Trang

Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

06-07-2014 :(phần II) CHÚA NHẬT XIV MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

06/07/2014
Chúa Nhật 14 Quanh Năm Năm A
(phần II)


GIÁO LÝ PHÚC ÂM CN 14 TN.A
CHÚA NHẬT XIV QUANH NĂM A
Sách Ngôn Sứ Giacaria 9.9-10; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Rôma 8.9.11-13
và Phúc Âm Thánh Matthêô 11.25-30

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Không có một thông thái nào có thể thấu triệt Thiên Chúa. Nhận biết Chúa là ơn mạc khải.
Ơn mạc khải để nhận biết Chúa chỉ ban cho những người khiêm nhường, biết mình nhỏ bé không thấu triệt được Thiên Chúa càn khôn.
Không ai biết Thiên Chúa Cha trừ Chúa Con. Không ai biết Chúa Con trừ Chúa Cha. Nhận biết Thiên Chúa là qua ơn Chúa mạc khải tức Chúa làm cho người ta biết Chúa. Con người không có khả năng tự biết Chúa.
Không ai là thầy dạy người khác trừ ra Chúa. Vì Chúa hiền lành và khiêm nhượng trong lòng. Hiền lành và khiêm nhượng để đón nhận ơn mạc khải Chúa ban. Chỉ biết Chúa nếu khiêm nhường và chỉ thật sự hiền lành và khiêm nhường nếu biết học nơi Chúa.

II.        Vấn nạn P.Â.    

Bài Phúc Âm ngắn, chứa ba ý chính nhưng xem chừng kém mạch lạc?
Đúng! Bài Phúc Âm ngắn và có ba ý chính như sau:
Con người không có khả năng hiểu biết Thiên Chúa. Con người biết Chúa là do ơn mạc khải. Chúa chỉ mạc khải cho người nhỏ bé tức khiêm tốn tự hạ.
Không ai biết Thiên Chúa cho bằng Chúa Con, là Thiên Chúa. Cũng không ai biết Chúa Con cho bằng Thiên Chúa Cha, vì đồng bản thể. Không thể biết Chúa nếu không qua Chúa.
Người khiêm nhường có khả năng đón nhận ơn mạc khải để nhận ra Chúa. Không ai có thể dạy sống khiêm nhường cho bằng Chúa Giêsu vì không ai khiêm nhường cho bằng “Người đã huỷ mình đi, lãnh lấy thân phận tôi đòi… đem thân đội lốt người phàm. Ngài đã hạ mình thấp hèn, trở thành vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá” (Thư Thánh Phaolô gửi Giáo đoàn Philipphê 2.7-8)
Ba ý chính vừa nêu trên xem chừng kém mạch lạc?
Không! Trái lại rất mạch lạc trong lý luận thần học Kinh Thánh:
Con người chỉ có thể nhận ra Chúa, nếu biết trở thành nhỏ bé và khiêm tốn. Không ai có thể dạy bài học khiêm tốn hay và thiết thực cho bằng Chúa Giêsu,Con Thiên Chúa, người nhận biết Thiên Chúa Cha tường tận vì đồng bản tính với Thiên Chúa Cha, nhưng lại tự hạ và vâng lời cho đến chết trên thập giá!

            Thiên Chúa không là đối tượng của tri thức hay trí thông minh nhưng là Thiên Chúa mạc khải.
            Thiên Chúa mạc khải chính mình qua công trình sáng tạo vạn vật vũ trụ. Thánh Tôma Aquinô ghi lại: “Thiên Chúa  là bậc Thầy tuyệt hảo, Ngài đã để lại cho chúng ta hai tác phẩm siêu việt, để giúp chúng ta học hỏi một cách chu đáo. Đó là sách tạo vật và sách Kinh Thánh. Có bao nhiêu tạo vật trong vũ trụ này là có bấy nhiêu chương tuyệt mỹ trong cuốn sách thứ nhất đó. Cuốn sách tạo vật đã dậy cho chúng ta sự thật mà không pha trộn  vào đó một sự giả dối nào cả. Vì thế khi có người đến hỏi nhà hiền triết Aristốt rằng ông đã học ở đâu mà có được những tư tưởng trung thực và cao đẹp như vậy. Ông ta trả lời: “Tôi đã học từ các tạo vật, bởi vì các tạo vật không bao giờ nói dối”.
            Người khiêm tốn nhìn ngắm vũ trụ vạn vật và nhận ra kỳ công tuyệt hảo và quyền năng của Thiên chúa, Đấng hoá công. Tuy nhiên, có người không những ngắm mà còn bay vào vũ trụ nhưng vẫn tuyên bố “tôi chả thấy Thiên Chúa trên nầy!” Đó là phi hành gia Liên Số, Yuri Alekseievich Gagarin (19341968) được ghi nhận là người đầu tiên trên thế giới thực hiện chuyến bay vào vũ trụ ngày 12 tháng 4 năm 1961 trên tàu vũ trụ Phương Đông.
            Nhưng rồi Ông đã phải thấy Thiên Chúa do tai nạn máy bay bị nổ tung vào ngày 27 tháng 3 năm1968 vào lúc 10 giờ 31 phút sáng trong khu vực làng Novosjolovo cách thị trấn Kirzhach, tỉnh Vladimir 18 kmCho đến nay không ai rõ nguyên nhân tại sao máy bay Ông bị nổ tung? Đây là một mạc khải Thiên chúa dành cho người chối bỏ Ngài chăng?

            Thiên Chúa mạc khải chính mình cho các tổ phụ và cho các tiên tri được ghi lại torng Kinh Thánh.
            Thiên Chúa tuyển chọn ông Abraham và Thiên Chúa lập Giao ước với ông.
           Thiên Chúa bước vào lịch sử con người khi gọi ông Abraham, tổ phụ dân Do Thái vào khoảng năm 1900 TCN. Thiên Chúa đã đổi tên ông từ Abram thành Abraham và đã hứa với ông hai điều quan trọng:đất đai và dòng dõi (x.St 12,1-3 ; GLHTCG số 59).
            Khi ông Abraham xin một dấu chỉ giao ước,Thiên Chúa nói với ông xẻ đôi nhiều con vật và đặt nửa này đối diện với nửa kia (x.St 15,8tt). Việc Thiên Chúa ký kết giao ước với ông Abraham được mô tả trong sách Sáng Thế 17,1-12.

            Thiên Chúa kêu gọi ông Môsê
            Ông Môsê là người lãnh đạo vĩ đại được Thiên Chúa chọn để dẫn dân Ngài ra khỏi Ai Cập.Thiên Chúa đã chọn ông và mạc khải cho ông biết Ngài là Thiên Chúa hằng sống,Thiên Chúa của các tổ phụ ông là Abraham,Isaac và Giacob (x.Xh 3,5-6).Rồi Thiên Chúa đã trao cho ông sứ mạng dẫn dân Ngài ra khỏi Ai Cập (x.Xh 3,15-17).
            Thiên Chúa mạc khải chính mình qua Chúa Giêsu:Thiên Chúa làm người và ở giữa chúng ta. Chúng ta có thể tìm thấy nhiều đoạn Kinh Thánh Tân Ước cho thấy Chúa Giêsu và Thiên Chúa Cha là một. Chúa Giêsu đến để thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha. Ai Thấy Thầy là thấy Cha.
            Thiên Chúa mạc khải chính mình trong Giáo Hội qua vai trò tiên tri, vương đế và tư tế. Chúa thành lập Giáo Hội và chúng ta trở thành những phần tử trong thân thể nhiệm mầu của Chúa. Chúng ta thành con Chúa. Chúng ta được nuôi sống. Chúng ta được thừa hưởng gia nghiệp nước trời qua việc thi hành sứ mạng mà Chúa trao cho Giáo Hội. 
            Thiên Chúa mạc khải chính mình qua những biến cố cuộc đời. Con người được xuất sinh từ Chúa và qui hường về Chúa. Tất cả những diễn biến trong đời người là những mạc khải về Thiên chúa cho chúng ta. Biết khiêm tốn lắng nghe sẽ nhận ra sự hướng dẫn của Chúa. Theo sự hướng dẫn của Chúa sẽ tìm thấy Chúa là cùng đích của đời người.
Thế nào là hiền lành và khiêm nhượng trong lòng?
            Tôi ngại đưa ra một định nghĩa, chỉ xin đan cử vài thực hành cá nhân và để mỗi người tìm cho mình một định nghĩa thiết thực về hiền lành và khiêm nhượng trong lòng.

            Đọc Kinh Thánh hằng ngàyAugustinô là một thanh niên có tư chất thông minh nhưng lỡ đi lạc đường. Về phương diện trí thức, Augustinô ỷ mình thông thái, dùng kiến thức của mình để truy tìm những học thuyết uyên bác. Kết quả là lạc vào bè rối Manikê. Về phương diện luân lý, Augustinô sống buông thả theo những đòi hỏi của xác thịt, kết quả là một cuộc sống tội lỗi. Thế rồi một hôm, trong lúc tâm hồn đang trống rỗng, vô vị, Augustinô bỗng nghe một tiếng nói từ đâu đó vang lên: “Tolle et lege” (Hãy cầm lấy và đọc). Augustinô thấy trước mặt một cuốn Kinh Thánh, Ngài cầm lên, mở ra và gặp ngay đoạn thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Đừng sống theo xác thịt nữa, mà hãy sống theo Thánh Thần”.
Cuộc hoán cải của Augustinô đã được dọn đường nhờ sự cầu nguyện và hãm mình của mẹ Ngài là thánh Monica, nhưng chính câu Thánh kinh này là yếu tố quyết định thay đổi cuộc đời Thánh nhân. Trở nên một giáo phụ, một triết gia, một thần học gia, một vị thánh lỗi lạc, rất mực thánh thiện của Giáo hội, Augustinô nhờ việc học hỏi về Chúa Giêsu qua Thánh kinh.

Nói ít! Suy tư nhiều! và viết ra những gì mình suy nghĩ. Nếu phải đi tu dòng chiêm niệm, chắc tôi không chấp nhận qui luật giữ thinh lặng được. Tôi nói hơi nhiều! Nói nhiều! Không là tội, nhưng dễ phô trương và cũng dễ nói sai. Nên người hiền lành và khiêm nhường là người ít nói và suy tư nhiều. Viết ra những gì mình suy tư. Nhiều khi nói huyên thuyên mà không viết nỗi một trang giấy những gì cần viết. Đó là dấu hiệu của nông cạn và ít có chiều sâu lắng đọng.

Không cãi cọ và tranh chấp hơn thua. Tất cả rồi sẽ thành hư không vô ích! Nhiều người có tính hay lý sự nhiều lời và cãi bướng. Đó là phản ứng của người thích hơn thua. Thường những bậc đáng kính hay người có địa vị trong xã hội không có lý sự hay cãi cọ tranh chấp lớn tiếng với người khác. Cãi cọ hay tranh chấp thường đễ gây xúc phạm hay hạ giá người khác.

III.            Thực hành P.Â.:
“Dạ, nhờ ơn Chúa, con xin hứa”
Đây là lời hứa sau cùng của ứng viên chức linh mục trả lời Đức Giám  Mục khi Ngài hỏi: Con có hứa giữ luật độc thân linh mục và đời sống khiết tịnh tuyệt đối vì Nước Trời cho đến suốt đời không?
Ứng viên sắp chịu chức linh mục thưa:
Dạ, nhờ ơn Chúa, con xin hứa!”
Những câu chất vấn khác của Đức Giám Mục về đức tin, về đức vâng lời, về lòng nhiệt thành rao truyền chân lý Tin Mừng, về sự hiệp thông trong Giáo Hội… đều chỉ được trả lời: Dạ con xin hứa. Riêng câu chất vấn về đời sống độc thân linh mục thì ứng viên phải trả lời: Dạ, nhờ ơn Chúa, con xin hứa.
Điều đó cho thấy khoản Giáo Luật 277 thật chí lý khi xác định: “Vì vậy, họ phải sống bậc độc thân là một hồng ân riêng của Thiên chúa”
Từ xưa cho đến nay, bất cứ linh mục nào cũng nhìn nhận như tôi rằng: Nếu linh mục còn giữ được luật độc thân linh mục và sống đức khiết tịnh hoàn hảo là “nhờ ơn Chúa!” Không có Thầy, chúng con không làm được gì. Hay nói khác đi, không có Chúa, linh mục không thể nào giữ được luật độc thân và khiết tịnh.
Ai cũng nhìn thấy nhan nhãn trước mắt nhiều linh mục đã bỏ đời sống linh mục để lập gia đình. Theo chỉ thị của Đức Cha, tôi cũng đang hoàn tất thủ tục theo chỉ dẫn của bộ giáo sĩ để xin cho một linh mục trong địa phận mình được hồi tục. Vì cha ấy đã rời bỏ giáo xứ 7 năm qua, đang chung sống với một người đàn bà và đã có hai con.
Quá trình điều tra cho tôi một đánh giá về anh em linh mục nầy: Ngài chịu chức lúc mới 26 tuổi, có nhiều khả năng nổi bậc về giảng dạy và sinh hoạt với giới trẻ. Ngài rất được giáo dân tán thưởng về việc cởi mở và gần gũi với mọi người. Tôi đã thầm cảm phục Ngài lúc đó.
Tuy nhiên khi xem xét những đồ vật cá nhân Ngài bỏ lại nhà xứ, tôi thấy có hai quyển sách nguyện trong bộ 4 quyển còn mới nguyên, dường như chưa một lần mở ra, những dây ngăn sách vẫn còn nằm chung một chỗ. Không dám quả quyết 100%, nhưng điều đó cho thấy, vị linh mục trẻ nầy đã không đọc kinh thần vụ thường xuyên hay chỉ đọc thỉnh thoảng.
Không đọc kinh thần vụ hay ít đọc kinh và làm những chuyện đạo đức cá nhân thì làm sao liên kết được với Chúa là Đấng Thánh, là Đấng mà vì Ngài và nhờ Ngài mà linh mục có thể giữ luật độc thân và khiết tịnh cho đến mãn đời? Tôi kết luận cho bản thân mình: Không nhờ Chúa, không cầu xin Chúa, linh mục không có thể sống luật độc thân hay khiết tịnh.
Đời sống gia đình cũng phải giữ luật khiết tịnh: sinh hoạt vợ chồng chỉ giới hạn với người chồng và vợ mình thôi. Điều nầy cũng không dễ và không giữ được nếu không “nhờ ơn Chúa!”
Không có Thầy chúng con không làm được gì! Chúa cho con biết Chúa và sống trung thành với Chúa.

Thế nằm: khiêm tốn – đón nhận và tích tụ
Ai cũng cảm động khi thấy ứng viên Phó Tế hay ứng viện linh mục nằm phủ phục trong suốt kinh cầu các Thánh. Tại sao nằm?
Không có cử chỉ nào bày tỏ sự khiêm tốn và giới hạn của mình cho bằng người nằm úp mặt sát đất. Không ai có thể nghe thấy và nhận lãnh sự vụ trao ban trọn vẹn cho bằng người nằm phủ phục trong im lặng. Không ai thành dễ thương và đáng ban ơn chúc phúc cho bằng người nằm phủ phục và im lặng. Người chết là người nằm im lìm và trao ban trọn vẹn: Không còn đòi hỏi hay yêu sách gì.
 Lm. Phêrô TRẦN ĐẮC TUYÊN


Mạc khải cho kẻ bé mọn

Bài Phúc Âm của Chúa nhật XIV Mùa thường niên hôm nay được trích trong một đoạn văn hay nhất của thánh Matthêu, người ta gọi đoạn văn này là “Hạt Ngọc Quý Nhất” của Thánh Matthêu. Dòng tư tưởng của đoạn Phúc Âm này thật cao siêu và êm dịu, chúng ta thấy ngay về sự bay bổng và suy tư về Nước Trời. Có lẽ lời cầu nguyện này được thốt ra khi Chúa Giêsu nghe các Tông đồ đi truyền giáo trở về và kể lại cho Chúa các điều họ đã thực hiện, các mối liên lạc giữa Chúa và Chúa Cha về sứ mệnh cứu rỗi làm trung gian, và mời gọi mọi người đến với Ngài. Điều ấy là các mầu nhiệm Nước Trời.
Thánh Phaolô đã cảm nghiệm được mạc khải này cho chính mình và cho các Tông đồ: “Hết thảy những ai khó nhọc và gánh nặng…” Theo mạch văn và ý muốn của Chúa mà chúng ta hiểu, đây là những người Do thái đang bị đè nặng bởi lề luật và các truyền thống của những biệt phái. Chúa Giêsu đã giải thoát họ khỏi ách lề luật và đem họ đến chỗ thảnh thơi. Vì từ nay những ai đến với Chúa phải đến với tất cả tâm hồn, phải được ghi khắc lề luật mới là luật của Thánh Thần ở bên trong và tự nguyện.
Đoạn văn này rất súc tích tư tưởng, không bao giờ khám phá ra hết, song ít ra chúng ta có thể nhận thấy chính những tư tưởng sau:
Trước hết là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu chúc tụng Cha Ngài trên trời vì đã mạc khải những điều này cho các trẻ nhỏ, mà lại không cho những kẻ thông thái và quân tử biết. Những nhà thông thái tự cao tự đại thường cho rằng mình biết tất cả. Lòng tự ái tự cao làm cho họ không nhận ra Lời Chúa, còn những bậc quân tử thì lại tự mãn về lối sống của mình, tự cho mình là chân chính và không cần đến sự giúp đỡ của Thiên Chúa, không cần ơn cứu rỗi của Ngài. Trái lại những kẻ bé mọn lại biết rằng mình dốt nát trước sự cao cả của Thiên Chúa, họ thấy mình bé nhỏ khốn nạn, và sẵn sàng đón nhận với lòng biết ơn về những hồng ân của Thiên Chúa, sẵn sàng đón nhận ơn cứu rỗi, cảm thấy cần Chúa: “Chúa hạ người quyền hành xuống khỏi vị cao và nâng người hèn mọn lên”.
Chúa Giêsu tự mạc khải Ngài: “Sự thực đã được Cha trao phó cho Ta và không ai biết Cha trừ ra Ta, và cũng không ai biết Ta trừ ra Cha” (Mt 11,27). Lời đó mạc khải về Chúa Giêsu, Ngài đồng bản tính với Thiên Chúa Cha. Một mình Cha biết đầy đủ về Con, vì Cha đã sinh ra Con trong trí và do sự hoàn toàn sung mãn của Ngài. Và chỉ có Con mới biết đầy đủ về Cha và hình ảnh của Con là sự trung thực nhất, là tư tưởng, ý nghĩ của Cha. Chỉ có Thiên Chúa mới hiểu biết Thiên Chúa, chỉ có Thiên Chúa mới hiểu biết đầy đủ về Thiên Chúa. Đây là một mạc khải vô cùng quí báu cho chúng ta. Chúa Giêsu sống giữa chúng ta, song không phải hoàn toàn như chúng ta: “Mọi sự đã được Chúa Cha trao, không ai biết Con trừ ra Cha, và kẻ nào Con muốn mạc khải cho”.
Một tư tưởng nữa của Phúc Âm hôm nay đó là lời kêu gọi những kẻ đói khát, những ai mệt nhọc hãy đến với Ngài: “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những kẻ khó nhọc gánh nặng, Ta sẽ bổ sức lại cho”.
Lời kêu gọi đầy lòng nhân hậu và giàu lòng thương xót mà Chúa hứa cho những ai đói khát, những ai mệt nhọc, Chúa sẽ nâng đỡ và Chúa luôn luôn trung thành giữ lời hứa của Ngài. Qua mọi thời đại, tất cả những ai đói khát công chính đều no nê, những ai nặng trĩu tội lỗi đến với Ngài đều được nhẹ nhõm, được bổ sức và được tha thứ. Chỉ có Chúa Giêsu mới nói được: “Tội con đã được tha thứ” (Mt 9,2), và chỉ có Chúa Giêsu mới nói được: “Đừng sợ, Ta đã thắng thế gian”, (Ga 16,33) và “Ách Ta thì êm ái, gánh Ta thì nhẹ nhàng”, (Mt 11,30).
Chúng ta hết thảy đều phải mang gánh nặng và vất vả, nhưng ở đây chúng ta không có ý nói đến những gánh nặng bên ngoài đè trên vai của mình. Như khốn nỗi, chính trong lãnh vực của tâem linh, thường thì chúng ta cũng phải vất vả nặng nề, xác thịt đè nặng, các ham muốn của tình dục, nhiều tật xấu nào đó kìm hãm tinh thần con người, và sức nặng nào đó đã cản trở con người cũ, không chịu buông tha cuộc đời chúng ta để chúng ta được đi theo Chúa một cách an vui.
Hôm nay Chúa Giêsu kêu gọi chúng ta hãy đến với Ngài, Ngài muốn cất gánh nặng đi cho chúng ta. Đúng hơn, Ngài muốn đặt trên vai chúng ta một ách khác êm ái hơn, Ngài đến để phục hồi con người vất vả của chúng ta. Chính Ngài đã nói: “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy thụ giáo với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và các ngươi sẽ tìm ra được sự nghỉ ngơi cho tâm hồn”. (Mt 11, 29-30).
Vậy chúng ta hãy năng chạy đến với Chúa, để tìm được nguồn an vui và sự bình an trong tâm hồn. Amen.
 R. Veritas
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Lectio Divina: Chúa Nhật XIV Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 6 Tháng 7, 2014
Tin Mừng về Nước Trời được mặc khải cho những kẻ bé mọn
Phúc Âm phản ảnh và giải thích những gì đang xảy ra hôm nay 
Mt 11:25-30


1.  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy sai Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh với cùng tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng của Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Người.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại.

Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen.

 2.  Bài Đọc

a)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc:
Khi Chúa Giêsu nhận ra rằng những kẻ bé mọn đã hiểu thấu Tin Mừng về Nước Trời, Người rất vui mừng.  Cùng một lúc, Người hướng về Chúa Cha với lời cầu nguyện tạ ơn và mở rộng lời mời quảng đại đến tất cả những ai đang đau khổ và bị áp bức bởi gánh nặng của cuộc sống.  Đoạn Tin Mừng mặc khải về lòng nhân ái của Chúa Giêsu trong việc chào đón những kẻ bé mọn và sự tốt lành của Người trong việc hiến mình cho người nghèo khổ như là nguồn mạch cho sự nghỉ ngơi và bình an.  

b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:
Mt 11:25-26:  Lời cầu nguyện tạ ơn dâng lên Chúa Cha
Mt 11:27:  Chúa Giêsu giới thiệu mình như là đường dẫn đến Chúa Cha
Mt 11:28-30:  Lời mời đến tất cả những ai đau khổ và bị áp bức

c)  Phúc Âm:  
25-26:  Khi ấy, Chúa Giêsu lên tiếng nói rằng:  “Lạy Cha là Chúa trời đất.  Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn.  Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.
27:  Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta.  Và không ai biết Con, trừ ra Cha.  Và cũng không ai biết Cha, trừ ra con, và kẻ Con muốn mặc khải cho.”
28-30:  “Tất cả hãy đến với Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng.  Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi.  Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an.  Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.”  

3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.

4.  Một vài câu hỏi gợi ý:

Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân.

a)  Phần nào trong đoạn Tin Mừng tạo sự chú ý cho tôi nhất và phần nào tôi thích nhất? 
b)  Trong đoạn đầu (các câu 25-27), Chúa Giêsu hướng về Chúa Cha.  Chúa Giêsu mặc khải hình ảnh gì của Chúa Cha trong lời cầu nguyện của Người?  Tôi có hình ảnh gì về Thiên Chúa?  Khi nào tôi cầu nguyện cùng Chúa Cha và cầu nguyện ra sao?           
c)  Chúa Giêsu hướng về những người nào trong phần thứ hai (các câu 28-30)?  Gánh nặng lớn nhất mà người thời bấy giờ phải mang là việc gì?  Điều gì được xem là ách nặng nề nhất ngày nay?
d)  Gánh nặng nào đang an ủi cho tôi?
e)  Làm thế nào mà Lời của Chúa Giêsu có thể giúp cho cộng đoàn chúng ta là một nơi nghỉ ngơi trong đời sống của chúng ta?
f)  Chúa Giêsu giới thiệu mình như là Đấng mặc khải về Chúa Cha và như là đường dẫn đến Người. Chúa Giêsu là ai đối với tôi?

5.  Chìa khóa của bài đọc

Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.

a)  Bối cảnh văn học Lời của Chúa Giêsu:  các chương 10-12 của Tin Mừng Mátthêu.

*  Trong Tin Mừng theo thánh Mátthêu, bài giảng về Sứ Vụ chiếm toàn bộ chương 10.  Trong lời dẫn giải sau ở các chương 11 và 12, nơi chúng ta thấy phần mô tả về cách thức Chúa Giêsu hoàn thành Sứ Vụ, Chúa Giêsu phải đối diện với sự thiếu cảm thông và chống đối.  Gioan Tẩy Giả, người đã nhìn Chúa Giêsu với con mắt quá khứ, không thể hiểu được Người (Mt 11:1-15).  Đám đông dân chúng, những người nhìn Chúa Giêsu với con mắt tư lợi, đã không có khả năng để hiểu Người (Mt 11:16-19).  Các thành phố lớn xung quanh hồ, đã được nghe lời rao giảng và chứng kiến các phép lạ, không mở lòng để đón nhận lời Người (Mt 11:20-24).  Các luật sĩ và những kinh sư, xét đoán mọi việc theo sự hiểu biết của họ, đã không có khả năng để hiểu thấu những lời của Chúa Giêsu (Mt 11:25-30).  Ngay cả gia đình thân thích của Người cũng không hiểu Người (Mt 12:46-50).  Chỉ có những kẻ bé mọn hiểu Người và chấp nhận Tin Mừng Nước Trời (Mt 11:25-30).  Những kẻ khác tìm kiếm hy lễ, nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn lòng thương xót (Mt 12:7).  Việc chống đối lại Chúa Giêsu đưa đến việc những người Biệt Phái muốn giết Chúa (Mt 12:9-14).  Họ gán cho Người là quỷ vương Bê-en-giê-bun (Mt 12:22-32).  Nhưng Chúa Giêsu không chùn bước; Người tiếp tục sứ vụ Người Tôi Trung của mình như được ghi trong sách tiên tri Isaia (Is 42:1-4) và được trích dẫn toàn bộ bởi thánh sử Mátthêu (12:15-21).   

*  Vì thế bối cảnh trong các chương 10-12 đề nghị rằng việc chấp nhận Tin Mừng bởi những kẻ bé mọnlàm viên mãn lời của ngôn sứ Isaia.  Chúa Giêsu là Đấng Mêssia đang được mong đợi, nhưng Người không giống như đa số người ta mong muốn.  Chúa không phải là một Đấng Mêssia yêu  nước vinh quang, Người cũng phải là một phán quan nghiêm ngặt, hay là một vì vua Mêssia đầy quyền uy.  Người là Đấng Cứu Thế khiêm nhu, là người tôi trung “người không đành bẻ gẫy cây lau bị giập, cũng chẳng nỡ tắt đi tim đèn leo lét” (Mt 12:20).  Người sẽ chiến đấu cho đến khi công lý và sự công chính toàn thắng trên thế gian (Mt 12:18, 20-21).  Việc chấp nhận Nước Trời bởi những kẻ bé mọn là ánh sáng chiếu giãi (Mt 5:14) là muối ướp (Mt 5:13) và hạt cải (khi phát triển đầy đủ) sẽ dọn chỗ cho các loài chim trời đến làm tổ trên các cành cây của nó (Mt 13:31-32).

b)  Lời bình giải ngắn về Lời của Chúa Giêsu: 


*  Mt 11:25-26:  Chỉ có những kẻ bé mọn mới có thể hiểu thấu và chấp nhận Tin Mừng Nước Trời.
Chúa Giêsu lấy làm vui mừng khi những kẻ bé mọn đón nhận thông điệp Nước Trời, và cùng lúc, Người chuyển niềm vui mừng của mình thành lời cầu nguyện hân hoan và tạ ơn lên Chúa Cha:  “Lạy Cha là chúa tể trời đất, con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mặc khải cho những kẻ bé mọn.  Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy.” Những người  hiền triết và thông thái thời bấy giờ đã dựng lên một loạt các lề luật liên quan đến luật thanh tẩy, họ nhân danh Thiên Chúa mà áp đặt lên trên người dân (Mt 15:1-9).  Họ nghĩ rằng Thiên Chúa đòi hỏi mọi sự tuân giữ tỉ mỉ, để người dân có thể có được sự bình an.  Nhưng lề luật yêu thương, được mặc khải bởi Chúa Giêsu, lại nói khác.  Trong thực tế, điều đáng nói không phải là chúng ta đã làm gì cho Thiên Chúa, nhưng đúng hơn là Thiên Chúa, trong tình yêu thương cao cả của Người, làm gì cho chúng ta.  Những kẻ bé mọn đã nghe được Tin Mừng này và mừng rỡ.  Những người thông thái và tiến sĩ không thể hiểu được giáo lý này.  Ngày nay, cũng như thời ấy, Chúa Giêsu đang giảng dạy nhiều điều cho những người nghèo khó và những kẻ bé mọn.  Những người uyên bác và thông minh may ra có thể tìm hiểu được ở dưới chân của những kẻ bé mọn.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện rất nhiều!  Người cầu nguyện với các môn đệ của mình, Người cầu nguyện với dân chúng, Người cầu nguyện một mình.  Người đã cầu nguyện suốt cả đêm.  Chúa đã sắp xếp để bày tỏ sứ điệp của Người có chứa bảy điều đáng lưu tâm trong một lời cầu nguyện, đó là, Kinh Lạy Cha.  Thỉnh thoảng, như trong trường hợp này, các sách Tin Mừng cho chúng ta biết nội dung lời cầu nguyện của Chúa Giêsu (Mt 11:25-26; 26:39; Ga 11:41-42; 17:1-26).  Vào những lúc khác, chúng cho chúng ta biết Chúa Giêsu đã dùng các Thánh Vịnh để cầu nguyện (Mt 26:30; 27:46).  Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, các sách này chỉ nói là Chúa Giêsu đã cầu nguyện.  Ngày nay, những nhóm cầu nguyện ngày càng gia tăng ở khắp mọi nơi. 
Trong Tin Mừng theo Mátthêu, chữ những kẻ bé mọn (elakistoi, mikroi, nepioi) đôi khi được dùng để chỉ các trẻ nhỏ và đôi khi để chỉ nhóm người bị xã hội hắt hủi.  Không dễ mà phân biệt được khi nào.  Có lúc, một sách Tin Mừng này viết những kẻ bé mọn, trong khi ấy sách Tin Mừng khác lại gọi là các trẻ nhỏ.  Ngoài ra, cũng không dễ mà phân biệt được điều gì xuất phát từ thời của Chúa Giêsu với điều gì xuất phát vào thời các cộng đoàn mà những sách Phúc Âm đã được viết.  Dù sao chăng nữa, điều rõ ràng là bối cảnh của sự hắt hủi chiếm ưu thế lúc ấy và hình ảnh của Chúa Giêsu như Đấng đã chào đónnhững kẻ bé mọn mà các cộng đoàn tiên khởi đã có về Người.

*  Mt 11:27:  Nguồn gốc của Lề Luật Mới:  Chúa Con là Đấng biết Chúa Cha
Đức Giêsu, là Chúa Con, biết Chúa Cha và biết Chúa Cha muốn điều gì, khi nào, trong quá khứ, Người đã chọn ông Abraham và bà Sara để tạo thành một dân riêng hoặc khi Người trao phó Lề Luật cho ông Môisen để lập nên một giao ước.  Với kinh nghiệm về Thiên Chúa là Chúa Cha đã giúp cho Chúa Giêsu nhận thức được những sự việc trong một chiều hướng mới mẻ về những gì Thiên Chúa đã nói trong quá khứ.  Điều đó đã giúp Người nhận ra được những sai sót và giới hạn, nơi mà Tin Mừng của Thiên Chúa đã bị giam hãm bởi tư tưởng thống trị.  Sự thân thiết của Người với Chúa Cha đã cho Người một tiêu chuẩn mới đặt Người tiếp xúc trực tiếp với tác giả của Kinh Thánh.  Chúa Giêsu đã không đi từ bài viết tới căn nguyên, mà từ căn nguyên tới bài viết.  Người tìm kiếm ý nghĩa tại chính nguồn gốc của nó.  Để hiểu được ý nghĩa của một bài viết, điều quan trọng là nghiên cứu những lời hàm chứa trong nó.  Nhưng tình bằng hữu của Chúa Giêsu với tác giả của bài viết đã giúp tác giả khám phá ra một khía cạnh sâu xa hơn trong những lời ấy, điều mà nếu chỉ nghiên cứu suông thi sẽ không thể thấy được.
   
*  Mt 11:28-30
Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai đang mệt mỏi và hứa cho họ nghỉ ngơi.  Người dân thời ấy đã sống thật mệt mỏi, dưới gánh nặng sưu thuế gấp đôi và việc tuân giữ những lề luật thanh tẩy nghiêm ngặt.  Và Chúa Giêsu nói:  “Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng.”  Qua ngôn sứ Giêrêmia, Thiên Chúa đã kêu gọi người ta tìm hiểu lịch sử để cho biết đâu là đường ngay nẻo chính, rồi cứ đó mà đi, để cho tâm hồn họ được bình an thư thái (Gr 6:16).  Đường ngay nẻo chính bây giờ xuất hiện nơi Chúa Giêsu.  Đức Giêsu là chỗ nghỉ ngơi cho các tâm hồn.  Người là đường (Ga 14:6). 
Hãy học cùng Ta, vì Ta dịu hiền và khiêm nhường trong lòng.  Giống như ông Môisen, Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường (Ds 12:3).  Nhiều lần câu nói này đã bị lạm dụng để khiến mọi người phải phục tùng, ngoan ngoãn và thụ động.  Đức Giêsu muốn nói điều ngược lại.  Chúa đề nghị mọi người, để hiểu được những việc của Nước Trời, đừng nên quá chú trọng đến những “người thông thái và luật sĩ”, đó là, những kẻ chính thức được giảng dạy về tôn giáo thời bấy giờ, và họ nên tin vào những kẻ bé mọnhơn.  Những kẻ bị áp chế phải bắt đầu học từ Chúa Giêsu rằng Người “hiền lành và khiêm nhu trong lòng.”
Thông thường, trong Kinh Thánh chữ khiêm nhường thì đồng nghĩa với bị xem thường.  Chúa Giêsu, không giống như các kinh sư, các kẻ khoe khoang kiến thức của họ, mà tự nhận mình ngang hàng với những người khiêm nhu và bị xem thường.  Chúa Giêsu, Thầy của chúng ta, đã biết rõ những gì trong lòng của người ta và biết trong cuộc sống hằng ngày họ phải chịu đựng bao nhiêu.  

c)  Ánh sáng về thái độ của Chúa Giêsu:

*  Phong cách của Chúa Giêsu trong việc công bố Tin Mừng Nước Trời
Trong cách công bố Tin Mừng Nước Trời của Người, Chúa Giêsu cho thấy một niềm trìu mến thiết tha đối vời Chúa Cha và đối với những người bị hạ nhục.  Khác với những luật sĩ thời bấy giờ, Chúa Giêsu công bố Tin Mừng của Thiên Chúa bất cứ nơi nào Người gặp gỡ dân chúng và bất cứ ai sẵn sàng lắng nghe Người.  Trong các hội đường, trong lúc cử hành Lời Chúa (Mt 4:23).  Trong nhà các bạn bè (Mt 13:36).  Khi đi trên đường phố với các môn đệ của Người (Mt 12:1-8).  Trên bờ biển, ven biển hồ, ngồi trên thuyền (Mt 13:1-3).  Trên núi, nơi Người công bố các mối phúc thật (Mt 5:1).  Trong phố chợ của các làng thôn và thành phố, nơi người ta đem những bệnh nhân đến (Mt 14:34-36).  Ngay cả trong đền thờ tại Giêrusalem, lúc đi hành hương (Mt 26:55)!  Trong Chúa Giêsu, tất cả mọi sự là sự mặc khải của những gì sống động trong nội tâm của Người!  Chúa không chỉ công bố Tin Mừng Nước Trời xuông, mà Người còn là bằng chứng sống của Nước Trời.  Trong Người, chúng thấy được những gì sẽ xảy ra khi một người để cho Thiên Chúa thống trị và chiếm hữu cuộc sống của họ.

*  Lời mời của sự Khôn Ngoan Thiên Chúa đến tất cả những ai tìm kiếm nó
Chúa Giêsu mời gọi tất cả những ai phải chịu đau khổ dưới gánh nặng của cuộc sống hãy đi tìm sự bình an và yên ủi nơi Người (Mt 11:25-30).  Lời mời này lặp lại những lời mời đẹp đẽ của ngôn sứ Isaia đã an ủi những người mệt mỏi trong thời gian lưu đày (Is 55:1-3).  Lời mời gọi này tương ứng với sự Khôn Ngoan Thiên Chúa, mời gọi người ta đến (Hc 24:18-19), nói rằng:  “Đường khôn ngoan là đường thú vị, nẻo khôn ngoan là nẻo bình an” (Cn 3:17).  Một lần nữa, Đức Khôn Ngoan nói:  “Khôn Ngoan làm cho con cái mình nên cao trọng, và săn sóc những ai tìm kiếm mình.  Ai yêu khôn ngoan là yêu sự sống, ai sớm tìm kiếm Khôn Ngoan sẽ tràn trề hoan lạc” (Hc 4:11-12).  Lời mời gọi này mặc khải một khía cạnh nữ tính rất quan trọng của Thiên Chúa:  sự dịu dàng và ân cần an ủi, tăng sức cho người ta và làm cho họ cảm thấy yên lành.  Chúa Giêsu là nguồn an ủi mà Thiên Chúa ban cho những người mệt mỏi!

6.  Thánh Vịnh 132                                                                                                                    
Lời cầu nguyện của những kẻ bé mọn
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, CHÚA ơi!
Đường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào CHÚA, Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
7.  Lời Nguyện Kết

Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa.  Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét