Trang

Thứ Tư, 29 tháng 1, 2014

Giải đáp phụng vụ: Cộng đoàn quỳ gối đến hết Vinh tụng ca (doxology) không?

Giải đáp phụng vụ: Cộng đoàn quỳ gối đến hết Vinh tụng ca (doxology) không?

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Tôi lấy làm lạ là tại sao ở Mỹ, quy tắc là trong Thánh lễ cộng đoàn quỳ gối cho đến sau tiếng Amen của Kinh nguyện Thánh Thể, trong khi ở các nước khác, quy tắc là phải đứng. Ở một số địa điểm, giáo dân còn đưa hai tay lên, như trong Cựu Ước, trong khi vinh tụng Thiên Chúa bằng lời thưa Amen. Lời thưa Amen này được kèm theo một cử chỉ của việc nâng cao Mình Máu thánh, vốn hàm ý một cử động của toàn thề cộng đoàn hướng về Thiên Chúa. Theo tôi, tư thế quỳ vào lúc này dường như mâu thuẫn với ý nghĩa ban đầu của lời thưa quan trọng Amen. Điều quan trọng không phải là chính quy tắc, nhưng là ý nghĩa của cử chỉ phụng vụ trong toàn bộ bối cảnh của thánh lễ. Thưa cha, Cha nghĩ sao về việc này? – J. D., Poteet, Texas, Mỹ.

Đáp: Phiên bản tiếng Mỹ của Qui chế Tổng Quát Sách Lễ Rôma (GIRM ) cho biết trong số 43: "Trong các giáo phận của Mỹ, giáo dân quỳ từ sau khi hát hoặc đọc Thánh Thánh Thánh (Sanctus) cho đến hết lời thưa Amen của Kinh nguyện Thánh Thể [...]”. Trong bản gốc Latinh và các ngôn ngữ khác, qui chế nói rằng tín hữu quỳ gối trong khi Truyền phép, từ Kinh khẩn cầu Thánh Linh (epiclesis) đến "Đây là mầu nhiệm Đức tin, Mysterium fidei". Tuy nhiên, qui chế nói thêm: “Ở đâu giáo dân có thói quen quỳ suốt sau câu tung hô Thánh Thánh Thánh cho đến hết Kinh Nguyện Thánh Thể, thì đó là điều đáng khen nên duy trì” (bản dịch tiếng Việt của linh mục Phanxicô Xavier Nguyễn Chí Cần, giáo phận Nha Trang).

Do đó, hai sự tùy chọn này là một vấn đề của truyền thống và tập tục địa phương. Tòa Thánh đã phê chuẩn sự thích ứng của qui chế chung do Hội đồng Giám Mục Mỹ đề nghị, bởi vì nó đã là một thực hành tốt tại Mỹ từ lâu rồi.

Mặc dù bạn đọc trên đây của chúng tôi có một ghi nhận thú vị liên quan đến cử chỉ nâng cao Mình Máu Thánh Chúa, tôi tin rằng việc yêu cầu mọi người đứng lên trước khi dứt lời Amen sẽ thực sự làm gián đoạn dòng chảy tự nhiên của Kinh nguyện Thánh Thể. Trong khi các cử chỉ là quan trọng, sự tham gia chủ yếu của tín hữu tại thời điểm này là liên kết trong lời thưa Amen quan trọng, vốn kết thúc Kinh nguyện Thánh thể. Với lời thưa Amen này, mọi người một cách nào đó làm cho các lời kinh và lời cầu được công bố bởi linh mục trở nên chính lời của mình, và qua linh mục, họ kết hiệp với hy lễ đời đời của Chúa Kitô.

Vì lý do này, linh mục và phó tế nâng cao Đĩa thánh và Chén thánh cho đến khi lời thưa Amen được hoàn tất trọn vẹn. Việc này được Qui chế Tổng Quát Sách lễ Rôma (GIRM), số 180 nói: "Ðến vinh tụng ca kết thúc kinh Tạ Ơn, thầy phó tế đứng cạnh vị tư tế, nâng Chén thánh lên, đang khi vị tư tế nâng đĩa có Mình Thánh, cho đến khi giáo dân đã tung hô: "Amen" (bản dịch tiếng Việt, như trên).

Liên quan đến điều này, có một câu trả lời chính thức trong năm 2009 cho một sự nghi ngờ được đăng trong tờ Notitiae, cơ quan thông tin của Thánh bộ Phụng Tự và Kỷ luật Bí Tích. Người ta hỏi rằng liệu có là hợp lệ khi trong thánh lễ đồng tế, các linh mục nâng cao nhiều chén thánh lúc đọc hay hát Vinh tụng ca không.

Thánh Bộ của Tòa Thánh đã trả lời là không, và đặc biệt bài xích việc làm này. Thánh Bộ nhấn mạnh rằng chỉ có một Đĩa thánh và một Chén thánh được nâng cao tại thời điểm ấy. Thánh Bộ giải thích rằng không cần hơn một cử chỉ để cho tín hữu nhìn thấy Mình Thánh và Chén Thánh, cho bằng cần diễn tả một cách nghi thức các lời kinh mà linh mục đã đọc trong Vinh tụng ca cuối cùng. (Zenit.org 18-5-2010)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét