Trang

Thứ Ba, 26 tháng 8, 2014

Đức Phanxicô và quan điểm hòa bình của Đức Piô XII

Đức Phanxicô và quan điểm hòa bình của Đức Piô XII


Trên đường từ Israel trở về Vatican hồi tháng Năm năm nay, được hỏi về viễn ảnh phong thánh cho Đức Piô XII, Đức Phanxicô ngụ ý cho thấy việc này hiện chưa làm được vì còn chờ một phép lạ như luật lệ đòi hỏi. Câu trả lời này, trong những hoàn cảnh bình thường, thì không có gì đáng nói. Nhưng vì câu nói ấy được nói ra không lâu sau ngày ngài phong thánh cho Đức Gioan XXIII không cần một phép lạ như luật lệ vốn đòi hỏi. Có người cho đó chỉ là một thủ thuật ngoại giao mà thôi, vì ngài vừa trở về từ cái đất nước chống Đức Piô XII hơn hết trên quả địa cầu này là Do Thái, nơi ngài “được” viếng viện bảo tàng tưởng nhớ các nạn nhân Diệt Chủng Yad Vashem, trong đó, nhan nhản những lời lên án vị Giáo Hoàng của Thế Chiến II. 

Bên trong tâm tư ngài, không ai biết ngài nghĩ gì về Đức Piô XII. Có người cho rằng ngài rất muốn phong chân phúc cho vị giáo hoàng vừa thông thái vừa thánh thiện này. Theo Andrea Gagliarducci, để đẩy nhanh diễn trình phong chân phúc cho vị này, Đức Phanxicô rất có thể sử dụng thủ tục gọi là “equipollent canonization”, một thủ tục, ngài từng sử dụng nhiều lần từ ngày lên ngôi giáo hoàng. Thủ tục này, tạm dịch là phong thánh hữu hiệu tương đương, diễn ra khi một người thánh thiện được thừa nhận là thánh mà không qua thủ tục phong thánh chính thức. Dĩ nhiên vị này phải đã được tôn kính từ lâu tại một số nơi đặc thù nào đó rồi, nay Đức Giáo Hoàng dùng quyền của ngài nới rộng việc tôn kính này ra khắp Giáo Hội hoàn vũ. 

Đức Phanxicô có lý để làm việc trên, vì hồ sơ phong chân phúc cho Đức Piô XII đã được nghiên cứu một cách sâu sắc, bởi chính anh em Dòng Tên. Hào quang thánh thiện của Đức Piô XII hết sức rộng lớn và tỏa sáng rất xa. Ngài không những thánh thiện lại còn có hồng phúc tiên tri nữa. 

Việc ấy rất có thể xẩy ra trong một tương lai gần. Tuy nhiên, ở thời điểm “Thế Chiến III từng mảng” (lời Đức Phanxicô) như hiện nay, đọc lại các bài diễn văn của Đức Piô XII, ta có thể có được con đường phải theo đối với hòa bình thế giới. Nó cũng có thể giúp ta tập chú vào một số lỗi lầm ngoại giao có tính chiến lược. 

Dưới thời Đức Phanxicô, nền ngoại giao của Tòa Thánh không đi theo duy nhất một qũy đạo. Ngài từng biến cầu nguyện thành một khí cụ ngoại giao. Từ Hán Thành bay về, ngài nhắc lại rằng buổi cầu nguyện cho hòa bình Trung Đông tại Vatican không vô ích, dù sau đó không bao lâu, chiến tranh ác liệt đã diễn ra tại Gaza. Tại Nam Hàn, ngoài lời kêu gọi đôi bên Đại Hàn hòa giải, ngài còn kêu gọi các quốc gia chưa có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh “khởi sự một cuộc đối thoại anh em” vì “người Kitô hữu không đến như những người xâm chiếm”.

Chiến lược với các nước Á Châu dường như là chiến lược ngoại giao tử đạo. Nghĩa là không chỉ tìm kiếm một cuộc đối thoại ngoại giao, mà tìm cách biểu dương cái đẹp của Kitô Giáo qua các điển hình sáng chói, để phúc âm hóa “bằng lôi cuốn”. Mọi điều khác sẽ đến sau. Chính vì lẽ này, án phong chân phúc cho các tử đạo đầu tiên của Bắc Hàn đã được mở ra. Và trong một tương lai không xa, sẽ là các vị tử đạo của Campuchia, một trong bẩy nước Á Châu khác chưa có liên hệ ngoại giao với Tòa Thánh. 

Bất kể các cố gắng trên, gần đây, có lúc, Đức Phanxicô đã hướng về một chiến lược ngoại giao có tính can thiệp nhiều hơn. Thực vậy, trên chuyến bay từ Hán Thành về, ngài ủng hộ một can thiệp ở Iraq để “chặn đứng kẻ gây hấn”: chặn đứng chứ không bỏ bom! Ngài cũng nhắc tới Liên Hiệp Quốc, nhắc lại một nguyên tắc được Tòa Thánh luôn theo đuổi trong các vấn đề nhân đạo. Nguyên tắc này nói rằng cần phải có lực lượng can hiệp của quốc tế. Các quốc gia không được kéo dài chiến tranh và nên họp sức ngăn chặn chiến tranh. Cụ thể hơn, Đức Phanxicô minh nhiên nhắc tới vai trò của LHQ: can thiệp quốc tế phải nằm dưới thẩm quyền của LHQ. Nhưng LHQ có phải là cơ quan mạnh đủ để hỗ trợ các quốc gia hay không? Liệu việc tụ họp các quốc gia theo công thức này có phải là khí cụ hữu hiệu giúp thực hiện ích chung không? Nó có đủ thẩm quyền hay không?

Đấy là chỗ Đức Piô XII có tiếng nói giá trị và hợp thời. Đúng là Tòa Thánh luôn cổ vũ sự dấn thân và tầm quan trọng của LHQ, nhưng cũng đúng là Tòa Thánh luôn yêu cầu một LHQ cải tiến. Người ta cho rằng nguyên trạng LHQ khó đương đầu được với cuộc khủng hoảng nhân đạo hiện nay ở Iraq. 

Vì trước cuộc khủng hoảng này, nền ngoại giao sự thật đã trở thành con đường duy nhất để xây dựng một hỗ trợ ngoại giao cho hành động. Đây là điều Đức Piô XII đã tiên đoán trong sứ điệp truyền thanh Lễ Giáng Sinh 1954. 

Sứ điệp trên đáng chúng ta đọc lại toàn bộ. Trong số các sứ điệp truyền thanh của vị giáo hoàng này, người ta thường chỉ nhớ tới các sứ điệp đọc thời Thế Chiến II, vốn đại biểu cho một thông điệp xã hội thực sự và là nền tảng cho thông điệp Pacem in Terris của Thánh GH Gioan XXIII và cho văn kiện của CĐ Vatican II liên quan tới giáo huấn xã hội Công Giáo. Ít ai nhớ tới sứ điệp Giáng Sinh 1954, đọc lúc thế giới đã bị chia thành khối và hòa bình chỉ được duy trì vì các bên thù địch sợ sự tàn phá hỗ tương. Đức Piô XII nói rằng “Hòa bình lạnh chỉ là một yên ổn tạm thời, tùy thuộc cảm thức sợ sệt, một cảm thức hay thay đổi”. 

Trong sứ điệp trên, Đức Piô XII lên án ý niệm coi chiến tranh như một dụng cụ chính trị, lệ thuộc sai lầm của những người cai trị; ngài coi nó như một “ý niệm phi lý và vô luân về chiến tranh”. Ý niệm này hết sức thịnh hành hồi đó và làm cho các cố gắng tránh chiến tranh của ngài năm 1939 thành vô dụng. Phương châm nổi tiếng của ngài là “Với hòa bình, ta không mất gì cả. Với chiến tranh, ta mất tất cả”. Phương châm này được Đức Phanxicô cố tình trích dẫn thường xuyên. 

Ngài đi xa hơn: “Mọi cố gắng hay tuyên truyền chủ hòa phát sinh từ những người không tuyên xưng bất cứ niềm tin nào vào Thiên Chúa luôn luôn là điều đáng nghi ngờ và không có khả năng giảm thiểu hay loại trừ được cảm thức sợ sệt đầy xao xuyến”. 

Chính niềm tin vào Thiên Chúa mới phát sinh ra sự chọn lựa hợp lý không theo đuổi chiến tranh, và, thay vào đó, theo đuổi việc sống như anh em. Đức Piô XII đã nhìn thấy trước các tai họa đang thành hình vì sự xuất hiện của chủ nghĩa vô thần thực tế, thị trường tự do và chủ nghĩa tiêu thụ. Ngài nói: “Quả là điều huyễn hoặc khi tin rằng ta có thể phó mặc hòa bình cho sự chăm sóc của một mình thị trường tự do” và “trong tương lai, cũng không khác gì khi niềm tin mù quáng, từng đem lại cho kinh tế một sức mạnh huyền diệu tưởng tượng, sẽ được đem ra thực hành”.

Theo Đức Piô XII, “ta cần phải hiểu rằng các liên hệ kinh tế giữa các quốc gia chỉ có thể là khí cụ của hòa bình bao lâu chúng tuân theo qui phạm của luật tự nhiên, gợi hứng cho yêu thương, chăm sóc người khác và là nguồn cung cấp trợ giúp”. 

Đức Piô XII cũng tỏ ý nghi ngờ một liên hợp Âu Châu chỉ dựa duy nhất trên mục tiêu kinh tế, vì liên hợp này chắc chắn sẽ rất yếu ớt, bởi không có một lý tưởng “lớn và hữu hiệu” giúp “làm nó nên mạnh trong việc phòng ngự và hành động cho một chương trình văn minh chung”. 

Theo Đức Piô XII, sống chung cũng không đủ, vì “để biện minh” cho việc mưu cầu hòa bình, phải có “sự sống chung trong sự thật”. Để đạt mục tiêu này, “những người hoài nghi hay hợm hĩnh” không thích đáng làm nền tảng cho sự hợp nhất của con người, vì chủ nghĩa duy vật chất của họ giảm thiểu “cả những chân lý đẹp đẽ nhất thành phản ứng vật lý” và vì “họ chỉ nói tới các ý thức hệ”. 

«Những ai không thừa nhận các chân lý tuyệt đối cũng như không chấp nhận các bổn phận luân lý trong đời sống xã hội” cũng đều không thích đáng, vì từ họ chỉ phát sinh “các phê phán phá hoại và phi lý” nhằm chuẩn bị một bầu khí “thuận lợi cho chủ nghĩa độc tài và áp chế”. 

Sứ điệp truyền thanh trên rất phong phú ở chỗ đã đề ra nhiều chủ đề cho các suy tư xa hơn. Chính từ khởi điểm này, Giáo Hội đã khai triển sự hiện diện của mình trên thế giới thời chiến tranh lạnh và sau đó nữa. Cố gắng ngoại giao đi song hành với dấn thân văn hóa, giáo lý và giáo dục nhằm xây dựng việc sống chung trong sự thật. 

Ấy thế nhưng, những kẻ hợm hĩnh, những kẻ hoài nghi, những người không thừa nhận chân lý tuyệt đối đã thắng cuộc. Âu Châu mất hết căn tính, việc phát triển toàn diện con người trở thành mờ nhạt, các liên minh giữa các quốc gia, trên hết, chỉ có bản chất kinh tế và thiên về phúc lợi của những quốc gia lớn nhất và giầu có nhất. Tòa Thánh luôn mạnh mẽ lên tiếng về các vấn đề này, phê phán việc thành lập “các nhóm G” (G7, G8, G20), thay vào đó, ủng hộ các chính sách đa phương và đa quốc, nhằm bao gồm cả các quốc gia yếu kém nhất. 

Điều đó vẫn chưa đủ. Viễn cảnh quốc tế ngày nay hoàn toàn bị phân mảnh. Người ta chỉ có thể bất lực nhìn vào vành trăng lưỡi liềm các tranh chấp nổ ra từ ngay trái tim Âu Châu cho tới Phi Châu, vì đâu còn các tác nhân quốc tế mạnh mẽ nào ở cuối chân trời. 

Giáo Hội Công Giáo vẫn còn có thể gây ảnh hưởng tinh thần, giúp các quốc gia theo đuổi ích chung. Giáo Hội này không có sức mạnh gián chỉ, như lời nhận định của sứ thần Tòa Thánh tại Ukraine, Đức TGM Thomas Gullickson. Nhưng Giáo Hội này có thể nói lên sức mạnh tinh thần của mình dựa trên sự thật, là điều thực sự liên kết các quốc gia lại với nhau. 

Đó là lý do tại sao Đức Phanxicô nên tiếp tục các cố gắng của ngài cho hòa bình. Lời ngài trên chuyến máy bay Hán Thành - Rôma một lần nữa nhắc lại lập trường của Giáo Hội, một Giáo Hội có nền ngoại giao quốc tế nhằm chăm sóc những con người, chứ không chăm sóc các vấn đề. Có lẽ Đức Phanxicô nên được hướng dẫn và nên phong chân phúc cho Đức Piô XII vì các đặc sủng tiên tri của ngài. Một đặc sủng mà Đức Gioan XXIII đã tiếp nối thi hành, chặn đứng được cuộc khủng hoảng hỏa tiễn Cuba. Đức Phaolô VI cũng đã đi theo con đường này với các bài diễn văn hùng hồn về hòa bình và giải giới. Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh tới nó, bằng cách đẩy mạnh một nền ngoại giao đặt căn bản trên liên hệ với nhân dân, chứ không với các nhà nước, một trong những lý do thực sự đã làm Liên Bang Xô Viết sụp đổ. Và Đức Bênêđíctô XVI còn đi xa hơn nữa trên con đường này, với nền ngoại giao sự thật của ngài, vốn là thành phần trong dự án canh tân nhằm đem lại một cơ cấu pháp chế và thần học cho các lý tưởng lớn lao của Giáo Hội. Đức Phanxicô hiểu rõ: số phận nhân loại tùy thuộc sức mạnh trong lập trường của ngài. 

Về điểm trên, John L. Allen Jr, trong một bài đăng trên tờ Boston Globe ngày 23 tháng Tám, giúp ta an tâm. Theo nhà báo này, chính Đức Phanxicô kể lại cho một nhà báo Nam Hàn hay: trong cuộc viếng thăm Nam Hàn gần đây, ngài được tặng một huy hiệu của thảm họa chìm phà Sewol. Ngài đeo huy hiệu này cả nửa ngày, mới có người đề nghị ngài cởi ra, vì “người ta giả thiết ngài phải trung lập”. Đức Phanxicô trả lời: “ô kìa, ông không thể trung lập trước nỗi thống khổ của con người!”. 

“Ông” ở đây có thể là nhà báo Nam Hàn. Mà “ông” ở đây cũng là chính Đức Phanxicô, một người khách phương xa đáng lễ nên nể mặt chủ nhà đã mời mình tới thăm, dù mình chỉ là người đại diện không quá 11 phần trăm người của chủ nhà! Ngoại giao sự thật phải chăng hệ ở chỗ này?

Vũ Văn An8/26/2014(vietcatholic)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét