Trang

Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2014

27-04-2014 : (phần I) CHÚA NHẬT II MÙA PHỤC SINH

27/04/2014
Chúa Nhật II Phục Sinh Năm A
LỄ KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA
(phần  I)


Bài Ðọc I: Cv 2, 42-47
"Tất cả mọi kẻ tin, đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Khi ấy, các anh em bền bỉ tham dự những buổi giáo lý của các Tông đồ, việc thông hiệp huynh đệ, việc bẻ bánh và cầu nguyện. Mọi người đều có lòng kính sợ. Vì các Tông đồ làm nhiều việc phi thường và nhiều phép lạ tại Giêrusalem, nên mọi người đều sợ hãi. Tất cả mọi kẻ tin đều sống hoà hợp với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ bán tài sản gia nghiệp, rồi phân phát cho mọi người tuỳ nhu cầu từng người. Hằng ngày họ hợp nhất một lòng một ý cùng nhau ở trong đền thờ, bẻ bánh ở nhà, họ dùng bữa cách vui vẻ đơn sơ; họ ca tụng Thiên Chúa và được toàn dân mến chuộng. Hằng ngày Chúa cho gia tăng số người được cứu rỗi.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 2-4. 13-15. 22-24
Ðáp: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi nhà Aaron, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". Hỡi những người tôn sợ Chúa, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở". - Ðáp.
2) Tôi đã bị đẩy, bị xô cho ngã xuống, nhưng Chúa đã phù trợ tôi. Chúa là sức mạnh, là dũng lực của tôi, và Người trở nên Ðấng cứu độ tôi. Tiếng reo mừng và chiến thắng vang lên trong cư xá những kẻ hiền nhân. Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt. - Ðáp.
3) Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta. Ðây là ngày Chúa đã thực hiện, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó. - Ðáp.

Bài Ðọc II: 1 Pr 1, 3-9
"Nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống".
Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, vì lòng từ bi cao cả, nhờ việc Ðức Giêsu Kitô từ cõi chết sống lại, Người đã tái sinh chúng ta để chúng ta hy vọng được sống, được hưởng gia nghiệp không hư nát, tinh tuyền, không suy tàn, dành để cho anh em trên trời. Anh em được bảo vệ trong quyền năng của Thiên Chúa, nhờ tin vào sự cứu độ đã được mạc khải trong thời sau hết. Lúc đó anh em sẽ vui mừng, tuy bây giờ anh em phải sầu khổ một ít lâu giữa trăm chiều thử thách, để đức tin anh em được tôi luyện, nên quý hơn vàng được thử lửa bội phần, nhờ đó, anh em được ngợi khen, vinh quang và vinh dự khi Ðức Giêsu Kitô hiện đến. Anh em yêu mến Ngài, dù không thấy Ngài, và anh em tin Ngài, dù bây giờ anh em cũng không thấy Ngài; bởi anh em tin, anh em sẽ được vui mừng vinh quang khôn tả, vì chắc rằng anh em đạt tới cứu cánh của đức tin là phần rỗi linh hồn.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 20, 29
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 20, 19-31
"Tám ngày sau Chúa Giêsu hiện đến".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".
Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin".
Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Niềm tin vào việc Chúa sống lại phát xuất từ những sự kiện không chối cãi được

Chúng ta đã có thể nhận thấy vì sao Phụng vụ hôm nay lại đọc cho chúng ta đoạn Tin Mừng vừa nghe. Bởi vì hôm nay là ngày thứ 8 sau lễ Phục sinh; thế mà 8 ngày sau khi sống lại Chúa đã hiện ra đặc biệt cho Thôma.

A. Bài Tin Mừng Yoan
Câu chuyện về người Tông đồ này, chúng ta đã từng nghe biết. Và khi muốn chế nhạo ai, nhiều khi chúng ta bảo họ cứng lòng tin như Thôma. Nhưng thật sự, Thôma vẫn là một vị thánh Tông đồ và người đáng kính phục hơn chúng ta tưởng. Ít nhất người cũng hơn chúng ta nhiều. Theo Tin Mừng Yoan, Thôma là vị Tông đồ có suy nghĩ sáng sủa và nhiệt tình quả cảm. Khi Ðức Yêsu nói với các môn đệ rằng: con đường Người đi, sau này họ cũng sẽ đi. Thôma liền thưa: nhưng chúng con không biết Thầy đi đâu thì làm sao biết được đường lối của Thầy? (14,5). Nhưng dù vậy, khi thấy Chúa dứt khoát muốn lên Yêrusalem, không kể chi đến những nguy hiểm đang chờ, Thôma đã bảo anh em: Nào cả chúng ta nữa hãy lên Yêrusalem chịu chết với Người. Một tính tình như vậy chỉ đáng khen, chứ có gì là đáng chê.
Riêng trong câu chuyện hôm nay, thoạt tiên Thôma có vẻ như là người Tông đồ duy nhất không muốn tin việc Chúa sống lại. Ðó chỉ là lối thuật truyện của tác giả Tin Mừng thứ tư. Những sách Tin Mừng khác cho biết lúc đầu nhiều môn đệ không muốn tin như vậy. Nhưng Yoan khi kể chuyện thích nói đến "một" người để làm nổi bật ý nghĩa lên. Ông có lý để chọn Thôma vì người Tông đồ này, như ta đã nói, có óc suy nghĩ sáng sủa. Những môn đệ khác đã được thấy Chúa; còn ông, ông cũng muốn được hân hạnh đó, nếu có thể được. Và hơn nữa, ông muốn có bằng chứng xác thực hơn kiểu cách anh em mô tả. Ông muốn được mắt thấy tay sờ. Yoan mô tả thái độ của ông như vậy để khẳng định rằng: niềm tin của các Tông đồ vào việc Chúa sống lại căn cứ vào những cơ sở thật chắc chắn.
Ðó là chủ đích của cả đoạn Tin Mừng Yn 20. Từ đầu chí cuối, tác giả muốn nhấn mạnh: niềm tin vào việc Chúa sống lại phát xuất từ những sự kiện không chối cãi được. Yoan và Phêrô chỉ tin sau khi đã thấy mồ trống và các khăn liệm xác. Maria Magđala chỉ nhận ra Thầy đã sống lại sau khi nghe rõ tiếng Thầy gọi tên mình. Mọi Tông đồ khác, kể cả Thôma, con người có suy nghĩ sáng sủa, cũng chỉ công nhận Chúa đã phục sinh khi đã nhìn thấy Người. Ðức tin của các Tông đồ có cơ sở chắc chắn. Họ thật là các chứng nhân của việc Chúa sống lại.
Thành ra kết câu chuyện về Thôma cũng giống như chuyện về Maria Magđala. Cả hai đều vắng mặt khi những người khác được "ơn". Ðiều ấy thúc đẩy họ khao khát được ơn lớn hơn. Và quả thật, Chúa đã thưởng công những tâm hồn cậy tin. Maria đã được hơn Yoan và Phêrô vì Chúa đã hiện ra với bà và thân mật dịu dàng gọi tên bà. Thôma cũng vậy, ông được Chúa hiện ra cho một mình ông, nếu ta nói được như thế.
Còn câu Chúa nói: "Bởi thấy Ta, con đã tin; phúc cho những ai không thấy mà tin", không thể làm Thôma buồn, vì ông thuộc thế hệ các Tông đồ, những người đã thấy và đã tin. Ai dám bảo thế hệ ấy không có phúc? Chính Chúa đã có lần nói với họ: Phúc cho chúng con vì được xem thấy, nghe thấy bao điều mà các tiên tri vua chúa không được thấy và nghe. Họ có phúc vì đã thấy và đã tin, đang khi có bao kẻ cũng thấy mà không tin. Ðức tin không chỉ căn cứ vào những điều đã thấy. Bọn Biệt phái có mắt mà như mù. Nên Thôma đã thấy và đã tin, thì đã có phúc rồi. Và chắc chắn niềm vui của ông thật đã to lớn khi thấy Chúa hiện ra và nói với mình. Câu nói kia không nhắm ông nữa, nhưng hướng về độc giả sách Tin Mừng và chúng ta hết thảy. Chúng ta không thuộc thế hệ những người mắt thấy, mà chúng ta tin, thì chúng ta là những người có phúc. Có phúc vì đã được ơn Chúa ban, vì đức tin, cuối cùng, là ơn ban của Chúa. Người ban cho những ai Người đã tiền định. Chính cái phúc đó mà chúng ta phải suy nghĩ bây giờ theo lời thư 1 Phêrô.

B. Bài Thư Phêrô
Tác giả bắt đầu bằng lời chúc tụng Thiên Chúa vì nghĩ đến hạnh phúc mình đã được với tư cách là tín hữu. Quả vậy, chỉ vì lòng thương lớn lao mà Người đã ban cho tất cả chúng ta được ơn tái sinh nhờ mầu nhiệm Ðức Kitô Phục sinh từ cõi chết. Chúng ta đâu đã thấy Người, thế mà chúng ta vẫn mến tin Người. Do đâu vậy, nếu không phải do lòng thương xót lớn lao của Người? Chính lòng thương xót ấy đã ban Ðức Kitô cho chúng ta, đã để Người chết cho chúng ta và đã phục sinh Người từ kẻ chết cho chúng ta. Tất cả những việc lớn lao đó nằm trong kế hoạch tình yêu muốn cho chúng ta được ơn tha thứ tội lỗi và trở nên nghĩa tử trong Ðức Kitô, khiến chúng ta được trông đợi hồng phúc lớn lao bất diệt sau này. Sánh với phúc lộc ấy, những đau khổ ở đời này có là chi? Ðó chỉ là tạm bợ và rơm rác làm cho vàng sáng tỏ. Thế nên chúng ta hãy giữ vững niềm tin, nhìn vào Ðức Kitô sống lại trong vinh quang mà chắc chắn vào tương lai rực rỡ đang chờ mình. Hạnh phúc ở ngay trong niềm tin ấy.
Như vậy bài thư Phêrô đã tiếp nối bài Tin Mừng Yoan, cho chúng ta thấy hạnh phúc của mình khi tin Ðức Kitô sống lại và dùng niềm tin ấy khuyến khích chúng ta trong cuộc đời phấn đấu ở trần gian. Nhưng thật lầm tưởng khi suy nghĩ việc Chúa Phục sinh nguyên trong tương quan với mình mà thôi. Khi nói với Thôma: phúc cho những ai không thấy mà tin, Chúa sống lại gián tiếp ngỏ ý muốn có những người như vậy; nghĩa là Thôma và các Tông đồ phải đi tìm những người như thế. Người cũng đã dạy Maria, khi đã nhận ra Người sống lại, hãy đi báo tin cho các môn đệ. Niềm tin phục sinh bao hàm sứ điệp truyền giáo. Ðức tin của những người đã thấy làm cho những kẻ không thấy mà tin. Những kẻ này có phúc qua trung gian những người trên. Chúng ta nay được phúc lộc nhờ lời giảng của các Tông đồ. Và tác động của các Ngài tới chúng ta qua Giáo Hội mà buổi đầu đã được tác giả sách Công vụ mô tả như chúng ta vừa nghe đọc. Chúng ta cần tìm hiểu đoạn Thánh Kinh này để biết rõ môi trường phải nung nấu niềm tin hạnh phúc của chúng ta vào việc Chúa phục sinh.

C. Bài Sách Công Vụ
Rõ ràng câu cuối bài sách Công vụ cho thấy "số những kẻ được cứu rỗi cứ mỗi ngày được Chúa ban thêm" cho cộng đoàn các Tông đồ lập ra. Và ta phải hiểu niềm tin cứu rỗi nơi mỗi người cũng chỉ tăng trong các cộng đoàn như thế. Thế nên tìm hiểu các cộng đoàn này là một nghĩa vụ.
Tác giả sách Công vụ - thánh Luca - đã nhiệt tình làm công việc ấy. Ở đây rõ ràng người không phác họa tự ý. Bản văn của người thiếu thứ tự và có nhiều nét lặp lại, khiến ta có thể nói người đã nghe tin về nhiều cộng đoàn khác nhau và thấy Ơn Chúa Thánh Thần làm việc ở các cộng đoàn khác nhau thế nào, người ghi tất cả lại như là một bản thống kê các sinh hoạt phong phú của Chúa Thánh Thần.
Trước hết chúng ta thấy các tín hữu bấy giờ kiên trì (hay chuyên cần) với giáo huấn của các Tông đồ và sự hiệp thông, việc bẻ bánh và kinh nguyện. Không có sự chuyên cần với giáo huấn của các Tông đồ, không thể đào sâu và giữ vững đức tin. Người ta sẽ tin hời hợt và có thể lạc mất niềm tin. Việc kiên trì kết hợp với các Tông đồ, với quyền giáo huấn ở trong Hội Thánh là điều kiện để giữ được liên lạc và kết hợp được với Ðức Kitô hầu khỏi bỏ rơi mất niềm tin.
Ðồng thời khi liên kết với đầu, người ta cũng mật thiết với anh em là cùng chi thể trong một thân thể. Các tín hữu đầu tiên đã chuyên cần với hiệp thông, không những trong cùng một đức tin nhưng còn trong một lòng mến. Họ chỉ có một lòng một ý (4,32). Không một người nào nói là mình có của gì riêng, nhưng đối với họ mọi sự đều là của chung. Chắc chắn chúng ta không nên hiểu chế độ "của chung" đã phổ cập ở mọi nơi, trong những cộng đoàn đông đảo. Nhưng sự kiện có một số người sau khi đã đón nhận đức tin, đã biết tình nguyện bỏ chung của để chia sẻ và tương trợ nhau, cũng nói lên ơn Chúa Thánh Thần làm việc mạnh mẽ nơi tâm hồn các tín hữu. Luca ghi nhận sự kiện ấy như là dấu chỉ về đời sống mới và hạnh phúc phục sinh. Ðó có thể là lý tưởng, nhưng vẫn là đặc sủng, là tiếng gọi, là biểu thị của đức tin sống động và toàn vẹn, là dấu chỉ đời sống phục sinh phát triển đến mức cụ thể chi phối đến cả đời sống vật chất.
Tuy nhiên sự hiệp thông sâu xa và căn bản nằm ở bình diện khác. Chính Thiên Chúa và sự sống của Người là nguồn mạch phát sinh ra sự sống trong Hội Thánh. Thế nên hàng ngày các tín hữu chuyên cần với việc bẻ bánh và kinh nguyện. Sách Công vụ nói: họ bẻ bánh ở nhà vì đó là nghi lễ riêng của Kitô giáo, không làm tại Ðền thờ được. Họ làm việc ấy "lòng hân hoan, dạ đơn thành, trong lòng ngợi khen Thiên Chúa", vì đây là lễ Tạ ơn Thiên Chúa đã ban ơn cứu độ mọi người nơi Ðức Yêsu Kitô Tử nạn và Phục sinh. Chính trong nghi lễ bẻ bánh họ nhận ra sự hiện diện của Chúa đã chết và sống lại; họ thấy Thiên Chúa ra tay cứu độ loài người, nên lòng họ hân hoan, miệng dâng lời ngợi khen. Lúc ấy tâm hồn được bồi dưỡng, dạ họ trở nên đơn thành; họ trở nên tạo vật mới, nên bánh không men của lễ Vượt Qua, tức của mầu nhiệm Phục sinh.
Ngoài ra, họ tỏ ra chuyên cần với việc cầu nguyện vì đó là thái độ chung của mọi người có tin tưởng. Người Dothái trung thành với kinh nguyện ở Ðền thờ. Các môn đệ Chúa cũng vậy. Sách Công vụ kể Phêrô và Yoan lên Ðền thờ cầu nguyện vào giờ chung với mọi người. Nhưng ngay từ đầu các tín hữu đã có lối cầu nguyện riêng chung với nhau, như khi chờ nhận ơn Chúa Thánh Thần. Và việc cầu nguyện này cần cho đời sống mới đến nỗi Phêrô khẳng định các việc từ thiện bác ái không được làm suy giảm.
Chính nhờ nếp sống chuyên cần với việc giáo huấn, hiệp thông, bẻ bánh và cầu nguyện như thế mà Hội Thánh lớn lên trong sự mến phục của toàn dân và được Chúa chúc lành cho tăng trưởng.
Thế thì đời sống đức tin mới của mỗi người cũng chỉ có thể phát huy được nhờ bốn sự chuyên cần trên, tức là nhờ việc tham gia vào nếp sống chuyên cần của Giáo hội. Thiên Chúa muốn cứu độ chúng ta qua Ðức Yêsu-Kitô, Ðấng đã chết và sống lại. Thôma đã xem thấy Người và đã tin. Chúng ta không thấy nhưng vẫn tin vì Người đang hoạt động nơi các Tông đồ và Giáo hội. Chính việc liên kết với các Tông đồ và hiệp thông với anh em trong việc bẻ bánh và cầu nguyện làm cho chúng ta được hợp nhất với Chúa và nhận lấy sự sống của Người. Sự sống này là sự sống Thần Linh hay Thánh Thần mà Ðức Kitô đã đem lại khi Người Tử nạn-Phục sinh. Khi phát triển sự sống ấy có thể phát sinh ra một nếp sống mới thật sự khiến toàn dân mến phục và nhiều người theo Chúa.
Chúng ta cần suy nghĩ về những điều ấy và đem ra thực hành. Chắc chắn đời sống riêng của chúng ta và đời sống chung của giáo xứ sẽ khả quan hơn nhiều. Và để bắt đầu, chúng ta hãy sốt sắng hiệp thông với nhau trong việc tuyên xưng một đức tin, trong việc cầu nguyện và bẻ bánh, để có thể hiệp thông trong việc chia sẻ tương trợ nhau trong đời sống.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chúa Nhật II Phục Sinh, Năm A
Bài đọc: Acts 2:42-47; 1 Pet 1:3-9; Jn 20:19-31.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Niềm tin của các môn đệ vào Tin Mừng Phục Sinh
Nếu cuộc đời con người chấm dứt với cái chết, con người cứ việc ra sức ăn chơi, mua sắm, và hưởng thụ mọi thú vui trên đời; nhưng nếu con người biết có một cuộc sống vĩnh cửu mai sau, con người phải biết suy xét, và làm mọi cách để đạt được cuộc sống mai sau đó. Lý do đơn giản vì đó là cuộc sống mai sau là cuộc sống hạnh phúc và vững bền mãi mãi.
Tuần trước chúng ta đã được chứng kiến Tin Mừng Phục Sinh qua các bài đọc. Tuần này, các bài đọc cho chúng ta nhìn thấy những khía cạnh khác nhau của niềm tin vào sự phục sinh. Trong bài đọc I, Sách Công Vụ Tông Đồ tường thuật cho chúng ta một cộng đoàn lý tưởng, sống hạnh phúc với nhau đặt căn bản trên niềm tin của sự phục sinh. Tác giả muốn cho chúng ta thấy niềm tin vào sự phục sinh mai sau có sức mạnh biến đổi các cá nhân và cộng đoàn, để sống theo một lý tưởng tuyệt vời: để mọi sự làm của chung và sống tình hiệp thông huynh đệ trọn hảo với nhau. Trong bài đọc II, thánh Phêrô chúc tụng Thiên Chúa đã ban cho con người Đức Kitô để chịu chết thay cho con người. Nhờ Ngài, con người sẽ không phải chết đời đời; nhưng được hy vọng để đạt tới cuộc sống muôn đời. Để đạt được ơn cứu độ, đức tin con người cần được tinh luyện bằng những thử thách; nhưng đức tin sau khi được tinh luyện sẽ đem lại cho con người thành quả tuyệt vời là ơn cứu độ. Trong Phúc Âm, Thomas được Chúa Giêsu cho thấy bằng chứng để ông tin, nhưng Ngài cũng quở trách Thomas, và là lời răn dạy cho những người đòi bằng chứng trước khi tin: “Phúc cho những người không thấy mà tin.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Trình thuật ngắn gọn của sách Công Vụ Tông Đồ cho chúng ta cái nhìn bên trong vào cộng đoàn Kitô hữu nguyên thủy, và hai nguyên tắc cốt yếu để xây dựng và làm cho cộng đoàn mỗi ngày mỗi lớn mạnh lên.
1.1/ Để thỏa mãn những nhu cầu tâm linh, họ làm ba việc:
(1) Chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy: Cộng đoàn đầu tiên phải ý thức rất rõ lời dạy của Chúa Giêsu, khi ma quỉ cám dỗ Ngài: “Con người không chỉ sống nhờ cơm bánh, nhưng còn bởi mọi Lời do miệng Thiên Chúa phán ra.” Các Tông-đồ không chỉ nhớ những lời giảng dạy của Thiên Chúa, nhưng đức tin của các ông còn được vững mạnh qua việc chứng kiến Chúa Giêsu Phục Sinh. Nghe và thực hành những gì Chúa dạy qua các Tông-đồ sẽ giúp xây dựng đời sống cá nhân, và như một hệ quả, cũng sẽ xây dựng đời sống cộng đoàn.
(2) Siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh: Vì sách Công Vụ Tông Đồ được viết rất sớm (khoảng 50 AD), nên cộng đoàn đầu tiên phải thực hành lời Chúa Giêsu dạy trong Bữa Tiệc Ly chỉ ít năm sau khi Chúa Phục Sinh: “Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Thầy.” Lễ Bẻ Bánh cung cấp sức sống cho cá nhân, và như một hệ quả, cũng cung cấp sức sống cho cộng đoàn. Lời Chúa và Lễ Bẻ Bánh trong cộng đoàn đầu tiên là hai yếu tố chính giúp hình thành cấu trúc của Thánh Lễ sau này.
(3) Cầu nguyện không ngừng: Giống như Chúa Giêsu, cộng đoàn đầu tiên phải đương đầu với nhiều nguy hiểm từ phía Thượng Hội Đồng, các hoàng đế Rôma, và ngay cả trong nội bộ. Họ vâng lời Chúa Giêsu dạy bằng cách cầu nguyện không ngừng để khỏi sa vào những chước cám dỗ.
1.2/ Để bày tỏ tình bác ái với nhau, họ cũng làm ba việc:
(1) Sống hiệp thông với nhau: Lễ Bẻ Bánh là căn nguyên của đời sống hiệp nhất. Chúa Giêsu là tấm bánh bẻ ra cho muôn người được ăn. Khi họ ăn Mình Thánh Chúa, tất cả cùng trở nên các chi thể của thân thể Ngài. Để giữ cho thân thể Chúa được vẹn toàn, sự hiệp nhất là điều không thể thiếu. Hiệp nhất cần để gìn giữ cộng đoàn khỏi những chia rẽ đến từ bên ngoài lẫn bên trong.
(2) Họ để mọi sự làm của chung: “Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu.” Đây là lý tưởng tuyệt vời và cũng là ý định của Thiên Chúa. Ngài dựng nên mọi sự cho tất cả mọi người hưởng dùng, chứ Ngài không muốn của cải nằm trong tay một số người trong khi những người khác phải thiếu thốn đau khổ. Cộng đoàn các Kitô hữu đã được trang bị đức tin đầy đủ để sống theo lý tưởng này. Nếu cộng đoàn các Kitô hữu không sống được lý tưởng này, sẽ không có một cộng đoàn hay chính thể nào trên thế giới có thể làm chuyện đó.
(3) Họ dùng bữa với lòng đơn sơ, vui vẻ: “Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.” Khó có thể xác định Lễ Bẻ Bánh và bữa ăn huynh đệ là một hay hai biến cố khác nhau trong cộng đoàn đầu tiên; nhưng chúng ta có thể chắc chắn là họ dùng bữa với nhau với tâm hồn đơn sơ và vui vẻ.
2/ Bài đọc II: Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động.
2.1/ Sự sống đời đời được thực hiện nhờ Đức Kitô.
(1) Đức Kitô mang cho chúng ta niềm hy vọng là cuộc sống đời đời: Tác giả Thư Phêrô I dâng lời cảm tạ lên Thiên Chúa: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại.” Trước khi Đức Kitô tới, con người không có hy vọng được hưởng cuộc sống đời đời; nhưng vì yêu thương, Chúa Cha đã cho Con Một của Ngài chịu chết để đền tội cho nhân loại. Nhờ cái chết và sự phục sinh, Ngài mang lại cuộc sống đời đời cho con người.
(2) Đặc điểm của gia tài của Đức Kitô: Tác giả nói cho chúng ta một số những chi tiết quan trọng về kho tàng là cuộc sống đời đời:
+ Không thể hư hại: Những gì thuộc về trái đất sẽ bị hư hại và hủy diệt; những gì thuộc thượng giới sẽ tồn tại muôn đời.
+ Không thể vẩn đục: Cuộc sống nơi trái đất có nhiều ô nhiễm, bệnh tật; cuộc sống trên thượng giới giải phóng con người khỏi mọi ô nhiễm của đời này.
+ Không thể tàn phai: Những gì là vật chất sẽ có ngày phai tàn; những gì thuộc thượng giới sẽ vĩnh viễn mãi mãi.
+ Được lãnh nhận trong Ngày sau hết: Con người chỉ có được kho tàng này sau khi chết.
2.2/ Phải trung thành trong mọi thử thách mới hy vọng đạt sự sống đời đời: Tác giả liệt kê một điều kiện cần thiết để đạt được kho tàng: Phải trung thành giữ vững đức tin vào Đức Kitô. Theo Tin Mừng, con người cần tin vào Đức Kitô; nhưng đức tin này sẽ bị thử thách vì những giá trị hào nhoáng của thế gian và của ma quỉ. Khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự cho người tin. Một điều khó cho con người là họ phải tin và yêu Đức Kitô dù chưa thấy mặt Ngài; nhưng chính vì điều này, con người sẽ lãnh nhận phần thưởng của mình. Tác giả viết: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người.”
3/ Phúc Âm: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!"
3.1/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, lúc không có Thomas.
(1) Bình an của Chúa Giêsu: Sự lo lắng và sợ sệt làm con người bất an, như trình thuật kể tâm trạng của các tông đồ vào những ngày sau khi Chúa chết: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái.” Đang khi các ông hoảng hốt lo sợ như thế, Đức Giêsu biết rõ các ông cần điều gì nhất. Ngài đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em! Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa.”
Bình an các ông có được là nhờ tin Đức Kitô sống lại. Các ông tưởng sẽ không bao giờ còn được nhìn thấy Ngài nữa, và còn đang bị khủng hoảng bởi những việc mới xảy ra; nhưng giờ đây các ông vui mừng vì được thấy Ngài bằng xương bằng thịt. Hơn nữa, Ngài còn chứng minh cho các ông biết tất cả những gì Ngài đã nói với các ông là sự thật, tất cả những gì Ngài tiên báo về Cuộc Khổ Nạn của Ngài đều hiện thực. Sự hiện diện của Đức Kitô mang lại cho các ông sự bình an đích thực trong tâm hồn, vì Ngài bảo đảm cho các ông uy quyền và tình yêu của Thiên Chúa, được biểu lộ qua Đức Kitô.
(2) Lệnh được sai đi: Khi Đức Kitô chọn các tông đồ, Ngài muốn các ông tiếp tục thi hành sứ vụ Ngài đã khởi sự; nên Người lại nói với các ông: “"Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em." Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ."” Sự bình an các tông đồ có được, không phải chỉ do sự hiện diện của Đức Kitô, nhưng còn do sự hiện diện và quyền năng của Thánh Thần, mà Đức Kitô đã thổi hơi vào các tông đồ. Với sự bình an và quyền năng của Thánh Thần, Ngài sai các ông đi rao giảng Tin Mừng. Trước đây, sự lo lắng và sợ hãi làm cho các ông không dám sống và làm chứng cho sự thật; nhưng giờ đây, sau khi đã cảm nhận được sự bình an qua niềm tin vào Chúa sống lại và sức mạnh của Thánh Thần; các tông đồ mở tung cửa đi vào thế giới và làm chứng cho Đức Kitô. Các ông biết nếu Đức Kitô đã chinh phục kẻ thù ghê gớm nhất là sự chết, còn gì phải sợ nữa.
3.2/ Chúa Giêsu hiện ra với các Tông đồ, có cả Thomas.
(1) Sự cứng lòng của Thomas: “Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Thomas, cũng gọi là Didymus, không ở với các ông khi Đức Giêsu đến. Các môn đệ khác nói với ông: "Chúng tôi đã được thấy Chúa!" Ông Thomas đáp: "Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin." Chúng ta đừng vội trách Thomas, vì các tông đồ khác cũng từng cứng lòng như ông khi họ chưa nhìn thấy Chúa. Tuy nhiên, cách thức “khi nhìn thấy mới tin” chỉ là một trong nhiều cách thức con người dùng để tin một điều là sự thật.
(2) Phản ứng của Thomas khi nhìn thấy Chúa: "Tám ngày sau, các môn đệ của Đức Giêsu lại có mặt trong nhà, có cả ông Thomas ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: "Bình an cho anh em." Rồi Người bảo ông Thomas: "Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin."
Ông Thomas thưa Người: "Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!" Đức Giêsu bảo: "Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. " Lời thưa của Thomas không đơn thuần chỉ là niềm tin vào Chúa sống lại; nhưng là lời tuyên xưng Đức Kitô là Thầy và là Thiên Chúa của ông. Tin khi đã thấy là cách thức thấp nhất con người dùng khi muốn tin điều gì là thật; nhưng Chúa Giêsu muốn nhấn mạnh đến những cách thức cao hơn, khi Ngài nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” Con người có thể tin Thiên Chúa qua các việc Ngài làm trong vũ trụ, hay qua Kinh Thánh, hay qua lời chứng của các chứng nhân. Lề Luật Do-thái chỉ đòi lời của 2 chứng nhân có thế giá. Chúng ta đã có hàng triệu chứng nhân đã làm chứng cho sự phục sinh của Thiên Chúa.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đức tin giúp biến đổi mỗi cá nhân và cộng đoàn. Để có thể trở thành một cộng đoàn lý tưởng, mọi thành phần đều phải không ngừng thăng tiến niềm tin.
- Gian nan thử thách không thể thiếu để tôi luyện đức tin. Vì thế, chúng ta đừng sợ phải đương đầu với chúng, nhưng hãy khôn ngoan dùng sức mạnh của niềm tin để vượt thắng chúng.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

27/04/14 CHÚA NHẬT TUẦN 2 PS – A 
Kính lòng Chúa thương xót
Ga 20,19-31

VÌ TIN NÊN THẤY
Rồi Người bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ông Tôma thưa Người :”Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con !” Đức Giêsu bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin !” (Ga 20,27-29)
Suy niệm: Ta hay nói: cứng lòng tin như Tô-ma. Thật là oan cho ông Tô-ma! Ta không nên trách ông cứng tin, trái lại, phải cám ơn ông, vì nhờ ông mà ta hiểu rằng tin vào Đức Ki-tô phục sinh không phải là điều dễ dàng chút nào. Ít ra cũng có người tỉnh táo như ông: đòi phải thấy tận mắt, sờ tận tay các vết thương của Đức Giê-su thì mới tin. Nhờ đó, ta thấy niềm tin vào sự kiện Chúa phục sinh là có cơ sở, đáng tin cậy bởi vì chính cá nhân ông đã kiểm chứng. Thế mà niềm tin của ta lại dựa vào những chứng nhân như ông.
Mời Bạn: Củng cố lại niềm tin vào Đức Ki-tô phục sinh, điều quan trọng nhất đối với Ki-tô hữu. Tô-ma đòi thấy mới tin, còn bạn, vì tin nên thấy: nhờ tin Đức Giê-su phục sinh bạn có thể thấy Người đang sống giữa nhân loại, đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, đang hiện thân nơi những người anh em, chị em chung quanh.
Sống Lời Chúa: 1/ Ý thức Chúa Ki-tô phục sinh đang hiện diện đây, xin Ngài giúp bạn sống Tin Mừng Phục sinh trong đời thường của mình. 2/ Làm việc bác ái cho những người sống bên cạnh bạn để loan báo Tin Mừng Phục sinh.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa nói với chúng con: “Phúc thay những ai không thấy mà tin”. Xin cho chúng con tin, dù không thấy Chúa, và vì tin, nên nhìn thấy Chúa đang hiện diện, đang thi ân giáng phúc cho chúng con. Amen.


HÃY NHÌN XEM 
Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy. Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma, nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác.
Suy nim:
Thân xác chúng ta thường mang những vết sẹo,
hậu quả của những lần bị trầy trụa, té ngã.
Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng kỷ niệm.
Dù vui hay buồn thì cũng là chuyện đã qua.
Vết sẹo làm ta kém đẹp, nhưng không làm đau như xưa.
Khi Ðức Giêsu phục sinh hiện ra thăm các môn đệ,
Ngài giúp họ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo.
Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn.
Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng:
Thầy chính là Ðấng đã bị đóng đinh và đâm thâu;
Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được cái chết.
Chúng ta ngỡ ngàng khi thấy Chúa phục sinh có sẹo,
dù điều đó chẳng đẹp gì.
Ngài không ngượng mà cho các môn đệ xem.
Những cái sẹo sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc.
Chúng gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau.
Nhưng nếu không có chúng thì cũng chẳng có phục sinh.
Chẳng cần phải xóa đi khỏi ký ức
cuộc khổ nạn kinh hoàng và cái chết nhục nhã.
Chúng ta cũng lên thiên đàng với các vết sẹo của mình.
Sống ở đời sao tránh khỏi những dập gẫy, thương tích.
Nếu chúng ta đón nhận mọi sự với tình yêu
thì mọi sự sẽ trở nên nhịp cầu cứu độ.
Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành.
Có những vết thương tưởng chẳng thể nào thành sẹo.
Chúng ta có dám cho người khác thấy sẹo của mình không?
Cuộc khổ nạn của Thầy đã làm các môn đệ bị thương.
Các vết sẹo của Thầy sẽ chữa lành những vết thương đó.
Hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh.
Chính lúc đó ông khám phá thật sâu một Tình Yêu.
Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.
Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông.
Ông đâu dám mong Thầy sẽ đích thân hiện đến
để thỏa mãn những đòi hỏi quá quắt của mình.
Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân.
Ông ra khỏi được sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập,
để bước vào thế giới của lòng tin.
Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy.
Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy,
nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.
Tin bao giờ cũng đòi một bước nhảy vọt khỏi cái thấy.
Chúng ta không được phúc thấy Chúa theo kiểu Tôma,
nhưng chúng ta vẫn được thấy Chúa theo những kiểu khác.
Cần tập thấy Chúa để rồi tin.
Có khi phải tập nhìn lại những vết sẹo của mình,
của Hội Thánh, của cả thế giới,
để rồi tin rằng Chúa phục sinh vẫn đang có mặt
giữa những trăn trở và vấp váp, thất bại và khổ đau.
“Phúc cho những ai không thấy mà tin”,
và phúc cho những ai biết thấy nên tin.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa,
xin cho con luôn vui tươi.
dù có phải lo âu và thống khổ,
xin cho con đừng bao giờ khép lại với chính mình;
nhưng biết nghĩ đến những người quanh con,
những người -cũng như con- đang cần một người bạn.
Nếu như con nên yếu đuối,
thì xin cho con biết yêu thương và sáng suốt hơn,
thông cảm và nhân từ hơn.
Nếu bàn tay con run rẩy,
thì xin giúp con luôn biết mở ra và cho đi.
khi lâm tử,
xin cho con biết đón nhận khổ đau và bệnh tật
như một lời kinh.
Ước chi con sẽ chết trong khiêm hạ và tín thác,
như một lời xin vâng cuối cùng.
Và con sẽ về nhà Chúa,
để dự tiệc yêu thương muôn đời. Amen.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
27 THÁNG TƯ
Mục Tử Tốt Lành Hy Sinh Mạng Sống Vì Đàn Chiên
“Ta là mục tử tốt lành” (Ga 10,11). Hình ảnh người Mục Tử Tốt Lành được nối kết với Mùa Vượt Qua. Trong ánh sáng của Cuộc Khổ Nạn của Đức Kitô, Giáo Hội đọc lại một lần nữa về Đức Giêsu trong tư cách là người Mục Tử Tốt Lành – truyền thống này đã có trong Giáo Hội qua bao thế kỷ.
“Người mục tử tốt lành thí mạng mình vì đàn chiên” (c.11). Đấy là ý tưởng nòng cốt của dụ ngôn về Người Mục Tử Tốt Lành. Ý tưởng ấy giờ đây đã được hiện thực hoàn toàn qua hiến tế của Đức Kitô trên Thập Giá. Người đã trao hiến mạng sống Người như hy lễ thay cho con người. Đó là lý do tại sao Người là Mục Tử Tốt Lành.
Những hình ảnh nguyên sơ nhất trong các hang toại đạo cho chúng ta thấy các Kitôhữu sơ khai trân trọng sự thật về Người Mục Tử Tốt Lành biết bao. Sự thật này bắt nguồn từ Cựu Ước. Chẳng hạn, ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 100: “Đức Chúa là Thượng Đế; Ngài đã dựng nên ta, ta thuộc về Ngài; ta là dân của Ngài, là đàn chiên do Ngài dẫn dắt” (c.3).
Đối với dân Chúa trong Cựu Ước, hình ảnh người mục tử biết và săn sóc các con chiên của mình là một hình ảnh rất quen thuộc ngay từ đầu lịch sử của họ. Và tất cả những gì xảy ra giữa người mục tử và đàn chiên đã trở thành một hình ảnh, một ẩn dụ về mối quan hệ giữa It-ra-en và Thiên Chúa.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 27-4
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH
(Lòng thương xót của Thiên Chúa)
CUỐI TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
Cv 2, 42-47; 1Pr 1, 3-9; Ga 20, 19-31.

LỜI SUY NIỆM: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần, anh em tha tội cho ai. Thì người ấy được tha; anh em  cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
Chúa Giêsu trao quyền tha tội cho các Tông Đồ, Chúa bảo là phải nhận lấy Thánh Thần: “ Trên thực tế, Thánh Thần hằng hiện diện trong Giáo Hội, Người giống như “Linh hồn” của Thân mình của Chúa Giêsu Kitô luôn sống động, Là “Nước”, Người khiến cho các hạt giống của “Lời” nẩy nụ đơm hoa, là “Gió”, Người thổi tràn sinh khí vào những nổ lực tông đồ, là “Lửa”, Người tinh luyện những gì bất toàn, dẫn đường và soi lối” (TKH của Felipe Gômez Ngô Minh S.J.). Có như vậy tội nhân sau khi lãnh nhận sự tha tội mới được tốt hơn.
Lạy Chúa Giêsu. Chúa muốn chúng con luôn được sống trong bình an của Chúa, Chúa đã trao quyền tha tội cho các Tông Đồ và những người kế vị các ngài để tội lỗi của chúng con được tha. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn biết nhận tội, sám hối, dóc lòng chừa và đến với tòa giải tội để làm mới mình lại.
Mạnh Phương


27 Tháng Tư
Kẻ Không Biết Sám Hối
Ngày 03/4/1990, người tử tù Robert Alton Harris 37 tuổi đã bị đưa vào phòng hơi ngạt tại nhà tù San Quentin thuộc tiểu bang California bên Hoa Kỳ. Ðây là lần đầu tiên kể từ 23 năm nay, tiểu bang California tái lập bản án tử hình. Hiện nay, kể từ năm 1976, sau khi tối cao pháp viện Hoa Kỳ phán quyết án tử hình là hợp hiến, tiểu bang California là một trong năm tiểu bang tại Hoa Kỳ vẫn còn giữ bản án tử hình. Người ta tính có khoảng 2,200 người trên khắp nước Mỹ đang chờ sẽ được đưa lên ghế điện hoặc vào phòng hơi ngạt.
Robert Harris là một kẻ giết người không biết gớm tay. Ngày 05/7/1978, sau khi đã mãn hạn tù hai năm vì đã đánh đập một người đến chết, Harris đã cùng với người em của mình định đến cướp một nhà băng tại San Diego. Ðể có phương tiện di chuyển, Harris đã chiếm chiếc xe của hai người thanh niên đang đậu trước một quán ăn. Anh ra lệnh cho hai người thanh niên lái xe đến một nơi vắng vẻ và tại đây, anh đã rút súng sát hại họ một cách dã man. Sau khi đã hạ sát hai người thanh niên, Harris vẫn còn đủ ung dung và bình tĩnh để ăn cho hết cái bánh mà hai người thanh niên đang ăn dở... Bị bắt giữ sau đó, Harris đã không để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của ăn năn sám hối...
Theo thủ tục hiện hành của Hoa Kỳ, từ lúc tuyên án cho đến lúc thi hành bản án, người tử tội thường được bảy năm để kháng cáo hoặc xin ân xá. Robert Alton Harris vẫn chưa để lộ bất cứ một dấu hiệu nào của sợ sệt hoặc hối cải... Anh đã được dẫn vào phòng đầy hơi ngạt Cyanide. Chỉ trong vài phút đồng hồ, anh đã chết bằng đúng cái chết mà dường như anh đã tự chọn và chuẩn bị cho mình.
Công lý và luật pháp của con người được xây dựng trên nguyên tắc: mắt đền mắt răng thế răng, hoặc tôi cho anh để tôi cho lại... Kẻ có tội luôn luôn phải bị trừng trị, nặng hay nhẹ tùy theo tội ác của người đó đã gây ra... Thiên Chúa dường như chỉ có một công lý: đó là công lý của Tình Thương. Thước đo duy nhất của Công Lý nơi Thiên Chúa chính là Tình Thương vô bờ bến. Nói như thánh Phaolô, nơi nào tội lỗi càng nhiều, nơi đó Thiên Chúa càng thi ân. Tội lỗi của con người, dù tày đình đến đâu, cũng không thể ngăn cản được Tình Thương, sự Tha Thứ của Thiên Chúa.
Ðó phải là niềm xác tín của chúng ta mỗi khi chúng ta nhìn thấy tội lỗi và suy niệm về Tình Yêu của Thiên Chúa. Nếu có ai chết đời đời trong hỏa ngục, điều đó không phải do sự Công Thẳng của Thiên Chúa, cho bằng chính sự Khước Từ của con người. Khi con người không còn tin ở Tình Yêu của Thiên Chúa, khi con người tự chọn cho mình cái chết, đó chính là lúc con người tự chuẩn bị cho mình sự trầm luân. Hỏa ngục đồng nghĩa với quay mặt, với khước từ, với thất vọng... Chúng ta nhìn đến thân phận tội lỗi của mình không phải để thất vọng về sự yếu hèn của chúng ta, mà chính là để ngước nhìn lên ánh mắt từ nhân vô biên của Thiên Chúa.
(Lẽ Sống)





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét