Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 7, 2014

14-07-2014 : THỨ HAI TUẦN XV MÙA THƯỜNG NIÊN

14/07/2014
Thứ Hai sau Chúa Nhật 15 Quanh Năm


Bài Ðọc I: (Năm II) Is 1, 10-17
"Các ngươi hãy tắm rửa, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Hỡi các hoàng tử Sôđôma, hãy nghe lời Chúa; hỡi dân Gômôra, hãy lắng tai nghe luật Thiên Chúa chúng ta. Chúa phán: "Muôn vàn hy lễ có ích lợi gì cho Ta? Ta đã chán chê và không còn ưa thích những của lễ toàn thiêu bằng chiên đực, mỡ các súc vật béo, máu bò đực, chiên con và dê đực.
"Khi các ngươi đến trước mặt Ta, ai kiểm soát các vật ấy nơi tay các ngươi, để các ngươi đi vào hành lang của Ta? Các ngươi đừng tiếp tục hiến dâng cho Ta những lễ tế vô ích nữa. Ta ghê tởm mùi hương. Ta không chịu được các ngày đầu tháng, các ngày Sabbat và các ngày lễ trọng khác. Những cuộc hội họp của các ngươi đều là gian ác.
"Tâm hồn Ta chán ghét những ngày trăng mới và các lễ trọng của các ngươi. Tất cả những thứ đó đã làm khổ Ta, Ta đã nhàm chán chịu đựng rồi. Và khi các ngươi giơ tay các ngươi lên, thì Ta quay mặt đi. Khi các ngươi càng cầu nguyện, thì Ta càng không nhậm lời, vì tay các ngươi vấy đầy máu.
"Các ngươi hãy tắm rửa, hãy thanh tẩy, hãy dẹp khỏi mắt Ta các tư tưởng xấu xa; đừng làm điều xấu nữa, hãy làm điều lành; hãy tìm kiếm công lý, hãy cứu giúp kẻ bị áp bức, hãy xét xử công bằng cho những trẻ mồ côi và bênh vực người goá bụa".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 49, 8-9. 16bc-17. 21 và 23
Ðáp: Ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ (c. 23b).
Xướng: 1) Ta không khiển trách ngươi về chuyện dâng lễ vật, vì lễ toàn thiêu của ngươi đặt ở trước mặt Ta luôn. Ta không nhận từ nhà ngươi một con bò non, cũng không nhận từ đàn chiên ngươi những con dê đực. - Ðáp.
2) Tại sao ngươi ưa kể ra những điều huấn lệnh, và miệng ngươi thường nói về minh ước của Ta? Ngươi là kẻ không ưa lời giáo huấn và ném bỏ lời Ta lại sau lưng? - Ðáp.
3) Ngươi làm thế, mà Ta đành yên lặng? Ngươi đã tưởng rằng Ta cũng giống như ngươi? Ta sẽ bắt lỗi, sẽ phơi bày trước mặt ngươi tất cả. Ai hiến dâng lời khen ngợi, người đó trọng kính Ta; ai đi đường ngay thẳng, Ta chỉ cho thấy ơn Thiên Chúa cứu độ. - Ðáp.
  
Alleluia: 1 Sm 3, 9
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe: Chúa có lời ban sự sống đời đời. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 10, 34 - 11, 1
"Thầy không đến để đem hòa bình, nhưng đem gươm giáo".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các Tông đồ rằng: "Các con chớ tưởng rằng Thầy đến để mang hoà bình cho thế gian: Thầy không đến để đem hoà bình, nhưng đem gươm giáo. Vì chưng, Thầy đến để gây chia rẽ con trai với cha mình, con gái với mẹ mình, nàng dâu với mẹ chồng mình: và thù địch của người ta lại là chính người nhà mình. Kẻ nào yêu mến cha mẹ hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào yêu con trai con gái hơn Thầy, thì chẳng xứng đáng với Thầy. Kẻ nào không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Kẻ nào cố tìm mạng sống mình thì sẽ mất, và kẻ nào đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm lại được nó.
Kẻ nào đón tiếp các con là đón tiếp Thầy, và kẻ nào đón tiếp Thầy, là đón tiếp Ðấng đã sai Thầy. Kẻ nào đón tiếp một tiên tri với danh nghĩa là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng của tiên tri; và kẻ nào đón tiếp người công chính với danh nghĩa người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng của người công chính. Kẻ nào cho một trong những người bé mọn này uống chỉ một bát nước lã mà thôi với danh nghĩa là môn đệ, thì quả thật, Thầy nói với các con: người ấy không mất phần thưởng đâu".
Sau khi Chúa Giêsu truyền dạy xong các điều ấy cho mười hai tông đồ, Người rời khỏi đó để đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành phố của các ông.
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Chúa Sẽ Ðền Bù

Có thể nói, bài Tin Mừng hôm nay cho hệ quả của bước đường theo Chúa. Theo Chúa, người môn đệ phải chấp nhận nhiều thua thiệt: họ có thể bị chống đối từ ngoài xã hội đến trong gia đình, và một cách nào đó, Chúa Giêsu cũng bị xem là nguyên cớ của các tranh chấp, chống đối. Thật thế, làm sao không có đối nghịch giữa ánh sáng và bóng tối, giữa Chúa Giêsu và thế gian, giữa quyền lực Thiên Chúa và quyền lực thế gian. Bước theo Chúa, người môn đệ phải chọn lựa, và chỉ chọn lựa tình yêu Chúa mới cho họ xứng đáng được gọi là môn đệ Ngài.
Chắc chắn, khi chọn lựa như vậy, người môn đệ không tránh khỏi những mất mát, thua thiệt. Tuy nhiên, Thiên Chúa sẽ không để họ phải thất vọng, Ngài sẽ đền bù vượt quá sự chờ đợi của họ. "Ðón tiếp một tiên tri, sẽ nhận được phần thưởng dành cho một tiên tri; đón tiếp người công chính, sẽ nhận được phần thưởng dành cho người công chính; đón tiếp kẻ rao giảng, sẽ nhận được phần thưởng dành cho kẻ rao giảng". Người môn đệ của Chúa đừng sợ mất phần thưởng, nhưng hãy sợ mình chưa trung thành trong bổn phận của mình mà thôi.
Với Thiên Chúa, dù công khai hay âm thầm, sứ mệnh kẻ rao giảng bao giờ cũng cần thiết. Thiên Chúa luôn cần đến những người ngày đêm nhiệt thành rao giảng và làm chứng cho Ngài bằng đời sống hoạt động tông đồ, nhưng Ngài cũng cần đến những người hỗ trợ cho công việc tông đồ bằng đời sống âm thầm cầu nguyện và hy sinh. Lịch sử chỉ nhớ đến những vĩ nhân, chứ lịch sử không đủ giấy bút để ghi lại hết những khuôn mặt đã góp phần vào đời sống của các vĩ nhân. Lịch sử không nhớ, nhưng Thiên Chúa lại ghi nhớ tất cả, Ngài không bỏ sót một khuôn mặt nào, và phần thưởng của họ cũng có giá trị như của các vĩ nhân.
Xin Chúa cho chúng ta biết biểu lộ lòng trung thành với Chúa và Giáo Hội bằng những đóng góp nhỏ bé trong đời sống hằng ngày của chúng ta. Dù chỉ là những việc nhỏ bé, âm thầm, không được ai biết đến, nhưng chúng ta hãy tin rằng chúng vẫn hiện diện và có giá trị trước mặt Chúa.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 15 TN2
 Bài đọc: Isa 1:10-17; Mt 10:34-11:1

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Luôn sống như đang hiện diện trước mặt Thiên Chúa.

Một sự thật về Thiên Chúa mà con người cần ý thức: Ngài ở khắp mọi nơi; vì thế, không có một việc làm nào của con người qua khỏi ánh mắt của Thiên Chúa. Đây cũng là niềm tin của người Việt-nam khi nói: “Trời cao có mắt.” Vì có mắt nên Ngài nhìn thấy mọi sự, ngay cả những sự bí mật trong tâm hồn, và Ngài sẽ trả ơn hoặc báo oán con người xứng với việc họ làm. Trong thực tế, nhiều lần con người quên thực tại quan trọng này, họ nghĩ họ có thể giấu Thiên Chúa, nên cũng cư xử với Ngài như cư xử với những con người khác.
Các bài đọc hôm nay muốn nhắc nhở cho con người hãy luôn biết sống như đang hiện diện trước mặt Thiên Chúa. Trong bài đọc I, ngôn sứ Isaiah nhắc nhở cho con cái Israel biết phản ứng của Đức Chúa khi nhìn họ tới dâng lễ vật lên cho Ngài. Người tay sạch lòng thanh sẽ được Ngài đoái nhận và chúc lành; người tay vấy máu và hai lòng sẽ chỉ gây kinh tởm cho Ngài. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu khuyên nhủ các môn đệ luôn biết sống theo sự thật, cho dù có phải chịu ghét bỏ, truy tố, và tiêu diệt. Hãy làm mọi sự cho tha nhân như đang làm cho chính Ngài, vì Ngài sẽ thưởng công xứng đáng tất cả việc làm đó.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Giá trị bên trong hơn là hình thức bên ngoài.

1.1/ Thiên Chúa chán ngán những giả dối bên ngoài: Con người muốn che đậy tội lỗi và ác tâm bên trong bằng những hình thức vồn vã và săn đón bên ngoài. Họ chỉ có thể làm những điều này với con người, vì con người không thể nhìn thấu những gì họ suy nghĩ bên trong; nhưng họ không thể đánh lừa Thiên Chúa, vì Ngài nhìn thấu suốt tâm hồn họ.
Ngôn sứ Isaiah tố cáo các nhà lãnh đạo Israel khi họ tới dâng của lễ cho Thiên Chúa. Ngài đã chán ngấy những lễ vật toàn thiêu béo tốt họ dâng. Họ đánh lừa chính họ, vì họ nghĩ Thiên Chúa không biết những tội ác họ làm, hay họ nghĩ Ngài cũng giống như vua chúa, cứ việc hối lộ những của béo tốt là mọi chuyện sẽ êm đẹp. Họ nghĩ khi họ vất vả đến Đền Thờ dâng của lễ là làm lợi cho Thiên Chúa. Ngôn sứ nói rõ sự khó chịu và chán ghét của Thiên Chúa khi cứ phải nhìn loài người đóng kịch, để lừa dối Thiên Chúa: Đức Chúa phán: "Ngần ấy hy lễ của các ngươi, đối với Ta, nào nghĩa lý gì? Lễ toàn thiêu chiên cừu, mỡ bê mập, Ta đã ngấy. Máu bò, máu chiên dê, Ta chẳng thèm!”
Họ quên đi tất cả của cải trong thế gian này là của Thiên Chúa. Họ có dâng lễ vật cũng là lấy của Ngài ban mà dâng. Họ có đến dâng lễ cũng là do lợi ích cho chính họ chứ chẳng thêm gì cho Thiên Chúa. Đối với những người này, những lễ vật họ dâng sẽ không được chấp nhận, lời cầu của họ sẽ chẳng được lắng nghe, tội lỗi đã phạm chẳng những không được lắng nghe mà còn chuốc thêm tội đánh lừa Thiên Chúa. Ngài tỏ rõ cho họ biết: “Khi các ngươi dang tay cầu nguyện, Ta bịt mắt không nhìn; các ngươi có đọc kinh cho nhiều, Ta cũng chẳng thèm nghe. Vì tay các ngươi đầy những máu.”

1.2/ Thiên Chúa trân quí những cao đẹp trong tâm hồn: Để được Thiên Chúa chấp nhận và lắng nghe, con người cần sống thành thật mối liên hệ giữa họ với Thiên Chúa và với tha nhân. Trước khi đến Đền Thờ dâng lễ vật, họ phải thành tâm thống hối mọi tội lỗi đã phạm, họ phải hòa giải các nỗi bất hòa giữa họ với tha nhân.
Sống công bằng là điều kiện căn bản cho mối liên hệ giữa họ và Thiên Chúa: “Hãy tập làm điều thiện, tìm kiếm lẽ công bình, sửa phạt người áp bức, xử công minh cho cô nhi, biện hộ cho quả phụ.” Thời nào cũng có những người đối xử bất công với tha nhân vì tham lợi nhuận. Họ lợi dụng quyền hành để áp bức người cô thân cô thế, nhất là những cô nhi quả phụ. Họ dung túng những kẻ làm điều ác vì đã nhận quà hối lộ hay muốn được thăng quan tiến chức.

2/ Phúc Âm: Đòi hỏi của Thiên Chúa không luôn phù hợp với sở thích của con người.

2.1/ Chiến tranh và hòa bình: Danh từ “mákairan” có hai nghĩa: gươm giáo và chiến tranh. Nghĩa “gươm giáo” không thích hợp ở đây, nên dùng “chiến tranh” như là tương phản của “bình an.” Câu hỏi được đặt ra là tại sao “Hoàng Tử Bình An” như lời ngôn sứ Isaiah đã loan báo lại đem chiến tranh?
Thưa vì tư tưởng và cách thức của Thiên Chúa khác với tư tưởng và cách của con người:
Thế gian không chấp nhận sự thật: Nói và sống theo sự thật sẽ gây chia rẽ trong nhà, vì không phải tất cả mọi người đều muốn nói và sống theo sự thật. Ví dụ: Bố mẹ ngăn cản không cho con kết hôn với người ngoài đạo vì sợ con xao lãng việc giữ đạo. Bố mẹ ngăn cản không cho con đi tu vì muốn có người nối dõi tông đường và hầu hạ. Vợ không muốn chồng bắt con đi nhà thờ vì muốn con đi chùa... Trong những tình cảnh như vậy, một người có nên quyết liệt sống theo sự thật hay im lặng đồng lõa để gia đình được bình an?

2.2/ Tiêu chuẩn của Thiên Chúa: Xung đột xảy ra không phải chỉ trong tư tưởng, nhưng còn trong lối sống của người môn đệ. Ngài đòi con người phải sống theo tiêu chuẩn của Nước Trời trong khi con người chỉ muốn an phận với những tiêu chuẩn sống của thế gian. Ví dụ: Chúa đòi con người:
- Phải đặt Chúa trên hết mọi sự: cha mẹ, vợ con, anh chị em trong khi có cha mẹ hay vợ/chồng đòi phải đặt họ trên hết.
- Phải từ bỏ mọi sự và vác thập giá theo Chúa vì: “Ai tìm giữ mạng sống mình thì sẽ mất; ai liều mất mạng sống mình thì sẽ tìm lại được;” trong khi trào lưu xã hội luôn cổ võ lối sống đặt cá nhân trên hết.
- Phải tiếp đón các người làm việc cho Chúa: các tiên tri, các người công chính, các môn đệ thì sẽ được dự phần vào các phần thưởng họ sẽ được; trong khi những loại người này không luôn được tôn vinh dưới con mắt của người thế gian!
- Phải giúp đỡ người nghèo vì làm cho họ là làm cho chính Chúa; trong khi người thế gian chỉ bỏ công giúp đỡ những người sẽ mang lại lợi nhuận cho họ.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Con người sống theo hình thức bên ngoài nhưng Thiên Chúa chú trọng đến những nét đẹp trong tâm hồn. Chúng ta hãy cố gắng sống như đang ở trước tôn nhan Thiên Chúa.
- Sống theo sự thật sẽ giúp chúng ta luôn sống như đang ở trước mắt Chúa, cho dù sống theo sự thật sẽ bị người đời chê ghét, lừa đảo, truy tố và tiêu diệt; nhưng người môn đệ của Chúa không thể sống khác hơn.
- Thách đố của chúng ta: Chúng ta có dám chấp nhận đau khổ để nói và sống theo sự thật? 
Lm.Anthony ĐINH MINH TIÊN,  OP.


HẠT GIỐNG NẨY MẦM
- MÙA QUANH NĂM –
- TUẦN 15 -
"Có những hạt rơi vào đất tốt.
Chúng mọc và lớn lên, sinh hoa kết quả :
hạt thì được ba mươi, hạt thì được sáu mươi,
hạt thì được một trăm" (Mc 4,8)
Mt 10,34—11,1

A. Hạt giống...
Phần cuối của bài giảng về sứ mạng tông đồ. Chúa Giêsu thẳng thắn cho biết những đòi hỏi khó khăn của Tin Mừng :
- Vì Tin Mừng đòi người ta phải chọn lựa theo hay không theo, nên nó có thể gây nên chia rẽ ngay giữa những người thân, kẻ không theo chống lại những người theo.
- Vì Tin Mừng là giá trị cao quý nhất cho nên nếu cần thì người ta phải dám từ bỏ tất cả những thứ khác để đổi lấy nó.
Sau cùng Chúa Giêsu khuyến khích người ta quảng đại tiếp đón những sứ giả của Tin Mừng, vì tiếp đón họ chính là tiếp đón Chúa và sẽ được Chúa trọng thưởng.

B.... nẩy mầm.
1. Thú thật Lời Chúa mấy ngày nay khiến con rất sợ : để đón nhận Tin Mừng của Chúa, con phải hy sinh và từ bỏ rất nhiều ; khi làm tông đồ của Chúa, con cũng sẽ đương đầu với biết bao khó khăn và đau khổ. Con hiểu được tại sao nhiều người không kiên trì sống đức tin, và nhiều người ngại làm tông đồ cho Chúa. Con cũng sẽ đào ngũ chăng ? Con cũng sẽ nản lòng chăng ? Thật tình con không muốn thế bao giờ. Xin cho con được kiên trì và can đảm.
2. “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy thì không xứng đáng với Thầy” : hiện giờ con đang yêu những gì hơn Chúa ? Xin cho con sức mạnh dám từ bỏ những thứ đó để con xứng đáng hơn với Chúa.
3. “Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy thì không xứng đáng với Thầy” : xin cho con biết thập giá hiện nay của con là gì, và xin thêm sức để con vác nổi thập giá ấy.
4. Một thiếu nữ trẻ đẹp, con nhà quyền quý muốn nhập vào một dòng tu rất khắc khổ. Để thử thách ơn gọi của cô, Mẹ Bề trên vẽ lên một bức tranh đáng sợ về những đòi hỏi khắc khe của tu viện. Nghe xong, cô bé có vẻ lung lay và im lặng. Một lúc sau Mẹ bề trên hỏi :
- Con không nói gì ư ?
- Thưa mẹ con chỉ có một câu hỏi : trong nhà dòng này có nhiều cây Thánh giá không ?
- Ồ, khắp nơi trong nhà, chỗ nào cũng có cây Thánh giá.
- Vậy thì thưa mẹ, con hy vọng sẽ không gặp gì khó khăn cả, bởi vì ở mọi nơi và trong mọi giây phút, con đều có Thánh giá bên cạnh. Con có thể chịu đựng tất cả. (Góp nhặt)
4. “Ai giữ lấy mạng sống mình thì mất, còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39)
Kìa một em bé ! Đúng rồi, một em bé ! Làm thế nào để cứu em bây giờ ? Hàng chục cặp mắt đang dõi theo em với đầy vẻ lo lắng và thương xót. Bỗng từ trên thành cầu, một bóng người lao vội xuống cố nắm lấy bàn tay nhỏ xíu của em đang quờ quạng giữa khoảng không tưởng như vô vọng… Em bé đã được cứu sống ! khoảnh khắc quá mỏng manh giữa cái chết và sự sống.
Câu chuyện đã xảy ra vào một buổi chiều tháng năm cách đây gần một năm… như một luồng sáng chiếu vào cõi lòng vốn vị kỹ của tôi, và tôi đã hiểu một tình yêu cao cả đòi hỏi một sự dấn thân quên đi chính mạng sống mình để cứu lấy mạng sống người khác. Tình yêu đó chính là tình yêu mang tên Giêsu.
Lạy Chúa, xin giúp con hiểu thế nào là mầu nhiệm “tự huỷ” của Ngài, để luôn biết quảng đại dấn thân cứu sống người anh em mà không sợ đau thương hay nguy hiểm. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

14/07/14 THỨ HAI TUẦN 15 TN
Mt 10,34-11,1

Suy niệm: Ngày Chúa Giê-su giáng sinh, thiên thần ca hát chúc “bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Thế mà Chúa lại nói: “Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo.” Sứ điệp Chúa rao giảng đúng là Tin Mừng bình an, nhưng đó không phải là bình an “theo kiểu thế gian” (Ga 14,27). Nhiều người đã không đón nhận Chúa và sứ điệp của Ngài. Họ trở thành thù địch với Chúa, thù địch luôn cả những ai tin theo Ngài: “Nếu thế gian ghét anh em thì hãy biết rằng nó đã ghét Thầy trước” (Ga 16,18). Sứ điệp của Chúa là bình an lại trở thành “gươm giáo” đối với họ.
Mời Bạn: Những bất hoà, ghen ghét xảy ra trong các gia đình chính là vì sứ điệp bình an của Chúa đã không được thực thi. Cũng thế, những bất công, xung đột xảy ra trên thế giới cũng vì sứ điệp của Chúa bị người đời chối bỏ. Những ai tin và sống giáo huấn của Đức Giê-su phải đối lại “gươm giáo” của thế gian bằng “thập giá” của Đức Giê-su để cùng với Ngài làm cho bình an của Chúa ngự trị trên trái đất này.
Chia sẻ: “Gươm giáo” điển hình nhất mà bạn gặp phải khi sống Tin Mừng Đức Giê-su là gì? Xin chia sẻ.
Sống Lời Chúa: Làm một việc hy sinh tự nguyện, nói một lời hoà nhã thay vì những lời nóng giận, khích bác.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, Chúa vẫn là Chúa bình an. Xin cho chúng con biết đón nhận bình an của Chúa, để dù phải đối diện với “gươm giáo” chúng con vẫn can đảm và hãnh diện vì mình là môn đệ của Chúa bình an.

Không xứng với Thầy
 Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy, nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa? 

Suy nim:
Văn Cao là một nhạc sĩ có tài với bản Tiến Quân Ca bất hủ.
Nhưng ông cũng là một thi sĩ ít được ai biết đến.
Ông có làm một bài thơ ngắn Không Đề như sau:
“Con thuyền đi qua
để lại sóng.
Đoàn tàu đi qua
để lại tiếng.
Đoàn người đi qua
để lại bóng.
Tôi không đi qua tôi
để lại gì?”
Ông muốn để lại chút gì cho đời của kẻ đã mang tiếng ở trong trời đất.
Và ông hiểu rằng mình không thể để lại gì, nếu không vượt qua chính mình.
Cái tôi và tất cả những gì thuộc về nó, đều là đối tượng phải vượt qua.
Vượt qua cái tôi không làm tôi mất nó, nhưng lại được một cái tôi viên mãn.
Phải chăng đó là điều Văn Cao, một Kitô hữu ẩn danh đến lúc chết,
muốn gửi gấm qua những vần thơ này?
Có những giá trị hầu như được mọi người nhìn nhận.
Có những giá trị thiêng liêng máu mủ như cha mẹ, con cái.
Đặc biệt trong xã hội Do thái, hiếu thảo với cha mẹ là điều được đề cao.
Đức Giêsu cũng đã phê phán thái độ bất hiếu đối với cha mẹ (Mt 15, 3-6).
Mạng sống của con người cũng là một giá trị cao quý.
Đụng đến mạng sống con người là xúc phạm đến chính Thiên Chúa,
như ta thấy trong chuyện Cain giết em là Aben (St 4, 9-10).
Trước những giá trị thiêng liêng như thế, ta cần yêu mến, giữ gìn.
Yêu cha, yêu mẹ, yêu con trai, con gái, là những điều hợp đạo lý.
Giữ gìn mạng sống của mình là điều phải làm.
Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đưa ra một đòi hỏi mới mẻ và đáng sợ.
Ngài không cấm các môn đệ yêu cha mẹ, con cái, hay mạng sống,
vì đó là những giá trị thiêng liêng cao quý.
Nhưng Ngài không chấp nhận họ yêu những giá trị này hơn Ngài.
Ngài không muốn họ đặt Ngài ở dưới những giá trị đó.
Đơn giản Ngài muốn họ coi Ngài là một Giá Trị hơn hẳn, Giá Trị viết hoa.
Khi cần chọn lựa giữa các giá trị, Ngài đòi họ ưu tiên chọn Ngài.
Cụm từ “không xứng đáng với Thầy” được nhắc đến ba lần (cc. 37-38).
Chỉ ai dám yêu Ngài hơn người thân yêu, dám vác thập giá mình mà theo,
người ấy mới xứng đáng với Thầy.
Chỉ ai dám mất mạng sống của mình vì Thầy,
người ấy mới lấy lại được sự sống tròn đầy ở đời sau (c. 39).
Đức Kitô là ai mà đòi chúng ta phải đặt Ngài lên trên các thụ tạo như vậy,
nếu Ngài không phải là hiện thân của chính Thiên Chúa?
Đừng quên chính Ngài đã mất mạng sống mình vì tôi trước.
Chỉ khi tôi đi qua tôi, nhờ đặt tôi và mọi sự thuộc về tôi dưới Đức Kitô,
tôi mới có gì để lại cho đời, tôi mới giữ lại được mọi giá trị khác.
Xin làm được điều thánh Biển Đức dạy:
“Phải tuyệt đối không coi gì trọng hơn Đức Kitô.”
Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con thấy Chúa thật lớn lao,
để đối với con, mọi sự khác trở thành bé nhỏ.

Xin cho con thấy Chúa thật bao la,
để cả mặt đất cũng chưa vừa cho con sống.

Xin cho con thấy Chúa thật thẳm sâu,
để con dễ đón nhận nỗi khổ đau sâu thẳm nhất.

Lạy Chúa Giêsu,
xin làm cho con thật mạnh mẽ,
để không nỗi thất vọng nào
còn chạm được tới con.

Xin làm cho con thật đầy ắp,
để ngay cả một ước muốn nhỏ
cũng không còn có chỗ trong con.

Xin làm cho con thật lặng lẽ,
để con chỉ còn loan báo Chúa mà thôi.

Xin Chúa ngự trong con thật sống động,
để không phải là con,
mà là chính Ngài đang sống.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ


Suy niệm
Câu đầu tiên của đoạn Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta ngỡ ngàng vì Chúa Giêsu nói Ngài đến không phải đem hoà bình mà là gươm giáo. Tại sao Ngài được mệnh danh là "vua hoà bình" mà lại đem gươm giáo? Thực ra phải hiểu câu nói của Chúa Giêsu thế này: Ngài đến mang Tin mừng cứu độ cho con người. Đứng trước Tin mừng ấy, mỗi người phải chọn lựa: đón nhận hoặc từ chối chứ không ở trong tình trạng dửng dưng. Khi đón nhận hoặc từ chối, con người bị phân thành hai nhóm, một theo và một không theo. Sự chia rẽ này có thể xảy ra cho những người trong cùng một gia đình, giữa cha và con, mẹ chồng và nàng dâu… Chúa Giêsu mang đến gươm giáo hay sự chia rẽ là thế.
Kế đến, Chúa Giêsu nói rõ về hai nhóm này:
Nhóm từ chối Ngài. Đó là những người yêu cha mẹ, anh chị em hơn Chúa, nghĩa là yêu những cái thuộc về thế gian này hơn Chúa. Họ cũng là những người không dám vác thập giá theo Chúa và cố tìm cách cứu mạng sống mình ở đời này. Những người này không xứng đáng là môn đệ Chúa và sẽ họ đánh mất sự sống đời đời.
Nhóm đón nhận Ngài. Là những người đón tiếp các sứ giả của Chúa và giúp đỡ những người bé mọn vì danh Chúa. Hay nói cách khác, họ là những người đón nhận sứ điệp Tin mừng và biết sống sứ điệp ấy bằng đời sống bác ái với tha nhân. Chắc chắn, họ sẽ nhận lãnh được phần thưởng cao quý là sự sống đời đời.
Theo Chúa Giêsu hoặc từ chối Ngài vẫn tiếp tục đặt ra cho mỗi người chúng ta. Chúng ta chọn Chúa hay không? Chọn lựa này không chỉ xảy ra một lần mà phải nhiều lần trong đời sống của chúng ta. Chấp nhận theo Chúa là chúng ta chấp nhận sống theo lời Ngài dạy, cụ thể bằng việc tôn thờ Ngài và yêu thương tha nhân.
Chúng ta là kitô hữu, nhưng chưa chắc chúng ta đã chọn Chúa.
Chúng ta đi dự lễ, giữ đạo nhưng chưa chắc chúng ta đã sống theo lời của Chúa.
Chỉ có những ai thực sự tôn thờ Chúa và thật sự sống theo lời Chúa dạy mới mong nhận lãnh sự sống đời đời.
Lạy Chúa, chúng con tin thờ Chúa nhưng niềm tin của chúng con còn non kém lắm. Xin ban thêm lòng tin cho chúng con và giúp chúng con biết sống niềm tin ấy bằng hành động cụ thể. Amen.


Vị thánh trong ngày _ 14/7
Thánh Kateri Tekakwitha

(1656-1680)
Thánh Kateri đã chứng minh cho thấy, sự thánh thiện triển nở trên thập giá, ở bất cứ đâu.  
Máu các vị tử đạo là hạt giống nẩy sinh các thánh. Chín năm sau khi các linh mục dòng Tên là Cha Isaac Jogues và Jean de Brebeuf bị các thổ dân da đỏ Huron và Iroquois tra tấn cho đến chết, một bé gái đã chào đời gần nơi các vị tử đạo, ở Auriesville, Nữu Ước. Cô là thổ dân da đỏ đầu tiên thuộc vùng Bắc Mỹ được phong chân phước. Mẹ cô là một Kitô Hữu người Algonquin, bà đã bị người Iroquois bắt và buộc phải làm vợ của tù trưởng bộ lạc Mohawk, là bộ lạc dũng cảm và tàn bạo nhất trong Ngũ Quốc.
Khi lên bốn tuổi, Kateri mất cha mẹ và cả đứa em trai trong trận dịch đậu mùa mà chính cô cũng bị gần như mù và khuôn mặt bị méo mó. Cô được một người chú đem về nuôi sau khi ông lên kế vị cha cô làm tù trưởng. Ông không thích các tu sĩ Áo Ðen nhưng ông không thể làm gì được vì một thỏa ước ký kết với Pháp, buộc phải có sự hiện diện của tu sĩ trong các làng có người Kitô Giáo bị bắt giữ. Kateri rất thích nghe các vị tu sĩ Áo Ðen giảng thuyết, nhưng chú cô lại sợ rằng cô sẽ theo đạo Công Giáo. Thật vậy, khi lên 19 tuổi, sau khi từ chối lời cầu hôn của một thanh niên Mohawk, vào Chúa Nhật Phục Sinh, cô đã được rửa tội và lấy tên thánh là Kateri (Catarina).
Bây giờ cô bị đối xử như một người nô lệ. Vì cô không làm việc ngày Chúa Nhật nên cô không được lãnh thực phẩm trong ngày ấy. Ðời sống ơn sủng của cô gia tăng mau chóng. Cô nói với một vị thừa sai rằng cô thường suy niệm về ơn cao trọng khi được rửa tội. Cô rất cảm kích bởi tình yêu mà Thiên Chúa dành cho loài người và cô nhìn thấy phẩm giá nơi mỗi một người dân. Cô luôn luôn trong tình trạng nguy hiểm, vì sự trở lại đạo và đời sống thánh thiện của cô đã tạo nên sự chống đối dữ dội. Theo lời khuyên của một linh mục, một đêm kia cô bỏ trốn và đi bộ 200 dặm đến một làng da đỏ Công Giáo ở Sault St. Louis, gần Montreal (Gia Nã Ðại).
Trong ba năm, Kateri ngày càng thánh thiện dưới sự dẫn dắt của một linh mục và một bà người Iroquois. Cô hiến mình cho Thiên Chúa qua những giờ cầu nguyện, làm việc bác ái và tích cực ăn chay hãm mình. Từ sáng sớm cô đã đứng chờ nơi cửa nhà thờ để dự lễ lúc 4 giờ sáng và ở lại đó cho đến Thánh Lễ cuối cùng. Cô đặc biệt sùng kính Thánh Thể và Ðức Giêsu trên Thánh Giá.
Vào năm 23 tuổi, Kateri thề giữ mình đồng trinh, đó là một hành động bất thường của một phụ nữ da đỏ, là người chỉ sống nhờ vào chồng. Cô lập một cái chòi trong rừng vắng để cầu nguyện hàng ngày và bị dèm pha là để gặp gỡ một người đàn ông! Việc cô thề giữ mình đồng trinh là một hành động theo bản năng, vì cô không biết trong Giáo Hội có đời sống tu trì dành cho nữ giới, mãi cho đến khi cô đến Montréal. Thấy vậy, cô phấn khởi cùng với hai người bạn định tâm thành lập một tu hội, nhưng vị linh mục địa phương đã ngăn cản cô. Rất khiêm tốn, cô chấp nhận một cuộc sống "bình thường" mà trong đó, cô ăn chay hãm mình một cách khắt khe như để đền tội cho dân tộc của cô.
Vào ngày 7 tháng Tư 1680, cô từ trần vào buổi tối trước Thứ Năm Tuần Thánh, mới hai mươi bốn tuổi. Các nhân chứng cho biết, lúc ấy khuôn mặt hốc hác của cô đổi màu và tươi tắn như một đứa trẻ khỏe mạnh. Các nếp nhăn, ngay cả các vết rỗ trên khuôn mặt cũng biến mất và một nụ cười hé nở trên môi cô.
Người da đỏ gọi cô là "Hoa huệ người Mohawk". Sự ngưỡng mộ Kateri đã giúp hình thành các trung tâm truyền giáo cho người da đỏ ở Hoa Kỳ và Gia Nã Ðại. Kateri được phong chân phước năm 1980 và được phong thánh năm 2012.
Lời Bàn
Chúng ta thường nghĩ đời sống thánh thiện bị cản trở bởi hoàn cảnh, và ước chi chúng ta có thêm thời giờ riêng tư, ít bị quấy rầy hay chống đối và được khoẻ mạnh hơn. Chân Phước Kateri đã chứng minh cho thấy, sự thánh thiện triển nở trên thập giá, ở bất cứ đâu. Tuy nhiên, ngài đã có những gì mà mọi Kitô Hữu phải cần, đó là sự hỗ trợ của một cộng đoàn.
Ngài có một người mẹ tốt lành, có các linh mục tận tình giúp đỡ và các bạn Kitô Hữu. Những điều kiện này được gọi là tiên khởi, và chỉ sinh kết quả nếu quyết tâm thi hành ba nguyên tắc cổ xưa của Kitô Giáo là cầu nguyện, ăn chay và bố thí: kết hợp với Thiên Chúa qua Ðức Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần, tự khắc phục con người của mình để vượt qua những đau khổ, và sống bác ái đối với anh chị em.
Lời Trích
"Tôi không cô đơn vì tôi đã tận hiến cho Ðức Giêsu. Ngài là tình yêu duy nhất của tôi. Tôi không sợ tình trạng bơ vơ nghèo nàn vì không lấy chồng. Tất cả những gì tôi cần là một chút thực phẩm và một vài quần áo. Với công việc tay tôi làm ra, tôi sẽ có những gì tôi cần, và những gì còn dư tôi sẽ cho người bà con và người nghèo. Nếu tôi bị bệnh và không thể làm việc được, tôi sẽ trở nên giống Chúa trên thập giá. Ngài sẽ thương xót tôi và giúp đỡ tôi. Tôi biết chắc như thế."
 (Lm. Phêrô Nguyễn Ngọc Mỹ)


“Ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được”
(Mt 10, 34 – 11, 1)
1. Bình an hay gươm giáo?
Một trong những lời khó hiểu và dường như mâu thuẫn nhất của Đức Giê-su chính là lời sau đây, được thánh Mát-thêu kể lại trong bài Tin Mừng hôm nay:
Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà (c. 34-36).
Thật vậy, lời này của Đức Giê-su dường như mâu thuẫn với tất cả những lời còn lại của Ngài, với sứ điệp hòa giải, hòa bình và hiệp thông của Nước Trời mà Ngài rao giảng và làm cho hiện diện giữa chúng ta. Như khi các thiên thần cất tiếng hát trong biến cố Giáng Sinh: “Vinh Danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2, 13-14)
Một trong những nguyên tắc giúp cho việc đọc hiểu và cầu nguyện với một bản văn Kinh Thánh, đó là điểm tối tăm sẽ được soi sáng khởi đi từ điểm sáng tỏ. Và nguyên tắc này rất thích hợp với bài Tin Mừng của chúng ta. Ngọn lửa tình yêu mà Đức Giêsu đem đến và muốn cho bùng cháy (x. Lc 12, 49-50) tất yếu sẽ đốt cháy, loại bỏ, và nói theo trình thuật “Sáng Tạo Bảy Ngày”, sẽ phân rẽ (x. St 1, 4.6.7.14.18). Giống như một thủa đất, để trở thành đất tốt, thì phải được mổ xẻ, phân chia, vun xới; chúng ta hãy đặt mình trong vị trí của đất, thật đau đớn biết bao, khi được đào xới và cày bừa để loại bỏ sỏi đá, gai góc, cây cỏ… Nhưng tiến trình mổ xẻ, phân chia, vun xới, chính là để chữa lành, để làm cho chúng ta trở nên “đất tốt”.
Và để sống theo lửa tình yêu của Đức Giêsu, chúng ta không chỉ gặp nhưng xung khắc nội tâm, nhưng còn có nhưng xung khắc trong tương quan với người khác, đôi khi với những người thân yêu, mỗi khi chúng ta muốn sống sự đơn sơ, nghèo khó và khiêm tốn theo Tin Mừng của Đức Giê-su. Khi chúng ta cầu nguyện với Lời Chúa, hẳn chúng ta sẽ có kinh nghiệm này: Lời Chúa có thể “xâu xé”, “cắt tỉa” chúng ta, nhưng là để chữa lành và làm cho chúng ta sinh nhiều hoa trái, như chính Đức Giê-su đã nói, khi dùng hình ảnh cây nho (x. Ga 15, 1-8): Hình ảnh rau sa-lát phải được quấy nát để thấm nước sốt, diễn tả phần nào kinh nghiệm này.
Chính Đức Giê-su cũng sẽ đối diện với những xung khắc, mà Ngài gọi là “Phép Rửa”. Phép Rửa Ngài phải chịu là cuộc thương khó và cái chết trên thập gía. Thập Giá là điên rồ và sỉ nhục, nhưng đối với Thiên Chúa và nhưng ai đặt niềm tin nơi Ngài, thì đó lại là sức mạnh và khôn ngoan, dẫn đến bình an và niềm vui vô hạn.
Trong sách Xuất Hành, có một hình ảnh rất tuyệt vời nói lên Ngọn Lửa Tình Yêu thần linh, đó là hình ảnh bụi gai bừng cháy, nhưng không bị thiêu rụi (x. Xh 3,2). Hình ảnh bụi gai bừng cháy diễn tả rất tuyệt vời hai đặc tính trái ngược nhau của tình yêu: vừa mạnh mẽ và vừa hiền lành, không loại trừ hay hủy diệt. Thiên Chúa là tình yêu, và tình yêu Thiên Chúa là ngọn lửa bừng cháy, lan tràn, thanh tẩy, nhưng không thiêu rụi.

2. Dứt bỏ điều không thể
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su không chỉ nói những lời khó hiểu và mâu thuẫn, những còn có những lời khó chấp nhận:
Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy (c. 37)
Trong sách Tin Mừng theo thánh Luca, Đức Giê-su còn nói mạnh hơn: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14, 26-27). Để trở thành môn đệ của ngài, Đức Giê-su đưa ra một đòi hỏi quá khó khăn. Vì thế, chúng ta thường hiểu đòi hỏi này chỉ dành cho một số ít người thôi, đó là các tông đồ, và bây giờ là những người đi tu. Hiểu như vậy là không đúng, vì như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su nói lời này với đám người rất đông đang cùng đi đường với Ngài; và trong Giáo Hội, dù lập gia đình hay đi tu, chúng ta đều là Ki-tô hữu, nghĩa là thuộc về Đức Ki-tô, chúng ta đều là môn đệ của Đức Ki-tô theo những cách thế khác nhau, trong đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì. Hơn nữa, Đức Giê-su còn mời gọi người ta dứt bỏ “vợ con”, nghĩa là Ngài ngỏ lời với cả người đã có gia đình, đã có vợ có chồng và đã cả con cái!
Vậy thì phải làm sao đây trước đòi hỏi quá rõ ràng và khó khăn của Đức Giê-su, ngỏ với từng người trong chúng ta, không phân biệt? Chúng ta được mời gọi dành thời gian để tìm cách hiểu Lời Chúa theo khả năng của mình, trước khi nghĩ đến việc phải thực hành làm sao. Trong nhiều trường hợp, nếu chúng ta “nhắm mắt” thực hành ngay, sẽ đi đến bế tắc thậm chí làm hại mình và làm hại nhau, như trong trường hợp đòi hỏi phải từ bỏ này. Thế thì, chúng ta phải hiểu như thế nào đòi hỏi quá lớn lao đến độ phi lí này của Đức Giê-su? Trước hết, chúng ta cần nhận ra rằng đòi hỏi này thật là lạ lùng, nếu không muốn nói là khó chấp nhận. Khó chấp nhận, vì Đức Giê-su không đòi chúng ta dứt bỏ của cải, tiện nghi, nhà cửa, ruộng đất, nhưng là dứt bỏ những con người cụ thể.
Và khó chấp nhận, nhất là vì Đức Giê-su không đòi hỏi chúng ta dứt bà con họ hàng, bạn bè hay là người yêu. Dứt bỏ những người này cũng không phải dễ, nhưng không phải là không làm được. Như chúng ta đã biết, có nhiều người trẻ nam nữ đã phải chia tay với người yêu để trở thành môn đệ Đức Ki-tô trong đời tu. Và dĩ nhiên là cũng có những người không chia tay được! Nhưng, ở đây, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ những người ruột thịt: đó là cha mẹ, vợ con, anh em, chị em. Và ruột thịt hơn nữa là chính sự sống của mình, bởi vì chúng ta phải đối diện vởi chính mình hằng ngày: phải ăn phải mặc, phải chăm sóc sức khỏe, và còn phải chú ý đến ngoại hình nữa. Có thể nói, Đức Giê-su đòi hỏi chúng ta dứt bỏ điều không thể dứt bỏ, bởi vì đó là ruột là thịt của mình. Ví dụ, dù chúng ta đi đâu, làm gì, sống ơn gọi nào, thì khi làm tờ khai, chúng ta vẫn phải khai mình là con của ai, khai vợ khai chồng nếu có, khai tất cả anh chị em ruột. Hơn nữa, người Việt Nam chúng ta rất coi trọng đạo hiếu với cha mẹ và tình nghĩa anh chị em và bà con thân thuộc.
Vậy “dứt bỏ” Chúa nói ở đây có nghĩa là gì? Dứt bỏ những người thân yêu, chính là để nhận lại như một quà tặng Thiên Chúa ban. Nếu không, chúng ta sẽ coi những người thân yêu là của riêng mình, và tự coi mình là chủ có quyền định đoạt theo ý riêng. Kinh nghiệm cho thấy, làm như thế chúng ta sẽ đánh mất mình và đánh mất nhau.
  • Tổ phụ Abraham vì tình yêu đối với Chúa, đã dứt bỏ người con trai duy nhất, nhưng cuối cùng đã nhận lại như một ơn huệ Thiên Chúa ban, và cùng với người con ơn huệ Isaac là cả một dân tộc đông như sao trên trời, nhiều như cát dưới biển.
  • Có thể nói, chính Thiên Chúa Cha cũng dứt bỏ người Con duy nhất, là Đức Giê-su Ki-tô trong cuộc Thương Khó, nhưng để nhận lại Ngài trong sự sống Phục Sinh và cùng với Ngài, là cả một đoàn con đông đúc, là nhân loại mới, là Giáo Hội, là chúng ta, được cứu chuộc bỏi cái chết trên Thập Giá của Đức Ki-tô.
Vỉ thế, chúng ta được mời gọi trở thành môn đệ của Đức Giê-su, ngang qua việc nghe Lời của Ngài và đón nhận mình và máu ngài trong Thánh Lễ, để nghiệm được tình yêu của Chúa dành cho mỗi người chúng ta. Và cách Đức Giêsu yêu mến chúng ta, cũng chính là cách thức chúng ta yêu mến nhau. Như Chúa nói: “Anh em hãy yêu mến nhau như Thầy yêu mến anh em”.
Nếu chúng ta yêu nhau như Chúa yêu chúng ta, tương quan tình yêu giữa chúng ta, sẽ không bị lệc lạch, không bị biến dạng thành tương quan ham muốn, chiếm hữu hay độc quyền, nhưng trở thành tương quan hiệp thông trong sự tôn trọng, chia sẻ cho nhau và chia sẻ cho nhau đến tận cùng. Và Ngài hứa với chúng ta là chúng ta sẽ nhận lại gấp trăm. Bởi vì tất cả những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành sẽ trở thành người thân của Chúa và vì thế, trở thành người thân của nhau. Lời hứa này không chỉ được ứng nghiệm trong cộng đoàn đời tu, nhưng trong Giáo Hội, trong cả trong cộng đoàn giáo xứ của chúng ta nữa.
Dứt bỏ mọi sự để trở thành môn đệ của Đức Giê-su bằng mọi giá, để yêu mến và đi theo Ngài, chúng ta sẽ không “đánh mất nhau”, nhưng ngược lại, chúng ta sẽ “tìm lại được nhau” trong tương quan tình yêu đích thật và muôn đời. Bởi vì Thiên Chúa là Tình Yêu.
Lời Chúa trong Thánh Lễ hôm nay, mời gọi chúng ta phải hi sinh từ bỏ rất lớn để trở nên môn đệ đích thật của Chúa. Nhưng đó chính là để chúng ta đón nhận tình yêu bao dung và thương xót của Chúa, và để chúng ta nhận lại nhau như hồng ân Chúa ban và yêu thương nhau; và không phải yêu thương nhau theo kiểu của chúng ta, nhưng là yêu thương nhau như Chúa yêu thương chúng ta.

3. Phần thưởng
Nếu những lời trên đây của Đức Giê-su gây ra nhiều khó khăn, thì những lời tiếp theo lại mang lại cho chúng ta sự bình an và hi vọng. Thật vậy, một ơn rất nhỏ, là một « chén nước », mà chúng ta trao ban cho những người thuộc về Đức Ki-tô, cũng được Chúa ghi nhận, coi trọng, và sẽ làm cho sinh hoa trái kết quả, như Người nói : « Người đó sẽ không mất phần thưởng đâu ». Và vì đó là « phần thưởng » đến từ Đức Ki-tô, con Thiên Chúa, nên sẽ tồn tại mãi mãi.
Chắc chắn ai trong chúng ta cũng trao ban hơn thế nhiều, cho những người thuộc về Chúa, hay rộng hơn, cho những gì thuộc về Chúa và cho chính Chúa. Vậy, dựa vào lời của Chúa, một đàng, chúng ta hãy xác tín về « phần thưởng », nghĩa là những hoa trái Chúa sẽ ban cho chúng ta, cho sự sống hôm nay và mai sau, cho dù chúng ta còn đầy thiếu sót, yếu đuối và tội lỗi ; và đàng khác, chúng ta được mời gọi trao ban hơn nữa.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, S.J.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét