17/02/2014
Thứ Hai sau Chúa Nhật
6 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Gc 1, 1-11
"Lòng
tin của anh em được thử thách, rèn luyện đức kiên nhẫn, để anh em nên hoàn hảo
và trọn vẹn".
Khởi
đầu bức thơ của Thánh Giacôbê Tông đồ.
Giacôbê,
đầy tớ của Thiên Chúa và của Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, kính chào mười hai
chi tộc sống phân tán khắp nơi. Anh em thân mến, anh em hãy vui mừng khi gặp mọi
thử thách, anh em biết rằng lòng tin được thử thách rèn luyện đức kiên nhẫn.
Còn kiên nhẫn phải đưa đến hành động hoàn hảo, để anh em nên hoàn hảo và trọn vẹn,
không khiếm khuyết điều gì.
Nếu
ai trong anh em thấy mình khiếm khuyết sự khôn ngoan, thì hãy xin cùng Thiên
Chúa là Ðấng rộng lượng ban ơn cho mọi người mà không quở trách, và Người sẽ
ban cho. Nhưng hãy lấy lòng tin tưởng mà xin, đừng hoài nghi, vì ai hoài nghi,
thì giống như sóng biển bị gió cuốn đi và giao động. Con người hai lòng, do dự
trong mọi đường lối, con người ấy đừng mong lãnh nhận gì nơi Chúa.
Người
anh em khó hèn, hãy hiên ngang vì được suy tôn; còn người giàu mà trở nên khó
hèn, thì cũng vậy, vì chưng ai nấy cũng sẽ qua đi như hoa cỏ. Mặt trời mọc lên
nóng bức, làm cho cỏ héo hoa tàn, và vẻ đẹp của nó cũng tiêu tan; người giàu có
cũng vậy, bôn ba đến mấy, cũng sẽ suy tàn.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 118, 67. 68. 71. 72. 75. 76.
Ðáp: Nguyện Chúa
xót thương cho con được sống (c. 77a).
Xướng:
1) Trước khi bị khổ, con đã lạc lầm, nhưng giờ đây, lời sấm của Ngài con xin
tuân. - Ðáp.
2)
Chúa là Ðấng tốt lành và nhân hậu, xin dạy bảo con những thánh chỉ của Ngài. -
Ðáp.
3)
Con bị khổ nhục, đó là điều tốt, để cho con học biết thánh chỉ của Ngài. - Ðáp.
4)
Ðối với con, luật pháp do miệng Chúa đáng chuộng hơn vàng bạc châu báu muôn
ngàn. - Ðáp.
5)
Lạy Chúa, con biết sắc dụ Ngài công minh, và Ngài có lý mà bắt con phải khổ. -
Ðáp.
6)
Xin Chúa tỏ lòng thương hầu ủy lạo con, theo như lời đã hứa cùng tôi tớ Chúa. -
Ðáp.
Alleluia:
Ga 15, 15b
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Thầy gọi các con là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy
đã nghe biết nơi Cha Thầy, thì Thầy đã cho các con biết". - Alleluia.
Phúc
Âm: Mc 8, 11-13
"Tại
sao thế hệ này lại xin điềm lạ?"
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi
ấy, các người biệt phái xuất hiện và bắt đầu tranh luận với Chúa Giêsu. Họ xin
Người một điềm lạ trên trời để thử Người. Người thở dài mà nói: "Tại sao
thế hệ này lại xin điềm lạ? Quả thật, Ta bảo các ông hay: Sẽ chẳng cho thế hệ
này điềm lạ nào". Rồi bỏ họ đó, Người lại xuống thuyền sang bờ bên kia.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Dấu
lạ của tình thương
Thánh
Marcô đặt cuộc tranh luận giữa Chúa và những người Biệt phái, sau một loạt phép
lạ Chúa Giêsu đã thực hiện khi bắt đầu sứ vụ công khai của Ngài. Phép lạ mới nhất
là việc hóa bánh và cá ra nhiều cho đám đông theo Ngài. Những người Biệt phái
đã bắt đầu nghe nói đến hoặc chính mắt họ chứng kiến các phép lạ của Chúa
Giêsu, nhưng họ không tin.
Ở
đây, chúng ta thấy rõ tương quan giữa phép lạ và lòng tin của con người. Chúa
Giêsu không làm phép lạ như một trò ảo thuật; Ngài làm phép lạ trước hết là để
biểu lộ quyền năng của Thiên Chúa, loan báo những dấu chỉ của Nước Trời và kêu
gọi lòng tin nơi con người, do đó phép lạ là một lời mời gọi hơn là một cưỡng
bách.
Khi
những người Biệt phái đòi hỏi một dấu lạ, thái độ đó gợi lại sự thử thách mà
người Do thái trong thời kỳ lang thang trong sa mạc cũng đã đòi hỏi nơi Thiên
Chúa; thái độ đó cũng tương tự thái độ của Satan khi đến cám dỗ Chúa Giêsu. Thật
thế, Satan đã bảo Chúa Giêsu hãy gieo mình xuống từ thượng đỉnh Ðền thờ như một
cử chỉ vừa ngoạn mục vừa cả thể. Nhưng Chúa Giêsu đã mượn lời của chính Thiên
Chúa nói với dân Do thái trong Cựu Ước để khước từ cám dỗ của Satan:
"Ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa của ngươi". Trước sự cứng
lòng tin của những người Biệt phái, Chúa Giêsu đã khước từ mọi phép lạ, hay
đúng hơn, Ngài không làm phép lạ nào để nói với họ hơn là cái chết của Ngài
trên Thập giá, bởi vì chỉ cái chết ấy mới có thể lôi kéo mọi người về với Thiên
Chúa.
Giáo
Hội tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Chúa Kitô; qua cuộc sống của mình, Giáo Hội
cũng đang lặp lại những phép lạ của Chúa Giêsu như một lời mời gọi. Thế nhưng,
đâu là dấu chỉ đáng tin cậy nhất mà Giáo Hội có thể chứng tỏ cho con người thời
nay? Với những phát minh mỗi ngày một tân tiến, con người thời nay dường như vẫn
đang tự hào thực hiện được nhiều phép lạ trong mọi địa hạt. Do đó, đối với con
người ngày nay, không một dấu lạ nào đáng tin hơn nơi Giáo Hội cho bằng chính
cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá mà Giáo Hội có thể lặp lại nơi chính
mình. Giáo Hội chỉ đáng tin cậy khi Giáo Hội khước từ vẻ hào nhoáng bên ngoài,
để mặc lấy thái độ vâng lời và phục vụ của Chúa Kitô; Giáo Hội chỉ đáng tin cậy
khi Giáo Hội là thể hiện của một tình yêu vô vị lợi, một tình yêu của Ðấng sẵn
sàng hy sinh và chết cho người mình yêu.
Dấu
lạ cả thể mà có lẽ con người thời nay đang chờ đợi nơi Giáo Hội chính là dấu lạ
của tình thương. Nói như Staline, thế giới này chỉ cần mười người như thánh
Phanxicô Assisi, thì cũng đủ để thay đổi bộ mặt. Người ta mãi mãi vẫn nhớ khuôn
mặt từ tốn, nhân hậu của một Gioan XXIII; hoặc chỉ như một ánh sao băng, người
ta khó mà quên được nụ cười hiện thân của lòng nhân từ nơi Ðức Gioan Phaolô I;
lòng hy sinh quảng đại của Mẹ Têrêsa Calcutta cũng là một dấu lạ cả thể mà con
người thời đại đang tìm thấy nơi Giáo Hội.
Trong
sự đóng góp khiêm tốn của mình trong cuộc sống hiện tại, xin Chúa cho mỗi Kitô
hữu chúng ta luôn ý thức rằng mình đang là một dấu hỏi, một lời mời gọi đối với
những người chưa nhận biết Chúa Kitô.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Hai Tuần VI TN
Bài đọc: Jam 1:1-11; Mk 8:11-13.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Cần khiêm nhường biết
mình trong mối liên hệ với Thiên Chúa.
Thiên
Chúa không mắc nợ gì với con người; trái lại, con người mắc nợ mọi sự với Thiên
Chúa. Khi con người tin tưởng nơi Thiên Chúa, con người không thêm điều gì cho
Ngài; nhưng niềm tin nơi Thiên Chúa sẽ giúp con người đạt tới cuộc sống đời đời.
Cũng thế, khi con người làm việc thờ phượng như tham dự Thánh Lễ, đọc kinh,
dâng lễ vật, con người chẳng thêm gì cho Thiên Chúa; nhưng con người sẽ nhận được
những lợi ích từ các việc làm này.
Các
Bài Đọc hôm nay cho thấy những quan niệm sai của con người trong mối liên hệ với
Thiên ChúaTrong Bài Đọc I, năm chẵn, tác giả Thư Giacôbê quả quyết đức tin của
con người cần bị thử thách trăm bề để đức tin càng ngày càng vững mạnh, toàn hảo,
và không gì có thể lay chuyển được. Trong Phúc Âm, các kinh-sư thách thức Chúa
Giêsu hãy làm phép lạ để họ có thể tin Ngài là Thiên Chúa; Chúa Giêsu thở dài
vì thái độ thách thức của họ. Ngài từ chối không làm bất cứ phép lạ nào cho họ.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I (năm chẵn):
Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều.
1.1/
Đức tin cần được thử thách: Giống như người lực sĩ trong tiến trình tập luyện cần được thử
thách, hay một học sinh trong tiến trình học tập cần phải qua những kỳ thi cử,
đức tin của con người cũng cần phải trải qua những thử thách. Mục đích của việc
thử luyện đức tin không phải để con người ngã gục trước thử thách nhưng là:
(1)
Để tạo lòng kiên nhẫn: Tác
giả khuyến khích các tín hữu Do-thái khắp nơi: "Thưa anh em, anh em hãy tự
cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em
biết: đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn." Đức kiên
nhẫn là nhân đức đầu tiên phải tập luyện và là mẹ các nhân đức, vì khi một khi
đã có nhân đức này, con người sẽ luyện tập các nhân đức khác một cách dễ dàng
hơn.
(2)
Để kiện toàn lòng tin: Đức
tin là quà tặng Thiên Chúa ban cho con người; nhưng để kiện toàn, con người phải
kiên nhẫn luyện tập, sao cho tới chỗ toàn bích như tác-giả ao ước cho các tín hữu:
"Chớ gì anh em chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo, để
anh em nên hoàn hảo, không có chi đáng trách, không thiếu sót điều gì." Mục
đích của việc luyện tập là để có một đức tin hoàn hảo: vững bền, toàn hảo,
không thiếu một điều gì. Khi một người đã có đức tin như thế, họ có thể vượt
qua mọi thử thách của cuộc đời.
1.2/
Để kiện toàn đức tin, con người cần đến ơn thánh của Thiên Chúa: Khi phải đương đầu
với thử thách đau khổ, con người thường có khuynh hướng trốn tránh hay xin Chúa
làm phép lạ cất đi. Để tránh rơi vào những thái độ này, tác-giả khuyên: "Nếu
ai trong anh em thiếu đức khôn ngoan, thì hãy cầu xin Thiên Chúa, Người sẽ ban
cho. Vì Thiên Chúa ban cho mọi người cách rộng rãi, không do dự." Sự khôn
ngoan giúp con người nhìn ra thử thách là điều cần thiết để luyện tập đức tin.
Tuy nhiên, khi cầu xin cho có khôn ngoan, con người cần phải có lòng tin vững mạnh.
Tác giả khuyên: "Nhưng người ấy phải cầu xin với lòng tin không chút do dự,
vì kẻ do dự thì giống như sóng biển bị gió đẩy lên vật xuống." Khi đã được
Chúa ban khôn ngoan để nhận ra phải vượt qua thử thách, người ấy cứ mạnh dạn tiến
tới; đừng đổi ý lại cầu xin Chúa cất thử thách đi cho.
Một
trong những thử thách của đức tin là những thăng trầm trong cuộc sống con người.
Tác giả khuyên các tín hữu hãy tự hào trong Chúa, cả khi được nâng lên cũng như
khi bị hạ xuống. Đừng ai tự hào về của cải mình có vì: "họ sẽ qua đi như
hoa cỏ. Quả thế, mặt trời mọc lên toả ra sức nóng làm cho cỏ khô, khiến hoa rụng
xuống, vẻ đẹp tiêu tan. Người giàu có cũng sẽ héo tàn như vậy trong các việc họ
làm."
2/
Phúc Âm:
Niềm tin dựa trên phép lạ.
2.1/
Niềm tin dựa trên các phép lạ: Mỗi quốc gia trên địa cầu đều có những sắc thái riêng của mỗi
dân tộc; Thánh Phaolô nói rất đúng về người Do-thái: “Người Do-thái tìm kiếm dấu
lạ; trong khi người Hy-lạp tìm kiếm sự khôn ngoan.” Truyền thống Do-thái đã
thêu dệt sẵn kiểu mẫu một Đấng Thiên Sai: Ngài là Đấng uy quyền, có khả năng
làm những dấu lạ lùng trong trời đất. Ngài là Chúa của người Do-thái, nên Ngài
sẽ giúp họ đánh đuổi ngoại bang, và cai trị toàn thế giới. Với kiểu mẫu có sẵn
của Đấng Thiên Sai, những người Pharisees kéo đến với Chúa Giêsu, để thách thức
Người làm một dấu lạ từ trời.
2.2/
Niềm tin dựa trên sự hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa: Tại sao Chúa Giêsu
không chịu làm phép lạ? Thứ nhất, Ngài đã làm không biết bao nhiêu phép lạ rồi.
Những người Pharisees này hoặc đã từng chứng kiến, hoặc đã nghe biết về những
phép lạ Ngài đã làm. Thứ đến, phép lạ chỉ giúp khai mở niềm tin. Khi Chúa Giêsu
chữa lành các bệnh nhân, Ngài nhắc nhở cho họ những gì tiên-tri Isaiah nói về Đấng
Thiên Sai, giờ đây được hiện thực nơi Ngài; mục đích là để giúp họ tin vào
Ngài. Hơn nữa, niềm tin chỉ dựa trên dấu lạ sẽ không vững chắc. Họ cần một sự
hiểu biết chắc chắn về Thiên Chúa và sự quan phòng của Ngài; chứ không phải
theo một Thiên Chúa và các kế hoạch do họ dựng nên. Nếu niềm tin chỉ dựa trên
phép lạ, niềm tin sẽ lung lay và biến mất khi không nhìn thấy phép lạ nữa. Sau
cùng, Chúa Giêsu không muốn con người điều khiển Thiên Chúa: khi con người cần
gì, Thiên Chúa có bổn phận làm phép lạ ban cho họ điều đó; mà không cần biết điều
họ xin có tốt hay không!
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta cần khiêm nhường biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa. Tất cả
những việc thờ phượng chúng ta làm là cho lợi ích của cá nhân chúng ta, chứ
không thêm gì cho Thiên Chúa.
-
Đức tin Thiên Chúa ban cho chúng ta có tiềm năng vươn cao vô hạn; nhưng cũng có
thể bị đánh mất. Chúng ta cần lợi dụng mọi cơ hội xảy ra trong cuộc đời để luyện
tập đức tin sao cho đến độ toàn hảo, vững bền, để có thể vượt qua mọi thử thách
trong cuộc đời.
-
Khi cầu xin điều gì không được, chúng ta hãy xét xem điều đó có đúng ý Thiên
Chúa không. Đừng bao giờ có thái độ giận dữ trả thù bằng cách bỏ đạo hay làm hại
những người được Thiên Chúa phù hộ.
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Mc
8,11-13
A.
Hạt giống...
Chuyện
này xảy ra sau phép lạ Chúa Giêsu hóa bánh ra nhiều lần thứ hai. Trước đó Ngài cũng
đã làm nhiều phép lạ trong đó có những phép lạ lớn (Mc 4,35—5,43 : dẹp yên bão
táp, trục xuất quỷ ám ra khỏi người ta, chữa một bà loạn huyết, làm cho đứa con
gái ông Giairô sống lại). Thế mà những người pharisêu vẫn chưa tin Ngài. Hôm
nay họ lại thách Ngài làm một "dấu lạ từ trời" nghĩa là một phép lạ
xuất phát từ chính Thiên Chúa.
Thực
ra những phép lạ Ngài làm, nhất là những phép lạ lớn vừa kể trên, đã đủ chứng
minh Ngài là Đấng có quyền phép "từ trời". Sở dĩ họ không tin là chỉ
vì họ ngoan cố. Bởi đó Chúa Giêsu nói sẽ chẳng cho họ một dấu lạ nào nữa cả.
Trong phần tiếp theo, Tin Mừng Mc vẫn tiếp tục cho thấy Chúa Giêsu làm thêm những
phép lạ khác. Tuy nhiên những phép lạ đó cũng chẳng phải làm cho những người
pharisêu ấy. Nói cách khác, những phép lạ ấy chỉ có ý nghĩa và giá trị cho những
người khác chứ không cho những người pharisêu cứng lòng.
B....
nẩy mầm.
1.
Bài Tin Mừng này cho ta thấy rõ phép lạ không sinh ra đức tin mà chỉ là những dấu
chỉ dẫn người ta tới đức tin. Bởi thế, sống đạo mà chỉ quan tâm tới phép lạ (Lộ
Đức, Fatima, Cha Diệp v.v) chưa hẳn là sống đạo thật. Sống đạo thật là sống bằng
đức tin.
2.
Ngược lại, người có đức tin thật thì nhìn thấy phép lạ trong tất cả những việc
Chúa làm, kể cả những việc nhỏ nhoi và tấm thường nhất.
3.
Bà nội và cháu trai 5 tuổi buổi sáng đi dạo ở vùng thôn quê, sương giá nhuộm
trên cành lá tạo cho chúng màu sáng lấp lánh thật quyến rũ.
Bà ngạc nhiên, nhìn lên sườn đồi trong màu vàng đỏ tươi lấp lánh :
"Hãy nghĩ xem, Thiên Chúa đã sơn tất cả cảnh đó".
Cháu đồng ý : "Vâng, và Ngài đã thực hiện với cánh tay trái của
Ngài".
-
Cháu muốn nói gì ?
-
Ồ, Vào ngày Chủ nhật, chúng con được dậy rằng Chúa Giêsu đang ngồi bên tay hữu
Thiên Chúa. (Góp nhặt)
4.
"Chúa Giêsu nói : Thế hệ này sẽ không được một dấu lạ nào cả" (Mc
8,12)
Sáng
nay, lời của ông thấy dạy chính trị làm mình rất khó chịu : "Tôi thấy cũng
lạ, đã tin là có Chúa, có Mẹ, làm sao các nóc nhà thờ trồng cột thu lôi làm gì.
Chẳng lẽ cha mẹ phá huỷ con cái mình sao ?" Và mọi người bàn tán xôn xao.
Khi
người ta tôn thờ vật chất và tôn vinh con người cách quá đáng thì dễ đi tới kết
luận tôn giáo là mê tín, hoang tưởng. Họ khó mà có được lòng khiêm tốn để nhận
biết Thiên Chúa, và dễ trở thành những con người độc tôn. Vô ích nếu chỉ đôi co
và biện lý.
Dứt
khoát tôi không thể chỉ cho họ thấy một Thiên Chúa nhân hậu khi tôi chưa sống
như một người nhân hậu.
Lạy
Chúa, xin cho con biết tin vào Chúa một cách vô điều kiện, để với niềm tin này
con sẽ giúp người khác nhận ra Chúa. (Epphata)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
17/02/14 THỨ HAI TUẦN 6 TN
Bảy Thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
Mc 8,11-13
Bảy Thánh lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ
Mc 8,11-13
CHÚA GIÊSU, DẤU LẠ TỪ TRỜI
Những người Pharisêu đòi Chúa
Giêsu một dấu lạ từ trời để thử Người.
(Mc 8,11)
Suy niệm: Chúa
Giêsu đã làm nhiều phép lạ, gần nhất là phép lạ hoá bánh ra nhiều lần thứ hai
(Mc 8,1-10), nhưng những người Pharisêu vẫn “chê” đó là dấu lạ “dưới đất” mà có
lần họ đã họ xuyên tạc là Ngài dựa vào quyền thế của Bêendêbun để thực hiện (Mc
3,22). Thế nên họ đã “đòi Người một dấu lạ từ trời
để thử Người”. Không
phải là Chúa Giêsu không đáp ứng yêu cầu của họ, bởi vì Ngài là chính “dấu lạ từ trời,” điều đã được chứng thực khi Ngài chịu phép
rửa: “Có tiếng từ trời phán rằng:
Con là Con yêu dấu của Ta” (Mc
1,11). “Dấu lạ từ trời” đó có tên là Giona khi Ngài sẽ trỗi dậy vinh
hiển sau ba ngày chịu mai táng trong lòng đất. Cũng như dân Do Thái trong sa
mạc thử thách Chúa, để rồi cứng lòng tin vẫn hoàn cứng lòng tin “dù đã thấy những việc Chúa làm” (Tv 95,8-9), người Pharisêu cũng vẫn cứng lòng
tin, dù đã thấy biết bao dấu lạ, ngay cả dấu lạ Giona!
Mời Bạn: “Chúa Giêsu dấu lạ từ trời” vẫn tiếp tục là dấu lạ cho chúng ta hằng ngày
trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta sẽ giống như người Pharisêu nếu vẫn từ khước “dấu lạ Thánh Thể” này để đòi hỏi những dấu lạ thoả mãn tính hiếu
kỳ, đáp ứng những ham muốn về tiền bạc, dục vọng và quyền lực.
Sống Lời Chúa: Bạn
viếng Thánh Thể hoặc rước lễ thiêng liêng để chiêm ngắm “Chúa Giêsu, dấu lạ từ trời” đang ở với bạn trong Bí tích Thánh Thể.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết tin Chúa một cách vô điều kiện, để đức
tin của con cùng Chúa chuyển được núi kiêu căng thành đồng bằng khiêm tốn; dời
non dối trá, tham lam thành con đường của sự thật và yêu thương.
Tìm một dấu lạ từ trời
Nhiều khi chúng ta vẫn đòi những điều lạ lùng
hơn, lớn lao hơn. Như người Pharisêu, chúng ta chẳng hề mãn nguyện. Chúng ta vẫn
muốn thử Thiên Chúa, bởi lẽ chúng ta không tin Ngài.
Suy niệm:
Ai cũng dễ bị hấp dẫn bởi
cái lạ thường, cái khác thường.
Còn cái bình thường, như
thường, thì ít hấp dẫn, lắm khi tẻ nhạt.
Chỉ cần nghe đâu đó có
hiện tượng khác thường là người ta đổ xô đến,
lắm khi chẳng cần suy
nghĩ để biết có thực không, có đáng tin không.
Đức Giêsu đã làm nhiều phép
lạ trong mấy năm sứ vụ.
Những phép lạ đó không
nhằm ra oai biểu diễn quyền uy,
cũng không nhằm lôi kéo
sự tôn vinh của dân chúng.
Ngài đã từ chối nhảy
xuống từ nóc đền thờ:
một cám dỗ làm điều ngoạn
mục để thu hút quần chúng.
Ngài cũng từ chối xuống
khỏi thập giá:
một hành vi đủ làm bẽ mặt
những kẻ giết Ngài.
“Cứ xuống khỏi thập giá
để chúng ta thấy và tin” (Mc 15, 32).
Đức Giêsu không mua niềm
tin của đám đông bằng sự phản bội Cha.
Ngài đã ở lại trên thập
giá như một người có vẻ thua cuộc…
Kitô giáo không đặt nền
trên những chuyện dị thường, ma quái.
Đức Giêsu đã làm phép lạ
chữa bệnh và trừ quỷ
vì Ngài chạnh lòng thương
trước nỗi khổ đau của con người,
vì Ngài muốn đáp lại lòng
tin quá lớn của bệnh nhân,
và vì Ngài muốn cho thấy
Nước Thiên Chúa đã đến rồi.
Phép lạ lớn nhất của Đức
Giêsu là Tình Yêu.
Các ông Pharisêu không
phủ nhận chuyện Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ.
Sau này các thượng tế
cũng nhìn nhận:
“Hắn đã cứu được người
khác…” (Mc 15, 31).
Nhưng họ thấy điều đó vẫn
không đủ hoành tráng và gây ấn tượng.
Họ đòi một dấu lạ từ
trời, một dấu lạ lớn hơn để họ tin vào Ngài.
Đức Giêsu đã mạnh mẽ từ
chối đòi hỏi ấy.
Làm sao chúng ta nhìn ra
được những điều bình thường, nho nhỏ
mà Chúa vẫn làm cho chúng
ta mỗi ngày?
Nhiều khi chúng ta vẫn
đòi những điều lạ lùng hơn, lớn lao hơn.
Như người Pharisêu, chúng
ta chẳng hề mãn nguyện.
Chúng ta vẫn muốn thử Thiên
Chúa, bởi lẽ chúng ta không tin Ngài.
Xin cho tôi thấy được sự
kỳ diệu của Tình Yêu
nơi những điều tưởng như
là tự nhiên của cuộc sống.
Cầu nguyện:
Lạy Cha là Đấng Tạo Hóa nhân từ,
xin cho chúng con thấy sự
hiện diện của Cha
trong vũ trụ vô cùng lớn,
trong những hạt tử vô
cùng nhỏ,
và trong bộ óc vô cùng
phức tạp của con người.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một
thế giới đầy mầu sắc.
Mầu xanh cỏ non, mầu hồng
trái chín,
mầu vàng mặt trời xế
chiều.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một
thế giới đầy âm thanh.
Tiếng suối róc rách,
tiếng chim hót véo von,
tiếng gió rì rào qua kẽ
lá.
Cha từ ái biết bao
khi ban cho chúng con một
thế giới đầy hương thơm.
Hương của đồng lúa mới,
của hoa bưởi, hoa cau,
hương thơm của nắng xuân
dìu dịu.
Chúng con ca ngợi đôi tay
khéo léo của Cha
khi tạo nên sự trong ngần
ngời sáng của viên ngọc,
sự lộng lẫy phong phú của
muôn loài hoa lan,
sự rực rỡ hài hòa nơi đôi
cánh của loài bướm,
và nhất là sự đẹp đẽ cao
cả nơi con người.
Dưới lòng đất, trên núi
cao,
giữa biển sâu, trong rừng
vắng,
chỗ nào chúng con cũng
thấy bóng dáng Cha.
Xin cho chúng con
biết chung sống với thiên
nhiên này
như một người bạn, một
quà tặng Cha ban,
biết giữ gìn ngôi nhà
trái đất
để nó khỏi hư hỏng, cạn
kiệt,
và biết chia sẻ cho nhau
bao tài nguyên còn tiềm ẩn.
Ước gì đến ngày cả trái
đất, cả vũ trụ này
và muôn loài Cha đã dựng
nên
được cùng với cả nhân
loại chúng con
vui hưởng tự do và vinh
quang trong Nước Cha. Amen.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Thành kiến
Những người Pharisêu muốn một dấu lạ. Thật ra,
dấu lạ rất nhiều ở quanh họ, nhưng họ không nhận ra. Vì họ có thành kiến với
Chúa Giêsu nên họ không chấp nhận Chúa Giêsu và những việc Chúa Giêsu làm. Họ
muốn Chúa Giêsu làm theo ý riêng của họ. Đây là một vòng luẩn quẩn làm cho
những người Pharisêu không tin Chúa Giêsu. Không đón nhận Chúa Giêsu, nên họ
cũng không nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa.
Trong cuộc sống thường ngày, nhiều lúc tôi cũng
muốn Thiên Chúa làm theo ý riêng của tôi. Tôi cũng trông chờ những phép lạ theo
ý riêng của mình, trong khi đó, Thiên Chúa vẫn âm thầm hiện diện trong cuộc
sống của tôi qua những sự kiện và biến cố hằng ngày. Thiên Chúa vẫn thực hiện
rất nhiều phép lạ qua vạn vật và ngay trong chính con người của tôi từng giờ.
Đối với tha nhân, không ít lần tôi cũng đòi hỏi
anh chị em chung quanh làm theo ý của tôi. Hơn thế nữa, tôi còn nhìn họ theo
cái nhìn thành kiến của tôi. Cách sống ấy đã làm cho tôi không đón nhận những
cái hay cái đẹp nơi tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho con có ánh mắt đức tin và xin
cho con biết mở rộng tâm hồn, để con nhận ra sự hiện diện của Chúa và đón nhận
anh em trong cuộc sống mỗi ngày. Amen.
Vị thánh trong ngày (17/02)
BẢY
VỊ SÁNG LẬP DÒNG TÔI TỚ ĐỨC MẸ
(thế
kỷ 13)
Lược sử:
Có thể nào bạn tưởng tượng được có bảy người
nổi tiếng của thành phố Saigon hoặc Hoa Thịnh Đốn cùng tụ nhau lại, từ giã gia
đình sự nghiệp và sống cô độc trong một cuộc đời tận hiến cho Thiên Chúa không?
Điều đó đã xảy ra trong thế kỷ XIII, ở thành phố Florence phồn thịnh và văn
vậThánh Lúc ấy, thành phố này tan nát vì tranh chấp chính trị cũng như vì lạc
giáo Cathari (trong những điều lầm lạc, họ cho rằng ma quỷ là chúa đối
nghịch và Đức Giêsu chỉ là một thiên thần). Đời sống luân lý thời ấy thật thấp
và tôn giáo dường như không có ý nghĩa gì.
Năm 1240, bảy người
quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến
môt nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa. Sự khó khăn đầu tiên của
họ là việc cấp dưỡng cho thân nhân, vì 2 người vẫn còn lập gia đình và 2 người
nữa góa vợ.
Mục đích của họ là
sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị
quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence. Sau đó họ di chuyển đến một
nơi vắng vẻ khác là sườn núi Senario.
Năm 1244, dưới sự linh
hướng của Cha Phêrô ở Verona, O.P. (sau này được phong thánh), nhóm này theo
thói quen đạo đức tương tự như của các cha Đa Minh, sống dưới quy luật của
Thánh Augustine và lấy tên là Tôi Tớ Đức Maria. Tu hội này có
hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan viện thời xưa.
Năm 1852, các thành
viên của tu hội từ Áo đến Hoa Kỳ và định cư ở Nữu Ước, sau đó ở Philadelphia.
Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của
Cha Austin Morini được thành lập ở Wisconsin năm 1870.
Các thành viên của tu
hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích cực.
Trong đan viện, họ sống đời cầu nguyện, làm việc và giữ thinh lặng nhưng trong
công tác tông đồ họ tham dự các công việc của giáo xứ, dạy học, rao giảng và
các sứ vụ khác.
Suy niệm hạnh thánh
(của Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)
Suy niệm 1: Lạc giáo
Thành phố Florence phồn thịnh và văn vậThánh Lúc ấy, thành phố này tan nát vì
tranh chấp chính trị cũng như vì lạc giáo Cathari
Thời gian mà bảy vị
sáng lập dòng Tôi Tớ Đức Mẹ sinh sống, đó là "thời gian tốt nhất và xấu
nhất." Có lẽ nhiều người cảm thấy như bị lôi cuốn đến một cuộc sống phi
văn hóa, ngay cả phi tôn giáo.
Từ đó nảy sinh lạc
giáo Cathari cho rằng ma quỷ là chúa đối nghịch và Đức Giêsu chỉ là một thiên
thần. Nhưng lại dấy lên những tâm hồn thánh thiện như bảy vị sáng lập dòng Tôi
Tớ Đức Mẹ. Trong một phương cách mới hơn và khẩn thiết hơn, tất cả đều phải đối
diện với những thử thách của một cuộc đời mà tâm điểm là Đức Kitô.
* Lạy Chúa Giêsu, xin
giúp các người lạc giáo hồi tâm quay trở về ràn chiên của Chúa.
Suy niệm 2: Quyết định
Năm 1240, bảy người quý phái của Florence cùng quyết định ra khỏi thành phố đến
môt nơi cô quạnh để cầu nguyện và phục vụ Thiên Chúa.
Đời người không thiếu những lần phải quyết định. Cần phải cân nhắc và suy nghĩ
chín chắn với sự hỗ trợ của ơn Chúa để đi đến quyết định, vì sai một li thì đi
cả một dặm.
Dầu muốn thả Đức Giêsu, nhưng trước sức ép của quần chúng, Philatô đã có một
quyết định là thả Baraba vốn là một tên cướp và giết Đức Giêsu vô tội với bản
án tử hình thập giá (Lc 23,24).
* Lạy Chúa Giêsu, xin
giúp chúng con luôn có những quyết định sáng suốt và tốt lành hầu mưu ích cho
bản thân và tha nhân.
Suy niệm 3: Ăn năn
Mục đích của họ là sống ăn năn đền tội và cầu nguyện, nhưng không bao lâu họ bị
quấy rầy bởi những người hiếu kỳ đến từ Florence.
Chúa Kitô thánh thiện, vô tội, tinh tuyền, không hề phạm tội, chỉ đến để đền
tội cho dân, còn Hội Thánh vì ôm ấp trong lòng những người tội lỗi, nên vừa
thánh thiện vừa phải luôn thanh luyện mình. Do đó Hội Thánh luôn nỗ lực sám hối
và canh tân.
Trong tất cả mọi người, cỏ lùng tội lỗi còn lẫn lộn với lúa tốt của Tin Mừng
cho đến tận thế. Do đó Hội Thánh quy tụ những người tội lỗi đã được lãnh nhận
ơn cứu độ của Chúa Kitô, nhưng còn đang trên đường thánh hóa (Sách Giáo Lý số
827).
* Lạy Chúa Giêsu, xin
giúp chúng con theo gương Hội Thánh luôn nỗ lực sám hối và canh tân.
Suy niệm 4: Tu hội
Tu hội này có hình thức tổ chức giống như các tu sĩ khất thực hơn là các đan
viện thời xưa.
"Mọi tu hội hãy
loan truyền tin mừng của Đức Kitô trên toàn thế giới bằng đức tin chính trực,
bằng tình yêu Thiên Chúa và tha nhân, bằng sự thành tâm với Thánh Giá và qua
niềm hy vọng vào vinh hiển tương lai…
Do đó, với lời cầu bầu
mạnh mẽ của Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, mà 'cuộc đời ngài là quy luật
cho mọi đời sống,' các cộng đồng tôn giáo sẽ cảm nghiệm sự gia tăng về số
lượng, và sẽ gặt hái được nhiều kết quả tốt đẹp mà từ đó dẫn đến sự cứu
độ" (Sắc Lệnh về Đời Sống Tu Trì, 25).
* Lạy Chúa Giêsu, xin
giúp chúng con nhận ra sự đóng góp tích cực của các tu hội trong Giáo
Hội.
Suy niệm 5: Nhỏ bé
Hai tỉnh dòng Hoa Kỳ được phát triển từ một tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini
được thành lập ở Wisconsin năm 1870.
Dầu nhỏ bé nhưng với quyền năng Thiên chúa thì
đều có thể trở nên lớn lao và vĩ đại, đúng như hình ảnh hạt cải bé nhỏ nhất
được Đức Giêsu dùng để ví với Nước Trời (Mt 13,32).
Chẳng những tổ chức nhỏ bé của Cha Austin Morini đã phát triển thành hai tỉnh
dòng Hoa Kỳ, mà nhất là Giáo Hội tuy khởi đầu nhỏ bé nhưng đã lan rộng đến mọi
dân nước trên khắp cả địa cầu.
* Lạy Chúa Giêsu, xin
giúp chúng con luôn vững tin vào quyền năng Thiên Chúa, để chấp nhận tiến hành
các việc bổn phận dầu bé nhỏ tầm thường.
Suy niệm 6: Phối hợp
Các thành viên của tu hội phối hợp giữa đời sống đan viện và sự hoạt động tích
cực.
Trước đó vào hạ bán thế kỷ V, thánh Biển Đức đã đưa ra một quy luật liên kết
đời sống cầu nguyện phụng vụ, học hỏi, và lao động chân tay, với châm ngôn
“Orare et laborare” có nghĩa là cầu nguyện và làm việc theo gương Đức Giêsu.
Thật vậy Đức Giêsu đã từng sống tinh thần ấy. Thấy dân chúng đông đảo đang
không có gì ăn, Ngài đã cầm lấy bánh, dâng lời tạ ơn rồi phân phát cho những
người ngồi ở đó (Ga 6,11).
* Lạy Chúa Giêsu, xin
giúp chúng con luôn đan xen việc cầu nguyện và làm việc, để mọi việc làm đều
được thánh hóa.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét