28/06/2014
Thứ Bảy sau Chúa Nhật
12 Quanh Năm
Trái tim Mẹ Vô Nhiễm
BÀI
ĐỌC I: Ac 2, 2. 10-14. 18-19
"Trên tường thành thiếu nữ Sion, lòng họ kêu vang lên Thiên
Chúa".
Trích
sách Ai Ca.
Chúa
phá tan các báu vật nhà Giacóp chẳng nương tay: trong cơn thịnh nộ, Chúa phá huỷ
thành luỹ thiếu nữ Giuđa. Người quật xuống đất và làm sỉ nhục cả vương quốc, cả
quan chức cao sang.
Các
kỳ lão của thiếu nữ Sion ngồi dưới đất thinh lặng, mình mang áo nhặm và rắc tro
trên đầu. Còn các trinh nữ Giêrusalem gục đầu xuống đất. Mắt tôi hao mòn vì quá
khóc than, lòng tôi bàng hoàng thổn thức, gan tôi đổ tràn trên đất, vì các tai
hoạ của thiếu nữ dân tôi: các trẻ thơ, hài nhi măng sữa, xỉu la liệt giữa phố
phường. Chúng xin mẹ: "Bánh mì rượu tốt ở đâu?" Chúng ngã xỉu ngoài
đường phố như bị gươm đao. Chúng tắt thở ngay nơi lòng mẹ.
Hỡi
thiếu nữ Giêrusalem, ta sánh ngươi cùng ai, ta ví ngươi như kẻ nào? Hỡi trinh nữ
Sion, ta sánh ngươi cùng ai để an ủi? Vì nỗi khổ ngươi man mác tựa biển khơi,
nào ai chữa nổi ngươi? Các tiên tri của ngươi nói bậy nói sai, chẳng vạch cho
ngươi một vài gian ác, cùng chẳng giục ngươi khóc lóc ăn năn, mà chỉ tiên kiến
những điều giả dối, khiến ngươi bị trục xuất và lưu đày.
Trên
tường thành thiếu nữ Sion, lòng họ kêu vang lên Chúa. Hãy chan hoà suối lệ đêm
ngày, đừng để mắt ngươi yên nghỉ. Hãy chỗi dậy, hãy ca ngợi mỗi đầu canh đêm,
hãy giốc đổ lòng ra như nước trước Nhan Chúa, hãy giơ tay cầu khẩn Chúa cho lũ
trẻ thơ, chúng ngã xỉu vì đói ở góc đường xó chợ. Ðó là lời Chúa.
ÐÁP
CA: Tv 73, 1-2. 3-5a. 5b-7. 20-21
Ðáp: Ðời
sống con người cơ khổ, xin Chúa đừng nỡ quên hoài (c. 19b).
Xướng:
1) Lạy Chúa, tại sao Chúa ruồng bỏ chúng con hoài? Tại sao Chúa nung nấu lửa hận
với đoàn chiên Chúa? Xin nhớ lại cộng đồng Chúa thiết lập tự thuở xa xưa, xin
nhớ bộ lạc Chúa đã chuộc để làm phần tư hữu, xin nhớ lại núi Sion, nơi Chúa đã
đặt ngai toà! - Ðáp.
2)
Xin Chúa dời gót tới nơi hoang tàn vĩnh viễn: tên thù đã tàn phá hết trong
thánh điện của Ngài. Trong hội đường của Chúa, quân nghịch đã rống lên, chúng
đã đặt cờ hiệu của chúng trên đài chiến thắng. - Ðáp.
3)
Chúng giống như kẻ trong rừng rậm vung lưỡi rìu! Chúng cũng dùng rìu búa bổ vào
cửa hội đường như thế, chúng đã châm lửa đốt thánh điện của Ngài, chúng chà đạp
cung lâu danh Ngài tận đất! - Ðáp.
4)
Xin Chúa nhìn lại lời minh ước, vì nơi hang hốc và đồng ruộng đầy dẫy bạo hành.
Xin đừng để người khiêm cung trở về tủi hổ, xin cho người cơ hàn nghèo khổ được
ngợi khen danh Chúa. - Ðáp.
ALLELUIA:
1 Sm 3, 9
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe; Chúa có
lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.
PHÚC
ÂM: Lc 2, 41-52
"Cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Hằng
năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy
giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng
ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu
đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong
nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng mới tìm kiếm Người
trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai
ông bà trở lại Giêrsalem để tìm Người.
Sau
ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến
sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói, đều ngạc nhiên trước sự
hiểu biết và những câu Người đáp lại. Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc
nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như
thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con".
Người
thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm con? Cha mẹ không biết rằng
con phải lo công việc của Cha con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người
nói. Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông
bà. Maria mẹ Người ghi nhớ tất cả những việc đó trong lòng.
Còn
Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng trước mặt
Thiên Chúa và người ta. Đó là lời Chúa.
(thanhlinh.net)
Hằng ghi nhớ trong lòng
Chúng ta chẳng bao giờ nắm được Chúa, giữ chặt
Chúa trong tay. Chúa vẫn là Đấng không thể thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta
sững sờ.
Suy niệm:
Nếu ai hỏi Mẹ Maria điều gì
quý nhất trong đời Mẹ,
hẳn Mẹ sẽ trả lời đó là
Giêsu, con của Mẹ.
Người con này Mẹ đã cưu
mang, dưỡng dục, và bảo vệ giữ gìn.
Người con này đã đem lại cho
Mẹ biết bao niềm vui và hãnh diện.
Nhưng Mẹ cũng chịu nhiều đau
khổ vì người con ấy.
Bài Tin Mừng hôm nay vén mở
một chút nỗi đau của Mẹ,
cho thấy một chút trái tim
của Mẹ khi sống bên Giêsu.
Cậu Giêsu, mười hai tuổi,
cùng với cha mẹ lên Đền thờ mừng lễ Vượt qua.
Kể cũng lạ khi cậu ở lại
Giêrusalem mà không báo cho cha mẹ biết.
Hai ông bà đi một ngày đường
mới nhận ra mình mất con,
vội vã đi tìm trong đám bà
con thân thuộc,
nhưng không thấy, nên trở
lại Giêrusalem mà tìm.
Phải qua ba ngày đầy lo âu
và nước mắt mới tìm thấy con trong Đền thờ.
Kinh nghiệm mất- tìm
kiếm-tìm thấy này thật đau đớn đối với người mẹ.
Mẹ Maria sợ mất con, mất
điều rất quý đã được Thiên Chúa trao cho mình.
Nhưng khi thấy con mình ngồi
giữa các vị thầy, rất bình an trò chuyện với họ,
thì Mẹ lại sửng sốt, ngỡ
ngàng, thay vì vui sướng.
Như vậy là con không bị lạc,
nhưng đã cố ý ở lại Đền thờ mà không báo.
Mẹ không nén được một lời
trách móc: “Tại sao con làm thế với cha mẹ?
Cha con và mẹ đã khắc khoải
tìm con” (c. 48).
Chuyện không ngờ là cậu Giêsu
đã đáp lại câu hỏi của Mẹ bằng hai câu hỏi,
đầy vẻ sửng sốt và cũng là
một lời trách: “Tại sao cha mẹ lại tìm con?
Cha mẹ không biết là con
phải ở nhà của Cha con sao ?” (c.49).
Cũng có thể hiểu là: cha mẹ
không biết con phải lo việc của Cha con sao?
Đức Giêsu, khi lên mười hai
tuổi, đã bắt đầu có ý thức mình thuộc về Cha.
Người Cha trên trời này khác
với người cha mà Ngài đang chung sống.
Ngài phải ở với và lo việc
cho người Cha này, lẽ ra cha mẹ phải biết chuyện đó.
Dĩ nhiên hai ông bà chưng
hửng, không hiểu được câu nói của cậu Giêsu (c.50).
Riêng Mẹ Maria có thói quen
nghiền ngẫm về các biến cố khó hiểu.
Mẹ giữ kỹ trong trái tim
mình những chuyện xảy ra (Lc 2, 19. 51b).
Chúng ta tưởng Mẹ Maria luôn
luôn hiểu Con mình, hiểu ngay, hiểu trọn vẹn.
Chúng ta tưởng ai sống thánh
thiện thì lúc nào cũng vui, chẳng bao giờ lo sợ.
Nhìn Mẹ Maria, chúng ta hiểu
theo Chúa là bước vào một cuộc hành trình.
Có những lúc như đang chơi ú
tim với Chúa, mất rồi lại tìm, tìm thấy rồi lại mất.
Chúng ta chẳng bao giờ nắm
được Chúa, giữ chặt Chúa trong tay.
Chúa vẫn là Đấng không thể
thấu hiểu được, và vẫn làm chúng ta sững sờ.
Mẹ Maria đã chứng kiến Đức
Giêsu lớn dần về mọi mặt (Lc 2, 40),
từ khi sinh ra đến khi mười
hai tuổi,
và từ mười hai tuổi đến lúc
trưởng thành (Lc 2, 52).
Ngài càng lúc càng ý thức
mình thuộc về Cha và ý thức về sứ mạng.
Con của Mẹ là một mầu nhiệm
khôn dò mà Mẹ phải tìm hiểu mỗi ngày.
Mẹ để cho Con tự do sống
theo Ý Cha, dù điều đó đem lại nhiều đau khổ.
Chuyện mất Con hôm nay chuẩn
bị cho việc Con sẽ chia tay Mẹ đi sứ vụ,
và chuẩn bị cho cuộc chia
tay kinh hoàng trên thập giá.
Chúng ta cầu cho các bà mẹ
đang đau khổ vì con.
Mong sự vâng phục của con
cái làm tươi trái tim người mẹ.
Cầu nguyện:
Lạy Mẹ Maria,
khi đọc Phúc Âm,
lúc nào chúng con cũng thấy
Mẹ lên đường.
Mẹ đi giúp bà Isave, rồi đi
Bêlem sinh Đức Giêsu.
Mẹ đưa con đi trốn, rồi dâng
Con trong đền thờ.
Mẹ tìm con bị lạc và đi dự
tiệc cưới ở Cana.
Mẹ đi thăm Đức Giêsu khi
Ngài đang rao giảng.
Và cuối cùng Mẹ đã theo Ngài
đến tận Núi Sọ.
Mẹ lên đường để đáp lại một
tiếng gọi
âm thầm hay rõ ràng, từ
ngoài hay từ trong,
từ con người hay từ Thiên
Chúa.
Chúng con thấy Mẹ luôn đi
với Đức Giêsu
trong mọi bước đường của
cuộc sống.
Chẳng phải con đường nào
cũng là thảm hoa.
Có những con đường đầy máu
và nước mắt.
Xin Mẹ dạy chúng con
đừng sợ lên đường mỗi ngày,
đừng sợ đáp lại những tiếng
gọi mới của Chúa
dù phải chấp nhận đoạn tuyệt
chia ly.
Xin giữ chúng con luôn đi
trên Đường-Giêsu
để chúng con trở thành nẻo
đường khiêm hạ
đưa con người hôm nay đến
gặp gỡ Thiên Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
28/06/14 THỨ BẢY TUẦN 12 TN
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51
Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Lc 2,41-51
Suy niệm: Thảm họa chìm phà Sewol ở Jindo, Hàn Quốc ngày
16/4 đã cướp đi sinh mạng của hơn 400 hành khách trong đó có 324 học sinh trung
học. Thân nhân, trong đó rất nhiều bà mẹ, đau đớn than khóc vì mất con; họ chỉ
con mong tìm lại được thân xác con mình đang chìm trong làn nước giá lạnh. Đức
Ma-ri-a cũng thổn thức trái tim của người mẹ “cực
lòng đi tìm” con
yêu dấu bị lạc mất. Đức Ma-ri-a chưa kịp bày tỏ niềm vui khi tìm lại được con
thì Đức Giê-su lại hé mở cho Mẹ thấy việc “lạc mất con” còn mang một ý nghĩa
thiêng liêng mầu nhiệm: con
phải làm tròn việc “bổn
phận trong nhà Cha con”. Mẹ
được chuẩn bị để đón nhận việc “lạc
mất con” lớn
hơn trong cuộc Thương Khó của Đức Giê-su. Trong lần này, trái tim Mẹ đã đồng
cảm với trái tim Chúa Giê-su để cùng với Con mình làm tròn việc bổn phận Chúa Cha trao phó là cứu chuộc toàn thể nhân loại
Mời Bạn: Helen
Keller, cô gái mù và điếc, là tác giả của 13 cuốn sách và vô số bài báo, đã
nhận định: “Những
điều tốt đẹp nhất trên trần gian này không thể thấy bằng mắt cũng không thể
chạm bằng tay, mà phải cảm nhận bằng trái tim.” Khi trái tim bạn đồng cảm với trái tim Chúa
Giê-su và Mẹ Ma-ri-a, bạn đang đạt tới điều tốt đẹp nhất trong tất cả mọi thứ
tốt đẹp trên đời.
Sống Lời Chúa: Dành
thời gian trong ngày suy ngắm cuộc đời Mẹ Ma-ri-a và xin ơn được đồng cảm với
trái tim Mẹ.
Cầu nguyện: Lạy Mẹ Ma-ri-a, con yêu mến Mẹ nhiều. Xin cho trái tim con chung
nhịp đập với trái tim Mẹ. Amen.
Suy niệm
Trái tim
vô nhiễm Đức Mẹ
Hôm qua, Giáo Hội mời gọi
chúng ta kính Thánh Tâm Chúa Giêsu để chiêm ngắm tình yêu của Thiên Chúa dành
cho nhân loại chúng ta. Hôm nay, Giáo Hội muốn chúng ta hướng về trái tim vô
nhiễm của Đức Maria, một trái tim của một thụ tạo luôn hướng về Thiên Chúa và
sẵn sàng cho mọi ý định của Thiên Chúa.
Thiên Chúa đã chọn Mẹ Maria
để cưu mang Đấng Cứu Thế, để cộng tác cho công trình cứu chuộc của Người. Công
trình này xuất phát từ tình yêu của Thiên Chúa. Đức Maria đã cộng tác với Thiên
Chúa để mang tình yêu của Người cho nhân loại.
Maria được như thế chắc chắn
là do tình thương của Thiên Chúa dành cho Mẹ. Nhưng tình thương đó của Thiên
Chúa cũng đòi hỏi sự đáp trả của con người. Mẹ Maria đã sẵn sàng xin vâng dù
đôi lúc Mẹ cũng chẳng hiểu rõ ý Chúa. Luôn sống trong thái độ xin vâng và luôn
suy đi nghĩ lại những gì Chúa phán để càng hiểu rõ hơn ý Chúa. Nhờ thế, mà Mẹ
Maria luôn sống đẹp lòng Chúa.
Chúa cũng mời gọi sự cộng
tác của mỗi người chúng ta. Mỗi người đều có một vai trò và vị trí đặc biệt
trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Điều Thiên Chúa cần nơi mỗi người chúng
ta là noi gương Mẹ Maria, luôn sẵn sàng vâng phục thánh ý của Chúa.
Cần phải cầu nguyện nhiều để
mỗi ngày chúng ta nhận ra thánh ý của Chúa.
Cần phải quyết tâm và tấm
lòng khiêm tốn như Mẹ Maria để chúng ta sẵn sàng vâng theo ý của Chúa.
Lạy Chúa, xin cho con luôn
biết cộng tác với kế hoạch Chúa trong khả năng, địa vị và hoàn cảnh của con.
Xin Mẹ Maria dạy con luôn
biết thưa “xin vâng” với Chúa như Mẹ.
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
28
THÁNG SÁU
Sự
Quan Phòng Của Thiên Chúa: Một Xác Nhận Nền Tảng
Việc
tách biệt công cuộc sáng tạo khỏi sự quan phòng thần linh (thuyết tự nhiên thần
giáo) và việc phủ nhận hoàn toàn sự hiện hữu của Thiên Chúa (thuyết duy vật) mở
ngõ cho sự sai lầm của thuyết tất định duy vật (materialistic determinism). Ở
đây con người và đời sống của con người trở thành hoàn toàn phụ thuộc vào một
tiến trình phi ngã. Đối đầu với những tấn công này, chân lý về sự hiện hữu của
Thiên Chúa và về sự quan phòng thần linh của Ngài giúp bảo đảm cho con người sự
tự do và chỗ đứng của mình trong vũ trụ.
Chúng
ta nhận thấy sự thật này được khẳng định trong Cựu Ước. Chẳng hạn, Thiên Chúa được
xem như một sự đỡ nâng mạnh mẽ và không gì có thể tiêu diệt được: “Con yêu mến
Ngài, lạy Chúa là sức mạnh của con; lạy Chúa là núi đá, là thành lũy, là Đấng
giải thoát con; lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn, là khiên mộc,
là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ!” (Tv 18, 2-3). Thiên Chúa là nền
tảng vững chắc để con người có thể tựa vào, như lời tác giả thánh vịnh thốt lên
đầy xác tín: “Lạy Chúa, số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16, 5).
Sự
quan phòng của Thiên Chúa là lời xác nhận hùng hồn của Ngài đối với tạo vật, nhất
là đối với con người – triều thiên của mọi tạo vật. Sự quan phòng ấy đảm bảo
quyền cai quản tối cao của con người trong thế giới này. Điều này không có
nghĩa rằng các qui luật tự nhiên bị quyền cai quản tối cao của con người xóa bỏ.
Trái lại, nó có nghĩa rằng chúng ta phải loại trừ thuyết tất định duy vật kia –
một chủ thuyết giảm trừ toàn bộ sự hiện hữu của con người đến chỉ còn như một
cái gì hoàn toàn tất định. Trong thực tế, một cái nhìn như vậy sẽ hủy diệt sự tự
do chọn lựa của con người.
Thiên
Chúa – trong sự quan phòng của Ngài – chính là sự đỡ nâng tối thượng cho sự tự
do của chúng ta. Đó là điều tốt lành và quí hóa biết bao!
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
28-6
Trái
Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ
Is
61, 9-11; Lc 2, 41-51.
LỜI
SUY NIỆM: “Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những
điều ấy trong lòng.”
Khi
Đức Mẹ tìm gặp Chúa Giêsu trong Đền Thờ, và nghe lời Chúa Giêsu thưa chuyện; Đức
Mẹ đã hằng ghi nhớ. Điều này giúp cho chúng ta, mỗi khi đọc Lời Chúa; nghe Lời
Chúa, học Lời Chúa là chính lúc Chúa nói riêng với mình, tâm sự với mình, dạy bảo
cho riêng mình. Nên mọi Lời Chúa chúng ta phải ghi nhớ trong lòng, suy đi nghĩ
lại xem mình đã tin và đã sống được như thế nào?
Lạy
Chúa Giêsu, Chúa yêu thương chúng con, Chúa muốn ở thật gần chúng con, và muốn ở
trong chúng con. Xin Chúa cho mọi thành viên trong gia đình chúng con hăng ghi
nhớ Lời Chúa, đẻ luôn yêu mến Chúa, sống được gần Chúa.
Mạnh
Phương
Gương Thánh Nhân
Ngày
28-06: Thánh IRENÊ
Giám
mục, Tử Đạo (Thế kỷ II)
Thánh
Irenê sinh tại Tiểu Á và giữa thế kỷ II. Chúng ta biết được phần nào ngày sinh
của Ngài, dựa vào bản tường thuật Ngài viết về thánh Policarpô. Ngài viết cho
Flôrinô:
-
"Tôi có thể nói với ông nơi thánh Pôlicarpô ngồi khi Ngài rao giảng lời
Chúa, tôi được thấy Người ra vào. Bước chân, phong thái, cách sống và lời Ngài
nói in sâu vào lòng tôi. Tôi như còn nghe thấy Người kể lại cách người đàm luận
với thánh Gioan và các tông đồ khác đã thấy mặt Chúa. Người nói lại cho chúng
tôi những lời nói và những điều các Ngài đã học được liên quan đến Chúa Giêsu.
Các phép lạ và giáo thuyết của Chúa.
Thánh
Irenê còn phấn khởi ghi thêm: - "Tôi ghi nhận các hành vi và lời nói ấy
không phải trên bảng viết mà là trong sâu thẳm tâm hồn. Thiên Chúa cho tôi được
ơn không ngừng nhớ lại những kỷ niệm ấy trong lòng".
Như
vậy, thánh Irenê luôn nhớ mãi hình ảnh sống động của thánh Policarpô qua đời
năm 155. Vậy có thể là thánh Irenê ra đời khoảng từ năm 130 đến 135, và Ngài được
giáo dục tại Smyrna, làm môn đồ của thánh Pôlicarpô. Hấp thụ nền giáo dục gần với
các tông đồ. Nhất là với thánh Gioan, thánh Irenê còn ở trong vòng ánh sáng mà
tâm điểm là tình yêu đằm thắm giữa thánh Gioan với Chúa Kitô. Trong tác phẩm
dài "Adversus Haereses" của Ngài. Chúng ta cảm thấy Ngài là người được
thấm nhiễm một trực giác hiếm có.
Thánh
Pôlicarpô gọi Irênê sang Gaule. Tại đây thánh Pôthinô, giám mục Lyon phong chức
linh mục cho Ngài. Phần đóng góp của thánh Irenê cho Giáo hội thật lớn. Ngài
chú tâm tới mọi khoa học, chuyên cần suy gẫm thánh kinh. Khi nghiên cứu huyền
thoại và các hệ thống triết học ngại giáo, Ngài biết tìm ra nguồn gốc các sai lầm
và bác bỏ các lạc thuyết pha trộn huyền thoại vào Kitô giáo. Tertulianô đã
tuyên nhận rằng không có ai nỗ lực tìm tòi hơn là thánh Irênê. Thánh Hiêrônimô,
nại đến thánh nhân để củng xố uy tín của mình. Ngài được coi như là ánh sáng
các vùng Gaules ở Phương Tây.
Năm
177, thánh Irenê được cử làm đại diện về Rôma, bên cạnh Đức giáo hoàng để thực
hiện một sứ mệnh tế nhị là dàn xếp ngày mừng lễ phục sinh
Trở
lại Lyon, thánh Irênê gặp lại một giáo đoàn côi cút. Marcô Aureliô vừa mới giết
hại các Kitô hữu. Đức cha Pothinô đã bị sát hại. Thánh Irenê được bầu lên kế vị.
Ngài trở thành thủ lãnh Giáo hội tại xứ Gaule, bận rộn với công việc rao giảng,
thánh nhân vẫn viết sách để chống đỡ chân lý. Ngài phải chiến đấu không ngừng,
bởi vì cuộc bách hại tưởng chấm dứt khi Marcô Aureliô qua đời, nhưng các lạc
giáo lại nổi lên chống phá Giáo hội.
Thánh
Irenê dùng hết tâm trí và đức tin chống lại các lạc thuyết nhưng vẫn yêu thương
những lẻ lầm lạc, Ngài cầu nguyện cho họ van nài họ trở về với Giáo hội thật:
-
"Hợp nhất với Chúa là sự sống và là Sự sống .... Khốn khổ cho ai lìa xa sự
hợp nhất ấy. Hình phạt đổ xuống họ không phải do Thiên Chúa mà do chính họ, vì
khi chọn quay mặt khỏi Thiên Chúa, họ đánh mất mọi tài sản".
Các
tác phẩm lừng danh Ngài đã soạn khiến cho Ngài đang được gọi là "Anh sáng
bên trời Tây".
Dưới
sự dẫn dắt của thánh Irênê, Lyon đã trở thành một trường dạy phụng sự Chúa đào
tạo nhà tri thức và có khả năng truyền giáo. Thế hệ đầu tiên của trường đã bảo
vệ đức tin tinh tuyền bằng những nghiên cứu và sách vở của họ. Thế hệ thứ hai
phổ biến Tin Mừng đến những miền khác.
Hoàng
đế Seltinô - Severô tái diễn cuộc bách hại. Ông gia hình cho đến chết những ai
kiên trì với đức tin. Lyon là thành phố diễn ra cuộc hãm xác tập thể các Kitô hữu
thật khủng khiếp. Máu chảy thành suối trên đường phố tiếp nối dòng máu các giám
mục tử đạo, thánh Irênê, cũng bị hạ sát với đàn chiên mình. Một tài liệu cố tìm
được cho thấy có đến 19 ngàn Kitô hữu cùng chịu khổ chịu chết vì đạo với Ngài.
(daminhvn.net)
28
Tháng Sáu
Ngợi Khen Con Người
Trong
tập thơ có tựa đề "Nhật ký", nữ thi sĩ công giáo Pháp là Marie Noel
đã tưởng tượng ra một mẩu chuyện như sau: Hôm đó là ngày cuối năm. Từ trên
Thiên Quốc nhìn xuống dương trần, Chúa thấy dân chúng đổ xô về một ngôi nhà thờ
đổ nát, không có chuông, cũng chẳng có tháp chuông. Vị linh mục già đành phải
khua mõ vào bất cứ đồ vật nào có thể gây ra tiếng vang để giục giã dân chúng đến
giáo đường đọc Kinh "Te Deum" ngợi khen Cúa nhân ngày cuối năm.
Trời
mưa lạnh như cắt. Vậy mà, từ khắp nơi trong xóm giáo, người ta vẫn đổ xô về
ngôi giáo đường. Chúa theo dõi từng cử động một của một người đàn bà đơn độc mà
ngôi nhà vừa bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn. Chúa lại nhìn thấy một thiếu
phụ mà cách đó không lâu bọn Ðức Quốc Xã đã tước đoạt mọi tài sản. Một người
đàn bà khác, mà chồng đã bị giết trước mắt, cũng lặng lẽ tiến đến nhà thờ. Có cả
thiếu phụ mất con mà người ta không tìm ra tung tích. Có cả người đàn ông mà vợ
và con bị chôn vùi dưới đống gạch vụn... Còn bao nhiêu người khốn khổ khác nữa.
Họ không biết đi đâu, họ không có gì để ăn bởi vì quân thù đã đốt phá và cướp
đi tất cả những lương thực dự trữ.
Vậy
mà những người khốn khổ ấy có mặt đày đủ trong ngôi giáo đường. Có một vài tiếng
khóc. Nhưng tất cả đều cất tiếng hát bài "Te Deum" ngợi khen Chúa
trong ngày cuối năm vì những ơn huệ Ngài ban trong năm qua.
Nhìn
thấy cảnh tượng ấy cũng như lắng nghe lời ca ngợi của những con người khốn khổ,
Thiên Chúa vô cùng cảm động. Ngài nói với các Thiên Thần như sau: "Quả thực,
quả thực, Ta bảo các ngươi: con người là loài thụ tạo thánh thiện. Các ngươi
hãy nhìn xuống đám người đáng thương kia. Cách đây 12 tháng, họ đã phó dâng cho
Ta cả năm để được hạnh phúc, an khang. Vậy mà tai ương và thảm sầu đã xảy đến với
họ... Họ đã kêu cầu bình an, nhưng chiến tranh đã đè bẹp họ. Họ đã xin lương thực
hằng ngày, nhưng họ chỉ toàn gặp là đói khát. Họ đã phó dâng cho ta gia đình,
người thân và tổ quốc của họ, nhưng tổ quốc, gia đình và người thân của họ lại
bị xâu xé trăm bề. Dĩ nhiên, Ta có những lý do riêng của Ta... Ta không thể
thanh tẩy thế giới mà không thể thử thách nó như thời Noe. Nhưng đây là công việc
của một Thiên Chúa, không ai có thể hiểu được việc Thiên Chúa làm. Nhưng con
người lại phải gánh chịu mọi sự. Vậy mà họ vẫn tiếp tục ngợi khen và cảm tạ Ta
cứ như Ta đã bảo vệ họ trong từng phút giây của cuộc sống họ... Quả thực, lòng
tin của họ lớn lao... Các ngươi có nghe họ hát "Thánh, thánh" với tất
cả trang trọng không? Hỡi các Thiên Thần và các Thánh, nào các ngươi hãy hát
lên một bài ca để tôn vinh những ai, mặc dù gặp gian lao khốn khó, vẫn lên tiếng
tôn vinh Ta".
Nói
xong, Thiên Chúa cùng với các thần thánh trên trời cất lên bài ca "Ngợi
khen con người".
Thiên
Chúa là Tình Yêu, Ngài không thể không say mê con người, Ngài không thể không
chung thủy với con người. Giữa muôn ngàn khó khăn của cuộc sống hiện tại và những
khắc khoải lo âu cho tương lai, chúng ta hãy tiếp tục dâng trọn niềm tín thác
cho Thiên Chúa.
Tin
tưởng ở tình yêu Thiên Chúa, chúng ta tin tưởng ở tình người. Tình người dù có
bội bạc, mỗi một con người, dù có đốn mạt, xấu xa đến đâu, cũng vẫn còn chất chứa
trong đáy thẳm tâm hồn mình vẻ đẹp cao vời phản ảnh chính tình yêu của Thiên
Chúa. Ðáp lại với những phản trắc lừa đảo, đáp lại với những thấp hèn đê tiện,
người có niềm tin nơi Thiên Chúa và tin ở tình người hãy giữ mãi nụ cười của cảm
thông, tha thứ và yêu thương.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét