21/10/2014
Thứ Ba sau Chúa Nhật
29 Quanh Năm
Bài
Ðọc I: (Năm II) Ep 2, 12-22
"Chính
Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên một".
Trích
thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.
Anh
em thân mến, khi ấy anh em không có Ðức Kitô, anh em bị đặt ra ngoài cộng đồng
Israel, anh em là những người xa lạ đối với những giao ước, không được cậy
trông lời hứa và cũng không được biết Thiên Chúa ở cõi đời này. Xưa kia anh em
là những kẻ ở xa, thì nay trong Ðức Giêsu Kitô, anh em đã nên gần nhờ bửu huyết
của Người. Chính Người là sự bình an của chúng ta, Người đã làm cho đôi bên nên
một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người,
tức là bãi bỏ lề luật cũ với những thể lệ, để kiến tạo cả hai nên một người mới,
đem lại bình an, dùng thập giá giải hoà hai dân tộc trong một thân thể với
Thiên Chúa. Nơi Người, mối thù nghịch đã bị tiêu diệt, và Người đã đến loan báo
Tin Mừng bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở gần. Và
chính nhờ Người mà chúng ta đôi bên được đến gần Cha trong cùng một Thần Trí.
Vì
vậy, anh em không còn là khách trọ và khách qua đường nữa, nhưng là người đồng
hương với các Thánh và là người nhà của Thiên Chúa: anh em đã được xây dựng
trên nền tảng các Tông đồ và các Tiên tri, có chính Ðức Giêsu Kitô làm đá góc
tường. Trong Người, tất cả toà nhà được xây dựng cao lên thành đền thánh trong
Chúa; trong Người, cả anh em cũng được xây dựng làm một với nhau, để trở thành
nơi Thiên Chúa ngự trong Thánh Thần.
Ðó
là lời Chúa.
Ðáp
Ca: Tv 84, 9ab-10. 11-12. 13-14
Ðáp: Chúa phán bảo
về sự bình an cho dân tộc Người (c. 9).
Xướng:
1) Tôi sẽ nghe Chúa là Thiên Chúa của tôi phán bảo điều chi? Chắc hẳn Người sẽ
phán bảo về sự bình an. Vâng, ơn cứu độ Chúa gần đến cho những ai tôn sợ Chúa,
để vinh quang Chúa ngự trị trong đất nước chúng tôi. - Ðáp.
2)
Lòng nhân hậu và trung thành gặp gỡ nhau, đức công minh và sự bình an hôn nhau
âu yếm. Từ mặt đất, đức trung thành sẽ nở ra, và đức công minh tự trời nhìn xuống.
- Ðáp.
3)
Vâng, Chúa sẽ ban cho mọi điều thiện hảo, và đất nước chúng tôi sẽ sinh bông
trái. Ðức công minh sẽ đi trước thiên nhan Chúa, và ơn cứu độ theo sau lốt bước
của Ngài. - Ðáp.
Alleluia:
Ga 17, 17b và a
Alleluia,
alleluia! - Chúa phán: "Lời Cha là chân lý; xin hãy thánh hoá chúng trong
sự thật". - Alleluia.
Phúc
Âm: Lc 12, 35-38
"Phúc
cho đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh thức".
Tin
Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi
ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con hãy thắt lưng, hãy cầm
đèn cháy sáng trong tay, và hãy làm như người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ
về gõ cửa, thì mở ngay cho chủ. Phúc cho những đầy tớ nào khi chủ về còn thấy tỉnh
thức. Thầy bảo thật các con, chủ sẽ thắt lưng, xếp chúng vào bàn ăn, và đi lại
hầu hạ chúng. Nếu canh hai hoặc canh ba, chủ trở về mà gặp thấy như vậy, thì
phúc cho các đầy tớ ấy".
Ðó
là lời Chúa.
Suy
Niệm:
Tỉnh
Thức
Trong
quyển truyện có tựa đề: "Con Ðức Mẹ" xuất bản tại Hà Nội dạo tháng
8/1990, tác giả đã miêu tả sinh hoạt của một giáo xứ miền Bắc một cách ấu trĩ
như sau: Tình yêu giữa vợ chồng, cha mẹ, con cái đôi khi không cần thiết, không
thiêng liêng cho bằng mối tình đối với Ðức Maria. Lòng tôn sùng đối với Ðức Mẹ
chỉ là một thứ bịa đặt lừa bịp của Giáo Hội. Sinh hoạt giáo xứ chỉ là những biểu
dương bề ngoài, cuồng tín, người giáo dân càng sùng đạo, thì càng là thành phần
bất hảo trong xã hội.
Bất
cứ độc giả nào cũng có thể nhận thấy giọng điệu bôi bác ấu trĩ của tập truyện.
Tuy nhiên, với thái độ tỉnh thức mà Chúa Giêsu không ngừng mời gọi, người Kitô
hữu hãy nhận lấy một phần trách nhiệm trong việc gây ngộ nhận nơi nhiều người
ngoài Kitô giáo. Sự thiếu sót giữa niềm tin và cuộc sống hằng ngày; sự hăng hái
sinh hoạt giáo xứ, nhưng lại bỏ qua những đòi hỏi của công bằng, bác ái, tình
liên đới; đó là những hình ảnh méo mó mà chúng ta tạo ra cho Giáo Hội.
"Anh
em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn". Chúa Giêsu mời gọi chúng ta tỉnh
thức. Có lẽ chúng ta rất tỉnh thức trong kinh kệ, trong nghĩa vụ đạo đức, nhưng
lại mê ngủ trong những đòi hỏi của Tin Mừng. Kitô giáo không phải là đạo ru ngủ,
nhưng luôn thức tỉnh chúng ta, bởi vì đạo là đường để đi. Người chăm chú đi đường
không thể ngủ gật, trái lại luôn mở mắt để nhìn thấy cảnh trí chung quanh, để
nhận ra hướng đi của mình, để đồng hành với người khác.
Lời
Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy tỉnh táo để nhận ra Nước Trời đang đến trong
từng giây phút. Chúng ta hãy sống thế nào để đạo lý và Giáo Hội không bị hoen ố,
nhưng được trình bày bằng những hình ảnh cao đẹp nhất của công bằng, bác ái,
yêu thương.
Veritas Asia
Lời Chúa Mỗi Ngày
Thứ Ba Tuần 29 TN2
Bài đọc: Eph 2:12-22; Lk
12:35-38.
GIỚI THIỆU CHỦ ĐỀ: Gương phục vụ của Đức
Kitô
“Con
người đến không phải được phục vụ, nhưng…” Bài đọc I liệt kê tất cả những gì
con người được hưởng qua sự phục vụ của Đức Kitô. Trong Phúc Âm, Chúa Giêsu hứa
Ngài sẽ phục vụ tất cả những ai trung thành với sứ vụ Ngài đã trao.
KHAI TRIỂN BÀI ĐỌC:
1/
Bài đọc I:
Đức Kitô đã hòa giải con người với nhau và với Thiên Chúa.
1.1/
Khác biệt giữa người Do-Thái và Dân Ngọai: Người Do-Thái tự hào là Dân Riêng của Thiên Chúa, tự
hào vì Lề Luật của Thiên Chúa ban cho, và tự hào vì được chính Thiên Chúa lãnh
đạo. Những đặc quyền này làm cho họ khinh thường các dân tộc khác và không muốn
sống chung với Dân Ngọai trong bất cứ hòan cảnh nào. Thánh Phaolô, mặc dù là
Tông Đồ của Dân Ngọai, nhận ra có 4 sự khác biệt giữa người Do-Thái và các Dân
Ngọai: Thuở ấy (trước khi Đức Kitô đến) anh em:
(1) không có Đấng Kitô: Lời hứa của Thiên
Chúa sẽ ban Đấng Thiên Sai được làm với người Do-Thái. Tước hiệu “Kitô” trong
tiếng Hy-Lạp có nghĩa “Đấng được xức dầu.”
(2) không được hưởng quyền
công dân Israel: Các
dân tộc khác đều được xếp lọai là Dân Ngọai; vì thế, không được hưởng những đặc
quyền như những công dân Do-Thái.
(3) xa lạ với các giao ước
dựa trên lời hứa của Thiên Chúa: Thiên Chúa đã ký kết nhiều giao ước với người
Do-Thái qua các tổ phụ của họ. Những giao ước này hòan tòan xa lạ với các Dân
Ngọai.
(4) không có niềm hy vọng,
không có Thiên Chúa ở trần gian này: Không có Thiên Chúa là không có hy vọng được sống. Đối
với các Dân Ngọai, chết là hết.
1.2/
Công cuộc hòa giải của Đức Kitô: Ngài đã làm cho cả người Do-Thái và Dân Ngọai 5 việc
như sau:
(1) Mang hai bên lại gần
nhau: “Trước
kia anh em là những người ở xa, nhưng nay, trong Đức Kitô Giêsu, nhờ máu Đức
Kitô đổ ra, anh em đã trở nên những người ở gần.” Dân Ngọai là những người ở
xa, nhờ Đức Kitô, đã được nhập đòan cùng với người Do-Thái, những kẻ ở gần.
(2) Hy sinh thân mình để
xóa bỏ thù ghét và làm hai bên nên một: “Người đã liên kết đôi bên, dân Do-Thái và Dân Ngoại,
thành một; Người đã hy sinh thân mình để phá đổ bức tường ngăn cách là sự thù
ghét.” Bức tường ngăn cách thể lý đây có thể được nhìn thấy trong Đền Thờ
Jerusalem, nơi mà nếu bất cứ người Dân Ngọai nào vượt qua bức tường này, họ sẽ
bị tử hình bởi người Do-Thái.
(3) Hủy bỏ Luật cũ gồm các
điều răn và giới luật: “Người
đã huỷ bỏ Luật cũ gồm các điều răn và giới luật. Như vậy, khi thiết lập hoà
bình, Người đã tác tạo đôi bên thành một người mới duy nhất nơi chính bản thân
Người.” Để được trở nên công chính trước mặt Thiên Chúa, con người chỉ cần đặt
niềm tin vào Đức Kitô và giữ các điều Ngài dạy.
(4) Hòa giải con người với
Thiên Chúa:
“Nhờ Thập Giá, Người đã làm cho đôi bên được hoà giải với Thiên Chúa trong một
thân thể duy nhất; trên Thập Giá, Người đã tiêu diệt sự thù ghét.” Con người phải
hòa giải với nhau trước khi họ có thể hòa giải với Thiên Chúa. Đức Kitô không
chỉ giúp cho con người hòa giải với nhau, mà còn giúp cho con người hòa giải với
Thiên Chúa nhờ cái chết của Ngài trên Thập Giá.
(5) Mang bình an: “Người đã đến loan
Tin Mừng bình an: bình an cho anh em là những kẻ ở xa, và bình an cho những kẻ ở
gần.” Sự kiện này đã được nhìn thấy trước bởi tiên tri Isaiah (57:19): Dân Ngọai
trở thành những người ở gần (người Do-Thái) nhờ việc hòa giải của Đức Kitô. “Thật
vậy, nhờ Người, cả đôi bên, chúng ta được liên kết trong một Thần Khí duy nhất
mà đến cùng Chúa Cha.”
1.3/
Hậu qủa của việc hòa giải: Thánh Phaolô dùng 2 hình ảnh để nói lên 2 đặc quyền con người được
hưởng sau khi được hòa giải bởi Đức Kitô:
(1) Con người trở nên người
nhà của Thiên Chúa:
“Vậy anh em không còn phải là người xa lạ hay người tạm trú, nhưng là người đồng
hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của Thiên Chúa.” Trong một
quốc gia, người ngọai quốc không được hưởng những đặc quyền của người thường
trú, và những người thường trú không được hưởng những đặc quyền của người công
dân. Cũng như vậy đối với Dân Ngọai, trước khi Đức Kitô đến, họ là những người
xa lạ đối với Dân Thánh (Israel); nhưng khi Đức Kitô đến, Ngài đã làm cho họ trở
nên những người đồng hương với các người thuộc dân thánh, và là người nhà của
Thiên Chúa. Vì thế, họ cũng được hưởng đầy đủ mọi đặc quyền như những người
trong nhà.
(2) Con người trở nên những
viên gạch của Đền Thờ Thiên Chúa: Trong Đền Thờ này, toàn thể công trình xây dựng ăn
khớp với nhau: Đá Tảng Góc Tường là chính Đức Kitô Giêsu, nền móng là các Tông
Đồ và ngôn sứ, còn tất cả mọi người là những viên gạch được xây dựng thành ngôi
nhà Thiên Chúa ngự, nhờ Thánh Thần.
2/
Phúc Âm:
Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ trung thành.
2.1/
Sẵn sàng bằng cách hòan tất các bổn phận Chúa trao: Để đánh giá con
người có trung thành với Thiên Chúa hay không, Chúa Giêsu dùng ví dụ một ông chủ
giao nhà cho các đầy tớ trông coi để đi ăn cưới: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn,
thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa
về tới và gõ cửa, là mở ngay.” Vì tiệc cưới của người Do-Thái thường hay xảy ra
ban đêm và không có giờ giấc rõ rệt, nên đòi những người có trách nhiệm luôn phải
sẵn sàng và nhất là luôn có đèn sáng trong tay. Đêm tối là lúc con người ít chuẩn
bị nhất, và hầu hết các họat động bất chính đều xảy ra ban đêm. Vì thế, để đánh
giá sự chuẩn bị của các đầy tớ, ông chủ trở về bất chợt lúc ban đêm.
2.2/
Đức Kitô sẽ phục vụ các đầy tớ trung thành: Chúa Giêsu tuyên bố: “Khi chủ về mà thấy những đầy tớ
ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt
lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” Lời tuyên bố của
Chúa không bình thường vì việc phục vụ là việc của các đầy tớ; nhưng đây là phần
thưởng dành cho các đầy tớ trung thành. Nếu con người trung thành trong việc phục
vụ tha nhân, con người cũng sẽ được phục vụ bởi Đức Kitô trong vương quốc của
Ngài, như Ngài đã từng phán: “Con Người đến không phải để được phục vụ, nhưng để
phục vụ và phó mạng sống làm giá cứu chuộc cho nhiều người” (Mt 20:28).
ÁP DỤNG TRONG CUỘC SỐNG:
-
Những sự khác biệt đã tạo nên bất đồng, thù ghét, và chiến tranh giữa con người
với con người, giữa quốc gia này với quốc gia kia, giữa con người và Thiên
Chúa.
-
Sự hiện diện của Chúa Kitô xóa tan những sự khác biệt. Ngài đến để hòa giải bằng
cách tiêu diệt mọi bất đồng giữa con người với con người, giữa quốc gia này với
quốc gia kia, giữa con người và Thiên Chúa.
-
Chưa hết, Ngài còn hứa sẽ phục vụ hết tất cả những ai trung thành với ơn gọi
trong vương quốc của cha Ngài.
Linh mục Anthony Đinh Minh Tiên, OP
HẠT GIỐNG NẨY MẦM - MÙA QUANH NĂM - TUẦN 29
Lc 12,35-38
A. Hạt giống...
Từ chìa khóa là “Tỉnh thức”
- Dụ ngôn minh họa sự tỉnh thức : như một người
đầy tớ đang đợi chủ đi ăn cưới không biết sẽ về lúc nào (Tiệc cưới ở do thái
kéo dài không biết đến bao giờ mới kết thúc, có khi kết thúc buổi chiều, có khi
mãi tới nửa đêm hay muộn hơn nữa). Người đầy tớ ấy “thắt lưng cho gọn” (tư thế
sẵn sàng làm việc), và “thắp đền cho sẵn” (để khi chủ về thấy lối mà vào nhà.
Tư thế sẵn sàng phục vụ). Nếu biết rõ lúc nào chủ về thi dễ hơn nhiều, vì chỉ
cần chờ gần tới lúc đó mới thắt lưng và thắp đèn. Nhưng vì không biết chừng nào
chủ về nên phải sẵn sàng luôn. Vừa nghe thấy một tín hiệu nhỏ cho biết chủ sắp
về tới là mau mắn làm việc và phục vụ ngay. Như thế tỉnh thức đi kèm với sẵn
sàng và nhanh nhạy.
- Tỉnh thức để làm gì ? Dụ ngôn nói “để đợi chủ
về”. Nghĩa đầu tiên là đợi chờ ngày Chúa Giêsu lại đến ; nghĩa thứ hai là ngày
chết của mỗi người ; nghĩa thứ ba là những lúc Chúa đến viếng thăm ban ơn cho
ta. Trong cả 3 trường hợp ấy, chỉ có ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới
gặp được Chúa và được Chúa thưởng.
B.... nẩy mầm.
1. 1 Pr 1,13-16 : Thánh Phêrô giải thích thế nào
là tỉnh thức : “đừng chiều theo những đam mê... sống thánh thiện trong cách ăn
nết ở, đề nên giống Đấng Thánh đã kêu gọi anh em”.
2. “Lời Chúa được ngỏ với con người xuyên qua
cuộc sống mỗi ngày, nên cũng luôn mang tính bất ngờ. Chính trong những cái
thường nhật, nhỏ bé, độc điệu mỗi ngày, con người được mời gọi để nhận ra lời
ngỏ của Chúa. Chính trong những cái bất ngờ của cuộc sống mà con người được mời
gọi để nhận ra tiếng Ngài... Xin Ngài cho chúng ta luôn có đôi mắt rộng mở để
nhìn thấy Ngài trong từng biến cố cuộc sống. Xin Ngài cho chúng ta đôi tai tinh
tường để biết lắng nghe tiếng mời gọi của Ngài trong từng phút giây cuộc sống.
Xin Ngài cho chúng ta quả tim và đôi tay rộng mở để biết chia sẻ cho tha nhân
là hiện thân của Ngài” (Trích "Mỗi ngày một tin vui")
3. “Thái độ cơ bản của người kitô hữu, đó là tỉnh
thức. Người kitô hữu tỉnh thức vì biết rằng mỗi khoảnh khắc đều mang một ý
nghĩa đối với một giai đoạn mới hoặc cần thiết cho sự trưởng thành, mỗi biến cố
đều mang nặng sự hiện diện và tác động của Thiên Chúa.” (Trích "Mỗi ngày
một tin vui").
4. Tỉnh thức là luôn luôn ở trong tình trạng đang
làm nhiệm vụ. Lời của một bản thánh ca : “Con Linh mục, con muốn chết ở bên bàn
thờ”.
5. “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, hãy thắp đèn
cho sẵn”. (Lc 12,35)
Nghe ai đó quảng cáo : “Nấm tróc ăn ngon lắm” bạn
tôi liền trổ tài đấu bếp. Trong ngày sinh nhật của nó, nó làm nấm rồi chế biến
thức ăn rất ngon. Trước khi nhập tiệc, nó tuyên bố : sẽ đãi chúng tôi một món
ăn lạ, nhưng hãy an tâm vì nó đã cho con chó ăn thử rồi. Tiệc sinh nhật sắp kết
thúc, trong lúc mọi người đang vui vẻ, đứa em của bạn tôi chạy về vừa nói vừa
thở : “Chi Duyên ơi, con chó nó chết rồi”. Không ai bảo ai, chúng tôi chạy tán
loạn, ai cũng muốn đi bằng phương tiện nào đó đến bệnh viện nhanh nhất. Ngay
lúc đó, người ta kéo xác con chó mới bị đụng xe về, mọi người thở phào nhẹ nhõm
như vừa thoát chết.
Tôi thầm nghĩ : Cuộc sống đời này chỉ là tạm
thời, ai cũng sẽ chết, thế mà người ta lại lo lắng, chăm sóc, bảo vệ. Nhưng bên
cạnh sự sống này còn có một sự sống bất diệt, một cuộc sống cần phải gìn giữ
hơn lại bị coi là thứ yếu vì không mấy người sợ phải chết đời đời.
Lạy Chúa, nếu mỗi người chúng con đều biết tỉnh
thức để sắm sẵn cho mình sự sống đời đời, chắc hẳn thế giới này đã tươi đẹp
hơn. (Hosanna)
Lm. Carolo HỒ BẶC XÁI – Gp. Cần Thơ
21/10/14 THỨ BA TUẦN 29 TN
Lc 12,35-38
Lc 12,35-38
Suy niệm: “Tỉnh thức” là đề tài rất quen thuộc trong
giáo huấn của Chúa Giê-su. Tỉnh thức không hẳn là tỉnh ngủ mà còn là luôn trong
tư thế sẵn sàng trước những tình huống bất ngờ. Cách ứng xử của gia nhân trước
sự trở về bất ngờ của ông chủ là tiêu chuẩn để ông định công luận tội họ. Những
đầy tớ nào biết chu toàn cách trung thành việc bổn phận của mình thì cái bất
ngờ nhất cũng sẽ không còn bất ngờ nữa, mà trái lại, họ đón nhận chúng trong tư
thế sẵn sàng như một việc bình thường phải xảy ra. Những người đầy tớ ấy mới
xứng đáng được ông chủ khen thưởng.
Mời Bạn: Có
những biến cố chúng ta có thể lường trước nhưng lắm khi lại bị bất ngờ mà
nguyên nhân là vì chúng ta chủ quan không chuẩn bị sẵn sàng: mưa bão, lụt lội,
cháy rừng, lở đất, tai nạn giao thông, v.v… và hậu quả là thiệt hại nghiêm
trọng về tài sản cũng như về nhân mạng. Biến cố lớn nhất mà mọi người chắc chắn
đều phải gặp đó là cái chết. Biết thế rồi mà biết bao người vẫn bất ngờ trước
cái chết của mình. Bạn đã và đang lam gì cho ngày ra đi của bạn? Hạnh phúc cho
ai biết chuẩn bị sẵn sàng cho ngày giờ ấy!
Chia sẻ: Đối
diện với đau khổ và cái chết của người thân yêu là cơ hội để ta ăn năn và tỉnh
thức mỗi ngày. Bạn có biết lợi dụng điều này chưa ?
Sống Lời Chúa: Sống
ngày hôm nay như ngày cuối cùng của đời tôi, để tôi luôn làm điều tốt đẹp nhất
cho những người tôi gặp gỡ hôm nay.
Cầu nguyện: Lạy Chúa, xin cho con biết luôn sẵn sàng cho ngày Chúa đến, để
không phụ lòng Chúa nhắc nhở con.
Chủ sẽ phục vụ
Kitô hữu biết mình chờ ai,
chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến. Chờ một cách tích cực với thái độ sẵn
sàng làm việc dưới ánh đèn.
Suy niệm:
Chúng ta dành bao nhiêu thời
gian để ăn, ngủ, và làm việc trong một đời?
Nhiều người nghĩ mình có thể
đưa ra những con số khá chính xác.
Nhưng chúng ta dành bao
nhiêu thời gian để chờ?
Có thứ chờ tính được bằng
thời gian.
Có thứ chờ kéo dài liên tục
nằm nơi trái tim mong ngóng.
Mẹ chờ con, vợ chờ chồng,
những người yêu chờ nhau.
Trong một vở kịch của Samuel
Beckett, văn sĩ được giải Nobel 1969,
có hai người chờ một nhân
vật mơ hồ tên là Godot.
Cả hai chỉ quen sơ sơ ông
này, nếu có gặp cũng chẳng nhận ra.
Vậy mà họ vẫn chờ, nhưng ông
Godot nào đó đã không đến.
Có lẽ Samuel Beckett muốn
nói đến cái phi lý của đời người.
Cứ chờ cứ đợi một điều mơ hồ
và chẳng xảy ra.
Đức Giêsu dạy các môn đệ
biết chờ đợi trong cuộc sống.
Chờ như những đầy tớ chờ chủ
mình đi ăn cưới về.
Đám cưới ngày xưa hay vào
ban đêm để tránh cái nóng.
Chủ có thể về trễ, nên phải
chịu khó chờ,
nghĩa là phải tỉnh thức,
không được ngủ quên.
Nhưng chờ lại không phải là
thái độ ngồi yên, thụ động.
Chờ là đặt mình trong tư thế
sẵn sàng phục vụ.
“Anh em hãy thắt lưng cho
gọn, thắp đèn cho sáng” (c. 35).
Người đầy tớ sẵn sàng bắt
tay vào việc,
vì chiếc áo đã được vén lên
gọn gàng,
và trong đêm, ngọn đèn được
châm dầu vẫn luôn cháy sáng.
Có một giây phút quan trọng,
giây phút ông chủ về.
Sự chờ đợi, sự tỉnh thức, sự
sẵn sàng, tất cả hướng đến giây phút này.
Lỡ giây phút này là lỡ tất
cả.
“Để khi chủ về tới, gõ cửa
thì mở ngay” (c. 36).
Mở ngay vì mình đang chờ,
đang thức, đang sẵn sàng,
áo đã được vén lên để chuẩn
bị phục vụ,
đèn đã được thắp sáng để soi
trong bóng đêm.
Chủ sẽ ngỡ ngàng vì sự mau
mắn như vậy của các đầy tớ.
Nhưng các đầy tớ còn ngỡ
ngàng hơn nhiều.
Chính khi các anh chuẩn bị
phục vụ chủ, thì chủ lại phục vụ các anh.
“Chủ sẽ thắt lưng, đưa họ
vào bàn ăn,
và đến bên từng người mà
phục vụ” (c. 37).
Rõ ràng đã có một sự đổi vai
bất ngờ: chủ đã thắt lưng, phục vụ như đầy tớ.
Đầy tớ đã trở nên trọng hơn
chủ, vì Thầy ở giữa anh em như người hầu bàn.
Đó là mối phúc dành cho
người tỉnh thức vào giờ lẽ ra đang yên ngủ.
Canh hai, canh ba, là đã quá
nửa đêm về gần sáng (c. 38).
Kitô hữu biết mình chờ ai,
chờ một người sớm muộn chắc chắn sẽ đến.
Chờ một cách tích cực với
thái độ sẵn sàng làm việc dưới ánh đèn.
Hạnh phúc đến với tiếng gõ
cửa đầu tiên trong đêm.
Chúng ta mong nghe được
tiếng gõ nhẹ ấy như một tiếng gọi.
Xin mở cửa ngay để được thấy
tận mắt Thiên Chúa phục vụ con người.
Cầu nguyện:
Lạy Chúa,
con thường thấy mình không
có giờ cầu nguyện,
không có giờ đi vào sa mạc
để ở bên Chúa và trò chuyện
với Ngài.
Nhưng thật ra sa mạc ở sát
bên con.
Chỉ cần một chút cố gắng của
tình yêu
là con
có thể tạo ra sa mạc.
Mỗi ngày có biết bao giây phút có thể gặp Chúa
mà con đã bỏ mất :
Khi chờ một người bạn,
chờ đèn xanh ở ngã tư,
chờ món hàng đang được gói.
Khi lên cầu thang,
khi đến nơi làm việc,
khi kẹt xe,
khi cúp điện bất ngờ.
Thay vì bực bội hay nóng ruột
con lại thấy mình sống an
bình
trong sự hiện diện của Chúa.
Lạy Chúa,
những sa mạc ngắn ngủi hằng
ngày
giúp con tỉnh thức
để nhạy cảm với ý Chúa.
Xin cho con yêu mến Chúa hơn
để tìm ra những sa mạc mới
và vui vẻ bước vào.
(gợi hứng từ Madeleine Delbrêl)
Lm Antôn Nguyễn Cao
Siêu, SJ
Suy niệm
Ngày nay
khi chúng ta đi đến những cửa hàng, ngân hàng hay vào trong siêu thị hoặc những
nơi quan trọng khác chúng ta thường gặp những người bảo vệ hay lính canh gác.
Nhiệm vụ của họ là phải tỉnh táo để quan sát chung quanh, ai đến hay ra về họ
điều biết. Một lần nọ, tôi được mời đến thăm một công ty và thấy anh tài xế lái
xe cho giám đốc. Anh đến trước giờ hẹn vài phút đứng sẵn ở cửa xe, khi ông giám
đốc vừa xuất hiện anh liền mở cửa xe cho ông ấy vào.
Hình ảnh
đó làm cho tôi liên tưởng đến lời Chúa Giêsu trong bài Tin Mừng hôm nay: ‘Hãy
làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là
mở ngay.’ Muốn mở cửa đúng lúc khi chủ về chúng ta phải tỉnh thức và
sẵn sàng. Trong xã hội, có những vệ sĩ, bảo vệ chu toàn nhiệm vụ. Tuy nhiên, có
những người sao lãng công việc bổn phận thường bị chủ rầy, nếu nặng sẽ bị thôi
việc.
Hình ảnh
rất hay và ý nghĩa qua dụ ngôn mười cô trinh nữ, trong đó năm cô sẵn sàng và
năm không sẵn sàng. Kết quả chỉ có phân nửa được vào và năm người còn lại đành
phải ở bên ngoài tiệc cưới (Mt 25,1-13). Lý do tại sao? Thưa vì họ thiếu ‘dầu
sẵn sàng’; thiếu ‘dầu thức tỉnh’; thiếu ‘dầu tin, cậy và mến’.
Muốn có những thứ dầu trên chúng ta hãy lắng nghe lời khuyên của Thánh Phêrô: ‘Vì
thế, anh em hãy chuẩn bị lòng trí, hãy tỉnh thức, hãy hoàn toàn đặt niềm trông
cậy vào ân sủng sẽ được mang đến cho anh em trong ngày Đức Kitô tỏ hiện.
Như những người con biết vâng phục, anh em đừng chiều theo những đam mê trước
kia nhưng hãy sống thánh thiện trong cách ăn nết ở, để nên giống Đấng Thánh đã
kêu gọi anh em.’ (1 Pr 1,13-15)
Vậy, theo
Thánh Phêrô, sống công chính và thánh thiện là cách tốt nhất để chúng ta đón
mời Chúa đến. Thật vậy, các thánh là mẫu gương tuyệt vời cho chúng ta về bài
học thức tỉnh và sẵn sàng. Cụ thể như Thánh Gioan Thánh giá, trước giờ hấp hối
ngài nói với các anh em trong dòng:‘Giờ này tôi đọc kinh với anh em nhưng
ngày mai vào giờ này tôi sẽ đọc kinh với Chúa trên Thiên đàng.’
Lạy Chúa,
xã hội ngày nay đang chạy theo chủ nghĩa thực dụng, họ chạy theo thời gian đến
nỗi không có giờ ăn hoặc nghỉ ngơi đúng lúc. Dù là bận rộn như vậy, nhưng xin
Chúa cho chúng con biết dành thời gian cho Chúa để chuẩn bị tâm hồn, nhất là
luôn sống thánh thiện và công chính như Chúa hằng ước mong: ‘Các con hãy hoàn
thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện.’
Hãy Nâng Tâm Hồn Lên
21
THÁNG MƯỜI
Nhu
Cầu Tiếp Nhận Nguời Tị Nạn
Các
quốc gia trên thế giới cần phải hợp tác với nhau để đáp ứng nguyện vọng về chỗ
định cư cho những người muốn tìm đất sống mới. Chỉ có sự hợp tác trên qui mô lớn
giữa các chính phủ mới có thể có được giải pháp thỏa đáng cho vấn đề vốn dai dẳng
và nghiêm trọng này. Trong Thông Điệp Pacem in terris, Đức Gioan XXIII đã đề cập
đến tình trạng của những người bị trục xuất khỏi quê hương mình vì những lý do
chính trị (PT 103–108). Ngài nhấn mạnh: “Những người tị nạn ấy là những nhân vị,
và tất cả những quyền lợi của họ trong tư cách là những nhân vị cần phải được
tôn trọng. Người tị nạn không thể mất các quyền căn bản của mình, cho dù họ bị
tước đoạt quyền công dân tại xứ sở của họ”. (PT 105)
Với
những lời khẳng quyết mạnh mẽ này, Đức Gioan XXIII đã đưa ra những lý do căn bản
tại sao chúng ta – những Kitôhữu – phải quan tâm đến các anh chị em tị nạn. Họ
đến với chúng ta từ những hoàn cảnh đau khổ và bị ngược đãi. Bổn phận của chúng
ta là phải bảo vệ những quyền lợi cốt thiết của họ, những quyền căn bản của mọi
con người, những quyền không thể bị chế định bởi các yếu tố của tự nhiên hay bởi
những hoàn cảnh chính trị xã hội.
-
suy tư 366 ngày của Đức Gioan Phaolô II -
Lm.
Lê Công Đức dịch
từ nguyên tác
LIFT
UP YOUR HEARTS
Daily
Meditations by Pope John Paul II
Lời Chúa Trong Gia
Đình
NGÀY
21-10
Ep
2, 12-2; Lc 12, 35-38.
LỜI
SUY NIỆM: “Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho
sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ
cửa thì mở ngay”
Trong
đời sống của mỗi người đều được Chúa ban cho một công việc, để nuôi sống bản
thân và gia đình, và đem lại sự sống đời sau. Trong công việc mỗi người phải
chu toàn, làm đến nơi, chứ không làm nửa chừng, mà vui chơi chè chén say sưa.
Không ai được coi thường công việc của mình, nhưng phải chu toàn trước khi ngày
chấm dứt và đêm đến. Trong việc chuẩn bị đón gặp Chúa cũng vậy. Nên Chúa Giêsu
luôn mời gọi tất cả con cái của Người luôn phải tỉnh thức trong tư thế làm việc,
chu toàn bổn phận một cách tích cực, vì ngày giờ Chúa đến không biết khi nào
“Chủ đi ăn tiệc cướivề” Để gặp được Chúa.
Lạy
Chúa Giêsu, Xin cho mọi thành viên trong gia đình chúng con luôn ý thức vai trò
của mình với bổn phận và trách nhiệm trong công việc hằng ngày là: luôn mong chờ
Chúa đến.
Mạnh
Phương
21
Tháng Mười
Hai Cha Con Và Con
Lừa
Một
trong những câu chuyện ngụ ngôn mà người Mỹ thường kể cho con cái nghe nhất đó
là câu chuyện: "Hai cha con và con lừa". Có hai cha con dắt con lừa
ra chợ bán. Cha ngồi trên lưng lừa, con đi bộ theo sau. Người đi đường thấy thế
bèn nói: "Cha gì mà không biết thương con! Ngồi trễm trệ trên lưng lừa,
trong khi con phải đi bộ!". Nghe vậy, người cha bèn nhảy xuống khỏi lưng lừa
và nhường cho con cưỡi lừa. Ði được một chốc, hai cha con lại nghe người hai
bên đường chỉ trích: "Ðồ con bất hiếu, ngồi ung dung trên lưng lừa, trong
khi cha lại đi cuốc bộ". Nghe như vậy, hai cha con mới bảo nhau: "Chỉ
còn một cách để cho thiên hạ khỏi nói là hai ta cùng cưỡi lừa".
Thế
là hai cha con cùng leo lên lưng lừa. Nhưng đi được một quãng, họ lại bắt đầu
nghe một lời phê bình khác: "Thật là đồ vô nhân đạo! Làm sao con lừa chịu
đựng cả một sức nặng như thế".
Nghe
thế, hai cha con lại vội nhảy xuống khỏi lưng lừa. Lần này thì cũng có người
phê bình: "Ðồ dại dột, có lừa mà không dám cưỡi lại phải đi bộ". Hai
cha con không biết nghĩ sao, đành phải nai lưng khiêng con lừa đến chợ.
Ðôi
khi chúng ta cũng bị ảnh hưởng rất nhiều vì những lời khen chê của thiên hạ. Dĩ
nhiên chúng ta cần phải biết lắng nghe những ý kiến xây dựng của những người có
thiện chí muốn giúp đỡ chúng ta. Tuy nhiên chúng ta không nên để mình bị
"rung động" bởi những lời dèm pha thiếu nền tảng của người khác.
Trong
Giáo Hội cũng có những người mắc phải chứng bệnh thích chỉ trích phê bình người
khác. Họ quên rằng mình cũng chỉ là những con người đầy khiếm khuyết. Họ là những
gai nhọn hoặc dấm chua trong Giáo Hội. Sự hiện diện của họ thường gây sứt mẻ
hơn là góp phần xây dựng Giáo Hội trong tình yêu thương và hiệp nhất.
(Lẽ
Sống)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét