Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 2, 2014

HỌC HỎI ĐỂ PHÚC-ÂM-HÓA ĐỜI SỐNG GIA ĐÌNH - BÀI 5 : GIÁ TRỊ CỦA HÔN NHÂN GIA ĐÌNH

BÀI 5: GIÁ TRỊ CỦA HÔN NHÂN - GIA ĐÌNH.


1. Giáo hội ý thức thế nào về giá trị của hôn nhân-gia đình?
Giáo hội ý thức mạnh mẽ: hôn nhân-gia đình là một điều thiện hảo quí giá nhất của nhân loại1.
2. Giáo hội dấn thân phục vụ gia đình để làm gì?
Để nâng đỡ những gia đình trung thành2; soi sáng những gia đình lo âu3; trợ giúp những gia đình không được tự do sống những giá trị hôn nhân-gia đình4.
HH
Chú thích
1/ Giáo hội ý thức mạnh mẽ: hôn nhân-gia đình là một trong những điều thiện hảo quí giá nhất của nhân loại, có phẩm giá thiêng liêng thánh thiện (x. MV 48), vì đã được chính Thiên Chúa thiết lập, và được Chúa Kitô thánh hiến qua bí tích hôn phối.
Quả vậy, chính Thiên Chúa là Ðấng tác tạo hôn nhân, đã phú bẩm những lợi ích và mục tiêu khác nhauhết sức quan trọng cho việc lưu truyền nhân loại, cho sự phát triển cá nhân và phần rỗi đời đời của mỗi thành phần trong gia đình; quan trọng đối với phẩm giá, sự kiên vững, bình an và thịnh vượng của chính gia đìnhcủa toàn thể xã hội loài người…” (MV 48).
Sau nữa, Vợ chồng Kitô hữu được củng cố, và được thánh hiến bằng một bí tích riêng, để được lãnh nhận các bổn phận và phẩm giá của bậc sống họ; nhờ sức mạnh của bí tích này, họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô, mà chu toàn bổn phận hôn nhân-gia đình, nhờ đó tất cả đời sống của họ được thấm nhuần đức tin, cậy, mến, và càng ngày họ càng tiến gần hơn tới sự trọn lành riêng biệt, thánh hóa nhau, và cùng nhau tôn vinh Thiên Chúa...” (MV 48).
Riêng với các gia đình Việt nam, Thư Mục vụ Năm Đức Tin của Hội đồng Giám mục (11-10-2012) đã nhấn mạnh rằng: “Trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi truyền thống đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin, và gương mẫu trong đời sống đạo đức” (số 9).
Như tấm gương của gia đình thánh Micae Lý Mỹ:
Thấy cha vợ là thánh Antôn Nguyễn Đích tuổi già sức yếu, nên hai lần thánh Lý Mỹ đã tự nguyện chịu đòn thay cha, và còn khích lệ cha: “Cha đừng lo những hình khổ phải chịu, con sẽ chịu đòn thay cha, cha hãy can đảm làm chứng và sẵn lòng chết vì yêu mến Chúa Kitô, Đấng đã chết vì chúng ta”.
Cậu con của thánh Mỹ, mới 12 tuổi, cũng lén vào thăm cha, và còn nói với cha: “Xin cha can đảm chịu chết vì Chúa”.
Bà vợ khích lệ chồng: “Vợ con ai mà chẳng thương, nhưng ông hãy hy sinh vác Thánh giá vì Chúa. Hãy trung thành đến cùng, đừng lo nghĩ đến mẹ con tôi, Chúa sẽ quan phòng tất cả”.
2.3.4.  Gia đình Việt Nam cũng như khắp thế giới ngày nay đang bị ảnh hưởng do những biến đổi sâu rộng, ồ ạt của xã hội và văn hoá, do những tiến bộ chóng mặt về kỹ thuật, (như những phương tiện truyền thông: điện thoại, internet…), do việc di dân, đô thị hóa... Hậu quả là:
* Nhiều gia đình vẫn nỗ lực sống trung thành với những giá trị nền tảng của định chế gia đình (như hiếu thảo, chung thủy …), nhưng phải chạm trán với nhiều thách thức, trong đó có cả những khoản luật dân sự (vd. Luật hạn chế sinh sản)…
* Nhiều gia đình khác ngập ngừng hoặc lạc hướng, hoài nghi ý nghĩa sâu xa và giá trị, nhất là sự bền vững, chung thủy của giao ước hôn nhân-gia đình, do ảnh hưởng của phim ảnh, của não trạng ích kỷ, hưởng thụ
* Và nhiều gia đình không thể thực hiện được những quyền lợi căn bản của họ, do nhiều hoàn cảnh bất công khác nhau:  
Trong các nước nghèo, các gia đình thường thiếu thốn từ những phương tiện căn bản, như thực phẩm, việc làm, nhà ở, thuốc men, cho đến cả những tự do sơ đẳng nhất.
Tại các nước giàu có, trớ trêu thay: sự thoải mái và óc hưởng thụ lại gắn liền với một thứ âu lo, vìvẫn cảm thấy bấp bênh trước tương lai, nên các đôi bạn mất sự quảng đại và can đảm để sinh thêm những sự sống mới. Người ta không coi sự sống như một chúc phúc của Thiên Chúa, nhưng coi đónhư một gánh nặng, một nguy hại phải ngăn ngừa…
Trước thực trạng ấy, Mẹ Giáo Hội không mỏi mệt đề nghị những giáo huấn, những đường hướng cho phép cứu vãn, và thực hiện tất cả sự thật, sự trọn vẹn của phẩm giá hôn nhân-gia đình (x. Tông huấn Gia đình, s.5).
Trong năm 2014 này, chúng ta sẽ đặc biệt tìm hiểu những giáo huấn, đường hướng của Giáo hội, qua Tông Huấn về Gia Đình (GĐ) của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II (1981), cũng như qua những Thư Chung liên quan của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đặc biệt là Thư chung 2007 về Giáo dục Kitô giáo, và Thư chung 2013 về Tân Phúc Âm hóa.
Mong rằng sẽ hỗ trợ cho việc Tân Phúc Âm hóa gia đình chúng ta.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét