05/09/2014
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
22 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 4, 1-5
"Chúa
sẽ phơi bày những ý định của tâm hồn".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh
em thân mến, như vậy người ta coi chúng tôi như những thừa tác viên của Ðức
Kitô, và những người phân phát các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Do đó, người ta
đòi hỏi nơi những người phân phát các mầu nhiệm là mỗi người phải trung tín. Phần
tôi, tôi không lấy làm quan trọng khi bị anh em hay toà án nhân loại đoán xét;
nhưng tôi cũng không đoán xét chính mình tôi. Vì chưng, mặc dầu lương tâm không
trách cứ tôi điều gì, nhưng không phải vì thế mà tôi đã được công chính hoá. Ðấng
đoán xét tôi chính là Chúa. Vì thế, anh em đừng đoán xét trước thời gian cho đến
khi Chúa đến, Người sẽ đưa ra ánh sáng những điều giấu kín trong bóng tối và
phơi bày những ý định của tâm hồn, và bấy giờ Thiên Chúa sẽ ban khen tương xứng
cho mỗi người.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 36, 3-4. 5-6. 27-28. 39-40
Ðáp: Người hiền được
Chúa ban ơn cứu độ (c. 39a).
Xướng:
1) Hãy trông cậy vào Chúa và hãy làm lành, để được cư ngụ trong đất nước, thọ
hưởng an ninh. Hãy hân hoan tin tưởng vào Chúa, Người sẽ ban cho sự lòng bạn thỉnh
cầu. - Ðáp.
2)
Bạn hãy phó thác đường lối mình cho Chúa, hãy trông cậy vào Người và để chính
Người hành động. Người sẽ làm cho chính nghĩa bạn sáng như bình minh, và quyền
lợi bạn tỏ như giờ ngọ. - Ðáp.
3)
Hãy tránh ác và hãy làm lành, hầu được an cư tới ngàn thu; bởi vì Chúa yêu điều
chân lý, và không bỏ rơi những tôi tớ trung thành. - Ðáp.
4)
Người hiền được Chúa ban ơn cứu độ, trong cơn khốn khó, Người là chỗ họ dung
thân. Chúa bang trợ và giải thoát họ, Người giải thoát và cứu họ khỏi lũ ác
nhân, vì họ đã nương tựa vào Người. - Ðáp.
Alleluia:
Cl 3, 16a và 17c
Alleluia,
alleluia! - Nguyện cho lời Chúa Kitô cư ngụ dồi dào trong anh em; anh em hãy nhờ
Ðức Kitô mà tạ ơn Thiên Chúa Cha. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 5, 33-39
"Khi
tân lang phải đem đi khỏi họ, bấy giờ họ ăn chay".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, những người biệt phái và luật sĩ nói với Chúa Giêsu rằng: "Tại sao môn
đồ của Gioan năng ăn chay và cầu nguyện, cả môn đồ của những người biệt phái
cũng vậy, còn môn đệ của Thầy lại cứ ăn uống?" Người đáp lại rằng:
"Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân
lang còn ở với họ chăng? Nhưng sẽ đến những ngày mà tân lang phải đem đi khỏi họ,
bấy giờ họ sẽ ăn chay trong những ngày ấy".
Người
còn nói với họ thí dụ này rằng: "Không ai xé miếng vải áo mới mà vá vào áo
cũ; chẳng vậy, áo mới đã bị xé, mà mảnh vải áo mới lại không ăn hợp với áo cũ.
Cũng chẳng ai đổ rượu mới vào bầu da cũ; chẳng vậy, rượu mới sẽ làm vỡ bầu da,
rượu chảy ra và bầu da hư mất. Nhưng rượu mới phải đổ vào bầu da mới, thì giữ
được cả hai. Và không ai đang uống rượu cũ mà lại thèm rượu mới, vì người ta
nói: 'Rượu cũ thì ngon hơn' ".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm: Dứt Khoát Tận Căn
Kỷ
luật hay cách sống của Chúa Giêsu đề ra cho các môn đệ Ngài khiến nhiều người
khó chịu. Ngài và các môn đệ sống theo một lề lối hoàn toàn khác với những tuân
giữ của những người Biệt phái và ngay cả với Gioan Tẩy giả: trong khi Gioan Tẩy
giả và các người Biệt phái tuân giữ một số ngày chay tịnh trong tuần, thì các
môn đệ Chúa Giêsu xem chừng không biết thế nào là chay tịnh.
Trong
Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hai dụ ngôn để biện minh cho thái độ ấy. Trước
hết, Ngài nói đến sự hiện diện của Tân Lang: bao lâu Tân Lang còn đó, thì việc
chay tịnh được miễn chuẩn. Trong Cựu Ước, việc giữ chay gắn liền với việc mong
đợi Ðấng Cứu Thế. Chay tịnh là thể hiện của lòng mong đợi. Gioan Tẩy giả đã lấy
chay tịnh làm qui luật cơ bản cho cuộc sống của ông và của các môn đệ. Như vậy
khi miễn chước cho các môn đệ của Ngài khỏi chay tịnh, Chúa Giêsu muốn cho mọi
người thấy rằng Ngài chính là Ðấng Cứu Thế, họ không còn phải mong đợi gì nữa;
thời cứu thế đã đến, con người không còn phải chay tịnh, trái lại, họ phải vui
mừng hoan hỉ.
Dụ
ngôn thứ hai Chúa Giêsu đưa ra để giải thích tại sao các môn đệ Ngài không phải
giữ chay, đó là hình ảnh chiếc áo mới và rượu mới: Không nên lấy áo cũ mà vá
vào áo mới, không nên đổ rượu mới vào bầu da cũ. Dĩ nhiên, ở đây Chúa Giêsu
không có ý bảo rằng cái mới thì đương nhiên tốt hơn cái cũ; Ngài không có ý so
sánh cho bằng đưa ra một sự bất tương hợp. Bài học thật rõ ràng: không nên có
thái độ nước đôi hoặc thỏa hiệp, mà phải dứt khoát tận căn. Bài học này được
Chúa Giêsu lặp lại nhiều lần khi nêu ra những điều kiện để vào Nước Trời:
"Hãy bán tất cả, bố thí cho người nghèo, rồi đến theo Ta", "Ai cầm
cày mà còn ngó lại sau, thì không xứng với Nước Thiên Chúa", "Ai yêu
cha mẹ hơn Ta thì không xứng đáng làm môn đệ Ta". Tựu trung, vì Ngài, con
người phải chấp nhận hy sinh tất cả, ngay cả mạng sống mình.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta duyệt xét lại niềm tin cơ bản trong cuộc sống
hàng ngày. Thỏa hiệp vốn là cơn cám dỗ triền miên trong cuộc sống đạo của chúng
ta: Muốn làm môn đệ Chúa Kitô, nhưng lại đeo đuổi những gì nghịch với Tin Mừng;
đi theo Chúa Kitô, nhưng lại không muốn sống theo giáo huấn của Ngài; muốn là
thành phần của Giáo Hội, nhưng lại chống báng Giáo Hội. Thỏa hiệp để được cả đạo
lẫn đời như thế cũng chỉ là đánh mất bản thân mà thôi. Lời sách Khải huyền đáng
được chúng ta suy nghĩ: Thà ngươi nguội lạnh hay nóng hẳn đi; nhưng vì ngươi
hâm hâm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta mửa ngươi ra khỏi miệng.
Xin
Chúa nâng đỡ đức tin chúng ta để chúng ta tiến bước theo Chúa, làm môn đệ Chúa
với một đức tin tinh tuyền và làm chứng cho mọi người xung quanh.
(Veritas Asia)
LỜI CHÚA MỖI NGÀY
THỨ SÁU TUẦN XXII
THƯỜNG NIÊN năm II
Bài đọc: 1 Cor
4:1-5; Lk 5:33-39.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ : Vấn
đề xét đoán.
Xét
đoán là điều con người thường xuyên làm trong cuộc đời. Tuy nhiên, không phải
xét đoán nào cũng đúng và có giá trị ngang nhau. Các Bài đọc hôm nay nói về các
lọai phán đoán và vạch ra cái đúng cũng như sai của nó.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Dân thành Corintô xét đoán Phaolô.
Thánh
Phaolô không muốn cho người ta gọi ngài, người rao giảng của Chúa Kitô là nhà
lãnh đạo, nhưng muốn được gọi là: đầy tớ (huperétes) và quản gia (hoikonómos).
Người đầy tớ là người làm theo ý của chủ mình khi được ra lệnh. Người quản gia
chịu trách nhiệm mọi việc trong nhà: điều khiển các người làm việc, mua bán những
vật dụng cần thiết và giữ sổ sách cho chủ. Tuy quyền hành có cao hơn những đầy
tớ khác, nhưng đối với chủ, người quản gia cũng chỉ là đầy tớ. Điều này có thể
áp dụng cho mọi chức vụ trong Giáo Hội, cho dẫu có bao nhiêu quyền hành hay
danh vọng, họ vẫn chỉ là đầy tớ của Chúa Kitô.
Đặc
tính của người quản gia là phải đáng tin cậy vì chủ đặt trọn vẹn niềm tin nơi
ông. Vì vậy, ông sẽ bị xét xử từ 3 nguồn:
1.1/
Xét xử bởi người đời: Thánh
Phaolô khẳng định: “Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng
chẳng coi là gì.” Thông thường những xét xử của người đời không chính xác cho lắm
vì không nắm giữ được toàn bộ các dữ kiện liên quan; nhất là còn bị ảnh hưởng bởi
nhiều những nguyên do khác: chủ quan, ghen tương, lấy điểm… Tuy nhiên, những nhận
định này là buớc đầu giúp đương sự kiểm điểm các hành động của mình. Thánh
Phaolô có lẽ thốt lên những lời trên sau khi đã tự kiểm điểm mình trước tôn
nhan Chúa.
1.2/
Xét xử bởi chính mình: Thánh Phaolô cũng xác quyết: “Quả thật, tôi không thấy lương tâm
áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Mà
tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình.” Những lời này cho thấy sự cẩn thận của
Phaolô: Cho dù mình xét xử chính mình cũng chưa chắc hòan toàn đúng vì có thể bị
chi phối bởi tính tự mãn, kiêu ngạo, hay tự đánh lừa. Tuy nhiên, tự xét mình cần
thiết trong tiến trình trở nên hoàn hảo. Phải biết mình trước khi biết các
tương quan với Thiên Chúa và tha nhân.
1.3/
Xét xử bởi Thiên Chúa: Đây là sự xét xử mà Phaolô quan tâm tới và chỉ xét xử bởi Thiên
Chúa mới hòan toàn đúng vì: (1) Chỉ mình Ngài biết mọi hòan cảnh liên quan tới
việc làm của đương sự; (2) Chỉ mình Ngài nhìn thấu những lý do tại sao đương sự
làm những việc đó; (3) Chỉ Thiên Chúa không bị chi phối bởi bất kỳ giới hạn nào
như con người.
Vì
những lý do này, nên Thánh Phaolô khuyên: “Vậy xin anh em đừng vội xét xử điều
gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn
khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ,
mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng.”
2/
Phúc Âm:
Các Biệt-phái và Kinh-sư xét đoán Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài.
Đối
với các Biệt-phái và Kinh-sư, cầu nguyện và ăn chay là hai tiêu chuẩn dùng để
xét xử con người có đạo đức hay không, và một cách gián tiếp, đánh giá người Thầy
của các môn đệ đó. Bằng một câu hỏi, họ đã xét xử và kết tội Chúa và các môn đệ
của Ngài là những người không đạo đức vì mê ăn uống. Họ nói với Người:
"Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Biệt-phái cũng thế,
còn môn đệ ông thì ăn với uống!"
Đức
Giêsu trả lời: "Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt khách dự tiệc cưới ăn
chay, khi chàng rể còn ở với họ? Sẽ có ngày chàng rể bị đem đi; ngày đó, họ mới
ăn chay." Mục đích của việc ăn chay, theo truyền thống của người Do-thái,
là dâng chính thân xác mình để cầu xin sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời.
Các môn đệ không cần phải ăn chay vì họ đang có Chúa hiện diện giữa họ. Chàng rể
là Chúa Giêsu và khách dự tiệc là những môn đệ của Chúa. Sẽ có ngày Chúa Giêsu
rời bỏ các môn đệ, lúc đó họ sẽ ăn chay.
Thời
đại nào cũng có sự phân biệt và giằng co giữa cái mới và cái cũ. Có những người
luôn chống lại với cái mới và tìm mọi cách để bảo vệ cái cũ như các Biệt-phái
và Kinh-sư hôm nay. Chúa Giêsu không hoàn toàn chống lại những cái cũ của họ vì
có những cái cũ tốt cần được giữ lại, nhưng Chúa muốn cho họ chấp nhận những
cái mới để kiện toàn những cái cũ, hay lọai bỏ đi những cái cũ không hay. Nhưng
để có thể chấp nhận những cái mới, họ cần có một tâm hồn hay trái tim mới. Ngài
dùng hai dụ ngôn này để dẫn chứng điều này:
(1)
"Chẳng ai xé áo mới lấy vải vá áo cũ, vì như vậy, không những họ xé áo mới,
mà miếng vải áo mới cũng không ăn với áo cũ.” Khi vá áo, con người thường
chọn miếng vá từ những vải dư thừa hay áo cũ chứ không ai dại cắt miếng vá từ
áo mới. Không những thế, họ còn phải chọn miếng vá nào cùng mầu và cùng độ giãn
với áo cũ; nếu không, độ giãn của miếng vá mới sẽ làm cho chỗ rách tệ hại hơn.
(2)
"Không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu mới sẽ làm nứt bầu,
sẽ chảy ra và bầu cũng hư. Nhưng rượu mới thì phải đổ vào bầu mới. Cũng không
ai uống rượu cũ mà còn thèm rượu mới. Vì người ta nói: "Rượu cũ ngon
hơn."” Bầu da mới có độ co giãn trong khi bầu da cũ đã khô và mất hết độ
co giãn. Rượu mới có rất nhiều áp suất, đó là lý do tại sao phải đổ vào bầu da
mới. Các Biệt-phái và Kinh-sư cũng giống như những người thích uống rượu cũ, vì
họ luôn bảo vệ những truyền thống và quay lưng lại với những thay đổi mới.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta đừng vội xét đóan tha nhân khi chưa có đủ bằng chứng.
-
Chúng ta đừng quá chú trọng đến những lời phê bình chỉ trích của tha nhân cũng
đừng quá chắc chắn với lối nhìn chủ quan của mình; chỉ có phán xét của Thiên
Chúa mới hoàn toàn đúng.
-
Chúng ta không nên mù quáng bảo vệ tất cả cái cũ, nhưng cũng đừng mang thái độ
“có mới nới cũ.” Chúng ta cần khôn ngoan để mở lòng tiếp nhận cái mới tốt và có
can đảm để vứt đi những cái cũ xấu.
Lm.An-tôn Đinh Minh Tiên, OP.
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 22
Lc 5,33-39
A. Hạt giống...
Chuyện này xảy ra sau khi Chúa Giêsu gọi một
người thu thuế là Lêvi làm môn đệ Ngài và còn ngồi ăn cùng bàn với nhiều người
thu thuế khác trong bữa tiệc do Lêvi khoản đãi để ăn mừng.
Những người pharisêu và luật sĩ thấy thế rất khó
chịu và trách Chúa Giêsu cùng các môn đệ Ngài không lo ăn chay cầu nguyện mà
chỉ lo ăn uống !
Câu trả lời của Chúa Giêsu cho ta thấy ý nghĩa
thực của việc ăn chay và cách sống trong thời Tân Ước :
- Thời Cựu Ước, việc ăn chay đi kèm với sự chờ
đợi ơn giải thoát. Việc ăn chay như muốn nói : thời buổi xấu xa quá, chúng tôi
không thỏa mãn, chúng tôi không thiết sống nữa, nguyện xin Chúa mau đến giải
thoát chúng tôi.
- Việc Chúa Giêsu đến khai mở thời Tân Ước, thời
của Tin Mừng, thời vui sống với Đấng Messia như dự tiệc cưới với chàng rể.
- Khi Chúa Giêsu được đem đi (ám chỉ việc Ngài
chết, sống lại và lên trời), các môn đệ sẽ lại ăn chay đề xin Ngài mau trở lại.
B.... nẩy mầm.
1. Chúng ta đang sống trong thời Tân Ước, thời
của vui mừng hoan lạc. Tại sao ta thường ảo não, buồn rầu và lo lắng. Cuộc sống
không vui tươi của chúng ta làm sao hấp dẫn được người khác ?
2. Biệt phái và luật sĩ ăn chay, nhưng họ lại kết
án các môn đệ Chúa Giêsu không ăn chay. Họ lấy họ làm tiêu chuẩn, mẫu mực và
buộc người khác phải theo họ. Chưa chắc gì tôi đọc kinh cầu nguyện mà đã là tốt
đến nỗi tôi có quyền lên án người khác không đạo đức bằng tôi.
3. “Không ai lấy vải mới vá vào áo cũ… Cũng chẳng
ai đổ rượu mới vào bầu cũ” : ý Chúa Giêsu muốn nói phải sống thời Tân Ước với
tâm tình của thời Tân Ước. Tâm tình thời Cựu Ước là sợ hãi, tâm tình của thời
Tân Ước là yêu thương. Vậy tâm tình thường xuyên của tôi đối với Chúa là gì :
rán làm lành tránh dữ vì sợ Chúa phạt hay vì yêu thương Chúa ?
4. “Những người pharisêu và những kinh sư nói với
Chúa Giêsu rằng : ‘Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người pharisêu
cũng thế, còn môn đệ ông thì ăn với uống !” (Lc 5,33)
Nếu cha giảng lâu quá 10 phút thì họ bảo cha chỉ
thao thao bất tuyệt.
Nếu cha nói về mầu nhiệm Thiên Chúa thì họ bảo
cha nói trên mây trên gió
Nếu cha đề cập đến các vấn đề xã hội, cha sẽ bị
kết án là khuynh tả
Nếu cha đi làm việc ở nhà máy, họ nghĩ ngay là vì
cha không có gì làm
Nếu cha ở lại trong giáo xứ, có người sẽ nói cha
xa rời quần chúng, cắt liên lạc với thế gian.
Nếu cha hay mỉm cười : cha quá dễ dãi !
Nếu vì đãng trí hay bận tâm, cha không nhìn thấy,
người náo đó sẽ nói : cha khinh người !
Nếu cha còn trẻ : cha thiếu kinh nghiệm !
Nếu cha có tuổi : cha nên về hưu thì vừa ! …
Giêsu ơi ! Không thua gì các kinh sư và biệt
phái, con vẫn thường nhìn anh em con bằng con mắt dò xét, khe khắt và hẹp hòi.
Con luôn muốn họ phải như con nghĩ chứ không được như họ là. Nên con cảm thấy
thật khó sống với họ và đôi khi thì không thể bắt tay làm việc với họ được. Xin
cho con nhìn với đôi mắt của Chúa : nhìn và yêu. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
05/09/14 THỨ SÁU ĐẦU
THÁNG TUẦN 22 TN
Lc 5,33-39
Lc 5,33-39
Suy niệm: Thật
điên rồ khi làm hỏng một chiếc áo mới mà không ‘cứu’ được chiếc áo cũ. Mất cả
chì lẫn chài! Xem chừng không làm gì cả lại tốt hơn. Chúa dạy về hành động phù
hợp, đúng đắn. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đang tha thiết mời gọi Hội Thánh
phải sống và làm sứ mạng sao cho phù hợp với hoàn cảnh thế giới và con người
ngày nay. Ngài kêu gọi một cuộc hoán cải mục vụ và canh tân sứ mạng: “Trên đường lữ hành, Hội Thánh được Chúa Kitô
mời gọi canh tân luôn mãi, một sự canh tân mà Hội Thánh, vì là một định chế
nhân trần, bao giờ cũng cần đến” (Niềm Vui Tin Mừng,
26). Ngài nhận định rằng thái độ nhắm mắt lặp lại mọi sự y như cũ là thái độ tự
mãn, và ngài “kêu mời mọi người mạnh dạn và
sáng tạo trong việc suy xét lại các mục tiêu, cơ cấu, phong cách và phương pháp
thi hành sứ mạng tại các cộng đoàn của mình” (số 33). Đức Thánh Cha nhấn mạnh nguyên tắc
của cuộc canh tân là nêu bật cho được điều cốt yếu, tức tâm điểm của Tin Mừng,
qua đó làm “tỏa sáng vẻ đẹp của tình
thương cứu độ của Thiên Chúa được mạc khải nơi Đức Kitô” (số 36).
Mời Bạn xem
xét lại tính phù hợp và đúng đắn của cách sống đạo của mình, của vai trò mình
đảm nhận trong Giáo Hội. Đời sống của tôi có đang là chứng tá Tin Mừng Chúa
Giê-su Ki-tô cho con người và xã hội chung quanh mình không? Tôi cần điều chỉnh
những gì để trở nên phù hợp và đúng đắn?
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, xin giúp con biết sống sao cho đúng với danh
nghĩa do ơn gọi Phép Rửa của mình là men, muối và ánh sáng cho đời. Amen.
Chàng rễ ở với họ.
Niềm
vui là đặc nét của người Kitô hữu qua mọi thách đố. Niềm vui là quà tặng lớn
của chúng ta cho một thế giới muộn phiền.
Suy niệm:
Sau khi Lêvi, người thu
thuế, được Thầy Giêsu mời gọi đi theo,
ông đã tổ chức bữa đại
tiệc khoản đãi Thầy và các môn đệ.
Ông còn mời các bạn đồng
nghiệp đến dùng bữa để từ giã.
Ăn uống vui vẻ, hòa đồng
cả với những người bị xã hội tránh xa,
đó là một nét đặc biệt
của nhóm Thầy Giêsu.
Đừng quên chính Thầy cũng
bị mang tiếng là tay ăn nhậu (Lc 7, 34).
Như thế nhóm của Thầy
không có nét khắc khổ,
như các nhóm môn đệ của
Gioan hay của người Pharisêu.
Các nhóm này thường hay
ăn chay và cầu nguyện.
“Còn môn đệ Thầy thì ăn
với uống !” (c. 33).
Các nhà lãnh đạo Do Thái
giáo hỏi Thầy về lý do có sự khác biệt đó.
Thầy trả lời: vì bầu khí
của nhóm Giêsu là bầu khí vui của tiệc cưới.
Chú rể chính là Thầy, còn
các môn đệ là những khách dự tiệc.
Chẳng ai dự tiệc cưới mà
lại ăn chay.
Chẳng ai buồn khi chàng
rể còn đang ở bên cạnh (c. 34).
Bởi đó thật là dễ hiểu
nếu các môn đệ không ăn chay một tuần hai lần,
nếu họ có nét mặt tươi
tắn và sẵn sàng chung vui với người khác.
Chuyện Thầy Giêsu ăn uống
hồn nhiên với những tội nhân
cho thấy Thiên Chúa không
khinh, nhưng quý họ và mời họ trở về.
Thầy cho thấy mình đang
rao giảng Tin Mừng, loan báo Tin Vui.
Đến với Thầy là gặp được
niềm vui cứu độ.
Thầy Giêsu và các môn đệ
đều mời gọi người ta hoán cải (Mc 1,15; 6,12)
Nhưng hoán cải ở đây
không phải là chuyện buồn, mà là chuyện vui,
bởi lẽ hoán cải là thay
đổi tận căn cái nhìn về Thiên Chúa và người khác.
Chẳng ai vui bằng người
thoát ra khỏi được cảnh nô lệ tội lỗi.
Cả thiên đàng cũng mừng
vui khi một người hoán cải (Lc 15, 7. 10).
Thầy Giêsu đã trao cho
các môn đệ niềm vui của chính mình.
Ba lần Ngài nói đến niềm
vui trọn vẹn (Ga 15,11; 16,24; 17,13).
Kitô giáo bắt nguồn từ
niềm vui phục sinh và sống mãi nhờ niềm vui ấy.
Các tông đồ bị đánh đòn
mà lại vui, bởi họ chịu vì Đức Giêsu (Cv 5,41).
Niềm vui là đặc nét của
người Kitô hữu qua mọi thách đố.
Niềm vui là quà tặng lớn
của chúng ta cho một thế giới muộn phiền.
Chàng rể Giêsu đang ở với
chúng ta cho đến tận thế và mãi mãi,
nên “anh em hãy vui luôn
trong niềm vui của Chúa” (Pl 4, 4).
Chúng ta chỉ có thể là sứ
giả của Tin Mừng nếu ta có niềm vui nội tâm.
Niềm vui này phải tỏa ra
như hương thơm làm mọi người ngây ngất.
Ông Nietzsche một triết
gia vô thần người Đức viết cho các Kitô hữu:
“Nếu niềm tin của các anh
làm các anh hạnh phúc,
thì hãy cho tôi thấy hạnh
phúc ấy trên khuôn mặt của các anh…
Nếu Tin Mừng của Sách
Thánh được viết trên khuôn mặt của các anh rồi,
thì các anh chẳng cần
phải cố nhấn mạnh đến giá trị của Sách ấy nữa.”
Nietzsche không tin một
Kitô hữu buồn, mà bảo mình tin vào sự phục sinh.
Chúng ta có bao giờ để ý
soi khuôn mặt Kitô hữu của mình không?
Cầu nguyện:
Lạy Chúa Giêsu,
có những ngày con cảm
thấy
đời sống thật nặng nề;
có những lúc con muốn
buông trôi,
để mặc cho dòng đời đưa
đẩy;
có những khoảng thời gian
dài,
con như mảnh đất khô khan
cằn cỗi.
Xin
cho con ánh sáng của Chúa
để
con biết lối mà đi.
Xin
cho con tấm bánh của Chúa
để
con có sức mà dấn bước.
Xin
cho con Lời của Chúa
để
con vững một niềm tin.
Xin
cho con sự sống của Chúa
để
con lấy lại niềm hăng say và sự tươi tắn,
niềm
vui và sáng tạo.
Lạy
Chúa Giêsu,
con
thấy mình cần Chúa
trong
mỗi giây phút của cuộc đời.
Ước
gì ai gặp con
cũng
gặp được sự hiện diện của Chúa.
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy
niệm
Nhân cơ hội giải thích cho những người
Pharisêu lý do vì sao các môn đệ Chúa không ăn chay, Chúa Giêsu mạc khải cho họ
biết về bản thân và sứ mạng của Ngài.
Trong Cựu Ước, Thiên Chúa tự ví Người là
chàng rể và Israel là nàng dâu.
Như thế khi đem trường hợp tiệc cưới ra để
giải thích về việc ăn chay, Chúa Giêsu muốn cho họ biết rằng: Ngài là chàng rể
và Israel là nàng dâu. Qua đó mặc nhiên tuyên bố Ngài chính là Thiên
Chúa đã đến giữa lòng nhân loại.
Hơn nữa, mục đích chính của việc ăn chay bấy
giờ là mong đợi Đấng Messia đến. Mà Chúa Giêsu chính là Đấng Messia (chàng rể)
đã đến với loài người (nàng dâu) rồi, thì cớ gì phải ăn chay.
Việc ăn chay phải gắn liền với cuộc đời của
Đức Giêsu. Do đó lúc Ngài vui thì con người phải chia vui với Ngài. Khi Ngài khổ
thì con người cùng chung đau khổ. Lúc Ngài chết thì con người phải cùng chấp nhận
chịu chết với Ngài. Khi Ngài sống lại thì con người cũng cùng sống lại với
Ngài.
Tóm lại, Chúa Giêsu không hề phủ nhận việc
ăn chay, nhưng qua lời giải đáp thắc mắc trên, Chúa Giêsu muốn cho biết: Ngài
chính là chàng rể Chúa Cha sai đến kết hôn với loài người, yêu thương loài người
và cứu độ loài người. Cũng như xác định rõ cho chúng ta biết việc ăn chay là để
dọn lòng tiếp rước Chúa. Một khi đã tiếp nhận Chúa rồi thì không cần ăn chay nữa,
trái lại phải vui mừng phấn khởi trong niềm tin yêu Chúa.
Xin cho chúng ta biết lo ăn
chay hãm mình, để dọn lòng xứng đáng đón nhận Chúa qua bàn tiệc Thánh Thể mỗi
ngày, nhờ đó mà được thông hiệp với Chúa nguồn hạnh phúc đời ta.
Lm Seoka
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên Tháng 9
5 THÁNG CHÍN
Chúng Ta Sẽ Đáp Lại Tiếng Gọi Của Thiên Chúa
Trong sâu thẳm trái tim con người, ơn gọi mặc lấy
hình thức một cuộc đối thoại. Đó là cuộc đối thoại giữa Đức Kitô và cá nhân mỗi
người, trong đó một lời mời gọi riêng tư được nói lên. Đức Kitô gọi đích danh mỗi
người, Ngài nói: “Hãy theo Ta”. Lời mời gọi này – được Đức Kitô nói lên cách
nhiệm mầu bên trong nội tâm con người – sẽ được chúng ta nhận ra rõ ràng nhất
trong bầu khí thinh lặng cầu nguyện. Việc đón nhận tiếng gọi này là một hành vi
của đức tin.
Tiếng gọi vừa là dấu hiệu của tình yêu vừa là lời
kêu gọi yêu thương. Trong trình thuật Tin Mừng về cuộc đối thoại giữa Chúa
Giêsu với người thanh niên giàu có, Mác-cô kể rằng Đức Giêsu trìu mến nhìn anh
ta khi Người thách đố anh ta bán mọi sự và đi theo Người (cf. Mc 10,21). Tiếng
gọi của Chúa luôn đòi hỏi một sự chọn lựa, một quyết định hoàn toàn tự do về
phía chúng ta.
Quyết định thưa “Vâng” trước lời mời gọi của Đức
Kitô sẽ kéo theo với nó rất nhiều hệ quả quan trọng. Chúng ta phải từ bỏ những
mối ưu tiên khác. Chúng ta phải sẵn sàng bỏ những người thân yêu của mình lại
sau lưng. Chúng ta phải bắt đầu tín thác hoàn toàn vào Thiên Chúa bằng cách sống
gần gũi hơn với Đức Kitô.
Lời đáp trả trong tình yêu này đối với tiếng gọi được
diễn tả rất rõ ràng bởi tác giả Thánh Vịnh :
“Con thưa cùng Chúa: ‘Ngài là Chúa con thờ,
ngoài Chúa ra đâu là hạnh phúc? …
Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,
là chén phúc lộc dành cho con;
số mạng con, chính Ngài nắm giữ …
Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống:
trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề,
ở bên Ngài hoan lạc chẳng hề vơi!” Tv 16,2.5.11)
Ân huệ này yêu cầu sự đáp trả của chúng ta. Chúng
ta phải nỗ lực nhận hiểu mầu nhiệm vốn vượt quá mọi sự hiểu biết song đã được
Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta. Thiên Chúa kêu gọi chúng ta. Chúng ta có sẵn
sàng đáp trả tiếng gọi của Ngài?
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
05-9
1Cr
4, 1-5; Lc 5, 33-39.
LỜI
SUY NIỆM: Họ nói với Người:
“Môn đệ ông Gioan năng ăn chay cầu nguyện, môn đệ người Pharisêu cũng thế, còn
môn đệ ông thì ăn với uống!” Đức Giêsu trả lời: “Chẳng lẽ các ông lại có thể bắt
khách dự tiệc cưới ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ.” Sẽ có ngày chàng rể bị
đem đi; ngày đó, họ sẽ ăn chay”. (Lc 5, 33-35).
Thật hạnh phúc cho mỗi người Kitô hữu, khi được Chúa Giêsu cho biết đời sống của
một người Kitô hữu là đang sống với Tin Mừng, vui tươi như thực khách dự một tiệc
cưới; Trong cuộc đời có rất nhiều thứ tiệc, nhưng chỉ có tiệc cưới là một tiệc
vui hoàn hảo, trọn vẹn nhất cho các thực khách. Đồng thời Ngài cũng cho biết, sẽ
có ngày Ngài bị đem đi, chứ không phải bất ngờ đối với Ngài. Trong ngày
đó những con người đang hiệp thông với Ngài mới cần phải ăn chay sám hối tội lỗi
của mình để đón nhận ơn cứu độ.
Mạnh
Phương
05
Tháng Chín
Bỏ Mọi Sự Ðể Theo
Chúa
"Bỏ
tất cả mọi sự để theo Chúa", lời kêu gọi này của Chúa Giêsu có thể thực hiện
được trong xã hội dư dật ngày nay không? Như một dụ ngôn trong Phúc Âm, chúng
ta hãy lắng nghe câu chuyện sau đây của tiến sĩ Marcello Candia, người đã dâng
cúng tất cả tài sản để xây dựng một bệnh viện giữa khu rừng già Amazone bên Ba
Tây và sinh sống tại đó như một người dân nghèo.
"Khi
còn ở bậc trung học, tôi là thành phần của một nhóm trẻ sinh hoạt dưới sự hướng
dẫn của một cha dòng Phanxico. Chúng tôi thường đi thăm các gia đình nghèo tại
ngoại ô Milano... Sự chú ý đến người nghèo đã làm nảy sinh ước muốn truyền giáo
nơi tôi.
Một
hôm thầy Cêciliô, người coi cổng nhà dòng đã nhờ tôi phát thức ăn cho người
nghèo... Trên tường nơi phòng ăn dành cho người nghèo có treo một tấm hình của
cha Daniele Samarate, một vị thừa sai của dòng đã chết vì bệnh cùi sau một thời
gian phục vụ người thổ dân tại một miền ở Ba Tây... Mỗi lần phát thức ăn cho
người nghèo, tôi đều nhận ra hình ảnh đầy đau khổ của ngài. Dần dà, hình ảnh đó
quen thuộc đến nỗi trong bất cứ người nghèo nào, tôi cũng nhận ra hình ảnh ấy...
Từ đó, ước muốn phục vụ những người cùi đã nảy sinh trong tôi".
Sau
khi tốt nghiệp đại học, Macello đã được cha gửi đi công cán tại nhiều nước
nghèo trên thế giới. Trong dịp ghé thăm một vùng nghèo tại Amazone bên Ba Tây,
Macello đã trở về với quyết định bán hết tất cả tài sản và rút về đây để phục vụ
người nghèo. Với tài sản do gia đình để lại, Macello đã xây cất một bệnh viện với
120 giường và được trang bị với đầy đủ dụng cụ của một trung tâm y tế đa khoa.
Macello
đã giải thích về việc làm của mình như sau: "Người ta nói với tôi rằng tốt
hơn hãy giúp những người nghèo ở xứ sở của mình trước đã. Tôi xin trả lời rằng
điều quan trọng là mỗi người chúng ta biết làm một chút gì cho những người đang
đau khổ, bất cứ họ đang ở đâu... Niềm vui lớn nhất của tôi là thấy nhiều người,
thụ động và cam chịu số phận, đã biết cởi mở".
Sự
trưởng thành của Giáo Hội được thể hiện qua ý thức mỗi lúc một sâu sắc của người
giáo dân về vai trò của mình. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng Giáo Hội
là chuyện của các giám mục, linh mục. Ðã qua rồi cái thời mà người ta cho rằng
nên thánh là chuyện của vị giáo hoàng, các giám mục, linh mục và tu sĩ... Không
ai chiếm giữ độc quyền để nên thánh một mình. Nên thánh là ơn gọi chung cho tất
cả mọi người đã chịu Phép Rửa... Do đó, tất cả những lời khuyên trong Phúc Âm đều
có giá trị cho tất cả mọi người theo Chúa Kitô. "Hãy về bán hết mọi sự,
phân phát cho người nghèo khó và trở lại với Ta". Mệnh lệnh này không chỉ
ngỏ với một số thành phần ưu tuyển trong dân Chúa, nhưng là lệnh truyền cho tất
cả mọi người.
Chúng
ta không được sống trong một xã hộ dư dật. Nghèo đói là một sự dữ mà Thiên Chúa
không bao giờ muốn cho con người rơi vào. Tuy nhiên, bên cạnh sự nghèo đói cơm
bánh, còn có một sự nghèo đói còn đáng khiếp sợ hơn, đó là: nghèo đói tình
thương... Có biết bao người đang chờ một ít cơm thừa cá cặn từ bàn ăn của chúng
ta? Có biết bao nhiêu người đang mong mỏi một nghĩa cử yêu thương của chúng ta?
Thế
giới cần được biến đổi không chỉ bằng của cải vật chất, nhưng bằng chính tình
thương mà con người biết san sẻ với nhau. Sự san sẻ đó là: dù sống trong xã hội
nào, dù trải qua hoàn cảnh nào, mọi người Kitô chúng ta đều có thể và phải làm
được. Và đó cũng là bí quyết duy nhất để giúp chúng ta nên thánh.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét