26/09/2014
Thứ Sáu sau Chúa Nhật
25 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Gv 3, 1-11
"Vạn
vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của chúng".
Trích
sách Giảng Viên.
Mọi
sự đều có thì giờ của chúng. Vạn vật dưới bầu trời đều trải qua thời gian của
chúng. Có thời gian sinh, thì cũng có thời gian chết. Có thời gian trồng xuống,
thì cũng có thời gian nhổ lên cái đã trồng. Có thời gian giết chết, thì cũng có
thời gian chữa lành. Có thời gian phá huỷ, thì cũng có thời gian xây dựng. Có
thời gian khóc lóc, thì cũng có thời gian cười vui. Có thời gian than van, thì
cũng có thời gian nhảy múa. Có thời gian rải đá, thì có thời gian thu lượm lại.
Có thời gian gần gũi, thì cũng có thời gian xa cách. Có thời gian thâu hoạch,
thì cũng có thời gian tiêu tán đi. Có thời gian gìn giữ, thì cũng có thời gian
loại bỏ. Có thời gian xé rách, thì cũng có thời gian vá lại. Có thời gian thinh
lặng, thì cũng có thời gian nói năng. Có thời gian yêu thương, thì cũng có thời
gian giận ghét. Có thời gian chinh chiến, thì cũng có thời gian hoà bình.
Con
người còn được gì do công lao vất vả của mình? Tôi suy nghĩ về sự khổ cực mà
Thiên Chúa đã để cho con cái loài người phải chịu đựng.
Chúa
tác tạo vạn vật trong thời gian Chúa muốn, và trao phó thế gian cho loài người
tranh giành, nhưng con người không hiểu được việc Thiên Chúa đã làm từ đầu đến
cuối.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 143, 1a và 2abc. 3-4
Ðáp: Ôi Ðá Tảng của
con, chúc tụng Chúa! (c. 1a)
Xướng:
1) Ôi Ðá Tảng của con, chúc tụng Chúa! Chúa là Tình Thương và là chiến lũy, là
Ðấng phù trợ và giải phóng con. Chúa là khiên thuẫn, là chỗ con nương náu. -
Ðáp.
2)
Lạy Chúa, nhân loại là chi mà Chúa chăm nom, con người là chi mà Chúa thương
nghĩ tới? Con người ta như hơi gió thoảng, đời người ta như bóng thoáng qua. -
Ðáp.
Alleluia:
Tv 94, 8ab
Alleluia,
alleluia! - Ước chi hôm nay các bạn nghe tiếng Chúa, và đừng cứng lòng. -
Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 9, 18-22
"Thầy
là Ðấng Kitô của Thiên Chúa. Con Người phải chịu nhiều đau khổ".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Việc
xảy ra là khi Chúa Giêsu cầu nguyện riêng một nơi, và có các môn đệ ở với Người,
thì Người hỏi các ông rằng: "Những đám dân chúng bảo Thầy là ai?" Các
ông thưa rằng: "Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Êlia,
còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa, đã sống lại".
Người lại hỏi các ông rằng: "Phần các con, các con bảo Thầy là ai?"
Simon Phêrô thưa rằng: "Thầy là Ðấng Kitô của Thiên Chúa". Và Người
ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai mà rằng: "Con Người phải chịu
nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế, và các luật sĩ từ bỏ và giết chết,
nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Thầy
Là Ðức Kitô
Trong
số các trò chơi để trắc nghiệm mức hiểu biết của các em, có trò chơi đưa hình một
danh nhân cho các em xem, sau đó yêu cầu các em nói thật vắn tắt và chính xác về
nhân vật ấy. Em nào trả lời đúng sẽ được thưởng. Chúa Giêsu đã có lần áp dụng
phương thức này với các môn đệ, chỉ khác ở chỗ nhân vật được đưa ra không ai xa
lạ hơn là chính Ngài. Ðã có những câu trả lời được đưa ra, nhưng chỉ có câu trả
lời của Phêrô là đúng, như được ghi lại trong Tin Mừng hôm nay.
Chúa
Giêsu vốn là một vấn đề khó hiểu đối với nhiều người. Những giả thuyết về Ngài
đều từ từ bị chứng minh là sai. Có người bảo Ngài là Gioan Tẩy giả, nhưng trong
cách sống và giáo lý của Ngài, có nhiều điểm khác với Gioan Tẩy giả; có kẻ bảo
Ngài là Êlia hay một ngôn sứ nào đó, nhưng ở đây cũng vậy, giáo lý và thái độ của
Chúa Giêsu có nhiều điểm vượt quá và cắt đứt với giáo lý và thái độ của bất cứ
ngôn sứ nào trong Cựu Ước. Dù đồng hóa Chúa Giêsu với Gioan Tẩy giả, với Êlia
hay với một ngôn sứ nào đó, tất cả đều giống nhau ở chỗ chưa có câu trả lời nào
nhận ra Chúa Giêsu là nhân vật chính, còn các vị kia chỉ là người loan báo và
chuẩn bị.
Chúa
Giêsu đã bị dư luận quần chúng coi là một trong các vị tiền hô cuối cùng, cho đến
khi Phêrô đưa ra câu trả lời chính xác: "Thầy là Ðức Kitô Con Thiên
Chúa". Phêrô đã nhìn thấy nơi Chúa Giêsu chính nhân vật mà muôn dân mong đợi.
Ngài là Ðức Kitô, có nghĩa là Ðấng hội tụ mọi hy vọng và chờ mong của con người,
là Ðấng quyết định vận mệnh của dân tộc và cá nhân, là Ðấng nắm giữ và đưa lịch
sử đến hồi kết thúc. Ðức Kitô có đủ mọi tư cách đó, bởi vì Ngài là Ðấng được
Thiên Chúa sai đến, Ngài là Con Thiên Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu linh cảm thấy
lời tuyên xưng của Phêrô có thể bị giải thích sai lạc, nếu được tung ra cho mọi
người biết; chính vì thế chẳng những Ngài cấm ngặt các ông không được nói điều ấy
với ai, mà kể từ đó Ngài còn đích thân nói rõ về tư cách Kitô của Ngài.
Xin
Chúa cho chúng ta biết lặp đi lặp lại mỗi ngày lời tuyên xưng của thánh Phêrô:
"Thầy là Ðức Kitô Con Thiên Chúa" để chúng ta vững bước trên con đường
theo Chúa và làm chứng cho Chúa.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Sáu Tuần 25 TN2
Bài đọc: Eccl 3:1-11; Lk
9:18-22.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Con người không thể
nào hiểu hết được ý nghĩa công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.
Sống
trong trần gian, con người cảm thấy khả năng hạn hẹp của mình vì bị lệ thuộc
vào trời đất, thời gian, hòan cảnh, và môi trường sinh sống. Nếu biết trước và
họach định làm sao cho phù hợp với các yếu tố này, con người sẽ thành công; nếu
không, sẽ nắm chắc phần thất bại. Khác hẳn với con người, Thiên Chúa luôn luôn
làm mọi sự hợp thời đúng lúc vì Ngài biết mọi sự và không bị tùy thuộc vào bất
cứ một yếu tố nào. Các Bài đọc hôm nay dẫn chứng những ví dụ cụ thể về hai sự
khác biệt này.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Thời nào việc đó. Chìa khóa thành công: phải biết 4 đúng: đúng thời, đúng nơi,
đúng người, đúng chất liệu.
1.1/
Con người cần phải biết làm việc hợp thời đúng lúc để đạt được kết quả mong muốn. Người Việt-Nam chú
trọng đến 3 yếu tố cần phải có để bảo đảm thành công trong bất cứ lãnh vực nào
của cuộc đời: thiên thời – địa lợi – nhân hòa; nếu thiếu một trong 3 yếu tố sẽ
nắm chắc thất phần bại.
(1)
Thiên thời: là
thời gian của Trời. Con người cần phải biết thời gian của Trời qua các hiện tượng
và trật tự trong trời đất: nắng, mưa, gió, tuyết, xuân, hạ, thu, đông. Để dễ hiểu,
chúng ta lấy một ví dụ về nông nghiệp: Biết những điều này sẽ giúp con người biết
phác họa kế họach khi nào cầy đất, khi nào gieo mạ, khi nào cấy, bao lâu phải
chờ đợi, và khi nào phải gặt. Người không hiểu biết thời gian của trời sẽ gieo
khi phải gặt, và vì thế đã đi sai với thời gian của Trời, làm sao có kết quả được?
Hơn nữa, con người còn cần phải kiên nhẫn chờ đợi sau khi đã gieo trong một thời
gian cần thiết: không thể gặt sớm quá hoặc để lâu quá. Gặt sớm quá sẽ chưa đủ
chín và để lâu quá sẽ ủng thối.
(2)
Địa lợi: là
cơ hội xảy đến với con người trên thế gian. Vẫn theo ví dụ về nông nghiệp, nếu
con người mua được mảnh đất tốt: nằm chỗ không cao quá để khỏi bị khô cằn,
không sâu quá để khỏi bị lụt lội. Rồi còn phải tùy thuộc vào phân bón, thuốc diệt
sâu rầy… Nếu con người không biết nắm lấy những cơ hội xảy đến trong cuộc đời để
biết cách đầu tư cho hợp thời thì cũng sẽ không thành công.
(3)
Nhân hòa: là
lòng người hòa thuận. Con người phải biết cách cư xử sao cho hợp tình, hợp lý,
và hợp nơi chốn. Không thể cười nơi đám ma và khóc trong đám cưới như Sách Giảng
Viên dạy: “một thời để khóc lóc, một thời để vui cười; một thời để than van, một
thời để múa nhảy.” Hơn nữa, con người nào phải áp dụng cách cư xử đó; không thể
áp dụng một cách cư xử cho hết mọi người. Sách Giảng Viên dạy: “một thời để làm
thinh, một thời để lên tiếng; một thời để yêu thương, một thời để thù ghét; một
thời để gây chiến, một thời để làm hoà.” Lòng người rất phức tạp và thay đổi. Nếu
không biết cư xử sao cho phù hợp lòng người cũng nắm chắc phần thất bại.
1.2/
Trái với con người, Thiên Chúa luôn luôn làm mọi sự hợp thời và đúng lúc vì Ngài không lệ
thuộc vào thời gian và thời gian của con người nằm trong tay của Ngài. Ngài
cũng chẳng bị tùy thuộc vào cơ hội vì Ngài biết tất cả những gì xảy ra và Ngài
tạo cơ hội cho con người. Ngài không bị lệ thuộc vào con người nhưng tất cả mọi
người phải tùy thuộc nơi Ngài. Tác giả của Sách Giảng Viên xác quyết: “Thiên
Chúa đã làm mọi sự hợp thời đúng lúc. Thiên Chúa cũng ban cho con người biết nhận
thức về vũ trụ, tuy thế, con người cũng không thể nào hiểu hết được ý nghĩa
công trình Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử.”
2/
Phúc Âm:
Đúng người: Thánh Phêrô tuyên xưng: Thầy là Đức Kitô!
Câu
hỏi “Đức Giêsu là ai?” không phải chỉ quan trọng cho Tiểu Vương Hêrôđê mà còn
quan trọng hơn cho các Tông Đồ, những người đang theo Chúa Giêsu. Nếu các Tông
Đồ không biết đúng Ngài là ai thì làm sao các ông có thể tiếp tục sứ vụ của
Chúa ở trần gian sau khi Chúa Giêsu từ giã cuộc đời để về với Chúa Cha? Nhất là
khi các ông phải đối diện với những đau khổ và cái chết sắp tới của Ngài. Trình
thuật của Luca đặt câu hỏi này trong bối cảnh Chúa cầu nguyện một mình, Ngài cầu
xin Thiên Chúa để các Tông Đồ biết nhận ra Ngài là ai.
2.1/
Câu hỏi đầu tiên Chúa đặt cho các ông: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa:
"Họ bảo Thầy là ông Gioan Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Êlijah, kẻ
khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại." Tất cả những
câu trả lời này tuy có nói lên được sự tôn kính và uy quyền của Chúa, nhưng vẫn
không phải là câu trả lời Chúa mong muốn, vì những nhân vật này chỉ là những
người dọn đường cho Đấng Thiên Sai tới mà thôi. Câu hỏi thứ hai quan trọng hơn
câu hỏi thứ nhất: "Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?" Ông Phê-rô
thưa: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa." Đây mới thực sự là câu trả
lời Chúa Giêsu muốn nghe, vì các ông biết đích xác Ngài là Đức Kitô có nghĩa là
Đấng được xức dầu để làm vua. Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói
điều ấy với ai, vì người Do-Thái đang chờ đợi một Đấng Thiên Sai khác với những
gì Ngài sắp mặc khải cho các Tông Đồ.
2.2/
Kế họach cứu độ của Thiên Chúa: Các Tông Đồ không chỉ cần biết Chúa Giêsu là ai, mà
còn cần phải biết kế họach cứu độ của Thiên Chúa, vì cuộc Thương Khó của Ngài sắp
diễn ra tại Jerusalem. Như những người Do-Thái khác, các ông đang chờ đợi một Đấng
Thiên Sai uy quyền, sẽ đánh dẹp tất cả các kẻ thù của người Do-Thái, cai trị họ
trong công lý, và triều đại của Người sẽ vô tận. Nhưng kế họach cứu độ của
Thiên Chúa thì rất khác với dân, Chúa Giêsu tiên báo cho các ông cuộc Thương
Khó sắp tới của Ngài lần đầu tiên: "Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị
các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi
dậy." Chúng ta sẽ thấy trong các chương sau, không dễ cho các Tông Đồ hiểu
và chấp nhận kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua con đường Thập Giá.
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Để đạt được kết quả như lòng mong ước, con người cần phải biết và làm đúng thời
gian, đúng nơi chốn, và hợp lòng người.
-
Để đạt được mục đích của cuộc đời, chúng ta cần biết Chúa Giêsu là ai, hiểu những
gì Ngài mặc khải, và làm những gì Ngài truyền.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT
GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 25
Lc 9,18-22
A. Hạt giống...
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục nói đến những dư
luận về Chúa Giêsu :
- Trong dân chúng thì có 3 dư luận : a/ Ngài là
Gioan Tẩy giả sống lại ; b/ Ngài là Êlia xuất hiện ; c/ Ngài là một ngôn sứ
thời xưa sống lại. Cách chung, dân chúng đánh giá Ngài khá cao : Ngài không
phải là một người thường như mọi người, nhưng là người đặc biệt thuộc hàng tiên
tri : giảng hay và có khả năng làm phép lạ.
- Chỉ một mình Phêrô, do ơn soi sáng đặc biệt,
nên biết Chúa Giêsu chính là “Đấng Kitô của Thiên Chúa”.
- Tuy nhiên Phêrô vẫn nghĩ về Đấng Kitô theo cách
nghĩ thông thường của đa số người thời đó, tức là một Đấng cứu thế oai phong
hiển hách. Bởi đó Chúa Giêsu phải sửa lại cách nghĩ ấy : Ngài là Đấng Kitô chịu
nạn chịu chết rồi mới sống lại.
B.... nẩy mầm.
1. Tôi hãnh diện vì được làm môn đệ Chúa Giêsu.
Nhưng tôi hãnh diện về phương diện nào ? Vì Chúa Giêsu là Chúa, cao cả hơn Đức
Phật và các vị sáng lập những tôn giáo khác ? Vì Giáo Hội của Chúa có đông tín
đồ, có tổ chức quy mô ? vv… Có khi nào tôi hãnh diện vì Chúa của tôi là một vị
Thiên Chúa chết trên Thập giá không ? Tôi có nghĩ như thánh Phaolô rằng “Vinh
dự của chúng ta là thập giá Đức Kitô” không ?
2. “Simon Phêrô thưa rằng ‘Thầy là Đức Kitô của
Thiên Chúa’. Và Ngài ngăn cấm các ông không được nói điều đó với ai” : Ngày nay
chắc Chúa không còn ngăn cấm chúng ta rao giảng về Ngài như là một Đức Chúa
quyền phép vinh quang. Nhưng Ngài sẽ chưa hài lòng nếu chúng ta chưa rao giảng
về Ngài như một Đức Chúa chết trên Thập giá vì tội loài người và vì yêu thương
loài người.
3. Vị khách đến uỷ lạo một thương binh trong bệnh
viện
- Anh thuộc giáo hội nào ?
- Tôi thuộc giáo hội của Chúa Kitô.
- Cái gì thuyết phục anh vào giáo hội đó ?
- Thuyết phục ư ? Rồi nhìn lên tượng chịu nạn, anh tiếp : phải, tôi bị Ngài
thuyết phục đến độ ngay cả sự sống sự chết, thần quyền thế quyền... không gì có
thể tách tôi ra khỏi lòng mến Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô.” (Góp nhặt)
4. “Con Người phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ
lão, các thượng tế và các luật sĩ từ bỏ” : đau khổ là điều Chúa Giêsu phải chịu
; bị từ bỏ, và từ bỏ không những bởi dân thường mà bởi những kẻ chính thức mắm
quyền lãnh đạo tôn giáo, đó cũng là điều Chúa Giêsu phải chịu.
Khi tôi gặp đau khổ ; khi tôi bị từ bỏ, nhất là
từ bỏ bởi những người mà tôi đặt rất nhiều hy vọng vào họ, tôi có nghĩ đó là thập
giá mà tôi phải vác không ? Tôi có ý thức rằng mình đang được chia sẻ thân phận
của Chúa tôi không ?
5. “Chúa Giêsu hỏi : Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai ?” (Lc 9,20)
Hình như có ai đang hỏi, đang mời tôi suy nghĩ.
Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai ? Giờ này,
đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không ?
Hay chỉ là một chiếc bóng bên đường, một lần cất
bước đi qua để lại thoáng nhớ mong manh, rồi chìm dần vào quên lãng.
Giờ này, đối với tôi, Chúa Giêsu là ai ? Giờ này,
đối với tôi, Ngài có còn là Ngài không ?
Hay một lần Ngài đến giữa đêm khuya, rồi thầm cất
bước ra đi, để lại thoáng chút dư âm, tàn dần với thời gian…
Ngài là ai ? Là ai lúc tôi vui, lúc tôi buồn, lúc
tôi ghen, lúc tôi hờn, lúc tôi yêu… ?
Ngài là ai ? là ai khi tôi thành công, lúc tôi
thất vọng, khi lầm than, lúc thanh nhàn, và trong suốt cuộc đời… ?
Giêsu ơi, khi quì đây và trong suốt cuộc đời, xin
được gọi Ngài là Cứu Chúa của con. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
26/09/14 THỨ SÁU TUẦN
25 TN
Th. Cót-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo
Lc 9,18-22
Th. Cót-ma và Đa-mi-a-nô, tử đạo
Lc 9,18-22
Suy niệm: "Anh em bảo Thầy là ai?”
Đây là câu hỏi hệ trọng đến cuộc đời mỗi người, không chỉ ở đời này mà
còn đời sau, được Chúa Giê-su đặt ra cho mọi người. Đây là câu hỏi đòi buộc tất
cả phải trả lời. Câu trả lời không chỉ đến từ những kiến thức trong sách vở, mà
còn phải đến từ kinh nghiệm đức tin cá nhân của mỗi người. Nếu trả lời câu hỏi
này chỉ từ những vốn liếng kiến thức, thì chúng ta lạc đề, vì câu trả lời từ
kiến thức dành cho câu hỏi “Người ta bảo Thầy là ai?” chứ không phải “Anh em bảo Thầy là ai?” Chỉ khi trả lời câu hỏi “Chúa là ai?” bằng kinh nghiệm đức tin của Giáo Hội và của
mình, chúng ta mới sống đức tin vững mạnh, có thể giúp người khác hiểu biết
Chúa Giê-su, và thờ phụng Ngài. Công cuộc tân Phúc Âm hóa đòi buộc ta làm mới
lại đức tin của mình cũng vì lý do truyền giáo ấy. Do đó, rất cần các Ki-tô hữu
dành thời gian cầu nguyện mật thiết với Chúa, hầu được biết Chúa Giê-su, và có
thể loan báo Chúa cho mọi người.
Mời Bạn: Kinh
nghiệm gặp gỡ cá vị với Chúa Giê-su rất cần thiết cho mỗi người và cho công
cuộc tân Phúc Âm hóa: gặp gỡ Chúa qua việc đọc Lời Chúa với tâm tình cầu
nguyện, qua các bí tích, đăc biệt qua bí tích Thánh Thể và bí tích hòa giải,
qua việc dấn thân phục vụ. Mời bạn đi vào cuộc gặp gỡ Chúa.
Sống Lời Chúa: Tôi cám ơn Chúa sốt sắng mỗi khi rước lễ.
Cầu nguyện: Đọc kinh Các thánh tử đạo Việt Nam.
Anh em bảo Thầy là ai?
Trả lời câu hỏi của Thầy Giêsu không hẳn đã là điều
quan trọng. Điều quan trọng là sống câu trả lời của mình. Đời tôi là một chuỗi
những câu trả lời cho câu hỏi đó.
Suy niệm:
Trong Tin Mừng Luca, Đức
Giêsu đã đi cầu nguyện một mình,
trước khi đặt những câu hỏi
quan trọng cho các môn đệ.
“Dân chúng nói Thầy là ai ?”
(c. 18).
Ngài muốn biết dư luận nghĩ
gì về mình.
Nói chung họ nghĩ Ngài là
một ngôn sứ đầy quyền năng (x. Lc 24, 19).
Điều đó đúng nhưng không đủ.
Đức Giêsu mong nghe ý kiến
của những người đã ở gần Ngài hơn.
“Còn anh em, anh em bảo Thầy
là ai?” (c. 20).
Phêrô đại diện anh em trả
lời: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa.”
Câu trả lời này đúng hơn và
đủ hơn,
nhưng cũng dễ gây hiểu lầm
và chưa đến lúc cần công bố.
Chính vì thế Đức Giêsu đã
cấm các môn đệ không được tiết lộ (c. 21).
Phêrô đã trả lời đúng, vì
Thầy Giêsu quả là Đấng Kitô
hay còn gọi là Đấng Mêsia mà
dân Do Thái mong đợi từ bao đời.
Nhưng Phêrô có thể hiểu sai
khuôn mặt của Đấng Mêsia đó.
Mêsia Giêsu không phải là
người sẽ giải phóng Ítraen khỏi ách Rôma,
cũng không phải là người
muốn nắm quyền lực trần thế.
Nhưng Ngài sẽ phải chịu khổ
hình và bị giết chết bởi giới lãnh đạo (c. 22).
Mêsia Giêsu mang khuôn mặt
đau khổ của Người Tôi Trung.
Phêrô đã đi theo Mêsia nào?
Nếu ông biết số phận bi đát
đang chờ đợi Thầy của ông,
ông có còn muốn theo Ngài
nữa không?
“Còn con, con bảo Thầy là
ai?”
Đức Giêsu cũng hỏi từng
người chúng ta như vậy, nhiều lần trong đời.
Tôi phải trả lời, vì tôi
không nên đi theo Đấng mà tôi không biết là ai.
Tôi nghe câu hỏi trên ở mọi
chặng đường của cuộc sống,
và có thể đưa ra những câu
trả lời khác nhau, dựa trên kinh nghiệm,
bởi lẽ Đức Giêsu là một Mầu
nhiệm không ngừng mở ra cho tôi.
Qua từng biến cố trong đời,
tôi lại khám phá ra những nét mới nơi Ngài.
Ngài vẫn là một, nhưng mang
nhiều dáng dấp khác nhau khi đến với tôi,
để đáp lại
những khát vọng sâu thẳm nơi trái tim.
Nhưng trả lời câu hỏi của
Thầy Giêsu không hẳn đã là điều quan trọng.
Điều quan trọng là sống câu
trả lời của mình.
Đời tôi là một chuỗi những
câu trả lời cho câu hỏi đó.
Nếu tôi coi Ngài là Thầy,
xin được ngồi nghe và để Thầy uốn nắn.
Nếu tôi coi Ngài như Bạn,
xin được dành giờ để tâm sự, sẻ chia.
Nếu tôi tin Ngài là Ngôi Hai
Thiên Chúa làm người,
xin được cúi đầu thờ lạy
trước tình yêu khiêm hạ.
Nếu tôi gọi Ngài là Chúa,
xin được hiến trọn đời mình
để cùng Ngài phục vụ cho kế
hoạch cứu độ của Cha.
Nếu tôi gọi Ngài là Đấng
Giải Phóng, xin Ngài cho tôi được tự do,
và cho tôi được cộng tác với
Ngài giúp thế gian ra khỏi vòng nô lệ.
Cuối cùng, nếu tôi biết rõ
Ngài yêu tôi cách độc nhất,
xin để cho đời mình đáp lại
tình yêu.
Cầu nguyện:
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ cõi chết đến sự sống,
từ lầm lạc đến chân lý.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ thất vọng đến hy vọng,
từ sợ hãi đến tín thác.
Xin hãy dẫn dắt con
đi từ ghen ghét đến yêu
thương,
từ chiến tranh đến hòa bình.
Xin hãy đổ đầy bình an
trong trái tim chúng con,
trong thế giới chúng con,
trong vũ trụ chúng con.
(Mẹ Têrêxa Calcutta)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Trước hết, Chúa Giêsu muốn biết dư luận của dân chúng về Ngài, nên Ngài đã
hỏi các môn đệ: "Dân chúng nói Thầy là ai?". Các
ông cho Chúa Giêsu biết những ý nghĩ của dân chúng về Ngài: kẻ thì cho là Gioan
Tẩy Giả, kẻ thì cho là Êlia, kẻ thì cho là một trong những ngôn sứ thời xưa đã
sống lại.
Bây giờ, Chúa Giêsu muốn biết cảm nhận của chính các môn đệ về Ngài: "Còn
anh em, anh em bảo Thầy là ai?". Và Phêrô đã đại diện cho cả nhóm nói
lên cảm nhận về Thầy mình: "Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa".
Mỗi ngày
sống hay trước mỗi chọn lựa trong đời, tôi rất cần nghe câu hỏi của Chúa Giêsu:
“Con bảo Thầy là ai?”, để tôi thêm mạnh mẽ trong niềm tin, dù phải đối
diện với đau khổ hay phải đi vào con đường hẹp.
Mong sao,
niềm tin của tôi luôn đặt nơi Đấng mà tôi đi theo, Đấng mà tôi luôn vâng lời
Ngài trong mọi hoàn cảnh, mọi nghịch cảnh
Mong sao,
đời sống tử tế, đầy tinh thần Tin mừng của tôi, sẽ là câu trả lời cho câu hỏi
của anh chị em lương dân: “Chúa Giêsu là ai?”
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
26
THÁNG CHÍN
Được
Vững Mạnh Nhờ Việc Đặt Tay
Bí
tích Thêm Sức mà chúng ta lãnh nhận làm cho mối quan hệ của chúng ta với chân
lý Phúc Âm thêm vững chắc hơn. Chúng ta trở nên trưởng thành trong Đức Kitô.
Chúng ta đã nhận hiểu chân lý này. Giờ đây chúng ta hãy ước ao được vững mạnh
hơn trong chân lý ấy. Cùng với Giáo Hội, chúng ta hãy đến với Thần Chân lý, hầu
đức tin mà chúng ta tuyên xưng có thể khắc sâu trong tâm hồn chúng ta. Ước gì đức
tin ấy được khẳng quyết mạnh mẽ trong mọi việc làm và lời nói của chúng ta.
Phép
Rửa là một bí tích với biểu hiệu nước. Phép Rửa được thực hiện qua việc tẩy rửa
cơ thể, tượng trưng cho năng lực tha tội và biến đổi con người đang ở trong
tình trạng nô lệ tội lỗi trở thành con cái Thiên Chúa. Dầu thánh hiến hay dầu
thánh là bí tích của những ai vốn nhận biết Đức Kitô và bây giờ tiến tới làm chứng
cho Đức Kitô như các Tông Đồ đã làm sau ngày lễ Ngũ Tuần.
Đó
là lý do tại sao trong Nghi Thức Thêm Sức có việc giám mục đặt tay trên đầu.
Ngài trao ban bí tích này bằng việc xức dầu Thánh trên trán chúng ta. Giám mục
là chủ sự lễ nghi Thêm Sức bởi vì ngài có ơn gọi đặc biệt – trong Đức Kitô – đối
với toàn thể giáo dân trong giáo phận của ngài. Ngài được kêu gọi để làm mục tử
chăn dắt các tín hữu của ngài trong tư cách là người tiếp tục sứ vụ đã được bắt
đầu từ các Tông Đồ.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
Ngày
26-9
Thánh
Cosma và Thánh Đamianô tử đạo
Gv
3, 111; Lc 9, 18-22.
LỜI
SUY NIỆM: “Hôm ấy, Đức Giêsu cầu nguyện một mình. Các
môn đệ cùng ở với Người, và Người hỏi các ông rằng: Dân chúng nói Thầy là ai?”
Chúa
Giêsu biết rõ những gì đang chờ đợi Người tại Giêrusalem. Người cầu nguyện, sau
cầu nguyện, Người muốn biết trong đám đông dân chúng cũng như các môn đệ đã có
ai nhận ra Người là ai, là Đấng nào. Nếu hiểu đúng thì sẽ có sự thay đổi lớn
trong dân, nếu không thì sẽ uổng công của Người. Mặc dầu đám đông chỉ mới tôn
vinh Người với những danh vị cao trọng; Nhưng chưa đúng. Nhờ Chúa Cha mạc khải,
Phêrô đã mạnh dạng tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”
Lạy
Chúa Giêsu. Chúa đang hỏi mỗi người chúng con: “Thầy là ai?” Xin cho mỗi người
trong gia đình chúng con luôn học hỏi và suy niệm lời Chúa, để nhận rõ ra Chúa,
để cảm tạ tôn vinh và yêu mến Chúa hơn qua cuộc sống của chúng con.
Mạnh
Phương
Gương
Thánh Nhân
NGÀY
26-09 THÁNH COSMA VÀ THÁNH ĐAMIANÔ - TỬ ĐẠO
Theo
truyền thuyết thánh Cosma và Damianô là hai anh em sinh đôi. Sinh tại Ả rập.
Các Ngài sớm mồ côi cha. Mẹ các Ngài là một góa phụ nhân đức, đã không tiếc gì
để giáo dục con cái về trí thức và đạo đức. Bà gửi hai con theo học ở Syria. Tại
đây Cosma và Damianô nổi tiếng là lương thiện, vô vị lợi và trong trắng. Nhiệt
thành với đức tin, các Ngài dự tính học nghề thuốc. Khoa này vào thời ấy bị coi
rẻ. Nhưng các Ngài tin rằng khi chữa lành thể xác con người các Ngài có thể góp
phần vào việc chữa trị tật bệnh linh hồn.
Thiên
Chúa đã chúc lành cho dự tính của các Ngài và ban cho các Ngài được thông thạo
về nghề thuốc. Chữa bệnh hoàn toàn miễn phí, các Ngài càng ngày càng trở nên
danh tiếng vì những cuộc chữa lành nhờ lời cầu nguyện. Những cuộc chữa lành lạ
lùng này lôi cuốn được nhiều người, kể cả các lương dân đến với các Ngài. Tuy
nhiên, chính vì tiếng tăm lừng lẫy này đã đưa tới cái chết vì đạo của các Ngài.
Các
hoàng đế Điôclêtianô và Maximianô quyết tận diệt Kitô gióa, đã sai tổng trấn
Lysias đến Ege để ép buộc các Kitô hữu phải dâng hương tế thần. Ai không tuân lệnh
sẽ bị sát hại. Các lương dân tố cáo với quan tổng trấn rằng có hai người rất thạo
nghề thuốc nhưng lại là thù địch chí tử của các thần minh. Nếu họ tiếp tục hành
nghề các đền thờ sẽ trống vắng và cả nước sẽ theo Kitô giáo hết. Nghe tin này
quan tổng trấn truyền bắt giam hai Ngài. Sau khi bắt các Ngài phải dâng hương tế
thần mà không được, ông ra lệnh hành hạ các Ngài. Nhờ ơn Chúa, hai thánh Cosma
và Damianô đã nhẫn nại chịu đựng, lại còn tỏ ra hân hoan nữa. Quan lính trói
các Ngài rồi bỏ xuống biển, nhưng các thiên thần đã đến tháo cởi xiềng xích và
cứu các Ngài bình an vô sự.
Nghe
tin này, quan tổng trấn truyền lập giàn thiêu. Nhưng giữa ngọn lửa cháy bừng,
hai thánh nhân vẫn không hề hấn gì. Cuối cùng quan tổng trấn ra lệnh xử trảm.
Hai thánh Cosma và Damianô khẩn khoản nài xin Chúa thương nhận lễ dâng của các
Ngài. Lần này nhưng Ngài được nhận lời. Sau những nhát chém đầu tiên, đầu các
Ngài lìa xác và nhận phúc tử đạo.
Danh
tiếng của hai thánh Cosma và Damianô lan tràn khắo Giáo hội vì những cuộc chữa
lành bệnh tật các Ngài thực hiện. Hoàng đế Justinô I khuyến khích lòng sùng
kính hai thánh nhân. Một nguyện đường được xây dựng ở Aege miền Cilicia để ghi
nhớ nơi các Ngài chịu chết vì đạo. Tại Roma, Đức Symmachô (498 - 514) xây nguyện
đường. Đức Felix IV (526 - 530) xây một đại giáo đường kính các Ngài.
Cùng
với thánh Luca, hai thánh Cosma và Damianô được đặt làm thánh bổn mạng các y sĩ
và các nhà giải phẫu.
(daminhvn.net)
26
Tháng Chín
Xin Ðược Ðánh Giày
Một
linh mục thuộc giáo phận New York bên Hoa Kỳ chuyên lo mục vụ cho các tù nhân
đã kể lại kinh nghiệm như sau:
Một
hôm, người được mời đến thăm một thanh niên da đen sắp sửa bị đưa lên ghế điện
vì đã giết người bạn gái của mình. Như thường lệ, mỗi khi gặp một tử tội sắp bị
hành quyết, vị linh mục thường khuyên nhủ, giải tội và trao ban Mình Thánh
Chúa.
Sau
khi đã nhận lãnh các bí tích cuối cùng, người thanh niên da đen bỗng trầm ngâm
suy nghĩ như muốn nói một điều gì rất quan trọng. Cuối cùng, với tất cả cố gắng
của một người biết mình sắp sửa lìa cõi đời này, anh ta mới thốt lên với tất cả
chân thành:
"Thưa
cha, con đã làm hư hỏng cả cuộc đời. Con chưa hề học được một điều gì hữu ích
ngoài một điều duy nhất: đó là đánh giày.. Xin cha cho con được phép đánh bóng
đôi giày của cha. Như thế, con hài lòng vì nhận được sự tha thứ của Chúa, bởi
vì con không biết làm gì để tạ ơn Chúa trước khi con gặp lại người bạn gái của
con trên Thiên Ðàng".
Và
không đợi cho vị linh mục trả lời, người thanh niên đã cúi gập người xuống và bắt
đầu đánh bóng đôi giày của vị linh mục... Cử chỉ ấy khiến cho vị linh mục nhớ lại
hình ảnh của người đàn bà đã quỳ gối bên chân Chúa Giêsu, đổ dầu trên đầu, trên
chân của Ngài và dùng tóc của bà để lau chân Ngài. "Tội của con dù có nhiều
đến đâu cũng được tha thứ, bởi vì con đã yêu nhiều".
Theo
quan niệm công bình và thưởng phạt của chúng ta, kẻ có tội ắt phải đền tội. Tòa
án của loài người thường cân lường tội trạng của người có tội để tìm ra một
hình phạt cân xứng.
Chúng
ta không thể áp dụng một thứ cán cân như thế vào trong mối tương quan giữa tội
lỗi của chúng ta với sự công thẳng của Thiên Chúa. Nơi Thiên Chúa chỉ có một
trái cân duy nhất: đó là lòng nhân từ. Thiên Chúa yêu thương chúng ta và muốn
phủ lấp tất cả tội lỗi của chúng ta bằng lòng nhân từ vô biên của Ngài.
Do
đó, khi nói đến ăn chay đền tội, chúng ta không thể cân lường tội lỗi của chúng
ta để rồi tìm ra một lượng đền tội cho cân xứng. Có hy sinh nào tương xứng được
với tội trạng của chúng ta? Có án phạt nào cân xứng với sự xúc phạm của chúng
ta?
Thiên
Chúa không chờ đợi nơi chúng ta điều gì khác hơn bằng chính Tình Yêu của chúng
ta. Với tình yêu, thì dù một cử chỉ nhỏ mọn cũng trở thành một lễ dâng đẹp lòng
Chúa. Những gì chúng ta dâng lên Chúa, không phải là của cải chúng ta có, những
bố thí chúng ta làm cho người khác, những khổ chế chúng ta tự áp đặt cho bản
thân... mà chính là lòng yêu mến của chúng ta.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét