Trang

Chủ Nhật, 12 tháng 1, 2014

12-01-2014 ; CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊ-SU CHỊU PHÉP RỬA năm A (phần II)

12/01/2014
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa Năm A
(Phần II)


Giáo Lý Phúc Âm Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, Năm A
CHÚA NHẬT LỄ CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA, NĂM A

Sách Ngôn Sứ Isaia 42.1- 4.6-7; Sách Tông Đồ Công vụ 10.34-38
và Phúc Âm Thánh Matthêô 3.13-17

I. Giáo Huấn Phúc Âm:  

Chúa Giêsu nhận lãnh phép rửa, Ngài được Thiên Chúa Cha công khai nhìn nhận “Đây là Con yêu dấu của Ta!” Dưới sự chứng giám của Chúa Thánh Thần, Ngài nhận lãnh sứ mạng truyền đạo, Ngài được sai đi mang ơn cứu độ cho muôn người.
Giáo Hội được khai sinh trong ngày lễ Ngũ Tuần. Giáo Hội được trao ban sứ mạng truyển giảng Tin Mừng, mang ơn cứu độ cho muôn người bằng cách “đi khắp nơi giảng dạy Tin Mừng cho muôn dân và làm phép rửa cho họ..”
Ngày lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, chúng ta được chính thức nhìn nhận là Con Chúa và được xức dầu thánh hiến để đi loan truyền tin mừng cho muôn dân. Chúng ta được cứu độ, đồng thời chúng ta nhận sứ mạng mang ơn cứu độ đến cho người khác.

II . Vấn nạn Phúc Âm

“Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp Ông Gioan, để xin Ông làm phép rửa cho mình…”  Chúa Giêsu là Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa, là Đấng Cực Thánh, không thể có tội, tại sao lại xin Ông Gioan làm phép rửa?
          Câu trả lời của Chúa Giêsu “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính!” là một giải thích tại sao Chúa xin Ông Gioan làm phép rửa? Không phải vì Chúa có tội, nhưng vì Ngài muốn trở nên một con người như chúng ta mọi đàng. Ngài muốn chu toàn mọi nghi lễ để làm gương sáng cho mọi người. Muốn nên công chính, phải lãnh nhận phép rửa sám hối. Ai cũng có tội. Ai cũng cần lãnh phép rửa sám hối của Gioan để nên công chính.
           
Chúa Giêsu đến để làm ứng nghiệm tất cả những gì các tiên tri đã loan báo về Đấng Cứu Thế: Ngài đến để cứu dân khỏi tội. Phép rửa Sám Hối bằng nước mà hôm nay Ngài lãnh nhận qua tay của Gioan là hình ảnh tiên báo về một phép rửa bằng Lửa và Thánh Thần mà Ngài sẽ thiết lập, để làm cho mọi người thành con Thiên Chúa và cũng là phương dược để cứu nhân loại khỏi tội.

So sánh giữa phép rửa sám hối của Gioan và bí tích rửa tội của Chúa Giêsu thiết lập?

Hai phép rửa đều giống nhau những điểm sau:
Cả  hai đều dùng nước để nói lên ý nghĩa thanh tẩy tội lỗi.
Cả hai đều đòi buộc người lãnh nhận phải thực tâm sám hối tội lỗi và sống công chính.

Hai phép rửa khác nhau:
Phép rửa sám hối của Gioan chỉ là cử chỉ tỏ lòng sám hối, không là bí tích, không tất yếu phát sinh hiệu quả tha tội.
Phép rửa của Chúa Giêsu thiết lập là bí tích: Người lãnh nhận bí tích Rửa tội được tha tội tổ tông và tội mình làm.
Xin đan cử thí dụ để giải thích: Một người con không vâng lời Cha Mẹ, thấy Cha mẹ buồn, thì đã khóc lóc hối hận. Khóc lóc và nước mắt rơi, dù nhiều cách mấy cũng chỉ là cử chỉ tỏ lòng hối hận về những sai trái mình làm. Nó không phát sinh hệ quả tha tội. Trái lại, người con đó nếu muốn được tha lỗi phải đến xin lỗi Cha Mẹ và hứa chừa tội cũng như được Cha Mẹ nói lời tha lỗi.

Có được phép rửa tội cho:
Con cái của những đôi nam nữ sống chung không hôn thú và không phép đạo không? Những đứa con không Cha? Con nuôi của những cặp đồng tính luyến ái không? Tên Cha Mẹ phải ghi vào sổ rửa tội thế nào?

Giáo Luật quí định về việc rửa tội cho trẻ em dưới bảy tuổi như sau:

Ðiều 851: Việc cử hành Bí Tích Rửa Tội phải được chuẩn bị thích đáng. Vì vậy:
người lớn muốn lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội, phải được nhận vào lớp dự tòng và, tùy mức độ có thể, được hướng dẫn khai tâm Bí Tích qua nhiều giai đoạn khác nhau; dựa theo đúng nghi thức khai tâm do Hội Ðồng Giám Mục đã thích nghi cũng như các quy luật riêng do Hội Ðồng Giám Mục ban hành. Cha mẹ của nhi đồng sắp được nhận Bí Tích Rửa Tội, cũng như những người sẽ lãnh trách nhiệm đỡ đầu, phải được giáo huấn đầy đủ về ý nghĩa của Bí Tích này và về những bổn phận gắn liền với Bí Tích. Cha Sở, tự mình hay nhờ người khác, phải chăm lo huấn luyện đầy đủ các phụ huynh bằng những bài huấn dụ mục vụ, và kể cả bằng sự cầu nguyện chung, trong lúc hội họp nhiều gia đình và bằng cách đi thăm viếng họ khi nào có thể.

Ðiều 868: (1) Ðể một nhi đồng được rửa tội cách hợp pháp, cần thiết phải: có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật; có hy vọng vững chắc rằng em bé sẽ được giáo dục trong đạo công giáo. Nếu hoàn toàn không có hy vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các quy định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do. Trong cơn nguy tử, một nhi đồng con của cha mẹ công giáo, và thậm chí không công giáo, có thể được rửa tội cách hợp pháp, cho dù trái ý cha mẹ.

Ðiều 870: Ðứa trẻ bị bỏ rơi hay vô thừa nhận phải được rửa tội, trừ khi đã điều tra cẩn thận và biết chắc em đã được rửa tội rồi.

Ðiều 871: Bào thai bị sảy, nếu còn sống, thì phải được rửa tội, tùy theo mức độ có thể được.

Qua những khoản Giáo Luật trên, chúng ta thấy rằng: Những áp dụng chung cho toàn thể Giáo Hội về việc rửa tội cho những đứa con ngoại hôn, những đứa con không Cha và những của con nuôi của những người đồng tính xem chừng còn mới mẻ quá.

Tuy nhiên, những vấn nạn trên đã được trả lời trong quyển “Canonical and Pastoral Guide for Parishes” do nhà xuất bản Wilson and Lafleur năm 2006 trang I-16 và trong quyển Canon Law of the Sacraments for Parish Ministry của Cha William H. Woestman, OMI. trang 35. Hội Đồng Giám Mục Canada cho áp dụng những điều sau:
          
Ðiều 868 §1 qui định: có sự đồng ý của cha mẹ, ít là của một trong hai, hoặc của người thế quyền cha mẹ theo luật.

Giáo Luật chỉ đề cập đến Cha Mẹ, chứ không quan tâm về tình trạng hôn nhân của Cha Mẹ. Nên con cái ngoại hôn vẫn được rửa tội. Hơn nữa, Cha mẹ có bổn phận phải lo cho con mình sớm được rửa tội. Rửa tội là “Bí Tích Rửa Tội là cửa ngõ vào các Bí Tích. Sự lãnh nhận Bí Tích Rửa Tội cách thực sự hay ít ra bằng nguyện ước là điều cần thiết cho phần rỗi (Ðiều 849). Không ai có quyền từ chối phần rỗi linh hồn của người khác.

Mẫu đơn hay quen gọi là single-mom được trọn quyền quyết định cho con mình được rửa tội. Tuy nhiên trong sổ rửa tội không chấp nhận cho pater ignatus – Father unknown – Không biết Cha em bé là ai! Phải ghi rõ tên Cha đẻ và cả tên Cha nuôi nếu có để tránh những ngăn trở về huyết thống trực hệ hay bàng hệ sau nầy trong hôn nhân của đứa bé.

Con nuôi của những cặp đồng tính:

Ðiều 868 §2 qui định: có hy vọng vững chắc rằng em bé sẽ được giáo dục trong đạo công giáo. Nếu hoàn toàn không có hy vọng, thì phải hoãn việc rửa tội dựa theo các quy định của luật địa phương, sau khi đã cho cha mẹ biết lý do.

Vấn đề không nằm nơi cặp đồng tính luyến ái, nhưng là quyền lợi thiêng liêng của đứa bé. Em bé có quyền được rửa tội, được giáo dục trong đức tin và được ơn cứu độ. Giáo Hội rửa tội cho em bé căn cứ trên đức tin của Giáo Hội và của cộng đoàn dân Chúa địa phương. Nên có ai đó, dù họ hàng, ông bà hay cha mẹ đỡ đầu hứa sẽ lo giáo dục đức tin cho em bé. Em bé đó sẽ được rửa tội. Nếu không, xìn hoãn lại chờ cho đến khi những hy vọng giáo dục đức tin nầy khả thể. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến văn phòng chưởng ấn địa phận để được hướng dần, trước khi áp dụng những trường hợp đặc biệt trên để trách thắc nắc tiêu cực cho người khác.

Sổ rửa tội: Ghi cả tên Cha mẹ đẻ của em bé và tên của cặp đồng tính, coi như Cha Mẹ nuôi. 

III. Thực hành Phúc Âm:

Bí tích rửa tội: Nhận ơn cứu độ và được sai đi rao truyền ơn cứu độ.

Để bắt đầu cuộc đời truyền đạo, Chúa Giêsu đến sông Giođan xin Ông Gioan ban phép rửa sám hối. Chúa được Thiên Chúa Cha nhìn nhận công khai là “Con dấu ái của Ta!” Chúa Giêsu được Chúa Thánh Thần dưới hình chim câu đậu bên trên đầu. Sau đó Chúa Giêsu được hướng dẫn vào hoang địa, ăn chay cầu nguyện và rồi sau đó bắt đầu cuộc đời truyền đạo. Chúng ta cũng đã được rửa tội, đã được nhận lãnh ơn cứu độ và được sai đi để mang ơn cứu độ cho người khác.

Có 15 triệu người Canada được rửa tội Công Giáo. Nhưng chỉ có bốn triệu người thực hành đức tin, tức khoảng hơn 20%. Số còn lại lạc đạo hay mất đức tin. Người ta đổ thừa là tại cha mẹ bắt họ rửa tội hồi còn bé, họ đâu có biết gì là đạo để giữ hay đức tin để thi hành. Nên có ý kiến đề nghị: Để cho trẻ em lớn lên đến khi có đủ trí khôn để có thể chọn lựa xem có nên rửa tội hay không? Kết quả: Càng lớn, càng tự do chọn lựa, người ta càng tự do chọn cho mình vô đạo.

Thật là sai lầm và ngược với bí tích rửa tội khi Cha mẹ để con cái tự do chọn lựa là có nên rửa tội hay không? Sai lầm, vì không phải ai cũng biết dùng tự do của mình để mang ích lợi thiêng liêng cho mình. Nếu để các em nhỏ lớn lên cho đủ trí khôn rồi hãy quyết định xem có nên đi học hay không thì e rằng đã quá trễ so với tuổi cần phải đến trường. Nếu đã không quen đi học từ nhỏ thì làm sao biết việc học là cần thiết để quyết định chọn đi nhọc. Chắc chắn sẽ chọn ở nhà và thất học.

Đi ngược với bí tích rửa tội: Bí tích rửa tội ban cho ta ơn cứu độ và sai chúng ta đi rao giảng tin mừng. Cha Mẹ đã được rửa tội, cũng như đã biết được đường đi đến hạnh phúc thiên đàng, biết được lẽ phải điều hay mà lại không chỉ dạy hay truyền giảng đức tin cho con mình thì thật là lỗi bổn phận làm Cha Mẹ và đi ngươọc với bí tích rửa tội: Nhận ơn cứu độ và sai đi rao giảng ơn cứu độ.
Lm. Phê-rô TRẦN THẾ TUYÊN

Lectio Divina: Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa (A)
Chúa Nhật, 12 Tháng 1, 2014
Chúa Giêsu chịu phép rửa trong sông Giođan
Mt 3:13-17


1.  Lời nguyện mở đầu

“Chúng con ngợi khen Chúa, Chúa Cha vô hình, Đấng ban sự trường sinh:  Chúa là nguồn mạch của sự sống, nguồn gốc của ánh sáng, là nguồn của mọi ân sủng và chân lý, Đấng yêu thương của nhân loại và của kẻ nghèo khó, Đấng hòa giải với tất cả và lôi kéo mọi người đến với Chúa qua sự xuất hiện của Con Một yêu dấu của Ngài.  Xin Chúa hãy làm cho chúng con là những kẻ đang sống, xin hãy ban cho chúng con ánh sáng của Chúa Thánh Linh để chúng con có thể biết Chúa, Đấng Duy Nhất đích thực là Thiên Chúa và là Đấng đã sai Chúa Giêsu Kitô.” (Kinh Nguyện Thánh Thể của Serapion)   

2.  Bài Đọc

a)  Lời giới thiệu:

Đoạn Tin Mừng này (Mt 3:13-17) là một phần câu chuyện kể của Tác giả Phúc Âm Mátthêu, phần giới thiệu đời sống công khai của Chúa Giêsu.  Sau cuộc chạy trốn sang Ai-cập, Chúa Giêsu về sống ẩn dật ở Nagiarét.  Bây giờ, khi đã trưởng thành, chúng ta tìm thấy Người trên bờ sông Giođan.  Cuộc gặp gỡ của hai người là phần kết dành riêng cho Gioan Tẩy Giả.  Những ai muốn đi sâu vào nhân cách của Gioan và lời rao giảng của ông (Mt 3:1-12 đã trình bày với chúng ta trong phần phụng vụ của Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng) thì cần phải ghi nhớ toàn bộ chương 3 của Tin Mừng Mátthêu.  Đoạn Tin Mừng của chúng ta tập trung cách đặc biệt vào việc thừa nhận về bản tính Thiên Chúa của Đức Kitô tại thời điểm Người chịu phép rửa.  Chúa Cha đã mặc khải danh phận của Đức Giêsu.

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:  

Mt 3:13:  khung cảnh
Mt 3:14-15:  cuộc đối thoại giữa Gioan và Đức Giêsu
Mt 3:16-17:  Thiên Chúa hiển linh/Thiên Chúa hiện ra

c)  Tin Mừng:

13 Khi ấy, Chúa Giêsu bỏ xứ Galilêa mà đến với Gioan ở sông Giođan để ông làm phép rửa cho. 14Nhưng Gioan can Người rằng:  “Chính tôi phải được Ngài rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi sao?” 15 Chúa Giêsu liền đáp lại:  “Không sao, vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế.”   Và bấy giờ ông Gioan chiều ý Người. 16 Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước.  Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu, và đậu trên Người. 17 Và ngay lúc ấy, có tiếng từ trời phán:  “Này là Con yêu dấu của Ta, Con đẹp lòng Ta.”

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện

Để Lời của Chúa có thể thấm nhập vào tâm trí và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm và cầu nguyện.

a)  Tại sao Chúa Giêsu lại “xuất hiện” sau cuộc sống ẩn cư của Người ở Nagiarét?
b)  Bằng cách nào sự nhận thức về danh phận và sứ vụ của Người đã phát triển?
c)  Đã có khi nào tôi làm một việc gì mới mẻ trong đời sống của tôi chưa?
d)  Ai hoặc kinh nghiệm nào đã tiết lộ rõ nhất cho tôi về danh phận, ơn gọi và sứ vụ của tôi?
e)  Kỷ niệm về phép rửa tội của tôi có ý nghĩa gì đối với tôi?

5.  Suy Gẫm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:

Cùng với bài đọc lịch sử trình tự thời gian của đoạn Tin Mừng, cảnh Chúa Giêsu chịu phép rửa và cuộc gặp gỡ của Người với ông Gioan Tiền Hô trước khi Người bắt đầu đời sống công khai, chúng ta cũng cần phải ghi nhớ một bài đọc tiêu biểu, được hỗ trợ bởi các Giáo Phụ Đông Phương, một biểu tượng khuôn khổ của mùa Giáng Sinh trong niên lịch phụng vụ và kết thúc với sự biểu hiện đầy đủ về Thiên Chúa trong bản tính loài người:  một sự tổng hợp biểu hiện hiển linh của Con Thiên Chúa trong thân xác loài người.

b)  Lời bình giải về đoạn Phúc Âm:

Mt 13:13 Chúa Giêsu khi trưởng thành
Sau khi Gioan Tẩy Giả “xuất hiện” trong cảnh (13:1), Đức Giêsu Nagiarét, nơi Người đã trải qua thời thơ ấu và thiếu niên (Mt 12:23), đi đến sông Giođan.  Là một người Do-Thái gương mẫu, Người quan sát các phong trào tôn giáo đích thực dấy lên trong dân chúng.  Chúa cho thấy rằng Người chấp nhận việc làm của Gioan và quyết định chịu phép rửa bằng nước, tất nhiên là không phải để được tha thứ các tội lỗi, nhưng là để hợp nhất và chia sẻ đầy đủ niềm mong chờ và hy vọng của tất cả mọi người.  Không phải nhân loại đến với Người, mà là Người đến với nhân loại, theo luận lý của sự nhập thể làm người.

Mt 13:14-15 Cuộc đối thoại của ông Gioan với Chúa Giêsu
Cố gắng của ông Gioan để can ngăn việc làm phép rửa cho Chúa Giêsu là sự thừa nhận của ông về sự khác biệt giữa hai người và nhận thức về sự xuất hiện mới (Bản Giao Ước Mới).   “Đấng đến sau tôi … sẽ làm phép rửa cho các anh trong Chúa Thánh Thần và lửa … Người cầm nia trong tay … sẽ sẩy sân lúa … sẽ thu vào … sẽ đốt đi…” (xem các câu Mt 3:11-12). Thái độ của Chúa Giêsu là vẫn một mực vâng phục theo kế hoạch cứu độ của Chúa Cha (theo cách này, làm tất cả những gì mà lẽ công chính đòi hỏi), một cách cung kính (trong sự khiêm tốn – kenosis) và đúng lúc (thời gian – kairos).  Chúng ta cũng thấy sự khác biệt giữa hai người từ xuất xứ của gia đình (gia đình ông Gioan thuộc dòng tộc tư tế), từ nơi sinh sống (ông Gioan từ thành Giêrusalem, Chúa Giêsu từ làng Nagiarét) từ cách được thụ thai (lời công bố được báo cho người cha, ông Giacaria, theo phong tục cũ; so với lời công bố được báo cho người mẹ, Đức Maria), tuổi tác của cha mẹ (cha mẹ của ông Gioan đã luống tuổi).  Tất cả mọi việc chỉ vào sự chuyển đổi từ cũ sang mới.  Mátthêu chuẩn bị cho các độc giả về sự mới mẻ của Đức Kitô: “các anh đã nghe nói, nhưng tôi nói với các anh” (Mt 5).

Mt 13:16-17 Sự hiện diện của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần
Trong Tin Mừng Mátthêu chúng ta có sự trang trọng “bái thờ của Ba Vua” trong việc thừa nhận phong cách hoàng gia và thiên tính của Đức Giêsu.  Thánh Luca cũng cho biết thêm về sự thừa nhận của bà Êlisabéth (Lc 1:42-43), của các thiên thần (Lc 2:13-14), của các mục đồng (Lc 2:20), và của ông cụ Simêon và bà Anna (Lc 2:30, 28).  Tất cả các Thánh Sử đều ghi lại lời công bố về danh phận thiên tính của Chúa Giêsu bởi Đức Chúa Cha và Chúa Thánh Thần hiện diện dưới hình thức của chim bồ câu. Thánh Mátthêu nói một cách rõ ràng:  “Đây là”, chứ không phải “con là”, Con Yêu Dấu của Ta.  Chúa Giêsu nguyên thủy là Thiên Chúa và cũng là một ông A-dong mới, khởi đầu cho một nhân loại mới được giao hòa với Thiên Chúa cũng như thiên nhiên được giao hòa với Thiên Chúa qua phương cách dìm mình trong nước của Đức Kitô.  Các tầng trời được mở trở lại sau khi bị đóng trong một thời gian dài bởi tội lỗi, và địa cầu được chúc phúc.
Việc dìm người vào trong nước của Chúa Giêsu miêu tả trước việc đi xuống địa ngục của Người và những lời của tác giả Thánh Vịnh trở thành sự thật (Tv 74:13-14), Người nghiền nát đầu kẻ thù.  Phép Rửa không chỉ là những biểu hiện trước, mà nó còn khai mạc và dự kiến việc bại trận của Satan và việc giải phóng của A-dong.
Tuy nhiên, sẽ không dễ dàng gì nhận ra được Đấng Cứu Thế trong thân xác yếu đuối của Người.  Chính ông Gioan Tẩy Giả đã có một số ngờ vực khi ở trong tù, và ông đã gửi các môn đệ của mình đến thưa cùng Chúa Giêsu “Ngài có phải là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi Đấng nào khác?”(Mt 11:3).
                                                                                                                                                         
6.  Dành cho những ai muốn đi sâu hơn vào khía cạnh phụng vụ và đại kết 


Trong truyền thống của các giáo hội Đông Phương, lễ Chúa Giêsu chịu Phép Rửa là lễ phụng vụ quan trọng nhất của mùa Giáng Sinh.  Vào ngày 6 tháng giêng hằng năm họ cử hành cùng một lúc các lễ Chúa Giáng Sinh, Chúa Hiển Linh, Chúa chịu Phép Rửa, và tiệc cưới tại Cana.  Thay vì chú trọng về tiến trình lịch sử cuộc đời của Chúa Giêsu, họ nhấn mạnh vào sự liên quan đến khía cạnh thần học cứu rỗi của Người.  Họ không dừng lại ở khía cạnh tình cảm, mà chú trọng về việc khải hiện lịch sử của Thiên Chúa và thừa nhận Đức Giêsu là Chúa.
Tiến sĩ Hội Thánh Cyril thành Giêrusalem nói rằng Chúa Giêsu ban cho nước của phép rửa “màu sắc thiên tính của Người” (trích III mystagogic catechesis, 1).
Thánh Gregory Naziazen viết rằng việc tạo dựng ra thế giới này và việc tạo dựng của thế giới tâm linh, một khi các kẻ thù nghịch kết hợp trong tình bạn, và loài người chúng ta được hiệp nhất nên một ca đoàn với các thiên thần, dự phần trong các lời ca ngợi (PG 46:599).
Việc trầm mình vào trong nước tương ứng với sự xuống thế được tượng trưng bởi việc hạ sinh trong hang đá.  Nước tàn phá trở thành nước cứu rỗi vì lẽ công chính.
Các bài đọc Cựu Ước của giờ Kinh Phụng Vụ ban chiều nhắc lại nước cứu rỗi:  Chúa Thánh Thần bay lượn trên mặt nước lúc Chúa sáng tạo trời đất (St 1), nước của sông Nile đã cứu ông Môisen (Xh 2), nước đã rẽ ra để cho dân Israel đi qua (Xh 14), nước tại Mara hóa nên ngọt ngào (Xh 15), nước sông Giođan đã chảy ngược dòng trước Hòm Bia Giao Ước (Ys 3), nước sông Giođan chữa lành ông Naaman khỏi bệnh phong cùi (2V 5), v.v.  Sau đó, Chúa Giêsu tại tiệc cưới Cana đã biến nước thành rượu (Ga 2) như một dấu hiệu cho thấy thời điểm của ơn cứu độ đã đến.
Vào dịp lễ này theo phụng vụ Đông phương, có một truyền thống làm phép nước trong một con suối hay một dòng sông bằng cách dìm thánh giá dưới nước ba lần (phép rửa nhúng trong nước ba lần).  Điều này nhắc lại lời tiên tri Isaia:  hãy để cho vùng đất hoang vu và đồng khô cỏ cháy mừng rỡ trổ bông (Is 35:1-10), Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây (Is 55:1-13), hãy vui mừng múc nước (Is12:3-6). 

7.  Thánh Vịnh 114 (113)

Alleluia!
Thuở Israel ra khỏi Ai-cập,
thuở Nhà Giacóp rời bỏ ngoại bang,
thì Giuđa trở thành nơi Chúa ngự,
Israel trở nên lãnh địa của Người.
Vừa thấy thế, biển liền trốn chạy,
sông Giođan cũng chảy ngược dòng
Ví tựa bầy chiên, núi đồi nhảy nhót,
như thể đàn cừu, gò nổng tung tăng.
Biển kia ơi, việc gì mà trốn chạy?
Giođan hỡi, cớ chi chảy ngược dòng?
Kìa núi đồi, sao nhảy nhót ví tựa bầy chiên?
Này gò nổng, sao tung tăng như thể đàn cừu?
Trước thánh nhan Chúa, hỡi địa cầu, hãy rung chuyển,
trước thánh nhan Chúa Trời nhà Giacóp,
Người biến đá tảng thành hồ ao,
và sỏi đá nên mạch nước dồi dào.

8.  Lời nguyện kết

Lạy Chúa Giêsu, nguồn mạch của sự sống, Người đến để hủy bỏ bản án của A-dong, trong dòng sông Giođan, Chúa dẹp tan mọi hận thù; xin hãy ban cho chúng con sự bình an vượt ngoài mọi suy nghĩ.  Ngôi Lời rực rỡ được Chúa Cha sai đến, sau khi Chúa đã làm bật gốc những tội lỗi tày trời, Chúa đến và làm tiêu tan những giờ khắc dài và buồn thảm của đêm tối, và bởi phép rửa của Chúa, xin hãy để cho con cái Chúa chỗi dậy rực rỡ từ những sóng nước của dòng sông Giođan.  Nguyện xin cho nhân loại được mặc lấy màu trắng tinh tuyền, bước ra khỏi nước như con cái của Thiên Chúa và biến đổi loài thụ tạo giống như hình ảnh của Đấng Tạo Hóa. (Trích “thánh ca” phụng vụ Đông phương)

Ngày 12-1-2014: CON THIÊN CHÚA VÀ NHỮNG NGƯỜI TỘI LỖI (Mátthêu 3,13-17 – Phép Rửa - A)
Trong phép rửa của Đức Giêsu, có tỏ hiện những đường nét của toàn thể hoạt động của Người.

Lm PX Vũ Phan Long, ofm


1.- Ngữ cảnh
Về phương diện lịch sử, kinh nghiệm Đức Giêsu trải qua như bản văn chúng ta đọc hôm nay mô tả, là điều không thể kiểm chứng được. Lần đầu tiên Người hé cho dân chúng thấy được điều gì đó về thân thế của Người là trong cuộc gặp gỡ với Gioan, vị Tiền Hô; chỉ các Tin Mừng mới ghi lại cuộc gặp gỡ này (Mc 1,9-11; Lc 3,21-22; x. Ga 1,29-34).

Cuộc gặp gỡ Giođan không phải là một cuộc hẹn, cũng chẳng phải là một cuộc gặp gỡ tình cờ. Đây là tổng hợp những tương quan giữa Đức Giêsu và Gioan. Nếu ta nghĩ rằng đây là cuộc đối thoại đầu tiên hoặc duy nhất, thì ta quên tính cách cách-điệu hoặc hệ-thống-hóa quen thuộc của các Tin Mừng.  Hợp lý có lẽ nên giả thiết là đã có những cuộc gặp gỡ trước để trao đổi tầm nhìn, trao đổi các nhận định, và biến cố hôm nay chỉ là kết luận cho các gặp gỡ ấy.

Mẩu đối thoại ở cc. 14-15 chỉ có trong TM Mt, phản ánh một chiều hướng biện giáo. Sự kiện Đức Giêsu được Gioan ban phép rửa đã sớm tạo ra những khó khăn cho các Kitô hữu (so với Lc 3,21t; Ga 1,29-34): (i) Ngược lại với những gì chính Gioan đã loan báo về sự cao cả của Đấng Mêsia, ở đây các vai trò dường như bị đảo lộn; (ii) Phép rửa của Gioan, có kèm theo việc thú tội, được ban cho những người có tội; vậy khi đến nhận phép rửa, dường như Đức Giêsu ý thức mình có tội. Mẩu đối thoại cung cấp câu trả lời cho vấn nạn (i), còn cuộc thần hiển tiếp đó trả lời cho vấn nạn (ii).

Trong bài, có những chi tiết lấy từ các Bài Ca về Người Tôi Trung của Đức Chúa (Mt 3,17:Is 42,1). Đức Giêsu là Người Tôi Trung đã sẵn sàng đến chia sẻ thân phận khốn cùng của kẻ tội lỗi, khi đến xếp hàng chờ được nhận phép rửa, là nhận lấy những yếu đuối của loài người, như Mt nói sau này (Mt 8,17: Is 53,4). Như thế, tác giả đã kín đáo ám chỉ cuộc Thương Khó (x. Mt 27,45-56).

2.- Bố cục
Bản văn có thể chia làm hai phần:
1) Phép rửa của Đức Giêsu (3,13-15);
2) Cuộc thần hiển (3,16-17).

3.- Vài điểm chú giải
- chúng ta nên làm như vậy (15): Prepon estin (“nên; điều xứng hợp là”) hầu như tương đương với động từ dei (“phải; cần thiết”), diễn tả nhiệm vụ phát xuất từ ý muốn của Thiên Chúa. 

- giữ trọn
 (15): Trong TM Mt, động từ plêroô, “làm cho đầy; làm trọn” không có nghĩa là chu toàn một lệnh truyền, mà là thực hiện một kế hoạch của Thiên Chúa.

- đức công chính
 (15): Dikaiosynê không phải là một nhân đức luân lý (“công bình”), nhưng là một lối sống, một cách xử sự tương hợp với kế hoạch và ý muốn của Thiên Chúa. Mtdùng từ ngữ này đặc biệt trong Bài Giảng trên núi. Trong bối cảnh chung của tư tưởng tôn giáo Híp-ri, “đức công chính” đây là việc thực hiện các ý muốn của Thiên Chúa, quy phục Luật Giao ước thật kỹ càng. Mt cũng đứng trong truyền thống thần học này: con người nên công chính khi, nhờ có cảm thức sắc bén về tính siêu việt và sự thánh thiện của Thiên Chúa, họ tìm cách sống hoàn toàn phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Như vậy, Thiên Chúa đã quy định rằng Đấng Mêsia phải nhận phép rửa của Gioan và xuất hiện ra như mộtngười tội lỗi. Vì sao? Ngữ cảnh không cung cấp một lý do rõ ràng nào giúp giải thích ý muốn này của Thiên Chúa. Nhưng toàn bộ Tân Ước thì cung cấp hai lý do:

(1) Lý do thứ nhất dựa trên Mt 20,28 và 26,28: Đức Giêsu phải tạ tội cho “một số đông” (= muôn người). Cv 8,32-35 (trích Is 53,7-8) cho thấy Đức Giêsu là như Người Tôi Trung của Đức Chúa, chịa đau khổ vì tội lỗi của dân mình, cho dù bản thân Người không có tội. Thánh Phaolô diễn tả rõ ràng: Nhờ việc nhập thể, Đức Giêsu đã “mang thân xác giống như thân xác tội lỗi” (Rm 8,3), Người đã trở nên thành viên và thủ lãnh của một nhân loại tội lỗi. Vậy, mặc dù không có tội, Đức Giêsu đã phải lãnh nhận phép rửa bày tỏ sự thống hối do liên đới với loài người tội lỗi (x. 2 Cr 5,21; Dt 2,14-17).

(2) Lý do thứ hai, tương tự lý do thứ nhất, nhưng nhìn dưới một góc độ khác: không nhìn Đức Giêsu tự đồng hóa với các tội nhân, nhưng tự đồng hóa với những người-tội-lỗi-hoán-cải. Bởi vì khi nhận phép rửa của Gioan, người Do Thái phải đáp ứng một yêu cầu về sự công chính, nghĩa là phải bày tỏ lòng thống hối, ước muốn trở lại với Thiên Chúa và lại sống trung thành với những đòi hỏi của Giao ước. Sự công chính Kitô giáo, theo như Mthiểu, về cơ bản có một ý nghĩa tương tự sự công chính theo Giao ước cũ (nhưng vượt xa sự công chính này): là trung thành với những đòi hỏi của Giao ước mới, quy phục luật mới do Đức Kitô ban cho (x. ch. 5–7). Như thế, khi Đức Kitô “giữ trọn đức công chính”, Người vừa nhận cho mình thái độ của những người Israel “công chính” trung thành với Giao ước, vừa đưa sự trung thành đó đến mức hoàn hảo cuối cùng. Có lẽ đây đúng là ý nghĩa của phép rửa Đức Giêsu nhận: khi ấy, Người trở nên liên đới với đoàn dân đang quay về để sống trung thành. Khi nhận phép rửa, Đức Kitô lôi kéo theo với Người và trong Người tất cả những người tin, đi vào cuộc quay trở về để sống trung thành, đi vào thái độ vâng phục thảo hiếu đối với Chúa Cha. Và Người sẽ diễn tả thái độ hiếu thảo này ra hết sức rõ ràng trong cuộc Khổ Nạn (x. 26,39), là lúc mà đức công chính được giữ trọn. Lời nói đầu tiên của Đức Giêsu trong TM Mt cũng tóm tắt toàn thể cuộc đời Người.

- các tầng trời mở ra 
(16): Mt sử dụng cùng một động từ với Is 63,19 LXX, “mở ra” (anoigô), trong khi bản Híp-ri là “xé ra”, qr‘ (“Phải chi Ngài xé trời mà xuống”), nhưng ý nghĩa vẫn là một: niềm hy vọng cánh chung được vị ngôn sứ loan báo, nay đã được thực hiện.

- như chim bồ câu
 (16): “Như; giống như” (hosei) bổ nghĩa cho động từ “xuống” chứ không phải cho danh từ “Thần Khí”. Trong Do Thái giáo, không bao giờ con chim bồ câu được coi là hình ảnh của Thần Khí cả, nhưng có một vài bản văn so sánh chuyển động của Thần Khí Thiên Chúa với chuyển động của một con chim bồ câu “bay lượn trên đàn con rất gần, mà không chạm vào chúng”. Sách St viết: “Thần khí bay lượn trên nước” (1,2). Hình ảnh này muốn nói: (1) Thần Khí không phải là một sức mạnh phát xuất từ thiên nhiên hay con người, mà là một hữu thể siêu việt; (2) Thần Khí hoạt động vừa dịu dàng vừa gần gũi. Bản văn Mt cũng như Mc không muốn nói đến dáng vẻ bề ngoài (như Lc), mà là cách thức Thần Khí đến và tác động trên Đức Giêsu.

- Đây là Con yêu dấu của Ta
 (17): Lời Chúa Cha nhắc lại Tv 2,7: “Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con” và Is 42,1: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và quý mến hết lòng, Ta cho thần khí Ta ngự trên nó”. Có nhiều bản văn Cựu Ước trong đó Thiên Chúa gọi Israel là “con” (x. Xh 4,22; Hs 11,1 …) khiến ta có thể nghĩ rằng ở đây Mt gợi ý Đức Giêsu là “Israel mới”. Câu truyện “Cám dỗ” (4,1-11) sẽ nêu rõ sự song đối này.

Câu nói từ trời được lặp lại y nguyên trong bài tường thuật Hiển Dung (x. 17,5). Hẳn là Mtmuốn tạo một tương quan thần học giữa hai biến cố. Cũng như biến cố Hiển Dung báo trước việc Đức Giêsu được tôn vinh khi sống lại (sự tôn vinh này là hoa trái của sự tự hạ trong cuộc Thương Khó), biến cố tiếng nói và Thần Khí xuống cũng loan báo Đức Kitô được tôn vinh; sự tôn vinh không chỉ là hoa trái của Khổ Nạn mà còn của cả cuộc đời tự hạ của Đức Kitô, khởi đầu với sự tự hạ trong phép rửa. Tất cả những điều này xác nhận rằng truyện Phép Rửa đúng là một cuộc thần hiển, như cuộc Hiển Dung, chứ không phải là một thị kiến của riêng Đức Giêsu. Cuộc thần hiển này được ngỏ với các độc giả Tin Mừng, nay đã là môn đệ Đức Giêsu (bởi vì Mt không nhắc tới đám đông dân chúng nào cả), cũng như cuộc Hiển Dung chỉ được ngỏ với ba tông đồ.    

4.- Ý nghĩa của bản văn
Bước đầu đưa Đức Giêsu đi vào hoạt động công khai xảy ra trong bối cảnh là phép rửa do Gioan cử hành. Đức Giêsu từ Galilê đến sông Giođan và muốn được Gioan làm phép rửa cho. Chính diễn tiến của phép rửa chỉ được nhắc qua (3,16). Nhưng phép rửa này tạo cơ hội cho Gioan, Đức Giêsu và Thiên Chúa lên tiếng và những phương diện cốt yếu của hoạt động của Đức Giêsu được tỏ bày. Gioan phản đối viẹc Đức Giêsu xin được ban phép rửa, vì ông coi là chuyện không hợp (3,14). Những lời đầu tiên Đức Giêsu nói khẳng định rằng Người có nhiệm vụ đưa trọn ý muốn của Chúa Cha đến chỗ hoàn tất (3,15). Rồi Thiên Chúa nhìn nhận Đức Giêsu là Con yêu dấu của Ngài (3,17).

* Phép rửa của Đức Giêsu (13-15)

Bản văn này có giọng tường thuật.
Gioan đã dùng ba cách để tuyên bố Đức Giêsu là Đấng có ưu thế hơn (3,11-12): 1) Người là Đấng mạnh hơn, Người vượt xa Gioan bằng sức mạnh thực thụ. 2) Người có phẩm giá cao vời: ngay đến việc xách dép cho Người, Gioan cũng không xứng đáng. 3) Người sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần, trong khi Gioan chỉ làm phép rửa trong nước. Nước có là gì đâu trước Thần Khí Thiên Chúa, trước sự sống chan hòa của chính Thiên Chúa? trước sinh lực dồi dào và niềm hạnh phúc của Thiên Chúa? Ai là Đấng có thể làm phép rửa với Thánh Thần? Thế mà chính Đấng đã được Gioan loan báo như thế lại muốn được ông làm phép rửa cho. Được  làm phép rửa bằng nước có ý nghĩa gì đối với Đấng sẽ làm phép rửa trong Thánh Thần? Xếp hàng nối vào những người không có Thánh Thần có ý nghĩa gì đối với Đấng sẽ thông ban Thánh Thần? Gioan có một ý tưởng khác về điều phù hợp với Đức Giêsu, ông không thấy vị trí của Người bên cạnh những người đến xin ông ban phép rửa. Nhưng ông xin Đức Giêsu giáo huấn mình. Suốt hành trình, Đức Giêsu sẽ bị người ta cật vấn về cách xử sự của Người, đặc biệt là cách xử sự của Người đối với những kẻ tội lỗi (x. 9,11). Các đối thủ của Người sẽ có những ý tưởng sai lạc về những gì xứng hợp với Đấng Thiên Chúa sai đến.

Lời đầu tiên Đức Giêsu nói có một đặc tính căn bản: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính” (3,15). “Đức công chính” có nghĩa là những gì “công chính” trước mặt Thiên Chúa, những gì tương ứng với ý muốn của Ngài. Chuyện Đức Giêsu được Gioan làm phép rửa cho thuộc về ý muốn của Thiên Chúa. Người làm như thế không phải theo một ý riêng, nhưng bởi vì Thiên Chúa muốn thế. Chính trong sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa mà Đức Giêsu xin Gioan làm phép rửa cho mình và bắt đầu hành trình.

Đức Giêsu nhận biết là ý Thiên Chúa muốn Người hòa mình vào số những người đến xin Gioan làm phép rửa. Họ là những người đã nghe lời kêu gọi hối cải và công khai thú nhận mình là người tội lỗi (3,6). Người không đứng vào hàng ngũ những người chắc chắn về mình, những người nghĩ rằng mình công chính và vô phương trách cứ. Thật ra, Người không phải trách mình về bất cứ tội nào; nhưng quan hệ của Người với Thiên Chúa là thế nào, thì lát nữa chính Thiên Chúa sẽ phải tỏ ra. Đức Giêsu như đang nhắc lại tên của Người: “Chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (1,21) và giới thiệu sứ mạng của Người: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (9,13). Người bắt đầu trợ giúp người tội lỗi bằng cách không giữ khoảng cách đối với họ, mà là đến ở giữa họ: như một người trong số họ, Người xin Gioan làm phép rửa cho. Qua hành vi này, Đức Giêsu nhìn nhận giá trị của phép rửa Gioan, nghĩa là Vị Tẩy Giả rao giảng và làm phép rửa không do sáng kiến loài người, nhưng theo nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó (x. 21,25). Đồng thời, Người tỏ thái độ đối với những kẻ mà Người được gửi đến phục vụ: Người ở bên cạnh họ và chăm sóc họ bằng cách sống giữa họ. Toàn thể hoạt động của Người cho đến chết trên thập giá được quy định bởi chiều hướng và sứ mạng này.

Khi tỏ ra liên đới với người tội lỗi, Đức Giêsu phản đối quan niệm của Vị Tẩy Giả về Nước Trời và về Đấng Mêsia: thay vì tự giới thiệu như là Vị Thẩm Phán cánh chung đến quét sạch sân lúa của mình trong Cơn Thịnh Nộ và trong lửa, Đức Giêsu đã trầm mình vào dòng sông Giođan. 

* Cuộc thần hiển (16-17)

Bản văn này có giọng điệu khải huyền.
Lời Thiên Chúa phán sau đó cho thấy người hành động như thế là ai và Thiên Chúa ở về phía Người như thế nào: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (3,17). Lời này cũng căn bản và chất chứa cả một chương trình như lời tuyên bố của Đức Giêsu về việc Người vâng theo ý muốn của Chúa Cha (3,15). Đấng vâng phục Thiên Chúa và đứng về phía người tội lỗi chính là Con yêu dấu của Thiên Chúa. Tương quan của Người với Thiên Chúa không hề bị tội lỗi làm cho rối loạn. Người đứng bên những kẻ tội lỗi và có thể trợ giúp họ chính là vì Người không phải là một người trong số họ. Thiên Chúa yêu thương Người bằng một tình yêu độc nhất vô nhị, hài lòng về Người, hoàn toàn đồng ý với Người và với cách hành động của Người. Người là Con, được hiệp nhất với Chúa Cha theo cách hoàn toàn đặc biệt; Thần Khí Thiên Chúa ngự trên Người; Người đầy sức sống và sức mạnh Thiên Chúa; đó là sức tạo thành và làm cho sống.

Bản văn cho hiểu là Chúa Cha chấp nhận sự vâng phục của Đức Giêsu, khi mô tả việc Thần Khí ngự xuống và nhắc đến “tiếng nói từ trời”. Như vậy, phép rửa giống như một lễ tấn phong Đức Giêsu làm Đấng Mêsia (x. 11,2; Ge 3,1-2).

+ Kết luận

Bằng cách đó, Đức Giêsu được chuẩn bị cho sứ mạng Người và có thể đưa phép rửa bằng Chúa Thánh Thần như đã được loan báo đến chỗ được thực hiện. Trong phép rửa của Đức Giêsu, có tỏ hiện những đường nét của toàn thể hoạt động của Người. Người đến không phải cho những người công chính, nhưng đến sống giữa những người tội lỗi. Người làm như thế vì vâng theo thánh ý của Thiên Chúa và trong tư cách Con yêu dấu của Ngài, sống hiệp thông hoàn toàn với Chúa Cha. Điều mà người tội lỗi bị thiếu, thì Đức Giêsu được Thiên Chúa ban cho ở mức hoàn hảo. Như thế, Người có thể tha thứ tội lỗi và đưa người ta đến hiệp thông với Thiên Chúa.

5.- Gợi ý suy niệm
1. Hôm nay, chúng ta được mời gọi nghe tiếng nói từ trời giải thích ý nghĩa những sự việc đang xảy ra tại sông Giođan. Đến lượt Đức Giêsu ra đi dùng cuộc đời, lời nói và các việc làm, mà trở thành tiếng nói của Chúa Cha cho loài người. Rồi Người sẽ gọi một số người, trong đó có chúng ta, nối tiếp Người trong sứ mạng này. Hôm nay, chúng ta có thể tự hỏi: Lâu nay, nghe những lời tôi nói và nhìn cách tôi sống, người khác nhận ra được sứ điệp nào của Chúa Cha?

2. Khi đến xin nhận phép rửa, Đức Giêsu xếp hàng với những người tội lỗi, là những kẻ mà Người đến để tha thứ và cứu độ. Đấy là cách thức làm việc của Người. Người cứu độ bằng cách chia sẻ tình trạng bần khốn, nghèo hèn của nhân loại, để biến đổi nhân loại từ bên trong. Người sẽ đi tới cùng trong lập trường này khi chấp nhận tự hủy trong cái chết trên thập giá. Khi chọn lựa như thế, Đức Giêsu đã phác ra cho các Kitô hữu một phương cách làm việc tông đồ: không phải là đứng từ trên mà phê phán, thống trị, nhưng hòa mình vào để chia sẻ.

3. Khi Đức Giêsu đã phải chọn lựa đứng vào hàng ngũ các tội nhân và trầm mình vào dòng sông Giođan, Người cho hiểu rằng chúng ta đang ở tại đó, tại đáy thẳm cuộc đời, trong tình trạng nghèo hèn, và Người sẵn sàng đến gặp để đưa chúng ta đi lên. Như thế, chẳng ai trong loài người có thể tự hào rằng mình sống xứng đáng với tình yêu của Thiên Chúa, mình được chiếu cố vì đã sống ngay chính.


4. Trong bí tích rửa tội, người Kitô hữu được cùng chết với Đức Kitô và cùng sống lại với Người. Khi đó, người ấy như được nghe Chúa Cha nói về mình như đã nói về Đức Giêsu xưa kia: “Đây là Con yêu dấu của Ta”. Nhưng khi đó, người tín hữu cũng hiểu rằng mình phải lên đường đi cứu thế như và cùng với Đức Giêsu, Con yêu dấu của Chúa Cha. Trách nhiệm của người Kitô hữu cũng như trách nhiệm của Đức Giêsu, là giới thiệu cho thấy Thiên Chúa là Cha và truyền thông tình yêu của Chúa Cha cho anh chị em mình.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét