Trang

Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Một năm mới với hai vị giáo hoàng

Một năm mới với hai vị giáo hoàng

Năm nay là năm ta có hai vị giáo hoàng, và nó kết thúc với “hình ảnh” hai vị giáo hoàng gặp mặt nhau. Thực vậy, ngày 23 tháng 12, Đức Phanxicô tới thăm Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI và mời ngài dự bữa ăn trưa. Dĩ nhiên là Đức Bênêđictô “vâng lời” như lời ngài đoan hứa lúc đọc diễn văn từ giã vào ngày 28 tháng Hai và lúc được Đức Phanxicô gọi chào kính sau ngày được bầu làm giáo hoàng.

Bởi thế, ngày 27 tháng 12 vừa qua, Đức GH hưu trí đã tới Nhà Thánh Marta dự bữa cơm trưa do Đức Phanxicô khoản đãi. Bộ trưởng ngoại giao thuộc phủ Quốc Vụ Khanh là Đức TGM Dominique Mamberti, và Lượng Giá Viên Phủ Quốc Vụ Khanh là Đức TGM Peter Bryan Wells cũng dự buổi ăn trưa với hai vị Giáo Hoàng, và hai thư ký riêng của các vị.

Điều đáng lưu ý là cả hai nhân vật số 1 và số 2 của Phủ Quốc Vụ Khanh là Quốc Vụ Khanh, TGM Pietro Parolin, và Phó Quốc Vụ Khanh, TGM Angelo Becciu, đều vắng mặt trong bữa ăn trưa này. Theo suy diễn từ một thông báo ngắn do Đài Phát Thanh Vatican loan tải, thì cả hai vị đều không có mặt tại Rôma. Bản thông báo chỉ vắn tắt cho rằng hai Đức TGM Mamberti và Wells được mời vì “đang ở Rôma”. 

Điều cũng đáng lưu ý là cuộc viếng thăm Đức Phanxicô của Đức Bênêđíctô không được loan báo trên kênh thông tin thông thường tức qua cuộc họp báo với các hãng thông tấn và trên tờ Bolletino của Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh, mà là qua Đài Phát Thanh Vatican. Đây là cách qua đó tin tức được thông truyền mà Vatican không muốn chúng nổi bật lắm. 

Chiến thuật truyền thông này đến nay đã được chứng nghiệm khá đầy đủ. Xem ra, truyền thông đã trở thành tác vụ quan trọng nhất hiện nay ở Vatican. Chiến thuật này trở nên quan trọng từ thời có vụ tai tiếng Vatileaks (rì rỏ), lúc Tòa Thánh nhận thấy nhu cầu phải thuê một cố vấn về truyền thông cho Phủ Quốc Vụ Khanh. Người được chọn chính là Greg Burke. 

Chiến thuật truyền thông tỏ ra hết sức chủ yếu trong lúc có các cuộc họp trước cơ mật viện bầu giáo hoàng, và, theo tiết lộ của tờ Wall Street Journal, đó là lý do khiến các vị Hồng Y trong cơ mật viện bầu giáo hoàng "thay đổi lối thuật sự” dựa vào cuộc nói chuyện với bốn vị Hồng Y khác nhau. 

Chiến thuật này chủ yếu đến nỗi đã phải yêu cầu McKinsey nghiên cứu một chiến thuật truyền thông mới cho Vatican. 

Với các đặc sủng và cung cách giao tiếp rất tự nhiên đối với đám đông của ngài, Đức Phanxicô là "viên đá góc tường” đối với chiến thuật truyền thông mới này. Có điều đáng ngại là người ta quá chú ý tới các điệu bộ và cử chỉ của Đức Phanxicô, đến nỗi ít chú ý tới lời ngài nói. 

Như trong thông điệp Urbi et Orbi vào ngày Lễ Giáng Sinh vừa qua, chẳng hạn, Đức Phanxicô liệt kê các quốc gia đang gặp tranh chấp hay những nơi Kitô hữu đang bị bách hại. Ngày hôm sau, tức ngày 26 tháng 12, Đức Phanxicô lại đề cập tới các Kitô hữu bị bách hại một lần nữa, nhấn mạnh tới vấn đề này y như Đức Bênêđíctô XVI từng làm. Nhưng các sứ điệp này không nhận được hàng tít lớn nào của các báo chí lớn, trong khi các cử chỉ và điệu bộ của ngài luôn được nhấn mạnh. 

Xét cho cùng, vấn đề là: truyền thông chuyên nghiệp có thích đáng để công bố Tin Mừng hay không? Thông điệp của Giáo Hội Công Giáo chú trọng tới sự thật, trong khi truyền thông cần nhấn mạnh tới xúc cảm và hình ảnh nếu muốn hữu hiệu. Người ta cho rằng kế hoạch truyền thông có thể không hữu hiệu trong việc công bố Tin Mừng, nhưng khá hữu hiệu trong việc đem lại một hình ảnh mới cho Giáo Hội. 

Dù sao, hình ảnh mới có nguy cơ không đúng sự thật. Thí dụ, Đức Phanxicô không đi ngược lại truyền thống của Giáo Hội. Việc làm và cam kết của ngài bắt nguồn từ việc làm và cam kết lâu dài của các vị giáo hoàng tiền nhiệm. Các cải cách mà Đức Phanxicô đang thực hiện kể từ khi được bầu làm giáo hoàng vốn đã được khởi sự dưới triều giáo hoàng trước. Và lời lẽ của Đức Phanxicô dù sao cũng rất liên tục với truyền thống của Giáo Hội, như chính ngài nhiều lần nhấn mạnh. 

Từ Rio de Janeiro dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới trở về và khi trả lời một câu hỏi, Đức Phanxicô giải thích tại sao, trong cuộc viếng thăm Brazil, ngài không nói tới các thay đổi trong xã hội, phá thai, hôn nhân đồng tính. Ngài nói:

“Giáo Hội đã nói về những vấn đề ấy cách rõ ràng rồi. Không cần phải trở lại nó nữa, cũng như tôi không nói tới lừa đảo, gian dối hay các vấn đề khác mà giáo huấn Giáo Hội đã nói rõ! Không cần nói về nó nữa, nhưng đúng hơn nên nói tới các điều tích cực có thể mở đường cho giới trẻ. Há không đúng sao! Vả lại, giới trẻ hoàn toàn biết rõ đâu là chủ trương của Giáo Hội”. 

Khi được hỏi về chủ trương của ngài, Đức Phanxicô trả lời: đó là chủ “Chủ trương của Giáo Hội. Vì tôi là một người con của Giáo Hội”. 

Sau này, trong cuộc phỏng vấn của tờ La Civiltà Cattolica, Đức Phanxicô giải thích cặn kẽ hơn lý do tại sao ngài không nói tới các chủ đề trên. Ngài bảo: Giáo Hội “không thể chỉ nhấn mạnh tới các vấn đề liên hệ tới phá thai, hôn nhân đồng tính và việc sử dụng các phương pháp ngừa thai… khi nói tới các vấn đề này, ta phải nói về chúng trong ngữ cảnh của chúng”. 

Ngài nói tiếp: “thừa tác mục vụ của Giáo Hội không thể bị ám ảnh với việc truyền lan một mớ tín lý rời rạc để được áp đặt một cách nằng nặc. Việc công bố theo phong thái truyền giáo chỉ nên chú mục vào những điểm chủ yếu, những điều thật cần thiết: đây cũng là những điều làm người ta say mê và bị lôi cuốn nhiều hơn, những điều làm trái tim họ bừng nóng, như đối với các môn đệ trên đường Emmau xưa… Các đề xuất của Tin Mừng phải đơn giản hơn, sâu sắc hơn và tỏa sáng hơn. Các hậu quả luân lý phát sinh từ các đề xuất này". 

Lời lẽ trên của Đức Phanxicô quả là những vang vọng lời lẽ của vị tiền nhiệm là Bênêđíctô XVI. Ngày 9 tháng 11 năm 2006, Đức Bênêđíctô tiếp các giám mục Thụy Sĩ tới thăm Vatican. Ngài ứng khẩu vì cho hay không có thì giờ soạn bài nói sẵn, nhưng nhấn: ngài không muốn nói tới những chuyện vụn vặt, mà là những chủ đề lớn. Ngài nói: “Còn nhớ, trong các thập niên 1980 và 1990, lúc tôi hay đi thăm Đức, người ta thường yêu cầu được phỏng vấn tôi. Trong các cuộc phỏng vấn này, tôi luôn biết trước các câu hỏi. Các câu hỏi này liên quan tới việc phong chức cho nữ giới, ngừa thai và nhiều vấn đề khác luôn được người ta nêu ra. Nếu ta bị kéo vào những cuộc tranh luận loại này, thì Giáo Hội đã bị đồng hóa với một số điều răn hay lệnh cấm rồi; ta tạo cho người khác cảm tưởng ta chỉ là những nhà đạo đức học với một mớ xác tín khá lỗi thời, không một chút dấu chỉ nào cho thấy nét cao cả thực sự của đức tin. Bởi thế, tôi cho rằng điều chủ yếu là luôn luôn làm nổi bật nét cao cả của đức tin ta, một cam kết mà ta không được để cho tình thế trên làm ta sao lãng”.

Rồi Đức Bênêđíctô XVI nói thêm: “Trong Giáo Hội, định chế không phải chỉ là cơ cấu bề ngoài còn Tin Mừng thì hoàn toàn có tính tâm linh. Thực ra, Tin Mừng và định chế là hai điều không thể tách biệt nhau được vì Tin Mừng có một thân xác, Chúa có một thân xác trong thời gian của ta. Thành thử, các vấn đề thoạt nhìn xem ra chỉ có tính định chế thực sự đều có tính thần học và tính trung tâm, vì nó đều là vấn đề thể hiện hóa và cụ thể hóa Tin Mừng trong thời đại ta”. 

Chắc chắn Đức Phanxicô đã đọc lại các lời lẽ trên khi có những tin tức nói về việc cải tổ Giáo Triều Rôma. Chủ trương mục vụ của Đức Phanxicô và nền thần học của Đức Bênêđíctô kết hợp lại sẽ giúp Giáo Hội thoát khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Hai tâm hồn này không thể tách biệt nhau. Điều này được chứng minh rõ qua việc Đức Phanxicô liên tục tìm gặp Đức Bênêđíctô, một tìm gặp nói lên tính liên tục và tình huynh đệ giữa hai vị giáo hoàng. Nói như Đức Gioan Phaolô II, người tiền nhiệm của cả hai vị, Đức Phanxicô và Đức Bênêđíctô đang là hai lá phổi của nhiệm thể Giáo Hội, rất nhịp nhàng hít thở sự sống Thiên Chúa cho nhiệm thể này. 

Người ta có thể cho rằng nhu cầu chứng tỏ tính liên tục nói trên là một phần trong chiến thuật truyền thông, nhằm tránh được các chỉ trích đối với triều giáo hoàng Phanxicô, nhất là vì triều giáo hoàng này bị nhiều người cho là thiếu tính định chế. Rất có thể như thế. Dù sao, năm mới với hai vị giáo hoàng này chắc chắn sẽ cho thấy tín lý của Giáo Hội không có gì thay đổi. Phần Đức Phanxicô, ngài đang duyệt lại cuộc cách mạng của ngài: một cuộc cách mạng không hẳn cắt đứt với quá khứ, như giới truyền thông thế tục vốn nghĩ.


Vũ Văn An12/31/2013(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét