Trang

Chủ Nhật, 6 tháng 7, 2014

TÓM LƯỢC ĐẠO CÔNG GIÁO

TÓM LƯỢC ĐẠO CÔNG GIÁO




A - CHỦ ĐÍCH KHI VIẾT BÀI TÓM LƯỢC VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO

I. CƠ HỘI .
            Dịp trước tết, sau tuần tĩnh tâm năm 2014, cha phụ trách trong Ban Mục vụ giáo phận đến nhờ tôi viết cho “ba bài ngắn gọn cụ thể” về:

1 – Giáo lý Công giáo: 4 diều (Giữ Xin Tin Chịu).
2 – Hôn nhân Công giáo: 4 câu hỏi.
3 – Gia đình Công giáo: 4 đề tài.

để in vào Phần Phụ lục cuốn Sổ Gia đình Công giáo sắp được ban hành trong giáo phận, trong Năm về Gia đình. Tôi đề nghị cho tôi viết: một Bài Tóm lược về Đạo Công giáo, dựa theo Sách Giáo lý giáo hội Công giáo (1992) và sách Giáo lý cho người trẻ Youcat (2011), một bài Tóm lược về Hôn nhân và Gia đình dựa theo Tông huấn về gia đình (1981) là tài liệu độc nhất từ xưa tới nay của giáo hội về Hôn nhân và Gia đình,Tông huấn luôn liên kết hôn nhân đi đôi với gia đình. Hẹn đầu tháng 3 sẽ hoàn thành. Mồng 5 tháng 3, tôi đưa bài nhờ Cha sở An Thạnh đánh vào vi tính gửi cho cha phụ trách, và nhờ cha nói thêm là Bài Tóm lược về Đạo Công giáo tôi soạn rất công phu, nhằm giới thiệu ngắn gọn, cụ thể những gì cốt lõi và độc đáo nhất của đạo, vừa cần thiết, vừa hữu ích cho mọi người trong việc Tân Phúc âm hóa mà cả giáo hội đang quan tâm. Tôi cũng đề nghị nếu có thể phổ biến rộng rãi trong dịp lễ giỗ cha Phanxicô Diệp cho nhiều người cả lương lẫn giáo biết rõ đạo công giáo là gì. Khi quí cha trong ban họp, cha sở có nhắc đến  ước mong và đề nghị của tôi, nhưng không ai có ý kiến gì. Đang khi đó, tôi có gửi email bài đó cho Đức cha Phanxicô Sang, giám mục Thái bình đã về hưu. Ba hôm sau, đức cha hồi âm: “đã nhận được Bài Tóm lược về Đạo Công giáo, bài hay và dễ hiểu, sẽ lấy in thành tập nhỏ phát cho mọi người lương giáo. Tôi cũng gởi bài đó cho một cha giáo ở Cần Thơ, và nhận được hồi âm: “con đang tìm giờ để đọc thật kỹ bài này vì con thoáng thấy bài này đem lại nhiều lợi ích cho công việc truyền giáo, huấn giáo, mục vụ của chúng con. Rõ được các chính phụ trong việc Tân Phúc âm hóa.”

            Thế rồi bất ngờ, 4 giờ chiều ngày 11-3 cha phụ trách đến gặp tôi cho biết: quí cha trong ban nhờ ngài nói với tôi là muốn phổ biến Bài Tóm lược rộng rãi cho nhiều người. Tôi sửng sốt và nghĩ ngay  đến ngày mai là lễ giỗ cha Phanxicô Diệp và trưa mai thì bế mạc, thế là không kịp phổ biến trong dịp tập họp rất đông người lương giáo rồi. Tôi trả lời cha là tôi rất vui mừng vì chỉ mong được nhiều người hiểu biết đạo công giáo là gì. Nhưng muộn còn hơn không. Mặc dầu tôi chưa phổ biến bài, nhưng một vài người đã thoáng thấy có cái gì hay và ích lợi, vì thế tôi muốn trình bày rõ ràng đầy đủ hơn chủ đích của tôi khi viết bài tóm lược như vậy.

II. CHỦ ĐÍCH KHI TÓM LƯỢC VỀ ĐẠO CÔNG GIÁO.

            Tôi biết rõ tóm lược Đạo Công giáo không phải chuyện dễ, vì liên quan đến Thiên Chúa, vũ trụ, con người, đến lịch sử quá khứ, hiện tại, tương lai, đến đời này và cả đời sau…do đó cần xác định trong giới hạn mình có thể, nên tôi chọn bốn chủ đích:

1/- Nêu bật Đức Giêsu Kitô là trung tâm của đạo. Tôi đã nói với cha phụ trách là soạn bài tóm lược dựa vào 2 sách giáo lý hiện đại nhất của giáo hội. Sách giáo lý giáo hội công giáo thì nêu bật ngay từ đầu, trong Tông hiến giới thiệu sách, là: đặt Đức Giêsu Kitô ở vị trí trung tâm của giáo lý công giáo. Rồi trong suốt bốn phần của sách, Đức Giêsu luôn nắm vai trò chủ chốt, trong vấn đề đức tin, trong việc cử hành các bí tích đức tin, trong đời sống theo đức tin, và cầu nguyện theo đức tin. Còn sách giáo lý cho người trẻ cũng vậy, trong 527 câu chủ đề thì có 217 câu nói trực tiếp đến Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô là trung tâm của chương trình cứu rỗi, vì Người là Đấng mặc khải Phúc âm cứu rỗi, là Đấng thực hiện việc cứu chuộc, là Đấng thiết lập giáo hội để quy tụ và phục hồi mọi người trong Nước của Thiên Chúa.

2/- Chọn cụm từ Phúc âm hóa để trình bày cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô. Dịp tháng 10 năm 2013 tôi đã gửi lên mạng Cần Thơ bài “Tìm hiểu tại saoTân Phúc âm hóa” trong đó có bàn về cụm từ Tân Phúc âm hóa. Cụm từ này mới được dùng trong giáo hội vào thế kỷ XX, còn trong các thế kỷ trước không dùng, nhưng cụm này lại có ý nghĩa rất phong phú, sâu sắc, ngắn gọn, không những để chỉ việc loan báo truyền dạy Phúc âm, việc huấn luyện cho có đức tin, mà còn hàm chứa cả việc biến đổi và phục hồi con người từ bên trong, để trở nên mới, nghĩa là từ tình trạng con người không biết không vâng phục Thiên Chúa trở về tình trạng làm con cái Thiên Chúa. Và cả hai sách giáo lý của giáo hội cũng đã trình bày trong câu số 1 của sách, đó là để con người nhận biết, yêu mến vâng phúc Thiên Chúa, làm việc lành theo ý Thiên Chúa để được thông phần hạnh phúc với Thiên Chúa. Do đó mà cụm từ Phúc âm hóa được áp dụng cho toàn bộ cuộc cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô từ khi xuống thế làm người, qua thời gian giáo hội nối tiếp công cuộc của Người cho tới khi Người lại đến vào ngày tận thế.

3/- Nhắc nhớ tới đầy đủ các nhân tố và hoạt động cốt yếu trong cuộc Phúc âm hóa. Tất cả các nhân tố và hoạt động trong cuộc Phúc âm hóa, liên hệ đến đạo công giáo đều được nhắc tới: Từ Chúa Cha, Chúa Giêsu Kitô, Chúa Thánh Thần, Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, các thánh Tông Đồ, các giáo phụ, các giáo sĩ tu sĩ giáo dân; đến Kinh Thánh Cựu ước và Tân ước; đến giáo hội và các hoạt động loan báo Phúc âm (truyền giáo), huấn luyện đức tin (huấn giáo), hướng dẫn sống đức tin (mục vụ), cùng với các tài liệu là sách giáo lý công giáo cho người lớn và cho người trẻ. Nhắc tới để có thể thấy nhân tố và hoạt động nào là chính là phụ, và có quan hệ mật thiết với nhau như thế nào trong đạo công giáo,đồng thời biết cái gì là cốt lõi nhất phải luôn đề cao.

4/- Nêu bật đạo công giáo là đạo vì hạnh phúc con người. Chủ đích thứ nhất đã nêu bật Đức Giêsu Kitô là trung tâm của đạo công giáo, vì Người là Thiên Chúa đã vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta người đã từ trời xuống thế. Chủ đích thứ hai đề cao vai trò của Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa xuống thế để mặc khải Phúc âm cho con người. Phúc Âm này chính là chương trình yêu thương của Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ và sáng tạo con người giống hình ảnh người để con người hưởng hạnh phúc với Thiên Chúa; để thực hiện việc cứu chuộc con người sau khi con người không vâng phục Thiên Chúa; để quy tụ con người trong giáo hội của Người và giúp họ được Phúc âm hóa.

Đạo công giáo muốn Phúc âm hóa con người bằng cách:

Giúp con người biến đổi và phục hồi con người một cách cụ thể thiết thực, từ tình trạng không biết và không vâng phục Thiên Chúa, sống với nhau theo luật rừng, gây chết chóc khổ đau; sang tình trạng lại được làm con cái Thiên Chúa, tôn thờ Thiên Chúa như cha, trở thành anh chị với nhau con một cha, cùng chung hưởng hạnh phúc với nhau.
Giúp con người noi gương Đức Giêsu Kitô sống yêu thương hiền hòa, công bình, phục vụ chia sẻ cho nhau.

Nhờ thế con người dẹp bỏ được thói quen cổ hủ chỉ biết đạo cách thuộc lòng, quen làm mấy việc bề ngoài, như “giữ xin tin chịu”, mà đời sống trong gia đình và xã hội thì không khác gì nhiều người không đạo, chưa chấm dứt lối sống cờ bạc, rượu chè, thụ động vô cảm, thờ hai ba chủ, sống nước đôi hai mặt… chưa loại trừ được những thành kiến cho rằng theo đạo là bỏ ông bà tổ tiên, là theo đạo ngoại lai bên tây phương, là mê tín dị đoan, đạo đức giả…

Ngày nay toàn giáo hội đang quan tâm để Tân Phúc âm hóa mọi người, nếu Phúc âm hóa mà không đổi mới hay không phục hồi gì cho đúng Phúc âm để đem lại hạnh phúc, lại xa rời Phúc âm và xa rời lối sống của Đức Giêsu Kitô, thì có nguy cơ đi vào vết xe cũ của thời xưa, chắc chắn sẽ thất bại như lịch sử giáo hội đã minh chứng.

B. TÓM LƯỢC VỀ  ĐẠO CÔNG GIÁO
(Dựa theo lối trình bày mới nhất của Sách Giáo lý Công giáo
và Sách Youcat để thắp sáng đức tin )
* * *
I. Đạo Công giáo là gì?
Đạo Công giáo là tổ chức tôn giáo đem tin vui hay Phúc âm của Đức Giêsu Kitô cho mọi người, để biến đổi mọi người theo Phúc âm của Đức Giêsu Kitô nghĩa là để Phúc âm hóa mọi người.
Phúc âm này cho biết rằng: Thiên Chúa vì yêu thương đã sáng tạo vũ trụ vạn vật và con người, để chia sẻ hạnh phúc cho họ. Nhưng con người nghe theo qủi dữ cám dỗ, không muốn vâng phục Thiên Chúa rồi sa ngã trong tội lỗi, phải đau khổ và chết. Tuy nhiên Thiên Chúa vẫn  yêu thương đã cử Đức Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa đến trần gian, không những báo tin vui cho mọi người biết dù loài người đã không vâng phục Thiên Chúa, Thiên Chúa muốn cứu họ; mà còn đích thân thực hiện việc cứu chuộc loài người khỏi tội lỗi, khỏi chết; đồng thời Đức Giêsu Kitô còn thiết lập Giáo hội Công giáo để sau khi Người hoàn tất việc cứu chuộc rồi về trời, Giáo Hội Công Giáo nối tiếp công việc của Người ở trần gian, loan báo Phúc âm của Người cho mọi người, quy tụ họ vào Giáo hội để họ lại có thể chia sẻ hạnh phúc với Thiên Chúa.
Thời gian đầu, những người theo Đức Kitô thường được gọi là Kitô hữu. (xem Cv11,26). Đầu thế kỷ II đạo của Đức Kitô được gọi là Kitô giáo.Về sau để phân biệt với các đạo khác như Phật giáo, Ấn Độ giáo, Hồi giáo… người ta quen gọi là đạo Công giáo.
Tất cả những công việc vừa tóm tắt trên, như:
- Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ và con người, chọn các tổ phụ, các tiên tri và chọn dân riêng của Thiên Chúa, được ghi chép cẩn thận trong các sách Cựu Ước (46 sách).
- Thiên Chúa cử Đức Giêsu Kitô xuống thế làm người, loan báo Phúc âm và thực hiện việc Phúc âm hóa, được ghi chép trong sách Tân Ước (27 sách).
Đạo Công giáo múc lấy đạo lý, sức sống và sức mạnh của mình từ Thiên Chúa, từ Sách Thánh (Cựu ước và Tân ước) và từ Thánh Truyền (là những thói quen trong lối sống nếp nghĩ của dân được truyền lại).

II. Đức Giêsu Kitô có vai trò nào trong Đạo Công giáo?
Đức Giêsu Kitô có vai trò trung tâm và quan trọng tuyệt đối trong (Đạo Công giáo), như Thánh Phêrô có nói: “Dưới gầm trời này không có một danh nào khác đã được ban cho loài người, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu rỗi” (Cv 4,12). Đức Giêsu Kitô có vai trò tuyệt đối, bởi vì:

Thứ nhất Đức Giêsu Kitô là “Con Một Thiên Chúa” (Ga 3,16). Con Một của Thiên Chúa nghĩa là chỉ một mình Đức Giêsu Kitô đích thực là Con trên hết mọi người là con. Vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, Người đã từ trời xuống thế, sinh sống ở đất Do Thái. Đồng thời Đức Giêsu Kitô cũng là Thiên Chúa thật như Người đã mặc khải cho biết: Người với Chúa Cha là một (Ga 10, 30), nghĩa là Người cũng là Thiên Chúa. Do đó Đức Giêsu Kitô vừa là Thiên Chúa vừa là người. Đây thật là một mầu nhiệm. Mầu nhiệm này làm cho Đạo Công giáo thật sự là đạo xuất phát từ trời, từ Thiên Chúa là Đấng làm chủ trời đất.

Thứ haiĐức Giêsu Kitô là Con một Thiên Chúa và cũng là Thiên Chúa, đã xuống thế làm người để cứu chuộc, nên Người có ba nhiệm vụ cốt yếu đối với loài người là: mặc khải, cứu chuộc, qui tụ và phục hồi (SGLGHCG số 516, 517, 518).

    + Mặc khảiChính Đức Giêsu Kitô là Đấng duy nhất mặc khải về Thiên Chúa là tình yêu và về chương trình cứu rỗi loài người: “ Không ai biết rõ Chúa Cha trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho”(Mt 11, 27). Đức Giêsu Kitô biết rõ Thiên Chúa cũng như biết rõ con người, biết rõ ngôn ngữ hình ảnh nào diễn tả Thiên Chúa đúng nhất và dễ hiểu nhất cho con người để mặc khải. Người không chỉ dùng lời nói mà còn dùng toàn bộ đời sống Người, từ giáng sinh, sống âm thầm ở Nadarét, đi giảng dạy Phúc Âm, cho đến việc chết trên thập giá, sống lại,về trời, tất cả đều góp phần làm cho việc mặc khải của Người về Thiên Chúa và về con người được đầy đủ, trọn vẹn.

    + Cứu chuộc. Không những mặc khải, Đức Giêsu Kitô còn đích thân thực hiện chương trình cứu rỗi và cứu chuộc loài người, nghĩa là Phúc Âm Hóa họ, biến đổi họ từ thù nghịch với Thiên Chúa trở thành con cái nghĩa thiết với Thiên Chúa. Để chuộc lại tội không vâng phục Thiên Chúa, Người đã dâng cả cuộc đời để vâng phục thánh ý Thiên Chúa (Dt 10, 7).  Ngay từ 12 tuổi Người đã lo sống hiếu thảo với Cha trên trời (Lc 2, 49), ở Nadarét Người vâng phục cha mẹ là thánh Giuse và Đức Maria (Lc 2, 51). Người cùng với dân tộc Người tuân giữ việc thờ phượng, cảm tạ, cầu nguyện Thiên Chúa. Khi đi giảng đạo, Nguời tìm gặp gỡ mọi người, kêu gọi họ từ bỏ tội lỗi; dạy cho họ Tám mối Phúc để biết sống khó nghèo, yêu thương, công bằng, khiết tịnh, tha thứ; Người chữa bệnh, trừ quỉ, giúp con người thoát khổ; và để tỏ tình yêu thương đến cùng, Người vui lòng chết trên thập giá như một hiến tế chuộc tội cho mọi người, hòa giải con người với Thiên Chúa để họ lại có thể hưởng hạnh phúc vĩnh hằng với Thiên Chúa.

    + Qui tụ và phục hồi - Trong khi loan báo Phúc Âm để mặc khải cho mọi người biết chương trình cứu rỗi của Thiên Chúa, cũng như trong khi thực hiện việc cứu chuộc bằng cuộc sống vâng phục đến chết trên thập giá, Đức Giêsu Kitô đã biến đổi và phục hồi được một số đông người Do thái tin theo Người, và qui tụ họ thành nhóm 12 tông đồ để làm nền móng cho Giáo Hội Công giáo. Người cũng đã thiết lập Bí tích Thánh Thể và Bí tích Truyền chức thánh để ban ơn thiêng cho Giáo hội đủ khả năng nối tiếp công việc của Người. Trước khi về trời, Đức Giêsu Kitô đã sai giáo hội đi khắp trần gian làm cho mọi dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Người đã truyền. Và Người hứa ở cùng giáo hội mọi ngày cho đến tận thế”(Mt. 28, 19-20). Sau khi về trời, Đức GiêsuKitô đã cử Thánh Thần đến giúp Giáo hội.

Như vậy Đức Giêsu Kitô có vai trò độc đáo duy nhất trong đạo của Người, Người vừa là Thiên Chúa, vừa là Con một Thiên Chúa xuống thế làm người. Nói theo kiểu mới bây giờ, Ngườivừa là Đấng loan báo Phúc Âmvừa là Đấng sống Phúc Âm một cách toàn hảo, vừa Phúc Âm Hóa mọi người, để biến đổi họ từ thù nghịch với Thiên Chúa trở thành bạn hữu của Thiên Chúa, qui tụ họ trong giáo hội của Người để hưởng hạnh phúc trong Nước Thiên Chúa. Việc Phúc Âm Hóa của Người là nền tảng mẫu mực cho việc Phúc Âm Hóa của giáo hội ở mọi thời mọi nơi. Người đã Phúc Âm Hóa vừa bằng lời nói vừa bằng cả đời sống luôn gắn bó nghĩa thiết với Thiên Chúa và hòa nhập với mọi người, nổi bật là đời sống cầu nguyện, hiền lành, nghèo khó, khiêm nhường, phục vụ. Việc Phúc Âm Hóa và cách Phúc Âm Hóa của Người đã được ghi chép trong bốn sách Phúc Âm.

III. Giáo hội Công giáo thi hành sứ vụ Phúc Âm Hóa :
Đức Giêsu Kitô khi ở trần gian đã Phúc Âm Hóa trong 33 năm trên đất Do Thái, đã biến đổi Giêrusalem thành trung tâm của giáo hội Người. Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, nhờ năng động của Phúc Âm là sức mạnh sống động do Đức Giêsu Kitô liên hợp với Chúa Thánh Thần, giống như ánh sáng và muối men có khả năng làm biến đổi , nhân văn hóa và siêu nhiên hóa cả cá nhân cũng như xã hội, các tông đồ và môn đệ của Đức Giêsu Kitô đã tiếp tục Phúc Âm Hóa trong đất Do Thái rồi mở rộng khắp đế quốc Rôma, trong thế  kỷ I.

Từ thế kỷ II, giáo hội Phúc Âm Hóa trong suốt hơn 20 thế kỷ trên khắp thế giới cho đến nay. Giáo hội theo truyền thống các tông đồ đã tiếp tục Phúc Âm Hóa, được “Sách Chỉ dẫn tổng quát về Huấn giáo”(1997) tóm lược trong ba hoạt động chính : truyền giáo, huấn  giáo và mục vụ.

Truyền giáo là loan báo Phúc âm lần đầu cho những người chưa biết Đức Chúa Giêsu (quen gọi là kerygma) gồm 4 điểm: Đức Giêsu Kitô bị giết chết, Thiên Chúa phục sinh Người, Người tha tội cho mọi người, chúng tôi làm chứng về các điều trên. Đây chính là tóm lược trung tâm của mầu nhiệm Kitô giáo mà Giáo Hội loan báo cho người Do thái (xem Cv3, 12 – 26) còn cho người ngoài Do thái giáo thì nhấn mạnh đến Thiên Chúa sáng tạo và làm chủ lịch sử (xem Cv 17, 24 – 31).

Huấn giáo là truyền đạt cho người đã tin toàn bộ Giáo lý Công giáo, giúp họ hiểu biết gặp gỡ Đức Giêsu Kitô. Từ mầu nhiệm Kitô giáo, giáo hội khai triển thành bốn thái độ và bốn nhiệm vụ của Kitô hữu là: tuyên xưng đức tin, cử hành bí tích  đức tin, sống theo đức tin trong Đức Giêsu Kitô và cầu nguyện theo Đức Giêsu Kitô. Đây là bốn cột trụ của Sách Giáo lý Công giáo, có tương quan rất chặt chẽ, để giúp Kitô hữu / Phúc âm hóa chính mình và Phúc âm hóa mọi người.

Mục vụ là tổ chức giúp Kitô hữu sống đúng căn tính của mình, đó là sống hiệp thông với Đức Giêsu Kitô, sống như con cái Thiên Chúa Ba Ngôi, phục hồi lại địa vị con người đã đánh mất vì tội lỗi, qua việc thường xuyên giáo dục đức tin (lớp giáo lý, giảng trong lễ, sinh hoạt…), qua việc cử hành các bí tíchqua việc sống theo đức tin và các Điều răn của Thiên Chúa hay của giáo hội, trong gia đình cũng như trong xã hội. Tất cả để Kitô hữu sống Phúc âm như Đức Giêsu Kitô là người mẫu sống Phúc âm, và cũng là người mẫu trong việc Phúc âm hóa.

Theo lịch sử giáo hội, các hoạt động Phúc âm hóa có khi gặp hoàn cảnh thuận lợi đã phát triển rất mạnh như thời các  tông đồ và các giáo phụ, giáo hội phát triển thành thế giới Kitô giáo (thời Trung cổ); có khi khó khăn do phong trào tục hóa, do lối  sống giáo sĩ trị, việc Phúc âm hóa sa lầy, khiến nhiều Kitô hữu bỏ giáo hội. Giáo hội phải họp Công đồng Trentô (1545) để cải tổ, nhờ đó mới có Sách giáo lý Rôma lần đầu tiên để sử dụng (1566). Nhưng sau hơn 400 năm, hoàn cảnh giáo hội và thế giới lại đổi thay, phong trào tục hóa, duy vật vô thần, chống đối giáo hội phát triển, giáo hội không theo kịp đà tiến của xã hội, Kitô hữu lại bỏ giáo hội nhiều hơn, nên giáo hội phải họp Công đồng Vatican II để cập nhật hóa với thế giới (1963-1965), soạn Sách Giáo lý Công giáo theo Vatican II (1992) và Sách Giáo lý cho người trẻ (Youcat 2011), nhất là ngày nay đang tập trung lo Tân Phúc Âm hóa để thông truyền đức tin Kitô, giúp mọi người được Phúc âm hóa đúng nghĩa nhất.

Tóm lại, giáo hội đã đón nhận năng động của Đức Giêsu và Chúa Thánh thần để tiếp tục cuộc Phúc âm hóa của Đức Giêsu Kitô và các tông đồ qua việc tổ chức ba hoạt động là truyền giáo, huấn giáo, mục vụ. Đặc biệt là đã soạn sách giáo lý Rôma, sách giáo lý công giáo theo Vatican II, sách giáo lý cho người trẻ (Youcat) để làm tài liệu cần thiết và hữu hiệu nhằm phục vụ việc Phúc âm hóa.

IV. Giáo Hội Công Giáo khi thi hành sứ vụ Phúc âm hóa đã nhắm tới điều gì cốt lõi nhất ?
            Để trả lời cho đúng , phải trở về nguồn là Phúc âm mà Đức Giêsu Kitô và các tông đồ của Người đã loan báo. Phúc âm cho biết Thiên Chúa muốn cứu rỗi, cứu chuộc loài người, nghĩa là muốn Phúc âm hóa, muốn biến đổi phục hồi con người từ tình trạng tội lỗi không biết Thiên Chúa, trở về tình trạng như Thiên Chúa đã sáng tạo ban đầu, đó là con người nhận biết và yêu mến vâng phục Thiên Chúa  để làm việc lành theo ý Thiên Chúa, và để thông phần sự sống hạnh phúc với Người (số 1 của Sách Giáo lý công giáo cũng như Sách Youcat). Loan báo truyền giảng Phúc âm là để mọi người nghe và tin. Ta cần hiểu tin cho chính xác và đầy đủ. Tin không phải chỉ là chấp nhận cho là đúng là thật là đáng hy vọng mà thôi. Kitô hữu tin Phúc âm, tin Đức Giêsu Kitô không phải chỉ là chấp nhận là đúng và thuộc lòng những điều phải tin trong Kinh Tin Kính, không phải là giữ một số thói quen làm dấu thánh giá, đọc kinh xem lễ, chịu một số bí tích, thực hành các Điều răn… Ngoài ra vẫn sống theo thói thường của người đời, ham hưởng thụ, ham giàu sang, nhậu nhẹt, bất công, gian dối, thờ hai ba chủ, sống nước đôi hai mặt…Đối với Kitô hữu, tin hay đúng hơn đức tin phải là ơn Thiên Chúa ban, là sức mạnh thiêng liêng Thiên Chúa soi sáng giúp ta hiểu biết, chọn lựa đi vào mối tương quan mật thiết và tình nghĩa với Đức Giêsu Kitô, đón nhận tất cả những gì Người mặc khải, sống theo Lời Người dạy, sống như Đức Giêsu Kitô sống trong mình (Gl 2,20), sống luôn hiệp thông với Chúa Cha, hiệp thông trong tâm tình cũng như trong hành động, sống thánh thiện như Đức Giêsu Kitô, gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Như vậy khi giáo hội Phúc âm hóa, giáo hội nhằm biến đổi và phục hồi con người thành mộtKitô hữu là bạn thân tình của Đức Giêsu Kitô, luôn sống hiệp thông với Đức Giêsu Kitô trong suốt cuộc đời mình, trong khi sốt sắng tuyên xưng đức tin, sốt sắng cử hành các bí tích, trung thành tuân giữ các Điều răn, ở trong gia đình cũng như xã hội (xem Tài liệu Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin số 18). Ngày nay giáo hội phải dùng toàn tâm toàn lực để lo Phúc âm hóa con người trở thành bạn hữu của Đức Giêsu Kitô và bạn hữu của nhau. Còn Kitô hữu Việt Nam ngày nay phải Phúc âm hóa thế nào để mọi người công nhận rằng Kitô hữu Việt Nam đã sống đạo thật chứ không phải chỉ giữ đạo bề ngoài; làm sao để cũng như các vị truyền giáo đầu thế kỷ XVIII ở Đàng Ngoài,đã ghi nhận: “Người lương dân gọi bổn đạo là những người theo đạo yêu nhau. (xem linh mục Đỗ Quang Chính sj ). Vì thế mọi người phải lấy Phúc âm của Đức Giêsu Kitô và cách Phúc âm hóa của Đức Giêsu Kitô làm mẫu mực. Tân Phúc Âm Hóa mà xa rời tinh thần Phúc âm và phương cách Phúc Âm Hóa của Đức Giêsu Kitô và các tông đồ, là đi theo vết xe cũ của thời xưa, chắc chắn gặp thất bại như lịch sử giáo hội đã chứng minh.


ĐỂ KẾT:
Toàn thể Giáo hội Công giáo đứng đầu là đức giáo hoàng Phanxicô đang bắt tay vào việc Tân Phúc Âm hóa. Mỗi người mang danh là Kitô hữu phải trở thành bạn hữu chân tình của Đức Giêsu Kitô. Giáo dân và tu sĩ đã được xức dầu Kitô khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội và Thêm sức, giám mục và linh mục còn được xức dầu Kitô thêm lần nữa khi lãnh nhận bí tích Truyền chức thánh. Lãnh nhận có chút xíu dầu Kitô rồi sau đó bị chùi sạch ngay; nhưng cái mà dầu Kitô biểu tượng lại là ơn Chúa Thánh Thần, là sự thánh thiện của Đức Giêsu Kitô, là sự hiệp thông với Thiên Chúa Ba Ngôi và hiệp thông với moi người, được thể hiện trong nếp sống yêu thương, công bình, khó nghèo, khiêm tốn, phục vụ… những gì vừa được kể ra đây phải được nâng niu gìn giữ mãi mãi trong mình, không được để cho thế tục chùi sạch mất hết.
Lạy Chúa Giêsu Kitô, Chúa đã thiết lập Giáo hội Công giáo trên tảng đá Phêrô mà quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Khi sai giáo hội đi Phúc âm hóa muôn dân, Chúa vẫn luôn ở cùng giáo hội mọi ngày cho đến tận thế. Xin cho giáo hội luôn có những Kitô hữu mang trong mình dầu thánh thiện của Chúa, sống nghĩa thiết như bạn thân tình của Chúa, Phúc âm hóa theo đúng cách Phúc âm hóa của Chúa, chỉ có thế giáo hội mới có thể Phúc âm hóa được cả thế giới. Amen

 Linh mục Antôn Nguyễn Mạnh Đồng
                                Nhà Hưu Dưỡng linh mục Cần Thơ.
                               Vào Mùa Chay 2014



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét