Trang

Thứ Ba, 25 tháng 2, 2014

Cơ cấu phối hợp mới về các vấn đề kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican

Cơ cấu phối hợp mới về các vấn đề kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican

Loan báo về cơ quan mới, thông cáo báo chí của Tòa Thánh đã sử dụng hàng tít dài như trên, gọi đây là một cơ cấu phối hợp. Nguyên văn thông cáo như sau:

Thông cáo báo chí của Tòa Thánh

“Hôm nay, Đức Thánh Cha loan báo một cơ cấu phối hợp mới các sự vụ kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican. 

Việc loan báo ngày hôm nay diễn ra sau khi các khuyến cáo từ một cuộc duyệt xét gắt gao do Ủy Ban Giáo Hoàng Tham Khảo Về Việc Tổ Chức Cơ Cấu Kinh Tế-Hành Chánh của Tòa Thánh (COSEA) tiến hành được xem sét và chấp thuận bởi cả Hội Đồng Tám Hồng Y được thiết lập để cố vấn Đức Thánh Cha trong việc cai quản và Ủy Ban Mười Lăm Hồng Y có nhiệm vụ giám sát các vấn đề tài chánh của Tòa Thánh. 

COSEA đề nghị nhiều thay đổi nhằm đơn giản hóa và củng cố các cơ cấu quản trị hiện thời và cải tiến việc phối hợp và giám sát khắp Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican. COSEA cũng khuyến cáo phải chính thức cam kết hơn nữa trong việc chấp nhận các tiêu chuẩn kế toán và các thực hành được mọi người chấp nhận về quản trị và phúc trình tài chánh cũng như cải tiến việc kiểm soát nội bộ, việc trong sáng và quản trị. 

Các thay đổi trên sẽ đem lại nhiều hợp tác chính thức hơn từ các chuyên viên cao cấp và nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực quản trị, đặt kế hoạch và phúc trình về tài chánh và sẽ bảo đảm việc sử dụng tài nguyên tốt hơn, cải thiện việc yểm trợ hiện có cho nhiều chương trình, đặc biệt là các công trình giúp người nghèo và người bị bỏ rơi. 

Các thay đổi được Đức Thánh Cha loan báo bao gồm:

1. Việc thiết lập Văn Phòng mới phụ trách Kinh Tế có thẩm quyền trên mọi hoạt động kinh tế và hành chánh của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican. Trong số nhiều vấn đề, Văn Phòng này sẽ chịu trách nhiệm soạn thảo ngân sách hàng năm cho Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican cũng như đặt kế hoạch tài chánh và nhiều chức năng yểm trợ như tài nguyên nhân sự và thu mua. Văn Phòng cũng có nhiệm vụ soạn thảo bản tường trình chi tiết về tài chánh (financial statements) của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican. 

2. Văn Phòng về Kinh Tế sẽ thi hành các chính sách do một Hội Đồng mới về Kinh Tế ấn định, đây là một Hội Đồng Mười Lăm Thành Viên gồm 8 Hồng Y hay giám mục, phản ảnh các vùng khác nhau của thế giới và 7 chuyên viên giáo dân thuộc các quốc tịch khác nhau dầy kinh nghiệm chuyên nghiệp về tài chánh. Hội Đồng này sẽ họp thường xuyên và xem sét các chính sách và các thực hành cũng như soạn thảo và phân tích các phúc trình về các hoạt động kinh tế-hành chánh của Tòa Thánh. 

3. Văn Phòng về Kinh Tế sẽ đặt dưới sự cầm đầu của một Hồng Y bộ trưởng, vị này sẽ phúc trình cho Hội Đồng về Kinh Tế. Ngài sẽ được yểm trợ bởi một Tổng Thư Ký có nhiệm vụ quản trị mọi hoạt động hàng ngày. 

4. Đức Thánh Cha đã bổ nhiệm Đức Hồng Y Pell, hiện là Tổng Giám Mục Sydney, Úc Châu, vào chức vụ Bộ Trưởng Văn Phòng về Kinh Tế. Chi tiết về Đức Hồng Y Pell được đính kèm (thông cáo báo chí này). 

5. Các sắp xếp mới này cũng bao gồm việc bổ nhiệm một Tổng Thanh Lý Viên, do Đức Thánh Cha bổ nhiệm; vị này sẽ có quyền tiến hành các cuộc thanh lý bất cứ cơ quan nào của Tòa Thánh vào bất cứ thời điểm nào. 

6. Các thay đổi này cũng sẽ xác nhận vai trò của APSA (Cơ Quan Quản Trị Gia Tài Của Tòa Thánh) như là Ngân Hàng Trung Ương của Vatican với mọi bổn phận và trách nhiệm của các định chế tương tự trên khắp thế giới. 

7. AIF (Cơ Quan Tình Báo Tài Chánh) sẽ tiếp tục đảm nhiệm vai trò hiện nay và rất chủ yếu của nó trong việc giám sát và qui định các hoạt động dự phòng (prudential) của Tòa Thánh và Thị Quốc Vatican. 

Bộ trưởng Văn Phòng mới về Kinh Tế đã được yêu cầu khởi sự làm việc càng sớm càng tốt. Ngài sẽ soạn thảo các qui chế sau cùng và các vấn đề liên hệ với sự trợ giúp của bất cứ cố vấn cần thiết nào và sẽ làm việc với COSEA để hoàn tất việc thi hành các thay đổi đã được Đức Thánh Cha phê chuẩn này”. 

Cơ may thành công

Trong phần chi tiết về Đức HY Pell, thông cáo báo chí của Tòa Thánh nhắc tới tiểu sử của ngài và các hoạt động nhiều mặt của ngài cho Giáo Hội hoàn vũ nói chung, cho hai tổng giáo phận Melbourne và Sydney nói riêng cũng như cho xã hội Úc Châu. 

Nhưng bản văn trên không nói gì tới cá tính của ngài. Có người đặt câu hỏi: liệu Đức Hồng Y Pell có khả năng giải quyết các khủng hoảng tài chánh của Vatican hay không? 

Để trả lời câu hỏi trên có ký giả đã nêu ra các dấu hiệu tích cực sau đây: thứ nhất, vị tân bộ trưởng có thẩm quyền lớn vì ngài trực tiếp phúc trình cho Đức Giáo Hoàng (qua Hội Đồng mới về Kinh Tế), hơn hẳn các vị cầm đầu Thị Quốc Vatican và APSA. 

Thứ hai, Đức Hồng Y Pell là một người cứng rắn, không sợ đụng chạm. Chắc chắn ngài sẽ là đối thủ nặng ký đối với bất cứ ai chống đối ngài. 

Thứ ba, thẩm quyền của Văn Phòng mới sâu rộng hơn thẩm quyền của Phủ Kinh Tế Sự Vụ hiện nay. Sẽ không còn chuyện “thanh tra sổ sách, nếu cần” nữa. Văn Phòng này “sẽ đảm nhiệm việc thanh lý và giám sát kinh tế’ của mọi phòng sở của Vatican. Thanh lý nay trở thành bắt buộc. Văn Phòng còn có thẩm quyền lập “chính sách và thủ tục liên quan tới việc mua bán và phân phối tài nguyên nhân sự” là điều Phủ kia chưa bao giờ có. 

Cuối cùng, Văn Phòng này sẽ hoàn toàn độc lập đới với Phủ Quốc Vụ Khanh. Điều này có nghĩa, cơ cấu mới không có nhiệm vụ phải giải thích việc kế toán tài chánh cho các nhà ngoại giao và phải chờ sự duyệt xét của họ mới được làm bất cứ việc gì. Ngoài ra, Văn Phòng này còn có quyền áp đặt luật lệ tài chánh lên Phủ Quốc Vụ Khanh và thanh lý sổ sách của Phủ này. Trong quá khứ, chưa cơ quan nào có thẩm quyền này. 

Có điều Đức Hồng Y Pell vẫn tiếp tục ở lại Sydney, ít nhất là lúc này. Đó là điều đã được Cha Lombardi xác nhận. Nếu việc này kéo dài, thì Văn Phòng mới sẽ kém hữu hiệu. Ngài cần có mặt tại chỗ để hỗ trợ nhân viên của mình và kịp thời đối phó với những viên chức khác của Vatican. Nếu ai đó cản trở một trong các thanh lý viên của ngài, ngài phải có mặt để “khai thông” ngay.

Tuy nhiên, theo lá thư gửi Tổng Giáo Phận Sydney mới đây, người ta tin chắc Đức Hồng Y Pell sẽ từ giã Sydney vào cuối tháng Ba này để làm việc toàn thời gian tại Rôma trong chức vụ mới. Trong lá thư này, ngài nhắc lại các hồng phúc Chúa ban cho ngài trong thời gian phục vụ tại Sydney giữa “giáo dân, các linh mục và tu sĩ của tổng giáo phận trong gần 14 năm”. Ngài được tiếp đón và được không ngừng giúp đỡ và hỗ trợ trong công việc của ngài, đây là điều “tôi vô cùng biết ơn… Rất nhiều việc lành, và còn nhiều việc nữa đã được thực hiện trong các năm gần đây, sẽ không thể có được nếu không có bàn tay vất vả của anh chị em, cũng như lòng quảng đại và sự tận tụy của anh chị em. Tinh thần và tình bạn tốt lành, xem ra vốn lên đặc điểm cho nhiều trách vụ khác nhau của chúng ta, bất kể các căng thẳng và áp lực không thể nào tránh khỏi, đã là một khích lệ và hỗ trợ vĩ đại đối với tôi, và tôi sẽ nhớ chúng rất nhiều . 

Tôi sẽ đảm nhiệm vai trò mới của tôi vào cuối tháng Ba, và tôi mong được gặp gỡ anh chị em trước khi nói lời cách biệt…”.

Cũng nên lưu ý: tự sắc của Đức Phanxicô khi loan báo việc trên lấy tựa là Fidelis dispensator et prudens, "người quản lý trung thành và khôn ngoan” dựa vào Tin Mừng Luca, tức dụ ngôn nói về các gia nhân được trao nhiệm vụ chăm sóc của cải của chủ và một trong những người này bị kỷ luật vì đã lạm dụng các của cải này. 


Vũ Văn An2/24/2014(vietcatholic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét