Trang

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Bình luận về các phản đối bản Tông Huấn Gaudium Evangelii



Tông huấn Gaudium Evangelii (Niềm Vui của Phúc âm) cuả Đức Thánh Cha Phanxicô ban hành ngày 26 tháng 11, 2013 (ký ngày 24) đã gây nên nhiều bàn cãi sôi nổi tại Hoa Kỳ trong kỳ lễ Thanksgiving vừa qua. Lý do là những lời 'hiệu triệu' cuả Đức Thánh Cha về tình trạnh kinh tế duy lợi nhuận cuả toàn cầu hiện tại đã bỏ rơi con người và tạo ra nạn thất nghiệp tràn lan cũng như xô đẩy nhiều gia đình lâm vào cảnh cùng quẫn.

Đức Thánh Cha viết Giáo Hội Công Giaó phải là : "Một Giáo Hội có đôi bàn tay lấm láp vì giúp đỡ người nghèo và người bị áp bức."

"Giống như giới răn 'Ngươi chớ giết người' đã lập ra một giới hạn rõ ràng để bảo vệ giá trị của sự sống, ngày nay chúng ta cũng có thể nói 'ngươi chớ làm vậy' với một nền kinh tế 'loại trừ và bất bình đẳng.' Vì một nền kinh tế như vậy giết chết con người .... (nó sẽ giết) khi nào mà các vấn đề của người nghèo không được giải quyết tận gốc bằng cách từ bỏ tính tuyệt đối của thị trường và cuả đầu cơ tài chính và bằng cách giải quyết những nguyên nhân tạo ra sự bất bình đẳng, vì còn như thế thì sẽ không có giải pháp nào được tìm thấy cách viên mãn cho bất kỳ vấn đề nào của thế giới. "

Về quan điểm 'sự giầu có sẽ nhỏ giọt xuống phiá dưới' (trickle-down theories) mà nhiều lý thuyết gia đang dùng để biện hộ cho nền kinh tế thị trường, Đức Thánh Cha viết rỏ ràng hơn như sau:

"Một số người tiếp tục bảo vệ các lý thuyết gọi là 'sự giầu có sẽ nhỏ giọt xuống phiá dưới' (trickle-down theories), theo đó giả định rằng sự tăng trưởng kinh tế của một thị trường tự do chắc chắn sẽ thành công trong việc mang lại công bằng hơn và bao gồm mọi người trong thế giới. Quan điểm này, chưa bao giờ được chứng minh bằng dữ liệu cụ thể, thể hiện một sự tin tưởng thô thiển và ngây thơ về sự tốt lành của những người nắm giữ quyền lực kinh tế và trong các hoạt động thế tục hoá của hệ thống kinh tế hiện hành. "

Những lời trên đã tạo ra một số phản ứng mạnh mẽ từ phe 'siêu bảo thủ' ở Mỹ.

Chủ bút kinh tế cuã hãng Fox là Stuart Varney đã hầm hầm phát biểu trên đài: " Chủ nghĩa tư bản , theo ý ​​của tôi, mới thật là người giải phóng , " và ông lên mặt giảng cho Đức Thánh Cha một bài học về kinh tế như sau " Sự lựa chọn của hàng triệu người là bản chất của tự do. Theo tôi, xã hội hưởng lợi nhiều nhất khi mọi người được tự do theo đuổi lợi ích riêng của họ. Tôi biết rằng nói như thế có vẻ mâu thuẫn, nhưng nó thật sự là thế. "

Có thật vậy không nào? cho tới nay ông ta vẫn chưa đưa ra bằng cớ về điều vừa nói!

Và tuy Đức Thánh Cha không hề đề cập đến chính trị, ông Varney tiếp tục bàn rộng thêm:

"Tôi đi nhà thờ để cứu lấy linh hồn của tôi . Việc đó không dính dáng gì đến lá phiếu của tôi . Giáo hoàng Phanxicô đã liên kết hai sự việc ấy. Ông đã chỉ trích trực tiếp một hệ thống chính trị cụ thể. Ông đã nói xấu hệ thống đó. Tôi nghĩ rằng ông ta muốn gây ảnh hưởng đến chính trị của tôi . "

Cliff Kincaid, một giám đốc cuả hãng thông tấn cực hữu có tên là Accuracy in Media (truyền thông chính xác) thì đi xa hơn, ông cho rằng Giáo Hội Công Giáo đang có một âm mưu lập ra một chính quyền thế giới, ông phát biểu trong một đọan video YouTube:

" Thưa quý vị, tôi đến đây không phải để tranh cãi với Giáo Hoàng, đó không phải là công việc của tôi . Nhưng tôi có thể đọc . Tôi có thể đọc tài liệu này. Tôi có thể thấy những gì ông ta nói , và tôi có thể nói với bạn ngay bây giờ rằng đây là một tài liệu rất , rất đáng thất vọng , và nó làm cho tôi tự hỏi về tương lai của Giáo Hội Công Giáo La Mã trong thế giới này và những gì họ đang hướng tới . "

Kinkaid nói rằng ông có bằng chứng về một âm mưu kiểu cộng sản gian ác trong Giáo Hội Công Giáo La Mã, nó hỗ trợ một chính phủ thế giới và rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang sử dụng những "ngôn từ hoa mỹ " để ngụy trang âm mưu nham hiểm này , đó là " những gì chúng ta có thể gọi nôm na là một trật tự thế giới mới , một trật tự kinh tế mới. "

Nhưng ông không trưng ra những bằng chứng mà ông noí rằng đang có ở trong tay.

Ồn ào nhất là lời bình luận cuả Rush Limbaugh, một nhà bình luận thường gây tranh cãi, ông ta cho rằng bản tông hiến cuả Đức Thánh Cha là 'chủ nghĩa Macxít tinh ròng.' ('pure Marxism')

"Thật đáng buồn vì vị giáo hoàng này làm cho chúng ta thấy rất rõ ràng rằng ông ta không biết gì về những gì ông nói khi ông nói đến chủ nghĩa tư bản và chủ nghĩa xã hội và vv," Limbaugh viết.

" Nhưng bất kể là gì , phải là có một ai đó đã viết giùm cho ông ta hoặc áp đặt vào ông ta, " Limbaugh nói thêm. "Đây là chủ nghĩa Mác Xít tinh ròng thoát ra từ miệng của Giáo Hoàng . "

Limbaugh đề cập đến chủ nghiã tư bản và xã hội, nhưng Đức Thánh Cha bàn về hai chủ nghĩa đó lúc nào nhỉ?

...

Những phê phán như vậy không phải là không có tiền lệ, năm 2009 khi Đức Giáo Hoàng Benedict XVI viết về sự cần thiết phải "một trật tự chính trị, pháp lý và kinh tế (để) quản lý nền kinh tế toàn cầu", cũng đã gặp những phản ứng chống đối như vậy.

Lần này cuộc tranh cãi có vẻ ồn ào hơn vì ngay lập tức phe 'phóng khoáng' (liberals) cũng lên tiếng phản pháo những luận điệu cuả phe 'siêu bảo thủ' trên. Họ đòi hỏi phải có lời 'xin lỗi' Đức Giáo Hoàng. Nhưng thực sự những 'lời qua tiếng lại' đó vô hình chung chỉ là những cãi vã chính trị để củng cố quyền lực của phe phái, chứ bản chất không có gì bổ xung thêm cho tư tưởng cuả Đức Thánh Cha cả. 

Sau đây là những phản ứng có tình cách cân bằng hơn cuả những nhà văn phi chính trị:

Theo Đức Giám Mục James D . Conley của Lincoln , Nebraska thì các nhà phê bình Đức Giáo Hoàng có ý dùng chiêu bài 'tư bản' và 'xã hội' chẳng qua là có ý đồ 'dùng hài hước' để làm giảm bớt tầm quan trọng cuả bản tông hiến mà thôi.

" Đức Giáo Hoàng khẳng định rằng nền kinh tế thị trường phải được hiểu và quản lý trong công lý, với sự quan tâm thích đáng cho chủ quyền quốc gia và quan tâm đến gia đình và phẩm giá con người ", Đức Cha Conley đã viết như vậy trong trang web cuả đảng Cộng hòa - National Review Online - ngày 02 Tháng 12.

Ngài cho biết " Gaudium Evangelii " không từ chối chủ nghĩa tư bản , nhưng từ chối "sự tôn thờ thần tượng của bất kỳ hệ thống kinh tế nào" và " kêu gọi người Công Giáo đoàn kết trong một bối cảnh chính sách công cộng. "

Tuy không nêu tên Rush Limbaugh, Đức Giám Mục Conley lưu ý rằng các nhà bình luận dán nhãn hiệu "chủ nghĩa Mác Xít tinh ròng" vào Đức Giáo Hoàng Phanxicô là " đáng kể, đáng xấu hổ , và sai 'không thể hiểu nổi' (puzzlingly wrong.) "

" Đức Thánh Cha không phải là một chính trị gia hoặc một nhà kinh tế . Nhưng Ngài là một mục tử rất tốt. Ngài nhận ra tội lỗi của Kitô hữu và những thiếu sót của Giáo Hội. Ngài nhận ra tệ nạn của chúng ta và những cám dỗ của chúng ta . Ngài kêu gọi chúng ta làm cách tốt nhất cho nhân loại chúng ta : Ngài kêu gọi chúng ta làm môn đệ cuả Chúa Giêsu Kitô và liên đới với anh chị em của chúng ta " .

Đức Giám Mục Conley nói thêm rằng hầu hết các nhà lãnh đạo bảo thủ nhận ra rằng những hạn chế có giới hạn " là cần thiết để bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất . "

" Những người Công Giáo biết suy nghĩ, những nhà kinh tế hiểu biết, và những nhà hoạch định chu đáo đều biết rằng không có một hệ thống kinh tế nào là hoàn hảo, " Đức Giám Mục viết . Thị trường không bao giờ hoàn toàn hợp lý hoặc hoàn toàn công bình và thậm chí cả sự tự điều chỉnh cuả thị trường cũng gây nên những hậu quả xấu khi " tham lam , dư thừa quá mức , hoặc đầu cơ không hợp lý" đe dọa đến "con người, gia đình và nhân phẩm. "

Đề cập đến những người Công Giáo bảo thủ thường liên kết với đảng Cộng Hoà, ông Ross Douthat cuả tờ New York Times viết ngày 30 tháng 11 như sau:

" Thách thức đối với người Công Giáo bảo thủ là không đứng đối lập với thời đại Phanxicô nhưng tìm kiếm sự hoà nhập - có nghĩa là có một tầm nhìn kinh tế vẫn bảo thủ, nhưng trong chi tiết nhắc nhở với thế giới rằng đức tin Công Giáo là đi trước. "

" Những lời của Đức Giáo Hoàng ... khuyến khích sự hội nhập lớn hơn giữa tư tưởng Công Giáo và bảo thủ giống như một thứ 'bảo thủ từ bi' ('compassionate conservatism') đã thịnh hành một thời, và cảm hứng người Công Giáo đặt câu hỏi nhiều hơn với đảng Cộng Hòa , trên một loạt các vấn đề và chính sách, " ông nói.

Viết trên Catholic Online, Phó Tế Keith Fournier nhấn mạnh rằng " giáo lý của Ngài không phải là chính trị - nhưng là mục vụ và ngôn sứ ", và vượt qua các loại chủ nghĩa như tự do và bảo thủ ở Mỹ .

"Tông huấn này không nên bị ép vào nhãn hiệu kinh tế đang gây ra nhiều tranh luận tại Hoa Kỳ. Tiếc thay , những nỗ lực đó đang được sử dụng bởi những người có mưu toan chính trị và kinh tế , phiá Tả cũng như phiá Hữu, "

" Đáng buồn thay, họ đánh lạc hướng dư luận trước một công chúng đang cần những lời khuyên xinh đẹp. "

Phó tế Fournier giải thích rằng lời 'hiệu triệu' không làm cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô trở thành một " đồng nghiệp chính trị tiến bộ" của phe Tả bên Mỹ , nhưng Ngài cũng không bảo vệ loại chủ nghĩa vật chất tư bản, đặt vốn - hàng hóa - lên trên con người , thay vào đó , Đức Thánh Cha dạy rằng các vấn đề kinh tế là những vấn đề đạo đức.

" Những ý tưởng về xã hội cuả Kitô giáo cần phải được tách rời ra khỏi những sử dụng chúng như là một loại văn bản để hợp pháp hóa bất kỳ lý thuyết hay hệ thống kinh tế chính trị mà không lấy căn bản từ ' phẩm giá của con người, tinh thần đoàn kết , sự tự do xác thực của con người, công bằng kinh tế và xã hội ", Phó tế Fournier nói .


Ông George Weigel viết trên tờ Wall Street Journal cũng nêu ra một điểm tương tự rằng chương trình cuả Đức Thánh Cha Phanxicô "không phải là một vấn đề kinh tế hay chính trị, mà là một cuộc cách mạng ý thức trong Giáo Hội Công Giáo: sự hâm nóng lại nhiệt tình và niềm đam mê việc truyền giáo mà từ đó Giáo Hội được sinh ra hai thiên niên kỷ trước, đó là một lời kêu gọi để tăng tốc quá trình chuyển đổi từ một thể chế trì trệ để tiến tới một Giáo Hội của Tân Phúc Âm Hóa. "

Gaudium Evangelii phải được đọc như là "những gì nó đã tuyên bố rất rõ ràng", ông cho biết: là một "lời kêu gọi".

Trần Mạnh Trác12/4/2013(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét