Trang

Thứ Bảy, 27 tháng 9, 2014

28-09-2014 : (phần 2) CHÚA NHẬT XXVI MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

28/09/2014
Chúa Nhật 26 Quanh Năm Năm A
(phần II)


GLPÂ CHÚA NHẬT XXVI QUANH NĂM, NĂM A
Sách Tiên Tri Ezekiel18.21-28; Thư Thánh Phaolô Tông Đồ gửi Philipphê 2.1-11
và Phúc Âm Thánh Matthêu 21.28-32

I.                   Giáo Huấn P.Â.:   
Hãy đi làm vườn nho! Nói khác đi: thực hành thánh ý Chúa.
Đó là lời mời gọi của Chúa cho tất cả mọi người.
Con người có quyền tự do đáp trả bằng sự ưng thuận hay từ chối: có thể đi làm vườn nho hay không. Có thể thực hành ý Chúa hay không.
Ưng thuận hay từ chối thể hiện qua hành động: đi làm vườn nho. Có nhiều khi con người thay đổi từ ưng thuận sang hành động khước từ hay từ thái độ khước từ lúc đầu sang hành động ưng thuận về sau.
II.        Vấn nạn P.Â.                                                              
Tự do: cao quí nhưng có quá đáng không, khi có quyền từ chối với TC. Đấng cho con người tự do.
Khái niệm về tự do:
Tự do là không bị ép buộc. Tự do là tự ý quyết định. Tự do là một khả năng của con người để lựa chọn và thực thi điều đã lựa chọn theo ý mình.Tự do là một khả năng lựa chọn các phương tiện để đạt đích (theo thánh Tôma).
Một người có Tự do hoàn toàn, nghĩa là họ không bị hạn chế trong tư tưởng, ngôn ngữ và hành động. Họ phải biết cái họ chọn, và họ có quyền quyết định điều họ chọn, Họ cũng phải có phương tiện và cơ hội để nghĩ, nói và làm mà không bị kiểm soát vô lí, cưỡng bách bất công và hạn chế vô lí. (The World book Encyclopedia F/7, ed. 1975, p. 428)

Có nhiều loại tự do:
Tự do thể lý (bên ngoài): khi không có những cưỡng ép từ bên ngoài, không bị thế giới vật lí ngăn cản, không bị xã hội luật pháp cấm đoán.
Tự do tâm lí (bên trong): khi không bị các động lực mù quáng (đam mê) cưỡng bách hành động.
Tự do chính trị: Có tiếng nói trong chính quyền, đầu phiếu, điều hành văn phòng, chỉ trích hành pháp, thành lập và nhập đảng và tổ chức...
Tự do xã hội: Tự do ngôn luận (bàn cãi và trao đổi tư tưởng)
            Tự do báo chí: truyền thanh, truyền hình không bị nhà nước kiểm soát
            Tự do tôn giáo: tin tưởng, thực hành, truyền bà niềm tin. Quyền không theo tôn giáo nào.
            Tự do hội họp: hội họp và thành lập những nhóm lợi ích.

            Tự do theo quan niệm Kitô giáo:
Con người có Tự do , vì là hình ảnh của Thiên Chúa , Đấng Tự do tuyệt đối. (Gn 1,27)
Công đồng Trento xác quyết rằng: "Tội Adam làm cho con người mất đi sự công chính nguyên thủy, ý muốn con người ra yếu đuối, nhưng vẫn không mất Tự do , dưới ảnh hbưởng của thường sủng, con người có thể chấp thuận hay từ chối" (Denz 1521,1554, 1927)
Chúa Kitô đem đến một sự Tự do chân chính chỉ cho những ai tuân giữ lời Ngài: "Nếu các ngươi ở lại trong Lời Ta, các ngươi sẽ thực là môn đệ Ta, các ngươi sẽ biết chân lý, và chân lý sẽ cho các ngươi được tự do" (Ga 8,31).  "Hỡi anh em, anh em đã được kêu gọi để sống Tự do , nhưng đừng lấy nê Tự do mà sống theo xác thịt" (Gal 5,13)
Tự do chỉ sống động khi tìm thấy đối tượng riêng của nó, và nhận ra đối tượng thích hợp nhất.  " Lạy Chúa , Chúa đã dựng nên chúng con, cho Chúa , lòng chúng con không thể nghỉ an cho tới khi tìm thấy sự nghỉ an trong Chúa " (thống hối. Augutino, confess 1,1)
Tự do là một đặc tính cao quí, nhưng cũng là một trách nhiệm đáng sợ. Người ta có thể lạm dụng Tự do để từ chối Thiên Chúa , xúc phạm đến Ngài.
Tự do của con người chỉ có giới hạn, chúng ta cần phải được cứu rỗi. (The estranged God, Anthony T. Padovano, 1966, p. 171)
Tự do không có nghĩa là muốn làm gì thì làm (Mục vụ số 17)
Tự do nằm trong hoạt động có ý thức, lựa chọn có ý thức, chứ không do bản năng mù quáng hay cưỡng ép. (Mvụ số 17).
Tự do của con người thường suy giảm khi bị rơi vào cảnh quá cùng cực (Mv số 31)
Tự do bị hạ giá, nếu buông thả quá mức theo cuộc sống thoải mái (Mv số 31)
Tự do được đức vâng lời và bổn phận bảo đảm (Hc Giáo hội 43), nhưng nhiều người dựa vào Tự do mà từ bỏ tùng phục (Tuyên ngôn Tự do tôn giáo số 8)
  
Làm sao gọi là tự do quyết định nếu đã có sự quan phòng của Thiên chúa?
Câu hỏi về Quan phòng và Tự do trên trở nên phức tạp khi nói về mầu nhiệm ơn tiền định (predestination).  Thánh Augutinô viết: khi quá bênh vực ơn thánh điều khiển, người ta chối phần Tự do con người. Các nguyên tắc cựu và tân ước sẽ không còn giá trị, nếu con người không có Tự do (Pl 44,883).

Thánh Toma xác nhận cả hai: sự quan phòng của Thiên Chúa , và sự Tự do của con người . Theo ngài, tri thức và hiện hữu của Chúa, không giống tri thức và hiện hữu của thụ tạo. Chúa không nhận thức sự vật cách "nối tiếp", nhưng Ngài nhận thức chúng bằng hành vi "toàn thể đời đời". Và, nếu con người không có Tự do thì những lời khuyến cáo, giới luật, cấm, khen, phạt sẽ trở thành vô nghĩa (Summa Theologia 1a,83,1). Để dung hòa 2 chân lý trên, thánh Tôma phân biệt nguyên nhân đệ I và đệ I I. Thiên Chúa là nguyên nhân đệ I của vạn vật, con người hành động dưới ảnh hưởng của Chúa, họ là nguyên nhân đệ 2 các hành vi của mình. Ví dụ, khi người thợ mộc đóng cái bàn, ông dùng gỗ sẵn có, ông thực là nguyên nhân đệ 2 của cái bàn ông làm ra.

Kết luận: "Chỉ với trí khôn thụ tạo, người ta không thể hiểu được mầu nhiệm, phải có đức tin thay thế" (Bách khoa trên tr. 94)

            Ý kiến cá nhân: Khó hiểu nhưng rõ ràng là: Thiên Chúa ban cho con người hoàn toàn tự  do. Tự do chấp thuận lời mời gọi đi làm vườn nho Chúa hay thực hiện thánh ý Chúa cũng như tự do chối từ lời Chúa kêu gọi để sống theo sở thích riêng mình. Chúa là Đấng trung thành tuyệt đối với lời nói và chương trình của mình. Nên Chúa không “quan phòng” để giết chết hay hạn chế tự do cao quí đã ban cho con người. Quan phòng không có nghĩa là tiền định, nhưng có nghĩa là thấy trước chuyện gì sẽ xảy ra. Quan phòng cũng như người ta thấy trước: hút thuốc là ung thư phổi hay cờ bạc là Bác thằng bần. Hút thuốc là tự do chọn ung thư phổi. Cờ bạc là tự do chọn nghèo khổ.

            Con người có khả năng thay đổi từ tốt sang xấu hay ngược lại từ xấu sang tốt. Giống như người nói KHÔNG rồi CÓ hay như của người nói CÓ rồi sang KHÔNG.

Thường người ta đánh giá không tốt về người hay thay đổi lập trường: Hôm nay thế nầy mai thế khác không biết đâu mà lường. Tuy nhiên sự thay đổi từ KHÔNG sang CÓ nơi người con thứ nhất hay từ CÓ sang KHÔNG của người con thứ hai không là chuyện bốc đồng, tùy hứng nhưng “sau đó nó hối hận, nên lại đi!” Đó là kết quả của suy nghĩ lại hay hồi tưởng hay sực tĩnh. Thái độ cần thiết cho đời sống bình thường hay đời sống tâm linh.

Biệt Phái và Luật Sĩ, những người tự cho là đạo dòng hay đạo gốc nầy đã tưởng rằng mình thực thi thánh ý Chúa bởi dòng dõi Abraham hay bởi việc tuân giữ nhiệm nhặt và chi li những luật lệ truyền thống. Kỳ thực họ đã nói KHÔNG với thánh ý Chúa.

Thu thuế và đĩ điếm trước mắt mọi người là những đứa con nói KHÔNG với lời mời gọi của Chúa, nhưng sau đó “hối hận, nên lại đi!” Họ âm thầm thực hiện hoán cải. Họ đã nói CÓ với Chúa.

Nên khi Chúa nói: những người thu thuế và những cô gái điếm vào nước Thiên Chúa trước các ông! Chúa không có ý nói làm thu thuế hay làm điếm thì tốt và sẽ vào nước Thiên Chúa trước những Biệt Phái và luật sĩ. Nhưng Chúa hàm ý: “Nhưng sau đó, nó hối hận, nên lại đi!”

Việc thực hành thánh ý Chúa không tùy thuộc cương vị hay tước vị, hay nghề nghiệp hay bậc sống, nhưng tùy thuộc “nó hối hận, nên lại đi!”

Giáo sĩ, tu sĩ hay giáo dân hay người tội lỗi bê tha nguội lạnh…. Tất cả đếu có thể thực thi thánh ý Chúa, đi làm vườn nho Chúa hay có thể từ chối không thực thi thánh ý Chúa, không làm vườn nho Chúa. Làm vườn nho Chúa là thực thi thánh ý Chúa. Nói khác đi thực thi thánh ý Chúa bằng việc làm vườn nho Chúa.  Làm vườn nho Chúa hay thực thi thánh ý Chúa là: làm cho Nước Chúa trị đến, cho danh Cha cả sang. Tức làm cho mọi người biết Chúa và được ơn cứu độ.

Tạo sao Biệt Phái Luật Sĩ lại không thực thi thánh ý Chúa?
Họ hiểu lầm: Con cháu Abram, giữ hết mọi luật là thực thi ý Chúa. Cũng giống như có người nghĩ rằng: Rửa tội Công Giáo, đi lễ Chúa Nhật, giữ Mưới điều răn Đức Chúa Trời và Sáu điều răn Hội Thánh là thực thi trọn vẹn thánh ý Chúa. Luật lệ hay điều răn là ý Chúa hay cách giúp thực hiện thánh ý Chúa. Tuy nhiên, thực thi thánh ý Chúa còn là chuyện lấy ý Chúa hay chương trình của Chúa làm ưu tiên trong cuộc sống của mình.

Một linh mục đang bôn ba đây đó xin tiền cất hết nhà thờ nầy sang nhà thờ khác.. có chắc Ngài đang thực thi thánh ý Chúa không? Vườn nho Chúa có hệ tại hoàn toàn trên số nhà thờ mới xây dựng không? Một tu sĩ đang ngày đêm  soạn bài suy niệm Phúc Âm hay sáng tác nhạc để phổ biến rộng rãi cho mọi người. Danh tiếng “Thầy” càng ngày càng cao. Không chắc danh “Cha” được cả sáng!

Giáo dân Công Giáo tích cực tham gia sinh hoạt giáo xứ tuyên bố rằng: “Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời!” Hoàn toàn vâng phục và làm theo mọi mệnh lệnh của Cha xứ. Cha vui lắm! Nhưng … chắc gì đó là thánh ý Thiên chúa. Có nhiều khi tô vẽ thánh ý Chúa để “ý con được tròn” chăng?

Thánh ý Chúa là làm vườn nho Chúa. Là làm cho mọi người biết Chúa và tôn thờ Chúa. Làm sao khi  người ta nhìn thấy chúng ta làm là biết ngay rằng: Chúng ta đang làm vườn nho cho Chúa.

III.            Thực hành P.Â.:

Lạy Chúa! Này con xin đến để thi hành thánh ý Chúa.
Con người bao giờ cũng thích ý mình được thực hiện hay thích người khác phục tùng mình.
Có người vợ đã ngang nhiên công bố là: Ổng ấy nghe lời tôi răm rắp, bảo đi đâu làm gì là không sai chạy.
Có người chồng kia đã mạnh dạn phát biểu: dù là con mèo đen, nhưng tôi bảo vợ tôi nói trằng thì cô ấy cũng phải nghe tôi mà nói con mèo trằng. Đời sống linh mục không phải dễ mà cũng không phải lúc nào cũng như ý mình muốn. Tuy nhiên tôi có một kinh nghiệm làm tôi thấy hạnh phúc trong đời sống là: Lạy Chúa, nầy con xin đến để thực thi thánh ý Chúa.

Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là bài sai của Đức Giám Mục địa phận.
Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là làm việc nhiều giờ, cố gắng mang ích lợi tối đa cho giáo dân.
Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là không phải theo ý của ông nào hay bà nào cả mà chu toàn bổn phận mình mỗi ngày một cách công tâm.
Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là bình an thư thái, không bận vướng và không phải quan tâm hay chú ý đến chuyện của người phối ngẫu: Làm gì mà đi lâu về vậy cà? Không biết có tình ý gi không mà cứ gọi điện thoại tâm sự với cô ấy mãi? Tiền bạc không biết có đủ cho lần đi mua sắm nầy không?....
Thánh ý Chúa trong đời linh mục của tôi là được đọc Lời Chúa, được dâng lễ, được ban bí tích , được rao truyền Lời Chúa và được hy sinh cho Nước Chúa.
Cám ơn Chúa ban cho tôi hạnh phúc được nói và sống: Lạy Chúa nầy con xin đến để thực thi thánh ý Chúa.
 Phêrô Trần Thế Tuyên

Ngôn hành như nhất
Vào năm 1992, tại tiểu bang Georgia - Hoa Kỳ. Xảy ra một câu chuyện có thể gọi được là "cười ra nước mắt".
Một bà mẹ 73 tuổi bị chính đứa con trai của mình kiện vì bà không trả cho anh ta tiền công sửa chiếc xe tải của bà. Sau đó, bà mẹ đã đệ đơn tố cáo ngược lại con mình với lời đề nghị là anh ta phải bị đánh đòn vì lúc anh ta còn nhỏ bà đã không áp dụng câu tục ngữ: "Thương con cho roi cho vọt".
Vào ngày 6 tháng 7 năm 1992, anh thợ sửa xe ô tô tên là Kê-nêt Ar-gut đã đệ đơn tại tòa sơ thẩm để thưa mẹ anh và đòi tòa ra lệnh cho bà thanh toán hóa đơn 2,613 đô la tiền sửa xe mà bà đã từ chối không chịu trả cho anh.
Trả lời cho đơn người con trai kiện mình, bà An-sen Ar-gut đã viết như sau: "Nguyên cáo đã mắc nợ bị cáo 40 năm phục dịch của một bà mẹ, một người giữ em, một người giúp việc nhà, nấu ăn, giặt giũ, y tá, một nhà tâm lý để cố vấn, khuyên nhủ, an ủi, v.v... Tất cả những dịch vụ trên, nguyên cáo đã không trả tiền công bị cáo". Bà Ar-gut còn viết tiếp:
"Như một bà mẹ, nếu luật pháp cho phép, tôi sẽ công khai đánh đòn con tôi, những cú roi rất cần thiết cho nó mà tôi đã thất bại không cho nó lúc nó còn bé. Nếu pháp luật không cho phép mẹ đánh con thì xin tòa hãy cử một nhân viên ngành tư pháp đánh đòn để sửa trị con tôi".
Đó là nỗi đau của một bà mẹ bị con khước từ. Nó đã không còn nhận bà là mẹ. Nó đòi bà phải trả tiền như bao khách hàng khác. Chính trong nỗi đau đó, Bà mẹ Argus hối tiếc vì đã không dạy con từ nhỏ nên mới lãnh lấy hậu quả hôm nay.
Và hôm nay trong số những người trẻ sì ke ma túy, ăn chơi thác loạn, rửa tiền của cha mẹ đều thuộc diện cha mẹ lo làm ăn, thiếu quan tâm giáo dục con cái, và điều tệ hại nhất là nuông chiều con cái quá mức đến hư thân. Sinh con ra ai cũng mong con mình tài đức, hiếu thảo hiền ngoan, nhưng để được vinh dự đó, không thể cho nó lớn lên một cách tự nhiên, cẩu thả lười biếng và vô độ ngay từ nhỏ, mà con cái chỉ có thể lớn lên thành người từ sự giáo dục cẩn trọng của cả cha lẫn mẹ.
Có lẽ, nỗi đau lớn nhất của cha mẹ là con cái không vâng lời cha mẹ. Nỗi bất hạnh tột cùng nhất của cha mẹ là con cái bất hiếu và phản loạn đối với công ơn dưỡng dục sinh thành. Kinh nghiệm của cha ông ta vẫn thường nói: "Uốn cây uốn thuở còn non - Dạy con dạy thuở còn thơ". Con cái cần được dạy cho biết sống vâng lời ngay từ thuở nhỏ, lớn lên mới có hy vọng biết sống theo lời hay lẽ phải. Có những bậc cha mẹ nuông chiều con cái đến độ thay vì dẫn dắt con cái theo ý mình, họ lại luôn chiều theo ý con. Có những bậc cha mẹ quá dễ dãi, thường hay xí xóa những thói hư tật xấu của con, tưởng rằng lớn lên nó tự biết sửa đổi. Có những bậc cha mẹ giáo dục con cái nhưng "ngôn hành bất nhất", khiến con cái học đòi tính "nói một đàng làm một lẻo", thất hứa, thất tín với gia đình và với xã hội.
Nỗi lòng của cha mẹ đau khổ vì con cái thế nào, thì nỗi lòng của Thiên Chúa đối với nhân loại cũng vậy. Thiên Chúa sẽ không vui khi thấy con người chối bỏ tình yêu của Thiên Chúa. Thiên Chúa sẽ rất buồn khi con người sống buông mình trong những đam mê thấp hèn mà đánh mất nhân tính của con người. Thiên Chúa sẽ rất đau khổ khi thấy con người bỏ Chúa để tôn thờ thụ tạo thấp hèn hơn con người.
Hôm nay Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn hai người con. Cả hai đều không phải là người con ngoan thực sự. Người con thứ nhất tuy lúc đầu cãi lời cha mẹ nhưng sau hối hận lại đi làm ngay. Người con thứ hai thuộc diện "ba phải", dạ vâng rồi lại không làm.
Người con đầu là hình ảnh anh em lương dân. Họ không theo đạo nhưng họ lại sống ăn ngay ở lành. Họ sống theo lề luật của Thượng Đế được ghi khắc trong lương tâm. Họ là người ngoại đạo "nhưng tin có Chúa ở trên cao". Họ làm điều thiện và tránh điều ác vì tin rằng "Ông Trời có mắt".
Người con đầu cũng là hình ảnh người tội lỗi được ơn trở về cùng Chúa. Họ sám hối và làm lại cuộc đời của mình bằng việc sống và thực thi giới răn của Chúa.
Người con thứ hai có thể là hình ảnh của chính chúng ta. Tuy môi miệng vẫn xưng mình là con Thiên Chúa nhưng lại không sống theo giáo huấn của Chúa. Vẫn ngoại tình, trộm cắp, cờ bạc, rượu chè. Sống thiếu công bình và bác ái trong lời nói lẫn hành động. Có những người nói rất hay nhưng lại không thực hiện những điều mình nói. Có những người bề ngoài rất đạo đức nhưng trong lòng lại chất chứa đầy tính gian tham, lừa đảo...
Đã có một lần Chúa Giêsu từng nói: "không phải những ai thưa lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời đâu, mà chỉ có những ai biết lắng nghe và thực thi lời Chúa mới xứng đáng hưởng Nước Trời.
Xin Chúa giúp chúng ta biết "ngôn hành như nhất" để lời nói và việc làm của chúng ta luôn đẹp lòng Chúa và đẹp lòng mọi người. Amen.
Lm. Giuse Tạ Duy Tuyền


Lectio Divina: Chúa Nhật XXVI Thường Niên (A)
Chúa Nhật, 28 Tháng 9, 2014
Dụ ngôn hai người con
Sự vâng lời bất tuân phục và việc cãi lời vâng phục


Mt 21:28-32 
1.  Lời nguyện mở đầu 
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy ban Thần Khí Chúa đến giúp chúng con đọc Kinh Thánh cùng với tâm tình mà Chúa đã đọc cho các môn đệ trên đường Emmau.  Trong ánh sáng Lời Chúa, được viết trong Kinh Thánh, Chúa đã giúp các môn đệ khám phá ra được sự hiện diện của Thiên Chúa trong nỗi đau buồn về bản án và cái chết của Chúa.  Vì thế, cây thập giá tưởng như là sự kết thúc của mọi niềm hy vọng, đã trở nên nguồn mạch của sự sống và sự sống lại. 
Xin hãy tạo trong chúng con sự thinh lặng để chúng con có thể lắng nghe tiếng Chúa trong sự Tạo Dựng và trong Kinh Thánh, trong các sự việc của đời sống hằng ngày và trong những người chung quanh, nhất là những người nghèo khó và đau khổ.  Nguyện xin Lời Chúa hướng dẫn chúng con, để cũng giống như hai môn đệ từ Emmau, chúng con cũng sẽ được hưởng sức mạnh sự phục sinh của Chúa và làm chứng cho những người khác rằng Chúa đang sống hiện hữu giữa chúng con như nguồn mạch của tình anh em, công lý và hòa bình.  Chúng con cầu xin vì danh Chúa Giêsu, con Đức Maria, Đấng đã mặc khải cho chúng con về Chúa Cha và đã sai Chúa Thánh Thần đến với chúng con.  Amen. 
 2.  Bài Đọc 
a)  Chìa khóa để hướng dẫn bài đọc: 
Chúa Giêsu kể lại một sự kiện rất phổ biến trong cuộc sống gia đình.  Một người con trai nói với cha:  “Vâng, con đi!” nhưng rồi không đi.  Người con khác nói:  “Con không đi!” nhưng sau đó lại đi.  Chúa Giêsu đòi hỏi những người đang nghe phải chú ý và đưa ra ý kiến.  Trong bài đọc, chúng ta hãy chú ý để khám phá ra điểm chính xác mà Chúa Giêsu muốn gợi lên sự chú ý của chúng ta. 
b)  Phân đoạn bài Tin Mừng để trợ giúp cho bài đọc:  
Mt 21:28-31a:  Sự so sánh  
Mt 21:31b-32:  Ứng dụng của sự so sánh  
c)  Phúc Âm:   
28-31a:  Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng:  “Các ông nghĩ sao?  Người kia có hai người con.  Ông đến với đứa con thứ nhất và bảo:  ‘Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha!’  Nó thưa lại rằng:  ‘Con không đi.’  Nhưng sau đó nó hối hận và đi làm.  Ông đến gặp đứa con thứ hai và cũng nói như vậy.  Nó thưa lại rằng:  ‘Thưa cha, vâng con đi.’  Nhưng nó lại không đi.  Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?”  Họ đáp:  “Người con thứ nhất.” 
31b-32:  Chúa Giêsu bảo họ:  “Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông.  Vì Gioan đã đến với các ông trong đường công chính, và các ông không tin Ngài; nhưng những người thu thuế và gái điếm đã tin Ngài.  Còn các ông, sau khi xem thấy điều đó, các ông cũng không hối hận mà tin Ngài.”  
3.  Giây phút thinh lặng cầu nguyện 
Để Lời Chúa được thấm nhập và soi sáng đời sống chúng ta.  
4.  Một vài câu hỏi gợi ý 
Để giúp chúng ta trong việc suy gẫm cá nhân. 
a)  Điểm nào của câu chuyện về hai người con tạo được sự chú ý của bạn nhất? Tại sao?   
b)  Chúa Giêsu đang nói với ai?  Tại sao Người lại kể dụ ngôn ngày?            
c)  Điểm chính được nhấn mạnh bởi Chúa Giêsu trong thái độ của hai người con là gì? 
d)  Chúa Giêsu gợi ý qua bài dụ ngôn này là loại vâng lời nào?
e)  Làm thế nào mà những người thu thế và gái điếm lại được ưu tiên hơn cả các thượng tế và kỳ lão?
f)  Và tôi, tôi đang ở đâu?  Tôi đang ở trong số những gái điếm và người tội lỗi hay là trong số các thượng tế và kỳ lão?
5.  Chìa khóa của bài đọc
Dành cho những ai muốn đào sâu vào trong bài Tin Mừng.
a)  Bối cảnh đoạn Phúc Âm mà Mátthêu đặt để những lời này của Chúa Giêsu (Mt các chương 18-23):
*  Bối cảnh của Tin Mừng Mátthêu trong đó bài dụ ngôn này được tìm thấy là bối cảnh của sự căng thẳng và nguy hiểm.  Sau Bài Giảng về Giáo Hội (Mt 18:1-35), Chúa Giêsu rời xứ Galilê, vượt qua sông Giođan và bắt đầu cuộc hành trình cuối cùng của Người tiến về Giêrusalem (Mt 19:1).  Trước đó khá lâu, Người đã nói rằng Người sắp lên đường tiến về Giêrusalem để bị bắt, bị giết và sau đó Người sẽ sống lại (Mt 16:21; 17:22-23).  Giờ đây là lúc phải đi về thành thánh và phải đối mặt với ngục tù và cái chết (Mt 20:17-19).
*  Khi Người đến Giêrusalem, Chúa Giêsu trở thành chủ đề của cuộc xung đột.  Một mặt, người ta chào đón Chúa một cách vui mừng (Mt 21:1-11).  Ngay cả trẻ em cũng hoan hô Người, với một cử chỉ tiên tri, Người trục xuất những kẻ buôn bán khỏi đền thờ và Người chữa lành người mù và què (Mt 21:12-15).  Mặt khác, các thượng tế và luật sĩ thì chỉ trích Người.  Họ yêu cầu Người bảo các trẻ em giữ yên lặng (Mt 212:15-16).  Với tình hình căng thẳng như thế, Chúa Giêsu phải nghỉ qua đêm bên ngoài thành phố (Mt 21:17; Ga 11:53-54).  Nhưng ngày hôm sau, Người quay trở lại vào buổi sáng sớm và, trên đường đến đền thờ, Người rủa cây vả, biểu tượng của Giêrusalem, không ra trái mà chỉ toàn lá (Mt 21:18-22).  Đoạn Người đi vào đền thờ và bắt đầu giảng dạy cho dân chúng.
*  Trong khi Người đang nói với dân chúng, các kẻ có thẩm quyền trong dân đến chất vấn Người.  Chúa Giêsu trả lời họ từng người một (Mt 21:33 – 22:45), các thượng tế và kỳ lão (Mt 21:23), những người Biệt Phái (Mt 21:45; 22:41), các môn đệ của nhóm Biệt Phái và Hêrôđê (Mt 22:16), nhóm Sa-đốc (Mt 22:23), các luật sĩ (Mt 22:35).  Sau cùng, Chúa Giêsu khiển trách nặng nề và khá lâu những người kinh sư và Biệt Phái (Mt 23:1-36), tiếp theo là lời thương tiếc cho thành Giêrusalem, thành này sẽ không được cải đổi (Mt 23:37-39).  Đó là ở trong bối cảnh căng thẳng và nguy hiểm mà Chúa Giêsu kể dụ ngôn về câu chuyện của hai người con, chủ đề cho bài suy gẫm của chúng ta.        
b)  Lời bình giải về lời của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Mátthêu: 
Mt 21:28-30:  Một ví dụ được trích ra từ đời sống gia đình
*  Các ông nghĩ sao?  Đây là một câu hỏi khiêu khích.  Chúa Giêsu đòi hỏi người nghe phải chú tâm nghe và trả lời.  Trong bối cảnh của dụ ngôn, những người đang lắng nghe được mời gọi đưa ra ý kiến của họ là các thượng tế và kỳ lão trong dân(Mt 21:23).  Những người này là những kẻ, vì sợ dân chúng, sẽ không trả lời cho câu hỏi về nguồn gốc của Gioan Tẩy Giả, do từ trời hay từ đất (Mt 21:24-27).  Đây là những kẻ sẽ tìm cách để bắt Chúa (Mt 21:45-46).
*  Người kia có hai người con.  Chúa Giêsu kể lại câu chuyện về người cha nói với một trong hai người con của ông:  “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho cho cha”.  Nó thưa lại rằng:  “Thưa cha, vâng con đi!” nhưng nó lại không đi.  Người cha sau đó lại nói cùng câu nói với người con thứ hai.  Người con này thưa lại rằng: “Con không đi!” nhưng sau đó nó đi.  Những người nghe cũng là các người cha trong gia đình và đã phải biết những chuyện này từ kinh nghiệm bản thân.
*  Ai trong hai người con đã làm theo ý cha mình?  Chúa Giêsu kết thúc bài dụ ngôn làm rõ câu hỏi ban đầu của Người.  Các thượng tế và kỳ lão đồng thanh trả lời,người con thứ hai!  Câu trả lời đã đến nhanh chóng bởi vì vấn đề có liên quan đến tình cảnh quen thuộc, phổ quát và rõ ràng, chuyện mà họ đã trải qua kinh nghiệm trong gia đình họ và, có lẽ hầu hết, đã làm bởi họ (và bởi tất cả chúng ta) khi họ còn niên thiếu.  Như vậy, trong thực tế, câu trả lời không chỉ là một sự phê phán về hai người con trong bài dụ ngôn, nhưng cũng là cho chính họ.  Bằng câu trả lời, người con thứ hai, họ đang đánh giá thái độ của chính họ.  Bởi vì, trong quá khứ, họ đã thường xuyên nói với cha họ:  “Con không đi!” nhưng rồi sau đó đã đi theo áp lực của hoàn cảnh hoặc bởi vì sự hối lỗi đã khiến họ làm điều mà người cha sai bảo. Trong câu trả lời, họ tỏ ra như thể mình là những đứa con vâng lời.
*  Đây chính là một chức năng hay là “cái bẫy” của bài dụ ngôn, một cách nôm na là, mang lại cho người nghe cảm giác có liên quan đến câu chuyện, do đó, dùng kinh nghiệm riêng của chính họ làm tiêu chuẩn, họ sẽ đi đến một sự phê phán giá trị của câu chuyện được kể trong bài dụ ngôn.  Lời phê phán này sẽ sớm được dùng như một chìa khóa để áp dụng dụ ngôn vào đời sống.  Cùng một phương pháp giảng dạy cũng có thể được tìm thấy trong bài dụ ngôn vườn nho (Mt 21:41-46) và bài dụ ngôn người chủ nợ (Lc 7:40-46).    
Mt 21:31-32:  Sự ứng dụng của dụ ngôn
*  Tôi bảo thật các ông, những người thu thuế và gái điếm sẽ vào nước Thiên Chúa trước các ông!  Dùng câu trả lời bởi các thượng tế và kỳ lão như một chìa khóa, Chúa Giêsu ứng dụng bài dụ ngôn vào sự im lặng tội lỗi của người nghe trước sứ điệp của Gioan Tẩy Giả.  Câu trả lời của họ trở thành lời kết tội cho chính họ.  Dựa theo câu nói này, những người thu thuế và gái điếm là những kẻ, ban đầu, đã nóikhông với người cha nhưng sau đó lại làm theo ý của Chúa Cha, bởi vì những người ấy đã nhận lãnh và chấp nhận sứ điệp của Gioan Tẩy Giả đến từ Thiên Chúa.  Trong khi đó, các thượng tế và kỳ lão, họ là những kẻ, thoạt đầu, đã nóivâng với người cha, nhưng đã không làm điều mà người cha yêu cầu, bởi vì họ đã không chấp nhận sứ điệp của Gioan Tẩy Giả, thậm chí rất nhiều người đã không chấp nhận Gioan như là người từ Thiên Chúa.
*  Vì thế, bằng phương tiện của dụ ngôn, Chúa Giêsu đảo ngược tất cả mọi thứ: những kẻ bị coi là không tuân giữ Lề Luật và do đó bị kết án, lại chính là những người đã vâng phục Thiên Chúa và cố gắng bước đi trên con đường công lý, trong khi những kẻ tự coi mình là tuân giữ Lề Luật Thiên Chúa lại là những kẻ không vâng lời Thiên Chúa.
*  Lý do cho lời khiển trách nghiêm khắc này từ Chúa Giêsu nằm trong sự thực là những chức sắc tôn giáo, các thày cả và kỳ lão, không chịu tin rằng Gioan Tẩy Giả là người của Thiên Chúa.  Các người thu thuế và gái điếm thì lại khác, họ tin.  Điều này có nghĩa là đối với Chúa Giêsu, qua cái nhìn chiêm niệm, là khả năng nhận ra sự hiện diện tích cực của Thiên Chúa trong những người và những việc của cuộc sống, Thiên Chúa không hiện diện ở trong các vị thày cả hay ngay cả trong các vị lãnh đạo của họ, nhưng Ngài lại ở trong những người bị miệt thị là kẻ tội lỗi và ô uế.  Rất dễ dàng để hiểu lý do tại sao những kẻ có thẩm quyền này đã quyết định bắt và giết Chúa Giêsu, vì trong thực tế, “khi họ nghe những dụ ngôn này, các thượng tế và kinh sư nhận ra rằng Chúa đang nói về họ” (Mt 21:45-46).
*  Bất cứ ai muốn áp dụng dụ ngôn này hôm nay, có thể sẽ tạo ra cùng sự giận dữ như Chúa Giêsu đã trải qua với câu kết luận của Người.  Điều tương tự cũng xảy ra ngày hôm nay.  Gái điếm, kẻ tội lỗi, kẻ dốt nát, phụ nữ, trẻ em, thường dân, công nhân, dân thiểu số, dân da đen, các tù nhân, những kẻ đồng tính luyến ái, những người mang bệnh AIDS, người say rượu, ghiền ma túy, những kẻ ly dị, các tu sĩ hồi tục, những người dị giáo, các bà mẹ độc thân, những người thất nghiệp, kẻ thất học, bệnh nhân, đó là, tất cả những kẻ bị xem thường như không phải là một phần của quỹ đạo tôn giáo, những người này, thường xuyên, có một cái nhìn sắc bén trong việc nhận thức về con đường công lý hơn chúng ta là những người sống cả ngày trong nhà thờ và là một phần của phẩm trật tôn giáo.  Không phải vì một người thuộc về hàng phẩm trật mà người ấy có một cái nhìn thuần khiết cho phép họ có thể cảm nhận được những việc thuộc về Thiên Chúa trong cuộc sống. 

Để làm sáng tỏ những Lời của Chúa Giêsu
*  Phương pháp mới về giảng dạy người ta và nói về Thiên Chúa.
Chúa Giêsu không phải là một học giả (Ga 7:15).  Không giống như thánh Phaolô Tông Đồ (Cv 23:3), Người đã không đi học ở Giêrusalem.
Người xuất thân từ miền quê, từ làng Nagiarét, một làng nhỏ trong xứ Galilê.  Bấy giờ, người thợ mộc từ xứ Galilê, đi đến Giêrusalem, và không có phép của các người có thẩm quyền, bắt đầu giảng dạy dân chúng ở quảng trường phía trước đền thờ!  Người đã nói những điều mới lạ.  Người nói một cách lạ lùng, siêu phàm! Thiên hạ sửng sốt bởi cách giảng dạy của Người:  “Một giáo lý mới mẻ!  Giảng dạy như người có thẩm quyền chứ không như các kinh sư! (Mc 1:22-27).  Điều Chúa Giêsu đã làm nhiều nhất là giảng dạy, đó là tập quán của Người.  Nhiều lần các tác giả Phúc Âm nói rằng Chúa Giêsu đã giảng dạy.  Nếu họ không luôn nói về những gì Chúa Giêsu đã dạy, đó không phải là vì họ không quan tâm đến nội dung, nhưng bởi vì nội dung hiện diện không những chỉ qua lời giảng dạy mà cũng còn qua cử chỉ và thái độ của Người đối với người ta.  Phần nội dung không bao giờ tách biệt khỏi con người truyền đạt nó.  Sự tốt lành và tình yêu mến trong cách cư xử của Người và sống với những người khác là một phần của nội dung.  Chúng giống như “nhân tố”, nội dung tốt mà không có sự tốt lành thì thật là đáng tiếc. 
*  Sự giảng dạy qua các dụ ngôn.
Hơn hết cả, Chúa Giêsu giảng dạy qua các dụ ngôn.  Người có một khả năng phi thường tìm thấy những sự so sánh để giải thích những điều thuộc về Thiên Chúa, những điều không rõ ràng, bằng cách dùng những ví dụ đơn giản và rõ ràng mà người ta biết và kinh nghiệm trong đời sống của họ, trong cuộc tranh đấu hằng ngày để sinh tồn.  Điều này bao hàm hai điều: giữ những kinh nghiệm của đời sống và giữ những việc thuộc về Thiên Chúa, về Vương Quốc của Thiên Chúa.
Thông thường, Chúa Giêsu không giải thích dụ ngôn, nhưng nói:  “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe!” hoặc “Các ngươi đã nghe.  Bây giờ hãy cố gắng mà hiểu!”  Ví dụ, người làm nông nghe dụ ngôn về hạt giống nói:  “Tôi biết rất rõ về hạt giống rơi trên đất ra sao!  Nhưng Chúa Giêsu nói việc này có liên hệ tới Vương Quốc Thiên Chúa.  Người muốn nói gì?”  Khi ấy chúng ta có thể tưởng tượng ra được những cuộc đối thoại và thảo luận dai dẳng của người ta.  Ngày kia một vị giám mục hỏi cộng đoàn:  “Chúa Giêsu nói rằng chúng ta phải nên giống như muối.  Muối được dùng vào việc gì?”  Cộng đoàn đã thảo luận điều này, và cuối cùng đã đưa ra hơn mười mục đích cho việc dùng muối!  Sau đó họ đã áp dụng tất cả những điều này vào đời sống của cộng đoàn và khám phá ra rằng trở thành muối thì khó khăn và đòi hỏi nhiều công sức.  Bài dụ ngôn đã thành công!
Trong một số dụ ngôn có những điều không thường xảy ra trong cuộc sống.  Thí dụ, có bao giờ chúng ta đã từng nhìn thấy người chăn chiên rời bỏ chín mươi chín con chiên để đi tìm một con chiên lạc chưa? (Lc 15:4).  Có khi nào chúng ta đã từng nhìn thấy một người cha chào đón đứa con hoang đàng với cỗ bàn linh đình và không một lời quở trách chưa? (Lc 15:20-24).  Có bao giờ chúng ta đã từng thấy một người Samaritan tốt lành hơn một người tư tế hay một thày cả chưa? (Lc 10:29-37).  Bằng vào cách này, dụ ngôn đưa ra nhưng ý nghĩ.  Nó mời gọi chúng ta tham gia vào trong câu chuyện và tự ngẫm nghĩ, bắt đầu từ kinh nghiệm đời sống và sau đó đối diện điều này với Thiên Chúa.  Nó khiến cho chúng ta khám phá ra từ kinh nghiệm rằng Thiên Chúa hiện hữu trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Dụ ngôn là một hình thức sư phạm giảng dạy có sự tham dự.  Nó không đưa ra từng chi tiết nhỏ.  Nó không cung cấp tất cả các dữ kiện, nhưng nó lôi kéo chúng ta đi khám phá.  Dụ ngôn thay đổi quan điểm của chúng ta; nó khiến cho chúng ta suy ngắm, những người đi sâu vào thực tế.  Đây là sự mới lạ của cách giảng dạy của Chúa Giêsu trong dụ ngôn.  Nó khác với lối giảng dạy của các luật sĩ đã dạy rằng Thiên Chúa chỉ tỏ mình trong việc tuân giữ lề luật.  Đối với Chúa Giêsu:  “Triều Đại của Thiên Chúa không phải là kết quả của việc tuân giữ lề luật.  Triều Đại của Thiên Chúa đang ở giữa các ông!” (Lc 17:21).            
6.  Thánh Vịnh 121
Ánh mắt chiêm niệm khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống
Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi,
ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao?
Ơn phù hộ tôi đến từ ĐỨC CHÚA
là Đấng dựng nên cả đất trời.
Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước,
xin Người chớ để bạn ngủ quên.
Đấng gìn giữ Israel,
lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành!
Chính CHÚA là Đấng canh giữ bạn,
chính CHÚA là Đấng vẫn chở che,
Người luôn luôn ở gần kề.
Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ,
đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi.
CHÚA giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh,
giữ gìn cho sinh mệnh an toàn.
CHÚA giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới,
từ giờ đây cho đến mãi muôn đời.
7.  Lời Nguyện Kết
Lạy Chúa Giêsu, chúng con xin cảm tạ Chúa về Lời Chúa đã giúp chúng con hiểu rõ hơn ý muốn của Chúa Cha.  Nguyện xin Thần Khí Chúa soi sáng các việc làm của chúng con và ban cho chúng con sức mạnh để thực hành Lời Chúa đã mặc khải cho chúng con.  Nguyện xin cho chúng con, được trở nên giống như Đức Maria, thân mẫu Chúa, không những chỉ lắng nghe mà còn thực hành Lời Chúa. Chúa là Đấng hằng sống hằng trị cùng với Đức Chúa Cha trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.  Amen.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét