Trang

Thứ Tư, 7 tháng 5, 2014

08-05-2014 : THỨ NĂM TUẦN III MÙA PHỤC SINH

08/05/2014
Thứ Năm sau Chúa Nhật III Phục Sinh


Bài Ðọc I: Cv 8, 26-40
"Nếu ông tin hết lòng, thì được chịu phép rửa".
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong những ngày ấy, thiên thần Chúa nói cùng Philipphê rằng: "Hãy chỗi dậy, đi về mạn nam, theo con đường từ Giêru-salem xuống Gaxa. Ðường ấy vắng vẻ". Người chỗi dậy ra đi. Và này có một người Êthiôpi là thái giám quyền thế của nữ hoàng Canđa, xứ Êthiôpi, và là tổng quản công khố của nữ hoàng, ông đến chầu lễ tại Giêrusalem. Lúc trở về, ông ngồi trên xe, đọc sách Tiên tri Isaia. Thánh Thần bảo Philipphê: "Hãy tiến lên và theo cho kịp xe kia". Philipphê chạy tới, nghe thấy ông ấy đọc sách Tiên tri Isaia, liền hỏi: "Ngài có hiểu được điều ngài đọc không?" Nhà quan trả lời: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không ai chỉ giáo cho tôi". Nhà quan liền mời Philipphê lên xe ngồi với mình. Ðoạn Thánh Kinh ông đang đọc như sau: "Như con chiên bị đem đi làm thịt, Người phải điệu đi; như con chiên trước người thợ xén lông không kêu một tiếng, Người chẳng mở miệng. Trong cảnh nhục nhã, Người bị lên án bất công. Còn ai kể lại dòng dõi của Người, vì mạng sống Người bị cất khỏi trần gian". Viên thái giám lên tiếng hỏi Philipphê rằng: "Tôi xin hỏi ông: đấng tiên tri nói điều ấy về ai? Về chính mình hay về người nào khác?" Philipphê mở miệng rao giảng Tin Mừng Ðức Giêsu cho ông, bắt đầu từ đoạn Thánh Kinh đó. Ðang đi dọc đường, đến nơi có nước, vị thái giám liền nói: "Này nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Philipphê nói: "Nếu ông tin hết lòng thì được". Nhà quan đáp lại: "Tôi tin Ðức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa". Ông ra lệnh cho dừng xe lại, Philipphê và viên thái giám, cả hai đi xuống nước, và Philipphê làm phép rửa cho ông. Khi họ lên khỏi nước, Thánh Thần Chúa đem Philipphê đi mất và viên thái giám không còn thấy ngài nữa. Ông hân hoan tiếp tục hành trình. Còn Philipphê thì người ta gặp thấy tại Azô, ngài rảo khắp mọi thành phố, rao giảng Tin Mừng cho đến thành Cêsarêa.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 65, 8-9. 16-17. 20
Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa (c. 1).
Hoặc đọc: Alleluia.
Xướng: 1) Hỡi chư dân, hãy chúc tụng Thiên Chúa chúng tôi, và loan truyền lời ca ngợi khen Ngài: là Ðấng đã ban cho linh hồn chúng tôi được sống, và không để chân chúng tôi xiêu té. - Ðáp.
2) Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao! Tôi đã mở miệng kêu lên chính Chúa, và lưỡi tôi đã ngợi khen Ngài. - Ðáp.
3) Chúc tụng Chúa là Ðấng không hắt hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi. - Ðáp.

Alleluia: Ga 14, 18
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con và lòng các con sẽ vui mừng". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 6, 44-51
"Ta là bánh từ trời xuống".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán với dân chúng rằng: "Không ai đến được với Ta, nếu Cha, là Ðấng sai Ta, không lôi kéo kẻ ấy, và Ta, Ta sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết. Trong sách các tiên tri có chép rằng: "Mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy bảo". Ai nghe lời giáo hoá của Cha, thì đến với Ta. Không một ai đã xem thấy Cha, trừ Ðấng bởi Thiên Chúa mà ra, Ðấng ấy đã thấy Cha. Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ai tin vào Ta thì có sự sống đời đời. Ta là bánh ban sự sống. Cha ông các ngươi đã ăn manna trong sa mạc và đã chết. Ðây là bánh bởi trời xuống, để ai ăn bánh này thì khỏi chết. Ta là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ sống đời đời. Và bánh Ta sẽ ban, chính là thịt Ta, để cho thế gian được sống".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Tin Chúa Sẽ Ðược Sống Muôn Ðời

Anh chị em thân mến!
Chúng ta không phủ nhận sự kiện có nhiều người muốn chối bỏ Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa mà họ đang nắm giữ chưa phải là Thiên Chúa thật, đó mới chỉ là một phác họa của trí tưởng tượng, một phản ứng của những ước muốn nơi con người. Không chiều theo sở thích của họ thì họ sẽ sẵn sàng chối bỏ. Muốn khám phá ra một Thiên Chúa thật, con người phải tìm về cội nguồn là Ðức Kitô, như lời dạy của Ngài qua tường thuật của thánh Gioan trong đoạn Tin Mừng hôm nay.
Thật thế, có nhiều cách nghe và nhiều cách phản ứng trước điều đã nghe. Có người nghe để rồi phê bình chỉ trích, có người nghe rồi chán nản bực mình, nghe để khiếp sợ xa lánh hoặc nghe chỉ vì không có cơ hội để nói. Tất cả các cách nghe này đều không phải là cách nghe mà Chúa Giêsu muốn nhắn nhủ: "Ai nghe và học nơi Cha thì đến với Ta".
Nghe và học là đáp trả đối với tình yêu Thiên Chúa. Vì Lời của Thiên Chúa như mưa tuyết từ trời sa xuống, nó sẽ không trở lên trời lại nếu đã không thấm nhuần đất đai, nếu không làm cho đất đai sinh sản nẩy mầm và cho người gieo có giống cùng cơm bánh cho người ta ăn.
Lời Chúa là lời phát sinh hiệu quả. Hiệu quả ấy không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng hoặc kết tinh của ước muốn. Nếu chỉ gặt hái được những kết quả như thế khi tiếp xúc với Thiên Chúa, sớm muộn gì con người cũng sẽ chối bỏ Ngài.
Muốn gặp được Thiên Chúa thật, con người phải đến với Ðức Giêsu: "Không ai xem thấy Cha trừ ra Ðấng bởi từ Thiên Chúa Cha mà ra. Ðấng ấy đã thấy Cha và Ðấng ấy cũng là Thiên Chúa".
Tìm đến với Ngài là tìm gặp được Thiên Chúa. Nghe và học ở nơi Ngài không chỉ là việc tiếp nhận từ Ngài các kiến thức khô khan, như các công thức toán học, vật lý hoặc văn chương triết học. Nghe và học ở Ngài là đón nhận cả con người của Ngài. Thân thể Ngài trở nên của ăn, Máu Ngài trở nên của uống nuôi sống trần gian: "Ai đến với Ngài sẽ không hề đói. Ai tin vào Ngài sẽ không hề khát bao giờ".
Con người vẫn còn than trách hoặc chối từ Thiên Chúa, vì họ còn giữ mãi cho mình hình ảnh của một Thiên Chúa do họ nắn tạo ra. Cần phải phá bỏ hình ảnh đó đi, họ mới có cơ may gặp được Thiên Chúa thật. Người Do Thái đã không từ chối hình ảnh của Ðấng Cứu Thế theo những gì họ nghĩ tưởng. Thế nên, đứng trước một Ðấng Cứu Thế thật, họ cũng chẳng bao giờ gặp được Ngài.
Biệt phái nghe để phê bình, luật sĩ nhìn để bắt bẻ, thì làm sao có thể nghe và nhìn để học hỏi nơi Ðức Giêsu. Người tín hữu hôm nay cũng thế, nếu không biết nghe và học, họ sẽ không gặp được Thiên Chúa. Nghe và học đòi buộc họ phải đến với Chúa Giêsu, đến với Ngài đòi buộc họ phải đón nhận Ngài. Vì hiểu biết Thiên Chúa không phải chỉ là mớ kiến thức, nhưng hiểu biết về Ngài là một cảm nghiệm, một đối thoại trao đổi không ngừng.
Qua bài Tin Mừng hôm nay, ước mong rằng mỗi người trong chúng ta vượt qua hình ảnh về Thiên Chúa mà bấy lâu nay mỗi người trong chúng ta đã đúc sẵn cho mình. Có thể đó là một Thiên Chúa nhớ đến lúc nguy nan hoặc như nhãn hiệu gắn bên ngoài để che mắt người đời. Có như thế, chúng ta mới gặp được Thiên Chúa thật, Ðấng hằng mong chờ chúng ta đến để sống với Ngài, để hưởng sự sống đời đời bên Ngài. Amen.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Năm Tuần III PS
Bài đọc: Acts 8:26-40; Jn 6:44-51.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Lời Chúa và Bí-tích là hai nguồn sức mạnh chính của con người.
Để một người có thể tin vào Đức Kitô đòi hỏi sự phối hợp của nhiều yếu tố. Về phía con người, họ phải có lòng thành đi tìm sự thật và phải bỏ giờ để học hỏi. Về phía Thiên Chúa, Ngài phải tạo cơ hội cho con người bằng cách gởi tới những người rao giảng Tin Mừng; nhưng quan trọng hơn cả là Thiên Chúa ban Thánh Thần để soi sáng cho con người hiểu và nhận ra sự thật trong Tin Mừng, đồng thời thúc đẩy con người tuyên xưng đức tin vào Chúa Kitô. Nếu không có sự trợ giúp của Thiên Chúa, con người không thể tin vào Đức Kitô.
Các Bài Đọc hôm nay muốn nhấn mạnh đến sự trợ giúp của Thiên Chúa để mọi người có thể tin vào Đức Kitô. Trong Bài Đọc I, nếu Thiên Chúa không gởi Thánh Thần, thiên sứ, và Philip, viên quan Thái Giám Ethiopia không có Phó-tế Philip để cắt nghĩa cho ông những gì trong Sách của ngôn-sứ Isaiah, và ông sẽ không có cơ hội để tin vào Đức Kitô và được chịu Bí-tích Rửa Tội. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu quả quyết: không ai có thể đến được với Ngài, nếu Cha Ngài không “lôi kéo” người ấy. Điều mà Chúa Cha lôi kéo đây là cung cấp cơ hội (nghe Chúa Giêsu rao giảng Tin Mừng), và ban Thánh Thần để thúc đẩy họ tin vào Đức Kitô.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Quan Thái Giám người Ethiopia tin vào Đức Kitô.
1.1/ Thiên Chúa sắp đặt cơ hội cho ông quan trở lại.
(1) Thiên sứ mặc khải cho Philip: Thiên sứ của Chúa nói với ông Philíp: "Đứng lên, đi về hướng Nam, theo con đường từ Jerusalem xuống Gaza; con đường này vắng." Gaza, Ashdod, và Ashkelon là 3 thành phố của Palestine, nằm trên đường ven biển Mediterranean, trước khi xuống Ai-cập và đi qua lục địa Phi-châu. Ít người dám dùng con đường này để đi từ Jerusalem xuống Gaza, vì đường vắng và địa thế gập ghềnh rất khó di chuyển; đa số sẽ dùng con đường từ Jerusalem xuống Joppa, rồi lần theo đường ven biển xuống Gaza.
Khi Philip tới Gaza, ông gặp một viên quan Thái Giám người Ethiopia, ông là quan lớn trong triều của bà Candace, Nữ Hoàng nước Ethiopia. Ông này làm tổng quản kho bạc của bà. Ông đã lên Jerusalem hành hương và bấy giờ đang trên đường về. Ngồi trên xe nhà, ông đọc sách ngôn sứ Isaiah. Viên quan này có lẽ là người trở lại theo Đạo Do-thái, nhưng không phải giữ tất cả mọi Lề Luật. Thần Khí nói với ông Philíp: "Tiến lên, đuổi kịp xe đó."
(2) Philip cắt nghĩa Kinh Thánh cho quan Thái Giám: Ông Philíp vâng lời chạy lên; khi ông nghe thấy ông kia đọc sách ngôn sứ Isaiah, thì hỏi: "Ngài có hiểu điều ngài đọc không?" Ông quan đáp: "Làm sao tôi hiểu được, nếu không có người dẫn giải?" Rồi ông mời ông Philíp lên ngồi với mình.
Đoạn Kinh Thánh ông đang đọc là đoạn trong Bài ca thứ tư về Người Tôi Trung của Thiên Chúa, Isa 53:7-8: “Như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, Người chẳng mở miệng kêu ca. Bởi Người bị hạ xuống, nên bản án của Người đã được huỷ bỏ. Dòng dõi Người, ai sẽ kể lại, vì cuộc sống của Người trên trần gian đã bị chấm dứt.” Viên Thái Giám ngỏ lời với ông Philíp: "Xin ông cho biết: vị ngôn sứ nói thế về ai? Về chính mình hay về một ai khác?" Ông Philíp khởi đầu từ đoạn Kinh Thánh ấy mà loan báo Tin Mừng Đức Giêsu cho ông. Chúa Giêsu là Người Tôi Trung ấy, Ngài chịu đựng đau khổ cho con người, để cứu chuộc con người khỏi chết và cho con người được sống muôn đời. Để được hưởng những đặc quyền này, con người phải tin vào Đức Kitô và chịu Phép Rửa.
1.2/ Philip rửa tội cho quan Thái Giám: Dọc đường, khi các ông tới một chỗ có nước, viên thái giám mới nói: "Sẵn nước đây, có gì ngăn trở tôi chịu phép rửa không?" Ông Philíp đáp: "Nếu ngài tin hết lòng, thì được." Viên thái giám tuyên xưng: "Tôi tin Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa." Ông truyền dừng xe lại. Ông Philíp và viên thái giám cùng xuống chỗ có nước, và ông Philíp làm phép rửa cho ông quan. Khi hai ông lên khỏi nước, Thần Khí Chúa đem ông Philíp đi mất, và viên Thái Giám không còn thấy ông nữa; nhưng ông tiếp tục cuộc hành trình, lòng đầy hoan hỷ. Còn ông Philíp thì người ta gặp thấy ở Ashdod. Ông loan báo Tin Mừng cho mọi thành thị ông đi qua, cho tới khi đến Caesarea.
2/ Phúc Âm: Bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.
2.1/ Chúa Giêsu dạy dỗ con người: Ngài tuyên bố: “Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết.” Có nhiều người dựa vào câu tuyên bố này để bênh vực chủ thuyết Tiền Định: Tất cả mọi người đã được Thiên Chúa tiền định cho được lên Thiên Đàng hay phải xuống hỏa ngục. Nếu Thiên Chúa lôi kéo ai, người đó mới có thể đến và tin vào Đức Kitô, và được lên Thiên Đàng. Nếu Thiên Chúa không lôi kéo, làm sao một người có thể đến và tin vào Đức Kitô? Hậu quả là người đó sẽ phải sa hỏa ngục, cho dù có muốn lên Thiên Đàng!
Điều quan trọng là phải hiểu hai chữ “lôi kéo.” Bằng cách nào Thiên Chúa “lôi kéo” con người đến với Chúa Giêsu? Thiên Chúa lôi kéo con người đến với Đức Kitô không phải như người ta xỏ mũi để kéo con bò, hay như bộ máy kéo theo các toa xe lửa, nhưng Ngài: (1) Cung cấp cơ hội để con người có thể nghe Lời Chúa và được dạy dỗ, như Chúa Giêsu nói: “Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi.” Lời ngôn sứ mà Chúa đề cập đến ở đây là Isa 54:13 và Jer 31:33. (2) Ban Thánh Thần để Ngài hoạt động bên trong con người, giúp con người nhận ra sự thật, và thúc đẩy con người để mạnh dạn tuyên xưng niềm tin vào Đức Kitô.
2.2/ Chúa Giêsu nuôi dưỡng con người bằng chính Mình Người: Niềm tin vào Đức Kitô không phải chỉ một lúc con người tuyên xưng đức tin và chịu Phép Rửa; nhưng trải dài trong suốt cuộc đời các tín hữu. Để giữ đức tin sống động và trung thành đến cùng, con người cần được nuôi dưỡng như Chúa Giêsu nói với dân chúng: “Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn Manna trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống." Bí-tích Thánh Thể không phải là việc làm cũng được, không làm cũng không sao; nhưng là việc tối quan trọng: Ai không ăn Mình Chúa, sẽ không có nghị lực để chống trả chước cám dỗ của thế gian và ma quỉ, và sẽ khó lòng trung thành với Đức Kitô trọn đời.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Sự trở lại của con người và tin vào Đức Kitô nằm trong Kế Hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa: Ngài cho con người có cơ hội để nghe Tin Mừng, đồng thời cung cấp ơn thánh bên trong để giúp con người nhận ra sự thật và thúc đẩy con người tin vào Đức Kitô.
- Chúa Giêsu vẫn không ngừng dạy dỗ chúng ta qua Lời Chúa, và nuôi dưỡng chúng ta bằng chính mình Ngài qua Bí-tích Thánh Thể. Chúng ta hãy năng chạy đến với hai nguồn sức mạnh chính này để học khôn ngoan và được nuôi dưỡng hằng ngày.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM  TUẦN 3 PHỤC SINH

Ga 6,44-51

A. Hạt giống...
Tiếp tục ý tưởng hôm qua về "đến với" và "tin vào" Chúa :
Việc "tin vào" Chúa Giêsu, thể hiện bằng việc "đến với" Ngài là kết quả của sự hợp tác của hai phía :
- Phía Thiên Chúa : Thiên Chúa ban ơn "lôi kéo" con người tin vào Chúa Giêsu và đến với Ngài : "Không ai đến được với Ta nếu Cha Ta là Đấng sai Ta không lôi kéo kẻ ấy" (câu 44). Thực ra, Thiên Chúa luôn muốn "lôi kéo" con người đến với Chúa Giêsu để con người được sống. Nhưng con người ít ra phải ngoan ngoãn để cho Thiên Chúa lôi kéo. Nhiều người do thái đã không ngoan ngoãn như vậy nên đã không đến được với Chúa Giêsu.
- Phía con người : phải "nghe lời giáo huấn" của Thiên Chúa. : "Ai nghe lời giáo huấn của Cha thì đến với Ta" (câu 45). Mà Thiên Chúa thì luôn giáo huấn con người : "Trong sách các ngôn sứ có chép rằng mọi người sẽ được Thiên Chúa giáo huấn" (câu 45). Câu nói này ngầm trích dẫn Is 54,13. Mà đại ý chương 54 sách Isaia là kinh nghiệm của dân Isarel vào cuối thời lưu đày : họ đã thấy rằng Thiên Chúa luôn quyến luyến con người như một người chồng quyến luyến vợ. Đó chính là giáo huấn mà Thiên Chúa đã ban cho Israel qua dòng lịch sử. Như thế, "nghe lời giáo huấn của Thiên Chúa" nghĩa là ý thức rằng Thiên Chúa luôn yêu thương mình.
Tóm lại, việc "tin vào" Chúa Giêsu và "đến với" Ngài là điều Thiên Chúa yêu thương luôn tạo điều kiện để con người thực hiện được dễ dàng. Chỉ cần ngoan ngoãn phó thác vào tình thương Thiên Chúa thì con người có thể làm được.

B.... nẩy mầm.
1. Hôm qua, chúng ta đã hiểu ích lợi của việc đến với Chúa ("Ai đến với Ta sẽ không hề đói, ai tin vào Ta sẽ không hề khát bao giờ"). Nhưng xét mình lại, chúng ta thấy mình ít đến với Chúa. Ít đến vì một việc xem ra đơn giản như thế lại quá khó với bản tính tự nhiên của chúng ta. Hôm nay Chúa Giêsu dạy thêm : muốn đến với Ngài thì hãy để cho tình thương Thiên Chúa lôi kéo và hãy nhớ giáo huấn của Ngài trong lịch sử là Ngài rất yêu thương loài người. Đừng lì lợm với tình thương ấy, đừng kháng cự với tình thương ấy.
2. Một buổi chiều rảnh rỗi, văn hào Paul Claudel thong thả dạo bước nhàn du. Khi đi ngang một nhà thờ, tiếng thánh ca từ đó vọng ra đã lôi kéo bước chân ông đi vào nhà thờ. Ở đó ông đã gặp Thiên Chúa, gặp niềm tin. Đó là một cách lôi kéo của Thiên Chúa. Thiên Chúa cũng dùng biết bao cách khác để lôi kéo chúng ta. Chỉ cần ta đừng cố chấp nhưng ngoan ngoãn bước theo, thì ta sẽ "đến" được với Ngài. Hãy nhớ lại xem đã bao nhiều lần, và những lần đó thế nào, tôi đã lỡ mất không ngoan ngoãn bước theo sự lôi kéo của Thiên Chúa.
3. Người câm không nói được nhưng có cách làm cho người khác hiểu được họ, đó là dùng những dấu hiệu bằng tay, bằng nét mặt, có khi bằng cả thân thể. Tuy nhiên, muốn hiểu được người câm thì ta phải rất chú ý từng động tác nhỏ của họ. Rất nhiều khi Thiên Chúa nói với ta bằng ngôn ngữ của người câm. Ta cần chú ý lắm mới hiểu được ý Chúa.
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

08/05/14 THỨ NĂM TUẦN 3 PS
Ga 6,44-51

TẤM BÁNH TÌNH YÊU TỰ HIẾN
Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
(Ga 6,51)
Suy niệm: Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao Chúa Giê-su không hóa thân thành một khối vàng hay kim cương quý giá mà lại là tấm bánh? Chúa trở thành tấm bánh là thứ lương thực cần thiết như khí trời, nước uống... để con người được sống, để gần gũi với loài người, để đồng hành với con người trong mọi sinh hoạt đời thường. Ngược lại, con người cũng dễ dàng đến với Ngài, tiếp nhận Ngài để được sống và sống dồi dào. Khi Chúa Giê-su hôm nay tự nhận mình là Bánh bởi trời, và hoá thân mình trong tấm bánh đó Ngài muốn nói rằng Ngài yêu con người tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, chịu chết để trở thành bánh nuôi sống chúng ta muôn đời.
Mời Bạn: Được nuôi dưỡng bởi Bánh Thánh là Thịt Máu Chúa Giê-su, bạn cũng được Chúa mời gọi trở thành tấm bánh bẻ ra cho anh chị em mình qua việc chia cơm sẻ áo hằng ngày cho tha nhân đồng thời dấn thân vào hoạt đồng tông đồ rao giảng Tin Mừng cứu độ cho mọi người hầu cuộc sống chúng ta mỗi ngày hạnh phúc và đượm thắm tình Chúa và tình người hơn.
Chia sẻ: Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi cho bạn điều gì về tình yêu của Chúa Giê-su không? Và khi rước Ngài, bạn cảm nghiệm được tình yêu ấy không?
Sống Lời Chúa: Làm một việc bác ái cho người nghèo gần bạn nhất.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa dành cho con. Xin cho con biết sẵn sàng bẻ tấm bánh đời con cho tha nhân bằng cách giúp đỡ vật chất và tinh thần cho người đang cần con giúp.

Chúa Cha lôi kéo
Cuộc sống người Kitô hữu là cuộc sống giữa những lôi kéo, giằng co... Hãy để cho Cha lôi kéo bằng cách nghe và đón nhận giáo huấn của Cha.


Suy nim:
Sống ở đời là phải chịu nhiều sự lôi kéo.
Thời nay sự lôi kéo lại càng mạnh mẽ và thô bạo.
Có sự lôi kéo của khuyến mãi, giảm giá,
khiến ta vui vẻ mua cả điều không cần.
Có sự lôi kéo của những sản phẩm thuộc đời mới hơn, nhiều chức năng hơn,
khiến chúng ta mê mải chạy theo và rượt đuổi không ngừng.
Có sự lôi kéo của hình ảnh quảng cáo, của thời trang, của sách báo,
khiến chúng ta chẳng làm chủ được cái nhìn, và dễ đi đến chỗ phạm tội.
Để chống lại được sự lôi kéo bên ngoài cần có nội lực bên trong.
Nhiều người sa ngã vì bị kéo bên ngoài, mà bên trong không vững.
“Không ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha,
Đấng sai tôi, không lôi kéo người ấy” (c. 44).
Đức Giêsu khẳng định về sự lôi kéo của Chúa Cha trong đời từng người.
Cha lôi kéo chúng ta về phía Con của Ngài là Đức Giêsu,
bất chấp những lôi kéo ngược lại đến từ phía thế gian, ma quỷ, xác thịt.
Nếu chúng ta để cho Cha kéo đi mà không cưỡng lại,
thế nào ta cũng đến được với Giêsu.
Và Giêsu lại là Con Đường tuyệt vời dẫn ta đến với Cha.
“Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống.
Không ai đến được với Cha mà không qua Thầy” (Ga 13, 6).
Như thế Cha đưa ta đến với Con:
“Này là Con ta yêu dấu… hãy nghe lời Người” (Mt 17, 5).
Và Con đưa ta lại cho Cha
để hưởng sự sống đời đời trong ngày sau hết.
Cuộc sống người Kitô hữu là cuộc sống giữa những lôi kéo, giằng co,
giữa chính và tà, giữa thiện và ác, giữa Thiên Chúa và Xatan.
Tâm hồn con người là hiện trường của những cuộc giao đấu không ngơi nghỉ.
Hãy để cho Cha lôi kéo bằng cách nghe và đón nhận giáo huấn của Cha.
Lời dạy dỗ của Cha có khi chỉ nghe được trong thầm lặng.
Lời ấy đưa ta đến với Giêsu, Đấng duy nhất thấy Cha, biết Cha (c. 46).
Hãy tin vào Giêsu để được Sự Sống vĩnh cửu (cc. 44. 47).
Hãy ăn Tấm Bánh Giêsu để được Sự Sống ngay từ đời này (c. 51).
“Khi nào tôi được giương cao lên khỏi đất,
tôi sẽ lôi kéo mọi người đến với tôi” (Ga 12, 32).
Hãy để Giêsu lôi kéo chúng ta khỏi sự tầm thường của cái tôi ích kỷ.
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa,
Chúa đã muốn trở nên con của loài người,
con của trái đất, con của một dân tộc.
Chúa vẫn yêu mến dân tộc của Chúa
dù họ từ khước Tin Mừng
và đóng đinh Chúa vào thập giá.
Xin cho chúng con biết yêu mến quê hương,
một quê hương còn nghèo nàn lạc hậu
sau những năm dài chiến tranh,
một quê hương đang mở ra trước thế giới
nhưng lại muốn giữ gìn bản sắc dân tộc
và bảo vệ nền đạo lý của cha ông.
Xin cho chúng con đừng nhắm mắt ngủ yên
trong sự an toàn và tiện nghi vật chất,
nhưng biết trăn trở trước nỗi khổ đau,
và làm một điều gì đó thật cụ thể
cho những đồng bào quanh chúng con.
Ước gì chúng con biết phục vụ đất nước
bằng khối óc, quả tim và đôi tay.
Và ước gì chúng con biết khiêm tốn
cộng tác với muôn người thiện chí.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

Suy niệm
Trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu khẳng định rằng, để đến được với Ngài, con người phải để cho Chúa Cha lôi kéo: “Không ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha, Đấng sai tôi, không lôi kéo người ấy”. Và khi đã đến được với Đức Giêsu, thì Ngài sẽ ban cho họ được sống lại trong ngày sau hết. Và điều kiện để được Chúa Cha lôi kéo đến với Đức Giêsu, là phải nghe và đón nhận lời giáo huấn của Chúa Cha.
Cuộc sống hiện đại hôm nay đặt con người trước nhiều sự chọn lựa: sự tốt, sự xấu. Có những tình huống đặt Kitô hữu trước thế giằng co: Thiên Chúa và ma quỷ, sự thiện và sự ác.

Mong sao, qua thánh lễ, qua các bí tích, qua nguyện cầu… tôi để cho Chúa Cha lôi kéo đến với Đức Giêsu, đến với sự thiện.
Mong sao, tôi thường xuyên đón nhận Bánh Trường Sinh vào tâm hồn mình, để tôi khỏi phải chết, để tôi được sống đời đời.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
8 THÁNG NĂM
Một Tặng Phẩm Của Cuộc Phục Sinh
Trong phòng tiệc ly, Đức Giêsu đã nói với các Tông Đồ về cuộc ra đi của Người và Người giải thích tại sao Người phải ra đi. “Nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em. Nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16, 7).
Sau những lời ấy, Đức Giêsu chia tay với các môn đệ. Người từ giã thế giới này bằng một cách thê thảm nhất mà trí tưởng tượng người ta có thể hình dung: bị xét xử như một tên tội phạm, một kẻ gian manh, bị kết án tử và bị đóng đanh. Thật không có gì phải ngạc nhiên khi cuộc Thương Khó của Đức Kitô đã là nỗi hãi hùng của các Tông Đồ đến thế. Cứ theo suy nghĩ của loài người, thì đó là cả một nỗi ê chề thất vọng.
Nhưng rồi Đức Giêsu xuất hiện giữa họ, khai mở lòng trí họ để họ hiểu sứ mạng và mục đích của Người. Người khai mở tâm trí họ để giúp họ nhận ra Thánh Kinh hướng chỉ về Người như thế nào.
Song họ cần có Đấng Bảo Trợ, tức Chúa Thánh Thần, để giúp họ nhận hiểu trọn vẹn. Và kìa, Đức Kitô đã trao ban Thánh Thần cho họ – ngay trong ngày phục sinh, ngay cả trước khi “gửi” Thánh Thần đến vào dịp Lễ Ngũ Tuần. Người nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”.
Như vậy, Thánh Thần đã được trao ban cho các Tông Đồ như là hoa trái của công cuộc cứu độ của Đức Kitô trên thập giá. Toàn bộ mầu nhiệm Vượt Qua được đóng ấn bằng tặng phẩm vĩ đại là Chúa Thánh Thần.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 08-5
Cv 8, 26-40; Ga 6, 44-51.

LỜI SUY NIỆM: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Manna là bánh của Chúa Cha ban để nuôi sống phần xác của dân Chúa đi trong sa-mạc, “theo sự kêu cầu của họ”. Họ đã ăn nhưng rồi dã chết. Chúa Giêsu cho toàn thể nhân loại biết. Thiên Chúa vì yêu thương con người một cách đặc biệt, và “theo Thánh Ý của Ngài.” “Muốn cho con người được sống đời đời, Thiên Chúa đã ban “Bánh Hằng Sống” chính là “Thân Mình Chúa Kitô” để tất cả những ai ăn “Mình Thánh Chúa Giêsu Kitô” thì được sống muôn đời. - Chúa Giêsu còn cho biết đây lả quà tặng nhưng không, vì tình yêu của Chúa; muốn nuôi sống con người: chứ không phải: phần thưởng, do công sức hay bất cứ một sự trao đổi nào khác, của bất cứ con người nào trên thế gian này.
Lạy Chúa Giêsu. Mình Thánh, Máu Thánh của Chúa là quà tặng cho chúng con một cách nhưng không; đặc biệt cho những ai đang đói khát sự sống. Gia đình chúng con đang đói khát sự sống của Chúa, xin Chúa thương ban cho chúng con biết ăn Chúa vào trong tâm hồn chúng con để chúng con được sống muôn đời.
Mạnh Phương

08 Tháng Năm
Chữ Thập Ðỏ
Buổi sáng ngày 24/6/1859, Henri Dunant, một thương gia trẻ tuổi người thụy Sĩ, thức giấc với nhiều bận tâm. Từ mấy ngày nay, anh đang trọ tại một lữ quán nghèo thuộc miền Castiglione delle Stiviere bên Italia. Anh đến italia với một công tác rất táo bạo, đó là gặp cho kỳ được Hoàng Ðế Napoleon đệ tam của nước Pháp để xin cấp cho anh giấy phép được thiết lập một số nhà máy xay lúa tại Algerie, lúc bấy giờ đang là thuộc địa nước Pháp...
Từ trong quán trọ nhìn ra, anh thấy từng đoàn binh sĩ Pháp di chuyển về cánh đồng Solferino... Và những gì phải xảy ra đã xảy ra... 300 ngàn con người từ hai phía đã giáp chiến. Tiếng súng nổ, tiếng người la hét giãy giụa. Khi màn đêm xuống, tiếng súng thưa dần, người ta chỉ còn nghe thấy tiêng rên la của các thương binh từ hai phía... Giờ phút này Henri Dunant không còn nghĩ gì đến dự án thiết lập các nhà máy xay lúa tại Algerie nữa. Thay vào đó, nỗi oán ghét chiến tranh và sự cảm thông với các thương binh mỗi lúc một xâm chiếm tâm hồn anh, nhất là khi người ta bắt đầu di chuyển các thương binh vào các làng mạc...
Một người lính Pháp vừa lê lết vừa xin nước uống. Nguyên một bàn chân đãbị cắt đi khỏi thân thể. Dunant dìu anh vào quán trọ. Cùng với các y sĩ của các phe đang tham chiến, Henri Dunant đã động viên tất cả dân làng để mang thực phẩm và thuốc men đến cho các thương binh, bất kể họ thuộc bên nào.
Trong những ngày ấy, thay cho dự án kinh doanh, Henri Dunant đã dành thời giờ đê viết lại hồi ký về trận Solferino. Anh mô tả lại tất cả những gì anh đã chứng kiến và kêu gọi tất cả những người thiện chí trên thế giới hãy giúp anh để chấm dứt thảm cảnh ấy. Không mấy chốc, cuốn sách đã được dịch ra nhiều thứ tiếng và được gửi đến các Chính Phủ trên thế giới. Ngay tức khắc, một tổ chức nhân đạo tại Génève đã thỏa thuận trợ giúp cho công tác của Dunant. Anh đi khắp các thủ đô Âu Châu để thuyết phục các nhà cầm quyền ký vào một quy ước nhìn nhận quyền bất khả xâm phạm của các thương binh, các y tá và tất cả những ai phục vụ trong ngành quân y...
Ngày 26/10/1963, đại diện của 16 nước đãgặp nhau tại Génève. Tổ chức do Henri Dunant khai sinh được chính thức chào đời ngày hôm đó. Người ta gọi tổ chức này là Hội Chữ Thập Ðỏ, do biểu tượng của một chữ thập đỏ in trên nền trắng... Dấu hiệu này đã được treo trên các lều, các nhà cửa thuộc về phong trào này... Ðó là món quà lớn nhất mà Henri Dunant đã tặng cho nhân loại.
Trong tập hồi ký trận Solferino, Henri Dunant đã ghi lại như sau: Có nhiều binh sĩ Áo dưới quyền chỉ huy của Hoàng Ðế Prancois Joseph bị bắt làm tù binh. Henri Dunant đã săn sóc họ tận tình. Thấy thế, một bà cụ già trong làng đã phản đối vì cho rằng người Áo là kẻ thù. Henri Dunant đã nói với bà cụ già như sau: "Trong sự đau khổ, không còn khác biệt giữa bạn và thù nữa.. Tất cả chúng ta đều là anh em với nhau".
Nhìn mọi người như anh em của mình, một cái nhìn như thế hẳn phải xuất phát từ một niềm tin rất sâu sắc...
Năm 1901, lần đầu tiên, giải thưởng Nobel hòa bình đã được trao tặng và người được danh dự ấy chính là vị sáng lập ra Hội Chữ Thập Ðỏ. Mười năm sau, con người đã trao tặng cho thế giới một món quà cao quý như thế đãqua đời trong một bệnh viện dành cho những người hành khất nghèo nàn bên Thụy Sĩ. Gia tài của ông đẻ lại là vài cuốn sách, năm ba lá thư và một di chúc thiêng liêng như sau: "Hoặc tôi là một môn đệ của Ðức Kitô giống như các tín hữu của những thế kỷ đầu hoặc tôi không là gì hết".
Ðặc biệt của các tín hữu sơ khai và cũng là lý tưởng của Henri Dunant chính là lòng mến, lòng mến đã biến họ nhận ra mọi người như là anh em, con cùng một Cha trên Trời... Mỗi người Kitô chúng ta cũng có thể lập lại lời di chúc của vị sáng lập Hội Chữ Thập Ðỏ: "Hoặc tôi tôn trọng và yêu thương tha nhân hoặc tôi không là gì hết".
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét