Trang

Thứ Tư, 2 tháng 4, 2014

03-04-2014 : THỨ NĂM TUẦN IV MÙA CHAY

03/04/2014
Thứ Năm sau Chúa Nhật IV Mùa Chay

Bài Ðọc I: Xh 32, 7-14
"Xin Chúa tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa".
Trích sách Xuất Hành.
Trong những ngày ấy, Chúa phán cùng Môsê rằng: "Ngươi hãy đi xuống; dân mà ngươi dẫn ra khỏi đất Ai-cập đã phạm tội. Chúng đã sớm bỏ đường lối Ta đã chỉ dạy cho chúng, chúng đã đúc tượng bò con và sấp mình thờ lạy nó; chúng đã dâng lên nó của lễ hiến tế và nói rằng: "Hỡi Israel, này là Thiên Chúa ngươi, Ðấng đã đưa ngươi ra khỏi đất Ai-cập". Chúa phán cùng Môsê: "Ta thấy rõ dân này là một dân cứng cổ. Ngươi hãy để Ta làm, Ta sẽ nổi cơn thịnh nộ với chúng và sẽ huỷ diệt chúng, rồi Ta sẽ làm cho ngươi trở nên tổ phụ một dân tộc vĩ đại".
Môsê van xin Chúa là Thiên Chúa của ông rằng: "Lạy Chúa, tại sao Chúa nổi cơn thịnh nộ với dân mà Chúa đã dùng quyền lực và cánh tay hùng mạnh đưa ra khỏi đất Ai-cập? Xin Chúa đừng để cho người Ai-cập nói rằng: "Người đã khéo dẫn họ đến đây, để giết họ trên núi và huỷ diệt họ khỏi mặt đất". Xin Chúa nguôi cơn giận và tỏ lòng khoan dung đối với tội lỗi dân Chúa. Xin Chúa nhớ đến Abraham, Isaac, và Israel tôi tớ Chúa, vì chính Chúa đã thề hứa rằng: "Ta sẽ làm cho con cháu các ngươi sinh sản ra nhiều như sao trên trời, Ta sẽ ban cho con cháu các ngươi toàn cõi xứ này như lời Ta đã hứa, và các ngươi sẽ chiếm hữu xứ này mãi mãi". Chúa đã nguôi cơn giận, không thực hiện điều dữ mà Người đe doạ phạt dân Người.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 105, 19-20. 21-22. 23
Ðáp: Lạy Chúa, xin nhớ chúng con khi gia ân huệ cho dân Ngài (c. 4a).
Xướng: 1) Họ đã đúc con bò tại Horeb, và lễ bái thần tượng đã đúc bằng vàng. Họ đem vinh quang của mình đánh đổi lấy hình tượng con bò ăn cỏ. - Ðáp.
2) Họ đã quên Thiên Chúa là Ðấng cứu độ mình, Ðấng đã làm những điều trọng đại bên Ai-cập, Ðấng đã làm những điều kỳ diệu trên lãnh thổ họ Cam, và những điều kinh ngạc nơi Biển Ðỏ. - Ðáp.
3) Chúa đã nghĩ tới chuyện tiêu diệt họ cho rồi, nếu như Môsê là người Chúa chọn, không đứng ra cầu khẩn với Ngài, để Ngài nguôi giận và đừng tiêu diệt họ. - Ðáp.

Câu Xướng Trước Phúc Âm: Ed 33, 11
Chúa phán: "Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn sám hối và được sống".

Phúc Âm: Ga 5, 31-47
"Có người tố cáo các ngươi, đó là Môsê, người mà các ngươi vẫn tin tưởng".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với dân Do-thái rằng: "Nếu chính Ta làm chứng về Mình, thì chứng của Ta sẽ không xác thực. Có một Ðấng khác làm chứng về Ta, và Ta biết chứng Người làm về Ta thì xác thực. Các ngươi đã sai người đi hỏi Gioan, và Gioan đã làm chứng cho sự thật. Phần Ta, Ta không cần chứng của loài người, nhưng Ta nói những điều này để các ngươi được cứu thoát. Gioan là cây đèn cháy sáng. Các ngươi cũng muốn vui hưởng ánh sáng đó một thời gian. Nhưng Ta có một bằng chứng hơn chứng của Gioan: vì công việc Chúa Cha đã giao cho Ta hoàn thành, là chính công việc Ta đang làm. Các việc đó làm chứng về Ta rằng Chúa Cha đã sai Ta. Và Chúa Cha, Ðấng đã sai Ta, chính Người cũng làm chứng về Ta. Nhưng chưa bao giờ các ngươi được nghe tiếng Người, chưa bao giờ nhìn thấy mặt Người, và lời Người, các ngươi cũng chẳng giữ lại được, vì các ngươi không tin Ðấng Người đã sai đến. Các ngươi tra cứu Sách Thánh, vì tưởng rằng trong đó các ngươi sẽ tìm thấy sự sống muôn đời; chính Sách Thánh lại làm chứng về Ta, vậy mà các ngươi vẫn không chịu đến với Ta để được sống.
Ta không tìm vinh quang nơi loài người. Nhưng Ta biết các ngươi không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Ta đến nhân danh Chúa Cha, nhưng các ngươi không chịu đón nhận. Nếu có một người nào khác nhân danh mình mà đến, các ngươi sẽ đón nhận nó. Các ngươi là những người nhận vinh quang lẫn nhau mà không tìm vinh quang do một Thiên Chúa, thì làm sao các ngươi có thể tin được? Các ngươi đừng tưởng rằng Ta sẽ tố cáo các ngươi với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ngươi là Môsê, tức là người mà các ngươi vẫn tin tưởng. Vì nếu các ngươi tin Môsê, thì có lẽ các ngươi cũng đã tin Ta, bởi vì chính Môsê đã viết về Ta. Nhưng mà nếu các ngươi không tin điều Môsê đã viết, thì làm sao các ngươi tin lời Ta được?"
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm: Lời Chứng Bởi Gioan
Trong lịch sử Giáo Hội có vị tu sĩ danh tiếng tên là Luther, thuộc dòng Augustinô bên Ðức, và khi mới 35 tuổi đã mang chức vụ Giám Tỉnh. Vị Giám Tỉnh Luther này lại quá ham hoạt động, chỉ vì tìm danh tiếng bên ngoài. Ông thường nói: "Tôi quá bận, nào là phải dạy học, giảng thuyết, viết sách, nên không có giờ đọc kinh, không có giờ để cám ơn Chúa, có khi tôi phải bỏ luôn cả lễ". Hậu quả là vì quá hăng say hoạt động, nên Luther đã dẫn đến những chủ trương lạc thuyết, bất chấp lời khuyên bảo của Tòa Thánh, cuối cùng đã ly khai khỏi Giáo Hội, ra khỏi dòng và đã kết bạn, lôi kéo nhiều người khác theo mình, làm cho Giáo hội phải thiệt hại nặng nề.
Ở nước Pháp cũng có một giáo sĩ lỗi lạc, đồng thời là một văn hào danh tiếng, tên là Lamèleir. Ông có đường lối sống như Luther. Suốt ngày lo lắng nhiều việc, bỏ bê giờ cầu nguyện, chỉ cậy vào trí khôn mình mà không tìm kiếm ánh sáng nơi Thiên Chúa. Kết quả cũng không khác gì Luther: kiêu căng, bất tuân phục, đưa bản thân vào sự khốn khổ tinh thần, lôi kéo nhiều người cùng xuống vực thẳm.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" nhắn nhủ như sau: Tiếng gọi vẫn tiếp tục nhắc nhở con trong mọi việc nhỏ là "Hãy Theo Thầy", và lời thưa "Vâng" của con vẫn tiếp tục cho đến hơi thở cuối cùng. Hãy bỏ mình vác Thập Giá mỗi ngày và đóng đinh mình trên Thánh Giá với Thầy. Mỗi ngày con bớt đi "tự ái" mà thêm "bác ái". Mỗi ngày con hãy bớt sự tin vào mình mà hãy tin vào Chúa. Thời đại nào cũng có những người tự xưng mình là tiên tri, nhưng đường lối của họ không đem lại hy vọng cho nhân loại. Chỉ có Chúa Giêsu tự xưng là đường, chỉ có Ngài mới đem lại hy vọng với kích thước của thế giới. Hãy rao giảng Tin Mừng cho mọi người. Hãy làm chứng nhân cho Ta đến tận cùng thế giới. "Tin" là chấp nhận Chúa Giêsu cách vô điều kiện và quyết tâm sống chết với Ngài.
Anh chị em thân mến!
Nếu không hướng thượng, không cộng tác với ơn soi sáng của Chúa, chúng ta dễ chạy theo những thần tượng tâm hồn. Thời đại nào cũng có người tự hào cho là tiên tri, tự xưng mình có đủ khả năng để giải quyết những vấn đề của xã hội. Nhưng lịch sử Giáo Hội đã chứng minh rằng: "Ai muốn xây dựng những gì ở ngoài Thiên Chúa hay không cần Thiên Chúa thì sẽ thất bại".
Lạy Chúa, xin thương ban tràn đầy Thánh Thể của Ngài xuống trong tâm hồn con, để con biết lắng nghe Lời Chúa và trung thành chu toàn thánh ý Ngài cho đến cùng. Amen.
(Veritas Asia)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần IV MC
Bài đọc: Exo 32:7-14; Jn 5:31-47.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Nhà lãnh đạo phải trung thành yêu thương dân đến cùng.
Các nhà lãnh đạo tinh thần dễ nản chí khi nhìn thấy những vong ân, bội nghĩa của những người mình hướng dẫn; nhưng Thiên Chúa đòi họ phải kiên nhẫn và yêu thương họ đến cùng. Các Bài Đọc hôm nay đưa ra những mẫu gương của các nhà lãnh đạo sẵn sàng hy sinh cho dân chúng.
Trong Sách Xuất Hành, Thiên Chúa muốn thử Moses nên nói với ông hãy để Ngài tiêu diệt họ và Ngài sẽ ban một dân khác lớn hơn; vì họ đã phản bội Thiên Chúa qua việc đúc con bê bằng vàng để thờ lạy. Ông Moses bầu cử cho dân khỏi bị tiêu diệt. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu có thể để cho người Do-thái chết trong sự cứng lòng của họ, nhưng Ngài chọn con đường kiên nhẫn thuyết phục họ tin vào Ngài, bằng cách đưa ra các nhân chứng: Gioan Tẩy Giả, tiếng Chúa Cha làm chứng từ trời, các công việc Ngài làm, và bằng chứng Kinh Thánh.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Ông Moses bầu cử cho dân trước Thiên Chúa.
1.1/ Dân chúng phản bội Thiên Chúa: Thờ lạy bụt thần là tội vi phạm trầm trọng tới điều răn thứ nhất. Điều khôi hài hơn nữa là thay vì cám ơn Thiên Chúa đã dùng uy quyền đưa họ ra khỏi đất nô lệ của Ai-cập, họ lại cho là công ơn của con bò vàng mà tay họ làm nên, sụp lạy nó, và nói: "Hỡi Israel, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập." Chúng ta rất ghét người vô ơn; và ghét hơn nữa người đánh cắp công lao của chúng ta. Thế mà rất nhiều lần chúng ta đã không biết cám ơn Thiên Chúa về những công ơn Ngài làm cho chúng ta, lại còn cho công ơn ấy vào sai chỗ như: Thần Tài, người khác, hay chính sức mình!
Tiên tri Isaiah nhận xét rất đúng về những hạng người vô ơn này khi nói: “Con bò còn biết chủ, con lừa còn biết cái máng cỏ nhà chủ nó. Nhưng Israel thì không biết, dân Ta chẳng hiểu gì” (Isa 1:3). Nói cách khác, con người vô ơn còn thua lòai bò lừa. Đó là lý do tại sao Đức Chúa phán với ông Moses: "Ta đã thấy dân này rồi, đó là một dân cứng đầu cứng cổ. Bây giờ cứ để mặc Ta, cứ để cơn thịnh nộ của Ta bừng lên phạt chúng, và Ta sẽ tiêu diệt chúng. Nhưng Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn."
1.2/ Ông Moses bầu cử cho dân: Mặc dù không đồng ý với việc của dân làm; nhưng ông Moses xin Thiên Chúa tha thứ đừng tru diệt họ, vì hai lý do sau:
(1) Vì danh Thiên Chúa: Nếu Thiên Chúa tru diệt họ, người Ai-cập lại có thể rêu rao: “Chính vì ác tâm mà Người đã đưa chúng ra, để giết chúng trong miền núi và tiêu diệt chúng khỏi mặt đất.”
(2) Vì lời hứa với các tổ phụ: “Xin Ngài nhớ đến các tôi tớ Ngài là Abraham, Isaac và Israel; Ngài đã lấy chính danh Ngài mà thề với các vị ấy rằng: Ta sẽ làm cho dòng dõi các ngươi đông đúc như sao trên trời, và sẽ ban cho dòng dõi các ngươi tất cả miền đất ấy, là miền đất Ta đã hứa; chúng sẽ được thừa hưởng miền đất ấy đến muôn đời.”
Đức Chúa đã thương, Ngài không giáng phạt dân Người như Người đã đe. Lãnh đạo dân, nhất là trong hòan cảnh khó khăn như thời gian lang thang trong sa mạc 40 năm, không dễ. Moses không luôn luôn liên nhẫn với dân đâu, chính ông cũng đã từng than phiền với Thiên Chúa vì sự cứng lòng và độc ác của dân khi họ không tìm được nước uống: "Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!"
2/ Phúc Âm: Chúa Giêsu kiên nhẫn thuyết phục người Do-thái.
Trong ba năm công khai rao giảng, Chúa Giêsu đụng độ nhiều lần với các kinh-sư và biệt-phái. Thông thường, con người thường cho người khác tối đa là 3 lần để hiểu sự thật; sau đó sẽ không cần cắt nghĩa nữa nếu họ vẫn ngoan cố không chịu tin. Chúa Giêsu rất kiên nhẫn với họ trong việc giải thích Người là Đấng Thiên Sai mà họ đang mong chờ. Chúa Giêsu biết: Nếu Ngài làm chứng về chính mình, thì lời chứng của Ngài không dễ cho họ tin. Vì thế, Ngài phải theo cách của Lề Luật đòi: ít nhất phải có hai nhân chứng để chứng nhận một điều là sự thật. Ngài liệt kê các nhân chứng của Ngài như sau:
(1) Gioan Tẩy Giả: làm chứng cho Chúa Giêsu nhiều lần. Ông đã chỉ vào Chúa Giêsu và nói: "Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi.” “Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gioan, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ.”
(2) Các phép lạ Chúa đã làm: Người Do-thái đã chứng kiến hay nghe nói về những phép lạ Chúa Giêsu đã làm. Phép lạ mà họ mới chứng kiến là Chúa chữa lành một người bại liệt đã 38 năm. Những phép lạ này đòi hỏi người làm phải có uy quyền hay đến từ Thiên Chúa. Chúa Giêsu giải thích cho họ: “Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.”
(3) Tiếng Chúa Cha làm chứng từ trời và trong lòng mọi người: Hai lần Chúa Cha đã làm chứng từ trời cho Chúa Con bằng tiếng vọng từ trời “Đây là Con Ta yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người” khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa và khi Ngài Biến Hình. Hơn nữa, Chúa Cha vẫn làm việc trong tâm hồn người Do-thái cũng như các tín hữu, nếu họ để tâm nghe Người. Họ không nhận ra tiếng Chúa Cha là vì: “Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến.”
(4) Kinh thánh làm chứng cho Chúa Giêsu: “Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.”
(5) Ý hướng tốt lành của Chúa Giêsu: Nếu một người chỉ mong muốn và cố gắng hết sức để cho người khác được điều tốt lành, và không muốn bất kỳ một sự tôn vinh hay trả ơn; người đó thực sự yêu người khác. Chúa Giêsu thuyết phục họ hãy tin vào Ngài để được sống, vì Ngài thực sự yêu thương và lo lắng cho họ. Nếu họ không có ý hướng tốt lành: chỉ tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, họ sẽ không thể tin vào Ngài.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Nhà lãnh đạo tinh thần phải kiên trì chịu đau khổ để đưa dân về với Thiên Chúa. Họ phải kiên nhẫn học hỏi và cắt nghĩa cho những người được họ hướng dẫn.
- Phần thưởng mà họ nhận được không phải là sự tôn vinh cá nhân hay những lợi lộc vật chất; nhưng là chính Thiên Chúa và niềm vui được làm vinh quang Cha trên trời.
- Dân chúng không nhận ra sự thật vì rất nhiều lý do: quá đau khổ, không có kiến thức căn bản, chước cám dỗ của ba thù. Nhà lãnh đạo may mắn được Thiên Chúa ban cho hiểu biết và có sức mạnh hơn để vượt qua. Họ phải gánh chịu đau khổ và tha thứ cho dân như Chúa Cha, Chúa Giêsu, và Moses đã gánh chịu và tha thứ cho dân.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Xh 32,7-14 ; Ga 5,31-47

A. Hạt giống...
1. Bài đọc 1 mô tả ông Môsê là một người rất có uy tín đối với Chúa. Khi dân Israel đúc tượng con bê vàng, Thiên Chúa đã nổi cơn thịnh nộ muốn tiêu diệt họ. Nhưng nhờ Môsê cầu xin, Thiên Chúa đã nguôi giận và không phạt họ nữa.

2. Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu tiếp tục tranh luận với những người biệt phái sau việc Ngài chữa một người bất toại vào ngày sabát. Ngài đã nói với họ rằng sở dĩ Ngài làm việc trong ngày sabát là vì Ngài noi gương Thiên Chúa là Cha của Ngài (bài Tin Mừng hôm Thứ Tư). Họ không tin. Chúa Giêsu lại nói : chính Thánh Kinh và Môsê (phải hiểu là Cựu Ước) làm chứng rằng Ngài chính là Messia, Con Thiên Chúa. Nếu họ tin Môsê thì họ phải tin lời chứng của Môsê.

B.... nẩy mầm.
1a. “Trong khi toàn bộ Thánh Kinh Cựu Ước đều loan báo về sự xuất hiện của Đấng cứu thế, nhưng vì thiếu đức tin và lòng đạo đức chân thành, các người do thái đã không thực sự nhìn thấy Thiên Chúa và lắng nghe lời Ngài qua khuôn mặt và lời nói của Chúa Giêsu, và do đó không đón nhận Ngài như Đấng được Thiên Chúa sai đến” ("Mỗi ngày một tin vui"). Tại sao có thảm kịch này ? Vì người do thái nuôi sẵn một hình ảnh về Đấng Messia, hợp với sở thích của họ. Cái hình ảnh ấy che mất hình ảnh đích thực của Đấng Messia. Ta thấy đó, người ta có thể đọc sách thánh mà không tìm thấy Thiên Chúa nhưng chỉ thấy chính mình.

1b. Một thợ săn lạc trong rừng nhiều lần. Một người bạn mua cho anh một la bàn. Dù vậy, anh thợ săn trẻ vẫn bị lạc. Khi tìm thấy, người bạn hỏi xem anh có mang theo la bàn. Anh bảo có.

  - Tại sao anh không dùng nó ?

  - Tôi không dám. Tôi muốn đi về hướng Nam và cố giữ cho kim chỉ hướng Nam, nhưng không được. Nó luôn lắc quanh và chỉ hướng Bắc.

  Nhiều người mong Thánh Kinh chỉ hướng họ muốn đi, hơn là hướng Thánh Kinh muốn họ đi. (Góp nhặt)

1c. Có lần, nhà văn Mark Twain nói : “Nhiều người lấy làm buồn phiền vì không hiểu một đoạn Thánh Kinh nào đó. Phần tôi, tôi thấy rằng những đoạn Thánh Kinh làm tôi bối rối nhất là những đoạn mà tôi cho là mình đã hiểu.”

2. Muốn đọc Sách Thánh mà thấy được Chúa, ta phải bỏ đi hết mọi thành kiến có sẵn, phải khiêm tốn để cho lời Chúa tra vấn mình, phải can đảm từ bỏ những gì Chúa đòi hỏi, và phải kiên trì thực hiện những điều Chúa dạy.

Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp.Cần Thơ

03/04/14 THỨ NĂM ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Ga 5,31-47

“HƯƠNG NGƯỢC GIÓ”
“Phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gioan: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành ; chính những việc đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi.”
Suy niệm: Trong bài Hương ngược gió, tác giả, một Phật tử, kể chuyện bố chồng cô bị bệnh tim, hay ngất xỉu. Mỗi lần như thế, các giáo dân một xóm đạo ở Thốt Nốt (Cần Thơ) luôn giúp đỡ gia đình cô. Chứng kiến người Ki-tô hữu sống yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, người Phật tử ấy rất cảm kích và muốn kể lại như một lời chứng (Tuổi Trẻ Chủ Nhật ngày 10/1/1999). Thật vậy, dân chúng thời nào cũng đòi hỏi cuộc sống chứng tá của các Ki-tô hữu. Đã lãnh nhan bí tích thánh tẩy, người Ki-tô trở nên người môn đệ-nhà truyền giáo được Chúa chọn và sai đi loan báo Tin Mừng. Chứng tá cao đẹp và đáng tin cậy nhất là khi đời sống hằng ngày sóng đôi với việc tuyên xưng niềm tin. “Hương thơm của các loài hoa không bay ngược gió. Chỉ có hương người đức hạnh mới ngược gió tung bay.”
Mời Bạn: Bạn được Thiên Chúa chọn và giao phó sứ mạng làm chứng cho Chúa. Vậy lời bạn nói, việc bạn làm, suy nghĩ của bạn có phản ánh Tin Mừng của Chúa Giê-su? Đâu là cách bạn thể hiện đức tin đáng cho kẻ khác tin?
Sống Lời Chúa: Tôi sẽ cố gắng tỏa hương thơm Tin Mừng qua cách hành xử thông cảm, quảng đại, yêu thương...
Cầu nguyện: Lạy Chúa, Chúa muốn mượn đôi tay, đôi chân, con tim và khối óc của con để đến vơi con người hôm nay, diễn tả lòng Chúa yêu thương cứu độ. Xin cho con biết ra sức Phúc âm hóa bản thân, và làm lan tỏa hương thơm niềm tin qua đời sống chứng tá của con mỗi ngày. Amen.

Chúa Cha làm chứng cho tôi 
Đức Giêsu khẳng định quyền mình đã nhận được từ Cha: quyền làm cho kẻ chết sống lại và quyền phán xét trong ngày sau hết. Dù có quyền, lúc nào Ngài cũng là Con làm theo ý Cha, Đấng sai Ngài.
Suy nim:
Để hiểu được bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cần đọc từ đầu chương năm.
Đức Giêsu chữa anh bất toại bên hồ nước gần Đền thờ Giêrusalem (cc. 1-9).
Anh được khỏi và vác chõng đi vào ngày sabát theo lệnh Đức Giêsu.
Chuyện đó dẫn đến việc người Do thái chống đối Ngài (c. 16).
Khi nghe Ngài nói: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc”
họ tìm cách giết Ngài, vì cho rằng Ngài mắc tội phạm thượng,
dám gọi Thiên Chúa là Cha và coi mình ngang hàng với Thiên Chúa (c. 18).
Không chút sợ hãi, Đức Giêsu khẳng định quyền mình đã nhận được từ Cha:
quyền làm cho kẻ chết sống lại và quyền phán xét trong ngày sau hết (cc. 19-30).
Dù có quyền, lúc nào Ngài cũng là Con làm theo ý Cha, Đấng sai Ngài.
Trong bài Tin Mừng này, Đức Giêsu như người bị đứng trước tòa, bị kết án tử.
Vì không được tự làm chứng cho chính mình,
nên Ngài phải tìm những lời chứng để biện hộ cho lời nói, việc làm của Ngài.
Trước hết là lời chứng của Gioan Tẩy giả (cc. 33-35).
Ông là ngọn đèn làm chứng về ánh sáng, về Đức Giêsu (Ga 1, 8-9).
Nhưng người ta đã không đón nhận lời chứng ấy.
Kế đến là những công việc Cha giao mà Ngài đã hoàn thành (c. 36).
Lẽ ra chúng phải là lời chứng thuyết phục cho thấy Ngài được Cha sai.
Cuối cùng là lời chứng của Chúa Cha (cc. 37-40).
Cha làm chứng bằng những lời của Cha trong Kinh Thánh (c. 39).
Nhưng họ không giữ lời Cha ở lại trong lòng,
nên chẳng tin, cũng chẳng muốn đến với Đấng được Cha sai (c. 38. 40).
Những lời chứng trên đây trở nên vô ích
đối với những ai không có lòng yêu mến Thiên Chúa (c. 42),
không tìm vinh quang Thiên Chúa mà chỉ tôn vinh lẫn nhau (c.44).
Đức Giêsu đã phải chấp nhận sự từ khước này
mà Ngài biết cuối cùng sẽ dẫn đến cái chết.
Làm sao ta có thể ra khỏi những thành kiến để đón lấy sự thật,
ra khỏi những tư lợi ích kỷ để dám tin vào tình yêu,
ra khỏi cái tôi chật hẹp để dám sống cho người khác.
Hãy tin vào Giêsu, Đấng được Cha sai (c. 38).
Hãy đến với Giêsu để được sống (40).
Cầu nguyn:

Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong tim tôi
mọi biển lận tầm thường.

Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.

Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác việc đời.

Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước ngạo mạn, quyền uy.

Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên khỏi ti tiện hằng ngày.

Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm

THUỘC VỀ CHÚA.

Trong đoạn Tin mừng này tôi nhận biết những điều sau đây:
- Chúa Giêsu thi hành theo ý Chúa Cha. Chúa Giêsu làm những gì Chúa Cha trao phó.
- Chúa Giêsu không làm việc một mình, không lẻ loi cô độc, nhưng có Thiên Chúa ở cùng.
Tôi được sinh ra, được lớn lên trong thế giới này chắc chắn tôi cũng có một ý nghĩa, một sứ mạng. Thiên Chúa dựng nên tôi, tôi thuộc về Ngài. Vì thế, cuộc đời của tôi chỉ có giá trị và ý nghĩa khi tôi sống đúng với sứ mạng của tôi. Đó là chu toàn bổn phận theo ý Chúa. Thế nhưng, nhiều lúc tôi đã làm theo ý riêng của mình mà không làm theo ý Chúa. Hơn nữa, những khi chán nản, những khi thất bại và thất vọng tôi đã buông xuôi, làm liều. Khi đó, tôi sống như không có Chúa trong cuộc đời của mình. Tôi chạy theo những đam mê, danh vọng, chiều theo những cám dỗ bất mà không chu toàn bổn phận của mình thường ngày, không giữ luật Chúa và không làm theo Chúa dạy. Tôi đã phạm tội và bất trung với Chúa.
Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay là tấm gương cho tôi ý thức lại thân phận và cuộc sống của mình. Khi tôi lệ thuộc vào Chúa, khi tôi phó thác cuộc sống cho Chúa, khi tôi tìm ý Chúa và thực thi ý Chúa…là lúc tôi sống đúng với  ý nghĩa của đời tôi.
Lạy Chúa, xin cho con luôn ý thức con thuộc về Chúa để mỗi ngày con biết sống cho chúa và tha nhân. Xin cho con luôn ý thức có Chúa ở cùng để con được sống trong bình an của Chúa. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
3 THÁNG TƯ
Qua Cái Chết - Đến Với Sự Sống
Giáo Hội, được qui tụ lại bởi ngôi mộ Đức Giêsu, nhìn tội lỗi dưới một ánh sáng mới khi Giáo Hội dám ca lên rằng : “Ôi tội hồng phúc! Tội đã đem lại cho chúng ta Đấng Cứu Chuộc quá đỗi cao cả!” Chúng ta có thể thực sự nói về những gì diễn ra đêm nay rằng “Đây là điều Chúa đã làm ra; thật kỳ diệu trước mắt chúng ta” (Tv 118,23).
Chúng ta được Giáo Hội đặc biệt mời gọi đón nhận mạc khải này về quyền năng Thiên Chúa, về quyền năng sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa. Mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Giê-su Kitô luôn luôn hiện diện trong bí tích của Giáo Hội. Quyền năng của cái chết và cuộc Phục Sinh của Người vẫn không ngừng tác động trong linh hồn người ta.
Nhờ tác động của chính quyền năng Thiên Chúa – quyền năng sáng tạo và cứu độ – Giáo Hội được sinh lại nơi cuộc Phục Sinh của Đức Chúa chịu đóng đanh của mình: “Tảng đá mà những người thợ xây loại bỏ đã trở nên tảng đá góc tường” (c.22).
Tất cả chúng ta đã được sinh ra từ tảng đá ấy: Tất cả chúng ta đều là những viên đá sống trong tư cách là thành viên của Giáo Hội. Tất cả chúng ta đều được sống nhờ hơi thở trao ban sự sống của Đức Kitô Phục Sinh. “Chúng ta phải coi như mình đã chết đi đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Giê-su Kitô” (Rm 6,11).
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 03-4
Xh 32, 7-14; Ga 5, 31-47.
LỜI SUY NIỆM“Các ông không muốn đến cùng tôi để được sống”
Chúa Giêsu không muốn loại bỏ bất cứ một con người nào trên thế gian này; đặc biệt là người Do-Thái dân riêng của Thiên Chúa. Chúa muốn khai mở tâm trí của họ khi họ nghiên cứu Kinh Thánh, để giúp cho họ thấu hiểu Kinh Thánh luôn loan báo và làm chứng về con người và sứ vụ của Chúa do chính Thiên Chúa sai đến với con người, để ai tin vào Chúa thì được sống muôn đời, và Chúa mời gọi những người chất vấn Chúa cần phải suy xét lại những nghiên cứu Kinh Thánh của mình.
Lạy Chúa Giêsu. Kinh nguyện trong gia đình. Xin Chúa ban cho mọi thành viên, biết lắng nghe Lời Chúa, với tâm tình yêu mến, lòng khiêm nhường và cậy trông; để khám phá ra những đòi hỏi mà Chúa muốn chúng con phải sống.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 03-04
Thánh CASIMIRÔ
(1458 - 1483)

Thánh Casimirô sinh tại Krakow ngày 5 tháng 12 năm 1458. Ngài là con út trong số 13 anh em của vua Balan và hoàng hậu Elisabeth nước Áo, con người nổi tiếng nhân đức. Gioan Dugloss thời danh, tổng giám mục Lemberg. Sau này, là thầy dạy của Ngài.
Casimirô nhiệt thành học hỏi và chỉ nghĩ tới việc làm đẹp ý Chúa. Tâm hồn trong trắng của Ngài ảnh hường tới mọi người chung quanh. Các gia nhân Ngài quen với với phong thái tốt đẹp này đến nỗi tại các triều đình ngoại quốc, người ta nhận ra họ bằng sự cao thượng hơn là bằng sắc phục họ mặc.
Casimirô cảm thấy nỗi đau khổ của người nghèo như là của mình và giúp đỡ họ tận tình đến nỗi dân nghèo coi Ngài như một người cha. Người ta trách Ngài đã quá hạ mình đau khổ săn sóc cho những người cùng khổ, Ngài đã đáp rằng : - Có vinh dự nào lớn lao hơn là được phục vụ Chúa Kitô trong các chi thể người ?

Vị hoàng tử trẻ tự khắc phục bằng việc sám hối liên tục. Dưới sắc phục sang trọng, Ngài mặc áo nhặm và ngủ trên đất, dưới chân giường. Ngài chỉ muốn ăn bánh và sống trong nghèo khó giữa những vinh dự đến nỗi người ta có thể nói về Ngài như nói về Đức Giám mục Milanô. Thánh Carolô Borrômêô rằng, Ngài chỉ là con chó tội nghiệp trong nhà chủ mình.
Thời gian tại nhà thờ là phút giây êm ái quí báu nhất của Ngài, Ngài tới nhà thờ mỗi tối khi cửa còn đóng, và gục mặt xuống đất cầu nguyện. Trong thánh lễ, người ta thấy Ngài xuất thần như lúc truyền phép, dường như Ngài thấy Chúa Kitô trong tay linh mục, Ngài đặc biệt tôn sùng Đức Trinh Nữ mà Ngài gọi là "Mẹ nhân ái" và hàng ngày đọc thánh thi Ommi die để kính Mẹ. Hai mươi năm sau khi qua đời, người ta còn tìm thấy bản chép thánh thi trong mộ Ngài. Ngài có óc phán đoán thật thông minh đến nỗi cha Ngài thường hỏi ý kiến Ngài:

Lúc Casimiro được 13 tuổi, dân Hungarie bất mãn với vua Mathias đã gửi đại diện tới Balan để dâng ngai báu cho Ngài. Vị hoàng tử trẻ không ao ước gì điều này, nhưng vì kính trọng cha, nên đã hướng dẫn binh đội đi nâng đỡ ước nguyện này. Khi tới biên thùy Hungaria, Ngài biết rằng Mathias đã tới chiếm được lòng dân và sẵn sàng chiến đấu cho chính nghĩa. Đức Giáo hoàng cũng ủng hộ vị vua bị truất ngôi. Casimiro vui mừng vì bản tin này và gửi đại diện về cho cha xin bãi bỏ sự việc.
(daminhvn.net)


03 Tháng Tư
Giỗ Tổ Hùng Vương
Ngày mùng 10 tháng 3 Âm Lịch là ngày giỗ tổ Hùng Vương...
Theo tục truyền, vua Ðế Minh là cháu ba đời vua Thần Nông, đi tuần thú phương Nam, đến núi Ngũ Linh (nay thuộc tỉnh Hà Nam) gặp một nàng tiên, lấy nhau đẻ ra một người con gọi là Lộc Tục. Sau, Ðế Minh truyền ngôi cho con trưởng làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương, quốc hiệu là Xích Quỷ.
Ranh giới nước Xích Quỷ lúc bấy giờ phía Bắc giáp Ðộng Ðình Hồ (tức Hồ Nam), phía Nam giáp Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía Tây giáp Ba Thục, phía Ðông giáp bể Nam Hải.
Kinh Dương Vương làm vua nước Xích Quỷ vào khoảng năm Nhâm Tuất (Tức là năm 2879 trước Tây Lịch) và lấy con gái Ðộng Ðình Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, gọi là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Ðế Lai tên là Âu Cơ đẻ ra một lần 100 con trai. Sau này, Lạc Long Quân chia cho nàng 50 con để dắt lên núi, còn 50 con, ông đưa về hướng biển Nam Hải.
Lạc Long Quân phong cho người con trai trưởng sang làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương, sáng lập ra nước Việt Nam sau này...
"Vật đổi sao rời, phúc tổ vẫn lưu nền cổ tích
Nước nguồn cây cối, đạo người nên nhớ đạo Hùng Vương".
Hai câu thơ khuyết danh này như muốn nhắc nhở chúng ta về công đức của tổ tiên. Ngày 10 tháng 3 Âm Lịch, chúng ta không biết là ngày húy nhật của vua Hùng Vương nào, chỉ biết rằng người xưa đã biết chọn một ngày để con cháu về sau muôn đời có dịp tụ họp nhau lại mà nhớ đến tổ tiên, nhớ đến công đức của người đã sáng lập ra dòng họ, nhất là sáng lập ra quốc gia.
Cách đây vài năm, tổng thống Rigan của Hoa Kỳ đã về thăm Ái Nhĩ Lan. Ông muốn nói lên mối dây liên kết giữa ông, những người da trắng đang sinh sống tại Bắc Mỹ và tổ tiên của họ... Là người, ai cũng thấy cần có một tổ quốc, một quê hương trong đó cả một dòng giống được phát sinh và liên kết với nhau.
Cũng như tất cả những người tha hương, những người Việt Nam đang sống ở hải ngoại lúc nào cũng hướng về quê hương của họ. Quê hương là một cái gì vô cùng cao quý và thiêng liêng mà chỉ khi nào mất đi người ta mới cảm thấy luyến nhớ. Nhưng nói đến quê hương không có nghĩa là gợi lại một mảnh đất, một phong cảnh, một dòng sông... Nói đến quê hương là nói đến những người cùng bởi một ông tổ mà ra, những người cùng nói chung một thứ tiếng, những người có cùng một màu da, hay nói như người Việt Nam chúng ta, những người đồng bào, nghĩa là những người cùng chung một cái bọc mà sinh ra... Ðó là ý nghĩa của huyền thoại 100 cái trứng, trong câu chuyện lập quốc của chúng ta.
Nhưng những người công giáo không chỉ ý thức về tình máu mủ ruột thịt của những người cùng một dân tộc, họ còn có một gia đình rộng rãi hơn: đó là gia đình nhân loại.
Nhà vô thần Voltaire đã nói: nếu Thiên Chúa không có thì chúng ta phải tạo ra Ngài... Vì sao thế? Thưa, để cuộc đời chúng ta có một ý nghĩa, để chúng ta biết chúng ta có chung một người Cha, và tất cả mọi người, dù không đồng một ngôn ngữ, dù không đồng một màu da, tất cả chúng ta đều là anh em với nhau. Và kết luận tất yếu của chân lý đó là: chúng ta phải thương yêu nhau.
Người trong cùng một nước, có cùng một ông tổ phải thương yêu nhau vượt lên trên tất cả mọi khác biệt về địa lý, về tôn giáo, về quan điểm chính trị.
Ðó là tất cả ý nghĩa của ngày giỗ tổ Hùng Vương mà chúng ta cử hành hằng năm. Ngày giỗ tổ ấy cũng còn mời gọi chúng ta đi xa hơn nữa để nhìn nhận mọi người đều là con cái Chúa và đều là anh em với nhau.
(Lẽ Sống)
4-3
Thánh Casimir

(1458 - 1483)
C
asimir lớn lên trong một thế giới mà đó không phải là cuộc đời ngài mong muốn. Là hoàng tử Ba Lan, con trai thứ hai của Vua Casimir IV và Hoàng Hậu Elizabeth của Áo, cuộc đời ngài được đặt định để nối tiếp quyền bính của vua cha và gia tăng quyền thế của Ba Lan.
Ngay từ nhỏ, Casimir đã cảm thấy cuộc đời mình thuộc về một người nào đó, mà vị Vua ấy cao cả hơn cha ngài nhiều. Bất kể những áp lực, nhục nhã và bị tẩy chay, ngài vẫn giữ sự trung tín ấy trong suốt cuộc đời.
Ngay từ nhỏ Casimir đã dâng mình cho Chúa. Một trong những động lực tận hiến ấy là nhờ người giám hộ, John Dlugosz, mà sự thánh thiện của ông đã khuyến khích Casimir trên hành trình cuộc đời.
Thật khó để chúng ta tưởng tượng rằng đời sống vương giả lại là một áp lực. Nhưng đối với Casimir, sự sang trọng chung quanh ngài là những cám dỗ để phản bội sự trung tín đích thực. Ðể chống đối những quần áo sang trọng, đắt tiền mà người ta cho rằng ngài sẽ vui thích, ngài mặc những quần áo bình dân nhất.
Khước từ ngay cả sự tiện nghi bình thường, ngài ngủ ít và dành thời giờ ban đêm để cầu nguyện. Và thay vì nằm trên giường nệm, ngài ngủ trên sàn nhà. Mặc dù ngài là hoàng tử, nhiều người chung quanh đã nhạo cười ngài về những điều ấy. Tuy nhiên, trước bất cứ áp lực nào, Casimir vẫn thản nhiên và thân thiện.
Chắc chắn cha ngài phải kinh ngạc về thái độ của con mình, nhưng có lẽ ông cũng nhìn thấy và thán phục sức khỏe của Casimir. Lầm tưởng về điều ấy nên ông đã sai Casimir dẫn một đạo quân sang xâm chiếm Hungary, theo như lời yêu cầu của một số nhà quý tộc ở đây. Mặc dù cảm thấy cuộc viễn chinh thật sai lầm, Casimir cũng đã vâng lời vua cha. Nhưng mỗi một bước tiến ngài linh cảm rằng đó là sự bất tuân Cha trên trời. Do đó khi binh lính bắt đầu bỏ trốn vì không được trả lương, ngài rất hân hoan nghe theo lời khuyên của các sĩ quan mà đưa quân trở về nhà. Khi được biết Ðức Giáo Hoàng Sixtus IV chống đối cuộc xâm lăng ấy, Casimir biết rằng linh cảm của mình là đúng.
Tuy nhiên, vua cha quá tức giận vì hoạch định của ông bị thất bại, nên ông đã trục xuất Casimir, lúc ấy mới 15 tuổi, đến một lâu đài ở Dobzki, hy vọng rằng sự tù đầy sẽ thay đổi ý định của Casimir. Nhưng trong thời gian lưu đầy, ý định ban đầu của Casimir mà ngài tin là đúng lại càng gia tăng mạnh mẽ hơn, và ngài từ chối cộng tác trong mọi hoạch định của vua cha bất kể bất cứ áp lực nào. Ngài từ chối cả cuộc hôn nhân do cha ngài sắp đặt. Ngài chỉ cộng tác với chương trình của vị Vua đích thực qua sự cầu nguyện, học hỏi và giúp đỡ người bất hạnh.
Ngài từ trần vì bệnh phổi khi mới 23 tuổi trong thời gian đến thăm Lithuania, mà ngài cũng là Ðại Công Tước của quốc gia này. Ngài được mai táng ở Vilna, Lithuania.
Ngài được đặt làm thánh quan thầy của Ba Lan và Lithuania.
Lời Bàn
Trong nhiều năm trời, các quốc gia Ba Lan và Lithuania đã mờ nhạt trong nhà tù vĩ đại bên kia Bức Màn Sắt. Bất kể những đàn áp, người Ba Lan và Lithuania vẫn kiên trì giữ vững đức tin mà đức tin ấy đã trở nên đồng hoá với tên của họ. Vị thánh quan thầy trẻ tuổi đã đem cho họ một hy vọng: Hòa bình không thể chiếm được bằng chiến tranh; đôi khi ngay cả nhân đức cũng không chiếm được sự an bình thoải mái, nhưng sự bình an của Ðức Kitô có thể thấm nhập vào cả các bức màn sắt.
Lời Trích
Thánh Casimir vô cùng quý mến Ðức Maria, Mẹ Thiên Chúa; đặc biệt là ngài yêu thích bài thánh ca Latinh về Ðức Mẹ, "Omni die dic Mariae" (Ca Ngợi Mẹ Hàng Ngày). Ngài đã yêu cầu bản nhạc ấy được chôn theo với ngài.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét