04/04/2014
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
IV Mùa Chay
Bài
Ðọc I: Kn 2, 1a. 12-22
"Chúng
ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã".
Trích
sách Khôn Ngoan.
Những
kẻ gian ác suy nghĩ chín chắn, đã nói rằng: "Chúng ta hãy vây bắt kẻ công
chính, vì nó không làm ích gì cho chúng ta, mà còn chống đối việc chúng ta làm,
khiển trách chúng ta lỗi luật và tố cáo chúng ta vô kỷ luật. Nó tự hào mình biết
Thiên Chúa và tự xưng là con Thiên Chúa. Chính nó là sự tố cáo những tư tưởng của
chúng ta. Vì nguyên việc thấy nó, chúng ta cũng cáu, thấy bực mình, vì nếp sống
của nó không giống như kẻ khác, và đường lối của nó thì lập dị. Nó kể chúng ta
như rơm rác, nó xa lánh đường lối chúng ta như xa lánh những gì dơ nhớp, nó
thích hạnh phúc cuối cùng của người công chính, nó tự hào có Thiên Chúa là Cha.
Vậy chúng ta hãy xem coi điều nó nói có thật hay không, hãy nghiệm xét coi những
gì sẽ xảy đến cho nó, và hãy chờ xem chung cuộc đời nó sẽ ra sao. Vì nếu nó thật
là con Thiên Chúa, Chúa sẽ bênh vực nó, sẽ giải thoát nó khỏi tay những kẻ chống
đối nó. Chúng ta hãy nhục mạ và làm khổ nó, để thử xem nó có hiền lành và nhẫn
nại không. Chúng ta hãy kết án cho nó chết cách nhục nhã, vì theo lời nó nói,
thì người ta sẽ cứu nó!" Chúng nghĩ như vậy, nhưng chúng lầm, vì tội ác của
chúng đã làm cho chúng mù quáng. Và chúng không biết ý định mầu nhiệm của Thiên
Chúa, nên cũng chẳng hy vọng phần thưởng công chính, và chúng cũng không ưa
thích vinh dự của những tâm hồn thánh thiện.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 33, 17-18. 19-20. 21 và 23
Ðáp: Chúa gần gũi
những kẻ đoạn trường (c. 19a).
Xướng:
1) Chúa ra mặt chống người làm ác, để tẩy trừ di tích chúng nơi trần ai. Người
hiền đức kêu cầu và Chúa nghe lời họ, Ngài cứu họ khỏi mọi nỗi âu lo. - Ðáp.
2)
Chúa gần gũi những kẻ đoạn trường, và cứu chữa những tâm hồn đau thương dập
nát. Người hiền đức gặp nhiều bước gian truân, nhưng Chúa luôn luôn giải thoát.
- Ðáp.
3)
Ngài gìn giữ họ xương cốt vẹn toàn, không để cho một cái nào bị gãy. Chúa cứu
chữa linh hồn tôi tớ của Ngài, và phàm ai tìm đến nương tựa nơi Ngài, người đó
sẽ không phải đền bồi tội lỗi. - Ðáp.
Câu
Xướng Trước Phúc Âm: Tv 94, 8ab
Hôm
nay, các ngươi đừng cứng lòng, nhưng hãy nghe tiếng Chúa phán.
Phúc
Âm: Ga 7, 1-2. 10. 25-30
"Chúng
tìm cách bắt Người, nhưng chưa tới giờ Người".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu đi lại trong xứ Galilêa; Người không muốn đi lại trong xứ
Giuđêa, vì người Do-thái đang tìm giết Người. Lúc đó gần đến lễ Trại của người
Do-thái. Nhưng khi anh em của Người lên dự lễ rồi, thì Người cũng đi, nhưng
không đi cách công khai, mà lại đi cách kín đáo.
Có
một số người ở Giêrusalem nói: "Ðây không phải là người họ đang tìm giết
sao? Kìa ông ta đang nói công khai mà không ai nói gì cả. Phải chăng các nhà chức
trách đã nhận ra ông ta là Ðấng Kitô? Tuy nhiên, ông này thì chúng ta biết rõ
đã xuất thân từ đâu. Còn khi Ðấng Kitô tới, thì chẳng có ai biết Người bởi
đâu".
Vậy
lúc bấy giờ Chúa Giêsu đang giảng dạy trong đền thờ, Người lớn tiếng nói rằng:
"Phải, các ngươi biết Ta, và biết Ta xuất thân từ đâu; Ta không tự Ta mà đến,
nhưng thực ra, có Ðấng đã sai Ta mà các ngươi không biết Ngài. Riêng Ta, Ta biết
Ngài, vì Ta bởi Ngài, và chính Ngài đã sai Ta". Bởi thế họ tìm cách bắt
Chúa Giêsu, nhưng không ai đụng tới Người, vì chưa tới giờ Người.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Dư
Luận Về Chúa
Vào
năm 1943, cô Chiara Lubic đã khởi xướng phong trào Focolare, tạm dịch là
"Phong Trào Tổ Ấm" với lý tưởng hiệp nhất tất cả các thành phần dân
Chúa. Chiara Lubic lúc ấy là một cô gái trẻ vừa tròn 18 tuổi. Tuy nhiên, cô đã
có đời sống nội tâm sâu xa, yêu thích sống gần Thiên Chúa.
Một
lần nọ, mẹ cô sai đi mua sữa cho em, cô vui vẻ làm công việc với tinh thần vui
tươi hăng hái. Trên đường đi, cô cảm thấy dường như đã tìm được ơn gọi của mình
là hành động bác ái giữa những người cùng khổ. Lúc đó, cô đang điều khiển một
nhóm Công giáo tiến hành. Sau chuyến đi dự khóa hội thảo, cô đã quyết định theo
Chúa bằng ba lời khuyên Phúc Âm: Khiết tịnh, Khó nghèo và Vâng phục.
Thế
chiến thứ II bùng nổ, Chiara Lubic vẫn còn ở lại Trento để phục vụ các nạn nhân
chiến tranh. Tình yêu của cô đối với tha nhân đã thu phục được nhiều thiếu nữ
khác cùng sống lý tưởng "bác ái - hiệp nhất", nhìn thấy Chúa trong
tha nhân, nhất là trong những người bị bỏ rơi và bị xua đuổi. Nếp sống ấy đã vượt
ra khỏi ranh giới thành phố Trento.
Vào
một ngày nọ, giữa năm 1948, một thanh niên 20 tuổi, chuyên viên điện, đến sửa
điện ở nhà các cô, nghe các cô nói về Thiên Chúa và về kinh nghiệm sống, anh
thích thú và muốn nghe mãi. Xong việc, thay vì nhận tiền công, anh ta lại xin
được gia nhập làm thành viên của "Tổ Ấm" Chiara Lubic, vì nghe tiếng
thiêng liêng buộc anh sống đời sống đó.
Rồi
một kỹ sư nữa cũng đến xin gia nhập, thế là "Tổ Ấm" nam được thành lập.
Trụ sở đầu tiên của "Tổ Ấm" nam là một chỗ nuôi gà, vịt được sửa lại.
Ngày kia, có một linh mục đến gặp hai anh, thấy hai anh sống trong chuồng gà,
ngài chê là điên. Các anh trả lời: "Chúng con điên vì tình yêu Thiên Chúa.
Thiên Chúa cũng điên".
Anh
chị em thân mến!
Trước
Chúa Giêsu Kitô, con người phải có thái độ dứt khoát, Ngài là dấu hiệu muôn thuở.
Ðối diện với Ngài, nhiều người khiêm tốn tuân phục, nhưng cũng có những kẻ khác
tự kiêu, cố chấp từ chối, cho việc tin nhận Ngài là một hành động điên rồ. Nhưng
để làm đồ đệ của Chúa thì chúng ta phải chấp nhận để người ta gọi mình là điên:
"Ðiên vì tình yêu Chúa", qua đó ta có thể phân phát tình yêu Chúa cho
anh em xung quanh.
Ðức
cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng"
đã viết như sau: Người ngoài không hiểu được tại sao ta theo tiếng gọi của
Chúa, và người ta cho là điên. Chính Chúa Giêsu cũng bị Hêrôđê gọi là điên, và
chúng ta hãnh diện được ở trong nhà thương điên của Chúa.
Những
người Do Thái được nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay chưa hẳn gọi Chúa Giêsu
là điên, nhưng có thể cho Ngài là người ngông cuồng. Họ tự phụ cho mình đã biết
được ngọn nguồn của Chúa xuất thân từ một gia đình nghèo, con ông Giuse và bà
Maria, sinh sống tại Nazareth. Thật không thể nào tưởng tượng được một con người
xuất thân thấp hèn như vậy mà dám xưng mình là Con Thiên Chúa. Mâu thuẫn của đức
tin Kitô là thế đó. Con Thiên Chúa xuống thế làm người thấp hèn đến độ bị khinh
thường như vậy.
Anh
chị em thân mến!
Những
người Do Thái tự phụ, cho mình là biết rõ ngọn nguồn của Chúa Giêsu. Nhưng thực
sự họ không biết, vì tinh thần họ đã trở nên mù quáng trước những phép lạ, trước
những dấu chỉ Chúa đã thực hiện trước mắt họ. Họ làm ngơ giả điếc trước mạc khải
vô cùng quan trọng của Chúa Giêsu, về nguồn gốc thần linh của Ngài: "Ta bởi
Thiên Chúa Cha mà đến, và chính Ngài là Ðấng đã sai Ta". Ðây là sự thật rất
quan trọng và Giáo Hội đã đưa vào kinh Tin Kính để cộng đoàn và các đồ đệ của
Chúa Giêsu tuyên xưng: "Ngài là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi
ánh sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải tạo
thành... Vì loài người chúng tôi và để cứu rỗi chúng tôi, Người đã từ trời xuống
thế..."
Sự
cứu rỗi của nhân loại không phải là một tổ chức, nhưng là một mầu nhiệm; mầu
nhiệm Chúa Giêsu chịu chết và sống lại. Con đừng hoài nghi lúc thấy con đường
hy vọng vắng bóng những người mà thế gian cho là khôn ngoan. Chúa Giêsu đã báo
trước: "Lạy Cha, Con đội ơn Cha, vì Cha đã dấu những điều này cho những kẻ
khôn ngoan thông thái mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn". Con cảm tạ
Chúa vì Ngài đã chỉ cho con biết sự khôn ngoan thật. Thế gian sợ khôn ngoan
này, vì Chúa Giêsu gọi là đường hẹp, vì nó đảo lộn cuộc sống cũ, vì nó quấy rầy
thế gian, vì nó đặt lại giá trị, vì thiên hạ cho là chướng tai. Nhưng những tâm
hồn thiện chí, khiêm cung, những giới trẻ đầy nhiệt huyết qua mọi thời đại đã
theo sự khôn ngoan thật này đến cùng Chúa.
Lạy
Chúa, xin ban cho con một tâm hồn khiêm tốn, để con có thể lãnh nhận sự khôn
ngoan thật của Chúa. Xin thương cho con được gặp Chúa và giúp anh em xung quanh
đến với Chúa. Amen.
(Veritas Asia)
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần IV MC
Bài đọc: Wis 2:1, 12-22;
Jn 7:1-2, 10, 25-30.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tin thế nào sẽ sống
như vậy.
Nhu
cầu học hỏi để biết phân biệt đúng, sai rất quan trọng. Lý do: Tin thế nào sẽ
thực hành như vậy. Nếu một người biết đúng, người đó sẽ thực hành đúng; ngược lại,
nếu người đó biết sai hay không biết, làm sao người đó có thể hành động đúng được?
Vì thế, con người phải học hỏi và được dạy dỗ không ngừng để biết phân biệt phải,
trái.
Các
Bài Đọc hôm nay xoay quanh các hành động sai lầm và độc ác của việc biết sai về
Thiên Chúa và về Đấng Cứu Thế. Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan phơi
bày suy luận sai lầm và hành động ác độc của những người không tin nơi Thiên
Chúa và cuộc sống đời sau. Họ truy tố và hành hạ người công chính để thử xem đức
tin của người công chính có thắng vượt được những tra tấn dã man mà họ nghĩ ra!
Trong Phúc Âm, vì không hiểu thực sự Đấng Thiên Sai là ai và cách cứu độ của
Ngài, người Do-thái tìm cách bắt bớ và tiêu diệt Đức Kitô.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Niềm tin sai lầm về Thiên Chúa và về cuộc đời
1.1/
Niềm tin của những người vô thần dẫn tới hành động ác độc của họ:
(1)
Niềm tin sai lầm:
Họ nghĩ: “Đời ta thật buồn sầu, vắn vỏi: không thuốc nào chữa cho con người khỏi
chết, chẳng ai biết có kẻ nào thoát được cõi âm ty.” Theo truyền thống Do-thái,
niềm tin về đời sau của họ rất mơ hồ; đa số chỉ tin phần thưởng Thiên Chúa ban
cho những ai bước đi trong Lề Luật của Ngài là sống lâu, con đàn cháu đống, và
hạnh phúc ở đời này. Mãi cho đến thời của tiên-tri Daniel và anh em nhà
Maccabees (3rd tới 2nd BC), niềm tin vào sự sống
lại và hạnh phúc đời sau mới rõ nét hơn. Sách Khôn Ngoan cũng được viết trong
khỏang thời gian này. Đối với những người vô thần, họ tin chết là hết và không
có đời sau. Họ không tin Thiên Chúa, Đấng có thể giải thóat người công chính và
trừng phạt kẻ tội lỗi và bất công.
(2)
Hành động ác độc của người vô thần: Tin thế nào sẽ sống như vậy. Vì không tin đời sau,
nên bao nỗ lực của họ dành cả cho đời này. Họ ghét người công chính, không phải
vì người công chính làm hại họ, nhưng vì lối sống của những người công chính
làm cho lương tâm của họ bị cắt rứt. Họ nói: “Ta hãy gài bẫy hại tên công
chính, vì nó chỉ làm vướng chân ta, nó chống lại các việc ta làm, trách ta vi
phạm lề luật, và tố cáo ta không tuân hành lễ giáo.” Họ đâu biết chính nhờ
lương tâm cắn rứt, sẽ giúp họ nhận ra điều sai trái họ làm mà quay trở về với
đàng ngay nẻo chính! Nhưng vì họ đã ở trong bóng tối quá lâu, họ mất sức mạnh để
ra ngòai ánh sáng.
Họ
muốn tất cả mọi người phải sống như họ. Họ cảm thấy khó chịu và bất an khi thấy
có người nào sống khác họ: “Nó như kẻ luôn chê trách tâm tưởng của ta, thấy mặt
nó thôi là ta chịu không nổi. Vì nó sống thật chẳng giống ai, lối cư xử của nó
hoàn toàn lập dị. Nó coi ta như bọn lọc lừa, tránh đường ta đi như tránh đồ dơ
bẩn.” Đây là thái độ của nhiều con người vô thần thời nay. Họ lạm dụng tự do
ngôn luận để bắt ai cũng phải sống như họ: cấm không cho đọc kinh hay thinh lặng
trước giờ học, bắt tất cả học sinh phải biết về vấn đề tình dục ở tuổi mới lớn,
bắt người tin Thiên Chúa phải trợ phá thai hay bán uống thuốc phá thai …
1.2/
Cần phải học cho biết đúng về Thiên Chúa: Để tránh những hiểu biết sai lầm và những hành động
ác độc giữa con người với con người, tất cả đều cần học biết về Thiên Chúa, Đấng
dựng nên mọi sự và điều khiển muôn lòai. Điều trước tiên con người phải nhận ra
là có Thiên Chúa qua những công trình tạo dựng và quan phòng của Ngài trong vũ
trụ. Thứ đến, con người cần học để hiểu biết Ngài là ai và các ý định của Ngài
khi dựng nên muôn lòai; nhất là các ý định cho con người cả đời này và đời sau.
Con
người cũng cần phải học biết mình trong mối tương quan với Thiên Chúa: Giữa
Thiên Chúa và con người có một sự khác biệt vô cùng, như tiên-tri Isaiah tuyên
bố: tư tưởng và đường lối của Ta không phải là tư tưởng và đường lối của các
ngươi; như Trời cao hơn đất thể nào, tư tưởng và đường lối của Ta cũng cao hơn
các ngươi như vậy. Vì thế, để thử xem có Thiên Chúa hay không bằng cách đánh đập
những người công chính là chuyện khôi hài. Ngài có kế họach riêng cho con người
phải theo, và Ngài không thay đổi kế họach đã có vì thách thức của con người.
Hơn
nữa, ngay cả những cực hình mà những người vô thần dùng để thử thách những người
công chính cũng nằm trong kế họach của Thiên Chúa. Chúng cần thiết để con người
chứng tỏ niềm tin vào Ngài. Những người vô thần không chỉ thử thách Thiên Chúa,
mà còn muốn nhìn thấy sự thay đổi niềm tin của người công chính vì sợ cực hình,
như lời họ nói: “Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó, để biết nó hiền hoà làm sao, và
thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như
nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm."
2/
Phúc Âm:
Niềm tin sai lầm về Đấng Cứu Thế cũng dẫn tới những hành động sai lầm.
2.1/
Niềm tin sai lầm vào Đấng Cứu Thế: Điều sai lầm trước tiên của người Do-thái là họ quá
quan tâm đến nguồn gốc con người mà quên đi nguồn gốc Thiên Chúa của Ngài. Điều
sai lầm thứ hai là họ lầm lẫn nơi Đức Kitô sinh ra và nơi Ngài lớn lên như
trình thuật ngày mai sẽ đề cập tới. Điều một số người tuyên bố hôm nay chứng tỏ
họ không rành rẽ Kinh Thánh: “Ông ấy, chúng ta biết ông xuất thân từ đâu rồi;
còn Đấng Kitô, khi Người đến thì chẳng ai biết Người xuất thân từ đâu cả.”
Tiên-tri Micah đã tuyên bố đích danh nơi sinh của Đấng Thiên Sai: “Phần ngươi,
hỡi Bethlehem Éphratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Judah, từ nơi
ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện một vị có sứ mạng thống lãnh Israel. Nguồn gốc của
Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa” (Mic 5:1).
Hành
động sai lầm: Vì không hiểu rõ nguồn gốc cũng như Kế Họach Cứu Độ của Đấng
Thiên Sai, nên những người Do-thái tìm vách bắt bớ và giết Ngài, chẳng có ai
tra tay bắt, vì giờ của Người chưa đến.
2.2/
Cần học hỏi để biết Đấng Cứu Thế thực sự là ai: Lúc giảng dạy trong Đền Thờ, Đức
Giêsu nói lớn tiếng rằng: "Các ông biết tôi ư? Các ông biết tôi xuất thân
từ đâu ư? Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng đã sai tôi là Đấng chân thật. Các
ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người
mà đến, và chính Người đã sai tôi." Hôm qua, chúng ta đã nói về 5 chứng
nhân của Đức Kitô; qua 5 chứng nhân này, con người đã có nhiều hơn 2 nhân chứng
mà Lề Luật đòi hỏi để họ tin vào Ngài. Những ngày kế tiếp, Đức Kitô sẽ tiếp tục
mặc khải về Kế Họach Cứu Độ của Thiên Chúa qua Cuộc Thương Khó, cái chết và sự
sống lại của Ngài.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Kiến thức về Thiên Chúa, về Chúa Kitô, và về các ý định của Thiên Chúa cho con
người rất cần thiết cho chúng ta để đạt tới đích điểm mà Thiên Chúa đã tiền định
cho con người. Nếu chúng ta không biết ý định và đường lối của Thiên Chúa,
chúng ta sẽ tin và làm theo những gì chúng ta suy nghĩ.
-
Tất cả những kiến thức này đã được mặc khải và viết lại trong Kinh Thánh. Chúng
ta cần bỏ thời gian để học hỏi trước khi có thể thi hành Kế Họach Cứu Độ theo
đường lối của Thiên Chúa.
Linh
mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
Kn
2,1a.12-22 ; Ga 7,1-2.10.25-30
A.
Hạt giống...
1.
Bài đọc 1 trích sách Khôn ngoan nói lên một sự thật phũ phàng là kẻ gian ác
không thích người công chính và bách hại người công chính. Bởi vì sự hiện diện
và việc làm của người công chính càng làm lộ rõ sự gian ác của chúng, cụng như
ánh sáng soi rõ những chỗ dơ dáy xấu xa trong các xó kẹt tối tăm.
2.
Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu chính là người công chính bị quân gian ác bách hại. Để
khỏi mang tội giết Đấng Messia, họ lý luận rằng Đấng Messia phải có nguồn gốc
lai lịch rõ ràng, còn Chúa Giêsu thì họ không biết xuất thân từ đâu. Nhân đó
Chúa Giêsu nói cho họ biết lai lịch và nguồn gốc của Ngài là Chúa Cha “Ta bởi
Ngài, và chính Ngài đã sai Ta”. Nhưng nói như thế càng khiến họ muốn giết Ngài
hơn. Tuy nhiên hiện giờ “họ chưa làm gì Ngài được vì chưa tới giờ Ngài”.
B....
nẩy mầm.
1.
Người công chính thường bị kẻ gian ác bách hại. Tôi có thể áp dụng cho mình câu
này về cả hai vế :
-
Hãy tự hỏi tôi có phải là kẻ gian ác đang bách hại những anh chị em tôi vì họ
công chính hơn tôi không ?
-
Tôi có sẵn sàng chấp nhận những bách hại của kẻ khác để kiên trì sống theo lý
tường công chính không ?
2.
Cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và những người biệt phái kéo dài rất dai dẳng
nhưng Ngài cũng chẳng làm cho họ tin Ngài được, trái lại càng ngày họ càng muốn
giết Ngài. Cái gì đã khiến họ khó tin vào Chúa Giêsu như thế ? Thưa chính là vì
họ tưởng họ biết quá rõ về Thiên Chúa và về Đấng Messia của Thiên Chúa : họ tưởng
họ biết Thiên Chúa là ai, Đấng Messia từ đâu đến, biết rành Thánh Kinh, biết rất
rõ luật Môsê... Tất cả những gì ở ngoài cái khung hiểu biết ấy của họ thì họ đều
coi là sai lạc, là từ Xatan... Tôi có nghĩ rằng tôi đã biết tất cả về
Chúa và về ơn cứu độ không ? Tôi có sẵn sàng và ngoan ngoãn để Chúa dạy tôi những
điều bất ngờ không ?
3.
Một lý do nữa khiến các thượng tế, luật sĩ và biệt phái tìm giết Chúa Giêsu là
vì Ngài là một cái gai làm họ khó chịu. Phải chăng tôi không bị cám dỗ bởi ý muốn
dẹp bỏ những người làm tôi khó chịu, vì họ không giống tôi, vì họ dám nói ra những
chỗ yếu kém của tôi, hay chỉ vì họ khá hơn tôi khiến sự hiện diện của họ làm
cho tôi bị lu mờ đi... ?
Lm. Carolo HỒ BẶC
XÁI – Gp. Cần Thơ
04/04/14 THỨ SÁU ĐẦU THÁNG TUẦN 4 MC
Th. I-xi-đo-rô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 7,1-2.10.25-30
Th. I-xi-đo-rô, giám mục, tiến sĩ HT
Ga 7,1-2.10.25-30
BIẾT VÀ KHÔNG BIẾT
“Tôi đâu có tự mình mà đến. Đấng
đã sai tôi là Đấng chân thật. Các ông, các ông không biết Người. Phần tôi, tôi
biết Người, bởi vì tôi từ nơi Người mà đến và chính Người đã sai tôi.” (Ga 7, 28-29)
Suy niệm: Biết một người thường được hiểu là biết những
tương quan của người ấy, nhất là về nguồn gốc như cha mẹ, dòng họ, quê quán...
Người Do-thái nghĩ rằng họ đã biết tỏ tường về Chúa Giê-su khi nắm bắt được cội
nguồn của Ngài: Chúng tôi biết ông ấy xuất phát từ đâu rồi. Do đó, ông ấy cũng
chẳng có điều gì ngoại thường và chắc chắn không phải là Đức Ki-tô! Thật ra,
không phải tương quan sinh học hay địa lý đã làm nên Đấng Ki-tô, mà chính là
mối tương quan thâm sâu mầu nhiệm với Chúa Cha, Đấng đã sai Ngài. Chúa Giê-su
khẳng định: để biết Ngài, người ta phải biết tương quan căn bản nhất làm nên
con người Ngài là tương quan Con Một với Cha trên trời.
Mời Bạn: Đức Bê-nê-đi-tô XVI nhận định: “Nhờ đức tin, con người bày tỏ
sự ưng thuận của mình với chứng tá của Thiên Chúa.” Thiên Chúa không ai thấy bao giờ và chỉ có
Chúa Giê-su là Đấng biết Chúa Cha và chính Ngài mạc khải cho chúng ta. Chúa
Giê-su làm chứng cho ta về Chúa Cha bằng mầu nhiệm Khổ nạn và Phục sinh của
Ngài.
Sống Lời Chúa: Tôi chiêm ngắm tình yêu đến cùng của Thiên
Chúa dành cho mình qua Chúa Giê-su, nhất là trong Tuần Thánh sắp tới.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, chúng con chưa bao giờ biết được Chúa Cha, nhưng
chính Chúa đã mạc khải cho chúng con bằng những dụ ngôn, qua cuộc sống, và qua
cái chết cùng sự phục sinh của Chúa. Xin cho chúng con nhìn ngắm chính Chúa để
xác quyết rằng Thiên Chúa là Tình Yêu. Amen.
Giờ
của Người chưa đến
Dân Giêrusalem không thấy được trọn vẹn con người
Đức Giêsu. Họ đã giết Đấng Kitô đang ở gần bên họ, vì họ mơ một Đấng Kitô bí ẩn
khác.
Suy niệm:
Lễ Lều là một đại lễ hàng
năm qui tụ đông đảo dân chúng lên Đền thờ.
Đây là một lễ rất vui, kéo
dài cả tuần (Lv 23, 34-36).
Mục đích chính là để tạ ơn
Chúa vì hoa trái mùa màng Ngài ban,
và còn để nhớ lại tình
thương Chúa trong thời gian 40 năm đi trong hoang địa.
Lễ Lều là một lễ hội tưng
bừng và long trọng bậc nhất.
Những người tham dự cắm trại
trong các lều làm bằng cành lá,
được dựng trên mái nhà, gần
nhà hay ngoài đồng.
Mỗi buổi sáng có lễ rước
nước từ hồ Silôam để rưới lên bàn thờ.
Mỗi tối, tiền đình phụ nữ
nơi Đền thờ rực rỡ ánh nến và vang tiếng múa hát.
Đức Giêsu đã không muốn bỏ
qua lễ hội này,
dù lên Đền thờ Giêrusalem
bây giờ thật là nguy hiểm đến tính mạng,
vì người Do thái, nghĩa là
giới lãnh đạo Do thái giáo, đang tìm cách giết Ngài.
Đức Giêsu đã chọn giải pháp
lên Đền thờ một cách kín đáo (c.10).
Nhưng vào giữa kỳ lễ, Ngài
đã giảng dạy công khai, không chút sợ hãi (c. 14).
Đức Giêsu dám đối mặt với
thế lực đang đe dọa Ngài.
Ngài bình tĩnh giảng ngay
nơi Đền thờ,
trước những thượng tế, những
người Pharisêu, và dân cư ngụ ở Giêrusalem.
Họ chẳng dám làm gì Ngài, vì
giờ của ngài chưa đến (c. 30).
Xảy ra cuộc tranh luận giữa
Ngài với dân cư ngụ ở Giêrusalem.
Chẳng có chút thiện cảm nào
với Ngài, họ chỉ muốn làm hại Ngài.
Họ tin vào điều này một cách
vững chắc :
“Khi Đấng Kitô đến, chẳng ai
biết Người đến từ đâu” (c. 27).
Nguồn gốc của Đấng Kitô, đối
với họ, phải là một điều bí ẩn.
Họ không tin Đức Giêsu là
Kitô, bởi lẽ họ “biết ông này đến từ đâu.”
Chắc họ đã nghĩ Đức Giêsu là
dân vùng Nazareth,
làm nghề thợ mộc, sống với
cha mẹ là Giuse và Maria.
Tự hào về cái biết đúng
nhưng không đủ ấy của họ,
đã khiến họ ngừng lại nơi
nguồn gốc trần thế của Đức Giêsu.
Đức Giêsu thật là Đấng Kitô.
Và đúng như dân Giêrusalem
đã tin, nguồn gốc của Ngài thật không dễ biết.
Đức Giêsu biết nguồn gốc của
mình.
Ngoài gốc nhân loại, Ngài
còn gốc thần linh, gốc từ trời.
Ngài không tự mình mà đến,
nhưng từ Thiên Chúa chân thật mà đến.
Ngài xuất thân từ Thiên Chúa
và được Thiên Chúa sai đi (cc. 28-29).
Dân Giêrusalem không thấy
được trọn vẹn con người Đức Giêsu.
Họ đã giết Đấng Kitô đang ở
gần bên họ, vì họ mơ một Đấng Kitô bí ẩn khác.
Làm sao tôi có thể nhận ra
Đức Kitô cao cả
đang ở bên những người tầm
thường tôi gặp mỗi ngày?
Cầu nguyện:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu
thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Chân phước Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
THÂN PHẬN
Những người Do thái không tin Chúa Giêsu trong
đoạn Tin mừng hôm nay đã:
- Nhận xét Chúa Giêsu theo cái nhìn của họ.
- Hiểu Ngài theo cách hiểu của họ.
- Phê phán Ngài theo thành kiến của họ.
Chính vì nghĩ về Chúa Giêsu theo cái nhìn và cách
nghĩ như thế, họ đã hiểu sai hoàn toàn về Ngài. Từ cái hiểu sai như thế, họ
ngày càng xa cách Ngài và không tin vào Ngài.
Với những lý luận của phàm nhân, họ không thể nào
hiểu và tin Chúa Giêsu là Thiên Chúa lại mang thân phận của một con người. Dù
họ hiểu biết như thế nào thì Chúa Giêsu vẫn là Thiên Chúa. Và Chúa Giêsu cho
biết Ngài là Thiên Chúa thật.
Trong đời sống đức tin của mình, nếu tôi cũng chỉ
hiểu biết về Chúa theo cách hiểu của tôi, nếu tôi cũng chỉ nghĩ về Ngài theo
cách nghĩ của tôi..thì có lẽ, tôi vẫn chưa tín thác trọn vẹn vào Chúa. Đức tin
của tôi dễ bị chao đảo lạc đường.
Trong cuộc sống thường ngày, nếu tôi cũng nhận
xét tha nhân theo cái nhìn của tôi, nếu tôi cũng hiểu tha nhân theo cách hiểu
của tôi.. thì nhiều khi tôi hiểu sai về người khác.
Những khi sống như vậy là lúc tôi xa cách Chúa và
bất hòa với tha nhân.
Lạy Chúa, xin cho con hiểu Chúa nhiều hơn để con
yêu mến Chúa nhiều hơn. Xin cho con hiểu tha nhân nhiều hơn để con thông cảm và
yêu mến tha nhân như Chúa dạy. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
4
THÁNG TƯ
Được
Mai Táng Với Đức Kitô - Được Phục Sinh Với Người
Giáo
Hội tuyên xưng trong Kinh Tin Kính: “Người đã chịu nạn, chịu chết, và chịu táng
xác. Nhưng ngày thứ ba Người đã sống lại.”
Trước
khi sống lại từ cõi chết, Đức Kitô – với cái chết cứu độ của Người – đã chạm đến
tội lỗi của con người qua mọi thế hệ. Người đã ghé thăm các linh hồn trong cõi
âm ty với quyền năng cứu chuộc do cái chết của Người, với quyền năng trao ban sự
sống do cái chết của Người. Hỡi sự chết, Ta sẽ là chính sự chết của ngươi!
Cũng
vậy, chúng ta – những người còn đang sống – đã được dìm trong cái chết của Người
(cf. Rm 6,3). Cái chết của Đức Kitô, cái chết cứu chuộc, cái chết trao ban sự sống,
đã tiêu diệt di lụy của tội lỗi vốn có mặt nơi mỗi người chúng ta. Thật vậy,
“chúng ta … được thanh tẩy để tháp nhập vào với Đức Giê-su Kitô” (Rm 6,3). Và
Thánh Phao-lô nói tiếp: “Qua phép Rửa, chúng ta thật sự được mai táng với Người,
để – cũng như Đức Kitô được phục sinh từ cõi chết nhờ vinh quang của Chúa Cha –
chúng ta cũng sẽ sống trong sự sống mới” (Rm 6,4).
- suy tư 366 ngày của
Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ
nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations
by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 04-4
THÁNH ISIĐÔRÔ GIÁM MỤC, TIẾN SĨ, HỘI
THÁNH
Kn 2, 1a.12-22; Ga 7, 1-2.10,25-30.
LỜI SUY NIỆM: “Phần tôi, tôi biết Người, bởi vì
tôi từ nơi Người mà đến, và chính Người đã sai tôi.”
Những khoảng khắc cuối đời của Chúa Giêsu, Chúa thường
đi lại trong miền Galilê, để tránh người Do-Thái.Nhưng trong ngày Lễ Lều.Chúa
Giêsu lại công khai giảng dạy trong Đền Thờ, nên đã làm cho dân chúng tranh luận
về nguồn gốc của Đấng Kitô.Chúa Giêsu đã công khai cho họ biết là chính
Chúa.Chúa từ Chúa Cha mà đến và chính Chúa Cha đã sai đến trong thế gian này.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho trong cuộc sống của mọi người
trong gia đình chúng con luôn nhận ra Chúa trong mọi người để tôn trọng, yêu
thương và phục vụ, giúp nhau cải thiện cuộc sống cho nhau vì nhau.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
04-04
Thánh
ISIDORO
Giám
Mục Tiến Sĩ Hội Thánh (+636)
Thánh
Isidorô được coi như vị thánh tiến sĩ lừng danh nhất của Giáo hội Tây Ban Nha.
Ngài chào đời tại Carthagena trong một gia đình thật đặc sắc, có cha mẹ đạo đức
và và cả bốn anh em đều được tôn phong lên hàng hiển thánh . Các anh Ngài là
hai thánh giám mục Leanger và Fulgentio. Chị Ngài là thánh nữ Florentina. Như vậy
thánh Isidôrô thật có phúc vì được sinh ra sống giữa các vị thánh.
Cha
mẹ mất sớm, người anh cả lãnh nhiệm vụ hướng dẫn đứa em út Isidorô. Một bức thư
của thánh Leander viết cho em gái là thánh Florentina làm chứng điều đó: -
"Anh xin em hãy nhớ đến anh trong kinh nguyện và đừng quên chú út Isidorô.
Cha mẹ đã ký thác em cho chúng ta và đã trở về với Chúa mà không phải e sợ gì,
bởi vì các Ngài đã trao cho em một người chị và hai người anh săn sóc".
Dù
rất thương em. Nhưng Leander đã phải dùng biện pháp mạnh là cây roi để sửa trị
tính nhu nhược của đứa em biếng nhác. Một lần kia vì sợ đòn và chán học,
Isidorô đã bỏ nhà trốn đi. Cậu chạy nước rút mau hết sức cho tới khi ngã quỵ
bên một bờ giếng. Mơ màng trong lúc lấy hơi, cậu nhìn thấy vách đá bên thành giếng
có một đường rãnh. Một phụ nữ đến kín nước giải thích cho cậu biết rằng, đá cứng
đến đâu đi nữa nhưng sợ giây thừng cọ sát liên tục cũng soi mòn được. Hiện tượng
này khiến cậu phải suy nghĩ: "Với thời gian sợi giây thừng và những giọt
nước đẽo được cả đá, còn tôi lại không thể học hành để gọt giũa tâm hơn sao
?"
Thật
là một bài học lạ lùng đối với Isidorô. Ngài lấy lại can đảm bắt tay và làm việc
không còn biết mệt mỏi. Nỗ lực không ngừng đã biến Ngài thành nhà thông thái nhất
thời đó. Còn thanh xuân, Ngài đã thông hiểu triết học, đã nghiên cứu các tác phẩm
về luật. Nhà chép sử Arevalo đã phải thán phục ghi nhận nói Ngài một sự cao
siêu như Platon, sự thông hiểu của Aristote, tài hùng biện của Cicéron, sự uyên
bác của Origenê, sự thận trọng của thánh Hiêronimô, giáo thuyết của thánh
Augustinô và sự thánh thiện của thánh Gregoriô. Người ta còn nói rằng khi đọc một
bức thư của Isidorô, thánh Grêgoriô đã thốt lên lời đầy tính chất tiên tri: -
"Đây là một tiên tri Daniel, một người còn trổi vượt hơn cả Salomon".
Isidorô
thụ phong linh mục và theo anh là Leander đang làm giám mục Seville, tham dự
các công đồng. Dầu có cuộc bách hại của nhà vua theo phái Ariô và đã trục xuất
hai anh của Ngài, thánh nhân vẫn công khai chống lại lạc giáo. Ngài đã thay anh
cai quản giáo phận lúc người anh bị lưu đày. Năm 600, khi Đức Cha Leander từ trần,
Ngài đã được cử lên kế vị. Đức giáo hoàng Grêgoriô cả còn đặt Ngài làm vị tổng
đại diện cho mình ở Tây Ban Nha.
Dầu
không bao giờ là tu sĩ, thánh Isidorô đã viết một bộ luật dòng tu. Ngài giải
thích, khai triển và hệ thống hoá phung vụ Mozarabic. Ngài nỗ lực tiêu diệt tàn
tích của phái Ariô, và đánh bại lạc thuyết của Acephali, một ngành của lạc giáo
Nhất tính thuyết ở Tây Ban Nha. Hơn nữa thánh nhân còn lập nhiều trường học để
giáo dục con dân của Ngài. Có ảnh hưởng lớn tại triều đình, Ngài cũng giữ phần
sáng chói trong cộng đồng Toleđô năm 610, chủ tọa công đồng Seville II năm 618
hay 619 và công đồng Tôleđo IV năm 633.
Nhưng
trách vụ của Đức giám mục không ngăn cản công việc trước tác phong phú của
thánh Isidorô. Ngài đã viết một từ điển các tiếng đồng âm, một khảo luận về
thiên văn địa lý, tiểu sử của các vĩ nhân và các nhân vật trong thánh kinh, một
cuốn lịch sử xứ Goth. Tác phẩm ảnh hưởng nhất của Ngài là Bộ bách Khoa từ điển
ETYMOLOGIES tóm lược những hiểu biết của thời đại Ngài.
Sau
36 năm nhọc mệt trong chức giám mục, thánh Isidorô phải chịu đựng mọi yếu đau của
tuổi già. Bệnh tật có thể nghiền nát thân xác, nhưng lại không thể làm giảm thiểu
được nhiệt tâm của Ngài. Trong sáu tháng cuối đời, Ngài tăng thêm việc bác ái đến
nỗi một đoàn dân nghèo đến với Ngài tấp nập từ sáng đến chiều và cuối cùng
chính Ngài cũng lâm cảnh nghèo túng. Biết rằng sắp kết thúc được đời Ngài mời hai
giám mục phụ tá đến thăm, Ngài theo họ tới nhà thờ. Ơ đó một vị giám mục mặc áo
nhặm cho Ngài, một vị giám mục bỏ tro lên đầu Ngài. Giơ tay lên trời Ngài lớn
tiếng xin Chúa thứ tha tội lỗi, rước lễ. Xin mọi người cầu nguyện cho, khuyên
nhủ dân chúng sống bác ái, phân phát hết tiền của còn lại. Trở về nhà, Ngài qua
đời trong an bình của Chúa ngày 04 tháng 04 năm 636.
Theo
lời yêu cầu của thánh nhân, thi hài Ngài được mai táng với thánh Leander và
Florentina. Nhưng về sau Vua Ferdinand di chuyển hài cốt về Leon. Đức Giáo
hoàng Benedictô XV tôn phong thánh Isidorô lên hàng Tiến sĩ Hội Thánh.
(daminhvn.net)
Ðánh Nhau Bằng Gậy
Gộc
Họa
sĩ Goya, người Tây Ban Nha vào đầu thế kỉ 19, đã để lại một loạt những bức
tranh mô tả thân phận con người thật ý nghĩa. Một trong họa phẩm mà ông đã thực
hiện trong thời nội chiến của người Tây Ban Nha vào cuối thế kỷ 18 mang tựa đề:
"Ðánh nhau bằng gậy gộc".
Trong
bức tranh, Goya vẽ hai người nông dân xô xát nhau. Mỗi người cầm trong tay một
chiếc dùi cui sần sùi. Một người đang giơ chiếc dùi cui để bảo vệ mặt mình. Nền
trời không để lộ một nét nổi bật nào. Người ta không đoán được trời sắp giông
bão hay sắp sáng rỡ.
Thoạt
nhìn qua cũng nghĩ đây chỉ là một bức tranh tầm thường như những bức tranh
khác. Thế nhưng có một chi tiết nói lên tất cả ý nghĩa của bức tranh: đó là hai
người nông dân đang hầm hầm sát khí để loại trừ nhau này lại mắc cạn trong cồn
cát. Từng cơn gió thổi, cát bụi đang kéo tới phủ lấp hai người đến quá đầu gối.
Goya
muốn cho chúng ta thấy rằng cả hai người nông dân này sắp chết. Họ sẽ không chết
vì những cú dùi cui giáng trên nhau cho bằng chính cát bụi đang từ từ chôn vùi
họ.Thế nhưng thay vì giúp nhau để ra khỏi cái chết, họ lại cư xử chẳng khác nào
thú dữ: họ cắn xé nhau. Họa phẩm "Ðánh nhau bằng gậy gộc" trên đây của
danh họa Goya nói lên phần nào tình cảnh mà nhân loại chúng ta đang trải
qua.Thay vì giúp nhau để ra khỏi không biết bao nhiêu tai họa, con người lại
giành giật chém giết lẫn nhau.
Bức
tranh ấy có lẽ không chỉ diễn ra ở quy mô thế giới, một nơi nào đó ngoài cuộc sống
của chúng ta, mà không chừng đang diễn ra hằng ngày trong các mối tương quan của
chúng ta với những người xung quanh. Cơn cám dỗ muốn thanh toán và loại trừ người
khác có lẽ vẫn còn đang gặm nhấm tâm hồn chúng ta.
Bức
tranh của họa sĩ Goya cũng chính là bức tranh của thân phận con người chúng ta.
Ngay chính trong cơn quẫn bách và đe dọa tứ phía, thay vì liên đới để bảo vệ
nhau, người ta vẫn có thể đâm chém lẫn nhau.
Một
nhạc sĩ nào đó đã có lý để tra vấn chúng ta: giết người đi thì ta ở với ai? Một
trong những phương thế tốt đẹp nhất để tiêu diệt một kẻ thù chính là biến kẻ
thù ấy trở thành một người bạn.
Chúa
Giêsu đã để lại cho chúng ta khuôn vàng thước ngọc: nếu có ai vả má bên phải của
ngươi, hãy chìa luôn cả má còn lại... Trong những giờ phút cuối đời, khi đứng
giữa những người đang đằng đằng sát khí muốn hủy diệt mình, Chúa Giêsu đã xin
Chúa Cha tha thứ cho họ.
(Lẽ
Sống)
-4
Thánh Isidore ở Seville
(560? - 636)
rong 76 năm cuộc đời của
Thánh Isidore là thời kỳ tranh chấp cũng như phát triển của Giáo Hội Tây Ban
Nha. Người Visigoth xâm lăng phần đất này trong một thế kỷ, và trước đó nửa thế
kỷ trước khi Thánh Isidore chào đời thì họ đã thiết lập một thủ đô khác cho
chính họ. Ðó là những người theo Arian -- họ cho rằng Ðức Kitô không phải là
Thiên Chúa. Do đó, Tây Ban Nha bị chia làm đôi: Một dân tộc (người Công Giáo La
Mã) phải chiến đấu với dân tộc khác (người Gô-tích Arian).
Thánh Isidore là người hợp
nhất Tây Ban Nha, giúp quốc gia này trở nên một trung tâm văn hóa và học thuật
cũng như một khuôn mẫu cho các quốc gia Âu Châu khác, mà các nền văn hóa ấy
đang bị đe dọa bởi sự xâm lăng của những người man rợ.
Có thể nói Thánh Isidore
sinh trong một gia đình thánh thiện của thế kỷ thứ sáu ở Tây Ban Nha. Hai người
anh của ngài, Leander và Fulgentius, và người chị, Florentina, đều là các thánh
được sùng kính ở Tây Ban Nha. Ðây cũng là một gia đình lãnh đạo và tài giỏi với
các vị Leander và Fulgentius đều làm giám mục và Florentina làm mẹ bề trên.
Là một người tài giỏi về
học thuật, đôi khi Thánh Isidore được gọi là "Sư Phụ của Thời Trung Cổ"
vì cuốn bách khoa ngài viết, "Etymology" (Từ Nguyên Học) đã
được dùng như sách giáo khoa trong chín thế kỷ. Ngài còn viết các sách về văn
phạm, thiên văn, địa lý, sử ký, và tiểu sử cũng như thần học.
Kế vị anh mình là Ðức
Leander, Isidore làm giám mục Seville trong 37 năm, ngài đặt ra các mẫu mực cho
một đại diện chính phủ ở Âu Châu, đồng thời ngài tẩy chay các quyết định độc
đoán và thành lập các thượng hội đồng để thảo luận về đường hướng của Giáo Hội
Tây Ban Nha. Ngài yêu cầu mỗi một giáo phận đều phải có chủng viện, ngài viết
quy luật cho các dòng tu và thành lập các môn học thuộc đủ mọi ngành. Thánh
Isidore viết rất nhiều sách, kể cả một cuốn tự điển, một bộ bách khoa, một cuốn
sử người Gô-tích và một cuốn sử thế giới bắt đầu từ khi Thiên Chúa tạo thành
trời đất! Ngài hoàn thành bộ phụng tự Mozarabic mà ngày nay vẫn còn được sử
dụng ở Toledo, Tây Ban Nha.
Ngay khi 80 tuổi, ngài vẫn
sống khắc khổ. Trong sáu tháng sau cùng của cuộc đời, ngài gia tăng lòng bác ái
đến độ, từ sáng đến tối, nhà của ngài lúc nào cũng đầy người nghèo. Ngài từ
trần năm 636 và được Giáo Hội tuyên xưng là Tiến Sĩ Hội Thánh.
Lời Bàn
Mọi người chúng ta phải bắt
chước Thánh Isidore về học thức và sự thánh thiện. Lòng bác ái, sự hiểu biết có
thể chữa lành và hòa giải những người đau khổ. Chúng ta không phải là những
người man rợ như đã xâm lăng Tây Ban Nha thời Thánh Isidore. Nhưng những người
sa lầy trong sự giầu sang và choáng ngợp bởi các tiến bộ khoa học và kỹ thuật
có thể mất đi lòng bác ái đối với tha nhân.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét