Trang

Thứ Hai, 16 tháng 6, 2014

CHÚA LÀ THÀNH LŨY BẢO VỆ ĐỜI CON, CON KHIẾP GÌ AI NỮA?

CHÚA LÀ THÀNH LŨY BẢO VỆ ĐỜI CON, CON KHIẾP GÌ AI NỮA?

... Cha Anselm Gruen là đan sĩ Biển-đức người Đức thuộc đan viện Muensterschwarzach ở miền Nam nước Đức. Cha là Linh Mục trị liệu tâm linh và là vị đồng hành thiêng liêng vô cùng cao quý. Xin nhường lời cho Cha nói về quyền năng của Thánh Giá khắc trên người và trong tâm hồn các tín hữu Công Giáo.

Ngay từ thế kỷ thứ nhất các Kitô-hữu tiên khởi đã tự giới thiệu bằng Dấu Thánh Giá. Một vài Kitô-hữu còn đi đến chỗ xâm hình Thánh Giá trên trán. Ngày nay có những bạn trẻ xâm trên người những hình ảnh tiêu cực. Điều này không mấy tốt cho linh hồn của họ. Trong khi đối với các Kitô-hữu tiên khởi thì Thánh Giá là dấu chỉ bảo vệ chống lại sự dữ, một dấu chỉ mà Tình Yêu THIÊN CHÚA đã biến đổi tất cả trong họ.

Thánh Giá không phải chỉ là biểu tượng các đau khổ của Đức Chúa GIÊSU KITÔ mà còn hơn thế nữa, đối với các Kitô-hữu, Thánh Giá là công trình hoàn tất của Tình Yêu, như Phúc Âm theo thánh Gioan mô tả. Thánh Giá là dấu chứng Đức Chúa GIÊSU KITÔ yêu thương chúng ta cách toàn diện và trọn vẹn. Thánh Giá là dấu hiệu những mâu thuẫn chúng ta mang trong mình và làm cho chúng ta đau khổ. Khi tôi giơ tay làm Dấu Thánh Giá, tôi nhìn nhận rằng tất cả - không loại trừ - tất cả những gì chạm đến tôi đều bởi Tình Yêu THIÊN CHÚA. Qua Dấu Thánh Giá tôi bảo đảm cho mình cách cụ thể Tình Yêu THIÊN CHÚA. Tôi đặt trọn niềm tin tưởng nơi THIÊN CHÚA.

Dấu Thánh Giá lớn được vạch từ trán xuống bụng và từ vai trái sang vai phải. Tôi ghi Tình Yêu THIÊN CHÚA trên trán tôi hầu cho các tư tưởng của tôi không bị lạnh lùng và tính toán nhưng đong đầy tình yêu. Cái bụng biểu tượng cho sức sống và dục tình nên tôi cũng ghi khắc trên chúng Tình Yêu THIÊN CHÚA. Không gì trong tôi thoát khỏi cái tuôn đổ dồi dào Tình Yêu THIÊN CHÚA. Trong cử chỉ vạch hình Thánh Giá trên người, tôi diễn tả niềm hy vọng rằng Tình Yêu THIÊN CHÚA sẽ biến đổi ước muốn chiếm hữu thường len lỏi vào tình yêu, hầu cho tình yêu được thanh luyện. Vai trái chỉ vô thức và nữ tính trong tôi, trái tim, tòa tình yêu và trung tâm con người. Vai phải biểu tượng ý thức, nam tính và hành động. Qua Dấu Thánh Giá, tôi chúc lành cho mọi thành phần của cơ thể và linh hồn tôi. Phép Lành THIÊN CHÚA, mà Thánh Giá đã biểu lộ cách mạnh mẽ nhất, chạm đến trọn con người tôi: tư tưởng, sức sống, phái tính, vô thức và ý thức, bóng tối và ánh sáng. Khi trang trọng làm Dấu Thánh Giá tôi nhớ rằng mình được THIÊN CHÚA chúc lành. Tôi có thể tự chúc lành bởi vì THIÊN CHÚA đặt tôi dưới dấu hiệu phép lành của Người.

Vào cuối buổi cầu nguyện theo nền phụng vụ syriac, tôi vừa làm Dấu Thánh Giá vừa đọc lời kinh:
- Nhân danh CHA đã hình dung ra con và nhào nặn con; và Chúa CON đã xuống thế trong nhân bản con; và Chúa THÁNH THẦN đã biến đổi trái thành phải.

Qua Dấu Thánh Giá tôi kinh nghiệm về phép lành ban cho tôi trong vũ trụ, trong bản vị con người và trong sự cứu độ nơi Đức Chúa GIÊSU KITÔ. Tôi cảm nhận rằng tôi thông phần vào sự sống và Tình Yêu của THIÊN CHÚA Ba Ngôi. Giống như THIÊN CHÚA Ba Ngôi, trong tôi cũng có 3 lãnh vực mà THIÊN CHÚA muốn đầu tư: tinh thần, linh hồn và thân xác. Tôi cảm nhận THIÊN CHÚA như Người CHA đã dựng nên tôi và ban cho tôi một tinh thần sáng tạo hầu chính tôi cũng tham dự vào công cuộc tạo dựng. Tôi cảm nhận Chúa CON như Đấng từ trời xuống và đã tự hạ mình đến tận bụi đất để chữa lành tôi tại chỗ nào mỏng giòn nhất trong tôi. Dấu Thánh Giá thúc đẩy tôi hạ mình, với chính Đức Chúa GIÊSU KITÔ, xuống tận nơi sâu thẳm nhất của con người thấp hèn tôi, nơi pha trộn khích động và ước muốn. Chỉ từ đó bên phía khích động mới được biến đổi. Và tôi cảm nhận Chúa THÁNH THẦN như Đấng tái hiệp nhất những gì chia lìa và xé rách trong tôi, Đấng tái nối liền con tim và hành động, vô thức với ý thức, nam tính với nữ tính, sức mạnh với sự yếu ớt, thành công với thất bại. Chúa THÁNH THẦN ban cho tôi sức mạnh chấp nhận trọn con người tôi, không vứt bỏ loại trừ gì hết.

Trong Phụng Vụ, chúng ta dùng một thể thức khác của Dấu Thánh Giá. Với ngón tay cái, tôi vạch hình Thánh Giá trên trán tôi, trên miệng tôi và trên ngực tôi. Như thế tôi diễn tả rằng Lời Chúa trở thành Phúc Lành cho tư tưởng tôi, cho nó thấm nhập vào lời nói của riêng tôi và cho nó len vào tận nơi sâu kín nhất của trái tim tôi. Khi người này chúc lành cho người kia thì thông thường nhất là họ vạch hình Thánh Giá trên trán của người kia.

Theo thói quen vẫn còn diễn ra ngày nay là trong nhiều gia đình Công Giáo người ta vạch hình Thánh Giá trên bánh mì trước cắt bánh mì. Trong thời Giáo Hội sơ khai, các tín hữu thường vạch hình Thánh Giá trên các đồ vật và dụng cụ quan trọng nhất. Cách thức thông thường nhất để chúc lành trong phụng vụ là làm dấu Thánh Giá. Khi vị Linh Mục ban phép lành vào cuối Thánh Lễ thì ngài dùng tay ngài vạch hình Thánh Giá trên các tín hữu.

... ”Chúa là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào? Chúa là thành lũy bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa? Khi ác nhân xông vào, định nuốt sống thân tôi, ai ngờ chính đối phương, chính những thù địch ấy, lại lảo đảo té nhào. Dù cả một đạo quân vây đánh, lòng tôi chẳng sợ gì. Dù có phải lâm vào chiến trận, lòng tôi vẫn cứ cậy tin. Một điều tôi kiếm tôi xin, là luôn được ở trong đền Chúa tôi mọi ngày trong suốt cuộc đời, để chiêm ngưỡng Chúa tuyệt vời cao sang, ngắm xem thánh điện huy hoàng. Ngày tôi gặp tai ương hoạn nạn, Người che chở tôi trong lều thánh, đem giấu tôi thật kín trong nhà, đặt an toàn trên tảng đá cao. Nên giờ đây tôi ngẩng đầu đắc ý, nhìn quân thù vây bủa chung quanh. Tôi sẽ dâng lễ tế trong thánh điện, lễ tạ ơn, nhã nhạc vang lừng, tôi sẽ đàn ca mừng kính Chúa. Lạy Chúa, cúi xin Ngài nghe tiếng con kêu, xin thương tình đáp lại. Nghĩ về Ngài, lòng con tự nhủ: hãy tìm kiếm Thánh Nhan. Lạy Chúa, con tìm thánh nhan Ngài, xin Ngài đừng ẩn mặt. Tôi tớ Ngài đây, xin đừng giận mà ruồng rẫy, chính Ngài là Đấng phù trợ con. Xin chớ bỏ rơi, xin đừng xua đuổi, lạy THIÊN CHÚA, Đấng Cứu Độ con. Dầu cha mẹ có bỏ con đi nữa, thì hãy còn có Chúa đón nhận con” (Thánh Vịnh 27(26),1-10)

(Anselm Gruen, ”Vous êtes une bénédiction”, Éditions Salvator, Paris 2006, pour la traduction française, trang 77-81)

Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét