20/09/2014
Thứ Bảy sau Chúa Nhật
24 Quanh Năm
Thánh Anrê Kim Têgon, Phaolô Chung Hasan và các bạn, tử đạo tại Hàn quốc.
Lễ nhớ.
*
Nhờ việc tông đồ của một số giáo dân, đức tin Kitô giáo đã đi vào Hàn Quốc đầu
thế kỷ XVII. Dù thiếu các mục tử, giáo đoàn vẫn sống đức tin hăng say và mạnh
mẽ. Cộng đoàn được hướng dẫn và xây dựng hầu như chỉ nhờ những người giáo dân,
cho tới cuối năm 1836, khi những nhà truyền giáo đầu tiên người Pháp bí mật đến
xứ này.
Giáo đoàn này, với những cuộc bách hại vào những năm 1839,
1846, 1866, 1867, đã sản sinh ra 103 thánh tử đạo, trong đó nổi bật là linh mục
đầu tiên người Hàn Quốc, cha Anrê Kim Têgon. Cha là một mục tử hăng hái nhiệt
thành. Kế đó là người tông đồ giáo dân, anh Phaolô Chung Hasan.
Còn những vị khác, đa số là giáo dân nam, nữ, độc thân, có
gia đình, người già, thanh niên, thiếu nhi. Tất cả đều đã lấy máu mình để làm
chứng cho Chúa Kitô, làm nên mùa xuân tươi đẹp của Giáo Hội Hàn Quốc.
Ngày
20 tháng 9
Lễ
Thánh Anrê Kim Taegon và Các Bạn, Tử Ðạo
Lễ
Nhớ
Bài
Ðọc (Cựu Ước): Kn 3, 1-9
"Chúa
chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu".
Trích
sách Khôn Ngoan.
Linh
hồn những người công chính ở trong tay Chúa, và đau khổ sự chết không làm gì được
các ngài. Ðối với con mắt người không hiểu biết, thì hình như các ngài đã chết
và việc các ngài từ biệt chúng ta, là như đi vào cõi tiêu diệt. Nhưng thật ra
các ngài sống trong bình an. Và trước mặt người đời, dầu các ngài có chịu khổ
hình, lòng cậy trông của các ngài cũng không chết. Sau một giây lát chịu khổ nhục,
các ngài sẽ được vinh dự lớn lao; vì Chúa đã thử thách các ngài như thử vàng
trong lửa, và chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
Khi
đến giờ Chúa ghé mắt nhìn các ngài, các người công chính sẽ sáng chói và chiếu
toả ra như ánh lửa chiếu qua bụi lau. Các ngài sẽ xét xử các dân tộc, sẽ thống
trị các quốc gia, và Thiên Chúa sẽ ngự trị trong các ngài muôn đời. Các ngài đã
tin tưởng ở Chúa, thì sẽ hiểu biết chân lý, và trung thành với Chúa trong tình
yêu, vì ơn Chúa và bình an sẽ dành cho những người Chúa chọn.
Ðó
là lời Chúa.
Bài
Ðọc (Tân Ước): Rm 8, 31b-39
"Dầu
sự chết, dầu sự sống cũng không thể tách biệt chúng ta khỏi lòng yêu mến của
Thiên Chúa".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Rôma.
Anh
em thân mến, nếu Thiên Chúa ủng hộ chúng ta, thì ai có thể chống lại chúng ta?
Người không dung tha chính Con mình, nhưng lại phó thác Con vì tất cả chúng ta,
há Người lại chằng ban cho chúng ta mọi sự cùng với Con của Người sao? Ai sẽ tố
cáo những kẻ Chúa chọn? (Chả lẽ là) chính Chúa, Ðấng làm cho nên công chính? Ai
sẽ kết án? (Chả lẽ là) Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã chết và hơn nữa đã sống lại,
đang ngự bên hữu Thiên Chúa, cũng đang biện hộ cho chúng ta?
Ai
sẽ tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu mến của Ðức Kitô được? Hay là gian
truân, buồn sầu, đói khát, trần truồng, nguy hiểm, bắt bớ, gươm giáo sao? Như
có lời chép rằng: "Vì Chúa mà thâu ngày chúng tôi bị tử hình. Chúng tôi bị
coi như con chiên đem đi giết".
Nhưng
chúng ta vượt thắng được trong tất cả những sự ấy vì Ðấng đã yêu thương chúng
ta. Tôi chắc chắn rằng: dù sự chết hay sự sống, dù thiên thần hay các bậc quyền
quý, tài sức, dù những sự hiện tại hay tương lai, hoặc sức mạnh, dù cao hay
sâu, dù tạo vật nào khác, cũng không có thể tách biệt chúng ta ra khỏi lòng yêu
mến của Thiên Chúa trong Ðức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 125, 1-2ab. 2cd-3. 4-5. 6
Ðáp: Ai gieo trong
lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan (c. 5).
Xướng:
1) Khi Chúa đem những người Sion bị bắt trở về, chúng tôi dường như người đang
mơ, bấy giờ miệng chúng tôi vui cười, lưỡi chúng tôi thốt lên những tiếng hân
hoan. - Ðáp.
2)
Bấy giờ dân thiên hạ nói với nhau rằng: Chúa đã đối xử với họ cách đại lượng.
Chúa đã đối xử đại lượng với chúng tôi, nên chúng tôi mừng rỡ hân hoan. - Ðáp.
3)
Lạy Chúa, xin hãy đổi số phận của con như những dòng suối ở miền nam. Ai gieo
trong lệ sầu, sẽ gặt trong hân hoan. - Ðáp.
4)
Thiên hạ vừa đi vừa khóc, tay mang thóc đi gieo; họ trở về hân hoan, vai mang
những bó lúa. - Ðáp.
Alleluia:
1 Pr 4, 14
Alleluia,
alleluia! - Nếu anh em bị xỉ nhục vì danh Chúa Kitô, thì phúc cho anh em, vì
Thánh Thần Chúa sẽ ngự trên anh em. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 9, 23-26
"Ai
mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng mọi người rằng: "Ai muốn theo Ta, hãy bỏ mình, vác
thập giá mình hằng ngày và theo Ta. Vì chưng, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ
mất nó; còn ai mất mạng sống mình vì Ta, sẽ được sống. Vậy nếu con người được lời
lãi cả thế gian mà phải thua thiệt và mất mạng sống mình, thì được ích gì?
Bởi
lẽ kẻ nào hổ thẹn vì Ta và vì lời Ta, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn khi họ đến
trước tôn nhan Ngài, tôn nhan Chúa Cha và các Thiên Thần".
Ðó là lời Chúa.
Thứ
Bảy sau Chúa Nhật 24 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) 1 Cr 15, 35-37. 42-49
"Gieo
xuống trong mục nát, sống lại trong bất hủ".
Trích
thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô.
Anh
em thân mến, có người sẽ nói: những người chết sống lại thế nào? Họ lấy thân
xác nào mà đến? Hỡi kẻ khờ dại! Vật ngươi gieo xuống, nếu nó không chết trước
đã, thì sẽ không sống được; và vật gì ngươi gieo xuống, không phải là hình sẽ
có, nhưng chỉ là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa mì hay bất cứ hạt gì
khác. Việc kẻ chết sống lại cũng thế: gieo xuống trong mục nát, sống lại trong
bất hủ. Gieo xuống trong hèn mạt, sống lại trong vinh quang. Gieo xuống trong yếu
đuối, sống lại trong khoẻ mạnh. Gieo xuống là xác phàm, sống lại là xác thiêng.
Và
nếu có xác phàm thì cũng có xác thiêng, như lời chép rằng: "Ađam cũ là người
có sự sống, còn Ađam mới thì có thần trí ban sự sống. Nhưng điều có trước,
không phải thuộc tinh thần, song là điều thuộc thể xác, rồi mới đến cái thuộc
tinh thần. Người thứ nhất bởi đất mà ra, thì thuộc địa giới; còn người thứ hai
bởi trời mà đến, thì thuộc thiên giới. Người thuộc địa giới đó thế nào, thì những
người khác thuộc địa giới cũng vậy; và người thuộc thiên giới đó thế nào, thì
những người khác thuộc thiên giới cũng vậy". Bởi thế, như chúng ta đã mang
hình ảnh của người thuộc địa giới, thì chúng ta cũng sẽ mang hình ảnh người
thiên quốc như vậy.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 55, 10c-11. 12-13
Ðáp: Tôi sẽ bước
đi trước nhan Thiên Chúa, trong ánh sáng của cõi nhân sinh (c. 13c).
Xướng:
1) Tôi biết chắc điều này là Thiên Chúa phù trợ tôi. Nhờ ơn Thiên Chúa là Ðấng
mà tôi ca tụng lời hứa, tôi tin cậy vào Thiên Chúa, tôi không kinh hãi; con người
phàm kia làm chi hại được tôi. - Ðáp.
2)
Ôi Thiên Chúa, con mắc nợ những điều con khấn cùng Ngài, con sẽ tiến dâng Ngài
lễ vật bằng lời ca tụng. Vì Ngài đã cứu mạng con thoát khỏi tử thần, và cứu
chân con khỏi quỵ ngã, để con được tiến thân trước nhan Thiên Chúa, trong ánh
thiều quang của cõi nhân sinh. - Ðáp.
Alleluia:
Tv 118, 34
Alleluia,
alleluia! - Lạy Chúa, xin giáo huấn con, để con tuân cứ luật pháp của Chúa, và
để con hết lòng vâng theo luật đó. - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 8, 4-15
"Hạt
rơi trong đất tốt, là những người giữ lấy lời và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được
hoa trái".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, có đông dân chúng tụ họp lại, và người ta từ các thị trấn đến cùng Chúa
Giêsu. Người dùng dụ ngôn mà nói rằng: "Người gieo hạt giống ra đi gieo hạt
giống mình. Và đang khi gieo, có hạt rơi xuống bên vệ đường, bị người ta chà đạp
và chim trời đến ăn đi. Hạt khác rơi trên đá sỏi, vừa mọc lên liền héo đi, vì
không có đất ẩm. Hạt khác rơi vào bụi gai, và gai góc cùng mọc lên, bóp nghẹt
nó. Hạt khác rơi vào đất tốt, đã mọc lên và kết quả gấp trăm".
Khi
nói những lời đó, Người kêu lên rằng: "Ai có tai để nghe thì hãy
nghe!". Bấy giờ các môn đệ hỏi Người dụ ngôn đó ý nghĩa thế nào. Người nói
rằng: "Phần các con, thì cho các con biết những mầu nhiệm Nước Thiên Chúa;
đối với người khác, thì dùng dụ ngôn, để chúng xem mà không thấy, nghe mà không
hiểu. Dụ ngôn đó có nghĩa thế này: Hạt giống là lời Thiên Chúa. Những hạt rơi
bên vệ đường, tức là những người đã nghe, nhưng rồi quỷ tới và cướp lời khỏi
lòng họ, kẻo họ tin mà được cứu độ. Những hạt rơi trên đá sỏi là những người,
khi nghe thì vui vẻ đón nhận lời Chúa, nhưng họ không đâm rễ, họ chỉ tin tưởng
nhất thời, và khi đến giờ thử thách, thì tháo lui. Hạt rơi vào bụi gai, là những
người đã nghe, nhưng khi đi đường, những mối lo nghĩ, sự giàu có và thú vui của
đời sống bóp nghẹt và họ không sinh hoa kết quả. Còn như hạt rơi trong đất tốt,
là những người nghe lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy và nhờ
kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Dụ
Ngôn Người Gieo Giống
Dụ
ngôn, theo tiếng Hy Lạp có nghĩa là so sánh, là thí dụ. Trong Tin Mừng, là những
câu truyện Chúa Giêsu đưa ra dựa trên những hình ảnh quen thuộc trong đời sống
hằng ngày của người nghe, để giúp họ hiểu ý nghĩa những sự thật có liên quan đến
niềm tin mà Ngài muốn trình bày.
Tin
Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta dụ ngôn về người gieo giống.
Trước
hết, cần lưu ý đến sự khác biệt giữa dụ ngôn và những lời giải thích dụ ngôn.
Khi kể dụ ngôn, Chúa Giêsu xem ra nhấn mạnh đến sự hiệu nghiệm của hạt giống
hay đúng hơn sự thành công của người gieo giống: có hạt rơi bên vệ đường, có hạt
rơi trên đá, có hạt rơi vào bụi gai, nhưng cũng có hạt rơi trên đất tốt và sinh
hoa kết quả gấp trăm. Còn khi giải thích dụ ngôn cho các môn đệ, Chúa Giêsu như
muốn nhấn mạnh đến thái độ cộng tác của con người để làm cho Lời Chúa được sinh
hoa kết quả. Thật ra, hai khía cạnh này không đối nghịch nhau, nhưng được tổng
hợp để diễn tả thực tại phong phú của mầu nhiệm Nước Thiên Chúa. Nước Thiên
Chúa chắc chắn được phát triển, nhưng phần cộng tác của con người trong việc
phát triển Nước Chúa cũng không thể bỏ qua được.
Hạt
giống Lời Chúa là yếu tố chính của dụ ngôn. Hạt giống này tự nó có sức trổ sinh
hoa trái, nhưng khi được gieo vãi thì gặp những hoàn cảnh đối nghịch tùy vào
thái độ chấp nhận cộng tác của con người lãnh nhận Lời Chúa. Người gieo giống ở
đây là chính Thiên Chúa, Ngài gieo vãi khắp nơi, trao ban nhưng không ơn cứu rỗi
cho mọi người. Thiên Chúa có sáng kiến trước, nhưng con người cũng cần cộng tác
vào: hai yếu tố này không thể bỏ qua được.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta canh tân đời sống, cộng tác với ơn Chúa
ban để trở thành những mảnh đất tốt đón nhận và làm phát triển hạt giống Lời
Chúa. Xin Chúa củng cố chúng ta trong niềm xác tín đó.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Bảy Tuần 24 TN2
Bài đọc: I Cor 15:35-37,
42-49; Lk 8:4-15.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Hạt giống.
Nhìn
một hạt giống nhiều người chúng ta không thể đóan nổi nó là hạt giống gì; khi
nó bắt đầu có lá chúng ta có thể đóan dễ hơn; khi nó bắt đầu nở hoa và sinh
trái thì đã quá rõ ràng. Tương tự, nhìn một thai nhi trong lòng mẹ, chúng ta
không thể đóan đứa trẻ sẽ giống ai; khi nó được sinh ra chúng ta có thể đóan nó
giống ai trong gia đình; nhưng vẫn không đóan nổi cuộc đời đứa bé sẽ ra sao cho
đến khi chúng thành nhân. Các Bài đọc hôm nay đều nói về hạt giống: Trong Bài đọc
I, thánh Phaolô ví việc con người chết như hạt giống gieo xuống đất; làm sao biết
được con người sẽ giống ai khi sống lại trong vinh quang Nước Chúa? Trong Phúc
Âm, Chúa ví Lời Chúa như hạt giống nhà nông gieo vãi; chúng có thể bị cướp mất,
có thể lớn lên tí chút rồi khô héo, có thể lớn lên mà chẳng sinh hoa kết quả,
và có thể sinh quả gấp trăm.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Hình dạng thân thể con người sẽ như thế nào sau khi sống lại?
Mặc
dù Phaolô và các Tông Đồ đã được chứng kiến Chúa Kitô Phục Sinh, họ có thể mô tả
tổng quát Chúa Phục Sinh như thế nào; nhưng thể mô tả chi tiết vì họ chưa được
mang lấy thi thể đó. Trong Bài đọc này, thánh Phaolô dùng niềm tin, ý tưởng, và
ngôn ngữ của con người để cố gắng mô tả điều rất khó mô tả. Câu trả lời của
ngài bao gồm 3 điều chính yếu sau:
(1)
Như một hạt giống gieo xuống lòng đất, nó phải chết đi trước khi mọc lên, hình thể khi mọc
lên khác xa với hình thể khi gieo xuống, tuy hình thể khác xa như vậy, nhưng bản
thể vẫn giống nhau để có thể được phân biệt với các giống khác; thân xác con
người cũng vậy, phải chết đi trước khi sống lại, thân thể khi sống lại rất khác
với thân thể khi chết, nhưng bản thể vẫn giống nhau để có thể nhận ra đó là
cùng một người.
(2)
Thân thể khi sống lại khác với thân thể khi chết ở 4 điểm sau: (1) Thân thể trước
khi chết sẽ bị hủy họai còn thân thể khi sống lại sẽ không bao giờ bị hủy họai.
(2) Thân thể trước khi chết thì hèn hạ còn thân thể khi sống lại thì vinh
quang. Có lẽ điều thánh Phaolô muốn nói ở đây là các giác quan và dục vọng của
con người khi còn sống, chúng làm cho con người trở thành nô lệ cho tội lỗi.
(3) Thân thể trước khi chết thì yếu đuối còn thân thể khi sống lại thì mạnh mẽ.
Có lẽ ở đây thánh Phaolô nói về sức mạnh thể lý. Bao lâu còn ở trong thân xác đời
này là còn bị chi phối bởi các thứ bệnh tật và môi trường sống. Thân thể khi sống
lại sẽ không còn bệnh tật và bị ảnh hưởng bởi môi trường. (4) Thân thể trước
khi chết là thân thể có sinh khí còn thân thể sống lại là thân thể có thần khí.
Có lẽ ở đây thánh Phaolô muốn chú trọng đến tính vững bền của thần khí: thân
xác con người trước khi chết muốn sống theo thần khí nhưng có khi được khi
không vì vẫn còn bị chi phối bởi dục vọng; một khi dục vọng hết, con người sẽ
hòan tòan sống theo thần khí.
(3)
Con người là một tổng thể của cả sinh khí và thần khí: Thánh Phaolô tổng hợp
2 biến cố: Thiên Chúa tạo dựng Adam, con người đầu tiên, và biến cố Nhập Thể của
Chúa Giêsu; để suy luận về thân thể con người khi sống lại như sau: “Con người
đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần
khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là
loài có sinh khí; loài có thần khí chỉ xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất
mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về
đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng
từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra,
thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến.”
2/
Phúc Âm:
Lời Chúa được ví như hạt giống gieo xuống đất.
Chúa
Giêsu dùng dụ ngôn để nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời Chúa,
Ngài nói: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi người ấy
gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta giẫm lên và chim trời ăn mất. Hạt
khác rơi trên đá, và khi mọc lên, lại héo đi vì thiếu ẩm ướt. Có hạt rơi vào giữa
bụi gai, gai cùng mọc lên, làm nó chết nghẹt. Có hạt lại rơi nhằm đất tốt, và
khi mọc lên, nó sinh hoa kết quả gấp trăm.”
Các
môn đệ hỏi Người dụ ngôn ấy có ý nghĩa gì. Người đáp: "Anh em thì được ơn
hiểu biết các mầu nhiệm Nước Thiên Chúa; còn với kẻ khác thì phải dùng dụ ngôn
để chúng nhìn mà có lẽ không nhìn thấy, nghe mà có lẽ không hiểu.” Câu trả lời
này hơi khó hiểu. Phải chăng mầu nhiệm Nước Thiên Chúa chỉ được hiểu bởi một số
người được chọn? Chắc chắn một Thiên Chúa công bằng sẽ không làm điều đó; và mục
đích của dụ ngôn này là nói lên trách nhiệm mỗi người phải có khi nghe Lời
Chúa. Không phải mọi người có mắt là nhìn thấy, vì có những việc xảy ra ngay
trước mắt mà có người vẫn không nhìn thấy; lý do vì họ không muốn nhìn thấy hoặc
họ không cố gắng chú ý để nhìn. Không phải ai có tai để nghe cũng hiểu, vì có
bao nhiêu giáo dân hiểu được bài giảng các cha giảng mỗi tuần? Họ không hiểu là
vì họ không chịu chú ý nghe hay không chịu dùng đầu óc để suy nghĩ những gì các
cha cắt nghĩa.
Và
Chúa cắt nghĩa dụ ngôn như sau: Hạt giống là lời Thiên Chúa.
(1)
Hạt rơi bên vệ đường là
những kẻ đã nghe, nhưng quỷ đến cất Lời Chúa ra khỏi lòng họ, kẻo họ tin mà được
cứu độ. Đây là lọai người mà chúng ta mới nói tới: họ nghe mà không hiểu.
(2)
Hạt rơi trên đá là
những kẻ khi nghe thì vui vẻ tiếp nhận Lời Chúa, nhưng họ không có rễ. Họ tin
nhất thời, và khi gặp thử thách, họ bỏ cuộc. Họ quên rằng Lời Chúa phải được
mang ra thực hành để đức tin của họ luôn được vững mạnh, có thể đương đầu với mọi
hòan cảnh.
(3)
Hạt rơi vào bụi gai là
những kẻ nghe, nhưng bị những nỗi lo lắng và vinh hoa phú quý cùng những khoái
lạc cuộc đời làm cho chết ngộp và không đạt tới mức trưởng thành. Họ muốn làm
điều mà Chúa đã cảnh cáo: “Các con không thể làm tôi hai chủ.”
(4)
Hạt rơi vào đất tốt là
những kẻ nghe Lời Chúa với một tâm lòng tốt lành và quảng đại, giữ Lời Chúa
trong lòng, và kiên nhẫn sinh hoa kết quả.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Chúng ta tuy không biết hòan tòan những gì sẽ xảy ra cho con người sau khi chết;
nhưng một điều chúng ta biết chắc chắn là con người sẽ sống lại. Một khi đã sống
lại, chúng ta sẽ không bao giờ phải chết nữa, thân xác con người sẽ trở nên mạnh
khỏe, luôn hướng thiện, luôn sống trong thần khí và sẽ không còn bị ảnh hưởng bởi
bệnh tật hay các dục vọng thấp hèn.
-
Để Lời Chúa có thể sinh lợi ích cho cuộc đời mỗi người, chúng ta phải chuẩn bị
tâm hồn cho sốt sắng mỗi khi nghe Lời Chúa, nghiền gẫm Lời Chúa hằng ngày, mang
ra áp dụng trong cuộc sống để đức tin ngày càng trở nên vững mạnh hơn. Đức tin
vững mạnh sẽ giúp chúng ta can đảm vượt qua mọi trở ngại trong cuộc sống và sẵn
sàng làm chứng cho Chúa: bằng lời giảng cũng như bằng chính cuộc sống.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 24
Lc 8,4-15
A. Hạt giống...
Dụ ngôn người gieo giống :
- Hãy để ý đến sự rộng rãi đến nỗi như hoang phí
của người gieo giống : gieo cả trên vệ đường và nhiều nơi mà hy vọng nẩy mầm
rất ít.
- Cũng hãy để ý đến những loại đất xấu : a/ Đất
vệ đường là người quá hời hợt, vừa nghe là quên ngay ; b/ Đất sỏi đá là người
không kiên trì trong gian nan thử thách ; c/ đất đầy gai là người chất chứa
trong lòng nhiều lo toan việc đời.
- Đất tốt là “những người nghe lời với tấm lòng
tốt lành và thiện hảo, họ giữ lấy lời, và nhờ kiên nhẫn, họ sinh được hoa trái”
B.... nẩy mầm.
1. Tôi phải học tính quảng đại và lạc quan của
người gieo giống trong dụ ngôn này : không nên tiếc công gieo Lời Chúa, cũng
không nản lòng khi thấy Lời Chúa không sinh kết quả nơi một số người. Cứ lạc
quan hăng hái chu toàn nhiệm vụ của mình, như Thánh Phaolô : “Tôi trồng, Apollo
tưới, Thiên Chúa cho mọc lên”.
2. Hãy suy gẫm kỹ những điều kiện làm cho hạt
giống nẩy mầm :
- “Nghe Lời với tấm lòng tốt lành và thiện hảo” :
lắng nghe với thiện chí muốn tìm ánh sáng hướng dẫn đời mình.
- “Giữ lấy Lời một cách kiên nhẫn” : không bỏ
cuộc dù thời gian kéo dài, dù gian truân thử thách ; không để mình bị phân tâm
vì những lo toan và đam mê việc đời.
3. Mỗi ngày Chúa dọn cho tôi hai bàn tiệc : bàn
tiệc Thánh Thể và bàn tiệc Lời Chúa. Bàn tiệc Lời Chúa được dọn sẵn không phải
chỉ trong Thánh lễ, mà còn lúc nguyện gẫm, lúc đọc Thánh Kinh…
4. Một ông vua nọ có thói quen mỗi ngày nghe một
đoạn trong kinh Bagayad Gita. Người phụ trách việc đọc kinh này là một nhà sư
đạo đức, thông thái. Cứ mỗi lần đọc xong một đoạn kinh, ông lại dùng đến kiến
thức uyên bác của mình để giải thích cho vua nghe. Và ngày nào ông cũng đặt câu
hỏi ”Bệ hạ có hiểu những gì thần vừa dẫn giải không ?”. Nhưng lần nào nhà vua
cũng chỉ trả lời ”Khanh nên hỏi điều đó với khanh trước đã”... Ngày nọ, giữa
lúc đọc kinh, ông bỗng được giác ngộ và nhận ra tất cả mọi sự đều là hão huyền.
Thế là nhà sư quyết từ bỏ mọi sự và lên đường bắt đầu cuộc sống của một người
hành khất. Trước khi ra đi, ông nói với nhà vua ”Tâu bệ hạ, thế là cuối cùng hạ
thần đã hiểu được”... Giác ngô đích thực, hiểu biết chân lý chính là thực thi
chân lý”. (Góp nhặt)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
Suy niệm: Họa
sĩ Van Gogh nói rằng: “Cuộc đời là thời gian gieo trồng, chứ chưa phải là mùa gặt hái”.
Vì thế, chúng ta không lạ gì khi thấy Thiên Chúa, được ví như người gieo giống,
đã gieo cách kiên trì, rộng rãi đến độ hoang phí các hạt giống Lời Chúa. Hôm
nay chúng ta nói đến thân phận của hạt giống rơi vào bụi gai, tiêu biểu cho
thái độ đón nhận Lời Chúa thường gặp nơi chúng ta. Bụi gai tượng trưng cho nỗi
bận tâm về chuyện đời, về ham mê của cải, công ăn việc làm khiến cho cây Lời
Chúa chết nghẹt.
Mời Bạn: Bạn
thường nói rằng tôi quá bận rộn đến nỗi không có giờ cầu nguyện, tôi phải lo
công ăn việc làm, không rảnh rỗi để đọc Lời Chúa, để lo các việc đạo đức… Coi
chừng! Tâm hồn bạn đang có nhiều bụi gai đấy! Bạn hãy nhớ rằng: không phải điều
gì rõ ràng là xấu mới nguy hiểm, mà ngay những điều tốt, hợp lý như công ăn
việc làm, chuyện đời sống… cũng có thể nguy hiểm, bởi vì “điều tốt thứ nhì luôn là kẻ thù
tệ hại nhất của điều tốt nhất”. Tại sao? Tại vì nó làm bạn
xao lãng điều tốt nhất.
Sống Lời Chúa: Ghi
một câu Lời Chúa mà bạn thích nhất vào sổ hay vào một tấm ảnh, để đọc mỗi sáng
và để cho Lời ấy tác động bạn suốt ngày sống.
Cầu nguyện: Lạy Chúa Giê-su, dù Chúa biết rằng tâm hồn chúng con luôn thay
đổi: có lúc như vệ đường, như sỏi đá, như bụi gai, hoặc có khi như đất tốt,
nhưng Chúa vẫn luôn kiên trì gieo Lời hằng sống của Chúa vào tâm hồn chúng con.
Xin cho chúng con cũng biết kiên trì cải tạo thửa đất tâm hồn. Amen.
Với tấm lòng cao thượng
Ước gì Lời Chúa giúp ta làm cho đất của tim mình
xốp hơn và mềm lại, bớt đá sỏi, thêm đất màu, bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.
Suy niệm:
Đức Kitô hào phóng gieo vãi
lời của Thiên Chúa khắp nơi.
Ngài như người gieo hạt
giống, tung gieo trong gió,
có vẻ như chẳng để ý đến
chuyện có hạt rơi vào đất cằn khô,
và một số hạt không bao giờ
sinh huê lợi.
Các Kitô hữu sơ khai đã đọc
dụ ngôn này và thấy nơi đó một lời nhắn nhủ.
Họ thấy mình chính là người
đã nhận được hạt giống lời Chúa.
Nhưng không phải hạt giống
nào cũng thành cây lúa trĩu hạt.
Có những hạt giống bị thui
chột bởi những lý do bên ngoài và bên trong.
Làm sao để mọi hạt giống
được gieo trong tim ta, đều sinh hoa trái?
Câu hỏi của Giáo hội sơ khai
cũng là câu hỏi của Giáo hội bây giờ.
Thửa đất là trái tim con
người xưa nay vẫn thế.
Hạt giống Lời Chúa hôm xưa
và hôm nay cũng vẫn là một.
Cả bốn hạng người trong dụ
ngôn đều đã nghe (cc. 12. 13. 14. 15),
nghĩa là đều đã đón nhận Lời
Chúa vào trái tim, vào trung tâm đời mình.
Nhưng có Lời bị đánh cắp.
Quỷ đến và lấy Lời đã gieo
ra khỏi trái tim người nghe
vì sợ họ tin mà được cứu độ
(c. 12).
Quỷ giống như chim trời đến
ăn mất hạt giống rơi xuống vệ đường (c. 5).
Tại quỷ hay tại trái tim con
người như đất vệ đường quá cứng?
Hạt giống nằm chơ vơ, trở
thành mồi ngon cho bao tấn công đe dọa.
Nhưng có Lời không mọc rễ.
Nghe Lời và vui vẻ đón nhận
vẫn chưa đủ.
Hạt giống cần có nhiều đất
để mọc rễ nuôi sống cây.
Đất nhiều sỏi đá chỉ cho một
lòng tin nhất thời, khi mọi sự dễ dàng,
nhưng không đủ sức đứng vững
khi thử thách ập tới.
Đã và đang có những Kitô hữu
quỵ ngã trước những thách đố cam go,
vì Lời Chúa chưa bao giờ mọc
rễ trong tim họ.
Thử thách của đời Kitô hữu
làm lộ ra tình trạng “không rễ” của ta,
và đòi ta tránh gặp gỡ Lời
Chúa một cách hời hợt, nông cạn.
Nhưng có Lời bị chết ngộp.
Ngộp vì những thứ trói buộc
của cuộc đời phù vân này,
những lo âu trăn trở, những
thèm muốn khoái lạc, giàu sang.
Cây lúa có mọc lên cũng bị
chết ngộp bởi bụi gai ở ngay nơi tim tôi.
Cuối cùng có Lời được nắm
giữ.
Dù thửa đất tốt là trái tim
cao thượng và quảng đại,
Nhưng nắm giữ Lời Chúa cũng
đòi một nỗ lực không ngừng.
Bất chấp những tấn công từ
bên ngoài, hay thèm muốn bên trong,
cần có thái độ kiên trì để
vượt qua những khủng hoảng không tránh khỏi.
Xin được trân trọng nghe Lời
Chúa trong thánh đường và trong cuộc sống.
Xin được khiêm tốn nghe Lời
Chúa qua các bậc thầy và qua trẻ thơ.
Ước gì Lời Chúa giúp ta làm
cho đất của tim mình xốp hơn và mềm lại,
bớt đá sỏi, thêm đất màu,
bớt bụi gai, thêm ẩm ướt.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
xin chiếu tỏa trên con ánh sáng của Chúa
và dạy con bước đi
ngay trong đêm tối cũng như giữa ban ngày.
Xin truyền cho con sức mạnh của Người.
Ước gì những cánh tay rã rời vì thất bại của con
tìm lại được sức trẻ
để gieo trồng hàng ngàn cây xanh
cho một thế giới mới
Ước gì mồ hôi con
pha lẫn mồ hôi của Chúa trong Vườn Cây Dầu.
Ước gì máu con
hòa lẫn với Máu Chúa trên Núi Sọ
để tưới gội cho mảnh đất đã bị khô cằn
vì bất công và ích kỷ.
Chúc
tụng Chúa là Cha,
đã dẫn
con đi đến cùng,
đến tận
Emmaus, nơi Chúa hiển dung
với
tràn trề bình an và niềm vui.
ĐHY Roger Etchegaray
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy
niệm
Nói đến
Lời Chúa, con nhớ đến một hình ảnh so sánh mà Đức Cha Stêphanô có lần chia sẻ
với anh em chúng con. Ngài dùng hình ảnh “Chiếu chỉ” của Vua
trong các bộ phim Tàu. Đa số chúng ta ai cũng có lần xem phim Tàu. Khi nghe
nói: “Chiếu chỉ tới” là tất cả phải quỳ gối phủ phục để mà
lắng nghe. Chiếu chỉ đúng thật đó là lời của Vua nói, nhưng được ghi lại bởi quốc sư
hay một viên quan cấp cao nào đó, và khi được đọc lại thì lại do một viên quan khác nữa.
Lời
Chúa mà con được nghe đọc hằng ngày còn hơn cả “chiếu chỉ”? Trước tiên, cần
phải xác nhận rằng, Lời này là Lời của chính Chúa nói, nhưng được ghi lại bởi
các thánh sử là các tông đồ, là những người thân cận với Chúa, sống với Chúa;
và ngày nay được đọc lại do linh mục hay những thừa tác viên thích hợp. Và nếu
áp dụng đúng như trong phim Tàu thì có lẽ con đã bị xử tội chết, bị chu di tam
tộc, hoặc bị chém đầu từ lâu rồi; bởi vì không nghe theo chiếu chỉ, không làm
theo chiếu chỉ; thậm chí là coi thường chiếu chỉ... Có khi con vừa nghe Lời
Chúa mà chẳng chú tâm, nghe rồi quên rồi. Có khi vừa nghe Lời Chúa vừa quay
sang bên này, quay sang bên kia như một người bàng quang, mặc cho ai đọc gì thì
đọc.
Hôm nay
con nhìn lại thái độ của mình đối với Lời Chúa cũng giống như 3 mảnh đất đầu
tiên mà Chúa nói đến trong dụ ngôn. Có khi con nghe mà chẳng hiểu gì, khi thì
nghe xong hiểu đó, thích lắm, vui lắm, nhưng rồi sau đó chẳng nhớ gì; khi thì
nghe, hiểu, nhớ, nhưng khi đến lúc gặp khó khăn thử thách thì lại giải quyết
theo ý mình, chứ không theo Lời Chúa chỉ dạy…
Con nhớ
người xưa có câu: “quen quá hóa nhàm”. Có lẽ nào vì việc tiếp cận
Lời Chúa quá dễ dàng mà con xem thường Lời Chúa hay không? Và nếu thật sự như
vậy thì con đang dần đánh mất một món quà vô cùng quý giá mà Thiên Chúa dành
cho.
Ước gì
với Lời Chúa hôm nay thấm nhập vào trong con như một lời cảnh tỉnh, nhắc nhở
con ý thức hơn trong việc đón nhận Lời Chúa; để rồi con không chỉ nghe suông
cho có, mà còn biết suy tư, biết cầu nguyện, biết nghiền ngẫm và đem Lời Chúa
áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Lạy Mẹ
Maria, Mẹ là mẫu gương của việc lắng nghe và thực hành Lời Chúa. Xin Mẹ cầu bầu
cùng Chúa cho con luôn biết noi gương Mẹ, để hạt giống Lời Chúa gieo vào lòng
con được sinh hoa kết quả, hạt được gấp trăm, hạt được 60, hạt được 30. Amen!
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
20
THÁNG CHÍN
Nối
Những Nhịp Cầu Yêu Thương
Bạn
hãy hăng say cộng tác với Đấng Cứu Độ. Người bày tỏ cho chúng ta thấy lòng
thương xót của Chúa Cha. Trong Đức Kitô, Chúa Cha luôn luôn chan tưới hồng ân của
Ngài trên chúng ta. Ngài ban cho chúng ta sự sống và sức mạnh. Ngài tha thứ
chúng ta và đưa chúng ta vào mối quan hệ riêng với Ngài; Ngài sai Con của Ngài
đến với chúng ta, qua Người Con ấy lòng thương xót của Ngài tuôn trào.
Vâng,
bạn hãy học với Đức Ki-tô, hình ảnh hoàn hảo (Tổng Luận Thần Học I,35) diễn tả
tình yêu vô hạn của Chúa Cha. Như Chúa Giêsu, bạn hãy gần gũi với con người. Nhất
là, hãy gần gũi với những người bệnh tật, những người bị chà đạp phẩm giá. Bạn
hãy trở thành người chiến sĩ xây dựng nền văn minh tình thương, hãy nhiệt thành
chia sẻ lòng bác ái chân thực, để thăng tiến nhân loại này nên tốt hơn. Như vậy,
bạn sẽ tham dự trọn vẹn vào công cuộc cứu độ của Đức Ki-tô.
Hội
Thánh ngỏ lời với các bạn, những người xây đắp nền văn minh tình thương: “Kinh
nghiệm của quá khứ và của chính thời đại chúng ta cho thấy rằng chỉ công bằng
mà thôi thì chưa đủ để đảm bảo cho con người được sống trên mọi chiều kích của
sự sống. Chúng ta cần phải có được năng lực sâu xa hơn nữa, đó chính là tình
yêu” (Div. In Mis, 12).
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời
Chúa Trong Gia Đình
Ngày
20-9
Thánh
Anrê Kim Têgon,
Phaolô
Chong Hasang và các bạn tử đạo
1Cr
15, 35-37.42-49; Lc 8, 4-15.
LỜI
SUY NIỆM: “Người gieo giống đi ra gieo hạt giống của mình. Trong khi
người ấy gieo, thì có hạt rơi xuống vệ đường, người ta dẫm lên và chim trời ăn
mất”
Trong
dụ ngôn người đi gieo hạt giống của mình sẽ gặp bốn thế đất: trên vệ đường,
trên đá, trong bụi gai, trên đất tốt. Mỗi thế đất đều ảnh hưởng trực tiếp đến sự
sinh trưởng của hạt giống; Ai ai cũng mong có những vùng đất tốt để gieo hạt giống
của mình, đây là một sự lý tưởng và cần thiết. Nhưng không vì thế mà người gieo
hạt giống lại hà tiện hạt giống của mình.
Lạy
Chúa Giêsu. Xin cho gia đình chúng con, mỗi người ra sức làm tốt vùng đất của
mình, để hạt giống đức tin luôn được phát triền và sinh nhiều hoa lợi cho Nước
Trời.
Mạnh
Phương
20
Tháng Chín
Bởi Vì Tôi Rất Yêu
Mến Bà!
Một
buổi tối nọ, Mẹ Têrêxa thành Calcutta tiến lại gần một người mà người ta vừa
mang vào căn nhà dành cho những người hấp hối. Ðó là một lão bà. Mình phủ đầy
những mảnh giẻ rách, nước da đen đầy những vết thương hôi thối. Mẹ Têrêxa đã
chùi rửa các vết thương và chăm sóc để ngừa bị nhiễm trùng. Nhưng người đàn bà
đáng thương này đang hấp hối... có lẽ khó mà qua khỏi, do đó tốt hơn là nên tìm
cách an ủi lần cuối cùng bằng một chén canh nóng và tràn đầy tình thương yêu.
Người
đàn bà đáng thương ấy sững sờ nhìn và hỏi Mẹ Têrêxa bằng một giọng thều thào:
-
"Tại sao bà lại làm như vậy?"
Mẹ
Têrêxa trả lời:
-
"Bởi vì tôi rất yêu mến bà..."
Một
tia sáng hạnh phúc, dù vẫn còn pha chút nghi ngờ, phát xuất từ tận đáy lòng, đã
ngời lên khuôn mặt gầy gò của người đàn bà, nơi dấu ấn của tử thần đã bắt đầu
xuất hiện.
-
"Ôi bà hãy nhắc lại một lần nữa đi!"
-
"Tôi rất yêu mến bà". Mẹ Têrêxa lập lại bằng một giọng điệu rất dịu
dàng.
-
"Hãy nhắc lại, hãy nhắc lại đi bà".
Người
đàn bà đang bước vào cõi chết xiết chặt tay Mẹ Têrêxa và kéo về phía bà ta, như
muốn lắng nghe rõ hơn, nghe với niềm hạnh phúc tràn trề những lời lẽ tuyệt vời
nhất trên cõi đời...
Bằng
chính tình yêu của mình, Mẹ Têrêxa đã biết nhìn sự suy sụp của tình người, Mẹ
đã biết khám phá ra cái thực thể thiêng liêng Mầu Nhiệm của những con người
nghèo hèn xấu số nhất. Chúng ta cũng hãy luôn nhìn mọi người bằng chính cái
nhìn yêu thương và tôn trọng của chính Chúa đối với mọi người...
(Lẽ
Sống)
Thứ
Năm 20-9
Thánh
Anrê Kim Taegon, Phaolô Chong Hasang và Các Bạn
Anrê
Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo.
Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được
phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua
một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao, Trung Cộng. Sáu
năm sau, ngài xoay sở để trở về quê hương qua ngả Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt
qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và thụ phong linh mục. Khi trở về quê, ngài
có nhiệm vụ thu xếp cho các vị thừa sai vào Ðại Hàn qua ngã đường biển, nhằm
tránh né sự kiểm soát biên phòng. Ngài bị bắt, bị tra tấn và sau cùng bị chặt đầu
ở sông Han gần thủ đô Hán Thành
Thánh
Phaolô Chong Hasang là một chủng sinh, 45 tuổi.
Kitô
Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592, lúc ấy
có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật.
Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ
những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế. Một trong những chuyến đi này, khoảng
năm 1777, sách vở tài liệu Công Giáo của các cha dòng Tên ở Trung Cộng được lén
lút đem về để dạy bảo người tín hữu Kitô Ðại Hàn. Giáo Hội tại gia bắt đầu
thành hình. Khoảng mười năm sau đó, khi một linh mục Trung Hoa lén lút đến Ðại
Hàn, ngài thấy có đến 4,000 người Công Giáo mà chưa có ai được gặp một vị linh
mục. Bảy năm sau, số người Công Giáo ấy lên đến khoảng 10,000 người. Sau cùng,
tự do tôn giáo được ban hành vào năm 1883.
Khi
Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh, ngoài Thánh
Anrê và Phaolô, còn 98 người Ðại Hàn và ba vị thừa sai người Pháp, tất cả đều tử
đạo trong khoảng 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu
hết là giáo dân: 47 phụ nữ, 45 quý ông.
Trong
những người tử đạo năm 1839 là Columba Kim, một phụ nữ 26 tuổi. Ngài bị cầm tù,
bị tra tấn bằng vật dụng bằng sắt nung nóng và than. Ngài và người em là Agnes
bị lột quần áo và bị giam chung với những tù nhân hình sự, nhưng họ không bị
làm nhục. Sau khi Columba phàn nàn về sự sỉ nhục này, từ đó về sau không một phụ
nữ nào bị nhục nhã như vậy nữa. Hai người bị chém đầu. Một em trai 13 tuổi,
Phêrô Ryou, bị tra tấn dã man đến độ em có thể lấy da thịt của mình mà ném vào
quan toà. Em bị xiết cổ cho đến chết. Protase Chong, một người quý tộc 41 tuổi,
sau khi bị tra tấn ông đã chối đạo và được thả tự do. Sau đó, ông trở lại,
tuyên xưng đức tin và bị tra tấn cho đến chết.
Lời
Bàn
Chúng
ta bàng hoàng khi thấy sau khi được thành lập, Giáo Hội Ðại Hàn hoàn toàn là một
Giáo Hội của giáo dân khoảng hơn một chục năm. Làm thế nào mà giáo hội ấy sống
còn khi không có bí tích Thánh Thể? Ðiều này cho thấy, không phải các bí tích
không có giá trị, nhưng phải có một đức tin sống động trước khi thực sự được hưởng
ơn ích của bí tích Thánh Thể. Bí tích là dấu chỉ của sự hoạt động và đáp ứng của
Thiên Chúa đối với đức tin sẵn có. Bí tích làm gia tăng ơn sủng và đức tin,
nhưng chỉ khi nào sẵn có một điều gì đó để được gia tăng.
Lời
Trích
"Giáo
Hội Ðại Hàn thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn
non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau
những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội
đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men
cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Ðại Hàn ngày nay.
Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của
Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến" (ÐGH Gioan Phaolô
II, bài giảng trong lễ phong thánh).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét