Trang

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

05-08-2014 : THỨ BA TUẦN XVIII MÙA THƯỜNG NIÊN

05/08/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật 18 Quanh Năm
Cung hiến thánh đường Đức Ma-ri-a


Bài Ðọc I: (Năm II) Gr 30, 1-2. 12-15. 18-22
"Vì tội lỗi ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy. Nhưng Ta sẽ đem Giacóp về nhà xếp".
Trích sách Tiên tri Giêrêmia.
Có lời Chúa phán cùng Giêrêmia rằng: "Chúa là Thiên Chúa Israel phán thế này: Ngươi hãy chép vào sách mọi lời Ta đã phán với ngươi".
Vì Thiên Chúa phán rằng: "Nơi giập gãy của ngươi đã bất trị, thương tích ngươi làm độc quá đỗi. Không ai đoái thương băng bó cho ngươi: không có thuốc hay chữa ngươi bình phục. Mọi kẻ yêu ngươi đã bỏ quên ngươi, không tìm kiếm ngươi nữa, vì Ta đã đánh ngươi bị thương như kẻ thù sửa phạt ngươi nặng nề, vì sự gian ác của ngươi quá nhiều, tội lỗi của ngươi quá nặng, nên Ta đã làm cho ngươi những sự ấy".
Chúa phán thế này: "Ðây Ta đem những kẻ trong nhà xếp Giacóp bị bắt trở về gia cư họ, Ta sẽ xót thương. Thành sẽ được xây lại trên nơi cao của nó, đền thờ sẽ được trùng tu theo trật tự của nó. Thế là sẽ vang lên lời ca tụng và tiếng reo mừng. Ta sẽ làm cho nó thêm nhiều, và nó sẽ không bị hạ nhục. Con cái nó sẽ được như xưa; trước mặt Ta, cộng đồng nó sẽ đứng vững. Ta sẽ hỏi thăm mọi người áp bức nó. Thủ lãnh nó sẽ bởi nó mà ra; vua chúa nó sẽ từ trong nó mà lên. Ta sẽ cho nó triều yết và nó sẽ đến gần Ta, vì thật ra có ai dám liều mạng đến gần Ta? - Chúa phán như thế -. Bấy giờ các ngươi sẽ là dân Ta, và Ta sẽ là Thiên Chúa các ngươi".
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 101, 16-18. 19-21. 29 và 22-23
Ðáp: Chúa tái lập Sion, và xuất hiện trong vinh quang xán lạn (c. 17).
Xướng: 1) Lạy Chúa, muôn dân sẽ kính tôn danh thánh Chúa, và mọi vua trên địa cầu sẽ quý trọng vinh quang Ngài, khi Chúa sẽ tái lập Sion, Chúa xuất hiện trong vinh quang xán lạn. Chúa sẽ đoái nghe lời nguyện kẻ túng nghèo, và không chê lời họ kêu van. - Ðáp.
2) Những điều này được ghi lại cho thế hệ mai sau, và dân tộc được tác tạo sẽ ca tụng Thiên Chúa. Từ thánh điện cao sang Chúa đã đoái nhìn, từ trời cao Chúa đã nhìn xuống trần thế, để nghe tiếng than khóc của tù nhân, để giải thoát kẻ bị lên án tử. - Ðáp.
3) Con cháu của bầy tôi Chúa sẽ được an cư, và miêu duệ chúng sẽ tồn tại trước thiên nhan, để người ta truyền bá danh Chúa tại Sion, và lời khen ngợi Chúa ở Giêrusalem, khi chư dân cùng nhau quy tụ, và các vua nhóm họp để phụng thờ Chúa. - Ðáp.

Alleluia: Tv 24, 4c và 5a
Alleluia, alleluia! - Lạy Chúa, xin dạy bảo con lối bước của Chúa và xin hướng dẫn con trong chân lý của Ngài. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 15, 1-2. 10-14
"Cây nào Cha Ta không trồng thì sẽ bị nhổ đi".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy có những luật sĩ và biệt phái từ Giêrusalem đến gặp Chúa Giêsu mà nói: "Sao môn đệ ông không giữ tập tục của tiền nhân? Vì họ không rửa tay khi dùng bữa".
Và Người gọi dân chúng lại mà bảo: "Các ngươi hãy nghe và hãy hiểu lấy: Không phải cái gì vào trong miệng mà làm cho người ta ra dơ nhớp đâu, nhưng cái từ miệng phát xuất ra cái đó mới làm cho người ta ra dơ nhớp".
Bấy giờ các môn đệ của Người tiến lại thưa với Người rằng: "Thầy có biết các người biệt phái lấy làm chướng tai khi nghe Thầy nói lời đó không?" Người đáp lại rằng: "Tất cả cây nào Cha Ta trên trời đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Các con hãy để mặc chúng: chúng là những người mù dẫn dắt những người mù. Mù mà dẫn mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố".
Ðó là lời Chúa.

Suy Niệm: Hãy nghe và hiểu
Thế giới hôm nay bị trái tim và miệng lưỡi con người làm nó ô uế. Kitô hữu được sai vào thế giới để giúp nó trở lại sự trong sạch nguyên thủy. 
Do Thái giáo coi trọng những nghi thức thanh tẩy bằng nước.
Aharon và các tư tế con của ông, trước khi tiến đến bàn thờ để dâng lễ,
phải rửa tay chân bằng nước đựng trong một cái vạc đồng.
“Họ sẽ tẩy rửa tay chân để khỏi phải chết. Đó là điều luật vĩnh viễn
cho Aharon và dòng dõi ông qua muôn thế hệ” (Xh 30, 20-21).
Khi khám phá ra những di tích ở Qumran, phía tây bắc Biển Chết,
người ta thấy có nhiều hồ tắm (mikvah) được đào dưới lớp đất sét giữ nước.
Cộng đoàn những người sống ở đây coi việc tắm rửa hằng ngày tại hồ
như một nghi thức thanh tẩy không thể thiếu trong cuộc sống của họ.
Bài Tin Mừng hôm nay bàn đến chuyện thanh tẩy trước khi ăn.
Nhóm Pharisêu trách Đức Giêsu vì môn đệ Ngài không rửa tay khi dùng bữa.
Thật ra trong Kinh Thánh Cựu Ước chẳng có luật nào dạy như vậy.
Người Pharisêu đã dựa trên một truyền thống truyền khẩu có từ thời ông Môsê.
Họ coi truyền thống tiền nhân này cũng ràng buộc chẳng khác nào Kinh Thánh.
Đức Giêsu nặng lời vì họ đặt truyền thống của mình lên trên Lời Chúa (cc. 3-9).
Khi để ý chi li những điều bên ngoài để giữ cho mình khỏi bị ô uế,
họ xao lãng việc để ý đến cái ô uế bên trong con người.
Khi nói với đám đông, Đức Giêsu nhắc họ hãy nghe và hiểu cho rõ (c. 10).
“Không phải cái vào trong miệng làm ô uế con người,
Nhưng cái ra từ miệng, cái đó mới làm con người ô uế” (c. 11).
Cái ra từ miệng lại là cái trào ra tự nhiên từ trái tim, từ cái tâm.
“Lòng có đầy thì miệng mới nói ra” (Mt 12, 34).
“Cái ra từ miệng là cái đến từ tim, chính cái ấy làm con người ô uế ” (c. 18).
Đức Giêsu mời chúng ta để ý hơn đến sự ô uế trong lời nói,
từ đó khám phá ra cái tâm ô uế của mình.
Thanh tẩy lời nói và cái tâm thì quan trọng hơn và khó hơn rửa tay.
Trong thánh lễ, vị linh mục rửa tay trước khi đọc Kinh Nguyện Thánh Thể.
Ngày nay, khi cử hành lễ Vượt Qua, người Do Thái có nghi thức rửa tay (rachaz).
Lúc rửa tay, họ cầu nguyện: “ Lạy Chúa, chúc tụng Chúa là Vua vũ trụ,
là Đấng đã thánh hóa chúng con bằng các điều răn
và đã ra lệnh cho chúng con tuân giữ luật rửa tay.”
Tôn giáo nào cũng cần có những nghi lễ, luật lệ, truyền thống, phụng tự.
Làm thế nào để tất cả những điều ấy không chỉ ngừng lại ở bên ngoài
nhưng là những phương thế giúp con người thay đổi nội tâm cách sâu xa?
Thế giới hôm nay bị trái tim và miệng lưỡi con người làm nó ô uế.
Kitô hữu được sai vào thế giới để giúp nó trở lại sự trong sạch nguyên thủy.
Có cách nào thanh tẩy được thế giới tôi đang sống không?
Cầu nguyn:

Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.

Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.

Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.

Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ

LỜI CHÚA MỖI NGÀY
Thứ Ba Tuần 18 TN2, Năm Chẵn
Bài đọc: Jer 30:1-2, 11-15, 18-22; Mt 15:1-2, 10-14

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Tay sạch hay lòng thanh?

Ăn uống sao cho có vệ sinh để bảo vệ sức khỏe là điều mọi người mong muốn. Ở Mỹ có cơ quan gọi tắt là USDA (United States Department of Agriculture) có nhiệm vụ kiểm tra mọi hàng hóa được dân chúng tiêu thụ. Nếu hàng hóa nào không đủ tiêu chuẩn, họ sẽ hủy đi không cho bán vì có nguy hiểm đến sức khỏe. Người Do Thái nói chung và nhất là người Do Thái thuộc phe bảo thủ, họ rất cẩn thận giữ luật Kashrut hay Kosher. Luật này cho biết những thực phẩm nào có thể được ăn và thứ nào không đựơc ăn. Hơn nữa, luật còn chỉ dẫn cặn kẽ cách sửa sọan và cách ăn cho những thực phẩm được phép dùng. Thông thường, những luật này được giám sát bởi một thầy thông luật (Rabbi).
Các bài đọc hôm nay nhấn mạnh đến nguy hiểm của tội lỗi bên trong hơn là sự thanh sạch bên ngoài. Trong bài đọc I, ngôn sứ Jeremiah khuyên con cái Israel hãy nhận ra tội lỗi của họ đã xúc phạm đến Đức Chúa và ăn nay quay về với Ngài. Phúc Âm thuật lại có mấy người Pharisees và mấy thầy thông luật từ Jêrusalem đến gặp Đức Giêsu và chất vấn: "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?" Chúa trả lời: “Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế; nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế.”

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:

1/ Bài đọc I: Ta đánh ngươi để nghiêm khắc sửa trị, chỉ vì sự gian ác của ngươi quá nhiều.

1.1/ Thiên Chúa thấu suốt mọi tội của Israel.
Tại sao Thiên Chúa sửa phạt Israel? Ngay trong những chương đầu tiên, tiên tri Jeremiah đã vạch trần những tội lỗi của Jerusalem và Judah:
Tội nặng nhất là tội bỏ quên Thiên Chúa, không nhắc nhở đến Ngài nữa và chạy theo các thần ngoại bang của những nhà lãnh đạo. Hàng tư tế chẳng thèm hỏi: "Đức Chúa ở đâu? Các thầy thông Luật chẳng biết đến Ta, các mục tử thì chống lại Ta, còn các tiên tri lại nhờ Baal mà tuyên sấm, chúng đi theo những thần vô tích sự” (Jer 2:8). Nếu bậc lãnh đạo lơ là không thèm nhắc đến Chúa, chẳng lạ gì khi dân chúng tuyên bố: "Chúng tôi muốn tự do chứ không muốn đến với Ngài nữa!" (Jer 2:31).
Tội thứ hai là đổ máu người vô tội. Vì muốn cho họ trở về để hưởng ơn tha thứ nên Thiên Chúa đã không ngừng sai các tiên tri của Ngài đến vạch trần những tội lỗi để họ có cơ hội ăn năn và quay trở lại. Họ đã không nghe lại còn nhục mạ các tiên tri và thậm chí đến độ còn giết luôn các tiên tri của Chúa. Jeremiah đã tố cáo họ: “Gươm của các ngươi đã làm thịt các ngôn sứ”(Jer 2:30). Ngòai ra họ còn lợi dụng quyền hành áp bức dân chúng để lấy nhà cửa và ruộng nương của họ: “Ngay trên tà áo ngươi, cũng thấy máu người nghèo vô tội, dù ngươi chẳng bắt gặp họ khoét vách đục tường” (Jer 2:31).

1.2/ Dân chúng chỉ quan tâm đến những hình thức thờ phượng bên ngoài.
Một trong những lý do chính tại sao họ không chịu ăn năn trở lại là họ không nhận ra họ có tội khi họ hãnh diện tuyên bố: "Tôi hoàn toàn vô tội; bằng chứng là Người không trút cơn giận trên tôi" (Jer 2:33). Hay họ nghĩ rằng tội to lớn đến đâu cũng được tha khi họ dâng những bò bê béo tốt lên Thiên Chúa tại Đền thánh Jerusalem theo Luật đã chỉ thị!
Tiên tri Jeremiah đã sửa dạy họ về những quan niệm sai lầm này: “Các ngươi ỷ vào những lời dối trá vô giá trị. Trộm cắp, giết người, ngoại tình, thề gian, đốt hương tế thần Baal và đi theo các thần lạ các ngươi không biết, rồi lại vào nhà này, nơi danh Ta được kêu khấn, đến trước mặt Ta mà nói: "Chúng ta được an toàn!" Sau đó cứ tiếp tục làm những điều ghê tởm ấy. Thế nghĩa là gì? Phải chăng các ngươi coi nhà này, coi nơi danh Ta được kêu khấn là hang trộm cướp sao? Ta, Ta thấy rõ hết” (Jer 7:9-11).
Tuy nhiên, Thiên Chúa vẫn rộng lượng với con cái Israel nếu họ biết ăn năn quay về. Ngài sẽ cho họ hồi hương và tái thiết Đền Thờ cũng như xứ sở. Ngài sẽ trừng phạt cả những kẻ thù của họ. Ngài sẽ nối lại tình xưa nghĩa cũ với họ, và họ sẽ được phục hồi.

2/ Phúc Âm: Luật sĩ và Pharisees chú trọng đến thanh sạch thể lý, cái vào trong miệng; Chúa chú trọng đến thanh sạch luân lý, cái từ miệng ra.

2.1/ Người Do Thái chú trọng nhiều đến tay sạch: Họ trách Chúa: "Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?" Điều chúng ta cần chú ý: Lý do họ vịn vào để trách Chúa là “truyền thống của tiền nhân.” Truyền thống này phát xuất từ con người, chứ không phải đến từ Thiên Chúa như các giới răn của Ngài.
Câu cắt nghĩa của Chúa cho các môn đệ trong Phúc Âm Marcô rõ ràng hơn: "Cả anh em nữa, anh em cũng ngu tối như thế sao? Anh em không hiểu sao? Bất cứ cái gì từ bên ngoài vào trong con người, thì không thể làm cho con người ra ô uế, bởi vì nó không đi vào lòng (trái tim), nhưng vào bụng người ta, rồi bị thải ra ngoài! Như vậy là Người tuyên bố mọi thức ăn đều thanh sạch” (Mk 7:18-19).

2.2/ Chúa Giêsu chú trọng đến lòng thanh: Câu hỏi quan trọng mà Chúa Giêsu muốn nêu lên ở đây: Cái gì làm cho con người ra ô uế? Và Ngài trả lời rõ ràng: "Hãy nghe và hiểu cho rõ: Không phải cái vào miệng làm cho con người ra ô uế, nhưng cái từ miệng xuất ra, cái đó mới làm cho con người ra ô uế."
Phúc Âm Marcô còn liệt kê tất cả những ô uế từ trong con người phát ra: “Vì từ bên trong, từ lòng người, phát xuất những ý định xấu: tà dâm, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo trá, trác táng, ganh tỵ, phỉ báng, kiêu ngạo, ngông cuồng. Tất cả những điều xấu xa đó, đều từ bên trong xuất ra, và làm cho con người ra ô uế" (Mk 7:21-23).
Các môn đệ hoang mang vì các ông cũng là người Do-thái và đã quen biết sự quan trọng của các luật Kosher, đến gần Chúa Giêsu nói với Ngài: "Thầy có biết những người Pharisees đã vấp phạm khi nghe Thầy nói lời ấy." Chúa Giêsu đáp: "Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi. Cứ để mặc họ! Họ là những người mù dắt người mù. Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố."
Câu hỏi được nêu ra ở đây là Chúa có khuyến khích việc ăn bẩn không? Chắc chắn Chúa không khuyến khích việc đó, nhưng Ngài muốn mở mắt cho họ để nhìn thấy việc gì quan trọng hơn cần phải giữ: Sạch trong tâm hồn quan trọng hơn tay sạch. Luật Kosher do con người làm ra chỉ có thể giữ cho thực phẩm sạch chứ không thể giữ cho tâm hồn sạch. Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm hồn, quí trọng tâm hồn sạch hơn là thực phẩm sạch.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:

- Chúng ta đừng quá chú trọng đến sự hào nhoáng bên ngòai, nhưng hãy chú trọng đến sự thanh sạch trong tâm hồn. Khi Chúa phán xét, chắc chắn Ngài sẽ không phán xét những cái bề ngoài, nhưng sẽ phán xét những tội lỗi bên trong.
- Chúng ta thử tưởng tượng hậu quả của những nhà lãnh đạo gây ra khi họ chỉ chú trọng đến cái vỏ bên ngoài mà không chú trọng đến cái tốt bên trong? Lời Chúa tiên đoán: “Mù mà lại dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố.” Chúng ta đừng để những nhà lãnh đạo như thế dẫn dắt cuộc đời chúng ta. 
Lm. Anthony ĐINH MINH TIÊN, OP.

05/08/14 THỨ BA TUẦN 18 TN
                          Cung hiến thánh đường Đức Ma-ri-a                              
Mt 15,1-2.10-14

Suy niệm: Ô uế là một ý niệm chìa khóa trong Thánh Kinh. Nó gắn liền với cảm thức về sự thánh thiện, tinh tuyền của Thiên Chúa. Người hay vật ô uế thì bất xứng với Thiên Chúa, và cần phải được thanh tẩy. Nhưng chẳng biết từ lúc nào, ý niệm này được hiểu một cách máy móc, hoàn toàn phụ thuộc vào những yếu tố bên ngoài. Dần dần người ta chỉ lo làm hay tránh những điều hoàn toàn bên ngoài, để khỏi ô uế, mà không hề quan tâm đến sự trong sạch trong tâm hồn mình. Ý niệm về ô uế hay tinh sạch cũng dần co lại nơi chính nó, và đặc tính tương quan (với Thiên Chúa) không còn được thấy rõ nữa.
Chính trong bối cảnh này mà Đức Giê-su đã bày tỏ quan điểm của Ngài. Ngài chuyển tiêu điểm của ô uế hay tinh sạch vào bên trong. Và Ngài giới thiệu một vị Thiên Chúa thấu suốt tâm can người ta và quan tâm trước hết đến những gì ở trong đáy lòng ấy:“Không phải cái và miệng làm con người ra ô uế, nhưng chính là cái từ miệng xuất ra”!
Mời Bạn: Chúng ta quan tâm đến sự sạch sẽ của thực phẩm, y phục, nhà cửa, môi trường. Chúng ta chống lại mọi hành động gây ô nhiễm nguồn nước, bầu không khí, v.v… Nhưng còn tư tưởng, tâm hồn của chúng ta thì sao? Ta đi xưng tội để được Chúa tha thứ; nhưng bí tích Sám hối này có được ta cử hành thực sự từ trong tâm hồn, chứ không qua loa, máy móc không?
Sống Lời Chúa: Thành tâm đặt mình trước mặt Chúa và kiểm điểm cuộc sống của mình.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thủy…”

GIỮ LUẬT VÀ SỐNG Ý NGHĨA CỦA LUẬT
Ngày xưa, có người học trò hỏi Đức Khổng thế này: "Nếu mình xấu mà người ta nói mình tốt, người đó có tốt không?" Đức Khổng trả lời: "Không!". Cậu học trò hỏi tiếp: "Vậy ai là người tốt?". Lần này Đức Khổng trả lời: "Người tốt là người chân thành nói sự thật. Nếu mình xấu, người ta bảo là xấu. Mình tốt, người ta bảo là tốt".
Thật vậy, người tốt là người sống thật tâm, không nịnh bợ, tâng bốc, hai lòng, lập lờ... Người tốt là người không vụ lợi, không nhân danh tập thể để lợi dụng cho cá nhân mình, không ăn bớt của công, và cuối cùng, họ là những người không: "sợ tiếng chửi, và ăn mày tiếng khen" (x. Đường Hy Vọng số 693).
Hôm nay, Đức Giêsu đã dạy cho những người Pharisêu và các Kinh sự bài học về việc giữ Luật. Luật vì con người chứ không phải con người vì Luật. Hiểu và giữ cốt lõi của Luật là tình thương thì quan trọng và đẹp ý Thiên Chúa hơn là những thứ bề ngoài. Trong khi đó, các Pharisêu và Kinh sư lại cổ súy người ta sống xa rời cốt lõi của Luật để chỉ tuân giữ Luật cách hình thức và chú tâm vào việc giữ gìn truyền thống cha ông mà thôi. 
Thật vậy, nếu chỉ có vì Luật, người ta sẽ xử với nhau trên mặt chữ hay cái đầu mà không cần cái lý, cái tình và trái tim. Nếu cứ bề ngoài mà đánh giá và lấy đó làm chuẩn mực, thì sẽ luôn xảy ra tình trạng "thấy vậy mà không phải vậy" do những kẻ cầu thân nịnh bợ gây nên. Họ là những hạng người: "bên ngoài thì trông sáng láng, đẹp đẽ như mồ mả được tô vôi, nhưng bên trong thì toàn là xương người chết, dơ bẩn, thối tha".
Nói như thế không có nghĩa là Đức Giêsu phủ nhận giá trị của Luật hay coi thường! Không! Chúng ta nên nhớ rằng: Đức Giêsu đến, Ngài không bao giờ bỏ một chấm một phết nào của Luật, nhưng Ngài kiện toàn nó và mặc cho nó một tinh thần mới, đó là tinh thần yêu thương.
Là kitô hữu, bài học của Đức Giêsu cho các Pharisêu và Kinh sư khi xưa cũng chính là bài học cho mỗi chúng ta hôm nay. Hãy sống hài hòa giữa cái bên trong và bên ngoài chứ không chỉ vụ Luật, tức là hình thức, phô trương mà bên trong thì rỗng tuếch. Hãy sống thật tâm chứ đừng giả dối. Thương người mà không có tâm tốt thì là một sự thương hại và xúc phạm, vì thế đáng nguyền rủa.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn mặc lấy tâm tình của Chúa trong khi giữ Luật, tinh thần đó là đi vào trong trái tim Chúa và sống chan hòa với nhau. Amen.


Thứ Hai 5-8
Lễ Cung Hiến Ðền Ðức Bà Cả


S
au khi được xây cất lần đầu tiên theo lệnh của Ðức Giáo Hoàng Liberius vào giữa thế kỷ thứ tư, Ðền Liberius được Ðức Giáo Hoàng Sixtus III cho xây cất lại vào năm 431 một ít lâu sau khi Công Ðồng Êphêsô xác định danh xưng của Ðức Maria là Mẹ Thiên Chúa. Sau khi được tái cung hiến cho Mẹ Thiên Chúa, Ðền Ðức Bà Cả là nhà thờ lớn nhất thế giới để vinh danh Thiên Chúa qua Ðức Maria.
Tọa lạc trên một trong bảy ngọn đồi ở Rôma, đền đã trải qua nhiều lần tu bổ mà vẫn giữ được đặc tính của một vương cung thánh đường thời xa xưa. Bên trong vẫn chia làm ba gian được ngăn cách bởi các cột lớn với đường nét trạm trổ thời hoàng đế Constantine. Những tấm khảm từ thế kỷ thứ năm vẫn còn hiển hiện trên các bức tường là chứng tích cho sự cổ kính của đền.
Ðền Ðức Bà Cả là một trong bốn thánh đường ở Rôma nổi tiếng là các thánh đường chính được xây cất để kính nhớ các trung tâm đầu tiên của Giáo Hội. Ðền Thánh Gioan Latêranô tượng trưng cho ngai toà Thánh Phêrô, Toà Rôma; Ðền Thánh Phaolô Ngoại Thành, Toà Alexandria, nghe nói do Thánh Máccô đứng đầu; Ðền Thánh Phêrô, Tòa Constantinople; và Ðền Ðức Bà Cả, Tòa Antiôkia, là nơi người ta cho rằng Ðức Maria sống ở đây lâu nhất.
Một truyền thuyết có từ trước năm 1000, bây giờ không còn giá trị, đã khiến ngày lễ này có một tên khác: Ðức Bà Sương Tuyết. Theo truyền thuyết, một vợ chồng quý tộc người Rôma hứa dâng tặng tài sản kếch sù cho Ðức Maria. Ðể xác nhận điều ấy, ngài làm phép lạ tuyết đổ giữa mùa hè, và bảo họ xây một đền thờ ở chỗ ấy. Vào ngày 5 tháng Tám hàng năm, truyền thuyết này thường được cử hành bằng cách thả hoa hồng trắng như tuyết rơi từ vòm đền thờ xuống đất.
Lời Bàn
Cuộc tranh luận thần học về bản tính của Ðức Kitô, vừa là Chúa vừa là người, đạt đến cực điểm trong đầu thế kỷ thứ năm, thời Constantinople. Ðức Athanasius, giáo sĩ thuộc quyền Giám Mục Nestorius, phản đối danh xưng Theotokos, "Mẹ Thiên Chúa," ngài cả quyết rằng Ðức Trinh Nữ chỉ là mẹ của Ðức Giêsu về phương diện nhân tính. Ðức Giám Mục Nestorius đồng ý và ra lệnh rằng, từ nay về sau trong giáo phận của ngài, Ðức Maria được gọi là "Mẹ Ðức Kitô". Dân chúng thành Constantinople chính thức nổi dậy phản đối sắc lệnh của đức giám mục. Khi Công Ðồng Êphêsô bác bỏ quyết định của Ðức Nestorius, người tín hữu đã tuốn ra đường phố, phấn khởi hô to, "Theotokos! Theotokos!"
Lời Trích
"Ngay từ thời tiên khởi, Ðức Trinh Nữ đã được vinh danh với tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, và các tín hữu đã cầu khẩn và ẩn náu dưới sự che chở của ngài trong lời cầu nguyện khi họ gặp gian nan khốn khó. Vì vậy, sau Công Ðồng Êphêsô, Dân Chúa đã gia tăng lòng sùng kính Ðức Maria cách lạ lùng, trong sự kính mến, trong sự cầu khẩn và noi gương..." (Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội, 66).




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét