10/04/2014
Thứ Năm sau Chúa Nhật
V Mùa Chay
Bài
Ðọc I: St 17, 3-9
"Ngươi
sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc".
Trích
sách Sáng Thế.
Trong
ngày ấy, Abram sấp mình xuống đất và Thiên Chúa phán cùng ông rằng: "Này
Ta đây, Ta giao ước với ngươi, ngươi sẽ làm tổ phụ nhiều dân tộc. Thiên hạ sẽ
không còn gọi ngươi là Abram nữa, nhưng sẽ gọi là Abraham, vì Ta đặt ngươi làm
tổ phụ nhiều dân tộc. Ta sẽ ban cho ngươi con cháu đông đúc. Ta sẽ đặt ngươi
làm tổ phụ nhiều dân tộc, và nhiều vua chúa xuất thân từ ngươi. Ta sẽ thiết lập
giao ước vĩnh viễn giữa Ta với ngươi cùng con cháu ngươi từ thế hệ này qua thế
hệ khác, để Ta trở nên Thiên Chúa của ngươi và của dòng dõi ngươi. Ta sẽ ban
cho ngươi và dòng dõi ngươi đất mà ngươi cư ngụ, sẽ cho ngươi làm chủ vĩnh viễn
toàn cõi đất Canaan và Ta sẽ là Chúa của chúng".
Chúa
lại phán cùng Abraham rằng: "Phần ngươi và dòng dõi ngươi, từ đời nọ sang
đời kia, hãy giữ lời giao ước của Ta".
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 104, 4-5. 6-7. 8-9
Ðáp: Tới muôn đời
Chúa vẫn nhớ lời minh ước (c. 8a).
Xướng:
1) Hãy coi trọng Chúa và quyền năng của Chúa, hãy tìm kiếm thiên nhan Chúa luôn
luôn. Hãy nhớ lại những điều kỳ diệu Chúa đã làm, những phép lạ và những điều
Ngài phán quyết. - Ðáp.
2)
Hỡi miêu duệ Abraham là tôi tớ của Ngài, hỡi con cháu Giacóp, những kẻ được
Ngài kén chọn, chính Chúa là Thiên Chúa chúng ta, quyền cai trị của Ngài bao
trùm khắp cả địa cầu. - Ðáp.
3)
Tới muôn đời Ngài vẫn nhớ lời minh ước, lời hứa mà Ngài đã an bài tới muôn thế
hệ, lời minh ước Ngài đã ký cùng Abraham, lời thề hứa Ngài đã thề với Isaac. -
Ðáp.
Câu
Xướng Trước Phúc Âm: Am 5, 14
Các
ngươi hãy tìm điều lành, chớ đừng tìm điều dữ, để các ngươi được sống và Chúa sẽ
ở cùng các ngươi.
Phúc
Âm: Ga 8, 51-59
"Cha
các ngươi là Abraham đã hân hoan vì nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi
ấy, Chúa Giêsu nói với người Do-thái rằng: "Quả thật, quả thật, Ta bảo các
ngươi: Nếu ai giữ lời Ta, thì muôn đời sẽ không phải chết". Người Do-thái
lại nói: "Bây giờ thì chúng tôi biết rõ ông bị quỷ ám. Abraham đã chết và
các tiên tri cũng vậy, thế mà ông lại nói: "Ai giữ lời Ta, thì không bao
giờ phải chết". Chẳng lẽ ông lại lớn hơn cha chúng tôi là Abraham sao?
Ngài đã chết, các tiên tri cũng đã chết. Ông cho mình là ai?"
Chúa
Giêsu trả lời: "Nếu Ta tự tôn vinh chính mình, thì vinh quang của Ta sẽ
không giá trị gì. Chính Cha Ta tôn vinh Ta. Người là chính Ðấng các ngươi xưng là
Thiên Chúa của các ngươi. Vậy mà các ngươi không biết Người. Còn Ta, Ta biết
Người. Nếu Ta nói Ta không biết Người, thì Ta cũng nói dối như các ngươi. Nhưng
Ta biết Người, và Ta giữ lời Người. Cha các ngươi là Abraham đã hân hoan, vì
nghĩ sẽ được thấy ngày của Ta. Ông đã thấy và đã vui mừng".
Người
Do-thái liền nói: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã trông thấy Abraham rồi
sao?" Chúa Giêsu trả lời: "Quả thật, quả thật, Ta nói với các ngươi:
Khi Abraham chưa sinh ra, thì Ta đã có rồi".
Bấy
giờ họ lượm đá ném Ngài, nhưng Chúa Giêsu ẩn mình đi ra khỏi đền thờ.
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Toan
Ném Ðá Chúa
Khi mới về nhận xứ Art, một
xứ vỏn vẹn có 300 giáo dân. Cha Vianey đã khởi sự xây dựng giáo xứ bằng những
chất liệu: Cầu nguyện, hy sinh, hãm mình. Dần dần giáo dân từ nhiều xứ đổ xô
đến xứ Art nghe ngài dạy giáo lý và nhất là để xưng tội với ngài. Các linh mục
đồng nghiệp đều biết trước đây cha Vianey rất tầm thường, học hành rất dốt.
Nhưng vì bản tính con người hay ghen tị, vì thế khi thấy giáo dân đổ xô đến
xưng tội với một cha xứ hạng bét như vậy, nên họ đã trình bày với Ðức Cha địa
phận như sau: "Thưa Ðức Cha, cha Vianey trước đây học hành rất kém mà nay
lại cả gan giải tội cho giáo dân khắp nơi. Họ bị những lời đồn thổi phóng đại,
mê tín quyến rũ, nên ào ào đến xứ Art ngày càng đông. Có thể có những nố khó,
nên cha Vianey đã giải sai nguyên tắc thần học luân lý".
Nghe các cha nói vậy, Ðức Giám Mục
cũng không khỏi lo lắng. Ngài cho gọi cha Vianey đến và trao cho cha một số
trường hợp tội khó giải, để cha về giải trên giấy tờ rồi đem nộp lại cho Tòa
Giám Mục. Chỉ vài ngày sau, cha Vianey đã đem nộp cho Tòa Giám Mục những giải
đáp. Các nhà chuyên môn luân lý thần học xem qua đều khen cha Vianey giải đáp
đúng và có những lời khuyên rất khôn ngoan. Ai nấy đều ngạc nhiên lẫn mến phục.
Nhưng chưa hết, càng ngày giáo dân càng đến xứ Art xưng tội với cha Vianey càng
đông, khiến cha phải giải tội cho giáo dân từ nửa đêm.
Có một lần kia, các linh mục ở
những giáo xứ bên cạnh làm tờ đơn kiện cha Vianey gửi thẳng về Tòa Giám Mục. Họ
kiện cha quyến rũ giáo dân các xứ khác đến xưng tội với cha, làm mất trật tự
mục vụ trong các giáo xứ. Một linh mục được trao trách nhiệm đem tờ đơn lên Tòa
Giám Mục, cha dừng lại giáo xứ Art để thăm cha Vianey và trao cho cha xem tờ
đơn mà các linh mục khác kiện để xin Ðức Cha cấm cha không được giải tội. Ðọc
tờ đơn xong, cha Vianey không tỏ chút gì giận dữ hay trách móc những anh em
linh mục. Nhưng ngài bình thản lấy bút viết vào cuối tờ đơn như sau: "Việc
anh em nói trong đơn rất đúng với sự thật. Con cũng xin ký tên vào tờ đơn đồng
tình với anh em". Rồi cha xếp tờ đơn trao lại cho cha đưa thư và cám ơn
cha khách đã đến thăm để tạo cho ngài có dịp cùng ký tên vào đơn.
Ðơn được chuyển về Tòa Giám Mục, và
sau khi đọc xong đơn và thấy bên dưới có cả chữ ký của cha Vianey nữa. Ðức Cha
lấy làm lạ, hỏi vị linh mục cầm đơn lên. Nghe ngài giải thích xong, Ðức Cha kết
luận: "Các cha xem, cha Vianey phản ứng rất khiêm tốn. Có ai lại đồng ý tự
kiện mình bao giờ? Ngài thực sự là người đạo đức. Thôi ta cứ để xem, nếu là
việc Chúa thì sẽ vững bền. Ngược lại, nếu là việc của ý riêng ngài thì thế nào cũng
sụp đổ". Cha kia về thuật lại cho các linh mục khác nghe, ai cũng ngạc
nhiên nghĩ: "Ðáng lẽ cha Vianey phải giận dữ, căm thù mình mới phải. Ai
ngờ lại ký tên vào đơn kiện ngài, thôi ta cứ chờ xem, theo như quyết định của
Ðức Cha".
Anh chị em thân mến!
Các linh mục đồng nghiệp của cha
Vianey đã xét đoán theo những tiêu chuẩn phàm trần tự nhiên của lý trí, cộng
thêm với những tâm tình ghen tị, những xét đoán sai lầm đó càng làm cho các
ngài trở nên mù quáng tinh thần nhiều hơn. Thái độ sống và xét đoán như vậy
không khác gì với thái độ xét đoán mù quáng của những người Do Thái không tin
Chúa, không chấp nhận những sự thật của Chúa mạc khải cho họ, như bài Tin Mừng
hôm nay thuật lại: "Bây giờ tôi mới hiểu rõ ông bị quỉ ám".
Anh chị em thân mến!
Trong cuộc đối thoại với những
người Do Thái, Chúa Giêsu càng muốn mạc khải cho biết thân thế của Ngài là ai?
Về nếp sống phải có của những ai tin nhận Ngài: "Ai giữ lời Ta, thì muôn
đời sẽ không phải chết". Trong cái nhìn phàm trần, ỷ lại vào kiến thức cũng
như kinh nghiệm sống của mình, những người Do Thái không thể nào nhìn nhận thực
thể của Chúa: "Ông là ai? Ông chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham
rồi sao?" Thật là quá lắm đối với quan điểm hiểu biết phàm trần của họ:
"Ông này quả thật là bị quỉ ám". Một vị Thiên Chúa đã bị con người
bôi nhọ chụp mũ. Bởi vì con người dễ dàng tin theo những sự thật khác xuôi tai
hơn là sự thật của Chúa. Vả lại, sự thật của Chúa rất đòi hỏi, đòi buộc con
người phải từ bỏ nếp sống cũ và tội lỗi, những mưu tính vụ lợi cho các nhân,
những ganh tị, ham quyền, ham danh vọng.
Ðức cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn
Văn Thuận, tác giả tập sách "Ðường Hy Vọng" đã nhắc nhở những người
con tinh thần của mình như sau: "Ta là sự thật. Không phải báo chí là sự
thật. Không phải đài phát thanh là sự thật. Không phải Tivi là sự thật. Con
theo loại sự thật nào? Giàu hay nghèo, khen hay chê, sang hay hèn không sao cả.
Chấp nhận tiến lên theo hồng phúc để đợi ngày trở lại của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng
cứu chuộc chúng ta. Không nhượng bộ cho xác thịt, không nhượng bộ cho lười
biếng, không nhượng bộ cho ích kỷ. Con không thể đổi đen ra trắng, xấu ra tốt,
gian ra ngay được".
Anh chị em thân mến!
Trong những giây phút gần cuối Mùa
Chay, mỗi người chúng ta hãy dừng lại xét mình về thái độ của mình trước những
sự thật mạc khải của Thiên Chúa, và trước những lời mời gọi cùng những gương
sáng của Chúa Giêsu Kitô, Ðấng đã thôi thúc chúng ta tiến lên mãi trên con
đường đức tin, đức cậy và đức mến. Hãy để cho Lời Ngài hướng dẫn cuộc đời chúng
ta.
Lạy Chúa, xin thương ban ơn củng
cố đức tin còn non yếu và thanh tẩy con sạch mọi trở ngại, mọi tội lỗi không
cho phép Chúa hiện diện trong con, cũng như không giúp con nhìn ra Chúa nơi anh
em xung quanh. Lạy Chúa, xin thương lôi kéo con trở về với Chúa. Amen.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần V MC
Bài đọc: Gen 17:3-9; Jn
8:51-59.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Thiên Chúa hứa
với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.
Hơn
một nửa dân số trên địa cầu hiện nay tuyên bố tổ-phụ Abraham là cha của họ:
Do-thái giáo, Hồi-giáo, Kitô giáo (bao gồm tất cả những ai tin vào Đức Kitô);
nhưng lại không nhận nhau là anh, chị, em! Người Do-thái cho rằng chị có họ là
giòng dõi Abraham theo máu mủ của Isaac. Người Hồi-giáo cho họ cũng là giòng
dõi của Abraham vì Ismael cũng là con của Abraham. Người Kitô giáo dựa vào giao
ước Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ. Một sự đọc lại bản giao ước này cần thiết
để xóa tan mọi ngộ nhận và giúp mọi người sống thân mật với nhau.
Các
Bài Đọc hôm nay tập trung trong giao ước Thiên Chúa ký kết với tổ-phụ Abraham.
Trong Bài Đọc I, tác giả Sách Thế Ký tường thuật bản giao ước Thiên Chúa ký kết
với tổ-phụ Abraham. Thiên Chúa sẽ làm cho ông thành “cha nhiều dân tộc,” chứ
không phải chỉ dân tộc Israel mà thôi. Phần Abraham và giòng dõi ông, họ phải
tin và tuân giữ những gì Thiên Chúa dạy. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu tuyên bố:
Abraham đã vui mừng khi nhìn thấy ngày của Ngài; vì nhờ Ngài, lời Thiên Chúa hứa
với tổ-phụ sẽ trở thành “cha nhiều dân tộc,” được thực hiện.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thiên Chúa thiết lập giao ước vĩnh cửu với tổ-phụ Abraham.
1.1/
Phía của Thiên Chúa:
(1)
Ngài hứa ban vô số dân tộc: Đây là một lời hứa rất quan trọng. Chúng ta cần tìm hiểu chi tiết
của lời hứa này:
-
Tên Abram có nghĩa “Cha được vinh quang.” Chúa đổi tên cho ông thành Abraham có
nghĩa “Cha của một đám đông, ab hamôn.” Tên này ám chỉ lời Thiên
Chúa hứa với ông: “Ta đặt ngươi làm cha của vô số dân tộc.”
-
Điều quan trọng của lời hứa là giòng dõi của ông sẽ không còn giới hạn trong
vòng Israel, nhưng lan rộng ra đến các dân tộc. Nếu chỉ giới hạn trong vòng dân
tộc Israel, Abraham không thể có con cháu nhiều như sao trên trời và như cát
ngòai bãi biển được.
-
Làm sao để lời hứa này hiện thực? Thánh Phaolô giúp chúng ta trả lời, bằng niềm
tin của con người vào Đức Kitô, Con Thiên Chúa: “Quả thế, bất cứ ai trong anh
em được thanh tẩy để thuộc về Đức Kitô, đều mặc lấy Đức Kitô. Không còn chuyện
phân biệt Do-thái hay Hy-lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả
anh em chỉ là một trong Đức Kitô. Mà nếu anh em thuộc về Đức Ki-tô, thì anh em
là dòng dõi ông Abraham, những người thừa kế theo lời hứa” (Gal 3:27-29).
-
Vua chúa sẽ phát xuất từ ngươi: Hai nhân vật quan trọng của giòng dõi Abraham
là Vua David và Chúa Giêsu Kitô.
-
Giao ước này là giao ước vĩnh cửu: không lệ thuộc vào thời gian và không gian,
được trải dài đến muôn vàn thế hệ.
(2)
Ngài hứa ban Đất Hứa: “Ta
sẽ ban cho ngươi và dòng dõi ngươi sau này miền đất ngươi đang trú ngụ, tức là
tất cả đất Canaan, làm sở hữu vĩnh viễn; và Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng.” Đất
Hứa là đất Canaan mà Joshua và con cái Israel sẽ chiếm đóng khi từ Ai-cập trở về.
1.2/
Phần của Abraham:
Bổn phận chính yếu của Abraham và tất cả giòng dõi của ông là phải luôn tin tưởng
nơi Thiên Chúa và làm những gì Ngài dạy.
2/
Phúc Âm:
Sự liên hệ giữa Chúa Giêsu và tổ-phụ Abraham
2.1/
Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết: Chúa Giêsu cũng
tuyên bố một câu tương tự với Martha khi cô cầu xin với Ngài cho em là Lazarus
được sống lại: "Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy,
thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải
chết" (Jn 11:25-26). Ở đây, Chúa Giêsu không có ý nói về cuộc sống thể lý;
nhưng cuộc sống về đàng thiêng liêng. Những ai đã tin và giữ lời Chúa dạy, họ
luôn sống; tuy họ sẽ phải chết về phần xác, nhưng đó chỉ là cách để đưa họ tới
cuộc sống muôn đời với Thiên Chúa. Cuộc sống muôn đời trong tương lai đã bắt đầu
ngay từ ở đời này.
Nhưng
người Do-thái không hiểu ý Chúa Giêsu, nên họ nói: "Bây giờ, chúng tôi biết
chắc là ông bị quỷ ám. Ông Abraham đã chết, các ngôn sứ cũng vậy; thế mà ông lại
nói: "Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết. Chẳng lẽ ông lại
cao trọng hơn cha chúng tôi là ông Abraham sao? Người đã chết, các ngôn sứ cũng
đã chết. Ông tự xưng mình là ai?"
2.2/
Lời hứa của Thiên Chúa với Abraham được thực hiện nơi Đức Kitô.
(1)
Chúa Giêsu biết Thiên Chúa và vâng lời Ngài: Chúa Giêsu tuyên bố: “Các ông
không biết Người; còn tôi, tôi biết Người. Nếu tôi nói là tôi không biết Người,
thì tôi cũng là kẻ nói dối như các ông.” Con người có cố gắng lắm cũng chỉ biết
phần nào của Thiên Chúa, Chúa Giêsu biết Thiên Chúa như Thiên Chúa là, vì Ngài
là chính sự khôn ngoan của Thiên Chúa. Nếu con người muốn biết Thiên Chúa, họ
phải tin vào những mặc khải của Chúa Giêsu. Hơn nữa, Chúa Giêsu luôn vâng lời
Thiên Chúa trong mọi sự. Nếu con người muốn biết thế nào là tuân theo ý định của
Thiên Chúa, họ cũng phải học nơi Chúa Giêsu. Ngài hòan tòan làm theo ý định của
Cha Ngài. Người Do-thái tuyên bố họ biết Thiên Chúa, nhưng trong thực tế, họ đã
không biết và không vâng lời Ngài.
(2)
Tổ-phụ Abraham và Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã chứng minh cho người Do-thái trong trình thuật hôm
qua: họ không phải là con cháu Abraham, vì họ không làm những gì ông làm. Trong
trình thuật hôm nay, Ngài lại chứng minh cho họ một lần nữa: họ không phải là
con cháu Abraham, vì họ không vui mừng đón tiếp Ngài như Abraham: “Ông Abraham
là cha các ông đã hớn hở vui mừng vì hy vọng được thấy ngày của tôi. Ông đã thấy
và đã mừng rỡ.” Làm sao để hiểu lời tuyên bố này? Cách cắt nghĩa dễ nhất là
dùng trình thuật của Lucas về dụ ngôn người phú hộ và Lazarus (Lk 16:22-31).
Abraham đang ở trên trời nhìn xuống và thấy hết mọi sự. Nhưng đây chỉ là dụ
ngôn Chúa dùng. Thực ra, truyền thống Do-thái tin Abraham đã được Thiên Chúa
cho nhìn thấy ngày Đấng Thiên Sai ra đời và ông đã mừng rỡ. Truyền thống Giáo Hội
tin Abraham và những người lành đã chết chỉ sống lại, khi Đức Kitô xuống Ngục Tổ
Tông đưa các ngài lên trong đêm vọng Phục Sinh.
Người
Do-thái phản đối: "Ông chưa được năm mươi tuổi mà đã thấy ông
Abraham!" Đức Giêsu đáp: "Thật, tôi bảo thật các ông: trước khi có
ông Abraham, thì tôi, Tôi Hằng Hữu!" Chúa Giêsu không lệ thuộc thời gian,
Ngài không nói: trước khi Abraham có, Tôi đã có; nhưng nói Tôi Hằng Hữu. Họ liền
lượm đá để ném Người. Nhưng Đức Giêsu lánh đi và ra khỏi Đền Thờ.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
Đọc
lại giao ước vĩnh cửu Thiên Chúa đã ký kết với tổ-phụ Abraham cho chúng ta thấy
những điều quan trọng sau đây:
(1)
Giòng dõi của tổ-phụ Abraham được mở rộng đến các dân tộc, chứ không chỉ giới hạn
trong dân tộc Israel.
(2)
Mọi người đều có thể trở thành con cháu tổ-phụ Abraham bằng niềm tin vào Đức
Kitô và làm những gì Ngài dạy.
(3)
Nếu một người thuộc dân tộc Israel mà không tin và làm những gì Đức Kitô dạy, họ
cũng không phải là con cháu của tổ-phụ Abraham; vì đã không tin vào Đấng Thiên
Chúa sai đến.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẢY MẦM
St
17,3-9 ; Ga 8,51-59
A.
Hạt giống...
Lời
Chúa hôm nay nói về Abraham và Chúa Giêsu :
1.
Bài đọc 1 : Thiên Chúa gọi Abram, giao ước cho ông làm tổ phụ nhiều dân tộc và
đổi tên ông thành Abraham. Bởi đó Abraham rất được người do thái ngưỡng mộ. Họ
coi ông là tổ phụ của họ.
2.
Bài Tin Mừng : Chúa Giêsu cố gắng làm cho người do thái hiểu về Ngài. Trong đoạn
Tin Mừng này, Ngài nói hơi xa xôi : Khi người do thái hỏi “Chẳng lẽ ông lại lớn
hơn cha chúng tôi là Abraham sao ?”, Ngài đáp “Khi Abraham chưa sinh ra thì đã
có Ta rồi”. Ý Ngài muốn họ hiểu Ngài là Thiên Chúa. Nhưng chẳng những họ không
hiểu, mà còn lấy đá định ném Ngài.
B....
nẩy mầm.
1.
“Trong cuộc đối thoại với người do thái, Chúa Giêsu càng lúc càng mặc khải thêm
về thân thế của Ngài... Nhưng với cái nhìn và kiến thức cũng như kinh nghiệm cá
nhân, người do thái không thể nhận biết thân thế của Chúa : “Ông là ai ? Ông
chưa được 50 tuổi mà đã trông thấy Abraham sao ? Bây giờ chúng tôi mới biết rõ
ông bị quỷ ám”.... Sự thật của Chúa đòi hỏi con người phải từ bỏ nếp sống cũ tội
lỗi, những mưu tính vụ lợi, những ganh tị tham lam” ("Mỗi ngày một tin
vui")
2.
Nhiều người thời nay cũng không thể chấp nhận sự thật về Chúa Giêsu. Họ không
tin Ngài là Đấng cứu thế, càng không tin Ngài là Con Thiên Chúa. Bởi vì họ đã
có quá nhiều thành kiến về đạo, trong đó cũng có những thành kiến do những kẻ
có đạo tạo nên. Mỗi người hãy tự kiểm xem có khi nào vô tình khiến người ta có
thành kiến với Chúa và với Giáo Hội không.
3.
Một du khách mới đi Trung hoa về báo cáo rằng giới trí thức Trung hoa tuyên bố
: “Không, việc truyền giáo của quí vị không bám rễ vào đất nước chúng tôi được
đâu, vì các nhà truyền giáo của quí vị mới đến chưa hiểu gì đã tuyên bố là đạo
của chúng tôi là sai lạc.” Và một người Á đông khác cũng nói : “Các ông muốn
chúng tôi bỏ những gì mà chúng tôi tin và chấp nhận những gì mà các ông tin” Đi
truyền giáo mà có định kiến thì thà ở nhà còn hơn (Góp nhặt)
4.
Ngày nọ, Đức giám mục John Selwyn thấy một cậu con trai người bản địa cư xử thô
bạo với các trẻ khác, ngài gọi cậu lại khiển trách. Chẳng những không chịu
nghe, cậu ta còn vung tay đánh vào mặt vị giám mục. Mọi người thấy vậy đứng chết
trân. Nhưng vị giám mục không cho họ làm gì. Rồi ngài quay lưng và lặng lẽ bỏ
đi.
Nhiều
năm sau, một nhà truyền giáo được mời đến với một bệnh nhân. Ông sắp chết và
xin được Rửa tội. Khi nhà truyền giáo hỏi anh muốn lấy tên thánh là gì. Anh đáp
: “Xin đặt là John Selwyn, vì chính ngài đã dậy cho tôi biết đức Kitô là ai khi
tôi đánh ngài." (Góp nhặt)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp, Cần Thơ
10/04/14 THỨ NĂM TUẦN 5 MC
Ga 8,51-59
Ga 8,51-59
SẼ KHÔNG BAO GIỜ PHẢI CHẾT
“Thật, tôi bảo thật các ông:
Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ phải chết.” (Ga 8,51)
Suy niệm: Đây không phải là lần duy nhất Đức Giê-su cho
biết khả năng “không bao giờ phải chết” của những ai tin vào Người,
tuân giữ lời Người (x. Ga 11,26). Đã không bắt được ý nghĩa “tự do/nô lệ” trong phần trước của diễn từ này, những người
Do-thái tiếp tục bắt hụt ý nghĩa của “sống/chết” mà Đức Giê-su muốn vén mở. Và một lần nữa,
chính não trạng tự mãn và ỷ lại đã giam hãm họ trong ngục tù u minh: “Bây giờ chúng tôi biết chắc là
ông bị quỉ ám. Ông Áp-ra-ham đã chết, các ngôn sứ cũng đã chết... Ông tự coi
mình là ai?” Họ
không thấy được ý nghĩa “chết” nào khác hơn là cái chết thể lý ở cuối đường
đời của mỗi người – và vì thế cũng chẳng ý niệm được gì về sự sống tâm linh, về
đời sống vĩnh cửu...
Mời Bạn hãy
để cho sứ điệp Lời Chúa thấm nhập vào đáy lòng bạn: “Ai tuân giữ lời tôi, sẽ không
bao giờ phải chết.” Không
bao giờ phải chết! Nghĩa là từ sống đi đến... sống. Chỉ có một sự sống, nhưng
đổi trạng thái, đổi cấp độ mà thôi. Chúng ta có thể bị cám dỗ bởi trào lưu vô
thần thực tiễn, chỉ lo tranh thủ cho cuộc sống đời này; hoặc cũng có thể bị cám
dỗ bởi một lối đạo đức lệch lạc, có tính thụ động, yếm thế, chỉ bận tâm đến
cuộc sống sau cái chết đến nỗi chẳng thực sự sống trước cái chết gì cả!
Chia sẻ: Nền
văn hoá sự chết đang gây những tác hại nào cho sự sống đời đời?
Sống Lời Chúa: Hôm
nay bạn làm một việc cụ thể để “tuân giữ Lời Chúa”,
để “không bao giờ phải chết”.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, lời Chúa là sự sống của con. Xin cho con biết chuyên cần
lắng nghe và thực hành Lời Chúa mỗi ngày.
Tôi hằng hữu
Đức Giêsu không tự mình
nói, cũng chẳng tự mình làm. Ngài đòi chúng ta tuân giữ lời Ngài chỉ vì chính
Ngài cũng đã tuân giữ lời của Thiên Chúa.
Suy niệm:
Bài Tin Mừng hôm nay kết
thúc bằng việc Đức Giêsu bị ném đá.
Nhưng Ngài đã ẩn mình đi và
ra khỏi Đền thờ (c. 59).
Ném đá là hình phạt của
người Do thái chủ yếu dành cho kẻ phạm thượng.
Đức Giêsu đã làm gì để bị
coi là mắc tội phạm thượng,
nghĩa là tội coi thường
quyền tối thượng của Thiên Chúa?
Trước hết Đức Giêsu đặt mình
lên trên tổ phụ đáng kính Abraham.
Ngài biết ông Abraham vui
sướng mừng rỡ
vì hy vọng được thấy ngày
của Ngài, thấy những việc Ngài làm đây (c. 56).
Abraham mừng vì chính Đức
Giêsu, chứ không phải cá nhân mình,
mới là Đấng đem phúc lành
cho mọi dân tộc trên thế giới.
Dù chưa tới năm mươi tuổi,
Đức Giêsu dám coi mình là có trước ông Abraham.
“Trước khi có Abraham, thì
tôi, Tôi Hằng Hữu” (c.
58).
Ta là Đấng Hằng Hữu là câu trả lời của Thiên Chúa cho ông Môsê
khi ông hỏi tên của Ngài bên
bụi cây bốc cháy (Xh 3, 14).
Đức Giêsu cũng muốn trả lời
câu hỏi về mình (c. 53) bằng lối nói đó.
Vì trước khi được sinh ra ở
đời làm người, thì Ngài đã hiện hữu rồi.
Ngài là một với Ngôi Lời
vĩnh cửu của Thiên Chúa (Ga 1, 14-18),
bởi đó Ngài có trước
Abraham, người đã sống trước Ngài gần hai ngàn năm.
Chính khẳng định bị coi là
phạm thượng này đã khiến Ngài bị ném đá.
Đức Giêsu thường bị coi là
ngạo mạn, tự tôn vì những lời như vậy.
Thật ra Ngài chẳng tự tôn
vinh mình.
Chúa Cha mới là Đấng tôn
vinh Ngài qua cái chết tủi nhục (c. 54).
Đức Giêsu cũng chẳng coi
thường Thiên Chúa bao giờ.
Ngài gọi Thiên Chúa là Cha
một cách thân thương,
và nhìn nhận: “Chúa Cha cao
trọng hơn Thầy” (Ga 14, 28).
Có một sự phân biệt rất rõ
giữa Chúa Cha và Đức Giêsu:
Chúa Cha là người sai đi;
Đức Giêsu là Con, là người được sai đi.
Đức Giêsu chỉ làm điều Ngài
thấy Cha làm (Ga 5, 19-20; 8, 28-29),
và nói điều Ngài nghe Cha
nói (Ga 8, 26. 40; 12, 49-50).
Triệt để vâng phục và tùy
thuộc là nét đặc trưng của Đức Giêsu.
Trong Tin Mừng Gioan, bao
lần ta gặp cụm từ không tự mình.
Đức Giêsu không tự mình nói,
cũng chẳng tự mình làm.
Ngài đòi chúng ta tuân giữ
lời Ngài (c. 51)
chỉ vì chính Ngài cũng đã
tuân giữ lời của Thiên Chúa (c. 55).
Trong tuần lễ này, tại nhà
thờ các ảnh tượng có thể được che lại.
Khi bị ném đá, Đức Giêsu đã
tránh đi vì giờ của Ngài chưa đến.
Đức Giêsu vẫn cương trực nói
điều phải nói và làm điều phải làm.
Chúng ta xin có được sự
cương trực đó khi phải làm chứng cho Chúa.
Cầu nguyện:
Lạy Thiên Chúa, đây lời tôi cầu nguyện:
Xin tận diệt, tận diệt trong
tim tôi
mọi biển lận tầm thường.
Xin cho tôi sức mạnh thản nhiên
để gánh chịu mọi buồn vui.
Xin cho tôi sức mạnh hiên ngang
để đem tình yêu gánh vác
việc đời.
Xin cho tôi sức mạnh ngoan cường
để chẳng bao giờ khinh rẻ
người nghèo khó,
hay cúi đầu khuất phục trước
ngạo mạn, quyền uy.
Xin cho tôi sức mạnh dẻo dai
để nâng tâm hồn vươn lên
khỏi ti tiện hằng ngày.
Và cho tôi sức mạnh tràn trề
để âu yếm dâng mình theo ý
Người muốn.
R. Tagore
(Đỗ Khánh Hoan dịch)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Bài Tin
Mừng hôm nay tiếp tục ghi lại cuộc đối thoại giữa đức Kitô với người Do Thái về
thân thế của Ngài. Thánh sử Gioan nhấn mạnh cho chúng ta những điều sau:
- Chúa
Giêsu là người duy nhất biết Thiên Chúa. Ngài tự nhận đã biết Thiên Chúa cách
mà chưa có ai biết và sẽ biết. Như thế phương pháp duy nhất để biết Thiên Chúa
là nhờ Đức Giêsu Kitô.
- Ngài
có trước muôn đời: cuộc đối thoại cho thấy, nơi Đức Giêsu; chúng ta không chỉ
thấy một con người được sinh ra, sống và chết. Nhưng thấy một Thiên Chúa vượt trên
thời gian. Đấng vốn là Thiên Chúa của các tổ phụ Abraham–Isaac–và Giacóp.
Trong
cuộc đối thoại hôm nay chúng ta có thể thấy thái độ bình tĩnh, điềm đạm của
Chúa Giêsu với những người Do Thái. Ngài không mất bình tĩnh khi người Do Thái
cho Ngài là người bi quỷ ám. Thay vào đó Ngài bình tĩnh và lần lượt giải thích
cho họ nhưng điều mà họ không biết. Noi gương Chúa Giêsu trong những cuộc đối
thoại, chúng ta phải biết điềm đạm, để có thái độ quảng đại trước những người
xúc phạm đến mình.
Lạy
Chúa Giêsu xin cho chúng con biết chỉ có mình Ngài mới có thể đưa chúng con đến
với Chúa Cha. Xin tỏ cho chúng con thấy tình thương và sự quan phòng của Chúa
trên cuộc đời chúng con. Amen.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
10
THÁNG TƯ
Được
Thánh Thần Làm Cho Can Đảm
Khi
các Tông Đồ và các môn đệ của Chúa nhận lãnh Thánh Thần, họ bắt đầu lên tiếng
nói công khai về Đức Kitô. Họ loan báo Tin Mừng cho người ta, bắt đầu từ
Giê-ru-sa-lem. Trong lời loan báo của họ, họ qui chiếu đến một bố cục các dữ kiện
mà ai cũng biết – đó chính là Kerygma, hay sứ điệp Tin Mừng căn bản.
“Anh
em đã nộp Người và đã chối bỏ Người trước mặt quan Phi-la-tô, dù quan ấy xét là
phải tha. Anh em đã chối bỏ Đấng Thánh và Đấng Công Chính, mà lại xin ân xá cho
một tên sát nhân” (Cv 3,13-14). Đó là những lời của Phê-rô nói với cư dân
Giê-ru-sa-lem.
Sau
khi đề cập đến cuộc thương khó của Đức Kitô, Phê-rô bắt đầu mô tả cuộc Phục
Sinh: “Anh em đã giết Đấng khơi nguồn sự sống, nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người
chỗi dậy từ cõi chết – về điều này, chúng tôi xin làm chứng” (c.15).
Phê-rô
là người duy nhất lên tiếng nói. Nhưng ông nói không chỉ nhân danh chính mình
mà là nhân danh toàn thể nhóm Tông Đồ. Ông nói với đám đông: “Chúng tôi là những
chứng nhân”. Và ông thêm: “Giờ đây, thưa anh em, tôi biết rằng anh em đã hành động
vì không hiểu biết – và những người lãnh đạo của anh em cũng vậy” (Cv 3,17).
Sau
khi mô tả các biến cố và đưa lời chứng về cuộc Phục Sinh, Phê-rô bắt đầu giải
thích một số điều trong Cựu Ước. Ông giải thích Đức Kitô trong tư cách là Đấng
Mê-si-a đã hoàn thành những điều nói trong các Sách Luật và các Sách Ngôn Sứ
như thế nào. Chính Đức Kitô đã chuẩn bị cho các môn đệ của Người đưa ra một sự
giải thích như thế về cái chết và cuộc Phục Sinh của Người. Chúng ta có chứng cứ
về điều này trong Tin Mừng Luca. Chúa Phục Sinh đã nói với các môn đệ: “Thầy đã
nói những lời này với các anh em khi hầy còn ở với anh em: mọi sự đã được viết
về Thầy trong luật Mô-sê, trong các ngôn sứ, và trong thánh vịnh đều phải được ứng
nghiệm” (Lc 24,44).
“Có
lời Kinh Thánh chép rằng Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi
chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ
Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính anh em là chứng
nhân của những điều này” (Lc 24,46-48).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY 10-4
St 17, 3-9; Ga 8, 51-59.
LỜI SUY NIỆM: “Ai tuân giữ lời tôi, thì sẽ không bao giờ chết.”
Ý định của Thiên Chúa là
không muốn một ai trong loài người phải chết, phải bị hư mất.Chúa muốn Cứu Độ tất
cả, để được sống và sống với Ngài.Chúa Giêsu có “Lời Ban sự sống” cho những ai
nghe và tuân giữ Lời Chúa thì khỏi phải chết, nhưng sẽ được sống và sống đồi
dào. Đối với con người được Thiên Chúa ban cho quyền được tự do, trí tuệ minh mẫn,
nhận ra thiện ác, xấu tốt. Con người có toàn quyền quyết định cho riêng mình.
Trước lời mời gọi của Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu. Chúng con tạ
ơn Chúa đã thương ban cho chúng con biết Lời Chúa. Xin cho mọi người trong gia
đình chúng con, biết giúp nhau tuân giữ Lời Chúa để sống tốt hơn.
Mạnh
Phương
10
Tháng Tư
Tấm Gương
Tại
một ngôi làng nhỏ ở ven biển Ái Nhĩ Lan, có một cặp vợ chồng ngư phủ nghèo,
nghèo đến độ trong nhà không có được một cái gương soi mặt.
Trong
làng chỉ vỏn vẹn có một cái quán nhỏ cung cấp lương thức và những gì cần thiết
cho việc đánh cá. Một ngày nọ, người chủquán ngạc nhiên vô cùng khi bắt gặp người
ngư phủ già cầm lấy một vật gì đó trong tay, vừa xoay xung quanh, vừa thổn thức.
Rồi từ đó, người chủ quán nhận thấy người đánh cá trở lại quán của mình thường
xuyên hơn và cũng lập lại ngần ấy động tác. Ráng theo rình rập để lắng nghe những
gì người ngư phủ già than thở, người chủ quán mới thấy ông già đưa cái gương
soi mặt và thều thào: "Ba ơi, ba ơi".
Thì
ra, cả đời người ngư phủ già chưa bao giờ nhìn thấy mặt mình trong gương. nhìn
thấy mặt mình trong gương lần đầu tiên, ông ta tưởng đó là cha của mình.
Người
chủ quán quá cảm động, đã tặng cho ông già tấm gương. lão hăm hở mang đi, và từ
đó, cứ mỗi lần rảnh rỗi, lão đưa tấm gương ra, nhìn vào và nói chuyện với cha
mình.
Tất
cả chúng ta đều sống cho một gương mặt. Và gương mặt duy nhất mà chúng ta không
bao giờ thấy đó là gương mặt của chính chúng ta. Chúng ta có thể hiểu biết tất
cả, nhìn thấy tất cả trừ gương mặt của chúng ta. Và ngay cả trong một tấm
gương, chúng ta chỉ nhìn thấy mình theo một hình ảnh đảo lộn. Chúng ta chỉ có
thể biết mình, chúng ta chỉ có thể khám phá được chính mình nhờ những người
khác vànhờ chính hình ảnh mà họ có thể cho chúng ta thấy.
Vậy
đâu là tấm gương đích thực để chúng ta có thể biết mình hoặc biết mình phải như
thế nào?
Chúng
ta đừng vội vã cười hai vợ chồng ngư phủ trong câu chuyện trên đây... Kể từ khi
Ngôi Hai nhập thể làm người, có lẽ họ là người có lý, bởi vì họ biết nhìn thấy
trong gương một cái gì khác hơn chính mình. Nói như Thánh Phaolô: "Phần
chúng ta, chúng ta không che mặt, chúng ta phản chiếu vinh quang của Chúa, như
một tấm gương, vì chúng ta được thấy mình biến đổi nên giống hình ảnh ấy, mỗi
lúc một rực rỡ hơn, bởi vì quyền phép Thánh Linh của Chúa".
Mỗi
người Kitô phải là tấm gương phản chiếu chính hình ảnh của Ðức Kitô. Cuộc sống
của họ phải là một phản ảnh của cuộc sống Ðức Kitô.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét