Trang

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

06-03-2014 : THỨ NĂM SAU LỄ TRO

06/03/2014
Thứ Năm sau Lễ Tro


Bài Ðọc I: Ðnl 30, 15-20
"Hôm nay tôi đề nghị với anh em về sự chúc lành và sự chúc dữ".
Trích sách Ðệ Nhị Luật.
Môsê nói với dân rằng: Này hôm nay tôi giãi bày cho anh em về sự sống và hạnh phúc, về sự chết và bất hạnh. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy đi trong đường lối Người và tuân giữ các giới răn, những lề luật và các huấn lệnh của Người, hầu anh em được sống và tăng số, và Chúa chúc lành cho anh em trên phần đất mà anh em sẽ chiếm hữu. Nhưng nếu lòng anh em không quay về, không muốn nghe, và chạy theo lầm lạc, thờ lạy và phụng sự các thần khác, thì hôm nay tôi tuyên bố với anh em rằng anh em sẽ chết, không được sống trên phần đất bên kia sông Giođan mà anh em sẽ chiếm hữu. Hôm nay, tôi xin trời đất làm chứng rằng: tôi đã đề nghị với anh em về sự sống và sự chết, sự chúc lành và sự chúc dữ. Vậy hãy chọn lựa sự sống để anh em và dòng dõi anh em được sống. Hãy yêu mến Chúa là Thiên Chúa anh em, hãy tuân phục lệnh Người và liên kết với Người, vì Người là sự sống và là sự sống lâu dài của anh em, để anh em được ở trong đất nước mà Chúa đã hứa ban cho tổ phụ anh em là Abraham, Isaac và Giacóp".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 1, 1-2. 3. 4 và 6
Ðáp: Phúc thay người đặt niềm tin cậy vào Chúa (Tv 39, 5a).
Xướng: 1) Phúc cho ai không theo mưu toan kẻ gian ác, không đứng trong đường lối những tội nhân, không ngồi chung với những quân nhạo báng, nhưng vui thoả trong lề luật Chúa, và suy ngắm luật Chúa đêm ngày. - Ðáp.
2) Họ như cây trồng bên suối nước, trổ sinh hoa trái đúng mùa; lá cây không bao giờ tàn úa. Tất cả công việc họ làm đều thịnh đạt. - Ðáp.
3) Kẻ gian ác không được như vậy, họ như vỏ trấu bị gió cuốn đi; vì Chúa canh giữ đường người công chính, và đường kẻ gian ác dẫn tới diệt vong. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: 2 Cr 6,2b
Ðây là lúc thuận tiện, đây là ngày cứu độ.

Phúc Âm: Lc 9, 22-25
"Ai bỏ mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Con Người phải đau khổ nhiều, bị các vị Kỳ lão, các Thượng tế, và các Luật sĩ khai trừ và giết chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại".
Chúa nói với mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta. Vì chưng, ai muốn giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai mất mạng sống vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời lãi cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, thì được ích gì?"
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm:  Theo Chúa Giêsu

Trong lịch sử Giáo hội, từ hơn hai ngàn năm qua đã có biết bao linh mục, tu sĩ, giáo dân dâng hiến cuộc đời phục vụ Chúa trong tha nhân. Ơn gọi của mỗi người thường khác nhau, nhưng có điều chắc chắn là tất cả đều được kêu mời nên thánh, sống hạnh phúc trong ơn gọi làm người và làm con cái Chúa, theo gương mẫu của Chúa Kitô.
Con đường ơn gọi sống đời tận hiến là hành trình tìm về khổ đau, về cái chết trên thập giá và sự phục sinh vinh hiển. Sống đời tận hiến, sống niềm tin Kitô giáo là chấp nhận thiệt thòi, mất mát, là hy sinh từ bỏ để đổi lấy cuộc sống vĩnh cửu. Nói cách khác sống ơn gọi Kitô hữu, ơn gọi làm môn đệ Chúa, ơn ogị trở thành công dân Nước Chúa cần một lựa chọn quyết liệt và dứt khoát. Chúa Giêsu đòi hỏi những ai dấn bước theo Ngài sự lựa chọn ấy, cũng như chính Ngài đã lựa chọn dâng hiến cuộc đời và mạng sống vì yêu mến Chúa Cha và để cứu độ con người. Ngài nói: “Ai muốn theo Ta hãy chối bỏ chính mình, hãy vác lấy thập gía mình mỗi ngày mà theo Ta”.
Chúa Giêsu có ngặt nghèo và đòi hỏi quá đáng chăng? Không. Ngài chỉ muốn cho chúng ta đước hoàn toàn thanh thoát và hạnh phúc trên con đường sống đời Kitô hữu và đặc biệt là đời tận hiến. Bởi vì chúng ta không thể phụng sự Thiên Chúa và phục vụ con người một cách thiết thực, nếu còn bị ràng buộc bởi tiền tài, danh vọng, tình cảm.
Xin Chúa ban sức mạnh, để chúng ta kiên quyết dấn thân theo Chúa với một tâm hồn thanh thản và tràn trề hạnh phúc.
(Trích trong ‘Mỗi Ngày Một Tin Vui’)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm sau Lễ Tro
Bài đọc: Deut 30:15-20; Lk 9:22-25.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Thế nào gọi là sống?
Có nhiều quan điểm sống khác nhau: Có những người vô thần cho rằng cuộc sống trên dương gian là tất cả những gì họ có, nên phải sống làm sao để tận hưởng hết những gì thế gian dâng tặng. Đối với những người này, những giá trị tôn giáo vô nghĩa vì họ không tin có Thiên Chúa và cuộc sống đời sau. Phần đông tin có thưởng phạt và cuộc sống đời sau, nên phải sống làm sao để đạt được cuộc sống mai sau.
Các Bài Đọc hôm nay mời gọi các tín hữu xét lại quan niệm sống của mình. Trong Bài Đọc I, Sách Đệ Nhị Luật phân biệt hai lối sống: lối sống yêu mến Thiên Chúa và vâng lời tất cả những gì Thiên Chúa dạy, và lối sống thờ phượng các thần và bất tuân những lệnh truyền của Thiên Chúa. Theo tác giả, chỉ có lối sống thứ nhất mới đem lại hạnh phúc đích thực cho con người. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai lối sống: ai muốn theo lối sống của Ngài, phải từ bỏ chính mình và vác thập giá mình hằng ngày mà theo; ngược lại, ai không theo lối sống này, sẽ có nguy hiểm mất tất cả những gì mình đang sở hữu.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Hai con đường hay hai lối sống
Sách Đệ Nhị Luật đề cao vai trò của Lề Luật, vì chính Thiên Chúa đã ban Lề Luật này. Chỉ có Thiên Chúa biết những gì tốt đẹp cho con người, nên Lề Luật Ngài ban là để giúp con người được hạnh phúc và tránh mọi nguy hiểm. Tác giả diễn tả đơn giản hai lối sống mà con người có thể chọn để sống như sau: “Coi đây, hôm nay tôi đưa ra cho anh em chọn: hoặc là được sống, được hạnh phúc, hoặc là phải chết, bị tai hoạ.”
(1) Yêu mến và vâng lời Thiên Chúa sẽ được sống hạnh phúc: “Hôm nay tôi truyền cho anh em phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người, để anh em được sống, được thêm đông đúc, và Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, chúc phúc cho anh em trong miền đất anh em sắp vào chiếm hữu.”
(2) Không yêu mến và bất tuân Thiên Chúa sẽ phải chết vì tai họa: “Nhưng nếu anh em trở lòng và không vâng nghe, lại bị lôi cuốn và sụp xuống lạy các thần khác và phụng thờ chúng, thì hôm nay tôi báo cho anh em biết: chắc chắn anh em sẽ bị diệt vong, sẽ không được sống lâu trên đất mà anh em sắp sang qua sông Jordan để vào chiếm hữu.”
Lời truyền trên đây, tuy đơn giản, nhưng không ai có thể làm được; vì mọi người đều bất tuân lệnh Thiên Chúa, và vi phạm các Lề Luật của Người. Hậu quả là tất cả đều phải chết; nếu Thiên Chúa không có kế họach khác cho con người. Nhưng Thiên Chúa đã có kế họach cứu độ cho con người, Ngài cho Người Con Một của Ngài xuống trần để gánh tội cho con người; nhờ Đức Kitô, con người được sống.
2/ Phúc Âm: Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất.
2.1/ Con đường Cứu Độ của Đấng Thiên Sai: Chúa Giêsu nói với các môn đệ: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy." Chỉ trong một câu ngắn ngủi, Chúa Giêsu mặc khải cho các môn đệ những điều sau đây: (1) Có hai cuộc sống: đời này và đời sau. (2) Ngài sẽ phải chịu đau khổ nhiều, bị lọai bỏ và bị giết chết; nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ trỗi dạy vinh quang. (3) Quyền lực thế gian chỉ có thể giết được thân xác, nhưng không động đến được linh hồn. (4) Ngài tự nguyện chịu đau khổ để cứu chuộc con người; Ngài có thể chọn con đường khác.
2.2/ Ba điều kiện để trở nên môn đệ Chúa: Theo Tin Mừng Nhất Lãm, động từ “theo” có nghĩa “trở nên môn đệ.” Theo Chúa Giêsu là muốn trở nên môn đệ của Ngài. Điều này có nghĩa không những người môn đệ chấp nhận lý tưởng mà còn chấp nhận cách thức để đạt lý tưởng của Thầy mình. Lý tưởng của Chúa Giêsu là làm sao cho tất cả mọi người đạt được ơn Cứu Độ mà Ngài sắm sẵn cho họ qua Cuộc Thương Khó, Tử Nạn, và Phục Sinh vinh hiển của Ngài. Để đạt tới lý tưởng này, Chúa Giêsu đòi 3 điều kiện như sau:
(1) Phải muốn theo: Con người được Thiên Chúa ban cho tự do để lựa chọn; không ai có thể bắt họ làm điều họ không muốn. Tuy Thiên Chúa có thể bắt, nhưng nếu làm như thế, Ngài sẽ mâu thuẫn với chính Ngài. Chúa Giêsu chỉ có thể trình bày cho con người biết hết những tốt đẹp của cuộc sống mai sau, và những điều tai hại nếu con người không đạt mục đích này; sau đó, Ngài để cho con người tự do lựa chọn.
(2) Phải từ bỏ chính mình: Chúa Giêsu hiểu con người còn hơn con người hiểu chính mình. Ngài biết con người có khuynh hướng thích những gì dễ dãi, ham danh vọng, thích uy quyền và hưởng thụ; nhưng tất cả những khuynh hướng này chỉ làm cho con người xa lý tưởng mà Thiên Chúa đã dự định cho con người. Vì thế, Chúa Giêsu đòi con người phải từ bỏ chính mình, tức là từ bỏ ý riêng mình để sống theo thánh ý của Thiên Chúa.
(3) Phải vác thập giá mình hằng ngày mà theo: Chúa Giêsu cũng biết con người không thích đau khổ, nhục mạ, tù đày, đánh đòn, chết chóc; nhưng Ngài muốn con người vác tất cả các đau khổ này hằng ngày mà theo Ngài, vì nó sẽ sinh lợi ích cho con người, và giúp con người đạt tới lý tưởng mà con người theo đuổi. Chính Ngài cũng qua con đường đau khổ đó để đem lại ơn Cứu Độ cho con người.
2.3/ Nghịch lý của cuộc sống: “Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy.” Để hiểu câu này, chúng ta phải chấp nhận có hai cuộc sống: đời này và đời sau. Người theo Chúa có thể sẽ mất cuộc sống đời này, nhưng sẽ được cuộc sống đời sau. Còn những người muốn cứu mạng sống mình đời này, những người không muốn theo Chúa sẽ mất cuộc sống đời sau.
Vấn đề đặt ra là cuộc sống nào đáng quí trọng hơn? Theo Chúa Giêsu, cuộc sống đời sau quí trọng hơn vì sẽ được sống với Thiên Chúa và hưởng hạnh phúc muôn đời. Vì thế, Chúa Giêsu đặt câu hỏi cho mọi người suy nghĩ: “Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?”

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Chúng ta cần phân biệt rõ ràng hai lối sống: theo Thiên Chúa và theo thế gian. Khi chúng ta chọn sống theo lối sống nào, chúng ta phải chấp nhận hậu quả của lối sống đó.
- Kinh nghiệm dạy chúng ta đường rộng rãi thênh thang chẳng làm lợi ích cho con người, mà chỉ dẫn tới diệt vong. Trái lại, đường chật hẹp gian khổ tuy khó đi, nhưng luôn đem lợi ích cho con người.
- Mùa Chay cho chúng ta có cơ hội nhìn lại cuộc đời để xem chúng ta đang sống theo lối sống nào. Rất có thể chúng ta đang sống theo lối thế gian dầu trí óc chúng ta đang muốn theo lý tưởng của Chúa Giêsu.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM  MÙA CHAY
Đnl 30,15-20 - Lc 9,22-25


A. Hạt giống...
Bài đọc I trích sách Đệ nhị luật nói về 2 con đường : ai chọn đi theo con đường của Chúa và các giới luật của Ngài thì sẽ được sống ; còn ai đi theo các quyến rũ khác thì sẽ diệt vong.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu cho biết rõ hơn con đường của Chúa là con đường gì : đó là con đường dẫn tới vinh quang phục sinh, nhưng trước đó phải qua đau khổ của thập giá ; ai muốn đi theo Ngài thì cũng phải đi qua con đường thập giá, thậm chí phải vác thập giá hằng ngày.

B.... nẩy mầm.
1. Cuộc sống là một chuỗi những lựa chọn. Mà chọn thì phải bỏ, bỏ cái kia để được cái này. Nên nhớ là chúng ta đã chọn Chúa và con đường của Chúa. Đó là sự lựa chọn căn bản (option fondamentale), nhưng lựa chọn căn bản ấy phải thể hiện trong những lựa chọn hằng ngày theo cùng chiều hướng đó. Mùa chay là thời gian chúng ta xét mình lại về những lựa chọn của mình, đồng thời lặp lại lựa chọn căn bản : chọn Chúa, chọn con đường thập giá, chọn từ bỏ.

2. Chúa Giêsu dạy ta một nghịch lý rất sâu sắc : chịu mất thì sẽ được ; còn muốn được thì phải mất !

3. “Người nào được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích gì ?” (câu 25). Thánh Inhaxiô đã lặp đi lặp lại mãi bên tai Phanxicô Xaviê câu này. Cuối cùng câu này đã làm cho Phanxicô Xaviê hoán cải. Hôm nay tôi hãy lặp đi lặp lại câu này suốt ngày nhiều lần, hy vọng Chúa sẽ giúp tôi hoán cải như Phanxicô Xaviê.

4. Có một người kia được Chúa cho vác một cây thập giá. Nhưng anh ta không chịu nổi, anh đến xin Chúa cho đổi cây thập giá khác. Chúa bằng lòng : “Ngoài nghĩa địa có vô số thập giá đủ loại. Con cứ ra đó muốn chọn cây nào tuỳ thích.” Dưới ánh trăng mờ trên nghĩa địa, anh ta đã thở phào nhẹ nhõm vất cây thập giá của mình và loay hoay chọn cây khác. Nhưng anh tìm mãi vẫn không được : cây thì quá dài, cây thì quá ngắn, có cây nhẹ nhàng nhưng sù sì khó vác, có cây trơn tru nhưng nặng quá... Và rồi đêm nào cũng thế.. cho đến một lần kia anh tìm được cây thập giá vừa ý nhất, nhẹ nhàng và êm ái nhất, vác về nhà. Nhưng ôi khi nhìn kỹ lại thì ra đó chính là cây thập giá đầu tiên mà Chúa đã trao cho anh ngày nào ! (Trích ”Phúc”)

5. Những khổ sở mà đời chúng ta phải chịu cũng giống như một bó củi rất to và rất nặng. Chắc chắn chúng ta vác không nổi. Nhưng Thiên Chúa đã thương tháo dây bó củi đó ra, rồi chia nó ra để mỗi ngày chỉ chất lên vai ta một khúc thôi. Hôm sau một khúc nữa, và hôm sau tiếp tục... Cuối cùng ta cũng vác xong hết bó củi. Nhiều người lại không làm như thế  : chẳng những họ chất lên vai khúc củi của hôm nay mà còn thêm vào đó khúc củi của hôm qua và khúc củi của ngày mai. Lạ gì họ không vác nổi !” (John Newton).

Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

06/03/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG SAU LỄ TRO
Lc 9,22-25

GIÁ TRỊ ĐỜI NGƯỜI
“Người nào được lời lãi cả thế gian mà đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có ích gì ?” (Lc 9,25)

Suy niệm: Thánh Inhaxiô, đấng sáng lập dòng Tên, bạn của thánh Phanxicô Xaviê, cứ nhắc đi nhắc lại mãi cho bạn mình câu Lời Chúa này. Ban đầu Phanxicô khó chịu nhưng cuối cùng Lời này đã đánh động Phanxicô: ngài được biến đổi, gia nhập dòng Tên và trở thành nhà truyền giáo không mệt mỏi cho vùng Á Châu. Quả thật sở hữu cả thế gian này cũng không đủ cân xứng với giá trị một con người; bởi vì “nhân linh ư vạn vật,” con người có giá trị linh thiêng mà Thiên Chúa đã phú ban khi tạo dựng. Phẩm giá con người con cao quý hơn nữa bởi vì đã được cứu chuộc bởi chính mạng sống của Đức Giêsu Kitô, Con Một Chúa.
Mời Bạn: Thế giới ngày nay đang chạy theo trào lưu tục hoá và thực dụng. Chúng ta dễ đặt vật chất làm tiêu chuẩn đánh giá: những ai sở hữu nhiều của cải, nhiều quyền lực có địa vị cao trong xã hội được coi là thành đạt. Mùa Chay là cơ hội thuận lợi để chúng ta xác định lại giá trị thật của đời người, nhất là giá trị của một người xét như là con cái Thiên Chúa.
Chia sẻ: Đứng trước những đòi hỏi ‘phải có điều này’, phải ‘sở hữu cái kia’, Bạn đã phản ứng ra sao để giữ được chất Kitô trong con người Bạn?
Sống Lời Chúa: Hôm nay tôi lặp đi lặp lại câu Lời Chúa này nhiều lần, xin Chúa giúp tôi hoán cải cuộc sống như thánh Phanxicô Xaviê.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã khơi gợi cho con thấy lại những giá trị đích thực của con người con. Xin cho con biết bảo tồn những giá trị đó bằng cách dám can đảm từ khước những gì làm phương hại đến chúng. Amen.

Vác thập giá mình hằng ngày 
Vác thánh giá là chuyện bình thường hằng ngày của Kitô hữu nếu chúng ta muốn sống yêu thương, phục vụ, trong trắng, thành thật…

Suy nim:
Khi nhìn các bạn đi dự Ngày Giới trẻ Thế giới ở Úc 2008
giành nhau chung vai vác cây thánh giá bằng gỗ, thật dài và nặng,
với vẻ mặt hớn hở vui tươi,
chúng ta sẽ dễ nghĩ rằng vác thánh giá đâu có gì khó.
Nhưng khi phải đối diện với những thánh giá không bằng gỗ,
những thánh giá vô hình mà ta phải vác một mình,
chúng ta thấy khó hơn nhiều.
Không thể nói đến Đức Giêsu mà không nói đến thánh giá.
Thánh giá là cái giá Ngài trả cho cả một đời dám sống cho Cha
và cho con người, đặc biệt những người yếu thế.
Thánh giá nằm trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Cha,
nhưng thánh giá cũng là kết quả của lựa chọn căn bản của Đức Giêsu.
Ngài đã chết như thế vì Ngài đã dám sống như thế.
Đức Giêsu dần dần ý thức rằng
nếu Ngài cứ tiếp tục làm chướng mắt giới lãnh đạo Do thái giáo,
gồm các kỳ mục, các thượng tế và các kinh sư (c. 22),
thì cái chết như Gioan Tẩy giả là điều Ngài sẽ không tránh khỏi.
Đức Giêsu có thừa cách để tránh cái chết.
Nếu Ngài đừng giảng dạy, đừng hành xử như đã quen làm.
Nếu Ngài đừng nhất quyết lên Giêrusalem, nơi nguy hiểm (Lc 9, 51)…
Nếu Ngài chiều sự tò mò của Hêrôđê bằng cách làm vài phép lạ (Lc 23, 8)…
Nhưng Đức Giêsu đã không sợ hãi lùi bước.
Ngài bình thản đón lấy định mệnh bi đát của mình khi nói với môn đệ:
“Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị loại trừ, bị giết chết…”
Ngài đón lấy chữ phải từ tay Cha, và tin mọi sự đều không ngoài ý Cha.
Đức Giêsu xác tín Cha sẽ không bỏ rơi mình,
Ngài tin vào kết thúc có hậu của đời mình:
“và ngày thứ ba Con Người phải được nâng dậy” (c. 22).
Chính Cha sẽ nâng Ngài dậy từ cõi chết.
Định mệnh của Thầy Giêsu cũng là định mệnh của chính chúng ta.
Kitô hữu là người đi theo Thầy, đi cùng con đường với Thầy.
Vác thánh giá là chuyện bình thường hằng ngày của Kitô hữu
nếu chúng ta muốn sống yêu thương, phục vụ, trong trắng, thành thật…
Chỉ khi từ bỏ chính mình (c. 23), ta mới không đánh mất chính mình (c.25).
Dựa vào sự phục sinh của Đức Giêsu, ta mới dám sống kinh nghiệm đó.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
nhiều bạn trẻ đã không ngần ngại
chọn những cầu thủ bóng đá,
những tài tử điện ảnh
làm thần tượng cho đời mình.
Hôm nay
Chúa cũng muốn biết chúng con chọn ai,
và chúng con thật sự đắn đo
trước khi chọn Chúa.
Bởi chúng con biết rằng
chọn Chúa là lội ngược dòng,
theo Chúa là bước vào con đường hẹp:
con đường nghèo khó và khiêm nhu,
con đường từ bỏ và phục vụ.
Hôm nay, chúng con chọn Chúa
không phải vì Chúa giàu có,
tài năng hay nổi tiếng,
nhưng vì Chúa là Thiên Chúa làm người.
Chẳng ai đáng chúng con yêu mến bằng Chúa.
Chẳng ai hoàn hảo như Chúa.
Ước gì chúng con can đảm chọn Chúa
nhiều lần trong ngày,
qua những chọn lựa nhỏ bé,
để Chúa chiếm lấy toàn bộ cuộc sống chúng con,
và để chúng con
thông hiệp vào toàn bộ cuộc sống của Chúa. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm

Mùa Chay là thời gian để chúng ta sống mầu nhiệm Tử nạn của Chúa Giêsu, từ đó biết hy sinh hãm mình để hiệp thông với cuộc khổ nạn của Chúa.
Những ngày đầu tiên của Mùa Chay, phụng vụ Lời Chúa cho chúng ta thấy rõ con đường Chúa sẽ đi: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy” (Lc 9,26). Ngài thẳng thắn để nói lên sự thật về chính bản thân Ngài, mà sự thật đó lại không được hấp dẫn lắm. Muốn giới thiệu về một tổ chức, một đoàn thể sao cho thật hấp dẫn, người ta sẽ tìm mọi cách để tránh đi những điều xấu, hoặc ít ra cũng nói làm sao cho nó ít xấu nhất. Ở đây không phải là một tổ chức, một đoàn thể, mà là một Vương Quốc thì lẽ ra Chúa Giêsu phải nói làm sao cho thật hấp dẫn, đằng này Chúa nói những điều không tốt đẹp chút nào. Sự thật về Nước Chúa như vậy thì làm sao người ta dám theo.
Điều căn bản ở đây là Chúa Giêsu không phải giới thiệu để chúng ta thích thì vào, mà là Chúa nói lên một sự thật để muốn có được thì phải chấp nhận những sự thật như vậy.
Kế đến Chúa Giêsu cũng nói lên sự thật của những ai muốn theo Chúa, muốn làm môn đệ Chúa:“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lc 9,23). Người môn đệ phải chấp nhận thân phận của Thầy mình, phải đi trên con đường Thầy mình đã đi. Có phải Chúa Giêsu là người thích sự đau khổ, để rồi Ngài cũng ép buộc người khác trở nên giống như Ngài? Thưa không, đây là điều đương nhiên, đây là cái nhìn của vị tiên tri, vì Chúa Giêsu biết hễ ai đi trên con đường này ắt sẽ gặp những chuyện rắc rối từ nhiều phía, những rắc rối đó Chúa Giêsu gọi chung là thập giá.
Ví dụ theo Chúa thì phải khước từ những điều sai trái trong cuộc sống. Nhiều khi những điều sai trái đó đem lại cho người ta lợi lộc rất nhiều. Muốn làm môn đệ Chúa thì phải sống theo những gì Chúa chỉ dạy, mà nhiều khi những điều đó không hợp với ý chúng ta. Ngoài ra theo Chúa còn phải biết nghe lời Chúa để sống giá trị của những người con Chúa là bác ái, yêu thương. Nhưng có những người chúng ta không thể thương được… Tất cả những điều đó là thập giá mà chúng ta phải vác hằng ngày.

Lạy Chúa, bước vào Mùa Chay xin cho con biết rõ con đường theo Chúa của con là phải vác thập giá theo chân Chúa suốt cả cuộc đời. Tuy nhiên những hy sinh đó không phải là vô hiệu, vì con biết bước qua cuộc tử nạn là mầu nhiệm Phục sinh. Ngược lại không thể có Phục sinh nếu không có tử nạn.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
6 THÁNG BA
Cha Mừng Đón Tội Nhân Về Nhà
Muợn lời Thánh Phao-lô trong Thư 2 Cô-rinh-tô, Giáo Hội nói với chúng ta: “Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái cũ đã qua, và cái mới đã có đây rồi. Mọi sự ấy đều do bởi Thiên Chúa là Đấng đã nhờ Đức Kitô mà cho chúng ta được hòa giải với Ngài, và trao cho chúng tôi chức vụ hòa giải” (2Cr 5,17-18).
Trong ánh sáng của những lời đó, chúng ta nhận hiểu sứ điệp của dụ ngôn Người Con Đi Hoang. Thiên Chúa, Đấng hòa giải chúng ta với chính Ngài trong Đức Kitô, tự biểu hiện qua dụ ngôn này trong hình ảnh người cha. Ngài niềm nở tiếp đón con mình khi anh ta trở về nhà và kêu lên: “Con đã lỗi phạm … Con không đáng được gọi là con của cha nữa” (Lc 15,21).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 06-03
Đnl 30, 15-20; Lc 9, 22-25.
LỜI SUY NIỆM“Ai muốn theo Tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”

Giáo Hội dẫn đưa người tín hữu đi vào Mùa Chay Thánh với lời Tin Mừng của Thánh Luca về việc “Chúa Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó và Phục Sinh lần thứ nhất” giúp chúng ta suy ngắm sự tự hiến của Chúa vì tội lỗi chủa chúng ta để mà sám hối hầu nhận ơn tha thứ. Và “Điều kiện để theo Chúa Giêsu” biết từ bỏ chính mình bằng những hy sinh riêng tư; Thực hành tiết kiệm: giảm bớt ăn chơi mua sắm để giúp người nghèo. Tịnh tâm để cầu nguyện.
Lạy Chúa Giêsu. Trong Mùa Chay. Xin Chúa cho mọi người trong gia đình chúng con biết giúp nhau sám hối, bằng cách sống chay tịnh, bác ái và cầu nguyện.
Mạnh Phương


06 Tháng Ba
Những Tác Phẩm Ðể Ðời
Nguyện đường Sixtina trong nội thành Vatican đã được Ðức Giáo Hoàng Sixto thứ 4 cho xây cất vào cuối thế kỷ thứ 15. Không những là nơi các vị Hồng Y tụ tập để bầu Giáo Hoàng hay còn là nơi để tổ chức những buổi họp quan trọng khác có tính chất thượng đỉnh, nguyện đường Sixtina còn là một bảo tàng viện với những tác phẩm nghệ thuật bất hủ, nhất là những bức bích họa của Michelangelo.
Bất cứ du khách nào đến Roma cũng tìm đủ mọi cách để được một lần chiêm ngắm các bức tranh được vẽ trên tường và trên trần nhà này. Người thưởng lãm không những chỉ ngắm nghía dưới khía cạnh lịch sử, nghệ thuật, văn hóa, nhưng còn để hồn hòa nhập vào niềm tin sâu sắc của nhà nghệ sỹ. Thật thế, tất cả những bức tranh mà Michelangelo đã thực hiện trong nhà nguyện Sixtina đều được cảm hứng từ Kinh thánh.
Nhà danh họa của chúng ta đã phải nằm ngửa trên một giàn gỗ hướng mặt về trần bản ròng rã không biết bao nhiêu năm tháng. Nóng lòng chờ đợi các tác phẩm của ông, ngày kia, đức Sixto đã to tiếng hỏi vọng lên từ dưới đất: "Michelangelo, chừng nào ông mới hoàn thành công việc?". Từ trên giàn gỗ, nhà danh họa đáp lại: "Chừng nào con có thể!". Vị Giáo Hoàng dường như mất hết kiên nhẫn: "Thế ông có biết là ông đã bắt đầu mấy năm rồi chưa? Thế mà tôi vẫn chưa thấy gì hết...". Một cách điềm tĩnh, Michelangelo trả lời: "Thưa Ðức Thánh Cha, con không làm việc cho đời tạm này, mà cho đời sau...".
Có những bản nhạc, có những tác phẩm văn chương, có những công trình kiến trúc đã trở thành bất hủ. Nghĩa là, qua dòng thời gian, người ta sẽ không bao giờ quên được những kiệt tác ấy. Nhiều khi chính tác giả của những công trình bất hủ ấy không bao giờ dám nghĩ đến sự trường tồn của tên tuổi mình như thế.
Danh họa và điêu khắc gia Michelangelo đã tiên đoán về những tác phẩm của mình. Quả thực, ông đã để lại muôn thế hệ tên tuổi của ông qua các sáng tác của ông. Tượng Pieta, tượng Maisen, tượng David và các bức bích họa trong nguyện đường Sixtina sẽ không bao giờ mai một với thời gian.
Tuy nhiên, cái bất hủ nơi con người chỉ là một cái bóng mờ đối với cái vĩnh cửu nơi Thiên Chúa. Một cuộc chiến tranh tàn phá, một thiên tai vùi dập: tất cả mọi tên tuổi và dấu vết của con người cũng đều tan biến. Duy chỉ có những gì được xây dựng trên nền tảng của Vĩnh Cửu mới được trường tồn.
Thiên Chúa không tạo dựng tất cả mọi người đều là thiên tài để ai cũng có thể để lại cho hậu thế danh thơm tiếng tốt của mình. Tuy nhiên, tất cả mọi người đều được tạo dựng như một kiệt tác của vũ trụ. Kiệt tác đó sẽ mãi mãi đi vào Vĩnh Cửu của Thiên Chúa. Nhưng mỗi đời người là một công trình cho vĩnh cửu. Mỗi một việc làm vô danh và nhỏ bé nhất cũng đều mang một giá trị vĩnh cửu.
(Lẽ Sống)

29-5
Thánh Maria Anna "de Paredes"
(1618 -- 1645)

T
hánh Maria Anna, còn gọi là "Bông Huệ Quitô," có cuộc đời rất giống Thánh Rôsa ở Lima. Ngài cũng hãm mình, sống cô độc, được xuất thần và ơn nói tiên tri.
Sinh ở Quito, Ecuador, ngay từ khi còn nhỏ, Maria Anna rất sùng kính Ðức Mẹ và đã muốn đi tu. Lúc mười tuổi ngài thề sống khó nghèo, khiết tịnh và vâng phục. Lúc đầu ngài muốn trở thành một nữ tu dòng Ða Minh, nhưng sau đó ngài gia nhập dòng Ba Phanxicô, trở nên một ẩn tu sống khắc khổ trong nhà người chị, dưới sự linh hướng của cha giải tội dòng Tên.
Cũng như Thánh Rôsa, Maria Anna thường tự cho mình là "Maria Anna của Chúa Giêsu", ngài chăm sóc người nghèo và dạy dỗ các trẻ em người thổ dân ngay tại nhà của mình. Về lối sống khắc khổ, ngài ăn rất ít và ngủ có ba giờ mỗi đêm. Ngài được ơn tiên tri, biết được tâm hồn người khác, chữa lành người bệnh tật qua dấu Thánh Giá hoặc rảy nước phép, và đã có lần làm cho người chết sống lại.
Sau trận động đất năm 1645 ở Quito, một trận dịch lan tràn và Maria Anna đã dâng hiến cuộc đời mình để hy sinh cho thành phố, và thật vậy, ngài đã từ trần ngay sau khi trận dịch bắt đầu giảm bớt.
Ngài được phong thánh năm 1950.
Lời Bàn
Thánh Phanxicô Assisi đã chiến thắng chính mình khi ngài ôm hôn một người cùi. Nếu sự từ bỏ mình không dẫn đến đức bác ái, thì việc ăn năn đền tội đã mất lý do chính đáng. Sự hy sinh hãm mình của Thánh Maria Anna đã giúp ngài nhậy cảm hơn với nhu cầu của tha nhân, và can đảm hơn khi phục vụ người nghèo.
Lời Trích
"Khi được thúc giục bởi tình yêu Thiên Chúa và đồng loại, thánh nữ đã tự hành hạ thân xác mình để đền bù tội lỗi cho tha nhân. Quên đi thế giới chung quanh và ngài đắm chìm trong sự ngây ngất, như được nếm trước hạnh phúc vĩnh cửu. Do đó, được biến đổi và phong phú bởi ơn Chúa, với tất cả khả năng, ngài thật hăng say lo lắng đến sự cứu độ không những cho chính mình mà còn cho người khác. Thánh nữ độ lượng giúp vơi bớt sự bất hạnh của người nghèo và xoa dịu sự đau khổ của người đau yếu. Khi các thiên tai như động đất và bệnh dịch làm kinh hãi người dân thành phố, thánh nữ đã phấn đấu qua sự cầu nguyện, sự đền tội và sau cùng, ngài đã dâng hiến cuộc đời để nài xin lòng thương xót của Chúa Cha mà thánh nữ không thể hoàn thành được bằng nỗ lực con người" (Ðức Giáo Hoàng Piô XII).

Bí Quyết Sống An Bình

Nhà truyền giáo nổi tiếng là linh mục Geddo đã có một bài chia sẻ về Bí Tích Giải Tội như sau:
Mùa chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta gia tăng ý thức về tội lỗi của chúng ta và ơn tha thứ của Chúa. Linh mục Bernado thuộc hội Giáo Hoàng Thừa Sai người Ý truyền giáo tại Hong Kong kể lại rằng: trong một ngày thứ sáu tuần thánh, sau khi nói về cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá và ơn tha thứ của Chúa. Ngài giải thích về ý nghĩa của Bí Tích Giải Tội và kêu gọi mọi người xưng tội để cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Sau nghi lễ, có một người Hồi Giáo đến gặp vị truyền giáo và nói như sau:
- Thưa cha, tôi muốn xưng tội để được ơn tha thứ.
Vị linh mục giải thích rằng:
- Vì chưa được rửa tội, ông không thể lãnh nhận Bí Tích Giải Tội.
Nhưng người tín hữu Hồi Giáo nài nỉ:
- Thưa cha, trong Hồi Giáo của chúng tôi không có sự tha tội, nhưng tôi cảm thấy cần phải được Chúa tha thứ và có được một dấu chỉ về sự tha thứ của Ngài.
Vị linh mục liền chúc lành cho người tín hữu Hồi Giáo và người này ra về trong bình an.
Tại Ðại Hàn, nơi có nhiều tín đồ Phật Giáo trở lại Công Giáo. Giáo Hội đã làm một cuộc thăm dò với một câu hỏi đại ý như sau:
Tại sao bạn trở lại và chọn Giáo Hội Công Giáo. Một bác sĩ nổi tiếng trong nước đã trả lời như sau:
- Trở lại là một mầu nhiệm và có nhiều động lực thúc đẩy tôi trở lại. Một trong những động lực mãnh liệt nhất đó là sự kiện trong Giáo Hội Công Giáo, vị linh mục nhân danh Chúa để tha thứ tội lỗi. Ðối với tôi, đây là một khám phá vĩ đại nhất. Trong Phật Giáo không có sự tha thứ, dĩ nhiên có những nghi thức thanh tẩy, có việc cúng tế và cầu kinh, nhưng không có ai tha tội cả. Người tín đồ Phật Giáo vì có một tâm hồn nhạy cảm và tinh tế cho nên suốt đời bị dằn vặt dưới những gánh nặng tội lỗi của mình. Khi tôi biết rằng: Giáo Hội Công Giáo nhân danh Chúa tha thứ tội lỗi cho tôi, tôi hiểu được niềm tin này mang lại cho tôi những gì.
*
* *
Quí vị và các bạn thân mến,
Mùa chay, chúng ta không chỉ cầu nguyện, chay tịnh và thực thi bác ái. Mùa chay còn là trường dạy chúng ta cảm nhận ơn tha thứ của Chúa. Bí tích giải tội là ân huệ cao cả nhất mà Chúa Giêsu đã mang lại cho nhân loại. Chỉ trong bí tích này, chúng ta mới nghe được câu nói của chính Chúa Giêsu: "Ta tha tội cho con, con hãy về đi, tội con đã được tha". Con người mới cảm nhận được sự bình an và mới tha thứ cho chính mình. Tha thứ cho người khác là chuyện khó, nhưng có khi tha thứ cho chính bản thân mình lại là chuyện khó hơn. Con người không muốn tha thứ cho mình khi không muốn cảm nhận được ơn tha thứ và sự bình an của Chúa.
Xét cho cùng, con người không dám hay không muốn tin tưởng ở lòng tha thứ của Chúa. Thân phận con người, cuộc sống của mỗi người và thế giới xung quanh chúng ta có lúc là một gánh nặng chồng chất trong tâm hồn chúng ta. Chúng ta không muốn để cho ơn tha thứ và sự bình an của Chúa chiếm ngự và tràn ngập tâm hồn chúng ta.
Ước gì sau một lần bước ra khỏi tòa giải tội, chúng ta thực sự thoát khỏi gánh nặng của tội lỗi đè nặng trong lương tâm, cảm nhận được ơn tha thứ và sự bình an đích thực mà Chúa Giêsu hứa ban cho chúng ta.
Lạy Chúa, cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con Bí Tích Giao Hòa như phương thế để giúp chúng con thực sự cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa.
Trong mùa chay này, xin Chúa gia tăng niềm tin tưởng và ơn can đảm để chúng con biết mau mắn chạy đến với Chúa và cảm nhận được ơn tha thứ của Chúa. Amen.



(Verita Asia)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét