Trang

Chủ Nhật, 10 tháng 8, 2014

11-08-2014 : THỨ HAI TUẦN XIX MÙA THƯỜNG NIÊN - THÁNH CLARA, TRINH NỮ (Lễ Nhớ)

11/08/2014
Thứ Hai sau Chúa Nhật 19 Quanh Năm
Thánh Clara, trinh nữ. Lễ nhớ.


* Thánh nữ sinh năm 1193 tại Átxidi. Năm 18 tuổi, chị xin thánh Phanxicô cho được theo nếp sống khó nghèo. Thánh Phanxicô đã cho chị ở trong một căn nhà tồi tàn, gần nhà thờ thánh Đamianô ở cửa ngõ thành Átxidi. Em của thánh nữ tên là Anê và một số thiếu nữ khác gia nhập nếp sống của chị: sống thanh bần triệt để. Đó là những nữ tu Phanxicô tiên khởi. Chị qua đời năm 1253.

Bài Ðọc I: (Năm II) Ed 1, 2-5. 24 - 2, 1a
"Ðây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa".
Trích sách Tiên tri Êdêkiel.
Ngày mồng năm trong tháng, năm thứ năm vua Gioakim bị lưu đày, có lời Chúa phán cùng tư tế Êdêkiel, con của Buzi, ở xứ Calđêa, trên bờ sông Côbar. Chính tại đây, bàn tay Thiên Chúa đã đặt trên tôi.
Tôi nhìn thấy có một cơn gió mạnh từ phương bắc thổi đến. Có một đám mây to lớn và lửa bao bọc chung quanh và bốn bề có ánh sáng phát ra, và ở giữa bầu lửa như vàng pha sáng chói. Chính giữa, có giống gì như bốn con vật hình dáng giống như hình người.
Và tôi nghe tiếng cánh của chúng như tiếng nước lũ, như tiếng của Chúa vạn năng; khi chúng đi thì khác nào như đám đông người, như tiếng đạo quân: khi chúng dừng lại thì chúng xếp cánh xuống. Vì khi chúng nghe có tiếng trên không trung, trên đầu chúng, thì chúng dừng lại và xếp cánh xuống.
Và trên không trung, trên đỉnh đầu chúng, có cái gì như một viên ngọc thạch, hình như chiếc ngai, và trên ngai đó, phía trên hẳn, có hình giống như hình người. Và tôi thấy người như vàng pha sáng chói, bên trong, tứ bề khác nào như lửa, từ lưng người trở lên, và từ lưng trở xuống, tôi thấy có gì như lửa chiếu sáng chung quanh, giống như cái mống hiện ra trên mây trong ngày mưa: đó là hình thể chiếu sáng chung quanh. Ðây là hình lạ trông giống vinh quang của Chúa. Tôi nhìn thấy thì sấp mặt xuống đất.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 148, 1-2. 11-12ab. 12c-14a. 14bcd
Ðáp: Trời đất đầy vinh quang của Người.
Hoặc đáp: Alleluia.
Xướng: 1) Hãy ca tụng Chúa từ muôn cõi trời, hãy ca tụng Người trên nơi cao thẳm. Các thiên thần Chúa, hãy ca tụng Người đi; ca tụng Người đi, hỡi các đạo thiên binh. - Ðáp.
2) Quân vương địa cầu và tất cả chư dân, quan chức và các vị chính quyền nơi cõi đất, các thanh nhiên và cả những cô trinh nữ, những ông cụ già với đoàn con trẻ. - Ðáp.
3) Họ hãy ca tụng danh Chúa, vì danh Người siêu phàm, độc nhất, oai nghiêm Người tràn lan trên trời dưới đất, và Người nâng cao quyền thế dân Người. - Ðáp.
  
Alleluia: Ga 14, 23
Alleluia, alleluia! - Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 17, 21-26
"Họ sẽ giết Người, nhưng Người sẽ sống lại. Con cái thì được miễn thuế".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, các môn đệ và Chúa Giêsu còn đang ở Galilêa, thì Chúa Giêsu bảo các ông rằng: "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết người, nhưng ngày thứ ba, Người sẽ sống lại". Các môn đệ rất đỗi buồn phiền.
Khi các ngài đến Capharnaum, thì những người thu thế đền thờ đến gặp Phêrô và hỏi rằng: "Thầy các ông không nộp thuế "đền thờ' sao?" Ông nói: "Có chớ".
Khi ông về đến nhà, Chúa Giêsu hỏi đón trước rằng: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian thu thuế má hạng người nào? Ðòi con cái mình hay người ngoài?" Ông thưa rằng: "Ðòi người ngoài". Chúa Giêsu bảo ông rằng: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để chúng ta không làm cho họ vấp phạm, con hãy ra biển thả câu: con cá nào câu lên trước hết thì bắt lấy, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng tiền, con hãy lấy tiền đó mà nộp cho họ, trả phần Thầy và phần con".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Nộp Thuế Cho Ðền Thờ

Vào thời Chúa Giêsu, người Do thái không những phải đóng thuế cho nhà nước tức là thuế dân sự, mà còn phải đóng thuế cho Ðền thờ nữa: ngoại trừ đàn bà, các thiếu niên và các nô lệ, tất cả những ai từ 20 tuổi trở lên đều phải nộp thuế để bảo trì và tu sửa Ðền thờ Giêrusalem.
Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay xẩy ra vào khoảng tháng 10, năm thứ hai cuộc đời rao giảng của Chúa Giêsu, tức là ít lâu sau biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Thabor. Chúa Giêsu và các môn đệ trở lại Capharnaum, và ở đó, những người thu thuế đến yêu cầu Phêrô nộp thuế. Dĩ nhiên là Phêrô sẵn sàng nộp thuế.
Khi Phêrô về tới nhà, Chúa Giêsu hỏi đón ông: "Simon, con nghĩ sao? Vua chúa trần gian lấy thuế của ai? Con cái mình hay người ngoài? Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài. Chúa Giêsu liền bảo thế thì con cái được miễn". Ðây cũng là một mạc khải, bởi vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế;bởi vì qua câu: "Thế thì con cái được miễn", Chúa Giêsu muốn nói rằng xét về bản tính Thiên Chúa, Ngài không phải nộp thuế; nhưng xét về bản tính loài người, Ngài cũng tuân giữ việc nộp thuế cho Ðền thờ như bất cứ ai. Tuy nhiên, Ngài nộp thuế bằng một phép lạ: Chúa Giêsu bảo Phêrô đi câu cá, bắt được con cá đầu tiên, trong miệng có một đồng bạc, đủ để nộp thuế cho Ngài và cho Phêrô. Chúa không bảo Giuđa xuất quĩ mà nộp, cũng không bảo các phụ nữ đạo đức dâng cúng, nhưng Ngài đã làm phép lạ để các môn đệ tin vào quyền năng của Ngài.
Nếu ngày xưa, người Do thái có bổn phận nộp thuế cho Ðền thờ để lo việc phụng sự Nhà Chúa, thì ngày nay trong Giáo Hội cũng có những cách đóng góp hay dâng cúng, đó cũng là một việc thờ phượng và là một sự chia sẻ cho những anh chị em nghèo khó. Chúng ta hãy nhận ra nét đặc biệt trong nhân cách của Chúa, khi hòa nhập vào nếp sống cụ thể của những người đồng thời với Ngài. Mầu nhiệm nhập thể đòi buộc Chúa phải chia sẻ trọn vẹn đời sống con người. Ước gì chúng ta cũng biết noi gương Chúa, chấp nhận như hạt lúa mì rơi xuống đất và chết đi để trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp.
Veritas Asia


Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Hai Tuần 19 TN2
Bài đọc: Eze 1:2-5, 24-28; Mt 17:22-27

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Sự hiện diện của Chúa trong Đền Thờ.
Thiên Chúa tuy là Đấng Vô Hình nhưng đã chọn để ở lại với con người trong Đền Thờ vì yêu thương con người. Bắt đầu từ Đền Thờ Jerusalem và lan rộng ra các đền Thờ khắp nơi trên thế giới. Một trong những bổn phận của con người là đóng thuế (10%) để bảo trì và chi phí những thứ cần thiết cho Đền Thờ.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Thị kiến đầu tiên của tiên tri Êzêkiel.
Bắt đầu từ hôm nay, các bài đọc I trong chu kỳ II (năm chẵn) sẽ được lấy từ sách của tiên tri Êzêkiel, một trong 4 tiên tri lớn. Ông sống trong Thời kỳ lưu đày Babylon và họat động trong khỏang 593-571 BC. Tên của ông có nghĩa “Chúa kiện tòan (người này).” Bởi vì ông thuộc giòng dõi tư tế, nên có lẽ ông được ăn học, đặc biệt về Luật, kết hôn (Eze 24:18), và cha ông, Buzi (Eze 1:2) có thể có ít nhiều ảnh hưởng trên thành Jerusalem. Truyền thồng nói ông được an táng trong một ngôi mộ ở Al-Kift, gần thành phố Hilla (Iraq hiện nay), không xa thành Babylon ngày xưa bao nhiêu.
Có thể nói thế hệ của tiên tri Êzêkiel là thế hệ gạch nối giữa quá khứ (Israel và Judah bị bại trận và lưu đày) và tương lai (Đền Thờ Jerusalem sẽ được xây dựng lại và Israel sẽ được phục hồi) và sách của ông phản ánh rất rõ hai chủ đề này. Thời gian lưu đày Babylon là khỏang 70 năm, như thế thời gian hồi hương và bắt đầu xây dựng lại Đền Thờ Jêrusalem nằm trong khỏang 520-518 BC.
Đền Thờ Jêrusalem là một trong những chủ đề chính của tiên tri Êzêkiel vì đây sẽ là nơi Chúa các đạo binh ở với Dân Người. Ông ghi lại tỉ mỉ những chi tiết cần thiết để xây dựng lại Đền Thờ trong tương lai, bắt đầu từ thị kiến đầu tiên: Tôi nhìn, thì kìa một cơn gió bão từ phương Bắc thổi đến; có đám mây lớn, có lửa loé ra và ánh sáng chiếu toả chung quanh; ở chính giữa như có một kim loại lấp lánh, ở chính giữa lửa. Ở chính giữa, có cái gì tựa như bốn sinh vật. Đây là dáng vẻ của chúng: chúng trông giống như người ta. Khi chúng đi, tôi nghe tiếng cánh vẫy giống như tiếng nước chảy mạnh; như tiếng của Đấng Toàn Năng, tiếng ấy ồn ào như tiếng trong một doanh trại. Khi chúng dừng lại, thì cánh rủ xuống.
Thị kiến đầu tiên thuật lại việc ông nhìn thấy những gì từ trời xa xuống: tuy ông không nhìn thấy rõ ai là người ngồi trên ngai, nhưng qua cách mô tả chúng ta biết đó là Thiên Chúa. 4 sinh vật có cánh mà ông mô tả “chúng trông giống như người ta,” đã được nhiều tác giả và họa sĩ đồng nhất với 4 Thánh Ký: Matthêu (đầu người), Marcô (đầu sư tử), Luca (đầu bò), và Gioan (đầu phượng hoàng).
Những gì tiên tri thuật lại dưới đây khuôn mẫu của Đền Thờ Đức Chúa cho Đền Thánh Jerusalem sẽ được xây sau này: Có tiếng vọng xuống từ trên cái vòm, ngay trên đầu chúng. Từ trên cái vòm, ngay trên đầu chúng, có cái gì giống như đá lam ngọc, tựa như cái ngai, và trên cái gì tựa như cái ngai đó, có cái trông như hình dáng một người ở trên ngai đó, ở trên cao. Và tôi thấy có cái gì giống như kim loại lấp lánh, giống như một đám lửa bao quanh, từ khoảng coi như ngang lưng trở lên, còn từ khoảng coi như ngang lưng trở xuống, tôi thấy có cái gì giống như một đám lửa và ánh sáng chiếu toả chung quanh. Như hình cầu vồng xuất hiện trên mây một ngày mưa thế nào, thì ánh sáng chiếu toả chung quanh cũng như vậy. Đó là một cái gì trông tựa vinh quang của Đức Chúa.
2/ Phúc Âm: Trả thuế Đền Thờ?
Đền Thờ mà Chúa Giêsu và Phêrô phải đóng thuế hôm nay cũng là Đền Thờ Jerusalem mà tiên tri Êzêkiel đề cập tới trong Bài đọc I. Có rất nhiều chi phí cho Đền Thờ: lễ hy sinh sáng chiều qua việc sát tế con chiên một tuổi, rượu, bột, và dầu ôliu. Những thứ này sau khi dâng sẽ là thức ăn nuôi hàng tư tế, ngòai ra còn phải mua dụng cụ, hương lửa, và quần áo cần cho việc tế lễ. Sách Xuất Hành (Exo 30:13) ấn định: Tất cả các đàn ông Do Thái, 20 tuổi trở nên, phải đóng góp vào thuế Đền Thờ mỗi năm ½ shekel (khỏang lương của 2 ngày làm việc). Phương pháp trả tiền được ấn định như sau: Mỗi năm vào tháng Ba (Adar), người có trách nhiệm trong các làng mạc sẽ ra thông cáo cho biết thời gian phải trả thuế Đền Thờ đã đến và các quầy đóng thuế sẽ được đặt các nơi để thâu nhận thuế. Nếu ai không trả thuế trước ngày 25 của tháng này, họ sẽ phải lên Jerusalem để trả.
Nhà của Phêrô rất gần Hội đường Capernaum, nên không lạ khi những người thu thuế cho Đền Thờ đến hỏi ông Phêrô: "Thầy các ông không nộp thuế sao?" Ông đáp: "Có chứ!" Những người thu thuế có thể hỏi vì thói quen nhưng cũng có thể hỏi để lấy cớ tố cáo Chúa Giêsu nếu Ngài không chịu đóng thuế.
Vừa về tới nhà, Đức Giêsu hỏi ông trước: "Anh Simôn, anh nghĩ sao? Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?" Ông Phêrô đáp: "Thưa, người ngoài."
Hai lý do thật rõ ràng Chúa Giêsu có thể dùng để miễn trừ đóng thuế: Thiên Chúa là Cha Ngài, và Đền Thờ là nơi ngự của Thiên Chúa, là nhà Cha của Ngài (Lk 2:49).
Chúa Giêsu liền bảo: "Vậy thì con cái được miễn. Nhưng để khỏi làm gai mắt họ, anh ra biển thả câu; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra: anh sẽ thấy một đồng tiền bốn quan; anh lấy đồng tiền ấy, nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh." Nhiều nhà chú giải đặt câu hỏi cho phép lạ này vì lý do nó quá nhỏ đế cần làm phép lạ. Phần đông cho rằng nó chỉ là một kiểu nói của người Do Thái. Chúa bảo Thánh Phêrô: Hãy mang lưới ra biển và thả lưới bắt cá để lấy tiền trả thuế Đền Thờ cho Thầy và anh.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Đền Thờ là nơi Chúa ở với con người, và vì thế cần bảo trì xứng đáng.
- Để bảo trì cần giáo dân phải đóng góp. Rất nhiều giáo dân đã quên bổn phận này hay đóng góp chưa đủ.
- Là người lãnh đạo, Chúa được hưởng đặc quyền miễn trừ; nhưng vì không muốn làm gương mù cho người khác, Ngài bảo Phêrô hãy chu tòan việc đóng thuế Đền Thờ.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 19
Thứ Hai :
Mt 17,22-27


A. Hạt giống...
Đoạn Tin Mừng này gồm 2 chuyện :
1. Chúa Giêsu loan báo lần thứ hai Ngài sẽ chịu nạn : Nội dung hầu như giống y lần thứ nhất (x. 16,21), chỉ khác một chi tiết nhỏ là Ngài sắp bị nộp vào tay “người đời”) (lần thứ nhất : “chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, thượng tế và kinh sư”).
2. Vấn đề nộp thuế cho Đền thờ :
- Mọi đàn ông do thái, kể cả những người sống ngoài lãnh thổ Palestina, đều phải nộp cho Đền thờ hằng năm một món tiền thuế là hai đồng drachme, tương đương với giá hai ngày công. Số tiền này dùng để trang trải các chi phí của Đền thờ. Người ta bắt đầu thu thuế này vào quãng 15 ngày trước Lễ Vượt qua. Vấn đề được nêu ra là Chúa Giêsu có phải nộp thứ thuế này không.
Chúa Giêsu trước hết đưa ra một định hướng nền tảng cho vấn đề, sau đó mời độc giả tìm đến một giải pháp thực tế.
- Định hướng nền tảng được trình bày bằng một dụ ngôn : các bậc vua chúa thường không thu thế con cái họ mà chỉ thu thuế các thần dân khác. “Vậy, con cái thì được miễn” : được miễn bởi vì chúng không phải nộp thù lao hay phải làm tạp dịch để được bố chúng xem chúng là con. Tương quan phụ tử phát sinh từ một sự nhưng không mà tương quan chủ tớ không hề có. Chúa Giêsu đã kiên nhẫn dạy cho các môn đệ mình cư xử với Thiên Chúa như với người cha của họ là Đấng ngự trên trời và là Đấng luôn trung tín với con cái mình mà chẳng hề đòi buộc chúng phải nộp thuế (Claude Tassin).
- Một giải pháp thực tế : “Nhưng để khỏi làm gai mắt họ… anh hãy lấy đồng tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và phần của anh”. Các kitô hữu gốc do thái luôn tự do trong việc nộp thuế Đền thờ. Họ luôn chu toàn bổn phận nộp thuế để tránh gây hoang mang vô ích cho đồng bào mình, bởi vì nếu không nộp thuế thì họ sẽ khiến cho đám người kia có cảm tưởng họ đã ly khai khỏi dân Israel.

B.... nẩy mầm.
1. “Con Người sắp bị nộp vào tay người đời” : Động từ “bị nộp” ở thể thụ động hiểu ngầm người nộp là chính Thiên Chúa. Thiên Chúa nộp ai và nộp cho ai ? Thưa nộp Chúa Con cho người thế gian.
- Ta hãy suy gẫm về tình thương của Thiên Chúa : Ngài ban cho loài người Người Con độc nhất mà Ngài rất yêu quý.
- Ta cũng hãy suy gẫm về sự hy sinh tự hạ của Chúa Giêsu : Là Con Thiên Chúa, Ngài sẵn lòng bị nộp vào tay người đời để cho người đời hành hạ và giết chết.
2. “… nhưng ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền” : các môn đệ buồn phiền vì chỉ nhớ phần thứ nhất của lời loan báo (Chúa Giêsu bị giết) chứ không để ý tới phần thứ hai (Ngài sẽ sống lại).
Xin cho con luôn nhớ rằng Thập giá là đường dẫn tới vinh quang, vì có nhớ như thế con mới có thể lạc quan vác thập giá theo Chúa.
3. Câu chuyện này nhắc mọi tín hữu góp phần mình vào Đền thờ, vào việc chung của Giáo Hội. Đây là một bổn phận công bằng, vì ta đã hưởng những ơn ích của Giáo Hội thì ta cũng phải góp phần mình vào đấy, góp phần bằng vật chất và bằng tình thần.
4. Thánh Mat-thêu viết Tin Mừng trong giai đoạn Do thái giáo đã khai trừ các kitô hữu. Cho nên lẽ ra họ không còn bổn phận đóng góp cho Đền thờ Giêrusalem nữa. Thế mà, “để khỏi làm cớ vấp phạm” (làm dịp cho người do thái kết án là tại kitô hữu bỏ bổn phận trước), họ vẫn chu toàn bổn phận nộp thuế cho Đền thờ.
Có nhiều việc tôi không bị buộc làm, nhưng “để khỏi gây cớ vấp phạm” và vì bác ái, tôi vẫn nên làm.
5. Chúa Giêsu nói với Phêrô : “Anh ra biển thả câu ; con cá nào câu được trước hết, thì bắt lấy, mở miệng nó ra : anh sẽ thấy một đồng tiền 4 quan. Hãy lấy số tiền ấy nộp thuế cho họ, phần của Thầy và của anh” (Mt 17,27)
Là một ngư phủ, việc câu cá với Phêrô quả là dễ dàng. Chúa Giêsu đã sai Phêrô làm một việc trong tầm tay của ông để tuân hành luật lệ xã hội. Nhưng đồng thời, trong cuộc sống, Ngài luôn lưu ý Phêrô và các môn đệ về thế đứng của họ : sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Qua đó, tôi đọc ra nơi Chúa Giêsu một khả năng hội nhập tinh tế : hoà mình vào thế giới nhưng không đánh mất bản sắc riêng của mình.
Trong thực tế, nhiều lần tôi đã lạm dụng hai chữ “hội nhập” để ngụy biện cho những ích kỷ, lười biếng, và những hành động thiếu yêu thương, công bằng trong bổn phận của một Kitô hữu.
Lạy Chúa, xin cho con biết tìm kiếm và xây dựng những giá trị Nước Trời trong những bổn phận trần thế và những hành động yêu thương nhỏ bé của con. (Hosanna)
Lm.Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ

11/08/14 THỨ HAI TUẦN 19 TN
Th. Clara, trinh nữ
Mt 17,22-27

Suy niệm: Là nhà truyền giáo, Chúa Giê-su tận dụng mọi cơ hội để loan báo Tin Mừng, loan báo chính Ngài, hầu người nghe được ơn cứu độ. Hôm nay cũng thế, Ngài cho Phê-rô biết Ngài là ai. Qua nghĩa vụ nộp thuế đền thờ, thứ thuế đòi buộc mọi người Do Thái trưởng thành phải thi hành, Chúa Giê-su xác nhận với Phê-rô rằng Ngài đích thực là Con Thiên Chúa như lời ông tuyên xưng: Đền Thờ là nhà của Thiên Chúa, mà Ngài là Con, không buộc phải đóng thứ thuế chỉ đòi buộc đối với thần dân.  Hơn thế, Ngài còn tỏ cho Phê-rô biết Ngài là chủ tể có quyền trên vũ trụ khi bảo Phê-rô đi câu cá, con cá có đồng bạc trong miệng, để đi nộp thuế. Phê-rô nhờ thế đã nhận biết Chúa Giê-su hơn, biết Tin Mừng Chúa Giê-su loan báo.
Mời Bạn: Thiên Chúa không muốn chúng ta đóng bất cứ thứ thuế nào cho Ngài; trái lại, Ngài muốn chúng ta có một kho tàng trên trời. Kho tàng đó là: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi làm cho chính Ta vậy.”
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày làm một việc bác ái cho người anh em đang sống gần gũi với bạn.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin dạy con biết tận dụng mọi cơ hội để nói về Chúa cho anh chị em con, nói như một người con nói về cha yêu thương của mình, nói như chưa từng được nói, nói như người vừa tìm gặp được kho báu lớn lao trong đời.

Để khỏi làm cớ sa ngã
Chúng ta cần lưu tâm đến những người “yếu” trong cộng đoàn. Chính tình yêu đối với họ khiến tôi cân nhắc điều mình được phép làm. Tự giới hạn tự do của mình là một cách để biểu lộ tình yêu. 


Suy nim:
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta không khỏi mỉm cười,
khi nghĩ đến việc anh Phêrô đi ra hồ Galilê để thả câu bắt cá,
một chuyện bắt cá rất bất thường, vì một mục đích cũng bất thường.
Thầy Giêsu dặn anh hãy túm lấy con cá đầu tiên câu được,
bắt lấy, mở miệng nó ra, thấy ngay một đồng tiền trị giá bốn quan,
vừa vặn để nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò.
Đây là thứ thuế mà hàng năm, theo sách Xuất hành (30, 14)
những người đàn ông Do Thái trên hai mươi tuổi phải nộp
để lo việc tu bổ Đền Thờ và việc tế tự trong đó.
Ta không thấy kể chuyện anh Phêrô đã vâng lời Thầy ra sao,
và phép lạ đã xẩy ra như thế nào.
Chỉ biết chẳng khi nào trong Tân Ước
Thầy Giêsu lại có ý làm một phép lạ vì lợi ích cho mình như vậy.
Nhưng chuyện bắt cá để lấy tiền nộp thuế
lại không phải là chuyện quan trọng của đoạn Tin Mừng này.
Điểm chính yếu nằm ở những câu nói của Thầy Giêsu.
Ai cũng biết con cái của vua chúa trần gian thì được miễn thuế,
vì các vua chỉ đánh thuế người ngoài thôi (c. 26).
Đức Giêsu chính là Người Con tuyệt hảo của Vị Vua thiên quốc.
Và những Kitô hữu cũng là con cái của Đức Vua tối cao.
Họ là những người đã mở lòng đón nhận Nước Trời (Mt 13, 38),
và đã gọi Thiên Chúa là Cha trên trời của chúng con (Mt 6, 9).
Như thế Thầy Giêsu và các môn đệ của mình đều được miễn thuế.
Thầy trò không phải nộp thuế Đền Thờ như những người Do Thái khác.
Tuy Thầy trò có quyền không nộp thuế,
nhưng Thầy Giêsu lại không muốn làm cớ cho người khác vấp phạm.
Khi về đến nhà của anh Phêrô ở Caphácnaum,
Thầy Giêsu bày tỏ ý muốn nộp thuế Đền Thờ cho cả Thầy lẫn trò.
Thầy chấp nhận giữ luật mà các người đàn ông Do Thái đều giữ.
Thầy biết mình có tự do,
nhưng Thầy cũng dám hy sinh tự do ấy vì lợi ích cho người khác.
Thánh Phaolô cũng sẽ nói về nguyên tắc này khi bàn về việc ăn đồ cúng.
“Đành rằng mọi thức ăn đều thanh sạch,
nhưng ăn mà gây cớ vấp ngã, thì là điều xấu” (Rm 14, 20).
Chúng ta cần lưu tâm đến những người “yếu” trong cộng đoàn.
Chính tình yêu đối với họ khiến tôi cân nhắc điều mình được phép làm.
Tự giới hạn tự do của mình là một cách để biểu lộ tình yêu.
Thế giới hôm nay ca ngợi tự do, nên cũng đầy cớ gây vấp phạm.
Bao sa ngã của giới trẻ là do sự phóng túng của người lớn.
Con người hôm nay quá gần nhau bởi các phương tiện truyền thông,
nên ảnh hưởng xấu lan đi vừa nhanh lại vừa rộng.
Nếu chúng ta tự ý làm hay tránh làm một điều gì đó
chỉ vì tôn trọng lương tâm mong manh của người khác,
thì Thiên Chúa cũng sẽ giúp ta bằng những phép lạ thật ngỡ ngàng.
Cầu nguyn:

Lạy Chúa,
xin dạy con luôn tươi tắn và dịu dàng
trước mọi biến cố của cuộc sống,
khi con gặp thất vọng, gặp người hờ hững vô tâm,
hay gặp sự bất trung, bất tín
nơi những người con tin tưởng cậy dựa.

Xin giúp con gạt mình sang một bên
để nghĩ đến hạnh phúc người khác,
giấu đi những nỗi phiền muộn của mình
để tránh cho người khác phải đau khổ.
Xin dạy con biết tận dụng đau khổ con gặp trên đời,
để đau khổ làm con thêm mềm mại,
chứ không cứng cỏi hay cay đắng,
làm con nhẫn nại chứ không bực bội,
làm con rộng lòng tha thứ,
chứ không hẹp hòi hay độc đoán, cao kỳ.

Ước gì không ai sút kém đi
vì chịu ảnh hưởng của con,
không ai giảm bớt lòng thanh khiết, chân thật,
lòng cao thượng, tử tế,
chỉ vì đã là bạn đồng hành của con
trong cuộc hành trình về quê hương vĩnh cửu.
Khi con loay hoay với bao nỗi lo âu bối rối,
xin cho con có lúc
thì thầm với Chúa một lời yêu thương.

Ước chi đời con là cuộc đời siêu nhiên,
tràn trề sức mạnh để làm việc thiện,
và kiên quyết nhắm tới lý tưởng nên thánh.
Amen.

(dịch theo Learning Christ)

Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ



Suy niệm

Trên đường từ núi Tabor đến Caphárnaum, Đức Giêsu lại nhắc lần hai về cuộc khổ nạn. "Con Người sắp bị nộp vào tay người đời…": Động từ "bị nộp" ở thể thụ động hiểu ngầm người nộp chính là Thiên Chúa. Thiên Chúa nộp ai và cho ai? Thưa nộp Chúa Con cho thế gian.

"… nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Các môn đệ rất đỗi buồn phiền": Các môn đệ buồn phiền vì chỉ nhớ đến phần thứ nhất của lời loan báo (Chúa Giêsu bị giết) chứ không để ý đến phần thứ hai (Người sẽ sống lại).

 Tình thương của Thiên Chúa dành cho nhân loại qua việc trao nộp Con Một của Ngài. Ngài ban cho loài người Con độc nhất mà Ngài rất yêu quý. Chúng ta cũng hãy suy gẫm về sự hy sinh tự hạ của Chúa Giêsu: là Con Thiên Chúa, Người sẵn lòng bị nộp vào tay người đời để cho người đời hành hạ và giết chết. Mỗi người chúng ta hãy tự xét mình xem mình đã đáp lại tình thương đó như thế nào? Thậm chí chúng ta có còn nhớ vì yêu chúng ta mà Chúa Giêsu đã nộp mình chịu chết?

Chúa Giêsu loan báo sự đau khổ và sự chết của Người sắp chịu. Ngài tâm sự nỗi đau khổ thầm kín của Người cho các môn đệ, một đàng có tính cách loan báo và một đàng để chia sẻ với người thân. Tuy nhiên các môn đệ không hiểu nỗi khổ của Người nên Người phải kiên nhẫn chịu đựng thêm. Cũng vậy chúng ta phải can đảm chịu đựng những thái độ dửng dưng hoặc hiểu lầm của những người thân về những đau khổ kín đáo của mình. Xin cho chúng ta luôn nhớ rằng Thập gía là con đường dẫn tới vinh quang, vì có nhớ như thế con người mới có thể lạc quan vác Thập giá theo Chúa.

Xin cho mỗi người chúng ta biết ăn năn thông hối về những tội lỗi mình đã phạm, vì chính vì tội lỗi của chúng ta mà Chua Giêsu đã phải chết cách nhục nhã trên thập giá. Amen.


Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
11 THÁNG TÁM
Thiên Chúa Đã Yêu Thế Giới Đến Nỗi …
“Thế giới ở đây là thế giới của con người, thế giới ấy, người Kitôhữu tin là đã được tình yêu của Đấng Tạo Hóa tác thành và bảo trì. Thế giới ấy, đã rơi vào ách nô lệ tội lỗi, nhưng, nhờ Chúa Kitô chịu đóng đinh và sống lại mà bẻ gãy uy quyền của Thần Dữ, đã được giải thoát để thay hình đổi dạng theo dự định của Thiên Chúa mà tiến tới sự viên mãn” (MV 2).
Định nghĩa ấy gồm tóm toàn bộ giáo thuyết về sự quan phòng, hiểu như kế hoạch vĩnh cửu của Thiên Chúa trong công trình sáng tạo, hoặc hiểu như sự hoàn thành chung cục của vũ trụ. Điều này đặc biệt đúng đối với thế giới con người theo như “được tiền định trong Đức Kitô”, Đấng là trung tâm và là nguồn gốc của mọi sự.
Bằng cách này, Vatican II làm cho sắc bén giáo huấn tín lý của Công Đồng Vatican I: “Thiên Chúa gìn giữ và điều khiển mọi loài Ngài đã dựng nên với sự quan phòng của Ngài, từ chân trời này tới chân trời kia (Kn 8,1). ‘Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Ngài’ (Dt 4,13), ngay cả những gì xảy ra thông qua sáng kiến tự do của tạo vật” (Dei Filius, DS 3003).
Ngay từ đầu, Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng tập chú đến một vấn đề vừa liên quan với chủ đề của chúng ta ở đây vừa bức thiết với con người hiện đại: Bằng cách nào sự phát triển của Nuớc Thiên Chúa và sự phát triển của thế giới có thể hòa điệu với nhau?
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
Ngày 11-8
Thánh Clara, trinh nữ
Ed 1, 2-5.24-28c; Mt 17, 22-27.
LỜI SUY NIỆM: “Anh Simon, anh nghĩ sao” Vua chúa trần gian bắt ai đóng sưu, nộp thuế? Con cái mình hay người ngoài?”

Nhân câu chuyện Chúa Giêsu và Thánh Phêrô nộp thuế cho Đền Thờ. Điều này giúp cho người Kitô hữu luôn phải tuân theo luật pháp và những quy định của chính quyền nơi mình đang sống. Phải cọng tác với chính quyền vì công ích, đồng thời thể hiện đức công bình và bác ái của người Kitô hữu trong cuộc sống.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn mỗi Kitô hữu phải làm việc với ơn ban của Chúa, nhờ đó sẽ chu toàn nghĩa vụ của mình. Xin thương ban cho mọi người trong gia đình chúng con luôn biết làm việc với ơn ban của Chúa và chu toàn nghĩa vụ với xã hội.
Mạnh Phương


Gương Thánh Nhân
Ngày 11-08
Thánh CLARA
Đồng Trinh (1193 - 1253)

Thánh Clara sinh năm 1193 tại Assisi miền Umbria. Thuộc dòng họ danh gái Offreducciô. Người ta nói thánh nữ sinh ra với nụ cười trên môi và không bao giờ thấy Ngài khóc. Ngài dành nước mắt để tưới chân Chúa Giêsu chịu đóng dinh. Nghe biết một thanh niên giàu có đã trở nên người nghèo thành Assisi, người thiếu nữ danh giá cảm kích trước mẫu gương của thánh nhân. Trong khi gia đình nhắm cưới gả cho nàng, thì nàng chỉ nhắm đến cuộc sống sám hối khiêm hạ. Sau khi nghe bài giảng của thánh nhân, Ngài đã đi tới quyết định.
Khi ấy thánh Clara 18 tuổi. Vào ngày Lễ Lá, 18 tháng 3 năm 1212, thánh nữ ăn mặc sang trọng tới nhà thờ chính tòa dự lễ. Theo thói quen, các bà tiến lên nhận lá từ tay Đức giám mục. Hôm ấy Clara quá xúc động, khiến chính đức giám mục phải rồi ghế đưa lá đến cho Ngài. Chiều về, Ngài đã cùng với một người bạn lén bỏ nhà theo lối cửa hậu rồi theo ánh đuốc tới gặp thánh Phanxicô tại Porsiuncola...
Giai thoại thật cảm động, một cô gái 18 sang trọng đã bỏ tất cả những gì là quen thuộc và an toàn để đi theo Đấng vô hình, còn Phaxicô 30 tuổi không có lấy một xu dính túi đã nhận lấy trách nhiệm về cả tinh thần lẫn vật chất đối với cô. Giữa đêm xuân trong rừng cây và dưới ánh đuốc của đoàn anh em. Clara buông xõa mái tóc huyền trên bàn thờ cho Phanxicô cắt bỏ. Hành động hoàn toàn ngoại lệ và không với một chút quyền hạn theo giáo luật. Phanxicô đã lãnh bản ly dị của Clara đối với thế gian, rồi gởi đi vào một nữ tu viện Benedicto gần đó.
Biến cố nổ lớn làm cả thành phố xúc động. Thế gian kết án Clara. Ong Monaldo, cậu thánh nữ đến nhà dòng bắt thánh nữ về, nhưng Ngài ôm cứng chân bàn thờ quyết chọn Chúa mà thôi. Phanxicô dẫn thánh nữ tới một nữ tu tu viện Bênêdictô khác, cùng với em của mình là Anê. Sau cùng Phanxicô thiết lập cho Clara và cộng đoàn đã tăng số một tu viện tại San Damianô, nơi đây bà Ortolanta, mẹ của thánh nữ cũng nhập dòng. Trong một thời gian cộng đoàn độc lập như những người hành khất đầu tiên. Phanxicô viết cho cộng đoàn một bản luật sống vắn gọn, đòi kỷ luật gắt gao và chay tịnh khắc khổ.
Dầu vậy, Clara con người đi xa hơn cả ước muốn của thánh Phanxicô. Năm 1215 Phanxicô đặt Clara làm tu viện trưởng và có lẽ đã trao cho Ngài một bản luật dòng thánh Bênêdictô. Nhưng một mục chương nói rằng sự đơn sơ và nhiệt tình của chị em khiến cộng đoàn tăng số rất nhanh.
Vào những năm cuối đời thánh Phanxicô, mọi liên hệ với San Đômianô bị gián đoạn. Câu chuyện hay về bữa ăn tối với Clara không được chính xác lắm. Nhưng cơn đau cuối cùng Phanxicô đã được Clara cho trú ngụ trong một mái chòi bằng lá cây ở cổng tu viện Damianô, nơi Phaxicô trước tác bài ca mặt trời. Ngài ban phép lành cuối cho Clara rồi về Porziuncola và qua đời tại đó. Ngài cũng xin anh em đưa xác về Assisi qua ngã San Đamianô. Thánh Clara và chị em tiếp rước và có dịp chiêm ngưỡng các vết thương ở tay và chân Ngài.
Clara thực hiện đúng lý tưởng của người nghèo thành Assisi. Đức Innôcentê III đã đích thân ban phép cho Ngài được giữ đức nghèo khó tuyệt đối. Nhưng Đức Grêgôriô IX nguyên là hồng y Ugôlinô đã muốn cải sửa luật cho phép nhà dòng có đất đai nhà cửa. Clara cưỡng lại và năm 1228 đã được hưởng đặc ân như sở nguyện. Ngài đã thưa với Đức Grêgôriô: - Thưa Đức Cha, xin tha tội cho chúng con, nhưng đừng tha cho con khỏi theo lời Chúa.
Năm 1247, một lần nữa đức Innocentê IV kiểm soát lại luật thánh Phanxicô, muốn sống đời khó nghèo truyệt đối. Luật này được Đức Innocente chấp thuận vội vã, hai ngày trước khi thánh nữ qua đời. Năm 1893 người ta tìm thấy sắc chỉ nguyên thủy trong mộ thánh nữ.
Cuộc sống còn được ghi nhớ bởi cuộc tàn phá năm 1241 của vua Frêdêrico II, nhờ lời cầu nguyện đắc lực của Ngài. Trong cơn bệnh của Ngài, Đức hồng y Rainalđô, tức là đức giáo hoàng Alexandrô sau này, đã đến trao mình Chúa và khuyyên nhủ thánh nữ, thánh nữ trả lời: - Từ khi nếm thử chén đắng và cuộc tử nạn của Chúa, con thấy không còn gì làm con đau đớn nữa.
Sau khi chúc lành cho các nữ tu đến thăm, Ngài nói với mình: - Hãy an tâm, ngươi đã theo đúng đường, cứ tin tưởng vì Chúa tạo thành đã thánh hiến và không ngừng gìn giữ ngươi, đã yêu ngươi với tình mẹ thương con, ôi lạy Chúa xin chúc tụng Chúa vì đã dựng nên con.
Thánh nữ qua đời ngày 11 tháng năm 1253 và năm 1255 được tôn phong hiển thánh.
(daminhvn.net)


11 Tháng Tám
Cô Bạn Của Thánh Phanxicô Assisi

Một trong những cuốn phim có giá trị diễn tả về cuộc đời của thánh Phanxicô thành Assisi mới được thực hiện cách đây vài năm đa thi vị hóa vai trò của Clara, vị thánh Giáo Hội mừng kính hôm nay. Ðạo diễn của cuốn phim đã giới thiệu Clara qua hình ảnh một nữ tài tử trẻ đẹp với mái tóc vàng óng ả, thích tung tăng chạy nhảy giữa cánh đồng hoa hướng dương chạy dài mút mắt.
Trong thực tế, quãng đời thanh xuân của Clara đã cống hiến nhiều chi tiết có thể được sử dụng làm chất liệu để quay phim. Vào tuổi trăng tròn 15, Clara đã từ chối kết hôn vì tâm hồn của nàng bị xúc động mãnh liệt qua lời rao giảng có chiều sâu của Phanxicô. Từ đó cho đến lúc Clara trút hơi thở cuối cùng, Phanxicô là một người bạn tinh thần, một cha linh hướng của nàng.
Lúc lên 18 tuổi, Clara thoát ly gia đình và trong một buổi lễ đơn sơ cử hành vào đêm, nàng đã cởi bỏ những xiêm y đắt tiền để mặc lấy một chiếc áo dòng bằng vải thô, đã thay chiếc dây nịt quý giá bằng một sợi dây thắt lưng đơn sơ và đã để cho Phanxicô cắt mái tóc óng ả của mình tượng trưng cho tinh thần từ bỏ.
Khi một số thiếu nữ khác cùng một chí hướng, kể cả Agnes, em gái của Clara, theo chân nàng vào tu viện, họ đã bắt đầu một cuộc sống nghèo nàn, khổ hạnh và ẩn dật, cắt đứt mọi giao tiếp với thế giới bên ngoài. Họ đi chân không, ngủ trên nền nhà, không ăn thịt và giữ thinh lặng hầu như hoàn toàn. Ðó là những dấu hiệu bên ngoài biểu lộ ý hướng bên trong của họ muốn sống khó nghèo theo tinh thần Phúc Âm như Ðức Giêsu đã dạy.
Ðế sống cuộc đời từ bỏ, các nữ tu dòng thánh Clara khước từ quyền sở hữu của bất cứ của cải nào, kể cả với tính cách là của chung.
Nhu cầu lương thực hằng ngày được giải quyết bằng của bố thí. Khi Ðức Thánh Cha khuyên họ giảm bớt cách thực hành sống nghèo cách tuyệt đối như vậy, Clara đã khẳng khái trả lời: "Thưa Ðức Thánh Cha, chúng con cần cha tha tội, chứ chúng con không mong ước cha tha chúng con khỏi những bổn phận phải giữ để trung tín dõi theo chân Chúa Giêsu".
Trong bốn bức tường tu viện tại San Ðamianô gần Assisi, Clara ân cần chăm sóc các bệnh nhân, khiêm nhượng hầu bàn và rửa chân cho các nữ tu sau khi họ đi cầu thực trở về và dành nhiều thời giờ để tâm hồn chìm sâu trong kinh nguyện. Các nữ tu đồng thời thuật lại rằng: Khi Clara cầu nguyện xong, mặt chị chiếu sáng làm chói mắt mọi người.
Trong 27 năm cuối đời, Clara bị đau ốm luôn, nhưng chị đã thu hút được nhiều Giám Mục, Hồng Y, kể cả các giáo chủ đến để tham khảo ý kiến của chị.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét