07/02/2014
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
4 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II): Hc 47, 2-13
"Ðavít
đã thành tâm ca tụng và yêu mến Thiên Chúa".
Trích
sách Huấn Ca.
Như
miếng mỡ lóc ra khỏi thịt con vật tế lễ thế nào, thì Ðavít được chọn giữa con
cái Israel như vậy. Người dỡn với sư tử như dỡn với chiên con và đùa với gấu
như đùa với những chiên con. Khi còn trẻ, nào người đã chẳng hạ sát tên khổng lồ
và rửa nhục cho dân, khi vung dây ném đá đánh ngã tên Goliath kiêu căng đó sao?
Vì người đã kêu cầu Thiên Chúa toàn năng, và Chúa đã ban sức mạnh cho người để
hạ sát tên chiến sĩ hùng dũng, để nâng cao lòng can đảm của dân người. Nhờ thế,
người được tôn vinh như đã giết mười ngàn, được ca tụng vì những lời Chúa chúc
lành, và được người ta trao tặng triều thiên vinh quang, vì người đã tiêu diệt
quân thù chung quanh, đã thanh toán bọn giặc Philitinh cho đến ngày nay, đã đập
tan sức mạnh chúng đến muôn đời. Trong mọi việc, người dùng lời ca khen mà
tuyên xưng Ðấng Thánh Tối Cao; người thành tâm ca tụng Chúa, và yêu mến Thiên
Chúa đã sáng tạo người, đã cho người quyền năng chống lại quân thù. Người thành
lập ca đoàn trước bàn thờ Chúa, để hoà nhịp những bài thánh ca. Người tổ chức
những cuộc lễ huy hoàng, quy định đầy đủ chu kỳ thời gian, để họ ca tụng thánh
danh Chúa, và từ sáng sớm, họ biểu dương sự thánh thiện của Thiên Chúa. Chúa đã
thứ tha tội lỗi của người, và tán dương sức mạnh của người đến muôn đời. Chúa
đã ban cho người giao ước vương quốc và ngôi báu vinh quang trong Israel.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 17, 31. 47 và 50. 51.
Ðáp: Tán tụng
Thiên Chúa là Ðấng cứu độ tôi (c. 47b).
Xướng:
1) Ðường lối Thiên Chúa là đường thanh khiết, lời của Chúa được luyện trong lửa
đỏ, chính Người là khiên thuẫn che kẻ nương nhờ Người. - Ðáp.
2)
Chúa hằng sống, chúc tụng Ðá Tảng của tôi, tán tụng Thiên Chúa là Ðấng cứu độ
tôi! - Bởi vậy, con sẽ ca tụng Ngài giữa chư dân, lạy Chúa, và con sẽ xướng ca
khen ngợi danh Ngài. - Ðáp.
3)
Ngài đã ban cho vương nhi Ngài đại thắng, đã tỏ lòng từ bi với Ðấng được xức dầu
của Ngài, với Ðavít và miêu duệ ông cho tới muôn đời. - Ðáp.
Alleluia:
Mt 4, 4b
Alleluia,
alleluia! - Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng
Thiên Chúa phán ra. - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 6, 14-29
"Ðó
chính là Gioan Tẩy Giả trẫm đã chặt đầu, nay sống lại".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, vua Hêrôđê nghe nói về Chúa Giêsu, vì danh tiếng Người đã lẫy lừng, kẻ thì
nói: "Gioan Tẩy giả đã từ cõi chết sống lại, nên ông đã làm những việc lạ
lùng"; kẻ thì bảo: "Ðó là Êlia"; kẻ khác lại rằng: "Ðó là một
tiên tri như những tiên tri khác". Nghe vậy, Hêrôđê nói: "Ðó chính là
Gioan trẫm đã chặt đầu, nay sống lại". Vì chính vua Hêrôđê đã sai bắt
Gioan và giam ông trong ngục, nguyên do tại Hêrôđia, vợ của Philipphê anh vua
mà vua đã cưới lấy. Vì Gioan đã bảo Hêrôđê: "Nhà vua không được phép chiếm
lấy vợ anh mình". Phần Hêrôđia, nàng toan mưu và muốn giết ông, nhưng
không thể làm gì được, vì Hêrôđê kính nể Gioan, biết ông là người chính trực và
thánh thiện, và giữ ông lại. Nghe ông nói, vua rất phân vân, nhưng lại vui lòng
nghe. Dịp thuận tiện xảy đến vào ngày sinh nhật Hêrôđê, khi vua thết tiệc các
quan đại thần trong triều, các sĩ quan và những người vị vọng xứ Galilêa. Khi
con gái nàng Hêrôđia tiến vào nhảy múa, làm đẹp lòng Hêrôđê và các quan khách,
thì vua liền nói với thiếu nữ ấy rằng: "Con muối gì, cứ xin, trẫm sẽ
cho", và vua thề rằng: "Con xin bất cứ điều gì, dù là nửa nước, trẫm
cũng cho". Cô ra hỏi mẹ: "Con nên xin gì?" Mẹ cô đáp: "Xin
đầu Gioan Tẩy Giả". Cô liền vội vàng trở vào xin vua: "Con muốn đức
vua ban ngay cho con cái đầu Gioan Tẩy Giả đặt trên đĩa". Vua buồn lắm,
nhưng vì lời thề và vì có các quan khách, nên không muốn làm cho thiếu nữ đó buồn.
Và lập tức, vua sai một thị vệ đi lấy đầu Gioan và đặt trên đĩa. Viên thị vệ liền
đi vào ngục chặt đầu Gioan, và đặt trên đĩa trao cho thiếu nữ, và thiếu nữ đem
cho mẹ. Nghe tin ấy, các môn đệ Gioan đến lấy xác ông và mai táng trong mồ.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Sự
bất tử của thánh nhân
Những
bậc vĩ nhân thường được nhân gian biến thành bất tử. Người Do thái tin rằng vị
tiên tri vĩ đại nhất của họ là Êlia đã không chết, nhưng được cất nhắc về Trời;
khi Gioan Tẩy Giả xuất hiện, người ta lại tin rằng ngài chính là hiện thân của
Êlia: rồi đến lượt Gioan Tẩy Giả bị giết chết, người ta lại cho rằng ngài đang
sống lại trong con người Chúa Giêsu.
Có
lẽ để xóa tan những lời đồn đoán như thế, thánh sử Marcô đã kể lại từng chi tiết
cuộc xử trảm Gioan Tẩy Giả, cũng như ghi lại việc chôn cất thánh nhân. Gioan Tẩy
Giả đã thực sự chết và ngài đã không bao giờ sống lại, cũng chẳng được cất nhắc
lên trời như Êlia.
Gioan
Tẩy Giả là nạn nhân của bất công. Có bất công khi người ta đặt chính trị lên
trên những giá trị khác của cuộc sống, như tinh thần và niềm tin; có bất công
khi người ta hành động theo bản năng hơn là theo tinh thần. Vua Hêrôđê lẫn nàng
Hêrôđia đều đã hành động theo lối ấy. Hêrôđia sống bất chấp luân thường đạo lý,
còn Hêrôđê thì cho dù vẫn sáng suốt để phân biệt được điều ngay với lẽ trái,
nhưng lại chọn sống theo bản năng hơn là lý trí.
Gioan
Tẩy Giả đã lên tiếng tố cáo bất công và sẵn sàng chết cho công lý. Trong ý
nghĩa ấy, ngài là vị tiền hô của Chúa Giêsu, ngài qua đi nhưng tinh thần ngài vẫn
sống mãi trong các môn đệ của ngài, và một cách nào đó, ngài cũng sống trong
chính con người Chúa Giêsu và nơi mỗi người Kitô hữu. Từ 2000 năm qua, Giáo Hội
vẫn sống trong niềm xác tín đó. Chính tinh thần của Gioan Tẩy Giả, của các Tông
Ðồ, của các Thánh Tử Ðạo, đã sống mãi trong Giáo Hội và trở thành giây liên kết
mọi Kitô hữu. Ðiều này luôn được Giáo Hội thể hiện qua cử chỉ hôn kính hài cốt
các thánh được đặt trên bàn thờ. Tập san Giáo Hội Á Châu do Hội Thừa Sai Paris
xuất bản tháng 12/1995, có ghi lại chứng từ của một vị Giám mục:
"Chúng
tôi đã cất giữ hài cốt của vị Giám mục tiên khởi của Giáo Hội chúng tôi. Chúng
tôi tin rằng hài cốt này là thánh thiêng đối với chúng tôi, là dấu chỉ mà chúng
tôi không bao giờ được phép quên lãng. Hài cốt này là sợi giây liên kết với
Giáo Hội mọi thời, mọi nơi. Chúng tôi đã luôn nghĩ rằng chúng tôi không thể cất
khỏi sợi giây liên kết hữu hình ấy. Ðây là một dấu chỉ nối kết chúng tôi trực
tiếp với Chúa Kitô. Làm sao người ta có thể đánh mất Chúa Kitô? Chúng tôi cất
giữ hài cốt này, chúng tôi vẫn tiếp tục yêu mến Chúa Kitô và kết hiệp với Người
mãi mãi".
Chúng
ta cũng hãy hiên ngang nói lên niềm tin và lòng trung thành với Chúa Kitô. Cùng
với thánh Phaolô, chúng ta cũng hãy thốt lên: "Không gì có thể tách tôi ra
khỏi lòng yêu mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô".
(Veritas Asia)
Thứ Sáu Tuần 4
TN
Bài đọc: Heb 13:1-8; Sir
47:2-13; Mk 6:14-29.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người cần trung
thành sống theo sự thật.
Đối
với những người không có đức tin nơi Thiên Chúa, họ không tin có sự thật tuyệt
đối, và hầu hết mọi sự thật đều có giá trị tương đối – chỉ đúng trong một thời
gian và hoàn cảnh nào đó thôi. Vì thế, họ quan niệm, để có thể bảo đảm thành
công trong cuộc đời, con người cần phải biết sống theo thời; chẳng hạn sống như
các câu tục ngữ dạy: “Gặp thời thế thế thời phải thế!” hay “gió chiều nào che
chiều đó!”
Nhưng
đối với những người có đức tin, Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm
nay, và như vậy mãi đến muôn đời; và thành công trong cuộc đời này không bảo đảm
sự thành công trong cuộc đời mai sau. Vì thế, nếu muốn đạt được cuộc đời mai
sau, con người không thể sống theo thời, mà phải sống theo sự thật.
Các
Bải Đọc hôm nay đưa ra những mẫu người sống theo 2 lối sống khác nhau. Trong
Bài đọc I, năm chẵn, Sách Đức Huấn Ca tường thuật hai mẫu gương: vua David và
vua Solomon; mặc dù không toàn hảo, nhưng họ biết ăn năn quay về với sự thật.
Đó là lý do Thiên Chúa tha thứ tội lỗi và tiếp tục chúc lành cho họ. Trong Phúc
Âm, Thánh Marcô tường thuật hậu quả của những con người không sống theo sự thật
mà chỉ muốn làm vui lòng người khác như vua Herode, bà hoàng Herodia, và
Salome, con gái của Bà; trong khi Gioan Tẩy Giả sẵn sàng chịu cầm tù và chết
cho sự thật.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I (năm chẵn):
David yêu mến Đấng tạo thành ông trọn cả tâm tình.
1.1/
Mối liên hệ thân tình giữa Thiên Chúa và vua David: Mối liên hệ giữa
con người với Thiên Chúa đòi hỏi phải có hai chiều, và cần được thử thách để
phát triển. Nhìn vào mối liên hệ giữa Thiên Chúa và vua David giúp chúng ta hiểu
thấu điều này.
(1)
Thiên Chúa chúc lành cho David: Từ thời niên thiếu, bàn tay của Thiên Chúa đã ở
với David. Ngài giúp ông thoát khỏi nanh vuốt của sư tử và gấu khi ông chăn
chiên; chọn ông giữa hàng con cái Israel để làm vua; ban khôn ngoan và sức mạnh
để David giết một tên khổng lồ Goliath bằng dây phóng đá mà rửa nhục cho dân.
Khi đã được phong vương, uy quyền của Thiên Chúa luôn ở với David. Ông đã đánh
tan địch thù tứ phía, thống nhất 12 chi tộc, và bành trướng lãnh thổ. Triều đại
của David được coi như một triều đại huy hoàng nhất trong lịch sử Israel.
(2)
David cảm tạ tình yêu Thiên Chúa: Ông rất nhạy cảm với tình yêu Thiên Chúa, như
trình thuật hôm nay kể: "Trong hết mọi việc làm, ông dùng lời tôn vinh
chúc tụng mà ngợi khen Đấng Thánh Tối Cao; với trọn cả tâm tình ông hát lên những
khúc thánh thi và yêu mến Đấng tạo thành ông. Ông cắt đặt ca viên, để trước bàn
thờ, họ hát những bài ca thánh thót. Ông tổ chức cho các ngày lễ tăng thêm vẻ
huy hoàng, và sắp xếp cho lễ lạt được hoàn hảo, để trong những ngày ấy Danh
Thánh được ca khen và từ sáng sớm lời chúc tụng vang lên trong đền thánh."
1.2/
David phạm tội; nhưng biết ăn năn sám hối và quay về với sự thật: Như một con người,
David không toàn hảo. Trong lúc bị cám dỗ xác thịt, ông đã để cho sắc đẹp của
bà Bathsheba làm ông điêu đứng; và rồi tội này dắt tới tội kia, ông đã phạm tội
tiêu diệt Uriah, chồng bà Bathsheba và là một tướng trung thành với ông. Vì những
tội phạm này, David phải chịu rất nhiều hình phạt đến từ Thiên Chúa: chết chóc
xảy ra trong gia đình, loạn luân xảy ra giữa anh em và con cái; David và thuộc
hạ phải chạy trốn Absalom, con mình. Nhưng trong khi chịu đựng tất cả những đau
khổ này, David không một lời oán trách Thiên Chúa. Ông chỉ xin Thiên Chúa tha
thứ tội lỗi và đình chỉ việc giáng phạt xuống trên gia đình ông. Những thử
thách này đã giúp ông nhận ra hậu quả khủng khiếp của tội và làm cho tình yêu của
ông với Thiên Chúa được vững mạnh hơn.
2/
Phúc Âm:
Gioan Tẩy Giả chết làm chứng cho sự thật.
2.1/
Rau nào sâu nấy:
Nhìn vào gia đình của Herode, một người có thể nhìn thấy quyền lực vủa ma quỉ
thống trị gia đình này. Vua Herode Cả có tất cả 5 đời vợ (Cleopatra của
Jerusalem, Doris, Mariamne của Hasmonean, Mariamne của Boethusian, và
Malthake). Chính ông đã giết 3 người con: Antipater bởi Bà Doris, Alexander và
Aristobulus bởi Bà Mariamne của Hasmomean. Loạn luân xảy ra khi Herodias, con của
Aristobulus, kết hôn với Philip, chú của Bà; rồi lại muốn kết hôn với Herode
Antipas, em của Philip, như trình thuật kể hôm nay. Chuyện loạn luân khác nữa
là Salome, người con gái của Bà Herodias trong trình thuật hôm nay, lại kết hôn
với Philip, con của bà Cleopatra.
2.2/
Các thái độ sống khác nhau trong cuộc đời:
(1)
Vua Herode Antipas: thừa
hưởng một nếp sống hoang dâm và ác độc của vua cha, ông cũng không sống theo lập
trường rõ rệt. Ông đã sai người đi bắt ông Gioan và xiềng ông trong ngục: lý do
là vì vua đã lấy bà Herodia, vợ của người anh là Philíp; và Gioan đã công khai
chỉ trích nhà vua. Thái độ không lập trường của ông được Marcô mô tả: “Thật vậy,
vua Herode biết ông Gioan là người công chính thánh thiện, nên sợ ông, và còn
che chở ông. Nghe ông nói, nhà vua rất phân vân, nhưng lại cứ thích nghe.”
Sự
tình xảy ra là khi nhà vua mở một bữa tiệc thết đãi quan khách tại Galilee, con
gái bà Herodia, Salome, vào biểu diễn một điệu vũ, làm cho nhà vua và khách dự
tiệc vui thích. Vua nói với cô gái: "Con muốn gì thì cứ xin, ta sẽ ban cho
con." Vua lại còn thề: "Con xin gì, ta cũng cho, dù một nửa nước của
ta cũng được." Được sự cố vấn của mẹ, cô xin “đầu của Gioan Tẩy Giả đặt
trên đĩa.” Nhà vua buồn lắm, nhưng vì đã trót thề, lại thề trước khách dự tiệc,
nên không muốn thất hứa với cô. Lập tức, vua sai thị vệ đi và truyền mang đầu
ông Gioan tới. Thị vệ ra đi, chặt đầu ông ở trong ngục, bưng đầu ông trên một
cái mâm trao cho cô gái, và cô gái trao cho mẹ.
(2)
Bà Herodia và Salome: sống
và làm chứng cho sự gian trá. Bà Herodia căm thù ông Gioan vì đã dám ngăn cản
hôn nhân của Bà, và muốn giết ông nhưng chưa được. Khi cơ hội tới qua câu hỏi của
cô con gái: "Con nên xin gì đây?" Bà đã lạnh lùng trả lời: "Đầu
Gioan Tẩy Giả." Lập tức, cô vội trở vào đến bên nhà vua và xin rằng:
"Con muốn ngài ban ngay cho con cái đầu ông Gioan Tẩy Giả, đặt trên
mâm."
(3)
Gioan Tẩy Giả: sống
và làm chứng cho sự thật. Ông không chú ý đến nhu cầu vật chất, danh vọng, chức
quyền; nhưng can đảm sống và kêu gọi mọi người ăn năn sám hối.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta phải trung thành sống theo sự thật, vì một cuộc sống theo thời thế sẽ
không đưa chúng ta tới đích điểm của cuộc đời.
-
Chúng ta sẽ phải trả giá đắt để sống theo sự thật, nhưng lối sống theo sự thật
sẽ đem lại cho chúng ta niềm vui, và giúp chúng ta đoàn tụ với Thiên Chúa và
các chứng nhân của sự thật.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Mc
6,14-29
A.
Hạt giống...
Câu
chuyện về cái chết của Gioan tẩy giả gồm 4 nhân vật với những đặc điểm tâm lý
khác nhau :
-
Hêrôđê là một người không có lập trường : một đàng kính trọng Gioan nhưng đàng
khác khi bị Gioan vạch tội thì căm thù Gioan ; khi nghe Gioan giảng thì ông
thích, nhưng khi nghe bà Hêrôđia xúi bậy thì lại bắt Gioan tống ngục ; Lúc thì
hứa sẽ cho cô con gái của Bà Hêrôđia bất cứ điều gì nó xin, nhưng khi nó xin
cái đầu của Gioan thì ông lại buồn, nhưng không dám từ chối…
-
Bà Hêrôđia : một người đàn bà chạy theo đam mê bằng mọi giá bất chấp thủ đoạn :
phụ tình với chồng cũ, giết Gioan…
-
Con gái bà Hêrôđia (nàng Salômê) : không biết dùng nhan sắc và tài năng vào việc
tốt, lại dùng chúng để làm tội…
-
Gioan tẩy giả : một ngôn sứ chính danh. Ngôn sứ là sứ giả của Lời Chúa, can đảm
nói lời Chúa cho dù phải tù tội và phải chết.
B....
nẩy mầm.
1.
Những dư luận về Chúa Giêsu rất khác nhau : Gioan tẩy giả sống lại, Êlia, một
ngôn sứ… Ngày nay cũng có nhiều dư luận về Chúa Giêsu, trong đó có những dư luận
không tốt. Tôi phải làm gì để cho người ta hiểu đúng về Ngài ?
2.
Tên "Giêsu" nghĩa là "Chúa Cứu độ", hay nói theo ngôn ngữ
thông dụng, Ngài là Đấng "cứu nhân độ thế". Người ta không quan tâm lắm
đến những danh hiệu khác của Ngài (Con Thiên Chúa, Kitô Messia, Con Vua Đavít
v.v.). Nếu Ngài là đấng "cứu nhân độ thế" thì ai cũng thấy cần đến
Ngài bởi vì ai cũng có điều cần Ngài cứu giúp, hoặc vật chất hoặc tinh thần.
Nhưng làm sao cho người ta không chỉ biết mà còn thấy rõ Ngài là Đấng cứu nhân
độ thế ? Giáo Hội và các môn đệ Ngài phải cho người ta thấy điều đó qua cách sống
và những việc làm của mình.
3.
Suy nghĩ về tính thiếu cương quyết của Hêrôđê : nếu thấy một điều gì đó là đúng
thì phải cương quyết làm ; nếu thấy một điều gì đó sai thì cũng phải cương quyết
bỏ ; không chần chứ, không rút lại điều đã quyết định.
4.
Suy nghĩ về những đam mê của bà Hêrôđia : đam mê là một động lực rất mạnh nhưng
cũng là một con dao hai lưỡi. Nếu đam mê một điều tốt thì người ta sẽ làm được
những kỳ công ; nếu đam mê một điều xấu thì tai hại rất lớn…
5.
Xem câu chuyện của nàng Salômê, tôi phải xin Chúa giúp tôi biết xử dụng những
khả năng Chúa ban cho đúng.
6.
Suy gẫm gương thánh Gioan tẩy giả : tôi có can đảm nói và sống Lời Chúa bất chấp
mọi khó khăn, mất mát không ?
7.
Một học sinh Nhật là Kitô-hữu duy nhất trong ngôi trường có 150 học sinh. Trước
mỗi bữa ăn, em thường mạnh dạn làm dấu thánh giá và đọc kinh. Các học sinh đến
tố cáo với thầy giáo là em có "hành vi ma thuật". Nghe thấy thế, thầy
cho gọi em lên đứng giữa lớp, hỏi xem em đã làm gì Em thẳng thắn nói rằng em chỉ
cám ơn Chúa đã ban lương thực hằng ngày. Nghe vậy, thầy giáo gục xuống bàn, nước
mắt ràn rụa nói : "Này con, ta cũng là Kitô-hữu, nhưng ta không can
đảm tỏ ra cho mọi người biết. Giờ thì cám ơn Chúa, ta đã biết là Kitô-hữu, mình
phải làm gì." (Góp nhặt)
Lm. Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
07/02/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 TN
Mc 6,14-29
Mc 6,14-29
CHỨNG NHÂN CỦA CHÂN LÝ
“Ông Gioan, ta đã cho chém đầu,
chính ông đã trỗi dậy!” (Mc 6,16)
Suy niệm: Ngày 25/05/2013, cha Giuseppe “Pino” Puglisi,
người công khai chống Mafia Ý và bị bắn chết vào năm 1993, được nâng lên hàng
chân phước. Ngài được nhìn nhận là vị tử đạo “vì lòng thù ghét nhân đức và
chân lý” (in odium virtutis et veritas).Tử đạo, theo truyền thống Kitô giáo, là người hy sinh
mạng sống vì trung thành làm chứng cho chân lý, cho Đức Kitô. Gioan Tẩy Giả
được coi là tử đạo vì ngài là vị Tiền Hô can đảm của Đức Kitô. Khi chỉ trích
đời sống vô luân của vua Hêrôđê: “Ngài không được phép lấy vợ của anh ngài”
(c. 18), Gioan đã bày tỏ tính trung trực và lập trường rõ ràng của mình, dù
biết rõ điều đó là nguy hiểm. Cả cuộc đời và cái chết của thánh nhân đều phục
vụ cho vai trò tiền hô ấy: hòa giải và “chỉnh đốn mọi sự”
(Mc 9,13).
Mời Bạn: Người môn đệ của Chúa Kitô không thể sống
trong sự nhập nhằng, mập mờ đánh lận con đen. Họ phải lựa chọn giữa bình an
thật và bình an giả tạo trong tâm hồn cũng như trong cuộc sống của mình. “Cởi mở với đời không có nghĩa
là dũa gọt những khía cạnh cứng rắn của đòi hỏi trong Tin Mừng, nhưng để đưa
lại cho thế giới những gì thành đạt cho con người, tức là sự gắn bó với Chúa
Giêsu Kitô” (A. Degeest).
Sống Lời Chúa: Tôi tập làm môn đệ đích thực của Chúa Kitô
bằng cách ở lại trong Ngài qua việc suy niệm Lời Chúa, và nỗ lực áp dụng Lời ấy
vào đời sống thường ngày.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, thật không dễ khi lội ngược dòng với thói đời. Xin ban
thêm tình yêu và ân sủng Chúa để nâng đỡ, hướng dẫn chúng con trong suy nghĩ,
chọn lựa, lời nói và hành động hợp với chân lý Tin Mừng. Amen.
Vì
đã trót thề
Suy niệm:
Như mọi con người khác ở
trên đời,
con người của Hêrôđê bị
giằng co giữa cái xấu và cái tốt.
Vấn đề là ông ta sẽ ngả
theo cái nào.
Hêrôđê biết Gioan là
người công chính thánh thiện nên sợ ông.
Hêrôđê đã bảo vệ che chở
cho Gioan và thich nghe ông nói,
dù những điều đó làm
Hêrôđê hết sức bối rối (c. 20).
Nhưng Hêrôđê cũng là
người đã sai bắt Gioan và xiềng ông trong ngục,
chỉ vì Gioan dám nói:
“Nhà vua không được lấy vợ của anh mình.”
Rõ ràng cái ác trong
Hêrôđê đã thắng cái thiện, cái xấu đã thắng cái tốt.
Hêrôđê thuộc loại người
“nghe lời thì liền vui vẻ đón nhận,
nhưng không đâm rễ, mà là
những kẻ nông nổi nhất thời…” (Mc 4, 16-17).
Chính vì thế khi gặp thử
thách thì ông vấp ngã ngay.
Hêrôđê còn quỵ ngã một
lần nữa nặng hơn.
Ngày sinh nhật của ông
cũng là ngày chết của một vị ngôn sứ.
Khi con gái bà Hêrôđia
biểu diễn một điệu múa làm vui lòng mọi người,
Hêrôđê đã lỡ thề hứa một
điều thiếu khôn ngoan,
trước mặt bá quan văn võ
và các thân hào miền Galilê:
“Con xin gì, ta cũng cho,
dù một nửa nước của ta cũng được” (c. 23).
Không biết lúc đó Hêrôđê
đã say chưa,
nhưng chắc chắn nhà vua
đã quên một điều quan trọng.
Ông quên mình chỉ là một
tiểu vương nắm vùng Galilê và Pêrê (Lc 3,1),
nên ông không có quyền
cho đất hay chia đất.
Bà Hêrôđia đã không bỏ lỡ
cơ hội ngàn vàng này để trả thù Gioan.
Bà nói với cô con gái xin
đầu Gioan Tẩy giả (c. 24).
Hẳn điều này là một bất
ngờ lớn đối với Hêrôđê .
Lập tức ông bị đặt vào
thế giằng co xâu xé.
Một mặt ông hết sức đau
buồn vì quý mạng sống của Gioan.
Mặt khác ông lại không
muốn thất hứa với cô bé,
một lời hứa đã trót nói ra
công khai trước mặt quan khách dự tiệc.
Hêrôđê có dám chịu đánh
mất chút danh dự của mình không
khi khiêm tốn xin rút lại
lời thề hứa vội vàng, bồng bột?
Ông có dám nhận mình đã
sai và chịu mất mặt không?
Tiếc quá! Hêrôđê đã không
có được can đảm này.
Như người thanh niên giàu
có buồn rầu bỏ đi (Mc 10, 22),
Hêrôđê cũng sẽ buồn suốt
đời vì cái chết do ông gây ra.
Như Hêrôđê, sau này
Philatô cũng chịu áp lực khi ông xử án Đức Giêsu.
Ông cũng phạm đúng tội
của Hêrôđê trước đám đông (Mc 15, 15),
coi ghế ngồi của mình quý
hơn mạng sống của Đức Giêsu, người vô tội.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời
tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt
trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản
nhiên
để gánh chịu mọi buồn
vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên
ngang
để đem tình yêu gánh vác
việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh
ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ
người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục
trước ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo
dai
để nâng tâm hồn vươn lên
khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn
trề
để âu yếm dâng mình theo
ý Người muốn.
(R. Tagore - Ðỗ Khánh
Hoan dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Cái chết anh dũng của Gioan Tẩy Gỉa được tin mừng
trình thuật hôm nay, cho thấy lòng người còn nhiều góc tối.
- Góc tối của đam mê dục vọng: Đắm chìm trong dục vọng, vua Hêrôđê đã xem
thường đạo lý luân thường nên đã cướp đi người vợ của anh mình. Đắm chìm trong
đam mê, nhà vua chỉ còn biết buông mình theo những thú vui thấp hèn trong những
tiệc tùng náo nhiệt, đầy rượu và thịt.
- Góc tối của hận thù ghen ghét: Không chịu nổi lời nhắc nhở của Gioan Tẩy Gỉa
trước hành động vô luân của mình, bà Hêrôdia đã căm thù Gioan Tẩy Gỉa đến tận
xương tủy. Nên khi cơ hội đến, bà lập tức mách bảo con gái xin vua cha cái đầu
Gioan Tẩy Giả thay cho nửa giang sơn.
- Góc tối của nhát đảm sợ hãi: “Vẫn biết Gioan Tẩy Gỉa là người công chính
thánh thiện; vua che chở ông. Khi nghe Gioan nói, nhà vua rất phân vân nhưng
lại cứ thích nghe. Nhưng rồi lại không can đảm làm theo tiếng lương tâm của
mình”. Vì sợ tiếng nói lương tâm, sợ nghe những lời chân lý, sợ mất uy tín với
lời hứa bồng bột trước bá quan văn võ trong lúc ngà ngà… nên nhà vua đã đi đến
quyết định ngông cuồng là ra lệnh chém đầu Gioan Tẩy Gỉa.
- Góc tối của ngây ngô dại khờ: Salômê một cô con gái có tài mà không có
đức. Cô đã dùng tài múa nhảy của mình thay vì phục vụ niềm vui và hạnh phúc cho
đời cho người. Trái lại với sự ngây ngô dại khờ của mình, tài năng của cô đã bị
lợi dụng để phục vụ cho văn hóa sự chết.
Xin cho ánh sáng chân lý của Chúa chiếu giãi vào
mọi ngõ ngách của lòng người, hầu xua tan những góc tối nguy hại đang còn ẩn
nấp đâu đó nơi cỏi lòng con người hôm nay.
Xin cho chúng ta dám can đảm sống và làm chứng
cho ánh chân lý như Gioan Tẩy Gỉa dầu phải hy sinh mạng sống, để bảo vệ cho đạo
lý luân thường và làm chứng cho nền văn hóa tình thương.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
7
THÁNG HAI
Tài Năng Của Người
Nghệ Sĩ
Sau
khi dẫn con cái It-ra-en ra khỏi cảnh nô lệ ở Ai Cập, Mô-sê hoạch định chuyện dựng
lều thánh – tức đền thờ lưu động đầu tiên của dân It-ra-en trong sa mạc. Ông ủy
nhiệm công việc đó cho những người đầy “thần khí”. Và, sau khi đã gọi đích danh
các nghệ nhân, Đức Chúa ban cho họ ơn khôn ngoan. Ngài ban cho họ những ơn mà họ
cần để họ có khả năng vạch dự án và triển khai công việc dựng lều thánh (Xh 35,
30 – 35; 36, 1).
Như
chúng ta có thể thấy trong chương trích dẫn trên của Sách Xuất Hành, cái mà
ngày nay chúng ta gọi là nghệ thuật thánh vốn đã có những nguồn gốc rất rạng rỡ
thuở xưa. Tận đáy lòng tôi, tôi muốn nói với các bạn là những nghệ sĩ rằng các
bạn phải ý thức rằng tài năng nghệ thuật của mình là một món quà do Thiên Chúa
ban tặng. Người nghệ sĩ phải tri ân Thiên Chúa và phải dấn thân trung thành
theo tiếng gọi mà mình đã nhận lãnh. Người nghệ sĩ Kitô giáo có thể tin tưởng rằng
Thiên Chúa sẽ ban cho mình “thần khí” để chuyển hóa các tài năng tự nhiên thành
hoa trái thiêng liêng, nhất là khi họ đảm nhận những công trình nghệ thuật tôn
giáo và phụng vụ.
Trong
ánh sáng này, chúng ta có thể hiểu những đường nét trác tuyệt của các thánh đường
thời Trung Cổ. Nếu đứng ngoài lãnh giới đức tin, chúng ta không thể cảm nhận đầy
đủ cái tuyệt vời ấy. Có thể kể một số ví dụ, như các công trình của Giotto, Fra
Angelico, Michelangelo, những vần thơ của Dante, những áng văn của Manzoni, những
khúc nhạc của Pierluigi da Palestrina, vv…
Đành
rằng tài năng của một nghệ sĩ có thể sáng tạo ra những tác phẩm kiệt xuất không
dính dáng gì đến niềm tín ngưỡng của mình; nhưng, nếu bên cạnh tài năng tự
nhiên, người nghệ sĩ có thao thức muốn bộc lộ đức tin, cậy, mến của mình, thì với
tác phẩm của mình, họ sẽ trở thành một sức khích lệ lớn lao cho người ta. Tác
phẩm của họ sẽ chuyển tải các mầu nhiệm của niềm tin Kitô giáo.
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
07
Tháng Hai
Một Lý Tưởng Ðể Ðeo
Ðuổi
Một
buổi sáng năm 1888, Alfred Nobel, người phát minh ra chất nổ và từ đó, hái ra
tiền như nước, đã thức giấc trong bàng hoàng sửng sốt: tất cả báo chí trong
ngày đều nói đến cái chết của Alfred Nobel, vua chất nổ. Thật ra, đây chỉ là một
lầm lẫn của một ký giả nào đó. Người anh của Alfred qua đời và ký giả đó tưởng
lầm là chính Alfred. Nhưng dù sao, đây cũng là dịp để Alfred đọc được cảm nghĩ
mà người
khác đang có về ông. Trên môi miệng của mọi người, ông chỉ là ông vua của chất
nổ, nghĩa là người làm giàu trên cái chết của không biết bao nhiêu sinh mạng do
chất nổ gây ra. Người ta không hề nhắc đến những nỗ lực của ông nhằm phá vỡ những
hàng rào ngăn cách giữa các dân tộc và các ý thức hệ. Không ai nhắc đến những cố
gắng kiến tạo hòa bình của ông. Alfred Nobel buồn vô cùng về hình ảnh của một
nhà "kinh doanh trên sự chết chóc" mà thiên hạ đang có về mình.
Ông
quyết định làm cho thế giới hiểu được lẽ sống đích thực của ông. Với quyết tâm ấy,
ông ngồi xuống bàn làm việc viết ngay tức khắc chúc thư trong đó ông để lại tất
cả tài sản của ông để thiết lập một trong những giải thưởng lớn nhất thế giới:
đó là giải thưởng Nobel Hòa Bình, nhằm tưởng thưởng tất cả những ai góp phần
vào việc xây dựng Hòa Bình thế giới.
Ngày
nay, biệt hiệu của Alfred Nobel không còn là vua của chất nổ nữa, mà là Hòa
Bình.
Có
một lý tưởng để đeo đuổi, có một lẽ sống cho cuộc đời: đó là niềm hạnh phúc lớn
lao nhất của con người trên trần gian. Những ngưeời bất hạnh nhất phải chăng
không là những người sống mà không biết tại sao mình sống, sống để làm gì và sẽ
đi về đâu sau cái chết. Bất hạnh hơn nữa đó là những con người chỉ xây dựng cuộc
sống của mình trên những sự chết chóc của người khác. thế giới sẽ không bao giờ
quên những Tần Thủy Hoàng, những Nero, những Hitler, những Stalin, những Ceaucescu
và không biết bao nhiêu những con người ngày nay có kẻ đang thờ trong lăng tẩm
để rồi mai ngày kẻ khác lại khai quật lên.
Người
Kitô hữu là người có lý tưởng để xây dựng, có lẽ sống để đeo đuổi. Họ luôn luôn
sẵn sàng để bày tỏ cho người khác những lý lẽ của niềm tin và hy vọng của họ. Sự
bày tỏ ấy, họ không viết trong một chúc thư bằng giấy mực, mà bằng cả cuộc sống
chứng tá của họ.
Khi
nói về sự rao giảng Tin Mừng, Ðức cố Giáo Hoàng Phaolô VI đã nói như sau:
"Tin Mừng trước tiên phải được công bố bằng một chứng từ. Có chứng từ khi
một người Kitôhay một nhóm người Kitô sống giữa nhân loại, bày tỏ được khả năng
có thể cảm thông, đón tiếp, chia sẻ cuộc sống với người khác hoặc tỏ tình liên
đới với người khác trong mọi cố gắng đối với những gì là cao quí và thiện hảo.
Có chứng từ khi những người Kitô chiếu rọi một cách đơn sơ và bộc phát niềm tin
của họ vào những giá trị vượt lên trên những giá trị thông thường và bày tỏ niềm
hy vọng của họ vào một cái gì mà người ta không thấy hoặc không dám mơ ước. Với
chứng từ không lời ấy, người Kitô làm dấy lên trong tâm hồn của những ai đang
thấy họ sống, những câu hỏi mà con người không thể né tránh được. Ðó là: Tại
sao họ sống như thế? Ðiều gì hoặc ai là người thúc đẩy họ sống như thế? Tại sao
họ sống như thế giữa chúng ta?".
Ðâu
là chúc thư chúng ta muốn để lại cho hậu thế? Ðâu là lời biện minh của chúng ta
trước mặt người đời nếu không phải là một cuộc sống chứng từ cho Nước Trời.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét