Một số nhận định về tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô
1. Phẩm giá của những người yếu thế
Trên tạp chí Công Giáo America ngày 27 tháng Mười Một, Meghan Clarke, giáo sư thần học luân lý tại Đại Học St John, khi trích dẫn câu “Phẩm giá con người nhân bản và thiện ích chung được xếp cao hơn tiện nghi của những người từ khước không chịu từ bỏ các đặc ân của họ” (218) trong tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô, đã cho rằng: trong một câu đơn giản, ngài đã tóm tắt được nền tảng của học thuyết xã hội Công Giáo: nhân phẩm, thiện ích chung và ưu tiên chọn người nghèo và người yếu thế. Dù ngài cho rằng “Evangelii Gaudium” không phải là một văn kiện xã hội, nhưng nó quả đã đưa ra một nền linh đạo có thể nối kết giáo huấn xã hội với việc phúc âm hóa, vì “Đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và luôn gần gũi với người nghèo và người bị ruồng bỏ, là căn bản cho các quan tâm của ta đối với việc phát triển toàn diện các thành viên bị quên lãng nhất của xã hội” (185). Dài 85 trang, tông huấn này bàn nhiều tới nghèo đói qua các chủ đề như loại trừ, bất bình đẳng, nghèo đói và bạo lực, cơ cấu kinh tế bất công và việc thờ tiền bạc… Tất cả các vấn đề này được nhấn mạnh vì sứ mệnh hàng đầu của phúc âm hóa là tin mừng, mà tin mừng chính là tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người.
Ngài viết rõ hơn: “Làm thế nào lại có chuyện không coi là tin tức khi một người cao niên vô gia cư chết ngoài trời, trong khi thị trường chứng khoán chỉ mất 2 điểm đã đưa tin rối rít? Đây quả là một thứ loại trừ. Liệu ta có thể cứ tiếp tục bàng quan khi thực phẩm bị ném bỏ trong lúc người người chết đói? Đây quả là chuyện bất bình đẳng” (53). Như ngài vốn thường làm, Đức Phanxicô thách thức ngài và thách thức ta nhìn vào tấm gương soi. Tại New York, “những đường phát bánh mì” (Breadlines Return) và nạn vô gia cư đang lên cao và còn lên cao hơn nữa. Tại Los Angeles, Hội Đồng Thành Phố đang nghĩ cách ngăn cấm việc nuôi ăn người vô gia cư tại nơi công cộng. Ta thấy ai khi nhìn vào gương soi? Và ta thấy ai khi bước chân ra ngoài phố? “Thiếu liên đới với các nhu cầu của họ là trực tiếp tác động lên mối liên hệ của ta với Thiên Chúa” (187). Dửng dưng với người vô gia cư ở New York là làm hại tới mối liên hệ của tôi với Thiên Chúa. “Nếu ai đó nói ‘tôi yêu Thiên Chúa’ và ghét anh em mình, người đó nói láo; vì ai không yêu người anh em mình là người họ thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa là Đấng họ không thấy” (1 Ga 20). Ngữ cảnh thì hiện đang có, do đó mới mẻ, nhưng sứ điệp thì không. Từ Thánh Kinh, Thánh Chrysostom và Thánh Tôma tới các vị tiền nhiệm cận kề của ngài, Đức Phanxicô nhắc lại việc phải quan tâm tới phẩm giá của người yếu thế, là phẩm giá được Thiên Chúa hết sức quan tâm, do đó, cũng phải là quan tâm của ta.
Nghèo đói là bị loại trừ và “những ai bị loại trừ không còn là những người dưới lề hay bên lề hay ngoài lề xã hội nữa, họ không còn là thành phần của xã hội. Người bị loại trừ không còn là kẻ ‘bị bóc lột’ mà là kẻ bị ruồng bỏ, ‘một thứ dư thừa’” (53). Vi phạm tối hậu tới nhân phẩm là không coi người ta như một con người nhân bản nữa. Đáp ứng thái độ đó tất nhiên phải là bao gồm và tham dự. Trong bài diễn văn trước nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về việc phát triển hợp lý, Đức TGM Chullikatt nhấn mạnh rằng “bao gồm có nghĩa là mời người nghèo tham dự vào các hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa như những người hợp tác đầy đủ, vun đắp các khả năng của họ ngõ hầu họ có thể xứng đáng được một chỗ ngồi tại bàn ăn dành cho mọi người, như những người ngang hàng…”. Do đó, Đức Phanxicô kêu gọi phải triệt để tái lượng giá các cơ cấu kinh tế và trở về với nền đạo đức học lấy con người làm trung tâm để lên sinh khí cho các cơ cấu này.
Công lý, nền tảng của tham gia, lên sinh khí cho sứ mệnh xã hội của Giáo Hội, một sứ mệnh được sống thực từ nơi giáo xứ tới việc cổ vũ nó tại Liên HIệp Quốc. Và đây là trách nhiệm của mọi người chúng ta. “Tôi ưa thích một Giáo Hội bị bầm tím, bị thương tích, và vấy bẩn vì sống ở đường phố, hơn là một Giáo Hội không khỏe khoắn vì bị giam hãm và bám chặt vào cảnh an toàn riêng” (49).
Như thế, “Evangelii Gaudium” đã đặt Chiến Dịch Công Giáo Chiến Đấu Cho Sự Phát Triển Con Người và Sở Cứu Trợ Công Giáo làm trung tâm cho việc phúc âm hóa. Làm như thế, tất cả chúng ta được mời sống thực “một đức tin chân chính tức một đức tin không bao giờ thoải mái hay hoàn toàn cá nhân, nhưng luôn bao gồm một hoài mong sâu xa muốn thay đổi thế giới, muốn thông truyền các giá trị, muốn để lại một thế giới phần nào tốt đẹp hơn lúc ta thấy nó” (183).
2. Trên đường lữ hành của ta
Amanda C. Osheim, giáo sư thần học thực tiễn tại Cao Đẳng Loras ở Dubuque, Iowa, thì lưu ý tới viễn kiến của Đức Phanxicô về Giáo Hội “trước nhất và trên hết như một dân tộc đang trên đường lữ hành hướng về Thiên Chúa (số 111). Hình ảnh dân Thiên Chúa là một hình ảnh nặng chất Thánh Kinh, từng được Vatican II sử dụng để mô tả mầu nhiệm Giáo Hội trong tương quan với thế giới. Năm mươi năm sau, trong một thế giới được nhiều người gọi là hậu hiện đại, việc Đức Phanxicô gợi nhớ tới cuộc lữ hành trong tương quan với việc phúc âm hóa thúc đẩy ta biện phân đường đi mới nhờ cảm thức đức tin (sensus fidei).
Tiếp nhận và đáp ứng, nhập thân và văn hóa: đó là nẻo đường của truyền thống sống động luôn được dân lữ hành của Thiên Chúa bước đi. Tiếp nhận Chúa Thánh Thần trong Phép Rửa, mỗi tín hữu đồng thời cũng tiếp nhận cảm thức đức tin như một hồng ân. Không hề là hàn thử biểu thụ động của đức tin, cảm thức này giúp ta “biện phân điều thực sự thuộc về Thiên Chúa” (số 119). Sự sống trong Chúa Thánh Thần luôn luôn sinh động, đòi hỏi thời gian, chú tâm và lớn mạnh.
Sự biện phân của đức tin không phải là một việc tư riêng, nhưng đúng hơn đòi một đối thoại. Qua đối thoại và qua nhau, ta biện phân được cách đáp lại Thiên Chúa, cả theo nghĩa bản thân lẫn theo nghĩa cộng đoàn. Đức Phanxicô cho thấy: mọi người đã chịu phép rửa đều là “các môn đệ truyền giáo” và “tác nhân của phúc âm hóa” (số 120). Lời đáp trả được ơn thánh tác động của ta là một trách nhiệm tập thể. Nếu Giáo Hội, giống như Chúa Kitô, được sai tới thế gian, thì ta phải có khả năng biện phân ra tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian ấy. Thiếu khả năng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội sẽ không bao giờ có khả năng đáp trả Thiên Chúa cả; sự tham dự có tính cộng đoàn của ta vào sứ vụ của Thiên Chúa cũng chết theo.
Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và việc tiếp nhận Chúa Thánh Thần biến đổi tín hữu thành chứng nhân của Tin Mừng. Nhờ cảm thức đức tin, Giáo Hội trở thành bí tích cứu rỗi cho thế gian. Đức Phanxicô nói rằng “ơn thánh giả thiết văn hóa, và Thiên Chúa trở nên xác thân trong nền văn hóa của những ai tiếp nhận ơn thánh” (số 115). Sứ mệnh chúng ta đã được nhập thân vào lịch sử. Khi tiếp nhận được Chúa Thánh Thần và biện phân được Thiên Chúa qua cảm thức đức tin, ta cũng được lớn lên trong khôn ngoan, một khôn ngoan giúp ta nhập thể được Tin Mừng. Thiên Chúa là duy nhất, nhưng các tác nhân của phúc âm hóa học hỏi cách làm truyền giáo của mình trong nhiều ngữ cảnh khác nhau; những ngữ cảnh này tạo nên “tính Công Giáo chân thực” (số 116). Ở bên ngoài văn hóa, người ta không thể biết được Tin Mừng. Và cảm thức đức tin là điều chủ yếu để chỉ cho Giáo Hội thấy “các khía cạnh mới mẻ của mạc khải và đem lại cho Giáo Hội một khuôn mặt mới” (số 116). Chính nhờ các nền văn hóa đa dạng, chứ không phải nhờ tách xa các nền văn hóa ấy, ta biện phân được sự hiện diện của Thiên Chúa và đưa đáp ứng của ta vào hành động.
Khi cảm thức đức tin đã nhập thân vào văn hóa rồi, thì truyền thống của Giáo Hội không còn là một đền đài đứng yên một chỗ nữa, mà là một hành trình tín trung bên trong lịch sử. Con đường này không hề dễ dàng, nó rất có thể làm ta “bị bầm tím, bị thương tích và vấy bẩn” (số 49). Ấy thế nhưng ta vẫn khám phá ra niềm vui khi cùng nhau biện phân được lời Thiên Chúa mời gọi ta tiến bước dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, dự phần vào sứ mệnh yêu thương nhân từ của Chúa Kitô dành cho thế gian.
3. Một viễn kiến mới cho Giáo Hội
Linh mục James Martin, SJ, thì cho rằng chưa bao giờ lại có một văn kiện giáo hoàng khiến người ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên và lên tinh thần bằng tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”.
Theo ngài, tông huấn của Đức Phanxicô nêu lên 3 câu hỏi hết sức gắn bó với nhau. Thứ nhất, tại sao không nhìn sự việc từ một viễn ảnh mới? Thứ hai, tại sao không thực hiện sự việc theo lối mới? Và thứ ba, tại sao không có một viễn kiến mới về Giáo Hội? Nhưng viễn kiến của Đức Phanxicô về Giáo Hội là gì?
Là một cộng đồng hân hoan gồm các tín hữu hoàn toàn không sợ thế giới hiện đại, hoàn toàn không sợ thay đổi và hoàn toàn không sợ thách đố. Không phải ai ai cũng thích Tông Huấn “Evangelii Gaudium”. Một số người còn thấy nó đáng sợ nữa. Vì nó đặt ra nhiều thách thức dữ dằn đối với nguyên trạng. Ngài viết minh nhiên trong phần gọi là “Cuộc Canh Tân Giáo Hội” rằng “Trong bí quyết truyền giáo, thừa tác mục vụ luôn tìm cách từ bỏ thái độ tự mãn, một thái độ cho rằng ‘chúng tôi đã luôn làm cách đó rồi’”.
Sứ điệp toàn bộ của Tông Huấn là người Công Giáo đừng nên sợ những cách thế mới trong việc công bố Tin Mừng và những cách thế mới trong việc suy nghĩ về Giáo Hội. Thực vậy, các cách thế mới này là điều chủ yếu nếu ta muốn truyền bá Tin Mừng. Điều này nghe như sao lại nguyên văn mà người ta cho rằng một văn kiện về “Tân Phúc Âm Hóa” hay vướng phải. Tuy nhiên, không phải như thế. Vì trong Tông Huấn này, Đức Phanxicô nhận diện nhiều phạm vi ngưng đọng trong Giáo Hội, những phạm vi ngài muốn thấy có thay đổi thực sự.
Điều trên không có nghĩa “Evangelii Gaudium” tìm cách thay đổi các giáo huấn cổ truyền của Giáo Hội. Thay vào đó, nó tìm cách thay đổi cung cách hành động của ta, và thay đổi một cách không sợ hãi. Thí dụ, dù tái khẳng định chính sách không truyền chức cho phụ nữ làm linh mục, ngài vẫn mời gọi Giáo Hội suy nghĩ về vị thế của họ trong Giáo Hội một cách mới mẻ, tưởng nghĩ ra “vai trò có thể có của phụ nữ trong việc đưa ra quyết định ở các lãnh vực khác nhau trong đời sống Giáo Hội”.
Đức Phanxicô rất nhiều lần lên án những cản trở lâu đời khiến Giáo Hội không phát triển, như “tự mãn” (complacency), “chủ nghĩa giáo sĩ trị quá trớn”, và cả những người Công Giáo hành xử “mặt mày cau có khó coi” (sourpusses, một kiểu nói trong tiếng Anh). Về cản trở sau cùng vừa nói, ngài cho rằng có những Kitô hữu sống như “Mùa Chay Mà Không Có Phục Sinh”.
Đức Phanxicô cũng không đủ nhẫn nại đối với những người luôn “muốn đi tìm xin lỗi và khiếu nại”. Trong yếu tính, ngài muốn tương phản cái nét u sầu và bi quan đó với niềm vui sống cuộc sống lấy Chúa Kitô làm trung tâm và tập chú vào niềm trông cậy phục sinh. Đây quả là một cái nhìn đầy hy vọng, tích cực và đầy năng lực về một Giáo Hội tích cực dấn thân với đời.
"Evangelii Gaudium" rất khó để tóm tắt, vì nó có phạm vi khá rộng. Oái oăm thay, một điều thoạt nhìn xem ra có vẻ chỉ là một chủ đề nhỏ hẹp, làm thế nào để truyền bá Tin Mừng vào lúc này, thực thực ra, đã cung cấp cho Đức Phanxicô một không gian thật rộng để ngài bàn về nhiều chủ đề trong phong thái cởi mở hết sức đặc trưng của ngài. Tông huấn nhẹ nhàng di chuyển từ việc nói tới niềm vui như một điều kiện của phúc âm hóa, qua việc phải đối thoại bản thân ra sao để mời gọi người ta tiến tới đức tin, nỗi khó khăn làm một Giáo Hội như thế nào khi người Công Giáo “gây chiến” lẫn nhau, việc các linh mục và phó tế phải có những bài giảng tốt hơn ra sao, tới việc phải quan tâm thế nào đối với người nghèo trên thế giới, và điều sau cùng được Đức Phanxicô lưu ý hơn cả.
Để đạt các mục đích trên, ai cũng ngạc nhiên khi thấy Đức Phanxicô cổ vũ một ý niệm mà gần đây ít còn ai ưa thích nữa, đó là việc Giáo Hội “ưu tiên chọn” người nghèo. Ngài viết: “Trái tim Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt dành cho người nghèo”. Nhưng chỉ nói rằng Thiên Chúa yêu thương người nghèo cách đặc biệt, rồi để đó, thì không đủ. Ta cũng phải năng nổ trong việc chăm sóc và biện hộ cho họ nữa. Ngài cho rằng ai cũng phải làm điều đó. “Không ai trong chúng ta có thể nghĩ rằng mình được miễn chước việc quan tâm tới người nghèo và tới công bằng xã hội”.
Và sợ rằng có người hiểu lầm chăng, nên sau khi phê phán việc tôn thờ tiền bạc như một ngẫu thần và nền kinh tế loại trừ, Đức Phanxicô nói rõ: “Đức Giáo Hoàng yêu thương mọi người, cả người giầu lẫn người nghèo, nhưng, nhân danh Chúa Kitô, ngài bắt buộc phải nhắc nhở mọi người rằng người giầu phải giúp đỡ, tôn trọng và thăng tiến người nghèo. Tôi khuyên nhủ anh chị em hãy có tình liên đới đại lượng và hướng kinh tế cũng như tài chánh về một phương thức hợp đạo đức có lợi cho con người nhân bản”.
Tuy nhiên, đấy không hẳn chỉ có nghĩa là chăm sóc người nghèo mà thôi, đúng hơn nó còn có nghĩa phải giải quyết các cơ cấu hiện đang giam hãm con người trong cảnh nghèo: “ta không thể trì hoãn việc cần phải giải quyết các nguyên nhân có tính cơ cấu của cảnh nghèo”.
Niềm vui và niềm tin tưởng cần thiết để đương đầu với các thách đố trên, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, bắt nguồn và đặt cơ sở trên mối liên hệ sâu xa với Chúa Giêsu Kitô. Không có cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu này, cố gắng loan truyền Tin Mừng chỉ là điều vô ích. Ta phải có được điều Đức Giáo Hoàng gọi là “một kinh nghiệm luôn đổi mới trong việc vui hưởng tình bạn của Chúa Kitô và sứ điệp của Người”.
Phần lớn người Công Giáo hăng hái đọc tông thư này. Nhưng vẫn có một số người cho rằng Đức Giáo Hoàng đang cố gắng thay đổi quá nhiều trong Giáo Hội, dù chưa thay đổi gì về tín lý. Một số người Công Giáo không những chỉ chỉ trích, thậm chí còn sợ ngài nữa. Thay đổi hình như lúc nào cũng đáng sợ cả, thậm chí kể cả thay đổi cho tốt hơn! Nhưng muốn lớn mạnh, Giáo Hội cần thay đổi, không thay đổi trong các tín điều nòng cốt, nhưng trong cung cách sống và chia sẻ các tín điều ấy.
Thiển nghĩ người Công Giáo nên đọc trọn bản văn Tông Huấn. Hãy để nó phấn chấn mình và cầu nguyện với nó, nhất là mở lòng mình ra trước lời kêu gọi của Đức Thánh Cha “Lên thuyền đi vào một trang phúc âm hóa mới đánh dấu bằng niềm vui, trong khi chỉ ra những nẻo đường mới cho cuộc lữ hành của Giáo Hội trong những năm sắp tới”
Cuối cùng, như lời Chúa Giêsu dạy, “các con đừng sợ”. Ta có thể thay đổi cung cách hành động của ta trong Giáo Hội. Việc loan truyền Tin Mừng đòi ta phải làm điều đó. Nên ta phải tin tưởng rằng chính Thiên Chúa muốn thấy Giáo Hội lớn mạnh và thay đổi. Vả lại, như Đức Phanxicô viết trong Tông Thư “Không ai lên đường ra trận tuyến mà lại không hoàn toàn tin chắc vào chiến thắng trước mặt”.
4. Làm mọi sự ra mới và bắt đầu lại
Daniel P. Horan, OFM, một biên tập viên của tạp chí America, thì lưu ý tới đoạn kết thúc của Tông Huấn trong đó, Đức Phanxicô trích dẫn Sách Khải Huyền rằng “Chính Chúa Kitô Sống Lại đã dạy ta, với một sức mạnh làm ta tràn trề tin tưởng và hy vọng không nao núng: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’” (Kh 21:5).
Sứ điệp của Đức Phanxicô không chỉ nhằm kêu gọi người khác sống lối sống mới, mà còn kêu gọi chính ngài cởi mở hơn đối với thay đổi, hồi hướng. “Vì tôi được mời gọi đem ra thực hành điều tôi yêu cầu người khác, nên tôi cũng phải nghĩ tới việc hồi hướng chính ngôi vị giáo hoàng. Nhiệm vụ làm giám mục Rôma của tôi là phải cởi mở đối với các gợi ý giúp làm cho việc thi hành thừa tác vụ của tôi trung thành hơn với ý nghĩa mà Chúa Giêsu Kitô từng muốn đưa lại cho nó và với các nhu cầu hiện nay của việc phúc âm hóa”. Cử tọa của tông huấn vì thế quả không phải chỉ là “anh chị em” mà là “chúng ta”.
Việc làm mới này không chỉ áp dụng cho việc phúc âm hóa: tân phúc âm hóa, mà áp dụng vào chính chúng ta, như những cá nhân và như là Giáo Hội: chính ta là người cần được làm mới lại, cần bắt đầu lại, “trong mọi hành động đảm trách”. Sự mới mẻ này là sự mới mẻ trong tâm hồn, trong quan điểm, trong cung cách liên hệ với những người ta gặp.
Là Giáo Hội, ta “đang có những cơ cấu gây trở ngại cho việc phúc âm hóa”. Cả thừa tác mục vụ cũng cần được làm mới lại. “Vấn đề lớn nhất là khi sứ điệp ta giảng dạy xem ra chỉ đồng nhất với những khía cạnh phụ thuộc, dù là quan trọng, nhưng tự chúng không chuyên chở được tâm điểm sứ điệp Chúa Kitô”. Tâm điểm ấy chính là niềm vui vì cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, được trình bày không phải như những tín lý rời rạc mang ra áp đặt, mà dựa vào các thực tại và hoàn cảnh của toàn bộ Nhiệm Thể Kitô, trong đó, có những chi thể đau đớn, nghèo nàn và bị cho ra rìa.
Trên tạp chí Công Giáo America ngày 27 tháng Mười Một, Meghan Clarke, giáo sư thần học luân lý tại Đại Học St John, khi trích dẫn câu “Phẩm giá con người nhân bản và thiện ích chung được xếp cao hơn tiện nghi của những người từ khước không chịu từ bỏ các đặc ân của họ” (218) trong tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Phanxicô, đã cho rằng: trong một câu đơn giản, ngài đã tóm tắt được nền tảng của học thuyết xã hội Công Giáo: nhân phẩm, thiện ích chung và ưu tiên chọn người nghèo và người yếu thế. Dù ngài cho rằng “Evangelii Gaudium” không phải là một văn kiện xã hội, nhưng nó quả đã đưa ra một nền linh đạo có thể nối kết giáo huấn xã hội với việc phúc âm hóa, vì “Đức tin của chúng ta vào Chúa Kitô, Đấng đã trở nên nghèo và luôn gần gũi với người nghèo và người bị ruồng bỏ, là căn bản cho các quan tâm của ta đối với việc phát triển toàn diện các thành viên bị quên lãng nhất của xã hội” (185). Dài 85 trang, tông huấn này bàn nhiều tới nghèo đói qua các chủ đề như loại trừ, bất bình đẳng, nghèo đói và bạo lực, cơ cấu kinh tế bất công và việc thờ tiền bạc… Tất cả các vấn đề này được nhấn mạnh vì sứ mệnh hàng đầu của phúc âm hóa là tin mừng, mà tin mừng chính là tình yêu Thiên Chúa dành cho mọi người.
Ngài viết rõ hơn: “Làm thế nào lại có chuyện không coi là tin tức khi một người cao niên vô gia cư chết ngoài trời, trong khi thị trường chứng khoán chỉ mất 2 điểm đã đưa tin rối rít? Đây quả là một thứ loại trừ. Liệu ta có thể cứ tiếp tục bàng quan khi thực phẩm bị ném bỏ trong lúc người người chết đói? Đây quả là chuyện bất bình đẳng” (53). Như ngài vốn thường làm, Đức Phanxicô thách thức ngài và thách thức ta nhìn vào tấm gương soi. Tại New York, “những đường phát bánh mì” (Breadlines Return) và nạn vô gia cư đang lên cao và còn lên cao hơn nữa. Tại Los Angeles, Hội Đồng Thành Phố đang nghĩ cách ngăn cấm việc nuôi ăn người vô gia cư tại nơi công cộng. Ta thấy ai khi nhìn vào gương soi? Và ta thấy ai khi bước chân ra ngoài phố? “Thiếu liên đới với các nhu cầu của họ là trực tiếp tác động lên mối liên hệ của ta với Thiên Chúa” (187). Dửng dưng với người vô gia cư ở New York là làm hại tới mối liên hệ của tôi với Thiên Chúa. “Nếu ai đó nói ‘tôi yêu Thiên Chúa’ và ghét anh em mình, người đó nói láo; vì ai không yêu người anh em mình là người họ thấy, thì không thể yêu Thiên Chúa là Đấng họ không thấy” (1 Ga 20). Ngữ cảnh thì hiện đang có, do đó mới mẻ, nhưng sứ điệp thì không. Từ Thánh Kinh, Thánh Chrysostom và Thánh Tôma tới các vị tiền nhiệm cận kề của ngài, Đức Phanxicô nhắc lại việc phải quan tâm tới phẩm giá của người yếu thế, là phẩm giá được Thiên Chúa hết sức quan tâm, do đó, cũng phải là quan tâm của ta.
Nghèo đói là bị loại trừ và “những ai bị loại trừ không còn là những người dưới lề hay bên lề hay ngoài lề xã hội nữa, họ không còn là thành phần của xã hội. Người bị loại trừ không còn là kẻ ‘bị bóc lột’ mà là kẻ bị ruồng bỏ, ‘một thứ dư thừa’” (53). Vi phạm tối hậu tới nhân phẩm là không coi người ta như một con người nhân bản nữa. Đáp ứng thái độ đó tất nhiên phải là bao gồm và tham dự. Trong bài diễn văn trước nhóm làm việc của Liên Hiệp Quốc về việc phát triển hợp lý, Đức TGM Chullikatt nhấn mạnh rằng “bao gồm có nghĩa là mời người nghèo tham dự vào các hệ thống kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa như những người hợp tác đầy đủ, vun đắp các khả năng của họ ngõ hầu họ có thể xứng đáng được một chỗ ngồi tại bàn ăn dành cho mọi người, như những người ngang hàng…”. Do đó, Đức Phanxicô kêu gọi phải triệt để tái lượng giá các cơ cấu kinh tế và trở về với nền đạo đức học lấy con người làm trung tâm để lên sinh khí cho các cơ cấu này.
Công lý, nền tảng của tham gia, lên sinh khí cho sứ mệnh xã hội của Giáo Hội, một sứ mệnh được sống thực từ nơi giáo xứ tới việc cổ vũ nó tại Liên HIệp Quốc. Và đây là trách nhiệm của mọi người chúng ta. “Tôi ưa thích một Giáo Hội bị bầm tím, bị thương tích, và vấy bẩn vì sống ở đường phố, hơn là một Giáo Hội không khỏe khoắn vì bị giam hãm và bám chặt vào cảnh an toàn riêng” (49).
Như thế, “Evangelii Gaudium” đã đặt Chiến Dịch Công Giáo Chiến Đấu Cho Sự Phát Triển Con Người và Sở Cứu Trợ Công Giáo làm trung tâm cho việc phúc âm hóa. Làm như thế, tất cả chúng ta được mời sống thực “một đức tin chân chính tức một đức tin không bao giờ thoải mái hay hoàn toàn cá nhân, nhưng luôn bao gồm một hoài mong sâu xa muốn thay đổi thế giới, muốn thông truyền các giá trị, muốn để lại một thế giới phần nào tốt đẹp hơn lúc ta thấy nó” (183).
2. Trên đường lữ hành của ta
Amanda C. Osheim, giáo sư thần học thực tiễn tại Cao Đẳng Loras ở Dubuque, Iowa, thì lưu ý tới viễn kiến của Đức Phanxicô về Giáo Hội “trước nhất và trên hết như một dân tộc đang trên đường lữ hành hướng về Thiên Chúa (số 111). Hình ảnh dân Thiên Chúa là một hình ảnh nặng chất Thánh Kinh, từng được Vatican II sử dụng để mô tả mầu nhiệm Giáo Hội trong tương quan với thế giới. Năm mươi năm sau, trong một thế giới được nhiều người gọi là hậu hiện đại, việc Đức Phanxicô gợi nhớ tới cuộc lữ hành trong tương quan với việc phúc âm hóa thúc đẩy ta biện phân đường đi mới nhờ cảm thức đức tin (sensus fidei).
Tiếp nhận và đáp ứng, nhập thân và văn hóa: đó là nẻo đường của truyền thống sống động luôn được dân lữ hành của Thiên Chúa bước đi. Tiếp nhận Chúa Thánh Thần trong Phép Rửa, mỗi tín hữu đồng thời cũng tiếp nhận cảm thức đức tin như một hồng ân. Không hề là hàn thử biểu thụ động của đức tin, cảm thức này giúp ta “biện phân điều thực sự thuộc về Thiên Chúa” (số 119). Sự sống trong Chúa Thánh Thần luôn luôn sinh động, đòi hỏi thời gian, chú tâm và lớn mạnh.
Sự biện phân của đức tin không phải là một việc tư riêng, nhưng đúng hơn đòi một đối thoại. Qua đối thoại và qua nhau, ta biện phân được cách đáp lại Thiên Chúa, cả theo nghĩa bản thân lẫn theo nghĩa cộng đoàn. Đức Phanxicô cho thấy: mọi người đã chịu phép rửa đều là “các môn đệ truyền giáo” và “tác nhân của phúc âm hóa” (số 120). Lời đáp trả được ơn thánh tác động của ta là một trách nhiệm tập thể. Nếu Giáo Hội, giống như Chúa Kitô, được sai tới thế gian, thì ta phải có khả năng biện phân ra tình yêu Thiên Chúa dành cho thế gian ấy. Thiếu khả năng nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa, Giáo Hội sẽ không bao giờ có khả năng đáp trả Thiên Chúa cả; sự tham dự có tính cộng đoàn của ta vào sứ vụ của Thiên Chúa cũng chết theo.
Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô và việc tiếp nhận Chúa Thánh Thần biến đổi tín hữu thành chứng nhân của Tin Mừng. Nhờ cảm thức đức tin, Giáo Hội trở thành bí tích cứu rỗi cho thế gian. Đức Phanxicô nói rằng “ơn thánh giả thiết văn hóa, và Thiên Chúa trở nên xác thân trong nền văn hóa của những ai tiếp nhận ơn thánh” (số 115). Sứ mệnh chúng ta đã được nhập thân vào lịch sử. Khi tiếp nhận được Chúa Thánh Thần và biện phân được Thiên Chúa qua cảm thức đức tin, ta cũng được lớn lên trong khôn ngoan, một khôn ngoan giúp ta nhập thể được Tin Mừng. Thiên Chúa là duy nhất, nhưng các tác nhân của phúc âm hóa học hỏi cách làm truyền giáo của mình trong nhiều ngữ cảnh khác nhau; những ngữ cảnh này tạo nên “tính Công Giáo chân thực” (số 116). Ở bên ngoài văn hóa, người ta không thể biết được Tin Mừng. Và cảm thức đức tin là điều chủ yếu để chỉ cho Giáo Hội thấy “các khía cạnh mới mẻ của mạc khải và đem lại cho Giáo Hội một khuôn mặt mới” (số 116). Chính nhờ các nền văn hóa đa dạng, chứ không phải nhờ tách xa các nền văn hóa ấy, ta biện phân được sự hiện diện của Thiên Chúa và đưa đáp ứng của ta vào hành động.
Khi cảm thức đức tin đã nhập thân vào văn hóa rồi, thì truyền thống của Giáo Hội không còn là một đền đài đứng yên một chỗ nữa, mà là một hành trình tín trung bên trong lịch sử. Con đường này không hề dễ dàng, nó rất có thể làm ta “bị bầm tím, bị thương tích và vấy bẩn” (số 49). Ấy thế nhưng ta vẫn khám phá ra niềm vui khi cùng nhau biện phân được lời Thiên Chúa mời gọi ta tiến bước dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, dự phần vào sứ mệnh yêu thương nhân từ của Chúa Kitô dành cho thế gian.
3. Một viễn kiến mới cho Giáo Hội
Linh mục James Martin, SJ, thì cho rằng chưa bao giờ lại có một văn kiện giáo hoàng khiến người ta phải suy nghĩ, ngạc nhiên và lên tinh thần bằng tông huấn “Niềm Vui Tin Mừng”.
Theo ngài, tông huấn của Đức Phanxicô nêu lên 3 câu hỏi hết sức gắn bó với nhau. Thứ nhất, tại sao không nhìn sự việc từ một viễn ảnh mới? Thứ hai, tại sao không thực hiện sự việc theo lối mới? Và thứ ba, tại sao không có một viễn kiến mới về Giáo Hội? Nhưng viễn kiến của Đức Phanxicô về Giáo Hội là gì?
Là một cộng đồng hân hoan gồm các tín hữu hoàn toàn không sợ thế giới hiện đại, hoàn toàn không sợ thay đổi và hoàn toàn không sợ thách đố. Không phải ai ai cũng thích Tông Huấn “Evangelii Gaudium”. Một số người còn thấy nó đáng sợ nữa. Vì nó đặt ra nhiều thách thức dữ dằn đối với nguyên trạng. Ngài viết minh nhiên trong phần gọi là “Cuộc Canh Tân Giáo Hội” rằng “Trong bí quyết truyền giáo, thừa tác mục vụ luôn tìm cách từ bỏ thái độ tự mãn, một thái độ cho rằng ‘chúng tôi đã luôn làm cách đó rồi’”.
Sứ điệp toàn bộ của Tông Huấn là người Công Giáo đừng nên sợ những cách thế mới trong việc công bố Tin Mừng và những cách thế mới trong việc suy nghĩ về Giáo Hội. Thực vậy, các cách thế mới này là điều chủ yếu nếu ta muốn truyền bá Tin Mừng. Điều này nghe như sao lại nguyên văn mà người ta cho rằng một văn kiện về “Tân Phúc Âm Hóa” hay vướng phải. Tuy nhiên, không phải như thế. Vì trong Tông Huấn này, Đức Phanxicô nhận diện nhiều phạm vi ngưng đọng trong Giáo Hội, những phạm vi ngài muốn thấy có thay đổi thực sự.
Điều trên không có nghĩa “Evangelii Gaudium” tìm cách thay đổi các giáo huấn cổ truyền của Giáo Hội. Thay vào đó, nó tìm cách thay đổi cung cách hành động của ta, và thay đổi một cách không sợ hãi. Thí dụ, dù tái khẳng định chính sách không truyền chức cho phụ nữ làm linh mục, ngài vẫn mời gọi Giáo Hội suy nghĩ về vị thế của họ trong Giáo Hội một cách mới mẻ, tưởng nghĩ ra “vai trò có thể có của phụ nữ trong việc đưa ra quyết định ở các lãnh vực khác nhau trong đời sống Giáo Hội”.
Đức Phanxicô rất nhiều lần lên án những cản trở lâu đời khiến Giáo Hội không phát triển, như “tự mãn” (complacency), “chủ nghĩa giáo sĩ trị quá trớn”, và cả những người Công Giáo hành xử “mặt mày cau có khó coi” (sourpusses, một kiểu nói trong tiếng Anh). Về cản trở sau cùng vừa nói, ngài cho rằng có những Kitô hữu sống như “Mùa Chay Mà Không Có Phục Sinh”.
Đức Phanxicô cũng không đủ nhẫn nại đối với những người luôn “muốn đi tìm xin lỗi và khiếu nại”. Trong yếu tính, ngài muốn tương phản cái nét u sầu và bi quan đó với niềm vui sống cuộc sống lấy Chúa Kitô làm trung tâm và tập chú vào niềm trông cậy phục sinh. Đây quả là một cái nhìn đầy hy vọng, tích cực và đầy năng lực về một Giáo Hội tích cực dấn thân với đời.
"Evangelii Gaudium" rất khó để tóm tắt, vì nó có phạm vi khá rộng. Oái oăm thay, một điều thoạt nhìn xem ra có vẻ chỉ là một chủ đề nhỏ hẹp, làm thế nào để truyền bá Tin Mừng vào lúc này, thực thực ra, đã cung cấp cho Đức Phanxicô một không gian thật rộng để ngài bàn về nhiều chủ đề trong phong thái cởi mở hết sức đặc trưng của ngài. Tông huấn nhẹ nhàng di chuyển từ việc nói tới niềm vui như một điều kiện của phúc âm hóa, qua việc phải đối thoại bản thân ra sao để mời gọi người ta tiến tới đức tin, nỗi khó khăn làm một Giáo Hội như thế nào khi người Công Giáo “gây chiến” lẫn nhau, việc các linh mục và phó tế phải có những bài giảng tốt hơn ra sao, tới việc phải quan tâm thế nào đối với người nghèo trên thế giới, và điều sau cùng được Đức Phanxicô lưu ý hơn cả.
Để đạt các mục đích trên, ai cũng ngạc nhiên khi thấy Đức Phanxicô cổ vũ một ý niệm mà gần đây ít còn ai ưa thích nữa, đó là việc Giáo Hội “ưu tiên chọn” người nghèo. Ngài viết: “Trái tim Thiên Chúa có một chỗ đặc biệt dành cho người nghèo”. Nhưng chỉ nói rằng Thiên Chúa yêu thương người nghèo cách đặc biệt, rồi để đó, thì không đủ. Ta cũng phải năng nổ trong việc chăm sóc và biện hộ cho họ nữa. Ngài cho rằng ai cũng phải làm điều đó. “Không ai trong chúng ta có thể nghĩ rằng mình được miễn chước việc quan tâm tới người nghèo và tới công bằng xã hội”.
Và sợ rằng có người hiểu lầm chăng, nên sau khi phê phán việc tôn thờ tiền bạc như một ngẫu thần và nền kinh tế loại trừ, Đức Phanxicô nói rõ: “Đức Giáo Hoàng yêu thương mọi người, cả người giầu lẫn người nghèo, nhưng, nhân danh Chúa Kitô, ngài bắt buộc phải nhắc nhở mọi người rằng người giầu phải giúp đỡ, tôn trọng và thăng tiến người nghèo. Tôi khuyên nhủ anh chị em hãy có tình liên đới đại lượng và hướng kinh tế cũng như tài chánh về một phương thức hợp đạo đức có lợi cho con người nhân bản”.
Tuy nhiên, đấy không hẳn chỉ có nghĩa là chăm sóc người nghèo mà thôi, đúng hơn nó còn có nghĩa phải giải quyết các cơ cấu hiện đang giam hãm con người trong cảnh nghèo: “ta không thể trì hoãn việc cần phải giải quyết các nguyên nhân có tính cơ cấu của cảnh nghèo”.
Niềm vui và niềm tin tưởng cần thiết để đương đầu với các thách đố trên, cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo Hội, bắt nguồn và đặt cơ sở trên mối liên hệ sâu xa với Chúa Giêsu Kitô. Không có cuộc gặp gỡ bản thân với Chúa Giêsu này, cố gắng loan truyền Tin Mừng chỉ là điều vô ích. Ta phải có được điều Đức Giáo Hoàng gọi là “một kinh nghiệm luôn đổi mới trong việc vui hưởng tình bạn của Chúa Kitô và sứ điệp của Người”.
Phần lớn người Công Giáo hăng hái đọc tông thư này. Nhưng vẫn có một số người cho rằng Đức Giáo Hoàng đang cố gắng thay đổi quá nhiều trong Giáo Hội, dù chưa thay đổi gì về tín lý. Một số người Công Giáo không những chỉ chỉ trích, thậm chí còn sợ ngài nữa. Thay đổi hình như lúc nào cũng đáng sợ cả, thậm chí kể cả thay đổi cho tốt hơn! Nhưng muốn lớn mạnh, Giáo Hội cần thay đổi, không thay đổi trong các tín điều nòng cốt, nhưng trong cung cách sống và chia sẻ các tín điều ấy.
Thiển nghĩ người Công Giáo nên đọc trọn bản văn Tông Huấn. Hãy để nó phấn chấn mình và cầu nguyện với nó, nhất là mở lòng mình ra trước lời kêu gọi của Đức Thánh Cha “Lên thuyền đi vào một trang phúc âm hóa mới đánh dấu bằng niềm vui, trong khi chỉ ra những nẻo đường mới cho cuộc lữ hành của Giáo Hội trong những năm sắp tới”
Cuối cùng, như lời Chúa Giêsu dạy, “các con đừng sợ”. Ta có thể thay đổi cung cách hành động của ta trong Giáo Hội. Việc loan truyền Tin Mừng đòi ta phải làm điều đó. Nên ta phải tin tưởng rằng chính Thiên Chúa muốn thấy Giáo Hội lớn mạnh và thay đổi. Vả lại, như Đức Phanxicô viết trong Tông Thư “Không ai lên đường ra trận tuyến mà lại không hoàn toàn tin chắc vào chiến thắng trước mặt”.
4. Làm mọi sự ra mới và bắt đầu lại
Daniel P. Horan, OFM, một biên tập viên của tạp chí America, thì lưu ý tới đoạn kết thúc của Tông Huấn trong đó, Đức Phanxicô trích dẫn Sách Khải Huyền rằng “Chính Chúa Kitô Sống Lại đã dạy ta, với một sức mạnh làm ta tràn trề tin tưởng và hy vọng không nao núng: ‘Này đây Ta đổi mới mọi sự’” (Kh 21:5).
Sứ điệp của Đức Phanxicô không chỉ nhằm kêu gọi người khác sống lối sống mới, mà còn kêu gọi chính ngài cởi mở hơn đối với thay đổi, hồi hướng. “Vì tôi được mời gọi đem ra thực hành điều tôi yêu cầu người khác, nên tôi cũng phải nghĩ tới việc hồi hướng chính ngôi vị giáo hoàng. Nhiệm vụ làm giám mục Rôma của tôi là phải cởi mở đối với các gợi ý giúp làm cho việc thi hành thừa tác vụ của tôi trung thành hơn với ý nghĩa mà Chúa Giêsu Kitô từng muốn đưa lại cho nó và với các nhu cầu hiện nay của việc phúc âm hóa”. Cử tọa của tông huấn vì thế quả không phải chỉ là “anh chị em” mà là “chúng ta”.
Việc làm mới này không chỉ áp dụng cho việc phúc âm hóa: tân phúc âm hóa, mà áp dụng vào chính chúng ta, như những cá nhân và như là Giáo Hội: chính ta là người cần được làm mới lại, cần bắt đầu lại, “trong mọi hành động đảm trách”. Sự mới mẻ này là sự mới mẻ trong tâm hồn, trong quan điểm, trong cung cách liên hệ với những người ta gặp.
Là Giáo Hội, ta “đang có những cơ cấu gây trở ngại cho việc phúc âm hóa”. Cả thừa tác mục vụ cũng cần được làm mới lại. “Vấn đề lớn nhất là khi sứ điệp ta giảng dạy xem ra chỉ đồng nhất với những khía cạnh phụ thuộc, dù là quan trọng, nhưng tự chúng không chuyên chở được tâm điểm sứ điệp Chúa Kitô”. Tâm điểm ấy chính là niềm vui vì cuộc đời, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu Kitô, được trình bày không phải như những tín lý rời rạc mang ra áp đặt, mà dựa vào các thực tại và hoàn cảnh của toàn bộ Nhiệm Thể Kitô, trong đó, có những chi thể đau đớn, nghèo nàn và bị cho ra rìa.
Vũ Van An11/29/2013(vietcatholic)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét