, kiệt
sức. Chúa xử sự như Người Tôi Tớ trong sách tiên tri Isaia, mà sứ
điệp chính gồm có việc “an ủi dân Chúa” (xem Is 40:1). Thái độ của
Chúa Giêsu đối với dân chúng giống như thái độ của Người Tôi Tớ mà nhiệm vụ thì
rất rõ ràng: “Nó sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe
tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, nó không đành bẻ gẫy, tim
đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi” (Is 42:2-3). Giống như Người Tôi
Tớ, Chúa Giêsu cũng chạnh lòng thương khi nhìn thấy tình cảnh đoàn lũ đám đông
“tất tưởi bơ vơ như những con chiên không có người chăn.” Chúa bắt
đầu trở thành người chăn chiên, tự nhận mình là Người Tôi Tớ là kẻ đã
nói: “Chúa đã ban cho tôi nói năng như người môn đệ, để tôi biết lựa
lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức” (Is 50:4a). Giống như Người Tôi Tớ,
Chúa Giêsu trở thành môn đệ của Chúa Cha và của dân chúng và nói: “Sáng
sáng Người đánh thức tôi, để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ.” (Is
50:4b). Và từ việc thân cận với Chúa Cha, Chúa Giêsu nhận được sự an ủi để
truyền đạt nó cho người nghèo khó.
- Mt 9:37-38: Chúa
Giêsu kéo theo các môn đệ vào trong sứ vụ. Trước sự bao la của hoạt
động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ là cầu
nguyện: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít! Các con hãy
xin Chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Cầu nguyện là hình thức dấn thân
đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ. Bởi vì nếu người ta tin vào tầm
quan trọng của sứ vụ mà người ấy phải thực hiện, thì mọi việc đều có thể làm
được để nó sẽ không chết cùng với chúng ta, mà đúng hơn là nó vẫn tiếp tục với
những người khác qua chúng ta và sau chúng ta.
- Mt 10:1: Chúa
Giêsu ban cho các môn đệ quyền năng chữa lành và xua trừ ma quỷ. “Người
liền triệu tập mười hai môn đệ, ban cho họ quyền năng trên các thần ô uế để họ
xua đuổi chúng, và chữa lành mọi bệnh hoạn tật nguyền.” Điều thứ hai
mà Chúa Giêsu đòi hỏi các môn đệ không phải là họ không bắt đầu giảng dạy giáo
lý và lề luật, mà đúng hơn lá họ giúp người ta vượt qua được nỗi khiếp sợ về
các thần ô uế và giúp họ trong việc chống trả lại bệnh tật. Ngày
nay, điều làm người ta sợ hãi nhất là việc các nhà truyền giáo răn đe họ với
hình phạt của Thiên Chúa và với sự nguy hiểm của ma quỷ. Chúa Giêsu
làm ngược lại. “Nếu tôi dùng ngón tay Thiên Chúa mà trừ quỷ, thì quả
là Triều Đại Thiên Chúa đã đến giữa các ông” (Lc 11:20). Phải buồn
mà nói rằng, ngày nay có một số người cần ma quỷ để có thể xua đuổi chúng và
kiếm được một số lợi nhuận. Họ nên đọc về những gì Chúa Giêsu đã nói
với các người Biệt Phái và Luật Sĩ (Mt 23).
- Mt 10:5-6: Trước
tiên hãy đi đến cùng chiên lạc của Nhà Israel. Chúa Giêsu sai Nhóm
Mười Hai đi với những lời dạy bảo này: “Các con đừng đi vào đất của
dân ngoại, và đừng vào bất kỳ một làng Samaria nào. Thay vào đó các
con hãy đi đến cùng chiên lạc của Nhà Israel”. Lúc khởi đầu, sứ vụ
của Chúa Giêsu đã nhắm thẳng vào “chiên lạc của Nhà Israel”. Những
chiên lạc của Nhà Israel này là ai và ở đâu? Có lẽ họ là những người
bị loại bỏ hắt hủi, ví dụ, gái mãi dâm, những người thu thuế, kẻ ô uế, những kẻ
bị coi là lạc loài và bị lên án bởi các giới chức tôn giáo thời bấy giờ
chăng? Có phải họ là những kẻ thuộc giai cấp lãnh đạo, người Biệt
Phái, phái Sa Đốc, các Trưởng Lão và tư tế, những kẻ tự cho mình là những người
trung thành của dân tộc Israel không? Hay họ là đám đông dân chúng,
mệt mỏi và kiệt sức, như những con chiên không có người chăn? Có lẽ,
ở đây trong bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu, đó là câu hỏi chỉ về những kẻ nghèo
khó và bơ vơ, là những người được Chúa Giêsu chấp nhận (Mt 9:36-37). Chúa
Giêsu muốn các môn đệ cùng tham gia với Người trong sứ vụ này với những con
người ấy. Nhưng trong phương sách mà Chúa chăm sóc những người này,
chính Đức Giêsu đã mở rộng chân trời. Trong việc tiếp xúc với người
phụ nữ Canaan, con chiên lạc của một dân tộc khác và một tôn giáo khác, là kẻ
muốn được lắng nghe, Chúa Giêsu lặp lại với các môn đệ của Người: “Thầy
chỉ được sai đến những con chiên lạc của nhà Israel mà thôi” (Mt 15:24). Trước
sự khẩn khoản của người mẹ không ngừng cầu xin cho con gái mình đến mỗi mà Chúa
Giêsu phải tự bào chữa rằng: “Không nên lấy bánh dành cho con cái mà
ném cho lũ chó con” (Mt 15:26). Nhưng phản ứng của người mẹ đã không
suy giảm trước sự thoái thác của Chúa Giêsu: “Thưa Ngài, đúng thế,
nhưng mà lũ chó con cũng được ăn những mảnh vụn trên bàn chủ rơi xuống” (Mt
15:27). Và thực vậy, có rất nhiều bánh vụn! Mười hai giỏ
đầy những mẩu bánh thừa còn lại sau khi bánh hóa ra nhiều để nuôi các chiên lạc
của Nhà Israel (Mt 14:20). Câu trả lời của người đàn bà không nao
núng với lập luận của Chúa Giêsu: “Này bà, lòng tin của bà mạnh
thật. Bà muốn sao thì sẽ được vậy.” “Và từ giờ đó, con
gái bà được khỏi” (Mt 15:28). Nhờ vào việc chú ý liên tục ban cho các
chiên lạc của Nhà Israel, Chúa Giêsu khám phá ra rằng trên toàn thế giới có rất
nhiều chiên lạc muốn ăn những mảnh bánh vụn hoặc bánh thừa.
- Mt 10:7-8: Bản
tóm tắt các hoạt động của Chúa Giêsu: “Các con hãy đi đến cùng chiên
lạc của Nhà Israel trước đã, và rao giảng rằng: ‘Nước Trời đã đến
gần’. Hãy chữa lành người liệt, phục sinh kẻ chết, chữa lành người
phung, và xua trừ ma quỷ. Các con đã lãnh nhận nhưng không, thì hãy
cho nhưng không.”
Làm thế nào mà việc Nước Trời đã gần kề có thể
được mặc khải? Câu trả lời rất đơn giản và cụ thể: chữa lành
người bệnh tật, phục sinh kẻ chết, chữa sạch những người phong cùi, xua trừ ma
quỷ và phục vụ một cách nhưng không, không làm giàu cho bản thân mình từ các
việc phục vụ cho người ta. Nơi nào có những việc này xảy ra, thì
Nước Trời được mặc khải.
4. Một vài câu hỏi gợi ý cho việc
suy gẫm cá nhân
- Tất cả chúng ta nhận được cùng
một sứ vụ từ Chúa Giêsu ban cho các môn đệ. Bạn có ý thức, nhận ra
được sứ vụ này không? Bạn sống với sứ vụ của mình như thế
nào?
- Trong cuộc sống của bạn, bạn đã
có dịp gặp gỡ với các chiên lạc, với những người mệt mỏi và kiệt sức chưa? Bạn
đã rút ra được bài học gì về cuộc gặp gỡ này?
5. Lời nguyện kết
Người chữa trị bao cõi lòng tan vỡ,
Những vết thương, băng bó cho lành.
Người ấn định con số các vì sao,
Và đặt tên cho từng ngôi một. (Tv
147:3-4)
Thứ Bảy Tuần I MV
Bài đọc: Isa 30:19-21, 23-26; Mt 9:35-38, 10:1, 6-8.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thiên Chúa lo lắng
mọi sự cho Dân Ngài.
Trong
cuộc đời, nếu muốn biết ai là người thực sự yêu thương mình, chúng ta cứ việc
nhìn vào những công việc họ đã làm cho mình; vì yêu thương thực sự phải bày tỏ
qua việc làm. Để có thể nhìn ra những công việc đó, chúng ta phải có thời giờ để
nhìn lại quá khứ; đồng thời cũng cần nghe những người khác chia sẻ kinh nghiệm
của họ qua sách vở hoặc lời giảng.
Các
Bài đọc hôm nay giúp cho con người nhận ra tình thương Thiên Chúa qua những gì
Ngài đã, đang, và sẽ làm cho con người. Trong Bài đọc I, Tiên Tri Isaiah muốn
nói cho con người biết: Chúa yêu thương con người ngay cả trong khi Ngài sửa dạy
con người. Mục đích của việc sửa dạy không phải là để tiêu diệt, làm nhục, hay
hành hạ con người; nhưng là để thanh luyện, để con người nhận ra sự sai trái lầm
lạc của mình, và quay về với tình yêu thực sự của Thiên Chúa. Trong Phúc Âm,
Chúa Giêsu không những thân hành dạy dỗ và chữa lành bệnh tật cho dân; nhưng
còn chọn và huấn luyện các môn đệ, ban quyền hành cho các ngài, và sai đi tới
những nơi mà Chúa không thể đi tới. Các môn đệ, và những người kế vị các ngài
trong Giáo Hội, vẫn tiếp tục làm những gì Chúa làm: rao giảng sự thật, chữa
lành, và đem mọi người về cho Thiên Chúa.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa yêu thương sửa dạy và chuẩn bị tương lai cho dân.
1.1/
Thiên Chúa sửa dạy vì yêu thương: Con người khó chấp nhận lý do phải sửa dạy vì yêu
thương; nhưng bậc làm cha mẹ hiểu rõ điều này, nên các ngài thường nói, “yêu
cho roi cho vọt; ghét cho ngọt cho bùi.” Một em bé với trí khôn non nớt không
thể hiểu điều này, em cho cha mẹ sửa phạt là vì ghét bỏ em; nhưng khi lớn lên rồi
và nhìn lại cuộc đời, em mới thấy những lợi ích của việc sửa phạt. Nếu cha mẹ cứ
để em làm những gì em muốn, em sẽ không thành công như ngày hôm nay; và có khi
còn bị lãnh nhận những hậu quả xấu nữa.
Tiên
tri Isaiah nhìn thấy trước những tai họa mà Israel sắp phải chịu vì phản nghịch
Thiên Chúa, và tiên tri cũng hiểu tâm trạng của dân sẽ phản ứng khi phải đương
đầu với nghịch cảnh; nên ông an ủi và cắt nghĩa cho dân biết mục đích của việc
sửa phạt và tình yêu của Thiên Chúa dành cho dân: “Phải, hỡi dân Sion đang ở
Jerusalem, ngươi sẽ không còn phải khóc nữa. Khi ngươi kêu cứu, Người sẽ thi ân
giáng phúc cho ngươi; nghe tiếng ngươi kêu là Người đáp lại. Chúa Thượng sẽ cho
ngươi chút bánh đau thương và ít nước khốn cùng; nhưng Đấng dạy dỗ ngươi sẽ
không lìa bỏ ngươi, và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi.”
Bản
dịch của Nhóm PVCGK dịch không đúng câu Isa 30:20 khi dịch: “Chúa Thượng sẽ ban
cho ngươi bánh ăn trong lúc ngặt nghèo, và nước uống trong cơn khốn quẫn. Đấng
dạy dỗ ngươi sẽ không còn lánh mặt, và mắt ngươi sẽ thấy Đấng dạy dỗ ngươi.”
Theo Bản Bảy Mươi và Bản Do-Thái, chúng ta phải dịch như trên. Ngay cả theo nội
dung, chúng ta phải chấp nhận lối dịch này: Chúa sẽ để cho quân thù cho dân ăn
bánh đau thương và uống nước khốn quẫn. Điều này làm dân cảm thấy Chúa đã bỏ họ;
nhưng tiên tri khích lệ họ: Thiên Chúa không lìa bỏ dân. Sau khi sửa phạt và
dân biết ăn năn, Chúa sẽ tiếp tục chăm sóc cho dân.
1.2/
Mọi người sẽ được Chúa dạy dỗ: “Khi ngươi lưỡng lự không biết quẹo phải hay trái, tai ngươi sẽ
được nghe một tiếng nói từ phía sau: "Đây là đường, cứ đi theo đó!"”
Tiên Tri Isaiah và Jeremiah của Cựu Ước đã nhìn thấy trước ngày “mọi người sẽ
được Thiên Chúa dạy dỗ” (x/c Isa 54:13, Jer 31:33). Thánh Gioan cũng lặp lại lời
tiên tri ám chỉ Chúa Giêsu (Jn 6:45), và Thánh Thần (I Jn 2:27). Lời Chúa và ơn
của Thánh Thần sẽ soi sáng cho con người biết đi đúng đường.
1.3/
Sau cơn mưa, trời lại sáng: Tòan cõi Israel chỉ còn lại đống tro tàn sau khi
Assyria và Babylon xâm lấn, nhưng Thiên Chúa sẽ cho dân Do-Thái còn
xót lại hồi hương và tái thiết lại xứ sở và phồn thịnh hơn xưa. Tiên Tri Isaiah
quả quyết: “Chúa sẽ làm mưa trên hạt giống ngươi gieo trồng, cho lương thực, sản
phẩm của đất đai, thật dồi dào béo bổ. Ngày đó, súc vật ngươi chăn nuôi sẽ ăn
trên những đồng cỏ xanh bát ngát. Bò lừa cày ruộng sẽ được ăn cỏ khô trộn muối,
cỏ người ta đã lấy xẻng và chĩa mà rải ra. Vào ngày Đức Chúa băng bó vết thương
cho dân Người, và chữa lành những chỗ nó bị đánh, ánh sáng mặt trăng sẽ nên như
ánh sáng mặt trời, và ánh sáng mặt trời sẽ tăng gấp bảy - ánh sáng của bảy
ngày.”
2/
Phúc Âm:
Chúa Giêsu yêu thương, chăm sóc mọi sự cho dân.
2.1/
Ngài chăm sóc dân chúng cả phần hồn lẫn phần xác: Tất cả những điều
này đã được tường thuật bởi cả 4 Thánh Ký:
(1)
Ngài dạy dỗ dân chúng:
“Chúa Giêsu đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao
giảng Tin Mừng Nước Trời.”
(2)
Ngài chữa lành mọi vết thương hồn xác: “Chúa Giêsu chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.”
(3)
Ngài cho dân ăn:
bằng làm phép lạ Bánh hóa nhiều.
2.2/
Ngài lo cho tương lai của dân: Chúa Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất
vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Vì thế, Chúa Giêsu chọn và huấn luyện
các môn đệ để tiếp tục công việc của Ngài vì: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại
ít.” Giáo Hội vẫn tiếp tục công việc của Đức Kitô bằng việc mời gọi, chọn lựa,
huấn luyện, và sai các thợ gặt đi để hướng dẫn các thế hệ tương lai.
Sau
khi đã chọn và huấn luyện các môn đệ, Đức Giêsu gọi 12 môn đệ lại, ban cho các
ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật
nguyền, và sai các ông đi với lệnh truyền: “Hãy đến với các con chiên lạc nhà
Israel. Dọc đường hãy rao giảng rằng: Nước Trời đã đến gần. Anh em hãy chữa
lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh,
và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.”
Lý do tại sao Chúa Giêsu sai Nhóm Mười Hai đến với các chiên lạc nhà Israel trước
vì họ là Dân Riêng. Một lý do khác nữa là muốn rao giảng thành công phải bắt đầu
từ nhóm nhỏ; rồi từ từ lan rộng ra. Sau khi Chúa về trời, các môn đệ tản mác khắp
nơi và rao giảng Tin Mừng cho mọi người.
Đức
tin là quà tặng vô giá được cho không bởi Thiên Chúa và sự rao giảng của những
nhà truyền giáo; vì thế, người đã lãnh nhận đức tin cũng phải cho không thời
gian, sức lực, tài năng cho việc rao truyền Tin Mừng.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Bằng việc quan sát các hiện tượng trong trời đất, đọc Kinh Thánh và các tài liệu
lịch sử, và nhìn lại quá khứ mỗi người; chúng ta nhận thấy rõ ràng tình yêu của
Thiên Chúa dành cho con người. Không ai yêu chúng ta bằng Thiên Chúa.
-
Vì yêu thương nên Thiên Chúa phải sửa phạt con người. Nếu Thiên Chúa không sửa
phạt và để con người tự do làm theo những gì mình muốn, con người sẽ xa Thiên
Chúa và không thể đạt tới đích điểm của cuộc đời.
-
Hình phạt Thiên Chúa dùng không phải để tiêu diệt, nhưng để thanh tẩy con người.
Hình phạt giúp con người nhận ra những sai trái lầm lỗi của mình, để biết quay
trở về với tình yêu đích thực của Thiên Chúa.
Lm.Anthony ĐINH
MINH TIÊN, OP.
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM TUẦN 1 MV
Mt
9,35--10,1.6-8
A.
Hạt giống...
Đoạn
Tin Mừng hôm Thứ Tư (Mt 15,29-37) đã cho ta biết 2 hoạt động của Chúa Giêsu vì
“chạnh lòng thương” dân chúng, đó là cứu chữa những người bệnh và nuôi những
người đói. Đoạn Tin Mừng hôm nay cho biết thêm một hoạt động nữa của sự “chạnh
lòng thương” ấy, đó là sai các tông đồ của mình đi truyền giáo cho dân chúng.
B....
nẩy mầm.
1.
Chủ đề bài đọc Cựu Ước, và sẽ được ứng nghiệm rõ ràng trong đoạn Tin Mừng :
“Người động lòng thương ngươi, lắng nghe lời ngươi kêu xin”.
2.
Khi thấy dân chúng lầm than như bầy chiên không người chăn dắt, Chúa Giêsu “chạnh
lòng thương” nên sai các tông đồ đi loan Tin Mừng cho họ. Chỉ khi nào chúng ta
“chạnh lòng thương” trước những người lương thì chúng ta mới hăng say loan Tin
Mừng cho họ.
3.
“Chúa Giêsu phác họa ra một mẫu người truyền giáo đích thực : ra đi và tìm
đến với người khác. Ra đi dĩ nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi
khác, mà thiết yếu là thái độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến
với tha nhân”. (Trích "Mỗi ngày một tin vui").
4.
“Thấy đoàn lũ bơ vơ” : Cái thấy, cái nhìn của Chúa Giêsu đáng chúng ta
chiêm ngắm. Một cái nhìn bao la bát ngát, “mình vì mọi người”, khác hẳn cái
nhìn thiển cận, bo bo ích kỷ chỉ lo thu quén cho bản thân của chúng ta.
5.
“Thấy dân chúng đông đảo, Đức Giêsu chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng
như bầy chiên không người chăn dắt” (Mt 9,36)
“Trước
đây tôi không phải là một kitô hữu. Tôi sống trong tuyệt vọng vì số phận đã bị
kết án bởi sida. Thế rồi, nhờ một người bạn, tôi đã gặp Chúa. Bắt đầu từ một
ánh mắt nhìn tôi, và tôi đã tin vào Chúa. Tôi đã tìm ra ý nghĩa của cuộc sống,
và nhận thức được giá trị đời mình ngay trong quãng đời vắn vỏi còn lại” (Thư của
một bạn trẻ bị bệnh sida).
Chính
sự cảm thông đã bừng lên niềm hy vọng và làm sống lại một cộc đời tưởng như đã
bế tắc.
Lạy
Chúa, xin cho con một con tim rộng mở, luôn biết cảm thông và trân trọng anh em
đồng loại, để thế giới tràn đầy niềm hy vọng (Epphata)
Lm. Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
07/12/13 THỨ BẢY ĐẦU THÁNG TUẦN 1 MV
Th. Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 9,35-10,1.6-8
Th. Amrôxiô, giám mục, tiến sĩ Hội Thánh
Mt 9,35-10,1.6-8
ĐIỀU CỐT YẾU : CHÚA GIÊSU
Đức Giêsu thấy đám đông thì
chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưỡng, như bầy chiên không người chăn dắt. (Mt 9,36)
Suy niệm: Tin Mừng hôm nay trình bày những điểm chính
yếu trong đời hoạt động công khai của Chúa Giê-su. Ngài đã đi khắp các nẻo
đường thành thị hay thôn quê rao giảng Tin Mừng, chữa lành bệnh tật, tuyển chọn
huấn luyện các môn đệ, ban quyền chữa lành và sai họ đi truyền giáo. Động cơ
thúc đẩy sứ vụ của Chúa Giêsu chính là tình yêu Ngài dành cho đám dân chúng “lầm than vất vưởng như bầy
chiên không người chăn dắt”. Chúa Giêsu thể hiện tình yêu này cách sống
động, không mệt mỏi trên từng bước đường truyền giáo. Không có nơi nào Ngài đi
qua mà không ghi đậm dấu ấn tình yêu dành cho những người đau khổ, các tội
nhân, những người bị gạt ra bên lề xã hội.
Mời Bạn: Nói về tân phúc âm hóa, Đức Giáo Hoàng
Phanxicô cho rằng: cần phải có một phương án mục vụ đặt trọng tâm vào Chúa
Giêsu: “Không nên phân tán chúng thành quá nhiều những điều phụ thuộc hay phù
phiếm mà phải tập trung vào thực tại nền tảng là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, với
lòng thương xót của Người, với tình yêu của Người và yêu thương anh em như
Người đã yêu” (Diễn văn tại Hội Nghị của Hội Đồng Giáo Hoàng về Cổ Vũ Tân Phúc Âm
Hóa, 14.10.2013). Như
vậy đã rõ cốt lõi của tân phúc âm hóa chính là trở về với tình yêu của Chúa
Giêsu: phải cảm nghiệm Chúa Kitô rồi mới rao giảng và dẫn đưa anh em về với
Ngài được.
Sống Lời Chúa: Để sống kết hiệp với Chúa Giêsu mật thiết hơn,
tôi tham dự Thánh lễ, rước lễ và chầu Thánh Thể.
Cầu nguyện: Hát: “Lạy Chúa xưa Chúa đã phán: Lúa
chín đầy đồng…”
Chạnh
lòng thương
Chúng ta được mời nhìn thế giới hôm nay bằng cái
nhìn của Giêsu, yêu thế giới bơ vơ hôm nay bằng trái tim của Giêsu, đến với thế
giới xa xôi hôm nay bằng đôi chân của Giêsu.
Suy niệm:
Thiên Chúa của Do Thái
giáo là Thiên Chúa gần gũi với con người.
Thiên Chúa của Ítraen có
thể trừng phạt dân vì sự bất trung của họ,
nhưng Ngài cũng là Thiên
Chúa giàu lòng tha thứ.
Khi đọc bài đọc 1 của
ngôn sứ Isaia, chúng ta ngạc nhiên
khi thấy một Thiên Chúa
tỉ mỉ quan tâm đến hạnh phúc của con người.
Ngài nghe và đáp lại
tiếng dân kêu than, khóc lóc (c. 19).
Ngài dạy dỗ và chỉ đường
cho người lưỡng lự phân vân (c. 21).
Nhưng hơn nữa, Ngài còn
để ý đến đời sống vật chất của dân chúng.
Ngài làm cho mưa thuận
gió hòa,
cho khe suối róc rách vì
có dòng nước chảy.
Nhờ đó hạt giống được
gieo trở thành lương thực,
súc vật chăn nuôi được
gặm cỏ thỏa thuê,
bò cầy ruộng sẽ được ăn
cỏ khô trộn muối (cc. 23-24).
Con người có đủ bánh ăn
và nước uống trong lúc ngặt nghèo.
Qua cuộc sống của mình,
Đức Giêsu cũng muốn cho ta thấy
một Thiên Chúa nhân từ
bằng xương bằng thịt,
một Thiên Chúa bị thu hút
bởi con người, mê say phục vụ con người.
Không rõ trong sứ vụ công
khai, trong gần ba năm rong ruổi,
Đức Giêsu đã đi bộ bao
nhiêu cây số của xứ Paléttin,
đôi chân dẻo dai của Ngài
đã đến với bao nhiêu làng mạc, thành phố.
đôi tay của Ngài đã chạm
đến bao nhiêu thương tích của nhân gian.
Chỉ biết trái tim của
Ngài là trái tim bằng thịt,
cứ nhói đau và chạnh
thương trước bể khổ của phận người.
Bệnh tật thân xác là gánh
nặng kéo con người xuống.
Đức Giêsu đã trở nên như
vị lương y đối diện với đủ thứ bệnh tật.
Mù lòa, câm điếc, bất
toại, phong hủi đều được Ngài chữa lành,
thậm chí Ngài còn hoàn
sinh kẻ chết.
Ma quỷ cũng là một mãnh
lực làm con người mất tự do.
Khử trừ ma quỷ và thần ô
uế, là dấu cho thấy Nước Trời đã đến.
Mọi sự Đức Giêsu đã làm
thì Ngài sai các môn đệ tiếp tục (cc. 6-8).
Hôm nay chúng ta cũng
được sai để tiếp tục việc của Ngài ngày xưa:
loan báo Tin Mừng Nước
Trời, chữa lành thế giới khỏi mọi bệnh tật,
giải phóng con người khỏi
những xích xiềng mới do chính họ tạo nên,
và loại trừ thần ô uế ra
khỏi mọi nơi con người sinh sống.
Công việc này thật bao
la,
vì không giới hạn trong
mảnh đất Paléttin nhỏ hẹp.
Công việc này không dễ,
vì ta phải đối diện với
sức đề kháng mạnh mẽ của ác thần.
Nhưng với quyền năng Chúa
ban, chúng ta tin mình sẽ thắng (c. 1).
Lễ Giáng Sinh là lễ mừng
ơn cứu độ cho con người.
Chúng ta được mời nhìn
thế giới hôm nay bằng cái nhìn của Giêsu,
yêu thế giới bơ vơ hôm
nay bằng trái tim của Giêsu,
đến với thế giới xa xôi
hôm nay bằng đôi chân của Giêsu.
Ước gì tay chúng ta chạm
đến người nghèo, người yếu đau, sa ngã.
Và ước gì chúng ta cho
không những gì đã nhận được nhưng không.
Cầu nguyện:
Lạy
Cha,
thế
giới hôm nay cũng như hôm qua
vẫn
có những người bơ vơ lạc hướng
vì
không tìm được một người để tin;
vẫn
có những người đã chết từ lâu
mà
vẫn tưởng mình đang sống;
vẫn
có những người bị ám ảnh bởi thần ô uế,
ô
uế của bạc tiền, của tình dục, của tiếng tăm;
vẫn
có những người mang đủ thứ bệnh hoạn,
bệnh
hoạn trong lối nhìn, lối nghĩ, lối sống;
vẫn
có những người bị sống bên lề xã hội,
dù
không phải là người phong...
Xin
Cha cho chúng con nhìn thấy họ
và
biết chạnh lòng thương như Con Cha.
Nhưng
trước hết,
xin
cho chúng con
nhìn
thấy chính bản thân chúng con.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Nhà truyền giáo đích thực
Vào thời Trung cổ, một số tín hữu giàu có muốn sống theo tinh
thần của thánh Benado đã từ bỏ mọi tiện nghi và ngay cả ngôi thánh đường ấm
cúng của họ để đến cư ngụ trên một đỉnh núi cao. Mục đích của họ là để cảm
thông với những khách bộ hành lạc lối giữa núi rừng, nhất là vào mùa đông tuyết
rơi. Những tín hữu này quyết định ngày đêm túc trực ở đó để kịp thời cứu vớt
những ai kêu cứu. Để làm việc đó, họ đã huấn luyện một đàn chó đi tìm người lạc
lối, đưa về nhà Dòng để được tận tình săn sóc.
Sự cảm thông không chỉ là một cảm xúc trong tâm hồn, mà còn
là đến gần để lắng nghe, chia sẻ, trao ban. Thiên Chúa là Đấng cảm thông đích
thực: Ngài không thể hiện sự cảm thông duy chỉ bằng cái nhìn từ trời cao, nhưng
Ngài đã hoá thân làm người, chia sẻ hoàn toàn kiếp sống khốn cùng của con
người. Tin mừng hôm nay nói lên sự cảm thông của Thiên Chúa bằng câu: “Ngài
động lòng xót thương họ”. Chúa Giêsu quả thực chính là Trái tim của Thiên Chúa,
một Trái tim không những rung động trước nỗi khốn khổ của con người, mà còn đến
ở bên con người.
Chúa Giêsu xuất hiện như một tôn sư. Nhưng trong khi các bậc
thầy khác qui tự một số môn sinh trong một ngôi trường hoặc chỉ giảng dạy tại
cổng thành, thì Chúa Giêsu đã ra đi khắp nơi, chiêu mộ môn sinh để họ cùng đi
với Ngài tìm đến những người bị bỏ rơi nhất trong xã hội.
Qua cung cách thể hiện sự cảm thông ấy, Chúa Giêsu phác hoạ
ra mẫu người truyền giáo đích thực: ra đi và tìm đến với người khác. Ra đi dĩ
nhiên không chỉ có nghĩa là rời bỏ nơi này đến nơi khác, mà thiết yếu là thái
độ ra khỏi chính mình, ra khỏi vỏ ốc của mình để đến với tha nhân.
Chúa Giêsu đã đến để phục vụ, chứ không phải để được phục vụ.
Ngài đã phục vụ bằng một tình yêu vừa bao la, vừa cụ thể, đến với từng con
người trong từng nỗi đau của họ để băng bó, xoa dịu.
Ước gì sự đồng hành cảm thông của Chúa Giêsu cũng hiện thực
hoá trong cuộc sống mỗi Kitô hữu, để mọi người chung quanh nhận ra tình yêu của
Thiên Chúa đối với họ.
Suy
niệm
Bài
Tin mừng cho chúng ta thấy lòng yêu thương bao la của Chúa Giêsu đối với đoàn
chiên, người thương họ vì không ai dạy dỗ, vì thế Ngài kêu gọi các tông đồ
nhanh chóng bước vào con đường truyền giáo.
Ngày
xưa Chúa Giêsu đã vâng lời Chúa Cha thi hành xứ mệnh rao giảng nước trời và
chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền. Chúa Giêsu trở nên mẫu gương cho các tông
đồ và cho những ai muốn dấn thân theo Ngài tiếp tục công việc truyền giáo. Thế
giới này còn rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Vì thế là Kitô hữu, chúng ta
phải thấy được tính khẩn cấp của việc truyền giáo. Chúng ta đừng nghĩ truyền
giáo là bổn phận của các linh mục tu sĩ, những người được đào tạo cách đặc biệt
để rao giảng lời Chúa. Mỗi Kitô hữu chúng ta khi lãnh nhận bí tích Rửa Tôi, đều
mang trong mình bổn phận phải truyền giáo.
Vậy
chúng ta phải truyền giáo bằng cách nào? Thưa bằng chính đời sống của chúng ta.
Khi mọi người chung quanh nhận ra được sự hiện diện của Chúa Giêsu Kitô trong
đời sống của chúng ta đó là lúc chúng ta đang truyền giáo cách hiệu quả nhất.
Lạy
Chúa, lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Xin Chúa ban cho các cánh đồng
truyền giáo, đặc biệt là ở Việt Nam có thêm nhiều thợ gặp lành nghề, để danh
Chúa ngày càng được lan rộng hơn. Amen.
7-12
Thánh Ambrôsiô
(340?-397)
M
|
ột trong các người viết
tiểu sử về Thánh Ambrôsiô nói rằng: vào ngày Phán Xét Chung sẽ vẫn còn sự tách
biệt giữa những người thích thánh nhân và những người cực kỳ ghét bỏ ngài.
Thánh Ambrôsiô nổi tiếng là một người có những quyết định táo bạo ảnh hưởng đến
đời sống của những người cùng thời.
Vào năm 33 tuổi, Thánh
Ambrôsiô đã có tất cả mọi sự -- một sự nghiệp đầy hứa hẹn là luật sư, một vị
thế quan trọng trong chính trường là tổng trấn Milan, ngoài ra ngài còn là
người bạn và đồng chí với hoàng đế, cùng với một gia tài kếch sù.
Và rồi vị giám mục của
Milan từ trần. Vào lúc ấy, khoảng năm 374, nhiều tà giáo muốn tiêu diệt Giáo
Hội. Vị cố giám mục Milan từng hậu thuẫn cho lạc giáo Arian chống lại giáo huấn
về thiên tính của Ðức Kitô. Vậy ai sẽ là người kế vị -- người Công Giáo hay
người của phe Arian? Cả hai phe đụng độ nhau ở vương cung thánh đường và một
cuộc bạo động xảy ra.
Duy trì trật tự công
cộng là trách nhiệm của quan tổng trấn Ambrôsiô, nên ngài vội vã chạy đến nhà
thờ và hùng hồn lên tiếng, không ủng hộ phe phái nào cả, nhưng ủng hộ sự hoà
bình. Ngài xin dân chúng hãy bình tĩnh, kềm chế sự nóng nẩy và chọn lựa giám
mục mà không cần phải xô xát.
Trong khi ngài đang nói,
bỗng dưng có người hô to, "Bầu Ambrôsiô làm giám mục!" Thế là tất cả
mọi người đều đồng thanh, "Ambrôsiô là giám mục!"
Các vị giám mục khác của
tỉnh thì quá vui mừng khi được phủi tay trước vấn đề khó khăn này. Nhưng
Ambrôsiô không dễ hy sinh một sự nghiệp đầy hứa hẹn để chấp nhận công việc của
một giám mục đầy nguy hiểm -- một công việc ảnh hưởng đến tính mạng trong thời
lạc giáo. Bởi thế Ambrôsiô bỏ trốn. Khi ngài cầu viện đến hoàng đế để thay đổi
quyết định nói trên với lý do là ngài chưa rửa tội, vị hoàng đế lại tuyên bố
rằng ông rất vui mừng khi chọn được quan tổng trấn thích hợp với chức giám mục.
Ambrôsiô trốn tránh trong nhà của một nghị sĩ, nhưng ông này đã đem nộp
Ambrôsiô khi ông biết quyết định của hoàng đế.
Không còn biết trốn vào
đâu nữa, Ambrôsiô ra đầu hàng. Vì ngài bị ép buộc phải chấp nhận chức giám mục,
nên sẽ không ai ngạc nhiên nếu ngài vẫn tiếp tục lối sống cũ, như trước khi
được tấn phong. Tuy nhiên, ngay sau đó Ambrôsiô đã phân phát tài sản cho người
nghèo và tự đặt mình dưới sự chỉ dẫn của Thánh Simplician để học thần học và
Kinh Thánh.
Phe Arian tưởng rằng
Ambrôsiô sẽ là giám mục "của họ" vì ngài từng là một viên chức của
triều đình, và nhiều người trong chính quyền đều thuộc phe Arian. Nhưng
Ambrôsiô đã dùng sở trường của một luật sư và tài hùng biện để chống lại phe
Arian bất cứ nơi nào, dù ở nhà thờ, triều đình, thượng viện, hay ngay cả trong
hoàng tộc. Tính ngoan cố của ngài khi không chấp nhận chức giám mục lúc đầu,
nay lại trở thành vũ khí trong cuộc chiến chống lại lạc giáo và giúp ngài quyết
tâm theo đuổi sự thánh thiện.
Khi người Goth xâm chiếm
đế quốc và bắt nhiều người làm con tin, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã phải dùng
chính tài sản của mình để chuộc. Ngài nói sự bác ái có giá trị nhất là chuộc kẻ
tù đầy. Ngay cả các bình vàng của Giáo Hội, ngài cũng đem bán để lấy tiền
chuộc. Ngài nói, "Cứu vớt các linh hồn cho Chúa thì tốt hơn là duy trì
tài sản. Ðức Kitô đã sai các tông đồ đi rao giảng mà không có vàng bạc, và cũng
không cần vàng bạc để thành lập Giáo Hội của Người. Giáo Hội làm chủ vàng bạc,
không phải để tích trữ, nhưng để phân phối và giúp đỡ những người kém may mắn."
"Chắc chắn Chúa
sẽ hỏi chúng ta: 'Tại sao con lại để quá nhiều người nghèo đói? Vì con có vàng
bạc, con phải cấp dưỡng cho họ'& Có thể nào chúng ta trả lời rằng: 'Vì con
không muốn để đền thờ của Chúa không được trang hoàng.' Nhưng những gì không
mua được bởi vàng bạc thì cũng không có giá trị bởi vàng bạc. Phương cách tốt
nhất để sử dụng vàng bạc của Ðấng Cứu Thế và hãy cứu vớt những người lâm cảnh
hoạn nạn."
Ðức Giám Mục Ambrôsiô
luôn luôn lưu tâm đến người nghèo hơn là quyền lực. Ngài thường khiển trách
người giầu khi lãng quên người nghèo: "Thiên Chúa tạo nên vũ trụ trong
một phương cách để tất cả những gì là của chung sẽ đem lại no ấm cho con người,
và trái đất là sở hữu chung của tất cả mọi người. Tại sao bạn lại từ chối một
người cũng có quyền đối với thiên nhiên như bạn? Của cải bạn cho người ăn xin
không phải của chính bạn, nhưng đó là phần của người ấy mà bạn phải hoàn trả
cho họ. Trái đất thuộc về tất cả mọi người. Bởi thế, bạn đang trả nợ mà lại
nghĩ đang ban bố một ơn huệ."
Khi hoàng đế từ trần,
Hoàng Hậu Justina, một người phe Arian, trở thành nhiếp chính cho đứa con trai
bốn tuổi. Maximus, một cựu sĩ quan Rôma, biết rằng cái chết của hoàng đế sẽ làm
suy yếu đế quốc nên dự định tấn công. Justina xin Ambrôsiô thương lượng với tên
này. Mặc dù Justina là một kẻ thù, Ambrôsiô đã lên đường thi hành nhiệm vụ và
đã thuyết phục được Maxima ngừng xâm lăng.
Thay vì biết ơn
Ambrôsiô, Hoàng Hậu Justina lại yêu cầu Ðức Giám Mục Ambrôsiô trao lại vương
cung thánh đường cho phe Arian. Thánh nhân trả lời rằng ngài không bao giờ
nhường đền thờ của Thiên Chúa.
Dân chúng đứng về phe
Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Ngài thừa khả năng để thực hiện cuộc đảo chánh lật đổ
Justina. Nhưng ngài thận trọng không dùng bất cứ lời nói hay hành động nào để
khích động dân chúng.
Khi một số người Công
Giáo bắt giữ một linh mục phe Arian và kết án tử hình, Ðức Giám Mục Ambrôsiô đã
nhân danh hòa bình xin tha cho vị linh mục này và nói rằng: Thiên Chúa sẽ phải
đau khổ khi thấy cảnh máu chảy thịt rơi. Ðức Ambrôsiô gửi các linh mục và phó
tế của ngài đến giải thoát cho vị linh mục Arian này.
Sau đó Hoàng Hậu Justina
thuyết phục con mình ban bố luật lệ để hợp pháp hóa lạc giáo Arian và cấm người
Công Giáo không được chống đối người Arian. Không ai có thể đệ trình một thỉnh
cầu chống với một tổ chức tôn giáo đang có thế lực.
Vào Chúa Nhật Lễ Lá,
trong bài giảng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô tuyên bố không nhường lại các nhà thờ.
Cả giáo đoàn, vì lo sợ cho tính mạng, đã phòng thủ trong nhà thờ với vị chủ chăn
là Ðức Giám Mục Ambrôsiô. Quân triều đình bao vây chung quanh ngăn chặn mọi
đường tiếp tế, để dân chúng vì đói mà phải ra đầu hàng. Cho đến ngày Chúa Nhật
Phục Sinh, tất cả mọi người vẫn kiên trì phòng thủ.
Khi chạm trán với lực
lượng bao vây, Ðức Giám Mục Ambrôsiô nói, "Vũ khí của tôi chỉ là nước mắt.
Tôi không muốn từ bỏ nơi đây, nhưng tôi không chống cự bằng võ lực."
Ðể trấn an dân chúng
đang khiếp sợ, Ðức Giám Mục Ambrôsiô dạy họ hát thánh vịnh do chính ngài sáng
tác. Ngài chia cộng đoàn làm hai bên để đối đáp. Ðây là lần đầu tiên việc hát
đáp ca được ghi nhận trong lịch sử Giáo Hội.
Tiếng nhạc và lời kinh
vượt ra ngoài bốn bức tường của thánh đường và làm rúng động tâm hồn các binh
lính. Không bao lâu, chính họ cũng cất tiếng phụ họa. Sự vây hãm chấm dứt.
Vì biết quân triều đình
đang tập trung vào việc chống đối người Công Giáo, Maximus một lần nữa lại
quyết định tấn công Rôma. Justina và hoàng tộc thật kinh hãi. Không biết trông
vào ai, sau cùng họ lại quay về với người mà họ từng tấn công và đe dọa. Họ xin
Ðức Giám Mục Ambrôsiô đến gặp Maximus và ngăn chặn sự tấn công.
Trong một hành động tha
thứ có thể nói lạ lùng, Ðức Giám Mục Ambrôsiô lại thi hành nhiệm vụ cho kẻ thù.
Khi Maximus từ chối thoả hiệp, ngài vội vã trở về để chuẩn bị. Justina và hoàng
tộc trốn sang Hy Lạp, trong khi Ðức Giám Mục Ambrôsiô ở lại chống đỡ. May mắn
thay, vị hoàng đế đông phương là Theodosius đã can thiệp và đánh bại Maximus.
Tuy nhiên, sau đó Theodosius đã chiếm quyền kiểm soát toàn thể đế quốc Rôma.
Theodosius là người Công Giáo và sau này trở thành người bạn chí thiết của Ðức
Giám Mục Ambrôsiô.
Ðức Giám Mục Ambrôsiô từ
trần năm 397, khoảng 57 tuổi. Lễ kính được đặt vào ngày 7 tháng Mười Hai, là
ngày ngài "bị" tấn phong giám mục.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét