Trang

Thứ Tư, 3 tháng 9, 2014

Giải đáp phụng vụ: Liệu đôi tân hôn phải có sự tháp tùng của cha mẹ trong cuộc rước không?

Giải đáp phụng vụ: Liệu đôi tân hôn phải có sự tháp tùng của cha mẹ trong cuộc rước không? 

Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Thưa cha, tại Mỹ, liệu cô dâu và chú rể có được tháp tùng bởi cha mẹ trong cuộc rước vào nhà thờ khi bắt đầu thánh lễ không? Nghi thức Hôn phối nói rằng "Nếu có cuộc rước vào nhà thờ, các người giúp lễ đi trước, tiếp theo là vị linh mục, và sau đó cô dâu và chú rể. Tùy theo tục lệ địa phương, họ có thể được tháp tùng bởi ít nhất là cha mẹ và hai người làm chứng" (số 20). Trong chữ đỏ này, phải chăng "tục lệ địa phương" là: tục lệ của giáo xứ, hoặc tục lệ của Hội Đồng Giám Mục, nơi mà Nghi thức Hôn phối được phép áp dụng? – A. M., Danville, Virginia, Mỹ. 


Đáp: Về tục lệ, Bộ Giáo luật nói như sau: 

“Ðiều 23: Một tục lệ do cộng đồng tín hữu du nhập chỉ có hiệu lực pháp lý một khi được nhà lập pháp chuẩn y, dựa theo những quy tắc của các điều kiện sau đây.

“Ðiều 24: § 1. Không tục lệ nào trái ngược với thiên luật có thể có hiệu lực pháp lý.

§2 Tục lệ trái ngược hoặc ở ngoài Giáo Luật (praeter ius canonicum) cũng không có hiệu lực pháp lý, nếu nó không hợp lý. Tuy nhiên, tục lệ nào đã bị minh thị bài bác thì không còn phải là hợp lý nữa.

“Ðiều 25: Không tục lệ nào có thể có hiệu lực pháp lý nếu không được tuân hành do một cộng đồng ít nhất là có khả năng thụ nhận một luật (iuris), với ý định du nhập luật lệ (legis). 

“Ðiều 26: Trừ khi được đặc biệt chuẩn y bởi nhà lập pháp có thẩm quyền, một tục lệ trái luật hay ngoại luật (praeter legem canonicam) chỉ đạt được hiệu lực pháp lý nếu đã được tuần hành hợp lệ trong khoảng thời gian ba mươi năm tròn và không gián đoạn. Tục lệ trái ngược với một điều luật có kèm khoản ngăn cấm các tục lệ tương lai thì chỉ có giá trị nếu đã được một trăm năm hay là đã từ lâu đời.

“Ðiều 27: Tục lệ là nguồn giải thích tốt nhất của luật pháp.

“Ðiều 28: Ðừng kể quy định của điều 5, một tục lệ trái luật hay ngoại luật (praeter legem) bị thu hồi do một tục lệ hay luật tương phản. Tuy nhiên, nếu không nói minh thị, thì luật không thu hồi các tục lệ đã có trăm năm hay lâu đời; cũng như luật phổ quát không thu hồi các tục lệ địa phương" (Bản dịch Việt ngữ do các Linh Mục: Nguyễn Văn Phương, Phan Tấn Thành, Vũ Văn Thiện, Mai Ðức Vinh thực hiện). 

Trong khi chúng tôi không thể bình luận cách mở rộng về Giáo luật, chúng tôi có thể nói rằng thí dụ của các cộng đồng có thể hình thành tục lệ là: các Giáo Hội quốc gia và địa phương; các tu hội đời sống thánh hiến và các tỉnh của họ; Phủ giám chức (prelature) tòng nhân; giáo xứ; các hiệp hội công và các hiệp hội tư đã nhận được quyền tài phán; các tu viện được chính thức thành lập; chủng viện... Như vậy, một "tục lệ địa phương" có thể là tục lệ của một giáo xứ. 

Các bản dịch tiếng Anh không luôn luôn phân biệt rõ ràng giữa "ius" (law, right, justice, luật, quyền, công lý) và "lex" (law, luật lệ). Nói đúng ra, một cộng đồng không thể giới thiệu một luật lệ vì đó là đặc quyền của một cơ quan lập pháp. Cộng đồng này chỉ có thể giới thiệu các qui định, vốn có thể hay không có thể có hiệu lực pháp lý. 

Do đó, các chuyên viên giáo luật đôi khi phân biệt giữa tục lệ pháp lý, mà người tín hữu bắt buộc phải làm theo, và một tục lệ của thực tế mà không có hiệu lực pháp lý. 

Do luật 30 năm hình thành tục lệ, một số Giám mục đã ban hành các sắc lệnh chung trong năm 2013 nhằm bãi bỏ tất cả các thực hành, vốn không còn phù hợp với luật phụng vụ và giáo luật. Điều này đã được thực hiện như một biện pháp phòng ngừa, bởi vì 30 năm đã trôi qua kể từ khi ban hành Bộ Giáo Luật vào năm 1983. Bằng cách này, các Giám mục đảm bảo rằng không có sự thực hành lạm dụng có thể được xem là một tục lệ hợp pháp. 

Trong một cách tương tự, Tòa Thánh đã đặc biệt cấm một số lạm dụng phụng vụ. Một lần nữa, điều này loại trừ khả năng lạm dụng, vốn đòi cho được xem là tục lệ hợp pháp, bởi vì không sự thực hành cấm đoán nào có thể nhập vào phạm trù này. 

Luật chữ đỏ liên quan đến các cặp vợ chồng tham gia vào cuộc rước vào nhà thờ đã được ban hành lần đầu tiên vào năm 1970. Hôn nhân là một lĩnh vực mà Tòa Thánh trao sự tự do rộng rãi cho Hội đồng Giám mục Quốc gia, để thiết lập các nghi thức phù hợp với truyền thống dân tộc, sao cho tương thích với giáo lý Kitô giáo đích thực và sự thực hành. Trong các nước có các truyền thống văn hóa đa dạng, các Giám mục thường thấy trước khả năng các sự sử dụng khác nhau. 

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng việc linh mục và đôi tân hôn cùng được rước đầu thánh lễ đã cần có thời gian dài để được chấp nhận tại một số nơi, và ngày nay việc rước này vẫn chưa là phổ quát. 

Hình thức nghi thức này nhấn mạnh sự tự do của đôi tân hôn, khi họ thực hiện giao ước hôn nhân của họ, vốn là một việc cử hành tôn giáo, và chính đôi tân hôn là thừa tác viên của bí tích hôn phối của họ. 

Việc này cũng tách ra khỏi các lối diễn tả nghi thức, vốn có thể gợi ý rằng tục lệ hôn nhân là không còn hiện diện trong xã hội phương Tây, và đã được hoan nghênh trong một thời kỳ khi mà, bằng cách nào đó, cô dâu được cha mẹ mình trao tặng hoặc trao đổi vì của hồi môn. 

Tuy nhiên, ngay cả khi tục lệ ấy, chẳng hạn như của hồi môn, không còn nữa, lối diễn tả nghi thức của họ thường được giải thích theo cách thức mới và tích cực hơn. Vì vậy, sự hiện diện của cha mẹ của đôi tân hôn, chứ không chỉ là thân phụ của cô dâu, có thể biểu tượng rằng bí tích kết hợp hai gia đình và tạo ra một gia đình mới. 

Việc giải thích lại này cũng có thể xảy ra mà không thay đổi các nghi thức. Vì vậy, sự tồn tại của tục lệ thân phụ cô dâu dẫn cô dâu đi tới và trao cho chú rể đang đứng đợi là có thể được, bởi vì ngày nay không ai còn liên kết hình ảnh này với sự trao đổi của hồi môn cả. Nó đã có một ý nghĩa khác và lành mạnh hơn trong tâm trí con người nói chung, và chỉ có các sử gia biết được nguồn gốc của nó mà thôi. 

Tính liên tục của tục lệ trên có lẽ là một ví dụ về một tục lệ địa phương phổ biến rộng rãi ngoài vòng luật lệ, và nói cho đúng, là trái với luật lệ. Tuy nhiên, trong trường hợp này, chúng ta đang đối phó với luật phụng vụ chứ không Giáo luật. Nó không phải là một tục lệ pháp lý, khi luôn có sẵn nghi thức mới, và không ai buộc phải tuân theo các thực hành cũ hoặc phải có cuộc rước. 

Trong trường hợp của hôn nhân, cũng có thể có các tục lệ hợp pháp, vốn đã in sâu vào trong một truyền thống dân tộc đặc biệt và hiện diện mạnh mẽ trong một giáo phận hay giáo xứ. Ngay cả khi nó không phải là một vần đề luật lệ, tôi nghĩ rằng nhiều linh mục đã có kinh nghiệm như thế nào về sự cử hành hôn nhân nhạy cảm. Linh mục cần có sự khéo xử và sự quyết đoán để chấp nhận những gì có thể được chấp nhận, và giải thích tại sao một số yếu tố không thể được chấp nhận. (Zenit.org 2-9-2014)

Nguyễn Trọng Đa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét