Trang

Thứ Bảy, 2 tháng 8, 2014

03-08-2014 :(phần II) CHÚA NHẬT XVIII MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

03/08/2014
CHÚA NHẬT XVIII QUANH NĂM năm A
(phần II)


Giáo lý PÂCN 18 TN.A
CHÚA NHẬT XVIII QUANH NĂM A
Sách Ngôn Sứ Isaia 55,1-3; Thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Roma 8, 31-39
và Phúc Âm Thánh Matthêô 14, 13-21

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Chúa chạnh lòng thương xót dân chúng:
Chữa lành bệnh nhân và làm phép lạ hoá bánh ra nhiều để nuôi dân.
Môn đệ Chúa phải thương dân chúng như Chúa “chính anh em phải cho họ ăn!”
Ai nấy đều ăn và được no nê: Dân chúng theo Chúa, họ được quyền nuôi sống no thoả mà không phải trả đồng nào như trong tinh thần bài đọc một trích sách Tiên Tri Isaia.
II.               Vấn nạn P.Â.    
Chúa có thể không cần làm phép lạ hoá bánh ra nhiều cho dân chúng ăn no, nhưng có thể làm phép lạ cho dân chúng no bụng mà không cần ăn?
            Đúng vậy, vì “sự gì mà Thiên chúa không làm được!” Nếu cứ theo lý luận Chúa toàn năng nầy thì những gì mà Chúa đã làm: sinh ra làm một hài nhỉ, sống với Cha Mẹ, lớn lên giữa dân làng, đi truyền đạo, chọn các tông đồ, làm phép lạ chữa bệnh tật.. sau cùng chết nhục nhã trên Thánh Giá, chôn ba ngày trong mồ, sống lại và lên trời… đều không cần thiết để tốn phí quá nhiều thời giờ và sức lực. Chỉ cần phán một lời thì có mọi sự. Chỉ cần muốn cho dân chúng no là họ sẽ no bụng. Chuyện năm chiếc bánh và hai con cá… xem chừng dư thừa.

            Nếu chuyện năm chiếc bánh và hai con cá thành dư thừa trong phép lạ hoá bánh ra nhiều thì chuyện giữ đạo và hy sinh đóng góp của chúng ta trong chương trình cứu độ cũng dư thừa. Không, Chúa sinh dựng nên chúng ta, không cần có chúng ta. Nhưng Chúa cần chúng ta hợp tác trong chương trình cứu độ. Hoá bánh ra nhiều trong sa mạc nuôi dân là chương trình cứu độ. Dân chúng cần cảm thấy đói và cần chứng kiến việc chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá mà cả năm ngàn người ăn no phủ phê. Xin đề cập đến ơn cứu độ trước khi đi đến vấn nạn Chúa có cần làm phép lạ theo kiểu hoá bánh ra nhiều để nuôi dân chúng hay không? Xin trở lại những trang Giáo Lý căn bản:

            Thiên Chúa đã làm gì sau tội đầu tiên của con người?

            Sau tội đầu tiên, thế gian đã bị tràn ngập tội lỗi, nhưng Thiên Chúa đã không bỏ rơi con người dưới quyền lực sự chết. Trái lại, Ngài đã tiên báo cách mầu nhiệm - trong "Tiền Tin Mừng" (x. St 3,15) - rằng sự dữ sẽ bị đánh bại và con người sẽ được nâng dậy khỏi sự sa ngã của họ. Ðó là lời tiên báo đầu tiên về Ðấng Mêsia cứu chuộc. Vì thế, chúng ta đã gọi sự sa ngã là "tội hồng phúc" (felix culpa), vì "nhờ có ngươi, ta mới có được Ðấng Cứu Chuộc cao cả dường này" (Phụng Vụ đêm Vọng Phục sinh).

            Như vậy cứu độ tức cứu con người khỏi tội và ban cho họ hạnh phúc vô tận trên thiên đàng. Để thực hiện chương trình cứu độ thì “Con Thiên Chúa đã nhập thể trong lòng Trinh Nữ Maria bởi phép Chúa Thánh Thần, vì loài người chúng ta và để cứu rỗi chúng ta, có nghĩa là để chúng ta, là những kẻ tội lỗi, được giao hòa với Thiên Chúa, để cho chúng ta biết được tình thương vô bờ bến của Ngài, để trở nên mẫu gương cho chúng ta về sự thánh thiện và để làm cho chúng ta trở thành những người "được thông phần bản tính Thiên Chúa ( 2 Pr 1,4).

            Để Con Thiên Chúa xuống làm người thì “Ðức Maria đã cộng tác vào kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, Ðức Maria, suốt đời vẫn tinh tuyền không hề phạm một tội riêng nào. Mẹ là "Ðấng đầy ân phúc" (Lc 1,28), "Ðấng rất thánh." Khi Thiên Thần báo tin rằng Mẹ sẽ sinh "Con Ðấng Tối cao" (Lc 1,32), Mẹ đã tự do chấp nhận trong "sự vâng phục của đức tin" (Rm 1,5). Ðức Maria tự hiến hoàn toàn cho con người và công trình của Chúa Giêsu, Con của Mẹ, và với trọn tâm hồn Mẹ chấp nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa.

            Như vậy Chúa sinh dựng nên chúng ta là để cứu độ chúng ta. Chương trình cứu độ đã có từ ngàn đời là: Con Thiên Chúa, sinh bởi người phụ nữ, xuống làm người và ở giữa chúng ta. Nên ngay từ đời đời, cứư độ là mang hạnh phúc cho con người, nhưng đó không là việc “tự trời giáng xuống” nhưng phải có sự đóng góp của người được cứu hay nói khác đi phải theo nguyên tắc “có trời mà cũng có ta!”.

            Hoá bánh ra nhiều là phép lạ, vì là chuyện không ai làm được từ năm chiếc bánh và hai con cá mà cho năm ngàn người ăn no. Nhưng phép lạ nầy nằm trong chương trình cứu độ, tức cần hợp tác. Hợp tác bằng cách góp phần. Hợp tác bằng cách cầm lấy bánh mà ăn. Có thế người được ăn no mới nhận ra con người bằng xương bằng thịt là Thiên chúa.

Phép lạ đang xảy ra – Miracles do happen – Sister Briege McKenna knows that God can do the impossible.
            (Trích Mạng Lưới Dũng Lạc – Tin vui thồi điểm – Lm. Trần cao Tường)

            Đây là câu chuyện thật về một người đã từng bị chứng sưng khớp xương (rheumatoid arthritis) nặng đến nỗi phải ngồi xe lăn. "Tôi phải dùng thuốc cortisone nhiều đến độ thuốc không còn hiệu nghiệm. Cơn đau dai dẳng. Như một hậu quả của thuốc cortisone, tôi mất trí nhớ. Tôi khóc vì đau, Bác sĩ nói không còn hy vọng gì nữa..." "Tôi cảm thấy khô khan về phương diện tinh thần. Ngay cả tự hỏi rằng tôi có tin vào Chúa Giêsu không!"

            Đó là trường hợp của nữ tu Briege McKenna thuộc dòng thánh Clara ở vùng Tampa, Florida. Một hôm Sơ "đánh liều" tìm đến dự một buổi tĩnh tâm ở Orlando, Florida, nói về sức mạnh của cầu nguyện và sức mạnh của Thánh Linh. Sơ bắt đầu cảm thấy tin tưởng, ước mong có vị linh mục cầu nguyện cho mình để mong được ơn này nọ và mong đuợc đỡ đau phần nào. Nhưng tuyệt nhiên Sơ không nghĩ rằng mình có thể được chữa khỏi bệnh.

            Sơ kể lại: "Thiên Chúa chừng như đọc đuợc ý nghĩ của tôi, nên Ngài đã nói với tôi: "Đừng nhìn vị linh mục, hãy nhìn Thầy." Lúc đó lời cầu nguyện duy nhất tôi là "Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con."

            Vào lúc đó, tôi cảm thấy có một bàn tay chạm đến đầu tôi, và tôi nghĩ đó là bàn tay của một vị linh mục đặt tay cầu nguyện cho tôi. Tôi mở mắt ra thì không thấy ai cả, nhưng có một sức mạnh luân chuyện trong người tôi. Thật khó mà diễn tả cái cảm giác ấy, nhưng tôi có thể nói như thế này: Tôi cảm thấy như một trái chuối bị lột vỏ.

            Tôi nhìn vào thân thể mình, những ngón tay tôi vẫn còn cứng, nhưng không bị cong queo như chân tôi. Ở hia khuỷu tay tôi có những vết thương bây giờ đã biến mất và những ngón tay bắt đầu mềm mại, và tôi có thể nhìn thấy chân tôi, trong dép săng-đan, không còn cong queo nữa.Tôi nhảy lên và la lớn: "Lạy Chúa Giêsu, Chúa đang ở đây!"

            Từ ngày đó tôi không còn bị sưng khớp xương và hoàn toàn không đau đớn nữa. Đó là một việc chữa lành kỳ lạ, nhưng sâu xa trong tâm hồn tôi có một sự thay đổi vĩ đại. Qua sự đổi mới linh thiêng, tôi cảm nghiệm được sự chữa lành của Thánh Linh. Tôi có một cái nhìn mới mẻ về giáo hội, như thể tôi nhìn Mình Thánh và bí tích giải tội qua một lăng kính mới."

            Thế là Sr. Briege McKenna đã được ơn Chúa chữa khỏi và sai đi chữa lành nhiều thứ bệnh, kể cả bệnh ung thư, đặc biệt qua niềm tin vào Thánh Thể Chúa. Sơ vẫn thường xuyên đi giảng nhiều nơi, nhất là những đại hội về Thánh Linh, và đã từng giảng cho ngay cả các giám mục và linh mục qua các buổi tĩnh tâm, mà tôi có dịp tham dự vào năm 1997 và 2008 tại New Orleans.

            Đề tài chính vẫn là: Phép lạ qua mỗi thánh lễ. Tất cả những trường hợp được chữa khỏi cách lạ lùng này được Sơ ghi lại trong một cuốn "Phép Lạ Vẫn Xảy Ra". (Miracles Do Happen). Đây là bốn trường hợp điển hình:

            Qua câu chuyện chữa bệnh có thật nầy, tôi chỉ xin xác quyết là:
            Chúa vẫn làm phép lạ.

            Chúa làm phép lạ để cứu độ và cho người được cứu độ nhận ra ơn cứu độ và tôn vinh Thiên Chúa. Phép lạ luôn đòi hỏi sự cộng tác tích cực của thụ nhân: Cầu nguyện liên lỉ và chân thành, đồng thời hoàn toàn tin tưởng vào quyền năng Chúa. 

            Tuy nhiên không phải tất cả lời cầu xin đều được Chúa nhậm lời làm phép lạ.

Dù không có tiền bạc cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa không phải trả đồng nào!” Chúa ban chính Chúa làm của ăn nhưng không cho chúng ta. Tại sao có vấn đề tốn tiền xin lễ mới được linh mục cầu nguyện cho?

            Đức Giáo Hoàng Phalo VI trong tự sắc Firma in traditione ban hành ngày 13 tháng 6, 1974 đã thiết lập những qui định cho việc xin lễ và bỗng lễ.

·        Xin lễ và của lễ dâng đã có trong truyền thống lâu đời của Giáo Hội (GL.945)
·        Mục đích: góp phần vào hy tế trên bàn thờ để linh mục cầu nguyện cho ngườI xin lễ.
·        Bỗng lễ dâng giúp linh mục và công việc của Giáo Hội  (GL.946)
·        Giáo Hội chấp nhận truyền thống xin lễ và của lễ dâng và ban hành luật lệ để áp dụng.

            Việc xin lễ, tức đưa một số tiền để linh mục cầu nguyện theo ý mình xin là truyền thống, chứ không là luật buộc “phải xin lễ!”  Giáo dân được linh mục cầu nguyện cho luôn dù có xin lễ hay không. Giáo Luật qui định những điều linh mục phải giữ khi nhận tiền lễ để dâng lễ theo ý người xin như sau:

            Ngày Chúa Nhật và lễ buộc (Ở Canada có hai lễ buộc: Lễ Giáng Sinh 25.12 và Lễ Đức Mẹ, Mẹ Thiên Chúa ngày 1.1.) Cha sở phải dâng một lễ cầu cho giáo dân mình. Cha Sở không được nhận bỗng lễ và không được kèm theo một ý lễ riêng tư nào khác. Đây là quyền lợi thiêng liêng của giáo dân. (GL.388 and 534). Trong một thánh lễ, nhất là trong Thánh Lễ Chúa Nhật có nhiều hơn một ý lễ. Nhiều nơi phải mất hàng năm phút để rao báo hàng vài chục ý lễ, tên người xin lễ và số tiền xin lễ. Đây là việc mại thánh và bị phạt vạ theo Giáo Luật khoản 1385.

            Người ta biện giải rằng: thánh lễ vô giá, hàng trăm ý lễ chung vào một lễ cũng chả sao! Giáo dân và người xin lễ đồng ý cho linh mục gom nhiều lễ trong một thánh lễ Chúa Nhật để họ có dịp dự lễ. Những cắt nghĩa nầy không thỏa đáp cho những qui định Giáo Luật về: Một linh mục, một ngày, một lễ và một bỗng lễ. Ý lễ xin chỉ buộc linh mục, giáo dân không bị buộc phải cầu nguyện theo ý người xin lễ với linh mục. Nên ý lễ không cần và không nên rao báo có ý để mọi người hợp ý cầu nguyện hay có ý bảo đảm là linh mục đã dâng lễ. Linh mục chỉ cần “có ý” dù mặc nhiên hay minh nhiên cũng đã thỏa đáp được việc chỉ lễ theo ý người xin. 

            Linh mục giữ cho riêng mình tất cả bỗng lễ hoặc xử dụng tiền xin lễ vào nhu cầu tiêng hay dù cho nhu cầu công ích của giáo xứ đi nữa vẫn là chuyện trục lợi trên việc xin lễ (profit-making) và nằm trong hình phạt được qui định về việc mại thánh.   Linh mục có thể dâng nhiều hơn một lễ trong một ngày và có thể có ý lễ riêng cho mỗi thánh lễ. Tuy nhiên, những bỗng lễ trong thánh lễ thứ hai hay thứ ba phải được chuyển giao cho Bản Quyền Địa Phương tức chuyển về địa phận

            Giáo dân không được phép quyên góp gây quỹ cho giáo xứ mình bằng việc xin lễ thật nhiều để tránh thuế của địa phận (Vì địa phận không được quyền đánh thuế trên tiền xin lễ, nhưng trên tiền rỗ ngày Chúa Nhật). Những sai phạm trên thường cũng được biện minh rằng: Luật địa phận cho phép. Tuy nhiên chúng ta cần biết nguyên tắc nầy: Đức Giám Mục địa phận là nhà lập pháp của địa phận mình. Ngài có quyền ra luật cho địa phận mình. Tuy nhiên, so với Giáo Hội toàn cầu, Ngài vẫn là nhà lập pháp thấp (lower legislator). Nên luật địa phận không bao giờ được phép đi ngược lại hay ra ngoài những qui định của Giáo Hội toàn cầu mà chúng ta quen gọi là Giáo Luật (GL.135§2).

            Hơn nữa linh mục là người nhận ý lễ và bỗng lễ. Linh mục làm lễ theo ý người xin và linh mục hưởng bỗng lễ trên thánh lễ mình đã dâng (GL.945) Giáo Luật không hề đề cập đến trách nhiệm, vai trò hay quyền lợi của giáo xứ hay cộng đoàn trong việc nầy. Giáo xứ hay giáo dân không làm lễ thì làm sao có quyền hưởng bỗng lễ như trong trường hợp xung tiền lễ vào ngân quỹ giáo xứ?


III.            Thực Hành P.Â.    
            Phép lạ xảy ra hàng ngày: Thánh Lễ
            Thánh Lễ của linh mục dâng hàng ngày không là việc nhắc nhớ hay quay phim lại hiến tế thập giá, nhưng là một tái diễn sống động hy lễ đã dâng một lần trên núi sọ. Chức linh mục được thành lập để tế lễ Thiên chúa và mang ơn phúc cho nhân loại. Nên, việc ưu tiên hàng đầu của linh mục là dâng lễ.

            Thánh lễ mỗi ngày nhắc nhớ thân phận con người thấp hèn của linh mục  nhưng lại được nâng lên hàng khanh tướng. Thánh lễ mỗi ngày cho linh mục cơ hội để chắp tay mời gọi, để giang tay cầu nguyện và để thấy muôn ngàn bàn tay khác đã đóng góp để bàn tay linh mục được thánh hiến, được diễm phúc mang Chúa cho người khác và được ban phúc lành cho muôn người. Nhiều giáo dân, dù bận công việc làm, vẫn dành nửa giờ đồng hồ, giờ ăn trưa để tham dự Thánh lễ gần chỗ làm việc. Cảm động biết bao khi nhìn thấy những giáo dân nầy cung kính rước lấy Mình chúa. Nhiều lần tôi đã nói thầm: Giáo dân tốt hơn con nhiều Chúa ơi!

            Cao quí thay tình Chúa thương yêu đã chọn gọi tôi làm linh mục! Cao cả thay những bàn tay tiếp tục hy sinh và đóng góp năm chiếc bánh và hai con cá để linh mục có của lễ dâng tiến Chúa. Nhờ những đóng góp nầy, Chúa có cơ hội hoá bánh ra nhiều, nuôi dân từ thời nầy sang thời khác. Nhờ Mình Máu Chúa. Giáo Hội như thân thể nhiệm mầu của Chúa đang vưo97n sức sống đến mọi dân mọi nước trên thế giới.

            Phép lạ xảy ra hàng ngày trong Thánh lễ linh mục dâng!
            Thánh thiện! Cao quí và có giá trị cứu độ!
            Xin mời hãy đến với Thánh Lễ để chứng kiến phép lạ tình yêu đang xảy ra.

Lm Phêrô Trần Thế Tuyên



 Chia sẻ cơm áo
Chúng ta không cần câu truyện nào khác để dẫn vào đoạn Tin Mừng hôm nay. Các Tông đồ của Chúa lo sợ trước một thách thức không thể vượt qua được trên bình diện con người, đó là 5.000 người đàn ông không kể đàn bà con trẻ đang gặp cảnh đói không có gì ăn, và vào lúc trời sắp tối, có nghĩa là mọi sinh hoạt buôn bán giữa người với người dường như bị đóng lại. Các ông lo sợ và nói theo khuynh hướng tự nhiên là phủi tay chạy trốn trước thách thức khóa khăn ấy, từ đó đổ trách nhiệm cho kẻ khác, và cuối cùng cũng muốn Chúa Giêsu làm như vậy: “Xin Thầy hãy cho họ về, hoặc cho họ vào làng để mua gì ăn, vì trời đã tối và họ có thể kiếm được gì lót dạ qua cơn đói chăng?”.
Thế giới ngày nay có rất nhiều tiến bộ, với những phát minh khoa học kỹ thuật tân tiến, nhưng theo thống kê của cơ quan lương thực Liên Hiệp Quốc cho biết, mỗi ngày có khoảng 400.000.000 người phải đi ngũ với bụng đói không có gì để ăn, và 15.000 người phải chết đói hằng ngày. Điều này không phải vì thế giới thiếu tài nguyên, thiếu lương thực, nhưng vì tài nguyên của quốc gia bị mánh mung, ăn cắp một cách khéo léo bởi một số người không còn lương tâm.
Chúng ta không cần dẫn chứng đâu xa, hãy nhìn vào môi trường trong cuộc sống của chúng ta. Nơi cộng đoàn chúng ta sinh sống, thử hỏi có bao nhiêu người đang đói khổ? Bao nhiêu người trẻ thiếu phương tiện đến trường học? Bao nhiêu người bị bóc lột sức lực và làm việc với đồng lương bất công? Tại Phi Luật Tân 70% dân chúng sinh sống dưới mức phân biệt nghèo túng. Chúng ta đang đứng trước những thách thức bao la và có lẽ cũng muốn bỏ chạy trốn, hoặc đổ trách nhiệm sang cho kẻ khác với những lý do an ủi mình như, nhiều người đói khổ quá làm sao tôi có thể lo cho họ được, sức tôi có hạn làm sao tôi có thể chia sẻ với từng ấy người đang cần đến lương thực để sinh sống.
Thật lạ lùng, một cộng đoàn đông đến 5.000 người đàn ông, không kể đàn bà con trẻ mà không còn chút lương thực, không còn chúng gì để ăn tối, hay là mỗi người đã đem giấu phần thức ăn của mình? Hay có thể vì sợ không đủ cho kẻ khác? Nếu không có năm cái bánh và hai con cá của một em nhỏ nào đó thì làm sao Chúa Giêsu có thể nhân thêm để nuôi sống hàng mấy ngàn người như vậy. Em bé này đáng được khen ngợi, vì tâm hồn rộng lượng của em, một tâm hồn đơn sơ không nghĩ ngợi, dám dâng cho Chúa phần đóng góp nhỏ nhoi của em.
“Chúng con hãy cho họ ăn”. Đó là mệnh lệnh mà Chúa truyền lại cho các Tông đồ xưa và cũng là mệnh lệnh của Chúa cho mỗi người Kitô hữu hôm nay. Chúng con hãy cho họ ăn, chúng con có trách nhiệm không thể chạy trốn được, chúng con không thể phủi tay đổ trách nhiệm cho kẻ khác. Hãy biêt sống chia sẻ, đóng góp những gì mình có thể làm để mưu cầu hạnh phúc cho đồng loại. Mỗi người hãy thắp lên một que diêm để làm cho căn phòng đầy ánh sáng, nhất là khi cùng thắp que diêm đó với Chúa và nhờ Chúa, cộng tác với Chúa để gìn giữ que diêm đó khỏi gió thổi tắt.
Thánh Matthêu mô tả hành động phép lạ của Chúa Giêsu giống như hành động Chúa cử hành bí tích Thánh Thể với các Tông đồ trong bữa tiệc ly: “Chúa cầm lấy bánh, tạ ơn và trao cho các môn đệ để các ngài đem đi phân phát”. Bí tích Thánh Thể được gọi là “Bữa tiệc chia sẻ tình yêu, Agapae: Bữa tiệc bẻ bánh”. Trong thời Giáo Hội sơ khai, bí tích Thánh Thể là phương tiện hữu hiệu nhất để giúp cho các đồ đệ có được sức sống của Ngài, có được tình yêu và sức mạnh của Chúa.
Đừng chạy trốn trước sự mời gọi chia sẻ của anh em. Chúng ta hãy xét lại xem mình đã cử hành Bí Tích Thánh Thể như thế nào? Bí Tích Thánh Thể có tác dụng thế nào trong đời sống chúng ta? Bí Tích Thánh Thể được chúng ta cử hành, chia sẻ trong nhà thờ và chúng ta có kéo dài nó trong cuộc sống bên ngoài nhà thờ hay không?
Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được trở nên giống Chúa một ngày một hơn nhờ việc lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể, cũng như qua việc chia sẻ sự sống của Chúa, xin Chúa giúp mỗi người chúng ta được lớn lên, được trưởng thành trong đức bác ái, sẵn sàng đóng góp phần nhỏ của mình để phục vụ anh em, xin Chúa giúp chúng ta trưởng thành trong Đức tin mà chúng ta chia sẻ qua kinh Tin kính.
R. Veritas
(Trích trong ‘Sống Tin Mừng’)

Lectio Divina: Chúa Nhật XVIII Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 3 Tháng 8, 2014
Bánh hóa ra nhiều
Mt 14:13-21


1.  Bài Đọc
a)  Lời nguyện mở đầu
Lạy Chúa Thánh Thần xin hãy ngự đến
Ngọn Lửa tình yêu xin hãy ngự đến
Lạy Cha của kẻ nghèo khó khấn xin ngự đến
Lạy Đấng Xức Dầu của linh hồn con hãy xin ngự đến

b)  Tin Mừng:
13 Khi ấy, Chúa Giêsu nghe tin Gioan Tẩy Giả đã chết, thì Người rời bỏ nơi đó xuống thuyền đi đến nơi hoang địa vắng vẻ.  Dân chúng nghe biết, thì từ các thành phố đi bộ theo Người.  14 Ra khỏi thuyền, Người thấy dân chúng đông đảo, thì thương xót họ, và chữa những người bệnh tật trong họ.  15 Chiều tới, các môn đệ đến gần thưa Người rằng:  “Đây là nơi hoang địa, mà giờ đã chiều rồi:  xin Thầy giải tán dân chúng, để họ vào các làng mạc mà mua thức ăn.”  16 Nhưng Chúa Giêsu nói với các ông rằng:  “Họ chẳng cần phải đi, các con hãy cho họ ăn.”  17 Các ông thưa lại rằng: “Ở đây chúng con chỉ có năm chiếc bánh và hai con cá.”  18 Người bảo các ông rằng:  “Hãy đem lại cho Thầy.”  19 Khi Người đã truyền cho dân chúng ngồi trên cỏ, Người cầm lấy năm chiếc bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, các ông này phân phát cho dân chúng.  20 Mọi người đều ăn no.  Và người ta thu lượm được mười hai thúng đầy những miếng bánh vụn.  21 Số người ăn là năm ngàn người đàn ông, không kể đàn bà và con trẻ.

c)  Giây phút thinh lặng cầu nguyện:

Để Lời Chúa có thể thấm nhập vào lòng và soi sáng đời sống chúng ta.

2.  Suy Niệm

a)  Chìa khóa dẫn đến bài đọc:
Tất cả các Thánh Sử kể lại câu chuyện bánh hóa ra nhiều.  Trong khi Luca và Gioan chỉ nói với chúng ta về một dịp hóa bánh ra nhiều (Lc 9:10-17; Ga 6:1-13), Máccô và Mátthêu đề cập đến hai trường hợp về bánh hóa ra nhiều (Mc 6:30-44; 8:1-10; Mt 14:13-21; 15:32-39).  Có vẻ như cả hai câu chuyện trong Tin Mừng của Mátthêu và Máccô phát xuất từ một nguồn lúc bánh được ra hóa nhiều, nhưng được chuyển tải trong hai phiên bản theo những truyền thống khác nhau.  Bên cạnh đó, câu chuyện trong sách Mátthêu 14:13-21 và Máccô 6:30-44 dường như là các phiên bản cổ nhất.  Ở đây chúng ta tập trung vào chủ đề của bài suy niệm Lời Chúa của chúng ta, đó là, đoạn Tin Mừng theo thánh Mátthêu 14:13-21.
Đoạn Tin Mừng này nói về thời điểm khi Chúa Giêsu nhận được tin Gioan Tẩy Giả bị vua Hêrôđê chém đầu (Mt 14:12).  Chúa rời bỏ nơi trú ngụ đến “một nơi hoang địa vắng vẻ” (Mt 14:13).  Các sách Tin Mừng thường cho chúng ta thấy Chúa Giêsu như một người ưa sống cô tịch.  Một cách tổng quát, nhưng không phải luôn luôn, việc đi ra một nơi vắng vẻ này cho thấy Chúa Giêsu là người đắm mình trong cầu nguyện.  Sau đây là một vài thí dụ:  “Giải tán họ xong, Người lên núi một mình và cầu nguyện.  Tối đến, Chúa Giêsu vẫn ở đó một mình”  (Mt 14:23); “Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Chúa Giêsu đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1:35); “Người lui vào nơi hoang vắng và cầu nguyện” (Lc 5:16); “được hướng dẫn bởi Chúa Thánh Thần” sau khi chịu phép rửa, Chúa Giêsu đi vào trong hoàng địa để bị chịu ma quỷ cám dỗ và Người đã vượt thắng được những cám dỗ của quỷ bằng quyền năng của Lời Chúa (Mt 4:1-11; Mc 1:12-13; Lc 4:1-13).  Vào những lúc khác, Chúa Giêsu gọi các môn đệ đi với Người:  “Chính anh em cũng hãy lánh riêng ra một nơi nào thanh vắng và nghỉ ngơi đôi chút” (Mc 6:30-44).  Trong đoạn Tin Mừng của chúng ta, Đức Giêsu cầu nguyện trước khi làm cho hóa bánh ra nhiều.  Các sách Tin Mừng cho thấy rằng Chúa Giêsu ưa thích cầu nguyện trước những việc quan trọng trong sứ vụ của Người như lúc Chúa chịu phép rửa, Chúa hiển dung và cuộc thương khó của Người.
Lần này đám đông đi theo Chúa vào trong sa mạc (Mt 14:13) và Chúa Giêsu thương xót họ và chữa những bệnh nhân của họ (Mt 14:14).  Chúng ta thường thấy lòng thương xót của Chúa Giêsu với những kẻ đi theo Người (Mt 15:32).   Chúa chạnh lòng thương vì họ “như bầy chiên không người chăn dắt” (Mc 6:34).  Thật thế, Đức Giêsu là mục tử tốt lành Đấng nuôi dưỡng dân mình như tiên tri Êlisa (2V 4:1-7; 42-44) và giống như ông Môisen trong sa mạc (Xh 16; Ds 11).  Trong sách Tin Mừng của Gioan, trong bài giảng của Chúa Giêsu về bánh hằng sống (Ga 6), Người giải thích ý nghĩa của phép lạ hóa bánh ra nhiều.  Phép lạ này là sự chuẩn bị cho bánh sẽ được ban cho trong Bí Tích Thánh Thể.  Trong tất cả các sách Tin Mừng, các cử chỉ của Chúa Giêsu trước khi Người hóa bánh ra nhiều, nhắc nhớ lại nghi thức bẻ bánh, Bí Tích Thánh Thể.  Những cử chỉ ấy là:  a)  cầm lấy bánh, b)  “Người ngước mắt lên trời”, c) đọc “lời chúc tụng”, d)  bẻ bánh ra, e)  trao cho các môn đệ (Mt 14:19).  Những động tác này được thấy trong các câu chuyện về bánh được hóa ra nhiều và, từng chữ một, trong câu chuyện về bữa tiệc ly (Mt 26:26).

Tất cả mọi người đều ăn no nê.  Người ta còn thu lượm được mười hai thúng đầy những mẩu bánh vụn. Chúa Giêsu là Đấng cho dân riêng Thiên Chúa no thỏa:  dân Do Thái, gồm có 12 chi tộc.  Nhưng Người cũng cho dân ngoại được no nê trong lần làm bánh hóa ra nhiều thứ hai (Mt 15:32-39), khi ấy được tượng trưng bằng bảy thúng, con số tượng trưng cho bảy dân tộc đất Canaan (Cv 13:19) và cũng là con số của nhóm phó tế văn hóa Hy Lạp (Cv 6:5; 21:8) là những người được giao cho nhiệm vụ phân phát lương thực hằng ngày.  Cộng đoàn tụ tập chung quanh Chúa Giêsu, một viễn tượng về Vương Quốc Thiên Chúa, chào đón dân Do Thái và dân ngoại, tất cả được kêu gọi chấp nhận lời mời đến chia sẻ tại bàn tiệc Chúa.  Chúa Giêsu cho thấy điều này bằng cử chỉ của Người ngồi cùng bàn với các người thu thuế và tội lỗi và, qua các lời giáo huấn của Người bằng dụ ngôn về bữa tiệc “nhiều người sẽ đến từ phương đông và phương tây và dự tiệc cùng các tổ phụ Abraham, Isaac và Giacóp trong Nước Trời” (Mt 8:11; cũng xem Mt 22:34; Lc 14:16-24).
b)  Một vài câu hỏi để hướng dẫn cho sự suy niệm và thực hành của chúng ta:
-  Điều gì đã làm bạn cảm động nhất trong đoạn Tin Mừng này?
-  Thái độ nào của Chúa Giêsu đã khiến bạn xúc động nhất trong bài Phúc Âm này?
-  Có bao giờ bạn nghĩ đến các cảm xúc của Chúa Giêsu chưa?  Đoạn văn này tập trung vào lòng thương xót.  Bạn có thể tìm thấy những cảm xúc khác trong các sách Phúc Âm không?
-  Bạn nghĩ Thiên Chúa muốn nói gì với chúng ta qua câu chuyện Chúa hóa bánh ra nhiều này?
-  Chúa Giêsu ban cho lương thực dồi dào.  Bạn có tin tưởng vào sự quan phòng của Chúa không?  Tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa có nghĩa gì đối với bạn?
-  Có bao giờ bạn nghĩ về Bí Tích Thánh Thể như một bữa tiệc với Chúa Giêsu?  Những người được mời vào tiệc này là ai?  

3.  Cầu nguyện:

a)  Thánh Vịnh 78:24-25
Người khiến man-na tựa hồ mưa đổ xuống,
và ban bánh bởi trời nuôi dưỡng họ.
Kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần,
Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực.

b)  Lời nguyện kết:
Thân lạy Chúa, Đấng vì lòng thương xót của Con Một Chúa, xin hãy cho chúng con thấy lòng từ phụ của Chúa, xin hãy ban bánh được hóa ra nhiều bởi sự quan phòng của Chúa được bẻ ra trong sự yêu thương, và sự hiệp thông trong bánh ban xuống bởi trời mở ra cho chúng con tiến tới cuộc đối thoại với anh chị em chúng con và sự phục vụ họ.  Chúng con cầu xin qua Đức Kitô Chúa chúng con.

4.  Chiêm Niệm:

Có một điểm khác mà Cha muốn nhấn mạnh tới, vì nó ảnh hưởng đáng kể đến sự xác thực của việc thông hiệp với Bí Tích Thánh Thể.  Đó là sự thúc đẩy mà Phép Thánh Thể ban cho cộng đoàn là lời cam kết thực tế để xây dựng một xã hội trong tình huynh đệ và công bằng hơn.  Trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu của chúng ta đã bày tỏ tình yêu tột bực, đảo lộn tất cả những tiêu chuẩn của quyền lực mà thông thường thống trị những mối quan hệ loài người và khẳng định triệt để tiêu chuẩn của sự phục vụ: “Ai muốn đứng đầu thì phải làm kẻ rốt hết, và làm người phục vụ cho mọi người” (Mc 9:35). […]  Làm thế nào chúng ta có thể cử hành Năm Thánh Thể này trong giáo phận và cũng như tại các giáo xứ mà lại không tự cam kết một cách đặc biệt để đáp ứng với mối lo âu trong tình huynh đệ đối với một trong nhiều hình thức nghèo đói hiện nay trên thế giới chúng ta sao?  Như một ví dụ, Cha thiết nghĩ về thảm họa đói kém đe dọa hàng trăm triệu mạng người, các bệnh tật đang hoành hành trong những nước đang phát triển, sự cô đơn của người cao niên, những khó khăn phải đối diện bởi nạn thất nghiệp, những chật vật của người di dân.  Đây là những tệ nạn đang hiện diện – mặc dù ở mức độ khác nhau – thậm chí hiện diện ngay cả ở những vùng trù phú dư thừa nữa.  Chúng ta không thể tự lừa dối mình:  bằng tình yêu nhau và, đặc biệt, bởi mối quan tâm của chúng ta đối với những người cần giúp đỡ, có làm thế chúng ta mới được công nhận là các môn đệ thực sự của Chúa Giêsu (xem Ga 13:35; Mt 25:31-46).  Đây sẽ là tiêu chuẩn mà theo đó tính xác thực của việc cử hành Bí Tích Thánh Thể của chúng ta được xét xử.

ĐGH Gioan Phaolô II, Tông Thư Năm Thánh Thể, 28.    


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét