Trang

Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

KHÔNG LÀM ĐIỀU BẤT CHÍNH VÀ KHÔNG NUÔI HẬN THÙ!

KHÔNG LÀM ĐIỀU BẤT CHÍNH VÀ KHÔNG NUÔI HẬN THÙ!

- Allô! Có một người vô-gia-cư đang nằm ngủ nơi vĩa hè bên dưới nhà tôi. Quí vị có thể đến rước người này không?

Lúc ấy là 22 giờ 5 phút tối ngày 27-3-1998. Người gọi điện thoại sống nơi khu phố Bastille của thủ đô Paris. Ba phút sau, một chiếc cam-nhông nhỏ của Hội SAMU trực chỉ địa điểm báo hiệu. Trên xe có ba người: nữ trợ tá xã hội, nữ y tá và anh tài xế.

Nơi cuối con hẽm, nằm trên nền ximăng là người đàn ông trạc 40 tuổi. Chung quanh ông vung vãi trọn tài sản: một chai rượu, một máy Radio và một xách nylông đựng ít quần áo. Nghe tiếng động, ông giật mình mở mắt và nói:
- Xin các anh chị đừng lo lắng gì cho tôi. Tôi từng nếm mùi cay đắng hơn thế này nhiều!

Người đàn ông tên Gilles.

Sau nửa giờ vừa chuyện trò vừa thuyết phục, ông Gilles mới bằng lòng theo nhóm của Hội SAMU lên xe về một trong các trung tâm tiếp đón những người không nhà cửa.

Nếu ông Gilles được trợ giúp vào đêm ấy chính là nhờ công lao của bác sĩ Xavier Emmanuelli, vị đồng sáng lập tổ chức ”Médecins sans frontières - Bác sĩ không biên giới”. Chính bác sĩ điều động Hội SAMU gồm 5 trung tâm tiếp đón cấp thời người vô-gia-cư đến trú ngụ với 394 giường. Ngoài ra còn có 4 trung tâm săn sóc người lang thang với 140 giường. Thêm vào đó là 7 nhóm đi tuần suốt đêm nơi thủ đô Paris để nếu gặp ai ngủ đầu đường cuối phố thì rước về trung tâm, đặc biệt trong mùa đông giá buốt, gió lạnh và tuyết rơi ..

Tâm tình sẵn sàng cứu giúp người lâm cảnh cùng khốn, bác sĩ Xavier Emmanuelli thừa hưởng từ hiền phụ, ông Francois, một vị bác sĩ rất đặc biệt. Bác sĩ Xavier tâm sự:
- Thân phụ dạy tôi biết động lòng trắc ẩn. Người hết mực yêu thương dân lành, dành thời giờ cho họ. Khi khám bệnh, cha tôi thường lặng yên nghe bệnh nhân giãi bày tâm sự hầu hiểu biết thêm về bệnh trạng thể lý. Người thường lập lại với tôi câu nói gợi ý từ nhà bác học Louis Pasteur (1822-1895): ”Xin bạn đừng xưng danh tánh cũng đừng tỏ lộ tôn giáo nhưng chỉ cần nói cho tôi nghe niềm đau nỗi khổ của bạn”.

Ngay hồi tháng 6 năm 1942, bác sĩ Francois Emmanuelli đã săn sóc miễn phí cho các trẻ em Do Thái thuộc một cô nhi viện ở La Varenne, một quận nằm ở phía đông thủ đô Paris. Cùng thời kỳ đó, ông bà bác sĩ Francois dấu nơi nhà mình một phụ nữ Do thái tên Thérèse Bébelski. Bị đồng nghiệp phản bội tố giác, quân mật vụ đức quốc xã liền đến nhà bác sĩ Francois lục xét. Ông bà vội dấu cô Thérèse sau đống mạt-cưa. Khám xét một hồi mà không tìm ra nạn nhân, quân Đức bỏ đi. Cô Thérèse ở lại với gia đình Emmanuelli cho đến khi đệ nhị thế chiến 1939-1945 chấm dứt.

Đó là nghĩa cử từ bi ghi đậm nét trong tâm tư thiếu niên Xavier. Sau này khi gợi lại hành động bác ái của Song Thân, bác sĩ Xavier trầm ngâm nói:
- Đó không phải là hành động anh hùng mà là cử chỉ nhân đạo đơn sơ. Vào thời kỳ ấy, đối với tôi thì việc làm của cha mẹ là một hành động hết sức tự nhiên.

Chính vào năm 1968 mà bác sĩ Xavier Emmanuelli khám phá ra ơn gọi. Hồi ấy bác sĩ dấn thân phục vụ trên chiếc tàu Công ty hải vận TAHITIEN. Một buổi tối, bác sĩ được gọi đến cấp cứu một thủy thủ bị phỏng nặng nơi một phòng có hỏa hoạn. Thủy thủ nằm sóng soài dưới nền tàu, mạch ngừng đập. Bác sĩ Xavier vội vàng xé áo thủy thủ và bắt đầu làm các động tác hô hấp giúp nạn nhân hồi tỉnh. Gương mặt nạn nhân thoáng đỏ hồng và tim đập trở lại. Nhưng thủy thủ vẫn còn ở trong tình trạng thập tử nhất sinh. Cần phải đưa ngay nạn nhân lên đất liền. Vị thuyền trưởng đồng ý đáp tàu vào cửa biển

Madère. Bác sĩ Xavier quyết định tháp tùng nạn nhân đến một trung tâm chữa trị phỏng da nổi tiếng của Pháp. Nhưng vị thuyền trưởng không chấp thuận. Ông nghiêm nghị ra lệnh:
- Nhiệm vụ của bác sĩ là phục vụ ở đây. Tôi cấm bác sĩ không được rời khỏi tàu này.

Nhưng bác sĩ Xavier không nao núng. Quan tâm duy nhất của ông là phải cứu sống chàng thủy thủ bằng mọi giá. Đối với bác sĩ Xavier: ”Cấp cứu đi trước tuân lệnh. Nhân đạo đi trên lệnh truyền”. Do đó, bác sĩ cương quyết tháp tùng nạn nhân, và chỉ trở lại tàu Tahitien ba ngày sau đó. Sau này, khi nhắc lại biến cố, bác sĩ Xavier tâm sự:
- Chính lúc ấy tôi mới thực sự hiểu rõ vai trò của thầy thuốc. Bác sĩ là người cứu trợ xuất hiện đúng lúc đợi mong được THIÊN CHÚA Quan Phòng đưa đến cứu giúp một người trong cơn cùng khổ.

Biến cố trên đưa đẩy bác sĩ Xavier Emmanuelli dấn thân trong các công tác nhân đạo và có mặt đó đây trên thế giới, nơi những vùng có khói lửa chiến tranh, có bệnh tật và nghèo đói. Đầu năm 1975, bác sĩ Xavier bay sang Việt Nam đang sôi sục chinh chiến. Năm 1977, bác sĩ đến Thái Lan, viếng thăm dân tị nạn Cambốt, trốn chạy sự tàn sát của quân cộng sản Khờ-Me Đỏ. Năm 1988, bác sĩ Xavier bay sang vùng Arméni bị đói khổ vì trận động đất dữ dội. Năm 1994, bác sĩ lại sang Zaire cứu giúp người tị nạn Rwanda.

Bất cứ nơi nào ở tại nơi đâu bác sĩ Xavier Emmanuelli luôn luôn ứng dụng phương châm:
- Sẵn sàng chấp nhận tất cả để thoa dịu niềm đau nỗi khổ con người.

Bác Sĩ Xavier Emmanuelli chào đời ngày 23-8-1938 tại thủ đô Paris. Ngày 22-5-2010 Giải Thưởng Văn Chương ”Spiritualités d'Aujourd'hui” được trao cho bác sĩ vì cuốn sách ”Au seuil de l'éternité”. Tác phẩm do nhà xuất bản Albin Michel phát hành. Giải thưởng ”Spiritualités d'Aujourd'hui” do ông André Chouraqui thành lập năm 2000 với mục đích đề cao giá trị của một tác phẩm mang chứng tá cuộc dấn thân thiêng liêng trong ánh sáng của nền tu đức. Và giải thưởng năm 2010 được trao cho bác sĩ Xavier Emmanuelli. Ban giám khảo giải thích lý do chọn lựa:
- Tác phẩm trải dài một chứng tá đong đầy hy vọng nơi tình yêu tha nhân. Nó cũng phảng phất nét thinh lặng như mời gọi người đọc đi vào cõi suy tư chiêm niệm.

... ”Giả như tôi có nói được các thứ tiếng của loài người và của các thiên thần đi nữa, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng khác gì thanh la phèng phèng, chũm choẹ xoang xoảng. Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi. Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được!” (1Côrintô 13,1-8).

(”Reader's Digest Sélection”, Décembre/1998, trang 34-42)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét