Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 10, 2014

05-10-2014 :(phần I) CHÚA NHẬT XXVII MÙA THƯỜNG NIÊN năm A

05/10/2014
Chúa Nhật 27 Quanh Năm Năm A
(Phần I)


 Bài Ðọc I: Is 5, 1-7
"Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel".
Trích sách Tiên tri Isaia.
Tôi sẽ ca tặng người yêu bài hát của cô bác tôi về vườn nho.
Người tôi yêu có một vườn nho trên đồi xinh tươi. Người rào giậu, nhặt đá, trồng cây chọn lọc, xây tháp giữa vườn, lập máy ép trong vườn, và trông mong nó sinh quả nho, nhưng nó lại sinh toàn nho dại.
Vậy giờ đây, hỡi dân cư Giêrusalem và người Giuđa, hãy luận xét giữa ta và vườn nho ta. Nào còn việc gì phải làm cho vườn nho ta mà ta đã không làm? Sao ta trông mong nó sinh quả nho, mà nó lại sinh quả nho dại!
Giờ đây ta tỏ bày cho các ngươi biết ta sẽ làm gì đối với vườn nho ta: Ta sẽ phá hàng rào, để nó bị tàn phá, sẽ phá tường để nó phải bị giầy đạp. Ta sẽ bỏ nó hoang vu, không cắt tỉa, không vun xới; gai góc sẽ mọc lên, và ta sẽ khiến mây không mưa xuống trên nó. Vườn nho của Chúa các đạo binh là nhà Israel, và người Giuđa là chồi cây Chúa vui thích. Ta trông mong nó thực hành điều chính trực, nhưng đây toàn sự gian ác. Ta trông mong nó thực hành đức công bình, nhưng đây toàn là tiếng kêu oan.
Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 79, 9 và 12. 13-14. 15-16. 19-20
Ðáp: Vườn nho của Chúa là nhà Israel (c. Is 5, 7a).
Xướng: 1) Từ Ai-cập Chúa đã mang về một gốc nho. Chúa đã đuổi chư dân đi để ương trồng nó. Nó vươn ngành ra cho tới nơi biển cả, vươn chồi non cho tới chỗ đại giang. - Ðáp.
2) Tại sao Ngài phá vỡ hàng rào, để bao khách qua đường đều lảy hái nó, để lợn rừng xông ra tàn phá, và muông thú ngoài đồng dùng nó làm cỏ nuôi thân? - Ðáp.
3) Lạy Chúa thiên binh, xin thương trở lại; từ trời cao xin nhìn coi và thăm viếng vườn nho này. Xin bảo vệ vườn nho mà tay hữu Ngài đã cấy, bảo vệ ngành nho mà Ngài đã củng cố cho mình. - Ðáp.
4) Chúng con sẽ không còn rời xa Chúa nữa. Chúa cho chúng con được sống, và chúng con ca tụng danh Ngài. Lạy Chúa thiên binh, xin cho chúng con được phục hồi, xin tỏ thiên nhan hiền từ Chúa ra, hầu cho chúng con được ơn cứu sống. - Ðáp.

Bài Ðọc II: Pl 4, 6-9
"Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em".
Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Philipphê.
Anh em thân mến, anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, anh em hãy trình bày những ước vọng lên cùng Chúa, bằng kinh nguyện và lời cầu xin đi đôi với lời cảm tạ. Và bình an của Thiên Chúa vượt mọi trí hiểu, sẽ giữ gìn lòng trí anh em trong Chúa Giêsu Kitô.
Vả lại, hỡi anh em, những gì là chân thật, trong sạch, công chính, là thánh thiện, đáng yêu chuộng, danh thơm tiếng tốt, là nhân đức, là luật pháp đáng khen, thì anh em hãy tưởng nghĩ những sự ấy. Những điều anh em đã học biết, đã lãnh nhận, đã nghe và đã thấy nơi tôi, anh em hãy đem những điều đó ra thực hành, thì Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.
Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 5
Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy. - Alleluia.

Phúc Âm: Mt 21, 33-43
"Ông sẽ cho người khác thuê vườn nho".
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các thượng tế và các kỳ lão trong dân rằng: "Các ông hãy nghe dụ ngôn này: Có ông chủ nhà kia trồng được một vườn nho. Ông rào dậu chung quanh, đào hầm ép rượu và xây tháp canh, đoạn ông cho tá điền thuê, rồi đi phương xa. Ðến mùa nho, ông sai đầy tớ đến nhà tá điền để thu phần hoa lợi. Nhưng những người làm vườn nho bắt các đầy tớ ông: đánh đứa này, giết đứa kia và ném đá đứa khác. Chủ lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước, nhưng họ cũng xử với chúng như vậy. Sau cùng chủ sai chính con trai mình đến với họ, vì nghĩ rằng: Họ sẽ kính nể con trai mình. Nhưng bọn làm vườn vừa thấy con trai ông chủ liền bảo nhau: "Ðứa con thừa tự kia rồi, nào anh em! Chúng ta hãy giết nó đi và chiếm lấy gia tài của nó". Rồi họ bắt cậu, lôi ra khỏi vườn nho mà giết. Vậy khi chủ về, ông sẽ xử trí với bọn họ thế nào?" Các ông trả lời, "Ông sẽ tru diệt bọn hung ác đó, và sẽ cho người khác thuê vườn nho để cứ mùa nộp phần hoa lợi".
Chúa Giêsu phán: "Các ông chưa bao giờ đọc thấy trong Kinh Thánh: "Chính viên đá bọn thợ loại ra, đã trở nên viên đá góc. Ðó là việc Chúa làm và là việc lạ lùng trước mắt chúng ta!" Bởi vậy, Tôi bảo các ông: Nước Thiên Chúa sẽ cất khỏi các ông để trao cho dân tộc khác biết làm cho trổ sinh hoa trái".
Ðó là lời Chúa.


Suy Niệm: Dân Chúa Là Vườn Nho

Nếu chúng ta còn nhớ những điều đã nói trong Chúa nhật trước, chúng ta đã thấy bài Tin Mừng hôm nay tiếp nối những Lời Chúa Yêsu nói với các Thượng tế và Niên trưởng trong Dân mà Chúa nhật trước chúng ta đã nghe đọc. Nhưng dù không có trí nhớ như vậy, các bài Kinh Thánh hôm nay tương đối cũng dễ hiểu và có thể gợi lên nhiều suy nghĩ ích lợi.

A. Dân Chúa Là Vườn Nho
Bài sách Isaia rất thi vị. Các tác giả tiếp tục gọi nó là bài ca Vườn nho. Không phải chỉ một mình Isaia ví Dân Chúa là Vườn nho. Hôsê đã gọi Israel là cây nho um tùm, trổ ra hoa trái (10,1). Yêrêmya còn năng sử dụng hình ảnh này hơn nữa (2,21; 5,10; 6,9; 12,10). Và Êzêkiel cũng không tiếc lời (15,1-8; 17,3-10; 19,10-14). Tuy nhiên như chúng ta sẽ thấy chẳng tác giả nào nói đến cây nho thâm thúy như Ðức Yêsu Kitô khi Người tuyên bố: "Cây nho đích thực, chính là Ta!". Nhưng phải có các ngôn sứ đi trước để dọn đường cho chúng ta bắt được giáo lý của Người. Thế nên hôm nay chúng ta sẽ hiểu bài ca Vườn nho của Isaia theo phương hướng ấy.
Vị ngôn sứ viết nên Bài ca này khi ông mới được tuyển chọn để sai đến nói với dân cứng lòng. Chúng ta có thể thoáng thấy nghệ thuật văn chương của ông qua Bài ca này. Nhưng đừng vì hình thức văn chương mà quên chiều sâu của tư tưởng. Trong dân Dothái vườn nho còn ngụ nghĩa bóng là người tình nhân. Mới đến với dân chúng mà Isaia đã dám hát Bài ca này thiết tưởng ông đã không do dự đưa người ta vào vấn đề chính của Dân Chúa.
Ðây là Dân giao ước, Dân của mối tình thắm thiết mà Thiên Chúa đã dành cho dòng dõi Abraham. Người đã không tiếc với họ một tý gì. Ngược lại, như người trồng nho cần cù, Người đã vỡ đất nhặt đá trước khi đem trồng một thân nho đan tử. Với chan chứa hy vọng, Người cất tháp canh và khoét sẵn một bồn đạp nho. Người trông nó sẽ sai trái.
Phải, Thiên Chúa đã trông đợi rất nhiều ở Israel. Không phải để Người lợi dụng, bởi vì Người có thiếu thốn gì và các vinh dự ở đời này đối với Người có là chi! Nhưng ngay từ đầu Người đã muốn cho con cái Abraham nhiều như sao trên trời và như cát ngoài biển; Người muốn mọi dân nhờ đấy mà được phúc.
Nhưng đau đớn làm sao: họ đã trở nên dân phản phúc. Cây nho đan tử đã sinh ra nho dại. Nó làm ô Danh Thiên Chúa giữa các dân tộc, vì tình yêu tốt đẹp Người ban cho nó trong giao ước, nó đã đem đi cho các tà thần. Nó được chọn làm tình nhân của Người nhưng lại trở nên dâm đãng. Thân nho đan tử đã sinh ra nho dại là thế!
Isaia nói: vì thế Thiên Chúa sẽ để cho nhà Israel trở nên tan hoang như người bạn sẽ để cho vườn nho trở thành hoang địa. Tuy nhiên cũng Isaia sẽ nói: trong những ngày sẽ đến, Yacob sẽ đâm rễ, Israel đơm hoa nảy chồi, khắp mặt dương gian đầy dẫy hoa trái bởi vì Chúa sẽ không bỏ mãi dân Người, Người sẽ quay mặt và trở lại ghé thăm; Người sẽ trồng lại cây nho đan tử, rồi Người canh giữ và tưới nước: Israel sẽ là vườn nho thanh tú (27,1-7).
Thật ra lịch sử Israel không diễn tiến đơn giản như lời Isaia. Ðất Yuđa đã có lúc tan hoang thật sự. Vườn nho đã trở nên hoang địa trong lúc Lưu đày. Nhưng khi Chúa xót thương trồng lại cây nho Israel; nó chỉ tươi tốt một thời gian, rồi lại sinh ra trái dại, và trâu bò lại giày xéo nó thành hoang địa. Cho mãi đến ngày, vào thời viên mãn, từ gốc Yêssê đã mọc lên một chồi, nở thành thân cây mới; và Thánh Thần Thiên Chúa đã ngự xuống, sai Người đi rao giảng Tin Mừng, khiến một ngày kia thiên hạ được nghe nói: "Cây nho thật, chính là Ta và tất cả các ngươi là cành".
Bài ca của Isaia lúc đó mới kết thúc. Vườn nho đích thực, cây nho đan tử là chính Ðức Yêsu Kitô. Người là Israel mới, thay thế hẳn Israel cũ. Dân Chúa từ nay là Người. Giao ước từ nay mới vĩnh viễn, vì thiên tính và nhân tính ở nơi Người từ nay làm thành một, không thể phân ly. Ai muốn sinh hoa trái đích thực thánh thiện phải liên kết với Người và ở lại trong Người. Còn cành nào lìa khỏi Người sẽ khô héo và bị chặt đi quăng vào lửa.
Như vậy Bài ca Vườn nho của Isaia đưa chúng ta đi rất xa, vượt khỏi giới hạn của lịch sử Israel, mở sang mầu nhiệm Ðức Kitô, vẽ ra viễn tượng về Hội Thánh. Chúng ta thấy mình ở trong đó. Vườn nho kia không còn xa lạ nữa. Ðó không phải là đối tượng để ngắm nhìn với con mắt bàng quan. Chúng ta là cành của cây nho đan tử. Chúng ta đang tươi tốt, đầy nhựa sống của thân cây hay chúng ta đang khô héo vì sống tách khỏi Chúa Yêsu Kitô là cây nho đích thực?
Nhiều người không hiểu Bài ca Vườn nho đến mức độ ấy. Họ luôn nhìn Vườn nho của Chúa như một khoảng đất và như một cánh đồng và họ là những người đang làm việc ở trong. Họ hãy cẩn thận nghe bài dụ ngôn Chúa nói sau đây:

B. Những Tá Ðiền Vườn Nho
Một người kia đã trồng một vườn nho. Ông cho tá điền trưng rồi trẩy đi xa. Mùa màng đến ông sai người nhà đến thu hoạch trái trăng. Bọn tá điền túm lấy chúng, đập đánh và giết đi. Người kia cho con của mình đến. Bọn chúng cũng bắt giết luôn, hy vọng không còn kẻ thừa tự, mình sẽ chiếm được vườn nho...
Nếu các Thượng tế và Niên trưởng khi nghe Chúa Yêsu nói mà nhớ đến bài ca Vườn nho của Isaia, có lẽ họ đã nhận ra Người đã muốn ám chỉ họ. Thiên Chúa đã không giao vườn nho Israel cho họ trưng sao? Họ đang cai trị dân nhân Danh Người mà! Người muốn vườn nho Israel tươi tốt và sinh ra trái ngọt. Nhưng tình trạng luôn luôn không phải như vậy. Thiên Chúa xót thương muốn ra tay cứu độ. Người sai các ngôn sứ tới: nhưng không có tiên tri nào không bị hàng đầu mục trong Dân hành hạ và đâm giết, từ Abel cho tới thời Zacarya! Nay Người đang sai Con của Người đến. Và họ đang mưu đồ giết hại Người.
Giả như các Thượng tế và Niên trưởng đã biết suy nghĩ như vậy, chắc chắn không cần phải Chúa Yêsu đặt câu hỏi thêm: "Vậy khi chủ vườn nho đến thì ông sẽ xử thế nào với những tá điền ấy?". Và nhất là chắc chắn họ sẽ không dám mau miệng trả lời rằng: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt chúng và để vườn nho lại cho những tá điền khác trưng".
Nhưng chính nhờ sự u mê, chậm trí của họ mà chúng ta được biết thêm: "Viên đá thợ xây đã thải, thì lại thành Ðỉnh góc". Chúa Yêsu muốn nói đến việc phục sinh của Người, sau khi bị các Thượng tế và Niên trưởng dân Dothái loại bỏ. Họ tưởng giết quách được Người Con của Thiên Chúa để từ nay tha hồ lộng hành trong Vườn nho của Người. Ai ngờ công việc Chúa làm thì lại khác. Chính trong mầu nhiệm Phục sinh mà Ðức Yêsu Kitô lại được tuyên dương là Con Chí Ái của Thiên Chúa hơn hết: "Con là Con Ta, nay Ta đã sinh ra Con". Và từ đó trên cây thập giá, Ðức Yêsu Kitô đã trở thành Cây nho đích thực, để kéo mọi người lên, kết hợp họ thành các cành cây xanh tốt sinh nhiều hoa trái. Dĩ nhiên khi ấy, Thiên Chúa đã cất Nước Trời khỏi tay các Thượng tế và Niên trưởng Dothái và ban cho một Dân Mới.
Chúng ta là Dân Mới này. Chúng ta vừa là vườn nho vừa ở trong vườn nho. Chúng ta có thể thấy mình như các người thợ mà Chúa thuê vào làm vườn nho của Người: người được thuê sớm, người được thuê muộn (xem Mt 20), người làm giáo dân, người làm linh mục, tu sĩ. Nhưng theo thánh Phaolô "kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng có là gì ấy là Thiên Chúa, Ðấng làm cho mọc lên" (1C 3,5-7). Do đó sâu xa mà nói, chúng ta hãy thâm tín lời Chúa Yêsu nói với các môn đệ: "Cây nho đích thực, chính là Ta! Và Cha Ta là người canh tác... Còn các ngươi, các người là nhánh".
Do đó, cho dù bài Tin Mừng hôm nay muốn lôi kéo chúng ta suy nghĩ về cách thức phục vụ của chúng ta ở trong Hội Thánh; nhưng trong chiều hướng của các bài Thánh Kinh nói về vườn nho và cây nho, chúng ta nên suy nghĩ nhiều hơn đến thân phận và nghĩa vụ của chúng ta với tư cách là nhánh nho và là cây nho của Thiên Chúa. Và đó cũng là điều cuối cùng mà Chúa Yêsu đã muốn nói với các Thượng tế và Niên trưởng Dothái khi kể cho họ ví dụ các tá điền vườn nho. Cuối cùng Người muốn họ tin vào Người, chấp nhận Người, kết hợp với Người để trở nên nhánh nho trong Cây nho đích thực là chính Người.
Bây giờ chúng ta không còn coi mình như tá điền và thợ làm thuê nữa, nhưng như con cái trong nhà và như con cái Thiên Chúa ở trong Người Con Chí Ái của Người. Chính Người trong Bữa ăn cuối cùng đã nói Người là cây nho đích thực và chúng ta là nhánh để gợi lên tương quan mật thiết sâu xa giữa Người và chúng ta. Cũng chính hôm ấy, và cũng nơi Bàn Tiệc ly, Người cũng đã nói: "Thầy không gọi các ngươi là tôi tớ nữa, nhưng là bạn hữu..." Và Người còn nói: Các ngươi là bạn hữu của Ta nếu các ngươi làm điều Ta truyền dạy các ngươi... Và này là lệnh của Ta: các ngươi hãy yêu mến nhau như Ta đã yêu mến các ngươi.
Như vậy Chúa đã vạch rõ cho chúng ta nếp sống phải có ở trong vườn nho Chúa, là Dân của Người, là Hội Thánh của Chúa Yêsu Kitô. Không những chúng ta phải kết hiệp với Chúa mà còn phải sống sự kết hiệp ấy một cách cụ thể, khi chúng ta yêu mến nhau, để Hội Thánh của Chúa là cộng đoàn huynh đệ bác ái. Vườn nho của Người sẽ tốt tươi sinh trái.
Tuy nhiên có thể vẫn còn một vấn nạn cuối cùng. Dù sao Hội Thánh cũng là Vườn nho của Chúa. Hội Thánh có thoát khỏi định mệnh đau đớn của nhà Israel ngày xưa không? Thánh Phaolô trong bài thư hôm nay khuyên chúng ta hãy tìm lấy sự bình an...
C. Cầu Xin Và Cảm Tạ
Thánh Tông đồ bấy giờ đang bị giam cầm. Giáo đoàn Philip rất buồn. Họ thương và lo cho người. Và có thể có những người bắt đầu lung lay về niềm tin, không chắc chắn ở tương lai của Hội Thánh.
Nhưng thánh Tông đồ viết cho giáo đoàn ấy: "Anh em đừng lo gì!". Không phải người không đo lường hết những sự khó khăn và nguy hiểm. Người còn thấy sự chết đã gần nữa. Nhưng người coi chung cục này bình tĩnh và siêu nhiên biết bao! Người ao ước được đồng hình đồng dạng với sự chết của Ðức Kitô, để làm sao đạt đến ơn phục sinh từ cõi chết (3,11). Một người đã nhìn đời như thế mới có thể nói lên những lời đem lại sự bình an thật sự.
Quả thế, thánh Tông đồ bảo anh em Philip: "Cứ giãi bày trước mặt Thiên Chúa các điều anh em thỉnh nguyện". Nhưng phải dùng lời khẩn nguyện, cầu xin với cảm tạ, tức là phải có lòng tín nhiệm và phó thác. "Bấy giờ sự bình an của Thiên Chúa vượt quá mọi suy tưởng sẽ canh giữ lòng dạ anh em".
Ðang khi ấy, người cũng khuyên anh em: phàm những gì là chân thật... là công minh... là danh thơm tiếng tốt... anh em hãy chú trọng đến cả... Và Thiên Chúa bình an sẽ ở cùng anh em.
Thiết tưởng những lời ấy không bao giờ hết giá trị. Nếu ai nghi ngờ về tương lai của Hội Thánh là vườn nho của Chúa, họ hãy suy nghĩ và thi hành những lời thánh Phaolô khuyên nhủ. Một đàng cứ tín nhiệm phó thác, và đồng thời cứ sống "khả ái" Chúa sẽ ban cho chúng ta được sự bình an mà thế gian không thể ban được đến nỗi dù đi trong u tối niềm tin vẫn sáng tỏ trong tâm hồn chúng ta.
Tuy nhiên, bao lâu chưa có kinh nghiệm này, chúng ta vẫn có thể nhìn vào mầu nhiệm Tử nạn-Phục sinh của Chúa Yêsu Kitô để vững dạ tin rằng, nếu cây nho đích thực là chính Người, thì chỉ còn vấn đề các nhánh không ở trong Người sẽ khô héo đi, chứ cây nho đan tử của Thiên Chúa toàn năng sẽ không khi nào lụi đi nữa, cho dù vẫn còn những tá điền không tốt. Nghĩa vụ và lợi ích của chúng ta chỉ còn là luôn kết hiệp với Ðức Yêsu Kitô.
Ðó chính là điều mà giờ đây chúng ta cố gắng làm khi cử hành Thánh Thể. Dù còn nhiều âu lo trong đời sống, hết thảy chúng ta hãy tin tưởng chạy đến với Ðức Yêsu Kitô. Người ở trên Thánh giá như Cây nho đan tử của Thiên Chúa Cha. Người có sự sống để thông ban cho những ai muốn kết hiệp vào Người như nhánh nho vào thân nho.
Ðây là sự sống đã vượt thắng sự chết, nên không bao giờ chết nữa, để ai tin mà nhận lấy thì dù có chết cũng sẽ sống lại, và để ai sống lại thì sẽ đem lại nhiều hoa trái, không phải những trái nho dại, nhưng là những trái nho đích thực nặng chĩu những hành động công minh, thánh thiện, danh thơm và tiếng tốt.

(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)


Lời Chúa Mỗi Ngày
Chủ Nhật 27 Thường Niên, Năm A
Bài đọc: Isa 5:1-7; Phil 4:6-9; Mt 21:33-43.

GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Vườn nho của Thiên Chúa
- Trong cuộc đời không ai dại dột đến độ cứ tiếp tục kiên nhẫn đầu tư vào những gì không sinh hoa kết trái, nhưng sẽ chuyển hướng và đầu tư vào những gì có lợi hơn.
- Thiên Chúa cũng thế, Ngài trang bị cho con người tất cả những gì cần thiết để họ có thể sinh hoa quả tốt và kiên nhẫn đợi chờ để thấy những kết quả này. Nhưng nếu con người chẳng những đã không sinh hoa kết quả tốt mà còn sinh tòan những kết quả xấu; Ngài sẽ lấy đi tất cả những quà tặng đã ban và trao cho những người khác có khả năng làm sinh lợi ích cho Ngài.
- Bài đọc I và Phúc Âm hôm nay dẫn chứng cho chúng ta thấy cách thức đầu tư của Thiên Chúa qua 2 câu truyện rất thú vị về vườn nho: Bài đọc I chú trọng đến nho dại trong khi Phúc Âm chú trọng đến cách hành xử ác độc của các tá điền đối với các đầy tớ, nhất là đối với người con trai của chủ. Bài đọc II chú trọng đến những lọai nho tốt và cách thức để có thể sinh những lọai nho này.

KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/ Bài đọc I: Tôi mong đợi trái tốt, tại sao chỉ thấy những nho dại?
Tiên tri Isaiah (thế kỷ 8th trước công nguyên) dùng câu truyện vườn nho để nói lên sự liên hệ giữa Thiên Chúa và dân tộc Do-Thái, cùng tất cả những gì sẽ xảy đến trong tương lai. Chủ vườn nho là chính Thiên Chúa, vườn nho là nhà Israel, giống nho quí là chi tộc Judah.
Trong nông nghiệp, đất và giống là hai yếu tố chính quyết định mùa màng. Chủ vườn nho đã có đất trên sườn đồi mầu mỡ và đã mang giống nho quí đem trồng sau khi đã ra sức cuốc đất nhặt đá. Ông còn xây giữa vườn một vọng gác để canh chừng sự phá họai từ bên ngòai và chuẩn bị cho mùa màng bằng cách khoét bồn đạp nho. Ông không hiểu lý do tại sao ông đã cố gắng làm hết sức mà không thấy kết quả như lòng mong ước: thay vì trái tốt thì nó lại sinh nho dại. Sau khi nhận thấy những cố gắng của mình không có kết quả, chủ vườn nho quyết định phá hủy hòan tòan vườn nho của mình bằng cách biến thửa vườn thành mảnh đất hoang vu.
Thiên Chúa đã dẫn dắt dân tộc Israel từ Ai-Cập vào vùng đất Canaan, vùng chảy sữa và mật. Ngài ban cho chi tộc yêu quí Judah vùng Jerusalem để thay Ngài lãnh đạo và cai trị dân Israel trong công bình và chính trực. Tất cả những gì cần để thực hiện điều đó Thiên Chúa đã chuẩn bị hết cho dân: các giới răn, Đền Thờ, giới lãnh đạo, các tiên tri …
Thế mà kết quả xảy ra hòan tòan trái ngược với những gì Thiên Chúa mong ước: “Người những mong họ sống công bình, mà chỉ thấy toàn là đổ máu; đợi chờ họ làm điều chính trực, mà chỉ nghe vẳng tiếng khóc than.” Sách Các Vua quyển thứ nhất, chương 21, tường thuật Vua Samaria Ahab đã chiếm đọat vườn nho của Naboth, bằng cách nghe theo kế họach nham hiểm của hòang hậu Jezebel để giết chết ông. Sách Các Vua quyển thứ hai, chương 11, tường thuật chuyện Vua David bày kế giết Uriah, bằng cách gởi ông ra chiến trận cho quân thù giết chết, để tước đọat vợ của ông là Bathsheba. Những câu truyện tương tự như thế đã xảy ra trên tòan cõi Israel và tiếng khóc than của dân nghèo vô tội đã kêu thấu đến Thiên Chúa. Chúa đã không ngừng gởi các tiên tri đến để cảnh cáo và kêu gọi dân chúng ăn năn quay trở về, nhưng họ đã không thèm nghe mà còn mạ lỵ và giết các tiên tri.
Vì thế, Thiên Chúa đã quyết định không che chở Israel nữa và để mặc cho quân ngọai bang xâm lấn. Đây là những gì đã xảy ra cho dân tộc Do-Thái sau khi Thiên Chúa quyết định để vườn nho Israel thành hoang dại: Vào năm 721 BC, vương quốc Samaria bị rơi vào tay Vua Assyria. Vua quan và dân chúng bị đưa đi lưu đày ở Assyria. Khi thấy sự kiện này xảy đến, lẽ ra vua quan của vương quốc Judah phải học được bài học mà quay trở về với Chúa; nhưng họ lại tiếp tục theo đường lối của mình. Kết quả là vào năm 587 BC, vương quốc Judah bị rơi vào tay Vua Babylon. Đền thờ Jerusalem bị phá hủy hòan tòan, tất cả nhà vua và triều thần cùng dân chúng bị đem đi lưu đày tại Babylon.
2/ Bài đọc II: Hãy cố gắng sinh trái tốt.
2.1/ Cách sinh nho tốt: Con người sinh nho dại vì con người không tin nơi sự quan phòng của Thiên Chúa và tự lo lắng vun xới cho mình bất chấp những đau khổ của tha nhân. Để có thể sinh trái tốt, thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng lo lắng gì cả. Nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin, và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. Và bình an của Thiên Chúa, bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Kitô Giêsu.”
2.2/ Những nho tốt trong cuộc đời: Giống như tiên tri Isaiah trong Bài đọc I, thánh Phaolô liệt kê những lọai nho tốt: những gì là chân thật và cao quí, những gì là chính trực tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh và đáng khen.
Để dẫn chứng những điều khuyên này không vượt quá sức con người, thánh Phaolô đưa ra một ví dụ cụ thể là chính cuộc đời của ngài: “Những gì anh em đã học hỏi, đã lãnh nhận, đã nghe, đã thấy ở nơi tôi, thì hãy đem ra thực hành, và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em.”
3/ Phúc Âm: Con ông chủ vườn nho bị bắt và giết chết.
3.1/ Vườn nho trong Tân Ước: Có thể nói trình thuật của Matthêu hôm nay là bài ca thứ hai tiếp nối bài ca thứ nhất của tiên tri Isaiah về vườn nho của Thiên Chúa. Người chủ vườn vẫn là Thiên Chúa, vườn nho vẫn là nhà Israel. Điểm khác biệt giữa hai bài ca là chủ vườn không tự canh tác nhưng cho các tá điền mướn để canh tác.
3.2/ Khi mùa màng tới, ông sai các người nhà của ông đến 3 lần để thu hoa lợi:
(1) Đầu tiên, ông sai các đầy tớ đến, nhưng bọn tá điền bắt các đầy tớ của ông: chúng đánh người này, giết người kia, ném đá người nọ. Kế tiếp, ông lại sai một số đầy tớ khác đông hơn trước: nhưng bọn tá điền cũng xử với họ y như vậy. Các đầy tớ này là hình ảnh các tiên tri của Chúa sai đến để cảnh tỉnh dân chúng và kêu gọi dân trở về với Thiên Chúa. Họ đã không nghe lại còn mạ lỵ, đánh đập, và giết chết.
(2) Sau cùng ông sai chính con của mình vì nghĩ rằng: "Chúng sẽ nể con ta." Nhưng bọn tá điền vừa thấy người con, thì bảo nhau: "Đứa thừa tự đây rồi! Nào ta giết quách nó đi, và đoạt lấy gia tài nó!" Thế là chúng bắt lấy cậu, quăng ra bên ngoài vườn nho, và giết đi. Người con này Chúa Giêsu muốn ám chỉ chính là Ngài mà Chúa Cha đã gởi tới để mặc khải và chuộc tội cho con người. Họ chẳng những đã không nghe Ngài, mà sẽ còn bắt trói, đánh đòn, đóng đinh và treo trên Thập Tự cho đến chết trong tương lai.
3.3/ Phản ứng của chủ vườn nho: Chúa Giêsu đặt câu hỏi với khán giả: “Khi ông chủ vườn nho đến, ông sẽ làm gì bọn tá điền kia?” Chính khán giả đã ra bản án cho mình khi họ trả lời Chúa: "Ác giả ác báo, ông sẽ tru diệt bọn chúng, và cho các tá điền khác canh tác vườn nho, để cứ đúng mùa, họ nộp hoa lợi cho ông."
Rồi Chúa Giê-su bảo họ: "Các ông chưa bao giờ đọc câu này trong Kinh Thánh sao? Tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường. Đó chính là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta. Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi.” Tảng đá bị lọai bỏ đây chính là Chúa Giêsu, Ngài sẽ trở nên Tảng Đá góc tường của tòa nhà Giáo Hội trong tương lai. Vì người Do-thái từ chối không tiếp nhận Chúa Giêsu nên ơn Cứu Độ được loan truyền cho tất cả Dân Ngoại.

ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
- Thiên Chúa đã chuẩn bị cho chúng ta mọi thứ cần thiết để sống một cuộc đời xứng đáng với tước vị làm con Thiên Chúa và đạt được đích điểm của cuộc đời: (1) những nhà lãnh đạo tốt lành không ngừng che chở, kêu gọi, và hướng dẫn chúng ta đi trong nẻo chính đường ngay như cha mẹ, thầy cô, linh mục tu sĩ, Giáo Hội; (2) cuốn Kinh Thánh bao gồm tất cả mặc khải của Thiên Chúa và mọi vấn nạn cùng cách giải quyết về những gì xảy ra trong cuộc đời; (3) các Bí-tích để tha tội và ban ơn trong mọi trạng huống của cuộc đời con người; (4) Thập Giới và các giáo huấn của Giáo Hội để giúp con người ở trong vùng an tòan và đừng mạo hiểm bước ra vùng nguy hiểm của quỉ dữ; (5) Chúa Kitô đã yêu thương chịu chết và mở đường cho con người vào cõi trường sinh bất tử.
- Nếu con người biết lợi dụng tất cả những gì Chúa ban, con người sẽ sinh hoa quả tốt như lòng mong ước của Chúa. Nhưng nếu con người khinh thường và không biết lợi dụng những quà tặng Chúa ban và cố chấp sống theo những gì họ suy tưởng hay cám dỗ của quỉ dữ, họ sẽ sinh đủ mọi thứ hoa quả dại.
- Lý do con người sinh hoa quả xấu không phải do nơi Thiên Chúa vì Ngài đã trang bị tất cả những gì cần thiết, nhưng hòan tòan do con người đã không biết dùng những quà tặng của Ngài ban. Thiên Chúa sẽ kiên nhẫn chờ đợi trong một thời gian để con người ăn năn trở lại, nhưng nếu con người cố tình đi trong đường gian ác, Ngài sẽ lấy lại các quà tặng đã ban và cho những người biết quí trọng và sinh lợi cho Ngài.
- Mỗi người chúng ta cần xét mình để nhìn ra những hoa trái chúng ta đang sinh ra là những nho dại hay nho tốt?
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP

05/10/14 CHÚA NHẬT TUẦN 27 TN – A
Kính trọng thể Đức Mẹ Mân Côi
Lc 1,26-38

Suy niệm: Đoạn Tin Mừng Lc 1,26-38 này thường được chọn cho các lễ về Đức Mẹ, như lễ Đức Mẹ Mân Côi hôm nay, bởi vì đây là bản văn nổi tiếng nhất trong các sách Phúc Âm, theo nghĩa đoạn Tin Mừng được dùng nhiều nhất trong năm Phụng vụ. Hơn nữa, các nhà chú giải còn cho thấy rằng bản văn này ăn rễ sâu trong truyền thống về các cuộc truyền tin trong Cựu Ước. Theo cha Raymond E. Brown, những cuộc truyền tin như vậy là một cách thức tiêu chuẩn trong Thánh Kinh để giới thiệu một nhân vật được Chúa kêu gọi đóng góp một vai trò quan trọng trong lịch sử ơn cứu độ. Vì thế có thể nói rằng đây chính là trình thuật về ơn gọi của Đức Maria.
Mời Bạn chiêm ngắm ơn gọi của Đức Maria để nhận ra: (1) Chúa hiện diện, hoạt động, và đi bước trước trong lời kêu gọi Đức Ma-ri-a; (2) Ma-ri-a đón nhận tiếng gọi thần linh bằng cả lý trí và cảm xúc. Lời thưa “xin Chúa cứ làm cho tôi…” không đến từ sự nhận hiểu trọn vẹn của lý trí, nhưng đúng hơn từ niềm tin đặt vào Thiên Chúa, Đấng luôn trung thành và toàn năng.
Mỗi người chúng ta cũng có một ‘trình thuật ơn gọi’ cho mình, ơn gọi mà Thiên Chúa muốn đề nghị ta đảm nhận trong chương trình của Ngài. Sự đáp trả của Đức Maria mãi mãi là mẫu thức tuyệt vời cho sự đáp trả của mỗi người chúng ta: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.
Sống Lời Chúa: Mỗi ngày lần hạt ít nhất một chục và suy ngắm một trong những mầu nhiệm của chuỗi Mân Côi.
Cầu nguyện: Đọc kinh Kính Mừng.

Sinh hoa lợi (05.10.2014 – Chúa nhật 27 Thường niên, Năm A)

Suy nim:
Hôm nay, Giáo Hội cho chúng ta nghe dụ ngôn những tá điền. 
Những tá điền này được chủ nhà cho canh tác vườn nho của mình, 
để đến mùa hái nho họ giao lại cho ông hoa lợi. 
Đây là một vườn nho được ông chủ quan tâm săn sóc. 
Ông đã trồng, đã rào giậu, khoét bồn đạp nho và xây tháp canh.
Tiếc thay, khi ông chủ sai các đầy tớ đến để thu hoa lợi 
các tá điền chẳng những không nộp, mà còn hành hạ họ và giết đi (c. 35). 
Nhóm đầy tớ thứ hai cũng chịu chung số phận (c. 36). 
Nhưng ông chủ vẫn không thất vọng trước sự độc ác của các tá điền. 
Sau cùng, ông đã sai chính con trai mình đến với họ. 
Đứa con thừa tự cũng chẳng được nể vì, bị lôi ra khỏi vườn nho và giết đi.
Khi kể dụ ngôn này Đức Giêsu muốn nói mình chính là người con ấy, 
người Con của ông chủ vườn nho là Thiên Chúa. 
Ngài tiên báo về cái chết sắp đến của mình 
bởi tay những tá điền sát nhân là các nhà lãnh đạo Do thái giáo đương thời. 
Cái chết của Đức Giêsu nằm trong chuỗi những cái chết của các ngôn sứ 
là các đầy tớ đã được Thiên Chúa sai đến với dân Israel trong dòng lịch sử. 
Tuy nhiên, cái chết ấy đặc biệt cao quý vì là cái chết của chính Người Con.
Hơn thế nữa, cái chết ấy không phải là một dấu chấm hết. 
Nó là cánh cửa mở ra một trang mới của lịch sử, 
không phải chỉ là lịch sử của dân tộc Israel, mà còn của cả nhân loại. 
“Viên đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên viên đá đầu góc.
Đó là công trình của Chúa, công trình kỳ diệu trước mắt chúng ta”
 (c. 42). 
Giáo Hội sơ khai thích dùng trích dẫn trên đây của thánh vịnh 118, 22 
để nói về việc Đức Giêsu bị loại trừ và được tôn vinh (x. Cv 4,11; 1Pr 2,7). 
Bị loại bỏ là việc độc ác của con người, 
còn trở nên viên đá góc là việc làm kỳ diệu của Thiên Chúa.
“Thu hoa lợi”, “nộp hoa lợi”, “sinh hoa lợi” (cc. 34, 41, 43). 
Hoa lợi là điều mà ông chủ nhắm tới khi ông đầu tư cho vườn nho. 
Ông đã không thu được hoa lợi gì từ những tá điền độc ác, 
bởi đó ông đã lấy vườn nho lại, cho người khác làm để lấy hoa lợi. 
Vườn nho bây giờ được hiểu là Nước Thiên Chúa. 
Nước này không còn nằm trong tay giới lãnh đạo dân Do Thái nữa, 
nhưng được trao cho một dân biết sinh hoa lợi (c. 43). 
Dân mới ấy chính là Giáo Hội phổ quát, 
trong đó gồm cả dân ngoại và những người Do Thái tin Đức Giêsu.
Chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về đoàn dân mới. 
Chúng ta hãnh diện vì được trao phó vườn nho là Nước Thiên Chúa, 
và lo lắng trước trách nhiệm phải sinh hoa lợi cho xứng ở đời này. 
Làm thế nào để Giáo Hội nộp hoa lợi đúng mùa cho Chủ? 
Làm thế nào để chúng ta không rơi vào tội của các tá điền đi trước?
Cầu nguyn:
Lạy Chúa Giêsu,
con thường thấy mình không có thì giờ,
nhưng đồng thời cũng thấy mình
lãng phí bao thời gian quý báu.
Nhiều khi con tự hỏi
mình thực sự làm việc bao nhiêu giờ mỗi ngày.
Xin cho con biết quý trọng từng giây phút
đang trôi qua mà con không sao giữ lại được.
Chúa đã trao cho con nén bạc thời gian,
để con sinh lợi tối đa theo ý Chúa.
Xin cho con luôn làm việc như Chúa :
hăng say, tận tụy và vui tươi,
vâng phục, có phương pháp và đầy sáng tạo.
Vì quá khứ thì đã qua,
và tương lai thì chưa đến,
nên xin dạy con biết trân trọng giây phút hiện tại.
Xin cho con thấy Chúa
lúc này đang ở đây bên con,
và đang mời gọi con đáp lại tiếng của Ngài
bằng những hành động cụ thể.

Con xin hiến dâng Chúa giây phút này
như một hy lễ,
với tất cả những bất ngờ, đớn đau, thách đố.
Ước gì con dám sống hết mình giây phút hiện tại
để hiện tại đưa con vào vinh cửu của Chúa. Amen.
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
5 THÁNG MƯỜI
Tính Nhân Bản Của Thánh Kinh
Từ khi Thiên Chúa tự biểu lộ chính Ngài cho Abraham – nghĩa là tái lập cuộc đối thoại giữa con người với Đấng Sáng Tạo vốn đã bị gãy đổ do tội Adam – tính nhân bản đích thực theo Thánh Kinh không ngừng khẳng định phẩm giá độc đáo nơi mỗi con người. Mỗi người đều được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Ngài. Mỗi người đều được Chúa Kitô cứu chuộc và mời gọi đi vào trong mối hiệp thông với Ngài.
Đó là địa vị của con người trong thế giới này và trong bậc thang giá trị. Đành rằng văn chương và nghệ thuật thường đề cập đến tính yếu đuối, mỏng dòn, thú nhục dục, thói đạo đức giả và tính thô bạo của con người. Nhưng chúng ta cũng biết rằng, trên hết, con người thật kỳ diệu với lối suy nghĩ sáng sủa, với những khám phá khoa học, với những cảm hứng trữ tình trong thi ca, với những sáng tạo nghệ thuật trác tuyệt, với tính cách đạo đức anh hùng, và quan trọng nhất là với những chứng tá thánh thiện trong Đức Kitô.
- suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm. Lê Công Đức dịch từ nguyên tác
LIFT UP YOUR HEARTS
Daily Meditations by Pope John Paul II


Lời Chúa Trong Gia Đình
NGÀY 05-10
Chúa Nhật XXVII Thường Niên
Is 5, 1-7; Pl 4, 6-9; Mt 21, 33-43.

LỜI SUY NIỆM: “Bởi đó, tôi nói cho các ông hay: Nước Thiên Chúa, Thiên Chúa sẽ lấy đi không cho các ông nữa, mà ban cho một dân biết làm cho Nước ấy sinh hoa lợi”
Mỗi người đều được Thiên Chúa tin dùng và cho được cọng tác với Ngài trong mọi sự, để sinh lời cho mình và tha nhân, với quyền tự do, tự giác của mình. Nếu không chu toàn thì Ngài sẽ cất đi và giao lại cho người khác.
Lạy Chúa Giêsu. Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con, luôn vui sống trong ơn gọi của Chúa, và làm tốt mọi việc nơi môi trường mà Chúa đã quan phòng đặt để chúng con.
Mạnh Phương


05 Tháng Mười
Sứ Ðiệp Của Một Người Tàn Tật
Hằng năm tổ chức có tên là "Tự nguyện chịu đau khổ" hành hương đến Lộ Ðức để chia sẻ kinh nghiệm của họ khi đối đầu với đau khổ. Năm 1982, khách hành hương đã chú ý đến lời chia sẻ của Jacques Lebreton, một phó tế vĩnh viễn không tay, mù mắt. Chúng ta hãy lắng nghe chứng từ của ông:
Sau trận đánh ở El Alamem, tôi và các bạn của tôi đang lo gỡ mìn. Một anh bạn tôi cầm một quả lựu đạn và vô tình mở chốt. Trong cơn hốt hoảng, anh trao cho tôi. Tôi cứ tự nhiên cầm lấy quả lựu đạn. Nó đã nổ tung trong tay tôi. Tôi tối tăm mặt mũi, không nói được nữa. Tôi cảm thấy mình đang chết. Tôi chỉ còn là một người không tay, không mắt... Tôi toan tự tử.
Trên giường bệnh ở nhà thương, tôi, một người đã không giữ đạo từ lâu, tôi bắt đầu cầu nguyện. Tôi xin được rước lễ. Tôi đã hiểu nguyên do sự đau khổ của tôi là tội lỗi nhân loại: đó là thù oán, kiêu căng, chiến tranh... Và tôi đã tìm lại được sự an vui và trông cậy.
Tôi cảm thấy một cái gì tương tự như Chúa Giêsu trong vườn Giêtsêmani. Ngài cũng không muốn chịu đau khổ. Ngài đã van xin: "Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi uống chén này", nhưng liền sau đó, Ngài lại thưa: "Lạy Cha, xin vâng theo ý Cha". Sau thảm kịch Golgotha, Ngài đã sống lại. Chính nhờ mầu nhiệm chết và sống lại mà Chúa Kitô muốn cho chúng ta cùng sống. Tôi đã đạt đến mức độ không phải là chịu đựng mà là chấp nhận. Chịu đựng là một thất bại. Chấp nhận là một chiến thắng. Trên giường bệnh, tôi đã khóc, khóc vì sung sướng với ý nghĩ ấy. Ðiều mà tự nhiên tôi cũng không thể chịu được, nay nhờ ơn Chúa tôi đã chịu được.
Như lời văn hào Mauriac nói: "Chúa Giêsu không đến để xóa bỏ đau khổ, nhưng để cùng hiện diện với những người đau khổ". Tôi đã cảm nghiệm được lời Chúa phán: "Phúc cho những kẻ khóc lóc, phúc cho những kẻ đau khổ".
Tại Evreux, tôi được gặp một người đàn bà hoàn toàn bất toại, đến nỗi không thể nói được. Nhưng nhờ ngón chân cái của bà, bà có thể máy động bàn chữ cái trên một miếng ván và bà đã tặng cho tôi một bài thơ có tựa đề "Nụ cười".
Tôi liên tưởng đến một người đàn ông khác, bị điếc lúc 14 tuổi, mù từ lúc lên 16 tuổi. Trên giường bệnh, lúc hấp hối, người đàn ông 87 tuổi này đã thốt lên như sau: "Tôi đã trải qua một cuộc đời tốt đẹp".
Ông Jacques Lebreton kết luận như sau: "Tôi, một người không tay, không mắt, tôi cũng thấy đời tươi đẹp. Cuối cùng, sự tàn tật lớn lao nhất là bị chia lìa với Thiên Chúa. Tôi không thể nói như vậy, nếu tôi lành lặn với đôi mắt và đôi tay. Nhưng tôi có thể nói như vậy vì tôi biết thế nào là sống xa Chúa. Và hôm nay, sau một chặng đường dài, tôi lớn tiếng kêu lên với tất cả các người anh em của tôi rằng: Thiên Chúa hằng sống. Ðức Kitô đã sống lại".
Ðã có khoảng 6,000 vụ lành bệnh lạ lùng được ghi nhận tại Lộ Ðức, trong số này chỉ có 64 vụ được Giáo Hội công nhận là phép lạ. Nhưng phép lạ cả thể nhất của Lộ Ðức cũng như của những trung tâm Thánh Mẫu khác: chính là phép lạ của lòng tin. Và trong những phép lạ của lòng tin ấy, kỳ diệu hơn cả vẫn là niềm tin, sự chấp nhận, tinh thần lạc quan của chính những người đau khổ. Trong niềm đau tột cùng trong thân xác cũng như tâm hồn, những con người ấy vẫn còn thấy được ý nghĩa của cuộc sống, tình yêu cao cả của Chúa. Ðó chính là phép lạ mà Chúa vẫn tiếp tục thực hiện qua những người có lòng tin. Và đó cũng là phép lạ mà chúng ta không ngừng kêu cầu Chúa thực hiện.
Nhìn lên thập giá Chúa, trong niềm hiệp thông với Mẹ Ngài, chúng ta hãy cầu xin Chúa ban cho chúng ta được tiếp tục tin yêu, được tiếp tục nhìn thấy ánh sáng phục sinh giữa những đêm tối của khổ đau, thử thách. Chúng ta cũng hãy cầu nguyện cho không biết bao nhiêu người đang quằn quại trong đau đớn của thể xác, trong cô đơn của tâm hồn. Xin cho họ được nâng đỡ, ủi an và tìm được niềm tin.
(Lẽ Sống)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét